Hết tiền, phủ tổng thống Pháp mang rượu ngon ra bán

AFP/ DANIEL JANIN

Để có thêm tiền bổ sung vào ngân sách chi tiêu đang ngày càng eo hẹp, phủ tổng thống Pháp quyết định mang bán đấu gia 10% trong tổng số 12 nghìn chai vang loại thượng hạng trong hầm rượu của mình. Một số người đã chỉ trích phủ tổng thống bán tống bán tháo di sản của nước Pháp.


Phiên bán đấu giá bắt đầu vào chiều tối ngày hôm nay 30/05/2013. Giá cả của các chai rượu hiếm chuyên để tiếp khách quý có thể sẽ lên rất cao. Chuyên gia về rượu Abroise de Montigny nhận định các chai rượu quý hiếm sẽ được người nước ngoài mua. Quả thực là rất đông khách hàng châu Á, Mỹ và Nga đã đăng ký tham gia cuộc bán đấu giá chưa từng có của điện Elysée.
Không chỉ là rượu ngon nổi tiếng của vang Pháp mà một số chai còn gắn kèm với thời điểm lịch sử của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp. Trên mỗi chai rượu đều có một nhãn hiệu tròn ghi rõ nguồn gốc và chữ « Điện Elysée » cùng với ngày bán. Tổng số 1200 chai vang được đem bán đấu giá trong đợt này đều là loại rươu có niên hạn đóng chai từ năm 1947.
Việc làm tưởng như mang tính tượng trưng cho chủ trương « năng nhặt chặt bị » của phủ tổng thống Pháp trong thời buổi khó khăn này lại bị không ít người chỉ trích. Trong một bức thư gửi tổng thống François Hollande, ông Michel-jack-Chasseuil, chủ một hầm rượu vang nổi tiếng ở miền tây nước Pháp, tỏ ý lấy làm tiếc khi thấy « di sản thực sự của đất nước chúng ta » phân tán cho các tỷ phú trên khắp thế giới. Trong thư ông viết : « nếu như các chai rượu có thế thu lại một khoản tiền kha khá thì nó vẫn chưa thấm vào đâu so với ngân sách của nước Pháp … » .
Điện Elysée giải thích việc bán một phần rượu quý này là nhằm có được nguồn thu giúp cho việc mua thêm rượu cho hầm ». Trong thông cáo, phủ tống thống Pháp nói rõ tiền thu được trong cuộc bán đấu giá này sẽ được dùng mua thêm các loại rượu rẻ tiền hơn và khoản tiền thừa ra sẽ được trả vào ngân sách Nhà nước ?
Các loại rượu của vùng Bordeaux, Bourgogne chiếm chủ yếu trong cuộc bán đấu giá. Giá khởi điểm của các chai rượu từ 20 đến 2.500 euro. Giá đắt nhất thuộc về chai Petrus năm 1990, được định giá 2.500 euros. Chai cũ nhất có niên hiệu 1936 cũng có giá khởi điểm từ 2000 đến 2200 euro.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện