Từ tố cáo đến hành động, Washington dồn Matxcơva vào thế cô lập
Chính quyền nước Nga của Vladimir Putin bị cáo buộc là thủ phạm các vụ tấn công tin học cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.Sputnik/Michael Klimentyev/Kremlin/via REUTERS
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ban hành ngày 29/12/2016 một loạt biện pháp trừng phạt hai cơ quan tình báo của Nga, GRU (an ninh quân đội) và FSB (KGB cũ), để trả đũa các hành động can thiệp của điện Kremlin vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Quyết định này được toàn thể chính giới Mỹ ủng hộ. Ngay tổng thống tân cử Donald Trump cũng không phản đối. Châu Âu lo ngại bị Nga khuynh đảo trong mùa bầu cử 2017.
Vào thời điểm chỉ còn ba tuần là bàn giao Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn hành xử như một tổng thống phải bảo quốc, an dân trước một mối đe dọa chiến lược : xâm hại đến nền dân chủ Hoa Kỳ.
Thủ phạm là chính quyền Putin
Hôm 29/12/2016, trong khi cả nước đang chuẩn bị lo tết dương lịch, tổng thống Mỹ loan báo một danh sách biện pháp trừng phạt Nga : trục xuất 35 nhân viên mật vụ mang hộ chiếu ngoại giao và gia đình, đóng cửa hai cơ sở bình phong, một ở New York và một ở bang Maryland, gần Washington. Hai cơ quan tình báo GRU và FSB cũng bị trừng phạt kinh tế cũng như bốn cấp chỉ huy của GRU, trong đó có giám đốc an ninh quân đội Igor Korobov.
Tổng thống Mỹ còn cho biết thêm các biện pháp trừng phạt Nga không dừng ở đây. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ra tay « khi cần thiết kể cả các điệp vụ bí mật mà công chúng sẽ không được thông báo ». Không những trả đũa Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống, Washington còn « đáp lễ »một chiến dịch của công an Nga « sách nhiễu » nhân viên ngoại giao Mỹ ở Matxcơva trong hơn một năm qua.
Trả lời câu hỏi của AFP, một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết Hoa Kỳ luôn luôn sẵn sàng hợp tác với Nga nhưng « trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, tổng thống phải lấy quyết định mạnh mẽ ».
Donald Trump cô đơn và... Kremlin bị cô lập
Hành động của tổng thống Mỹ được chính giới Mỹ ủng hộ. Các biện pháp trừng phạt Nga là một viên đá ném vào chân người kế nhiệm thân Nga nhưng theo AFP, Barack Obama biết rõ đảng Cộng Hoà ủng hộ quan điểm của ông và nghiêng về chủ trương cứng rắn với điện Kremlin.
Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan còn lấy làm tiếc là các biện pháp này lẽ ra phải được thi hành từ lâu. Hai Thượng nghị sĩ John Mc Cain và Lindsey Graham còn cho biết sẽ « động viên đồng sự để trừng phạt Nga mạnh hơn nữa ». Bản thân Donald Trump, bị nghi ngờ thắng bà Hillary Clinton là nhờ có cú đẩy của võ sĩ Vladimir, cũng tránh phản đối loạt biện pháp trừng phạt công bố ngày 29/12/2016. Tổng thống tân cử chỉ tuyên bố sẽ gặp CIA. Bản phúc trình « toàn diện » về hành động tin tặc của Nga trong mùa bầu cử sẽ được trình tổng thống trong nay mai.
Để tạo ấn tượng cộng đồng các quốc gia dân chủ đang đứng trước đe dọa tồn vong, tổng thống Mỹ long trọng kêu gọi quốc tế « đoàn kết trong liên minh thần thánh » để buộc Matxcơva từ bỏ âm mưu khuynh đảo các nước khác trên thế giới và chọn « đường ngay nẻo chính » mà đi.
Theo giải thích của Matxcơva thì Washington đang từng bước « tiêu diệt vĩnh viễn quan hệ Mỹ-Nga và đánh vào dự án cải thiện bang giao của Donald Trump ».
Chiến tranh mạng để giúp người thân Nga làm lãnh đạo ?
Còn theo các nhà phân tích Tây phương, gây nhiễu bầu cử Mỹ là một chiến thuật nhất cử lưỡng tiện : Cho dù Donald Trump không thắng thì uy tín của nền dân chủ Mỹ cũng bị thiệt hại và tổng thống mới bị suy yếu. Nhưng theo một tài liệu của CIA bị lộ mật thì chính quyền Nga còn có mục tiêu xa hơn : loại Hillary Clinton và giúp cho Donald Trump thân Nga đắc cử.
Thông điệp của Mỹ đã vang động đến tận châu Âu nơi mà hai cường quốc Đức và Pháp sẽ bầu lại Quốc Hội và cả tổng thống đối với Pháp trong năm 2017. Giám đốc tình báo đối ngoại Đức Bruno Kahl khẳng định Châu Âu hiện đang là « đối tượng của chính sách khuynh đảo chính trị bằng chiến tranh mạng ».
Nhận xét
Đăng nhận xét