Tin khắp nơi – 31/12/2016
Tổng thư ký Ban Ki-Moon
chia tay toàn thể nhân viên Liên Hiệp Quốc
Liên Hiệp Quốc. (Reuters) – Video cho thấy Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon bắt tay và chào tạm biệt tất cả nhân viên của Liên Hiệp Quốc, sau 10 năm làm việc tại đây.
Hôm qua 30 tháng 12, là ngày cuối cùng của ông Ban tại Liên Hiệp Quốc. Nhiều nhân viên mắt đỏ hoe, trong khi vợ ông Yoo Soon-taek cũng liên tục lau nước mắt. Trong bài diễn văn cuối cùng, ông Ban nói trong 10 năm qua, ông là tiếng nói cho những người không có tiếng nói, là người bảo vệ của những ai không thể tự vệ. Ông đùa rằng trong những giờ phút cuối cùng, ông có cảm giác giống nàng Lọ Lem, sau khi tiếng chuông nửa đêm vang lên, tất cả đều thay đổi.
Trong 10 năm qua, ông được hàng ngàn nhân viên và thành viên Liên Hiệp Quốc giúp đỡ. Nhưng sau nửa đêm của ngày 30 tháng 12, ông phải tự thân vận động và tự lực cánh sinh. Ông cũng đùa rằng khi tiếng chuông giao thừa vang lên, cả thế giới nhìn thấy ông bị thất nghiệp. Ông cho biết sau khi nghỉ hưu, ông sẽ quay về Nam Hàn an dưỡng một thời gian, sau đó chuyện gì đến sẽ đến.
Người dân Nam Hàn thường gọi ông là tổng thống của thế giới. Học sinh, sinh viên và cả phụ huynh đều xem ông là tấm gương sáng. Nhiều tiệm sách trưng bày hàng chục cuốn sách về cuộc đời ông Ban, về giai đoạn 10 năm ông làm tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cũng như về cách tự rèn luyện để trở thành một nhân vật như ông. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thống nhất chọn cựu thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres kế nhiệm ông Ban làm Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. (Mai Đức)
Đài Loan ‘điềm tĩnh’ trước TQ
bất chấp căng thẳng gia tăng
Tổng thống Thái Anh Văn hôm thứ Bảy nói Đài Bắc sẽ giữ thái độ ‘điềm tĩnh’ trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Reuters nói, bà Thái đánh giá rằng sự bất ổn trong năm 2017 sẽ là phép thử đối với hòn đảo tự trị và lực lượng an ninh Đài Loan, dẫu bà tái cam kết duy trì chủ trương hòa bình.
Phát biểu tại phiên họp báo cuối năm 31/12, bà Thái nói Đài Loan là ‘một quốc gia độc lập và có chủ quyền’.
Bà nhắc lại lập trường vẫn được Đài Loan nói đến, đó là luôn sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc nhưng đồng thời cho rằng những diễn tiến gần đây không có lợi cho mối quan hệ Trung-Đài.
“Đối diện với sự bất ổn, chúng ta vẫn sẽ cố gắng duy trì hòa bình và sự ổn định, đồng thời nỗ lực tìm kiếm những tiềm năng mới,” bà Thái nói. “Điều này sẽ thử thách khả năng phản ứng của quân đội và chính phủ chúng ta.”
Bên cạnh đó, bà Thái cũng nói: “Chỉ cần chúng ta giữ bình tĩnh, chừng mực và luôn có quan điểm linh hoạt, tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm được giải pháp cho cả hai bên trong việc duy trì hòa bình và giữ mối quan hệ được ổn định.”
Kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền, mối quan hệ Trung-Đài ngày càng xấu đi.
Bắc Kinh luôn cho rằng Tổng thống Thái Anh Văn đang tìm cách thúc đẩy cho nền độc lập của Đài Loan, trong khi Bắc Kinh luôn xem đảo quốc là một tỉnh ly khai thuộc đại lục.
Căng thẳng càng dâng cao sau chuyện Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ, ông Donald Trump, có cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn, làm dấy lên lo ngại chính phủ kế nhiệm của Hoa Kỳ sẽ không tôn trọng chính sách ‘Một Trung Quốc’.
Hồi đầu tuần, Trung Quốc đã cho hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và năm tàu chiến khác đi qua khu vực biển Đài Loan tiến vào vùng Biển Đông đang có tranh chấp với tuyên bố tập trận, khiến Đài Bắc lo ngại, điều các chiến đấu cơ theo giám sát.
Cũng trong tuần này, một đồng minh lâu năm của Đài Loan là Sao Tome, một quốc gia nhỏ ở châu Phi, tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, chỉ năm ngày sau khi chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc.
Trong bối cảnh đó, bà Thái cho rằng hai bên vẫn có thể đối thoại và nên có quan điểm linh động thích ứng với hoàn cảnh.
“Đã có vài sự việc xảy ra giữa hai bên [Trung Quốc và Đài Loan] và cả khu vực. Chúng tôi cảm nhận được điều đó, và bình tĩnh đối diện,” Bà Thái nói.
Bà Thái cũng cho biết chính phủ Đài Loan dự đoán nửa đầu năm 2017 sẽ có nhiều bất ổn, khi chính phủ mới của Hoa Kỳ có thể sẽ mang lại ‘nhiều thay đổi trong quan hệ quốc tế’.
Hôm thứ Sáu 30/12, Văn phòng Tổng thống nói bà Thái và phái đoàn các quan chức Đài Loan trong chuyến công du chính thức sang các nước đồng minh ở Trung Mỹ tháng tới sẽ có hai chặng dừng chân tại Hoa Kỳ, hãng tin AP cho hay.
Bắc Kinh đã lặp đi lặp lại lời kêu gọi, theo đó muốn Washington không cho phái đoàn bà Thái quá cảnh.
Vụ trục xuất ngoại giao:
Trump khen Putin thông minh
Donald Trump, người sắp nhậm chức tổng thống Mỹ, khen ngợi Vladimir Putin sau khi Tổng thống Nga bác bỏ ăn miếng trả miếng vụ Washington trục xuất các nhà ngoại giao Nga vì tranh cãi tin tặc.
Ông Trump nhắn bằng Twitter: “Động thái trì hoãn (của V. Putin) thật tuyệt vời – Tôi luôn biết rằng ông rất thông minh!”
Hiện chưa rõ ông Trump dùng thuật ngữ “trì hoãn” ý muốn nói gì.
Ông Putin trước đó cho biết Nga sẽ không hạ thấp mình xuống với lối “ngoại giao vô trách nhiệm”.
Washington vừa trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vì cho là Nga tấn công tin tặc để can thiệp kết quả bầu cử tổng thống. Moscow đã bác bỏ bất kỳ sự tham gia nào.
Quyết định của chính phủ Hoa Kỳ đưa ra hôm thứ Năm 29/12 bao gồm các khoản:
35 nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán Nga ở Washington và lãnh sự quán ở San Francisco bị liệt vào diện “persona non grata” và phải cùng gia đình rời nước Mỹ trong 72 tiếng đồng hồ.
Hai cơ sở được cho là của cơ quan an ninh Nga tại New York và Maryland sẽ bị đóng cửa
Chế tài đối với 9 tổ chức và cá nhân, trong đó có hai cơ quan an ninh của Nga là GRU và FSB
Ông Trump vốn luôn bác bỏ những tuyên bố dùng tin tặc tấn công là “lố bịch”.
Tuy nhiên, trước khi ông Putin phản ứng, ông Trump nói ông sẽ gặp giới lãnh đạo tình báo Mỹ vào tuần tới để được “cập nhật về các dữ kiện của vụ việc này”.
Phụ tá cao cấp của ông là Kellyanne Conway nói hôm thứ Năm: “Ngay cả những người có cảm tình với Tổng thống Obama về hầu hết các chủ đề đang nói rằng một phần lý do ông đã làm điều này hôm nay là để ‘vây hãm’ Tổng thống đắc cử Donald Trump.”
“Đó sẽ là điều rất đáng tiếc nếu chính trị là yếu tố động cơ trong việc này. Chúng tôi không thể không nghĩ rằng đó lại thường là sự thật.”
Barack Obama, người sẽ rời Nhà Trắng là nơi Donald Trump tiếp quản vào ngày 20 tháng Một, đã tuyên bố sẽ có hành động với Nga trong bối cảnh Hoa Kỳ cáo buộc rằng Nga chỉ đạo cuộc tấn công mạng nhắm vào Đảng Dân chủ và chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.
Phát hiện thi thể đại sứ Hy Lạp
mất tích ở Rio de Janeiro
Kênh truyền hình Globo hôm thứ Năm cho biết cảnh sát Brazil nghi rằng một xác chết được tìm thấy bên trong một chiếc xe cháy nám đen ở Rio de Janeiro có thể là đại sứ Hy Lạp tại Brazil, bị mất tích cách đây ba ngày.
Hãng tin Reuters chưa liên lạc được với người phát ngôn viên cảnh sát để yêu cầu bình luận.
Hôm thứ Năm cảnh sát Rio cho hay lần cuối cùng còn thấy Đại sứ Kyriakos Amiridis, là tối ngày thứ Hai, sau khi ông rời nhà người bạn của vợ ông tại một vùng ngoại ô nghèo và đầy bạo lực ở thành phố Rio.
Một giới chức cảnh sát cho biết phu nhân đại sứ đã trình báo việc chồng bà mất tích hôm thứ Tư.
Kênh truyền hình Globo chiếu cảnh chiếc xe màu trắng bị cháy nám đen trong khu phố Nova Iguacu, nơi đại sứ Amiridis, 59 tuổi, mất tích.
Một giới chức tại Đại sứ quán Hy Lạp ở Brasilia không thể xác nhận rằng ông đại sứ đã mất tích, mà chỉ nói rằng ông đi nghỉ phép ở thành phố Rio và dự kiến sẽ trở lại thủ đô Brasilia vào ngày 09 tháng 01.
Thanh tra cảnh sát Evaristo Pontes nói với một tờ báo địa phương rằng ông không tin là ông đại sứ bị bắt cóc.
Đai sứ Amiridis trước đây từng là tổng lãnh sự Hy Lạp ở Rio từ năm 2001 đến năm 2004.
Gần đây ông là đại sứ Hy Lạp ở Libya từ năm 2012 cho đến khi được bổ nhiệm làm đại sứ ở Brazil vào đầu năm 2016.
Bộ Ngoại giao Hy Lạp tại Athens chưa đưa ra bình luận nào.
http://www.voatiengviet.com/a/phat-hien-thi-the-dai-su-hy-lap-mat-tich-o-rio-de-janeiro/3657108.html
Lệnh ngưng bắn ở Syria
vẫn được duy trì dù có giao tranh lẻ tẻ
Các nhà hoạt động nhân quyền nói có ít nhất một người chết vì bị bắn sẻ ở Syria, nơi thoả thuận ngưng bắn bắt đầu có hiệu lực từ khuya thứ Sáu.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh nói các nguồn tin đáng tin cậy tường thuật về một người đã chết vì bị bắn sẻ ở vùng Đông Ghouta, nơi nhiều vụ nổ đã được nghe tại vùng nông thôn bên ngoài thành phố Daraa. Giới hoạt động cho hay là làng Khabab đã bị pháo kích.
Đài quan sát Nhân quyền Syria nói tình hình trên phần lớn Syria khá yên tĩnh nhưng các cuộc pháo kích vẫn xảy ra tại một số khu vực ở Hama, Idlib, và Wadi Barada thuộc vùng Rif Dimashq.
Giới hoạt động cho biết nhiều cuộc giao tranh đã diễn ra giữa các binh sĩ chính phủ và các lực lượng dân quân thân chính phủ Syria, với các phe phái chủ chiến trong khu vực.
Đài quan sát Nhân quyền Syria tường thuật rằng các chiến đấu cơ của chính phủ Syria đã thực hiện ít nhất 16 cuộc không kích nhắm vào quân nổi dậy ở tỉnh Hama hôm thứ Sáu. Giám đốc Đài quan sát Rami Abdel Rahmen nói không rõ bên nào đã khơi mào những cuộc đụng độ.
Hãng tin AFP dẫn lời ông Rahmen nói “Xung đột bùng ra và đang tiếp tục … với máy bay trực thăng bắn vào những vị trí thuộc phe đối lập và Mặt trận Fateh al-Sham,” ông nói những vụ đụng độ là “một vi phạm thỏa thuận ngừng bắn rõ rệt, nhưng không rõ bên nào phải chịu trách nhiệm làm bùng nổ giao tranh.”
Mặt trận Fateh al-Sham, trước đây được gọi là Mặt trận Al-Nusra, từng có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaida. Chính phủ Syria nói nhóm này bị loại khỏi thỏa thuận ngưng bắn do Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hậu thuẫn.
Nhưng phe đối lập ở Syria nói họ hiểu rằng thỏa thuận đình chiến sẽ được áp dụng trên toàn lãnh thổ Syria. Liên minh Quốc gia Syria, nhóm đối lập chính trị chính được phương Tây và các nước Vùng Vịnh hậu thuẫn, cho biết họ sẽ tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn nhưng cảnh báo sẽ đáp trả các hành động vi phạm.
Hiện vẫn còn nhiều điều chưa rõ rệt về thỏa thuận ngừng bắn trên khắp Syria mà Tổng thống Nga Vladimir Putin loan báo hôm thứ Năm.
Nhưng sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng ý nghĩa cho cuộc đình chiến, theo các nhà ngoại giao Tây phương, vốn bị gạt sang một bên trong thoả thuận này.
Ankara có khả năng bóp nghẹt các lực lượng dân quân nổi dậy nào phá vỡ lệnh ngưng bắn, và có thể phong toả những đường tiếp tế vũ khí đi ngang qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Hội đồng Bảo an
cứu xét thoả thuận hoà bình Syria
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dường như đang sẵn sàng biểu quyết về một nghị quyết ủng hộ thoả thuận ngưng bắn tại Syria do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian điều giải.
Dự thảo nghị quyết tỏ ý ủng hộ một lộ trình tiến tới hoà bình, khởi sự bằng một chính quyền chuyển tiếp, đồng thời kêu gọi tạo điều kiện cho các hoạt động phân phối vật phẩm cứu trợ nhân đạo được xúc tiến một cách “cấp thời, an toàn và không bị cản trở” trên khắp lãnh thổ Syria.
Hội đồng Bảo an cho hay một phiên họp đã được dự trù vào cuối tháng Giêng 2017 giữa chính phủ Syria và phe đối lập tại Astana, thủ đô của Kazakhstan. Cuộc họp này, theo Hội đồng Bảo an, sẽ là một phần quan trọng trong tiến trình chính trị do Syria dẫn đầu với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc.
Thoả thuận ngưng bắn, nếu được tôn trọng, sẽ đánh dấu một bước đột phá tiềm tàng để giải quyết cuộc xung đột đã khởi sự từ năm 2011 với cuộc nổi dậy chống chế độ cai trị kéo dài nhiều thập niên của gia đình Tổng Thống Bashar al-Assad.
Hơn 250,000 người đã bị giết chết trong cuộc xung đột ở Syria, và hơn 13 triệu người hiện đang cần được cứu trợ khẩn cấp. Giao tranh tại Syria cũng đã khởi động một cuộc khủng hoảng tị nạn trên khắp lãnh thổ Châu Âu.
Hai quả bom phát nổ ở Baghdad, 25 người chết
Các giới chức Iraq cho hay 2 quả bom đã phát nổ tại một khu chợ búa đông người mua kẻ bán tại trung tâm Baghdad hôm nay, giết chết ít nhất 25 người.
Chính quyền địa phương cho biết là ngoài ra còn có 50 người bị thương trong cuộc tấn công xảy ra hôm thứ Bảy 31/12 tại khu xóm al-Sinaq, và theo nguồn tin này thì con số tử vong có phần chắc sẽ tăng cao.
Hãng tin Reuters dẫn lời một giới chức Bộ Nội vụ Iraq nói rằng một kẻ đánh bom tự sát đã kích nổ một quả bom, trong khi vụ nổ thứ nhì là do gài chất nổ từ trước.
Hiện không có ai hoặc tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công này, nhưng các phần tử chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo thường xuyên lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom tương tự.
Thủ đô Baghdad của Iraq đã được đặt trong tình trạng báo động cao từ tháng 10 năm nay, khi quận đội phát động một chiến dịch quân sự để tái chiếm Mosul, cứ địa của thành phần thánh chiến ở miền Bắc Iraq.
Xích lại gần ông Trump,
Anh chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ về Israel
Anh lên tiếng phê phán Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về việc ông mô tả chính phủ Israel có lập trường thiên hữu nhất trong lịch sử Israel, một hành động đưa Thủ tướng Theresa May xích lại gần hơn với Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nổi giận vì từ chối phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đòi Israel chấm dứt xây dựng những khu định cư của họ, lời khiển trách Israel của ông Kerry đã khiến một số đồng minh như Anh lo ngại.
Giữa một trong những cuộc đối đầu gay gắt nhất của Mỹ với Israel kể từ cuộc khủng hoảng Suez năm 1956, ông Kerry nói trong một bài diễn văn rằng Israel gây nguy hại cho hy vọng hòa bình ở Trung Đông bằng cách xây dựng những khu định cư ở vùng Bờ Tây và Đông Jerusalem bị chiếm đóng.
Mặc dù Anh biểu quyết đồng tình với nghị quyết của Liên Hiệp Quốc khiến ông Netanyahu nổi giận và nói rằng những khu định cư trong những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng là bất hợp pháp, song một phát ngôn viên của bà May nói rằng rõ ràng những khu định cư chắc chắn không phải là vấn đề duy nhất trong cuộc xung đột.
Trong một lời khiển trách công khai mạnh mẽ một cách bất thường nhắm vào nhà ngoại giao hàng đầu của ông Obama, phát ngôn viên của bà May nói rằng Israel đã đương đầu quá lâu với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và chỉ tập trung vào những khu định cư thôi không phải là cách tốt nhất để đạt được hòa bình giữa người Do Thái và người Ả-rập.
London cũng đặc biệt bất đồng với mô tả của ông Kerry rằng liên minh của ông Netanyahu “có lập trường thiên hữu nhất trong lịch sử Israel, với chủ trương được thúc đẩy bởi những phần tử cực đoan nhất.”
“Chúng tôi không cho rằng công kích thành phần chính phủ được bầu cử dân chủ của một nước đồng minh là điều thích đáng,” phát ngôn viên của bà May nói khi được hỏi về bài diễn văn dài 70 phút của ông Kerry tại hội trường của Bộ Ngoại giao.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ ngạc nhiên về phát biểu từ văn phòng của bà May và nói rằng phát biểu của ông Kerry nhất quán với chính sách của chính nước Anh. Bộ cũng gửi lời cảm ơn tới các nước Đức, Pháp, Canada, Jordan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Saudi, Qatar và Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả-rập về sự ủng hộ của họ.
Thái Lan xem xét thông qua
luật chống vi phạm nhân quyền
Thái Lan đang xem xét dự luật nhằm hình sự hoá nạn tra tấn và vi phạm nhân quyền khác.
Một dự thảo luật sẽ được trình lên Hội đồng Lập pháp Quốc gia Thái Lan, đã đề xuất một loạt biện pháp trừng phạt gồm án tù lên đến 20 năm đối với các quan chức nhà nước bị kết tội tra tấn, 30 năm tù nếu tra tấn dẫn đến chấn thương nghiêm trọng và tính mạng, và tù chung thân nếu nạn nhân chết.
Dự thảo luật đã được chính phủ chấp nhận và được Hội đồng Nhà nước phê duyệt.
Thái Lan đang đối mặt với nhiều chỉ trích về các luật nhân quyền và thành tích xấu trong nỗ lực bảo vệ nhân quyền
Kinh tế Philippines có khả năng dẫn đầu khu vực
Nền kinh tế Philippines năm nay có phần chắc sẽ tăng trưởng nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào khác trong khu vực Đông Nam Á, nhờ vào chính sách ngoại giao xích lại gần hơn với Trung Quốc và Nhật Bản, và tăng công chi vào cơ sở hạ tầng và lĩnh vực dịch vụ trả lời cho khách hàng qua điện thoại.
Theo ước tính của chính phủ, tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ ở Philippines đã tăng 6.7 % trong năm 2016. Giá trị hàng hóa và dịch vụ trong quý 3 tăng 7.1 %, tỷ lệ này giúp Philippines qua mặt các nước châu Á khác. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính nền kinh tế Philippines có giá trị 311 tỷ đô la.
Phát ngôn viên của tổng thống Philippines Ernesto Abella viện dẫn một lý do khác giúp Philippines đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, ông nói đó là nhờ những thành tựu trong quan hệ đối tác với nước ngoài. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 6, Tổng thống Rodrigo Duterte đã thiết lập mối quan hệ mới với Trung Quốc và củng cố quan hệ với nước đầu tư lớn là Nhật Bản.
Kinh tế gia Rahul Bajoria, thuộc tập đoàn ngân hàng Barclays tại Singapore nhận xét:
“Về ảnh hưởng của Trung Quốc, Philippines là một trong những nền kinh tế ít phụ thuộc nhất vào Trung Quốc trong khu vực. Nhưng với thời gian, ảnh hưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trong 3-5 năm tới. Các lợi ích thực sự có thể đến dưới hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, lĩnh vực chế tạo sản xuất và khai thác mỏ.”
Hồi tháng 10, ông Duterte đã đến thăm Chủ tịch nước Trung Quốc và Thủ Tướng Nhật Bản, như một phần trong chính sách của ông để giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ, từng cai quản Philippines như một thuộc địa.
Trung Quốc cam kết viện trợ 24 tỷ đô la cho Philippines và các nhà kinh tế dự đoán Nhật Bản sẽ đầu tư vào các nhà máy và cấp vốn cho các dự án phát triển. Năm ngoái, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất ở Philippines, chiếm khoảng 29 % tổng số vốn đầu tư.
Năm 2017 ông Duterte sẽ đảm nhận chức chủ tịch ASEAN, Hiệp hội 10 nước Đông Nam Á, và phát ngôn viên của ông nói với truyền thông địa phương rằng vai trò này sẽ giúp Philippines phát triển thêm các quan hệ đối tác với nước ngoài.
Quan chức cao cấp Trung Quốc
bị khai trừ đảng vì tham nhũng
Một quan chức an ninh hàng đầu của Trung Quốc bị khai trừ khỏi đảng vì cáo buộc tham nhũng.
Ủy ban Kiểm Tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra thông cáo nói ông Mã Kiến, cựu thứ trưởng Bộ An Ninh Nhà nước Trung Quốc bị tình nghi ăn hối lộ và lạm dụng quyền hành, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, chuyển cũng như cất giấu tiền bạc, tài sản.
Ông này bị điều tra kể từ tháng Giêng năm 2015, và vụ việc của ông được chuyển sang cho phía tư pháp để truy tố, xét xử.
Thông cáo kỷ luật vừa nêu đối với ông Mã Kiến được cho là thuộc chiến dịch bài trừ tham nhũng mang tên ‘đả hổ, diệt ruồi’ mà chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành từ khi lên cầm quyền từ năm 2012 cho đến nay.
Từ đó đến nay có hơn 1 triệu đảng viên cộng sản Trung Quốc bị kỷ luật.
Hôm thứ tư vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng ra thông cáo nói rằng chiến dịch chống tham nhũng đạt được thành công trong thời gian qua và sắp tới sẽ thanh lọc hệ thống chính trị của đảng với những biện pháp tăng cường thêm nữa. Mọi thành phần từ cấp cao đến đảng viên thường đều có thể thuộc diện bị xem xét.
Hiện đảng cộng sản Trung Quốc có chừng 88 triệu đảng viên.
Giới quan sát thì cho rằng chiến dịch lâu nay của ông Tập Cận Bình có mục tiêu chính là thanh toán những phe phái đối chọi lại quyền lực của ông này.
Sydney chào Năm Mới bằng màn pháo hoa rực rỡ
Úc chính thức bước vào năm mới 2017 với màn bắn pháo hoa rực rỡ tại Cầu cảng Sydney.
Khoảng 1.5 triệu người được cho sẽ tập trung ở khu vực đài phun nước để xem bắn pháo hoa.
Trước đó, Auckland thuộc New Zealand trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới chào đón Năm Mới.
Nhiều thành phố trên thế giới cũng tăng cường an ninh cho các buổi lễ trong đêm Giao Thừa, trong bối cảnh có nhiều vụ khủng bố bằng xe tải đâm vào đám đông, xảy ra tại thành phố Berlin của Đức và thành phố Nice ở nước Pháp.
Hàng ngàn cảnh sát sẽ được tăng cường cho việc giữ an ninh ở London và các thành phố khác.
Tại Paris, Madrid và New York, hàng rào bằng bê tông và những xe tải hạng nặng sẽ được dùng để bao quanh những quảng trường trung tâm, nơi có đám đông tụ tập chào đón Năm Mới.
Màn trình diễn pháo hoa ở Cầu cảng Sydney cũng có mục đích vinh danh Prince và David Bowie, là hai ngôi sao ca nhạc qua đời trong năm 2016.
“Trong năm nay, thật là buồn khi chúng ta chứng kiến sự ra đi của nhiều huyền thoại ca nhạc và giải trí trên thế giới,” đồng đạo diễn chương trình pháo hoa Catherine Flanagan nói.
“Vì vậy, ca ngợi âm nhạc của những ngôi sao này trong màn trình diễn pháo hoa đón Năm Mới ở Sydney là dịp để phản ảnh lại năm cũ và hy vọng cho tương lai.”
Những đảo quốc ở Thái Bình Dương như Samoa, Tonga và Kiribati cũng bước vào năm 2017 lúc 10:00 GMT, muộn hơn một tiếng so với Auckland, là nơi có màn bắn pháo hoa tại Sky Tower, cao 328m (1.080 ft), ở trung tâm thành phố.
Vào hôm thứ Sáu 29/12, một người đàn ông ở Sydney bị kết tội liên quan đến việc đe dọa sẽ tấn công vào Lễ đón Giao thừa ở Sydney.
Cảnh sát nói người đàn ông này bị kết tội ‘hình sự, nhưng không phải khủng bố’, đồng thời nói không còn mối đe dọa nào khác đối với công chúng.
Israel cũng cảnh báo công dân của mình khi du lịch đến Ấn Độ, nên tránh xa đám đông vì có rủi ro cao bị ‘tấn công khủng bố’.
Những lễ hội ở một số thành phố ở châu Âu cũng bị lu mờ bởi các biện pháp phòng ngừa an ninh hồi năm ngoái.
‘Giây nhuận’
Tại Cologne nước Đức, thêm 1.500 cảnh sát sẽ được tăng cường bảo vệ an ninh tại lễ đón Năm Mới của thành phố.
Đây cũng là năm mà chính quyền nhận nhiều tố cáo về những trường hợp phụ nữ bị tấn công, bị lạm dụng và có một trường hợp bị hãm hiếp bởi những người đàn ông được mô tả có vẻ bên ngoài là người Arab hoặc người Bắc Phi.
Có thời điểm, Bộ trưởng Tư pháp đã cảnh báo những vụ tấn công như vậy có liên quan đến người tị nạn và nhập cư, và trong lễ hội của năm nay, hai nhóm cực đoan thuộc phe cực hữu đã bị cấm tổ chức tuần hành vì lý do an ninh, theo giải thích từ cảnh sát.
Trong khi đó, một ‘giây nhuận’ sẽ được cộng thêm vào màn đếm ngược trong đêm Giao Thừa, vì trái đất quay chậm lại.
Giây cộng thêm này sẽ diễn ra đúng thời điểm đồng hồ chỉ nửa đêm và thời gian đúng 23:59:60 GMT, làm năm mới 2017 bị chậm lại trong tích tắc.
Giây nhuận sẽ chỉ ảnh hưởng đến những quốc gia có múi giờ theo Giờ Greenwich, trong đó có Anh quốc.
Đây là việc làm bắt buộc vì giờ chuẩn sẽ chậm hơn so với đồng hồ nguyên tử.
Trung Quốc sẽ cấm kinh doanh ngà voi
Trung Quốc sẽ cấm mọi hình thức kinh doanh và chế biến ngà voi tại nước này từ nay đến cuối năm 2017. Quyết định ngày 30/12/2016 của Bắc Kinh được các nhà bảo vệ voi châu Phi đánh giá là có thể « làm thay đổi tình hình ».
Thông cáo của chính phủ Trung Quốc, được AFP trích dẫn, nêu rõ : « Để bảo vệ tốt hơn các loài voi và để đấu tranh chống nạn buôn lậu, Trung Quốc sẽ từng bước ngừng mọi hoạt động kinh doanh và chế biến ngà voi vì mục đích thương mại và đồ vật trang trí ».
Theo Tân Hoa Xã, lệnh cấm hoàn toàn trên sẽ liên quan đến « 34 doanh nghiệp chế biến ngà voi và 143 trung tâm thương mại, trong đó hàng chục cơ sở sẽ bị đóng cửa từ nay đến tháng 03/2017 ». Những cơ sở khác sẽ lần lượt được chia thành nhiều đợt khác nhau.
Vẫn theo thông cáo trên, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục cho phép bán đầu giá đồ cổ từ ngà voi có « nguồn gốc chính đáng » và quá trình đấu giá sẽ được « giám sát chặt chẽ ».
Thông báo trên của chính phủ là bước tiếp theo của quyết định được Trung Quốc đưa ra hồi tháng 03/2016 nhằm cấm mọi hình thức nhập khẩu ngà voi và các sản phẩm chế biến từ ngà voi được sở hữu sau năm 1975.
Ngà voi là sản phẩm rất được ưa chuộng tại Trung Quốc với giá bán có thể lên đến 1.050 euro/kg vì được cho là thể hiện vị trí xã hội và là một thần dược. Nhu cầu ngày càng tăng tại quốc gia châu Á này khiến hàng chục nghìn con voi châu Phi bị giết hại mỗi năm.
Theo nhiều tổ chức bảo vệ thiên nhiên, hơn 20.000 con voi đã bị giết chết để lấy ngà vào năm 2015. Hiện chỉ còn khoảng 415.000 con voi vẫn sống sót, theo thẩm định của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund).
Tháng 06/2016, Hoa Kỳ, quốc gia tiêu thụ ngà voi bất hợp pháp lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc, cũng thông báo cấm gần như hoàn toàn hoạt động kinh doanh ngà voi có xuất xứ từ châu Phi. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp ngoại lệ như đồ vật trang trí cổ làm từ ngà voi.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161231-trung-quoc-se-cam-kinh-doanh-nga-voi
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161231-trung-quoc-se-cam-kinh-doanh-nga-voi
Philippines
muốn dời địa điểm tập trận với hải quân Mỹ
Theo hãng tin Reuters hôm qua, 30/12/2016, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã yêu cầu bộ trưởng Quốc Phòng nước này dời địa điểm tập trận chung với hải quân Mỹ ra khỏi khu vực Biển Đông, vào lúc mà Manila đang cố cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Theo lời bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, các cuộc tập trận hải quân chung với Mỹ có thể được dời đến khu vực Mindanao. Philippines trước đó đã quyết định giảm con số các cuộc thao dượt quân sự với đồng minh lâu đời Hoa Kỳ, sau khi tổng thống Duterte quyết định “xoay trục” sang Trung Quốc. Khi đến thăm Bắc Kinh vào tháng 10 vừa qua, ông Duterte thậm chí đã tuyên bố “chia tay” với Mỹ, quốc gia mà từ 2002 viện trợ quân sự tổng cộng gần 800 triệu đôla cho Philippines.
Hôm thứ năm vừa qua, tổng thống Philippines đã nhắc lại rằng ông muốn tránh đối đầu với Trung Quốc và nói rằng không có gì cấp thiết trong việc yêu cầu Bắc Kinh thi hành phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ kiện Biển Đông, đưa ra vào đầu tháng 7 vừa qua, nhưng đã bị Trung Quốc bác bỏ.
Tuy vậy, tổng thống Duterte xác định rằng nếu Trung Quốc bắt đầu khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc chủ quyền Philippines thì ông sẽ áp dụng phán quyết của Tòa Trọng Tài để chống Bắc Kinh.
Thế giới chờ đón năm 2017 trong mối lo khủng bố
Hôm nay, 31/12/2016, cả thế giới, đặc biệt là châu Âu và Hoa Kỳ chuẩn bị đón mừng năm 2017. Nhiều nước tăng cường an ninh chặt chẽ sau một loạt các vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhắm vào thường dân. Các cơ quan an ninh đang rất sợ tái diễn những vụ tấn công bằng xe tải nhắm vào đám đông như ở Nice ngày 14/07 khiến 86 người chết hay ở Berlin ngày 19/12.
Vào 13 giờ quốc tế hôm nay, thành phố Sydney của Úc đã là thành phố đầu tiên bước sang năm 2017 với màn bắn pháo bông ngoạn mục trước một triệu rưỡi người dân. Nước Úc cũng là một quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố, nên chính quyền đã huy động thêm 2 ngàn cảnh sát để bảo vệ an ninh cho Sydney, nhất là sau vụ bắt giữ một người đã có những lời đe dọa liên quan đến ngày Tết Dương lịch. Trước đó, chính quyền Canberra cho biết đã phá vỡ một âm mưu khủng bố nhân ngày Noel.
Bên nước Indonesia láng giềng, chính quyền Jakarta cũng loan báo đã chặn đứng một âm mưu khủng bố của một nhóm có liên hệ với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhân ngày Giáng sinh.
Còn tại châu Âu, ở Paris, như mọi năm, khoảng nửa triệu người sẽ kéo đến đại lộ đẹp nhất thế giới Champs-Elysée tối nay. An ninh tại thủ đô Pháp cũng như trên toàn nước Pháp đã được tăng cường tối đa, với tổng cộng gần 100 ngàn cảnh sát, hiến binh và binh lính được huy động.
Thủ đô Berlin của nước Đức, nơi hàng năm vẫn thu hút hàng trăm nghìn du khách đến mừng Năm Mới, cũng đón Giao thừa trong không khí cảnh giác cao độ trước nguy cơ khủng bố. Cảnh sát Berlin có thêm một số biện pháp an ninh mới. Thông tín viên Pascal Thibault tường trình từ Berlin :
« Một điều trớ trêu của lịch sử : các khối bê tông được dùng để phòng ngừa ‘‘xe điên’’ được đặt đúng ở nơi trước đây từng có bức tường chia cắt Berlin. Cảnh sát được trang bị súng tự động. Đây là hai biện pháp an ninh mới năm nay, sau vụ khủng bố 19/12. Du khách chỉ vào được đại lộ 17 tháng 6, khởi đầu từ thành Brandebourg, sau khi bị kiểm tra kỹ lưỡng. Các túi đồ cồng kềnh và các vật nguy hiểm bị cấm. Đây không phải là các biện pháp mới.
Cảnh sát trưởng Berlin Klaus Kandt cho biết : ‘‘Từ ngày 19/12, việc kiểm soát an ninh về cơ bản không thay đổi. Chúng tôi có thêm biện pháp dùng các khối bê tông, để một vụ khủng bố với ‘‘xe điên’’ đâm vào đám đông như vụ 19/12 không thể tái diễn’’.
Ngay từ chiều thứ Sáu, hai cây số của đại lộ nói trên đã được mở cho du khách. Nhiều cuộc biểu diễn âm nhạc sẽ diễn ra trước cửa thành Brandebourg. Hôm qua, vào buổi chiều, nhiều du khách đã có mặt tại đây. Trong số họ có một cặp thanh niên người Pháp. Họ dự đoán chắc chắn sẽ có việc kiểm tra trước khi vào khu vực này, nhưng đây là chuyện bình thường, mặt khác, cũng không thấy nhiều quân nhân hay cảnh sát, mọi việc có vẻ ổn.
Hồi năm ngoái, khoảng 200.000 người đã đón đêm Giao thừa tại cửa thành Brandebourg. Hiện tại những người phụ trách ngành du lịch không ghi nhận hiện tượng hủy đăng ký chỗ ».
Tại Hoa Kỳ, mọi lực lượng cảnh sát được đặt trong tình trạng báo động trong ngày cuối cùng của năm 2016. Họ có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho hàng triệu du khách du mà không ngăn cản các hoạt động lễ hội và vui chơi.
Thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio tại Washington cho biết các vụ khủng bố tại Nice (Pháp) và gần đây tại chợ Noel ở thành phố Berlin (Đức) vẫn còn hằn sâu trong tâm trí người dân Mỹ :
« Trung tâm các thành phố San Francisco, Las Vegas và đặc biệt là New York giống như các pháo đài trong ngày cuối cùng của năm 2016. Các biện pháp an ninh xung quanh khu vực lễ hội đón năm mới được tăng cường nghiêm ngặt.
James O’Neil, người phụ trách an ninh tại Manhattan, giải thích nhân viên của ông đã nghiên cứu các cuộc tấn công bằng xe tải điên ở Nice và Berlin. Ông cho biết không nhận được báo động về nguy cơ khủng bố nhắm vào quảng trường Thời Đại (Time Square) hay trong buổi tối Giao thừa nói chung. An toàn của người dân sẽ được đảm bảo vì lực lượng an ninh, cũng như cảnh sát có mặt khắp nơi. Đêm Giao thừa sẽ là một trong những sự kiện được bảo vệ tốt nhất, căn cứ vào các biện pháp mà họ triển khai.
Thực vậy, lực lượng được triển khai xung quanh quảng trường Thời Đại thật ấn tượng : 65 xe thu gom rác chở 15 tấn cát, sẵn sàng đổ xuống đường để giảm tốc, trong trường hợp bị khủng bố bằng xe ; khoảng 100 xe cảnh sát được tăng cường cùng với sự có mặt của các chuyên gia về chất nổ và chó nghiệp vụ. Hai điểm kiểm tra được dựng lên để rà soát người vào Broadway, nơi sẽ có hơn một triệu người đến chờ thời khắc chuyển sang năm mới. Người dân cũng được yêu cầu mang ít vật dụng ; ô dù và túi lớn bị cấm hoàn toàn.
Sự hiện diện của cảnh sát nhằm trấn an người dân, song không hề ảnh hưởng đến đêm hội, nổi tiếng với sự kiện đếm ngược những giây cuối cùng của năm ».
Nhận xét
Đăng nhận xét