Báo TQ nói gì về chuyến thăm của Mattis?

BBC
27 tháng 6 2018


Mattis Bản quyền hình ảnh AFP/Getty Images
Image caption Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis trong cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ít tường thuật về chuyến thăm từ 26 đến 28/6 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis.
Tính đến 05:00 giờ GMT ngày 27/6, Tân Hoa Xã, Nhân Dân Nhật Báo và Thời Báo Hoàn Cầu không đăng tin về sự kiện này.
Chỉ có một vài post về ông Mattis được hiển thị trên Weibo.
Một video được chia sẻ trên mạng xã hội này cho thấy ông Mattis rời khỏi máy bay tại sân bay Bắc Kinh vào ngày 26/6 và chỉ được quân đội nhân chưa xác định danh tính đón tiếp.
Ông Mattis sẽ gặp các lãnh đạo và giới chức quân sự Trung Quốc trong chuyến thăm. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đến Trung Quốc kể từ năm 2014.

'Dịu giọng'

Báo nhà nước Trung Quốc ghi nhận "sự dịu giọng" của ông Mattis trong ngày đầu tiên của chuyến thăm. Tin tức và bình luận trên website Observer Net suy đoán rằng tướng "diều hâu" Mattis có thể "dịu đi" thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc vì Mỹ "công nhận ảnh hưởng quan trọng của Trung Quốc đối với Bắc Hàn".
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về giao thương Mỹ - Trung và tranh chấp Biển Đông. Nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng hôm 26/6 cho biết, miễn là cả hai bên xử lý quan hệ song phương "đúng đắn", "sẽ không có khó khăn nào không thể vượt qua", kênh CCTV4 tường thuật.
Theo South China Morning Post, chính quyền Trung Quốc lệnh cho truyền thông hạn chế đề cập đến chính sách công nghiệp rầm rộ được nhà nước hậu thuẫn "Made in 2025", tâm điểm của cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Tờ báo trích dẫn ba nguồn từ báo giới đại lục nói họ nhận được chỉ thị này từ tháng 5/2016, thời điểm Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Steven Mnuchin và phái đoàn Mỹ bắt đầu đàm phán thương mại với phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu.
Chính sách "Made in China 2025" nhằm biến Trung Quốc thành siêu cường công nghệ bằng cách đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nội địa trong 10 ngành công nghiệp - từ chất bán dẫn đến trí thông minh nhân tạo, dược phẩm và xe điện - với mục đích thúc đẩy nâng cấp công nghiệp, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đang chậm lại.

trump Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Donald Trump từ hồi vận động tranh cử đã hứa hẹn giành công bằng thương mại cho Mỹ

Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Công nghiệp - Công nghệ thông tin Trung Quốc cũng không nhắc đến chính sách nêu trên trong cuộc họp báo về "công nghệ thông minh" ở Bắc Kinh hôm 26/6 và những tin tức về chủ đề này trên website Bộ Thương mại Trung Quốc đã giảm mạnh ba tháng qua, South China Morning Post viết.
Bắc Kinh sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu đậu tương đối với một số nước châu Á-Thái Bình Dương từ ngày 1/7, Ủy ban Thuế quan Trung Quốc thông báo.
Thỏa thuận này có hiệu lực 5 ngày trước khi Hoa Kỳ áp mức thuế 25% trên hàng hóa trị giá 34 tỷ đôla nhập khẩu từ Trung Quốc. South China Morning Post nói Trung Quốc đang cố hô hào sự ủng hộ toàn cầu để chống lại "chủ nghĩa bảo hộ thương mại" và điều này tương phản hoàn toàn với sự trả đũa của Bắc Kinh với việc Washington áp thuế. Tuy nhiên, việc xóa bỏ thuế quan đối với 5 nước châu Á không tạo ra nhiều khác biệt vì không nước nào trong số này từng xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc trong năm qua.
Cùng thời điểm, bài xã luận của Thời Báo Hoàn Cầu đưa nhận định chiến tranh thương mại sẽ không chỉ làm tổn hại lợi ích của đối thủ của Mỹ, mà còn làm hại cho chính nước này. Tờ báo cũng nói quyết định của hãng Harley-Davidson về việc chuyển bớt sản xuất khỏi Mỹ để né thuế của EU là "rất kịch tính".
Tờ báo nói thêm rằng nếu Mỹ bắt đầu thực thi kế hoạch đánh thuế hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu trị giá 34 tỷ đôla từ ngày 6/7, thì "từ một trận động đất nhỏ, tin đồn về một trận động đất lớn sẽ nổi lên và quan ngại sẽ tiếp tục lan rộng".

Weibo nói gì về diễn viên 83 tuổi xin vào Đảng CS?

Trong một diễn biến khác, các thành viên mạng xã hội Weibo đang bàn cãi về quyết định xin vào đảng Cộng sản Trung Quốc của diễn viên Niu Ben, 83 tuổi.
Chủ tịch Tập Cận Bình viết thư đề ngày 25/6, ca ngợi nam diễn viên "làm gương" cho các đảng viên và giới văn nghệ sĩ về sự đóng góp vào công cuộc phát triển của nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Nhiều báo nhà nước đưa câu chuyện lên đầu bản tin hôm 27/6.
Tuy nhiên, những người dùng Weibo hoài nghi, đặt câu hỏi tại sao ông Niu Ben lại quyết định xin vào Đảng lúc cuối đời, và liệu ông làm đảng viên để trốn thuế thu nhập cá nhân hay không.



Shangri-La: Ngô Xuân Lịch gặp song phương James Mattis

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?