Tin Việt Nam – 31/12/2016

Tin Việt Nam – 31/12/2016

Hoạt động tri ân

thương phế binh VNCH tại Sài Gòn

Phóng viên RFA tại Việt Nam
Trong tuần qua nhiều người lính Việt Nam Cộng Hòa bị thương trong cuộc chiến trước đây lại tập trung để tham gia chương trình ‘Tri ân Thương Phế Binh’ với chủ đề “Bên nhau đi nốt cuộc đời”.
Trả lại cho anh em giá trị làm người
Có thể nói từ sau năm 1975 đến nay, những người lính bị thương tật ở miền Nam trước đây không nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ chính sách an sinh xã hội của chính quyền Hà Nội. Ngược lại còn bị gọi là thành phần “ngụy quân, ngụy quyền”.
Trong mấy năm gần đây, nhờ những mạnh thường quân trong cũng như ngoài nước giúp đỡ, Chùa Liên Trì và tiếp đến là Văn phòng Công lý-Hòa bình của Dòng Chúa Cứu Thế đã đứng ra tổ chức và giúp đỡ cho rất nhiều trường hợp thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.
Linh Mục Lê Ngọc Thanh, người hiện phụ trách tại văn phòng Công lý-Hòa bình cho chúng tôi biết về chương trình này:
“Chúng tôi có hai hoạt động. Hoạt động thứ nhất như thế này là hoạt động mang tính đại hội, một năm tổ chức chung một lần, cố gắng làm sao có không gian rộng nhất để nhiều ông nhất đến gặp nhau để chia sẻ với nhau và cái này là hoạt động nâng đỡ tinh thần thật sự, làm cho họ thấy rằng họ không bị loại trừ.
Mỗi người sẽ nhận được phong thư trong đó có 1 triệu, kèm theo một chút phần quà rồi thiệp mừng năm mới.
Mục tiêu của chương trình này ngay từ ban đầu (năm nay là năm thứ 5) không phải là một tổ chức từ thiện, không phải là nơi phát chẩn, mà là một nơi giúp trả lại cho các anh em thương phế binh giá trị làm người, cái giá trị mà anh em bị chà đạp bởi định kiến chính trị trong xã hội Việt Nam.”
Niềm vui hội ngộ
Những khuôn mặt khắc khổ, làn da đen xạm, từng vết thương hằn sâu, hầu hết đều đã bỏ một phần thân thể mình lại nơi chiến trường, hôm nay vui tươi hớn hở, cười nói bắt tay ôm hôn các đồng đội một thời binh lửa sau nhiều năm tháng nay mới được gặp lại.
Họ ca hát, nhẩm theo từng nốt nhạc của các tình nguyện viên ca hát góp vui cho chương trình.
Thương phế binh Phan Văn Quang tự hào vì hơn bốn chục năm qua, những người lính VNCH như ông mới được sống lại những giây phút yêu thương, chia sẻ của tình người. Ông cho biết:
“Anh em nói dưới này có chương trình đó mới tìm xuống. Xuống thấy cũng vui vẻ, cũng mong muốn các anh em còn lại xuống để gặp lại vui, huynh đệ chi binh.”
Vẫn bị sách nhiễu, gây khó khăn
Tuy nhiên niềm vui của họ không được trọn vẹn vì có trường hợp sau khi tham dự chương trình ‘Tri ân Thương phế binh’ về lại bị chính quyền địa phương gọi lên “làm việc”, như trường hợp Ông TPB Phan Thế Hùng:
“Từ ngày xuống đây lãnh về là tui đã gặp một trường hợp là nó đã mời tôi đến và nói với tôi đừng đến nhà thờ Dòng Chúa cứu thế để nhận quà. Nó không nói lý do, chỉ nói đừng đến nhà thờ Dòng Chúa cứu thế thôi.”
Linh mục Lê Ngọc Thanh cũng xác nhận có vài trường hợp sau khi đến tham dự chương trình này về lại bị chính quyền sách nhiễu:
“Trường hợp thứ nhất là một ông thương phế binh tại huyện Cần Giờ, ông được đưa vào danh sách người khuyết tật, mỗi tháng được nhận một chút xíu tiền an sinh xã hội cho người khuyết tật theo luật. Nhưng họ đến để đe dọa ông rằng nếu ông lên nhà thờ Dòng Chúa cứu thế thì sẽ bị cắt.
Trường hợp thứ hai là ông Sơn, ngay khi nhận quà xong, sinh hoạt với anh em xong đi ra khỏi nàh thờ là tức khắc bị bắt tại phường 9 đưa về phường 7, sau 3 tiếng được thả ra. Một anh ở Bình Thuận cũng tương tự như vậy, bị đến nhà đe dọa không cho đi.”
Bên nhau đi nốt cuộc đời này
Để có được một chương trình lớn như vậy được diễn ra một cách suôn sẽ, ban tổ chức cần các tình nguyện viên góp sức.
Chị Lê Thị Phương Chị, một tình nguyện viên tích cực trong chương trình cho biết cảm nghĩ của mình:
“Hơn 40 năm qua thấy các bác đã hy sinh một phần thân thể của mình cho quê hương đất nước cho nên chị đến đây để chia sẻ niềm vui cho các bác.”
“Bên nhau đi nốt cuộc đời” là chủ đề được chọn cho chương trình lần này, bởi các thương phế binh bây giờ đã quá già yếu, có lẽ họ sẽ không còn trụ lại ở trần gian này trong thời gian dài nữa.
“Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ,
đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời”
Hai  câu thờ của Ngô Tịnh Yên và được Trần Duy Đức phổ nhạc trong ca khúc “Nếu có yêu tôi” được nhìn nhận rất hợp trong trường hợp này đối với các thương phế binh VNCH hiện nay.

Mất chùa Liên Trì, Dòng Chúa Cứu Thế

bị chính quyền làm khó

trong cứu trợ thương phế binh VNCH

Từ nhiều năm qua, Chùa Liên Trì và Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn là hai cơ sở tôn giáo tích cực duy trì các chương trình trợ giúp thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng nay, sau khi Chùa Liên Trì bị nhà cầm quyền quận 2 san bằng để giao đất cho dự án thương mại. Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế cũng gặp áp lực, trước một cuộc bao vây của nhà cầm quyền CSVN, nhằm sách nhiễu và hù dọa các thương phế binh tránh xa cơ sở tôn giáo này.
Đài RFA hôm Thứ Sáu 30/12 thuật lại chương trình “Tri ân Thương Phế Binh” với chủ đề “Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời”, được tổ chức trong tuần qua tại Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, cho biết nhiều thương phế binh sau khi tham dự chương trình trở về địa phương đã bị công an sách nhiễu, hù dọa. Thương phế binh Phan Thế Hùng kể rằng chính quyền địa phương đã mời ông đến làm việc nhưng không nói lý do, mà chỉ nói “đừng đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế”.
Linh mục Lê Ngọc Thanh, người phụ trách Văn Phòng Công Lý Và Hòa Bình của Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, xác nhận với RFA một số sự việc khác, khi các thương phế binh sau khi đến tham dự chương trình này về lại địa phương đã bị chính quyền sách nhiễu. Một thương phế binh tại huyện Cần Giờ còn bị đe dọa sẽ bị cắt tiền an sinh xã hội dành cho người khuyết tật. Một thương phế binh tên Sơn, sau khi nhận quà và dự buổi sinh hoạt, vừa đi ra khỏi nhà thờ là tức khắc bị công an bắt tại phường 9 đưa về phường 7 nhốt suốt 3 tiếng. Một thương phế binh khác ở Bình Thuận thì bị quan chức địa phương đến tận nhà đe dọa không cho đi.
Linh mục Thanh nhấn mạnh rằng, hoạt động không phải là làm từ thiện hay phát chẩn, mà là “giúp trả lại cho các anh em thương phế binh giá trị làm người, cái giá trị mà anh em bị chà đạp bởi định kiến chính trị trong xã hội Việt Nam…”.
Huy Lam / SBTN

Formosa ‘khắc phục’

hàng chục lỗi vi phạm môi trường

Báo chí Việt Nam đưa tin hãng Formosa nói đã “khắc phục” 51 lỗi vi phạm các quy định về môi trường.
Tin tức dẫn lời ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, cho hay hôm 29/12 một đoàn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với công ty gang thép của Formosa đặt ở tỉnh.
Tại cuộc họp, lãnh đạo công ty đã báo cáo với đoàn rằng họ đã khắc phục được 51 lỗi vi phạm, hoàn thành khoảng 96% tiến độ thực hiện cam kết với nhà chức trách.
Hồi tháng 4, đã xảy ra thảm họa ô nhiễm ven biển 4 tỉnh miền Trung làm cá chết hàng loạt. Hai tháng sau, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa. Ban lãnh đạo công ty đã xin lỗi người dân Việt Nam, cam kết bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường.
Sau thảm họa, nhà chức trách đã tiến hành điều tra, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định Formosa có 53 lỗi vi phạm.
Trong số 51 lỗi Formosa nói họ đã khắc phục có việc xử lý, khắc phục các vi phạm về khí thải, nước thải, xây trạm xử lý nước tuần hoàn dập cốc, xây lắp bồn lọc nước, hồ nuôi cá tạm thời, bố trí tổng cộng 16 khu vực lưu trữ chất thải nguy hại. Formosa nói họ cũng phân loại triệt để và thu gom chất thải nguy hại phát sinh đưa vào kho lưu giữ, chất thải thông thường được chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý.
Hai lỗi còn lại vẫn đang được Formosa gấp rút khắc phục là lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho toàn nhà máy và chuyển đổi công nghệ dập cốc ướt sang dập cốc khô.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói với VOA về việc xử lý các sai phạm của Formosa:
“Cái mức độ bồi thường của họ theo tôi là thấp rất nhiều so với mức độ tai họa của thảm họa đó xảy ra đối với Việt Nam. Cho đến nay mới quy tội được Formosa, chứ còn về phía Việt Nam chưa quy tội được cho bất cứ cơ quan nào hoặc cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về việc buông lỏng giám sát, không thực hiện trách nhiệm của mình và để cho vấn nạn môi trường đó xảy ra. Tôi nghĩ rằng đấy là điều rất cần phải quan tâm. Bởi vì những sự cố môi trường trong tương lai có thể xảy ra tiếp, và nó đòi hỏi phải làm rất rõ trách nhiệm giải trình của từng đơn vị, từng cá nhân trong công việc.”
Tin cho hay, trong khuôn khổ cuộc làm việc hôm 29/12, đoàn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đo đạc và lấy mẫu phân tích các nguồn chất thải xung quanh khu vực hoạt động của Formosa. Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước biển bề mặt, tầng giữa và tầng đáy từ đầu tháng 8 đến nay cho thấy, chất lượng nước biển đều nằm trong ngưỡng an toàn.
Lâu nay, nhiều người cho rằng các mẫu ở vùng bị ảnh hưởng bởi thảm họa Formosa cần được xét nghiệm ở các phòng thí nghiệm quốc tế để đảm bảo tính đáng tin cậy và sự khách quan.
Sau thảm họa Formosa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và một số lãnh đạo cấp bộ Việt Nam nói sẽ không chấp nhận các dự án gây tác hại cho môi trường, đồng thời sẽ tăng cường giám sát môi trường.
Tuy nhiên, các nhà quan sát chỉ ra rằng trên thực tế nhà chức trách Việt Nam dường như không làm như vậy, thể hiện qua việc Bộ Công thương vẫn đưa dự án thép Cà Ná ở Ninh Thuận và quy hoạch mới của ngành thép. Dự án này cách đây vài tháng đã gặp nhiều chỉ trích trên báo chí Việt Nam cũng như trên mạng xã hội.

Gần 100 người Việt bị bắt

trong cuộc đột kích các tiệm nail ở Anh

Bộ Di trú Anh vừa đột kích 280 tiệm làm móng (nail) và bắt giữ 97 người, đa số là người Việt, bị tình nghi vi phạm luật di trú.
Trong một thông báo, Bộ Di trú Anh cho biết chính quyền của Thủ tướng Theresa May đang tiến hành các hoạt động nhằm dẹp bỏ nạn làm việc bất hợp pháp trong các ngành công nghiệp được xem là có nhiều mối nguy như nghề nail, xây dựng, vệ sinh, nhà hàng, taxi…
Cuộc đột kích vào các tiệm nail nằm trong chiến dịch kéo dài một tuần, diễn ra từ ngày 27/11 đến ngày 3/12.
Đa số những người bị bắt là người Việt. Số còn lại là người Mông Cổ, Ghana, Trung Quốc, Nigeria, Pakistan và Ấn Độ.
Trong những năm gần đây, các tiệm nail ở Anh bị cho là nơi chứa chấp những “nô lệ thời hiện đại” với nhiều nhân công cư trú bất hợp pháp và làm việc trong điều kiện như nô lệ.
Bộ trưởng di trú Anh Robert Goodwill cho biết trong số những người bị bắt, có 14 người sẽ được các tổ chức hỗ trợ nạn nhân của nạn nô lệ và buôn người hỗ trợ. Những người bị xem là cư trú bất hợp pháp sẽ bị trục xuất về nước.
Người đứng đầu Bộ di trú Anh còn cho biết 68 tiệm có thể phải đối mặt với mức phạt lên đến 20.000 bảng Anh cho mỗi công nhân bất hợp pháp.
Ông Goodwill nói chiến dịch này đánh đi một “thông điệp mạnh mẽ tới các chủ lao động bóc lột các thành phần yếu thế và lạm dụng luật di trú Anh”. Ông nói thêm rằng “Nô lệ thời hiện đại là một tội ác man rợ, hủy hoại cuộc sống của nhiều người thuộc thành phần bị thua thiệt trong xã hội chúng ta”.
Năm 2015, Thủ tướng Anh Theresa May, khi đó đang giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, đã hứa sẽ hành động chống nạn nô lệ thời hiện đại này. Bà đã thảo luận về “Đạo luật Nô lệ Hiện đại”. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức thủ tướng, bà May đã cam kết lập ra một lực lượng đặc nhiệm của chính phủ phụ trách về nạn nô lệ hiện đại và dành thêm ngân sách cho chương trình này.
Một cuộc điều tra của tờ New York Times năm 2015 cho thấy một tỷ lệ lớn nhân viên làm móng được trả lương thấp hơn mức tối thiểu và thường xuyên bị chủ lao động ngược đãi.
Một cuộc điều tra của tờ báo của Anh Sunday Times năm 2013 ước tính có khoảng 100.000 thợ làm móng người Việt Nam đang làm việc tại Anh. Trong số này, có nhiều người di cư bất hợp pháp.

Năng suất Việt Nam thấp

còn do nguyên nhân thể chế

Tổng cục Thống kê Việt Nam vừa ra báo cáo nói năng suất của đất nước đã tăng nhẹ sau hơn một năm.
Theo báo cáo, năng suất lao động toàn nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016 ước tính tăng 5,31% so với năm 2015.
Số liệu của tổng cục cho thấy trong năm 2016 năng suất lao động xã hội của Việt Nam ước tính đạt 84,5 triệu đồng mỗi người, tương đương khoảng 3.853 đôla Mỹ. Tổng cục cũng cho biết năng suất lao động đã tăng đáng kể sau 5 năm, từ mức 55,2 triệu đồng vào năm 2011.
Thuật ngữ năng suất lao động xã hội được dùng để chỉ mức tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân của một lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc.
Một năm trước, năng suất lao động của Việt Nam đạt 3.660 đôla, bằng 4,4% của Singapore. Các báo Việt Nam nói những con số này đồng nghĩa là mỗi người Singapore có năng suất bằng 23 người Việt cộng lại.
Tuy nhiên, sau khi sự so sánh này được nêu ra, một số chuyên gia viết trên mạng xã hội việc lấy GDP chia ra đầu người để kết luận rằng người Việt thua về năng suất so với người Singapore là phiến diện, dễ gây hiểu nhầm.
Họ cho rằng trong cùng điều kiện làm việc, người Việt không kém về năng suất và hiệu quả qua nhiều so với người trong khu vực nói chung hay Singapore riêng.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, nói với VOA rằng ngoài yếu tố con người, cần lưu ý đến các nguyên nhân về công nghệ, pháp luật, thể chế:
“Thứ nhất là công nghệ đã đành. Nhưng mà cái thứ hai nữa đó là vấn đề thể chế, vấn đề môi trường làm việc để người lao động có thể phát huy tối đa sáng kiến cũng như năng lực, sự khéo tay của mình. Máy móc thiết bị thì có thể mua sắm được. Nhưng vấn đề thể chế họ khó mà trong 1, 2 ngày mà mua sắm được, mà tạo dựng được. Rõ ràng là ở Việt Nam hiện nay, môi trường làm việc đối với người lao động Việt Nam là rất khó khăn về mặt thể chế, không tạo nên động cơ làm việc, từ câu chuyện tiền lương, đến động cơ thăng tiến của người lao động. Rõ ràng là không có những thể chế để kích thích khả năng lao động của người Việt, cũng như khả năng sáng tạo của người Việt”.
Tiến sĩ Giao cũng chỉ ra rằng môi trường làm việc của người lao động lại gắn với môi trường pháp lý cho doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, theo ông, nói một cách khái quát, các doanh nghiệp được chia ra gồm doanh nghiệp nhà nước được coi là “công dân hạng 1”, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được coi là “công dân hạng 2” và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tư nhân được coi là “công dân hạng 3”. Giữa các doanh nghiệp này có sự bất bình đẳng về tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và các điều kiện kinh doanh, và điều này đã được báo chí phản ánh lâu nay.
Ông Giao nói thực trạng đó gây ảnh hưởng đến môi trường làm việc của các lao động trong các doanh nghiệp:
“Cái môi trường pháp lý làm sao bình đẳng, lành mạnh cho các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thì ở Việt Nam thiếu cái đó. Mọi đề án, mọi hợp đồng gọi là đấu thầu nhưng mà chắc gì đã là đấu thầu. Nếu không có thể chế pháp lý, một môi trường pháp lý lành mạnh, minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp, thì khó có cơ hội để người công nhân Việt Nam phát huy được hết năng lực, sáng kiến và có động cơ để mà tăng năng suất lao động, để hiệu quả lao động tốt hơn. Nếu như ở Việt Nam mà thể chế thay đổi, môi trường làm việc tốt hơn và công nghệ cũng được đưa vào tốt hơn thì tôi tin chắc là người Việt cũng không thua kém gì người Singapore”.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, 15 người Việt Nam có năng suất lao động bằng một người Singapore vào năm 2013. Đến năm 2014, gần 16 người lao động Việt mới có năng suất bằng một người Singapore.
Điều này cho thấy khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam với Singapore và một số nước láng giềng đang ngày càng dãn rộng. Nếu không có cải cách đột phá nào, Việt Nam sẽ phải mất hơn 60 năm nữa mới đuổi kịp được Singapore.

Việt Nam: Giáo viên cho học sinh ‘tát hội đồng’

Sự việc xảy ra vào ngày 26/12 tại Trường Tiểu học Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội, nơi hơn 40 học sinh lớp bốn được lệnh của giáo viên chủ nhiệm cho tát một học sinh vì cáo buộc “chửi bậy”.
“Thứ nhất sẽ đình chỉ việc đứng lớp của cô giáo Đ.D.T và bố trí giáo viên khác giảng dạy thay thế. Thứ hai trên cơ sở báo cáo của trường sẽ tổ chức hội đồng kỷ luật và thấp nhất là có hình thức cảnh cáo đối với giáo viên này”, một cán bộ phòng giáo dục huyện Thường Tín được báo VietnamNet dẫn lời.
Em Đỗ Tuấn Linh, người bị tát, được dẫn lời nói rằng “Bọn cháu cãi nhau sau đó bạn lớp trưởng nói dối với cô là cháu chửi bạn ấy, cô giáo không hỏi rõ đầu đuôi và cho 43 bạn lên bảng vả vào mặt cháu. Bạn lớp trưởng còn cào vào mặt cháu. Cô giáo bảo là chửi bạn thì cô cho vả như thế nào cũng được”.
Học sinh này cho biết đây là lần thứ hai em bị như thế này và cho biết rất sợ đến lớp vì bị các bạn đánh.
Hiệu trưởng trường này, bà Trần Thị Cậy, được dẫn lời nói rằng “Không hiểu sao cô giáo lại xử lý một biện pháp không có nghiệp vụ sư phạm như thế”.
Hiệu trưởng mô tả giáo viên có hơn 20 năm công tác này là người có “công tác chủ nhiệm rất tốt nhưng hôm nay lại có biện pháp xử lý không hợp lý một chút nào”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?