Nguyễn Quang Lập - Chợ Ba Đồn

29/12/2016

Nhớ quê thì post lên thôi, không có động cơ gì.

Hôm qua ngồi nhậu với Nguyễn Trọng Tín, tự nhiên nó hỏi ông ở gần chợ Ba Đồn không. Hỏi ra mới biết cu cậu đang làm cho HTV một vệt dài về văn hóa chợ Việt. Ý tưởng này Tín ôm ấp gần chục năm bây giờ nó mới có cơ hội thực hiện, 88 cái chợ Việt khắp đất nước sẽ được Tín trưng ra với nhiều bản sắc rất thú vị. Hay, rất hay. Mình tán chuyện văn hóa chợ với Tín rất hứng thú, chẳng dè bàn bên có một ông lão nghe được câu chuyện mới bưng ly bia sang, xưng là dân Ba Đồn gộc rồi hát vang một bài hát bằng tiếng Pháp về chợ Ba Đồn:”… Các anh hãy chuẩn bị tiền để đến đây một lần/ Tôi đã đi hầu như khắp chợ / Con thuyền tôi đậu sát góc bán trâu bò / Trước tiên tôi hỏi chị bán rượu ngồi ở đâu…”
           
 Ông Lão làm mình nhớ chợ Ba Đồn quá.

Chợ Ba Đồn
 Thị trấn Ba Đồn quê mình cách đây hơn 400 năm, trước kỳ Trịnh- Nguyễn phân tranh, chỉ là một cái làng nhỏ ven sông Gianh, tên là làng Phan Long, nổi tiếng rượu ngon. Rượu ở đây có mùi rất đặc trưng là mùi khê nồng, không quen thì khó uống, thậm chí khó chịu, quen rồi đâm  nghiện, uống rượu khác không có cái mùi ấy thì thấy nhạt phèo. Có lẽ vì cái mùi rượu dị biệt ấy mà lính chúa Trịnh thời Trịnh- Nguyễn phân tranh ở ba đồn Phù Lưu, Xuân Kiều, Trung Thuần đã không chịu uống rượu nơi nào khác, thường trốn trại về đây mua rượu, dẫn đến nhiều lộn xộn trong quân ngũ. Người ta đã phải lập ra một cái chợ ngay làng Phan Long cho lính tráng ở ba cái đồn ấy mỗi tháng 3 phiên vào các ngày 1, 11, 21 âm lịch về đây uống rượu, mua rượu, ăn chơi nhảy múa cho khuây khỏa nỗi cực nhọc của chiến tranh, nỗi buồn tủi của người lính xa nhà.  Có rượu ngon tất có bậc quân tử kẻ giàu sang, có bậc quân tử kẻ giàu sang tất có gái đẹp tụ về. Khách thương vì thế không bỏ qua cơ hội làm giàu, họ nhanh chóng biến cái chợ ăn chơi thành chợ hậu cần cho quân chúa Trịnh suốt cả thời kì Trịnh- Nguyễn phân tranh( 1627-1672) Chợ nơi đây nổi danh từ đó, nó là cái chợ của ba cái đồn lính Chúa Trịnh, gọi tắt là chợ Ba Đồn.“Ba Đồn là chợ xưa nay/ Tụ nhân, tụ hóa mười ngày một phiên”. Đến năm 1959, chính quyền định thêm ba phiên nữa vào các ngày 6, 16, 26**. Từ đó, Ba Đồn một tháng sáu phiên/ nhớ em dù có hết tiền cũng đi.  Tên chợ nghiễm nhiên trở thành tên của một vùng đất, cái tên làng Phan Long* dấn biến mất nhường chỗ cho cái tên Ba Đồn. Cũng vì cái chợ ngày một phát triển trở thành một trong những cái chợ to nhất miền Trung, nên cái làng nhỏ quê mình mới trở thành thị trấn, thị trấn Ba Đồn.
            
Thuở bé chẳng biết chơi đâu, loanh quanh bờ sông, bãi cát chán rồi đều kéo nhau ra chợ. Con nít Ba Đồn coi cái chợ như nhà mình, ai cũng đầy ắp kỉ niệm, mình cũng thế. Mình đi chợ từ khi mới nở. Đầy tháng tuổi mạ đã đặt mình trong cái rổ gánh ra chợ. Mạ mình buôn bán suốt ngày ở chở, mình cũng quẩn quanh ở chợ suốt ngày, ngóc ngách nào cũng biết.
            
Trước đây chợ phân ra hai khu, khu phố Nam và khu phố Khách. “Phố phường Nam, Khách hai bên / Phiên đông cũng đến mấy nghìn người ta.”  khu phố của các người Hoa, gọi là phố Khách, chủ yếu buôn thuốc bắc thuốc Tây, mở hàng châm cứu, bói toán. Mình rất thích đến đây để ngửi mùi thuốc bắc thơm lừng và nghe mấy ông bà người Hoa nói tiếng Việt ngóng líu ngọng lo, tiềng thúi lá ( tiền thối lại) của mỗ ơ, hi hi.

Khu phố Nam là khu chợ của người Việt có 5 cái đình, đình gạo muối, đình thịt rau, đình cá tôm, đình ăn uống, đình tạp hóa. Phía sau gần sát bờ sông là sân chợ, có cả chục cái sân  chất đầy hàng hóa.  Sân hàng gỗ, sân hàng tre,  sân hàng mèo chó, sân hàng lợn gà, sân hàng trâu bò.v.v. Mỗi ngày chỉ đến ngắm nghía một cái đình, một cái sân thôi cũng đủ đau chân mỏi cổ rồi. Người lớn cũng không đi hết chợ Ba Đồn, đừng nói là con nít.
            
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười
Nhà văn Nguyễn Quang Lập
Dân Ba Đồn sống nhờ vào cái chợ, muốn kiếm ai nếu không có nhà thì ở chợ, chẳng đi đâu hết. Người ta tính thời gian bằng phiên chợ, nói với nhau bà nọ bà kia nghỉ đẻ đã ba phiên rồi, thằng nọ thằng kia bỏ vợ bỏ con đi đâu cả chục phiên rồi. Hứa hẹn cái gì cũng tính đến phiên chợ, nói rồi rồi chuyện nọ chuyện kia ra phiên tau giải quyết, cái nọ cái kia đến phiên ba mạ sắm cho, cứ y như ngay nay người ta hứa hẹn với nhau đến tết, ra tết vậy. Rất vui.
           
 Chẳng biết nơi khác thế nào chứ ở quê mình thì cái câu “vui hơn tết” là nói chợ phiên Ba Đồn. Ngày thường chợ Ba Đồn cũng giống như các chợ quê khác thôi, nhưng đúng phiên chợ thì tết cũng không thể vui bằng. Ba bốn giờ sáng đã nghe tiếng rì rầm người ở xa về chợ trên đường cái quan. Năm sáu giờ sáng, mọi ngã đường về chợ  nườm nượp người và xe, trên bến dưới sông nườm nượp thuyền bè. Hàng hóa từ bốn phương đổ về làm choáng ngợp hết thảy những ai lần đầu tới chợ. Gỗ tre nứa lạt kết bè kéo về ken kín mặt sông, đùn lên chợ từng đụn từng đụn, chất cao như núi. Gà vịt chó mèo lợn rừng lợn nhà mấy chục hàng, hàng trăm hàng nghìn lồng nhỏ to chồng cao chất ngất, kéo dài ngoằn nghoèo tưởng như vô tận.
           
 Từng núi hoa quả kẹo bánh vun tràn từ trong đình ra ngoài đình. Con nít cứ quanh quẩn mấy hàng này, thế nào cũng có thứ từ trong các núi hoa quả bánh trái rơi ra, cứ thế nhặt ăn ngon lành, rất đã. Kiếm ăn no ở hàng bánh trái thì đi xem chó mèo gà vịt, xem chán thì chạy ra chợ bò xem mấy ông lái bò đấu giá nhau, gọi là cáp. Chợ bò là một đặc sắc của chợ Ba Đồn, có lẽ không có nơi nào có chợ bò to như chợ Ba Đồn, mỗi phiên chí ít cũng 500 con, có phiên lên tới cả nghìn con.
          
  Chợ bò Ba Đồn sinh ra do nhu cầu thực phẩm của quân lính chúa Trịnh. Lính tráng ở ba cái đồn nhiều khi lên tới mấy vạn người, mỗi phiên chợ ít nhất cũng vài ba trăm con bò cung cấp cho họ, từ đó mà sinh ra chợ bò. Dân tứ xứ mang bò về đây buôn bán, chở từng toa tàu, từng chục chiếc xe tải từ Bắc vào, từ Nam ra đổ bò xuống chợ bò. Mặc sức cho lái bò tranh nhau cáp, người bán kẻ mua chỉ đứng xem không phải làm gì. Lái bò anh nào anh nấy mặt đỏ phừng phừng như sắp lao vào đánh nhau.

Lái mua vỗ mông bò một phát, đập cái dây thừng vào tay lái bán, mắt trợn miệng quát, nói năm trăm ba, chắc giá rồi đó. Lái bán  lập tức đập vào mông bò một phát, đập cái dây thừng vào tay lái mua, mắt trợn miệng quát, nói è he, sáu trăm, một xu cũng không bớt. Lái mua làm như điên lắm, lại đập mông bò, đập dây thừng vào  tay lái bán, nói è he, mua bán chi như ẻ rứa bay, năm trăm tư. Lái bán làm như uất lắm, đập mông bò, đập dây thừng vào lái mua, nói è he bò người ta ri mà giá đó à bay, năm trăm tám, mua thì mua không mua thì thôi. Cứ thế lái bán dần tụt giá, lái mua dần tăng giá cho đến giá chuẩn thì bốn tay đập vào nhau rốp một cái, hai mặt đối nhau đồng thanh quát một tiếng, nói nhứt giá! Người bán nhận tiền người mua dắt bò. Các lái bò nhận tiền thù lao xong, kéo nhau ra hàng thịt chó đánh chén, ôm vai hót cổ nói cười hỉ hả như chẳng hề có chuyện buồn bán vừa qua.

Dân lái quen nhau hết, cùng làng cùng xóm cùng hội cùng thuyền cả, có khi là cha con, là anh em ruột. Họ nhìn bò định giá rất chuẩn rồi mới diễn trò cáp vô cùng căng thẳng, chủ yếu để tính công với người chủ thuê họ. Chủ thuê họ trả cho họ năm ba đồng hay một hai đồng là tùy lòng, trả thế nào cũng xong, dân quê buôn nước bọt một giờ được vài đồng là lãi rồi, hi hi.

Có hai nhân vật đặc sắc mà những người đi chợ Ba Đồn những năm sáu mươi không thể quên được, đó là ông Kiểm Hiền và ông Cặc Sào. Về sau có chị Ý tâm thần nữa là ba. Ông Kiểm Hiền cụt chân, đan nơm rất đẹp, vừa đẹp vừa tốt, ai có nơm của ông đều nơm cá rất may. Mỗi phiên chợ ông  chỉ xách một cái nơm nhảy lò cò ra chợ, vừa ra đến cổng chợ đã có người mua. Bán xong nơm ông liền sà vào hàng rượu của ông Cặc Sào ngồi uống rượu cho đến chiều tối. Ông Cặc Sào chuyên bán rượu lậu, nghĩa là chẳng bao giờ ông chịu đóng thuế, một xu cũng không. Thuế vụ đến hỏi, ông nói ông đem ra chợ để uống. Thuế vụ nhìn cả can rượu chục lít, nói ông uống đi tôi xem. Ông thủng thẳng tu cạn cả can rượu. Ông vừa bán vừa uống, ai mua thì bán, chẳng ai mua thì ông uống sạch rồi phủi đít quần ra, nhẹ nhàng như không

Chiều tối, chợ đã tàn cũng là lúc ông Kiểm Hiền và ông Cặc Sào đã say. Ông Kiểm Hiền nhảy lò cò, vừa nhảy vừa ngâm nga, nói sinh ra cái đạo làm trai/ ăn cho no vuốt c. cho dài. Ông Cặc Sào đập cái thùng sắt queng queng queng, nói đúng đúng đúng. Rồi ông Cặc Sào nhảy lên múa may, vừa múa vừa hát, nói đàn bà buôn vụ bán mông/ buôn khi mô tóp vụ rậm lông thì về. Ông Kiểm Hiền lại đập cái thùng sắt queng queng queng, nói đúng đúng đúng. Đến khi hai ông say nhừ, đi đứng không vững nữa, nằm gác lên nhau thở phì phò thì chị Ý xuất hiện. Chị Ý đẹp nhất Thị trấn, chẳng hiểu sao nổi cơn điên khi vừa tròn mười tám tuổi. Chị chít khăn trắng mặc áo quần trăng, cầm roi mây vừa khua vừa hát, hát đi hát lại chỉ mỗi bài “ Ba Đồn là đất Châu Ô***/ Một đoàn con gái chạy vô thăm chồng/ Gặp trộ mưa dâng/ Đường trơn, gánh nặng/ Mặt trời đã lặn/ Đèo Ngang chưa trèo./ Hòn đá cheo leo/ Chân trèo, chân trượt/ Hỏi O gánh nước/ Hỏi chú chăn trâu/ Ba đồn quân lính đóng đâu….”

Chị Ý hát mãi, hai ông đã ngủ như chết chị vẫn hát, cả Thị trấn đã ngủ say chị vẫn hát. Chiến tranh, bom Mỹ cày nát Thị trấn. Năm cái đình chợ nát tan, dân Thị Trấn bỏ chợ chạy tứ phương, chỉ còn chị Ý vẫn bám lấy cái chợ không rời. Cuối năm 1966, Thị trấn chỉ còn một bãi đất trống hoang vu, cứ nửa đêm người ta vẫn thấy chị Ý khỏa thân cầm roi múa hát trên nền chợ Ba Đồn. Vẫn bài hát 400  năm trước dân Thị trấn đã hát, Ba Đồn là đất Châu Ô...

Nguyễn Quang Lập


--------------------------------

* Những năm 1960s Thị trấn Ba Đồn có HTX may mặc Phong Lan, nói lái của Phan Long để nhớ tên làng gốc ngày xưa.

** Về việc định ra ba phiên chợ 1, 11, 21 trước hay 6, 16, 26 trước cần xem xét lại vì các tại liệu viết rất không thống nhất.

***  Nhiều người dân QB vẫn nhầm Quảng Bình là đất Châu Ô. Không phải, Châu Ô, Châu Lý, Châu Minh Linh là đất Quảng Trị. Quảng Bình thuộc hai châu, Bố Chính và Địa Lý. Châu Bố Chính  thuộc Bắc Quảng Bình, gồm các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hoá, Bố Trạch, Minh Hoá. Phía nam Quảng Bình thuộc châu Địa Lý.

 (FB Nguyễn Quang Lập)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?