Sau Việt Nam, sẽ đến Malaysia bị TQ hăm dọa trên Biển Đông


Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) dẫn các dữ liệu theo dõi tàu thuyền cho biết lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã có những hành vi quấy rối, cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia trên Biển Đông.

Tín hiệu AIS cho thấy tàu Haijing 35111 của Trung Quốc (màu đỏ) di chuyển dày đặc quanh khu vực bãi cạn Luconia và lô dầu khí SK 308, nơi có giàn khoan của Sarawak Shell và hai tàu tiếp tế của Malaysia hoạt động trong tháng 5/2019.
Theo AMTI, tàu hải cảnh Haijing 35111 của Trung Quốc ngày 10-27/5 tuần tra xung quanh cụm bãi cạn Luconia ở Biển Đông, nơi có lô dầu khí SK 308 mà công ty Sarawak Shell có trụ ở ở Kuala Lumpur, Malaysia đã được cấp phép thăm dò. Đáng chú ý, khi Malaysia điều hai tàu tiếp tế đến phục vụ giàn khoan vào ngày 21/5, tàu hải cảnh Trung Quốc đã chạy quanh khiêu khích và tiếp cận hai tàu này trong phạm vi 80m. Kể từ năm 2013, Trung Quốc duy trì các tàu hải cảnh hiện diện gần như liên tục ở xung quanh cụm bãi cạn Luconia - khu vực có trữ lượng dầu khí mà Malaysia đã khai thác nhiều thập kỷ.
Ngoài ra, AMTI đánh giá, với các hành vi áp sát và khiêu khích này, nguy cơ va chạm bất ngờ có thể dẫn đến xung đột là rất rõ ràng và một khi va chạm ngẫu nhiên có thể dẫn đến leo thang căng thẳng trong khu vực. Theo đó, những hành động của Trung Quốc nhằm vào láng giềng ở Biển Đông kể từ tháng 5 chứng minh Bắc Kinh ngày càng sẵn sàng sẵn sàng cưỡng ép và đe dọa vũ lực để cản trở hoạt động dầu khí của các nước láng giềng, ngay cả khi Trung Quốc vẫn theo đuổi việc thăm dò năng lượng ở vùng nước tranh chấp.
Malaysia khẳng định cụm bãi cạn Luconia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và từ năm 2013 thường xuyên duy trì sự hiện diện quanh bãi cạn này. Công ty Sapura gần đây cho biết đã lắp đặt giàn khoan Sapura Esperanza tại một địa điểm thuộc cụm bãi cạn Luconia theo hợp đồng với Sarawak Shell.
Được biết, việc Trung Quốc gia tăng gây hấn với Malaysia trong khu vực bãi cạn Luconia là xuất phát từ chính quyền tiền nhiệm Thủ tướng Malaysia Najib Razak chấp nhận đi đêm với Trung Quốc để đối lấy những thỏa thuận song phương. Trong đó, Malaysia (1/11/2016) đã nhất trí mua 4 tàu hải quân của Trung Quốc và cam kết với Bắc Kinh về việc giải quyết song phương tranh chấp trên Biển Đông là một trong những ví dụ điển hình. Tàu hải quân mà Malaysia mua của Trung Quốc là loại tàu tác chiến ven bờ, một loại tàu nhỏ hoạt động ở khu vực gần bờ. Hai tàu trong số này sẽ được đóng ở Trung Quốc và hai chiếc còn lại sẽ được đóng ở Malaysia. Việc mua 4 tàu hải quân của Trung Quốc đánh dấu thỏa thuận quốc phòng lớn đầu tiên giữa Kuala Lumpur với Bắc Kinh, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông. Reuters cho biết, tàu tác chiến ven bờ có thể được trang bị sàn hạ cánh trực thăng và mang tên lửa. Loại tàu này chủ yếu dùng để bảo vệ an ninh ven biển, tuần tra hàng hải, và trinh sát, nhưng cũng có thể được triển khai cho hoạt động tìm kiếm, cứu hộ.
Nỗ lực tăng cường quan hệ với Trung Quốc được ông Najib theo đuổi sau khi Bộ Tư pháp Mỹ đâm đơn kiện Malaysia trong vụ bê bối rửa tiền của quỹ đầu tư phát triển quốc gia 1 Malaysia Development Bhd (1MDB). Ngoài ra, trong chuyến thăm của ông Najib tới Bắc Kinh, Trung Quốc và Malaysia cũng ký thỏa thuận xây dựng các dự án đường sắt ở Malaysia, trong đó có tuyến đường sắt ở khu vực bờ biển phía Đông của nước này với trị giá 13,2 tỷ USD. Thủ tướng Najib nói với hãng thông tấn Bernama của Malaysia rằng hai nước đã đạt “một thành tựu lịch sử” trong quan hệ kinh tế khi ký 14 thỏa thuận với tổng trị giá 34,4 tỷ USD.
Trước những hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước láng giềng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagu (20/7) đã phát đi Thông cáo bày tỏ quan ngại trước các thông tin về hành vi can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động liên quan tới dầu khí trong khu vực, bao gồm các hoạt động thăm dò và khác dầu khí từ lâu của Việt Nam, Malaysia. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm vào các hoạt động phát triển dầu khí ở ngoài khơi đã đe dọa tới an ninh năng lượng trong khu vực và gây tổn hại cho thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington “kịch liệt phản đối hành vi cưỡng ép trái phép và đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách hàng hải hoặc chủ quyền của mình”, đồng thời yêu cầu “Trung Quốc nên chấm dứt các hành động bắt nạt, kiềm chế tham gia vào các hành động khiêu khích và gây bất ổn”.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lại tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo đầu năm 2019 nói Trung Quốc “ngăn chặn phát triển kinh tế ở Biển Đông thông qua ép buộc... không cho các nước thành viên ASEAN tiếp cận trữ lượng năng lượng trị giá 2.500 tỷ USD ở đây”. Thông cáo dùng nhiều lời lẽ mạnh mẽ lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, dùng các tàu dân quân để “áp đảo, ép buộc và đe dọa các nước khác, gây nguy hại đến hòa bình và an ninh của khu vực”. Mỹ cũng chỉ trích Trung Quốc “ngày càng gây sức ép buộc các nước ASEAN phải chấp nhận Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các điều khoản giới hạn quyền của các nước hợp tác với các công ty, các nước thứ ba”, và điều này cho thấy ý đồ của Bắc Kinh muốn kiểm soát toàn bộ tài nguyên dầu khi trên Biển Đông.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?