Việt Nam kiên định không ‘Tam Quyền Phân Lập’! – Theo RFA

Việt Nam kiên định không ‘Tam Quyền Phân Lập’! – Theo RFA

31/8/2019
 
Hôm 23 tháng Tám vừa qua, Tạp Chí Cộng Sản tại Việt Nam, có bài tựa đề  “Nhập khẩu thuyết “Tam Quyền Phân Lập” hay lá bài cổ xúy bất ổn chính trị, xung đột quyền lực”.
Đây là bài xã luận dài của tác giả Trần Hậu Thành, một tiến sĩ thuộc ban Tổ Chức Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam, phân tích về Tam Quyền Phân Lập, nhấn mạnh đó là học thuyết du nhập từ bên ngoài, cũng là nguồn gốc của điều ông tiến sĩ này cho là cổ xúy bất ổn và xung đột quyền lực.
Người đọc nghĩ gì trước nhận định của ông Trần Hậu Thành về “Tam Quyền Phân Lập? Đầu tiên là nhà báo, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Già:
“Nếu gọi là ‘nhập khẩu thuyết Tam Quyền Phân Lập” thì người cộng sản Việt Nam buộc phải nhớ lại chính Hồ Chí Minh đã nhập khẩu chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam. Hơn nữa bất kỳ một học thuyết nào cũng phải được kiểm nghiệm bằng thực tế cuộc sống. Nói cách khác lý thuyết không bao giờ tách rời thực tiễn, và nếu thuyết Tam Quyền Phân Lập sai thì tại sao hàng trăm quốc gia đi theo mô hình đó? Đơn giản bởi thuyết Tam Quyền Phân Lập là khoa học và đã được kiểm chứng bằng thực tế của hàng trăm quốc gia bằng sự phú cường, văn minh và nhân ái.
Việc ông Trần Hậu Thành gọi Tam Quyền Phân Lập là “lá bài cổ súy bất ổn chính trị, xung đột quyền lực”, tôi cho đó là phép ngụy biện mang tên ‘đảo ngược nhân quả’. Ông ta cố tình lấy hậu quả, nghĩa là sự bất ổn chính trị và xung đột quyền lực gán cho nó là nguyên nhân, tức là ông ta đổ thừa cho Tam Quyền Phân Lập. Thực tế đã chứng minh ông Trần Hậu Thành sai bởi vì “quả” bất ổn chính trị như hiện nay tại Venezuela, Hong Kong hay Việt Nam đều do “nhân”, tức là do độc đảng toàn trị nhưng được khoác chiếc áo gọi là “ổn định chính trị”. 
Nhà nghiên cứu  độc lập, tiến sĩ Nguyễn Quang A, thì cho rằng suy cho cùng nếu gọi Tam Quyền Phân Lập là học thuyết nhập khẩu thì cũng không sai vì:
“Thứ nhất Tam Quyền Phân Lập là tư tưởng được phát triển ở phương Tây từ thế kỷ 18, 19 đến 20, nó xa lạ với Việt Nam. Từ thời các vua chúa cho đến thời cộng sản tại Việt Nam đều không có dân chủ, cho nên khía cạnh nhập khẩu thì không sai. Nhưng mà những tư tưởng tốt của nhân loại mà nhập khẩu vào là chuyện tốt cho dân tộc, chẳng có gì phải ngại cả.  Những người cộng sản luôn tự xưng họ là học trò của ông Hồ Chí Minh, người nhập khẩu cái tư tưởng cộng sản vào Việt Nam. Chính bản thân ông Hồ là người nhập khẩu tư tưởng cộng sản vào. Đáng tiếc những học trò của ông Hồ, và có lẽ cả ông thời còn sống, đã không thực hiện những điều nhập khẩu đấy, cho nên những cái hay ho đấy bây giờ là bất ổn.”
Trong phần đầu bài xã luận, ông tiến sĩ Trần Hậu Thành viện dẫn nguyên văn Khoản 3, Điều 2 Hiến Pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi rõ “Quyền lực Nhà Nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà Nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước được hiến định nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng hàng đầu bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Theo luật sư Phạm Công Út, không chấp nhận Tam Quyền Phân Lập là quan điểm trái chiều. Mặt khác, theo ông ngày nào còn tồn tại một đảng lãnh đạo thì không thể tuyên truyền “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” với những người biết suy nghĩ:
“Tôi thì tôi tôn trọng các quan điểm trái chiều với mình, nhưng tôi cũng mong người khác tôn trọng quan điểm trái chiều của tôi chứ tôi không đả phá và tôi sẵn sàng phản biện. Tôi không nhắm vào cá nhân, chỉ muốn nói rằng học vị tiến sĩ mà vẫn bảo lưu cái việc thống nhất quản lý lập pháp, hành pháp về phía cơ quan nhà nước thì chuyện đó cũng không làm tôi ngạc nhiên. 
Khoản 3 Điều 2 Hiến Pháp minh định một điều mà Quốc Hội đã biểu quyết thông qua.  Hiến pháp thường xuyên thay đổi chứ không mang tính ổn định vĩnh viễn. Có thế bối cảnh lịch sử ngày nay người ta chưa chấp nhận Tam Quyền Phân Lập, tức 3 cơ quan quyền lực tách bạch lẫn nhau, kiểm soát lẫn nhau và không bị phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng hiện nay Nhà Nước thống nhất quản lý rồi nói là nhân dân làm chủ, quyền lực thuộc về tay nhân dân. Điều đó không đúng theo hiến pháp bởi vì hiện nay người bị mất đất, bị mất tài sản, bị tù oan… đã xuất hiện rất nhiều. Mất tài sản thì gắn liền với đất, trải dài 63 tỉnh thành từ Nam ra Bắc trong một diện rộng.”
Nếu thực sự nhân dân làm chủ, luật sư Phạm Công Út lập luận, sẽ không có tình trạng dân phải đi đòi lại quyền của mình nhiều đến mức như hiện nay. Vị luật sư này khẳng định vấn đề Tam Quyền Phân Lập hiện vần không được Việt Nam công nhận vì một đảng lãnh đạo, chiếm vị trí 3 cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp hầu hết là đảng viên cộng sản. Theo ông nói ‘quyền lực thuộc về nhân dân trở thành một khẩu hiệu sáo mòn, người dân thực sự không làm chủ mà ông chủ chính là những người khác.
Ông tiến sĩ Trần Hậu Thành lý luận tiếp trong bài báo của mình rằng “Thực tiễn cho thấy việc phân định rõ ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là cách thức quan trọng để phát huy vai trò của nhà nước, đồng thời là cơ sở để kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước. Ông nói chúng ta, tức nhà nước Việt Nam, đã tiếp thu mặt tiến bộ trong kỹ thuật tổ chức các thiết chế nhà nước trên thế giới, trong đó việc “phân công” và “phối hợp” giữa 3 nhánh quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) để tổ chức bộ máy nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thể hiện rõ ở các bản Hiến Pháp Việt Nam, đặc biệt Hiến Pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến Pháp năm 2013.
Cán bộ của ban Tổ Chức Trung Ương nói như thế để đánh giá tiếp rằng  “Trong hời gian gần đây vẫn còn một số cá nhân lợi dụng việc chậm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp, tình trạng tham nhũng của một số cán bộ, đảng viên và việc hoạt động chưa thật sự hiệu quả của một số thiết chế trong bộ máy nhà nước… để phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức cũng như hoạt động của bộ máy nhà nước và tung hô, cường điệu hóa, lý tưởng hóa học thuyết “tam quyền phân lập”, coi nó là “phương thuốc vạn năng” cho kiểm soát quyền lực nhà nước và ngăn ngừa tham nhũng. Có thể khẳng định ngay rằng, đó là luận điệu sai trái, cực đoan và cơ hội chính trị. Học thuyết “tam quyền phân lập” được áp dụng trong tổ chức bộ máy nhà nước ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức và một số nước phương Tây mặc dù có mang lại một số mặt tích cực, cần được nghiên cứu, tham khảo, nhưng không nên vì thế mà cường điệu hóa, lý tưởng hóa và xem nó như là chìa khóa vạn năng của “dân chủ – pháp quyền”.
Ông còn nêu tư tưởng Các Mác, Ăng Ghen và nhiều luận cứ khác để chốt lại một điều rằng “Tam Quyền Phân Lập” là nguyên nhân sâu xa của bất  ổn chính trị và xung đột quyền lực, hai yếu tố mà ông cho là phương hại đến quyền lực nhân dân.
Trong lúc luật sư Phạm Công Út nói đây là những biện luận lý giải cố ý áp đặt, chưa kể là nhập nhằng giữa quyền lực Nhà Nước và quyền lực nhân dân, thì nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Quang A, từng dịch thuật nhiều tác phẩm kinh điển về dân chủ và chính trị trên thế giới, nói rằng không có gì đáng ngạc nhiên về những luận cứ như vậy:
“Không lạ khi Tạp Chí Cộng Sản đăng cái bài như vậy của một ông tiến sĩ nào đấy, bởi vì chủ thuyết của đảng cộng sản Việt Nam, mà được thể hiện đúng là trong cái người ta áp đặt vào Hiến Pháp năm 2013, nghĩa là đảng cộng sản ngồi xổm lên Pháp Luật, đảng cộng sản cai quản hết mọi thứ không chia sẻ cho ai bất kỳ cái gì cả. 
Cho nên chuyện đả phá tư tưởng về Tam Quyền Phân Lập, về kiểm soát và đối trọng, về Luật trị tức Rule Of Law, là chuyện nhất quán từ trước đến nay của đảng cộng sản Việt Nam. Một ông được coi như là một nhà lý luận của đảng cộng sản mà nói như vậy không có gì đáng ngạc nhiên cả. Phải rất lưu ý là từ ngữ họ dùng khác với từ ngữ mà thế giới văn minh đều dùng. Họ nói đến nhân dân là họ nói đến những người ngoan ngoãn nghe theo đảng cộng sản Việt Nam.”
Đả phá tư tưởng về Tam Quyền Phân Lập, về kiểm soát và đối trọng, về Luật trị là chuyện nhất quán từ trước đến nay của đảng cộng sản Việt Nam..Phải rất lưu ý là từ ngữ họ dùng khác với từ ngữ mà thế giới văn minh đều dùng. Họ nói đến nhân dân là họ nói đến những người ngoan ngoãn nghe theo đảng cộng sản Việt Nam.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Với tất cả những luận cứ nêu trên, ông tiến sĩ Trần Hậu Thành của Ban Tổ Chức Trung Ương cho rằng về mặt lý luận thì Tam Quyền Phân Lập là một học thuyết phức tạp, đa chiều và còn có nhiều ý kiến khác nhau. Dưới mắt  nhà báo, cựu tù lương tâm Nguyễn Ngọc Già, đây là cách ngụy biện nhằm phức tạp hóa vấn đề của người không am hiểu và không nhìn rõ vấn đề đó.
“Phân quyền, tập quyền và tản quyền là những khái niệm về các môn chính trị học và quản lý nhà nước. Người cộng sản Việt Nam không am tường, không chịu học những trường phái khác nhau và không chịu lắng nghe ý kiến trái ý của họ, nên họ lẫn lộn các khái niệm trên là điều dễ hiểu. Họ thấy rối rắm, nên họ gán cho “phân quyền là một tư tưởng phức tạp” để né tránh, nói cách khác đó là phép ngụy biện mang tên là phức tạp hóa vấn đề.  Người cộng sản trước giờ chỉ lo tập trung quyền lực, tập trung để củng cố quyền bính mà thôi. Tôi cho rằng họ đang bị vây khốn giữa “tập quyền” và ‘tản quyền” hơn là có “phân quyền” mà họ ngỡ họ đang làm đúng.”
Trở lại với phân tích của ông Trần Hậu Thành, rằng trong thời gian gần đây một số cá nhân, vì muốn phủ nhận nguyên tắc tập trung quyền lực trong bộ máy nhà nước cũng như trong hoạt động của nhà nước, đã lợi dụng sự chậm trể trong việc cụ thể hóa những qui định của Hiến Pháp, lợi dụng những tiêu cực trong việc phòng chống tham nhũng để từ đó mà tung hô, cường điệu hóa, lý tưởng hóa học thuyết “Tam Quyền Phân Lập”, coi đó là “phương thuốc vạn năng” cho kiểm soát quyền lực nhà nước và ngăn ngừa tham nhũng.
Thực tế không  phải chỉ một số cá nhân mà phải nói đại bộ phận người dân, với kiến thức trung bình và lành mạnh, cũng đã hiểu ra sự khác biệt giữa tam quyền phân lập với trung ương tập quyền, là khẳng định của tiến sĩ Nguyễn Quang A: 
“Dân chủ, tam quyền phân lập có thực sư gây bất ổn hay không? Kinh nghiệm trên thế giới từ cổ cho đến bay giờ thì Tam Quyền Phân Lập và Luật trị- mà ông Hồ cũng rất ca ngợi- những tư tưởng đấy được nhập khẩu vào Việt Nam sẽ chỉ làm cho xã hội Việt Nam ổn định hơn, lành mạnh hơn và sự phát triển của đất nước tốt hơn mà thôi. Còn họ muốn sự ổn định là nhân dân ngoan ngoãn nghe lời và im thì cái đấy sẽ biến dân tộc thành nô lệ và về dài hạn sẽ dẫn đến những bất ổn định khủng khiếp.”
Ở cuối bài xã luận, ông tiến sĩ Trần Hậu Thành của ban Tổ Chức Trung Ương sử dụng nhiều từ “nhưng” để kết luận rằng quyền lực nhà nước ở nước ta bắt nguồn từ nhân dân nhưng thống nhất và tập trung vào quốc hội nhưng được phân công cụ thể, rành mạch, trong đó Quốc Hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao hơn 40 năm đất nước không còn chia cắt và chính phủ Hà Nội luôn nói đang hội nhập thế giới mà đảng cộng sản Việt Nam vẫn không chấp nhận tam quyền phân lập, coi đó là mầm mống phản động, bất ổn. Sợ mất quyền thống trị là câu trả lời của luật sư Phạm Công Út:
“Từ bỏ quyền thống trị không đơn giản. Để mà quản lý và thống trị một quốc gia thì người ta sử dụng sức mạnh quyền lực để bảo vệ vị trí thống trị của mình chứ không dễ dàng chuyển giao bằng luật pháp. Ví dụ chẳng hạn cho thành lập đảng, hội một cách tự do và không nằm trong tầm kiểm soát của Nhà Nước thì việc mất kiểm soát đó dẫn đến mất vị trí thống trị. 
Việt Nam cũng chọn cho mình một bản Hiến Pháp riêng, nhưng Hiến Pháp của Việt Nam đã kéo dài vị trí một đảng lãnh đạo trong nhiều thập kỷ. Trong giai đoạn hiện nay người ta không thể nào chấp nhận Tam Quyền Phân Lập.
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già thì Hiến Pháp của Việt Nam thiếu 3 yếu tố quan trọng, tính khoa học, tính hội nhập và tính dân chủ:
Tôi nhớ nhà tư tưởng Benjamin Barber đã nói Hiến Pháp không tạo nên dân chủ, mà chính dân chủ tạo nên Hiến Pháp. 
Tính khoa học ở đây là Hiến Pháp của người cộng sản Việt Nam không đúc kết từ thực tiễn cuộc sống. Nói cách khác, người cộng sản Việt Nam áp dụng “tư duy tư biện”, nghĩa là suy luận đơn thuần trên lý thuyết sao cho có lợi cho họ, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến thực tế. 
Vế tính hội nhập, thoạt nhìn có vẻ Việt Nam tiếp thu từ các Hiến Pháp trước đây nhưng xem ra không có gì thay đổi, đặc biệt vấn đề Tam Quyền Phân Lập bị cho là  mối nguy hại quá lớn cho sự trường tồn độc đảng. 
Về tính dân chủ, Quốc Hội là nơi gọi là “thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (theo luật tổ chức quốc hội), nhưng thực chất chỉ là cơ quan bù nhìn của đảng cộng sản Việt Nam. Quốc Hội chưa bầu thì dân đã biết rõ ai sẽ là chủ tịch, ai sẽ là thủ tướng …”
Chính vì thế, nhà báo Nguyễn Ngọc Già kết luận, mang Hiến Pháp ra để củng cố cho quan điểm quyền lực nhà nước là quyền lực nhân dân, gọi Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước chỉ là phép ngụy biện gần như bất biến của người cộng sản.
(RFA)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện