Tin Việt Nam – 29/06/2018

Tin Việt Nam – 29/06/2018

VN: Nhà hoạt động công đoàn tố “bị khủng bố”

Các cuộc khủng bố bằng đá và bom xăng vào nhà một nhà hoạt động công đoàn độc lập ở Lâm Đồng diễn ra nhiều ngày sau sự kiện biểu tình phản đối Luật Đặc khu và An ninh mạng.
“Một nhóm rất đông đi xe máy, bịt mặt tới nhà tôi trong nhiều đêm, ném đá khủng bố chúng tôi.”
“Các đêm trước họ chỉ ném đá rào rào như mưa vào nhà. Nhưng đỉnh điểm là hôm 26/6 họ ném kíp nổ và bom xăng.”
Bà Đỗ Thị Minh Hạnh, Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, nói với BBC qua điện thoại từ Lâm Đồng ngày 29/6.
Bà Hạnh thuật lại, vào khoảng 22:40 đêm 26/6, bà cùng cha mình nghe tiếng có xe máy lao đến trước nhà.
Hậu biểu tình: Việt Nam khởi tố nhiều người
Hàng chục người bị bắt trước lo ngại biểu tình
Biết đây là giờ thường bị ném đá mấy hôm trước, cha bà dùng đèn pin chiếu thẳng vào mặt người đi xe máy thì người này quăng một vật vào trong nhà, vẫn theo lời bà Hạnh.
“Họ ném một vật vào cửa. Sau khi họ bỏ chạy, tôi ra, nghĩ là họ ném đá như trước, nhưng vật này trông rất lạ.”
“Nó to cỡ bàn tay, bọc giấy. Nghe mùi xăng chảy ra. Tôi nghĩ là bom xăng có thể nổ bất cứ lúc nào nên quăng ra ngoài.”
“Khi quăng đi thì rớt lại kíp nổ. Tờ giấy bọc kíp nổ đã cháy xém một phần nhưng có lẽ do chưa chạm ngòi nổ nên không phát nổ. Chúng tôi gặp may trong đêm đó.”
“Trước khi anh trai tôi đến ứng cứu thì họ tiếp tục ném các cục đá rất to vào nhà.”
‘Công an chìm’
“Khủng bố là công an chìm và giang hồ được chính quyền thuê để ném kíp nổ, bom xăng và đá vào nhà tôi,” bà Hạnh nói với BBC.
Bà Hạnh nêu ra một số lý do khiến bà khẳng định điều này:
“Tôi không có thù oán với ai ở Duy Linh. Tôi mới từ Sài Gòn về Lâm Đồng từ 18/5 tới nay, sống với cha già.”
“Khi sự việc xảy ra, tôi liên lạc với công an đề nghị can thiệp nhưng họ im lặng. Ví dụ đêm 24/6 khi bị ném đá, cha con tôi lo sợ gọi điện cho công an huyện Di Linh, họ cho số công an thị trấn. Chúng tôi gọi công an thị trấn thì họ nghe máy nhưng không đến. Gọi lại thì họ tắt máy. Hôm 27/6 gọi điện họ bắt máy nhưng cũng không đến.”
Việt Nam: Biểu tình và bắt bớ
TPHCM: Hai phụ nữ kể chuyện bị bắt hôm 17/6
“Dãy phòng trọ đối diện nhà tôi trước đây cho nhiều người thuê lâu năm, nhưng gần đây những người này đã bị chuyển hết đi. Thay vào đó là nhóm người lạ đến ở, đục lỗ ở tường nhà trọ, bật đèn sáng cả ngày lẫn đêm để theo dõi tôi. Họ chuyển qua đó ở ba tuần trước vụ khủng bố hôm 26/7. Sau đó đó họ dọn đi, khóa cửa.”
Bà Hạnh cũng cho biết trước thời điểm bị khủng bố, bà cùng công nhân công ty Pouchen ở Bình Dương xuống đường phản đối luật Đặc khu và Luật An ninh mạng.
“Sau đó, tôi đã bị theo dõi ráo riết. Có công văn từ công an Bình Dương kết luận Facebook của tôi, cũng là Facebook của Phong trào Lao động Việt, đã kích động biểu tình.”
Bà Hạnh cũng cho biết có hai người bạn tới thăm cha con bà sáng 27/6 cũng bị đánh đến phải nhập viện.
Trong video bà Hạnh livestream đêm 26/6 có đoạn cha bà là ông Đỗ Ty gọi điện cho ai đó ứng cứ. Đầu dây bên kia cho ông số điện thoại công an thị trấn. Ông Ty sau đó bấm số gọi tiếp nhưng không nghe tiếng chuông hay âm thanh nào từ video cuộc gọi này.
Ngày 29/6, BBC gọi điện tới số bàn của công an huyện Di Linh và công an thị trấn Di Linh, Lâm Đồng.
Người nghe máy của công an huyện nói chưa từng nghe nói về vụ việc khủng bố với bà Minh Hạnh.
Tương tự, công an thị trấn Di Linh nói với BBC rằng đã kiểm tra sổ trực ban nhưng không thấy có ai báo về vụ việc như vậy.
Bà Đỗ Thị Minh Hạnh là nhà hoạt động công đoàn độc lập. Bà cùng hai người nữa thành lập Phong trào Lao động Việt năm 2008.
Bà từng tham gia giúp đỡ công nhân công ty giầy da Mỹ Phong, Trà Vinh dành quyền lợi, đòi trả lương vào dịp Tết và thành lập công đoàn độc lập. Sau vụ việc này, bà Hạnh bị chính quyền bỏ tù hơn bốn năm.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44652382

Luật An ninh mạng tác động kinh tế VN thế nào?

Chuyên gia nói với BBC rằng trước báo cáo kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng, bà mong chính phủ “nghe được tiếng nói lo ngại của cộng đồng kinh doanh về hệ lụy của luật An ninh mạng”.
Tổ chức Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo “Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” với một số nhận định: “Do được tạo đà vững chắc trong năm 2017, tăng trưởng được gia tốc mạnh hơn trong quý đầu năm 2018. Nhờ các yếu tố thuận lợi bên trong và bên ngoài, nền kinh tế Việt Nam ghi dấu tốc độ tăng trưởng quý I cao nhất trong 10 năm qua.”
VN ép Facebook, Google chọn quyền riêng tư hoặc tăng trưởng
Luật An ninh mạng không tốt cho kinh tế VN
Luật Đặc khu kinh tế nên ra ‘chậm mà chắc’
Nền tư pháp là nút thắt cản trở kinh tế?
“Tình hình ngân sách của Việt Nam tiếp tục được cải thiện trong năm 2017. Tổng bội chi ngân sách nhà nước ước tính vào khoảng 4,5% GDP trong năm 2017 so với mức 4,8% trong năm 2016 và 5,5% trong năm 2015,” văn bản nêu trên viết.
“Lạm phát dự kiến vẫn ở mức vừa phải. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát năm nay sẽ được duy trì ở mức mục tiêu 4% của Chính phủ. Kỳ vọng này dựa trên căn cứ là chính sách tiền tệ sẽ được thắt lại đủ để chống lại áp lực giá có thể hồi sinh trong trung hạn do áp lực giá đầu vào trong nước và/hoặc giá cả thương phẩm toàn cầu tăng lên.”
‘Khác biệt về cách tiếp cận’
Hôm 28/6, trả lời BBC, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: “Việt Nam có được tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam mấy tháng gần đây tương đối tốt. Có điều các báo cáo của các tổ chức nghiên cứu độc lập cũng đưa ra những cảnh báo về việc có nền tảng để duy trì bền vững trong cả năm hay không.”
“Ngoài ra cũng có cảnh báo về lạm phát có nguy cơ tăng lên vì những nhân tố như chủ trương thúc đẩy tín dụng của chính phủ; chi phí y tế, giáo dục tăng; hoặc do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ -Trung…”
Bà Chi Lan cũng cho hay: “Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam thực sự quan tâm đến những cảnh báo đó và luôn tìm cách thúc đẩy môi trường kinh doanh, giảm chi tiêu công, cũng như đưa ra đòi hỏi mạnh mẽ về cải cách doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.”
Mô hình đặc khu kinh tế đã lỗi thời?
Kinh tế VN: Bài học từ Donald Trump?
Đặc khu kinh tế nhìn theo góc độ nợ công
Đặc khu kinh tế chỉ giải quyết ‘tâm lý phát triển’
Trả lời câu hỏi liệu luật Đặc khu (dự kiến thông qua tháng 10/2018) và luật An ninh mạng có làm đảo lộn các dự báo kinh tế Việt Nam, chuyên gia Phạm Chi Lan đáp: “Điều này tùy thuộc vào việc Việt Nam thực thi luật An ninh mạng và sửa luật Đặc khu ra sao để tháng 10 tới Quốc hội có thể thông qua một luật tốt hơn, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế trong dài hạn, tránh những rủi ro như những chuyên gia đã phản biện thời gian qua.”
“Với luật Đặc khu, tôi tin là các chuyên gia sẽ tiếp tục đưa ra đề nghị về thay đổi luật này để đem lại lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế, ngăn nguy cơ, rủi ro.”
“Với luật An ninh mạng, tôi kỳ vọng khi được thực thi sẽ theo hướng như lãnh đạo Việt Nam giải thích là không nhằm vào gây cản trở cho kinh doanh, cho người dân tự do sử dụng Internet mà là để bảo vệ an ninh mạng nói chung.”
“Tôi mong chính phủ sẽ nghe được tiếng nói lo ngại của cộng đồng kinh doanh để đưa ra những quy định, điều khoản cụ thể của luật này để giảm đi những rủi ro cho nền kinh tế, hoạt động kinh doanh.”
“Có thể cách tiếp cận về luật An ninh mạng giữa người dân và những người soạn luật còn khoảng cách nhất định. Tôi mong là thời gian tới, những người quyết định thi hành luật sẽ tìm cách giải tỏa điều đó.”
Về khả năng các hãng công nghệ quốc tế như Google, Facebook rời bỏ thị trường Việt Nam do quy định lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam của luật An ninh mạng, bà Chi Lan cũng thêm: “Tôi rất tiếc vì điều này đã được lên tiếng trong quá trình soạn thảo luật nhưng chưa được bàn bạc một cách thấu đáo.”
“Tôi mong là khi bàn điều khoản cụ thể để thực hiện luật thì có xem xét thực tế hơn.”
“Nếu các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook rút khỏi Việt Nam vì không chấp nhận được điều kiện như luật này đưa ra, hoặc một số nhà kinh doanh cảm thấy cần thu hẹp hoạt động kinh doanh ở Việt Nam vì thấy rủi ro thì điều đó gây phương hại cho kinh tế Việt Nam.”
“Và như vậy thì cuối cùng thì luật An ninh mạng không đáp ứng được nhu cầu là phục vụ cho công cuộc phát triển.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44639268

Báo Ba Lan: ‘Băng đảng VN rửa hàng trăm triệu euro’

Một nhật báo hàng đầu ở Ba Lan đưa tin về vụ bắt giữ bốn nhân viên ngân hàng Ba Lan đã giúp “băng đảng Việt Nam trốn thuế và chuyển tiền” số lượng lớn ra khỏi nước này.
Theo tờ Rzeczpospolita (28/06/2018), bốn người đàn ông ở độ tuổi ngoài 30 đã bị Cục An ninh Quốc nội Ba Lan (ABW) bắt giữ.
Vụ việc được nói là liên quan đến băng đảng Việt Nam, “hoạt động rộng khắp” tại Ba Lan.
Tờ báo cũng nhắc đến vụ một phụ nữ Việt Nam “nhảy lầu chết hôm 23/05 khi bị nhân viên ABW đến bắt”, và cho hay, trong két sắt tại căn hộ người này có 2,1 triệu zloty tiền mặt, tương đương 600 nghìn USD.
Ba Lan kiểm tra chợ châu Á có đông người Việt
Ba Lan: Người Việt đón Giáng Sinh lo âu
Ba Lan: Nhiều người Việt đến làm giấy tờ EU
Dân Việt trả bao nhiêu để vào lậu nước Anh?
Ba Lan: ‘Một phụ nữ VN tử vong khi bị bắt’
Các vụ việc đã cho thấy ngân khoản chuyển qua các tài khoản công ty lên đến 156 triệu zloty, 322 triệu euro và 854 triệu USD, theo báo Rzeczpospolita.
Chỉ riêng tiền trốn thuế VAT là gần 165 triệu zloty.
Bài báo trích lời bà Agnieszka Zablocka-Konopka, phát ngôn viên cho Công tố viên khu vực tại Warsaw nói các khoản tiền được chuyển sang 60 quốc gia.
“Các khoản lớn nhất được chuyển về những tài khoản công ty ở Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Mỹ, Đài Loan, Việt Nam và Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.”
Từ cuối 2017, Cục Thuế Ba Lan đã bắt đầu kiểm tra những người buôn bán ở khu vực Wólka Kosowska có đông công ty Việt Nam và Trung Quốc.
Khu chợ ở Wólka Kosowska, phía Nam thủ đô Warsaw hiện nay đã khá nổi tiếng ở Ba Lan và được gọi là ‘Châu Á thu nhỏ’.
Nhưng theo đánh giá của một số tờ báo Ba Lan, chính quyền cũng nhắm vào các vụ việc họ cho là trốn thuế VAT và rửa tiền của một số nhóm châu Á.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44655368

Vụ áo phông lưỡi bò: ‘VN để dành sự giận dữ’

Có ý kiến cho rằng Việt Nam làm đúng khi chọn ‘để dành’ sự phẫn nộ của mình cho vấn đề nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc tăng cường quân sự hóa khu vực Biển Đông.
‘Sự kiềm chế đáng chú ý’
Một bài viết trên Channel New Asia mới đây nhắc đến vụ ‘áo phông lưỡi bò’ và dường như khen cách giải quyết của Hà Nội.
Mạng xã hội ở Việt Nam từng dậy sóng vì hình ảnh 14 du khách Trung Quốc mặc áo in hình bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò đang nhập cảnh sân bay quốc tế Cam Ranh hôm 13/5.
Những chiếc áo phông này được mua ở Trung Quốc, cuối cùng bị chính quyền Việt Nam tịch thu.
Tác giả Gary Sands cho rằng khi vụ việc ‘áo phông’ làm dấy lên vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa hai nước thì Việt Nam đã chọn một con đường lịch thiệp hơn để giải quyết sự việc.
Hà Nội chọn ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chỉ trích công khai rằng ‘đây là hành động có tổ chức, được chuẩn bị và sắp xếp với ý định xấu thay vì là hành động ngẫu nhiên, tự phát bởi cá nhân các du khách.”
Tờ Hoàn Cầu: ‘VN thiếu tự tin vụ áo lưỡi bò’
Gap xin lỗi vì bán áo in bản đồ TQ ‘sai sót’
Khách TQ mặc áo in bản đồ ‘lưỡi bò’ vào VN
VN ở thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ sau Cá Rồng Đỏ?
Nhưng giới chức địa phương dường như được Bộ Công an yêu cầu không làm gì vượt quá việc tịch thu vật vi phạm, đối với các vụ việc tương tự trong tương lai.
Một số người Việt Nam phản ứng với cách giải quyết ‘nhạt nhẽo’ của chính quyền, cho rằng lẽ ra phải trục xuất lập tức các khách vi phạm.
Nhưng Hà Nội có lý do để có cách giải quyết như vậy, theo phân tích của Gary Sands.
Các nỗ lực trong nước có thể giúp củng cố các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Nhà triển lãm Hoàng Sa, nơi trưng bày các tài liệu cổ xưa hỗ trợ cho các tuyên bố của Việt Nam, là một ví dụ. Việt Nam cũng có thể thúc đẩy hơn nữa hỗ trợ từ quốc tế cho các tuyên bố chủ quyền của mình.
Do đó Hà Nội có vẻ hài lòng để cho sự cố áo phông in hình đường lưỡi bò lắng xuống.
Hà Nội có lý khi nhìn nhận sự cố này như một vấn đề ngoại giao nhỏ, và đang chọn ‘để dành’ sự phẫn nộ của mình cho vấn đề nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc tăng cường quân sự hóa khu vực Biển Đông, tác giả bài báo trên Channel New Asia nhận định.
Trước đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng các ý kiến của học giả Trung Quốc cho rằng Việt Nam thiếu tự tin trong vụ ‘áo phông’.
Một vài ý kiến khác cũng trên tờ này nói Việt Nam có thể làm tổn hại các quan hệ song phương nếu cứ tiếp tục thổi phồng hay có những biện pháp hung hăng đối với các du khách Trung Quốc.
‘Nên kiểm soát chặt du lịch 0 đồng’
Về mặt du lịch, Gary Sands bình luận rằng Việt Nam có thể kiểm soát chặt hơn để không xảy ra các vụ việc tương tự.
Du khách Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng số khách quốc tế tới Việt Nam.
Trong khi Việt Nam đón khoảng 1,36 triệu du khách Trung Quốc chỉ trong vòng ba tháng đầu năm, tăng 42,9 % so với cùng kỳ này năm ngoái, doanh thu mà khách du lịch Trung Quốc đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam vẫn còn là câu hỏi, theo Channel New Asia.
Rất nhiều khách Trung Quốc vào Việt Nam theo các tua du lịch ‘không đồng’, được dẫn thẳng vào các nhà hàng và khách sạn Trung Quốc. Họ cũng sử đụng đồng yên, ví điện tử và các thiết bị thanh toán lưu động không phép để trốn thuế của Việt Nam.
Cán bộ xuất nhập cảnh có thể hạn chế số lượng khách du lịch Trung Quốc đi theo diện ‘không đồng’ và trừng phạt nghiêm khắc những người tổ chức tua bất hợp pháp cho khách Trung Quốc.
Đường lưỡi bò đã xuất hiện trên bản đồ Trung Quốc từ năm 1947. Năm 2016, tòa trọng tài tại The Hague tuyên bố đường này là bất hợp pháp. Nhưng Trung Quốc phủ nhận phán quyết.
Quần đảo Hoàng Sa bị quân đội Trung Quốc chiếm năm 1974. Năm 1988, quân đội Trung Quốc một lần nữa giao chiến với quân Việt Nam tại Đá Gạc Ma, chiếm các bãi đá và đảo san hô thuộc quần đảo Trường Sa.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44652378

Lở đất xóa sổ một bản ở Lai Châu

Vụ lở đất vào rạng sáng 27/6 đã phá hủy hầu hết nhà dân trong bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
26 trong số 28 nhà tại bản bị vùi lấp. Vụ sạt lở đất khiến bản Sáng Tùng gần như bị xóa sổ, đường đi vào bản bị chia cắt, theo báo Tuổi Trẻ.
Dân bản đã phát hiện một vết nứt lớn trước khi xảy ra sạt lở và báo chính quyền địa phương. Sau đó, chính quyền cho dân di dời khẩn cấp nên không có thiệt hại về người.
Tuy nhiên dân bản gần như mất trắng tài sản.
Mưa lũ bắc Việt Nam gây thiệt hại nặng nề
Bắc VN: Nhiều người thương vong do mưa lũ
Trước đó, mưa lớn gây lũ quét hôm 25/6 khiến 15 người thiệt mạng, chủ yếu tại Hà Giang và Lai Châu, theo Reuters.
Riêng tại Lai Châu ít nhất 12 người chết, trong đó có hai trẻ em, trong cơn lũ quét hôm thứ Ba.
Việt Nam là nước thường xuyên xảy ra thiên tai, trong đó bão và lũ khiến hàng trăm người thiệt mạng mỗi năm.
Năm ngoái, 389 người chết và 668 bị thương tại Việt Nam do thiên tai, theo số liệu của chính phủ.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44652377

Việt Nam: ‘Nhà nông nhỏ lẻ cần hợp tác cùng nhau’

Nhà nông nhỏ lẻ tại Việt Nam đối diện nhiều thách thức trước đây chưa bao giờ gặp phải.
Trong phỏng vấn với BBC, Tiến sỹ Ngô Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), nói rằng việc đoàn kết giữa các nhà sản xuất nhỏ là cách tốt nhất để gìn giữ nguồn lực sinh kế tự nhiên một cách bền vững và có vị thế kinh tế tốt hơn.
Cú huých đầu tiên và nặng nề nhất, theo bà Hương, sau khi Việt Nam gia nhập WTO cách đây 10 năm, giáng xuống các cộng đồng ở vùng nông thôn là việc loại bỏ sự bảo hộ của nhà nước và các lá chắn bảo vệ cho lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp ở địa phương.
Việt Nam bị ảnh hưởng gì từ việc giá gạo Thái giảm?
Vì sao TQ nuôi sáu tỷ con gián?
Đặc khu kinh tế: ‘Cần tránh bị lợi dụng’
“Khi không còn sự bảo hộ của nhà nước, các cộng đồng này tự nhiên phải đối mặt với rất nhiều thách thức mà trước đây họ chưa bao giờ gặp phải.
“Thay vì làm việc cùng nhau vì một mục tiêu chung là tìm ra những cách sinh kế bền vững ở địa phương với khả năng duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên có lợi ích cho tập thể, các cá nhân lại cạnh tranh nhau trong sản xuất và kinh tế.
“Điều này nhanh chóng làm suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên mà vốn dĩ là của cộng đồng, không có sự quan tâm tới các hậu quả về môi trường, xã hội và cộng đồng,” bà Hương nói.
Tiến sỹ Ngô Minh Hương nói rằng do nhà nông bị một thời gian quá lâu làm ăn phải qua trung gian nên họ không biết giá mà người tiêu dùng phải trả cho sản phẩm của họ là thế nào. Và đôi khi họ chấp nhận giá bán cho khâu trung gian rất thấp, miễn sao bán được.
“Các nông dân nhỏ lẻ tường bị các đại lý bên ngoài khống chế giá, họ không có quyền đàm phán”.
Các nông dân nhỏ lẻ tường bị các đại lý bên ngoài khống chế giá, họ không có quyền đàm phán.TS Ngô Minh Hương, GĐ Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI)
Bà Hương lấy ví dụ về việc tổ chức của bà nghiên cứu về chuỗi giá trị cà phê thì thấy có khoảng 7 khâu trung gian nằm giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
“Chính vì vậy việc hỗ trợ cho nhà nông để họ hiểu được quá trình sản xuất cái gì, bán cho ai và bán thế nào là hết sức cần thiết. Chúng tôi đã hỗ trợ cho hơn 14 hợp tác xã tại Tây Nguyên đối với các mặt hàng như cà phê, hạt điều, hạt tiêu.
“Đây là cả một quá trình bao gồm chuyển đổi nhận thức về qui trình gieo trồng, chế biến và giúp người nông dân tự tiếp thị được sản phẩm và thương hiệu của mình. Quá trình này theo trải nghiệm của chúng tôi là mất từ 4-5 năm.
“Nếu họ không chấp nhận mức giá đưa ra, họ có thể bị mất cơ hội duy nhất để có thu nhập,” bà Hương giải thích.
Tiến sỹ Ngô Minh Hương dẫn chiếu tới một hệ thống tiêu chuẩn mà CDI cùng các đối tác xây dựng lên, được biết tới với tên gọi là “Vietfarm”, một phiên bản theo mô hình “Fair Trade” nhằm hướng tới hàng hóa nông sản Việt Nam đạt tiêu chuẩn và sự tín nhiệm của các bạn hàng và người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
“Chúng tôi ấp ủ đưa tiêu chuẩn Vietfarm tới được với nhiều nhóm sản xuất nhỏ ở Việt Nam đem lợi ích cao nhất và công bằng cho hàng triệu nông dân nhỏ lẻ, để các hàng hoá có xuất xứ Việt Nam được khẳng định và vững vàng hội nhập thế giới.
“Thật không dễ dàng để tìm ra được một con đường mới nhưng tôi tin tưởng rằng ở nhiều nước, rất nhiều người tiêu dùng mong muốn hỗ trợ cho những người sản xuất nhỏ. Họ sẽ chi trả cao hơn vì tin tưởng được kết nối trực tiếp với người sản xuất, khuyến khích người sản xuất làm tốt hơn,” bà Hương nói với BBC.
Giám đốc CDI cũng nói với BBC về thực trạng Việt Nam mới chỉ tập trung vào sản xuất mà chưa đầu tư nhiều vào thương mại và nhãn mác, thương hiệu nên thiếu cạnh tranh là tất nhiên.
“Nếu chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ các sản phẩm làm tại Việt Nam hoặc mang nhãn mác Việt Nam thì không thể cạnh tranh nổi,” bà Hương nói thêm.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44652956

Việt kiều Mỹ phản đối TQ đầu tư ở Quận Cam

Giữa lúc không khí phản đối Trung Quốc và dự luật đặc khu ở Việt Nam chưa lắng xuống, thì cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ cũng đang kịch liệt phản đối một dự án đầu tư bất động sản của Trung Quốc tại Nam California.
Đầu tháng 6, cộng đồng người Việt tại thành phố Garden Grove, Quận Cam, lại đệ đơn phản đối giới chức thành phố bán khách sạn Hyatt Regency Orange County và một khu đất quy hoạch cho tập đoàn Shanghai Construction (SCG), một tập đoàn nhà nước của Trung Quốc.
Được biết chi nhánh Hoa Kỳ của SCG đã mua khu khách sạn với giá 137 triệu USD (khoảng 3 nghìn tỷ VND) từ hồi tháng 10, 2015, theo tờ Orange County Register và dự kiến sẽ đầu tư thêm hàng trăm triệu USD để phát triển khu nghỉ mát quy mô gồm khách sạn, nhà hàng, khu giải trí.
Ngày 29/6, một lá thư phổ biến qua mạng lưới internet kêu gọi đồng hương khắp nơi ký tên kêu gọi giới chức thành phố “rút lại việc mua bán này”, vì “quyền lợi thân thiết, an ninh kinh tế, chính trị và ổn định xã hội của cộng đồng Mỹ gốc Việt, cùng cộng đồng cư dân Hoa Kỳ cũng như tương lai của chính gia đình quý vị và các thế hệ mai sau.”
Việt kiều Mỹ sống với nỗi lo bị trục xuất
Cơ hội về Mỹ của Việt Kiều bị trục xuất ‘rất thấp’
Nhóm làm đơn, hội sử học Trúc lâm Việt Quốc cho rằng việc SCG đến thành phố Garden Grove đầu tư sẽ “xâm nhập, lũng đoạn, phá hoại sự ổn định của cộng đồng người Mỹ gốc Việt” và “trục xuất toàn bộ cư dân Mỹ gốc Việt ra khỏi Garden Grove và vùng phụ cân, bằng cách tăng giá nhà mobile home (nhà lưu động)”.
Vào cuối 2016, giới chức thành phố Garden Grove bỏ phiếu 3-1-0 phê duyệt ngân sách cử một phái đoàn sang Trung Quốc để đàm phán về việc bán khu đất của Garden Grove. Khi đó, Thị trưởng Bảo Nguyễn bỏ phiếu chống, nghị viên thành phố Chris Phan bỏ phiếu trắng.
Lá thư của cựu phó thị trưởng Dina Nguyễn gửi tân thị trưởng Steve Jones vào tháng 12/2016 cho thấy, đã có một sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng người Việt vào lúc đó với “nhiều email, bài đăng trên Youtube, trên web và các chương trình radio TV” trong cộng đồng về vấn đề bán khu đất quy hoạch.
Bà Dina lý giải trong lá thư rằng, “Nhiều năm qua, cộng đồng người Việt-Mỹ ở Garden Grove và các thành phố lân cận rất nhạy cảm với các nước cộng sản, bởi vì các nước này chính là lý do mà họ phải sang tỵ nạn ở Hoa Kỳ…”
“Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi cộng đồng người Việt ở Quận Cam phản ứng không ủng hộ với việc giới chức thành phố cho phép tổ chức chuyến đi sang thăm công ty SCG ở Trung Quốc.”
Mặc dù vậy, giới chức thành phố vẫn tiếp tục thông qua thương vụ này vào cuối 2017, khi hội đồng thành phố thông qua với số phiếu 6-0, với sự vắng mặt của ủy viên Bùi Thế Phát, theo tờ Voice of Orange County.
“25% doanh thu của thành phố là từ thuế khách sạn. Đó là một món quà trời cho cho thành phố này,” thị trưởng Steve Jones nói. “Nó là một cỗ máy kinh tế rất thành công.”
Cũng theo tờ báo này, nghị viên Kim Nguyễn cũng nói rằng bà rất “phấn khởi về dự án này” và thất vọng là những người dân phản đối đã không liên lạc với bà, trong đó có nghiệp đoàn UNITE-HERE Local 11, vốn lan truyền các tờ bướm phản đối SCG.
Bà Kim nói nội dung tờ rơi “tồi tệ và đáng hổ thẹn” và cho rằng nghiệp đoàn đã lợi dụng những trải nghiệm đau đớn của cộng đồng người Việt với chính quyền cộng sản để “gây ra nỗi sợ hãi” và “phát tán tin tức không chính xác”.
Việc mua lại Hyatt Regency Orange County là vụ thương thảo bất động sản đầu tiên của SCG, và cũng nằm trong làn sóng các tập đoàn xây dựng ở Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào khách sạn và bất động sản ở Nam California kể từ cuối 2016.
Khu khách sạn Hyatt này nằm trong một phần chiến lược phát triển của thành phố vì khoảng cách gần với khu giải trí Disneyland và các địa điểm du lịch khác.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44653797

Hàng chục người chết: thiên tai hay nhân tai?

Thiên tai là điều không tránh khỏi và có thể xảy ra ở mọi nơi, không ngoại trừ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Việt Nam cũng nằm trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; tuy vậy yếu tố con người hay còn gọi là nhân tai còn là nhân tố khiến nguy cơ thêm phần nặng nề.
Hai nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và của trong trận mưa lũ ở miền núi phía Bắc vừa qua được các chuyên gia đánh giá là vì rừng đầu nguồn bị phá và thủy điện xả lũ với vận tốc lớn.
Phá rừng, không từ rừng phòng hộ!
Trận mưa lũ và sạt lở đất xảy ra chỉ trong 2 ngày nhưng khiến 23 người chết và 10 người mất tích, tính đến sáng ngày 28 tháng 6.
Ngoài ra thiệt hại về tài sản lên đến gần 459 tỷ đồng.
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến đợt lũ này là do rừng bị phá nghiêm trọng:
Nguyên nhân sâu xa là vấn đề không bảo vệ được rừng cho tốt. Rừng nguyên sinh có nhiều tầng lớp giúp giữ nước trên đỉnh cao của các khu rừng, đỡ xói lỡ và sụt lún. Nguyên nhân này không phải một lúc một chiều có thể giải quyết được. Cũng đang cố nâng tỷ lệ rừng lên nhưng rừng mới trồng làm sao bằng rừng nguyên sinh được.
Cũng đang cố nâng tỷ lệ rừng lên nhưng rừng mới trồng làm sao bằng rừng nguyên sinh được.
- GS. Phạm Ngọc Đăng

Nhiều cánh rừng phòng hộ đầu nguồn ở miền núi phía Bắc đang bị tàn phá dữ dội. Đây không chỉ rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng, mà rừng phòng hộ đầu nguồn có chức năng bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn cũng đang bị tàn phá tan hoang để lấy gỗ và khai thác khoáng sản… Năm 2015, chỉ tính riêng tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, gần 2.000 vụ phá rừng bị phát hiện, diện tích rừng bị mất hàng nghìn ha.
Vài năm trở lại đây, các địa phương khu vực Tây Bắc đã trồng rừng bổ sung, thay thế. Tuy nhiên, việc trồng rừng được nói là diễn ra ì ạch, quá thấp so với kế hoạch đề ra.
Trong một hội nghị về phòng chống thiên tai do Thủ tướng VN ông Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào cuối tháng 3 vừa qua, cơ quan chức năng cho biết trong gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất với quy mô ngày càng lớn.
Năm ngoái, lũ quét và sạt lở đất đã làm 71 người chết và mất tích, hơn 4.000 ngôi nhà bị sập. Và cho đến hiện nay vẫn còn hơn 13.000 hộ dân đang sinh sống tại những nơi không đủ an toàn, có thể bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng cho rằng để giảm bớt hậu quả thiên tai ở vùng núi phía Bắc, thì trước hết phải khắc phục những yếu tố nhân tai do con người gây ra:
Cần di dân khỏi những nơi có khả năng xảy ra lũ ống, luc quét. Chủ trương Nhà nước đã làm nhiều, vì thế đã giảm được hậu quả.
Thứ hai, cần đẩy mạnh việc phục hồi rừng, giữ rừng cho tốt. Đây là hai biện pháp quan trọng nhất, chứ một khi lũ đã xảy ra rồi thì không ai chống đỡ nổi.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài cũng thừa nhận một trong những nguyên nhân chính gây ra lũ quét, sạt lở là do phá rừng. Ông Trần Quang Hoài còn nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục trả giá vì nhiều rừng và đồi núi đã bị “cạo trọc”.
Thủy điện xả lũ
Nguyên nhân chính thứ 2 gây ra trận lụt lịch sử vừa qua được các chuyên gia nhận định là do thủy điện xả lũ. Do lượng nước mưa lớn nên các hồ chứa thủy điện như Lai Châu, Sơn La, Bản Chát và Tuyên Quang đều phải đồng loạt xả lũ để tránh vỡ đập. Công suất xả lũ luôn ở mức cao nhất cho phép. Thậm chí các hồ thủy điện phía thượng nguồn các sông đồng loạt xả lũ với lưu lượng từ 1.200m3/s đến 1.300 m3/s, tức là cao hơn nhiều mức cho phép. Do đó, mực nước trên sông Lô tại thành phố Hà Giang lên nhanh, gây tình trạng ngập lụt.
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật của Câu Lạc Bộ Rừng Gọi, nhà hoạt động môi trường được biết đến với chiến dịch Bảo vệ Cát Tiên, khu dự trữ sinh quyền thế giới ở tỉnh Đồng Nai, trước sự đe dọa của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, nói rằng việc xả lũ thủy điện đã góp phần gây ra trận lũ lịch sử này:
Thủy điện người ta bị vỡ đập nên rất nhiều thủy điện đồng loạt xả lũ ở mức độ cao nhất. Mức cao nhất Nhà nước mình cho phép là 8.000 m3/giây nhưng họ có thể xả cao hơn thế bởi nếu không sẽ bị vỡ đập.
Tình trạng thủy điện xả lũ khiến người dân không kịp trở tay thường xuyên xảy ra trên khắp cả nước, gây ra những thiệt hại nặng nề về tính mạng và của cải của dân.
Mạnh ai nấy làm, cuối cùng dân chết thì không ai chịu trách nhiệm. – Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật
Trước đây thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh đã từng bất ngờ xả lũ với công suất gấp nhiều lần mức tối đa cho phép. Lượng nước xả ra trong một giờ lên đến 7,2 triệu khối nước khiến hàng ngàn ngôi nhà bị nhấn chìm, dân phải bỏ của chạy lấy người. Các đàn gia súc, gia cầm cũng bị cuốn trôi và hàng ngàn hecta hoa màu của dân chỉ còn là đất trơ trụi. 40 người dân đã thiệt mạng trong trận lũ này.
Một người dân khu vực hay xảy ra thủy điện xả lũ nói với RFA:
Bởi vì thủy điện của mình nó quá nhiều, chứ nước lũ thì nó không đến nỗi như hiện tại. Nếu như trước đây các ổng tính đến chuyện thiệt hại thì chắc là không xây. Vì các ổng nghĩ là có lợi nên mới xây, mà tính sai nước nên đâm ra lợi không bằng hại. Nếu như ở các nước khác thì thủy điện phải đền bù thiệt hại cho nhân dân. Nhưng ở đây (Việt Nam) thì không có chuyện đó đâu, cải cách gì cũng thua mấy ổng thôi. Nếu như các thiết kế thủy điện hợp lý thì bây giờ đâu đến nỗi thiệt hại như đang thấy.
Dưới sự quan sát của một nhà hoạt động môi trường, Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật cho rằng sự điều hành của cơ quan chức năng còn yếu kém nên dẫn đến tình trạng thủy điện xả lũ bừa bãi:
Nói tóm lại mình chưa có một vị tổng tư lệnh. Nếu có đi chăng nữa thì cũng chỉ mang tính hình thức, không đủ tâm, đủ tầm để điều tiết việc này. Bởi vì vấn đề thủy điện liên quan đến rất nhiều bộ ngành. Chẳng hạn làm thủy điện ở vườn quốc gia Cát Tiên thì liên quan đến 6 bộ ngành. Phó Thủ tướng hoặc Thủ tướng phải điều tiết, nhưng họ quá nhiều việc. Cho nên cần có một tổng tư lệnh điều phối được 6 bộ ngành này nhưng VN chưa có. Mạnh ai nấy làm, cuối cùng dân chết thì không ai chịu trách nhiệm.
Rất nhiều tổ chức độc lập và người dân đã từng lên tiếng phản đối xây dựng thủy điện vừa và nhỏ ở VN vì các hậu quả về nhân mạng và tài sản có thể gây ra. Tuy nhiên đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam gợi ý rằng nếu cho khai thác thêm 300-400 dự án thủy điện nhỏ và vừa thì sẽ góp phần bổ sung nguồn điện thiếu hụt trong các năm tới cho đất nước.
Số liệu năm 2012 cho biết VN có khoảng 7.500 nhà máy thủy điện và đập chứa nước trên các sông.
Khoảng chục năm trở lại đây VN tăng cường xây dựng nhà máy thủy điện vì cho rằng mang lại nhiều nguồn lợi về năng lượng. Nhưng lợi chưa nhìn thấy đâu mà chỉ thấy hàng trăm người dân chết do thủy điện gây ra. Trong khi đó, phía nhà máy thủy điện nói rằng họ luôn xả lũ “đúng quy trình”.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/floods-and-landslides-caused-by-people-and-poor-management-06282018135616.html

Mơ Hà Nội sớm đuổi kịp Singapore, Hong Kong

Lâu nay, nhiều lãnh đạo Việt Nam lên tiếng cho rằng thành phố này hay thành phố kia của Việt Nam sẽ sớm sánh ngang các địa danh nổi tiếng thế giới như Paris, Venice…
Mới nhất ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu đuổi sát Singapore, Hong Kong.
Cơ sở nào cho thấy Hà Nội sẽ sớm bắt kịp Singapore?
“Có lẽ 10 hay 20 năm cũng không thể”
Tại Hội nghị “Hà Nội 2018: Hợp tác đầu tư và Phát triển”, với sự tham dự của 1.500 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, lãnh đạo Hà Nội cùng lãnh đạo một số địa phương vào cuối tháng 6 năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu nguyên văn như sau:
“Hà Nội đặt ra một số tiêu chí trong môi trường kinh doanh đuổi sát Singapore, Hong Kong trong 4 năm tới, việc này có làm được không? Chủ tịch Hà Nội khẳng định làm được, tôi nghĩ Hà Nội hoàn toàn làm được.”
Đài Á Châu Tự Do liên lạc với Ông Nguyễn Khắc Trọng, chuyên ngành quy hoạch kiến trúc, từng làm việc tại Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội, và được ông cho biết ý kiến của mình:
Theo cá nhân tôi thì 4 năm nữa Hà Nội sẽ rất khó để đuổi kịp Singapore, cũng như là một số thành phố lớn trong khu vực. Riêng cái quy hoạch kiến trúc của Hà Nội hiện tại lại càng khó để đuổi kịp các thành phố đó.
-Nguyễn Khắc Trọng

“Theo cá nhân tôi thì 4 năm nữa Hà Nội sẽ rất khó để đuổi kịp Singapore, cũng như là một số thành phố lớn trong khu vực. Riêng cái quy hoạch kiến trúc của Hà Nội hiện tại lại càng khó để đuổi kịp các thành phố đó, nếu như mà chúng ta không nỗ lực cải cách và những quy hoạch phải chuẩn chỉ và triển khai thực hiện phải rất là chặt chẽ. Chứ còn như hiện nay thì sẽ còn rất lâu mới có thể đuổi kịp Singapore, có lẽ 10 hay 20 năm cũng không thể.”
Cũng từ Hà Nội, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân nói thẳng là không tin vào những lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bà cho rằng Hà Nội tuy méo mó, nhưng làm thế nào để nó méo mó nhưng nó tồn tại được, nó sống được, thì chuyện đó mới quan trọng. Bà nói tiếp:
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thích nói thì cứ nói, tôi không tin điều đó, bởi vì ông ta luôn luôn nói những điều không có thật, thế thôi. Bởi vì đuổi kịp, đuổi kịp ai, có bỏ quả bom nguyên tử ở đây để tan nát hết như Hyroshima xong làm lại không, chuyện đó không có, phải không ạ?”
Theo số liệu của Cục Thống kê, Hà Nội hiện là thành phố có diện tích lớn nhất Việt Nam, khoảng gần 333 ngàn hecta, với dân số tính đến năm 2018 là 8 triệu 215 ngàn người, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2008, sau khi sát nhập tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn – tỉnh Hòa Bình vào Hà Nội, tính đến cuối năm 2015, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Chưa kể các đơn vị cấp xã, phường, thị trấn…
Năm 2010, Hà Nội lập Đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 – tầm nhìn năm 2050, cho một thành phố ước tính 9,1 triệu dân vào năm 2030 và trên 10 triệu người vào năm 2050. Về mặt kiến trúc, dự tính chia Hà Nội thành bốn khu vực: khu phố cổ, khu thành cổ, khu phố Pháp và các khu mới quy hoạch.
Trao đổi với chúng tôi về tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan việc quy hoạch Hà Nội, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi trường cho biết:
“Tất nhiên cái hy vọng, mong muốn là một điều rất tốt, nhưng mà trên thực tế tôi cho rằng là cũng khó có thể trong vòng vài năm tới mà đuổi kịp các thành phố có hạng trên thế giới như Singapore, Hong Kong…v.v. Bởi vì thật sự mà nói tôi cho rằng còn nhiều vấn đề về thể chế hiện nay cần phải đổi mới tiếp tục, thì Hà Nội mới có cơ hội đuổi kịp được.”
Ông Nguyễn Khắc Trọng thì cho rằng phải đẩy mạnh thông tin quy hoạch đến với người dân và doanh nghiệp thì việc triển khai quy hoạch mới tốt được, ông nói tiếp:
“Hiện nay thì bản thân người dân và các tổ chức doanh nghiệp không nắm rõ được hiện giờ thành phố có những quy hoạch nào, và được triển khai như thế nào? Chính vì việc đó mà việc kiểm tra giám sát của người dân đối với các quy hoạch chưa được tốt. Cho nên việc triển khai thực hiện theo quy hoạch hiện giờ tại Hà Nội còn nhiều vấn đề.”
Cần phát triển đồng bộ
Cùng thời điểm này, báo chí trong nước lại đồng loạt đưa tin chính phủ đồng ý giao hoàn toàn hơn 2.000 hécta đất thuộc khu vực trục Nhật Tân – Nội Bài cho một doanh nghiệp nước ngoài, nhưng chỉ nhận làm một phần thôi để xây dựng thành phố thông minh trị giá 4 tỷ USD. Đây có phải là căn cứ để ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố “sẽ đuổi kịp Singapore”?
Nhận xét về điều này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết:
“Tôi cho ý tưởng ấy là ý tưởng tốt, vì lúc này là lúc chúng ta có thể thực hiện mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, và lúc đó nó sẽ dẫn tới các đô thị thông minh. Liệu việc đó có làm cho Hà Nội mất đi cái chất văn hóa, chất truyền thống hay không, thì tôi cho rằng một đô thị có thể có rất nhiều khu vực.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng đưa ra ví dụ về việc quy hoạch Thủ đô Paris của Pháp, với Paris cũ vẫn là khung cảnh Paris ngày xưa và bên bên kia sông Seine là Paris mới hiện đại với nhà chọc trời. Ông nói tiếp:
“Tôi cho là tất cả những cái này cũng không làm thay đổi Hà Nội cổ, Hà Nội cũ. Vậy thì chúng ta có thể phát triển một đô thị, ví dụ như lựa chọn bên kia cầu Nhật Tân chẳng hạn, thì cũng là một cái đề xuất tôi cho là phù hợp.”
Môi trường kinh doanh có tốt đến đâu thì nó cũng không thể độc lập với thể chế hiện nay, mà thể chế hiện nay là yếu tố không thuận lợi cho phát triển, cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, kể cả khung pháp luật cũng như vậy.
-GS Đặng Hùng Võ

Ông Nguyễn Khắc Trọng thì cho rằng việc để cho các doanh nghiệp nước ngoài triển khai những quy hoạch của Hà Nội thì chất lượng và công nghệ sẽ tốt. Tuy nhiên ông nói tiếp:
“Việc chúng ta chỉ khoanh vùng một khu vực để triển khai để cho nó thật hiện đại, để ngang tầm với các nước trong khu vực, thì tôi nghĩ việc đó nó hơi duy chí. Bởi vì để phát triển một thành phố thì chúng ta phải phát triển đồng đều, đồng bộ, và tất cả các lĩnh vực hạ tầng xã hội, hạ tầng xây dựng nó phải phát triển đồng bộ với nhau. Chứ không chỉ khoanh vùng một khu vực trong Hà Nội để làm một khu vực thật hiện đại, thật phát triển, thì Hà Nội lúc ấy phát triển được như Singapore, thì tôi nghĩ việc ấy không ổn.”
Phát biểu sau Hội nghị “Hà Nội 2018: Hợp tác đầu tư và Phát triển”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, cho biết trong trung và dài hạn, Hà Nội có thể đuổi kịp Singapore nếu chỉ xét về môi trường đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, Giáo sư Đặng Hùng Võ lại cho rằng không một cái gì có thể xem xét độc lập được, mà phải xem xét mối quan hệ với các yếu tố khác. Ông nói:
“Môi trường kinh doanh có tốt đến đâu thì nó cũng không thể độc lập với thể chế hiện nay, mà thể chế hiện nay thì mọi người đang có ý kiến cho rằng đó là yếu tố không thuận lợi cho phát triển, cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, kể cả khung pháp luật cũng như vậy. Và đấy là những yếu tố cơ bản để có thể quyết định Hà Nội vượt lên được hay không vượt lên được.”
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu chỉ xem xét riêng môi trường kinh doanh, để khẳng định sẽ đuổi kịp Singapore trong 4 năm nữa, thì ông cho rằng thật sự là một cách nhìn tương đối phiến diện và không phải là cách nhìn đầy đủ.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-hanoi-catch-up-with-singapore-as-prime-minister-nguyen-xuan-phuc-said-tk-06282018131439.html

Nhiệt điện Vĩnh Tân cần được bảo vệ an ninh đặc biệt

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công An đưa Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân vào diện bảo vệ an ninh đặc biệt.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 29 tháng 6, dẫn lời của Phó Tổng giám đốc Công ty phát điện 3 (Genco 3), ông Lê Văn Danh cho biết trong một cuộc họp diễn ra vào chiều ngày 28 tháng 6, tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân để bàn thảo về công tác bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Ngọc Hai phát biểu tại buổi họp rằng ông đồng ý với kiến nghị đưa Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân vào diện bảo vệ an ninh đặc biệt. Tuy nhiên, không có lý do cụ thể nào được đưa ra về đề nghị phải bảo vệ an ninh đặc biệt đối với các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.
Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, đặt tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, do Trung Quốc đầu tư 95% vốn gồm có 4 nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than đá với tổng công suất thiết kế lên đến 5.600 MW.
Kể từ khi  đầu vận hành vào tháng 9 năm 2014 tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho đến nay, dân chúng địa phương than phiền phải sống trong hoàn cảnh bị đảo lộn do môi trường biển, môi trường đất và không khí bị ô nhiễm.
Bức xúc ngày càng gia tăng của người dân đã dẫn đến xảy ra cuộc biểu tình bạo động hồi năm 2015 của hàng ngàn người dân xã Vĩnh Tân, phản đối ô nhiễm không kí do xỉ than của nhà máy gây ra.
Tại cuộc họp vào chiều ngày 28 tháng 6 giữa chính quyền tỉnh Bình Thuận và các đơn vị chủ thầu của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết người dân tụ tập trước cổng nhà máy nhiệt điện để phản đối vì hàng loạt cá nuôi lồng bè bị chết trong tháng 6, tuy nhiên công an đã kịp thời ngăn chặn. Công an Bình Thuận cho rằng người dân đã bị kích động.
Liên quan đến vấn đề khói bụi từ bãi xỉ, mà nhiều chuyên gia khoa học tại Việt Nam cảnh báo sẽ gây tác hại lâu dài đến môi trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bình Thuận, ông Đỗ Văn Thái cho biết trong buổi họp rằng Nhà máy Vĩnh Tân 2 dùng hệ thống nước từ hồ Đá Bạc để tưới bãi than, nên không còn hiện tượng khói bụi từ bãi xỉ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vinh-tan-power-plant-proposed-to-be-in-the-case-of-special-security-protection-06292018084749.html

Việt Nam vẫn chưa có cải thiện

trong công tác chống nạn buôn người

Hoa Kỳ vào chiều ngày 28 tháng 6 theo giờ miền đông nước Mỹ cho công bố Phúc trình năm 2018 về nạn buôn người.Theo phúc trình được công bố thì năm nay Việt Nam tiếp tục bị xếp Bậc 2. Đây là mức mà Hà Nội bị xếp kể từ năm 2012 cho đến nay.
Phúc trình về nạn buôn người mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra nêu rõ Chính phủ Việt Nam không đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu trong việc xóa bỏ nạn buôn người. Tuy nhiên, Hà Nội có những nỗ lực đáng kể trong lĩnh vực này.
Cụ thể đó là việc sửa đổi luật hình sự về tội phạm buôn người; thành lập lực lượng chấp pháp tại những khu vực biên giới; và khởi sự đánh giá việc thực thi chương trình hành động quốc gia phòng chống buôn người.
Hoa Kỳ đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống nạn buôn người. Đó là nên phát triển và đào tạo các giới chức về thực thi các điều khoản 150, 151 trong Bộ Luật Hình Sự sửa đổi thông qua biện pháp tập trung vào xác định, điều tra các vụ cưỡng bức lao động và buôn người trong nước. Tăng cường nổ lực giám sát các công ty tuyển dụng lao động và thể chế hóa qui định ngăn cấm việc áp đặt phí tuyển dụng. Điều chỉnh và thực thi chính sách nhằm xác định và trợ giúp nạn nhân trong các nhóm dễ bị tổn thương như các công nhân nhập cư, lao động trẻ em, cá nhân hành nghề mại dâm. Sửa đổi Luật Hình sự qui định tội phạm hóa tất cả những hình thức buôn bán trẻ vào đường dây mại dâm tương thích với luật quốc tế.
Theo nhận định trong Phúc trình 2018 về nạn buôn người được công bố thì tình trạng thiếu phối hợp giữa các cơ quan cấp tỉnh, hạn chế ngân sách, kém hiểu biết luật pháp của các giới chức địa phương, cũng như chồng chéo về vai trò và trách nhiệm trong Chương trình Hành động Quốc Gia chống buôn người khiến nỗ lực thực thi pháp luật trong lĩnh vực này bị hạn chế.
Một số viên chức, chủ yếu ở cấp thôn- xã, nhận hối lộ từ bọn buôn người đã bỏ qua mọi chỉ dấu về tội phạm này; thậm chí còn trục lợi trong công tác cho nạn nhân tái hợp với gia đình.
Số liệu đưa ra cho thấy trong năm 2017, cơ quan chức năng Việt Nam báo cáo phát hiện 670 nạn nhân. Vào năm trước đó là 1128 nạn nhân. Tuy nhiên, không có phân loại độ tuổi, giới tính, địa phương gốc và nơi đến…
Trong năm năm qua, Việt Nam là nguồn xuất bán những đối tượng nam giới, phụ nữ và trẻ em vào đường mại dâm hay cưỡng bức lao động. Số này đến Việt Nam ở mức độ ít hơn.
Đối với lực lượng đi xuất khẩu lao động, những công ty môi giới thường không phản hồi yêu cầu trợ giúp của những công nhân rơi vào hoàn cảnh bị bóc lột, bị nợ nần do mức phí quá cao…
Trong phát biểu công bố Phúc trình năm 2018 về nạn buôn người, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho rằng phúc trình năm nay tập trung vào những cách thức hữu hiệu mà cộng đồng địa phương có thể giải quyết nạn buôn người một cách chủ động, cũng như cách thức mà nhà nước có thể hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cộng đồng đó. Ông Pompeo nói rằng trong thế giới ngày nay không có chỗ cho nạn nô lệ mới, và thông qua các can dự ngoại giao cũng như hành động thêm nữa, vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này sẽ được tiếp tục duy trì bền vững trong thời gian tới.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-2018re-tra-per-06282018154729.html

Quan chức gốc Việt cao cấp nhất

của chính phủ Hoa Kỳ thăm Việt Nam

Bà Michelle Giuda, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, là quan chức gốc Việt cao cấp nhất hiện nay trong chính phủ Hoa Kỳ, vừa có chuyến thăm bốn ngày đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Hôm 29/6, Đại sứ Hoa Kỳ Dan Kirtenbrink thông báo: “Tôi rất vui mừng đón tiếp Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề công chúng Michelle Giuda, một người Mỹ gốc Việt. Chúng tôi đã trao đổi về phương thức thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác của Hoa Kỳ với Việt Nam cũng như nhân dân Việt Nam.”
Tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội loan báo hôm 29/6: “Trợ lý Ngoại trưởng Michelle Giuda là một trong những người Mỹ gốc Việt nắm giữ vị trí cao nhất trong chính phủ Hoa Kỳ. Bà đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ cũng như các tập đoàn khác nhau trước khi trở thành trợ lý ngoại trưởng.”
Cũng tại Hà Nội hôm 29/6, bà Giuda có cuộc nói chuyện với chủ đề “Tư duy chiến lược: các bài học từ truyền thông của chính phủ và lĩnh vực tư nhân trong thế kỷ 21.”
Trong một chương trình tiếp xúc với các sinh viên được phát trực tiếp trên Facebook từ thành phố Hồ Chí Minh hôm 27/6, bà Giuda nói rằng mẹ của bà là người gốc Việt và hay dạy cho bà tiếng mẹ đẻ sau khi bà được sinh ra ở miền nam bang California. Tuy nhiên, bà cảm thấy hối tiếc rằng tiếng Việt của bà không được thông thạo lắm, nhưng bà rất tự hào là một người con mang nửa dòng máu Việt và thừa hưởng nền văn hóa Việt.
Bà Giuda nói rằng gia đình bên ngoại của bà từ bắc di cư vào nam năm 1954 và mẹ bà di tản sang Hoa Kỳ vài ngày trước biến cố năm 1975. Bà theo đuổi con đường chính trị và tham gia vào chính quyền Hoa Kỳ là do ảnh hưởng từ gia đình bên ngoại, từ mẹ, các cậu, và người cha là một cựu chiến binh từng tham gia chiến trường Việt Nam trước khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ.
Hôm 25/6, Tòa Bạch Ốc ra thông báo nói rằng Trợ lý ngoại trưởng Michelle Giuda vào ngày 26/6 đến thăm Đại học Fulbright ở Sài Gòn, và gặp gỡ các thành viên Sáng Kiến Lãnh Đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại đây thành phố này.
Vào tháng 1/2018, Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm bà Giuda làm Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết Bà Giuda từng là Phó Chủ tịch Truyền thông Doanh nghiệp Toàn cầu tại tập đoàn Weber Shandwick, New York, từ năm 2014. Tại Weber Shandwick, một công ty quan hệ công chúng toàn cầu với các văn phòng có mặt trên khắp thế giới, bà giám sát chiến lược truyền thông toàn cầu trên 81 quốc gia.
Bà Giuda được vinh danh là một trong 50 người Mỹ gốc Á xuất sắc nhất với các thành tích trong kinh doanh của Trung tâm Phát triển Kinh doanh Mỹ gốc Á năm 2016.
Trước đây, bà từng là Phó Thư ký Quốc gia cho Diễn giả Newt Gingrich và Giám đốc Truyền thông của hãng GOPAC ở Washington, DC.
Bà Giuda, 33 tuổi, tốt nghiệp Đại học California Los Angeles và Đại học George Washington.
https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-goc-viet-cao-cao-nhat-cua-chinh-phu-hoa-ky-tham-viet-nam/4459925.html

Thư Saigon

Xuân Niệm

Xe Ô Tô, Đất Vàng, Thai Sản, Cháy Xe, Tỉnh Nghèo
Vậy là sẽ có xe hơi sản xuất tại Việt Nam dưới cái dù liên doanh chiến lược VinFast/GM… Hy vọng cạnh tranh với quốc tế được chăng? Để xem.
Bản tin VOA kể: VinFast, thuộc tập đoàn Vingroup, và General Motors hôm 28/6 ký kết một thỏa thuận hợp tác chiến lược để thúc đẩy sự phát triển của cả hai thương hiệu ô tô Chevrolet và VinFast trên thị trường Việt Nam.
Trong một thông cáo chung ra hôm 28/6, General Motors (GM) và VinFast nói rằng hãng sản xuất ô tô của Mỹ đồng ý chuyển giao hoạt động của họ tại Việt Nam cho VinFast và phân phối ô tô Chevrolet qua nhà sản xuất ô tô nội địa này. Đây là một động thái có thể giúp cải thiện doanh thu của GM ở Việt Nam, theo nhận định của Reuters.
Báo Người Lao Động kể chuyện “Vụ “Dâng đất vàng cho doanh nghiệp”: Cho thuê rẻ như cho không!”
Chỉ mất 4,56 tỉ đồng, doanh nghiệp đã được sở hữu gần 1.000 m2 diện tích lô đất 2 mặt tiền tại trung tâm TP Nha Trang trong vòng 50 năm.
Ngày 27-6, Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản trả lời Báo Người Lao Động về dự án Trung tâm Điện ảnh và Dịch vụ văn hóa Sao Việt (dự án Sao Việt) ở số 10 Hoàng Hoa Thám (TP Nha Trang) về tiền thuê đất. Dự án được Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa xác định với giá “cực bèo” là 4,56 tỉ đồng cho 50 năm.
Báo Người Tiêu Dùng kể: Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ Bệnh viện FV “sáng khám không có thai, chiều ghi sảy thai”…
…Theo đó, ngày 19/6, chị C. đến Bệnh viện FV (quận 7, SG) để khám vì đau bụng. Tại đây, các bác sĩ khám, siêu âm và thử nước tiểu với kết luận không có thai nhưng có dịch ứ trong lòng tử cung. Bác sĩ đã kê đơn thuốc gồm 10 viên Misoprotol tab 200mcg nhằm đẩy dịch tụ trong tử cung ra ngoài.
Tuy nhiên, tối cùng ngày, chị C. bị băng huyết và quay trở lại BV FV cấp cứu. Lúc này các bác sĩ đã thực hiện test nhanh và kết luận bệnh nhân bị băng huyết do sảy thai.
Bản tin VietnamNet kể: Xe khách chở 23 người bốc cháy dữ dội trên quốc lộ…
Xe giường nằm chở 23 hành khách đang lưu thông trên quốc lộ 1A đoạn qua Hà Tĩnh đột ngột bốc cháy dữ dội.
…Khi đi đến QL1A, đoạn qua xã Vượng Lộc, (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) bỗng nhiên bốc cháy dữ dội.
Phát hiện ngọn lửa phát ra từ đuôi xe, tài xế ngay lập tức cho xe tấp vào lề, toàn bộ 23 hành khách kịp ngoài.
Bản tin Zing kể: Bỏ quy định buộc siêu thị khuyến mại 1 năm 3 lần, bán cả ngày lễ, Tết…
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan dừng xây dựng dự thảo nghị định đang gây tranh cãi về quản lý ngành phân phối.
Báo Pháp Luật kể chuyện Thanh Hóa: Tỉnh nghèo còn định chơi sang!
Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn gửi Sở Tài chính tỉnh này về khái toán tổng kinh phí dự kiến chi để tổ chức sự kiện 990 năm danh xưng Thanh Hóa là hơn 104 tỉ đồng (trong đó có 82 tỉ đồng từ ngân sách).
Ngay sau khi được đưa ra, thông tin này lập tức vấp phải những phản ứng trái chiều từ dư luận xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng vì sao Thanh Hóa là một tỉnh vẫn xin gạo cứu đói nhưng lại chi đến trăm tỉ đồng để làm lễ kỷ niệm này?
VOV kể: Sáng 27/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp Ban lãnh đạo của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) và một số doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ hiện đang kinh doanh tại Việt Nam như Nike, Coca-Cola, Visa, Exxon Mobil, Murphy Oil và AES.
…Phó Thủ tướng đánh giá cao thông tin của Lãnh đạo Nike cho biết hãng đã trực tiếp và gián tiếp tạo ra hơn 400.000 việc làm và đạt được tỷ lệ nội địa hoá trên 90% cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, các sản phẩm Nike “Made in Việt Nam” có tính cạnh tranh cao trên thế giới.
Báo Đại Đoàn Kết kể: Thời gian này, ngư dân Cà Mau liên tiếp trúng mùa hải sản, trong đó nhiều nhất là cá thu. Trung bình mỗi phương tiện cập bến có từ hơn tấn cá thu các loại. Nhưng giá cả hiện ở mức rất thấp, khiến ngư dân không vui.
…Khoảng hơn 1 tuần qua, giá cá thu tụt dốc. Ngư dân so sánh giá cá thu cụ thể ở 2 con nước, con nước trước, giá cá thu trung bình ở mức 125 – 130 ngàn đồng/kg thì con nước này chỉ còn 100 – 105 ngàn đồng/kg.
VnEconomy kể: Hơn 20 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.
Số vốn FDI rót vào Việt Nam trong 6 tháng tăng tới 5,7% so với cùng kỳ 2017..
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết tính đến ngày 20/6/2018, cả nước có 1.366 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 11,8 tỷ USD, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm 2017; có 507 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,43 tỷ USD, bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017.
BizLive/Thanh Niên kể chuyện hóa chất tẩm thức ăn: Mỗi mẻ bắp chuối sau khi bào được ngâm trực tiếp vào bể nước hòa chất tẩy trắng, rồi vớt ra đóng gói đưa đi tiêu thụ.
…Tại cơ sở số 141C (KP.5, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức), thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện có nhiều hộp hóa chất mùi hắc nồng đã sử dụng hết và một bịch hóa chất tẩy trắng không nhãn mác. Khoảng 50kg bắp chuối bào đã ngâm qua hóa chất đang được đóng bao chuẩn bị giao cho khách…
https://vietbao.com/p121a282660/xe-o-to-dat-vang-thai-san-chay-xe-tinh-nghèo

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?