Điều tàu quay lại vùng biển Việt Nam: Âm mưu nham hiểm của TQ


Việc Trung Quốc tiếp tục đưa tàu vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam là hành vi xâm phạm trắng trợn quyền chủ quyền của Việt Nam và cố làm giảm quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Âm mưu của Trung Quốc
Giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã đạt được một số ý đồ sau: Thứ nhất, phục vụ ý đồ độc chiếm nguồn tài nguyên trong khu vực và phục vụ ý đồ quân sự. Trước đây, Trung Quốc không có đủ điều kiện để thăm dò, khảo sát các vùng biển ở phía Tây đảo Trường Sa, song hiện Trung Quốc đã có điều kiện để làm, nhất là trang thiết bị, tàu thăm dò hiện đại hơn trước và được tiếp tế đầy đủ ở trên các đảo nhân tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những dữ liệu khảo sát địa chấn ở khu vực này không chỉ có giá trị đánh giá về trữ lượng dầu khí và khoáng sản dưới lòng biển mà còn có giá trị cho tàu ngầm ở đây, trong đó Trung Quốc đang phát triển mạnh các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo, loại vũ khí răn đe chiến lược rất quan trọng, có khả năng đánh đòn trả đũa trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Thứ hai, cản phá các hoạt động thăm dò dầu khí hợp pháp của Việt Nam, hiện thực hóa yêu sách “đường 9 đoạn”. Trung Quốc đưa ra một quan điểm riêng về Luật Biển quốc tế, họ có yêu sách ngang ngược về chủ quyền Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế. Trung Quốc sử dụng sức mạnh đơn phương để đè bẹp luật pháp quốc tế, uốn luật pháp theo ý mình với logic đó. Thứ ba, gây sức ép lên Việt Nam và các nước ASEAN khác để buộc các nước phải thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) theo quan điểm của Trung Quốc. Thứ tư, thử phản ứng của Việt Nam và các nước khác, nếu Việt Nam có phản ứng không đủ mạnh thì Trung Quốc sẽ tiếp tục làm tới, còn nếu Việt Nam phản ứng mạnh quá sức chịu đựng của Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ rút lui.
Đáng chú ý, một số ý kiến khác cho rằng, thông qua hành động điều tàu hoạt động, quấy phá trái phép trong vùng biển của Việt Nam là bước đi không mới của Trung Quốc, nhằm làm giảm quyết tâm của Việt Nam và các đối tác an ninh của Việt Nam trên thế giới; từng bước phá bỏ UNCLOS và xây dựng một hệ thống luật lệ riêng của Trung Quốc. Trong ki đó, chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, đánh giá việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại vùng biển của Việt Nam sau khi đến đá Chữ Thập trong vài ngày đã gửi ra một thông điệp chính trị rõ ràng. Theo đó, thông điệp của Trung Quốc là chừng nào Việt Nam còn tiếp tục các hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ không chỉ quấy rối mà còn thăm dò đơn phương trong vùng biển của Việt Nam nhằm gia tăng áp lực với Hà Nội.Đồng tình với ý kiến này, Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á của CSIS, đánh giá Trung Quốc muốn thể hiện rằng “tất cả các tài nguyên hydrocarbon nằm trong Đường 9 đoạn đều thuộc về Trung Quốc”. Đây là điều Bắc Kinh đã tuyên bố và đang muốn biến nó thành hiện thực. Nhìn lại các sự cố trong 2017 và 2018, khi Trung Quốc ép Việt Nam dừng hợp tác với đối tác nước ngoài khai thác dầu ở vùng biển của Việt Nam, Hiebert cho rằng Bắc Kinh đang báo hiệu với Hà Nội về mục đích của mình. Theo đó, Trung Quốc muốn Việt Nam hoặc là dừng hoàn toàn các hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông, hoặc là hợp tác với Bắc Kinh.
Với hành động này, Trung Quốc tiếp tục hướng tới con đường giành thêm các quyền kiểm soát Biển Đông, khống chế không gian biển ở khu vực. Ngoài ra, với sự áp đặt đơn phương của Trung Quốc đã chà đạp lên luật pháp quốc tế. Riêng đối với Việt Nam, Việt Nam sẽ đối mặt với các nguy cơ mất quyền khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Không những vậy, nếu Trung Quốc khống chế được không gian trên Biển Đông thì cán cân lực lượng của khu vực Đông Á sẽ ngả rất mạnh về phía Trung Quốc. Trung Quốc sẽ nổi lên như một kẻ bá chủ trong khu vực. Mọi người có thể nhìn thấy sức mạnh của Trung Quốc có thể chà đạp lên luật pháp, đứng trên luật pháp thì khi đó, độc lập, tự chủ của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam sẽ bị xâm hại nghiêm trọng.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ nhất. Mỹ có chung lợi ích ở Biển Đông và không muốn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Mỹ cũng đủ mạnh để không phải lo ngại sự trả đũa của Trung Quốc. Rõ ràng nhân tố Mỹ là nhân tố không thể thiếu được đối với các quốc gia trong vùng muốn bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình trước Trung Quốc.Tuy nhiên, những hành động của Mỹ trong suốt thời gian vừa qua khi Trung Quốc gây hấn và có những bước đi táo bạo muốn độc chiếm Biển Đông lại chưa đủ. Đáng chú ý, mới đây, Tư lệnh Không quân Mỹ, Tướng David Goldfein cho biết: “Sẽ không có chuyện chúng tôi giảm mức độ sẵn sàng cũng như khả năng của mình trong việc thực hiện chiến dịch tự do đi lại và bay qua vùng biển ở nơi chúng tôi cần và khi chúng tôi cần. Đó là cam kết của chúng tôi đối với khu vực”.
Cùng quan điểm với Mỹ, giới chức nhiều nước trên thế giới như Nga, Nhật Bản, Anh, Pháp... đã trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện thái độ ủng hộ với Việt Nam và lên án các hành động phi pháp của Trung Quốc; yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt các hành vi khiêu khích, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.
Tuy nhiên, để ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, các nước phải kết hợp với nhau mạnh hơn nữa để tạo thành một mặt trận quốc tế đủ lớn để chống lại sự vi phạm quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông, chống lại yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Có như vậy mới có thể tạo đủ sức ép buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi. Đồng thời cũng phải có những hành động hợp pháp bảo vệ các nước ven bờ, chẳng hạn như những hành động thăm dò dầu khí, đánh cá bình thường của ngư dân Việt Nam. Ngoài ra, không chỉ có các nước ven bờ như Việt Nam, Philippines, Malaysia mà kể cả các nước bên ngoài có chung lợi ích bảo vệ luật pháp quốc tế cũng hoàn toàn có thể hợp tác với nhau, không chỉ bằng con đường quân sự mà có thể sử dụng các tàu chấp pháp giúp đỡ nhau, tăng cường năng lực để cùng nhau bảo vệ thi hành luật pháp quốc tế trong khu vực này.
Công lý đứng về phía Việt Nam
Những hành động hiện nay của Trung Quốc như đưa tàu vào vùng chủ quyền của Việt Nam, xua đuổi tàu cá ... hoàn toàn là bất hợp pháp. Nếu Việt nam thu thập được đủ bằng chứng và công bố ra quốc tế thì sẽ xây dựng được một hệ thống tư liệu quý báu, khi đưa ra Tòa thì khả năng thắng kiện 100% bởi vì các hoạt động của Trung Quốc hoàn toàn sai luật pháp quốc tế.
Một trong những cách Việt Nam có thể bắt Trung Quốc “nâng” cái giá phải trả với những hành động phi pháp của mình đó là tạo điều kiện cho quốc tế vào và nhìn thấy, thu thập các bằng chứng Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, chẳng hạn như tạo điều kiện cho các phóng viên quốc tế tới thực địa để trực tiếp lấy thông tin về các hành động quấy nhiễu và cản phá của Trung Quốc và đó sẽ là những bằng chứng hùng hồn và mạnh mẽ nhất để buộc Trung Quốc chùn bước trong điều kiện hiện nay. Năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan, Việt Nam đã đưa nhà báo quốc tế ra tận nơi chứng kiến và ghi hình và chính điều đó đã góp phần không nhỏ khiến Trung Quốc phải rút giàn khoan về sau 2 tháng rưỡi hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Ngoài ra, nếu Việt Nam không có những phản ứng đủ mạnh để buộc Trung Quốc phải trả giá thì Trung Quốc sẽ tiếp tục làm những gì mà họ đã và đang làm. Họ sẽ tiếp tục làm nhiều cách để thực thi “đường 9 đoạn” của họ. Cho đến nay Bắc Kinh chưa phải trả giá cho các hành vi của họ, nên họ sẽ tiếp tục thực hiện ý đồ của mình bằng nhiều hành vi khác nhau. Một kịch bản trong tương lai, họ sẽ bao vây một đảo của Việt Nam, cắt đường tiếp tế vào đảo. Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò, cản phá, quấy rối các hoạt động đánh bắt cá của Việt Nam, Philippines, Malaysia, kể cả bên trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, rồi họ sẽ tăng cường tập trận, kể cả bắn tên lửa trên Biển Đông.
Phản ứng phù hợp của Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (16/8) nhấn mạnh đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế.Hiện nay, các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?