Tin Việt Nam – 28/08/2019

Tin Việt Nam – 28/08/2019

Chủ tịch Hà Nội công khai bôi nhọ

người đại diện của dân Đồng Tâm

Báo Người Lao Động hôm 27/8/2019 có đăng bài với tựa đề: “Chủ tịch Hà Nội: Ông Lê Đình Kình có mục đích xấu, nhằm trục lợi trên đất Đồng Tâm”.
Hứa cho qua chuyện?
Trong bài cho biết, chiều 27/8, UBND TP Hà Nội tổ chức buổi họp báo về việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Buổi họp báo có mặt đại diện UBND TP Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, tuy nhiên không có người dân Đồng Tâm nào được tham dự.
Tờ báo trích dẫn nguyên văn lời Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nói tại buổi họp báo: “Trước buổi thông tin hôm nay, chúng tôi đã gặp trao đổi với nhiều đại biểu Quốc hội, chính quyền xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, một cách công khai, minh bạch. Tôi khẳng định rằng có một bộ phận đối tượng có mục tiêu lợi dụng, trục lợi để lấn chiếm đất hoặc để có thể hy vọng được bồi thường. Bản thân ông Lê Đình Kình (82 tuổi, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội; là 1 trong 4 người bị bắt giữ ngày 15-4-2017) cũng nhằm mục tiêu như vậy, ông Kình đã từng làm nhiều vị trí trong chính quyền ở xã Đồng Tâm nhiều năm trước, ông Kình nắm rõ chi tiết rất nhiều khu đất khác trên địa bàn.”
Tại buổi họp báo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cũng cho hay ông Lê Đình Kình không có quyền khiếu nại kết luận thanh tra của Thanh tra và cũng không phải là người đại diện cho người dân xã Đồng Tâm.
Tuy nhiên chỉ sau vài giờ, tờ Người Lao Động đã gỡ bỏ bài viết này. Đây được cho là không lạ đối với báo chí do nhà nước kiểm soát như tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Chung nói như thế là hoàn toàn là sai, ổng nói tôi có ý đồ xấu thì đúng ra ông Nguyễn Đức Chung phải tự nhận người có ý đồ xấu là ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội mới đúng.
-Cụ Lê Đình Kình
Trao đổi với RFA tối 27/8/2019 từ xã Đồng Tâm, cụ Lê Đình Kình, cho biết:
“Ông Nguyễn Đức Chung nói như thế là hoàn toàn là sai, ổng nói tôi có ý đồ xấu thì đúng ra ông Nguyễn Đức Chung phải tự nhận người có ý đồ xấu là ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội mới đúng. Bởi vì ông Lê Đình Kình là người trực tiếp sinh ra lớn lên trên địa giới hành chính xã Đồng Tâm từ xưa đến nay. Toàn bộ đất nông nghiệp và đất quốc phòng ở đâu tôi biết rõ và nói rõ đến đó. Trước đây, khi 14 hộ dân Đồng Tâm ký thỏa thuận bàn giao đất cho quốc phòng, thì ông Nguyễn Đức Chung có nói ‘Ông Lê Đình Kình hoàn toàn không có quyền lợi gì ở khu vực này’. Câu này thì Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Đức Chung từ khi phát sinh đơn khiếu kiện thì chỉ có mỗi câu này là đúng.”
Vào ngày 15/04/17, khi chính quyền xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội tiến hành cưỡng chế đất tại đồng Sênh, ở thôn Hoành, người dân xã Đồng Tâm khi đó đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước qua vụ việc bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ làm con tin, để yêu cầu được đối thoại với Chính quyền thành phố Hà Nội, sau khi Công an Hà Nội bắt 4 người dân xã Đồng Tâm để điều tra cáo buộc gây rối trật tự công cộng, trong số này có cụ Lê Đình Kình, nguyên Bí thư đảng ủy xã, 82 tuổi vào thời điểm đó.
Vụ việc xảy ra vì liên quan đến 59 héc-ta đất trong xã mà người dân nói là thuộc đất nông nghiệp của họ trong khi chính quyền địa phương lại nói đây là đất đã bàn giao cho Bộ Quốc phòng và đòi thu hồi để giao cho tập đoàn viễn thông quân đội Viettel.
Sau đó vào ngày 22/04/17, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về xã Đồng Tâm hứa giải quyết vụ việc. Người đứng đầu UBND TP Hà Nội đã có bản cam kết 3 điểm, trong đó có việc không truy cứu trách nhiệm hình sự với người dân trong sự việc hôm 15-4. Sau đó, 38 cảnh sát cơ động và cán bộ bị giữ tại nhà văn hoá thôn Hoành đã được thả ra và trở về nhà.
Lãnh đạo bất nhất – dân mất niềm tin
Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 27/8, đưa ra nhận định liên quan câu nói bôi nhọ của ông Nguyễn Đức Chung:
“Trước nay, cụ Lê Đình Kình không chỉ là người đại diện mà còn được người dân địa phương xem như một lãnh đạo tinh thần của họ trong quá trình tranh chấp đất đai xây dựng sân bay Miếu Môn giữa chính quyền và người dân.
Thế nhưng, trong cuộc họp báo mới đây, ông Nguyễn Đức Chung lại công khai điểm mặt người lãnh đạo tinh thần của dân để cho rằng cụ Kình là “đối tượng có mục tiêu lợi dụng, trục lợi để lấn chiếm đất …”, cho thấy rằng ông Chung đã chủ trương cắt mất con đường đối thoại với dân. Vì rõ ràng, bôi nhọ cá nhân người lãnh đạo của dân không phải là tín hiệu thiện chí.”
Theo Luật sư Mạnh, nếu như ông Chung buông những lời này cách đây 2 năm, trước khi xảy ra sự kiện dân bắt giữ nhân viên công lực, thì dẫu có chuộc núi vàng cũng đố ông dám bước chân vào Đồng Tâm để tiến hành cuộc thương lượng với dân. Trong cuộc thương lượng năm đó (2017), ông Chung đã lập văn bản bằng giấy trắng mực đen cam kết không truy cứu trách nhiệm đối với những người đã có hành vi bắt giữ cảnh sát cơ động và phá hủy một số công sản. Thế nhưng, sau đó ông đã phủ nhận lời cam kết của mình khi cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án nhắm vào những người dân Đồng Tâm. Ông Mạnh cho rằng, không trung tín và công khai bôi nhọ người đại diện của dân, ông Chung đang nêu một gương xấu trong giới lãnh đạo cao cấp tại Hà Nội.
Hôm 25 tháng 4 năm 2019, Thanh tra chính phủ đã công bố kết quả rà sát kết luận thanh tra đất đai Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội, và khẳng định toàn bộ khu đất ở sân bay Miếu Môn hơn 239 ha đều thuộc đất Quốc Phòng.
Thanh tra chính phủ cũng xác định khiếu nại của ông Lê Đình Kình và những người dân xã Đồng Tâm liên quan đến diện tích đất nông nghiệp 59 ha ở đồng Sênh thuộc xã Đồng Tâm là không đúng.
Kết luận này đồng thời cũng khẳng định kết luận hồi tháng 7 năm 2017 về đất đai ở Đồng Tâm do Thanh tra Hà Nội thực hiện là hoàn toàn chính xác.
Cụ thể, kết luận năm 2017 xác định toàn bộ hơn 239 héc-ta ở sân bay Miếu Môn, từ năm 1981 đến này do các đơn vị Quốc phòng quản lý và sử dụng nhưng đã buông lỏng quản lý, để người dân canh tác nông nghiệp vào khi hợp đồng hết hạn hồi năm 2012, đồng thời các đơn vị Quốc phòng chưa di dời các hộ dân sinh sống tại khu vực này trước năm 1980 để các hộ lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép…
Kết luận thanh tra cũng giao cho thành phố rồi và cái thông báo trả lời là về việc thanh tra chứ chưa phải là kết luận. Và đây là thông báo đơn phương từ phía họ thôi.
-Luật sư Ngô Anh Tuấn
Luật sư Ngô Anh Tuấn, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, là luật sư đại diện cho người dân Đồng Tâm sau khi có kết luận thanh tra vào tháng tư năm 2019, đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:
“Hiện tại, với những việc trước đây thì tôi xin phép không nói vì đã có kết luận lần thứ nhất rồi. Nhưng mà mới đây giai đoạn mà chúng tôi có ký với nhân dân Đồng Tâm là chúng tôi bảo vệ cho những vấn đề có liên quan đến kết luận thanh tra. Kết luận thanh tra cũng giao cho thành phố rồi và cái thông báo trả lời là về việc thanh tra chứ chưa phải là kết luận. Và đây là thông báo đơn phương từ phía họ thôi.”
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết, người dân Đồng Tâm bây giờ sẽ kiên trì yêu cầu đề nghị chính quyền đối thoại, trả lời rõ ràng các thông báo, công văn; Yêu cầu chính quyền trả lời chính thức bằng văn bản hoặc sẽ đối thoại với người dân. Chúng tôi yêu cầu đối thoại với người dân rất nhiều lần rồi nhưng thanh tra chính phủ vẫn im lặng và chưa có bất cứ thông tin nào.
Một người dân Đồng Tâm cho RFA biết ý kiến của mình hôm 27/8/2019:
“Người dân Đồng Tâm sẽ đấu tranh đến cùng để giữ mảnh đất do ông cha để lại. Người dân Đồng Tâm sẽ không bao giờ để cho Nguyễn Đức Chung vào để lấy đất, chúng tôi sẽ giữ mảnh đất 59 ha này đến cùng, cho dù người dân Đồng Tâm phải chết một nửa.”
Cũng tại buổi họp báo hôm 27/8/2019, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho hay hiện đang xem xét về việc sẽ đối thoại với người dân xã Đồng Tâm. Ông Thanh cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo việc này từ trước.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong thời gian tới, nếu xét thấy có vấn đề gì chưa thoả đáng và xét thấy cần thiết thì “chúng tôi mới tiếp tục về làm việc với người dân Đồng Tâm”.
Cụ Lê Đình Kình nhận định:
“Ông Nguyễn Đức Chung nói thanh tra chính phủ đã về đây gặp chúng tôi, xin lỗi, chưa bao giờ gặp. Thậm chí thông qua dự thảo kết luận thanh tra và thông qua kết luận thanh tra 2346, không mời người khiếu nại tố cáo, không mời công dân xã Đồng Tâm, mà họ tự động làm việc này. Cho nên chúng tôi có nói Nguyễn Đức Chung vừa đá bóng vừa thổi còi, là vi phạm pháp luật, là vi phạm về luật khiếu nại tố cáo.”
Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, trên thực tế, kể từ khi làm việc với người dân Đồng Tâm cho đến lúc này, ông thấy người dân rất ôn hòa và làm theo pháp luật, chứ không có bất cứ động thái nào gây hấn với chính quyền, cho nên ông cho rằng, nếu chính quyền nói người dân không hợp tác là phiến diện.
Cho đến rạng sáng ngày 28/8/2019, tờ Người Lao Động đã đưa lại bài viết này lên trang chủ của mình.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hanoi-chairman-gives-suspicious-of-representative-of-dong-tam-people-08272019143956.html

Vụ án Gateway: Sao chỉ khởi tố người đưa đón trẻ?

Diễm Thi, RFA
Nhiều khuất tất
Tối ngày 6/8/2019, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin với nội dung một bé trai lớp 1 là học sinh của trường quốc tế Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của trường.
Sự việc ngay lập tức gây xôn xao dư luận khi hầu như mọi người đều nhìn thấy những điểm vô lý trong cái chết của cháu bé qua thông tin báo chí đăng tải.
Ngay sau khi vụ việc này xảy ra, một số nguồn tin trên mạng xã hội đã truy tìm thông tin của trường Gateway và cho biết, con gái Thủ Tướng VN Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Xuân Trang, có cổ phần 14.3% trong Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Giáo Dục Quốc Tế Edufit (Edufit Group), công ty mẹ của trường Tiểu Học Quốc Tế Gateway; bà Trần Thị Hồng Vân có cổ phẩn hơn 40%. Bà này là con gái của ông Trần Văn Vệ, trung tướng, phó thủ trưởng thường trực Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra, chánh văn phòng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An, nguyên quyền tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát, Bộ Công An, nguyên giám đốc Công An tỉnh Thái Bình.
Dư luận tiếp tục lên tiếng khi một ngày sau đó, báo cáo của trường Gateway ngay buổi họp báo tại UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, xe của trường đón 13 học sinh tiểu học vào khoảng gần 7 giờ sáng hôm 6/8. Trong số các học sinh được đón có bé trai tên Long, 6 tuổi, ngồi ở hàng ghế sau cùng. Khi các bé xuống xe, ông Phiến – người lái xe và người đón trẻ là bà Quy không kiểm tra nên không biết cháu Long còn trên xe. Sau đó, ông Phiến đưa xe về bãi trông giữ.
Chiều cùng ngày, ông Phiến và bà Quy đưa xe từ bãi về trường đón học sinh, khi mở cửa xe thì thấy cháu Long nằm dưới sàn xe sau ghế tài xế. Mọi người vội đưa bé Long đi sơ cứu, sau đó chuyển tới Bệnh viện E. Tại đây, bé Long qua đời.
Bốn ngày sau cái chết của bé Long, bà Quy thuật lại buổi sáng cuối cùng của cậu bé với tờ Vnexpress: “Tôi và anh Phiến đã sơ suất không kiểm tra kỹ lần cuối trước khi rời xe nên phần lớn trách nhiệm này thuộc về tôi. Nhưng nếu như sau khi tài xế đưa học sinh đến trường rồi kiểm tra lại xe thì đã không để xảy ra sự đau buồn này”. Ngày 20/8, Công an Cầu Giấy đã gửi ngay giấy mời bà Quy lên trụ sở làm việc để lấy lại lời khai, lần này bà cho biết: “Không nhớ rõ lúc trước đã nói những gì vì tinh thần hoảng loạn. Hiện tôi bình tĩnh hơn nên nói chuẩn xác hơn”. Và bà nói rằng “khi bà bước lên xe kiểm tra và không thấy cháu nào trên xe”.
Mặc dù bà Quy đã khai lại và khẳng định mình không bỏ quên cháu Long trên xe đưa đón nhưng ngày 26/8 Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy ký quyết định khởi tố với bà Nguyễn Bích Quy theo quy định tại khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự!
Vì sao chỉ bắt bà Quy?
Chiều tối ngày 27/8, bà Nguyễn Bích Quy, người phụ trách đưa đón học sinh trường Gateway, bị bắt tạm giam thời hạn 3 tháng để điều tra về hành vi “Vô ý làm chết người”.
Luật sư của bà Quy, ông Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng Văn phòng luật sư Thành Sơn và Đồng sự – cho RFA biết sự việc vào tối cùng ngày:
“Tôi đang đi công tác thì nghe tin bà Quy bị bắt tạm giam lúc 18 giờ 15 phút. Theo tôi tìm hiểu thì trường hợp bà Quy không thuộc diện phải bắt tạm giam. Bà Quy bị khởi tố theo khoản 1 tội vô ý làm chết người thì không đến nỗi bị bắt. Tôi chưa hình dung được lý do tại sao, có thể để bà ấy khỏi trả lời báo chí…”
Ông nói thêm rằng việc bắt giam này không hợp lý và không đúng luật, bởi những trường hợp bắt giam thường là do họ thấy có dấu hiệu bỏ trốn hoặc có phạm tội khác. Trường hợp này ông thấy chẳng có gì vì bà Quy chấp hành mọi yêu cầu của cơ quan điều tra.
Cũng cùng ý kiến việc bắt bà Quy là để “bịt miệng” bà với truyền thông, Luật sư Lê Công Định cũng viết một status ngắn trên facebook cá nhân của mình vào tối 27/8, trong đó có đoạn: “Bắt tạm giam bà Nguyễn Bích Quy trong vụ trường Gateway chỉ nhằm mục đích ngăn chặn bà đưa ra những lời khai bất lợi cho sự thật về cái chết của cháu bé học sinh, chứ không phải vì bà Quy bị tình nghi phạm tội thật sự.”
Một luật sư nữa của bà Quy, luật sư Lê Trọng Minh chia sẻ trên facebook cá nhân của mình vào tối 27/8 rằng theo quy định tại khoản 1 Điều 128 Bộ luật hình sự thì tội mà bà Quy bị khởi tố có khung cao nhất là 05 năm tù. Như vậy trường hợp của bà Quy không thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt tạm giam. Có thể nói việc bắt tạm giam là trái quy định của pháp luật.
Ông viết thêm rằng: “Liệu bà có đủ tỉnh táo và năng lực để khai báo nếu như chưa có sự có mặt của chúng tôi hay không?
Một vụ án mà cả xã hội quan tâm nhưng quá nhiều điều còn nghi vấn?! Mục đích và căn cứ của việc bắt tạm giam là gì?”
Nhà báo Võ Văn Tạo, người từng có 8 năm làm Hội thẩm Nhân dân lên tiếng với RFA rằng dư luận người ta có quyền nghi ngờ bởi thực chất trường này có nhiều uẩn khúc khi công chúng và báo chí biết được là trường này có con ông cháu cha trong ban thành lập. Ông nêu thắc mắc tại sao không triệu tập người tài xế?
“Chung quanh việc này có nhiều điều rất đáng ngờ, đặc biệt là những lời khai của chị Quy khi luật sư vào cuộc. Chị Quy đã phản bác lại tất cả những nội dung mà trước đó báo chí thông tin. Ông tài xế chính là người đầu mối đầu tiên nếu cảnh sát điều tra vô tư thì tôi nghĩ chỉ cần truy ông đó là ra vấn đề ngay.”
Ngay sau khi bà Nguyễn Bích Quy bị bắt, dư luận mạng xã hội đều đồng tình rằng cách Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bắt tạm giam bà Quy là để “bịt miệng” bà. Nhiều người đặt nghi vấn tại sao người người đứng đầu ngôi trường này không chịu trách nhiệm mà chỉ quy trách nhiệm cho mỗi bà Quy – người đưa đón trẻ?
Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội đưa ra quan điểm của mình rằng:
“Bây giờ đang trong giai đoạn điều tra cho nên có thể hiện nay mới khởi tố bà Quy, đến khi có thêm chứng cứ hoặc căn cứ vào lời khai thì họ có thể khởi tố thêm hoặc không. Tóm lại là bây giờ chưa thể kết luận là đúng hay sai, hợp lý hay không khi mới chỉ khởi tố bà Quy.”
Trong khi đó, luật sư Lê Công Định đặt câu hỏi trên facebook cá nhân của mình rằng: Luật pháp của chế độ độc tài toàn trị phải chăng chỉ trừng phạt những kẻ yếu thế dưới đáy xã hội, chỉ vì họ không được bảo bọc trong quyền thế và tiền bạc, và bởi họ chỉ có một sinh mạng bé nhỏ trần trụi để cái gọi là “công lý” được thực thi bằng sự chà đạp tha hồ một cách vô đạo và bỉ ổi?
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/gateway-case-only-nguyen-bich-quy-gets-prosecution-dt-08272019145712.html

Tôm hùm Alaska bán cho người dân

cao gấp 6 lần giá nhập cảng

Giá bán trên thị trường thấp nhất là khoảng 550,000 đồng/ kg đối với loại tôm có kích thước từ 1 đến 2kg; và từ 800,000 đồng đến 1,000,000 đồng một kg đối với loại có kích thước từ 2 đến 5kg. Như vậy, giá tôm hùm Mỹ dù nhập về Việt Nam với giá rẻ, nhưng người tiêu dùng vẫn mua với giá khá cao.
Theo báo Vietnamnet, thì biểu thuế nhập cảng tôm hùm Alaska là 12%. Mặt hàng này phải chịu phí kiểm tra, và giấy cấp phép kiểm dịch động vật từ bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhưng, phí kiểm dịch không cao.
Một số chủ cửa hàng chuyên cung cấp hải sản ngoại quốc tại Sài Gòn cho hay, giá tôm hùm Alaska nhập cảng phải lớn hơn 170,000 đồng một kg. Và giá 170,000 đồng có thể là do các công ty nhập cảng khai thấp hơn để trốn thuế. Một nguyên nhân quan trọng nữa mà tác giả bài báo chưa đề cập đến, đó chính là các chi phí “lót tay” khá lớn mà công ty phải trả cho những cơ quan nhà nước để được giải quyết các thủ tục nhanh gọn. Đây là nguyên nhân lớn đẩy giá hàng hoá lên cao ở Việt Nam.
https://www.sbtn.tv/tom-hum-alaska-ban-cho-nguoi-dan-cao-gap-6-lan-gia-nhap-cang/

Người Việt thế hệ hai

vẫn không được chính phủ Campuchia coi là công dân

Mỹ HằngBBC, Bangkok
Trong khi đi tìm kiếm nhân vật cho loạt phóng sự về cộng đồng người Việt ở Campuchia, chúng tôi gặp những người trẻ tuổi ‘vô chính phủ’ khác không phải ở Biển Hồ, mà ngay trong lòng Phnom Penh sầm uất.
Một trong số đó là Huỳnh Thanh Hiền, 30 tuổi, có bố mẹ đều là người Việt, sinh ra ở Campuchia, hiện là thợ làm móng ở thủ đô Phnom Penh.
Thuộc thế hệ trẻ hiện đại, giao tiếp tốt, quen công nghệ, nói thành thạo tiếng Khmer và tiếng Việt, Hiền dường như đã có thể trở thành lớp người gốc Việt mới thành đạt tại Campuchia này.
Nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Người Việt ở Biển Hồ Campuchia lên bờ rồi đi đâu?
Nuon Chea qua đời: Nhìn lại liên hệ của Hà Nội với Khmer Đỏ
40 năm hậu Khmer Đỏ: Campuchia nghĩ gì về VN?
Truyền thông viết ít nhiều về cộng đồng gốc Việt nghèo, không được thừa nhận ở vùng Biển Hồ, nhưng thanh niên có điều kiện hội nhập hơn như Huỳnh Thanh Hiền cũng vẫn sống bên lề xã hội Campuchia.
‘Không được chấp nhận’
“Đã là người Việt thì sẽ không được ưa ở Campuchia,” Hiền khẳng định.
“Khi còn bé, tôi không hiểu vì sao người Campuchia không thích tôi và người Việt Nam nói chung. Về sau khi lớn lên, tôi hiểu được một số lý do trong quá khứ, từ thời chiến tranh, người Campuchia luôn nghĩ rằng người Việt Nam có quyền lực, và vì thế luôn sợ mất đất về tay người Việt,” Hiền vừa nói vừa lướt điện thoại trong một quán cà phê hiện đại ở Phnom Penh, nơi cô hay lui tới.
Tôi không biết mình thuộc về nước nào…Huỳnh Thanh Hiền
“Con gái Campuchia mà có bạn trai là người Việt Nam thì gia đình sẽ không cho cưới. Đi thuê nhà, người Việt Nam thì họ không cho thuê nhưng nếu nói là người Trung Quốc thì cho thuê. Nhìn chung người Campuchia họ không thích mình nhưng không làm gì mình cả. Tôi vẫn có bạn Campuchia và vẫn chơi với họ bình thường. Chỉ khi nào cãi nhau thì họ sẽ nói mình là ‘jun’ – từ lóng, kiểu nói miệt thị ở Campuchia.”
“Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Tôi coi đây là đất nước của mình. Nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy mình được hoàn toàn chấp nhận ở đây. Tôi không biết mình thực ra là người nước nào,” Hiền nói.
Hiền và bốn người em đều sinh ra ở Phnom Penh nhưng không ai có giấy tờ hộ tịch Campuchia.
Các em Hiền thậm chí không có giấy khai sinh vì đã bị chính quyền tịch thu trong đợt xét cấp lại giấy tờ cho ‘người nước ngoài’ năm 2017.
Do không phải công dân Campuchia, theo luật nước này, cả năm chị em Hiền đều không được đi học các trường tiếng Khmer của chính phủ. Nhờ hoạt bát, giao tiếp tốt, Hiền có thể nói thông thạo tiếng Khmer nhưng không biết đọc và viết. Hiền chỉ học đến lớp Ba trường tư của người Việt, biết mặt chữ và làm các phép tính đơn giản, đủ để sống sót khi ra đời.
Nhóm bạn của Hiền ở Phnom Penh phần lớn cũng là người gốc Việt và có chung câu chuyện không hộ tịch Campuchia, không bằng cấp.
Họ chủ yếu đi làm thuê hoặc mở các dịch vụ cắt tóc, làm móng để sinh sống. Chưa từng có ai đặt được chân vào cơ quan nhà nước. Trở thành một nhân viên chính phủ là điều hoang tưởng.
Chế độ Khmer Đỏ và bốn năm ‘Cánh đồng chết’
Nhà báo từng chiến đấu ở Campuchia nói gì?
Ai từng trợ giúp Pol Pot và đồng minh?
Không hộ tịch, không quyền cơ bản
Khi chúng tôi liên hệ với Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh để nhờ ông giới thiệu một tấm gương người gốc Việt trẻ tuổi thành đạt tại Campuchia.
Thông tin phản hồi của Đại sứ mà chúng tôi nhận được là: “Đến nay chưa có ai!”
Vì sao cộng đồng gốc Việt tại Campuchia, với dân số ước tính lên tới hơn 180.000 người cho tới thời điểm hiện tại, không có ai thực sự vươn lên thành đạt? Vì sao hàng ngàn người, như Hiền, không được thừa nhận là dân Campuchia. Vì sao họ ‘bị ghét’?
Câu chuyện của chúng tôi với những người gốc Việt tại Campuchia quanh đi quẩn lại luôn quay về chuyện ‘không được chấp nhận’ và không hộ tịch.
Tình hình căng thẳng nhất là vào đợt tranh cử năm 2003…Ông Phann Sarin, Chủ tịch Tổng hội Người Campuchia gốc Việt Nam tại Preyveng
Trong chuyến thăm trường tiểu học Khmer Việt Nam tại tỉnh Preyveng, cách Phnom Penh 60 km, chúng tôi gặp ông Phann Sarin, Chủ tịch Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam của tỉnh. Ông Phann Sarin thừa nhận rằng “sâu thẳm, người Campuchia không thích người Việt.
“Tình hình căng thẳng nhất là vào đợt tranh cử năm 2003, các đảng phái tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu người Việt để lôi kéo thêm phe cánh ủng hộ. Họ nói người Việt Nam xâm lược Campuchia, chặt đầu người Campuchia… Một bộ phận người Campuchia do hiểu biết thấp đã tin theo những điều này. Họ tìm cách hãm hại người Việt, thậm chí tìm cách giết. Có hai cha con đi đặt bẫy chuột đã bị họ phục kích bắt trói, đánh đập, rồi bỏ vào ghe để thả xuống một khúc sông vắng. May họ tỉnh dậy, tự mở trói được. Nhưng quá hoảng sợ, nhà đó đã bỏ chạy về Việt Nam. Bà con người Việt hoang mang dữ lắm.”
“Bây giờ đỡ nhiều rồi. Quan hệ giữa người Việt và người Khmer đã tốt hơn. Người Khmer giờ đã hiểu hơn, họ nhìn lại thực tế đã bị các đảng phái lừa gạt… Quanh đây người Việt sống lẫn với người Khmer hòa thuận, không có chuyện gì xẩy ra. Những người hiểu biết thì họ rất thương mến người Việt. Nhưng vẫn có một phần tử nhỏ vẫn tuyên truyền nói xấu… Và trong sâu thẳm thì có nhiều người Khmer không thích mình dù họ vẫn chung sống hòa bình với mình.”
Dân thành phố cũng có hơn?
Việc không được hoàn toàn chấp nhận trong xã hội Campuchia đã để lại hậu quả nặng nề cho cộng đồng gốc Việt tại Campuchia.
Trong trường hợp của Hiền, dù là dân thành phố nhưng cô cũng không có cơ hội vươn lên như hàng ngàn dân gốc Việt thất học khác ở các làng chài trên Biển Hồ.
Do không có hộ tịch, cô không được hưởng một nền giáo dục đầy đủ, không có bằng cấp, không được đi khám các dịch vụ y tế của nhà nước, không được cấp hộ chiếu, không được đặt phòng khách sạn, không mở được tài khoản ngân hàng, không được đi bầu cử.
Tóm lại, Hiền không được hưởng các quyền công dân Campuchia cơ bản mà cô cũng không phải công dân Việt Nam.
Campuchia mua nhiều vũ khí Trung Quốc
Vì sao tờ Cambodia Daily phải đóng cửa?
Lào tuyên bố rút quân khi Hun Sen thăm
Mekong cần xã hội dân sự và nhà báo
Chuyện bị phân biệt đối xử dường như ảnh hưởng tới cả công dân Việt Nam làm việc tại Campuchia.
Anh Nguyễn Văn Hào, quốc tịch Việt Nam, Hiệu trưởng kiêm giáo viên đứng lớp trường tiểu học Khmer Việt Nam ở Preyveng nói nguyện vọng của anh chỉ là được trả lương công bằng như các đồng nghiệp Campuchia.
“Hiện nay lương của tôi là 150 đô la một tháng, trong khi tôi có bằng sư phạm. Các đồng nghiệp người Campuchia thì được gấp đôi, 300 đô la một tháng. Vì sao lại như thế?” Thầy Hào đặt câu hỏi.
Mâu thuẫn vì đâu?
Một số nghiên cứu hiếm hoi mà chúng tôi tìm thấy chỉ ra rằng mâu thuẫn giữa người gốc Việt và người Khmer tại Campuchia đã có từ lâu đời, chí ít từ thời Pháp đô hộ Đông Dương (1863-1953), khi các làng chài của người Việt bắt đầu hình thành trên sông Mekong gần biên giới Campuchia.
Sau đó vào những năm 1960, dưới thời ông hoàng Sihanouk, ông này cho phân chia lại các nhóm sắc tộc và đưa ra những chính sách mới về quốc tịch, trong đó người gốc Việt Nam vẫn là ‘người nước ngoài’.
Luật do vua Sihanouk ban hành năm 1954 quy định người sống ở Campuchia 5 năm sẽ được cấp quốc tịch Campuchia, với yêu cầu phải ‘thuần thục’ tiếng Khmer và phải ‘đồng hóa đủ’ về đời sống, văn hóa Khmer, theo nghiên cứu mang tên “A Boat Without Anchors” của Tiến sỹ Christoph Sperfeldt.
Thế nhưng chính sách này vấp phải sự phản đối về mặt chính trị. Năm 1963, Quốc hội Campuchia tuyên bố không cấp quốc tịch cho toàn bộ người Việt tại đây do họ ‘không thể đồng hóa nổi’. Đồng thời thành lập một ủy ban để tước quốc tịch của bất cứ ai ‘không tôn trọng văn hóa của chúng ta’.
Chính sách phân biệt đối xử này chủ yếu nhắm vào cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với người Việt và chiến tranh Việt Nam đang tràn vào lãnh thổ Campuchia.
Tiếp đó, là sự kiện năm 1979 khi làn sóng gần 200.000 người gốc Việt – những người chạy về Việt Nam để tránh nạn diệt chủng Khmer Đỏ (1975-1979) – quay lại Campuchia khi Khmer đỏ bị lật đổ.
Theo nhà nghiên cứu Ramses Amer, trong số những người này, có người từng là lính chiến tranh Việt Nam, có người tới Campuchia tìm kiếm các cơ hội kinh tế, và có những người từng sinh sống tại Campuchia trước nạn diệt chủng.
Nhưng dù họ là ai thì tất cả đều bị xem là một phần chiến lược của Việt Nam nhằm gây ảnh hưởng, thậm chí đô hộ Campuchia; và là đề tài chính trị chính của các nhóm đối lập tại Campuchia vốn lo sợ ảnh hưởng ngày càng tăng của Việt Nam.
Từ đó cho tới nay, số phận người Việt tại Campuchia chưa bao giờ hết khó khăn.
Họ bị tàn sát năm 1996, 1998, bị di dời từ nước lên bờ năm 1999, và hơn hết, luôn bị đối xử ‘như người nước ngoài’.
Vòng ‘luân hồi’ ‘vô chính phủ’
Luật Hộ tịch 1996 của Campuchia – là luật hiện hành – quy định định trẻ nào sinh sau 1996 và có bố mẹ là người nước ngoài sinh ra và sống hợp pháp ở Campuchia thì tự động được cấp hộ tịch Campuchia. Nhưng cho đến nay chưa có đứa trẻ gốc Việt nào sinh sau 1996 được cấp hộ tịch.
Lịch sử quan hệ giữa hai cộng đồng người không cho thấy có ánh sáng lạc quan…Tiến sỹ Christoph Sperfeldt
Trong nghiên cứu mang tên “A Boat Without Anchors”, Tiến sỹ Christoph Sperfeldt chỉ ra rằng trong nhiều trường hợp rất khó có được giấy tờ chứng minh cha mẹ của họ sinh ra ở Campuchia do thất lạc trong quá trình chạy nạn diệt chủng, hoặc do bị chính quyền tịch thu từ lâu.
Thêm nữa, yêu cầu ‘phải thông thạo tiếng Khmer’ coi như ‘viễn tưởng’ bởi người Việt ở Campuchia chưa từng được đến một trường Khmer chính quy nào. Ngoài ra, cũng khó chứng minh được rằng thế nào thì người Việt được cho là ‘chung sống hòa bình với cộng đồng Khmer và có thể quen với tập tục, văn hóa Khmer’ hay có ‘thái độ và hành xử đúng mực’ như luật định.
Không được cấp hộ tịch, dẫn đến không được đi học, dẫn đến mù chữ Khmer, dẫn đến không có nghề nghiệp ổn định, dẫn đến không vượt qua được điều kiện ‘không trở thành gánh nặng cho chính phủ Campuchia’ theo luật định, dẫn đến không được cấp hộ tịch…. là vòng quay bất tận nhiều đời nay của cộng đồng người Việt tại Campuchia.
Ngày 1/7/2019, chính phủ Campuchia ban hành văn bản mới, hướng dẫn cấp lại giấy khai sinh cho cho người nước ngoài có thẻ thường trú khi ‘họ có đề nghị xin’. Nhưng những người gốc Việt mà chúng tôi được tiếp cận cho rằng văn bản này cũng không giúp gì cho họ trong việc được cấp hộ tịch Campuchia.
Hiện, hi vọng lớn nhất mà cộng đồng người gốc Việt đang bấu víu vào, là kế hoạch ‘thẻ xanh’ của chính phủ Campuchia. Theo đó, người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Campuchia sẽ được lần lượt cấp thẻ xanh, vàng, hồng, trong vòng 7 năm.
Và cứ mỗi hai năm một lần trong vòng 7 năm này phải đóng một khoản thuế thế thân. Sau 7 năm, người được cấp thẻ có thể làm thủ tục xin nhập quốc tịch Campuchia.
Thế nhưng với Huỳnh Thanh Hiền, cô nói quy định này gieo hi vọng mong manh.
“Tôi đã đóng thuế được hai năm rồi, nếu tôi có được cấp hộ tịch thì cũng phải thêm 5 năm nữa mà tôi đã 30 tuổi rồi. Cho tới khi đó tôi sẽ vuột mất thêm bao nhiêu cơ hội học hành, việc làm, đi lại. Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở đây, lẽ ra cần được xem xét cấp hộ tịch ngay.
Vì sao phải đợi thêm 7 năm nữa mới xem xét? Và sau 7 năm chính quyền mới ‘xem xét’ thôi chứ tôi có được xác định là đủ tiêu chuẩn để được cấp quốc tịch hay không thì không chắc. Với những người đã sống gần hết cả đời ở đây thì sao, họ có đợi nổi không?”
Tôi đem băn khoăn của Hiền hỏi ông Nguyễn Văn Huệ, 65 tuổi, Phó Chủ tịch Tỉnh hội Người Campuchia gốc Việt Nam tại Preyveng. Ông Huệ sinh ra ở Campuchia và đã chờ được cấp hộ tịch Campuchia gần cả đời người rồi. Ông Huệ trầm ngâm không trả lời.
Trong nghiên cứu của mình, Tiến sỹ Christoph Sperfeldt nhấn mạnh rằng việc cấp hộ tịch được xem là ‘đặc ân của Vương quốc Campuchia’.
“Trong bối cảnh xã hội và chính trị của một nước mà cả chính quyền và người bản địa đều không xem cộng đồng gốc Việt là một phần của xã hội Campuchia thì các thủ tục liên quan có vẻ không đáng tin. Có nghĩa là, kể cả khi người gốc Việt đáp ứng đủ các yêu cầu theo luật, họ cũng chưa chắc được chính quyền Campuchia cấp hộ tịch. Cấp hay không, phụ thuộc hoàn toàn vào người ra quyết định, vào kẻ nắm quyền, chứ không phải luật pháp. Và lịch sử quan hệ giữa hai cộng đồng người không cho thấy có ánh sáng lạc quan.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49446705

Hơn 2.300 công nhân công ty KaiYang

lại biểu tình vì ban lãnh đạo mới rút lui

Hơn 2.300 công nhân Công ty TNHH KaiYang Việt Nam tại Hải Phòng đã xuống đường biểu tình đòi quyền lợi khi ban lãnh đạo mới của công ty đã rút lui sau một tuần điều hành.
Theo đại diện công đoàn công ty KaiYang được truyền thông trong nước dẫn lời thì nguyên nhân ban lãnh đạo mới rút lui là do công ty nợ quá nhiều trong khi các ngân hàng không tạo điều kiện cho công ty hoạt động trở lại.
Tính đến nay, công ty KaiYang vẫn đang nợ một nửa tiền lương tháng 7 và 10 ngày lương tháng 8 của công nhân.
Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng và Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng sáng 27/8 đã có cuộc đối thoại với công nhân để trấn an họ sau khi ban lãnh đạo mới thông báo công nhân nghỉ việc, nhưng chưa đưa ra hướng giải quyết cụ thể.
Theo lời ông Tống Văn Băng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng, việc xuất tiền giải quyết cho các công nhân đang gặp khó khăn do chưa có cơ chế pháp lý nên không thể tiến hành.
Trước đó, hôm 12/8, truyền thông trong nước đưa tin về việc hơn 2.300 công nhân lao động công ty KaiYang tại thành phố Hải Phòng phát hiện Tổng giám đốc công ty là ông Huang Shang Che cùng 17 nhân viên kỹ thuật người Đài Loan đã biến mất. Trong khi đó, công nhân công ty này vẫn chưa nhận được lương tháng 7, theo lịch thanh toán là vào ngày 10/8.
Đến ngày 20/8, ban lãnh đạo mới của công ty KaiYang do bà Jenny Koo điều hành cam kết trả 50% lương tháng 7 và 10 ngày tháng 8 của người lao động đến ngày 24/8, 50% còn lại sẽ trả hết trong ngày 31/8. Nhưng bà Jenny Koo mới đây đã họp với công nhân và thông báo sẽ rút lui khỏi KaiYang do nợ công ty đang quá nhiều mà cơ chế hỗ trợ giãn nợ từ phía ngân hàng lại không có.
Theo lời bà Chu Thị Kim Oanh, Chủ tịch công đoàn công ty KaiYang, phía các cơ quan, ban ngành của thành phố Hải Phòng đã rất hỗ trợ công ty, nhưng ngân hàng cho biết không thể giúp thêm và thông báo xiết nợ nên ban lãnh đạo mới gặp khó khăn.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng, Công ty TNHH KaiYang Việt Nam có địa chỉ tại 196 đường Hoàng Quốc Việt, quận Kiến An) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Đài Loan, do ông Huang Shang Che làm tổng giám đốc. KaiYang chuyên sản xuất các loại giày da xuất khẩu và có gần 2.500 công nhân, nhân viên đang làm việc tại công ty.
Công ty bắt đầu hoạt động từ năm 2005 và được báo cáo là kinh doanh khá ổn định hơn 10 năm qua.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-than-2k-kaiyang-workers-stopped-working-again-08282019082512.html

Australia hãy thúc ép Việt Nam tôn trọng nhân quyền

Chính phủ Australia cần thúc ép chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền tại cuộc đối thoại lần thứ 16 vào ngày 29 tháng 8 tới đây tại Canberra giữa hai phía về vấn đề nhân quyền.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) vào ngày 28 tháng 8 ra thông cáo báo chí với kêu gọi như vừa nêu.
Vào tháng 6 vừa qua, Human Rights Watch cũng có đệ trình lên chính phủ Australia với kêu gọi hãy tận dụng cuộc đối thoại để cải thiện thành tích nhân quyền tồi tệ của chính phủ Việt Nam hiện nay. Trong những thành tích tồi tệ đó có biện pháp đàn áp một cách hệ thống quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tập trung ôn hòa và quyền tự do tôn giáo.
HRW cũng kêu gọi chính phủ Australia thúc ép Việt Nam trả tự do ngay cho tất cả tù chính trị và sửa đổi luật an ninh mạng có vấn đề.
Theo nhận định của HRW thì mối quan hệ song phương Australia- Việt Nam được tăng cường đáng kể, được nâng lên quan hệ đối tác chiến lược vào năm ngoái.
Thủ tướng Australia Scott Morrison vừa có chuyến thăm đến Hà Nội từ ngày 22 đến 24 tháng 8 này; tuy nhiên ông Scott Morrison không nêu lên quan ngại về nhân quyền của Việt Nam.
Giám đốc HRW tại Australia, bà Elaine Pearson, nói rõ trong thông cáo báo chí rằng mối quan hệ thân thiết giữa Australia và Việt Nam có nghĩa chính phủ Canberrs có trách nhiệm lên tiếng công khai về thành tích nhân quyền tồi tệ của Hà Nội. Theo bà này thì tình trạng cấm đoán những quyền căn bản tại Việt Nam đang gia tăng với nhiều tù chính trị bị bỏ tù dài hạn một cách bất công.
Theo HRW hiện có hơn 130 tù chính trị tại Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hrw-16-au-vn-di-08282019090619.html

‘Việt Nam vận động hành lang

để ông Trọng thăm Mỹ tháng 10’

Chuyên gia chính trị Việt Nam Carl Thayer cho VOA biết chính phủ Việt Nam đã vận động hành lang ở Hoa Kỳ để Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có được lời mời thăm Nhà Trắng và nhiều khả năng chuyến đi Mỹ của nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 10 tới. Cùng lúc, đại diện cộng đồng người Việt tại vùng thủ đô Washington nói sẽ sẵn sàng tiếp ông Trọng nếu nhà lãnh đạo Việt Nam có nhã ý gặp.
Hôm 27/8, giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc Đại học New South Wales, Australia, viết cho VOA trong một email: “Theo các nhà quan sát ở Hà Nội, sau chuyến thăm thành công tới Washington của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5/2017, Việt Nam đã vận động hành lang với Hoa Kỳ để Tổng thư ký Đảng Cộng sản Việt Nam được mời đến thăm Washington.”
Việt Nam đã vận động hành lang với Hoa Kỳ để Tổng thư ký Đảng Cộng sản Việt Nam được mời đến thăm Washington.
Carl Thayer
Ông Thayer cho biết thêm: “Phía Hoa Kỳ ưa chuộng một cuộc họp của những lãnh đạo đồng cấp, nghĩa là giữa tổng thống và chủ tịch nước. Chỉ sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào
tháng 9/2018 và đồng thời các lãnh đạo Việt Nam quyết định bổ nhiệm Tổng bí thư Trọng vào chức vụ Chủ tịch nước, thì chuyến thăm của ông Trọng đã trở thành một khả năng.”
Trước đó, hôm 20/8, ông Thayer nói với tác giả David Hutt trong bài viết có tựa đề “Việt Nam đang tiến dần đến khủng hoảng lãnh đạo thế hệ kế thừa” trên tạp chí Asia Times rằng rất có thể chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tới Washington dự trù vào 10 tới đây sẽ báo hiệu một hành động chính trị dẫn đến đổi hướng cho Việt Nam, đặc biệt trong chính sách đối với Trung Quốc.
Ông Hutt viết: “Ông Trọng đã nhiều lần vượt qua truyền thống của đảng Cộng sản trong lúc nắm quyền lực, cho nên ông ta rất có thể đổi bản thảo về chính sách đối với Trung Quốc.
Ông Carl Thayer cho rằng mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh sẽ được quyết định vào tháng 10 khi ông Trọng đến Washington gặp Tổng Thống Trump.
Asia Times​
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu về chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhưng chưa được phản hồi.
Nhà Trắng cũng chưa xác nhận chuyến thăm Washington sắp tới của ông Trọng.
Trước đó, ngày 14/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vào tháng 2/2019, khi thăm Hà Nội và dự thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Trump đã chính thức mời ông Trọng thăm Mỹ.
Hôm 26/8, báo Người Việt dẫn lời một người Mỹ gốc Việt ở thủ đô loan tin rằng Tòa Đại sứ Việt Nam ở Washington đang tìm cách “chiêu dụ” những Việt kiều “có tăm tiếng” trong cộng đồng để gặp ông Nguyễn Phú Trọng khi ông thăm Mỹ.
VOA Tiếng Việt chưa thể kiểm chứng thông tin trên một cách độc lập.
Ông Boby Lý, Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam vùng Washington DC-Virginia-Maryland, nói với VOA rằng ông chưa hay tin về kế hoạch đến thăm cộng đồng gốc Việt vùng thủ đô của ông Trọng, nhưng nhấn mạnh rằng nếu ông Trọng có đến thăm cộng đồng thì ông sẵn sàng đón tiếp.
Nếu họ muốn gặp gỡ đại diện của cộng đồng ở đây thì tôi sẽ thu xếp để mọi người sẵn sàng gặp ông ấy.
Ông Boby Lý
“Nếu họ muốn gặp gỡ đại diện của cộng đồng ở đây thì tôi sẽ thu xếp để mọi người sẵn sàng gặp ông ấy. Không phải gặp họ nghĩa là hợp tác với họ. Gặp gỡ là một cơ hội xem họ muốn gì.
“Nhiều người sợ rằng việc gặp ông Trọng sẽ bị chụp mũ là ‘hợp tác chung,’ ‘bị gài,’ còn mình làm đúng thì không sợ gì.”
Nhà báo Nguyễn Quốc Khải, một người Mỹ gốc Việt vùng thủ đô Washington, nêu nhận định của ông về chuyến thăm Nhà Trắng sắp tới của ông Trọng:
“Ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ là một điều tốt. Nếu có thêm sự hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam thì điều đó tốt hơn cho đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam.
“Có thể qua chuyến thăm này Việt Nam sẽ trở nên độc lập hơn với Trung Quốc, không còn sợ Trung Quốc nữa.
“Tôi mong rằng hai bên sẽ đạt được kết quả khả năng qua chuyến đi này.”
Có thể qua chuyến thăm này Việt Nam sẽ trở nên độc lập hơn với Trung Quốc, không còn sợ Trung Quốc nữa.
Nhà báo Nguyễn Quốc Khải
Giáo sư Thayer cho biết thêm rằng trọng tâm chuyến thăm Mỹ của ông Trọng là tăng cường quan hệ kinh tế thương mại, nhất là giải quyết một vấn đề Washington đang rất quan ngại là xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ, cũng như có thể nâng tầm quan hệ song phương giữa hai nước từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược, điều mà Washington đã yêu cầu Hà Nội từ tháng 5/2019.
Cùng nhận định như trên, Tiến sĩ Lê Minh Nguyên ở bang California nói rằng ông Trọng cũng muốn xoa dịu những lời đe dọa của ông Trump về việc sẽ đánh thuế hàng hóa Việt Nam do tình trạng thương mại không cân bằng. Gần nhất là hôm 26/6, ông Trump chỉ trích Việt Nam là ‘kẻ lạm dụng’ thương mại.
Ông Lê Minh Nguyên nói:
“Với lời đe dọa của ông Trump, Việt Nam buộc phải điều chỉnh cán cân thương mại trước chuyến viếng thăm của ông Trọng – nhưng chưa chắc là ông Trọng có đủ sức khỏe để thăm.
Ông Lê Minh Nguyên
“Với lời đe dọa của ông Trump, Việt Nam buộc phải điều chỉnh cán cân thương mại trước chuyến viếng thăm của ông Trọng – nhưng chưa chắc là ông Trọng có đủ sức khỏe để thăm.
“Trong năm 2018, thương mại của Việt Nam đối với Mỹ đã thâm hụt gần 40 tỷ đôla. Việt Nam phải điều chỉnh bằng cách nhập thêm hàng của Hoa Kỳ và điều chỉnh các cơ chế thương mại không cân bằng.
“Cho đến hiện nay, bang giao giữa hai bên chỉ là đối tác toàn diện, chưa đến tầm vóc chiến lược. Có thể sắp tới đây Hoa Kỳ sẽ đồng ý nâng quan hệ này lên tầm chiến lược.”
Giáo sư Thayer nói cần lưu ý rằng Việt Nam và Hoa Kỳ có “những quan niệm khác nhau về quan hệ đối tác chiến lược.” Chuyên gia Úc quan sát tình hình chính trị Việt Nam nói thêm rằng Hà Nội xem quan hệ đối tác chiến lược là một thỏa thuận rộng lớn bao gồm nhiều lĩnh vực hợp tác trong đó quốc phòng và an ninh chỉ là một lĩnh vực; trong khi Hoa Kỳ lại rất chú trọng vào hợp tác quốc phòng và an ninh.
Hôm 22/5 tại thủ đô Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tiếp Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh nhằm tăng cường quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam “thông qua việc làm sâu sắc hơn nữa các quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế, và quan hệ nhân dân hai nước,” theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ngoài cuộc gặp với ông Pompeo, ông Phạm Bình Minh còn gặp Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Charles Kupperman, Trợ lý Phó Tổng thống Mỹ Keith Kellogg và thăm Ngũ Giác Đài.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-van-dong-hanh-lang-de-ong-trong-tham-my-vao-thang-10/5060161.html

Thêm quy định xử lý có thanh lọc được cán bộ suy thoái?

Ngoài việc “thúc” Chính phủ sớm ban hành quy định xử lý cán bộ thì UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng kêu gọi trung ương hỗ trợ thành phố trong việc tiếp xúc, vận động, giải thích để người dân hiểu, thông suốt và đồng thuận với phương án giải quyết của TP. Đồng thời hạn chế việc tiếp nhận, chuyển đơn về TP xử lý đối với các khiếu nại, tố cáo đã được các ngành, cấp TP giải quyết.
Cải tổ bộ máy
Cũng trong kiến nghị lần này, thành phố cho biết sẽ xử lý nghiêm, công khai danh tính cán bộ vi phạm trên cổng thông tin điện tử và cương quyết xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm để cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; xử lý người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái.
Đồng thời, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan công quyền phải nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát; khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu với người dân, doanh nghiệp; loại bỏ ngay các thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 1 lần.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với nghề luật sư như ông khi làm thủ tục giấy tờ cho người dân cũng thấy nhiều khó khăn nên thông điệp vừa được thành phố đưa ra được rất nhiều doanh nghiệp và người dân đồng tình.
“Đã từ lâu người dân đã muốn công khai chuyện này và phải thực hiện công khai đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận xử lý kịp thời những kiến nghị tố cáo của người dân, doanh nghiệp về hành vi nhũng nhiễu và gây phiền hà. Tôi thấy đây là một thông điệp rất là hay cho một nhà nước vì nhân dân của dân và chịu sự giám sát của người dân, thông điệp này được sự rất đồng tình của người dân và doanh nghiệp TPHCM đối với những cán bộ công chức lâu nay gây phiền hà, họ đặt ra những thủ tục không có trong luật.”
Ngoài ra, luật sư Hậu còn cho hay, trong luật thì tổ chức chính quyền địa phương đã có những quy định rất rõ các trình tự thủ tục nên ở những nơi thường xuyên có sự tiếp xúc và giao dịch với người dân và doanh nghiệp thì các cơ quan công quyền cần phải có hệ thống giám sát bằng công nghệ hiện đại như ghi âm, ghi hình hoặc giám sát trực tuyến thì mới hiệu quả.
Nhà báo Đàm Ngọc Tuyên, một nhà quan sát từ Sài Gòn cho chúng tôi hay, vấn đề không chỉ riêng tại Thành phố HCM, từ trước đến nay Việt Nam không biết bao nhiêu thông tư, nghị quyết, quy định như vậy được đưa ra nhưng khi thực hiện thì hoàn toàn không đúng. Vì vậy:
“Nếu chính xác người ta đưa ra sắc luật như vậy để thượng tôn pháp luật thì điều đó rất là tốt, chứ thật sự trước đây khi mà không có những đạo luật như vậy thì khi đưa ra những luật như vậy thì nhiều quan chức sau khi sai phạm từ những chuyện nhỏ đến chuyện lớn thì hầu như người dân đều cảm nhận rằng, khi tên tuổi họ được đưa lên truyền thông rồi thì một thời gian sau người ta được thuyên chuyển sang những vị trí cao hơn thì cũng như không thôi.”
Còn theo ông Trần Bang, một kỹ sư và là một người dân sinh sống tại Sài Gòn thì có nhận định rằng, điều này rất cần thiết trong nội bộ của nhà nước nhưng ông cho rằng nó không thật sư triệt để.
“Bởi vì triệt để nhất là nên bỏ luật an ninh mạng đi để người dân có quyền được cất tiếng nói, thì tiếng nói trên cộng đồng mạng là tiếng nói khủng khiếp nhất ngay cả những sự kiện mà cộng đồng mạng mà họ khui ra thì xin lỗi còn hơn một bản án của tóa quyết nên điều đó nó tác động nhiều hơn là nội bộ xin Chính phủ xử lý. Tội của người ta mà không công khai ra mà phải xin một người nào đó để mình được làm thì nếu ông kia không cho làm thì anh cũng không làm được hay sao.”
Đã có luật – thêm quy định
Dư luận xã hội đặc vấn đề cho rằng, trong Nghị định 97/2017 bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013 quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành nêu rất rõ việc xử lý cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm trong công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ được giao, giờ thêm quy định về xử lý cán bộ sai phạm, liệu thêm quy định có thể thanh lọc được cán bộ suy thoái, cậy thế cậy quyền, nhũng nhiễu dân?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, ông không lo sẽ có sự chồng chéo trong cách xử phạt, vì cơ chế của chính phủ như hình chóp, tức là Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị thì các tỉnh thành, quận huyện là những nơi thực hiện cụ thể.
“Thì giờ thành phố HCM đưa ra thông điệp này kiên quyết loại bỏ những bộ máy của Đảng và nhà nước những cán bộ có hành vi tiêu cực, tham nhũng và thậm chí xử lý hình sự những trường hợp vi phạm. Muốn làm được chuyện này thì tôi cho con người rất là quan trọng mà để con người làm tốt thì phải có những chế tài như vậy và cần thay đổi công tác đối với những công việc mang tính nhạy cảm và phức tạp. Đảm bảo giảm quyết dứt điểm những kiến nghị phản ánh tố cáo của người dân và doanh nghiệp.”
Tuy nhiên, theo nhà báo Đàm Ngọc Tuyên thì luật Việt Nam có sự chồng chéo lên nhau và ngay cả “phép vua thua lệ làng”, có nghĩa là ngay cả những có Luật thì cũng không “hợp” với luật của địa phương.
Ngay cả trên cao khi họp Quốc hội người ta đưa ra những luật cũng vậy, đi kèm theo biết bao nhiêu thông tư hướng dẫn xử lý thế này thế kia nhưng cuối cùng cũng không ăn thua gì cả.Bây giờ không chỉ TPHCM mà ngay cả trung ương đưa ra bao nhiêu sắc luật yêu cầu quan chức không sách nhiễu người dân phải làm đúng là nô bọc nhân dân thì sẽ không bao giờ thực hiện được vì cái chính là đã nằm ở thể chế rồi nên giờ có ra bao nhiều sắc luật thì cũng sẽ như vậy mà thôi.”
Còn theo ông Trần Bang thì thừa nhận rằng, về việc thủ tục hành chính thì tại Sài Gòn họ đã làm khá hơn (chứ không tốt) nhiều tỉnh thành khác
“Tức là thủ tục hành chính ở phường, quận thì cán bộ cũng hơi sợ dân vì dân nhiều khi cũng là cán bộ cấp cao về hưu, người ta đi làm các thủ tục hành chính cho nên họ cũng rất sợ nên trong nội thành tương đối khá hơn chút còn ngoài thành, các tỉnh khác, tỉnh lẻ thì họ bậy bạ nhiều hơn. Trong bất cứ nội bộ của tổ chức nào người ta cũng đều có những quy định riêng nhưng mà theo tôi nó không triệt để.”
Vào ngày 30/7/2019, thành phố HCM vừa tiến hành xử lý 300 cán bộ, công chức bằng hình thức cảnh cáo, cách chức, thôi việc vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong công tác phòng chống lĩnh vực xây dựng. Và trong ngày 27/8, 10 cá nhân và tập thể Sở Giao thông vận tải cũng vừa bị kiểm điểm. Trước đó hàng loạt cán bộ TPHCM cũng bị đề nghị truy tố như nguyên phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt, Lê Văn Thanh….
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-hcmc-choose-exemplary-staff-through-new-regulation-08272019142908.html

Việt Nam kiên định không ‘Tam Quyền Phân Lập’!

Thanh Trúc
Hôm 23 tháng Tám vừa qua, Tạp Chí Cộng Sản tại Việt Nam, có bài tựa đề  “Nhập khẩu thuyết “Tam Quyền Phân Lập” hay lá bài cổ xúy bất ổn chính trị, xung đột quyền lực”.
Đây là bài xã luận dài của tác giả Trần Hậu Thành, một tiến sĩ thuộc ban Tổ Chức Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam, phân tích về Tam Quyền Phân Lập, nhấn mạnh đó là học thuyết du nhập từ bên ngoài, cũng là nguồn gốc của điều ông tiến sĩ này cho là cổ xúy bất ổn và xung đột quyền lực.
Người đọc nghĩ gì trước nhận định của ông Trần Hậu Thành về “Tam Quyền Phân Lập? Đầu tiên là nhà báo, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Già:
“Nếu gọi là ‘nhập khẩu thuyết Tam Quyền Phân Lập” thì người cộng sản Việt Nam buộc phải nhớ lại chính Hồ Chí Minh đã nhập khẩu chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam. Hơn nữa bất kỳ một học thuyết nào cũng phải được kiểm nghiệm bằng thực tế cuộc sống. Nói cách khác lý thuyết không bao giờ tách rời thực tiễn, và nếu thuyết Tam Quyền Phân Lập sai thì tại sao hàng trăm quốc gia đi theo mô hình đó? Đơn giản bởi thuyết Tam Quyền Phân Lập là khoa học và đã được kiểm chứng bằng thực tế của hàng trăm quốc gia bằng sự phú cường, văn minh và nhân ái.
Nếu gọi là ‘nhập khẩu thuyết Tam Quyền Phân Lập” thì người cộng sản Việt Nam buộc phải nhớ lại chính Hồ Chí Minh đã nhập khẩu chủ nghĩa Mác-Lênin  vào Việt Nam.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Việc ông Trần Hậu Thành gọi Tam Quyền Phân Lập là “lá bài cổ súy bất ổn chính trị, xung đột quyền lực”, tôi cho đó là phép ngụy biện mang tên ‘đảo ngược nhân quả’. Ông ta cố tình lấy hậu quả, nghĩa là sự bất ổn chính trị và xung đột quyền lực gán cho nó là nguyên nhân, tức là ông ta đổ thừa cho Tam Quyền Phân Lập. Thực tế đã chứng minh ông Trần Hậu Thành sai bởi vì “quả” bất ổn chính trị như hiện nay tại Venezuela, Hong Kong hay Việt Nam đều do “nhân”, tức là do độc đảng toàn trị nhưng được khoác chiếc áo gọi là “ổn định chính trị”.
Nhà nghiên cứu  độc lập, tiến sĩ Nguyễn Quang A, thì cho rằng suy cho cùng nếu gọi Tam Quyền Phân Lập là học thuyết nhập khẩu thì cũng không sai vì:
“Thứ nhất Tam Quyền Phân Lập là tư tưởng được phát triển ở phương Tây từ thế kỷ 18, 19 đến 20, nó xa lạ với Việt Nam. Từ thời các vua chúa cho đến thời cộng sản tại Việt Nam đều không có dân chủ, cho nên khía cạnh nhập khẩu thì không sai. Nhưng mà những tư tưởng tốt của nhân loại mà nhập khẩu vào là chuyện tốt cho dân tộc, chẳng có gì phải ngại cả.  Những người cộng sản luôn tự xưng họ là học trò của ông Hồ Chí Minh, người nhập khẩu cái tư tưởng cộng sản vào Việt Nam. Chính bản thân ông Hồ là người nhập khẩu tư tưởng cộng sản vào. Đáng tiếc những học trò của ông Hồ, và có lẽ cả ông thời còn sống, đã không thực hiện những điều nhập khẩu đấy, cho nên những cái hay ho đấy bây giờ là bất ổn.”
Trong phần đầu bài xã luận, ông tiến sĩ Trần Hậu Thành viện dẫn nguyên văn Khoản 3, Điều 2 Hiến Pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi rõ “Quyền lực Nhà Nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà Nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước được hiến định nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng hàng đầu bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Theo luật sư Phạm Công Út, không chấp nhận Tam Quyền Phân Lập là quan điểm trái chiều. Mặt khác, theo ông ngày nào còn tồn tại một đảng lãnh đạo thì không thể tuyên truyền “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” với những người biết suy nghĩ:
“Tôi thì tôi tôn trọng các quan điểm trái chiều với mình, nhưng tôi cũng mong người khác tôn trọng quan điểm trái chiều của tôi chứ tôi không đả phá và tôi sẵn sàng phản biện. Tôi không nhắm vào cá nhân, chỉ muốn nói rằng học vị tiến sĩ mà vẫn bảo lưu cái việc thống nhất quản lý lập pháp, hành pháp về phía cơ quan nhà nước thì chuyện đó cũng không làm tôi ngạc nhiên.
Khoản 3 Điều 2 Hiến Pháp minh định một điều mà Quốc Hội đã biểu quyết thông qua.  Hiến pháp thường xuyên thay đổi chứ không mang tính ổn định vĩnh viễn. Có thế bối cảnh lịch sử ngày nay người ta chưa chấp nhận Tam Quyền Phân Lập, tức 3 cơ quan quyền lực tách bạch lẫn nhau, kiểm soát lẫn nhau và không bị phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng hiện nay Nhà Nước thống nhất quản lý rồi nói là nhân dân làm chủ, quyền lực thuộc về tay nhân dân. Điều đó không đúng theo hiến pháp bởi vì hiện nay người bị mất đất, bị mất tài sản, bị tù oan… đã xuất hiện rất nhiều. Mất tài sản thì gắn liền với đất, trải dài 63 tỉnh thành từ Nam ra Bắc trong một diện rộng.”
Nếu thực sự nhân dân làm chủ, luật sư Phạm Công Út lập luận, sẽ không có tình trạng dân phải đi đòi lại quyền của mình nhiều đến mức như hiện nay. Vị luật sư này khẳng định vấn đề Tam Quyền Phân Lập hiện vần không được Việt Nam công nhận vì một đảng lãnh đạo, chiếm vị trí 3 cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp hầu hết là đảng viên cộng sản. Theo ông nói ‘quyền lực thuộc về nhân dân trở
thành một khẩu hiệu sáo mòn, người dân thực sự không làm chủ mà ông chủ chính là những người khác.
Ông tiến sĩ Trần Hậu Thành lý luận tiếp trong bài báo của mình rằng “Thực tiễn cho thấy việc phân định rõ ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là cách thức quan trọng để phát huy vai trò của nhà nước, đồng thời là cơ sở để kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước. Ông nói chúng ta, tức nhà nước Việt Nam, đã tiếp thu mặt tiến bộ trong kỹ thuật tổ chức các thiết chế nhà nước trên thế giới, trong đó việc “phân công” và “phối hợp” giữa 3 nhánh quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) để tổ chức bộ máy nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thể hiện rõ ở các bản Hiến Pháp Việt Nam, đặc biệt Hiến Pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến Pháp năm 2013.
Cán bộ của ban Tổ Chức Trung Ương nói như thế để đánh giá tiếp rằng  “Trong hời gian gần đây vẫn còn một số cá nhân lợi dụng việc chậm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp, tình trạng tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên và việc hoạt động chưa thật sự hiệu quả của một số thiết chế trong bộ máy nhà nước… để phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức cũng như hoạt động của bộ máy nhà nước và tung hô, cường điệu hóa, lý tưởng hóa học thuyết “tam quyền phân lập”, coi nó là “phương thuốc vạn năng” cho kiểm soát quyền lực nhà nước và ngăn ngừa tham nhũng. Có thể khẳng định ngay rằng, đó là luận điệu sai trái, cực đoan và cơ hội chính trị. Học thuyết “tam quyền phân lập” được áp dụng trong tổ chức bộ máy nhà nước ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức và một số nước phương Tây mặc dù có mang lại một số mặt tích cực, cần được nghiên cứu, tham khảo, nhưng không nên vì thế mà cường điệu hóa, lý tưởng hóa và xem nó như là chìa khóa vạn năng của “dân chủ – pháp quyền”.
Ông còn nêu tư tưởng Các Mác, Ăng Ghen và nhiều luận cứ khác để chốt lại một điều rằng “Tam Quyền Phân Lập” là nguyên nhân sâu xa của bất  ổn chính trị và xung đột quyền lực, hai yếu tố mà ông cho là phương hại đến quyền lực nhân dân.
Trong lúc luật sư Phạm Công Út nói đây là những biện luận lý giải cố ý áp đặt, chưa kể là nhập nhằng giữa quyền lực Nhà Nước và quyền lực nhân dân, thì nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Quang A, từng dịch thuật nhiều tác phẩm kinh điển về dân chủ và chính trị trên thế giới, nói rằng không có gì đáng ngạc nhiên về những luận cứ như vậy:
“Không lạ khi Tạp Chí Cộng Sản đăng cái bài như vậy của một ông tiến sĩ nào đấy, bởi vì chủ thuyết của đảng cộng sản Việt Nam, mà được thể hiện đúng là trong cái người ta áp đặt vào Hiến Pháp năm 2013, nghĩa là đảng cộng sản ngồi xổm lên Pháp Luật, đảng cộng sản cai quản hết mọi thứ không chia sẻ cho ai bất kỳ cái gì cả.
Cho nên chuyện đả phá tư tưởng về Tam Quyền Phân Lập, về kiểm soát và đối trọng, về Luật trị tức Rule Of Law, là chuyện nhất quán từ trước đến nay của đảng cộng sản Việt Nam. Một ông được coi như là một nhà lý luận của đảng cộng sản mà nói như vậy không có gì đáng ngạc nhiên cả. Phải rất lưu ý là từ ngữ họ dùng khác với từ ngữ mà thế giới văn minh đều dùng. Họ nói đến nhân dân là họ nói đến những người ngoan ngoãn nghe theo đảng cộng sản Việt Nam.”
Đả phá tư tưởng về Tam Quyền Phân Lập, về kiểm soát và đối trọng, về Luật trị là chuyện nhất quán từ trước đến nay của đảng cộng sản Việt Nam..Phải rất lưu ý là từ ngữ họ dùng khác với từ ngữ mà thế giới văn minh đều dùng. Họ nói đến nhân dân là họ nói đến những người ngoan ngoãn nghe theo đảng cộng sản Việt Nam.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Với tất cả những luận cứ nêu trên, ông tiến sĩ Trần Hậu Thành của Ban Tổ Chức Trung Ương cho rằng về mặt lý luận thì Tam Quyền Phân Lập là một học thuyết phức tạp, đa chiều và còn có nhiều ý kiến khác nhau. Dưới mắt  nhà báo, cựu tù lương tâm Nguyễn Ngọc Già, đây là cách ngụy biện nhằm phức tạp hóa vấn đề của người không am hiểu và không nhìn rõ vấn đề đó.
“Phân quyền, tập quyền và tản quyền là những khái niệm về các môn chính trị học và quản lý nhà nước. Người cộng sản Việt Nam không am tường, không chịu học những trường phái khác nhau và không chịu lắng nghe ý kiến trái ý của họ, nên họ lẫn lộn các khái niệm trên là điều dễ hiểu. Họ thấy rối rắm, nên họ gán cho “phân quyền là một tư tưởng phức tạp” để né tránh, nói cách khác đó là phép ngụy biện mang tên là phức tạp hóa vấn đề.  Người cộng sản trước giờ chỉ lo tập trung quyền lực, tập trung để củng cố quyền bính mà thôi. Tôi cho rằng họ đang bị vây khốn giữa “tập quyền” và ‘tản quyền” hơn là có “phân quyền” mà họ ngỡ họ đang làm đúng.”
Trở lại với phân tích của ông Trần Hậu Thành, rằng trong thời gian gần đây một số cá nhân, vì muốn phủ nhận nguyên tắc tập trung quyền lực trong bộ máy nhà nước cũng như trong hoạt động của nhà
nước, đã lợi dụng sự chậm trể trong việc cụ thể hóa những qui định của Hiến Pháp, lợi dụng những tiêu cực trong việc phòng chống tham nhũng để từ đó mà tung hô, cường điệu hóa, lý tưởng hóa học thuyết “Tam Quyền Phân Lập”, coi đó là “phương thuốc vạn năng” cho kiểm soát quyền lực nhà nước và ngăn ngừa tham nhũng.
Thực tế không  phải chỉ một số cá nhân mà phải nói đại bộ phận người dân, với kiến thức trung bình và lành mạnh, cũng đã hiểu ra sự khác biệt giữa tam quyền phân lập với trung ương tập quyền, là khẳng định của tiến sĩ Nguyễn Quang A:
“Dân chủ, tam quyền phân lập có thực sư gây bất ổn hay không? Kinh nghiệm trên thế giới từ cổ cho đến bay giờ thì Tam Quyền Phân Lập và Luật trị- mà ông Hồ cũng rất ca ngợi- những tư tưởng đấy được nhập khẩu vào Việt Nam sẽ chỉ làm cho xã hội Việt Nam ổn định hơn, lành mạnh hơn và sự phát triển của đất nước tốt hơn mà thôi. Còn họ muốn sự ổn định là nhân dân ngoan ngoãn nghe lời và im thì cái đấy sẽ biến dân tộc thành nô lệ và về dài hạn sẽ dẫn đến những bất ổn định khủng khiếp.”
Ở cuối bài xã luận, ông tiến sĩ Trần Hậu Thành của ban Tổ Chức Trung Ương sử dụng nhiều từ “nhưng” để kết luận rằng quyền lực nhà nước ở nước ta bắt nguồn từ nhân dân nhưng thống nhất và tập trung vào quốc hội nhưng được phân công cụ thể, rành mạch, trong đó Quốc Hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao hơn 40 năm đất nước không còn chia cắt và chính phủ Hà Nội luôn nói đang hội nhập thế giới mà đảng cộng sản Việt Nam vẫn không chấp nhận tam quyền phân lập, coi đó là mầm mống phản động, bất ổn. Sợ mất quyền thống trị là câu trả lời của luật sư Phạm Công Út:
“Từ bỏ quyền thống trị không đơn giản. Để mà quản lý và thống trị một quốc gia thì người ta sử dụng sức mạnh quyền lực để bảo vệ vị trí thống trị của mình chứ không dễ dàng chuyển giao bằng luật pháp. Ví dụ chẳng hạn cho thành lập đảng, hội một cách tự do và không nằm trong tầm kiểm soát của Nhà Nước thì việc mất kiểm soát đó dẫn đến mất vị trí thống trị.
Việt Nam cũng chọn cho mình một bản Hiến Pháp riêng, nhưng Hiến Pháp của Việt Nam đã kéo dài vị trí một đảng lãnh đạo trong nhiều thập kỷ. Trong giai đoạn hiện nay người ta không thể nào chấp nhận Tam Quyền Phân Lập.
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già thì Hiến Pháp của Việt Nam thiếu 3 yếu tố quan trọng, tính khoa học, tính hội nhập và tính dân chủ:
Tôi nhớ nhà tư tưởng Benjamin Barber đã nói Hiến Pháp không tạo nên dân chủ, mà chính dân chủ tạo nên Hiến Pháp.
Tính khoa học ở đây là Hiến Pháp của người cộng sản Việt Nam không đúc kết từ thực tiễn cuộc sống. Nói cách khác, người cộng sản Việt Nam áp dụng “tư duy tư biện”, nghĩa là suy luận đơn thuần trên lý thuyết sao cho có lợi cho họ, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến thực tế.
Vế tính hội nhập, thoạt nhìn có vẻ Việt Nam tiếp thu từ các Hiến Pháp trước đây nhưng xem ra không có gì thay đổi, đặc biệt vấn đề Tam Quyền Phân Lập bị cho là  mối nguy hại quá lớn cho sự trường tồn độc đảng.
Về tính dân chủ, Quốc Hội là nơi gọi là “thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (theo luật tổ chức quốc hội), nhưng thực chất chỉ là cơ quan bù nhìn của đảng cộng sản Việt Nam. Quốc Hội chưa bầu thì dân đã biết rõ ai sẽ là chủ tịch, ai sẽ là thủ tướng …”
Chính vì thế, nhà báo Nguyễn Ngọc Già kết luận, mang Hiến Pháp ra để củng cố cho quan điểm quyền lực nhà nước là quyền lực nhân dân, gọi Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước chỉ là phép ngụy biện gần như bất biến của người cộng sản.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-consistently-no-three-rights-08272019112059.html

Tại sao giải pháp dễ nhưng thực hành lại khó?

Mặc Lâm
Tình hình bãi Tư Chính và tàu Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp và khó đoán định. Tin mới nhất cho biết con tàu này đang tiến dần vào Việt Nam chỉ cách Phan Thiết 185 hải lý tức đã vào khu vực kinh tế của Việt Nam có bề rộng 200 hải lý tính từ đất liền. Hành động ngông cuồng này của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh chưa bao giờ tỏ ra mềm lòng trước Hà Nội kể cả khi người bạn nhỏ bé này hết mực nhún nhường người anh cả trong cái gọi là “đại cục”.
Trong thời điểm đối đầu hiện nay giữa hai nước, mang tàu thăm dò địa chất vào sâu trong vùng biển Việt Nam Bắc Kinh đang khiêu khích cả thế giới, nhất là Mỹ, một quốc gia mà hồi gần đây luôn lên tiếng bênh vực cho những nước yếu hơn Trung Quốc trên bàn cờ Biển Đông. Trung Quốc đã có những hành động khiêu khích đối với Mỹ trên vùng biển này lẫn trên lĩnh vực ngoại giao, mọi tuyên bố đều xoáy vào luận điểm: Cả Biển Đông là của Trung Quốc và nước ngoài không có quyền tham dự vào trên bất cứ phương tiện nào.
Còn Việt Nam thì sao? Vẫn chưa có động tĩnh gì trong khi nhìn bề ngoài thì Trung Quốc giống như đang dí cả chính phủ Việt Nam vào một cái rọ chật chội của truyền thông. Ngoài việc lên tiếng một cách yếu ớt như thường lệ, báo chí, tuyên giáo và cả hệ thống chưa được phép lên tiếng chống lại Trung Quốc như Trung Quốc đang cổ vũ cả nước của họ chống lại Việt Nam. Cái rọ truyền thông ấy chứng tỏ Trung Quốc rất thành công khi cấy “đại cục phù” vào cơ thể của Bộ chính trị Việt Nam khiến cả một hệ thống tê liệt ý chí, bạc nhược tinh thần và tư duy nô lệ đang từng ngày ăn mòn vào suy nghĩ của rất nhiều người kể cả trong và ngoài đảng.
Tư duy sợ hãi sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc khiến những lập luận phản động có cơ hội lan tỏa gây ngờ vực trong những cuộc họp tìm phương hướng chống lại cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc. Không hiếm những tướng tá của Quân đội Nhân dân Việt Nam lên mạng tuyên bố rằng chống Trung Quốc là âm mưu diễn biến hòa bình của địch, là cố tình gây chia rẽ tình hữu nghị bền chặt của hai nước và nhất là đánh Trung Quốc Việt Nam sẽ mất tất cả từ đất nước đến quyền lực mà Đảng đang nắm giữ cho đến cuốn sổ hưu mà cán bộ hưu trí đang có trong tay.
Những luận điệu ấy tưởng rằng đã mai một với các thực tế đang diễn ra nhưng hình như trong não bộ của rất nhiều người vẫn còn ám ảnh vì chúng. Mỗi khi bàn bạc đến một phương cách chống lại diễn biến mà Trung Quốc đang áp dụng nhiều người lại tự khóa suy nghĩ thật sự của mình lại, mang những gì được uốn nắn lâu nay xào nấu lại, diễn ngôn trên truyền thông đại chúng lừa bịp chính mình và người nghe khiến dư luận không còn biết điều gì đang xảy ra ngay trong nội bộ chính phủ hay Bộ chính trị. Người ta chỉ lờ mờ đoán rằng họ, những kẻ quyền lực cao nhất, đang bối rối tìm cách giải quyết vấn đề nóng bỏng của đất nước chung quanh chiếc bàn tròn mang đặc trưng chủ nghĩa xã hội.
Giải pháp luôn có nhưng áp dụng và triển khai nó thì không.
Giải pháp đầu tiên và dễ dàng nhất là nói thật, từng chi tiết một không được tránh né và che đậy vì bất cứ lý do gì. Minh bạch thông tin là chìa khóa vàng mở cánh cửa trái tim của người dân đang bị bưng bít và áp chế những thông tin có liên quan đến sự kiện. Thông tin chính xác và nhanh chóng giúp cho binh lính, dân chúng những người không thể tiếp cận tin tức bí mật thuộc diện nhà nước, hiểu được diễn biến câu chuyện để họ có thêm quyết tâm chống giặc giữ nước.
Cùng lúc, Việt Nam phải nhanh chóng quyết định từ bỏ những gì không phù hợp trong quá khứ khiến cho việc tìm giải pháp trong tình hình mới như hiện nay khi Trung Quốc ngày một rời xa với niềm tin bằng hữu của Hà Nội và lộ rõ hành vi nước lớn, nhất mực xem hành vi áp đặt của mình là đúng với nguyên lý “sức mạnh nằm trong cây súng”.
Cây súng ấy Việt Nam chưa thể có nhưng không vì thế mà vĩnh viễn không có trong tay, nếu Hà Nội cương quyết tìm chỗ để tậu nó hay ít ra dựa vào nó như một thế lực thứ hai nhằm chống lại thế lực Trung Quốc.
Nơi đang sở hữu cây súng mà Việt Nam rất cần không ai khác ngoài Mỹ, một đất nước duy nhất mà Trung Quốc sợ hãi và dè chừng. Một đất nước đối trọng thật sự với sức mạnh của Trung Quốc. Đất nước ấy đang chứng tỏ với thế giới khả năng có một không hai về sức mạnh quân sự lẫn kinh tế dư sức làm cho Trung Quốc sụp đổ tham vọng bành trướng. Việt Nam có thể mượn sức mạnh này làm cái khiên che chở những cơn lên đồng của Trung Quốc về ảo tưởng bá chủ thế giới. Mỹ chắc chắn sẽ không nệ hà gì kéo Việt Nam vào danh sách đồng minh của mình để tăng thêm sức mạnh tại Biển Đông, nơi Việt Nam có khá nhiều điều kiện để ngăn chặn Trung Quốc.
Việt Nam rất tâm đắc khi cho rằng biết rất rõ Mỹ, nhất là triết lý của Winston Churchill: “Trên thế giới này, không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”. Mỹ rất thực dụng và sức mạnh của nó nằm trên sự thực dụng ấy. Biết được như thế nhưng vẫn ngập ngừng không dám bắt tay với Mỹ trong khi bàn tay của Washington vẫn đưa ra trong nhiều năm qua. Việt Nam lo sợ sự giận dữ cũa Trung Quốc và cơn giận này được bọn thân thích với Trung Quốc hết lòng vận dụng, tô vẽ, cơi nới nhằm ngăn cản sức mạnh tiềm ẩn mà Việt Nam có thể tựa vào.
Hai giải pháp mà bất cứ chính phủ nào cũng có thể làm được cho đất nước của mình còn Việt Nam thì không, hay nói đúng hơn, khước từ không thực hiện.
Thực hiện giải pháp minh bạch thông tin nhà nước lo sợ sẽ gây biến động khi nguồn thông tin ấy bất lợi cho nhà nước. Cách suy nghĩ này tồn tại bao nhiêu năm và chưa có dấu hiệu nào bị đánh bật ra khỏi tư duy của người Cộng sản. Nhà nước chưa quen với suy nghĩ người dân cũng là một nhân tố trong việc điều hành và bảo vệ quốc gia, sự tham vấn gián tiếp của họ thông qua nguồn thông tin minh bạch sẽ giúp cho nhà nước rất nhiều trong việc điều hành đất nước và điều chỉnh những sai trái, bóp méo, xuyên tạc của kẻ thù trong chiến lược chống Trung Quốc.
Chính sách “ba không” (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia) đã được Trung Quốc mớm vào miệng của các quan chức thân Trung Quốc gây cản trở nỗ lực chống lại mối hiểm họa đến từ phương Bắc. Trong cả ba điều mà nhà nước Việt Nam luôn vịn vào như một lá bài “hòa bình” nhằm an lòng Trung Quốc đã cản trở sự tự vệ chính đáng của Việt Nam bằng chính tuyên ngôn suy nhược này.
“Không dựa vào nước này để chống nước kia” là định dạng của một hành vi đầu hàng ngay khi tiếng súng chưa nổ ra. Bất cứ sự huy động quốc tế nào để tăng thêm khả năng đề kháng chống lại kẻ thù đều bị thế lực thân Trung Quốc lái sang hướng phản động, là đang dựa vào nước này để chống nước kia kể cả chống Trung Quốc cũng vi phạm câu tuyên ngôn “sắt son” này.
Giải pháp đốt sạch chính sách “ba không” sẽ là viên đạn đại bác bắn vào thành trì của thế lực thân địch đang ngự trị khắp hang cùng ngõ hẹp của Việt Nam. Hà Nội cần một liều thuốc cực mạnh và cực đắng để tiêu diệt mầm mống phản loạn trước khi nghĩ tới chuyện làm cách nào để chiến thắng sự ngang ngược và lộng hành của Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/tu-chinh-lang-gieng-tot-hai-duong-8/5060108.html

Cả hệ thống buôn bán… tâm linh!

Trân Văn
Các đại tự: Bái Đính, Tam Chúc, vốn mang nhiều yếu tố không “nhất thế giới”, “nhất Đông Nam Á” thì cũng… “nhất Việt Nam” đã, đang và chắc chắn sẽ còn là tâm của nhiều scandal.
Trước, đại tự Bái Đính nổi tiếng vì là một thành tố của Dự án Tràng An – Bái Đính (Ninh Bình), đại tự Tam Chúc nổi tiếng vì là một thành tố của Dự án Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam). Cả hai dự án đều do doanh nghiệp Xuân Trường đầu tư.
Đại tự Bái Đính rồi Đại tự Tam Chúc đã mở đường cho những dự án đem tâm linh gắn vào du lịch mà hệ thống công quyền Việt Nam hào hứng gọi là… “du lịch tâm linh”! Xua cho tâm linh đồng hành với du lịch đã góp phần tạo ra những đại tự tọa lạc bên cạnh các nhà hàng, khách sạn, sân golf, khu giải trí và… sòng bạc!
Tuy nhiên chuyện chưa ngừng ở đó. Sáng kiến phát triển cuộc hôn nhân trái khoáy giữa tâm linh vốn cần trang nghiêm với du lịch chỉ nhắm tới gia tăng náo nhiệt đã thúc nhiều ngành, thuộc đủ mọi cấp từ trung ương đến địa phương cho ra đời nhiều qui hoạch, dự án… dùng tâm linh phát triển kinh tế – xã hội!
Thay mặt chính phủ, năm 2015, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VHTTDL) bắt đầu quảng bá cho qui hoạch “Tuyến du lịch tâm linh khu vực đồng bằng sông Hồng” (1). Theo đó, hệ thống công quyền sẽ phát triển các khu du lịch rộng lớn với những đại tự chưa từng thấy thành… tuyến.
Tuyến này bắt đầu từ Hà Nội, băng qua Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam. Hệ thống công quyền còn tuyên bố sẽ xây dựng thêm các “tuyến du lịch tâm linh trọng điểm” vừa gắn chính quyền các địa phương với doanh nghiệp, vừa gắn các doanh nghiệp với nhau (2).
“Du lịch tâm linh” không chỉ lấp lánh ánh kim, những cá nhân cổ súy “du lịch tâm linh” còn khéo léo biến “du lịch tâm linh” thành những món trang sức, trao chúng cho hệ thống công quyền, giúp hệ thống công quyền có cơ hội tô điểm lại diện mạo vốn rất nhiều vết ố vì xâm hại nhân quyền, trong đó có tự do tôn giáo.
Nói cách khác, các sản phẩm của “du lịch tâm lịch” như đại tự Bái Đính, đại tự Tam Chúc được hỗ trợ tận tình vì tự nguyện trở thành công cụ hữu dụng về chính trị, trọng lượng riêng cứ thế lớn dần theo những Đại lễ Vesak (đại lễ mang tính quốc tế của Phật giáo, kỷ niệm cùng lúc ba sự kiện: Phật Đản, Phật Thành đạo và Phật nhập Niết bàn).
Đến giờ, Xuân Trường – doanh nghiệp khai phá “du lịch tâm linh” vẫn dẫn đầu về đầu tư vào “du lịch tâm linh”. Sau Bái Đính, Tam Chúc là dự án “du lịch tâm linh” Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), dự án “du lịch tâm linh” Cái Tráp (Hải Phòng). Năm ngoái, Xuân Trường đề nghị giao 1.000 héc ta để thực hiện dự án “du lịch tâm linh” chùa Hương (Hà Nội) (3).
***
Trước chỉ trích càng ngày càng tăng về sự phát triển không ngừng của các dự án “du lịch tâm linh” mà tính chất giống như “buôn thần, bán thánh”, cách nay hai tháng, một số đại biểu Quốc hội như Trương Trọng Nghĩa, Phạm Văn Hòa đã chất vấn chính phủ về chuyện giao đất cho doanh nghiệp Xuân Trường vốn có rất nhiều dấu hiệu đáng ngờ (4).
Cách nay một tuần, trong văn bản trả lời những chất vấn ấy, Bộ Tài nguyên – Môi trường (TNMT) cho biết, xét theo quy hoạch đã được chính phủ phê duyệt năm 2003 thì đại tự Bái Đính nằm trong Khu di tích lịch sử – văn hóa Cố đô Hoa Lư, diện tích 1.566 héc ta để “bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị” khu di tích này.
Năm 2004, khi phê duyệt qui hoạch chi tiết, chính quyền tỉnh Ninh Bình đặt lại tên cho qui hoạch vừa kể là Khu Du lịch Tràng An. Diện tích Khu Du lịch Tràng An được nới rộng, tăng thêm 395 héc ta thành 1.961 héc ta, bao gồm đất thu hồi của dân, rừng do chính quyền địa phương quản lý và công thổ.
Quỹ đất gần 2.000 héc ta ấy được giao cho ba nơi chia nhau quản lý: Sở VHTTDL (495,3 héc ta), Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An (18,6 héc ta) và UBND huyện Gia Viễn (4,3 héc ta). Cho đến giờ này, trên giấy tờ, 1.961 héc ta ấy vẫn thế, nghĩa là doanh nghiệp Xuân Trường không được giao đất (5).
Có vài câu hỏi chưa được giải đáp. Chẳng hạn, về tính chất, “khu di tích” khác xa “khu du lịch”. “Khu dí tích” phải được “bảo tồn, tôn tạo” nghiêm ngặt cả về kiến trúc lẫn cảnh quan. Tại sao chính quyền tỉnh Ninh Bình tùy tiện biến “khu di tích” thành “khu du lịch” và tại sao chính phủ làm thinh, không nói gì suốt 15 năm vừa qua?
Tại sao không được giao đất mà Xuân Trường có thể xây dựng đại tự quy mô như Bái Đính, khai thác hàng ngàn héc ta đất để kiếm lời rầm rộ hơn mười năm? Tại sao hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương làm thinh, không nơi nào, không cá nhân nào thắc mắc cả về giao đất, lẫn xác định mục đích sử dụng đất để thu tiền cho công quỹ?
Sau văn bản trả lời những chất vấn xoay quanh chuyện giao đất cho Xuân Trường, Tổng cục Quản lý đất đai (QLĐĐ) thuộc Bộ TNMT đã có văn bản yêu cầu chính quyền ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên báo cáo về việc giao đất cho doanh nghiệp này thực hiện các dự án “du lịch tâm linh” (6).
Khác với Ninh Bình, tuy Hà Nam có giao đất cho Xuân Trường thực hiện dự án “du lịch tâm linh” Tam Chúc – Ba Sao nhưng nếu chiếu theo các qui định hiện hành về quản lý đất đai thì sẽ có nhiều viên chức phải vào tù vì giao hàng ngàn héc ta đất nhưng thiếu tất cả những yếu tố cần thiết để tính toán, thu tiền cho công quỹ.
Ở Thái Nguyên, cho dù Xuân Trường đã chi tiền làm đủ thứ, tháng 5 vừa qua, báo chí cho biết chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã giao khoảng một nửa diện tích dành cho dự án “du lịch tâm linh” Hồ Núi Cốc cho Xuân Trường (7) nhưng theo Tổng cục QLĐĐ thì Xuân Trường “đang hoàn thiện thiết kế dự án theo quy hoạch được duyệt”, chưa có hồ sơ xin thuê đất.
Trong bốn dự án “du lịch tâm linh” đình đám mà Xuân Trường làm chủ đầu tư, chỉ có dự án “du lịch tâm linh” đảo Cái Tráp ở Hải Phòng đang bị chính quyền địa phương làm các thủ hủy bỏ vì từ 2015 đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn tất công việc khảo sát, đệ trình thiết kế dự án.
***
Doanh nghiệp Xuân Trường vừa tuyên bố không có mét vuông nào ở hai đại tự Bái Đính và Tam Chúc. Đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tuyên bố này. Ông Trường cùng các phật tử góp công, góp của để xây dựng hai đại tự vì mến mộ Đức Phật, yêu thiên nhiên, trân trọng các giá trị lịch sử văn hóa của quê hương.
Còn Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình, kiêm Phó Trụ trì thường trực chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc vừa khẳng định, cả hai đại tự đều là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), được quản lý, vận hành theo Hiến chương GHPGVN và pháp luật (8).
Theo Thượng tọa Thích Minh Quang thì cuối năm ngoái, sau khi thiên hạ thảo luận sôi nổi về chuyện xây chùa để kinh doanh, GHPGVN từng gửi công văn cho các cơ quan hữu trách nhấn mạnh, Bái Đính và Tam Chúc là hai cơ sở thờ tự của GHPGVN. Ông bảo rằng: Mọi người thấy doanh nghiệp xây chùa nên nghĩ chùa là của họ, họ có quyền sở hữu và kinh doanh nhưng điều này không đúng. Chính quyền địa phương giao đất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, doanh nghiệp và các phật tử chỉ là đơn vị thi công chùa giúp cho Giáo hội, mọi người làm công quả, hộ trì Phật giáo! Ngoài việc là là nơi thờ phụng, phật tử đến tĩnh tâm, tu tập, hai đại tự còn thúc đẩy phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho dân địa phương, phục vụ công tác đối ngoại của đất nước, đặc biệt là đối ngoại về văn hóa, tôn giáo…
Cách nay năm tháng, Thượng tọa Thích Minh Quang từng trần tình, mỗi năm, chùa Bái Đính cần từ 70 tỉ đến 80 tỉ để duy trì hoạt động. Tiền công đức, tiền giọt dầu và các nguồn thu khác chưa được 1/3 nên doanh nghiệp Xuân Trường phải đài thọ. Các thầy từng tính tiết kiệm tiền điện nhưng “Xuân Trường bảo không được cho nên ngày nào chùa cũng thắp đèn cả đêm”, gần đây đến 22 giờ tối mới tắt. Phó trụ trì thường trực chùa Bái Đính nói thêm, đại tự này hiện có “400 cán bộ công nhân viên, một tháng trả bình quân 4,5 triệu đồng – 8 triệu đồng cho một người”. Thượng tọa Thích Minh Quang thừa nhận, Bái Đính không có phật tử làm công quả như các chùa khác vì “tất cả mọi người đều nghĩ rằng chùa Bái Đính đã được ông Xuân Trường đài thọ nên không phải làm gì”. Cũng vì vậy, phải trả lương, mua bảo hiểm cho “hơn 50 người viết công đức” (8).
Tháng 6 vừa qua, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm đại biểu Quốc hội cũng từng khẳng định với Quốc hội rằng tất cả các chùa đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý, tiền xây chùa là do giáo hội, các địa phương và dân chúng đóng góp. Không có chùa BOT (9).
Đến tháng 7, tờ Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) giới thiệu “Huyên náo Tam Chúc”, một phóng sự hai kỳ. Theo đó, khách đến đại tự Tam Chúc phải trả đủ thứ phí với giá không rẻ chút nào. Không có biên lai, không thể sử dụng các dịch vụ đưa vào bên trong vãn cảnh chùa, còn khi ra, khách sẽ được nhân viên đề nghị hoàn lại… biên lai!
Cũng theo tờ SGGP, Tam Chúc gây ấn tượng đặc biệt còn vì nhà hàng trong chùa bán đủ thứ đồ mặn (phở gà, bánh cuốn thịt nướng, cơm chiên hải sản, thịt kho tộ, cá kho tộ, cá rán giòn, cơm sườn…) và bếp của nhà hàng này là nơi chế biến, nấu nướng cả đồ chay lẫn đồ mặn (10)!
Cho dù chủ doanh nghiệp Xuân Trường tuyên bố, ông không có mét vuông đất nào ở cả hai đại tự Bái Đính và Tam Chúc, dẫu Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Thượng tọa Thích Minh Quang khẳng định, cả Bái Đính lẫn Tam Chúc cùng là “chùa của GHPGVN, quản lý, vận hành theo Hiến chương GHPGVN” nhưng đâu phải một vài mà là hàng triệu người cùng thấy doanh nghiệp Xuân Trường đang tổ chức khai thác mọi thứ.
Chuyện không chỉ có vậy. Chẳng biết có phải nhờ sức mạnh “tâm linh” hay không mà Xuân Trường có thể xây dựng sân golf Kim Bảng trong Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc Ba Sao không cần giấy phép. Ngoài phạt tiền, Thanh tra Bộ Xây dựng còn yêu cầu tháo dỡ toàn bộ công trình trong 60 ngày nhưng sân golf Kim Bảng vẫn còn nguyên, vẫn hoạt động, thậm chí còn tổ chức thi đấu, trao giải.
Khi trò chuyện với phóng viên SGGP, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hà Nam, xác nhận, chưa cấp đất cho đại tự Tam Chúc (diện tích 144 héc ta) vì “đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng”. Tuy nhiên ông Hảo nói thêm, vì là cơ sở tôn giáo, đất sẽ được giao… lâu dài và không… thu tiền (11).
Qua “Huyên náo Tam Chúc”, SGGP góp thêm thắc mắc mà thỉnh thoảng báo giới Việt Nam lại nêu lên trong vài năm vừa qua, đó là hàng chục ngàn tỉ đã được hệ thống công quyền rút từ công quỹ để rót vào các công trình hạ tầng, mở đường vào những khu “du lịch tâm linh” do Xuân Trường đầu tư.
Chẳng hạn riêng Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc – Ba Sao là nâng cấp quốc lộ 21A đoạn từ Ba Chồm đến cầu Đồng Sơn, nâng cấp tỉnh lộ 74 đoạn qua Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc – Ba Sao tới địa phận Hà Nội, xây dựng tuyến T3 nối Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc – Ba Sao với quốc lộ 1A, xây dựng mới tuyến nối Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc – Ba Sao với chùa Hương. Sau năm 2030 sẽ “kết nối với các tuyến cao tốc như đường vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội, đường Hồ Chí Minh, đầu tư tuyến Mỹ Đình – Ba Sao – Bái Đính điều chỉnh cho phù hợp với khả năng, thẩm quyền của địa phương tạo nên tuyến du lịch văn hóa tâm linh, kết hợp với các điểm danh thắng trong khu vực”.
Một chuyên gia kinh tế yêu cầu ẩn danh từng phân tích với phóng viên tờ SGGP thực hiện “Huyên náo Tam Chúc”: Nhà nước bỏ tiền đầu tư nhằm tạo dòng khách về Bái Đính, Tam Chúc. Còn nếu tiền do nhà đầu tư bỏ ra thì sẽ được tính vào suất đầu tư của họ. Chi phí cho các cung đường này không nhỏ, khoảng 25.000 tỉ đồng đến 30.000 tỷ đồng và sẽ tạo ra “con đường tâm linh”. Đó là một kế hoạch kinh doanh rất hoàn hảo vì năm nào người Việt nhất là cư dân vùng đồng bằng sông Hồng cũng hành hương. Nếu sau này có thêm sự kết nối với chùa Hương thì sẽ không có đồng nào rớt ra khỏi cái phễu hút tiền đó.
***
Nhìn một cách tổng quát, chỉ kiểm tra việc giao đất cho doanh nghiệp Xuân Trường thực hiện các dự án du lịch tâm linh là chưa đủ, phải kiểm tra tại sao từ trung ương đến địa phương thi nhau dùng công quỹ để phát triển hệ thống hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp này kinh doanh.
Năm 2014, tờ Nhân Dân từng có một bài, đề nghị cần phân định rõ trách nhiệm quản lý Khu Du lịch Tâm linh Tràng An – Bái Đính. Vốn đầu tư vào Khu Du lịch Tràng An – Bái Đính, đặc biệt là hạ tầng, không phải của Xuân Trường, nhiều hạng mục trong dự án này là công quỹ (khoảng 3.000 tỉ) nhưng tổ chức khai thác thì vẫn do Xuân Trường đảm nhận. Bởi có sự “đan xen chằng chịt giữa công và tư” nên chưa xác định được tỷ lệ đầu tư/tỷ lệ phân chia lợi nhuận. Lúc đó, Xuân Trường hưởng… 90% doanh thu (12). Giờ thì sao, cứ như SGGP tường thuật thì Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc – Ba Sao cũng chẳng khác gì .
Chú thích
(1) https://nhandan.com.vn/nation_news/item/27845102-tim-huong-phat-trien-tuyen-du-lich-tam-linh-dong-bang-song-hong.html
(2) http://khcnmt-bvhttdl.vn/article/details/2123
(3) https://tuoitre.vn/mot-doanh-nghiep-muon-dau-tu-15-000-ti-de-chua-huong-thanh-di-san-the-gioi-20181225162007716.htm
(4) https://tuoitre.vn/du-an-tam-linh-cap-ca-ngan-hecta-dan-thi-thieu-dat-o-20190605093537351.htm
(5) https://infonet.vn/goc-khuat-giao-dat-xay-chua-bai-dinh-tam-chuc-khong-ro-muc-dich-su-dung-post310358.info
(6) https://plo.vn/thoi-su/ba-tinh-phai-bao-cao-vu-cap-dat-xay-chua-khung-853828.html
(7) https://tbck.vn/day-nhanh-tien-do-cac-tieu-du-an-khu-du-lich-tam-linh-ho-nui-coc-37998.html
(8) http://vanhienplus.vn/chua-bai-dinh-thieu-tien-hoat-dong-nen-doanh-nghiep-phai-dai-tho/15093/
(9) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/hoa-thuong-thich-bao-nghiem-khong-co-chua-bot-1425219.tpo
(10) http://www.sggp.org.vn/huyen-nao-tam-chuc-bai-1-dich-vu-o-ngoi-chua-lon-nhat-the-gioi-606195.html
(11) http://www.sggp.org.vn/huyen-nao-tam-chuc-bai-2-tham-vong-khong-lo-606387.html
(12) http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/22463602-%C2%A0phan-dinh-ro-loi-ich-trach-nhiem-quan-ly-tai-chua-bai-%C3%B0inh-va-khu-du-lich-trang-an.html
https://www.voatiengviet.com/a/bai-dinh-tam-chuc-vesak-buon-ban-tam-linh/5060085.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện