Việt Nam được gì, mất gì khi kiện TQ ra Tòa?


Việt Nam được gì, mất gì nếu khởi kiện Trung Quốc ra tòa là một câu hỏi lớn vì thế mà có thể hiểu được cho đến nay Hà Nội chưa tiến hành biện pháp này. Bài viết này muốn đi sâu phân tích về câu hỏi này để đóng góp thêm một góc nhìn cho Hà Nội cân nhắc.

Một điều có thể thấy là cũng như vụ kiện mà Philippines đa tiến hành năm 2013, Trung Quốc sẽ phản đối và không tham gia vụ kiện bởi lẽ họ biết rõ Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cho các yêu sách của họ ở Biển Đông, hơn thế nữa phán quyết 12/7/2016 đã trở thành một án lệ và nếu Việt Nam khởi kiện thì điều này sẽ giúp Việt Nam giành thắng lợi trong vụ kiện.
Điều lo ngại nhất khi Philippines tiến hành vụ kiện năm 2013 là việc Tòa có thẩm quyền để xem xét đơn kiện của Philippines hay không. Đến nay, điều này đã được giải quyết. Một số nhà phân tích có đưa ra việc Việt Nam và Trung Quốc đã ký “Thỏa thuận về những nguyên tăc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” năm 2011 có thể ảnh hưởng đến vấn đề thẩm quyền của Tòa. Đúng là trong Thỏa thuận 2011, có nội dung hai bên nhất trí tiến hành đàm phán để giải quyết các vấn đề trên biển, nhưng nội dung này không triệt tiêu việc Việt Nam khởi kiện và sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề thẩm quyền của Tòa nếu Việt Nam tiến hành mọi công việc theo đúng các quy trình tố tụng của Tòa và chọn được những nội dung phù hợp để đưa vào đơn khởi kiện như Philippines đã làm bởi lẽ: (i)“Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” năm 2011 hoàn toàn không có nội dung nào mà Việt Nam cam kết không sử dụng biện pháp pháp lý hoặc liên quan đến việc loại bỏ sử dụng cơ quan tài phán quốc tế; (ii) trong Thỏa thuận, hai bên nhất trí thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Điều này không có gì cản trở Việt Nam khởi kiện Trung Quốc bởi lẽ luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 coi đàm phán là bước đi đầu tiên trong tiến trình giải quyết bằng pháp lý. Trong trường hợp 2 bên đàm phán không được thì có thể tiếp tục đưa ra cơ quan tài phán quốc tế hoặc tham khảo ý kiến tư vấn của bên thứ 3.
Như vậy, có thể khẳng định Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc năm 2011 không ngăn cản việc Việt Nam tiến hành khởi kiện Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần có các bước đi cần thiết để tiến tới khởi kiện, nghĩa là trước tiên cần đàm phán với Trung Quốc để giải quyết các bất đồng. Trên thực tế, sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký kết “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc đã có các cuộc đàm phán về vấn đề trên biển, song đến nay chưa đạt được bất cứ tiến triển nào. Mặt khác, trong các vụ việc tranh chấp trên biển, bao gồm việc nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp ngoại giao với Trung Quốc và trao công hàm phản đối yêu cầu Trung Quốc rút tàu, nhưng Trung Quốc không rút mà tiếp tục xâm phạm vùng biển của Việt Nam được xác định theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Đây chính là bước đi của Việt Nam để đủ điều kiệncó thể khởi kiện Trung Quốc.Rõ ràng những biện pháp đàm phán ngoại giao với Trung Quốc để giải quyết vấn đề đã không đạt kết quả nên Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế.
Phụ lục VII Phần XV trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 quy định về một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc cho các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Cơ chế này cho phép các thành viên kiện nhau về các tranh chấp liên quan đến việc diễn giải và áp dụng Công ước, trong đó có tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.Với cơ chế này, dù Trung Quốc không chấp nhận ra tòa cũng không ngăn cản được vụ kiện. Trung Quốc cố ý không giải quyết tranh chấp một cách công bằng, và mục đích của cơ chế này chính là để cho các thành viên UNCLOS có thể thoát khỏi những sự cố ý tồi tệ như thế. Trong vụ việc ở bãi Tư Chính từ đầu tháng 7, Trung Quốc đã cố tình phớt lờ những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam, tiếp tục các hành vi xâm lấn.
Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển sẽ được thành lập để xem xét đơn kiện.Hội đồng Trọng tài bao gồm năm trọng tài: mỗi bên được chọn một và các bên cùng nhau chọn số còn lại. Nếu không đủ năm trọng tài vì các bên không đồng ý với nhau, hay có bên không chọn, thì Chủ tịch Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật Biển (ITLOS)sẽ chọn như trong vụ kiện của Philippines. Trong vụ kiện của Philippines, về nguyên tắc Philippines và Trung Quốc mỗi bên được chọn một trọng tài, nhưng chỉ có Philippines lựa chọn trọng tài viên của mình Trung Quốc không tham gia, không chỉ định trọng tài viên của mình nên Chủ tịch ITLOS Shunji Yanai chọn bốn trọng tài còn lại.
Phán quyết của Tòa Trọng tài được thiết lập theo Phụ lục VII của UNCLOS hoàn toàn có tính ràng buộc giữa các quốc gia trong vụ kiện, đối với các quốc gia này thì không khác gì Tòa án Công lý Quốc tế đã xử. Thí dụ, phán quyết 2016 có tính ràng buộc giữa Philippines và Trung Quốc, dù Trung Quốc không công nhận.Tuy nhiên, phán quyết đó không có tính ràng buộc đối với các quốc gia khác không tham gia vụ kiện. Trong trường hợp này, do Việt Nam không phải là bên tham gia vụ kiện nên phán quyết ngày 12/7/2016 không ràng buộc giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thực ra, Việt Nam có thể tham gia vụ kiện của Philippines với tư cách bên thứ 3 nếu Việt Nam đề nghị Tòa Trọng tài. Khi đó, nhiều ý kiến đã cho rằng Việt Nam bỏ lỡ cơ hội này để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam bằng pháp lý mà không phải đứng ra khởi kiện Trung Quốc.
Giờ đây, nếu Việt Nam muốn có một phán quyết có tính ràng buộc giữa mình và Trung Quốc, Việt Nam phải đứng ra kiện Trung Quốc. Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài tuy không ràng buộc Việt Nam, song là một án lệ rất thuận lợi cho Việt Nam. Đây là một thuận lợi lớn của Việt Nam so với Philippines trước đây. Nội dung phán quyết 12/7/2016 sẽ là tham chiếu quan trọng để các quan tòa trong vụ kiện giữa Việt Nam – Trung Quốc xảy ra ra phán quyết.
Chắc chắn Trung Quốc sẽ không tự nguyện tuân thủ phán quyết, cũng như họ đã không tuân thủ phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện của Philippines.Nhưng một phán quyết xác nhận Việt Nam đúng, Trung Quốc sai, sẽ vô cùng hữu ích trong việc tranh thủ sự ủng hộ của thế giới. Các nước khác, đặc biệt là Mỹ, có thể ủng hộ Việt Nam một cách danh chính ngôn thuận, không thể bị cho là thiên vị một bên trong tranh chấp và sự ủng hộ của họ sẽ có nhiều trọng lượng hơn.
Mặt khác, thêm một phán quyết nữa cùng với phán quyết 12/7/2016 sẽ tạo thêm nhiều sức ép hơn đối với Trung Quốc, một nước lớn, Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an; đồng thời sẽ làm người dân Trung Quốc hiểu rõ chân lý thấy rõ được sự lừa dối dư luận của những người cầm quyền ở Bắc Kinh.Trung Quốc sẽ không thể ngụy biện rằng họ đang giải quyết và quản lý tranh chấp với các nước nhỏ một cách tốt đẹp, các nước ngoài khu vực không nên xen vào. Các nước khác có thể lên tiếng bảo vệ các công ty dầu khí của họ.
Ông cha ta lâu nay thường nói “con có khóc, mẹ mới cho bú”. Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam mà Việt Nam không dũng cảm đứng ra kiện Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi của mình thì nước nào đứng ra bảo vệ Việt Nam được.Cho dù Trung Quốc không thực hiện phán quyết thì đây vẫn là cơ sở pháp lý được thế giới thừa nhận để Việt Nam tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc trong tương lai.
Những điều phân tích nói trên là cái được lớn nhất mà Việt Nam khởi kiện Trung Quốc. Với khí phách của dân tộc Việt, đây là việc mà Hà Nội nên làm vào thời điểm hiện nay. Nếu bỏ phí cả những biện pháp đó thì "chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc... há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?” như Trần Hưng Đạo đã từng nói trước đây.
Một vấn đề đặt ra là Việt Nam sẽ mất gì nếu khởi kiện Trung Quốc? Chắc chắn quan hệ Việt – Trung sẽ xấu đi, song chỉ là nhất thời vì Trung Quốc cũng rất cần Việt Nam. Hãy nhìn quan hệ Philippines – Trung Quốc sẽ thấy trong thời gian vụ kiện của Philippines, Trung Quốc cũng đã gây sức ép rất mạnh lên Philippines hòng buộc Philippines rút đơn kiện. Nhưng sau khi Tòa ra phán quyết ngày 12/7/2016, Trung Quốc lại tìm cách ve vãn Philippines. Việt Nam đã từng đứng vững kể cả khi Trung Quốc tấn công Việt Nam năm 1979 khi mà Việt Nam còn đang bị bao vây, cấm vận. Ngày nay tình thế đã khác, Việt Nam có thể tranh thủ quan hệ với các nước khác, kể cả Mỹ để giảm bớt sức ép từ Trung Quốc. Một số ý kiến còn cho rằng đây lại chính là cơ hội để Việt Nam “thoát Trung” và trở nên độc lập, tự cường hơn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?