Tin khắp nơi – 30/08/2019

Tin khắp nơi – 30/08/2019

Mỹ: Donald Trump thông báo

thành lập bộ chỉ huy không gian

Gia Hưng
Tổng thống Hoa Kỳ hôm 29/08/2019, tuyên bố thành lập một bộ chỉ huy không gian (gọi tắt là SpaceCom) thuộc bộ Quốc Phòng nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ lợi ích của Mỹ trong không gian, trước mối lo ngại Trung Quốc và Nga.
Thông tín viên Anne Corpet từ Washington cho biết thêm :
Với việc thành lập bộ chỉ huy không gian chính thức trở thành một chiến trường mới. Bộ chỉ huy do tổng thống lập ra sẽ chịu trách nghiệm bảo vệ các vệ tinh của Mỹ trước các mối đe dọa tấn công của kẻ thù , đặc biệt Trung Quốc và Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói : “Hôm nay, chúng ta mở một chương mới trong lịch sự phi thường của quân đội Hoa Kỳ. Bộ chỉ huy không gian sẽ bảo đảm cho sự thống trị của Mỹ trong không gian không bao giờ bị đe dọa hay bị nghi ngờ. Bởi vì chúng ta biết rằng cách tốt nhất để ngăn chặn xung đột là chuẩn bị cho chiến thắng ».
Ông Trump nói đến một ngày lịch sử, nhưng việc xây dựng binh chủng không gian còn phụ thuộc vào sự chấp thuận của Quốc Hội Mỹ. Lĩnh vực không gian hiện nằm dưới quyền kiểm soát của không quân Hoa Kỳ và các nghị sỹ Dân Chủ đã cho rằng việc thành lập bộ chỉ huy này chỉ là một hành động quan liêu, vô ích. Binh chủng thứ sáu của quân đội Hoa Kỳ vẫn chưa ra đời.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190830-my-donald-trump-thong-bao-thanh-lap-bo-chi-huy-khong-gian

Tổng thống Trump không đi Ba Lan

để chuẩn bị đón bão Dorian

Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ Năm (29/8), tổng thống Trump đột ngột hủy chuyến đi cuối tuần tới Ba Lan, tuyên bố rằng ông muốn ở nhà và bảo đảm chính phủ liên bang sẵn sàng đối phó với cơn bão Dorian đang hướng đến Florida.
Tổng thống Trump vừa trở lại Tòa Bạch Ốc vào hôm thứ Hai 26/08 sau hội nghị thượng đỉnh G7 tại Pháp. Ông Trump cho biết  Phó Tổng thống Mike Pence sẽ thay thế ông trong chuyến đi tới Warsaw. Đây là chuyến đi kỷ niệm ngày Đệ nhị Thế chiến bắt đầu vào 80 năm trước.
Tổng thống Trump cũng hủy chuyến thăm Đan Mạch kết hợp với việc thăm tại Ba Lan. Hồi tuần trước, tổng thống tuyên bố hoãn chuyến đi đến Đan Mạch, sau khi quốc gia này đưa ra phản đối về ý tưởng mua Greenland của ông.
Cơn bão Dorian, dự kiến sẽ trở thành cơn bão cấp 4, có thể đang hướng đến Florida. Câu lạc bộ Mar-a-Lago của tổng thống Trump ở Palm Beach trên Bờ biển Đại Tây Dương có thể nằm trên đường đi của bão.
Vào hôm thứ Năm (29/8), Trung tâm Bão quốc gia trụ sở tại Miami cho biết, cơn bão Dorian được dự đoán sẽ có tốc độ gió đạt 130 dặm mỗi giờ (209 km một giờ) trong 72 giờ. Điều đó sẽ khiến Dorian trở thành cơn bão cấp 4, cấp mạnh thứ hai theo thang Thang đo cường độ bão Saffir-Simpson. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-khong-di-ba-lan-de-chuan-bi-don-bao-dorian/

Vì lý do an ninh quốc gia,

Ngày 28/8, Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, các quan chức Mỹ đang tìm cách ngăn chặn một tuyến cáp quang biển giữa Los Angeles và Hong Kong (Trung Quốc), được Google, Facebook và một đối tác Trung Quốc hỗ trợ, vì những lo ngại liên quan đến an ninh quốc gia.
Mỹ cân nhắc chặn tuyến cáp quang biển với Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. (Nguồn: Telecoms)
WSJ dẫn nguồn thạo tin cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã phản đối dự án trên một cách quyết liệt bởi những mối lo ngại về nhà đầu tư Trung Quốc, Dr.Peng Telecom & Media Group Co, và kết nối trực tiếp mà tuyến cáp sẽ cung cấp cho Hong Kong.
Ông Marc Raimondi, người phát ngôn về vấn đề an ninh quốc gia của DOJ cho biết: “DOJ không bình luận về đánh giá hiện nay của chúng tôi liên quan đến những ứng dụng mà Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã quy định là những mối lo ngại về an ninh quốc gia và thực thi pháp luật phát sinh từ hoạt động đầu tư nước ngoài hoặc hoạt động kiểm soát”.
Tuy nhiên, Google, Facebook và Dr. Peng không trả lời yêu cầu bình luận về thông tin trên.
Liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, cùng ngày, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã khẳng định lại các kế hoạch của Tổng thống Donald Trump về việc áp thuế bổ sung 5% đối với danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD từ ngày 1/9 và 15/12.
Trong công báo liên bang, USTR cho biết, cơ quan này sẽ áp thuế 15% đối với một số mặt hàng trong danh sách kể từ ngày 1/9; những mặt hàng còn lại, trong đó có điện thoại di động và máy tính xách tay, sẽ bị áp thuế 15% từ ngày 15/12.
Tuy nhiên, công báo liên bang không đề cập tới tuyên bố của ông Trump về ý định tăng thuế lên mức 30% đối với danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD vào ngày 1/10, những mặt hàng này đang phải chịu mức thuế 25%.
Thông báo của USTR cho hay: “Phản ứng gần đây nhất của Trung Quốc, trong đó tuyên bố về kế hoạch tăng thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ đã cho thấy rằng hành động đang được triển khai hiện nay không còn thỏa đáng”.
USTR nhấn mạnh: “Tóm lại, thay vì giải quyết những vấn đề ưu tiên, Trung Quốc lại tăng thuế và chấp nhận hoặc đe dọa trả đũa thêm để tiếp tục bảo vệ cho những hành động, chính sách và thực tiễn phi lý đã được xác định trong cuộc điều tra, từ đó dẫn đến mối nguy hại ngày càng lớn đối với nền kinh tế Mỹ”.
http://biendong.net/bi-n-nong/30098-vi-ly-do-an-ninh-quoc-gia-my-can-nhac-chan-tuyen-cap-quang-bien-voi-tq.html

Tổng thống Trump cân nhắc

cắt viện trợ quân sự cho Ukraine

Tin từ Washington — Theo tin từ đài CNN, Tổng Thống Trump đang cân nhắc rất kỹ lưỡng về kế hoạch cắt viện trợ quân sự cho Ukraine, một hành động cho thấy ông có ý định trở nên thân thiết hơn với Tổng thống Nga Putin.
Tuy nhiên, quyết định này có nhiều khả năng sẽ gặp phải sự phản đối của lưỡng đảng từ những thành viên của Quốc hội, những người tin rằng viện trợ của Hoa Kỳ là điều cần thiết để chống lại sự can thiệp của quân đội Nga tại Ukraine. CNN dẫn lời nhiều nguồn thạo tin cho biết Tổng Thống Trump đã đưa ra ý tưởng tạm dừng chương trình viện trợ quân sự nói trên từ nhiều tuần trước, và Tòa Bạch Ốc gần đây đã thông báo cho các cơ quan và ủy ban quốc hội có liên quan về ý định chặn viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, các nguồn tin cũng cho biết vẫn còn những câu hỏi về quyết định cuối cùng của Tổng Thống Trump. Các viên chức Hoa Kỳ đang chờ xem ý kiến của ông sau cuộc họp dự kiến vào tuần tới với Tổng thống Ukraine.
Quyết định cắt viện trợ quân sự đã được hỗ trợ bởi Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc Mick Mulvaney, nhưng bị một số người trong Bộ Ngoại giao và hội đồng an ninh quốc gia phản đối. Vào Thứ Tư (ngày 28 tháng 8), Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã có mặt Kiev, nơi ông gặp các viên chức Ukraine. Có rất ít dấu hiệu cho thấy ông đã nêu ra khả năng chặn tài trợ.
Sự thiên vị công khai của Tổng Thống Trump trong thời gian gần đây dành cho Tổng Thống Putin và Nga đã khiến các đồng minh cũng như các nhà lập pháp Hoa Kỳ lo ngại. Vấn đề này lại càng trầm trọng hơn sau những bình luận gần đây của Tổng Thống Trump tại hội nghị thượng đỉnh G7. Ông Trump đã xem nhẹ các cuộc xâm lăng của Nga ở Crimea, hỗ trợ quan ly khai ở Đông Unkraine, vụ Nga có liên quan trực tiếp đến vụ bắn rơi máy bay của Mã Lai…  Ông Trump cho rằng Nga nên được khôi phục vị trí trong nhóm G7. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-can-nhac-cat-vien-tro-quan-su-cho-ukraine/

Điều gì thôi thúc Mỹ

đặt tên lửa tầm trung tại Châu Á

Ngày 3/8/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, người vừa tuyên thệ nhậm chức hồi cuối tháng 7, tuyên bố Washington muốn sớm triển khai các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại châu Á. Ông Mark Esper còn nhấn mạnh Mỹ “muốn triển khai năng lực đó nhanh chóng có thể”. Điều gì khiến Mỹ muốn nhanh chóng bố trí tên lửa tầm trung ở châu á?
Tuyên bố được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Washington và Matxcơva thời Chiến tranh lạnh. Hiệp ước được ký năm 1987 và có hiệu lực vào năm 1988 nhằm hạn chế việc phát triển và triển khai tên lửa tầm bắn từ 500 – 5.500 km. Mỹ cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước khi phát triển tên lửa hành trình 9M729 (NATO gọi là SSC-8) có tầm bắn 1.500 km trong khi Moscow khẳng định tên lửa này chỉ bay được 480 km.
Các nhà phân tích cho rằng việc mỹ rút khỏi INF là để dọn đường cho việc bố trí tên lửa tầm trung ở Châu Á đã được Mỹ có kế hoạch từ trước; Mỹ đưa ra nguyên nhân Nga vi phạm Hiệp ước chỉ là cái cớ để Mỹ rút khỏi Hiệp ước. Hiệp ước này đã cản Mỹ triển khai chiến lược quân sự mới của Mỹ ở khu vực Ấn Độ dương – Thái Bình dương, trong kế hoạch kiềm chế Trung Quốc. Đây mới chính là nguyên nhân sâu xa Mỹ rút khỏi INF để rảnh tay đối phó với Trung Quốc. Ngay cả Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng xác nhận điều này. Ông John Bolton lý giải nguyên nhân Mỹ thực hiện kế hoạch trên là bởi Trung Quốc đã triển khai hàng nghìn tên lửa tương tự, song lại không tham gia INF và có thể “tự do” làm bất kỳ điều gì mà Trung Quốc muốn. Đây cũng chính là một lý do khiến Tổng thống Mỹ D.Trump rút khỏi INF.
Lợi dụng việc Mỹ và Nga bị ràng buộc bởi INF, Trung Quốc đã tập trung phát triển sức mạnh quân sự của mình đe dọa các nước láng giềng Châu Á, đe dọa lợi ích của Mỹ ở khu vực. Không chỉ bố trí các tên lửa trong lục địa mà Trung Quốc còn bố trí các tên lửa tại các cấu trúc nhân tạo mà họ bồi đắp, mở rộng bất hợp pháp ở Biển Đông. Việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông cưỡng ép các nước ven Biển Đông và mới đây nhất là việc Trung Quốc đã lần đầu tiên bắn thử tên lửa chống ngầm ở Biển Đông càng thôi thúc Mỹ phải sớm thực hiện kế hoạch bố trí tên lửa tầm trung ở Châu Á để tạo sức răn đe với Trung Quốc. Chính vì vậy ông Bolton cho rằng kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ tại châu Á chỉ mang tính chất phòng vệ.
Hiện đang xuất hiện những thông tin đồn đoán rằng, Hàn Quốc – nước đồng minh và là nơi đồn trú của 28.500 quân Mỹ sẽ được chọn làm “địa điểm tiềm năng” để triển khai thiết bị tên lửa của Mỹ. Ngoài ra, Nhật cũng là một địa điểm lý tưởng để Mỹ bố trí loại tên lửa này. Nếu điều này xảy ra thì rõ ràng việc bố trí tên lửa tầm trung của Mỹ ở Châu Á là nhằm vào Trung Quốc. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ, Trung Quốc đã bố trí rất nhiều tên lửa nhắm vào Đài Loan và luôn lớn tiếng đe dọa sử dụng vũ lực để thôn tính Đài Loannên Mỹ cần bố trí tên lửa tầm trung ở khu vực để ngăn chặn Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan bằng vũ lực, bảo đảm an ninh cho Đài Loan như đã cam kết trong Luật quan hệ với Đài Loan.
Ngày 04/8/2019, trả lời phỏng vấn trên tờ Sky News, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington sẽ tiếp tục đánh giá về kế hoạch triển khai tên lửa này; đây có thể là một tiến trình tham vấn dài hơi, song Mỹ sẽ không do dự nếu xem việc tham gia vào các kế hoạch triển khai lực lượng hay bảo đảm tự do hàng hải là lợi ích chiến lược của Mỹ và đồng minh.
Trung Quốc phản ứng gay gắt trước tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper bởi lẽ họ hiểu rằng động thái này của Mỹ là nhằm vào Trung Quốc. Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 06/8/2019, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Fu Cong nói rằng “Trung Quốc sẽ không ngồi yên và sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ bố trí tên lửa tầm trung ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, đồng thời cảnh báo các nước láng giềng của Trung Quốc không nên cho phép Mỹ triển khai các vũ khí loại này trên lãnh thổ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho rẳng Trung Quốc “không nên ngạc nhiên” trước kế hoạch của Mỹ bởi Mỹ đã đề cập kế hoạch này từ lâu nay rồi. ÔngMark Esper nhấn mạnh, hơn 80% kho tên lửa của Bắc Kinh có tầm bắn hơn 500 km và Washington cũng muốn có khả năng đó; kế hoạch đưa tên lửa đến khu vực “sẽ không dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang” vì đó chỉ là “biện pháp chủ động” của Mỹ nhằm phát triển năng lực cần thiết cho khu vực châu Âu cũng như Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong những năm qua,giới chức Mỹ từng nhiều lần cảnh báo rằng nước này đang gặp bất lợi khi Trung Quốc phát triển lực lượng tên lửa phóng từ mặt đất ngày càng hiện đại, trong khi Lầu Năm Góc lại bị INF “trói tay”. Quân đội Mỹ cho đến nay vẫn dựa vào các tên lửa phóng từ tàu chiến hoặc máy bay để đối phó với các đối thủ lớn như Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều quan chức Lầu Năm Góc cho rằng cách tốt nhất để răn đe Bắc Kinh là phát triển hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất.
Có thể thấy quyết định của Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở Châu Á là một phần trong chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương nhằm ngăn chặn tham vọng bành trướng, bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, biển Hoa Đông nói riêng và toàn khu vực nói chung.
Một số nhà phân tích cho rằng tuyên bố của Esper nhiều khả năng sẽ làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, ngày càng hung hăng và thi hành chính sách cưỡng ép, bắt nạt các nước nhỏ trong khu vực thì việc làm của Mỹ là cần thiết để duy trì sự cân bằng chiến lược ở khu vực.
Trung Quốc lớn tiếng phê phán tuyên bố củaBộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, nhưng họ cần hiểu rằng việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, gây hấn với các nước láng giềng, xâm lấn vùng biển của các nước này ở Biển Đông, đe dọa thôn tính Đài Loan bằng vũ lực không chỉ liên quan đến các nước này mà còn đe dọa trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Mỹ ở khu vực, buộc Mỹ phải hành động. Nếu có xảy ra cuộc chạy đua vũ trang như ý kiến của một số nhà phân tích thì người khơi mào cho cuộc chạy đua vũ trang đó chính là Trung Quốc.
Trung Quốc kêu gọi các nước láng giềng không cho Mỹ bố trí tên lửa tầm trung, song họ hãy nhìn lại mình. Bắc Kinh thường xuyên hăm dọa, bắt nạt các nước láng giềng, xâm hại các quyền lợi chính đáng của họ vậy nếu để một mình Trung Quốc chiếm ưu thế về tên lửa và thiết bị quân sự ở khu vực thì còn nguy hại hơn nhiều. Tất nhiên, không một quốc gia nào muốn trở thành chiến trường nếu như không gặp phải mối đe dọa từ Trung Quốc, do vậy Trung Quốc hãy dừng quân sự hóa Biển Đông, chấm dứt cưỡng ép, đe dọa các nước thì không phải kêu gọi các nước cũng không cho Mỹ bố trí tên lửa tầm trung trên đất nước họ.
Việc Trung Quốc thi hành chính sách bá quyền, bắt nạt, đe dọa các nước láng giềng chính là nguyên nhân để các nước tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh thì Mỹ cũng không có lý do gì để bố trí tên lửa tầm trung ở Châu Á. Trên vấn đề Biển Đông, việc Trung Quốc uy hiếp, xâm lấn vùng biển của các nước ven Biển Đông là nguyên nhân để Mỹ và các nước ngoài khu vực can dự sâu thêm vào Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/30106-dieu-gi-thoi-thuc-my-dat-ten-lua-tam-trung-tai-chau-a.html

Có thêm phụ tá cá nhân của tổng thống Trump

 bất ngờ rời Tòa Bạch Ốc

Tin từ Washington, DC – Theo một nguồn tin thân cận nói với CNN, Madeleine Westerhout, một phụ tá riêng của Tổng thống Trump đã rời Tòa Bạch Ốc.
Các nguồn tin tiết lộ vào hôm thứ Năm (29 tháng 8), cô Madeleine Westerhout đã từ chức phụ tá điều hành, sau khi Tổng thống Trump phát hiện cô tiết lộ thông tin với các phóng viên về nội dung của một cuộc họp gần đây. Theo lời một phóng viên nói với Tòa Bạch Ốc, cô Westerhout đã thảo luận những vấn đề của Tòa Bạch Ốc với phóng viên.
Một cựu viên chức nói với CNN rằng, dù Tổng thống Trump rất thân thiết với cô Westerhout, nhưng việc cô tiết lộ thông tin cá nhân về gia đình Tổng thống là hành động vượt quá giới hạn.
Còn theo tờ New York Times dẫn lời một nguồn tin thân cận, cô Westerhout bị sa thải vào Thứ Năm, và sẽ không được phép quay lại Tòa Bạch Ốc vào Thứ Sáu.
Cô Westerhout là một trong rất nhiều viên chức bị sa thải hoặc từ chức trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Diễn biến này cho thấy tổng thống Trump rất kiên quyết ngăn chặn hành vi rò rỉ thông tin ra khỏi Tòa Bạch Ốc, cũng như thông tin về cuộc vận động tái tranh cử năm 2020. Theo KTLA, với sai phạm này, cô Westerhout cũng là một trong sáu viên chức Tòa Bạch Ốc bị phát hiện vi phạm Đạo luật Hatch năm 2018. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/co-them-phu-ta-ca-nhan-cua-tong-thong-trump-bat-ngo-roi-toa-bach-oc/

FBI bắt giữ thanh niên âm mưu tấn công bằng dao

 tại thành phố New York

Tin từ New York – Vào hôm Thứ Năm (29 tháng 8), FBI bắt giữ một thanh niên 19 tuổi ở thành phố New York, vì đã kể cho một cảnh sát liên bang về kế hoạch tấn công nhân danh nhóm khủng bố ISIS.
Nghi can này dự kiến sẽ đối mặt với cáo buộc tiếp tay cho khủng bố vào Thứ Sáu (30 tháng 8). Trong đoạn tin nhắn với cảnh sát chìm, nghi can thể hiện mong muốn tấn công bằng dao tại khu Queens. Theo một viên chức hành pháp cao cấp tóm tắt về cuộc điều tra, nghi can đã tiết lộ kế hoạch tấn công trong một phòng chat trên mạng. Nghi can còn đặt mua một con dao thông qua cảnh sát liên bang hoạt động bí mật trong phòng chat. Khi người này đến nhận con dao thì bị cánh sát bắt giữ.
Các cảnh sát FBI và Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố do FBI dẫn đầu đã theo dõi người đàn ông kể từ khi người này bắt đầu âm mưu cuộc tấn công. Trong một tuyên bố, phát ngôn viên của văn phòng biên lý Hoa Kỳ thuộc quận phía đông New York xác nhận một “cá nhân đã bị bắt trong cuộc điều tra an ninh quốc gia hôm Thứ Năm.” Các viên chức liên bang và văn phòng này cho biết nghi can không gây nguy hiểm cho cộng đồng. Các cáo buộc chống lại nghi can dự kiến sẽ được tiết lộ vào sáng thứ Sáu (30 tháng 8). (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/fbi-bat-giu-thanh-nien-am-muu-tan-cong-bang-dao-tai-thanh-pho-new-york/

Huawei bị Mỹ điều tra về cáo buộc mới

Các công tố viên Hoa Kỳ đang điều tra thêm các khía cạnh mới trongcáo giác cho rằng nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc ăn cắp công nghệ, tờ Wall Street Journal loan tin ngày 29/8 dẫnnguồn từ những người biết rõ sự việc.
Huawei bị tố cáo ăn cắp tài sản trí tuệ từ các cá nhân và công ty trongvài năm qua. Tập đoàn công nghệ của Trung Quốc cũng tuyển mộ nhânviên từ các công ty đối thủ, nguồn tin này cho hay.
Tin của Wall Street Journal nói chính phủ Mỹ đang điều tra các khíacạnh trong tạp quán kinh doanh của Huawei vốn chưa bị săm soi trongcáo trạng công bố trước đây trong năm.
Đầu năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố Huawei và giám đốc tài chính củacông ty, bà Mạnh Vãn Châu, về tội âm mưu vi phạm lệnh chế tài của Mỹđối với Iran bằng cách làm ăn với Tehran thông qua một nhánh phụ màcông ty tìm cách che đậy.
Công ty Huawei chưa lên tiếng bình luận về diễn tiến mới này.
https://www.voatiengviet.com/a/huawei-b%E1%BB%8B-m%E1%BB%B9-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-v%E1%BB%81-c%C3%A1o-bu%E1%BB%99c-m%E1%BB%9Bi-/5062361.html

Cuba nhờ Canada giúp

chấm dứt chế tài của Mỹ lên Venezuela

Ngoại trưởng Cuba, Bruno Rodriguez, ngày 28/8 thúc giục người đồngnhiệm phía Canada, Chrystia Freeland giúp chấm dứt chế tài của Mỹnhắm vào Venezuela.
Lời kêu gọi được đưa ra trong cuộc gặp lần ba kể từ tháng 5 tới nay bànvề khủng hoảng nhân đạo và chính trị ở Venezuela.
Quốc gia cộng sản Cuba là đồng minh thân thiết của Tổng thống cánh tảVenezuela, Nicolas Maduro, người mà các nước phương Tây kể cảCanada yêu cầu từ chức vì các cáo buộc gian lận bầu cử.
Mỹ tăng cường chế tài Venezuela trong năm nay nhằm tăng áp lực lênMaduro, khiến nền kinh tế siêu lạm phát của nước này càng thêm chao đảo. Hàng triệu người Venezuela đã bỏ nước ra đi.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích chủ nghĩacộng sản ở Châu Mỹ Latin và tố cáo Havana hậu thuẫn ông Maduro. Washington cũng đã siết chặt lệnh cấm vận thương mại hàng chục nămnay lên đảo quốc Cuba.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence giữa năm nay đã kêu gọi Canada nỗ lựcgiao tiếp trực triếp với Cuba về ảnh hưởng của nước này với Venezuela.
Bộ Ngoại giao Canada cho hay trong cuộc gặp hôm 28/8, Ngoại trưởngCanada và Cuba nhất trí rằng các quan chức cao cấp sẽ giữ liên lạc vàtiếp tục trao đổi quan điểm về vấn đề Venezuela.
https://www.voatiengviet.com/a/cuba-nh%E1%BB%9D-canada-gi%C3%BAp-ch%E1%BA%A5m-d%E1%BB%A9t-ch%E1%BA%BF-t%C3%A0i-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-l%C3%AAn-venezuela-/5062364.html

Amazon : Brazil tạm cấm đốt rừng làm rẫy

trong vòng 2 tháng

Thụy My
Trước áp lực quốc tế, hôm 29/08/2019 tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro đã ký nghị định cấm đốt rừng làm rẫy trên toàn quốc trong vòng 60 ngày, nhằm làm giảm bớt những vụ cháy liên tục xảy ra tại khu vực Amazon.
Nghị định buộc phải ngưng đốt rừng làm rẫy trong hai tháng tới trên toàn quốc, nhưng cho phép một vài ngoại lệ. Chẳng hạn trong khu bảo tồn dành cho thổ dân, cư dân có thể tiếp tục dùng biện pháp cổ truyền này để trồng rau quả.
Thật ra luật lâm nghiệp cho phép đốt rừng để trồng trọt ở một số thời kỳ trong năm, dưới sự kiểm soát của chính quyền. Vấn đề là nhiều nông dân ở vùng Amazon vẫn đốt rừng tuy không được phép, và cũng không hề bị trừng phạt.
Tại bang Para, gần 70 sở hữu chủ đã phối hợp với nhau trên WhatsApp để tiến hành hoạt động mà họ gọi là « Ngày của lửa » từ đầu tháng Tám. Họ liên tục gây ra những đám cháy, như một sự ủng hộ đối với tổng thống Jair Bolsonaro, người đã nhiều lần tỏ ý muốn hợp pháp hóa tất cả những vụ đốt rừng để lấy đất trồng trọt.
Tác hại của cách làm này rõ ràng là thảm họa : hơn 1.000 đám cháy mới đã xảy ra trong những ngày gần đây trên cả nước Brazil, trong đó phân nửa tại vùng Amazon. Nhưng đối với chính quyền thì chẳng có lý do gì phải sợ hãi : về mặt chính thức, các vụ cháy « đang trong vòng kiểm soát ».
Phủ tổng thống Pháp hôm 29/08 cho biết chiếc phi cơ chuyên dụng đầu tiên nằm trong số 20 triệu đô la viện trợ khẩn cấp của G7 đã cất cánh hôm 28/8 từ Paraguay, những chiếc khác sẽ bay từ Bolivia, để giúp sức chữa cháy rừng Amazon.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190830-amazon-brazil-tam-cam-dot-rung-de-trong-trot-trong-vong-2-thang

Truyền thông quốc tế dành sự quan tâm đặc biệt

đến căng thẳng ở Biển Đông

Nhiều hãng lớn, uy tín thế giới và khu vực gần đây liên tục đưa tin việc Trung Quốc tái diễn các hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời có những bài bình luận bày tỏ sự phản đối Trung Quốc, kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng về tình hình hiện nay.
Cụ thể, khi người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu về việc tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương 8 quay trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, báo chí nước ngoài như: Reuters, South China Morning Post, VOA tiếng Trung, Euronews… đồng loạt đưa tin.
Theo đó, ngày 16.8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, vùng biển tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm ngày 13.8 “là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”.
“Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế. Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế” – bà Lê Thị Thu Hằng thông tin.
Khi cập nhật về tình hình và các biện pháp đấu tranh của Việt Nam khi tàu Hải Dương 8 trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 22.8 , Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Với quyết tâm bảo vệ các quyền và lợi ích
hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng mọi biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Tương tự, trước thông tin Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cử 2 tàu đến khu vực thăm dò khai thác dầu của Công ty Ấn Độ ONGC, báo chí Ấn Độ, trong đó có nhiều hãng tin lớn như: Times of India, The Tribune… đều đồng loạt đưa tin, trong đó cho rằng hành động của Trung Quốc có thể tạo ra tình hình “nguy hiểm” ở khu vực.
Truyền thông Australia và khu vực cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-24.8 của Thủ tướng Australia Scott Morrison . Trong đó, các bài viết của một số tờ như The Australian, ABC, Australian Financial Review… cho biết, Việt Nam và Australia cùng bày tỏ quan ngại về căng thẳng trên Biển Đông. Tờ Strait Times của Singapore cho hay, Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi các quốc gia Châu Á cùng “đứng lên vì độc lập và chủ quyền” trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông.
Tương tự, khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố ngày 22.8 bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự can thiệp của Trung Quốc đối với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam sau khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, những ngày sau đó, nhiều hãng tin lớn, uy tín trong khu vực và trên thế giới như Financial Times, Bloomberg, Bangkok Post, Jiji Press… đồng loạt đưa tuyên bố này. Trong đó, Bloomberg nhận định “Biển Đông tiếp tục là một nguồn căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ” cho dù hai nước đang trong cuộc chiến thương mại căng thẳng.
Mới đây nhất, ngày 27.8, ngay sau tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng Trung Quốc tái diễn các hành động vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, các hãng tin nước ngoài như The Diplomat, PhilStar, Japan Times… đều đăng tải thông tin.
http://biendong.net/bi-n-nong/30095-truyen-thong-quoc-te-danh-su-quan-tam-dac-biet-den-cang-thang-o-bien-dong.html

Sau hải cảng,

Trung Quốc nhòm ngó đường sắt châu Âu

Tổng công ty đường sắt Trung Quốc CRRC có thể sẽ thâu tóm hoạt động chế tạo đầu máy xe lửa của tập đoàn Vossloh của Đức, mở đường cho Trung Quốc tràn vào thị trường châu Âu. Nỗi lo của hai bộ trưởng Kinh Tế Đức và Pháp thành hiện thực. Cơ quan cạnh tranh của Liên Hiệp Châu Âu đã quá ngây thơ khi cho rằng Trung Quốc không thể thâm nhập thị trường đường sắt châu Âu trong thời gian ngắn.
Với giá vài triệu euro, ngày 26/08/2019, tập đoàn Vossloh đã chấp nhận đề nghị của CRRC Zhuzhou Locomotive, một chi nhánh của Tổng công ty đường sắt Trung Quốc CRRC (China Railroad Rolling Stock Corporation), mua lại đơn vị sản xuất đầu máy xe lửa (ở Kiel, miền bắc nước Đức) đang bị thua lỗ để tập trung vào cơ sở hạ tầng đường sắt (đường ray và hệ thống ghi điều khiển) và “tái cấu trúc tập đoàn”.
CRRC chấp nhận bỏ vài triệu euro để mua một công ty thua lỗ vì thông qua kinh nghiệm của Vossloh, tập đoàn của Trung Quốc sẽ nắm được quy định của Liên Hiệp Châu Âu về mặt chứng nhận đạt chuẩn. Trung Quốc đã nhiều lần thử “đi tắt đón đầu” khi nhăm nhe mua lại công ty AnsaldoBreda của Ý, hoặc nhà máy sản xuất đầu máy xe lửa Skoda, nhưng đành thua các nhà đầu tư Séc năm 2016… Do không nắm được quy trình dài và phức tạp, CRRC liên tục thất bại trong việc bán đầu máy xe lửa và toa xe tầu hỏa vào châu Âu. Nhưng đến cuối năm 2016, châu Âu sực tỉnh khi tập đoàn đường sắt Trung Quốc đã bán được 3 đoàn tầu cao tốc cho LEO Express, một công ty tư nhân của Cộng Hòa Séc.
Từ “tiếp thu công nghệ” đến tập đoàn đường sắt mạnh nhất thế giới
Mua được nhánh sản xuất đầu máy xe lửa của Vossloh còn mang ý nghĩa chiến lược với tập đoàn Trung Quốc, vì Đức nằm giữa châu Âu, nổi tiếng mạnh trong lĩnh vực công nghiệp đường sắt, như vậy sẽ trở thành căn cứ lý tưởng để CRRC tỏa ra khắp châu Âu.
Đây là một đòn đau cho Liên Hiệp Châu Âu vì đầu những năm 2000, Trung Quốc còn là miền đất hứa cho những tập đoàn công nghiệp đường sắt hàng đầu của châu Âu. Chỉ 10 năm sau, hy vọng của họ bị dập tắt. Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu tầu cao tốc có hình dạng giống sản phẩm của các đối thủ châu Âu và tốc độ không ngừng tăng : 200 km/giờ năm 2006 ; 400 km/giờ năm 2010 và mục tiêu thử 600 km/giờ vào năm 2020.
Trung Quốc có mạng lưới đường đường sắt dầy đặc 150.000 km trong đó có 30.000 km đường tầu cao tốc vào năm 2020. Mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 175.000 km, trong đó có 38.000 km đường tầu cao tốc. Bắc Kinh hứa bất kỳ thành phố nào có hơn 500.000 dân sẽ được kết nối bằng tuyến đường sắt cao tốc.
Trong khi nền kinh tế phát triển chậm lại, mở rộng các tuyến đường sắt, phát triển ngành đường sắt ra thế giới cũng là cú híc cho tăng trưởng. Không dừng ở đó, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gắn đường sắt trong dự án Con đường Tơ lụa mới đầy tham vọng, được ông công bố ngày 09/09/2013 trong chuyến công du Kazakhstan.
Và để thực hiện dự án đưa hàng Trung Quốc ra khắp thế giới, hai doanh nghiệp nhà nước CNR và CSR của Trung Quốc đã sáp nhập năm 2015 và Tổng công ty đường sắt CRRC ra đời. Dù được niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhưng cổ đông chính của CRRC là Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản thuộc sở hữu Nhà nước (Stete-Owned Assets Supervision and Administration Commission, SASAC). Tổng giám đốc Liu Hualong (Lưu Hoa Long) của CRRC là một đảng viên và tập trung phát triển hoạt động của tổng công ty ra quốc tế theo đúng chủ trương của chủ tịch Tập Cận Bình.
CRRC là một trong những tập đoàn đường sắt mạnh nhất thế giới với doanh thu khổng lồ 26,7 tỉ euro. Theo thông tin trên website, Tổng công ty đường sắt Trung Quốc có mặt ở hơn 100 nước trên thế giới, từ Albanie đến Zimbabwe. CRRC chủ yếu bán thiết bị đường sắt và đầu máy xe lửa chạy bằng diesel, thậm chí trang bị hệ thống tầu điện ngầm của thành phố Boston (bang Massachusetts, Mỹ).
Khoảng 20% doanh thu của CRRC là từ hoạt động nước ngoài nhưng tỉ lệ này sẽ tăng lên thành 25% vào năm 2025, theo tổng giám đốc Lưu Hoa Long bên lề Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào năm 2017.
Năm 2018, CRRC nằm trong danh sách 10 doanh nghiệp nhà nước được định hướng phát triển “mang tầm thế giới” nên được hưởng tài trợ công rất lớn. Năm 2017, lợi nhuận của doanh nghiệp là 13 tỉ nhân dân tệ, nhưng “như muốn bỏ biển” so với khối nợ 630 tỉ euro mà “con nợ” chính là công ty đường sắt Trung Quốc CRC.
Giấc mơ Trung Hoa : Ác mộng của Siemens và Alstom
Khi CRRC ngấp nghé thị trường châu Âu vào cuối năm 2016, Siemens (Đức) và Alstom (Pháp) đã gạt mọi cạnh tranh, bất đồng, tìm cách liên kết để chống lại CRRC, mạnh gấp đôi trọng lượng của cả hai công ty cộng lại. Dự án hợp nhất Alstom-Siemens (nhánh Mobility) được cả Paris và Berlin ủng hộ, nhưng lại bị Ủy Ban Châu Âu phản đối ngày 06/02/2019 vì sợ tập đoàn mới sẽ gây cạnh tranh không lành mạnh và độc quyền.
Theo ủy viên về cạnh tranh Margreth Vestager, hiện cả Alstom và Siemens đều chiếm ưu thế tại châu Âu. Nếu hợp nhất, thị phần của Alstom-Siemens về lĩnh vực sản xuất toa xe, đầu máy… cho tầu cao tốc “sẽ cao gấp ba lần so với thị phần của đối thủ cạnh tranh đứng hàng tiếp theo” trong Không gian kinh tế châu Âu (nhưng không tính đến nguy cơ cạnh tranh từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Vẫn theo bà Margreth Vestager, “CRRC có đến 90% doanh thu là tại Trung Quốc. Nhưng không có triển vọng nào cho Trung Quốc vào châu Âu trong tương lai gần”.
Việc Vossloh bán công ty đầu máy xe lửa cho CRRC chứng minh báo cáo hồi tháng 02/2019 của ủy viên về cạnh tranh Margreth Vestager đã lầm. “Sai lầm kinh tế” này đã bị bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire chỉ trích ngay thời điểm đó, đồng thời theo ông, quyết định trên “sẽ phục vụ cho lợi ích” của Trung Quốc và “gây rủi ro cho chủ quyền châu Âu”.
Pháp yêu cầu xét lại quy định năm 2004, dù đã được sửa đổi năm 2014, về “việc kiểm soát (của Ủy Ban Châu Âu) đối với việc tập hợp giữa các doanh nghiệp” và phải tính đến sự xuất hiện của các nước đang trỗi dậy hoặc sức cạnh tranh tiềm tàng thay vì chỉ căn cứ vào sức cạnh tranh hiện tại.
Phía chính quyền Đức cũng đã thay đổi suy nghĩ, đặc biệt từ khi công ty sản xuất robot công nghiệp KUKA của Đức bị tập đoàn Media của Trung Quốc mua lại năm 2016.
Tháng 02/2019, khi trình bày chiến lược mới nhằm “hình thành những nhà vô địch quốc gia và châu Âu”, bộ trưởng Kinh Tế Đức Peter Altmaier ngầm tiếp tục ủng hộ dự án liên kết Alstom và Siemens, vẫn được so sánh là “Airbus đường sắt”. Dự án này nhằm đáp trả chiến lược công nghiệp “Made in China 2025” mà ông cảnh báo là “rất nhiều doanh nghiệp có quy mô thế giới được hình thành ở Trung Quốc ; trong những năm tới, rất nhiều lĩnh vực công nghiệp có thể trở thành độc quyền công nghệ của những công ty này”.
Thương vụ CRRC mua công ty sản xuất đầu máy xe lửa Vossloh còn phải chờ được các cơ quan chức năng liên quan ở châu Âu và Trung Quốc bật đèn xanh. Có lẽ đã đến lúc Alstom nghiên cứu lại việc sáp nhập với Mobility của Siemens vì Tổng công ty đường sắt Trung Quốc tiến nhanh hơn dự kiến.
Trang Europe 1 cho rằng những ủy viên Liên Hiệp Châu Âu về cạnh tranh vừa mãn nhiệm đã quá ngây thơ khi coi nhẹ khả năng của CRRC. Những ủy viên mới, bắt đầu hoạt động từ ngày 01/11/2019, vẫn có thể sửa đổi và bảo vệ tốt hơn lợi ích công nghiệp của châu Âu. Nhưng theo trang Capital, hai tập đoàn lớn của châu Âu vẫn có nguy cơ bị cơ quan phụ trách cạnh tranh của Liên Hiệp Châu Âu bỏ phiếu chống.
(Tổng hợp từ Les EchosLe MondeCapitalEurope 1)
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190830-sau-hai-cang-trung-quoc-nhom-ngo-nganh-duong-sat-chau-au

Brexit : Tư pháp Scotland bác đề nghị

hủy quyết định đình chỉ Nghị Viện Anh

Tòa Án Tối Cao Scotland ngày 30/08/2019 đã đưa ra phán quyết đầu tiên bác bỏ yêu cầu của phe đối lập Anh Quốc muốn hủy bỏ quyết định đình chỉ Nghị Viện của thủ tướng Anh Boris Johnson.
Sau khi thủ tướng Anh Johnson quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Nghị Viện, một số nghị sĩ thuộc phe đối lập đã cáo buộc ông Johnson vi phạm pháp luật và đã kiện lên Tòa Án Tối Cao Scotland đòi hủy bỏ quyết định này.
Thế nhưng, Tòa Án Scotland đặt tại Edinbourg, trong khi chờ đợi phiên xét xử vào ngày 06/09, đã ra quyết định tạm thời, bác đơn kiện của các nghị sĩ Anh. Theo giới chuyên gia, thủ tướng Anh có quyền đình chỉ hoạt động của Nghị Viện, sau khi được nữ hoàng Anh Elizabeth cho phép.
Đại diện phe đối lập Anh Quốc cho rằng việc đình chỉ hoạt động của Nghị Viện trong một thời gian dài, từ tuần thứ hai của tháng 9 cho đến 14/10, tức là chỉ 2 tuần trước thời hạn buộc Anh phải rời khỏi Liên Hiệp châu Âu, là nhằm cản trở các nghị sĩ bỏ phiếu chống lại một cuộc ly hôn với Liên Hiệp Châu Âu mà « không có thỏa thuận ». Lãnh đạo 6 đảng đối lập trong Nghị Viện đã lên án mạnh mẽ, coi đây là hành động « phi dân chủ », tuyên bố trong một thông cáo chung.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190830-brexit-tu-phap-scotland-bac-de-nghi-huy-quyet-dinh-dinh-chi-nghi-vien-anh

Nga có thể trả tự do

cho nhà làm phim Ukraina Oleg Sentsov

Gia Hưng
Các hãng tin Nga hôm 29/08/2019, loan báo nhà đạo diễn Ukraina Oleg Sentsov đã được đưa về một nhà tù Matxcơva nhằm tiến hành trao đổi tù nhân với Kiev, trong bối cảnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi đầu tuần thông báo Pháp và Đức sẽ tổ chức họp 4 nước (Pháp, Đức, Ukraina và Nga) thuộc nhóm Normandie vào tháng 9.
Theo Reuters trích dẫn các hãng tin Nga TASS và Interfax, nhà làm phim Sentsov đã được chuyển từ một nhà tù hẻo lánh tại vùng Viễn Đông Nga tới một nhà tù Matxcơva. Hiện chưa có thông tin cụ thể về thời điểm cuộc trao đổi sẽ được diễn ra.
Ông Oleg Sentsov, từng sống tại Crimée vào năm 2015, đã lên án Nga sáp nhập khu vực này. Do vậy, ông bị chính quyền của tổng thống Putin buộc tội âm mưu khủng bố. Ông đang thụ án tù giam 20 năm.
Ngoài ông Oleg, chính quyền Kiev cũng hy vọng 24 thủy thủ Ukraina bị Nga bắt giữ tại eo biển Kerch vào năm 2018, cũng sẽ được trả tự do. Đổi lại, ngày 29/08, Ukraina đã trả tự do có điều kiện một nhà báo Ukraina gốc Nga Kirill Vyshinsky, bị kết tội « phản quốc » và lãnh án tù 15 năm.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190830-nga-co-the-tra-tu-do-cho-nha-lam-phim-ukraina-oleg-sentsov

Văn phòng tổng thống Ukraine:

Chưa có trao đổi tù nhân với Nga

Văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Sáu 30/8 cho biết chưa có cuộc trao đổi tù nhân nào với Nga và đây là một quá trình còn đang diễn ra, sau khi Tổng công tố Ukraine đăng bài trên Facebook trước đó nói rằng việc trao đổi đã hoàn tất.
Ukraine hy vọng sẽ chốt lại được việc phóng thích hàng chục tù nhân, trong đó có 24 thủy thủ bị Nga bắt giữ ở eo biển Kerch hồi năm ngoái, và nhà làm phim Oleg Sentsov.
“Quy trình trao đổi tù nhân đang diễn ra. Thông tin nói rằng việc này đã được hoàn thành là không đúng sự thật”, văn phòng của tổng thống nói trong một tuyên bố. Hãng thông tấn Nga Interfax cũng trích dẫn một nguồn tin tại Moscow phủ nhận chuyện một cuộc trao đổi đã diễn ra.
Tổng công tố Ukraine trước đó đã đăng lại một bình luận trên Facebook cho biết rằng các thủy thủ và ông Sentsov đã bay trở về từ Nga sau khi một cuộc trao đổi tù nhân đã hoàn tất.
https://www.voatiengviet.com/a/vp-tong-thong-ukraine-chua-co-trao-doi-tu-nhan-voi-nga/5063524.html

Tổng thống Belarus muốn “mở một chương mới”

trong quan hệ với Hoa Kỳ

Gia Hưng
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 29/08/2019, khi tiếp cố vấn quốc phòng Mỹ John Bolton tại Minsk, đã bày tỏ mong muốn có sự khởi đầu mới trong quan hệ với Washington, bất chấp nguy cơ làm mất lòng Matxcơva.
Cuộc gặp tổng thống Lukashenko nằm trong khuôn khổ chuyến thăm các nước thuộc Liên Xô cũ của cố vấn quốc phòng Hoa Kỳ John Bolton. Ông bắt đầu chuyến đi tại Ukraina vào hôm thứ Tư, 28/08/2019, sau đi qua Moldova trước khi tới Belarus.
Tổng thống Belarus, vốn dĩ là đồng minh thân cận của Vladimir Putin, cho biết ông hy vọng chuyến thăm của ông John Bolton sẽ « đặt nền tảng cho tương lai », giúp mở chương mới trong mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Theo AFP trích dẫn thông cáo của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Belarus, trong chuyến thăm Belarus, ông Bolton đề cập tới vấn đề an ninh khu vực và nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ với chủ quyền và sự độc lập của nước này.
Theo một số thông tin trên báo chí, đặc biệt là báo chí Nga, dường như tổng thống Nga Vladimir Putin có ý đồ thống nhất Nga và Belarus trước khi ông hết nhiệm kỳ vào năm 2024, để ông Putin có thể tiếp lục làm tổng thống lãnh đạo cả hai nước mà không vi phạm hiến pháp Nga.
Ông Lukashenko đã nhiều lần phản bác thông tin này và cho biết có tới 98% người dân Belarus phải đối việc hai nước thống nhất.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190830-tong-thong-belarus-muon-thiet-lap-quan-he-voi-hoa-ky

Thương chiến Mỹ-Trung

đẩy châu Á ‘vô tội’ vào suy thoái

Lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu khiến người ta bắt đầu nói về tình trạng suy thoái, gây thêm lo lắng về công ăn việc làm và mức độ tăng trưởng.
Cuộc thương chiến Mỹ-Trung đang phủ bóng đen lên nền kinh tế thế giới và những dấu hiệu cảnh báo về một cuộc suy thoái sắp xảy ra đã xuất hiện trên các thị trường tài chính toàn cầu.
Thương chiến Mỹ – Trung: TQ “Đàm thì đàm, chiến thì chiến”
Thương chiến Mỹ-Trung: ‘Chúng ta đều phải trả giá’
Thương Chiến Mỹ – Trung: Từ Bắc Đới Hà tới Hà Nội
Suy thoái không gây ra mối đe dọa ngay lập tức với các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á, mặc dù mức độ phát triển ở những nơi này đang chững lại.
Tuy nhiên, một số nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực – bao gồm Hong Kong và Singapore – chắc chắn là đang đứng trước rủi ro.
Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics, gọi những quốc gia này là những “kẻ ngoài cuộc vô tội” trong cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
“Đây là những nền kinh tế nhỏ và cởi mở, nơi mà hoạt động thương mại – và thương mại với Trung Quốc – là cực kỳ quan trọng,” ông Kuijs nói.
Ông Kuijs cũng chỉ ra rằng những gì đang xảy ra với Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn tới các phần còn lại của châu Á, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Dưới đây là đánh giá về những lý do khiến một số nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á đang phải đối diện liên quan tới nguy cơ suy thoái:
Hong Kong
Trung tâm tài chính này của châu Á đang chống lại áp lực của sự phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, cuộc thương chiến và tình trạng bất ổn chính trị.
Một số nhà kinh tế cho rằng các yếu tố kết hợp này không bao lâu sẽ đẩy vùng lãnh thổ này vào suy thoái.
Tổng sản phẩm quốc nội giảm 0,4% trong ba tháng tính đến tháng Sáu so với quý trước.
Nhưng những con số đó không thể hiện được tác động của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ diễn ra tại Hong Kong trong suốt hơn hai tháng qua, đánh vào doanh số bán lẻ và du lịch.
Các nhà kinh tế ở DBS và Capital Economics nằm trong số những người cho rằng các số liệu của quý ba, dự kiến đưa ra vào tháng Mười Một, sẽ cho thấy Hong Kong về mặt kỹ thuật là đã rơi vào tình trạng suy thoái, vốn được định nghĩa là rơi vào tình trạng hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Singapore
Quốc gia vốn phụ thuộc vào thương mại này bị tác động bởi nhu cầu toàn cầu giảm, sự tăng trưởng chậm ở Trung Quốc và cuộc thương chiến.
Singapore phụ thuộc vào xuất khẩu công nghệ cao – và nhu cầu về các mặt hàng điện tử trên khắp thế giới giảm xuống đã phủ bóng tối lên triển vọng kinh tế của nước này.
Nền kinh tế giảm 3,3% trong quý hai, trên cơ sở điều chỉnh hàng năm theo mùa. Điều đó khiến chính phủ phải cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm 2019 xuống còn từ 0 đến 1%.
Oxford Economics dự báo rằng số liệu GDP quý ba, theo kế hoạch sẽ được công bố vào tháng Mười, sẽ cho thấy tình trạng giảm nhẹ, và điều đó đồng nghĩa với việc Singapore về mặt kỹ thuật sẽ bước vào một cuộc suy thoái.
Ông Kuijs nói tác động của cuộc thương chiến lên Hong Kong và Singaore “lớn hơn là lên bản thân Trung Quốc, ngay cả khi không ai áp dụng bất kỳ thuế quan nào lên các nền kinh tế này”.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-49509152

Triều Tiên sửa đổi hiến pháp

để củng cố chế độ Kim Jong Un

Quốc hội Triều Tiên đã phê chuẩn những thay đổi hiến pháp để củng cố vị thế của Lãnh tụ Kim Jong Un trong tư cách nguyên thủ quốc gia kiêm Tổng Tư Lệnh quân đội, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết hôm thứ Năm 29/8.
Động thái này diễn ra sau khi ông Kim được chính thức đề cử vào chức vụ nguyên thủ quốc gia kiêm tổng tư lệnh quân đội theo hiến pháp mới của Triều Tiên vào tháng 7, mà giới phân tích nhận định có thể nhằm mục đích chuẩn bị một hòa ước với Hoa Kỳ.
Từ lâu miền Bắc bán đảo Triều Tiên đã vận động một hiệp định hòa bình với Hoa Kỳ để bình thường hóa bang giao và chấm dứt tình trang chiến tranh vẫn hiện hữu từ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, vì chiến tranh này đã chấm dứt với một cuộc đình chiến, chứ không phải một hiệp định hòa bình.
Hãng thông tấn nhà nước KCNA trích lời Choe Ryong Hae, chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao, tức quốc hội, nói.
“Quy chế pháp lý của lãnh tụ Kim “lại càng được củng cố để đảm bảo độc quyền cai trị của Lãnh tụ Tối cao đối với mọi vấn đề quốc gia.”
Theo hiến pháp mới, ông Kim, trong cương vị Chủ tịch Ủy ban các vấn đề nhà nước (SAC), cơ quan quyền lực hàng đầu được thành lập vào năm 2016, là đại diện tối cao của tất cả mọi công dân Triề Tiên.
Các sửa đổi hiến pháp hôm thứ Năm dường như xác nhận rằng hệ thống pháp lý của Triều Tiên giờ đã chính thức công nhận ông Kim là nguyên thủ quốc gia.
Hiến pháp mới trao quyền cho ông Kim ban hành các sắc lệnh lập pháp, nghị định và quyết định bổ nhiệm hay triệu hồi phái viên ngoại giao, theo KCNA.
Ông Cheong Seong-chang, một thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Sejong, nhận định:
“Với sửa đổi hiến pháp mới nhất, ông Kim Jong Un hồi sinh lại hệ thống cai trị của ông nội ông, và trở thành nguyên thủ quốc gia.”
Kim Jong Un là lãnh tụ thuộc thế hệ thứ ba của một chế độ gia đình trị, và trên thực tế, đã cai trị Triều Tiên bằng bàn tay sắt. Chính thức đổi chức vụ không thay đổi gì trong đường lối ông nắm quyền lực.
Trong khi đó, không có tiến bộ đáng kể nào về mục tiêu của Hoa Kỳ, tăng sức ép để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, bất chấp đã có ba cuộc gặp giữa Tổng thống Trump với ông Kim.
Ông Trump từng cho biết ông và ông Kim đã đồng ý tại cuộc họp sau cùng là sẽ nối lại đàm phán, thế nhưng điều này chưa xảy ra vì Triều Tiên tiến hành nhiều vụ thử nghiệm tên lửa, và còn tố cáo Washington là phá vỡ cam kết sẽ đình chỉ các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-sua-doi-hien-phap-de-cung-co-che-do-kim-jong-un/5062112.html

Hong Kong: Joshua Wong và Agnes Chow

 bị bắt và được tại ngoại hầu tra

Theo tin từ Đảng Demosisto của Hong Kong, nhà hoạt động Joshua Wong bị bắt lúc 7:30 giờ địa phương sáng 30/8.
“Tổng thư ký của chúng tôi, Joshua Wong vừa bị bắt sáng nay vào khoảng 7:30, khi anh đang đi bộ đến trạm MTR South Horizons. Anh bị đẩy vào trong một chiếc minivan cá nhân trên đường lúc thanh thiên bạch nhật. Luật sư của chúng tôi đang theo sát vụ việc,” Đảng Demosisto viết trên Twitter sáng 30/8.
Trang Democratic Hong Kong bình luận trên Twitter: “Rõ ràng, đây là một vụ bắt giữ cấp cao, đặc biệt là nó diễn ra một cách trơ trẽn vào ban ngày, để gieo rắc nỗi sợ hãi và bất lực trong những người biểu tình Hong Kong. Chính phủ Hong Kong là quỷ dữ, và cần phải chấm dứt.”
Joshua Wong sau đó được đưa đến trụ sở cảnh sát ở Wan Chai, đảng Demosisto cho hay.
Ngay dòng tin này chỉ một phút, trang Hong Kong Free Press đăng trên Twitter thông tin nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Agnes Chow bị bắt.
Cảnh sát chưa bình luận về vụ việc.
Trung Quốc cử đội quân mới tới Hong Kong
Cảnh sát Hong Kong ‘không cần Bắc Kinh giúp đỡ’
Người biểu tình Hong Kong nói ‘Không còn gì để mất’
Cả hai nhà hoạt động bị giam giữ vì nghi ngờ “xúi giục người khác tham gia tụ tập trái phép” và vì “cố ý tham gia tụ tập trái phép”.
Joshua Wong phải đối mặt với một cáo buộc nữa là “tổ chức tụ tập trái phép”.
Cả hai vụ bắt giữ này đều liên quan đến cuộc biểu tình hôm 21/6, trong đó một số người biểu tình phong tỏa trụ sở cảnh sát trong 15 giờ.
Nhà vận động độc lập nổi tiếng Andy Chan cho biết anh cũng đã bị cảnh sát giam giữ, trong khi cố gắng lên chuyến bay từ Hong Kong tới Nhật Bản vào tối thứ Năm 29/8.
Andy Chan bị bắt vì nghi ngờ gây bạo loạn và tấn công một sĩ quan cảnh sát, theo hãng tin địa phương HKFP.
Các vụ bắt giữ này xảy ra ngay trước ngày Thứ Bảy 31/8 – thời điểm người biểu tình Hong Kong dự định tổ chức các cuộc tuần hành và biểu tình quy mô lớn để kêu gọi dân chủ tuyệt đối cho Hong Kong. Hiện kế hoạch này chưa được cảnh sát chấp thuận.
Trước đó, hôm 28/8, chính phủ Trung Quốc đã đưa một đội quân mới tới Hong Kong trong một động thái được mô tả là hoạt động ‘luân chuyển quân đồn trú thông thường’.
Cảnh sát Hong Kong cho hay khoảng 900 người biểu tình đã bị bắt kể từ khi các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ nổ ra vào đầu tháng Sáu.
Dự luật dẫn độ đã bị hoãn, nhưng các cuộc biểu tình nay đã phát triển thành các phong trào đòi cải cách dân chủ và điều tra độc lập về việc cảnh sát dùng bạo lực để trấn áp người biểu tình.
Mặc dù các cuộc biểu tình Hong Kong được cho là không có lãnh tụ, nhưng Joshua Wong vẫn được xem là người đứng đầu nhiều cuộc xuống đường vì anh từng lãnh đạo các cuộc biểu tình do phong trào Dù Vàng khởi xướng năm 2014.
Trước vụ bắt giữ này không lâu, Joshua Wong từng chịu hai án tù vào năm 2017 và 2018 do tham gia vào phong trào Dù Vàng, và mới được thả tự do hôm 17/6/2019.
Tin mới nhất cho hay Joshua Wong và Agnes Chow đã được cho tại ngoại hầu tra, chờ ra tòa.
Phát biểu sau khi được thả ra, Agnes Chow nói “người dân Hong Kong không sợ hãi trước khủng bố trắng”.
Joshua Wong thì cam kết “sẽ tiếp tục đấu tranh dù bị họ bắt và xử”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49520275

Hồng Kông: Liệu Bắc Kinh có đưa quân

đàn áp phong trào đòi dân chủ vào lúc này ?

Trọng Thành
Ngày 29/08/2019, hai ngày trước cuộc biểu tình dự kiến của phong trào đòi dân chủ tại Hồng Kông, Bắc Kinh rầm rộ tuyên truyền cho hoạt động luân chuyển các đơn vị quân đội đồn trú tại đặc khu. Một hoạt động vốn diễn ra kín đáo. Trong lúc phong trào phản kháng không có chiều hướng sụt giảm, động thái này của Trung Quốc không khỏi khiến nhiều người đặt câu hỏi : Liệu Bắc Kinh có sẵn sàng gây ra một vụ Thiên An Môn mới ?
Đây không phải là lần đầu tiên. Cách nay hơn hai tuần, trước thái độ không khoan nhượng của phong trào biểu tình, Bắc Kinh đã buộc phải thay đổi chiến lược. Ngày 12/08, chính quyền Trung Quốc liên tục gọi những người biểu tình là « các phần tử khủng bố », thay vì cáo buộc âm mưu « Cách mạng Màu », như trước đó. Cùng lúc đó, Bắc Kinh công bố hình ảnh hàng đoàn xe quân sự đổ về Thâm Quyến, nhiều đơn vị có thể là cảnh sát vũ trang, biểu dương lực lượng tại một sân vận động ở Thâm Quyến, chỉ cách Hồng Kông chừng 7 km.
Một tờ báo Bắc Kinh nhắc lại vụ thảm sát Thiên An Môn, như một « bài học » gửi đến những người đấu tranh dân chủ Hồng Kông. Vậy tín hiệu di chuyển quân đội rầm rộ hôm qua là gì ? Một đòn thị uy mới, hay báo trước khả năng can thiệp thực sự, bằng cách này hay cách khác để nghiền nát phong trào dân chủ ?
Ba kịch bản chính
Mười hai tuần kể từ khi phong trào phản kháng chống lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc của chính quyền Hồng Kông, nhà nghiên cứu Francis Lee, chuyên gia về các phong trào xã hội, Đại Học Trung Hoa ở Hồng Kông, trong một cuộc trả lời phỏng vấn AFP, đã nêu ra « ba kịch bản chính ».
Kịch bản thứ nhất là đàn áp khốc liệt, với sự can thiệp của Quân Đội Trung Quốc hoặc các lực lượng khác từ Hoa lục. Kịch bản thứ hai là chính quyền Hồng Kông chấp nhận các nhân nhượng quan trọng để đáp ứng các đòi hỏi của phong trào. Và kịch bản thứ ba là phong trào phải tự giải thể do áp lực và các thủ đoạn khác từ phía Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông.
Kịch bản thứ ba tỏ ra xa vời. Phong trào hiện nay chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm, nhiều người dự đoán, phong trào sẽ tiếp tục đến cuối tháng 9, đầu tháng 10, tức đúng dịp 5 năm bùng nổ phong trào phản kháng mang tên Dù Vàng hay chiếm lĩnh trung tâm, và 70 năm Quốc khánh Trung Quốc. Về kịch bản thứ hai cũng tương tự, chính quyền Hồng Kông không hề có dấu hiệu nhân nhượng thêm.
Riêng về kịch bản thứ nhất, tức can thiệp bằng sức mạnh, gần như đồng nghĩa với khả năng xảy ra một Thiên An Môn mới, nhà nghiên cứu Francis Lee cho rằng trong thời điểm hiện tại nhiều người Hồng Kông, kể các giới đại học và các nhà quan sát, nghĩ rằng với phương án này, cái giá mà chính quyền Trung Quốc phải trả sẽ « quá cao ». Bởi can thiệp bằng vũ lực đồng nghĩa với việc sụp đổ hoàn toàn mô hình « Một quốc gia, hai chế độ », trong đó đặc khu Hồng Kông được hưởng quyền tự trị rộng rãi, đổi lại Trung Quốc được hưởng lợi từ trung tâm tài chính quốc tế Hồng Kông.
Giới trẻ Hồng Kông sẵn sàng « tất cả chết cùng chết »
Hồng Kông chỉ có thể thực sự đóng được được vai trò là cầu nối giữa Trung Quốc với nền kinh tế toàn cầu, nếu đặc khu tiếp tục được hưởng quy chế « Một quốc gia, hai chế độ ». Nhiều người tin tưởng, nếu Hồng Kông tan rã, nền kinh tế và hệ thống tài chính Trung Quốc cũng sẽ sụp đổ. Nhà nghiên cứu Francis Lee ghi nhận là phong trào đấu tranh hiện nay tại Hồng Kông « hoàn toàn ý thức được » về tính chất liên đới sống còn này. Đông đảo thanh niên tham gia vào phong trào phản kháng truyền nhau câu nói bằng tiếng Quảng Đông, ngụ ý trong trường hợp Trung Quốc đưa quân đội can thiệp « tất cả chết cùng chết ». Đối với họ, cho dù tình huống hiện nay đã rất tồi tệ, nhưng chính quyền Trung Quốc cũng có nguy cơ mất hết nếu liều lĩnh can thiệp.
Trong bối cảnh phong trào dân chủ không có dấu hiệu phân hóa hay chùng xuống, còn Bắc Kinh thì không khoan nhượng, mọi cái nhìn hiện tại hướng về phía phản ứng của chính quyền Hồng Kông. Chính quyền của bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) liệu sẽ tìm ra biện pháp hòa giải với dân chúng xứ mình hay nhất nhất làm theo chỉ đạo của Bắc Kinh ?
Càng quyết định trễ, cái giá phải trả càng đắt
Vẫn theo chuyên gia Francis Lee, càng đưa ra quyết định chậm trễ, cái giá phải trả sẽ càng lớn, về phía chính quyền đặc khu, cũng như về phía Trung Quốc. Bởi trong những tuần gần đây, truyền thông Trung Quốc đang thổi bùng lên ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa chống Hồng Kông.
Hôm 30/08, Reuters cho hay, theo một số nguồn tin từ giới chức Hồng Kông và Trung Quốc, cuối tháng 6, đầu tháng 7/2019, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông đã từng gửi đến Bắc Kinh yêu cầu hủy bỏ luật dẫn độ, theo đòi hỏi của phong trào biểu tình, nhưng yêu cầu đã bị chính quyền trung ương bác bỏ. Nếu thông tin này là đúng, việc thừa nhận vai trò của chính quyền trung ương phải chăng là một tín hiệu cho thấy chính quyền đặc khu và Bắc Kinh đang tìm một lối thoát mới cho cuộc khủng hoảng Hồng Kông ?
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190830-hk-bac-kinh-co-dua-quan-dan-ap-phong-trao-doi-dan-chu-vao-luc-nay

Biển Đông: TQ đòi loại bỏ ‘can thiệp nước ngoài’,

 châu Âu lên tiếng

Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là điều không thể đàm phán, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố hôm 29/8.
Trung Quốc “cũng sẽ giữ quan điểm bất di bất dịch” về chủ quyền của mình đối với Biển Đông, ông Tập nói với Tổng thống Rodrigo Duterte tại Bắc Kinh, AFP tường thuật.
Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và phán quyết Tòa Trọng tài
Cùng ngày, Anh, Pháp và Đức ra thông cáo chung, lên tiếng quan ngại rằng tình hình Biển Đông “có thể gây bất an và bất ổn trong khu vực.”
Biển Đông: Anh, Pháp, Đức cảnh báo về bất ổn và ủng hộ UNCLOS
TQ nói tàu Wayne E. Meyer ‘xâm phạm lãnh hải’
Tàu Mỹ vào sát Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn
Ba cường quốc châu Âu kêu gọi các bên có liên quan hãy tôn trọng các nguyên tắc căn bản được nêu trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và nội dung phán quyết trọng tài quốc tế về vùng biển có tranh chấp này.
Tuy nhiên, ông Tập trong cuộc họp tối hôm thứ Năm nói với vị khách đến từ Manila rằng chính phủ ông không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về Đường Lưỡi bò.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi các nước khác trong khu vực gồm Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền từng phần.
Hồi 7/2016, PCA ra phán quyết có lợi cho Philippines, theo đó nói rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn bác bỏ cả thẩm quyền xét xử lẫn nội dung phán quyết của PCA.
Nay, nhân chuyến thăm của ông Durtete từ 28/8 đến 1/9/2019, Bắc Kinh tái khẳng định quan điểm của mình đối với phán quyết trên.
TQ muốn ‘loại bỏ can thiệp của nước ngoài’ và ‘hợp tác khai thác dầu khí chung’
Trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhân chuyến thăm của ông Duterte, ông Tập nói rằng Bắc Kinh và Manila cần “để sang bên cạnh các tranh chấp, loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài” trong vấn đề Biển Đông.
Ông Tập cũng đề nghị Philippines hãy cùng Trung Quốc “thực hiện những bước tiến lớn trong việc hoạt động khai thác chung dầu khí ở ngoài khơi”.
Cũng trong ngày 29/8, trong một diễn biến riêng rẽ, Bắc Kinh cáo buộc Hoa Kỳ “xâm phạm vùng lãnh hải Trung Quốc” với việc cho một tàu khu trục áp sát hai đảo nhân tạo do Bắc Kinh nắm giữ thuộc Quần đảo Trường Sa.
Tàu Hải Dương 8 vào gần bờ biển Việt Nam
Việt Nam, Úc bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông
Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập là hai trong số một loạt các thực thể trên biển được Bắc Kinh cơi nới, bồi đắp thành đảo nhân tạo, xây cất các cơ sở quân sự trong những năm qua, khiến Washington nhiều lần lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh có hành vi đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông.
Hành trình của khu trục hạm Wayne E. Meyer hôm 28/8 đã bị tàu thuyền cùng phi cơ quân sự của Trung Quốc theo dõi sát và “cảnh cáo”, quân đội Trung Quốc nói.
VN và Malaysia ‘quan ngại sâu sắc’ nhưng đề cao ‘tự kiềm chế’
Hai quốc gia khác có tranh chấp chủ quyền trên biển mới đây cũng lên tiếng về tình hình Biển Đông, nhưng với thái độ mềm mỏng hơn nhiều so với Trung Quốc.
Việt Nam và Malaysia hôm 28/8 ra tuyên bố chung “chia sẻ quan ngại sâu sắc đối với những diễn biến gần đây ở Biển Đông”.
Tuy nhiên, bản tuyên bố được đưa ra trong dịp Thủ tướng Mahathir Mohamad tới thăm Hà Nội cũng xác định quan điểm của hai nước là “nhất trí giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực”.
Hà Nội và Kuala Lumpur cũng đề cao việc “tự kiềm chế”, “phi quân sự hóa”, “có thiện chí” và tránh “làm gia tăng căng thẳng”, theo nội dung bản tuyên bố chung.
Trong số năm quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tuyên bố chủ quyền từng phần ở Biển Đông, Malaysia và Đài Loan ít khi có các cuộc đối chọi gay gắt với Trung Quốc hơn so với Philippines và Việt Nam.
Biển Đông tuần qua
Đã có những diễn biến dồn dập liên quan tới tình hình căng thẳng ở Biển Đông chỉ trong một tuần qua, với sự lên tiếng của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Thứ Sáu 23/8: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên lên tiếng “quan ngại sâu sắc”kể từ khi Trung Quốc cho nhóm tàu Hải Dương Địa Chính 8 vào khu vực Bãi Tư Chính, ngoài khơi Vũng Tàu. Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng cần duy trì luật pháp quốc tế trong khu vực.
Thứ Bảy 24/8: Tàu Hải Dương Địa Chất 8 sau khi quay trở lại khu vực Bãi Tư Chính hôm 13/3, tiến vào sát bờ biển Việt Nam hơn
Thứ Hai 26/8: Ngũ Giác Đài cáo buộc Bắc Kinh tiến hành ‘can thiệp cưỡng bức’ các hoạt động dầu khí ở vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền
Thứ Ba 27/8: Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đang “kích động ác ý”, chỉ trích vô căn cứ đối với Trung Quốc
Thứ Tư 28/8: Tàu khu trục Mỹ Wayne E. Meyer vào sát phạm vi 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn; tàu thuyền và phi cơ quân sự Trung Quốc ra giám sát, “cảnh cáo”. Hà Nội và Kuala Lumpur ra tuyên bố chung về Biển Đông
Thứ Năm 29/9: Trung Quốc cáo buộc Mỹ vi phạm lãnh hải, tái tuyên bố với Philippines về việc không công nhận phán quyết PCA. Anh, Pháp và Đức ra thông cáo chung, quan ngại về tình hình Biển Đông.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49526019

Trung Quốc từ chối thảo luận lập trường

về Biển Đông với Philippines

Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 29/8 khẳng định lập trường của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông là không thay đổi. AFP trích lời một phát ngôn nhân chính phủ Philippines cho biết như vậy hôm 30/8.
Ông Tập Cận Bình nói điều này trong cuộc họp với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ở Bắc Kinh.
Tổng thống Duterte đang gặp sức ép từ trong nước nhân chuyến thăm lần này đến Trung Quốc trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhất là sau khi tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Philippines ở vùng nước tranh chấp hồi tháng 6 vừa qua. Ông Duterte được trông đợi sẽ đề cập vấn đề căng thẳng Biển Đông trong các thảo luận với lãnh đạo Trung Quốc nhân chuyến thăm lần này.
Trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định lập trường của chính phủ Trung Quốc là không chấp nhận phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế đưa ra hồi năm 2016.
Người phát ngôn của Tổng thống Duterte cho biết, hai bên đồng ý sẽ làm việc cùng nhau để kiểm soát vấn đề và nhìn nhận tầm quan trọng của việc tự kiềm chế, tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague năm 2016 có lợi cho Philippines và bác bỏ nhiều yêu sách của Trung Quốc bao gồm yêu sách chủ quyền với vùng nước nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển. Trung Quốc không chấp nhận phán quyết này.
Tuy nhiên kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, Tổng thống Duterte đã tỏ rõ thái độ muốn có quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh và đồng ý gạt sang bên phán quyết của tòa để hợp tác với Trung Quốc.
Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cho biết hai nước “nên đặt sang bên những bất đồng, loại bỏ những can thiệp từ bên ngoài đối với vấn đề Biển Đông”, và “có những bước tiến lớn trong việc khai thác dầu khí chung” ở trong khu vực.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/beijing-refuses-to-budge-on-scs-08302019092026.html

Trung Quốc “khoe” vũ khí hiện đại

trong lễ duyệt binh mừng quốc khánh

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 29/8 cho biết Bắc Kinh sẽ lần đầu tiên giới thiệu những vũ khí hiện đại của mình trong lễ diễu binh mừng 70 năm quốc khánh Trung Quốc vào ngày 1 tháng 10 tới.
Tướng Cai Zhijun, người phụ trách lễ diễu binh, cho báo chí biết tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng cuộc diễu binh sẽ bao gồm một số những vụ khí hiện đại nhất chưa từng được ra mắt trước đó. Tuy nhiên ông không xác nhận tên lửa Đông Phan 41 có tầm bắn xa nhất thế giới có được trình diễn lần này hay không.
Trong cuộc họp báo, tướng Cai cũng khẳng định những vũ khí hiện đại này sẽ không nhằm đến bất cứ quốc gia hay khu vực nào hay có mục tiêu hướng đến bất cứ một tình huống cụ thể nào.
Quân đội Trung Quốc luôn là một lực lượng vững chắc trong việc bảo vệ hòa bình thế giới và ổn định khu vực” tướng Cai nói, đồng thời khẳng định thêm “chúng tôi có quyết tâm và khả năng để kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, và các lợi ích an ninh phát triển (của Trung Quốc)
Theo The Straits Times, diễu binh lần này của Trung Quốc sẽ bao gồm hơn 12.000 quân diễu hành qua quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, cùng với hơn 200 máy bay và 500 xe bọc thép.
The Straits Times trích lời chuyên gia về quân sự Collin Koh thộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận định việc Bắc Kinh trình diễn những vũ khí hiện đại lần này là nhằm gửi một thông điệp cho không chỉ Hoa Kỳ mà còn cả những nước lân cận.
Trung Quốc hiện đang có tranh chấp về chủ quyền với nhiều nước láng giềng bao gồm Nhật Bản ở biển Hoa Đông và một số nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam ở Biển Đông.
Chiến lược Quốc phòng của Mỹ công bố hồi năm ngoái xác định Trung Quốc là một trong những đối thủ chính của Mỹ cần phải đối phó.
Chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của Mỹ công bố hồi tháng 6 vừa qua đã chỉ trích Trung Quốc đang quân sự hóa khu vực Biển Đông, bao gồm việc triển khai các tên lửa chống tàu, tên lửa đất đối không tầm xa ra quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đánh giá việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc nhằm mục đích tăng cường khả năng hoạt động xa hơn bên ngoài biên giới Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-to-show-off-advanced-weapons-at-70-birthday-bash-08302019093233.html

Điều tàu quay lại vùng biển Việt Nam:

Âm mưu nham hiểm của TQ

Việc Trung Quốc tiếp tục đưa tàu vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam là hành vi xâm phạm trắng trợn quyền chủ quyền của Việt Nam và cố làm giảm quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Âm mưu của Trung Quốc
Giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã đạt được một số ý đồ sau: Thứ nhất, phục vụ ý đồ độc chiếm nguồn tài nguyên trong khu vực và phục vụ ý đồ quân sự. Trước đây, Trung Quốc không có đủ điều kiện để thăm dò, khảo sát các vùng biển ở phía Tây đảo Trường Sa, song hiện Trung Quốc đã có điều kiện để làm, nhất là trang thiết bị, tàu thăm dò hiện đại hơn trước và được tiếp tế đầy đủ ở trên các đảo nhân tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những dữ liệu khảo sát địa chấn ở khu vực này không chỉ có giá trị đánh giá về trữ lượng dầu khí và khoáng sản dưới lòng biển mà còn có giá trị cho tàu ngầm ở đây, trong đó
Trung Quốc đang phát triển mạnh các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo, loại vũ khí răn đe chiến lược rất quan trọng, có khả năng đánh đòn trả đũa trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Thứ hai, cản phá các hoạt động thăm dò dầu khí hợp pháp của Việt Nam, hiện thực hóa yêu sách “đường 9 đoạn”. Trung Quốc đưa ra một quan điểm riêng về Luật Biển quốc tế, họ có yêu sách ngang ngược về chủ quyền Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế. Trung Quốc sử dụng sức mạnh đơn phương để đè bẹp luật pháp quốc tế, uốn luật pháp theo ý mình với logic đó. Thứ ba, gây sức ép lên Việt Nam và các nước ASEAN khác để buộc các nước phải thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) theo quan điểm của Trung Quốc. Thứ tư, thử phản ứng của Việt Nam và các nước khác, nếu Việt Nam có phản ứng không đủ mạnh thì Trung Quốc sẽ tiếp tục làm tới, còn nếu Việt Nam phản ứng mạnh quá sức chịu đựng của Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ rút lui.
Đáng chú ý, một số ý kiến khác cho rằng, thông qua hành động điều tàu hoạt động, quấy phá trái phép trong vùng biển của Việt Nam là bước đi không mới của Trung Quốc, nhằm làm giảm quyết tâm của Việt Nam và các đối tác an ninh của Việt Nam trên thế giới; từng bước phá bỏ UNCLOS và xây dựng một hệ thống luật lệ riêng của Trung Quốc. Trong ki đó, chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, đánh giá việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại vùng biển của Việt Nam sau khi đến đá Chữ Thập trong vài ngày đã gửi ra một thông điệp chính trị rõ ràng. Theo đó, thông điệp của Trung Quốc là chừng nào Việt Nam còn tiếp tục các hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ không chỉ quấy rối mà còn thăm dò đơn phương trong vùng biển của Việt Nam nhằm gia tăng áp lực với Hà Nội.Đồng tình với ý kiến này, Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á của CSIS, đánh giá Trung Quốc muốn thể hiện rằng “tất cả các tài nguyên hydrocarbon nằm trong Đường 9 đoạn đều thuộc về Trung Quốc”. Đây là điều Bắc Kinh đã tuyên bố và đang muốn biến nó thành hiện thực. Nhìn lại các sự cố trong 2017 và 2018, khi Trung Quốc ép Việt Nam dừng hợp tác với đối tác nước ngoài khai thác dầu ở vùng biển của Việt Nam, Hiebert cho rằng Bắc Kinh đang báo hiệu với Hà Nội về mục đích của mình. Theo đó, Trung Quốc muốn Việt Nam hoặc là dừng hoàn toàn các hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông, hoặc là hợp tác với Bắc Kinh.
Với hành động này, Trung Quốc tiếp tục hướng tới con đường giành thêm các quyền kiểm soát Biển Đông, khống chế không gian biển ở khu vực. Ngoài ra, với sự áp đặt đơn phương của Trung Quốc đã chà đạp lên luật pháp quốc tế. Riêng đối với Việt Nam, Việt Nam sẽ đối mặt với các nguy cơ mất quyền khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Không những vậy, nếu Trung Quốc khống chế được không gian trên Biển Đông thì cán cân lực lượng của khu vực Đông Á sẽ ngả rất mạnh về phía Trung Quốc. Trung Quốc sẽ nổi lên như một kẻ bá chủ trong khu vực. Mọi người có thể nhìn thấy sức mạnh của Trung Quốc có thể chà đạp lên luật pháp, đứng trên luật pháp thì khi đó, độc lập, tự chủ của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam sẽ bị xâm hại nghiêm trọng.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ nhất. Mỹ có chung lợi ích ở Biển Đông và không muốn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Mỹ cũng đủ mạnh để không phải lo ngại sự trả đũa của Trung Quốc. Rõ ràng nhân tố Mỹ là nhân tố không thể thiếu được đối với các quốc gia trong vùng muốn bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình trước Trung Quốc.Tuy nhiên, những hành động của Mỹ trong suốt thời gian vừa qua khi Trung Quốc gây hấn và có những bước đi táo bạo muốn độc chiếm Biển Đông lại chưa đủ. Đáng chú ý, mới đây, Tư lệnh Không quân Mỹ, Tướng David Goldfein cho biết: “Sẽ không có chuyện chúng tôi giảm mức độ sẵn sàng cũng như khả năng của mình trong việc thực hiện chiến dịch tự do đi lại và bay qua vùng biển ở nơi chúng tôi cần và khi chúng tôi cần. Đó là cam kết của chúng tôi đối với khu vực”.
Cùng quan điểm với Mỹ, giới chức nhiều nước trên thế giới như Nga, Nhật Bản, Anh, Pháp… đã trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện thái độ ủng hộ với Việt Nam và lên án các hành động phi pháp của Trung Quốc; yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt các hành vi khiêu khích, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.
Tuy nhiên, để ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, các nước phải kết hợp với nhau mạnh hơn nữa để tạo thành một mặt trận quốc tế đủ lớn để chống lại sự vi phạm quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông, chống lại yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Có như vậy mới có thể tạo đủ sức ép buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi. Đồng thời cũng phải có những hành động hợp pháp bảo vệ các nước ven bờ, chẳng hạn như những hành động thăm dò dầu khí, đánh cá bình thường của ngư dân Việt Nam. Ngoài ra, không chỉ có các nước ven bờ như Việt Nam, Philippines, Malaysia mà kể cả các nước bên ngoài có chung lợi ích bảo vệ luật
pháp quốc tế cũng hoàn toàn có thể hợp tác với nhau, không chỉ bằng con đường quân sự mà có thể sử dụng các tàu chấp pháp giúp đỡ nhau, tăng cường năng lực để cùng nhau bảo vệ thi hành luật pháp quốc tế trong khu vực này.
Công lý đứng về phía Việt Nam
Những hành động hiện nay của Trung Quốc như đưa tàu vào vùng chủ quyền của Việt Nam, xua đuổi tàu cá … hoàn toàn là bất hợp pháp. Nếu Việt nam thu thập được đủ bằng chứng và công bố ra quốc tế thì sẽ xây dựng được một hệ thống tư liệu quý báu, khi đưa ra Tòa thì khả năng thắng kiện 100% bởi vì các hoạt động của Trung Quốc hoàn toàn sai luật pháp quốc tế.
Một trong những cách Việt Nam có thể bắt Trung Quốc “nâng” cái giá phải trả với những hành động phi pháp của mình đó là tạo điều kiện cho quốc tế vào và nhìn thấy, thu thập các bằng chứng Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, chẳng hạn như tạo điều kiện cho các phóng viên quốc tế tới thực địa để trực tiếp lấy thông tin về các hành động quấy nhiễu và cản phá của Trung Quốc và đó sẽ là những bằng chứng hùng hồn và mạnh mẽ nhất để buộc Trung Quốc chùn bước trong điều kiện hiện nay. Năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan, Việt Nam đã đưa nhà báo quốc tế ra tận nơi chứng kiến và ghi hình và chính điều đó đã góp phần không nhỏ khiến Trung Quốc phải rút giàn khoan về sau 2 tháng rưỡi hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Ngoài ra, nếu Việt Nam không có những phản ứng đủ mạnh để buộc Trung Quốc phải trả giá thì Trung Quốc sẽ tiếp tục làm những gì mà họ đã và đang làm. Họ sẽ tiếp tục làm nhiều cách để thực thi “đường 9 đoạn” của họ. Cho đến nay Bắc Kinh chưa phải trả giá cho các hành vi của họ, nên họ sẽ tiếp tục thực hiện ý đồ của mình bằng nhiều hành vi khác nhau. Một kịch bản trong tương lai, họ sẽ bao vây một đảo của Việt Nam, cắt đường tiếp tế vào đảo. Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò, cản phá, quấy rối các hoạt động đánh bắt cá của Việt Nam, Philippines, Malaysia, kể cả bên trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, rồi họ sẽ tăng cường tập trận, kể cả bắn tên lửa trên Biển Đông.
Phản ứng phù hợp của Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (16/8) nhấn mạnh đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế.Hiện nay, các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế.
http://biendong.net/bien-dong/30108-dieu-tau-quay-lai-vung-bien-viet-nam-am-muu-nham-hiem-cua-tq.html

TQ thông báo tổ chức duyệt binh cực lớn, khoe vũ

khí mới, mời cảnh sát Hồng Kông đến Bắc Kinh

Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc sáng 29/8 tổ chức họp báo, giới thiệu các hoạt động kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 70 của nước này (1/10/1949-1/10/2019).
Theo thông báo, đại hội kỷ niệm 70 năm thành lập nước CHND Trung Hoa được tổ chức long trọng vào ngày 1/10 tới tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phát biểu diễn văn quan trọng.
Sau đại hội, nghi thức duyệt binh và quần chúng tuần hành sẽ được tổ chức với quy mô lớn.
Phó chủ nhiệm Văn phòng tiểu tổ lãnh đạo duyệt binh, Phó cục trưởng Cục tác chiến Bộ tham mưu liên hợp Quân ủy trung ương Trung Quốc, ông Sái Chí Quân cho hay, lễ duyệt binh kỷ niệm Quốc khánh sắp tới sẽ có một số vũ khí mới của nước này lần đầu tiên xuất hiện, đồng thời quy mô sự kiện sẽ lớn hơn so với các cuộc duyệt binh Quốc khánh 50 năm (1999), 60 năm (2009) hay duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít trong Thế chiến 2 (2015).
“Lần duyệt binh này là một phần quan trọng trong hoạt động chào mừng 70 năm thành lập nước Trung Quốc mới, không nhằm vào bất cứ quốc gia và khu vực nào, không nhằm vào sự vụ đặc biệt nào,” ông Sái phát biểu.
Quốc vụ viện Trung Quốc cho hay, hoạt động liên hoan mừng Quốc khánh ở thủ đô Bắc Kinh được tổ chức tối 1/10 tại quảng trường Thiên An Môn. Các lãnh đạo đảng, nhà nước và đại biểu các tầng lớp ở Bắc Kinh cùng theo dõi biểu diễn văn nghệ và pháo hoa.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn các nguồn tin cho hay, cơ quan cảnh sát Hồng Kông đã nhận được lời mời từ trung ương và một số cảnh sát sẽ tới Bắc Kinh tham dự các hoạt động trong đại lễ kỷ niệm Quốc khánh của Trung Quốc – trong đó bao gồm nhân viên cảnh sát đã bị thương khi trấn áp người biểu tình ở Hồng Kông thời gian qua.
Theo Hoàn cầu, khoảng 10 cảnh sát đặc khu sẽ tham dự hoạt của Bắc Kinh. Hiện chưa có thông tin các nhân viên này có tham gia các hoạt động tuần hành ở thủ đô Trung Quốc hay không.
Trong diễn biến mới nhất, cảnh sát Hồng Kông dự kiến cấm tổ chức tuần hành và biểu tình vào cuối tuần này do những lo ngại về an ninh, sau khi tình trạng bạo lực leo thang cuối tuần trước khiến nhà chức trách phải sử dụng vòi rồng và nổ súng cảnh cáo người biểu tình.
Nguồn tin cảnh sát nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF) – đơn vị tổ chức 3 cuộc biểu tình kỷ lục trong suốt 2 tháng qua ở Hồng Kông – sẽ nhận được thông báo từ chối đăng ký tuần hành vào hôm nay, 29/8.
Trước đó, nhiều nhà phân tích nhận định, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông nhiều khả năng sẽ sớm được “giải quyết hoặc dẹp yên” trước đại lễ Quốc khánh lần thứ 70 của Trung Quốc.
http://biendong.net/diem-tin/30102-tq-thong-bao-to-chuc-duyet-binh-cuc-lon-khoe-vu-khi-moi-moi-canh-sat-hong-kong-den-bac-kinh.html

Từ thương chiến đến biển Đông:

Khó khăn bủa vây TQ

Đây là giai đoạn chính quyền Bắc Kinh phải xoay xở với những cuộc khủng hoảng trong nước lẫn nước ngoài.
Những thời khắc quý giá trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc (TQ) tại hội nghị 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) ở Osaka, Nhật Bản hồi cuối tháng 6-2019 chưa kịp giúp chữa lành quan hệ kinh tế hai bên thì hôm 1-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế 10% đối với 300 tỉ USD hàng hóa TQ.
Bắc Kinh hồi tuần trước ra quyết định áp thuế với 75 tỉ USD hàng Mỹ. Chỉ trong vòng chưa đến 24 giờ, ông Trump đáp trả bằng cách áp thuế 30% với 250 tỉ USD hàng TQ từ ngày 1-10 và thuế 15% với 300 tỉ USD hàng hóa còn lại từ ngày 1-9.
Kinh tế rơi vào giai đoạn suy yếu
Xung quanh thương chiến với Mỹ, TQ gặp ít nhất hai khó khăn. Thứ nhất, chiến tranh thương mại diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế TQ đang chững lại. Số liệu từ Cục Thống kê quốc gia TQ cho thấy trước thời điểm chiến tranh thương mại chính thức xảy ra vào tháng 7-2018, tăng trưởng kinh tế TQ nhìn chung có xu hướng giảm. Quý I-2010, tăng trưởng kinh tế TQ đạt hơn 12% thì đến giữa năm ngoái, con số này giảm xuống còn chưa đến 7%. Quý I-2019, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,2%, thấp nhất trong thập niên qua.
Chuyên gia Nicholas Lardy của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) nhận định sự suy yếu của nền kinh tế TQ thời gian gần đây là hậu quả của việc phân bổ các nguồn tài chính cũng như các nguồn lực khác một cách bất hợp lý. Theo đó, TQ tập trung nhiều nguồn lực vào các doanh nghiệp (DN) nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả thay vì nên đầu tư vào các DN tư nhân. Ngoài ra, kể từ năm 2017, việc áp dụng các chính sách tín dụng không hợp lý cũng góp phần khiến tăng trưởng kinh tế TQ trở nên suy yếu hơn.
Suy thoái kinh tế TQ xuất phát từ chính sách kinh tế sai lầm của Bắc Kinh hơn là từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, các đòn đánh thuế của ông Trump nhằm vào TQ cũng gây ra những hệ lụy đáng kể, đặc biệt khi sức khỏe nền kinh tế TQ có vấn đề. Đây chính là khó khăn thứ hai mà Bắc Kinh đối mặt.
Dù muốn hay không, rất nhiều DN Mỹ và các nước khác, vì thuế quan hay vì bất an trước xung đột Washington và Bắc Kinh, cũng tìm cách tháo chạy khỏi TQ. Jin Canrong, Phó Trưởng Khoa nghiên cứu quốc tế tại ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh, phát biểu vào tháng 7-2019 rằng nếu thương chiến xảy ra trong thời gian dài, khiến chuỗi cung ứng trung cấp và cao cấp rời khỏi TQ thì tiềm năng phát triển trong tương lai của TQ bị tổn hại nặng nề. Ngoài ra, việc xung đột thương mại với Mỹ sẽ khiến quá trình cải cách các DN nhà nước “thây ma” của TQ bị chậm lại, tăng trưởng kinh tế càng khó phục hồi.
Hong Kong leo thang căng thẳng
Trong khi chính quyền Bắc Kinh gặp khó khăn, thậm chí lúng túng trong việc hành xử với Mỹ về thương chiến thì vấn đề Hong Kong và biển Đông càng khiến Bắc Kinh đau đầu.
Tại cuộc gặp các đại diện DN Hong Kong ngày 27-8, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị cho rằng biểu tình Hong Kong là cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay tại đặc khu này. Trong khi TQ trấn an người dân, tình hình căng thẳng Hong Kong liên tục leo thang, đỉnh điểm là tình trạng bạo lực bùng nổ vào ngày 25-8. Đã có tiếng súng cảnh cáo nổ vang và các cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát xảy ra.
Hôm 26-8, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam xuất hiện trước công chúng và trấn an rằng lãnh đạo Hong Kong sẽ sớm xúc tiến hòa giải với phe phản đối. Tuy nhiên, sự “xuống nước” của lãnh đạo Hong Kong dường như không xoa dịu được người biểu tình.
Đáng chú ý mục tiêu của những người biểu tình ở Hong Kong hiện nay không phải là dự luật dẫn độ tội phạm về TQ đại lục như hai tháng trước. Thay vào đó, họ nhắm vào toàn bộ quan điểm, chính sách của chính quyền đặc khu Hong Kong và gián tiếp là chính quyền TQ. Việc buộc chính quyền đặc khu đình chỉ vô thời hạn dự luật dẫn độ được cho là chiến thắng ban đầu của người biểu tình. Giới quan sát nhận định về lâu dài, mọi cuộc biểu tình phản đối chính quyền Hong Kong cũng sẽ đồng thời nhằm phản đối TQ.
Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng sẵn sàng can thiệp Hong Kong theo luật nếu chính quyền đặc khu có yêu cầu. Thậm chí TQ cử quân đội đến sát biên giới đặc khu. Tuy nhiên, nếu phong trào biểu tình leo thang, TQ cũng rất khó trong việc quyết định sử dụng vũ lực. Bởi lẽ các cuộc đụng độ bạo lực tại đặc khu này sẽ có thể biến Hong Kong thành câu chuyện quốc tế, thu hút Mỹ, Anh và nhiều nước phương Tây tham gia. Đó là điều TQ không mong muốn, bởi Bắc Kinh nhất quán khẳng định Hong Kong là chuyện nội bộ.
Bị phản ứng quyết liệt ở biển Đông
Ngoài biển Đông, TQ bị phản ứng quyết liệt khi đưa tàu Địa chất hải dương 8 xâm phạm vùng biển Việt Nam bất chấp luật pháp quốc tế. Nhóm tàu khảo sát đến vào tháng 7-2019, rời đi vào đầu tháng 8 rồi ngang ngược quay trở lại chưa đầy một tuần sau đó. Phía Việt Nam liên tục lên tiếng phản ứng mạnh, yêu cầu TQ rút nhóm tàu này ngay lập tức.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi pháp luật và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Lập trường của Việt Nam lâu nay luôn muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ Việt Nam.
Các chuyên gia quốc tế nhận định TQ cố tìm cách bảo vệ yêu sách đường chín đoạn phi pháp, đồng thời tìm cách chiếm giữ nguồn tài nguyên nằm ở vùng biển mà TQ ngang ngược tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Bắc Kinh không ngờ gặp phải phản ứng rất quyết liệt từ Malaysia, Việt Nam. Các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, cũng lên tiếng chỉ trích các hành động gây hấn và dọa nạt của TQ ở biển Đông.
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 26-8 khẳng định: “TQ gần đây đã tái diễn các hoạt động can thiệp đe dọa đối với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam ở biển Đông. Động thái này của Bắc Kinh hoàn toàn đi ngược với cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa đưa ra ở Đối thoại Shangri-La đầu năm 2019 rằng TQ sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định: “Mỹ quan ngại sâu sắc về việc TQ tiếp tục can thiệp vào các hoạt động của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus gọi việc triển khai tàu khảo sát của TQ là “sự leo thang nhằm đe dọa các bên yêu sách khác rút khỏi việc phát triển tài nguyên ở biển Đông. Điều này đặt ra câu hỏi về cam kết của TQ đối với việc giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình”.
http://biendong.net/doc-bao-viet/30097-tu-thuong-chien-den-bien-dong-kho-khan-bua-vay-tq.html

Chính phủ Trung Cộng

 phê chuẩn hiệp định dẫn độ với Việt Nam

Tin từ Bắc Kinh, ngày 30/8/2019: Theo hãng thông tấn Xinhua, ngày 26/8, chính phủ Trung Cộng đã phê chuẩn Hiệp định dẫn độ tội phạm với Việt Nam.
Theo đó, hiệp định này gồm 22 điều khoản bao gồm các vấn đề như nghĩa vụ dẫn độ, tội phạm đủ điều kiện dẫn độ, những lý do có thể và nên được sử dụng để từ chối dẫn độ và giải quyết tranh chấp.
Xinhua cho biết nhóm làm việc của chính phủ Trung Cộng được thành lập từ nhiều bộ ngành đã đàm phán với phía Việt Nam về hiệp định này từ tháng 10 năm 2013, và hai chính phủ cộng sản đã ký hiệp định vào ngày 07/4/2015.
Không có thông tin về việc Việt Nam phê chuẩn hiệp định này. Truyền thông lề đảng, bị kiểm duyệt bởi Ban tuyên giáo trung ương của đảng cộng sản và Bộ Thông Tin, dường như không đưa tin về việc hai quốc gia đã ký hiệp định dẫn độ trên.
Thông tin trên mạng xã hội đã nhiều lần đưa tin Hà Nội trục xuất nhiều người Ngô Duy Nhĩ khi họ vượt biên giới Trung-Việt vào Việt nam, và trao trả cho phía Trung Cộng. Đã có một vụ đấu súng giữa người Ngô Duy Nhĩ và lính biên phòng Việt Nam làm nhiều người từ cả hai bên bị chết.
Việt Nam được coi là mảnh đất màu mỡ của tội phạm đến từ Trung Cộng. Trong tháng 7, Việt Nam giao cho phía Trung Cộng hơn 400 người Trung Hoa vi phạm pháp luật Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đánh bạc trên mạng, mà không bị xét xử bởi toà án của Việt Nam.
Ngày 23/8, nhà chức trách tỉnh Quảng Ninh cũng đã bàn giao không xét xử 26 công dân Trung Hoa cho Trung Cộng ngay sau khi bắt giữ chúng về tội gian lận trong hoạt động chứng khoán.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/chinh-phu-trung-cong-phe-chuan-hiep-dinh-dan-do-voi-viet-nam/

Truyền thông Trung Cộng cảnh cáo:

 Việt Nam không chọn Huawei là chọn Mỹ

Tin Vietnam.-  Báo Trithucvn ngày 30 tháng 8 năm 2019 loan tin, thời báo Hoàn Cầu của đảng cộng sản Trung Cộng ngày 28 tháng 8, đã đăng bài nói rằng hành động Việt Nam loại bỏ Huawei khỏi hoạt động xây dựng mạng 5G là hành động chọn Mỹ, chứ không chọn Trung Cộng. Và hành động này của Việt Nam sẽ khiến cho nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước đó, ông Lê Đăng Dũng, Giám đốc điều hành của tập đoàn viễn thông Viettel đã quyết định không chọn công nghệ Huawei, mà sẽ chọn thiết bị của Ericsson tại Hà Nội, và công nghệ của Nokia tại Sài Gòn. Đồng thời Viettel cũng sẽ chọn bộ vi giải quyết 5G của Qualcomm, và một công ty khác của Mỹ. Quyết định của ông Dũng được đưa ra trong bối cảnh Trung Cộng đang xâm lược Biển Đông của Việt Nam. Ngoài Viettel thì những nhà mạng khác cũng đang tránh xa Huawei.
Ngay sau khi tuyên bố trên đưa ra, tờ Thời Báo Hoàn Cầu đã đăng bài cảnh cáo hành động trên của Việt Nam là những toan tính chính trị, thì đây chính là dấu hiệu Việt Nam chọn phe Mỹ. Hành động này của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến hợp tác công nghiệp với Trung Cộng.
Tờ báo này tuyên bố rằng Việt Nam không đủ sức để làm như vậy, tức là chọn Mỹ. Vì cho rằng CSVN không đủ sức để tách Trung Cộng, nên tờ Hoàn Cầu nói phải chờ thời gian để kiểm chứng tuyên bố của ông Dũng có đúng hay không.
Tờ báo này bình luận thêm, Mỹ có sức mạnh, ảnh hưởng lớn ở Đông Nam Á, đồng thời là thị trường xuất cảng quan trọng của Việt Nam. Nên không khó để Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi thái độ thù địch của Washington với Huawei. Với hành động cấm Huawei của Việt Nam, nền kinh tế của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn là nền kinh tế của Trung Cộng.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/truyen-thong-trung-cong-canh-cao-viet-nam-khong-chon-huawei-la-chon-my/

Một nhà báo bị Bắc Kinh trục xuất

vì bài viết về em họ Tập Cận Bình

Thụy My
Một nhà báo của Wall Street Journal làm việc tại Trung Quốc bị trục xuất vì bài viết về em họ của ông Tập Cận Bình, tin này được Bắc Kinh và tờ báo Mỹ xác nhận hôm nay 30/08/2019.
Vương Xuân Hàn (Chun Han Wong), công dân Singapore, là phóng viên thường trú tại Bắc Kinh từ năm 2014. Hồi tháng Bảy, ông cùng với đồng nghiệp Philip Wen viết bài về cuộc điều tra của chính quyền Úc nhắm vào Tề Minh (Ming Chai), em họ của chủ tịch Trung Quốc. Cha Tề Minh là Tề Nhuệ Tân (Qi Ruixin), em ruột của bà Tề Tâm (Qi Xin), mẹ của Tập Cận Bình.
Wall Street Journal khẳng định, ông Tề Minh nằm trong tầm ngắm của tình báo Úc, trong khuôn khổ một cuộc điều tra về tội phạm có tổ chức, rửa tiền và buôn người, có liên quan đến Trung Quốc.
Một phát ngôn viên của Dow Jones, cơ quan chủ quản Wall Street Journal cho AFP biết, chính quyền Trung Quốc từ chối gia hạn thẻ nhà báo của Vương Xuân Hàn, như vậy trên thực tế là ông bị trục xuất vì sẽ không thể xin được giấy phép cư trú.
Về phía bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố : « Chúng tôi kiên quyết phản đối việc một số nhà báo nước ngoài vu khống, tấn công Trung Quốc một cách ác ý. Kiểu nhà báo này không được chào đón ».
Trung Quốc từng hành động tương tự đối với nhiều nhà báo ngoại quốc. Cựu thông tín viên tại Bắc Kinh của báo mạng Mỹ BuzzFeed, cô Megha Rajagopalan năm ngoái không được gia hạn thẻ cư trú. Cô chuyên viết về nạn đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Nhà báo Ursula Gauthier của tuần báo Pháp L’Obs năm 2015 cũng đã bị trục xuất khỏi Trung Quốc, với cáo buộc « cổ vũ cho các hành động khủng bố » ở Tân Cương.
Một cuộc thăm dò do Câu lạc bộ các thông tín viên nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) tiến hành với 109 nhà báo, khẳng định « các điều kiện khi đi làm phóng sự tại Trung Quốc là tệ hại nhất trong lịch sử đương đại ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190830-mot-nha-bao-bi-bac-kinh-truc-xuat-vi-bai-viet-ve-em-ho-tap-can-binh

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện