Tin khắp nơi – 28/12/2019

Tin khắp nơi – 28/12/2019

Hoa Kỳ yêu cầu Trung Cộng ngừng đe dọa Đài Loan

Tin Washington DC – Vào thứ Sáu, 27 tháng 12, chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu Bắc Kinh ngừng đe dọa Đài Bắc, sau khi Trung Cộng cho hàng không mẫu hạm mới di chuyển xuyên qua eo biển Đài Loan, nhằm phô trương sức mạnh ngay trước khi hòn đảo này chuẩn bị bầu cử tổng thống và các vị trí trong quốc hội.
Bộ Quốc Phòng Đài Loan vào thứ Năm nói rằng chiếc Sơn Đông cùng một số khu trục hạm hạng nhẹ đã đi qua eo biển Đài Loan lên hướng bắc. Mối quan hệ giữa hòn đảo tự trị và đại lục hiện đang là chủ đề chính của các chiến dịch vận động tranh cử tại Đài Loan, với cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11 tháng 1. Vào thứ Sáu, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Cộng kềm chế các hành động đe dọa, gây ảnh hưởng tới an ninh và hệ thống kinh tế xã hội của người dân Đài Loan. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói, Washington có lợi ích liên quan đối với hòa bình ở hai bờ eo biển. Đồng thời, Đài Loan cũng là một đối tác đáng tin cậy, một hình mẫu cho nền dân chủ, và là một lực lượng tốt đẹp của thế giới. Do đó, Hoa Kỳ khuyến khích Bắc Kinh và Đài Bắc nên có các cuộc đối thoại mang tính xây dựng, để tìm ra giải pháp hòa bình.
Quan hệ giữa Đài Loan và Trung Cộng đã trở nên căng thẳng dưới thời Tổng Thống Thái Anh Văn, và Bắc Kinh đã tìm cách tăng áp lực với Đài Loan bằng cách cô lập dần dần nước này trong cộng đồng quốc tế. Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng thường xuyên hỗ trợ bằng cách điều chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan, và đã tăng bán vũ khí cho Đài Bắc trong thời gian gần đây.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-yeu-cau-trung-cong-ngung-de-doa-dai-loan/

Tổng thống Trump có thể trừng phạt TQ

tương tự thời Reagan

Một số chuyên gia Mỹ khuyến nghị rằng Tổng thống Donald Trump nên áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các thị trường vốn của Hoa Kỳ, như Ronald Reagan đã từng làm với Liên Xô.
Đề xuất này được trình bày trong bài bình luận đăng trên báo The Washington Times ngày 23/12 của hai tác giả: Ông Lewis K. Uhler , người sáng lập và chủ tịch của Ủy ban Giới hạn Thuế Quốc gia (National Tax Limitation Committee – NTLC), và ông Peter J. Ferrara, cố vấn chính sách cao cấp của Quỹ Giới hạn Thuế Quốc gia (NTLF – cơ quan nghiên cứu của NTLC), người cũng là giảng viên kinh tế tại trường Kings College ở New York.
Ông Uhler và ông Ferrara viết: “Khi các thủ tục luận tội vô căn cứ đang diễn ra, Tổng thống [Trump] đang thể hiện kỹ năng lãnh đạo và đàm phán của ông với những bước đầu tiên về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc”.
Trong bài bình luận của mình, hai ông lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của ông Roger Robinson Jr., cựu cố vấn cho Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, rằng đương kim Tổng thống Donald Trump có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động tiếp cận vốn và tiền tệ của Trung Quốc, tương tự như chính quyền Reagan đã áp dụng đối với Liên Xô vào những năm 1980.
Ông Robinson nhận định: “Điều này nghe có vẻ khó tin nhưng đó là thực tế đã được kiểm chứng: Phần lớn các nhà đầu tư Mỹ đang vô tình tài trợ cho các trại tập trung của Trung Quốc, hệ thống vũ khí cho quân đội Trung Quốc, và còn hơn thế nữa”.
Ba chuyên gia đều có chung nhận định rằng chính quyền Trung Quốc là “các nhân vật xấu tệ”, và nêu ra vài ví dụ về các hành vi tai tiếng của Bắc Kinh, như can thiệp vào bầu cử ở Đài Loan, trấn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông, bức hại tự do tín ngưỡng ở Trung Quốc đại lục và bành trướng quân sự ở Biển Đông.
Ông Uhler và ông Ferrara cho rằng Tổng thống Trump hoàn toàn có thể ngăn chặn khả năng tiếp cận của Trung Quốc vào các thị trường vốn của Hoa Kỳ. Hai ông viết: “Điều này là có thể làm được thông qua các biện pháp hạn chế thương mại và tài chính nghiêm túc mà ông Trump đã đặt ra [với Trung Quốc] trong khuôn khổ các chính sách đối ngoại và thương mại cứng rắn của mình”.
Hai ông đề cập đến việc Tổng thống Trump đã ký đạo luật lên án các hành động của chính quyền Trung Quốc ở Hồng Kông và tham gia vào nghị quyết của Liên Hợp Quốc chỉ trích các cuộc đàn áp tín ngưỡng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hai chuyên gia bình luận: “Sự kết hợp cẩn trọng của ông Trump giữa các mục tiêu chính sách đối ngoại với các cuộc đàm phán thương mại và các biện pháp kiểm soát vốn, trừng phạt tài chính, những điều đó đang khiến các đối thủ của chúng ta lao đao và giúp cải thiện hòa bình thế giới, như Ronald Reagan đã từng làm với Liên Xô”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32305-tong-thong-trump-co-the-trung-phat-tq-tuong-tu-thoi-reagan.html

Nguy cơ đàm phán Mỹ-Triều Tiên

trở lại điểm xuất phát

Những động thái căng thẳng liên tục trong bối cảnh tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên giậm chân tại chỗ đang có nguy cơ đẩy cuộc đàm phán hạt nhân giữa quốc gia này với Mỹ trở lại điểm xuất phát ban đầu.
Tìm kiếm “con đường mới”
Những thông điệp từ cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên do nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì để thảo luận về “các biện pháp chính trị và cơ cấu tổ chức quan trọng cũng như các bước đi quân sự nhằm tăng cường các lực lượng vũ trang” đang được dư luận rất quan tâm. Cuộc họp này đưa ra quyết định về các vấn đề quân sự quan trọng và các giải pháp trong công tác tổ chức, mở rộng, tái cơ cấu các đơn vị mới sao cho phù hợp với kế hoạch chiến lược và quân sự của Triều Tiên.
Cuộc họp quan trọng của Triều Tiên diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ – Triều Tiên gia tăng căng thẳng liên quan đến việc Bình Nhưỡng đe dọa tìm kiếm “con đường mới” trong trường hợp Washington đến cuối năm nay vẫn không đưa ra đề xuất có thể chấp nhận được trong đàm phán hạt nhân. Theo giới quan sát, phía Triều Tiên dường như phát đi tín hiệu nước này có thể sớm tổ chức một phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên trong thời gian tới.
Hồi năm ngoái, sau phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã thông báo ngừng các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, động thái mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6-2018 tại Singapore. Vì thế, giới quan sát cho rằng, cuộc họp của Trung ương đảng Lao động Triều Tiên sắp tới có thể là để ra quyết định về việc rút lại lệnh tạm ngừng nói trên.
Bờ vực đổ vỡ
Tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hầu như đã rơi vào bế tắc sau khi đạt được thỏa thuận trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần đầu tiên vào tháng 6-2018. Cho dù đạt được cam kết phi hạt nhân Triều Tiên, song hai bên hầu như không tiến thêm được bước nào thực chất ngoài việc Bình Nhưỡng tạm dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), đổi lại là việc Mỹ ngừng cuộc tập trận với Hàn Quốc.
Để giải quyết sự bế tắc trong thực thi cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội vào tháng 2-2019 và cuộc gặp gỡ tại làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm) thuộc Khu phi quân sự (DMZ) chia tách hai miền Triều Tiên. Đây là những sự kiện mang tính biểu tượng cao và được ca ngợi như “bước khởi đầu mới” mang tính lịch sử, song tất cả đều không thể phá vỡ thế bế tắc, thúc đẩy thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Điểm mấu chốt cam kết phi hạt nhân giậm chân tại chỗ là những bước đi, sự thực thi của mỗi bên trong lộ trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Phía Triều Tiên vẫn muốn Mỹ phải có những bước đi tương ứng với hành động phi hạt nhân hóa của nước này, bao gồm từ công khai chương trình, cơ sở hạt nhân cùng các giai đoạn dỡ bỏ các chương trình, cơ sở hạt nhân gắn liền với bước đi của phía Mỹ từ dỡ bỏ cấm vận, trừng phạt kinh tế tới ký hiệp ước hòa bình kết thúc chiến tranh, bình thường hóa quan hệ và viện trợ kinh tế. Thế nhưng, phía Mỹ vẫn muốn trước hết Triều Tiên phải thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có kiểm chứng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố đặt ra hạn chót vào ngày 31-12-2019 để chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện “những đề xuất linh hoạt”, giải cứu quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa đang rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, khi chỉ còn vài ngày nữa là tới thời hạn này mà Washington vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu tích cực nào để đáp lại. Thậm chí một số quan chức Nhà Trắng còn kêu gọi Tổng thống Donald Trump quay lại chính sách gây áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng. Vì thế, giới quan sát lo ngai, cam kết phi hạt nhân Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, đưa các bên trở lại vạch xuất phát ban đầu.
http://biendong.net/bi-n-nong/32318-nguy-co-dam-phan-my-trieu-tien-tro-lai-diem-xuat-phat.html

Các viên chức Hoa Kỳ vẫn đang theo dõi chặt chẽ

dù Bắc Hàn vẫn chưa công bố “quà” Giáng Sinh

Giờ đây, khi kỳ nghỉ Giáng sinh trôi qua mà không có “món quà” từ chế độ Bắc Hàn, các viên chức Hoa Kỳ lại tỏ ra khó hiểu về việc tại sao ông Kim Jong Un chọn cách không tiến hành thử nghiệm vũ khí cho đến nay.
Theo tin từ CNN, chính quyền tổng thống Trump đa phần diễn giải rằng lời hứa của Bắc Hàn về một “món quà Giáng sinh” có nghĩa là một cuộc thử nghiệm vũ khí, đặc biệt là khi các dấu hiệu tình báo gia tăng. Các viên chức vẫn cảnh giác trong những ngày sau kỳ lễ.
Mặc dù một nguồn tin quen thuộc với lối suy nghĩ của Bắc Hàn thông báo với CNN rằng chế độ này rất có thể sẽ không tiến hành một cuộc thử nghiệm khiêu khích, nhưng các viên chức Hoa Kỳ dự đoán rộng rãi một số cuộc thử nghiệm trong kỳ nghỉ Giáng sinh, dựa trên báo cáo tình báo rằng một số thành phần vũ khí được di dời.
Các viên chức Hoa Kỳ cho rằng cơ hội cho một cuộc thử nghiệm vũ khí vẫn rộng mở trong ngày sinh nhật của ông Kim vào đầu tháng 1. Theo một viên chức Hoa Kỳ, chính quyền phê chuẩn trước một loạt các phương án phô diễn lực lượng quân sự có thể được thực thi nhanh chóng nếu Bắc Hàn thực hiện một vụ phóng hỏa tiễn khiêu khích hoặc thử nghiệm các thành phần vũ khí. Những phương án đó có thể bao gồm tất cả mọi thứ từ việc điều máy bay thả bom qua Bán đảo Triều Tiên cho đến các cuộc tập trận vũ khí trên bộ tức thời. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ ngưỡng hành động của Bắc Hàn để khiến Hoa Kỳ phản ứng. Bắc Hàn bắn một số hỏa tiễn tầm ngắn trong những tháng gần đây mà không có bất kỳ phản ứng nào của quân đội Hoa Kỳ. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cac-vien-chuc-hoa-ky-van-dang-theo-doi-chat-che-du-bac-han-van-chua-cong-bo-qua-giang-sinh/

Cái kết cho nhà thầu lừa NASA,

‘hô biến’ thép TQ thành hàng Mỹ

Người đàn ông 32 tuổi bị cáo buộc cung cấp thép Trung Quốc cho một dự án của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nhưng lại “hô biến” nó thành thép Mỹ.
Theo thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, Seongchan “Steven” Yun tới từ Redondo Beach, bang California bị buộc tội cung cấp tài liệu giả cho cơ quan liên bang. Người đàn ông 32 tuổi đang phải đối mặt với mức án tối đa là 10 năm tù giam.
Yun làm việc cho tập đoàn CBOL, đơn vị cung cấp các trang thiết bị và vật liệu cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, bao gồm cả NASA.
Trong thời gian này, Yun chịu trách nhiệm về hợp đồng cung cấp ống thép không gỉ dẫn truyền nhiên liệu tên lửa hỗ trợ cho dự án Hệ thống Phóng Không gian/Orion của NASA tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy.
Hợp đồng yêu cầu thiết bị phải sử dụng thép Mỹ. Tuy nhiên, Yun mua thép của Trung Quốc, làm giả các giấy tờ để biến chúng thành thép Mỹ.
Đại diện của NASA khẳng định Văn phòng Tổng thanh tra của NASA sẽ tiếp tục điều tra các đối tượng phá hoại và lừa gạt cơ quan này và bản án của Yun là lời nhắc nhở rằng cách hành vi lừa gạt sẽ không được dung thứ.
Phiên tòa xét xử Yun sẽ diễn ra vào tháng 3/2020.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/32317-cai-ket-cho-nha-thau-lua-nasa-ho-bien-thep-tq-thanh-hang-my.html

Ông Biden: ‘Sẽ không ra khai chứng’

tại phiên tòa luận tội của Thượng viện

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với ban biên tập của tờ De Moines Register tại Iowa, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden nói khăng khăng hôm thứ Sáu 27/12 rằng ông sẽ không tuân thủ trát gọi ông ra khai chứng trong phiên tòa luận tội Tổng thống Donald Trump tại Thượng viện.
Phát biểu của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh đảng Cộng hòa đe dọa sẽ triệu tập những người của đảng Dân chủ – bao gồm cả ông Biden và con trai ông là Hunter – ra khai chứng trong phiên xét xử của Thượng viện sau khi Hạ viện luận tội ông Trump hồi đầu tháng, cáo buộc rằng ông lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội Mỹ, là những động thái liên quan đến một chiến dịch gây áp lực đối với Ukraine.
Ông Biden nói ông sẽ không tuân thủ trát đòi hầu tòa “bởi vì toàn bộ việc đó đều có chủ đích đối phó với những gì mà ông Trump đã làm suốt cả đời ông ta – đó là cố làm cho người khác không chú ý đến ông ta”.
Khi được hỏi liệu việc chống lại trát gọi ra hầu tòa của quốc hội có thể tạo ra hình ảnh là ông đứng trên luật pháp hay không, ông Biden cho rằng lời khai của ông sẽ giúp Tổng thống Trump “thoát khỏi” cảnh là trọng tâm của phiên tòa.
“Hãy để ý, lý do để họ triệu tập tôi cực kỳ sai. Nhưng vì thế mà tôi không lường trước được chuyện này có thể xảy ra. Nhưng sự thể sẽ ra sao – giả sử là tôi chấp nhận tự nguyện ra tòa, cứ coi như tôi sẽ ra tòa nói về phần mình đi, thì các bạn sẽ đưa tin về điều gì? ” Ông Biden đặt câu hỏi, hàm ý nhắc đến giới báo chí.
“Các bạn, thay vì tập trung vào ông ta [Trump], bạn sẽ đưa tin trong ba tuần về bất cứ điều gì tôi nói. Và ông ta sẽ thoát”, ông Biden nói.
(CNN, FOX)
https://www.voatiengviet.com/a/biden-se-khong-ra-khai-chung-tai-phien-luan-toi-o-thuong-vien/5223366.html

Công ước LHQ về internet: Lo ngại cho tự do ngôn luận

Thụy My
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 27/12/2019 đã thông qua một nghị quyết gây tranh cãi. Về mặt chính thức, một hiệp ước quốc tế sẽ được soạn thảo với mục tiêu chống lại « việc vận dụng công nghệ thông tin vào mục đích tội phạm ». Đây là sáng kiến của Nga, vốn bị cáo buộc là muốn dập tắt những tiếng nói phản biện trên internet.
Hoa Kỳ, Châu Âu và các tổ chức phi chính phủ, coi đây là phương tiện nhằm hạn chế việc sử dụng internet và tự do ngôn luận trên các mạng xã hội, đã chống lại nhưng không thành công. Dự thảo nghị quyết quy định năm 2020 sẽ thành lập một ủy ban liên chính phủ phụ trách việc soạn thảo, đã được 79 nước bỏ phiếu thuận, 60 nước bỏ phiếu chống, 33 nước vắng mặt.
Ngoài Trung Quốc, nghị quyết này còn được Belarus, Cam Bốt, Bắc Triều Tiên, Miến Điện, Nicaragua và Venezuela đồng bảo trợ. Matxcơva khẳng định không có thâm ý gì phía sau, còn Bắc Kinh nêu ra « lỗ hổng pháp lý » cần lấp đầy.
Ông Louis Charbonneau, thuộc Human Rights Watch, lưu ý AFP, các nước bảo trợ nghị quyết hợp thành « một thiên hà gồm những nước đàn áp nhiều nhất trên Trái Đất ». Ông nói : « Đó là một ý tưởng tồi tệ, nếu mục tiêu là lập ra một công ước giúp cho các nước khóa internet một cách hợp pháp và kiểm duyệt, qua việc hình sự hóa tự do ngôn luận ».
Cho đến nay, công cụ duy nhất của quốc tế là Công ước về tội phạm mạng, còn được gọi là Công ước Budapest, có hiệu lực từ năm 2004, chỉ mang tầm khu vực. Đây là căn cứ tham khảo của các nước châu Âu có luật chống tội phạm kỹ thuật số, và là khuôn khổ hợp tác quốc tế giữa các quốc gia ký kết. Người ta lo ngại nếu một hiệp ước mới mang tính toàn cầu được thông qua, Công ước Budapest sẽ bị vô hiệu hóa.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191228-c%C3%B4ng-%C6%B0%E1%BB%9Bc-lhq-v%E1%BB%81-internet-lo-ng%E1%BA%A1i-cho-t%E1%BB%B1-do-ng%C3%B4n-lu%E1%BA%ADn

Pháp triệu tập đại sứ Iran

để phản đối vụ bắt 2 nhà nghiên cứu

Thụy My
Bộ Ngoại Giao Pháp hôm qua 27/12/2019 đã triệu tập đại sứ Iran để phản đối việc bắt giam hai nhà nghiên cứu Pháp từ hơn sáu tháng qua, trong đó một người bắt đầu tuyệt thực. Paris đòi hỏi trả tự do ngay cho hai nhà khoa học này.
Thông cáo của bộ Ngoại Giao Pháp khẳng định : « Như tổng thống và thủ tướng Pháp đã nhiều lần nhấn mạnh, việc bắt giữ này là không thể dung thứ. Chính quyền Iran cần phải hoàn toàn minh bạch về tình trạng của họ ».
Bà Fariba Adelkhah, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (CERI) thuộc Học viện Khoa học Chính trị (Sciences Po) Paris, bị Vệ binh Cộng hòa Iran bắt giữ từ tháng Sáu, với cáo buộc gián điệp.
Chuyên gia nhân chủng học người Pháp gốc Iran đã bắt đầu tuyệt thực vô thời hạn từ hôm thứ Ba 24/12 cùng với một nhà nghiên cứu Úc chuyên về Trung Đông cũng đang bị giam tại Iran, là bà Kylie Moore-Gilbert. Trong thư ngỏ gởi Trung tâm Vì Nhân quyền Iran có trụ sở tại New York, hai nhà nghiên cứu tố cáo bị « tra tấn tinh thần » và « rất nhiều quyền tự do căn bản bị xâm phạm ».
Một đồng nghiệp tại CERI của bà Adelkhah là ông Roland Marchal, chuyên nghiên cứu về vùng Sừng châu Phi, cũng đã bị giam giữ tại Iran từ tháng Sáu với cáo buộc «thông đồng vi phạm an ninh quốc gia».
Washington tố cáo Teheran cản trở tưởng niệm người biểu tình bị thảm sát
Cũng vào hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tố cáo đích danh giáo chủ Ali Khamenei của Iran, đã dùng bạo lực và kiểm duyệt để cản trở việc tưởng niệm những người bị sát hại trong các cuộc biểu tình hồi giữa tháng 11 tại Iran. Ông Pompeo viết trên Twitter : « Người dân Iran có quyền khóc thương cho 1.500 nạn nhân đã bị thảm sát ».
Con số này cao hơn số liệu trước đây do Washington đưa ra là hơn 1.000 người chết và hàng ngàn người bị thương trong các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố Iran. Amnesty International thì cho rằng có trên 300 người chết trong « vụ tàn sát khủng khiếp » này.
Hôm thứ Tư 25/12, internet đã bị cắt tại nhiều tỉnh ở Iran để ngăn trở việc tưởng niệm các nạn nhân trên mạng xã hội.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20191228-ph%C3%A1p-tri%E1%BB%87u-t%E1%BA%ADp-%C4%91%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-iran-%C4%91%E1%BB%83-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i

Nga triển khai hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard

Nhóm các tên lửa siêu thanh Avangard đầu tiên của Nga đã bắt đầu được đưa vào hoạt động, Bộ Quốc phòng nói.
Vị trí nơi đặt các tên lửa này không được tiết lộ, tuy nhiên trước đó giới chức đã ra những chỉ dấu cho thấy chúng có thể được triển khai ở vùng Urals.
Ông Putin đột nhiên nổi giận với Ba Lan
Phóng viên Nga mất việc sau khi hỏi Putin một câu
Nga ‘thử nghiệm thành công’ mạng internet không kết nối
Tổng thống Vladimir Putin nói các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Avangard di chuyển nhanh hơn tốc độ âm thanh tới trên 20 lần, khiến Nga vượt trội hơn các nước khác trong lĩnh vực này.
Các tên lửa có trang bị “hệ thống lượn”, cho nên có khả năng di chuyển rất đa dạng, khiến chúng trở nên bất khả phòng chống bởi các hệ thống phòng thủ.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu xác nhận “phương tiện vận chuyển Avangard siêu thanh đã được đưa vào hoạt động vào lúc 10:00 giờ Moscow hôm 27/12″ và gọi đây là một “sự kiện cột mốc”.
Ông Putin hôm thứ Năm nói rằng hệ thống Avangard có thể vượt qua được các hệ thống phòng thủ tên lửa đang có và sẽ có trong tương lai, và nói thêm: “Không một quốc gia đơn lẻ nào sở hữu được các vũ khí siêu thanh chứ đừng nói đến các vũ khí siêu tham xuyên lục địa.”
Phương Tây và các nước khác đang “chơi trò đuổi bắt đối với chúng ta”, ông nói.
Ông Putin công bố Avangard và các hệ thống vũ khí khác trong bài diễn văn toàn quốc của mình hồi tháng 3/2018, so sánh chúng với “thiên thạch” và “cầu lửa”.
Vào tháng 12/2018, thứ vũ khí này đã bắn trúng mục tiêu tập dượt ở cách xa 6.000km trong cuộc phóng thử tại căn cứ Domparovskiy ở Rặng núi Urals ở miền nam nước Nga.
“Avangard là thứ vũ khí mà không hệ thống phòng thủ tên lửa nào đã tồn tại hoặc sắp ra đời của các đối thủ có thể đánh chặn được,” ông Putin nói sau vụ thử.
Được đặt trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Avangard có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân nặng tới 2 tấn.
Bí ẩn tên lửa: Nga thử nghiệm vũ khí gì ở Bắc Cực?
Mỹ nghi vụ nổ ở Nga xuất phát từ thử tên lửa hành trình dùng năng lượng hạt nhân
Bộ Quốc phòng Nga đã công bố đoạn video giới thiệu hệ thống Avangard, nhưng các chuyên gia vũ khí tỏ ý nghi ngờ về tính hiệu quả của nó.
Trong một tuyên bố, Ngũ Giác Đài nói sẽ “không coi trọng các tuyên bố của Nga” về năng lực của Avangard.
Hoa Kỳ có chương trình tên lửa siêu thanh riêng của mình; Trung Quốc cũng vậy.
Hôm 26/11, Nga cho phép các chuyên gia của Mỹ thanh sát Avangard theo quy định của hiệp ước Tân START (Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược 2010 – là thỏa thuận hướng tới việc cắt giảm số lượng các bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược.)
Hiệp ước Tân START, hết hạn vào tháng 2/2021, là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trong cuối cùng còn lại giữa Nga và Mỹ.
Hồi tháng Tám vừa qua, Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp ước Giải trừ Tên lửa Tầm trung (INF) do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký hồi 1987.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông muốn một thỏa thuận hạt nhan mới được ký kết với cả Nga và Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50933466

Đối thủ đang vật lộn

để sao chép vũ khí hiện đại của Nga

Hãng RT ngày 24-12 dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, nước này đang chi ít hơn rất nhiều cho quốc phòng nhưng lại hiệu quả hơn và đã phát triển được một loạt vũ khí tiên tiến mà đối thủ phải vật lộn để sao chép.
“Liên Xô luôn cố gắng bắt kịp Mỹ về bom nguyên tử, hàng không chiến lược hoặc tên lửa liên lục địa đầu tiên. Ngày nay, chúng ta có một tình huống độc đáo trong thời kỳ lịch sử mới, đó là họ đang cố gắng để theo kịp chúng ta”, ông Putin cho biết trong cuộc họp của Ủy ban Bộ Quốc phòng Nga hôm 24-12.
“Không một quốc gia nào sở hữu vũ khí siêu thanh, chưa nói tới vũ khí siêu thanh tầm liên lục địa. Tuy nhiên, quân đội Nga đã được trang bị tên lửa siêu thanh Kinjal và hệ thống laser Peresvet. Một trung đoàn đầu tiên của Nga đang được trang bị hệ thống tên lửa liên lục địa Avangard và tiếp theo đó sẽ là tên lửa Sarmate và Zircon, cũng như tên lửa hành trình Bourevestnik. Ngoài ra còn có các hệ thống khác. Tôi không muốn nói nhiều về chúng”, Tổng thống Nga nhấn mạnh.
“Nga chỉ xếp thứ 6 trên thế giới về chi tiêu quân sự, đứng sau Mỹ, Trung Quốc, Saudi Arabia, Anh, Pháp và Nhật Bản. Tuy nhiên, Nga phải và sẽ đi trước những nước khác về công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ đạt được thông qua bộ não, trí tuệ, tổ chức công việc tốt hơn và giảm thiểu nạn trộm cắp và cẩu thả”, ông Putin kết luận.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32314-doi-thu-dang-vat-lon-de-sao-chep-vu-khi-hien-dai-cua-nga.html

Nga triển khai tên lửa siêu vượt âm

vào ‘biên chế chiến đấu’

Hệ thống tên lửa siêu vượt âm mới của Nga có tên là Avangard vừa được đưa vào phục vụ chiến đấu, truyền thông nhà nước của Nga đưa tin.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu xác nhận các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã được bổ sung vào phục vụ chiến đấu trong cuộc họp qua điện thoại với Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Sáu 27/12.
Siêu vượt âm (hypersonic) được định nghĩa chung là tốc độ Mach 5 hoặc hơn 6.125 km/h. Các tên lửa siêu vượt âm bay vào vũ trụ sau khi phóng, nhưng sau đó hạ độ cao và bay với tốc độ nhanh trên đường bay tương tự như một chiếc máy bay. Đường bay thấp hơn của chúng khiến các vệ tinh và radar phòng thủ tên lửa của Mỹ khó phát hiện chúng hơn.
Các tin tức trước đây của hãng thông tấn nhà nước Nga TASS tuyên bố rằng Avangard có tầm bắn liên lục địa và khả năng bay nhanh tới Mach 20, hơn 24.000 km/h.
Nga tuyên bố thử nghiệm hệ thống tên lửa Avangard vào năm 2018, khi đó, ông Putin gọi hệ thống này là “bất khả xâm phạm” do nó có khả năng tránh né hệ thống phòng thủ của Mỹ. Nga cũng đã công khai tuyên bố rằng họ đang phát triển tàu ngầm không người lái.
Nhưng các nhà phân tích quân sự Mỹ lâu nay vẫn hoài nghi về khả năng quân sự của các hệ thống tên lửa siêu vượt âm mà Nga khoe khoang. Nga đã từng chịu những thất bại đáng kể, bao gồm một tai nạn chết người hồi đầu năm nay tại một khu vực thử nghiệm vũ khí.
Cũng như Nga, Mỹ và Trung Quốc đang thực hiện các dự án siêu vượt âm. Bắc Kinh cho biết hồi tháng 8 rằng họ đã thử nghiệm thành công một máy bay siêu vượt âm, trong khi Không lực Hoa Kỳ đã trao hợp đồng cho Lockheed Martin để phát triển một loại tên lửa vào đầu năm nay.
(CNN, BBC)
https://www.voatiengviet.com/a/nga-trien-khai-ten-lua-sieu-vuot-am/5223402.html

Nga, Trung Quốc, Iran tập trận hải quân chung

ở Ấn Độ Dương

Iran, Trung Quốc và Nga đã bắt đầu các cuộc diễn tập hải quân chung hôm thứ Sáu ở Ấn Độ Dương và Vịnh Ô-man, trong cuộc tập trận hải quân nhằm mục đích huấn luyện và hợp tác ‘chưa từng có tiền lệ’, theo lời Moscow.
Vùng biển xung quanh Iran đã trở thành một trọng tâm nơi xảy ra căng thẳng quốc tế, giữa lúc Hoa Kỳ tăng áp lực đối với các nước mua dầu thô của Iran và đe dọa cắt đứt các quan hệ thương mại khác đối với những nước nào vi phạm.
Đô đốc chỉ huy đội tàu Iran, ông Gholamreza Tahani, nói trên truyền hình nhà nước: “Thông điệp của cuộc tập trận này là hòa bình, hữu nghị và an ninh lâu dài thông qua hợp tác và đoàn kết, và kết quả của nó cho thấy là Iran không thể bị cô lập.”
Đài truyền hình nhà nước Iran cho biết các cuộc tập trận hỗn hợp gồm các hoạt động ứng cứu các tàu bị cháy hoặc tàu bị cướp biển tấn công, và các cuộc tập trận sử dụng vũ khí.
Vịnh Ô-man là một tuyến đường thủy đặc biệt nhạy cảm, kết nối với Eo biển Hormuz, eo biển nối với Vùng Vịnh, nơi qua lại của khoảng một phần năm lượng dầu trên thế giới.
Washington đề xuất một chiến dịch hải quân do Hoa Kỳ lãnh đạo sau nhiều vụ tấn công hồi tháng Năm và tháng Sáu nhắm vào các tàu buôn quốc tế, kể cả tàu chở dầu của Ả Rập Xê-út, trong các vùng biển trện Vịnh Ba Tư. Hoa Kỳ đổ lỗi cho Iran là bên thực hiện các cuộc tấn công, nhưng Teheran bác bỏ những cáo buộc đó.
Tổng thống Donald Trump năm ngoái đã rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran với sáu quốc gia, và áp đặt lại các lệnh trừng phạt đối với nước này, làm tê liệt nền kinh tế của Iran.
Hôm trước, Trung Quốc cho biết là đang gửi một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường tới dự các cuộc tập trận kéo dài 4 ngày mà Bắc Kinh gọi là một cuộc trao đổi quân sự bình thường giữa ba lực lượng vũ trang Iran, Nga, Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-trung-quoc-iran-tap-tran-hai-quan-chung-o-an-do-duong/5222695.html

Nga kháng cáo quyết định cấm tranh tài thể thao thế giới

Thanh Phương
Hôm qua, 27/12/2019, cơ quan chống doping của Nga (Rusada) chính thức thông báo đã kháng cáo quyết định cấm nước này tham gia các cuộc tranh tài thể thao thế giới, do bị cáo buộc giả mạo các dữ liệu về chống sử dụng chất kích thích, một hình phạt mà tổng thống Vladimir Putin xem là «bất công».
Cơ quan chống doping thế giới (AMA) cũng thông báo đã nhận được đơn kháng cáo của Rusada và chiếu theo thủ tục hiện hành, họ sẽ nhanh chóng đưa vụ việc lên Tòa án Trọng tài Thể thao TAS. Cơ quan AMA nhắc lại là phán quyết của Tòa án Trọng tài Thể thao là quyết định cuối cùng mà mọi bên ký kết đều sẽ phải chấp hành.
Tuy nhiên, bản thân tổng giám đốc cơ quan Rusada,Yury Ganus, vẫn không đồng ý với việc kháng cáo quyết định của cơ quan AMA. Ông nhấn mạnh là làm như vậy, nước Nga đối diện với nguy cơ là các biện pháp trừng phạt sẽ nặng thêm, thay vì được giảm nhẹ.
Từ nhiều tuần qua, ông Ganus đã công khai cáo buộc chính quyền Nga có trách nhiệm trong vụ tai tiếng doping, yêu cầu tổng thống Putin phải có hành động kiên quyết đối với những người gian dối trong việc chống doping.
Hôm 09/12 vừa qua, cơ quan AMA đã quyết định cấm nước Nga tham gia các sự kiện thể thao lớn của thế giới trong 4 năm, như vậy là các vận động viên Nga sẽ không được tham gia hai thế vận hội 2020 và 2022 và các tuyển thủ Nga sẽ không được tranh Cúp Bóng đá Thế giới 2022.
Nga bị trừng phạt nặng nề như thế, vì theo AMA, Matxcơva đã giả mạo các dữ liệu về chống doping chuyển cho AMA vào đầu năm nay. Đó là diễn biến mới nhất trong vụ tai tiếng bắt đầu vào năm 2015, khi có những tiết lộ cho thấy từ năm 2011 việc sử dụng chất kích thích của các vận động viên Nga đã mang tính hệ thống, có sự tham gia của các định chế ở Nga.
Theo hãng tin AFP, đối với các vận động viên Nga, việc nước Nga bị cấm tranh tài thể thao quốc tế là một thảm họa mới, vì nước này đã không được tham gia nhiều cuộc thi đấu từ năm 2015. Nhiều người chỉ trích thái độ cứng rắn của AMA, nhưng những vận động viên khác thì cho rằng chính quyền Matxcơva phải chịu trách nhiệm về việc này.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191228-nga-kh%C3%A1ng-c%C3%A1o-quy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BB%8Bnh-c%E1%BA%A5m-tranh-t%C3%A0i-th%E1%BB%83-thao-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi

Ukraina mua hỏa tiễn chống tăng của Mỹ

Thụy My
Ukraina hôm qua 27/12/2019 loan báo đã ký hợp đồng mua hỏa tiễn chống tăng của Hoa Kỳ, trong bối cảnh Nhà Trắng chưa hết bối rối vì xì-căng-đan viện trợ quân sự dẫn đến vụ luận tội tổng thống Mỹ.
Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan cho biết thêm chi tiết:
« Bộ Quốc Phòng Ukraina vừa loan báo Kiev đã ký ba hợp đồng mua vũ khí với Hoa Kỳ, liên quan đến việc mua 150 hỏa tiễn loại Javelin chống tăng rất hiệu quả. Sau khi được giao đợt đầu tiên 210 quả vào năm 2018, Ukraina sẽ mua thêm số hỏa tiễn trị giá 40 triệu đô la, và như vậy sẽ là một trong những nước châu Âu trang bị hùng hậu nhất về loại vũ khí răn đe này.
Có điều người ta nhớ lại, trong cuộc điện đàm hôm 25 tháng Bảy, tổng thống Volodymyr Zelensky đã nói với đồng nhiệm Mỹ Donald Trump là sẽ mua thêm nhiều hỏa tiễn Javelin nữa. Ông Trump trả lời, như vậy ông có một việc nho nhỏ phải nhờ về Joe Biden. Chuyện gì xảy ra sau đó thì mọi người đều biết, tổng thống Donald Trump nay phải đối mặt với tiến trình truất phế.
Tuy vậy, dường như hợp đồng mới này không dính dáng gì đến số tiền viện trợ quân sự 300 triệu đô la dành cho Ukraina từng bị ông Trump tạm hoãn. Việc mua hỏa tiễn Javelin đã được thương lượng trước khi xảy ra xì-căng-đan trên. Nhà Trắng vẫn cố gắng rửa sạch bùn nhơ, có lẽ một phần vì thế mà ngày 3 tháng Giêng tới, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ đến thăm và làm việc với Ukraina ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191228-ukraina-mua-h%E1%BB%8Fa-ti%E1%BB%85n-ch%E1%BB%91ng-t%C4%83ng-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9

Nguyên soái Jozef Pilsudski

đã bảo vệ độc lập Ba Lan ra sao?

Nguyễn Giang bbcvietnamese.com
Nói đến lịch sử Ba Lan thế kỷ 20 không thể không nói đến Nguyên soái Jozef Pilsudski, người anh hùng đem lại độc lập cho người Ba Lan năm 1918, sau hơn 120 năm mất nước.
Nhân 30 năm Ba Lan chuyển sang thể chế dân chủ, tách khỏi quỹ đạo của Liên Xô và ý thức hệ đại Slavơ mà Nga luôn chủ trương, tôi có dịp về thăm lại Warsaw và làm phóng sự cho BBC.
Thăm tượng Pilsudski ở Warsaw tôi thấy có cả một cuộc triển lãm về cuộc đời ông, người được Ba Lan tôn là anh hùng dân tộc.
Nhưng tư tưởng của Pilsudski là gì? Ông có phải là người chỉ theo chủ nghĩa dân tộc Ba Lan bảo thủ? Vai trò quốc tế của ông có gì không và chiến thắng năm 1920 chống Nga của ông có tác động gì bên ngoài châu Âu không?
Ông Putin đột nhiên nổi giận với Ba Lan
Trận Ba Lan thắng Hồng quân năm 1920
Tranh cãi về trận Liên Xô đánh Ba Lan
Cuộc triển lãm tôi xem tháng 10/2019 ở Warsaw không đem lại nhiều câu trả lời, nhưng tìm hiểu các tài liệu lịch sử ta sẽ thấy một Jozef Pilsudski (1867-1935) có viễn kiến quốc tế hơn là hình ảnh một lãnh đạo quân sự Ba Lan.
Đồng chí với anh trai Lenin
Sinh ra trong gia đình quý tộc gốc Lithuania tại Zulow khi Ba Lan thuộc Đế chế Nga (1795-1918), ông là thần dân của vua Nga.
Ngay từ hồi còn học trường y ở Kharkov, Jozef Pilsudski đã tham gia hoạt động chống chính quyền.
Bị đuổi học năm 1886, ông tham gia nhóm thanh niên của đảng Xã hội Nga và can dự vào âm mưu giết vua cùng nhóm Ý dân của Alexander Ulyanov, anh trai của Vladimir (Lenin).
So sánh hai nguyên soái Zhukov và Rokossovsky
Lưỡi kiếm đêm trăng 03/1945: Nhật lật Pháp
Hồ Chí Minh và những năm tháng chưa biết đến
Năm 1887, họ tổ chức ám sát Nga hoàng Alexander II ở Đại lộ Nevsky, St Petersburg nhưng thành và bị bắt.
Chính quyền xử tử Alexander Ulyanov và đầy Jozef cùng anh trai Bronislaw đi Siberia.
Bronislaw Pilsudski sau thành nhà nghiên cứu tộc Ainu ở Nhật, lấy vợ địa phương và để lại một dòng họ gốc Ba Lan ở Nhật Bản.
Jozef Pilsudski trốn tù từ Siberia về châu Âu, lập ra đảng Xã hội chủ nghĩa Ba Lan và Lithuania (1892).
Ra tờ báo ‘Robotnik’ (Người công nhân), ông hô hào mở cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đánh vào chế độ phong kiến Nga, Áo, Đức.
Sau khi vượt ngục lần hai ở St Peterburg (1901), ông đã sang Nhật Bản để cầu viện (1904).
Quan điểm của ông khá giống Lenin là để làm cách mạng thắng lợi thì cần hợp tác với bất cứ ai.
Nhưng Nhật Bản, đối thủ của Đế quốc Nga, không giúp Pilsudski trong kế hoạch quân sự của ông nhằm phục hồi độc lập cho Ba Lan.
Năm 1905, Pilsudski bỏ đảng Xã hội Nga vì đảng này không ủng hộ Ba Lan độc lập trong tương lai.
Năm 1908, Pilsudski lập ra một hội đoàn hoạt động quân sự, chờ thời phục quốc.
Năm 1910 ông vận động đế quốc Áo-Hung giúp đỡ để nhóm này biến thành Hội Xạ thủ Ba Lan (Union of Riflemen).
Đây là trường quân chính nhằm đào tạo các sỹ quan cho quân đội Ba Lan độc lập trong tương lai.
Ba Lan bị Đức, Nga, và Áo-Hung chia ba nên hục hặc giữa các nước chiếm đóng là cơ hội để người Ba Lan giành độc lập.
Năm 1914 tại Paris, Jozef Pilsudski dự báo rằng Thế chiến sẽ nổ ra và trật tự cũ: các đế quốc Nga, Đức, Áo-Hung sẽ đến thời cáo chung.
Lời tiên tri của ông thành sự thật, đem lại cho Pilsudski uy tín lớn ở châu Âu.
Lúc Thế chiến I bùng nổ, Pilsudski đã có ba trung đoàn Ba Lan để chiến đấu chống Nga dưới cờ Áo-Hung.
Năm 1916, hoàng đế Đức Wilhelm II và Hoàng đế Áo-Hung Franz Joseph I tuyên bố cho Ba Lan độc lập.
Nhưng Pilsudski coi đó là độc lập giả hiệu nhằm lôi cuốn người Ba Lan giúp hai đế quốc nói tiếng Đức.
Chính quyền Đức bắt giam Pilsudski vào ngục ở Magdeburg năm 1917.
Các nhóm vũ trang Ba Lan mà Pilsudski lập bị tước vũ khí, hoặc phải chiến đấu đơn lẻ, đối mặt với cả Đức, Áo-Hung, hoặc Nga.
Ở Tây Âu, người Ba Lan sống tại Pháp, Ý lập các đơn vị vũ trang vì độc lập.
Chính phủ Cộng hòa Pháp đã hỗ trợ họ lập quân đội áo xanh Ba Lan (Polish Blue Army).
Năm 1918, vấn đề Ba Lan được Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đưa vào thương thảo đình chiến, buộc châu Âu công nhận độc lập cho Ba Lan.
Tháng 11/1918, sau khi Thế chiến kết thúc, Pilsudski về nước, được chào đón như người anh hùng.
Ông làm quốc trưởng và tổng tư lệnh quân đội Ba Lan trong Nền Cộng hòa II.
Thua ở Ba Lan năm 1920, Nga chuyển lửa sang châu Á
Sang năm 1919, nước Nga Bolshevik và Ba Lan đã giao tranh giành quyền kiểm soát thành phố Vilnius sau khi quân Đức rút đi.
Sau khi lực lượng của dân Ba Lan trong thành phố thất bại, Vilnius bị quân Nga chiếm.
Nguyên soái Pilsudski đã mở cuộc tập kích ngoại mục giải vây thắng lợi cho Vilnius.
Ngay sau đó, ông chọn giải pháp giúp phe dân tộc chủ nghĩa Ukraine của tướng Symon Petlyura chống lại Hồng quân Nga.
Thù trong giặc ngoài khiến ban lãnh đạo Nga muốn phá thế bị bao vây.
Một hướng tiến công là nhắm vào Ba Lan, “cây cầu đỏ” (red bridge) để chuyển ngọn lửa cách mạng sang châu Âu.
Như lời tư lệnh Hồng quân Leon Trotsky nói, “hoặc cách mạng Nga tạo ra phong trào cách mạng châu Âu, hoặc bị các thế lực châu Âu xóa sổ” (either the Russian Revolution will create a revolutionary movement in Europe, or the European powers will destroy the Russian Revolution).
Lenin tin rằng nền đệ nhị cộng hòa Ba Lan (1918-1939) là chế độ của giới quý tộc, tư sản sắp bị công nông vùng lên lật đổ.
Hơn 200 nghìn quân, gồm kỵ binh Konarmiya của Mikhail Tukhachevsky và các sư đoàn hùng hậu của Semyon Budyonny nhằm Warsaw thẳng tiến.
Nhưng không hề có cuộc khởi nghĩa của giai cấp công nhân nào nổ ra ở Ba Lan.
Trái lại, uy tín của Pilsudski, cựu lãnh tụ đảng Xã hội chủ nghĩa, đã thu hút công nhân Ba Lan vào quân đội bảo vệ tổ quốc.
Ba Lan, với sự hỗ trợ của Pháp, Mỹ, đánh bại quân Nga năm 1920-21.
Pilsudski đồng ý ký với Lenin Hòa ước Riga, chia lại biên giới và đảm bảo hòa bình trong nhiều năm sau.
Cùng lúc, một ‘vành đai vệ sinh (cordon sanitaire) được lập ra ở châu Âu để chặn chủ nghĩa cộng sản lan sang.
Đây là lý do khiến Lenin quay sang phía Đông, đưa chủ nghĩa Bolshevik tới Trung Quốc.
Con đường sang Trung Hoa
Quốc tế Cộng sản, theo lời Leon Trotsky, sẽ “mở ra con đường đến Paris, London” qua ngả Afghanistan, Punjab, Bengal và Trung Hoa.
Mikhail Borodin, đại diện của Quốc tế Cộng sản được cử tới Quảng Châu để giúp chính phủ Tôn Trung Sơn.
Liên Xô trang bị vũ khí cho 300 nghìn quân Quốc Dân Đảng ở Quảng Đông để chinh phục Trung Quốc.
Từ đó, chúng ta thấy xuất hiện một loạt các nhân vật nổi tiếng sau này ở châu Á như Tưởng Giới Thạch, Chu Ân Lai, Hồ Chí Minh.
Pilsudski không phải là nhà tư tưởng nhưng đã để lại nhiều quan sát có giá trị về chủ nghĩa dân tộc và vấn đề giai cấp.
Năm 1919, trả lời phỏng vấn Journal de Geneve, Pilsudski nói công nhân Ba Lan “theo chủ nghĩa xã hội, nhưng trước hết họ là những người Ba Lan yêu nước, xa lạ với chủ nghĩa Bolshevik”.
Theo ông, chủ nghĩa Bolshevik mang tính “báo thù giai cấp” nên chỉ có đất dụng võ ở vùng sâu, lạc hậu, nghèo khổ nhất của nước Nga.
Sang đến vùng biển Baltic và Đông Âu, nó không còn tính hấp dẫn với người dân.
Jozef Pilsudski qua đời năm 1935, sau khi bác bỏ đề nghị liên minh với Đức mà Hitler rất muốn, để chống lại Liên Xô.
Ông từng gọi Hitler là “tên côn đồ nguy hiểm” và đề xuất cùng Pháp tấn công Đức.
Thế nhưng ý tưởng đó bị Paris bác bỏ, khiến châu Âu mất cơ hội xóa chủ nghĩa phát-xít từ sớm.
Ngày nay nhìn lại, ông Pilsudski cũng bị phê phán về phong cách lãnh đạo độc đoán vì cho quân đội làm đảo chính năm 1926.
Ngoài ra, ông đã tập trung nhiều vào quân sự mà không kịp đầu tư vào công nghệ và kinh tế.
Hậu quả là nước Ba Lan nghèo, lạc hậu hơn các quốc gia trong vùng, kể cả về vũ khí, nên phải dựa vào đồng minh Pháp, Anh.
Cuối cùng, Ba Lan bị Stalin cùng Hitler tiến chiếm, chia cắt năm 1939.
Tuy thế, Pilsudski cũng đã tiên đoán Ba Lan sẽ bị cả Hitler và Stalin tấn công từ hai phía.
Vị nguyên soái nói với người Ba Lan ngay từ đầu những năm 1930:
“Chúng sẽ đánh, và tôi chỉ tạm giữ được bánh xe lịch sử một chốc lát.”
Năm 1939, Ba Lan một lần nữa xóa tên khỏi bản đồ và sau 1945 thì rơi vào quỹ đạo của Liên Xô.
Phải đến 1989, nước này mới giành lại độc lập tự chủ toàn bộ.
Năm 1995, Warsaw dựng tượng Pilsudski ở Quảng trường mang tên ông.
Hàng ngày, Pilsudski nhìn xuống đài tưởng niệm Chiến sỹ vô danh, nơi có ngọn lửa không bao giờ tắt.
Chính trị Ba Lan ngày nay lại thiên về phía hữu và các nhóm chính khách đua nhau nhận là “người kế tục” của vị nguyên soái.
Nhưng tầm nhìn và phạm vi ảnh hưởng của họ xem ra hạn hẹp hơn nhiều so với Pilsudski 100 năm về trước.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50492488

Đánh bom bằng xe tải

giết chết ít nhất 90 người ở thủ đô Somalia

Ít nhất 90 người thiệt mạng khi một chiếc xe tải chở bom phát nổ tại một trạm kiểm soát đông người và xe ở thủ đô Mogadishu của Somalia hôm thứ Bảy 28/12, một tổ chức quốc tế hoạt động ở nước này cho biết.
Đây là vụ tấn công nguy hiểm nhất trong vòng hơn hai năm qua.
Thứ bảy là ngày làm việc ở đất nước Hồi giáo và vụ nổ xảy ra vào giờ cao điểm trong buổi sáng.
Tổ chức quốc tế không muốn nêu tên cho biết số người chết là hơn 90, trong đó có các sinh viên đại học và 17 cảnh sát viên.
Không có phe phái nào nhận trách nhiệm ngay về vụ nổ, nhưng thị trưởng thành phố quy trách nhiệm cho nhóm Hồi giáo al Shabaab có liên kết với al Qaeda.
Nhóm này thường thực hiện các cuộc tấn công như vậy nhằm làm suy yếu chính phủ được đội quân gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và Liên hiệp châu Phi hậu thuẫn.
Vụ tấn công chết chóc nhất bị quy cho al Shabaab xảy ra hồi tháng 10 năm 2017 khi một chiếc xe tải chở bom phát nổ bên cạnh một xe bồn chở nhiên liệu ở Mogadishu, tạo ra quả cầu lửa khiến gần 600 người thiệt mạng.
Nhóm này đôi khi không nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công gây ra phản ứng dữ dội của công chúng, chẳng hạn như vụ đánh bom tự sát năm 2009 trong một buổi lễ tốt nghiệp của các sinh viên y khoa.
Một số cuộc tấn công trong năm nay, bao gồm cả cuộc tấn công hồi tháng 9 tại một căn cứ có lính đặc nhiệm Mỹ huấn luyện cho lính biệt kích Somalia, cho thấy nhóm này duy trì một mạng lưới tình báo hiệu quả cao và có thể thực hiện các hoạt động chết chóc và đôi khi khá tinh vi, các nhà phân tích nhận xét.
(Reuters)
https://www.voatiengviet.com/a/danh-bom-xe-tai-giet-chet-it-nhat-90-nguoi-o-somalia/5223424.html

Kim Jong Un tính sai về ông Trump?

Một số chuyên gia cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang tính toán sai nguy hiểm, đặc biệt nếu ông tin có thể tác động đến cơ hội tái cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Triều Tiên đã đưa ra hạn chót vào cuối năm 2019 để Mỹ nhượng bộ trong đàm phán hạt nhân, và cảnh báo Washington sẽ nhận được “món quà Giáng sinh” đáng sợ. Nhiều người cho rằng, món quà đó có thể là một vụ thử tên lửa tầm xa mà nguy cơ sẽ làm đảo lộn 2 năm ngoại giao vừa qua giữa lãnh đạo hai nước.
Các động thái kể trên chứng tỏ Kim Jong Un tin mình có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn, có lẽ vì ông thấy chủ nhân Nhà Trắng đang suy yếu vì bị luận tội trong khi chiến dịch tái tranh cử tổng thống Mỹ sắp bước vào giai đoạn căng thẳng.
Donald Trump, vốn luôn mô tả sự tiếp cận của mình với lãnh đạo Triều Tiên là một chiến thắng lớn về chính sách đối ngoại, đã nhiều lần liên kết trực tiếp Triều Tiên với các cơ hội tái cử của ông năm 2020, dù rất ít dấu hiệu cho thấy đó là một vấn đề quan trọng đối với cử tri Mỹ.
Triều Tiên không đe dọa rõ ràng là sẽ can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ. Tuy nhiên, báo chí nước này cáo buộc Washington cố tình kéo dài các cuộc đàm phán hạt nhân nhằm bảo vệ chiến thắng đối ngoại của ông Trump trong trong mùa bầu cử. Giới chức ở Bình Nhưỡng còn tố ông Trump “khó tính” và hẳn phải “đang hoảng sợ tột độ” về những gì Bình Nhưỡng sắp làm sau thời hạn chót cuối năm 2019.
“Họ thực sự tin mình có có thể gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11″, VOA News dẫn lời Bong Young-shik, giảng viên trường Đại học Sogang ở Seoul. “Người Triều Tiên nghĩ thế giới đang xoay quanh nước mình… Đây là một tính toán lầm và hiểu sai rất đáng tiếc”.
Sự tự tin thái quá của Triều Tiên có lẽ bắt nguồn từ chính Tổng thống Trump, người nhiều lần mô tả các cuộc đàm phán hạt nhân đang sa lầy với Bình Nhưỡng đã là thành công. Sau hội nghị đầu tiên của ông với Kim Jong Un năm 2018, ông Trump tuyên bố chấn động: Không còn Mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên nữa. Thực tế, Bình Nhưỡng chưa từng nhất trí từ bỏ vũ khí hạt nhân và vẫn đang tăng cường đạn dược, theo các chuyên gia.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm cũng đặt niềm tin vào lệnh dừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa mà Triều Tiên tự áp đặt. Do vậy, bằng cách dọa bỏ lệnh dừng này, Kim Jong Un dường như đang cố gắng tăng cường đòn bẩy cho mình.
Đầu tháng 12, ông Trump thẳng thừng cảnh báo lãnh đạo Triều Tiên không hành động khiêu khích trong lúc chiến dịch tranh cử tổng thống đang diễn ra ở Mỹ. “Tôi rất ngạc nhiên nếu Triều Tiên hành động thù địch”, ông Trump nói. “Ông ấy biết tôi có một cuộc bầu cử sắp tới. Tôi không nghĩ ông ấy muốn can thiệp, nhưng chúng ta sẽ phải chờ xem”.
Thông điệp của ông Trump dường như tạo cho Kim Jong Un thêm lực đẩy mà nhiều người tin rằng ông này đang thiếu. Các cuộc thăm dò từ lâu đều cho thấy các vấn đề trong nước, chứ không phải đối ngoại, là điều quan trọng nhất trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chỉ 3% các cử tri Mỹ đăng ký bỏ phiếu nói chính sách đối ngoại là vấn đề hàng đầu mà nước này phải đối mặt theo một cuộc khảo sát của RealClearPolitics hồi tháng 5. Y tế, kinh tế, nhập cư, giáo dục và môi trường được cử tri quan tâm hơn nhiều.
Còn theo kết quả thăm dò sau bỏ phiếu bầu tổng thống năm 2016, chỉ 13% cử tri nói chính sách đối ngoại là vấn đề quan trọng hơn cả. Trước đó, thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, đa số cử tri cho rằng Hillary Clinton – người thất bại trước ông Trump – sẽ có những quyết định về đối ngoại tốt hơn.
“Triều Tiên nằm rất thấp trong danh sách các vấn đề then chốt quyết định cuộc bầu cử tới đây”, giáo sư John Delury thuộc Đại học Yonsei ở Seoul, đánh giá. Dựa theo các cuộc trò chuyện với người Triều Tiên, giáo sư Delury nhất trí rằng chính quyền Kim Jong Un có thể đang nghĩ họ có thể làm lung lay cử tri Mỹ bằng cách khuấy động căng thẳng trong mùa bầu cử. Ông cảnh báo đó là sự toan tính sai nghiêm trọng.
“Sự khiêu khích ở giai đoạn này sẽ dẫn tới một phản ứng thông thường, an ninh, hoặc thậm chí quân sự, và họ sẽ phải ngạc nhiên vì đã nghĩ mình có thể can thiệp vào chính trị nội bộ của Mỹ, mà thật ra không phải vậy. Mọi người đều biết cuộc bầu cử không phải về Triều Tiên”, ông Delury nhận định thêm.
Trong năm 2017, ông Trump và ông Kim nhiều lần đấu khẩu về biệt danh và đe dọa chiến tranh hạt nhân. Có lúc, ông Trump còn dọa “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên. Có thông tin cho rằng chính quyền Trump từng cân nhắc một cuộc tấn công quân sự phủ đầu trong nỗ lực được mô tả là ngăn chặn Bình Nhưỡng khiêu khích thêm nữa.
Đến nay, ông Trump không để ý đến thời hạn cuối năm 2019 mà Kim Jong Un đặt ra cho Mỹ. Ông hiếm khi nhắc đến Triều Tiên trong thời gian qua. Nhưng có lẽ nhà lãnh đạo Mỹ cũng không đón chào bất kỳ lời nhắc nhở nào rằng chính sách Triều Tiên của ông không khiến cho Kim Jong Un từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Hiện chưa rõ Tổng thống Trump sẽ phản ứng thế nào với một hành động khiêu khích lớn của Bình Nhưỡng, chẳng hạn một vụ thử tên lửa tầm xa. Một số quan chức Mỹ cấp cao tuyên bố, họ đang theo dõi Triều Tiên sát sao trong những ngày tiến đến hạn chót. Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tuần trước thừa nhận các mối đe dọa từ Triều Tiên và khẳng định Mỹ “sẵn sàng cho bất cứ điều gì”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32356-kim-jong-un-tinh-sai-ve-ong-trump.html

Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc bác bỏ khiếu nại

của ”các phụ nữ giải sầu”

Trọng Thành
Hôm qua, 27/12/2019, Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc ra phán quyết bác bỏ khiếu nại của các nạn nhân tình dục của quân đội đế quốc Nhật trong Thế Chiến Hai. Những người khiếu nại đã yêu cầu Tòa bãi bỏ thỏa thuận 2015 Hàn – Nhật.
Theo bên khiếu nại, chính phủ của bà Park Geun-hye đã không tham khảo ý kiến của các nạn nhân trước khi ký kết thỏa thuận này. Trong cuộc hội đàm ba bên Hàn – Nhật – Trung, hôm thứ Ba, 24/12, tại Trung Quốc, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhiều lần lên án thỏa thuận 2015 là ”bất công”.
Thông tín viên Louis Palliagiano tường trình từ Seoul :
Sau gần 4 năm xem xét, Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc cuối cùng đã ra quyết định : Thỏa thuận năm 2015 giữa chính quyền của bà Park Guen-Hye, tổng thống Hàn Quốc vào thời điểm đó, và chính phủ Nhật, để giải quyết ”một cách dứt khoát và không thể đảo ngược” vấn đề ”các phụ nữ giải sầu”, là mang tính ”chính trị”. Và như vậy không mang tính bắt buộc về mặt pháp lý.
Toàn bộ các thẩm phán đã nhất trí đưa ra phán quyết này, để đáp lại một khiếu nại do 29 nạn nhân của nạn nô lệ tình dục của quân đội Nhật thời chiến tranh, cùng 12 thân nhân. Những người khiếu nại coi thỏa thuận 2015 vi phạm các quyền căn bản của ”các phụ nữ giải sầu”. Họ yêu cầu Tokyo phải có những lời xin lỗi chân thành và phải chịu trách nhiệm pháp lý về các tội ác này.
Thỏa ước ký vào tháng 12/2015 dự kiến lập ra một quỹ hổ trợ các nạn nhân hiện còn sống. Tokyo đóng góp 1 tỉ yen, tương đương 8 triệu euro. Tuy nhiên, chính quyền của tổng thống Moon Jae-in, theo quan điểm tự do, khẳng định thỏa thuận này là ”sai lầm nghiêm trọng” và ra lệnh giải thể quỹ nói trên vào năm ngoái. Nhật Bản phản đối, khẳng định đây là một hành động vi phạm thỏa thuận.
Ước tính, đã có đến 200 .000 phụ nữ, đa số là người Triều Tiên, bị buộc phải làm việc trong các nhà thổ của quân đội để phục vụ binh sĩ Nhật Hoàng trong thời gian Thế Chiến Hai. Hiện chỉ còn 20 phụ nữ Triều Tiên trong số các nạn nhân là còn sống”.
Phán quyết của Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc rất được trông đợi, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao Hàn – Nhật đang đặc biệt căng thẳng kể từ mùa hè đến nay. Việc đền bù cho các nạn nhân Hàn Quốc trong thời gian Triều Tiên bị Nhật Bản đô hộ, đặc biệt là các phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục, thường được gọi bằng uyển ngữ ”phụ nữ giải sầu”, vẫn luôn là chủ đề nhức nhối trong quan hệ song phương.
Tháng 7/2017, Seoul quyết định xây dựng một bảo tàng ở trung tâm thủ đô Hàn Quốc để tưởng niệm hàng trăm ngàn phụ nữ, từng là nạn nhân tình dục của quân đội Nhật Bản thời đế quốc. Theo bộ trưởng bộ Bình Đẳng Giới Hàn Quốc, mục đích là xây dựng một bảo tàng, một ”một điểm hành hương”, để tưởng nhớ và nhắc nhở về những vi phạm nhân quyền trong chiến tranh.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191228-t%C3%B2a-b%E1%BA%A3o-hi%E1%BA%BFn-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-b%C3%A1c-b%E1%BB%8F-khi%E1%BA%BFu-n%E1%BA%A1i-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1c-ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF-gi%E1%BA%A3i-s%E1%BA%A7u

Tổng thống Đài Loan khẳng định

đảo quốc cần có đạo luật chống phá hoại ngầm

để đối phó Trung Cộng

Tin Đài Bắc, Đài Loan – Theo bản tin từ Reuters, Tổng Thống Thái Anh Văn vào thứ Sáu, 27 tháng 12, nói rằng Đài Loan cần phải nhanh chóng phê chuẩn dự luật chống các hoạt động phá ngoại ngầm, nhằm đối phó với các nỗ lực xâm nhập của Trung Cộng. Dự luật này là một trong các hành động của Đài Loan nhằm chống lại điều mà nước này gọi là các nỗ lực của Trung Cộng nhằm gây ảnh hưởng chính trị và nền dân chủ, thông qua việc tài trợ trái phép cho các chính trị gia, giới truyền thông, và các phương pháp bất chính khác.
Đảng cầm quyền DPP tại Đài Loan vừa bắt đầu chiến dịch vận động cho dự luật mới, vào trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 11 tháng 1. Dự luật chống phá hoại dự kiến sẽ được đưa ra tranh luận vào thứ Ba tới, và có thể sẽ được phê chuẩn ngay trong ngày. Trong bài diễn văn trên truyền hình, Tổng Thống Thái Anh Văn nói dự luật là nhằm đối phó với sự phá hoại ngầm từ Trung Cộng, vốn không dễ thấy như các hành động đe dọa rõ ràng như việc hàng không mẫu hạm Sơn Đông đi qua eo biển Đài Loan vào thứ Năm. Đảng đối lập chính tại Đài Loan, là Quốc Dân đảng, vốn có lập trường thân Trung Cộng, gọi dự luật mới là công cụ chính trị của bà Thái và đảng DPP nhằm thu hút cử tri, đồng thời cho rằng dự luật mới sẽ chỉ hình sự hóa các trao đổi thông thường với Bắc Kinh. Phòng sự vụ Đài Loan của Trung Cộng trong tuần này cũng chỉ trích dự luật, nói rằng đảng DPP đang cố gắng đảo ngược một cách trắng trợn nền dân chủ và gia tăng sự thù địch.
Đáp lại, Tổng Thống Thái Anh Văn gọi Bắc Kinh là đạo đức giả, khi một quốc gia thiếu dân chủ và nhân quyền như Trung Cộng lại dùng từ dân chủ để chỉ trích đạo luật của Đài Loan.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/tong-thong-dai-loan-khang-dinh-dao-quoc-can-co-dao-luat-chong-pha-hoai-ngam-de-doi-pho-trung-cong/

Người biểu tình ở Hồng Kông lên kế hoạch

cho cuộc biểu tình lớn

sau ba ngày lễ Giáng Sinh hỗn loạn

Vào hôm thứ Năm (26/12), những người biểu tình chống chính phủ Hồng Kông kết thúc ngày biểu tình và đụng độ Giáng sinh thứ ba liên tiếp với cảnh sát, dẫn đến tổng cộng hơn 310 vụ bắt giữ, nhưng tuyên bố sẽ quay trở lại đường phố để thực hiện một cuộc biểu tình hàng loạt vào ngày 1 tháng 1 năm mới.
Chính phủ ban hành ba tuyên bố với lời lẽ mạnh mẽ trong khoảng thời gian 24 giờ để bác bỏ các cáo buộc của các nhóm hoạt động và truyền thông phương Tây về “sự tàn bạo của cảnh sát” và “sự đàn áp của chính phủ”, sau khi hơi cay và bình xịt hơi cay được sử dụng trong đêm Giáng sinh, để giải tán những người biểu tình. Cảnh sát chống bạo động làm việc toàn lực vào hôm thứ năm, với các cảnh sát phun thuốc nhuộm màu xanh và khống chế một số người biểu tình ở Tai Po khi nhiều nhóm cũng tập trung tại Causeway Bay, Mong Kok, Tsim Sha Tsui và Tuen Mun. Cảnh sát cho biết họ bắt giữ hơn 310 người biểu tình trong khoảng thời gian từ thứ Ba đến thứ Năm, 165 người trong số họ vào đêm Giáng sinh, trong đó có 105 người gần trụ sở của Lực lượng ở Wan Chai, vì bị tình nghi tham gia vào một cuộc tụ tập bất hợp pháp.
Một người biểu tình 19 tuổi bị thương sau khi nhảy qua lan can từ tầng một xuống tầng trệt của trung tâm mua sắm Yoho ở Yuen Long để tránh bị bắt ngày hôm đó.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nguoi-bieu-tinh-o-hong-kong-len-ke-hoach-cho-cuoc-bieu-tinh-lon-sau-ba-ngay-le-giang-sinh-hon-loan/

Đại dự án chuyển nước thỏa tham vọng của TQ

Trung Quốc xây dựng hệ thống chuyển nước lớn nhất thế giới nhằm đưa nước tới miền bắc khô hạn, nhưng dự án vấp phải nhiều chỉ trích.
Trong năm hạn hán 2017, hầu hết nước uống ở thủ đô Bắc Kinh được vận chuyển qua quãng đường dài 1.432 km, bắt đầu từ hồ chứa Đan Giang Khẩu ở vùng núi hẻo lánh, trập trùng, miền trung Trung Quốc. Mất 15 ngày để nước chảy về phía bắc bằng kênh đào và ống dẫn xuyên qua sông Hoàng Hà, tới các nhà máy xử lý ở Bắc Kinh. 2/3 nước máy và 1/3 tổng nguồn cung nước ở thủ đô Trung Quốc đến từ Đan Giang Khẩu.
Mùa đông và xuân năm 2018 là giai đoạn hạn hán kéo dài kỷ lục từng được ghi nhận ở thủ đô. Khi đó, hồ chứa nước này tiếp tục là “cứu tinh”. Không có mưa hay tuyết rơi ở Bắc Kinh suốt 5 tháng, nhưng thủ đô Trung Quốc không bị gián đoạn nguồn cung cấp nước. Còn tại tỉnh Sơn Tây, chính quyền địa phương phải đưa ra định mức khẩu phần nước.
Chính quyền Trung Quốc rất hài lòng với dự án này, dù tốn kém và vấp phải nhiều chỉ trích.
Chuyển nước Nam – Bắc là dự án phát triển cơ sở hạ tầng thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Đây là hành trình vận chuyển nước lớn nhất giữa các lưu vực sông trong lịch sử. Phản ứng chính của Trung Quốc với mối đe dọa lớn nhất từ dự án này, không gì khác ngoài mối lo thiếu nước, bất chấp ô nhiễm môi trường.
4/5 lượng nước ở Trung Quốc nằm ở miền nam, nơi nửa số dân sinh sống. Nhưng ở miền bắc, 11 tỉnh có mức nước bình quân đầu người ít hơn 1.000 mét khối một năm, được xem là tình trạng khủng hoảng nước theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có 8 tỉnh có mức nước bình quân chỉ bằng nửa con số này.
4 trong 5 tỉnh khô cằn nhất là những nơi sản xuất nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc, tạo ra 45% GDP và nửa lượng điện năng. Không quá lời nếu nói rằng tương lai nền kinh tế Trung Quốc đang bị đe dọa vì thiếu nước.
Trở lại 1952, năm cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông kết luận rằng “miền nam dồi dào nước, miền bắc ít hơn nhiều, nếu có thể, miền bắc nên mượn một chút”. Dự án được thực hiện bằng cách liên kết sông Dương Tử ở miền nam tới các khu vực thiếu nước ở miền bắc. Kênh chuyển nước giữa Bắc Kinh và Đan Giang Khẩu nằm trên một nhánh sông Dương Tử, vận hành từ năm 2014.
Một tuyến khác ở phía đông, hoạt động từ năm 2013, sử dụng kênh đào Đại Vận Hà cổ xưa, nối Hàng Châu với Bắc Kinh. Đại Vận Hà là thành tựu thủy văn vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Kênh đào thứ ba được lên kế hoạch chuyển nước từ cao nguyên Tây Tạng, nhưng khu vực này dễ động đất và sạt lở, khiến dự án bị hoãn vô thời hạn.
Toàn bộ dự án, nếu hoàn thành, sẽ vận chuyển 45 tỷ mét khối nước, bằng khoảng 7% lượng nước tiêu thụ của Trung Quốc. Hai kênh dẫn nước đang hoạt động có thể chuyển được 25 tỷ mét khối nước hàng năm từ nam lên bắc. Cho đến nay, các dự án tiêu tốn chi phí lớn, khoảng 300 tỷ nhân dân tệ (48 tỷ USD), gấp đôi dự tính ban đầu, theo Zhang Jiyao, giám đốc đầu tiên của dự án.
Dự án gây tranh cãi từ ban đầu. Trong một chỉ trích công khai hiếm hoi, Qiu Baoxing, thứ trưởng phụ trách nhà ở của Trung Quốc, cho rằng dự án khó duy trì và không cần thiết vì chỉ dẫn đến lãng phí tài nguyên nước.
Ma Jun, chuyên gia môi trường hàng đầu của Trung Quốc, cảnh báo dự án sẽ làm gia tăng ô nhiễm, vốn đã xấu đi ở Trung Quốc và chỉ khiến các thành phố phía bắc sử dụng nước một cách vô tâm hơn. Ông nghĩ rằng họ đã rút cạn nước ngầm vì biết rằng các vùng ngập lụt phía nam sẽ cung cấp cho họ nước sử dụng.
Giới chức gạt bỏ các cáo buộc, tuyên bố dự án thành công mỹ mãn trong năm đầu tiên hoạt động. Hơn 50 triệu người được cung cấp nước từ dự án, theo Bộ Nguồn nước Trung Quốc. Mức giảm mực nước dưới lòng đất Bắc Kinh, vốn ở mức báo động 1-3 mét do hoạt động bơm nước giếng, đã chậm lại.
Dự án giúp phục hồi các hệ sinh thái bị xói mòn nghiêm trọng lân cận, như hồ Juyanhai ở Nội Mông, khu vực trở nên khô cằn hơn từ năm 1992. Dự án được kỳ vọng làm GDP tăng 0,1-0,3 điểm phần trăm, nhờ khôi phục lại các hoạt động kinh tế từng bị hạn chế vì thiếu nước. Nhưng các lợi ích này khó đo đếm được.
Trên thực tế, dự án chưa giải quyết triệt để tình trạng thiếu nước của Bắc Kinh. Bắc Kinh sử dụng khoảng 3,6 tỷ m3 nước mỗi năm. Thủ đô có 2,1 tỷ m3 nước trong các hồ chứa, sông ngòi địa phương, cộng với
1,1 tỷ m3 nước từ kênh chuyển nước. Như vậy, Bắc Kinh chưa giải quyết được tình trạng thiếu nước, buộc phải bù đắp bằng nước ngầm.
Khi dân số gia tăng và kinh tế phát triển, mức tiêu thụ nước của Bắc Kinh có thể tăng lên hơn 4 tỷ m3 vào 2020. Nếu điều đó xảy ra, giả thuyết kế hoạch chuyển nước vận hành như dự kiến, chỉ 2/3 lượng nước thiếu hụt được đáp ứng.
Ở khu vực miền bắc, nhu cầu nước dự kiến tăng lên 200 tỷ m3 vào năm 2050, theo ước tính của chính phủ. Hai kênh dẫn nước đang hoạt động chỉ đáp ứng được 1/8 số này. Tóm lại, dự án chuyển nước sẽ không giải quyết được tình trạng thiếu nước ở miền bắc Trung Quốc ngay cả khi được vận hành đúng kế hoạch.
Thực tế không như vậy. Dự kiến, một năm 9,5 tỷ m3 nước sẽ chảy qua kênh dẫn nước trung tâm. Nhưng giới chức ở thượng nguồn Đan Giang Khẩu nói rằng chưa đến nửa lượng nước dự kiến khai thác được chuyển đi từ hồ chứa trong năm 2017, một phần do giá nước hồ chứa cao và nhu cầu thấp hơn kỳ vọng.
Ngoài ra, hồ chứa tương đối nhỏ, dung tích đạt 29 tỷ m3. Các kỹ sư lo ngại nếu chuyển 1/3 lượng nước hồ đi mỗi năm sẽ làm khuấy động khối bùn khổng lồ dưới lòng hồ. Bắc Kinh vẫn nhận được lượng nước như hứa hẹn, nhưng các tỉnh lân cận chỉ nhận được 1/3.
Khi dự án được thiết kế, giới chức tuyên bố toàn bộ miền bắc sẽ được hưởng lợi, nhưng dự án trên thực tế dường như chỉ đem lại lợi ích cho Bắc Kinh. Bắc Kinh là một trong những nơi giàu có nhất của Trung Quốc trong khi khu vực quanh hồ chứa thì ngược lại. Nhiều người chỉ trích dự án đã “lấy của người nghèo chia cho người giàu”.
Hai kênh đào trung tâm và phía đông trong dự án chuyển nước Nam – Bắc nối từ sông Dương Tử lên miền bắc, trong khi kênh phía tây đang bị trì hoãn. Đồ họa: Economist.
Hai kênh đào trung tâm và phía đông trong dự án chuyển nước Nam – Bắc nối từ sông Dương Tử lên miền bắc, trong khi kênh phía tây đang bị trì hoãn. Đồ họa: Economist.
Do hoạt động dưới công suất, dự án được cho là ít gây ra thiệt hại hơn. Nhưng hơn 380.000 người đã phải di dời, nhường chỗ mở rộng hồ chứa. Vì các nhà quy hoạch lo ngại ô nhiễm, nhiều ngành kinh tế dọc kênh đào và hồ chứa buộc phải ngừng hoạt động, trong đó có nền tảng chính của kinh tế Đan Giang Khẩu như nuôi trồng thủy sản và chế biến củ nghệ. Kết quả là chi phí tái định cư cao và nguồn thu thuế giảm.
Li Xuanxiu là dân tái định cư của dự án. Cô nói mình phải di dời hai lần khi chính phủ nâng mực nước hồ chứa. Zhao Keqian, dân làng lân cận, cho biết mọi người hiểu mục đích của dự án nhưng chính quyền địa phương thì không. “Chính quyền không quan tâm tới chúng tôi”, ông than phiền.
Zhao cho biết giới chức chi 450 nhân dân tệ mỗi mét vuông đền bù giải tỏa căn nhà cũ, nhưng thu 1.000 nhân dân tệ cho căn mới. Chính quyền cũng thu 40% trong số tiền trả cho việc giải tỏa, cho rằng đó là đất của nhà nước. Zhao cho rằng ông tái định cư với ngôi nhà mới, không tiền tiết kiệm, không việc làm. 600 nhân dân tệ hỗ trợ mỗi năm từ chính phủ không đủ chi tiêu.
Xuôi theo kênh đào từ Đan Giang Khẩu, vấn đề ô nhiễm dường như khó giải quyết. Bằng cách chuyển nước khỏi Dương Tử, dự án đã khiến dòng chảy sông chậm lại, giảm khả năng cuốn trôi các chất gây ô nhiễm và không duy trì được các vùng đầm lầy, vốn được xem là túi trữ nước, hạn chế lũ lụt.
Để bù đắp lượng nước lấy đi, chính quyền địa phương xây các con đập nhằm chuyển nước về lại dòng sông. Tỉnh Thiểm Tây đang xây đập trên sông Hán để chuyển nước về lại sông Ngụy, vốn cạn kiệt nước.
Nhưng dự án vấp phải chỉ trích, không chỉ tiền bạc mà còn làm xao lãng vấn đề thực sự về nước của Trung Quốc: ô nhiễm và lãng phí tài nguyên nước. Năm 2017, 1/10 mẫu nước trên sông Hoàng Hà không phù hợp tưới tiêu. Bộ Đất đai Trung Quốc cho rằng nửa lượng nước ngầm ở miền bắc quá bẩn cho hoạt động nhà máy.
Ở châu Âu, 80% nước trong công nghiệp được tái chế. Tỷ lệ này ở Trung Quốc bằng một nửa. Năm 2015, một nghiên cứu do Jon Barnett, giáo sư đại học Melbourne, thực hiện và đăng trên tạp chí Nature cho rằng Trung Quốc không cần dự án. Trung Quốc có thể tự cung cấp đủ lượng nước nếu tiết kiệm và giảm thiểu ô nhiễm.
Để được cấp tín dụng khi đến hạn, chính phủ bắt đầu tăng giá nước nhằm giảm lãng phí. Dự án đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch này. Cuối năm 2017, hệ thống thuế mới có hiệu lực ở 9/11 tỉnh thiếu nước. Nước từ dự án Chuyển nước Bắc – Nam đắt hơn tại địa phương. Việc này trên lý thuyết là nhằm khuyến khích dùng nước tiết kiệm nhưng thuế mới vẫn thấp. Chi phí chuyển nước cao hơn không do người tiêu dùng chịu mà do các chính quyền địa phương. Như vậy, dự án không ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng nước.
Ngoài ra, hạ tầng nước đô thị từ lâu không được nâng cấp. Cống thoát bị nghẽn, đường ống rò rỉ. Thay vì nỗ lực khắc phục và kiềm hãm nhu cầu sử dụng nước, Trung Quốc tập trung vào việc tăng cường nguồn cung. Hôm 12/12, giới chức Trung Quốc tuyên bố mở rộng dự án chuyển nước nhằm cung cấp nước cho tỉnh An Huy và Sơn Đông ở phía tây, cũng như các khu vực quanh Bắc Kinh.
Dự án Chuyển nước Bắc – Nam là phép thử cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông thường cho rằng Trung Quốc phải ngừng tăng trưởng một cách mù quáng bất chấp hậu quả môi trường. Ông thừa nhận lưu vực sông Dương Tử cần được bảo vệ. Trong cuộc cải tổ hồi tháng 3/2018, Bộ Môi trường đã đảm nhận vai trò giám sát dự án chuyển nước.
Zhang, giám đốc đầu tiên của dự án, từng phát biểu hồi năm 2013 rằng giải pháp cho vấn đề nguồn nước của Trung Quốc là bảo tồn.
“Dùng dự án chuyển nước để duy trì tăng trưởng kinh tế là sự bế tắc”, Zhang nói.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32313-dai-du-an-chuyen-nuoc-thoa-tham-vong-cua-tq.html

Trung Quốc lại bơm tiền để kéo tăng trưởng kinh tế

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm qua cho hay chính phủ nước này đang có kế hoạch bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng trong nước, để hỗ trợ hoạt động vay vốn cho các doanh nghiệp nhỏ, Hãng thông tấn AFP đưa tin.
Theo đó, Trung Quốc có thể tiến hành một đợt cắt giảm mới đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng hoặc hạ thấp chi phí cấp vốn và lãi suất nhằm tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế vốn đang u ám.
Năm 2019 được đánh giá là một năm kinh tế buồn đối với Bắc Kinh do tác động tiêu cực từ cuộc thương chiến Mỹ – Trung. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng với tốc độ yếu nhất trong gần ba thập niên, với GDP quý 3/2019 giảm về mức 6%.
Theo nhiều chuyên gia, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, thậm chí còn có thể “thủng đáy” 6% trong quý cuối và tiếp tục lao dốc vào đầu năm tới. Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc thúc đẩy cho vay có thể là biện pháp tạm thời để tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc lạm dụng chính sách “bơm tiền” sẽ khiến chính phủ nước này phải đối mặt với rủi ro nợ công tích tụ, kéo theo hệ lụy lâu dài.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/32309-trung-quoc-lai-bom-tien-de-keo-tang-truong-kinh-te.html

Tàu ngầm TQ gia tăng hiện diện ở vùng biển gần Ấn Độ

Biển Andaman trở thành mục tiêu mới của Bắc Kinh giữa lúc Ấn Độ phát hiện các tàu ngầm Trung Quốc gia tăng hoạt động tại đây.
Hải quân Ấn Độ hồi tháng 9 đã điều động lực lượng xua đuổi tàu khảo sát Trung Quốc Shi Yan 1 bị phát hiện đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ tại biển Andaman, nằm trong vùng 200 hải lý tính từ quần đảo Andaman và Nicobar. Giới chuyên gia cho rằng các tàu khảo sát Trung Quốc có nhiệm vụ lập bản đồ đáy đại dương nhằm phục vụ hai mục đích quân sự hoặc kinh tế.
Không chỉ tàu khảo sát, tờ The Eurasian Times dẫn lời các nguồn tin Hải quân Ấn Độ tiết lộ tàu ngầm Trung Quốc thường xuyên di chuyển đến biển Andaman. Hiện vẫn chưa rõ ý đồ thật sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá Trung Quốc muốn tiếp cận biển Andaman do khu vực này gần eo biển Malacca.
Eo biển hẹp Malacca, nối Biển Đông và Ấn Độ Dương, nằm ở “vị trí án ngữ” chiến lược đối với việc vận chuyển nhiên liệu và hàng hóa ở châu Á. Về mặt quân sự, nếu xung đột bùng nổ thì nắm rõ địa hình “vị trí án ngữ”, kiểm soát eo biển Malacca hoặc biển Andaman có thể giúp quyết định thành bại.
Trước đây, tàu chiến Trung Quốc hiếm khi xuất hiện tại khu vực này. Tuy nhiên, kể từ năm 2012, Trung Quốc thường xuyên điều tàu ngầm tuần tra ở biển Andaman và vịnh Bengal. Hải quân Ấn Độ phát hiện 3-4 tàu ngầm Trung Quốc ở khu vực này cứ mỗi 3 tháng một lần. Theo hải quân Ấn Độ, có khoảng 8-10 tàu nổi và tàu ngầm Trung Quốc tham gia hoạt động tuần tra tại đó hằng năm.
Chuyên gia Yogesh Joshi tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) đánh giá: “Biển Andaman dần dần trở thành mặt trận quan trọng. Nguy cơ đối đầu giữa hải quân Ấn Độ và Trung Quốc trong tương lai là điều không thể tránh khỏi”.
Tàu ngầm Trung Quốc gia tăng hiện diện ở vùng biển gần Ấn Độ – ảnh 2
Tàu khảo sát Trung Quốc Shiyan 1 bị phát hiện đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ tại biển Andaman hồi tháng 9.2019
http://biendong.net/bi-n-nong/32308-tau-ngam-tq-gia-tang-hien-dien-o-vung-bien-gan-an-do.html

Bắc Kinh phóng hỏa tiễn Trường Chinh 5

với tham vọng Hỏa Tinh

Thụy My
Trung Quốc hôm qua 27/12/2019 đã phóng thành công Trường Chinh 5, một trong những hỏa tiễn mạnh nhất thế giới. Đây là giai đoạn quan trọng cho chương trình chinh phục Hỏa Tinh vào năm 2020, không chỉ tái thúc đẩy cuộc chạy đua vào vũ trụ, mà còn giúp Trung Quốc vươn lên chiếm hạng đầu về viễn thông trên không gian.
Từ Hồng Kông, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
« Năm, bốn, ba, hai, một, khai hỏa ! Sau khi đếm ngược, các động cơ khởi động. Lúc đó là 20 giờ 45, giờ địa phương, các kỹ sư của trung tâm không gian Văn Xương (Wenchang) nín thở chờ đợi. Hỏa tiễn Trường Chinh 5 có lực đẩy 1.000 tấn từ từ bay lên bầu trời Hải Nam, mọi cặp mắt đổ dồn vào tầng ba.
Ba mươi phút sau, gương mặt của các nhà khoa học sáng lên, tươi cười, tay giơ cao mừng thắng lợi. Phần thân đã được tách rời ! Vệ tinh Thực Tiễn 20 (Shijian 20) nay đã được đưa vào quỹ đạo xung quanh Trái đất. Cơ quan không gian chào mừng « thành công mỹ mãn », khi bước vào « một kỷ nguyên mới về công nghệ thông tin ».
Thực Tiễn 20 không chỉ là vệ tinh nặng nhất “made in China”, mà còn là tiên tiến nhất, mang theo các thiết bị rất hiện đại. Trong đó có một động cơ ion và vệ tinh Đông Phương Hồng 5 (Dongfanghong 5), có thể chuyển các liên lạc dân sự và quân sự từ không gian sang hệ thống 5G, với đường truyền dữ liệu 1 téraoctet mỗi giây đồng hồ. Thiết bị viễn thông mới này của Trung Quốc có hệ thống số hóa lượng tử, giúp bảo mật tối đa các cuộc trao đổi ».
Bắc Kinh đã đổ hàng tỉ đô la vào chương trình không gian, dự định phóng một trạm vũ trụ vào quỹ đạo năm 2022 và khoảng hơn một chục năm nữa sẽ gởi người Trung Quốc đầu tiên lên Mặt Trăng.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20191228-b%E1%BA%AFc-kinh-ph%C3%B3ng-h%E1%BB%8Fa-ti%E1%BB%85n-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-chinh-5-v%E1%BB%9Bi-tham-v%E1%BB%8Dng-h%E1%BB%8Fa-tinh

Ông Hun Sen đáp trả gay gắt

khi bị nói là con rối của Việt Nam

Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định nếu bị xem là con rối của Việt Nam chỉ vì nói được tiếng Việt thì tại sao không ai nói ông là con rối của Pháp hay Anh khi ông cũng có thể nói được chút ít tiếng Pháp và tiếng Anh?
Ngày 24-12, ông Hun Sen đã tham dự lễ khánh thành khu chợ ở biên giới Campuchia – Việt Nam theo mô hình chợ biên giới kiểu mẫu (Chợ Đa) tại khu vực cửa khẩu Đa, tỉnh Tbong Khmum. Đây là khu vực biên giới đối diện cửa khẩu Chàng Riệc, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Lễ khánh thành diễn ra hai năm sau khi bắt đầu xây dựng. Thủ tướng Hun Sen đã chủ trì lễ khánh thành cùng Phó thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng.
Tại đây, trang tin Fresh News (Campuchia) đã tường thuật một tuyên bố đáng chú ý của Thủ tướng Campuchia trong bài phát biểu.
Đã có những ý kiến cho rằng ông Hun Sen là “con rối của Việt Nam”, vì mối quan hệ thân thiết giữa vị lãnh đạo này với Việt Nam, đặc biệt khi ông còn nói được cả tiếng Việt.
Đáp lại, Thủ tướng Campuchia chế nhạo những cáo buộc trên. Ông đặt dấu hỏi rằng tại sao không ai nói mình là con rối của Pháp hay Anh khi ông cũng có thể nói được chút ít tiếng Pháp và tiếng Anh bên cạnh tiếng Việt.
“Các anh gọi tôi là con rối của Việt Nam khi tôi nói tiếng Việt. Vậy khi tôi nói tiếng Anh và Pháp, tại sao các anh không nói tôi là con rối của Mỹ, Anh và Pháp?”, ông Hun Sen nói.
Ông Hun Sen còn đặt ngược lại với vấn đề: “Còn các anh thì sao? Các anh nói tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, vậy thì các anh là con rối của ai?”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/32307-ong-hun-sen-dap-tra-gay-gat-khi-bi-noi-la-con-roi-cua-viet-nam.html

Lính Thái tử vong do nhiễm trùng

từ vụ giải cứu hang Tham Luang

Một thành viên đội cứu hộ từng giải cứu thành công 12 thiếu niên và huấn luyện viên bóng đá của các em khỏi hang ngập nước tại Thái Lan hồi năm ngoái vừa tử vong do nhiễm trùng từ chiến dịch giải cứu, giới chức nói.
Hạ sỹ Beirut Pakbara thuộc lực lượng Biệt kích Hải quân Thái Lan đã bị nhiễm trùng máu trong quá trình giải cứu tại động Tham Luang.
Beirut đã được theo dõi điều trị y tế, nhưng tình hình sức khỏe của ông suy yếu và ông tử vong hôm thứ Sáu.
Một thành viên cứu hộ khác, Saman Gunan, tử nạn trong chiến dịch giải cứu.
Saman, cựu thợ lặn thuộc đơn vị Biệt kích Hải quân Thái Lan, đảm nhận việc chuyển các bình khí vào trong hang, và trên đường quay ra, ông đã bị hết dưỡng khí, bất tỉnh.
Một bức tượng ông sau đó đã được dựng lên ở gần cửa hang.
Beirut được mai táng hôm thứ Sáu tại tỉnh quê nhà, Satun, theo nghi lễ đưa tang Hồi giáo, các quan chức nói.
Đội bóng thiếu nhi Heo Rừng, từ 11 đến 16 tuổi, và huấn luyện viên 25 tuổi, vào khám phá hang hôm 23/6/2018 và bị trận mưa lớn làm dâng nước lấp lối ra, khiến họ bị mắc kẹt trong hang sâu dưới lòng đất.
Cuối cùng, họ được giải cứu sau chiến dịch cứu hộ quốc tế kéo dài 17 ngày, với sự tham gia của hơn 90 thợ lặn và sự quan tâm đưa tin của truyền thông quốc tế.
Hang động nơi xảy ra sự việc nằm ở tỉnh Chiang Rai ở miền bắc Thái Lan mới chỉ mở cửa trở lại cho du khách từ tháng 11 năm nay, trong buổi lễ khai trương có sự tham dự của các nhà sư, các quan chức chính phủ và các nhân viên kiểm lâm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50933215

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?