Tin Việt Nam – 30/07/2019

Tin Việt Nam – 30/07/2019

Phản đối BOT, Hà Văn Nam

bị 30 tháng tù vì tội ‘gây rối’

Lái xe Hà Văn Nam cùng 6 tài xế khác bị đưa ra xét xử trong phiên tòa lưu động tại UBND xã Đào Viên, huyện Quế Võ, Bắc Ninh hôm 30/7 với tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’ theo Điều 318, Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Ông Hà Văn Nam bị tuyên 30 tháng tù giam.
Người nhận án cao nhất, 36 tháng tù, là Nguyễn Quỳnh Phong, sinh năm 1986.
Cùng tội danh, ông Lê Văn Khiển, sinh năm 1990, nhận 30 tháng tù.
Bên cạnh đó, các bị cáo Nguyễn Tuấn Quân (SN 1984), Vũ Văn Hà (SN 1990), Ngô Quang Hùng (SN 1993) mỗi người chịu 24 tháng tù; bị cáo Trần Quang Hải (SN 1991) lĩnh 18 tháng tù.
Vụ Hà Văn Nam ‘cần lãnh đạo cấp cao cứu xét’
Giảm giá vé BOT: ‘Sửa sai’ hay ‘xoa dịu’?
Hà Văn Nam là ai, tại sao bị bắt?
Các bức ảnh chụp thời điểm trước phiên tòa được đăng rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy có rất đông các sắc phục công an trước cổng tòa. Nhiều người dân cũng tập trung trước cổng UBND để nghe phiên xử qua loa phóng thanh bất chấp thời tiết nắng nóng.
Luật sư Hà Huy Sơn, người tham gia bào chữa cho ông Hà Văn Nam, viết trên Facebook cá nhân về quan điểm bào chữa của ông rằng “Không có căn cứ buộc tội Hà Văn Nam”.
Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng ông Hà Văn Nam không có lỗi cố ý trực tiếp gây ra ách tắc giao thông trên Quốc lộ 18 tại Trạm thu phí BOT Phả Lại hôm 31/12/2018. Luật sư Sơn kiến nghị bác truy tố của Viện kiểm sát đối với Hà Văn Nam theo điểm C khoản 2 Điều 318 Bộ luật hình sự.
Ông Nam bị công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 5/3/2019 để điều tra về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” tại trạm thu phí BOT Phả Lại trên tuyến Quốc lộ 18 đoạn qua huyện Quế Võ..
Trạm BOT Phả Lại đặt tại xã Đức Long (Quế Võ) trên Quốc lộ 18 đoạn tiếp giáp giữa Bắc Ninh – Hải Dương, thực hiện thu phí từ 27/12/2018. Sau đó, nhiều người dân quanh khu vực phường Phả Lại, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã tập trung phản đối trạm này do cho rằng việc thu phí có nhiều bất cập.
Báo Tiền Phong thời điểm đó đưa tin người dân “có biểu hiện gây rối trật tự công cộng” “buộc lực lượng chức năng phải tuyên truyền, giải thích.”
Trong đó, ông Nam được cho là đã cùng với 100 người khác đi trên các xe ô tô vào 31/12, “tập trung dừng đỗ trong trạm thu phí Phả Lại, không chịu mua vé đồng thời cản trở các phương tiện tham gia giao thông khi đi qua trạm” khiến phải “xả trạm”.
Tổ chức nhân quyền kêu gọi thả ông Nam
Trước phiên xét xử, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã ra thông cáo báo chí kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ông Hà Văn Nam ‘ngay lập tức và vô điều kiện’.
Thông cáo có đoạn: “Hà Văn Nam được biết đến vì các hoạt động phản đối bất công và tham nhũng, và bị bắt hồi tháng Ba sau khi livestream trên Facebook, hối thúc mọi người cùng đấu tranh chống các vi phạm và lạm dụng về nhân quyền.”
Bà Joanne Mariner, Cố vấn Khủng hoảng Cao cấp của Ân xá Quốc tế phát biểu trong thông cáo: “Lại thêm một nhà hoạt động nữa bị trừng phạt một cách bất công chỉ vì lên tiếng trên Facebook. Cái được cho là ‘phạm tội’ của Hà Văn Nam chỉ đơn giản là phê phán tình trạng tham nhũng tràn lan.”
“Hà Văn Nam đã đưa tin về các bất công, vi phạm nhân quyền và tham nhũng ở Việt Nam một cách ôn hòa. Việc truy tố mang tính thù hận này chỉ đơn giản là chứng minh quan điểm của ông ấy. Chính quyền phải thả ông Nam ngay lập tức và vô điều kiện, và bãi bỏ mọi cáo buộc chống lại ông ấy.”
Hà Văn Nam là ai?
Hà Văn Nam sinh năm 1981, quê ở Thái Bình, sống tại Hà Nội và được biết rộng rãi trên mạng xã hội như một người có nhiều hoạt động phản đối các hoạt động thu phí BOT mà ông cho là bất hợp lý.
Ông Nam có gần 35.000 người theo dõi trên trang Facebook cá nhân.
Trước khi bị bắt, ông Hà Văn Nam từng tham gia các hoạt động giám sát, phản đối các BOT thu phí không hợp lý kể từ giữa 2018 đến nay như BOT Tân Đệ, BOT Mỹ Lộc, BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài.
Ông cũng cùng bạn bè là các lái xe đặt các lán, trại cạnh các BOT để bám trụ, theo dõi quan sát BOT liệu có dám thu phí người dân hay không.
Vụ việc ông Nam bị bắt hồi tháng 3/2019 đã gây nhiều bức xúc trong cộng đồng mạng.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49164076

7 nhà hoạt động chống BOT bẩn

bị kết án tổng cộng 15 năm 6 tháng tù

Tin từ Bắc Ninh, ngày 30/7/2019: Toà án huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã kết án Hà Văn Nam và 6 nhà hoạt động chống BOT bẩn tổng cộng 15 năm 6 tháng tù giam về cáo buộc nguỵ tạo “gây rối trật tự công cộng.”
Cụ thể, Nguyễn Quỳnh Phong bị án 36 tháng; Lê Văn Khiển và Hà Văn Nam bị án 30 tháng; Nguyễn Tuấn Quân,Vũ Văn Hà và Ngô Quang Hùng bị án 2 năm; và Trần Quang Hải bị nhẹ nhất với án 18 tháng.
Ngoài ra, toà còn buộc các anh bồi thường 23 triệu đồng cho trạm thu phí BOT.
Phiên toà được công bố là công khai tại hội trường xã Đào Viên. Tuy nhiên, nhà cầm quyền tỉnh đã điều động số lượng lớn cảnh sát, kể cả cảnh sát cơ động, và dân phòng đến khu vực, không cho gia đình và bạn bè của 7 nhà hoạt động vào trong khu vực xử án.
Theo nhiều nhà hoạt động và luật sư, đây là một bản án bất công trong một vụ án nguỵ tạo. Vì những người bị kết án chỉ vì những hoạt động chống tham nhũng và chống việc thu phí đường bất hợp pháp của nhiều nhà đầu tư BOT trong nhiều dự án giao thông. Họ đã thực hiện các hành động ôn hoà để phản đối việc thu phí của các trạm thu phí BOT bị nhà đầu tư cố tình đặt sai chỗ để thu tiền nhiều hơn, thu cả từ những lái xe không sử dụng dịch vụ của công trình BOT.
Việt Nam hiện có gần 100 trạm thu phí BOT và hàng chục trong số đó bị đặt sai vị trí, là những dự án có sự chống lưng của quan chức cao cấp của chế độ. Để chống lại những người phản đối việc thu phí bất hợp pháp, nhà đầu tư cấu kết với nhà cầm quyền địa phương và công an để đàn áp, đánh đập, bắt giữ nhiều người trong số họ. Chúng còn sử dụng côn đồ và mật vụ để bắt cóc và hành hung một số người, Hà Văn Nam chính là một nạn nhân như thế, bị bắt cóc và đánh đập gẫy xương sườn trong tháng 1, hai tháng trước khi anh bị bắt.
Hai ngày trước phiên toà, Ân xá Quốc tế đã kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Hà Văn Nam và 6 đồng đội của anh.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/7-nha-hoat-dong-chong-bot-ban-bi-ket-an-tong-cong-15-nam-6-thang-tu/

Hơn hai năm nay, nhiều bệnh nhân

dùng hàng triệu viên thuốc giả của hai công ty dược

Tin Saigon.-  Báo Tuổi Trẻ ngày 29 tháng 7 năm 2019 loan tin, cơ quan công an đã điều tra đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất hàng triệu đơn vị thuốc giả bán ra thị trường Việt Nam hơn hai năm nay là Nguyễn Lạc Thư, phó giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Asia Pharmacy, và Lê Văn Khôi, giám đốc công ty trách nhiệm dược phẩm Đông Dược Việt.
Trước đó, vào trưa ngày 25 tháng 7, công an đã bắt quả tang một người đang giao 20 thùng chứa các hộp thực phẩm chức năng làm giả các thương hiệu nổi tiếng cho một địa điểm kinh doanh tại quận 11. Sau đó, công an đã khám xét 7 địa điểm gồm các công ty, gia đình kinh doanh, nơi sản xuất, tàng trữ thuốc và thực phẩm chức năng giả tại các quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh, quận 8, quận 10, và quận 11. Tại đây, cơ quan chức năng thu giữ hơn 500 thùng thuốc, thực phẩm chức năng giả của rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trong, và ngoài nước, cùng với đó là hàng trăm kilogram nguyên liệu để sản xuất thuốc giả được đựng trong các xô, can nhựa nhếch nhác. Trong đó có một số bao bì được cho là chất phụ gia dùng để sản xuất thuốc, trên bao bì ghi là công ty cổ phần khai thác và chế biến đá Đức Minh. Tổng giá trị hàng hóa tương đương hàng thật mà cơ quan chức năng thu giữ được ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.
Các sản phẩm được sản xuất để cho người Việt mua dùng chủ yếu là thuốc uống kích thích mọc tóc, tăng cường nội tiết tố nữ, sinh lực nam, các loại cốm dành cho trẻ em, thực phẩm chức năng, và nhiều loại tân dược khác. Theo cơ quan chức năng, thì đường dây sản xuất thuốc, và thực phẩm chức năng giả này có quy mô rất lớn vừa ở Sài Gòn, vừa ở Miền Tây. Thông tin trên đài VOV cho biết, đường dây sản xuất thuốc giả trên đã hoạt động hơn hai năm nay, và mỗi tháng sản xuất hàng triệu đơn vị thuốc giả để bán ra thị trường cho người Việt sử dụng.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hon-hai-nam-nay-nhieu-benh-nhan-dung-hang-trieu-vien-thuoc-gia-cua-hai-cong-ty-duoc/

Việt Nam trục xuất nhiều người Hoa

trong tình hình Bãi Tư Chính căng thẳng

Tin từ Việt Nam, ngày 30/7/2019: Nhà cầm quyền Việt Nam dường như bắt đầu thắt chặt kiểm soát sự có mặt của người Tàu trên lãnh thổ của mình, trong lúc Trung Cộng tiếp tục đưa nhiều tàu bán vũ trang đến khu vực bãi Tư Chính ở Biển Đông.
Theo báo lề đảng, trong ngày 29/7, công an tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất các thủ tục và yêu cầu xuất cảnh khỏi Việt Nam đối với 6 người mang quốc tịch Trung Cộng, vì lýdo nhập cảnh trái phép, thực hiện không đúng quy định xuất nhập cảnh và làm việc không có giấy phép lao động.
Những người này khai là bác sĩ ngoại khoa/phụ khoa, kế toán, hậu cần và chủ đầu tư, đang làm việc trái phép tại phòng khám đa khoa Thái Dương, tại  phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hoà.
Tại Hải Phòng, bộ công an đã điều động hơn 700 cảnh sát đột kích vào khu đô thị Our City và bắt giữ 380 người Trung Cộng, đang hoạt động điều khiển hệ thống đánh bạc trực tuyến. Đáng chú ý là chỉ có 27 người trong số họ có đăng ký ở tại khu đô thị này, một khu vực có thể được gọi là khu tự trị của Trung Cộng. Ngay sau đó, Việt Nam trao trả những tên tội phạm này cho phía Trung Cộng mà không xét xử, gây bất bình cho nhiều người Việt.
Việt Nam thực hiện chính sách không visa cho người Tàu, nhằm khuyến khích du lịch và đây chính là điểm chết người, không quản lý chúng làm gì, ở đâu trong khi nhà cầm quyền lại thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ người dân Việt bằng chế độ hộ khẩu và đăng ký tạm trú.
Có hàng trăm phòng khám của người Tàu ở Việt Nam, và hàng nghìn người Việt trở thành nạn nhân của chúng vì giá dịch vụ cắt cổ mà tình trạng bệnh tật không thuyên giảm, thậm chí nhiều trường hợp bị nặng thêm và lại phải vào cơ sở chữa trị công để khắc phục hậu quả.
Bên cạnh Formosa và Bauxite Tây Nguyên, không ai biết có bao nhiêu dự án “khu tự trị” kiểu Our City của người Trung Cộng trên đất Việt Nam. Đây có thể là cái cớ để  Trung Cộng xua quân xuống phía Nam, nếu Ba Đình thực hiện chính sách bất lợi cho người Tàu.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/viet-nam-truc-xuat-nhieu-nguoi-hoa-trong-tinh-hinh-bai-tu-chinh-cang-thang/

Chính quyền cấp quận Hải Phòng phải đặt lịch

mới được vào khu đô thị chỉ có người Trung Cộng

Tin Vietnam.-  Báo Thanh niên ngày 29 tháng 7 năm 2019 loan tin, khu đô thị Our City mặc dù nằm trên địa bàn quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng, tuy nhiên theo lãnh đạo quận Dương Kinh thì phía quận muốn vào khu đô thị làm việc thì phải đặt lịch trước, khác hoàn toàn với những nơi do người Việt cai quản.
Sau khi đặt lịch với ban cai quản khu đô thị, phía lãnh đạo quận Dương Kinh phải chờ cho đến khi bên khu đô thị sắp xếp người rồi mới được vào làm việc. Nguyên nhân được vị lãnh đạo này đưa ra là do khu đô thị Our City là công ty có 100% vốn ngoại quốc cụ thể là tập đoàn Hiệp Phong Hồng Kông, nên cấp cai quản là cấp thành phố, cấp quận không có thẩm quyền. Vì vậy, dù luôn thắc mắc khu đô thị thường có hành động kì quặc là nhiều lần đập ra, xây vào nhưng phía quận không biết phải tìm hiểu bằng cách nào ngoài việc đề nghị lực lượng công an lưu ý.
Người lãnh đạo quận cho biết thêm, về danh nghĩa thì khu đô thị 85 triệu Mỹ kim chưa có dân định cư, những người ngoại quốc đến thì khải khai báo tạm trú với công an thành phố, và địa phương chỉ nhận được thông báo. Và khi sự việc lực lượng công an ập vào phát hiện ra đường dây đánh bạc qua mạng internet với số tiền giao dịch 10,000 tỷ đồng thì lúc này có đến 380 người Trung Cộng ở trong khu đô thị, nhưng chỉ có 27 người trong số họ đăng ký tạm trú.
Được biết, khu đô thị trên khởi công xây dựng cách đây gần 10 năm, và chỉ có người Trung Cộng đến ở.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/chinh-quyen-cap-quan-hai-phong-phai-dat-lich-moi-duoc-vao-khu-do-thi-chi-co-nguoi-trung-cong/

Thực phẩm Mỹ vào Việt Nam tăng mạnh,

 giá rẻ hơn hàng Việt

Tin Vietnam.-  Báo Vnexpress ngày 30 tháng 7 năm 2019 loan tin, trong 6 tháng đầu năm 2019, nếu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất cảng sang Mỹ giảm mạnh, thì hàng Mỹ vào Việt Nam lại tăng mạnh về số lượng, và giảm về giá cả.
Thí dụ, mặt hàng cua hoàng đế Alaska đông lạnh, trước đây được bán với giá hơn một triệu đồng một kg loại hàng đông lạnh, nhưng nay chỉ còn 650,000 đồng, và cua còn sống được bán với giá gần 2 triệu đồng. Đối với tôm hùm Alaska của Mỹ, hiện đang là loại hải sản được người Việt tiêu thụ nhiều vì giá cũng giảm, với giá khoảng 340,000 đồng một con loại 500 gram. Một chủ cửa hàng ở quận Tân Bình, Sài Gòn cho biết, nếu tôm hùm Việt chị chỉ bán được khoảng vài trăm con trong một tháng, thì tôm hùm Mỹ phải bán được vài ngàn con.
Ngoài hải sản, một số mặt hàng khác như đậu nành, thịt heo…cũng có giá rẻ hơn hàng Việt. Cụ thể, giá bán của đậu nành Mỹ chỉ bằng một nửa giá của đậu nành Việt Nam; giá thịt heo loại sườn non nguyên tảng của Mỹ bán từ 117,000 đến 190,000 đồng một kg, còn giá thịt heo Việt từ 140,000 đồng đến 240,000 đồng một kg; giá cherry giảm 40% , từ 400,000 đến 600,000 đồng một kg còn 230,000 đồng đến 350,000 đồng một kg.
Theo các thương gia xuất nhập cảng, nguyên nhân hàng Mỹ vào Việt Nam rẻ là do hàng Mỹ bị Trung Cộng siết chặt trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, dẫn đến nguồn cung của Mỹ dư thừa. Và các công ty Việt đã gia tăng nhập cảng hàng Mỹ về bán cho thị trường trong nước.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/thuc-pham-my-vao-viet-nam-tang-manh-gia-re-hon-hang-viet/

Bộ Giao thông vận tải có tổng chi ngân sách

lớn nhất trong 40 bộ nhưng thiếu minh bạch

Đó là ghi nhận của báo cáo “Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan trung ương –MOBI 2018” do Liên minh minh bạch ngân sách (BTAP) phối hợp với tổ chức phi chính phủ Oxfam thực hiện và được thông báo tại hội thảo công bố MOBI 2018 tại Hà Nội ngày 30 tháng 7. Truyền thông trong nước đều loan tin này vào cùng ngày.
Theo tin, năm 2019 Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chi ngân sách khoảng 58,56 nghìn tỉ đồng nhưng điểm công khai ngân sách của bộ chỉ đạt 3,7 điểm, xếp thứ 13 trong tổng số 17 đơn vị có điểm MOBI. Điểm MOBI cao nhất thuộc về Đài truyền hình Việt Nam với 21.91 điểm, thấp nhất là Bộ Tư Pháp với 1.85 điểm.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường đến từ Học viện tài chính-đại diện cho nhóm nghiên cứu cho biết ngân sách là tiền của dân, không phải của riêng ai, nên phải được chi tiêu một cách hiệu quả, minh bạch để dân biết.
MOBI 2018 đã khảo sát chi ngân sách tại 37 bộ, ngành, cơ quan trung ương. Trong đó có 31 bộ , cơ quan ngang bộ (không bao gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 6 cơ quan trung ương được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Điểm đặt biệt, có 20 bộ, ngành, cơ quan trung ương không công khai bất kỳ thông tin nào về việc chi tiêu ngân sách trong năm.
Trên thực tế, việc công khai ngân sách được qui định rất rõ trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; Thông tư 61/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc công khai ngân sách.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường tại Hội thảo cho rằng để thực hiện tốt hơn các qui định về công khai ngân sách, Quốc hội cần giám sát việc công khai ngân sách và có thể xem hoạt động công khai ngân sách như một trong những điều kiện đánh giá hoạt động của các bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Trong số 37 bộ, cơ quan trung ương được khảo sát, nghiên cứu, chỉ có 17 bộ, ngành có mục công khai ngân sách trên cổng thông tin; 12 bộ, ngành có thông tin công khai ngân sách; 5 bộ, ngành công khai mang tính hình thức.
MOBI 2018 khảo sát dựa trên việc công bố thông tin về công khai ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương trên chính cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành với mục tiêu hướng tới thúc đẩy sự minh bạch, giải trình và quản lý ngân sách, tạo niềm tin của công chúng đối với việc quản lý và công khai ngân sách nhà nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/transport-ministry-reported-tobe-largest-one-in-spending-state-budget-07302019085947.html

Đấu giá 15 lô đất vàng & truy thu tiền đất

từ các dự án BT tại khu ĐTM Thủ Thiêm

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ngày 27/7/2019 đã giao Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) lập bản đồ hiện trạng vị trí 15 lô đất thuộc khu chức năng 3 và 4 để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Tin từ thời báo Kinh tế cho biết, theo quy hoạch trước đây, khu chức năng số 3 là Khu dân cư hỗn hợp và Khu thương mại đa chức năng cao tầng; còn khu 4 thành Khu dân cư hỗn hợp phía Bắc Thủ Thiêm với các công trình thương mại đa chức năng mật độ cao tập trung dọc Đại lộ Vòng cung.
Việc đấu giá 15 lô đất vàng nhằm mục đích chống thất thoát tài sản nhà nước.
Trong ngày 29/7/2019, theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, lãnh đạo TPHCM cũng đang cho kiểm tra, rà soát lại giá đất thanh toán đối ứng cho các dự án BT (build-transfer) tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cụ thể, TPHCM sẽ yêu cầu các chủ dự án hoàn trả ngân sách khoản tiền chênh lệch địa tô mà họ đã hưởng lợi từ việc định giá quá thấp vào năm 2013.
Việc kiểm tra lại các dự án nêu trên nhằm thực hiện theo đúng kết luận của thanh tra chính phủ “TPHCM phải làm lại đơn giá, tính toán lại giá đất các dự án BT ở Thủ Thiêm theo giá thời điểm giao đất năm 2013. Sau khi tính toán lại, đối ứng với diện tích đất được giao, thành phố thu hồi phần tiền chênh lệch về cho ngân sách”.
Được biết, năm 2013 khi xác định giá đất cho các dự án BT ở Thủ Thiêm , một số cơ quan chức năng đã tham mưu UBND thành phố tính theo giá đất tại quận 7 và quận 1 (khoảng 35 triệu/m2). Tuy nhiên tại thời điểm đó, lãnh đạo thành phố cho rằng giá trên áp dụng cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm là chưa hợp lý nên lấy giá đất của dự án liền kề tính cho dự án BT tại Thủ Thiêm (khoảng 26 triệu/m2).
Việc tính giá đất như trên của UBND thành phố là không đầy đủ, thiếu chính xác không đúng qui định nên các nhà đầu tư được hưởng lợi lớn do chênh lẹch giá đất quá lớn, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Ngoài ra, lãnh đạo TPHCM cũng đang đề xuất và chờ ý kiến Chính phủ cho phép chuyển các chung cư tái định cư đang bỏ trống ở Thủ Thiêm sang nhà ở thương mại để bán chỉ định, cũng nhằm thu hồi vốn cho Nhà nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/auctioning-15-land-plots-recollect-land-money-of-btproject-at-thu-thiem-new-urban-area-07292019113621.html

Ngày 30/8 sẽ có kết luận về vụ Asanzo

Vào ngày 30 tháng 8 năm 2019, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống hàng giả, gian lận thương mại sẽ công bố kết luận chính thức về vụ Asanzo. Truyền thông trong nước đưa tin vừa nói hôm 30/7.
Tại buổi họp báo về triển khai công tác chống buôn lậu 6 tháng cuối năm diễn ra sáng 30/7 ở Hà Nội, ông Đàm Thanh Thế, chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống hàng giả, gian lận thương mại cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống hàng giả đã giao Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và công nghệ, cùng phối hợp làm rõ vụ Asanzo và ngày 30 tháng 8 sẽ có kết luận chính thức.
Ông Thế cho biết thêm, hiện các lực lượng chức năng đang điều tra, nếu Asanzo có hành vi vi phạm sẽ xử lý nghiêm để bảo vệ thương hiệu Việt Nam và lợi ích người tiêu dùng. Ông Thế nói với truyền thông trong nước: không phải không thấy thông tin là vụ việc lắng xuống.
Trước đó, cũng tại buổi họp báo, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Bộ Công thương đã hoàn tất dự thảo văn bản quy định tiêu chí xác định thế nào là hàng “Made in Vietnam” tiêu thụ nội địa. Dự thảo này sẽ được công bố và lấy ý kiến rộng rãi trong tháng 8.
Liên quan đến thương mại điện tử, ông Trần Hữu Linh cho biết, đây là phương thức kinh doanh hiện đại nhưng nếu không có biện pháp quyết liệt sẽ trở thành nơi ra các gian lận vì thương mại điện tử tại Việt Nam đang bùng nổ, người mua người bán không gặp nhau trực tiếp, người mua không được xem hàng trước.
Vào ngày 21 tháng 6 năm 2019, báo Tuổi Trẻ trong nước cho công bố loạt bài Điều tra: ‘Asanzo – hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt’ và ngay lập tức loạt bài này gây chấn động trong dư luận. Đến ngày 24/6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xác minh việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam.
Hôm 26/7, Tòa án Nhân dân quận 11 Thành phố Hồ Chí Minh cho biets tòa đã nhận được đơn khởi kiện của Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo khởi kiện báo Tuổi Trẻ, đòi bồi thường thiệt hại. Theo đơn kiện, loạt bài điều tra của Tuổi Trẻ đã gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp. Asanzo yêu cầu Tuổi Trẻ phải cải chính thông tin, đồng thời giải quyết bồi thường thiệt hại bao gồm tổn thất doanh thu, tổn thất hình ảnh, chi phí luật sư trong suốt quá trình tố tụng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/conclusion-about-the-asanzo-case-to-be-announced-on-august-30-07302019093108.html

Càng nhiều cán bộ bị xử lý

vẫn càng hư hỏng và tha hóa: Vì đâu nên nỗi?

Nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật
Truyền thông trong nước, vào ngày 29 tháng 7 cho biết Viện Kiểm sát Nhân dân quận 4, thành phố Hồ Chí Minh vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Hữu Linh, cự u Viện phó Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng và chuyển hồ sơ qua Tòa án Nhân dân quận 4 để tiến hành xét xử sơ thẩm về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Trường hợp ông Nguyễn Hữu Linh sờ soạng bé gái trong tháng máy hồi đầu tháng 4 vừa qua được dư luận đặc biệt quan tâm vì vụ án này được tòa thông báo xử kín phiên sơ thẩm và tòa án đã trả hồ sơ hai lần, yêu cầu điều tra bổ sung.
Trong cùng ngày 29 tháng 7, truyền thông quốc nội cũng loan tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ba ngày trước đó đã ký quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản thi hành kỷ luật với hình thức tương tự hồi đầu tháng 6.
Báo giới cho biết ông Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải bị kỷ luật là do vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt.
Hồi tháng 11/2018, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải kết hôn với ca sĩ Đinh Hiền Anh, Hoa hậu doanh nhân quý bà thế giới năm 2017 gây xôn xao dư luận, qua chia sẻ của “cô dâu” về mối tình nồng ấm của hai người kể từ khi “chú rể” còn chưa ly dị vợ.
Hai trường hợp vừa được báo chí đăng tải không phải là cá biệt, mà theo công bố của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhằm đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2019, diễn ra trong ngày 26 tháng 7 thì có hơn 100 tổ chức Đảng và xấp xỉ 8.000 đảng viên vi phạm bị kỷ luật trong nửa đầu năm 2019. Trong đó, một tổ chức đảng và 13 đảng viên cả đương chức lẫn nghỉ hưu thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2019 ghi nhận tăng 21 trường hợp cán bộ tham nhũng so với cùng kỳ năm 2018 và tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm hiện tại, số lượng cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật và xử lý hình sự lên đến hơn 70 người. Đây là con số được thống kê nhiều nhất so với các khóa gần đây.
Tôi thấy rằng là đến lúc ông Trọng lên giữ chức Tổng Bí thư thì ông có ý định như thế nhưng đã quá muộn rồi vì nhiều quá. Thứ hai, điều nghiêm trọng hơn là như chúng ta còn nhớ thời ông Nguyễn Sinh Hùng còn làm Chủ tịch Quốc hội thì trong cuộc họp ở Quốc hội, trước thắc mắc của nhiều người liên quan vấn đề cán bộ tham nhũng, hư hỏng nhiều quá và cần phải xử lý, ông Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời tỉnh queo rằng ‘Nếu kỷ luật hết thì lấy ai làm việc’. Tức là câu nói đó cho chúng ta thấy được hàm ý về hiện tượng cán bộ hư hỏng, tham nhũng, lạm quyền, có hành vi đạo đức không tốt…là chiếm gần tuyệt đại bộ phận
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Đài RFA nêu thắc mắc của không ít người cho rằng có phải chiến dịch “đốt lò” do ông Nguyễn Phú Trọng phát động nhằm làm trong sạch hóa nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) thật sự không mang lại hiệu quả nào, bởi vì số cán bộ bị xử lý, kỷ luật ngày càng đông hơn trước và được nghe Nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét:
“Là một người quan sát, tôi thấy rằng là đến lúc ông Trọng lên giữ chức Tổng Bí thư thì ông có ý định như thế nhưng đã quá muộn rồi vì nhiều quá. Thứ hai, điều nghiêm trọng hơn là như chúng ta còn nhớ thời ông Nguyễn Sinh Hùng còn làm Chủ tịch Quốc hội thì trong cuộc họp ở Quốc hội, trước thắc mắc của nhiều người liên quan vấn đề cán bộ tham nhũng, hư hỏng nhiều quá và cần phải xử lý, ông Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời tỉnh queo rằng ‘Nếu kỷ luật hết thì lấy ai làm việc’. Tức là câu nói đó cho chúng ta thấy được hàm ý về hiện tượng cán bộ hư hỏng, tham nhũng, lạm quyền, có hành vi đạo đức không tốt…là chiếm gần tuyệt đại bộ phận.”
Quan điểm của Nhà báo Võ Văn Tạo nhận được sự đồng tình của một số nhà quan sát tình hình Việt Nam mà chúng tôi có dịp trao đổi. Họ cho rằng tình trạng cán bộ hư hỏng, tha hóa tại Việt Nam ngày càng tồi tệ hơn và nghiêm trọng hơn. Một trường hợp điển hình được các nhà quan sát tình hình Việt Nam đề cập đến là nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Hình ảnh ông ngồi trên chiếc ghế “ngai vàng” tại tư gia trong lúc tiếp đón Ban Bí thư Trung ương Đoàn đến chúc Tết Ất Mùi, hồi trung tuần tháng 2 năm 2015 gây phẫn nộ trong dư luận.
Mặc dù Báo Tiền Phong Online gỡ bỏ tấm hình ông Nông Đức Mạnh ngồi trên ghế gỗ chạm rồng vàng ngậm ngọc xanh, nhưng những lời bình luận về bức hình đó vẫn luôn được nhắc tới mỗi khi dân tình có dịp nói về đời sống của các quan chức Việt Nam như, với đồng lương nhận lãnh thì làm sao ông Nông Đức Mạnh có thể sắm được cơ ngơi và bộ ghế gỗ trị giá hàng tỉ đồng hay bản thân ông từng học Trường Trung cấp Nông Lâm Trung ương Hà Nội và từng du học tại Học viện Lâm nghiệp Leningrad, ở Liên Xô thì làm thế nào ông Nông Đức Mạnh có thể sử dụng bộ bàn ghế gỗ như thế khi nạn phá rừng bị lên án gay gắt tại Việt Nam? Riêng về đời sống cá nhân của ông Nông Đức Mạnh, cư dân mạng còn bàn tán qua những tờ đơn của con gái ông Nông Đức Mạnh là bà Nông Thị Bị Liên kiện Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Huyền Trâm có dấu hiệu vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức đảng viên Sẽ còn tiếp diễn
Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại phiên họp thứ 16 diễn ra vào hôm 26 tháng 7 nhận định, công tác xử lý các vụ việc, vụ án liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý là “không có vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể đó là ai” trong đấu tranh chống tham nhũng. Ông Trọng cũng nhiều lần lên tiếng cảnh báo tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức về nhiều mặt ngày càng đông thì sẽ dẫn đến nguy cơ Đảng không còn uy tín lãnh đạo đối với nhân dân Việt Nam.
Mặc dù vậy, các nhà quan sát tình hình Việt Nam cho rằng việc tiến hành xử lý, kỷ luật cán bộ, đảng viên hiện nay chỉ là bề nổi nhằm xoa dịu dư luận như nhận định của Giáo sư Nguyễn Đình Cống khi nhận định rằng:
“Kỷ luật cái quái gì khi cách chức mà người ta không còn giữ nữa, còn phạm những tội tày đình nhưng trong Đảng cũng chỉ đến mức cảnh cáo thôi. Không thể nói vì như thế rồi để có thể làm trong sạch và làm vững mạng Đảng được đâu. Tôi không tin.”
Còn về mặt xử lý pháp luật các trường hợp cán bộ, đảng viên, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định:
“Thứ nhất luật pháp dường như đã lờn với họ, không đủ hiệu lực để làm họ sợ để họ tuân thủ luật pháp nữa. Thứ hai là sự coi thường pháp luật của những cán bộ đó. Cán bộ công nhân viên chức đúng ra phải là những người gương mẫu đi đầu trong việc tuân thủ luật pháp nhưng họ lại không thực hiện được thì điều này đáng trách là trách từ cả hai phía.”
Không chỉ tình trạng cán bộ, đảng viên ngày càng bị dư luận phản ánh lạm quyền, tha hóa, hư hỏng mà dân chúng thường nói cửa miệng là “quan chức coi trời bằng vung” ở khắp các địa phương và diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đất nước Việt Nam. Một hiện tượng khác cũng được ghi nhận là tình trạng ngày càng xuất hiện nhiều người có những việc làm sai trái, nhưng lại vênh vang có mối quan hệ với giới chức chính quyền nhằm đe dọa những ai dám tố cáo họ. Trường hợp mới nhất gây xôn xao trong dư luận là vụ việc hành khách Vũ Anh Cường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Đất Lành, đi trên một chuyến bay vào sáng ngày 28 tháng 7 đã có hành vi sờ soạng nữ hành khách đi cùng chuyến bay và còn đe dọa có mối quan hệ rộng với quan chức khi tiếp viên trưởng đến xử lý vụ việc.
Thứ nhất luật pháp dường như đã lờn với họ, không đủ hiệu lực để làm họ sợ để họ tuân thủ luật pháp nữa. Thứ hai là sự coi thường pháp luật của những cán bộ đó. Cán bộ công nhân viên chức đúng ra phải là những người gương mẫu đi đầu trong việc tuân thủ luật pháp nhưng họ lại không thực hiện được thì điều này đáng trách là trách từ cả hai phía
-Luật sư Đặng Đình Mạnh
Một số nhà quan sát tình hình Việt Nam nói với RFA rằng những hậu quả đã và đang diễn ra trong xã hội Việt Nam như vậy là do nguồn cơn bản chất của Đảng Cộng sản lãnh đạo, bởi vì Đảng độc quyền và tuyệt đối lãnh đạo sẽ dẫn đến sự suy thoái và tình trạng cán bộ, đảng viên suy đồi đạo đức, tha hóa, hư hỏng là lẽ đương nhiên.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hồi trung tuần tháng 3 năm 2017 từng lên tiếng với báo giới rằng cần phải có chương trình hành động về kiểm soát quyền lực để ngăn chặn sự tha hóa của cán bộ như ông đã đề cập từ Hội nghị cuối cùng của Trung ương khóa VIII để chuẩn bị cho Đại hội IX của Đảng nhưng đáng tiếc là cơ chế kiểm soát quyền lực quá chậm.
Trong khi đó, cả người dân trong nước và dư luận quốc tế kêu gọi Việt Nam cần thay đổi đa nguyên chính trị và cho truyền thông hoạt động độc lập thì mới có thể kiểm soát được quyền lực và giải quyết được gốc rễ của vấn đề và đất nước mới được tiến bộ, phát triển. Còn bằng ngược lại thì như nhận định của Nhà báo Võ Văn Tạo rằng:
“Việt Nam vẫn cứ độc tài, độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản thì tôi cho rằng tham nhũng, xấu xa hư hỏng về đạo đức…sẽ còn dài dài và việc làm của ông Trọng, tôi cho rằng như dã tràng xe cát Biển Đông.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/more-officials-disciplined-more-corrupting-and-immoralconducting-07292019143812.html

Đề án 60% công chức nói tốt tiếng Anh:

Lực bất tòng tâm!

Trung Khang, RFA
Cụ thể theo Đề án của Bộ Nội vụ, đến năm 2030, ít nhất từ 40 – 60% cán bộ, công chức ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện sẽ có trình độ ngoại ngữ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Trả lời báo chí trong nước, ông Triệu Văn Cường, thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, đề án được đặt ra là vì hiện nay đội ngũ cán bộ công chức Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt buộc phải được đào tạo ngoại ngữ.
Tiếng Anh giao tiếp: không dễ
Đề án có “quá sức” với cán bộ công chức, đặc biệt những cán bộ cấp tỉnh, huyện? RFA đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa vào ngày 29 tháng 7 và được ông cho biết như sau:
“Do vấn đề lịch sử để lại nên đội ngũ cán bộ hiện nay không được tiếp cận với tiếng Anh ngay từ nhỏ, nên khi đảm đương công việc rất hạn chế trong giao tiếp với người nước ngoài. Ngay cả nhiều cán bộ học vị tiến sĩ vẫn không nói được tiếng Anh. Đây là một thực tế mà xã hội đang rất quan tâm.”
Cho đến nay, rất nhiều thứ trưởng không nói được tiếng Anh. Không chỉ thứ trưởng một bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh là có bậc lương ngang thứ trưởng, ngạch ngang thứ trưởng, cũng rất ít người nói được tiếng Anh.
-TS. Hà Hoàng Hợp
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Viện nghiên cứu ISEAS ở Singapore, người từng tham gia nhiều hội thảo quốc tế có đoàn Việt Nam tham dự, khi trao đổi với RFA hôm 29/7 đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:
“Những người dẫn đầu đoàn Việt Nam ra quốc tế thì họ đọc rất tốt,  nhưng nói không được, chẳng hạn như đoàn quân sự thì ông bộ trưởng hay Thứ trưởng Vịnh thì đọc rất tốt, hiểu tất cả các vấn đề, nhưng không nói được. Trước đây có ông Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thì nói tiếng Nga rất tốt, đọc hiểu tiếng anh nhưng cũng không nói được. Để khắc phục khoảng trống đó thì họ có những người thông dịch rất giỏi.”
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề ngoại ngữ của các quan chức được chính quyền nhắc đến. Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, hồi năm 1996, khi đó thủ tướng Việt Nam là ông Võ Văn Kiệt, đã từng đưa ra chỉ thị, các bộ từ thứ trưởng trở lên phải nói tốt tiếng Anh. Tuy nhiên Tiến sĩ Hợp nói tiếp:
“Nhưng cho đến nay, rất nhiều thứ trưởng không nói được tiếng Anh. Không chỉ thứ trưởng một bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh là có bậc lương ngang thứ trưởng, ngạch ngang thứ trưởng, cũng rất ít người nói được tiếng Anh.”
Đặt mục tiêu quá “sức”
Theo dự thảo Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ các cấp”, 100% cán bộ, công chức ở Trung ương, cấp tỉnh, huyện sẽ được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ tương ứng tiêu chuẩn ngạch, chức vụ. Trong đó, 50-60% cán bộ ở Trung ương, 25-35% cán bộ cấp tỉnh và và 20-25% cấp huyện, được đào tạo ngoại ngữ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Trả lời RFA hôm 29/7 từ Đà Nẵng, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên hiện đang giảng dạy chuyên ngành Anh Văn tại trường Đại học Đà Nẵng, nhận định:
“Theo tôi nghĩ đào tạo thì phải theo môi trường sử dụng và có kế hoạch, chẳng hạn như các cán bộ công chức ở thành phố lớn, có cơ hội giao tiếp với quốc tế như Cần Thơ, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội… thì tôi nghĩ sẽ khả thi. Nhưng những vùng xa hay hẻo lánh thì sẽ khó khả thi vì không có điều kiện dùng tiếng Anh với người bản ngữ.”
Theo ông Hưng, con số công chức từ 40 đến 60% là một con số lớn và hơi quá tham vọng. Thạc sĩ Đinh Gia Hưng cho rằng, phải có kế hoạch xa hơn, đặt lại mục tiêu của đất nước, chẳng hạn làm việc trong môi trường quốc tế trong bình diện nào, lúc đó mới định hình được ngôn ngữ. Ông nói:
Ngôn ngữ phục vụ cho phát triển và giao thiệp quốc tế, mà để đạt tầm quốc tế thì ít nhất phải đạt tầm từ B2 đế C1, lúc đó mới đủ chuẩn làm việc với nước ngoài, cũng sẽ mất nhiều thời gian và chưa thể làm được ngay. Còn mục tiêu này nếu đưa ra con số thấp hơn thì tôi nghĩ có thể đạt được.
-Thạc sĩ Đinh Gia Hưng

“Ngôn ngữ phục vụ cho phát triển và giao thiệp quốc tế, mà để đạt tầm quốc tế thì ít nhất phải đạt tầm từ B2 đế C1, lúc đó mới đủ chuẩn làm việc với nước ngoài. Là chuẩn Châu Âu chứ không phải chuẩn A, B, C của Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ cái đó cũng sẽ mất nhiều thời gian và chưa thể làm được ngay. Còn mục tiêu này nếu đưa ra con số thấp hơn thì tôi nghĩ có thể đạt được.”
Ngoài những con số kỳ vọng mà dự thảo Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ các cấp” đưa ra. Có một điểm được cho là bất hợp lý khi yêu cầu15-20% cán bộ, công chức ở cấp xã trên toàn quốc, phải đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định:
“Nếu trên miền núi thì không cần tiếng Anh, nếu sát biên giới thì cũng cần ngoại ngữ, chỉ cần ở cấp tỉnh biết. Còn những xã giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia thì thường bắt buộc họ phải biết tiếng của nước láng giềng. Còn tỷ lệ đó ở cấp bộ thì theo tôi không chỉ 60% mà phải cần 100% biết ngoại ngữ, hay ít nhất cũng 95%.”
Ông Lê Văn Cuông tuy ủng hộ đề án này, nhưng cũng đưa ra cảnh báo không thể tùy nghi. Ví dụ cán bộ công chức nào từ cấp xã trở lên có giao dịch quốc tế, thì cần được thống kê bồi dưỡng, nhưng với điều kiện nếu không đạt được trình độ nhất định, không hoàn thành nhiệm vụ đối ngoại, thì sẽ luân chuyển, thay thế bằng người khác.
Theo Bộ Nội Vụ, Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ các cấp” bắt đầu thực hiện từ năm 2019 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giai đoạn 2019-2020, các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng Chương trình học ngoại ngữ cho cán bộ, công chức của đơn vị mình theo nhóm đối tượng cụ thể. Giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo sẽ đẩy mạnh thực hiện đề án này.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ministry-gathers-opinions-on-foreign-language-learning-plan-07292019140241.html

Hội nghề cá phản đối hành động

vi phạm vùng biển Việt Nam của tàu Trung Quốc

Hội Nghề cá Việt Nam hôm 29/7 vừa có công văn lên án hành động của tàu Trung Quốc, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.
Theo công văn, Hội Nghề cá cho biết nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 cua Trung Quốc thời gian qua đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông (gần Bãi Tư Chính), gây cản rở công việc khai thác hải sản của ngư dân tại vùng biển này.
Hội Nghề cá đề nghị các cơ quan  chức năng Việt Nam phản đối mạnh mẽ hơn nữa đối với các hành động của Trung Quốc.
Trong tháng 7 vừa qua, trên trang mạng Facebook lan truyền một video được ngư dân đảo Phú Quý quay cho thấy các tàu Hải cảnh của Trung Quốc xuất hiện ở vùng nước của Việt Nam.
Từ tháng 6 đến nay, Trung Quốc đã liên tục gửi các tàu Hải cảnh và tàu Hải Dương 8 đến khu vực Bãi Tư Chính và gần Bãi Tư Chính của Việt Nam, quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam.
Trung Quốc coi khu vực này thuộc vùng nước lịch sử trong đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này vẽ ra trên biển.
Tòa Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này nhưng Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của tòa.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/viet-fishing-association-condemns-china-behavior-in-scs-07302019095035.html

Vụ bãi Tư Chính: Quan chức Quốc hội Mỹ

ủng hộ Việt Nam, lên án TQ

Hôm 26/7, Hạ nghị sĩ Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thẳng thừng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc “can thiệp vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”, đồng thời ông khẳng định đứng về phía Việt Nam trong cuộc đối đầu giữa lực lượng Việt Nam và Trung Quốc đang diễn ra tại bãi Tư Chính trên biển Đông.
“Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các hành động của Trung Quốc cấu thành sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)”, ông Engel nói.
“Tôi đứng về phía Việt Nam và các đối tác trong khu vực của chúng tôi để lên án sự hung hăng này. Cộng đồng quốc tế phải tiếp tục duy trì trật tự dựa trên quy tắc và luật pháp quốc tế. Tôi kêu gọi Trung Quốc rút ngay lập tức tất cả các tàu khỏi lãnh hải của các nước láng giềng và chấm dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp này.”
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho rằng sự hung hăng của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông là “một minh chứng đáng lo ngại về một quốc gia công khai xem thường luật pháp quốc tế”.
Truyền thông Việt Nam và quốc tế trong tuần qua liên tục đưa tin về hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc ở khu vực gần bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Việt Nam cũng liên tục lên tiếng yêu cầu Trung Quốc đưa tàu bè khỏi vùng biển của Việt Nam nhưng đến nay đều bị Trung Quốc bỏ ngoài tai.
“Kể từ khi có các tin tức từ tuần trước rằng các tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc đã tiến vào vùng EEZ của Việt Nam, Việt Nam đã liên tục yêu cầu họ rời đi nhưng Trung Quốc cố tình phớt lờ. Loại hành vi quấy nhiễu này là một mối đe dọa đối với Việt Nam và bằng chứng cho thấy thái độ sẵn sàng bắt nạt láng giềng của Trung Quốc. Những hành động như thế này chứng tỏ sự coi thường trắng trợn của Trung Quốc đối với luật pháp và ngoại giao quốc tế.” ông Engel nói trong tuyên bố.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh Mỹ John Bolton đều lên tiếng chỉ trích hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển Việt Nam là gây sức ép và bắt nạt các nước khác. Trung Quốc lập tức bác bỏ phát ngôn của Mỹ là vu khống.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29615-vu-bai-tu-chinh-quan-chuc-quoc-hoi-my-ung-ho-viet-nam-len-an-tq.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?