Tin Việt Nam – 31/07/2018

Tin Việt Nam – 31/07/2018

Hà Nội ‘nước lụt tận giường,

chèo thuyền trong phố’

Một nhà khoa học cho rằng dân Hà Nội sẽ phải học chung sống với ngập lụt do hạ tầng thoát nước của Thủ đô ‘kém, lộn xộn’ và là một ‘bài học thất bại’.
Nhiều nơi tại Hà Nội đã ngập nặng cả tuần nay trong khi đê tả Bùi có nguy cơ bị vỡ, đe dọa nhấn chìm thành phố, theo truyền thông Việt Nam.
Ngập nặng nhất là huyện Chương Mỹ. Giới chức địa phương đã phải huy động hàng trăm bộ đội đi hộ đê và giúp di chuyển lương thực và vật nuôi cho người dân.
Đáng lo ngại là người Hà Nội sẽ phải học chung sống lâu dài với lụt lội xảy ra thường xuyên hơn và nặng nề hơn, theo ý kiến của một chuyên gia về môi trường đã sống ở Thủ đô 20 năm.
Chung sống với lụt lội
“Có rất nhiều nguyên nhân khiến Hà Nội ngày càng lụt lội nhiều hơn, nặng hơn. Đầu tiên phải kể đến lượng mưa đầu nguồn tăng cao, mưa lớn hơn và kéo dài bất thường,” ông Nguyễn Đức Tùng, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển bền vững nói với BBC ngày 31/7.
Ông Tùng nói phá rừng, biến đổi khí hậu, và việc xây dựng các đập thủy điện chắn dòng chảy từ thượng nguồn là các nguyên nhân khác khiến mưa đầu nguồn tăng cao, đổ về hạ du.
Ngoài ra, “còn do cơ sở hạ tầng, thoát nước ở Hà Nội rất kém. Nói một cách thẳng thắn, đó là bài học lộn xộn, thất bại của thành phố”, ông Tùng nói với BBC từ Hà Nội.
Thân phận gấu tại Việt Nam
‘VN cần trình giấy phép mua vây cá mập Chile’
Nhân viên thương vụ VN ‘mua vây cá mập cho gia đình’
Ông Tùng cho hay ông sống ở Thủ đô 20 năm và không còn lạ gì cảnh ‘nước lụt vào tận giường’, ‘chèo thuyền đi trong phố’ như bà con Chương Mỹ hiện đang phải trải qua.
“Cảnh tượng này sẽ kéo dài, rất khó thay đổi,” nhà khoa học nói với BBC.
“Cần nhìn nhận nỗ lực của lãnh đạo thành phố trong giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên họ cần có cái nhìn tổng thể thay vì chỉ chạy theo sau để giải quyết vấn đề hiện tại.”
“Nhiều chuyên gia nước ngoài mà tôi có dịp tiếp xúc nói chính quyền thiếu sự kết nối trong quy hoạch. Cứ khu đô thị nào mới là họ xây dựng hệ thống thoát nước mà không tính đến việc kết nối các hệ thống với nhau.”
Về nguy cơ vỡ đê tả Bùi, ông Tùng nói ‘hoàn toàn có thể xảy ra’.
“Hà Nội có thể làm như Sài Gòn, lắp đặt các máy bơm khổng lồ để bơm nước ‘cưỡng chế’ ra sông Hồng. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.”
“Với hệ thống đê ở Hà Nội, mưa lũ sẽ làm bộc lộ những điểu yếu mà bình thường không thấy. Rồi lại ‘trăm dâu đổ đầu tằm’, khổ nhất vẫn là người dân,” ông Tùng nói với BBC.
Nguy cơ vỡ đê
Trong khi đó, đê tả Bùi đang trong tình thế nguy cấp khi nước sông ngày càng dâng cao. Nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội đã bị chia cắt.
Hinh ảnh trên truyền thông Việt Nam cho thấy người dân huyện Chương Mỹ đi thuyền trên các ngõ phố.
Chủ tịch TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung nói có thể phải di dời 14.000 dân, theo báo Người Tiêu Dùng.
Ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho hay nếu không giữ được đê tả Bùi thì nước sẽ tràn vào huyện Chương Mỹ và các quận nội thành thành, theo Thanh Niên.
Giới chức địa phương nói đây là trận lụt lịch sử ở Hà Nội. Đê hữu sông Bùi cao 6,5m đã bị tràn một tuần nay. Trong khi đê tả Bùi cao 7,5m nước đang mấp mé, nguy cơ vỡ.
Hiện Bộ Tư lệnh Thủ đô đã cho đắp bao cát dọc đê tả Bùi chiều dài 8km lên cao thêm 50cm.
Xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ bị cô lập hoàn toàn. Cả một vùng quê chìm trong biển nước. Để duy trì liên lạc và đi lại, xã phải dùng công nông và ca nô chở người và hàng hóa qua lại.
Gần 900 hộ dân Chương Mỹ sống trong cảnh ngập nước, thiếu nước sạch, thiếu đồ ăn, điện bị cắt, hoa màu bị mất trắng.
Bà Nguyễn Thị Duyên (56 tuổi, thôn Nam Hài) được trích lời trên Vietnamnet rằng bà đã ăn mì tôm một tuần rồi.
Đê Bùi đã vỡ một lần tháng 12/2017 khiến nhiều thôn ở Chương Mỹ ngập lụt nặng nề.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45015704

Hà Nội dự định sẽ di tản 14.000 dân vì ngập lụt

Thành phố Hà Nội đang xem xét di dời hơn 14,000 hộ dân khu vực huyện Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội trước tình trạng ngập lụt đã kéo dài cả tháng nay.
Hãng tin Reuters dẫn một thông báo trên trang web của UBND thành phố vào ngày 31 tháng 7 cho biết mưa lũ đã khiến mực nước sông Bùi dâng lên mức báo động và sẽ đe dọa khu vực lân cận.
Bản thông báo dẫn lời ông Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung nói rằng cơ quan chức năng phải có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn của người dân địa phương cũng như tài sản của họ.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống thiên tai ngày 30 tháng 7 có công điện khẩn gửi Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Nội, Hòa Bình, và các ban ngành liên quan về việc ứng phó mưa lũ khu vực sông Bùi. Theo đó, trong những ngày tới đây ngập úng sẽ tiếp tục diễn ra tại vùng trũng, thấp thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và Lương Sơn (Hòa Bình).
Cũng tin liên quan, Báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết đến thời điểm hiện tại TP. Hà Nội đã có 2.700 ngôi nhà bị ngập, hơn 1.000 ha ngập sâu trong nước và hơn 1.700 ha ngập trắng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hanoi-considers-evacuation-of-14000-households-after-heavy-rains-07312018091834.html

Lũ ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

về nhanh bất thường

Mực nước lũ Đồng Bằng Sông Cửu Long đang lên nhanh và còn diễn biến phức tạp. Đó là thông tin được Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cảnh báo tại cuộc họp khẩn về Ứng phó với thiên tai khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long được tổ chức tại Hà Nội hôm 31/7.
Trong vòng nhiều tuần tới, mực nước nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ tiếp tục tăng cao. Mực nước cao nhất dự đoán sẽ vào ngày 13/8 đạt mức 3,7m ở khu vực sông Tiền tại trạm Tân Châu và đạt mức 3,1m ở khu vực sông Hậu tại trạm Châu Đốc.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai dự đoán nước lũ sẽ biến đổi chậm vào các tuần sau đó. Nguy cơ cao ngập lụt dự báo sẽ xảy ra ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cảnh báo lũ từ thượng nguồn đổ về đang uy hiếp tính mạng và tài sản của người dân địa phương.
Cơ quan chức năng cho biết nguyên nhân khiến mực nước lũ dâng nhanh là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác cát ở thượng nguồn cùng các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế xã hội tại các tỉnh, thành phố thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, đập thủy điện ở Lào bị vỡ, một số hồ đập ở khu vực này xả lũ cũng được nói là nguyên nhân khiến lũ đến sớm bất thường ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tin cho hay tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển cũng đã và đang xảy ra nghiêm trọng.
Cơ quan chức năng đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để kịp thời thông tin đến người dân nhằm chủ động các biện pháp phòng tránh và điều chỉnh kế hoạch sản xuất.
Bên cạnh nguy cơ lũ tràn về từ thượng nguồn, truyền thông trong nước gần đây cũng loan tin bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng di chuyển từ Bắc vào Nam vào cuối năm nay.
Thống kế của báo trong nước hôm 26/7 cho biết có ít nhất 29 người chết và 5 người khác còn mất tích trong đợt lũ lụt và lở đất do cơn bão Sơn Tinh đổ vào miền Bắc và miền Trung Việt Nam gây ra.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/floodin-on-the-mekong-delta-comes-unusually-07312018083207.html

Hàng trăm công nhân Pouyuen Sài Gòn

bị đuổi việc vì đi biểu tình

Hàng trăm công nhân của công ty Pouyuen trong khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, Sài Gòn có thể đã bị đuổi việc vì tham gia các cuộc biểu tình chống luật đặc khu và luật an ninh mạng.
Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do, một tổ chức tranh đấu cho quyền của người lao động Việt Nam không bị đảng cộng sản chi phối, dẫn lời một công nhân đang làm việc tại công ty Pouyuen cho hay như vậy hôm 26 tháng 7.
Được biết hàng chục ngàn công nhân của công ty này đã tham gia biểu tình vào các ngày 9, 11 và 12 tháng 6 vừa qua. Các công nhân cho rằng, họ đình công và xuống đường biểu tình để thể hiện trách nhiệm là công dân của một đất nước có chủ quyền, đồng thời thể hiện quyền công dân của mình là bày tỏ thái độ phản đối những dự luật có hại cho đất nước.
Mặc dù các công nhân Pouyuen đã biểu tình rất ôn hoà, nhà cầm quyền địa phương đã cử các lực lượng mang vũ khí ra trấn áp bằng hơi cay và vòi rồng. Nhiều công nhân đã bị người của chính quyền đánh đến mức phải nhập viện cấp cứu.
Theo Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do, có tin cho hay, nhà cầm quyền cộng sản đã trả thù các công nhân biểu tình, bằng cách xúi giục chủ công ty đuổi việc hàng trăm công nhân. Pouyuen là công ty có 100% vốn của Đài Loan, chuyên sản xuất giày thể thao và hàng may mặc xuất cảng. Công ty này hiện có khoảng 90,000 công nhân với nhiều cơ xưởng.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/hang-tram-cong-nhan-pouyuen-sai-gon-bi-duoi-viec-vi-di-bieu-tinh/

Hội Cựu Tù nhân Lương tâm

phản đối việc kết án người biểu tình ôn hòa

Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự độc lập, vào ngày 31 tháng 7 công bố văn bản phản đối những mức án mà tòa tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tuyên đối với 20 người biểu tình phản đối Dự luật đặc khu và An ninh mạng diễn ra hôm 10/6 với cáo buộc tội “gây rối trật tự công cộng”.
Linh mục Phan Văn Lợi, thành viên của Hội đồng Liên tôn Việt Nam và cũng thuộc Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, phát biểu với Đài Á Châu Tự Do về phản đối vừa nêu:
Hội cựu tù nhân lương tâm chúng tôi vừa đưa ra một bản tuyên bố phản đối về bản án của những người biểu tình phản đối ôn hòa đó. Trước hết, đây là người dân có quyền phản đối ôn hòa nên họ chỉ tụ tập để đòi phản đối dự luật đặc khu và luật an ninh mạng và những gì có thể gây tác hại, họ không có bạo động gì cả nhưng nhà cầm quyền lại bắt họ và rồi qui kết cho họ là gây rối trật tự công cộng. Cho nên đối với bản án này thì nhà cầm quyền muốn răn đe với mọi người rằng từ nay tất cả các cuộc biểu tình tụ tập lại để bày tỏ ý kiến thì điều sẽ bị xem như là tội hình sự và tất cả được xem là tụ tập gây rối. Đây là một sự răn đe, một sự đe dọa của nhà cầm quyền bởi vì họ biết rằng từ nay sẽ còn những cuộc biểu tình đằng sau ngọ lửa bùng phát của ngày 10 tháng 6 vừa qua.”
Phiên tòa hôm 30 tháng 7 tại thành phố Biên Hòa tuyên anh Trần Nguyễn Duy Quang 35 tuổi với mức án 1 năm 6 tháng tù giam và Phạm Ngọc Hạnh 45 tuổi với mức án 1 năm 4 tháng tù giam. Những người khác nhận mức án từ 8 tháng đến 10 tháng tù giam. Ngoài ra, có 5 bà mẹ bị tuyên phạt từ 1 năm đến 1 năm 2 tháng cải tạo không giam giữ vì lý do đang nuôi con nhỏ.
Tòa án tại một số tỉnh thành ở Việt Nam đã tuyên từ mức phạt hành chánh cho đến hơn 3 năm tù giam đối với 54 người tham gia đợt biểu tình vào những ngày 9, 10, 11 tháng 6 vừa qua tại nhiều nơi trên cả nước Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-vietnamese-prisoners-of-conscience-07312018084737.html

Một người Mỹ gốc Việt nghi bị mất tích tại Việt Nam

Ông Michael Phương Minh Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt tại quận Cam, bang California, được cho là đã mất tích tại Việt Nam hơn 3 tuần qua giữa lúc các tổ chức nhân quyền nói ông đã bị chính quyền giam cầm cùng 4 người khác về tội ‘lật đổ chính quyền.’ Gia đình ông đã liên lạc với Phái bộ Hoa Kỳ tại Việt Nam và cả chính quyền Việt Nam để hỏi thông tin về ông Michael nhưng chưa được phản hồi.
Ông Mark Roberts, em rể của ông Michael, hôm 30/7 cho VOA biết gia đình rất bức xúc vì chưa có cơ quan nào hồi đáp.
“Chúng tôi rất bức xúc vì chưa có văn phòng nào phản hồi. Gia đình rất muốn biết thông tin về ông ấy. Michael có 4 con gái nhỏ ở bang California và chúng cần có cha. Không ai phản cả. Chúng tôi vô cùng bức xúc.”
Chúng tôi rất bức xúc vì chưa có văn phòng nào phản hồi. Gia đình rất muốn biết thông tin về ông ấy.
Ông Mark Roberts, em rể của ông Michael Phương Minh Nguyễn.
Ông Mark cho biết gia đình đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các Nghị sĩ Quốc hội nhờ can thiệp.
“Chúng tôi đã mở một thỉnh nguyện thư trên trang Change.org, tới gặp các nghị sĩ, liên lạc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để nhờ can thiệp và tìm thông tin về Michael. Chúng tôi hối thúc các dân biểu, đặc biệt dân biểu liên bang Mimi Walters, đại diện cho Địa hạt Orange và văn phòng của bà rất quan tâm đến vụ mất tích này.”
Trước đó, cô Leslie Nguyễn, cháu của ông Michael Nguyễn, cho VOA biết gia đình hoàn toàn chưa được phản hồi sau nhiều lần liên lạc với Tòa Đại sứ Mỹ kể từ hôm 8/7.
Qua nhiều nguồn tin khác nhau, chúng tôi được biết ông đang bị chính quyền Việt Nam bắt giữ và giam cầm. Tính cho đến ngày 27/7, ông Michael Phương đã biệt tăm 21 ngày. Chính quyền Việt Nam từ chối xác nhận việc giam giữ, hay chia sẻ bất cứ tin tức gì về tình trạng của ông.
Trích thỉnh nguyện thư của gia đình ông Michael Phương Minh Nguyễn.
Thỉnh nguyện thư trên Change.org có đoạn viết: Từ ngày 27/6/2018, anh Michael Phương đã về Việt Nam thăm bạn bè và gia đình. Ông đã không trở về trên chuyến bay đã đặt. Qua nhiều nguồn tin khác nhau, chúng tôi được biết ông đang bị chính quyền Việt Nam bắt giữ và giam cầm. Tính cho đến ngày 27/7, ông Michael Phương đã biệt tăm 21 ngày. Chính quyền Việt Nam từ chối xác nhận việc giam giữ, hay chia sẻ bất cứ tin tức gì về tình trạng của ông.”
Trang Defend the Defenders hôm 29/7 cho biết: “Vào ngày 7/7, lực lượng an ninh của thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ Michael Nguyễn Phương Minh, một công dân Hoa Kỳ, cựu tù chính trị Huỳnh Đức Thịnh và con trai Huỳnh Đức Thanh Bình, Trần Long Phi và Facebooker Thomass Quốc Báo,” với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự 2015.
VOA chưa liên lạc được với Bộ Công an hay Công an thành phố HCM để xác nhận thông tin việc bắt giữ này.
VOA đang chờ phản hồi từ Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Tp. HCM về việc công dân Mỹ Michael Nguyễn có bị chính quyền Việt Nam bắt giam hay không.
Trong thông cáo báo chí ngày 29/7, gia đình ông Michael Nguyễn cho biết ông là một thương gia độc lập 54 tuổi, có vợ và 4 con gái còn nhỏ, và họ rất trông mong ông sớm đoàn tụ với gia đình.
https://www.voatiengviet.com/a/mot-nguoi-my-goc-viet-nghi-bi-mat-tich-tai-vietnam/4507423.html

Cựu sĩ quan quân đội ‘Út trọc’ bị 12 năm tù

Cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ, còn gọi là “Út trọc”, bị Tòa án quân sự Quân khu 7 tuyên 12 năm tù, sau hai ngày xét xử.
Út ‘trọc’ dùng bằng giả để vào Đảng và thăng tiến
Mối nguy của kinh tế VN khi bất mãn gia tăng
‘Út trọc’ Đinh Ngọc Hệ bị điều tra án kinh tế
Ông Hệ bị tuyên 10 năm về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và hai năm cho “Sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” – tổng cộng 12 năm tù.
Về hình phạt bổ sung, ông Đinh Ngọc Hệ bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý doanh nghiệp 4 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, tại tòa, ông Hệ không thừa nhận có hành vi phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Ông Đinh Ngọc Hệ nguyên là cựu thượng tá quân đội, cựu Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.
Cũng tại phiên xử, nhóm bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Trần Văn Lâm (cựu TGĐ điều hành Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn) bị tuyên phạt 5 năm tù.
Ông Bùi Văn Tiệp (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 Quân chủng PK-KQ) 24 tháng tù nhưng cho hưởng an treo; Trần Xuân Sơn (cựu TGĐ chi nhánh Công ty Thái Sơn Bộ Q.P tại Bình Dương) 18 tháng tù, cho hưởng án treo.
Bị cáo Phùng Danh Thắm (cựu TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) bị tuyên phạt 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng”.
Tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ án xoay quanh cáo buộc vi phạm trong sử dụng tài sản công, hoạt động kinh tế kinh doanh xăng dầu, gây thất thoát hơn 1,4 tỷ đồng.
Hành vi sử dụng giấy tờ tài liệu giả của cơ quan, tổ chức của ông Hệ liên quan việc ông mua một bằng đại học năm 2000.
Cáo trạng nói ông Hệ nhiều lần sử dụng bằng giả này và các giấy tờ, tài liệu giả để khai hồ sơ đảng viên, hồ sơ cán bộ để được nâng lương, bổ nhiệm; phiên, phong quân hàm.
Chiến dịch chỉnh đốn
Từ sau Đại hội Đảng 12 năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn dắt chiến dịch chỉnh đốn Đảng Cộng sản, kỷ luật nhiều đảng viên cao cấp.
Ông Đinh La Thăng bị ra khỏi Bộ Chính trị và sau đó nhận hình phạt tổng cộng 30 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng.
Chiến dịch của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã mở rộng đến lực lượng quân đội và công an.
Cuối tháng 7, Bộ Chính trị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng của Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu giáng cấp bậc hàm với Thượng tướng Trần Việt Tân, nguyên thứ trưởng công an.
Thượng tướng Phương Minh Hòa, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy – Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, bị cảnh cáo.
Ngay trước khi phiên xử ông Đinh Ngọc Hệ kết thúc, tòa ở Hà Nội đã kết án 9 năm tù với ông Phan Văn Anh Vũ, và cũng kết án tù với hai cựu công an về tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44968300

Cập nhật tin liên quan Vũ Nhôm

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa trả lại toàn bộ hồ sơ cho Bộ Công an để điều tra lại vụ án gây thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á, liên quan đến nhân vật Phan Văn Anh Vũ, hay còn gọi là Vũ Nhôm. Ông Vũ vừa bị Tòa Hà Nội vào ngày 30 tháng 7 tuyên án 9 năm tù giam với cáo buộc ‘làm lộ bí mật nhà nước’.
Theo truyền thông trong nước dẫn lời Viện Kiểm sát rằng biện pháp vừa nêu nhằm làm rõ hành vi những người liên quan đến vụ án. Nếu điều tra thấy đủ cơ sở thì xử lý hình sự những đối tượng này.
Tin cho biết, Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an đã chuyển hồ sơ điều tra sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vào ngày 17 tháng 6, đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank cùng 20 đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng Đông Á.
Trong đó, ngoài ông Trần Phương Bình, còn có bà Nguyễn Thị Kim Xuyến – nguyên Phó Tổng Giám Đốc DongA Bank, ông Nguyễn Đức Vinh – nguyên Giám đốc ngân quỹ hội sở, ông Đỗ Thanh Hùng và Lê Kiên Giang – nguyên Thủ quỹ hội sở, đều đã bị công an khởi tố và tạm giam.
Bên cạnh đó, trong vụ án này, ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” cũng bị đề nghị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Với tội danh này, Vũ “nhôm” có thể phải đối mặt với bản án chung thân.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/donga-bank-07312018081822.html

Chính quyền nói nhà sông Đà sập

không phải do hút cát hay thủy điện

Nguyên nhân khiến 6 ngôi nhà trôi xuống sông Đà là do mưa lũ.
Đó là nhận định mà ông Nguyễn Thanh Huy, Chủ tịch UBND TP. Hòa Bình đưa ra về tình trạng một số ngôi nhà ở khu vực tổ dân phố 25, 26 phường Đồng Tiến, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình bất ngờ bị sụp xuống sông Đà trong đêm 30 và sáng ngày 31 tháng 7.
Trước ý kiến cho rằng tai nạn xảy ra do chuyện hút cát sông, Ông Nguyễn Thanh Huy phản bác không có chuyện ai hút cát khiến những ngôi nhà này bị nứt.
Cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cũng cho biết sạt lỡ khiến 35 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm nhưng đã được di dời đến nơi an toàn. Phía cơ quan chức năng cho biết đến sáng ngày 31 tháng 7 đã có 6 ngôi nhà bị đổ hoàn toàn, 23 ngôi nhà bị nứt, sụt lún. Tuy nhiên truyền thông loan tin nói rằng có tổng cộng 7 ngôi nhà bị sập.
Cũng trong cùng ngày 31 tháng 7, khi được hỏi về nguyên nhân khiến 6 nhà ở Hòa Bình đổ sập xuống sông Đà, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai cho biết cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân. Ông Sơn còn khẳng định nguyên nhân không phải do thủy điện Hòa Bình xả lũ.
Khi xảy ra vu một số căn nhà bị sụp xuống sông như vừa nêu, Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Phường Đồng Tiến cho rằng nguyên nhân do thủy điện Hòa Bình liên tục mở cửa xả lũ trong những ngày qua. Đến sáng ngày 30 tháng 7, khi các cửa xả của nhà máy thủy điện Hòa Bình đóng lại thì nước sông Đà tụt nhanh và do nền đất khu vực nhũn, yếu nên xảy ra tình trạng sụp lún xuống sông.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/six-houses-on-da-river-bank-hoa-binh-province-sank-into-the-river-07312018091319.html

Phi công VNA tiết lộ:

 ‘chạy’ bằng trong hãng mất 20.000 đô

Một số phi công của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines mới đây – thông qua một đại biểu quốc hội – lên tiếng tố cáo về nhiều tiêu cực trong đào tạo, chứng nhận phi công, trong đó có việc họ phải chi hàng chục nghìn đôla Mỹ để được công nhận bằng lái hoặc chuyển loại.
Hàng loạt báo mạng lớn của Việt Nam trong hai ngày gần đây đưa tin Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đã gửi thư đến Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể, đề nghị bộ trưởng làm rõ thông tin trước những cáo buộc của các phi công về các tiêu cực.
Dẫn lại nội dung thư, các báo cho hay ông Cương viết rằng ông đã “nghe phản ánh và tiếp xúc với một số phi công, trong đó có cả người nhà” và những gì ông nêu ra là “sự thật”, với “mục đích xây dựng”, cũng như “bảo vệ một thương hiệu quốc gia”.
Bức thư được vị đại biểu cũng giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội gửi đi vào tháng 6.
Trong thư ông Cương viết rằng qua các phi công, ông được biết kể từ năm 2013, khi Vietnam Airlines thực hiện chính sách “xã hội hóa” đào tạo phi công, việc tuyển chọn “chỉ mang tính hình thức”, gần như bất kỳ ai đủ tiền đóng học là có thể đi học.
“Xã hội hóa” là thuật ngữ ở Việt Nam chỉ việc giới tư nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ thực hiện các dịch vụ từng do nhà nước đảm trách hoặc nắm độc quyền.
Thư nói đa số các trường dạy bay do Vietnam Airlines chọn là “các trường nhỏ lẻ, ít tên tuổi tại Mỹ” nên chất lượng giảng dạy “cũng thấp”. Ông Cương viết tiếp: “Có một số trường, học viên phi công rất kém, chỉ cần đóng tiền là có thể thi qua môn học, thậm chí đóng tiền để được ghi là đã đủ giờ bay”.
Do quá trình học cơ bản sơ sài như vậy, nên trong các chặng đào tạo tiếp theo để lái máy bay Airbus A321 tại các trường nghiêm túc ở các nước phương tây, các học viên Việt Nam “thường xuyên bị kéo dài thời gian huấn luyện, hoặc trượt các kỳ kiểm tra”, theo thư của ông Cương.
Ông cho biết các học viên “liên tục bộc lộ những điểm yếu” trong quá trình đào tạo, và “đa số học viên tốt nghiệp chỉ đạt 3 điểm”, là mức chấp nhận được trong thang điểm có mức tối đa là 5.
Trong thư gửi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, bên cạnh tiêu cực trong đào tạo, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cũng ám chỉ nạn quan chức trong hãng Vietnam Airlines vòi tiền “ngày càng trắng trợn” từ phi công khi thực hiện phỏng vấn chuyển loại máy bay.
Ông Cương dẫn ra đơn tố cáo gần đây nhất vào tháng Tư của một học viên phi công. Vị đại biểu quốc hội viết rằng có “hiện tượng ra giá 20.000-25.000 đôla Mỹ” cho một lần phỏng vấn đối với học viên từ Mỹ về để chuyển loại sang máy bay A321, hoặc từ lái phụ A321 sang lái phụ loại khác như A350, B787, hoặc phỏng vấn để nâng cấp lái phụ trở thành cơ trưởng.
Các bài báo trích thư của ông Cương không nêu đích ai là những người vòi tiền, song theo các bài báo, đa số các phi công thuộc diện phỏng vấn này “sẽ nhận được điện thoại trực tiếp, đề cập tới việc nộp tiền”.
Thư của Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu nghi vấn rằng sự việc như vậy “không thể do một cá nhân mà phải có tổ chức”. Ông chỉ ra rằng “Vietnam Airlines lên danh sách học viên dự phỏng vấn, đoàn bay 919 thực hiện phỏng vấn”.
Đánh giá tổng quát, vị đại biểu khẳng định đó là những vấn đề “không nhỏ”, có nguy cơ “uy hiếp an toàn bay”.
Ông Cương cho báo chí biết phải hơn một tháng kể từ khi gửi thư đi, đến ngày 25/7, Bộ trưởng Thể mới yêu cầu Vietnam Airlines giải trình và trả lời bộ trước ngày 31/7. Theo một bài trên trang Giáo dục Việt Nam, đến sáng sớm 31/7, ông Cương vẫn chưa nhận được câu trả lời từ bộ.
…xin phép không trả lời cho đến khi được lãnh đạo cho phép. Lúc này thật sự là mọi việc mới xảy ra, thành ra cũng chưa ai được chỉ định để phát ngôn
Ông Nguyễn Nam Liên, giáo viên bay của VNA
VOA cố gắng liên lạc với Bộ trưởng Thể và Trung tâm Điều hành Bay của Vietnam Airlines để nghe thông tin trực tiếp từ phía họ, nhưng họ không hồi đáp.
Khi được VOA hỏi về tính xác thực của các bài báo sử dụng thông tin trong thư của ông Cương, một giáo viên bay và kiểm tra viên của Vietnam Airlines, ông Nguyễn Nam Liên, nói với VOA:
“Tôi không liên quan đến vấn đề tuyển dụng của Vietnam Airlines. Tôi chỉ huấn luyện các phi công ở giai đoạn đầu. Tôi là người trong hệ thống, và tôi là người có tiếng nói có trách nhiệm. Vì vậy, xin phép không trả lời cho đến khi được lãnh đạo cho phép. Lúc này thật sự là mọi việc mới xảy ra, thành ra cũng chưa ai được chỉ định để phát ngôn”.
Cơ trưởng Boeing 787 Nguyễn Nam Liên hiện cũng là Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng ban Huấn luyện của Trường Phi công Bay Việt.
Các bài báo về tiêu cực trong đào tạo hoặc công nhận chuyển loại phi công tại Vietnam Airlines đã gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội Facebook.
Có người đặt câu hỏi: “chả lẽ bằng lái máy bay cũng mua như bằng lái xe 2 bánh?” Trong khi đó, một số người khác bày tỏ lo sợ hoặc mạnh mẽ lên án việc đào tạo lỏng lẻo cũng như việc thu tiền khi phỏng vấn phi công chuyển loại, với những từ ngữ như “không thể chấp nhận được” hay “quá tởm lợm”.
Nhiều người đòi hỏi nhà chức trách Việt Nam phải mạnh tay chống các tiêu cực này để bảo đảm là an toàn cho “bao mạng người trên máy bay” được đưa lên hàng đầu, đồng thời làm “trong sạch môi trường” trong công tác đào tạo hay quy trình thăng cấp phi công của Vietnam Airlines.
https://www.voatiengviet.com/a/phi-cong-vna-tiet-lo-chay-bang-trong-hang-mat-20000-do/4507434.html

Cơ chế và gian lận thi cử

Trong thời gian vừa qua, sau khi kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 được công bố, nạn gian lận thi cử bị công luận lên án mạnh mẽ vì diễn ra ‘trắng trợn’ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tiếng chuông cảnh báo về chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội lại được gióng lên?
Gian lận thi cử và nguyên nhân
Các đợt thi cử hàng năm vốn thu hút sự chú ý của cả cộng đồng về nhiều mặt như cách thức thi cử, cách thức xét tuyển, cấu trúc đề thi…và cả gian lận thi cử gắn liền với các đề án, chương trình thí điểm cải cách giáo dục trong nhiều năm qua.
Công luận lại phản ứng mạnh mẽ trước tệ nạn gian lận thi cử năm nay từ những phát hiện bất thường trong kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia tại tỉnh Hà Giang. Nhiều cư dân mạng đã có những bức tranh, dòng trạng thái châm biếm về chuyện này trên mạng xã hội ngay sau đó.
Theo nhà giáo Đỗ Việt Khoa, người thầy chống tiêu cực nhiều năm qua, những sự việc gian lận thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây là do hiệu trưởng, ban giám hiệu trường sở tại, phụ huynh và học sinh các địa phương thực hiện. Thầy Khoa nhấn mạnh đến bản chất và sự liêm sỷ của con người trong các kỳ thi.
Từ trước đến nay, chúng ta đã có vài hình thức thi. Bây giờ chập các kỳ thi vào làm một và giao cho các địa phương, thì đây chính là cơ hội. Thực ra các vùng sâu vùng xa, tôi chắc chắn rằng, người ta không thể có đầu tư giáo dục tốt như ở những thành phố lớn và không có các thầy tốt, nhưng tại sao kết quả của họ rất tốt là bởi vì họ được giao. Những người có quyền ở các địa phương trong thực tế họ giống như các chúa đất, cho nên con cái của họ sẽ là giỏi nhất
-PGS-TS. Nguyễn Văn Vịnh
“Trước hết là bản chất con người khi đã gian dối rồi, thì quy chế nào họ cũng luồn lách. Lợi ích địa phương, lợi ích con cháu của họ là họ sẽ can thiệp. Khác với thời điểm những năm trước, thì năm nay tiêu cực lại rơi vào chính tay những người làm công tác quản lý giáo dục, bộ máy lãnh đạo giáo dục.”
Căn bệnh trầm kha trong mọi ngành tại Việt Nam là “căn bệnh thành tích” vốn nhiều năm nay chữa mãi không khỏi. Mặt khác, từ năm 2015, ngành giáo dục liên tiếp có những thay đổi trong thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, như gộp hai kỳ thi làm một, giao cho các địa phương tự tổ chức thi rồi sử dụng kết quả để xét tuyển đầu vào các trường đại học, cao đẳng.
Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng, ngoài yếu tố về con người, thì quy chế thi, cơ chế, cách thức điều hành và quản lý của ngành giáo dục cũng góp phần tạo nên những thuận lợi cho gian lận thi cử.
“Kỳ thi này là kỳ thi 2 trong 1 rất là quan trọng, lấy kết quả để xét tuyển vào đại học, mà lại giao về địa phương. Đây là kẽ hở thứ nhất, khiến cho địa phương có con có cháu người ta tìm cách can thiệp sửa điểm. Thứ hai là khâu kiểm tra, giám sát, Bộ Giáo Dục cử về mỗi một sở chỉ có 2 người kiểm tra, giám sát, thì sao mà giám sát nổi. Một điểm nữa là tại sao Bộ không thu hồi hết các bài ngay sau khi thi, niêm phong gửi về Bộ. Bộ nên quét, rồi chấm, giao về các địa phương khác chấm chéo nhau đi. Cái đó khó mà gian lận lắm! Hay là cái phách cũng không có trong bài thi trắc nghiệm, cho nên trẻ nó viết tên lên trên phiếu trả lời, thì người gian lận người ta nhìn thấy ngay.”
PGS-TS. Nguyễn Văn Vịnh, Trưởng khoa Cơ bản, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cũng cho rằng, chính việc giao cho địa phương tổ chức thi là kẽ hở gây ra gian lận thi cử năm nay.
“Từ trước đến nay, chúng ta đã có vài hình thức thi. Bây giờ chập các kỳ thi vào làm một và giao cho các địa phương, thì đây chính là cơ hội. Thực ra các vùng sâu vùng xa, tôi chắc chắn rằng, người ta không thể có đầu tư giáo dục tốt như ở những thành phố lớn và không có các thầy tốt, nhưng tại sao kết quả của họ rất tốt là bởi vì họ được giao. Những người có quyền ở các địa phương trong thực tế họ giống như các chúa đất, cho nên con cái của họ sẽ là giỏi nhất.”
TS. Nguyễn Văn Vịnh nhìn nhận câu chuyện gian lận thi cử không phải bây giờ mới có, mà còn học, còn thi cử thì còn gian lận. Hệ thống pháp luật ở mọi xã hội, mọi thời kỳ đều có những quy định, chế tài để ngăn chặn, xử phạt những hành vi này.
Còn thầy Đỗ Việt Khoa chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân trong việc phanh phui, chống lại tiêu cực trong thi cử từ năm 2002 cho đến nay, gian lận là một quá trình kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều lần, khó có thể chấm dứt trong thời gian gần.
“Cứ ngỡ sau năm 2014, rồi thì mọi việc chấm dứt, nhưng không phải. Đến năm 2017, khi mà Bộ giao về các địa phương tự chấm bài, thì Hà Nội đã xảy ra lùm xùm rồi, nhưng mà không hiểu sao người ta rất là khéo, dìm được vụ ấy đi, báo chí không đăng được tin gì cả. Trót lọt vụ năm ngoái, cảm thấy là dễ dàng sửa điểm, cấy điểm. Thế là năm nay khắp các địa phương bùng nổ, bắt chước nhau, từ miền núi đến miền xuôi. Bộ Giáo Dục coi như là vỡ trận, không có đủ lực lượng đi giám sát các tỉnh.”
Giải pháp hạn chế gian lận
Nhiều thế hệ học sinh Việt Nam như những lứa “chuột bạch” cho các đề án cải cách, chương trình thí điểm của ngành giáo dục cả về chương trình học và các kỳ thi. Tiến sĩ Vịnh có ý kiến:
“Tôi nghĩ rằng, tất cả các phương pháp (thi) đều thử, và đều có những cái sai và sẽ bắt buộc phải điều chỉnh. Vì vậy tôi tin rằng, trong thời gian tới, những người mà tư vấn trong lĩnh vực thi cử của Bộ Giáo Dục cũng sẽ phải có những thay đổi và có những cách thức giảm thiểu. Tôi nói là giảm thiểu, chứ không bao giờ tránh được.”
Xử lý những vụ vi phạm một cách nghiêm khắc theo đúng pháp luật là một yêu cầu trước mắt được thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhấn mạnh.
Bây giờ ta chỉ xét tốt nghiệp là xong. Sau đó, giữ nguyên kỳ thi đại học, Bộ Giáo Dục ra đề chung cho các trường đại học, thi chung đề, chung đợt. Bộ chỉ làm công tác giám sát, quản lý thôi, để các trường tự tổ chức, tự chấm. Sai phạm ở đâu, xử lý các trường đến đấy
-Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
“Ngày xưa ông bà mình có cái án tử hình cho những kẻ sửa bài thi, ngày nay chúng ta bỏ tù. Nhưng rất tiếc, nhiều năm trước chưa một đối tượng nào làm sai bị bỏ tù cả. Từ vụ Phú Xuyên A của tôi, người bị nặng nhất chỉ là cảnh cáo, chuyển đi nơi khác chứ chẳng có ai bị buộc thôi việc hay bỏ tù cả. Hay như vụ Đồi Ngô, ở Bắc Giang, không có lãnh đạo nào bị bỏ tù hết, mặc dù chính lãnh đạo là người tổ chức gian lận.”
Cho đến nay, trong vụ việc gian lận thi cử tại Hà Giang, phía công an đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án, khởi tố điều tra bị can đối với trưởng phòng và phó phòng khảo thí của sở giáo dục. Còn những vụ việc sai phạm thi cử ở các địa phương khác thì chưa có quyết định khởi tố điều tra. Thầy Khoa còn cho rằng, nên xử lý theo quy chế thi đối với các thí sinh nhờ cậy nâng điểm.
Nhưng xét về lâu về dài, các kỳ thi, cách thức điều hành và quản lý của ngành giáo dục phải có sự thay đổi toàn diện, mạnh mẽ và loại bỏ bớt những thứ không còn phù hợp.
“Bây giờ ta chỉ xét tốt nghiệp là xong. Sau đó, giữ nguyên kỳ thi đại học, Bộ Giáo Dục ra đề chung cho các trường đại học, thi chung đề, chung đợt. Bộ chỉ làm công tác giám sát, quản lý thôi, để các trường tự tổ chức, tự chấm. Sai phạm ở đâu, xử lý các trường đến đấy.”
Cả thầy Đỗ Việt Khoa và PGS-TS Nguyễn Văn Vịnh đều nhấn mạnh đến việc giáo dục nhân cách học sinh từ tấm bé, giúp các em có lòng tự trọng, biết việc phải trái, và không làm điều gian dối. Mặt khác, quan điểm, triết lý giáo dục cần thay đổi và xác định lại mục đích của việc học không phải chỉ để vượt qua các kỳ thi, có bằng cấp.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/system-mechanism-and-exam-frauds-07312018080211.html

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ

kêu gọi mở rộng thương mại với Ấn Độ

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành hôm 30/7 lên tiếng kêu gọi việc mở rộng và nâng cấp hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa  Ấn Độ với 10 nước ASEAN vì cho rằng hiệp định hiện thời không đạt được kết quả như trông đợi giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Phát biểu tại một buổi họp báo do tổ chức Báo chí Phụ nữ Ấn tổ chức ở New Delhi, ông Thành nói rằng hiệp định nên mở rộng bao gồm thêm sản phẩm hàng hóa. Ông Thành nói Việt Nam hiện nhập khoảng 10 tỷ đô la trị giá hàng vải cho công nghệ dệt mỗi năm và Ấn Độ có khả năng đáp ứng được nhu cầu này của Việt Nam nếu thương mại được mở rộng hơn và Việt Nam có khả năng nhập nhiều hơn các sản phẩm từ Ấn Độ.
Hiện tại Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các nguyên liệu cho ngành dệt may từ Trung Quốc. Số liệu hải quan Việt Nam cho thấy trong năm 2017, Việt Nam nhập khoảng 9 tỷ đô la hàng nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, chiếm gần 43% tổng trị giá hàng nguyên liệu dệt may nhập khẩu của Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ hy vọng, với việc mở rộng thương mại với Ấn Độ, kim ngạch thương mại hai chiều có thể tăng từ 7 tỷ đô la lên 20 tỷ đô la.
Thâm hụt cán cân thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ cũng đã tăng lên kể từ khi FTA giữa hai bên được thực hiện vào năm 2009 chủ yếu là do 75% hàng xuất khẩu của Ấn Độ vào ASEAN.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/india-aseanafta-needs-to-be-expanded-vn-envoy-07312018091419.html

Còn hoài nghi về đề án

cấm xe máy ở nội thành Hà Nội từ 2030

Hà Nội, một thành phố có hơn 5 triệu xe gắn máy và dân số lên vượt quá 7 triệu người mới đây đã thông qua kế hoạch cấm xe máy trong nội thành kể từ năm 2030. Mục đích, theo Ủy ban Nhân dân Hà Nội là để “tránh ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm”.
Hãng tin Aljazeera hôm 29/7 nói mức độ ô nhiễm tại thủ đô của Việt Nam thuộc hàng tệ thứ nhì trong khu vực, chỉ đứng sau Saraburi, cái nôi công nghiệp khét tiếng là ô nhiễm của Thái Lan. Hãng tin này trích dẫn Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng trong năm 2017, chỉ có vỏn vẹn 38 ngày là chất lượng không khí tại Hà Nội được đánh giá tốt, ‘đạt tiêu chuẩn’ của Tổ chức Y tế Thế giới.
Với dân số ước lượng 7,7 triệu người, Hà Nội – thủ đô của Việt Nam, nổi danh về hàng ngàn xe gắn máy đủ loại chạy như mắc cửi trên các đường phố mỗi ngày.
Các xe gắn máy này cùng với các nhà máy điện sử dụng than, cùng với các nhà máy của lĩnh vực công nghiệp nặng, và bên cạnh đó sự tăng vọt của các dự án xây dựng và nạn đốt rừng canh tác theo mùa là những nguyên nhân đóng góp làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí.
Theo bản tin của Al- Jazeera thì nạn ô nhiễm lên tới đỉnh điểm từ tháng 12 tới tháng Hai, những tháng khô hạn trong năm. Đây cũng là thời điểm khi mà những ngọn gió đưa không khí ô nhiễm từ miền Nam Trung Quốc lan rộng ra khắp khu vực.
Al- Jazeera trích dẫn các cuộc nghiên cứu cho thấy nạn ô nhiễm không khí ở Việt Nam về phần lớn xuất phát từ các thành phố công nghiệp của Trung Quốc như Thành Đô và Trùng Khánh.
viễn cảnh tốt đẹp về một xã hội lành mạnh, người dân “vừa đi tàu điện ngầm vừa đọc sách”, và khi đi làm và lúc tan sở, người dân “sẽ được đi bộ, tập thể dục”
Dân biểu Nguyễn Tiến Minh, huyện Thường Tín
Từ khi được phê duyệt, quyết định hoàn toàn cấm xe máy ở nội thành Hà Nội đã gây nhiều tranh cãi và dư luận trái chiều, tuy nhiên các giới chức Việt Nam cho biết kế hoạch này vẫn được tiến hành theo theo tinh thần đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030″.
Giai đoạn 2017 – 2030, Hà Nội từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030.
Có người chỉ trích rằng nếu kế hoạch này được tiến hành thì Việt Nam sẽ đi ngược lại với xu hướng của phần còn lại của thế giới, nơi đa số các nước đều cho phép người dân tự do đi xe gắn máy.
Tháng 7 năm ngoái đề án này đã được lôi ra mổ xẻ. Một số đại biểu tán thành các mục tiêu đề ra, như dân biểu Nguyễn Tiến Minh thuộc huyện Thường Tín, đã bày tỏ lạc quan về một cơ sở hạ tầng Bộ Giao thông Vận tải phát triển, dân chúng sẽ tham gia các phương tiện giao thông công cộng với số lượng lớn. Ông vẽ ra viễn cảnh tốt đẹp về một xã hội lành mạnh, người dân “vừa đi tàu điện ngầm vừa đọc sách”, và khi đi làm và lúc tan sở, người dân “sẽ được đi bộ, tập thể dục”. Tuy nhiên muốn bức tranh màu hồng này trở thành hiện thực, thì văn hóa giao thông tại Việt Nam sẽ phải thay đổi triệt để, đó là điều dễ nói mà rất khó làm.
https://www.voatiengviet.com/a/con-hoai-nghi-ve-de-an-cam-xe-may-o-noi-thanh-hanoi-tu-2030/4506172.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?