Tin khắp nơi – 30/12/2016


Tin khắp nơi – 30/12/2016

Putin ‘sẽ không ăn miếng trả miếng’ với Mỹ

Tổng thống Nga Vladimir Putin khước từ kêu gọi ‘ăn miếng trả miếng’ với Mỹ sau vụ Washington trục xuất nhân viên ngoại giao Nga.
Hoa Kỳ vừa trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vì cho là Nga tấn công tin tặc để can thiệp kết quả bầu cử tổng thống.
Ông Putin nói Nga sẽ “không hạ mình xuống mức độ ngoại giao thiếu trách nhiệm” của Mỹ và sẽ nỗ lực khôi phục quan hệ với Mỹ dưới thời của tổng thống đắc cử Donald Trump.
Bộ Ngoại giao Nga trước đó đã chính thức kiến nghị ông trục xuất 35 nhân viên ngoại giao Mỹ.
Nga luôn bác bỏ cáo buộc tin tặc và gọi quyết định nói trên của Obama là “không có cơ sở”.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cáo buộc chính phủ của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama là “giãy chết chống Nga”.
Quyết định của chính phủ Mỹ đưa ra hôm thứ Năm 29/12 bao gồm các khoản:
35 nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Nga ở Washington và lãnh sự quán ở San Francisco bị liệt vào diện “persona non grata” và phải cùng gia đình rời nước Mỹ trong 72 tiếng đồng hồ.
Hai cơ sở được cho là của cơ quan an ninh Nga tại New York và Maryland sẽ bị đóng cửa
Chế tài đối với 9 tổ chức và cá nhân, trong đó có hai cơ quan an ninh của Nga là GRU và FSB
Ông Obama, người sẽ được Donald Trump thay thế ngày 20/1 tới, đã hứa sẽ có hành động chống Nga sau khi Mỹ nói Nga tấn công tin tặc vào Đảng Dân chủ và chương trình vận động của bà Hillary Clinton.
Các email lấy cắp từ người phụ trách chương trình tranh cử của bà Clinton và từ máy chủ của Đảng Dân chủ, chứa đựng nhiều thông tin bất lợi cho phe Dân chủ, được tung ra trong quá trình vận động.
“Hãy đến thăm cây thông”
Trong một thông cáo trên website của điện Kremlin (bằng tiếng Nga), ông Putin nói: “Chúng tôi không trục xuất ai cả.”
“Chúng tôi sẽ không cấm các gia đình và trẻ em không được đến những nơi họ vẫn thường đón Năm mới. Hơn nữa, tôi mời tất cả các em là con các quan chức ngoại giao Mỹ tại Nga đến thăm cây thông Giáng sinh và Năm mới ở điện Kremlin”.
Ông chúc tổng thống Barack Obama và gia đình, cũng như ông Trump và “toàn thể người dân Mỹ” một năm mới hạnh phúc.
Tổng thống tân cử Trump đã bác bỏ tuyên bố về vụ tấn công tin tặc là “nực cười” và nói người Mỹ nên “tiếp tục cuộc sống bình thường” khi được hỏi về khả năng cấm vận trước thông báo hôm thứ Tư 28/12.
Tuy nhiên, ông nói tối hôm thứ Năm ông sẽ gặp các lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ tuần sau để được “cập nhật tình hình”.
Bộ ngoại giao Nga đã đề nghị trục xuất 31 quan chức ngoại giao Mỹ ở Moscow và bốn người ở St Petersburg.
Bộ này cũng đề xuất cấm các nhà ngoại giao Nga về nhà nghỉ của họ gần Moscow và cấm sử dụng nhà kho trên phố Dorozhnaya ở Moscow.
Báo Nga cho hay các nhân viên ngoại giao Nga ở Washington đang gặp khó khi mua vé máy bay vì các chuyến từ Washington về Nga đều chật chỗ.
Họ sẽ phải tới New York để mua vé.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bác bỏ tin của hãng CNN nói rằng Moscow đóng cửa trường quốc tế dành cho con em ngoại giao đoàn.
Bà Zakharova nói đây là tin vịt.
Trong khi đó Đại sứ quán Nga ở Anh đăng một tấm hình lên mạng xã hội Twitter, mỉa mai ông Obama với hình con vịt què.
“Trở nên cay độc”
Ông Pavel Felgenhauer, một nhà phân tích quân sự Nga, nói với BBC Thế giới vụ rằng mọi chuyện sẽ trở nên rất “cay độc” từ nay trở đi.
Nhưng Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Amy Klobuchar, người đang có chuyến thăm các nước vùng Baltic, nói với BBC sẽ là một sai lầm nếu Mỹ không phản ứng vụ tấn công tin tặc.
“Đây không chỉ là chuyện về nền dân chủ Hoa Kỳ, mà là chuyện về tất cả các nền dân chủ,” bà cho biết. “Sắp có các cuộc bầu cử ở Đức và Pháp và nếu Hoa Kỳ chỉ tặc lưỡi cho qua chuyện này mà không có phản ứng thì sẽ là một sai lầm rất lớn.”
Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, gồm cả FBI và CIA, đã kết luận rằng mục tiêu của cuộc tấn công tin tặc là để làm hại bà Clinton và đảng Cộng hòa và ủng hộ ông Trump.

Các chuyên gia có thực sự biết rõ

Nga tấn công tin tặc cuộc bầu cử?

Steve Baragona
WASHINGTON —
Tổng thống Barack Obama trừng phạt Nga vì quy lỗi cho Moscow về các vụ tin tặc nhắm mục đích gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên Tổng thống đắc cử Donald Trump nói ông không tin là Nga đã làm điều đó. Các nhà điều tra tội phạm mạng điện toán có chứng cứ xác thực đến mức nào khi nêu đích danh thủ phạm thực hiện vụ tin tặc? Theo tường trình của thông tín viên Steve Baragona của đài VOA, thì một phần dựa vào dữ liệu khoa học, và một phần là suy diễn từ kinh nghiệm.
Không gian mạng là bãi chiến trường không ngơi nghỉ của các chương trình điện toán tự động, virút máy tính và phần mềm độc hại.
Nhưng trong thế giới không nhìn thấy mặt nhau này, rất khó có thể xác định được ai là kẻ tấn công mình.
Ông Dmitri Alperovitch là nhà đồng sáng lập công ty an ninh điện toán CrowdStrike. Phần mềm của công ty này được dùng để quét tin tặc cho Ủy ban Quốc gia của Ðảng Dân chủ hồi mùa xuân năm nay. Ông Alperovitch nói:
“Ngay lập lức đèn báo động chớp sáng như cây Noel, báo cho chúng tôi biết rằng có hai tin tặc không liên hệ với nhau đang xâm nhập mạng máy tính của Ủy ban Ðảng Dân chủ.”
Công ty CrowdStrike xác định hai kẻ xâm nhập này là hai nhóm tin tặc Nga liên hệ mật thiết với Điện Kremlin.
Ông Alperovitch cho biết việc đi đến kết luận như vậy rất giống với cách điều tra của cảnh sát:
“Giống như khi chúng ta đến hiện trường vụ án và tìm thấy dấu vân tay. Chúng ta muốn đối chiếu với kho dữ liệu ngay để xem dấu vân tay đó có khớp với dấu vân tay của một nghi can có tiền án hình sự mà chúng ta biết. Kế đến là xem chiêu thức hành động có giống như những vụ cướp nhà băng khác mà ta từng điều tra hay không.”
Cuộc điều tra của CrowdStrike tìm được các mã điện toán quen thuộc.
Đó là các mã điện toán được tìm thấy trong các vụ tấn công tin tặc khác bị quy cho cùng các nhóm tin tặc Nga này đã thực hiện. Ông Alperovitch:
“Khi đã chế tạo được vũ khí, chúng không muốn dùng vũ khí đó chỉ một lần. Thường chúng không cưỡng lại được ý muốn tiếp tục dùng vũ khí đó. Và đó là cách mà các vụ tấn công tin tặc vẫn xảy ra.”
Vũ khí mới chỉ là một mấu chốt. Vũ khí đó được dùng như thế nào là một yếu tố quan trọng khác. CrowdStrike tìm hiểu chiêu thức hành động của các vụ tấn công tin tặc trước. Ông Alperovitch:
“Trên mạng Internet thì không có cái gì biến mất hết. Do đó chúng ta có thể xem ngược lại những gì xảy ra trong 10 năm trước đó và hàng ngàn vụ tấn công.”
Ông Nick Rossman của công ty an ninh mạng điện toán FireEye nói tìm ra những mấu chốt khác để nhận diện một tin tặc có thể đơn giản như việc đối chiếu một thời khóa biểu. Ông cho biết:
“Khi chúng tôi nhận thấy tin tặc Nga hành động, chúng tôi thường thấy các mã độc được cài thời gian của các múi giờ Moscow và St. Petersburg. Những cách thức tương tự như vậy cũng được các tin tặc Trung Quốc áp dụng. Chúng tôi cũng điều tra xem khoảng thời gian nào thì tin tặc hành động trên mạng. Chúng thường hoạt động trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều.”
Nhưng những người hoài nghi nói rằng những mấu chốt thời gian đó không thể là một tang chứng xác thực. Hơn nữa ai cũng có thể sao chép mã điện toán của một tin tặc. Không thể so sánh với mẫu DNA tại hiện trường của một vụ giết người, bởi vì khó có được một bằng chứng không thể tranh cãi trong các vụ tấn công tin tặc.
Ông Rossman thừa nhận rằng các bằng chứng tấn công tin tặc phần lớn là gián tiếp:
“Chúng tôi không thể bảo đảm chắc chắn là chúng tôi đã có đủ tang chứng để đưa vụ án ra tòa. Nhưng chúng tôi tin rằng với các bằng chứng trong một phạm vi lớn hơn đó có thể chứng minh cho lập luận đó.”
Ông Rossman đồng ý với kết luận của CrowdSrike rằng các tin tặc Nga đã tấn công mạng điện toán của Ủy ban Quốc gia Ðảng Dân chủ.
Nhưng các chuyên gia nói rằng trong không gian mạng nặc danh này thì thế giới ẩn của gián điệp vẫn rất mù mờ.

Doanh nhân tỉ phú và tướng lãnh

ngự trị nội các Tổng thống Trump

Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử một con số kỷ lục các tướng lãnh và tỉ phú lãnh đạo doanh nghiệp vào nội các của ông. Các doanh nhân được chọn phản ánh lập trường của ông Trump cho rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quản lý đất nước hiệu quả hơn so với lực lượng công chức chuyên nghiệp và các chính trị gia. Từ Washington, thông tín viên Michael Bowman của VOA tường trình rằng thành phần nội các của tân chính phủ Mỹ đang đặt ra những nghi vấn cả bên trong lẫn bên ngoài Quốc hội.
Trong các cố vấn thân cận nhất được ông Trump chọn có ít nhất ba tướng lãnh, trong đó có ông James Mattis, người được tiến cử ra lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Đại tướng Thủy quân Lục chiến James Mattis không xa lạ gì với Điện Capitol. Ông Mattis từng phát biểu:
“Chúng ta đang chứng minh khả năng lãnh đạo rõ rệt, hay là sự bất lực?”
Ông Trump còn đề cử năm nhà quản trị doanh nghiệp và tỉ phủ vào các vị trí hàng đầu, trong đó có lãnh đạo tập đoàn dầu khí ExxonMobil, Ông Rex Tillerson làm bộ trưởng ngoại giao.
Ông Trump đánh giá cao năng lực của ông Tillerson.
“Ông Tillerson sẽ kiên quyết tranh đấu cho lợi ích của nước Mỹ trên toàn thế giới.”
Nhưng tranh đấu cho lợi ích quốc gia là nhiệm vụ mà ông Tillerson đã né tránh thời còn lãnh đạo ngành dầu khí. Ông tuyên bố như sau vào tháng Hai năm nay:
“Bất kể là Nga hay Yemen, Trung Ðông hay bất cứ nơi nào, tôi đến đây không phải để đại diện cho các lợi ích của chính phủ Hoa Kỳ. Tôi đến đây không phải để bảo vệ, hay để chỉ trích các lợi ích đó. Đó không phải là việc của tôi. Tôi là một nhà kinh doanh.”
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons bày tỏ lo ngại:
“Tôi thực sự lo ngại về số tướng lãnh và tỉ phủ mà ông Trump chọn và đề cử vào nội các.”
Thượng nghị sĩ Coons có mặt trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Ông nhận định tiếp:
“Ông Donald Trump sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên trong suốt lịch sử đất nước chúng ta chưa từng phục vụ lĩnh vực công, dù là trong một chức vụ công cử, hay một chức vụ trong quân đội. Ông ấy cần phải có quanh ông những phụ tá thân cận am tường về sức mạnh của hệ thống công vụ Mỹ.”
Năm 1961, Tổng thống Dwight Eisenhower đã khuyến cáo về chính những thế lực mà nay đang chiếm vị trí nổi bật trong chính phủ của ông Trump.
Tổng thống Eisenhower nói:
“Chúng ta cần cảnh giác chống bất cứ ý tưởng nào toan thâu tóm ảnh hưởng quá trớn từ sự liên kết bất hợp lý giữa chính phủ với quân đội và lĩnh vực công nghiệp, dù cố ý hay không…”
Theo quan điểm của ông Trump, thì chẳng có gì đáng phải sợ:
“Chúng tôi đang trong tiến trình thành lập một trong những nội các vĩ đại nhất, chắc chắn là nội các có chỉ số thông minh cao nhất.”
Cho tới giờ, các nhà lập pháp Cộng hòa phần lớn ủng hộ những sự lựa chọn nhân sự của ông Trump.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell nhận xét:
“Theo tôi thì Đại tướng Mattis là một chọn lựa xuất sắc cho vị trí lãnh đạo quốc phòng. Tôi rất lạc quan rằng tổng thống Trump sẽ có một đội ngũ an ninh quốc gia vững chắc trên tất cả mọi lãnh vực.”
Ông John Hudak là một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Brookings. Ông nói:
“Đây sẽ là một Tòa Bạch Ốc hoạt động như một tập đoàn kinh doanh. Chúng ta vừa bầu chọn một CEO ra điều hành đất nước.”
Nhà phân tích Hudak nói những sự chọn lựa về nhân sự của ông Trump không gây ngạc nhiên, nhưng có thể có hậu quả.
Ông nói tiếp:
“Thông thường khi một tướng lãnh muốn làm bất cứ việc gì, thì việc đó sẽ được thực hiện. Khi một giám đốc điều hành công ty muốn làm việc nào, thì việc đó sẽ được thực hiện. Nhưng không thể làm như vậy với một hệ thống hành chánh của chính phủ. Những nhân vật được đề cử vào nội các sẽ nhanh chóng nhận ra những sự khác biệt to lớn giữa các sinh hoạt trong hệ thống chính phủ ở Washington với cuộc sống của họ trước đây.”
Các đảng viên Dân chủ trong Thượng viện Mỹ không có đủ túc số để có thể ngăn chận những sự đề cử của ông Trump, tuy nhiên họ đang tăng áp lực đòi các nhân vật được đề cử phải công khai tài chánh đầy đủ, kể cả hồ sơ thuế thu nhập, là điều mà cá nhân Tổng thống đắc cử Trump vẫn chưa công bố.
http://www.voatiengviet.com/a/doanh-nhan-ti-phu-va-tuong-lanh-ngu-tri-noi-cac-tt-trump/3655992.html

Đại sứ Hy Lạp ở Brazil mất tích

Cảnh sát thành phố Rio de Janeiro cho biết đại sứ Hy Lạp ở Brazil đã mất tích từ hôm thứ Hai (26/12).
Cảnh sát nói trong một thông cáo hôm thứ Năm rằng ông Kyriakos Amiridis được nhìn thấy lần cuối vào đêm thứ Hai tại thành phố Nova Iguacu, cách Rio de Janeiro 40 kilômét về phía tây bắc.
Ông Amiridis khi đó đang đi nghỉ lễ tại khu vực này và dự kiến sẽ trở lại làm việc vào ngày 9 tháng 1, theo lời các quan chức đại sứ quán. Đại sứ quán không xác nhận liệu ông có mất tích hay không mà chỉ nói rằng các quan chức ngoại giao đang “đợi để biết thêm thông tin.”
Cảnh sát bang Rio nói họ đã mở vụ án điều tra người mất tích. Truyền thông Brazil đưa tin vợ của đại sứ đi báo án sau khi ông rời căn hộ nghỉ lễ của họ ở Nova Iguacu và không trở về hoặc liên lạc.
Ông Amiridis vừa nhận chức đại sứ năm nay. Trước đây ông từng là đại sứ của Hy Lạp ở Libya từ năm 2012 đến năm 2016.

Ukraine bị tin tặc tấn công 6.500 lần,

cáo buộc Nga tiến hành ‘chiến tranh mạng’

Tin tặc nhắm mục tiêu vào những cơ quan nhà nước của Ukraine khoảng 6.500 lần trong hai tháng qua, trong đó có những vụ việc cho thấy những cơ quan an ninh của Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh mạng chống lại Ukraine, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết hôm thứ Năm (28/12).
Trong tháng 12, Ukraine hứng chịu những cuộc tấn công nhắm vào Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng và Ngân khố Nhà nước, nơi phân bổ tiền cho những cơ quan chính phủ. Một vụ việc bị nghi là tấn công tin tặc cũng xóa sổ một phần lưới điện của Kiev, khiến nhiều khu vực của thủ đô chìm trong bóng tối.
“Những hành động khủng bố và phá hoại nhắm vào những cơ sở hạ tầng trọng yếu vẫn có thể xảy ra ngày hôm nay,” ông Poroshenko nói trong một cuộc họp Hội đồng An ninh và Quốc phòng, theo một thông cáo từ văn phòng của ông.
Thông cáo nói tổng thống nhấn mạnh rằng “cuộc điều tra nhắm vào một số vụ việc cho thấy sự đồng lõa trực tiếp hoặc gián tiếp của những cơ quan an ninh của Nga đang tiến hành chiến tranh mạng nhắm vào đất nước chúng tôi”.
Quan hệ giữa Kiev và Moscow đổ vỡ vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và hậu thuẫn thành phần ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine, nơi mà giao tranh vẫn tiếp diễn bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn.
Trong số 6.500 vụ tấn công mà ông Poroshenko nói Ukraine đã hứng chịu, cuộc tấn công nhắm vào Ngân khố Nhà nước khiến những hệ thống của họ bị đình trệ suốt mấy ngày, và điều này có nghĩa là nhân viên nhà nước và người nhận hưu bổng đã không thể nhận được tiền lương kịp lúc.
Công ty an ninh mạng CrowdStrike tuần trước cho biết một nhóm tin tặc liên kết với chính phủ Nga có thể đã sử dụng một phần mềm độc hại cài vào những thiết bị Android để theo dõi và nhắm mục tiêu vào những đơn vị pháo binh của Ukraine từ cuối năm 2014 đến năm 2016.
Đây là những phát hiện mới nhất củng cố quan điểm của ngày càng nhiều quan chức an ninh phương Tây và những nhà nghiên cứu an ninh mạng rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày càng dựa vào những vụ tấn công tin tặc để gây ảnh hưởng và tấn công những địch thủ địa chính trị.
Những phát biểu của ông Poroshenko được đưa ra không lâu trước khi chính quyền Mỹ loan báo những biện pháp chế tài mới đối với Nga vì những vụ tấn công tin tặc nhắm vào những tổ chức chính trị và cá nhân ở Mỹ trong một nỗ lực nhằm giúp Donald Trump đắc cử tổng thống. Ông Trump đã bác bỏ những đánh giá này của cộng đồng tình báo Mỹ.

Tổng thống Đài Loan

sẽ quá cảnh Hoa Kỳ vào tháng Giêng

2016-12-30
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ quá cảnh hai thành phố Houston và Chicago của Hoa Kỳ trong chuyến công du đến các quốc gia đồng minh tại khu vực Mỹ La Tinh vào tháng giêng tới đây.
Văn phòng của bà Tổng thống Thái Anh Văn cho biết như vừa nêu hôm nay 30/12, tuy nhiên từ chối không tiết lộ liệu bà này sẽ gặp các thành viên nhóm chuyển giao chính phủ của Tổng thống đắc cử Donald Trump hay không.
Trong khi đó thì cơ quan đại diện của Hoa Kỳ tại Đài Loan lại cho hay chuyến thăm của bà Thái Anh Văn sẽ mang tính riêng tư và không chính thức.
Việc Tổng thống Đài Loan quá cảnh Hoa Kỳ khiến Trung Quốc phản đối. Bắc Kinh không thiện cảm và nghi ngờ nữ tổng thống đương nhiệm của Đài Loan về lập trường độc lập của bản thân bà cũng như của Đảng Dân Tiến.
Hồi đầu tháng 12 vừa qua, bà Thái Anh Văn gọi điện chúc mừng và được Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp chuyện. Đây là một việc mà từ năm 1979 đến nay chưa từng có tiền lệ.
Cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn bị Bắc Kinh phản ứng mạnh, vì cho rằng như thế là ảnh hưởng đến chính sách ‘một nước Trung Hoa’ của Bắc Kinh.

Syria: thỏa thuận ngừng bắn

do Nga – Thổ Nhĩ Kỳ môi giới có hiệu lực

Thỏa thuận ngừng bắn trên toàn Syria giữa lực lượng của chính quyền với các nhóm quân nổi dậy đang có hiệu lực.
Thỏa thuận do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ môi giới cũng như đứng ra bảo lãnh, bắt đầu từ nửa đêm.
Thỏa thuận bao gồm nhiều nhóm quân nổi dậy nhưng không có các tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS hay YPG của người Kurd.
Chiến dịch ngừng bắn được thực hiện ở hầu hết các khu vực vào sáng sớm ngày thứ Tư. Nếu được tiếp tục, đàm phán hòa bình sẽ diễn ra ở Kazakhstan trong vòng một tháng.
Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria, đặt ở Anh Quốc, chuyên giám sát cuộc xung đột, cho biết đa phần nước này khá yên tĩnh trong những giờ đầu tiên ngừng bắn. Tuy nhiên đã xảy ra đụng độ giữa quân nổi dậy và lực lượng chính phủ ở tỉnh Hama, theo tổ chức.
Ít nhất 300.000 người được cho là đã bị thiệt mạng trong xung đột nổ ra sau cuộc nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 3/2011.
Bốn triệu người đã sang tỵ nạn ở các nước châu Âu.
Phân tích của phóng viên mảng ngoại giao Jonathan Marcus, BBC
Nếu sự thất thủ của Aleppo trước lực lượng của chính quyền cho thấy rằng Nga và các đồng minh của Syria giờ nắm cả sáng kiến quân sự, thì thỏa thuận ngừng bắn mới này cho thấy Moscow còn có biện pháp tốt trong việc thúc đẩy ngoại giao.
Không giống những lần ngừng bắn trước, thỏa thuận này không phải do hoạt động chung giữa Nga và Hoa Kỳ mà là từ sự thấu hiểu mới giữa Moscow với Ankara.
Nhưng đồng thuận mới này liên quan tới chỉ một trong số các cuộc xung đột ở Syria. Nó không bao gồm IS hay nhóm nổi dậy chính dính líu tới al-Qaeda. Ngay cả ông Putin cũng cho rằng thỏa thuận này mong manh.
Câu hỏi thực sự được đặt ra có thể là nỗ lực quân sự Nga – Iran sẽ được dồn vào đâu tiếp theo. Thỏa thuận này dù sao vẫn đánh dấu thời khắc chuyển biến trong cuộc xung đột, với Hoa Kỳ nhận biết một cách chiến thuật về thất bại ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ra tín hiệu cho các phe nổi dậy thấy rằng lợi ích chiến lược của Ankara nay được đặt làm ưu tiên.
Liệu ngừng bắn có thành công?
Những tín hiệu ngoại giao có vẻ tích cực và thậm chí các nhóm quân nổi dậy tham gia thỏa thuận ngừng bắn cũng cho rằng nó có thể thành công.
Tuy nhiên, các sáng kiến ngừng bắn trước đó của năm nay đều nhanh chóng thất bại.
Ngoại trưởng Nga Walid Muallem nói “có cơ hội thực sự để đạt đến một giàn xếp chính trị nhằm kết thúc đổ máu và thiết lập tương lai cho đất nước”.
Việc quân nổi dậy bị mất kiểm soát ở một số nơi có thể cũng đem lại lợi ích.
Cao ủy Đàm phán (HNC), nhóm đại diện cho các phe chính trị và đối lập có vũ trang, hôm thứ Năm 29/12 thừa nhận rằng do nguồn lực có hạn của quân nổi dậy, cuộc chiến “không thể tiếp diễn”.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là đồng minh?
Hôm 24/11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ của Nga ở khu vực biên giới với Syria, khiến quan hệ ngoại giao đóng băng.
Nhưng cấm vận kinh tế khắc nghiệt lên Nga – và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng thất vọng với các đồng minh khối Nato – dẫn đến quan hệ bớt lạnh lẽo hơn trong năm 2016.
Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí làm ngơ trước việc lực lượng chính quyền Syria tiến quân ở Aleppo và giờ đôi bên còn môi giới cho một thỏa thuận ngừng bắn.
Cũng có thông tin hôm thứ Năm cho rằng máy bay Nga đã đánh bom các mục tiêu IS gần al-Bab – nơi quân Thổ Nhĩ Kỳ đang bao vây quân thánh chiến – không lâu sau khi Tổng thống Erdogan phàn nàn về việc thiếu hỗ trợ không quân từ Nato.
Thế nhưng, nhiều vấn đề vẫn còn đó. Các bên không cùng nêu ra những nhóm quân nổi dậy nào được cho là tham gia ngừng bắn.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói các nhóm chiến binh nước ngoài, gồm Hezbollah, cần rời khỏi Syria. Điều này sẽ khiến Iran không hài lòng, mà đây là quốc gia chính ủng hộ chính quyền ông Assad.
Và vẫn chưa rõ liệu Ankara có sẵn lòng gạt bỏ mục tiêu lâu dài của mình là lật đổ ông Assad.

Phút vui hiếm hoi của ‘osin’ ngoại ở Hong Kong

Chris DwyerBBC Travel
Chỉ vừa mới hơn 11 giờ sáng Chủ Nhật tại Hong Kong, mà ngay trong bóng râm trời đã nóng tới 32 độ.
Mặt trời chiếu chói chang trên những tòa nhà cao tầng ở khu quận thương mại trung tâm thành phố, và ở phía bên dưới tòa nhà Bank of America Tower đối diện, Rachel tháo nút chiếc túi nilon nhỏ, bên trong có món ăn chân gà. Cùng hai người bạn Ida và Grace ở kế bên, cả ba người ngồi xuống tấm bìa carton.
Là người đảo Mindoro của Philippines, họ là một phần trong số 300 ngàn người giúp việc nhà ở thành phố, hầu hết là người Philippines và Indonesia. Họ thường phải làm việc tới 18 tiếng một ngày, sáu ngày một tuần, và được trả với mức lương chỉ có 4.310 đô la Hong Kong mỗi tháng (khoảng 550 đô la Mỹ).
Giống như các gia đình ở nhiều thành phố tại Đông Nam Á và Trung Đông, nhiều gia đình Hong Kong dựa vào những người giúp việc này trong mọi chuyện, từ nấu ăn cho tới dọn dẹp, chăm sóc con cái và cả giặt rũ.
Công việc nặng nhọc, và người giúp việc thì sống cùng trong căn hộ của gia chủ, thường là trong những diện tích rất chật hẹp ở nơi vốn đã vô cùng đông đúc và đắt đỏ này.
Món ăn quê hương
Những người phụ nữ giúp việc theo luật được nghỉ mỗi tuần một ngày, và đa số họ đều chọn nghỉ vào Chủ Nhật.
Với hầu hết, đây là dịp duy nhất để họ gặp gỡ bạn bè, cắt tóc hay làm móng tay cho nhau, cầu nguyện, hát hò và thậm chí nhảy múa một chút.
Họ cũng tranh thủ gọi điện qua Skype cho chồng con và người thân nơi quê nhà.
Chỉ được nghỉ phép bảy ngày một năm trong thời gian hai năm đầu làm việc, và tối đa là 14 ngày một năm một khi đã làm được trên chín năm, nên việc về thăm nhà là điều không dễ gì họ làm được.
Thế nhưng những món ăn, được lấy ra từ các hộp nhựa hay những gói giấy bạc, mới là thứ quan trọng nhất, mang tính biểu tượng vào mỗi Chủ Nhật.
Suốt cả tuần, hầu hết ăn các món mà họ nấu cho gia chủ, cho nên Chủ Nhật là ngày để họ gợi nhớ về quê nhà, với hương vị quê hương nơi họ hiếm có lúc được về thăm.
Những người phụ nữ chia sẻ các món mình có với mọi người, kể cả người lạ: một bát tô và một cái thìa được chìa ra mời trước khi tôi kịp giới thiệu với họ mình là ai.
Adobo, một món ăn truyền thống được nấu om từ từ với thịt heo hoặc thịt gà ướp dấm, tiêu và xì dầu, được thừa nhận không chính thức là món ăn đậm chất Philippines.
Ida giải thích rằng chân gà là phần thực phẩm rẻ nhất cô có thể mua được ở khu chợ gần nhà.
Người Philippines nào cũng có thể nói cho bạn biết về hai công thức nấu món adobo tại gia theo kiểu riêng của từng gia đình, và quả thật Ida bỏ thêm chút gừng vào món nấu của cô, tăng thêm hương vị gợi nhớ về gia đình và nền văn hoá nơi xa.
Ida hãnh diện khoe tôi tấm ảnh chụp con gái cô trên màn hình điện thoại đã nứt vỡ. Cô kể con bé 16 tuổi chỉ còn hai năm nữa là vào đại học, nơi nó sẽ theo học ngành kế toán. “Một cơ hội mà tôi không bao giờ có được,” cô nói.
Rachel kể với tôi rằng cô làm trung bình 80 giờ trong vòng sáu ngày, gồm cả những việc cô không ưa nhất là rửa xe hơi cho nhà chủ.
Hôm nay, món cô đem góp với mọi người là laing, một món hầm béo, cay và lạ lạ, gồm lá và cuộng cây khoai sọ nấu với nước cốt dừa và chút ớt đỏ labuyo, thêm aligue (mỡ cua) và dilis (một loại cá bé).
Món này có nguồn gốc từ Bicol, nơi cực nam của đảo lớn Luzon của Philippines; nó rất ngon và nổi tiếng trên cả nước.
Gia vị ưa thích của cô là bagoong, một loại mắm tôm có vị gắt, nhưng cô giải thích rằng “nấu món ăn Philippines trong bếp của chủ nhà thì hơi kỳ, bởi có lẽ họ không ưa mùi này. Tôi phải khôn ngoan tính toán thời gian để nấu khi họ đi vắng.”
Hầu hết những người Philippines làm nghề giúp việc nhà tụ tập vào khoảng giữa buổi sáng, sau khi đi lễ nhà thờ. Họ tới ngồi ở các lối đi, các công viên trong khu quận thương mại ở trung tâm thành phố.
Hàng ngàn người giúp việc nhà đến từ Indonesia thì tập trung quanh khu vực công viên Victoria Park ở Causeway Bay, chia nhau những món ăn đậm gia vị hơn hẳn so với các món của người Philippines.
Người Indonesia có một từ để gọi món nước xốt, ‘kacap’, là từ mà người Anh gọi chệch sang thành ‘ketchup’ – món nước xốt cà chua, nhưng ở đây là sự pha trộn giữa nước mắm, mắm tôm, dấm, gừng, tỏi và tất nhiên là ớt nữa. Món nước xốt này được dùng với tất cả các loại món ăn, kể cả những món đã được bỏ ớt cay xé lưỡi.
Trên khắp thành phố, bạn bè đồng hương có xu hướng gắn bó với nhau. Một nhóm có thể nói tiếng Cebua của vùng đảo Cebu ở miền nam Philippines, nhóm khác có thể là những người họ hàng bà con xa với nhau, trong khi một nhóm khác có thể là những người hay đi lễ chung, tụ tập lại để cùng tập một khúc thánh ca mới.
Các nhóm thường nhỏ, từ vài người bạn với nhau cho tới khoảng hai chục người, nếu như họ may mắn kiếm được một chỗ trong những địa điểm làm thịt nướng công cộng có rải rác trong thành phố.
Sự tương phản
Một điểm chung trong toàn bộ những người phụ nữ này là họ tìm mọi cách dành dụm từng đồng để gửi về nhà.
Điều đó cũng có nghĩa là với hầu hết mọi người, ngày nghỉ là lúc họ ngồi chơi ngoài trời trên những tấm bìa carton hay những tấm vải nhựa trải ra, dưới những chiếc dù che đầu cho cả lúc mưa như trút hay lúc nắng chói chang, may rủi trông chờ vào thời tiết vốn khét tiếng đỏng đảnh của Hong Kong.
Khu trung tâm, cách nơi ba người phụ nữ Mindoro đang ngồi chỉ vài phút đi bộ, là nơi có những toà nhà vào hàng đắt giá nhất thế giới.
Những nhãn hiệu thời trang, những khách sạn năm sao và những nhà hàng được gắn sao Michellin, với những văn phòng sáng choang của các tập đoàn tài chính trị giá nhiều tỷ đô la, các công ty luật khổng lồ, trong ngày này được bỏ không, với những nhân viên an ninh đứng canh vẻ đầy buồn tẻ.
Bên ngoài khung cửa sổ có bày bán những túi xách tay trị giá 12 ngàn đô la, một nhóm những người họ hàng bà con với nhau ngồi trên những tấm nhựa màu xanh, mời nhau những món ăn tự nấu. Lại là món adobo, lần này là nấu bằng gà và heo, ăn với trứng luộc.
Cũng giống như chính các món ăn, mọi người hào hứng chia sẻ nhau công thức nấu chúng thế nào.
“Tôi bỏ thêm đường và thỉnh thoảng cho cả xốt cà chua. Bí kíp của tôi đấy!” Marjorie, người vừa tới thành phố này được ba tháng, khoe.
Một hộp nhựa khác đựng cá, heo viên và bò viên nấu với cà chua và xì dầu, ăn kèm cơm và món kangkong xào, một loại rau hơi giống cải xoong được nấu với ớt và nhiều gia vị khác.
Marjorie và những người bà con của mình đến từ tỉnh Quezon, nằm ở phía đông nam thủ đô Manila của Philippines. Trước đây, hai người trong số họ đã làm việc tại Malaysia, nơi họ phải làm bảy ngày một tuần trong hai năm mà không được nghỉ hôm nào. Cho nên việc được nghỉ và gặp nhau vào ngày Chủ Nhật với họ chẳng khác gì một sự xa xỉ khó tưởng tượng.
“Chúng tôi mong đến ngày Chủ Nhật bởi tất cả đều được gặp gỡ mọi người trong họ. Đó là ngày nghỉ vì từ thứ Hai cho tới thứ Bảy lúc nào cũng tất bật,” Marjorie nói, trước khi cất tiếng hát một giai điệu đang ăn khách của Rihanna, rồi phá lên cười.
Những tiếng cười giòn vang lên trong bầu không khí ẩm ướt, đặc quánh. Du khách tò mò nhìn, còn dân Hong Kong thản nhiên đi ngang.
Còn những người phụ nữ cực kỳ chăm chỉ, chịu thương chịu khó này thì tự tạo niềm vui cho mình vào ngày vui nhất trong tuần, khi mà những món ăn là thứ rốt cuộc sẽ giúp họ nhớ về quê nhà.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Trung Quốc hứa

mở thêm nhiều lãnh vực cho đầu tư nước ngoài

Trong một thông cáo ra tối 29/12/2016, Hội Đồng Nhà Nước Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ mở rộng thêm những lãnh vực mà nước ngoài được đầu tư. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc có phần yếu đi, và doanh nhân ngoại quốc than phiền về không khí kinh doanh ngày thêm ảm đạm.
Thông báo đưa ra bảo đảm « sẽ tạo môi trường đầu tư công bằng. Các tập đoàn, công ty nước ngoài và Trung Quốc sẽ được đối xử như nhau ». Các tập đoàn nước ngoài có quyền hoạt động ở Trung Quốc với những chi nhánh mà họ kiểm soát 100% thay vì phải thông qua những công ty liên doanh với Trung Quốc, trong các lãnh vực như thiết bị xe lửa hay xe gắn máy. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ có quyền hoạt động trong một số lãnh vực cho đến giờ vẫn bị cấm, chẳng hạn như kiểm toán, hay thiết kế kiến trúc.
Những thông báo trên được đưa ra sau cuộc họp dưới sự chủ tọa của thủ tướng Lý Khắc Cường và cũng được nêu lên trong một văn bản công bố đầu tháng 12 của cơ quan kế hoạch NDCR. Văn bản nêu chi tiết về một loạt lãnh vực đến nay vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt, nhưng sẽ được mở ra cho đầu tư nước ngoài : thiết bị điện tử xe hơi, chế biến nông sản, hóa học, khu giải trí.
Theo giới phân tích, Bắc Kinh hiện đang tìm cách trấn an doanh nhân ngoại quốc trước tình hình lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài bị sụt giảm đáng ngại. Theo bộ Thương Mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2016 chỉ khoảng 785 tỷ nhân dân tệ – 113 tỷ đô la -, thấp hơn so với 136 tỷ đô la năm 2016.
Về nguyên nhân động thái mở cửa bất ngờ này của Trung Quốc, các nhà phân tích còn nêu lên lý do thất thoát vốn : Với việc tiền trong nước ồ ạt chạy ra ngoài, Bắc Kinh phải tìm cách trám lỗ hổng.
Trung Quốc hứa hẹn môi trường kinh doanh công bằng, nhưng mọi người đang chờ xem, vì hiện nay, theo bảng xếp hạng của Ngân Hàng Thế Giới, trong năm 2016, Trung Quốc đứng hàng thứ 86, sau cả Ả Rập Xê Út và Ukraina.

Khủng bố ở Berlin :

Nghi phạm Anis Amri bị theo dõi từ rất lâu

Trong khi các nhà điều tra Đức cho biết rất ít thông tin về Anis Amri, người đã tấn công khủng bố một chợ Noel ở Berlin vào ngày 19/12, thì truyền thông Đức ngày 30/12/2012 lại liên tục tiết lộ nhiều tin mới liên quan Anis Amri, và khẳng định chắc chắn là nhà chức trách đã biết mức độ nguy hiểm của Anis Amry từ rất lâu trước khi vụ khủng bố xảy ra.
Từ Berlin, thông tín viên RFI Julien Méchaussie giải thích :
« Ở Đức, mỗi ngày lại có thêm nhiều thông tin mới được tiết lộ. Ngày 30/12, tuần báo Der Spiegel cho biết Anis Amri đã lọt vào tầm ngắm của nhà chức trách từ mùa hè 2015, không lâu sau khi thanh niên người Tunisia này tới Đức. Cảnh sát vùng Nordrhein-Westfalen, miền Tây nước Đức, khi đó đã nắm được thông tin về việc Anis Amri liên lạc với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Thứ Năm 29/12, nhật báo Die Süddeutsche và hai kênh truyền hình nhà nước đã phối hợp tìm hiểu và khẳng định nhà chức trách Đức đã sai lầm như thế nào về nghi phạm chính của vụ khủng bố ở Berlin, mặc dù ngay từ mùa xuân năm 2016, cơ quan an ninh đã bắt đầu theo dõi Anis Amri và biết được rất nhiều điều : Anis Amri đã tìm kiếm thông tin trên mạng Internet về cách chế tạo bom, tự đề xuất với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo để đánh bom tự sát và sử dụng tới sáu danh tính khác nhau.
Truyền thông Đức cũng tiết lộ ngay từ khi đặt chân tới Ý vào năm 2011, Anis Amri đã bị lưu tên trên hệ thống thông tin của khối Schengen. Tại Ý, Amri đã bị giam trong tù 4 tháng vì phóng hỏa một trường học. Anis Amri đã bị cấm lưu trú tại các nước trong khối Schengen. Vậy mà Anis Amri tới được Đức và ít nhất là đã một lần tới Pháp. »

Bắc Kinh tăng cường tàu chiến hiện đại

cho hạm đội phụ trách Đài Loan

Vào lúc vấn đề Đài Loan nổi cộm trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc ngày 29/12/2016 đã đưa thêm một hộ tống hạm ‘‘tàng hình’’ thuộc loại hiện đại nhất vào hoạt động trong Hạm Đội Đông Hải. Đây là đơn vị đặc trách vùng Biển Hoa Đông, với một trong những nhiệm vụ chính yểm trợ chiến dịch đổ bộ vào Đài Loan trong trường hợp xẩy ra chiến tranh.
Theo các hình ảnh được công bố trên mạng Vi Bác, chiến hạm vừa được Hải Quân Trung Quốc chính thức đưa vào hoạt động trong Hạm Đội Đông Hải là hộ tống hạm Tân Châu (Binzhou), loại 054A thuộc lớp Giang Khải II (Jiangkai II).
Đây là hộ tống hạm thứ 9 thuộc loại này được biên chế cho Hạm Đội Đông Hải, và là chiếc thứ 23 đang phục vụ trong Hải Quân Trung Quốc. Bắc Kinh xem loại tàu hộ vệ 054A là trụ cột cho sức mạnh trên biển của mình, cho nên đã bố trí đến 8 chiếc vào Hạm Đội Nam Hải, chịu trách nhiệm tuần tra trên Biển Đông. Hiện một chiếc 054A khác tên là Hứa Xương (Xuchang), đang được thử nghiệm để sớm bổ sung cho Hạm Đội Nam Hải.
Loại hộ tống hạm 054A được mệnh danh là tàu tàng hình, được trang bị tên lửa chống hạm YJ-83 có tầm bắn 250 km và tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 với tầm bắn 40 km. Tàu cũng được trang bị hệ thống phóng ngư lôi chống tàu ngầm. Theo các chuyên gia hải quân, chắc chắn loại tàu này sẽ được biên chế vào nhóm tàu tác chiến tháp tùng theo tàu sân bay Trung Quốc.
Trung Quốc thường xuyên phô trương loại hộ tống hạm lớp 054A. Chính các chiến hạm thuộc lớp này đã được triển khai tham gia các chiến dịch chống cướp biển trên Vịnh Aden kể từ năm 2009. Các hộ tống hạm 054A cũng tham gia các cuộc tập trận hải quân song phương giữa Trung Quốc và Nga, trên Biển Hoa Đông rồi Biển Đông trong hai năm 2015 và 2016. Nhân chuyến ghé cảng Cam Ranh đầu tiên vào hạ tuần tháng 10/2016, Hải Quân Trung Quốc đã cử hai chiến hạm Tương Đàm và Châu Sơn, đều thuộc loại 054A.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?