Tranh chấp Biển Đông vẫn dậm chân tại chỗ tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN



Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah (phải) và Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đến dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, thứ Năm ngày 25 tháng 4.

Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah (phải) và Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đến dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, thứ Năm ngày 25 tháng 4.



Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 22 diễn ra ở Brunei, lãnh đạo các nước trong khối đã đồng ý với hướng tiếp cận hai bước để giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.

Tại một cuộc họp báo vào lúc kết thúc hội nghị ASEAN hôm nay, người chủ trì hội nghị ASEAN, Quốc Vương Hassanal Bolkia của Brunei đề cập tới “tiến bộ” đã đạt được trong việc xử lý các cuộc tranh chấp biển đảo. Giới lãnh đạo ASEAN tái khẳng định cam kết đối với một giải pháp hòa bình và đồng ý làm việc với Trung Quốc để sớm đạt được một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển, tức COC.

ASEAN nói cần phải thiết lập một số thủ tục cụ thể để tránh những hiểu lầm, hầu ngăn chận những hành động đáng tiếc. Hãng tin AFP trích lời các nhà lãnh đạo Đông Nam Á kêu gọi khẩn cấp mở đàm phán với Trung Quốc để bảo đảm những căng thẳng vì các cuộc tranh chấp không leo thang và trở nên bạo động.

Trong bản tuyên bố vào lúc kết thúc hội nghị, khối 10 nước ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của tình trạng “hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực.”

Một trọng tâm khác tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN là nỗ lực đẩy mạnh kế hoạch thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, một thị trường duy nhất cho Đông Nam Á với tổng cộng 600 triệu dân.

Tuy nhiên, trọng tâm ngự trị hội nghị ASEAN kỳ này là quan tâm ngày càng tăng nơi một số nước Đông Nam Á, về thái độ ngày càng gây hấn của Trung Quốc để đòi chủ quyền trên hầu hết vùng biển Đông.

Hãng tin AP nói giới lãnh đạo ASEAN đã hy vọng Trung Quốc sẽ đồng ý đàm phán về một hiệp định bất tương xâm để tránh xung đột lớn xảy ra. Giới lãnh đạo ASEAN lo ngại, nếu lan rộng, cuộc xung đột sẽ phương hại nghiêm trọng tới các nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh trong khu vực.

Tuy nhiên bất chấp ASEAN kêu gọi đàm phán khẩn cấp, Trung Quốc vẫn chưa ra dấu hiệu nào cho thấy là Bắc Kinh sẵn sàng thương thuyết, ngay cả một thỏa thuận tạm thời, như bộ Quy tắc Ứng xử trên biển, COC.

(AP, Metro Manila Sun Star)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?