Có nên quan ngại về thương chiến Mỹ - Trung?

30 tháng 7 2018

Mỹ - Trung Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Mỹ và Trung Quốc đang trong một cuộc chiến thương mại gây chú ý khắp toàn cầu
Hôm 13/7/2018, bên lề một Hội thảo tư tại Warsaw, Ba Lan, Giáo sư Trần Hữu Dũng nêu quan điểm với BBC trong bài viết có tựa đề 'Chiến tranh thương mại từng dẫn đến Thế chiến', cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra là 'khó lường', với vấn đề lớn là 'không ai biết được hết quy mô thiệt hại' cho nền kinh tế thế giới mà nó gây ra.
Trong khi đó, vẫn theo nhà kinh tế học này, có dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo của Mỹ dường như không có một 'kế hoạch' được điều nghiên rõ ràng, cùng lúc, dường như Ban cố vấn kinh tế và nội bộ Đảng Cộng hòa cũng có 'hạn chế' trong ảnh hưởng hoặc tác động, kiểm soát với các chính sách của Tổng thống Mỹ.
Giáo sư Trần Hữu Dũng còn bày tỏ lo ngại vì cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động không những gây 'thiệt hại cho kinh tế bây giờ' mà còn 'đem vào một sự không chắc chắn về tương lai', gây ảnh hưởng đến 'đầu tư ngoại quốc', đầu tư quốc tế.
Bài viết này xin trao đổi và tranh luận với GS Trần Hữu Dũng về những "quan ngại" trên của ông.
Theo tôi, lịch sử chính trị của nước Mỹ trong suốt nửa thế kỷ qua sau chiến tranh Việt Nam, dễ dàng nhận thấy hai cột mốc đối ngoại.
Thứ nhất là với sự dẫn dắt theo đường lối diều hâu của các "nhạc trưởng" người của Đảng Cộng hòa đã làm cho Liên Xô sụp đổ và thứ hai bằng đường lối đối ngoại bồ câu, ôn hòa, chung sống hòa bình, dân chủ hóa nền chính trị thế giới được dẫn dắt bới các nhạc trưởng người của Đảng Dân chủ (Clinton-Obama), chính Mỹ không ai khác đã làm sổ lồng, đánh thức con hổ dữ phương đông đó là Trung Quốc?
Nguyên nhân nào đã xô đẩy Liên Xô tới sự sụp đổ năm 1991? Theo người viết bài này, Liên Xô sụp đổ do bởi tác nhân của hai chính sách cân não của Đảng Cộng hòa "rủ rê" Liên Xô chạy đua vũ trang và tìm cách hạ giá dầu xuống đáy nhằm làm thủng túi ngân sách của Liên Xô, vì đây là hàng xuất khẩu thu ngoại tệ chủ yếu của Liên Xô.
Trung - Mỹ Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Hàng hóa của Trung Quốc tại một cảng Container ở Nam California, Mỹ
Với việc hạ giá dầu tới mức cận đáy, cuối những năm 1980 giá dầu thế giới có lúc xuống mức 36 USD/thùng đã làm cho Liên Xô kiệt quệ nguồn thu, thâm thủng cán cân thương mại… Hai đòn cân não này khiến cho Liên Xô, ông anh cả của phe XHCN và 15 nước cộng hòa, thực chất là thuộc địa kiểu XHCN không đánh mà tan bởi "hết cơm hết rượu hết ông tôi".
'Trỗi dậy, hệ lụy và diễn kịch'
Khi Đảng Cộng hòa nhường sân khấu chính trị Hoa Kỳ cho phái bồ câu, phe dân chủ, kỷ nguyên của Bill Clinton-Obama ra đời. Với đường lối hòa dịu với thế giới, kết cục trật tự thế giới thay đổi theo hướng thách thức vị trí siêu cường của Hoa Kỳ, do bởi sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc, đẩy hai đồng minh của Mỹ là Nhật và Tây Đức xuống hạng 3-4.
Nguyên nhân của sự trỗi dậy này là do Mỹ cho phép Trung Quốc gia nhập WTO và mở cửa thị trường Mỹ cho Trung Quốc thao túng. Được tạo điều kiện về thị trường, Trung Quốc tranh thủ vươn lên bằng những mánh khóe cạnh tranh không minh bạch, sòng phẳng...
Một trong những mạnh khóe đó là hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ thấp hơn giá trị thực để kích thích, làm lợi cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc để hàng Trung Quốc tràn ngập Mỹ và Tây Âu…
Do tình thế đó, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, nhiều cử tri Mỹ đã quyết định không bỏ phiếu cho Đảng dân chủ, ủng hộ ông Trump lên điều hành nước Mỹ từ 20/01/2017.
Phe bồ câu Mỹ từng nuôi hy vọng và ảo tưởng: khi tạo sự đột biến về cơ cấu kinh tế của Trung Quốc, sẽ cảm hóa, làm diễn biến tư tưởng độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc, giải phóng quốc gia trại lính này khỏi ách chuyên chế.
Thế nhưng khi Trung Quốc đã bắt đầu có của ăn của để, liền không chịu quay về "tề gia, trị quốc", cải thiện môi trường xã hội nội trị để tạo ra sự phát triển, cạnh tranh văn minh theo luật.
Trung Quốc đã "tinh tướng" xô ra dùng tiền và "sức mạnh cơ bắp" (chạy đua vũ trang) "bình thiên hạ" nhằm tranh chấp, thách thức vị trí siêu cường của Mỹ, đe dọa an sinh một số đồng minh của Mỹ. Trung Quốc còn đe nét, bắt nạt cả những bạn từng được coi là "nối khố" của Trung Quốc như Việt Nam, Lào, Campuchia, Bắc Triều Tiên và một vài quốc gia Trung Á, Nam Á...
Trung - Mỹ Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Hình ảnh của các chính khách Mỹ và Trung Quốc trong một tiệm photocopy ở Trung Quốc
Không chỉ thế, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại chưng "vở kinh kịch như ta đây' phải xưng danh với thế giới rằng: do nhờ sự ưu việt của cái mô hình "XHCN mang màu sắc Trung Quốc"; nhờ tài kinh bang tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà kinh tế Trung Quốc có bước đột phá…
Sự đột phá này là thành quả của thể chế, mô hình, chứ không do tiếp nhận, học mót thiết chế văn minh của bất cứ phương nào, không do WTO, không do sự xởi lởi của thị trường Mỹ. Sự đột phá này càng không do cách buôn bán ăn gian, né trốn nghĩa vụ bản quyền, sở hữu trí tuệ trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu?
"Vở kinh kịch đại bá" trực tiếp đe dọa nguồn lợi, an ninh những sân sau, những đồng minh truyền thống của Mỹ và phương tây mà cả mô hình Mỹ.Trước hết là khu vực Đông-Bắc Á và Đông Nam Á, châu Phi, Trung Đông, Úc và Nam Mỹ... Trung Quốc triệt để sử dụng kế thứ 23 trong Binh pháp Tôn Tử là Viễn giao cận công.
Trung Quốc không chỉ dùng đòn bẩy kinh tế, đồng tiền Trung Quốc làm khí cụ cho "con đường tơ lụa" mà còn công khai chạy đua vũ trang trên Biển Đông và Hoa Đông. Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng, mua sắm tàu chiến, tàu sân bay và xây tạo các hòn đảo trên Biển Đông nhằm đe dọa uy hiếp, khống chế con đường giao thương hàng hải huyết mạch nhộn nhịp bậc nhất thế giới.
Đây còn là một vùng lãnh hải trầm tích nhiều tài nguyên gắn bó với quyền lợi sát sườn của nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ.
'Thương chiến, lựa chọn và tính toán'
Không thể để Trung Quốc trèo lên vai lên cổ để xưng hùng xưng bá với thế giới. Vừa qua có ý kiến cho rằng cuộc chiến tranh này do chính Trung Quốc không biết điều, khơi mào trước.
Chọn chiến tranh thương mại là chọn đúng điểm rơi để Mỹ truy thu quyền uy của mình. Cuộc chiến này nhằm mục đích: đẩy cái mô hình "XHCN mang màu sắc Trung Quốc" vào góc chết, để nó hiện nguyên bản cái giá trị thực của nó, đừng để nó lên đồng như diễn kinh kịch. Cuộc chiến này còn mục đích: trả hàng Trung Quốc về cho dân Trung Quốc; trả "mô hình kinh tế-chính trị XHCN màu sắc Trung Quốc" về cho dân Trung Quốc xài.
Chiến tranh cho dù là thương mại thì bao giờ cũng làm tổn thương cho cả đôi bên. Chúng ta hãy cùng nhau "kê tính" những chiêu trò mà hai bên sẽ tung ra liệu có gây nên những hệ lụy như quan ngại của GS. Trần Hữu Dũng?
Trung - Mỹ Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Nhiều công nghiệp của Trung Quốc bị ảnh hưởng khi Mỹ áp dụng các mức thuế xuất đánh mạnh vào nhiều hàng hóa, dịch vụ ở Mỹ.
Theo thông tin đã công bố, những năm gần đây, hàng năm Mỹ xuất sang Trung Quốc trên 130 tỷ USD trong khi đó Trung Quốc xuất sang Mỹ trên 500 tỷ USD…
Việc dùng chiêu đòn thuế quan đánh vào hàng hóa của nhau, căn cứ vào tương quan của đội bên, giá trị tuyệt đối cuối cùng Trung Quốc phải chịu chắc chắn thiệt hại lớn hơn phía Mỹ. GDP hàng năm của Mỹ là 20.000 tỷ USD trong khi đó Trung Quốc mới đặt mức 12.000 tỷ USD…
Cứ cho là hai bên chơi sát ván, cạn tàu ráo máng với nhau thì tổng số hàng hóa của hai nước mới ở mức chưa tới 700 tỷ USD; tỷ suất này chưa thể ảnh hưởng tới trục xoay của cán cân thương mại thế giới, như quan ngại của GS Trần Hữu Dũng cảnh báo "Cuộc chiến thương mại này là khó lường, mà một trong các vấn đề lớn là không ai biết được hết quy mô thiệt hại cho nền kinh tế thế giới mà nó gây ra…"
"Lo ngại vì nó không những thiệt hại cho kinh tế bây giờ mà nó còn đem vào một sự không chắc chắn về tương lai, cái đó ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư ngoại quốc này kia…"
Cứ cho Mỹ mất trắng các lô hàng trị giá 130 tỷ USD do gây chiến với Trung Quốc, cú sốc này cũng chỉ có thể gây sốt nhẹ cho cơ cấu kinh tế của nước Mỹ và chính phủ của TT Trump vẫn có khả năng vượt qua, hóa giải.
Còn với Trung Quốc khả năng mất trắng các lô hàng trị giá 500 tỷ USD là thực tế, là trong tầm tay của chiến lược gia Trump. Ảnh hưởng của cuộc chiến này trong năm 2018 chưa hiện hình thật rõ nét vì nó được phát động vào cuối năm, nhưng chắc bước sang 2019, kinh tế Trung Quốc sẽ ngấm đòn.
Báo chí Trung Quốc đã đưa tin chuẩn bị phá sản một loạt doanh nghiệp xuất khẩu. Các nhà kinh bang tế thế Trung Quốc đã đã lộ tiểu khí, nổi đóa do "giận cá chém thớt" với một số hàng hóa của Việt Nam: nâng thuế nhập khẩu gạo từ Việt Nam lên 50 %...
Trung - Mỹ Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Một nhà đầu tư Trung Quốc quan sát biến động trên thị trường chứng khoán ở Bắc Kinh sau khi chiến tranh thương mại xảy ra.
Đối với Mỹ, nếu không bán được các lô hàng 130 tỷ kia cho Trung Quốc thì vẫn có khả năng xuất bán cho các thị trường khác nếu Mỹ tìm cách kích cầu, giảm giá. Vừa qua Mỹ đã thỏa hiệp với Tây Âu, chưa đánh thuế hàng nhập khẩu ôtô từ thị trường này để đổi lại: EU tăng nhập hàng nông sản của Mỹ, phòng việc hàng hóa này bị Trung Quốc chặn, tẩy chay…
Mỹ còn có đồng minh, bạn hàng có khả năng "lá lành đùm lá rách" trong cơn cơ nhỡ đó là Tây Âu, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ… Riêng Tây Âu có tổng GDP là 19.000 tỷ USD, trên cơ Trung Quốc. Còn Trung Quốc thì biết cậy nhờ ai mua hộ hàng bây giờ?
Nhập khẩu hàng Mỹ là một nhu cầu thiết yếu của Trung Quốc. Nước này chỉ nhập những thứ không thể không nhập. Khả năng mất trắng các lô hàng truyền thống giá trị 130 tỷ USD của Mỹ dự định xuất sang Trung Quốc là ít mà có khả năng chịu tổn thất.

'Đòn đánh chắc, điểm huyệt và cân não'

Trong khi đó, nếu hàng Trung Quốc bị hàng rào thuế quan Mỹ sờ gáy, khả năng mất trắng cá lô hàng này, không bán được cho Mỹ và các thị trường khác là chắc chắc.
Khi hàng Trung Quốc bị áp thuế cao, hàng hóa của các quốc gia khác như Việt Nam, Đông Nam Á, Nam Á sẽ thế chân hàng Trung Quốc ngay lập tức.
Còn bán cho nước khác thì chỗ nào đã bán được, hàng Trung Quốc đã tràn ngập bằng mọi cách. Còn hàng Mỹ nếu Trung Quốc áp thuế cao thì các nhà sản xuất Việt Nam, Đông Nam Á, Nam Á, Nga, các cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và thậm chí Tây Âu xũng không dễ gì thay hàng Mỹ…
Trung - Mỹ Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Các nhà xuất khẩu Trung Quốc được cho là sẽ phải tìm các thị trường thay thế sau khi bùng nổ thương chiến
Đó chính là đòn đánh chắc, điểm huyệt và cân não mà Trump và Đảng Cộng hòa chủ trương.
Tất nhiên cuộc chiến này sẽ tác động tới cả hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc nhưng nó không ngẫu hứng như GS. Trần Hữu Dũng nhận định.
Khi chủ động phát động cuộc chiến tranh thương mại để trị Trung Quốc, chính giới Mỹ rất hiểu Trung Quốc, đã tính toán kỹ và lập trình chắc thắng rồi mới "xuống tấn", "xuất chiêu".
Trump có thể đã viện dẫn kế sách thứ hai và của Binh pháp Tôn Tử: đó là kế thứ hai 'Vây Ngụy cứu Triệu', tức là tránh nơi địch mạnh nhất, đánh vào hiểm yếu khiến địch phải rút về.
Chỉ khi nền kinh tế Trung Quốc bị cô lập, khốn khó thì kế thứ 19 'Rút củi đáy nồi' (Phủ để trừu tân), tức là đánh tiêu hao hậu cần để làm quân địch dần phải thua mới phát huy hiệu lực.
Kế thứ 19 này sẽ làm giảm tham vọng bá quyền của Trung Quốc tại nhiều khu vực trên thế giới như Biển Đông, Hoa Đông, Nam Á, châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ giống như những gì đã xảy ra với Liên Xô cũ đầu những năm 1990 ở thế kỷ trước.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một blogger và nhà văn từng làm việc tại Bộ Văn hóa và Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sinh sống tại Hà Nội.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện