Hội thảo “Sông Mekong dưới sức ép”


Thanh Trúc, phóng viên RFA

2013-04-25

mekong1-305.jpg
Từ trái sang: Thạc sĩ Hoàng Việt; Cô Kate Ross; TS Đào Trọng Tứ và giáo sư Chung Hoàng Chương tại buổi hội thảo “Sông Mekong dưới sức ép”ở Đại học Cộng đồng San Francisco hôm 19/4.
Hình do Th.s Hoàng Việt cung cấp


Sông Mekong Dưới Sức Ép, là đề tài cuộc hội thảo khoa học thứ Sáu tuần trước tại Đại học Cộng đồng San Francisco, phối hợp giữa Trung Tâm Nghiên Cứu Mỹ Á trong đại học Cộng Đồng San Francisco (Asian American Studies), Tổ Chức Sông Ngòi Quốc Tế (International Rivers), Hiệp Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam California (Vietnamese Youth And Students Association In California).
Trong bốn chuyên gia tại buổi hội thảo có hai diễn giả đến từ Việt Nam, tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, và thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại Học Luật thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá tác động của thủy điện

Trả lời cuộc phỏng vấn với Thanh Trúc, trước hết thạc sĩ luật Hoàng Việt giới thiệu ba diễn giả mà ông có cơ hội góp phần tham luận hôm 19 vừa qua:
Th.s Hoàng Việt: Diễn giả thứ nhất là giáo sư Chung Hoàng Chương, khoa Á Mỹ Học của City College Of San Francisco, chuyên gia của tổ chức phi chính phủ International Rivers, cô Kate Ross. Bên cạnh đó có anh Đào Trọng Tứ, chuyên gia của Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, phần tôi thì tôi trình bày về góc độ của Luật Quốc Tế.
Thanh Trúc: Thưa mục đích buổi hội thảo khoa học này là tập trung đánh giá hiện trạng cùng tác động của những đập thủy điện, đặc biệt dự án đập thủy điện Xayaburi của Lào đối với Việt Nam. Xin ông tóm lược ý kiến của các diễn giả trong cũng như ngoài nước về vấn đề này?
Th.s Hoàng Việt: Giáo sư Chung Hoàng Chương đã có nhiều cuộc điền dã thực địa thủy điện ở trên thế giới, đặc biệt ở các đập thủy điện do Trung Quốc đã xây dựng trên giòng sông Mekong mà Trung Quốc gọi là sông Lan Thương. Giáo sư Chung Hoàng Chương cũng là chuyên gia về Xã Hội Học, cho nên ông đã khảo sát, nhận định và đánh giá rất nhiều cái tác tác hại đến môi trường cũng như sự xáo trộn đến đời sống người dân khi mà xây một đập thủy điện. Vì vậy ông đã khuyến cáo, mà đặc biệt gần đây nhất là sự kiện Lào xây đập Xayaburi trên giòng chính của sông Mekong, bắt đầu khởi công tháng Mười Một năm 2012. Mặc dù có nhiều sự phản đối từ phía Việt Nam và Kampuchia nhưng Lào vẫn quyết tâm xây. Trung Quốc đã và đang xây dựng khoảng 11 cái đập trên giòng sông Lan Thương, Lào cho xây cái đập đầu tiên trên giòng chính và nối tiếp đó Lào sẽ xây dựng khoảng 9 đập khác cũng trên giòng chính. Nếu Lào thành công thì sau này Kampuchia cũng có thể xây dựng được 3 cái đập trên giòng chính, như vậy Việt Nam sẽ là quốc gia bị đe dọa nhiều nhất vì Việt Nam là quốc gia nằm cuối nguồn sông Mekong.
Đó là con sông quốc tế, và nếu để ứng phó việc sử dụng nguồn nước của con sông quốc tế thì thế giới đã đưa ra học thuyết gọi là hạn chế về chủ quyền.
-Thạc sĩ Hoàng Việt
Chuyên gia của tổ chức Sông Ngòi Quốc Tế, cô Kate Ross, trong bài tham luận của mình đã đưa ra một loạt cảnh báo là tác hại của các dự án thủy điện gây ra đối với môi trường cũng như đối với cuộc sống của người dân là rất nhiều.
Chuyên gia Đào Trọng Tứ, Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, nói về an ninh nguồn nước. Trên thế giới đã xảy ra rất nhiều tranh chấp về nguồn nước, nguồn nước ngọt. Bây giờ khái niện an ninh nguồn nước rất là quan trọng, tạo ra cái hành lang pháp lý chung, cái khung, cái khuôn khổ pháp luật, để các quốc gia muốn sử dụng nguồn tài nguyên nước có thể dựa vào gọi là luật sử dụng các nguồn nước quốc tế, để đảm bảo lợi ích của mình cũng như đảm bảo lợi ích các quốc gia có liên quan đến sông Mekong.
Thanh Trúc: Thưa thạc sĩ Hoàng Việt, về phần tham luận của ông, dưới góc độ và cái nhìn của luật pháp quốc tế, ông đã trình bày những gì trước buổi hội thảo này?
Th.s Hoàng Việt: Dưới góc độ một nhà nghiên cứu luật quốc tế, trong đó có vấn đề sử dụng các nguồn nước quốc tế, thứ nhất bản thân sông Mekong là con sông quốc tế. Đó là giòng chảy quốc tế vì chảy qua lãnh thổ của sáu nước. Nó khởi đầu từ Tây Tạng xuống Trung Quốc, chảy qua biên giới của Myanmar, của Lào, của Thái Lan, của Kampuchia và đến Việt Nam thì thông qua đồng bằng sông Cửu Long đổ ra Biển Đông. Như vậy đó là con sông quốc tế, và nếu để ứng phó việc sử dụng nguồn nước của con sông quốc tế thì thế giới đã đưa ra học thuyết gọi là hạn chế về chủ quyền. Tức là, ví dụ như chẳng hạn một quốc gia, có quyền xây một con đập và gọi là con đập nằm trên lãnh thổ quốc gia của tôi thì tôi có quyền muốn làm gì cũng được. Đó là cái thuyết về chủ quyền lãnh thổ tuyết đối.

mekong2-250.jpg
Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại Học Luật TPHCM tại buổi hội thảo “Sông Mekong dưới sức ép” ở Hoa Kỳ. Hình do ông cung cấp.

Tuy nhiên, nếu nói làm gì cũng được nhưng anh gây hại cho quốc gia khác, quốc gia ven sông khác, thì điều đó là vi phạm nguyên tắc công bằng trong luật quốc tế. Vì vậy, mong muốn lớn nhất cụ thể là gì? Là các chính quyền ở những nước hạ nguồn như Việt Nam và Kampuchia, nếu mà ngăn cản được Lào sử dụng nguồn nước quốc tế chảy qua lãnh thổ của họ, trong đó có việc xây đập, thì đó cũng không công bằng. Nhưng nếu mà chính phủ Lào cho xây con đập đó và gây ảnh hưởng đến môi trường và sinh kế của hàng chục triệu dân ở Kampuchia và Việt Nam thì đó cũng là điều không công bằng.
Vì vậy chúng tôi, những nhà nghiên cứu, muốn nhấn mạnh rằng chính phủ Lào muốn xây dựng những con đập đó thì phải tuân thủ không có thể ngăn cản nhưng chính phủ Lào phải tuân thủ các việc. Thứ nhất là phải đánh giá được tác động về môi trường và thứ hai là kiếm những phương án thích hợp để không ảnh hưởng đến sinh kế cũng như môi trường.
Sông Mekong là con sông rất quan trọng, là con sông có hệ sinh thái lớn bậc thứ hai trên thế giới. Hơn 60 triệu dân sống gần như phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước nguồn tài nguyên của con sông này. Chính vì vậy cho nên tôi vẫn cho rằng chính phủ Lào phải xem xét kỹ lưỡng và đáp ứng những yêu cầu đó.

Yêu cầu Lào tuân thủ luật quốc tế

Thanh Trúc: Thưa ông, được biết đã có một thông cáo báo chí sau khi buổi hội thảo khoa học về sông Mekong hôm 19 chấm dứt, ông vui lòng nói thêm về điều này?
Mục đích của cuộc hội thảo, sau đó đưa ra thông cáo báo chí, là yêu cầu chính phủ Lào nếu xây đập phải tôn trong luật pháp quốc tế và có biện pháp ứng phó trước.
-Thạc sĩ Hoàng Việt
Th.s Hoàng Việt: Thông cáo báo chí sau buổi hội thảo nêu rõ ba luận điểm, trong đó yêu cầu thứ nhất là chính phủ Lào khi xây đập Xayaburi thì phải tuân thủ và đáp ứng vần đề về các nguyên tắc liên quan đến các đập quốc tế. Bởi vì bản thân những con đập nếu không thỏa mãn được những tiêu chuẩn của nó thì có thể gây ra những tai hại hoặc sự cố rất lớn, mà sự có thì ảnh hưởng trực tiếp đến người dân sống trên khu vực của đập nước đó.
Thứ hai là yêu cầu Lào phải xem xét, đánh giá đầy đủ về cái tác hại, cái ảnh hưởng của con đập đó đối với môi trường cũng như đối với sinh kế của những người dân sống dọc lưu vực con sông.
Và thứ ba là yêu cầu Lào phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là thiện chí trong việc cung cấp thông tin. Bởi nghĩa vụ quan trọng đối với quốc tế là anh sử dụng nguồn nước quốc tế thì anh phải tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác và anh phải có nghĩa vụ hợp tác bằng cách chia sẻ các thông tin.
Và cho đến nay thì chính phủ Lào vẫn còn né tránh vấn đề này. Năm 2011, Việt Nam và Kampuchia đã yêu cầu phía Lào cung cấp thêm những thông tin về việc đánh giá ảnh hưởng của đập Xayaburi đối với cả các vùng hạ lưu. Nhưng chính phủ Lào vẫn từ chối và cho đến bây giờ Lào vẫn cho rằng họ xây con đập hoàn toàn là tôn trọng lợi ích các quốc gia khác cũng như là tuân thủ luật quốc tế, nhưng mà những con số cụ thể thì họ từ chối chưa chịu đưa ra.
Năm 2010 họ có đưa ra một báo cáo rất ngắn, chỉ trong vòng 10 kilômét chung quanh khu vực Xayaburi thôi, nó chưa thể đánh giá được tất cả những tác hại lớn lao mà con đập gây ra.
Cần nói thêm một điều, con đập Xayaburi này sẽ mở đường cho rất nhiều con đập khác của Lào tiếp tục xây dựng mà không có lý do gì để ngăn cản. Đối với Trung Quốc, tiếp tục xây dựng những con đập của họ, và Kampuchia sẽ xây dựng ba con đập trên giòng chính sông MeKong, đe dọa rất nhiều đến ít nhất là cuộc sống của 20 triệu dân Việt Nam trên vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Vì vậy mục đích của cuộc hội thảo, sau đó đưa ra thông cáo báo chí, là yêu cầu chính phủ Lào nếu xây đập phải tôn trong luật pháp quốc tế và có biện pháp ứng phó trước việc ảnh hưởng đến sinh kế của những người dân sống trong vùng hạ lưu.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn thạc sĩ Hoàng Việt về những thông tin của buổi hội thảo khoa học liên quan đến sông Mekong vừa qua.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?