Kiểm soát thượng nguồn sông Mekong: TQ đang “bức tử” các nước hạ lưu


Tổ chức dân sự Mekong Butterfly cho rằng 8 đập thủy điện ở Trung Quốc là thủ phạm chính gây tình trạng nước sông xuống thấp kỷ lục khi đã giữ lại hơn 40 tỷ m3 nước phục vụ phát điện, tưới tiêu.

Trung Quốc giữ nước gây ảnh hưởng tiêu cựu tới hạ lưu
Sông Mekong, tiếng Trung Quốc gọi là Lan Thương, là con sông dài thứ 7 ở châu Á, cung cấp nguồn sống và nơi cư trú cho các cộng đồng ven sông và các loài hoang dã tự nhiên dọc theo dòng chảy của nó từ Trung Quốc và Myanmar đến Lào và Thái Lan, xuống Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra biển. Việc xây đập của Trung Quốc trên thượng nguồn Mekong từ lâu đã được coi là mối nguy cơ về địa chính trị cho các nước hạ nguồn ven sông và là nguồn gốc cho các xung đột tiềm tàng cho toàn bộ tiểu vùng Mekong mở rộng, bao gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Nguy cơ này đã tự bộc lộ một cách bộc phát qua các mùa khô hàng năm, khi khoảng 60 triệu người trong các làng chài và cộng đồng dọc theo sông Mekong bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng bất kỳ sự phản đối nào cũng bị các hiện thực địa chính trị làm cho câm lặng.
Thông tin trên cho biết, trong giai đoạn nắng hạn hiện nay, mực nước xuống thấp nhất khi đập Cảnh Hồng giảm lưu lượng xả nước xuống 500 m3/s. Tuy Trung Quốc (18/7) co tăng lượng xả lên 1.000m3/s, nhưng mực nước ở các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan vẫn thấp kỷ lục, khiến việc đi lại, đánh cá, bơm nước trở nên không thể. Theo Pianporn Deetes, điều phối viên tại Thái Lan của International Rivers, tổ chức bảo vệ các dòng sông và cộng đồng ven sông, hiện một số trạm bơm cấp nước ở cả Thái Lan và Lào (bao gồm ở Vientiane) cũng đang gặp vấn đề, đồng thời khẳng định điều này cho thấy rõ ràng các đập thủy điện của Trung Quốc đang làm vấn đề trầm trọng hơn.
Ngoài lượng mưa giảm, việc các đập thủy điện từ thượng nguồn thay đổi dòng chảy cũng là nguyên nhân khiến mực nước sông Mekong xuống thấp. Đáng chú ý, theo giới chuyên gia, năm nay có hiện tượng thời tiết El Niño, khiến lượng mưa và kéo theo đó là lượng nước trên sông Mekong giảm. Lượng nước vào Việt Nam không còn đủ để đẩy lượng mặn ra. Độ mặn cao ảnh hưởng đến canh tác, các vùng trồng lúa, đến nhu cầu nước sinh hoạt.
Không những vậy, phù sa và lượng cá về vùng đồng bằng sẽ ít đi, thay vào đó tích tụ ở thượng nguồn, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Ít phù sa dẫn đến sạt lở gia tăng và đất kém phì nhiêu. Báo cáo gần đây của Ủy hội sông Mekong cho thấy các dự án đập thủy điện trên dòng Mekong sẽ giảm hệ thủy sinh tới 40% vào năm 2020 và dự đoán 80% nguồn cá sẽ cạn kiệt vào năm 2040. Nguồn cá ở Việt Nam sẽ giảm 30%, trong khi ở Thái Lan giảm 55%, Lào 50% và Campuchia 35%.
Bản đồ do Bangkok Post công bố về các dự án đập dọc sông Mekong cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành 10/11 dự án đập. Đoạn sông Mekong tiếp theo, đi qua Lào rồi đến Campuchia, trước khi sang tới Việt Nam có tới 9 dự án đập thủy điện khác nằm trong kế hoạch và hai dự án đang xây là đập Xayaburi và đập Don Sahong ở biên giới Lào - Campuchia.
Tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok chỉ ra rằng nền kinh tế lưu vực sông Mekong phụ thuộc vào mực nước và giao thông đường thủy, vận chuyển hàng hóa. Các nước hạ lưu sông Mekong vẫn dựa vào sông nước làm sinh kế, để khai thác thủy sản, làm môi trường nuôi trồng thủy sản. Việc Trung Quốc đang xây dựng các đập thủy điện mà không lắng nghe lo ngại của các nước bị tác động và “độc quyền, thao túng nguồn nước” giống việc xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo ngoài Biển Đông. Theo ông, các nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là Việt Nam và Campuchia, cần phải cùng nhau lên tiếng và kêu gọi các nước ASEAN khác ủng hộ, trong việc yêu cầu Trung Quốc có trách nhiệm hơn. Nếu Trung Quốc độc quyền nguồn nước, xây dựng đập một cách tùy ý và gạt đi các nước hạ lưu, chính họ sẽ ngày càng bị chống đối.
Trong khi đó, Quỹ Động thực vật hoang dã Thế giới (WWF) năm 2015 ví đập Don Sahong như “quả bom hẹn giờ đe dọa đến hệ sinh thái, an ninh lương thực của hàng triệu người và quần thể cá heo Irrawaddy đang nguy cấp trên sông Mekong... tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ sinh thái suốt cho đến Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Các đập thủy điện sẽ phóng đại ảnh hưởng của thời tiết đối với Việt Nam nằm ở cuối dòng Mekong. Khi mưa nhiều, các đập lại xả xuống hạ lưu nhiều, lại gia tăng lũ lụt... Vì khi có quá nhiều nước, phải xả ra, nếu không vỡ đập. Nhưng khi khô hạn các đập lại làm cho hạ lưu khô hạn hơn.
Ngoại giao nguồn nước của Trung Quốc
Đây chính là lý do mà Trung Quốc mong muốn đưa các nhà lãnh đạo Mekong đến bàn họp cơ chế Hợp tác Lan Thương - Mekong (LMC). Chương trình hội nghị thượng đỉnh của Bắc Kinh bao gồm năm điểm: từ kết nối hạ tầng, công nghiệp hóa, đến thương mại biên giới, quản lý nguồn nước, hợp tác nông nghiệp và giảm nghèo. Nhưng đằng sau các bức ảnh tuyên truyền và kế hoạch làm việc, ý tưởng của LMC biểu tượng hóa cho những nỗ lực khôn khéo của Trung Quốc nhằm thiết lập thể chế và luật chơi của mình.
Hơn nữa, sáng kiến LMC cũng cạnh tranh với Ủy hội sông Mekong (MRC), vốn được thành lập bởi Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam từ năm 1995 với sự hỗ trợ về chuyên môn và tài chính từ quốc tế nhằm quản lý các nguồn lợi của con sông thông qua các nghị định thư và công ước quốc tế điều chỉnh các tuyến đường sông chính trên toàn cầu. Myanmar và Trung Quốc là các đối tác đối thoại của MRC nhưng Trung Quốc đã chủ tâm gạt MRC ra bên lề. Đối với Trung Quốc, sáng kiến LMC do Trung Quốc dẫn dắt mới là khuôn khổ quản lý sông Mekong hợp lý và được ưu tiên.
Các thủ đoạn của Trung Quốc trên sông Mekong là không đáng ngạc nhiên và thống nhất với các động thái tương tự như ở các nơi khác. Trong thực tế, những gì Trung Quốc đã làm bằng việc xây đập trên sông Mekong và giành ảnh hưởng không chính đáng lên các nước hạ nguồn là tương tự với và có liên quan đến các dự án xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Cách tiếp cận của Bắc Kinh vừa đơn giản vừa gây tranh cãi như tất cả đều có thể chứng kiến: xây trước, nói chuyện sau (nếu như có nói).
Ở Biển Đông, các nước ven biển của ASEAN đang xây dựng một mặt trận thống nhất và tìm kiếm sự cam kết can dự quốc phòng mạnh mẽ của Mỹ đối với khu vực. Đáp lại, Mỹ vừa tích cực vừa chừng mực. Tuy nhiên, sự thống trị của Trung Quốc trong phạm vi Mekong lại không thể bị kiềm chế bởi sự vượt trội của hải quân Mỹ. Châu thổ Mekong là để dành cho ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt nếu xét đến các chính thể chuyên chế tương tự nhau như ở Bangkok, Viên Chăn và Phnom Penh, những người đang được khuyến khích đi theo dòng chảy chuyên chế. Hà Nội phản đối Trung Quốc trên Biển Đông nhưng lại mềm giọng trong các vấn đề Mekong. Do vậy, Trung Quốc sẽ tự tung tự tác ở Đông Nam Á lục địa một thời gian nữa. Trung Quốc chắc chắn sở hữu những con đập mà nó xây dựng nhưng dòng nước chảy qua các con đập đó không phải của riêng Trung Quốc. Nó bắt nguồn từ các rặng núi Himalaya và thuộc về tất cả những người đã phụ thuộc vào nó hàng thế kỷ qua. Việc đắp đập ngăn sông của Trung Quốc đã có những hậu quả tiêu cực trong thực tế.
Đối với Trung Quốc, chặn dòng nước vì lợi ích của chính mình rồi giả vờ nhân từ đề nghị chia sẻ nó với những nước hạ nguồn chỉ đem lại con bài mặc cả trong ngắn hạn. Nhưng cuối cùng, cách tiếp cận thiển cận của Trung Quốc khi chơi theo luật chơi của mình mà không quan tâm đến các bên khác có thể gây tác dụng ngược. Hôm nay, Myanmar là nước không chắc sẽ phục tùng Bắc Kinh trong vấn đề Mekong. Sau này đó có thể là Thái Lan, khi đất nước quay trở lại với các quy tắc dân chủ, hoặc có lẽ là Việt Nam, khi đơn giản là nước này đã chịu đựng quá đủ. Quyền lực từ các con đập của Trung Quốc có thể đập lại lưng Trung Quốc khi các nước nhỏ đoàn kết lại để chống lại điều đó.
Những nước bị ảnh hưởng nặng nề
Tại Việt Nam, hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, một trong những ngành kinh tế chính của quốc gia. Ngân hàng HSBC ước tính hạn hán tại Mekong sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng từ 6,7% xuống còn 6,3%. Trên 360.000 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt; gần 140.000 hecta của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa chính của nước này, bị khô cạn. Các cánh đồng còn bị xâm nhập mặn, do nước biển tràn vào khi mực nước sông giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1926.
Tại Thái Lan, 27 trên tổng số 77 tỉnh, trong đó bao gồm cả khu vực hành chính Bangkok, chính thức bị liệt vào danh sách vùng chịu thảm họa hạn hán. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ giảm 0,85%. Một minh chứng cụ thể nhất là hồ chứa nước tại đập Uboldrat, hồ cung cấp nước lớn nhất tỉnh Khon Kaen, kể từ tháng 3/2016 đã bị xác định trong tình trạng “dự trữ chết”, tức là mực nước đã tụt xuống dưới mức mà các máy bơm có thể rút nước để cung cấp cho các nơi khác. Để đáp ứng nhu cầu nước của mình, nhiều ngôi làng ở Thái Lan đã đào giếng tìm nguồn nước với sự hỗ trợ từ ngân sách chính phủ, nhưng họ cũng phải đào sâu hơn những năm trước, có nơi sâu tới 40m. Tuy nhiên, giáo sư xã hội học của trường Đại học Khon Kaen, Buapun Promphaking cho biết những nguồn cung này sẽ sớm cạn kệt do mực nước ngầm cũng đã được tận dụng cho nông nghiệp trong đợt hạn hán từ năm 2015 và không phải nơi nào cũng có nước sạch vì ở nhiều quốc gia nước có nồng độ muối rất cao.
Tại Campuchia, hạn hán đã khiến cho tốc độ tăng trưởng nông nghiệp tại quốc gia này giảm mạnh, từ 5% xuống chỉ còn 1% trong giai đoạn 2004 - 2012. Tốc độ tăng trưởng năm 2016 dự kiến còn thấp hơn do hạn hán ngày một nghiêm trọng.
Các nước cần đoàn kết
Các nước ở lưu vực sông Mekong, đặc biệt là những nước nằm ở hạ lưu con sông dài thứ 7 của châu Á này, cần có một chiến lược tập thể để đảm bảo tương lai của mình trước sự kiểm soát của Trung Quốc đối với vùng thượng lưu con sông và trước những thay đổi đang diễn ra trong môi trường địa chính trị toàn cầu.
Mặc dù tất cả 6 nước trong lưu vực sông Mekong ngày càng sử dụng nhiều tài nguyên từ con sông này - như xây đập ở dòng chảy và các nhánh chính, vận tải đường thủy và đánh bắt cá - song hiện vẫn không có các thủ tục rõ ràng để tất cả các nước này đảm bảo việc bảo vệ môi trường và phân phối tài nguyên công bằng. Bất đồng, đôi khi là những tranh cãi, trong việc sử dụng và quản lý nguồn nước đã xảy ra trong thập kỷ qua, khi một số hoạt động gây những ảnh hưởng xuyên biên giới. Việc xây và vận hành nhà máy thủy điện ở dòng chính sông Mekong trong vùng lãnh thổ của Lào và Trung Quốc cũng gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các nước ở hạ lưu. Các con đập có thể tạo sự thay đổi bất thường của dòng chảy, cản trở đường thủy và ngăn cản sự di cư tự nhiên của các loài cá dọc theo dòng sông này.
Bốn nước ở hạ lưu sông Mekong - gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam - đã ký một thỏa thuận từ năm 1995, thiết lập các quy định cho việc sử dụng dòng sông và thành lập MRC để điều phối và thực thi thỏa thuận này. Là tổ chức liên chính phủ, MRC đang nỗ lực tác động tới quyết định của các quốc gia có chủ quyền về sử dụng nước như Lào - nước đã quyết định thúc đẩy dự án Xây dựng đập Xayaburi và đập Don Sahong ở dòng chính sông Mekong. Nhiều con đập nữa, trong đó có những con đập ở Pak Beng và Pak Lay, đang được lên kế hoạch xây dựng.
Cơ chế quan trọng của MRC theo thỏa thuận ký năm 1995 - được biết tới với tên gọi Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Nhất trí (PNPCA) - không mấy hiệu quả trong việc ảnh hưởng tới các quyết định của các nước thành viên. MRC và 4 nước thành viên giờ đây đối mặt với một thách thức lớn nữa là làm thế nào có thể giải quyết các vấn đề ở lưu vực sông Mekong, trong khi Trung Quốc đề xuất thiết lập LMC năm 2016, đưa tất cả 6 nước sông Mekong chảy qua vào một khuôn khổ. Mặc dù thẩm quyền của MRC và LMC là khác nhau, song có một số việc chồng chéo, đặc biệt là việc quản lý nguồn nước. Có một số lời kêu gọi mở rộng MRC trong vài năm qua để bao phủ cả phần phía trên lưu vực sông Mekong bằng cách mời Trung Quốc và Myanmar trở thành thành viên đầy đủ. Tuy nhiên, cả hai nước này hiện vẫn là “đối tác đối thoại” của MRC kể từ năm 1996. Điều này khiến MRC chỉ có thể có được một mức độ hợp tác nhất định về quản lý nguồn nước với việc Trung Quốc nhất trí chia sẻ dữ liệu thủy văn với tổ chức này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện