Đọc Báo Pháp - 31/12/2016

mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Barack Obama tại diễn dàn APEC 2016, Lima, Peru.REUTERS/Kevin Lamarque

Nhiều nguy cơ chính trị chờ đón kinh tế thế giới 2017

Kinh tế thế giới 2017 đối diện với nhiều nguy cơ chính trị. Đó là báo động của Le Figaro trên trang nhất trong số ra ngày 30/12/2016. Nhật báo kinh tế les Echos thì quan tâm nhất đến những thay đổi về thuế khóa ở Pháp trong năm 2017. Còn Libération dành nhiều trang để nói về một quyền mới của dân Pháp được quy định trong đạo luật lao động bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017, đó là quyền tách rời công việc với đời sống gia đình. Le Monde thì đưa tít đầu về những bức xúc hiện nay của cảnh sát Pháp : lực lượng cảnh sát thiếu phương tiện làm việc trong lúc nước Pháp vẫn trong tình trạng khẩn cấp và báo động khủng bố. Nhật báo Công giáo La Croix lại giới thiệu 10 sáng kiến của những nhà kiến tạo hòa bình nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới vào Chủ Nhật.
Kinh tế thế giới trước những nguy cơ chính trị
Theo Le Figaro, sau một năm 2016 trái ngược dự đoán của các nhà phân tích với hai sự kiện chấn động : dân Anh bỏ phiếu cho Brexit và Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, các nhà kinh tế nay đều có chung mối quan ngại : nguy cơ chính trị sẽ đè nặng lên thế giới hơn bao giờ hết trong năm 2017.
Theo tờ báo này, nhiều câu hỏi đang được đặt ra : Những quyết định đầu tiên mà tổng thống Trump sẽ đưa ra là gì ? Những quyết định đó sẽ có những tác động như thế nào lên các thị trường tài chính, thương mại quốc tế, lãi suất và giá dầu ? Còn tại châu Âu, hai nền kinh tế hàng đầu là Pháp và Đức sẽ tổ chức bầu cử Quốc Hội trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang trỗi dậy.
Cho tới nay, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế vẫn dự đoán sẽ có cải thiện về tăng trưởng thế giới và mậu dịch quốc tế, nhưng tình hình tại những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Nga khiến cho rất khó mà tiên liệu được những gì sẽ diễn ra trong năm 2017.
Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Riêng Trung Quốc, theo Le Figaro, đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, vì trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump đã kịch liệt đả kích Trung Quốc.
Nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới càng thêm rõ nét với việc tổng thống tương lai của Hoa Kỳ vừa bổ nhiệm Peter Navarro, một nhà kinh tế nổi tiếng chống Trung Quốc, làm cố vấn thương mại của Nhà Trắng.
Theo dự báo của ông Sébastien Jean, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế thế giới (CEPII), ông Trump sẽ không thể thực hiện tất cả những gì ông nói trong thời gian tranh cử, chẳng hạn ông sẽ không thể đánh thuế 45% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vì đây là biện pháp sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ.
Thế nhưng, chính quyền Trump có thể sẽ thi hành những biện pháp bảo hộ mậu dịch khác để bảo vệ ngành công nghiệp gang thép của Mỹ, hiện đang suy giảm do việc Trung Quốc sản xuất quá mức. Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ ồ ạt chuyển lượng thép dư thừa sang thị trường châu Âu, nơi mà ngành thép cũng đang khốn đốn.
Theo Le Figaro, Bắc Kinh cũng sẽ không khoanh tay đứng nhìn mà sẽ trả đũa Washington ngay, chẳng hạn như thay thế các đơn đặt hàng máy bay Boeing bằng máy bay Airbus, hạn chế số bán điện thoại iPhone ở Trung Quốc hoặc đánh thuế vào đậu nành nhập từ Mỹ. Những biện pháp này sẽ gây tác hại nặng nề cho các lĩnh vực chủ chốt của kinh tế Mỹ. Thế nhưng, theo nhận định của nhà kinh tế Julien Marcilly, trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại mới, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn Mỹ.
Khủng bố ở Berlin khiến Schengen bị "ném đá"
Theo tờ Le Monde, vụ Anis Amri,tay khủng bố người Tunisia  tấn công chợ Noel ở Berlin, bị cảnh sát Ý bắn chết ở Milano ngày 23/12 khiến những người hoài nghi về châu Âu hợp nhất càng chỉ trích nặng nề không gian Schengen.
Không gian tự do đi lại Schengen đã được thiết lập từ năm 1995, bãi bỏ việc kiểm tra giấy tờ ở biên giới giữa các nước nằm trong không gian này (gồm 22 thuộc Liên Hiệp Châu Âu, cùng với Na Uy, Iceland, Thụy Sĩ và Liechtenstein).
Tờ Le Monde cho biết ngày 28/12 vừa qua, lãnh đạo đảng cực hữu ở Hà Lan đã yêu cầu đóng cửa các biên giới của nước này sau khi có thông tin là Amri dường như đã trốn qua Hà Lan sau khi dùng xe tải đụng chết 12 người ở Berlin ngày 19/12. Từ Hà Lan, hung thủ dường như đã đi qua Lyon, Pháp, trước khi lấy xe lửa sang Milano.
Trước đó, lãnh đạo đảng cực hữu Pháp Mặt trận Quốc Gia, Marine Le Pen, cũng đã lên án điều mà bà gọi là "thảm họa an ninh toàn diện" mà không gian Schengen gây ra.
Nhưng không chỉ có các đảng cực hữu, ngay cả lãnh đạo đảng cực tả 5 sao Beppe Grillo tại Ý cũng đã đòi xét lại hiệp ước về không gian Schengen. Tại Pháp, ứng cử viên cánh hữu François Fillon, trong chương trình tranh cử của ông, cũng đã đòi thông qua một hiệp ước Schengen mới để tạo điều kiện dễ dàng cho việc tái lập kiểm soát ở biên giới.
Thật ra thì theo Le Monde, việc áp dụng hiệp ước Schengen đã bị tạm đình chỉ từ nhiều tháng nay ở 6 nước châu Âu, trong đó có Pháp và Đức, do nguy cơ khủng bố và làn sóng nhập cư.
Chân dung tân tổng thư ký LHQ
Tờ La Croix dành một trang để nói về cựu thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres, người sẽ nắm chức tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kể từ ngày 01/01/2017.
Với hàng tựa "Antonio Guterres, người muốn thúc đẩy Liên Hiệp Quốc", nhật báo Công Giáo cho biết người dân Bồ Đào Nha rất tự hào khi thấy một người đồng hương nắm chức vụ cao cấp nhất trên trường quốc tế.
Là một người rất say mê lịch sử, biết nhiều thứ tiếng, rất hòa nhã, lịch thiệp, nhưng thật ra ông Guterres là một nhà thương thuyết rất kiên quyết. Vào cuối những năm 1990, ông đã thuyết phục được tổng thống Indonesia Suharto từ bỏ vùng Đông Timor. Thậm chí, ông đã buộc được tổng thống Mỹ Bill Clinton trợ giúp trong hồ sơ này.
Trong bài diễn văn nhậm chức đọc ngày 12/12 vừa qua tại New York, ông Guterres cũng đã bày tỏ quyết tâm thúc đẩy cải tổ Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực duy trì hòa bình, quản lý định chế này.
Theo La Croix, nhiệm vụ rất nặng nề đó nằm trong khả năng của cựu thủ tướng Bồ Đào Nha, một nhân vật rất được lòng dân trong nước và cũng thuộc một thành phần khá đặc biệt : vừa là đảng viên Xã Hội, vừa theo Thiên Chúa Giáo.
Khí hậu : Bắc Âu chưa hẳn đã "sạch"
Liên quan đến môi trường, nhật báo Libération hôm nay quan tâm đến các nước Bắc Âu, những nước vẫn tự cho là "sạch" nhất châu Âu và đã loan báo sẽ không còn sử dụng than đá nữa. Nhưng thực tế thì không "sạch" chút nào.
Theo tờ báo này, Thụy Điển đã hứa sẽ chấm dứt sử dụng than đá, nhưng không thể dừng ngay được, bằng chứng là công ty điện lực quốc gia Vattenfall vẫn tiếp tục khai thác than non (lignite), một loại than gây ô nhiễm rất nặng, tại miền Đông Bắc nước Đức. Họ cũng đã bán các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và các mỏ than cho một công ty Cộng hòa Séc. Công ty này vẫn duy trì hoạt động của các nhà máy đó, thậm chí còn mở rộng khai thác các mỏ.
Mặc dù bị giới bảo vệ môi trường phản đối, tháng 7 vừa qua, nhà nước Thụy Điển vẫn ủng hộ việc bán các nhà máy điện và các mỏ than cho công ty Cộng Hòa Séc. Bộ trưởng Công Nghiệp của nước này thậm chí còn khẳng định rằng Vattenfall đang trở thành một công ty không còn gây tác hại đến khí hậu. Đúng là công ty này sẽ giảm 70% lượng khí CO2 phát thải, nhưng theo thẩm định của một tổ chức phi chính phủ về môi trường, những nhà khai thác mới sẽ thải vào khí quyển một tỷ tấn khí CO2, tương đương với lượng khí phát thải của Thụy Điển trong… 24 năm !
Theo Libération, nước Đan Mạch láng giềng, vốn vẫn tự hào về năng lượng sạch, cũng chẳng khá hơn gì. Tại nước này, hiện giờ hơn một phần ba điện năng là từ điện gió và họ dự kiến sẽ nâng tỷ lệ này lên 50% vào năm 2020. Thế nhưng, một phần ba lượng điện cung cấp cho cư dân vẫn là từ than nhập từ Nga. Chính phủ mới, lên cầm quyền từ năm 2015, đã từ bỏ mục tiêu xóa hoàn toàn than đá ở Đan Mạch vào năm 2030.
Thế mà, cả thế giới đang trông chờ tấm gương Bắc Âu để chấm dứt vĩnh viễn việc sử dụng than đá, nhất là vì đây là một trong những yếu tố quyết định cho việc hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không vượt quá 2°C từ đây đến cuối thế kỷ.
Lớp vỏ băng tan chảy nhanh
Cũng về khí hậu, tờ Le Monde báo động là diện tích lớp vỏ băng trên hành tinh chúng ta trong hai tháng cuối năm nay đã giảm đi 3 triệu km2, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống khí hậu Trái đất.
Theo Le Monde, mức sụt giảm lớn đến mức ban đầu người ta tưởng là các nhà khoa học đã tính toán sai. Nhưng đúng là trong vòng 4 tháng cuối cùng của năm nay, lớp vỏ băng trên toàn cầu đã tan chảy với tốc độ nhanh chưa từng có trong hơn 30 năm quan sát. Riêng trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 12, hơn 3 km2 lớp vỏ băng đã bị "thâm hụt", theo nghi nhận của một cơ quan Mỹ.
Tại vùng Bắc Cực, nhiệt độ nóng vào cuối năm đã góp phần làm chậm lại tiến trình đóng băng của đại dương này. Theo các nhà khoa học, lớp vỏ băng Bắc Cực là một yếu tố quan trọng của hệ thống khí hậu, vì một mặt nó phản chiếu tia mặt trời, trong khi phần sẫm của đại dương hấp thụ phần lớn các tia này. Mặt khác, lớp vỏ băng này đóng vai trò cách nhiệt giữa khí quyển và đại dương.
Chính vì vậy mà lớp vỏ băng giảm bớt sức nóng tích tụ trong các biển. Việc lớp bỏ băng này thu hẹp lại góp phần làm gia tăng hiện tượng hâm nóng khí hậu Trái đất. Điều đáng quan ngại hơn cả là không chỉ diện tích bề mặt bị giảm, bề dày của lớp vỏ băng cũng giảm theo. Những lớp vỏ băng vĩnh cửu, tức là những vỏ băng vẫn tồn tại từ mùa đông này sang mùa đông khác, đang trên đà "diệt vong".
Còn tại Nam Cực, trong khi những năm gần đây diện tích lớp vỏ băng có xu hướng tăng thêm chút ít, thì tháng 11 vừa qua, lớp vỏ băng này đã giảm đột ngột, khiến các nhà khoa học sững sờ và lo ngại không biết đây là hiện tượng nhất thời hay là một xu hướng dài hạn.


TIN ĐỌC NHANH

AFP - Indonesia : Một phi công bị đuổi việc vì dường như đã say rượu hoặc dùng ma túy. Hôm nay, 31/12/2016, hãng hàng không giá rẻ Citilink của Indnesia thông báo đã sa thải một phi công gây hoảng sợ cho hành khách trước khi cất cánh. Theo các hình ảnh do camera ghi lại, phi công Tekad Purna trước đó khi qua cổng kiểm tra an ninh ở sân bay Surabaya đã « chân nam đá chân xiêu », dường như là do đã uống rượu hoặc sử dụng ma túy. Khi nghe phi công nói lắp bắp vào micro, chẳng ai hiểu gì cả, hành khách đã hoảng sợ báo động. Hãng Citilink sau đó đã điều một phi công khác thay thế, nhưng nhiều hành khách không dám ở lại máy bay và hủy chuyến bay.
Reuters - « Lưới Trời » giúp Trung Quốc thu lại hơn 331 triệu đô la tham nhũng. Đây là kết quả của chiến dịch « Sky Net » trong 11 tháng đầu của năm 2016 và được triển khai trên 70 vùng và quốc gia trên thế giới, theo website của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) ngày 31/12/2016. Được tung ra từ năm 2014, « Sky Net » nhằm truy bắt quan tham Trung Quốc lẩn trốn ở nước ngoài. Tổng cộng có 908 người chạy trốn đã bị bắt, trong đó có 122 quan chức chính phủ.
AFP và Yonhap – Nghi án tham nhũng Hàn Quốc : Cựu bộ trưởng Y Tế bị tạm giam. Hôm nay, 31/12, bị can Moon Hyung-Pyo hiện đứng đầu Quỹ Hưu trí Quốc gia, thú nhận khi còn là bộ trưởng đã gây áp lực với Quỹ, để cơ quan này ủng hộ một vụ sáp nhập trong nội bộ tập đoàn Samsung, vốn bị chỉ trích mạnh từ nhiều cổ đông. Quỹ Hưu trí Quốc gia là một cổ đông lớn của Samsung. Vụ sáp nhập năm 2015 được coi là một bước đệm quan trọng để con trai của chủ tịch Samsung yên ổn trở thành người thừa kế. Cựu bộ trưởng Y Tế là người thân cận với tổng thống Park Geun-Hye. Trong vụ này, Samsung bị nghi đã hối lộ « quân sư » Choi Soon-sil, để tác động đến vụ sáp nhập thông qua chính phủ. Samsung từng biếu cho các quỹ của « quân sư » Choi khoảng 17 triệu đô la.
AFP - Đại sứ Hy Lạp tại Brazil bị người tình của vợ sát hại. Thi thể của ông Kyriakos Amiridis được cảnh sát tìm thấy trong chiếc xe hơi bị đốt cháy ngày 30/12 sau khi nhận được thông báo mất tích của người vợ, bà Françoise de Souza Oliveira, 40 tuổi. Theo cảnh sát, đây là âm mưu ám sát của phu nhân đại sứ và do Sergio Gomes Moreira ra tay. Người tình 29 tuổi của bà là một nhân viên cảnh sát. Cảnh sát cũng bắt giữ một người họ hàng 24 tuổi của thủ phạm, vì tình nghi người này hỗ trợ hậu cần cho vụ án.
AFP - Nga muốn Hội Đồng Bảo An ủng hộ lệnh ngưng bắn ở Syria. Hôm qua, 30/12/2016, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc đã đề nghị các nước thành viên khác trong Hội Đồng Bảo An thông qua một nghị quyết ủng hộ kế hoạch ngưng bắn ở Syria do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đề ra. Ngoài lệnh ngưng bắn, thỏa thuận do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ còn dự trù các cuộc đàm phán trong tháng 01/2017 tại Kazakhstan, để tìm cách chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria đã kéo dài từ năm 2011 đến nay. Về mặt chính thức, lệnh ngưng bắn đã có hiệu lực từ giữa đêm thứ Năm, 29/12, trên toàn lãnh thổ Syria. 
 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?