Đêm nhớ về Sài Gòn...

30/12/2016


Nguyễn Thị Hậu

Vào khoảng thời gian này, khi khắp nơi nhộn nhịp mừng Giáng sinh và đón năm mới với bản nhạc Happy New Year thì trong tôi lại vang lên giai điệu một bài hát tình cờ được nghe trong một phòng trà trên đường Đồng Khởi, cũng vào một đêm cuối năm…

Lúc ấy, sau mấy tháng thành phố sôi lên vì sự đổi thay bất ngờ, cuối năm tiết trời bỗng se lạnh sau hàng chục năm Nam bộ chưa biết mùa đông, một số sinh hoạt văn hóa của Sài Gòn đã “âm thầm” trở lại: nhà hàng, phòng trà có ca nhạc, ca sĩ hát những bài ca “giải phóng” nhưng thỉnh thoảng, bất ngờ một bài “nhạc cũ” vang lên: Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Trầm Tử Thiêng, Trường Sa… Tôi, khi ấy 17 tuổi, bắt đầu từ giai điệu lời ca thâm trầm da diết “để đêm đêm nhớ về Sài Gòn thấy mình vừa trở lại quê hương, đã gặp người một trời yêu thương…” biết mình đã thuộc về Sài Gòn.

Tản văn Sài Gòn vẫn hát. 

Không như Hà Nội hay Huế có cả một dòng nhạc để gọi tên hay nhớ về, những tình khúc sáng tác trước 1975 ở miền Nam hầu như ít bài có hai chữ Sài Gòn trên tựa hay trong lời ca, nhưng ai cũng có thể nhận ra hình ảnh Sài Gòn thấp thoáng trong ca từ và giai điệu… Cái chất sang cả mà gần gũi, cởi mở mà thâm trầm của Sài Gòn thấm vào trong từng nốt nhạc, để khi người ca sĩ cất lên tiếng hát thì dù quê đâu người nghe cũng thấy mình thuộc về Sài Gòn.

Cho đến bây giờ, theo tôi có hai ca khúc lột tả được đúng nhất cái “chất Sài Gòn”, đó là “Sài Gòn đẹp lắm” của Y Vân và “Đêm nhớ về Sài Gòn” của Trầm Tử Thiêng. Nếu trong “Sài Gòn đẹp lắm” đây là một thành phố đông vui, trẻ trung, sôi động, rộn ràng của những người tứ xứ tụ về thì “Đêm nhớ về Sài Gòn” lại như lời tự sự của một đô thành từng trải qua bao biến động, có nỗi buồn chia ly và những thân phận ẩn trong đêm tối…

Sài Gòn không có ban đêm, một cuộc sống khác bắt đầu ở đây khi mặt trời đi ngủ, phổ biến nhất là sinh hoạt nghệ thuật ở phòng trà, quán cà phê, tụ điểm ca nhạc, sân khấu, rạp phim ở trung tâm đến quán nhậu ven kênh hay nơi hẻm nhỏ. Khi thành phố lên đèn ánh sáng rực rỡ thì cũng là lúc nhiều người bước vào cuộc mưu sinh, nghệ sĩ trên sân khấu hay ca sĩ “kẹo kéo” nơi vỉa hè đều mang lại cho đêm thành phố đầy ắp cung bậc cảm xúc. Và không đâu như trong dòng nhạc Sài Gòn xưa hình ảnh người ca sĩ mong manh sương khói khuất vào đêm khuya lại được nhiều nhạc sĩ đưa vào ca khúc của mình, như chia sẻ, trân trọng và có gì đó cũng như xót thương…

Sau một ngày hối hả vội vàng mưu sinh, đêm xuống bên những cuộc bia rượu ồn ào vẫn có giây phút cô đơn, lắng lòng nghe tiếng hát mà nhớ một Sài Gòn đâu đó, ngay ngoài khung cửa kia hay cách xa ngàn dặm, có thể chạm vào hay chỉ nhìn thấy trong tưởng tượng… Với rất nhiều người Sài Gòn không chỉ là quê hương, là người thương trong trái tim lỗi nhịp khi nhớ về, Sài Gòn còn là một phần của cuộc đời ngắn ngủi. Bởi vậy người đi xa nhớ về Sài Gòn đã đành mà người ở Sài Gòn cũng không ngừng nhớ nhung thành phố. Nhớ ánh đèn vàng, nhớ quán xưa, nhớ con đường hoa dầu bay bay, nhớ cơn mưa chợt đến chợt đi, nhớ Sài Gòn như nhớ mẹ nhớ người tình nhớ bạn tâm giao…

Tưởng chỉ có những người từng trải đã vào tuổi 60 mới có những hoài niệm về một Sài Gòn coi lạnh lùng mà nồng nàn, ngỡ hờ hững cách xa mà thân quen ấm áp. Đâu dè lại bắt gặp niềm thương nỗi nhớ như thế đầy ắp trong từng trang viết của hai bạn trẻ Mạc Thụy và Ubee Hoàng. Những câu chuyện trong Sài Gòn vẫn hát (*) là dòng đời của từng nghệ sĩ mà cũng là một dòng chảy mãnh liệt của Sài Gòn truyền qua từng lời ca nốt nhạc mà người đón nhận, may thay, bây giờ có rất nhiều người trẻ.

Đêm nhớ về Sài Gòn để cùng thức và cùng hát, có những con người đã nuôi dưỡng sức sống của Sài Gòn bằng một tình yêu như thế!

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Hậu
Sài Gòn 28.12.2016

Nguồn Người Đô Thị

(*) "Sài Gòn vẫn hát" của tác giả Mạc Thụy - Ubee Hoàng. Sách do First News và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện