Tin khắp nơi – 31/07/2018

Tin khắp nơi – 31/07/2018

Trump nói ông sẵn sàng

gặp lãnh đạo Iran vô điều kiện

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai ngày 30/7 đã khẳng định rằng ông ‘chắc chắn sẽ gặp’ Tổng thống Iran Hassan Rouhani mà không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào nếu như nhà lãnh đạo Iran sẵn lòng gặp ông.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ý tại Nhà Trắng, ông Trump nói ông sẽ gặp các lãnh đạo Iran ‘vào bất cứ lúc nào họ muốn’.
“Tôi sẽ gặp với bất cứ ai,” ông nói. “Gặp nhau không có gì sai hết.”
Cử chỉ này được đưa ra trong lúc Trump và giới chức Iran đã leo thang giọng điệu đe dọa lẫn nhau sau khi ông Trump rút ra khỏi một thỏa thuận hạt nhân quan trọng với Iran. Hoa Kỳ đã cam kết sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt cho đến khi nào Iran thay đổi các chính sách của họ ở khu vực, trong đó có việc ủng hộ các nhóm chiến binh trong khu vực.
Hiện chưa rõ liệu ông Rouhani có quan tâm đến việc gặp ông Trump hay không. Hồi đầu tháng, chánh văn phòng của ông Rouhani đã tuyên bố rằng hồi năm ngoái ông Rouhani đã bác bỏ tám lần ông Trump yêu cầu gặp gỡ trực tiếp giữa hai bên.
Mới đây, ông Rouhani còn cảnh báo Mỹ rằng ‘chiến tranh với Iran sẽ là mẹ của mọi cuộc chiến tranh.’
Lời đe dọa này đã khiến ông Trump lên Twitter bật lại: “Gửi Tổng thống Iran Rouhani. “Đừng bao giờ, đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ một lần nữa nếu không quý vị sẽ gánh chịu hậu quả ở mức độ mà ít người phải chịu đựng trước đây trong lịch sử. Chúng tôi không còn là một nước có thể chấp nhận những lời lẽ điên loạn của quý vị về bạo lực và chết chóc.”
Ông kết thúc thông điệp của mình với lời cảnh báo: “Hãy coi chừng!”
Hai ngày sau đó, ông đã giảm giọng điệu đe dọa khi ông nói rằng chính quyền của ông đã sẵn sàng chờ đợi Iran quay trở lại bàn đàm phán.
“Chúng tôi đã sẵn sàng có thỏa thuận, đạt được thỏa thuận thật sự, không phải là dạng thỏa thuận mà chính quyền trước đạt được vốn là một thảm họa,” ông nói.
Lâu nay Tổng thống Trump vẫn xem mình là một nhà đàm phán tài ba. Ông chỉ ra các cuộc gặp trực tiếp mới đây của ông với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin như là ví dụ về ích lợi của việc gặp trực tiếp.
“Tôi tin vào gặp mặt,” ông nói và đề cao lợi ích của việc ‘nói chuyện với người khác, nhất là về nguy cơ chiến tranh, chết chóc, nạn đói và rất nhiều những thứ khác.”
Khi được hỏi ông có đặt ra điều kiện để gặp Tổng thống Iran hay không, ông Trump nói: “Không có điều kiện tiên quyết. Không hề. Nếu họ muốn gặp thì tôi sẽ gặp họ bất cứ khi nào họ muốn.”
https://www.voatiengviet.com/a/trump-n%C3%B3i-%C3%B4ng-s%E1%BA%B5n-s%C3%A0ng-g%E1%BA%B7p-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-iran-v%C3%B4-%C4%91i%E1%BB%81u-ki%E1%BB%87n/4506484.html

Mỹ xử người đầu tiên

trong vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử

Cựu trợ lý của Tổng thống Donald Trump, ông Paul Manafort, sẽ là người đầu tiên bị đưa ra xét xử vào ngày 31/7, với cáo buộc gian lận thuế và ngân hàng, trong vụ điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Reuters cho hay.
Mặc dù tập trung vào tội tài chính, nhưng theo Reuters, phiên tòa có thể dẫn đến những bài viết gây tổn hại về chính trị cho người đã điều hành chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump trong ba tháng, và cũng là người đã tham dự một cuộc họp hồi tháng 6 năm 2016 với nhóm người Nga đề nghị cung cấp thông tin bất lợi về bà Hillary Clinton, đối thủ đảng Dân chủ của ông Trump. Đây cũng là trọng tâm hiện nay của cuộc điều tra đã kéo dài 14 tháng của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Ông Michael Caputo, một cựu trợ lý của ông Trump và người cộng tác lâu năm của ông Manafort, nói với Reuters rằng “Tôi thực sự hy vọng tổng thống tiếp tục theo dõi và đưa ra ý kiến với công chúng về vụ này”.
Theo ông Caputo, Tổng thống Trump có thể giúp cho công chúng hiểu những gì đang bị đe dọa trong cuộc điều tra của ông Mueller, mà cả ông Trump và ông Caputo đều gọi là cuộc truy sát chính trị nhằm chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Các công tố viên được dự đoán sẽ đưa ra lập luận rằng việc chi tiêu xa hoa của ông Manafort trên quần áo, nhà cửa và đồ xa xỉ không phù hợp với thu nhập mà ông khai trên tờ khai thuế, và ông đã lừa người cho vay khi ông mượn hàng chục triệu đôla cho bất động sản ở New York.
Ông Manafort, 69 tuổi, đã không nhận tội khi phải đối mặt với 18 tội danh. Chỉ riêng tội lừa đảo và gian lận chín ngân hàng đã có thể dẫn đến bản án tới 30 năm tù. Thẩm phán Ellis, người được biết tiếng nghiêm khắc, hồi tháng 4 nói rằng ông Manafort có khả năng phải đối mặt với bản án tù chung thân.
Tuy nhiên, với một số bằng chứng, một số chuyên gia pháp lý cho rằng ông Manafort có thể sẽ kiếm được một lệnh ân xá từ Tổng thống Trump, người đã gọi cựu giám đốc chiến dịch của mình là một “người tốt” bị đối xử bất công.
Phiên tòa, với một bồi thẩm đoàn 12 thành viên được lựa chọn, trùng hợp với suy đoán ngày càng tăng cho rằng cựu luật sư cá nhân của ông Trump, ông Michael Cohen, có thể hợp tác với các điều tra viên liên bang chống lại tổng thống, cho tới lúc này đã nắm quyền được 18 tháng.
Nhóm của ông Mueller ước tính có thể mất 8 đến 10 ngày để trình bày trước bồi thẩm đoàn. Điều này cho thấy phiên tòa có thể kéo dài ít nhất ba tuần.
Ông Mueller đã nộp lên 500 bằng chứng, bao gồm hồ sơ thuế, các báo cáo địa ốc, và hình ảnh những chiếc đồng hồ sang trọng, những ngôi nhà để minh họa cho sự giàu có của ông Manafort. Có 35 nhân chứng tiềm năng, nhiều người trong số họ làm ngân hàng và kế toán, dự kiến sẽ xác minh các tài liệu và nói về chủ ý vi phạm pháp luật của ông Manafort. Năm nhân chứng đã được trao quy chế miễn trừ.
Nhóm của ông Mueller cho biết trong phiên tòa lần này, họ sẽ không trình bày bất kỳ bằng chứng nào về sự thông đồng trong chiến dịch tranh cử có thể xảy ra với Nga ở Alexandria, bang Virginia, ngoại ô của Washington. Các bằng chứng này có thể sẽ được dành lại cho phiên tòa thứ hai xử ông Manafort ở Washington vào tháng Chín.
Mặc dù vậy, các công tố viên đã yêu cầu cho phép thảo luận về công việc của ông Manafort cho các chính trị gia thân Nga ở Ukraine, mà họ cáo buộc là một nguồn tài sản mà ông đã rửa tiền thông qua các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Ông Manafort đang tìm cách loại trừ thông tin về chi tiết của công việc đó, nhưng thẩm phán vẫn chưa ra quyết định.
Liên hệ với Nga?
Nếu được phép, các công tố viên có thể điều tra sâu hơn về những mối liên hệ với Nga của ông Manafort.
Tháng trước, nhóm của ông Mueller tiết lộ trong một hồ sơ tòa án về một khoản vay trị giá 10 triệu đôla mà ông Manafort vay từ Oleg Deripaska, một ông trùm nổi tiếng có quan hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Một giao dịch khác cũng đang là trọng tâm điều tra là một thỏa thuận “lại quả” giữa ông Manafort và một điều hành cấp cao tại Ngân hàng Federal Savings, với hồ sơ công khai cho thấy ông Manafort vay 16 triệu đôla cho tài sản ở New York trong tháng 12 năm 2016 và tháng 1 năm 2017.
Các công tố viên nói rằng các khoản vay là khoản “lại quả” cho ông Manafort khi mang nhà điều hành, mà các nguồn tin nói là Giám đốc điều hành ngân hàng Federal Savings-Stephen Calk, vào trong đội ngũ của ông Trump. Ông Calk đã được đưa lên làm một cố vấn cho chiến dịch của ông Trump.
Ngân hàng Federal Savings không không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Nhóm của ông Mueller đã truy tố hoặc có được sự nhận tội của 32 người và 3 công ty, bao gồm cáo trạng của 12 quan chức tình báo Nga.
Trong số bốn cựu trợ lý của ông Trump bị bắt trong cuộc điều tra, ông Manafort là người duy nhất bị đưa ra xét xử.
Cộng sự của ông Manafort là ông Rick Gates, cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và cố vấn chính sách đối ngoại của chiến dịch George Papadopoulos đều đã nhận tội.
Ông Trump phủ nhận có bất kỳ sự thông đồng nào. Nhưng ông Trump và các trợ lý từng rất vất vả để kiểm soát thiệt hại từ chuyện ông chấp nhận khi ông Putin bác bỏ là Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, như cáo buộc của tình báo Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/my-xu-nguoi-dau-tien-trong-vu-dieu-tra-nga-can-thiep-bau-cu/4506158.html

Hiệp hội nữ tu Mỹ kêu gọi thành viên

lên tiếng về lạm dụng tình dục

Hiệp hội lớn nhất của các nữ tu Thiên chúa giáo La Mã ở Mỹ hôm thứ Hai ngày 30/7 đã kêu gọi các thành viên trình báo các vụ việc mình bị các giáo sỹ lạm dụng tình dục và yêu cầu giới chức Giáo hội ‘phải có hành động để chấm dứt nền văn hóa im lặng, đưa những kẻ lạm dụng ra chịu trách nhiệm và có những hình thức hỗ trợ cho các nạn nhân’, AP đưa tin.
Hội nghị Lãnh đạo các Nữ tu (LCWR), vốn đại diện cho khoảng 80% nữ tu Công giáo ở Mỹ, đã công bố thông báo này hôm 30/7 sau khi có tin một số nữ tu đã ra mặt lên án các vụ tấn công tình dục của các linh mục và giám mục.
LCWR nói rằng họ không có số liệu về các vụ việc xâm phạm tình dục ở Mỹ, nhưng họ cảm ơn các nữ tu đã dám lên tiếng.
“Chúng tôi hiểu rằng trình báo việc bị lạm dụng đòi hỏi phải có lòng can đảm và sự chịu đựng ngoan cường. Tuy nhiên, đưa những hành vi ghê tởm này ra trước ánh sáng có thể là cách duy nhất để chấm dứt những vụ lạm dụng tình dục do những người có chức trách được tín nhiệm trong Giáo hội gây ra,” thông cáo của LCWR viết.
LCWR cho biết họ đã liên hệ với các thành viên của mình và kêu gọi họ trình báo bất cứ vụ xâm phạm tình dục nào cho giới chức Giáo hội và chính quyền.
Trước đó, AP đã đưa tin về những vụ tấn công tình dục được trình báo ở Chile, Ấn Độ và Ý. Trong những năm 1990 cũng đã có những vụ trình báo được ghi nhận từ các nữ tu về việc họ bị các giáo sỹ nam lạm dụng ở châu Phi.
Vào thời điểm đó, các nữ tu đã bị tấn công ngày càng nhiều do họ được xem là bạn tình ‘an toàn’ trong lúc đại dịch AIDS đang hoành hành ở châu Phi.
Giáo hội Công giáo Mỹ, vốn đã từng bị rúng động hồi năm 2002 với các vụ bê bối ấu dâm của tu sỹ, một lần nữa bị chao đảo sau khi xuất hiện cáo buộc một trong những hồng y có tên tuổi nhất của Mỹ đã lạm dụng tình dục các thiếu niên và các chủng sinh đã trưởng thành.
https://www.voatiengviet.com/a/hi%E1%BB%87p-h%E1%BB%99i-n%E1%BB%AF-tu-m%E1%BB%B9-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-th%C3%A0nh-vi%C3%AAn-l%C3%AAn-ti%E1%BA%BFng-v%E1%BB%81-l%E1%BA%A1m-d%E1%BB%A5ng-t%C3%ACnh-d%E1%BB%A5c/4506499.html

TT Trump khen lập trường cứng rắn của Ý

về di dân

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/7 khen ngợi lập trường ngày càng cứng rắn của Ý đối với vấn đề di dân khi ông bắt đầu cuộc gặp với Thủ tướng Ý, Giuseppe Conte, tại Nhà Trắng, Reuters đưa tin.
“Tôi hết sức đồng ý với những gì Ngài đã làm trong vấn đề di dân và di dân bất hợp pháp, thậm chí là di dân hợp pháp,” ông Trump nói với ông Conte trong Phòng Bầu dục. “Ông ấy đã có lập trường rất cứng rắn về biên giới, một lập trường mà ít nước nào có được. Và thật lòng mà nói thì theo ý tôi ông ấy đã làm đúng.”
Thủ tướng Conte lên cầm quyền hồi tháng trước với lời hứa sẽ thay thổi toàn diện nước Ý, trong đó có phúc lợi nhiều hơn cho người dân và siết chặt việc di dân.
Di dân đã trở thành một chủ đề tranh cử chính ở Ý sau làn sóng hàng trăm ngàn người tỵ nạn, đa số đến từ châu Phi, vượt biển Địa Trung Hải đến Ý. Quốc gia đã này đã chứng kiến hơn 650.000 cập bến ở đất nước họ kể từ năm 2014.
Thủ tướng Conte đã nói rằng chính quyền của ông sẽ chấm dứt ‘vấn đề di dân’.
Chính phủ mới của Ý đang tìm cách giới hạn số lượng di dân mà họ cho phép vào nước Ý và đã đóng cửa các hải cảng đối với các con tàu cứu nạn nhân đạo. Ý cho rằng họ đang chịu một gánh nặng bất công trong Liên minh châu Âu khi phải đối phó với làn sóng người tỵ nạn.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-khen-l%E1%BA%ADp-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-c%E1%BB%A9ng-r%E1%BA%AFn-c%E1%BB%A7a-%C3%BD-v%E1%BB%81-di-d%C3%A2n/4506489.html

Thống đốc Wisconsin tăng cường

chương trình bảo hiểm Obamacare ở tiểu bang này

Washington DC – CNN cho biết tiểu bang Wisconsin đang diễn ra một điều đặc biệt, là Thống Đốc Cộng Hòa Scott Walker đang thực sự tăng cường chương trình bảo hiểm Obamacare tại đây.
Hôm Chủ Nhật 29/07, ông Walker nhận được sự chấp thuận của liên bang để ban hành một chương trình tái bảo hiểm gọi là Wisconsin Healthcare, nhằm giảm bảo phí trên thị trường cá nhân trong năm tới. Ngoài Wisconsin còn có các tiểu bang Alaska, Minnesota và Oregon, cũng nhận được sự đồng ý tương tự.
CNN cho biết thêm Thống Đốc Cộng Hòa Paul LePage của tiểu bang Maine cũng được chính phủ liên bang bật đèn xanh để phục hồi chương trình tái bảo hiểm, bắt đầu từ Thứ Hai 30 tháng 7.
Trong thời gian qua, hai thống đốc Walker và LePage thường xuyên phản đối chương trình Obamacare, tìm cách xóa bỏ luật cải cách y tế và từ chối mở rộng Medicaid. Nhưng sau khi có được sự chấp thuận của liên bang, Wisconsin sẽ sử dụng 200 triệu Mỹ Kim thuộc ngân quỹ liên bang và tiểu bang, để trợ cấp cho các công ty bảo hiểm, giữ chân họ trụ lại tiểu bang, vì khách hàng ghi danh chỉ mua bảo phí giá rẻ. Ông Walker hy vọng rằng bảo phí sẽ thấp hơn khoảng 11% so với mức trung bình. Ông nói tỷ lệ thực tế mà mọi người phải trả tiền bảo phí trong năm nay giảm khoảng 3.5%.
Chương trình bảo hiểm sức khỏe của tiểu bang Wisconsin sẽ thanh toán 50% các yêu cầu bảo hiểm của khách hàng, trong khoảng từ 50,000 đến 250,000 Mỹ Kim. Tiểu bang sẽ chi 34 triệu Mỹ Kim bằng tiền quỹ của tiểu bang, phần còn lại sẽ đến từ quỹ của chính phủ liên bang. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/thong-doc-wisconsin-tang-cuong-chuong-trinh-bao-hiem-obamacare-o-tieu-bang-nay/

8 tiểu bang kiện chính phủ Trump

vì không ngăn chặn việc phát hành bản in súng 3D

Washington DC — Ít nhất 8 tiểu bang đang gấp rút kiện chính phủ Trump về quyết định cho phép một công ty Texas xuất bản các bản in cho súng tự chế 3D không thể phát hiện dấu vết. Nhưng theo CBS News, hành động của 8 tiểu bang này có thể đã quá muộn.
Cách đây 5 năm, Cody Wilson giới thiệu một sản phẩm mà ông gọi là “thời đại của khẩu súng có thể tải xuống từ mạng Internet”. Đó là lúc mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng máy in 3D để chế tạo một khẩu súng.
Giờ đây, thời đại đó được thiết lập lại, bắt đầu vào lúc nửa đêm Thứ Tư 1 tháng 8. Công ty Defence Distributed của ông Wilson lên kế hoạch xuất bản các bản in kỹ thuật số, để mọi người chế tạo vũ khí cho riêng họ, bao gồm súng trường tấn công kiểu AR-15. Loại vũ khí bằng nhựa 3D này không thể phát hiện dấu vết, và cũng không yêu cầu kiểm tra lý lịch.
Năm ngoái, ở tiểu bang California, Kevin Janson Neal sử dụng súng trường tấn công bằng kim loại tự chế để giết vợ và bốn người khác, tránh được lệnh của tòa án nhằm ngăn chặn quyền truy cập vũ khí của nghi can.
Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp tiểu bang New York Bob Ferguson là một trong 8 vị bộ trưởng bộ tư pháp của 8 tiểu bang, lên kế hoạch kiện chính phủ Donald Trump với hy vọng ngăn chặn công ty Defence Distributed xuất bản bản in chế tạo súng lúc 0 giờ sáng Thứ Tư. Nhưng công ty Defense Distributed đã bắt đầu phân phối các tập tin về súng trước đó. Vào hôm Chủ nhật 29/07, 1,000 người đã tải bản in một vũ khí kiểu AR-15 xuống máy điện toán của họ.
CBS News kết luận vụ kiện này có thể quá muộn. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/8-tieu-bang-kien-chinh-phu-trump-vi-khong-ngan-chan-viec-phat-hanh-ban-in-sung-3d/

Trận cháy rừng Carr Fire California đã được dập tắt

Shasta County, California — Nhà chức trách California thông báo tin vui. Hôm qua 30/07 nhân viên cứu hỏa tiểu bang California đã dập tắt được trận cháy rừng dữ dội Carr Fire ở miền bắc, giết chết ít nhất 6 người và phá hủy hàng trăm ngôi nhà. Nhóm cứu nạn vẫn tiếp tục tìm kiếm ít nhất 7 người mất tích.
Theo tin Reuters, cách đây một tuần, trận cháy rừng Carr Fire bắt đầu bùng lên ở bên ngoài thành phố Redding, tại một khu vực cách thủ phủ Sacramento khoảng 150 dặm về phía bắc. Chỉ trong vài giờ, ngọn lửa lan rộng gấp đôi. Chỉ sau ngày Chủ Nhật 22/07, Carr Fire đốt cháy một khu vực rộng bằng phân nửa thành phố New York, buộc 38,000 người phải di tản. Trong số những người thiệt mạng vì ngọn lửa, có 2 nhân viên cứu hỏa, một phụ nữ 70 tuổi và hai đứa chắt của bà.
Chris Harvey là phát ngôn viên Sở Cứu Hỏa tiểu bang Cal Fire, nói rằng điều quan trọng nhất là mọi người phải chuẩn bị theo lệnh di tản, kể cả những người vừa được cho phép trở về nhà, vì không ai có thể bảo đảm được điều gì trước sự đổi hướng của gió.
California là tiểu bang đang gánh chịu một loạt các trận cháy rừng trên khắp miền Tây Hoa Kỳ, với nhiệt độ cao luôn chạm mức 3 con số và những cơn gió bất thường của mùa hè.  (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/tran-chay-rung-carr-fire-california-da-duoc-dap-tat/

Công ty Mỹ xin miễn thuế nhập cảng với thép và nhôm

bị các công ty sản xuất thép nhôm chỉ trích

Washington DC – Theo CBS News, những công ty Mỹ xin miễn thuế nhập cảng với thép và nhôm, lên tiếng cáo buộc các công ty sản xuất thép và nhôm ở Mỹ đã đưa thông tin không chính xác và gây hiểu lầm.
Robert Miller là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của NLMK USA, cho biết công ty ông xin miễn thuế nhập cảng đối với thép và nhôm của Nga, nhưng bị hai công ty U.S. Steel and Nucor phản đối. Ông Miller cho biết công ty ông đã trả 80 triệu USD tiền thuế hàng năm. Nếu không được miễn thuế nhập cảng 25% đối với thép, 10% đối với nhôm, công ty ông sẽ bị buộc phải ngừng hoạt động.
Theo CBS News, US Steel và Nucor là hai trong số các công ty sản xuất thép và nhôm lớn nhất của Hoa Kỳ. Tiếng nói bất mãn của ông Miller được một số giám đốc điều hành khác ủng hộ. Đây là bằng chứng cho thấy những phản ứng dữ dội của các công ty Mỹ về cách Bộ Thương Mại đánh giá yêu cầu xin được miễn thuế thép và nhôm nhập cảng của họ.
Ông Miller lo ngại Bộ Thương Mại sẽ bị sự phản đối của US Steel và Nucor tác động. Một số công ty cung cấp thép nhôm trong nước cũng nói rằng họ bị tổn thương một cách không công bằng, chỉ vì thuế nhập cảng của Tổng Thống Trump.
Công ty US Steel cho biết phản đối của họ dựa trên thông tin chi tiết về kích thước và thành phần hóa học của thép trong các yêu cầu. Công ty Nucor không trả lời câu hỏi của CBS News. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/cong-ty-my-xin-mien-thue-nhap-cang-voi-thep-va-nhom-bi-cac-cong-ty-san-xuat-thep-nhom-chi-trich/

Lo ngại ảnh hưởng Trung Quốc,

Mỹ tăng đầu tư kinh tế tại châu Á

Minh Anh
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30/07/2018 thông báo đầu tư 113 triệu đô la hỗ trợ sáng kiến về công nghệ mới, năng lượng và cơ sở hạ tầng tại các nước châu Á đang trỗi dậy. Theo giới phân tích, với tuyên bố này, Hoa Kỳ đang tìm cách làm sáng tỏ hơn nữa khía cạnh kinh tế trong chiến lược « Ấn Độ – Thái Bình Dương » của tổng thống Mỹ Donald Trump, với mục đích đưa Hoa Kỳ thành đối tác đáng tin cậy trong khu vực.
Phát biểu tại Phòng Thương Mại Mỹ, ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định « nguồn quỹ này chỉ là một phần cam kết về kinh tế của Hoa Kỳ cho nền hòa bình và thịnh vượng chung vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương trong kỷ nguyên mới ».
Một cách cụ thể Hoa Kỳ sẽ đầu tư 25 triệu đô la để mở rộng xuất khẩu công nghệ Mỹ sang khu vực, gần 50 triệu đô la để trợ giúp các nước sản xuất và cất trữ các nguồn năng lượng, đồng thời thành lập một mạng lưới hỗ trợ mới để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng.
Ông nhấn mạnh Washington mong muốn một vùng châu Á « tự do và mở rộng », không bị thống trị bởi một quốc gia nào, đồng thời khẳng định Hoa Kỳ « chưa bao giờ tìm cách thống trị vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương » cũng như là « phản đối bất kỳ quốc gia nào có ý định này ».
Những lời lẽ trên của ông Mike Pompeo được đưa ra trong bối cảnh các nước trong khu vực lo ngại chính sách « Nước Mỹ trước đã » của tổng thống Trump, rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và theo đuổi một cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc, trong khi mà Bắc Kinh không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực thông qua các khoản đầu tư ồ ạt tại đây và tìm cách ngự trị vùng Biển Đông đang có tranh chấp.
Tuy thông báo này của bộ Ngoại Giao Mỹ đang làm sáng tỏ hơn nữa « chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương » của Hoa Kỳ tại châu Á, nhưng có một câu hỏi đặt ra : Liệu số tiền hỗ trợ nhỏ nhoi này của Mỹ có đủ để đối mặt với hàng tỉ đô la đầu tư của Trung Quốc tại khu vực hay không ?
Chính quyền Washington khẳng định không cạnh tranh trực tiếp với các sáng kiến của nhà nước Trung Quốc mà chỉ tập trung hỗ trợ sao cho các doanh nghiệp tư nhân trong khu vực được phát triển tốt nhất.
Theo Reuters, những cử chỉ này của Mỹ cũng cho thấy có sự chuyển hướng tích cực của chính quyền Washington trong chính sách đối ngoại tại châu Á. Chẳng hạn như Hoa Kỳ trong những năm qua, đã ký kết nhiều thỏa thuận đầu tư tại Sri Lanka, Mông Cổ trị giá hàng trăm triệu đô la hay như nới lỏng việc kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao cho Ấn Độ.
Dù vậy, theo đánh giá của ông Eswar Prasad, giáo sư ngành Thương Mại trường đại học Cornell, từng chuyên trách về Trung Quốc tại Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, được Reuters trích dẫn, lấy làm tiếc rằng chính sách này của Hoa Kỳ còn « quá nhợt nhạt và khiêm tốn » trước cách tiếp cận táo bạo của Trung Quốc.
Một quan điểm cũng được ông Daniel Russel, Viện Chính sách Xã hội Châu Á đồng chia sẻ khi cho rằng nỗ lực này của Hoa Kỳ khó mà gây được ấn tượng với các nước liên quan trong khu vực.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180731-lo-ngai-anh-huong-trung-quoc-my-tang-dau-tu-kinh-te-tai-chau-a

Ngoại trưởng Mỹ đi châu Á để quảng bá

chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương

Minh Anh
Trong vòng 4 ngày, từ ngày 02-05/08/2018, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công du châu Á nhằm quảng bá chiến lược của Hoa Kỳ về một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương « tự do và rộng mở ».
AFP trích dẫn thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết trong chuyến đi ngắn này, ngoại trưởng Mike Pompeo đến ba nước, Malaysia, Singapore và Indonesia. Riêng tại Singapore, ngoại trưởng Mỹ sẽ tham dự cuộc họp thường niên giữa ngoại trưởng các nước trong khối ASEAN.
Với Indonesia, chuyến thăm này là nhằm « tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Jakarta và Washington trước thềm kỷ niệm 70 năm quan hệ song phương vào năm 2019 ».
Chuyến công du ngắn này cũng là dịp để ông Mike Pompeo bảo vệ chính sách đối ngoại của Mỹ với châu Á, tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do và mở rộng » trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng khẳng định ý đồ của mình tại Biển Đông có tranh chấp.
Trước đó, ngoại trưởng Mỹ thông báo sáng kiến mới của Mỹ, cam kết cung cấp một khoản tín dụng 113 triệu đô la để hỗ trợ các nước trong khu vực phát triển nền kinh tế số hóa, năng lượng và cơ sở hạ tầng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180731-an-do-thai-binh-duong-trong-tam-cong-du-chau-a-cua-ngoai-truong-my

Lạm phát 1 triệu phần trăm, Venezuela đi về đâu ?

Thụy My
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, Venezuela sẽ bị suy thoái trong năm nay, với siêu lạm phát ở mức độ lịch sử là 1.000.000% từ nay đến cuối năm. Cũng theo IMF mới đây, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Venezuela sẽ giảm đi 18% trong năm 2018.
Thay đế giày mất bốn tháng lương
Khi biết rằng phải trả đến bốn tháng lương để sửa lại đôi giày cũ, ông José Ibarra, giáo sư đại học ở Venezuela nổi giận. Ông kể lại chuyện này trên Twitter.
Người thầy 41 tuổi viết : « Tôi không xấu hổ khi phải nói ra điều này : chính với đôi giày này mà tôi đi đến trường đại học trung ương Venezuela (UCV) để dạy học. Lương giáo sư đại học của tôi không đủ để thay đế giày ». Kèm theo dòng chữ là tấm hình một đôi giày mocassin màu đen, đế đã bị bong ra.
Tin Twitter này đã được chia sẻ 10.000 lần, được 5.400 « like » và khoảng 1.000 bình luận.
Dù đôi giầy đã mòn vẹt, giáo sư José Ibarra không có cách nào khác là phải mang để đi đến trường đại học chính của đất nước, giảng dạy cho những người làm công tác xã hội tương lai. Có bằng tiến sĩ về y tế cộng đồng, giáo sư Ibarra lãnh lương 5,9 triệu bolivar một tháng, tương đương…1,7 đô la trên thị trường chợ đen. Số tiền này chỉ vừa đủ để mua một ký lô thịt, tại đất nước mà sức mua tan nhanh như bọt nước do tình trạng siêu lạm phát.
Người thợ sửa giày đòi tiền công 20 triệu bolivar, một số tiền gấp ba, bốn lần lương tháng giảng viên. Anh thợ Lluvia Habibi giải thích, giá cao như vậy vì các nhà cung cấp nguyên liệu liên tục tăng giá. Anh nói : « Người ta có thể dùng keo dán giày đi tạm, nhưng không ai mua nổi một cặp đế giày cả, vì giá lên tới 20 đến 30 triệu bolivar ».
Từ lúc đăng những dòng chữ ngắn ngủi trên Twitter, giáo sư Ibarra đã được những người hảo tâm tặng cho những đôi giày, cũ có mới có, quần áo, tiền bạc và hàng trăm tin nhắn ủng hộ. Ông bèn thành lập một phong trào mang tên « Những đôi giày của nhân phẩm » để hỗ trợ các đồng nghiệp.
Người giảng viên đại học thổ lộ với AFP : « Tin Twittter tôi viết là một sự bùng nổ phẫn nộ. Tôi cứ ngỡ rằng vì ít có người theo dõi nên chẳng ai đọc, nhưng rốt cuộc tôi lại nhận được 12 đôi giày, kể cả tiền mặt và một số áo quần. Tôi lập ra phong trào này vì quàtặng vẫn tiếp tục được gởi tới ».
Giáo sư Ibarra giữ lại hai đôi giày để dùng, còn lại ông mang tặng các đồng nghiệp. Số tiền được các mạnh thường quân gởi cho, ông sẽ chia sẻ cho các giáo sư khác đang rất cần để mua thực phẩm. Ông cho biết : « Nhiều đồng nghiệp thường bị ngất xỉu vì đói ăn ».
Từ ba tuần qua, các giảng viên đại học luân phiên đình công để đòi tăng lương. Công nhân viên ngành y tế, điện lực, người về hưu…cũng đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.
Siêu lạm phát 1 triệu phần trăm
Sở dĩ giày của giáo sư José Ibarra mau hư vì không có xe buýt, thầy cô phải đi bộ một quãng đường xa đến trường. Khoảng 90% phương tiện chuyên chở công cộng ở Venezuela đã bị tê liệt, do giá phụ tùng thay thế quá cao, không thể nào mua nổi. Những người có trách nhiệm về giao thông giải thích như vậy, nhưng chính phủ lại quy cho họ là « phá hoại ».
Thực phẩm, thuốc men và rất nhiều mặt hàng tiêu dùng thông dụng khác từ lâu đã trở nên hiếm hoi, và nếu có cũng ngoài tầm tay với. Một cặp kính giá 1 tỉ bolivar (300 đô la theo giá chợ đen), một ký tỏi 32 triệu bolivar (10 đô la), trong khi lương tối thiểu chỉ có 1,5 đô la/tháng.
Đọc thêm: Venezuela : Dân quá đói phải đi bới rác
Theo báo cáo của các trường đại học Venezuela, hiện nay có đến 87% dân số sống trong tình trạng nghèo khó. Hàng triệu người đã phải di cư sang nước khác kiếm sống, trong đó có nhiều giáo viên. Một trong những người may mắn hiếm hoi mà AFP gặp được, Marcos Salazar, giáo viên 31 tuổi cho biết anh sống sót nhờ làm đến ba việc khác nhau và có người thân ở nước ngoài gởi tiền về cho.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, Venezuela sẽ bị suy thoái trong năm nay, với siêu lạm phát ở mức độ lịch sử là 1.000.000% từ nay đến cuối năm. Cũng theo IMF mới đây, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Venezuela sẽ giảm đi 18% trong năm 2018, tệ hơn dự kiến hồi tháng Tư là giảm 15%.
Ông Alejandro Werner, một trong những người có trách nhiệm của định chế đặt tại Washington cho biết : « Với tỉ lệ lạm phát lên đến 1.000.000%, tình hình Venezuela tương tự với đế chế Đức năm 1923, hoặc Zimbabwe vào cuối những năm 2000 ». Được biết trong cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1923, đồng mark Đức từ 4,2 mark đổi được 1 đô la, do siêu lạm phát, 1 triệu mark mới đổi được 1 đô la và đến cuối năm thì 1 đô la = 4,2 triệu mark !
Ông Werner kết luận : « Venezuela đang lún sâu vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc về kinh tế và xã hội ». Trong năm 2018, quốc gia dầu lửa này sẽ bị suy thoái ở mức hai con số, và như vậy đã thụt lùi suốt ba năm liền. Năm 2017, tỉ lệ suy thoái là -16,5%, nhưng năm nay còn trầm trọng hơn.
Có đến 96% thu nhập ngân sách của Venezuela là từ dầu thô. Tuy nhiên trong vòng một năm rưỡi qua, sản lượng dầu đã giảm ít nhất phân nửa, do không có tiền mặt để tu sửa, hiện đại hóa các giếng dầu. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa mới đây tiết lộ, sản lượng dầu của Venezuela hiện nay khoảng 1,5 triệu thùng dầu một ngày, thấp nhất kể từ 30 năm qua.
Bỏ 5 số không trên giấy bạc mệnh giá mới
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng tố cáo việc đưa một lượng lớn tiền vào lưu thông, làm lạm phát càng thêm phi mã. Tuy nhiên mức độ chính xác của dự báo đến đâu chưa rõ, vì định chế gồm 189 thành viên không thể gởi phái đoàn đến Venezuela thẩm định từ năm 2004, mà chỉ nhận được những dữ liệu rời rạc. IMF từ đầu tháng Năm đã yêu cầu Caracas phải cung cấp những dữ liệu kinh tế chính xác, nếu không có thể bị khai trừ.
Cũng theo Alejandro Werner, dù tỉ lệ lạm phát 1,2 triệu phần trăm hay 800.000 phần trăm cũng không làm thay đổi gì đối với « cuộc khủng hoảng nhân đạo khổng lồ » của một đất nước thiếu thốn mọi thứ, người dân có nguy cơ làm mồi cho những chứng bệnh dễ lây nhiễm.
Hôm 25/07/2018, tổng thống Nicolas Maduro loan báo đến ngày 20/8 sẽ đổi sang đơn vị tiền tệ mới, bỏ đi 5 số 0 trên tờ giấy bạc. Henkel Garcia, giám đốc công ty tư vấn Econometrica cho biết ban đầu chính quyền Venezuela chỉ định bỏ đi 3 số 0 trên đồng bolivar mà thôi. Nhưng nay khi tuyên bố bỏ đi 5 số 0, Caracas đã mặc nhiên nhìn nhận tình trạng siêu lạm phát.
Quyết định này sẽ giúp các giao dịch hàng ngày trở nên tiện lợi hơn. Hệ thống vi tính đang bị quá tải : nhiều siêu thị đề nghị khách hàng chi trả làm nhiều lần vì giới hạn một lần giao dịch chỉ được tối đa 20 triệu bolivar. Còn nếu trả bằng tiền mặt thì vô cùng bất tiện. Không có máy rút tiền nào hoạt động, phải xếp hàng rất lâu để rút được 100.000 bolivar. Mua một cặp kính phải mất đến 10.000 tờ giấy bạc có mệnh giá lớn nhất hiện nay là 100.000 bolivar. Hồi đầu năm 2017, một tờ giấy bạc này mua được 5 ký gạo, còn nay chưa mua nổi một điếu thuốc lá.
Đọc thêm: Chính phủ Venezuela chạy đôn chạy đáo tìm nguồn tiền mặt
Tuy nhiên ông Henkel Garcia cảnh báo, nếu không cải tổ bề sâu, thì những tờ giấy bạc mới có ít số 0 hơn cũng sẽ không thọ quá sáu tháng ! Cần phải cứu vãn nền kỹ nghệ Venezuela, hiện nay chỉ hoạt động có 30% công suất, chấm dứt việc Nhà nước độc quyền giao dịch ngoại hối và giá cả. Bên cạnh đó còn cần phải tìm được các nguồn tài chính khác, vì tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA đang bị Mỹ trừng phạt. Econometrica ước tính mỗi năm phải bơm vào 20 đến 30 triệu đô la, trong vòng hai hoặc ba năm.
Vẫn « kiên định xã hội chủ nghĩa »
Nhưng một công ty tư vấn khác là Ecoanalitica nhận định, chính quyền Venezuela sẽ không thay đổi chính sách kinh tế. Những xung đột xã hội trong những tuần lễ gần đây chỉ là những hoạt động rời rạc, và phe đối lập thì không có khuôn mặt nào nổi bật – nhiều nhà lãnh đạo đối lập đã phải lưu vong hoặc đang bị cầm tù.
Chính quyền Caracas nói rằng khủng hoảng kinh tế và siêu lạm phát là hậu quả của « chiến tranh kinh tế » do cánh hữu Venezuela và Hoa Kỳ tiến hành để lật đổ ông Maduro.
Đọc thêm: Venezuela : Dân đói khổ, lãnh đạo kiên định «xã hội chủ nghĩa»
Tình hình Venezuela làm ảnh hưởng đến các nước láng giềng. Chính quyền Colombia vào giữa tháng Sáu ước lượng đã có trên một triệu người dân Venezuela di cư sang Colombia trong 16 tháng qua. Còn Brazil ước tính mỗi ngày có 500 đến 1.200 người Venezuela vượt qua biên giới. Trong khi tại châu Mỹ la-tinh, ngoài Chilê và Pêru, dự báo tăng trưởng đều giảm, khó thể cưu mang thêm người tị nạn.
Đặc biệt tại quốc gia cộng sản là Cuba, sau bốn thập niên kiên định với nền kinh tế quốc doanh, Chủ nhật tuần rồi Quốc Hội nước này đã nhất trí thông qua dự thảo Hiến Pháp mới, công nhận quyền sở hữu tư nhân. Tân Hiến Pháp sẽ được đưa ra tranh luận trong dân từ ngày 13/8 đến 15/11 và sau đó sẽ tiến hành trưng cầu dân ý để trở thành chính thức.
Tuy bản dự thảo gồm 224 điều vẫn khẳng định « tính chất xã hội chủ nghĩa » của hệ thống chính trị Cuba, nhưng cụm từ « xã hội cộng sản » đã biến mất. Nguồn dầu lửa rẻ như cho của người láng giềng hào hiệp Venezuela đang cạn dần, chừng như các nhà lãnh đạo Cuba đã trở nên thực tế hơn.
Còn Venezuela thì tuyên bố, vẫn « kiên định xã hội chủ nghĩa » !
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180731-lam-phat-1-trieu-phan-tram-venezuela-di-ve-dau

Giáo hoàng chấp nhận tổng giám mục Úc từ chức

vì bê bối ấu dâm

Đức Giáo hoàng Francis hôm thứ Hai, 30/7, chấp nhập đơn từ chức của một tổng giám mục người Úc bị tòa hình sự nước này kết tội che giấu vụ linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, AP đưa tin.
Đức Giáo hoàng Francis đã có hành động này sau khi đối diện với áp lực ngày càng tăng của các tín đồ Công giáo, các linh mục và thậm chí là cả Thủ tướng Úc Malcomm Turnbull.
Đây là thông báo lớn thứ hai của Giáo hội về việc từ chức do có liên hệ đến lạm dụng tình dục trong những ngày qua sau khi Giáo hoàng Francis có động thái bất ngờ giáng chức một hồng y nổi tiếng của Mỹ.
Tổng giám mục Adelaide của Úc Philip Wilson bị kết tội hồi tháng Năm và bị kết án giam giữ một năm vì đã không trình báo cảnh sát về hành vi lạm dụng liên tục hai cậu bé giúp lễ của một linh mục ấu dâm, linh mục quá cố James Fletcher ở khu vực Thung lũng Hunter ở phía bắc Sydney trong những năm 1970. Ông trở thành vị chức sắc cao cấp nhất của Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã từng bị kết tội trong phiên tòa hình sự về tội che giấu hành vi xấu xa của thuộc cấp.
Ông Wilson bác bỏ các cáo buộc. Ngay sau khi bị kết tội, ông đã tự động đứng ra bên ngoài các hoạt động của giáo xứ nhưng vẫn không từ chức do ông còn chờ kháng cáo. Tuy nhiên, mới tuần trước, Wilson thừa nhận ngày càng có nhiều lời kêu gọi cách chức ông.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hôm 19/7 cũng đã hòa giọng kêu gọi Giáo hoàng Francis hãy sa thải Wilson.
Hồi tuần trước, truyền thông Úc đăng một lá thư từ một trong các nạn nhân là ông Peter Gogarty gửi cho Giáo hoàng Francis kêu gọi Ngài hãy cách chức Wilson. “Hãy tưởng tượng nếu Ngài có thể, với tuổi thơ của Ngài, với sự nuôi nấng trong Công giáo của Ngài, với niềm tin làm tổn thương thanh danh, rằng Ngài bị dính vào một trong những tội lỗi xấu xa nhất trên trần thế,” Gogarty viết trong thư. “Tôi giờ đây đã 57 tuổi và vẫn đang tiếp tục vật lộn với nỗi đau đè nặng trong lòng.”
Trong một thông cáo do tổng giáo phận ông cai quản phát đi, Tổng giám mục Wilson cho biết ông đã tự nguyện đệ trình đơn xin từ chức lên Giáo hoàng Francis hôm 20/7 – một ngày sau khi Thủ tướng Turnbull lên tiếng – và nói rằng ông hy vọng quyết định của ông sẽ giúp các nạn nhân bị xâm phạm và phần còn lại của cộng đồng Công giáo hàn gắn vết thương.
Trong một thông báo ngắn ngủi chỉ có một dòng hôm 30/7, Tòa thánh Vatican cho biết họ đã chấp nhận đơn từ chức của ông Wilson. Hiện 67 tuổi, Wilson còn lâu mới đến tuổi nghỉ hưu cho giám mục là 75 tuổi.
https://www.voatiengviet.com/a/gi%C3%A1o-ho%C3%A0ng-ch%E1%BA%A5p-nh%E1%BA%ADn-t%E1%BB%95ng-gi%C3%A1m-m%E1%BB%A5c-%C3%BAc-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%A9c-v%C3%AC-b%C3%AA-b%E1%BB%91i-%E1%BA%A5u-d%C3%A2m/4506422.html

Tân Ngoại trưởng Anh

nhầm ‘gốc gác’ vợ ở Trung Quốc

Do lỡ lời, ông Jeremy Hunt hôm 30/7 nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng vợ của ông là người Nhật, nhưng sửa lại ngay lập tức trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới Trung Quốc với tư cách ngoại trưởng Anh.
Ngay lúc mở đầu các cuộc hội đàm tại Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, Ngoại trưởng Hunt nói với nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ chủ nhà, Ủy viên Quốc vụ viện Vương Nghị, rằng ông có một mối quan hệ lâu dài với Trung Quốc bắt đầu bằng một chuyến đi du lịch “bụi” khi ông 19 tuổi, theo Reuters.
Ông Hunt nói rằng “vợ tôi là người Nhật” rồi nhanh chóng sửa lại rằng “vợ tôi là người Trung Quốc”.
“Đó là một lỗi sai khủng khiếp,” nhà ngoại giao hàng đầu của Anh nói trong khi cả khán phòng cười vang.
“Vợ tôi là người Trung Quốc và con của tôi có nửa dòng máu Trung Quốc và do đó có ông bà người Trung Quốc hiện đang sống ở Tây An và có họ hàng thân thiết ở Trung Quốc.”
Ông Hunt cưới người vợ Trung Quốc có tên Lucia vào tháng 7/2009 và họ có một con trai và hai con gái, theo trang web của ông.
Ngoại trưởng Hunt, người lên thay thế người tiền nhiệm Boris Johnson từ chức hôm 9/7, đang ở thăm Bắc Kinh trong chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông kể từ khi nhậm chức trong tháng này.
Tuy nhiên, phần còn lại của cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Vương, người từng là đại sứ Trung Quốc tại Nhật và nói thành thạo tiếng Nhật, đã diễn ra tốt đẹp, theo Reuters.
Ông Hunt sau đó nói với các phóng viên trong một buổi họp báo rằng Trung Quốc muốn có các cuộc thương lượng về một hiệp định thương mại tự do hậu Brexit.
https://www.voatiengviet.com/a/tan-ngoai-truong-anh-nham-goc-gac-vo-o-trung-quoc/4506129.html

Pháp điều tra việc một phụ nữ bị hành hung

trên đường vì phản đối hành động tán tỉnh


Paris, Pháp – Chính phủ Pháp đã mở một cuộc điều tra, sau khi xuất hiện đoạn phim quay cảnh một người đàn ông đánh vào mặt một phụ nữ tại Paris gây chấn động cả nước.
Người phụ nữ trong đoạn phim là cô Marie Laguerre (22 tuổi). Cô Laguerre kể lại trên mạng xã hội rằng cô đang trên đường về nhà thì một người đàn ông bám theo cô và có lời lẽ và hành động tán tỉnh thô tục. Người đàn ông này đã ném tàn thuốc và đánh vào mặt cô Laguerre khi cô yêu cầu anh ta im lặng.
Bài đăng của cô Laguerre đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội và thúc đẩy Bộ Trưởng Bình Đẳng Giới Marlène Schiappa triển khai án phạt tại chỗ đối với hành vi quấy rối vào mùa thu này. Bình luận về trường hợp của cô Laguerre, Bộ trưởng Schippa cho rằng hành vi quấy rối rất nghiêm trọng, vì nó xâm phạm tự do của nữ giới nơi công cộng.
Bà Schippa cho hay trong tuần này, chính phủ sẽ thông qua đạo luật mới để xử phạt các hành vi huýt sáo tán tỉnh hoặc quấy rối người khác nơi công cộng. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt lên đến 750 euro.
Trả lời phỏng vấn với tờ Le Parisien, cô Laguerre cho biết cô bị thương ở một bên má và lông mày sau khi bị đánh. Cô Laguerre cũng ca ngợi những người đi đường vì đã can thiệp giúp đỡ cô, và người chủ quán bar vì đã công bố đoạn phim trong camera an ninh. Cô ngạc nhiên trước phản ứng mạnh của công chúng và cảm thấy rất may mắn vì sự việc đã được ghi hình lại.
Cô Laguerre đã nộp đơn kiện người đàn ông. Phía công tố viên Paris đã tiến hành điều tra vụ quấy rối vào hôm Thứ Hai ngày 30 tháng 7. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/phap-dieu-tra-viec-mot-phu-nu-bi-hanh-hung-tren-duong-vi-phan-doi-hanh-dong-tan-tinh/

Pháp: Tư pháp mở cuộc điều tra thứ hai

nhắm vào Benalla

Mai Vân
Viện Công Tố Paris vào hôm qua 30/07/2018, đã cho mở một cuộc điều tra thứ hai nhằm vào Alexandre Benalla, nguyên “trợ lý an ninh” của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bị cáo buộc là đã có hành động thô bạo đối với hai nguyên đơn. Vụ việc bị điều tra cũng diễn ra ngày 01/05, nhưng chỉ vài giờ trước sự cố bạo hành người biểu tình mà ông Benalla đang bị điều tra.
Theo hãng tin Pháp AFP, hai thanh niên một nam, một nữ, 23 và 24 tuổi, đã đệ đơn kiện Alexandre Benalla và Vincent Crase, một nhân viên an ninh tư nhân được đảng Cộng Hòa Tiến Bước của ông Macron thuê, về tội đã dùng võ lực một cách thô bạo để bắt giữ họ trong công viên Jardin des Plantes ở trung tâm Paris.
Đoạn video mới được nhật báo Libération công bố trước đó, cho thấy là có đến ba người dính líu đến vụ bắt giữ đôi thanh niên nam nữ này, ngoài Benalla và Crase không phải là cảnh sát, còn có thêm một sĩ quan cảnh sát.
Một trong ba người đã giằng điện thoại di động của cô gái nguyên đơn và xóa đoạn phim ghi lại hành động của họ, nhưng sau đó, cô gái đã khôi phục được đoạn video trên.
Theo giới quan sát, vụ bạo hành thứ hai này có tác dụng phản bác lời biện minh đã được Alexandre Benalla đưa ra trong những ngày qua theo đó anh chỉ thực hiện « nghĩa vụ » của một công dân, phải can thiệp phụ giúp nhân viên công lực bắt giữ các « phần tử gây rối ».
Dẫu sao thì vụ được gọi là Benallagate vẫn tiếp tục đẩy tổng thống Pháp và chính phủ của ông vào thế bị đối lập công kích nặng nề. Đỉnh cao của đợt công kích được cho là sẽ diễn ra hôm nay, với việc Quốc Hội Pháp xem xét và bỏ phiếu về hai kiến nghị bất tín nhiệm do đối lập cánh tả và cánh hữu đệ trình.
Theo giới quan sát, dù hai kiến nghị này dứt khoát bị gạt bỏ, nhưng hệ quả chính trị của vụ tai tiếng Benalla đối với tổng thống Macron và chính phủ Pháp sẽ còn kéo dài.
http://vi.rfi.fr/phap/20180731-phap-tu-phap-mo-cuoc-dieu-tra-thu-hai-nham-vao-benalla

2018 : Cognac và rượu mạnh của Pháp bội thu

Tuấn Thảo
Bạn có biết là doanh thu xuất khẩu rượu Cognac lên tới 3 tỉ euro hàng năm, tương đương với 70% doanh thu của ngành sản xuất rượu mạnh ở Pháp (4,2 tỉ euro). Để dễ hình dung hơn nữa, cứ mỗi phút, tính trung bình có 6 chai rượu Cognac được bán ra trên thế giới.
Theo bản báo cáo gần đây của liên đoàn ngành sản xuất rượu mạnh FFS (Fédération Française des Spiritueux), sự thành công của Cognac là do lượng tiêu thụ toàn cầu gia tăng, nhất là tại châu Á và châu Âu, trong khi lượng rượu mạnh bán trên thị trường nội địa (Pháp) vẫn ở mức bão hòa. Người Pháp khi dùng rượu mạnh, lại thích uống các loại rượu pha (cocktail), trong khi họ hạn chế các loại rượu (digestif) uống sau bữa ăn. Xu hướng tiêu dùng này giải thích vì sao doanh thu của các loại rượu rhum và gin đã tăng thêm 10%, trong khi lượng tiêu thụ Cognac và Armagnac vẫn không thay đổi gì nhiều tại Pháp.
Xu hướng tiêu thụ các loại rượu pha (mojito, spritz, gin tonic, caipirinha ……) giúp cho một số loại rượu mạnh bán rất chạy trong các quán cà phê, khách sạn hay nhà hàng vào những giờ ‘‘happy hour’’, dành cho giới trẻ và giới trung niên sau giờ làm việc, họ nhâm nhi rượu pha chủ yếu là để khai vị trước bữa ăn tối. Điều đó không có nghĩa là tất cả các loại rượu mạh dùng để pha chế cocktail đều ăn khách, về điểm này rượu gin tăng thêm 18% trong khi các loại rượu mạnh có vị ngọt như liqueur chỉ tăng +6%, đổi lại tequila hay vodka lại không được nhiều thực khách ở Pháp yêu chuộng.
Riêng về thị trường Cognac, từ trước tới nay, người Pháp tuy có truyền thống uống rượu ‘‘tiêu hóa’’sau bữa ăn nhưng xét về mặt ẩm thực họ vẫn chuộng các loại rượu không có độ cồn quá cao (nhất là rượu vang và champagne). Vì thế cho nên, ngành sản xuất rượu mạnh ở Pháp chế biến Cognac chủ yếu là để xuất khẩu.
Ngành sản xuất rượu Cognac của Pháp đã phát triển từ thế kỷ XVI, nhờ có độ cồn cao mà rượu dễ tích trữ và dễ vận chuyển cho dù thời gian chuyên chở qua thuyền bè thời xưa có thể lên tới 3 tháng trời, thậm chí nửa năm. Mãi tới thời hoàng đến Napoléon Đệ tam, sau khi hiệp định thương mại giữa nước Pháp với các cường quốc hàng hải (Anh, Hà Lan) được ký kết, rượu Cognac mới bước vào thời ‘‘hoàng kim’’, chinh phục hầu như toàn thế giới.
Hiện nay, rượu Cognac được xuất khẩu sang 160 quốc gia trên toàn cầu, tính trung bình là 195 triệu chai mỗi năm. Châu Á là thị trường tiêu thụ Cognac nhiều nhất. Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam tính gộp lại các nước này chiếm tới 40% thị phần quốc tế. Nếu tính theo từng nước một, Hoa Kỳ vẫn đứng đầu các quóc gia nhập khẩu Cognac.
Theo số liệu của Văn phòng Quốc gia liên ngành sản xuất Cognac (BNIC), Mỹ trong năm qua đã nhập khẩu 82,6 triệu chai, tức cao hơn gấp ba lần so với Trung Quốc (25,5 triệu) và Singapore (24 triệu chai). Điều đó không có nghĩa là 5 triệu dân Singapore uống rượu Cognac không kém gì 1 tỉ dân Trung Quốc.
Theo ông Patrice Pinet, chủ tịch liên đoàn ngành sản xuất Cognac kiêm giám đốc công ty Courvoisier, Singapore ở đây đóng vị trí đầu cầu, rượu Cognac được chuyên chở từ Pháp tới cảng Singapore rồi sau đó được phân phối lại tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á.
Tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đang trỗi dậy khiến cho Nam Phi, Ấn độ và Brazil trở thành những thị trường đầy hứa hẹn. Đây là một trong những mục tiêu xuất khẩu hàng đầu, mà vẫn ít rủi ro. Ngành chế biến rượu Cognac của Pháp hy vọng cán mốc kỷ lục 200 triệu chai xuất khẩu trong năm tới.
http://vi.rfi.fr/phap/20180731-2018-cognac-va-ruou-manh-cua-phap-boi-thu

Phát triển dân túy ở Ý: các nguyên nhân

Huê Đăng
Sự ra đời hôm 01/06/2018 của chính phủ dựa trên hai lực lượng chính trị 5 sao và Lega đã được xem như một sự kiện lịch sử quan trọng: Cộng hoà Ý lần đầu “chính thức” có một chính phủ dân túy. Sự kiện này cũng gây chấn động lớn trong Liên Hiệp Châu Âu vì Ý là quốc gia thành viên sáng lập và đồng thời cũng nằm trong khối đồng Euro.
Vài ngày trước khi chính phủ dân túy này ra đời chỉ số spread (khoảng cách giữa công trái phiếu của nhà nước Ý và công trái phiếu của nhà nước Đức) tăng vọt, trong khi thị trường tài chính “báo động” vì chỉ số của sàn chứng khoán ở Milano bị tụt giá mạnh.
Nói rằng đây là lần đầu Ý “chính thức” có một chính phủ dân túy bởi vì hai đảng nắm chính phủ là 5 sao và Lega được xem như là hai lực lượng chính trị dân túy, bài xích châu Âu và bài ngoại. Nhưng thực ra trên thực tế đây không phải là lần đầu nước Ý có chính phủ dân túy. Ngay từ năm 1994 “đại gia tỉ phú” Silvio Berlusconi, lợi dụng sự sụp đổ của các đảng phái chính trị truyền thống, tả cũng như hữu, đã “dấn thân” trực tiếp làm chính trị, lập đảng Forza Italia và đã dựng lên một chính phủ cũng đầy đủ “mùi vị” dân túy.
Nhưng nếu đi lùi thêm thời gian thì cũng có thể nói rằng chính từ những thập niên 1920 nước Ý cũng đã từng có chính phủ dân túy: đó là chính phủ phát-xít của Benito Mussolini.
Yếu tố kinh tế
Vì sao mà ở Ý các lực lượng dân túy đã gặt hái nhiều kết quả bầu cử hơn so với ở các nước châu Âu khác, chẳng hạn như Pháp hay Đức ? Vì sao ở những nơi khác những lực lượng chính trị chống dân túy lại đã trụ lại được và thậm chí còn tấn công ngược lại các lực lượng dân túy, như trường hợp của Emmanuel Macron, thì tại Ý, các lực lượng chống dân túy lại chia năm xẻ bảy không tìm ra được một mặt trận chung ?
Vì sao mà các cơ chế và giai cấp lãnh đạo chính trị ở các nước châu Âu khác có được những “kháng thể” chống sự xâm nhập của các “vi khuẩn” dân túy (thậm chí đến cả Tây Ban Nha vốn cũng đang gặp nhiều khủng hoảng chính trị), trong khi Ý lại hầu như hoàn toàn không có sức “đề kháng” ? Có rất nhiều lý do lịch sử, địa chính trị dẫn đến ”bi kịch dân túy” ở Ý.
Trước hết là các lý do mang tính kinh tế: So với các nước Tây Âu khác thì Ý là quốc gia đã phải trả giá cao nhất trước những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008. GDP của Ý hiện nay vẫn còn thấp hơn so với năm 2007, và mức độ bình quân thu nhập đầu người ở Ý (27,7K Euro) thấp hơn mức trung bình châu Âu (29,9K).
Trong khi các quốc gia châu Âu khác, kẻ nhanh người chậm, hầu như tất cả đều phục hồi lại được các chỉ số phát triển và mức độ sung túc, chỉ có Ý vẫn còn loay hoay với cơn khủng hoảng. Điều này chắc chắn đã làm cho đời sống đa phần dân Ý càng thêm cơ cực, vất vả.
Tình hình kinh tế khó khăn nói trên đã tạo ra một chấn động lớn trong một xã hội vốn đang cảm thấy cuộc sống sung túc suy giảm ở mọi tầng lớp. Hai cú sốc khủng hoảng kinh tế thế giới hồi 2008 và 2011, cộng thêm quá trình mở rộng “kinh tế toàn cầu” cùng với cuộc cách mạng công nghệ liên tục …. đã “cứa lên da thịt” của xã hội, làm chao đảo hay thậm chí “đảo lộn” các tầng lớp giai cấp trong xã hội.
Trong khi “giai cấp vô sản thời kỹ thuật số” được đẻ ra thì những tầng lớp xã hội trước đây vốn một thời hưởng được sự bảo đảm ổn định kinh tế …. thì bây giờ những bảo đảm đó đang dần dần biến mất. Phản ứng tự nhiên là các tầng lớp này đang tìm cách vực lại sự sung túc đã mất. Chả thế mà các lực lượng tân-bảo hộ mậu dịch đang ngày được sự ủng hộ của nhiều cử tri.
Trong bối cảnh bất ổn kinh tế nói trên, mô hình sản xuất kinh tế truyền thống xưa nay ở Ý, vốn chủ yếu dựa trên phần lớn các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, thường dựa trên khả năng “tự biên tự diễn” hay cao lắm là dựa trên một hệ thống hạ tầng cơ sở ở cấp địa phương (khu vực, tỉnh thành, huyện xã), với sự hỗ trợ giới hạn của các ngân hàng địa phương, bị đặt trước nhiều thử thách của “biển lớn“, vượt quá khả năng đối phó.
Những biến động kể trên đã khiến đại bộ phận người dân cảm thấy lo lắng vì công ăn việc làm dễ bị đe dọa, phúc lợi xã hội như y tế, giao thông công cộng, giáo dục, liên tục bị cắt giảm, tương lai, nhất là tương lai của con cháu, chẳng mấy sáng sủa.
Chỉ có trong khoảng trên dưới ba thập niên trở lại đây Ý mới bắt đầu chú tâm đến việc biến đổi và phát triển kỹ thuật công nghệ trong khi Mỹ và những nước Tây Âu khác đã bắt đầu trước đó rất lâu.
Các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa, đặc biệt là trong các lãnh vực dịch vụ, vốn trước đây được bao che trong thị trường nội địa, cũng nhận thức được rằng nền kinh tế toàn cầu hóa đang gậm nhấm lần lần vị trí độc quyền “có ăn suốt đời” của họ. Nhưng để đối phó lại những cạnh tranh mới thì họ bắt buộc phải tổ chức lại mô hình sản xuất … và điều này cũng có nghĩa đe dọa quyền lực kiểm soát của họ trong lãnh vực sản xuất lẫn trên thị trường.
Tương tự giới lãnh đạo của các công ty Nhà nước (hay đã được quốc hữu hóa) cũng cảm thấy quyền lực của họ đang bị sói mòn trước sự bùng nổ cạnh tranh quốc tế. Đó là những công ty được ủy thác quản lý những nguồn tài chính và nguồn lực kinh tế khổng lồ của Nhà nước. Nhưng vấn đề là giới lãnh đạo kinh tế nói trên vẫn không “tìm” ra được một mô hình quản lý mới vừa thích hợp với tình hình kinh tế biến đổi nhưng lại vừa không đe dọa trung tâm quyền lực của họ.
Một hệ thống quản lý hành chánh đầy bất cập nhưng vẫn cứ nằm ì không nhúc nhích cộng thêm những đặc quyền của chính giới làm việc cho Nhà nước là cái giá rất cao làm giảm bất cứ khả năng cạnh tranh nào. Thậm chí những nhân viên Nhà nước cũng ý thức được điều đó mỗi khi họ có dịp phải đối đầu với hệ thống hành chánh nói trên, nhưng chẳng một ai dám nghĩ đến việc khước từ những đặc quyền đặc lợi đó.
Giáo dục đào tạo lạc hậu
Tuy con số thất nghiệp cao, nhưng cùng lúc các cơ sở sản xuất lại không tìm ra được lao động cần thiết trong những khu vực kinh tế hiện đại và có khả năng cạnh tranh. Bởi vì hệ thống giáo dục và đào tạo, từ các trường trung học chuyên nghiệp cho đến các đại học không có khả năng đào tạo lao động có tay nghề cần thiết.
Trong bối cảnh như thế những người dân nhập cư, thậm chí đối với cả trường hợp nhập cư hợp lệ, lại trở thành “đối tượng” của một cuộc “chiến tranh” giữa người nghèo với nhau để tranh giành công ăn việc làm, thậm chí tranh giành cả ngay khi công ăn việc làm cũng không có.
Tất cả những hiện tượng kể trên đã cho phép các lực lượng dân túy phát triển nhanh chóng bằng những lời hứa hẹn tái lập lại sự bảo đảm kinh tế (thu nhập công dân dành cho bất cứ ai không có công ăn việc làm), khôi phục lại mức độ phúc lợi xã hội (về hưu sớm, bảo hiểm y tế Nhà nước 100%), bảo vệ nền kinh tế sản xuất nội địa (nâng đỡ bằng tài chính như giảm áp lực thuế cho các cơ sở sản xuất), chống lại hàng hoá đến từ các nước khác (tăng thuế nhập khẩu). Tựu chung là khép lại cánh cửa kinh tế toàn cầu, áp dụng các chính sách bảo hộ mậu dịch … Hay nói cách khác là làm sống lại những nhược điểm của nền kinh tế nội địa trước đây.
Thực ra chỉ cần có một chút suy nghĩ thì ai cũng có thể thấy đó là những lời hứa hão huyền bởi vì một bên tạo thêm thất thu cho ngân sách Nhà nước (giảm áp lực thuế chẳng hạn), bên kia thì lại làm tăng mức độ chi tiêu ngân sách (tăng phúc lợi xã hội, thu nhập công dân …) khiến cho ngân sách Nhà nước lại sẽ thêm bội chi trong một quốc gia vốn hiện nay có nợ công lớn nhất trong Liên hiệp Châu Âu.
Yếu tố an ninh và trách nhiệm của Liên Âu
Nhưng những lý do kinh tế xã hội vừa kể cũng không lý giải hết được vì sao các lực lượng dân túy sinh sôi nẩy nở.
Vấn đề nhập cư trong những thập niên gần đây cũng đang tạo ra những khó khăn cho nước Ý trong việc quản lý người nhập cư (nhất là nhập cư trái phép) và khiến rất nhiều người Ý cảm thấy an ninh công cộng bị đe doạ.
Trước nhất phải nói vì vị trí địa lý của mình (bán đảo của phía nam châu Âu nằm lọt giữa biển Địa Trung Hải giáp ranh với khu vực Bắc Phi) nước Ý đã trở thành “đầu cầu” cho làn sóng nhập cư ồ ạt xuyên qua biển Địa Trung Hải để vào châu Âu.
Trong suốt mấy thập niên qua các chính phủ Ý đã liên tục gióng tiếng báo động với châu Âu và nhất là cảnh báo sự quá tải của Ý, yêu cầu châu Âu hợp tác với chính phủ Ý để đưa ra một chính sách giải quyết vấn đề nhập cư một cách vừa nhân đạo vừa có kiểm soát. Nhưng trong quá khứ, ngoài những tuyên bố chung chung, những hứa hẹn suông, trên thực tế các chính phủ trong Liên hiệp Châu Âu đã để Ý “đơn thân độc mã” gánh hết gánh nặng của làn sóng vượt biển Địa Trung Hải để nhập cư trái phép vào châu Âu.
Phải nói rõ là nhập cư trái phép vào châu Âu chứ không phải vào Ý, bởi vì đại bộ phận người vượt biển đến từ Bắc Phi chủ yếu chỉ muốn dùng nước Ý như đầu cầu để đặt chân lên đất liền và rồi sẽ tìm cách vượt biên giới sang các nước phía bắc châu Âu vốn có nền kinh tế vững vàng hơn nên dễ có cơ hội lao động. Hầu như đa số người nhập cư không có chủ tâm muốn trụ lại Ý.
Nhưng việc quản lý yếu kém của các trại nhập cư ở Ý vì bị quá tải, đã khiến những người nhập cư phải tìm đủ mọi cách để mưu sinh. Bên cạnh đó, nhất là ở các khu vực phía nam nước Ý, lại có các băng đảng xã hội đen Mafia lúc nào cũng sẵn sàng lôi cuốn những người nhập cư bất hợp pháp vào con đường bất chánh, vì những người nhập cư bất hợp pháp này không có giấy tờ hợp lệ nên họ sống hoàn toàn bên ngoài luật pháp, do đó dễ dàng trở thành đối tượng lao động để Mafia đưa họ vào những hoạt động bất chánh phi pháp như trộm cướp, buôn lậu khí giới, buôn lậu ma tuý, đâm thuê giết mướn, mãi dâm.
Tất cả những sự kiện kể trên khiến cho người Ý cảm thấy bất an, thậm chí có những địa phương người dân cảm thấy bị chính cơ quan quyền lực an ninh bỏ rơi hay không đủ sức bảo vệ người dân, và ở những nơi đó các lực lượng dân tuý, cùng các nhóm hữu khuynh cực đoan bài ngoại phát-xít, tha hồ vẫy vùng như cá trong nước.
Một mặt các lực lượng dân túy lên án Nhà nước không bảo đảm an ninh công cộng, một mặt họ đứng ra lập các đoàn “nhân dân tự vệ” đi tuần hành ban đêm, dù rằng trên thực tế những đoàn “nhân dân tự vệ” đó phô diễn nhiều hơn là thực chất, nhưng trước mắt họ thu hút được cử tri như một “cơ chế” có khả năng bảo vệ người dân thay cho Nhà nước.
Nhược điểm chính trị
Bên cạnh các yếu tố kinh tế xã hội và an ninh nói trên, trong các cuộc bầu cử chính trị người ta dễ nhận ra những điểm yếu kém của các đảng phái chính trị và cơ chế Nhà nước. Nó đã không cho phép nước Ý có đủ “kháng thể” để chống lại những khuynh hướng dân túy.
Thí dụ ở Pháp, nơi cũng có sự hiện diện của các lực lượng cực hữu và dân túy, nhưng mỗi khi có mối đe doạ thực sự thì tất cả các đảng phái chính trị, có khi khác biệt rất nhiều về ý thức hệ tả-hữu, đều đồng lòng tạm gác qua một bên những bất đồng, đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả, đã hiệp sức đứng chung vào một mặt trận để ngăn chận làn sóng dân túy. Sự kiện này đã xảy ra nhiều lần như cuộc bầu cử tổng thống năm 2002 (vòng hai giữa Jacques Chirac và Jean-Marie Le Pen), và mới nhất là năm 2017 khi ông Emmanuel Macron thắng được Marine Le Pen.
Trong khi đó ở Ý, hiện tượng đứng chung với nhau vì lợi ích quốc gia không hề xảy ra. Thậm chí trong các cuộc bầu cử, bản thân các lực lượng chính trị, tả cũng như hữu, đều chịu cảnh phân tán lực lượng ra thành nhiều đảng phái nhỏ và rời rạc. Đa phần giới lãnh đạo chính trị của Ý vẫn còn quan niệm kiểu “thà làm vương tiểu quốc còn hơn làm dân cường quốc“.
Tình trạng các đảng phái chính trị truyền thống và cơ chế Nhà nước yếu kém làm giảm lòng tin của cử tri vào những đối thoại biện chứng giữa các lực lượng chính trị trong một môi trường nghị viện, từ đó cử tri thường hay đi tìm một “đấng minh quân” (strong man) có sức lôi cuốn quần chúng để tôn thờ và giao hết niềm tin và hy vọng vào cá nhân đó một cách mù quáng. Trong lịch sử Ý cũng đã nhiều lần cử tri đã tìm được “đấng minh quân” … để rồi sau đó lại càng thêm thất vọng và nước Ý càng thêm bất ổn.
Trong quá khứ có thể thấy những “đấng minh quân” đó đã xuất hiện qua những nhân vật như Benito Mussolini, người đã tàn phá nước Ý trong hai thập niên của chế độ phát-xít (1922-1943), hoặc gần hơn thì có Silvio Berlusconi cũng đã từng được xem như một nhân vật xuất chúng biết làm chính trị một cách sáng tạo: vận hành cơ chế Nhà nước y hệt như vận hành một cơ sở kinh doanh kinh tế trong đó chỉ có một người duy nhất có toàn quyền quyết định tất cả mọi chuyện là chủ nhân. Dân túy lúc nào cũng đậm mùi “tôn thờ lãnh tụ” như đã xảy ra trong quá khứ. Và trong tương lai cũng sẽ không thay đổi bao nhiêu.
Cái bẫy mị dân
Một xu hướng đặc biệt của giới lãnh đạo Ý, nhất là lãnh đạo kinh tế, là thường hay tìm cách xoa dịu, chiều lòng, thậm chí đôi khi như ve vãn các lực lượng chống đối lại cơ chế Nhà nước, với hy vọng sẽ có thể “thuần hóa” được các lực lượng này. Lịch sử cũng đã cho thấy là, ngay từ thời phát-xít của Mussolini kéo dài từ 1922 đến 1943, hy vọng ấy chỉ là hão huyền.
Những xoa dịu hay ve vãn nói trên đã không “diệt được vi khuẩn dân túy” mà còn bị chính dân túy, với những khẩu hiệu như “đổi mới”, “cách mạng“, nuốt chửng.
Chiến tranh lạnh
Một trong những nguyên nhân khiến cho tầng lớp lãnh đạo chính trị và kinh tế ở Ý yếu kém hơn so với quốc gia châu Âu khác chính là vị trí địa lý đặc biệt của nước Ý. Nước Ý là một bán đảo nằm lọt sâu vào giữa biển Địa Trung Hải với hai bờ biển hai bên đông và tây, các đảo cực nam của Ý là điểm tiếp cận gần nhất của khu vực Bắc Phi để đến châu Âu. Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh nước Ý như là một thứ “hàng không mẫu hạm” thiên nhiên cho phép liên minh Bắc Đại Tây Dương (OTAN) và Mỹ xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự ngay trên đất Ý để kiểm soát toàn bộ biển Địa Trung Hải và khu vực Bắc phi.
Trong vị trí quan trọng đặc biệt đó, Ý đã được Mỹ coi như là một đồng minh tối quan trọng, một mắt xích không thể thiếu trong liên minh NATO. Do đó trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh Mỹ luôn luôn tìm đủ cách để o bế, nuông chiều lãnh đạo cầm quyền của Ý thời đó (lúc đó là đảng trung hữu Dân Chủ Thiên Chúa Giáo), sẵn sàng viện trợ ồ ạt cho Ý với mục tiêu là để nắm giữ được Ý trong cuộc đối đầu với khối Cộng Sản do Liên Xô cầm đầu.
Tương tự như thế, Liên Xô cũng đã “hết lòng” viện trợ cho đảng Cộng sản Ý (PCI) để hỗ trợ các hoạt động có lợi cho Liên Xô trong suốt thời chiến tranh lạnh.
Kết quả là toàn bộ giai cấp lãnh đạo chính trị Ý, tả cũng như hữu, đều được mơn trớn, nuông chiều vô tội vạ từ phía Mỹ và phía Liên Xô. Tiền viện trợ ồ ạt đổ vào từ hai phía đến độ lãnh đạo chính trị và kinh tế Ý tin một cách mù quáng rằng cái vị trí “hàng không mẫu hạm thiên nhiên” nói trên là một thứ “tiền rừng bạc biển” mà Ý có thể ung dung nhàn hạ sống sung túc đến mãn đời mà không cần phải nhọc công xây dựng chi cả.
Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, nước Ý phát triển kinh tế, người dân “ăn nên làm ra“, hàng hóa tiêu dùng tràn ngập cho đến khi chiến tranh lạnh kết thúc. Khi không còn chiến tranh lạnh thì “hàng không mẫu hạm thiên nhiên” của Ý cũng bị “mất giá“. Phía Mỹ đã “rút cờ“, đóng cửa hàng loạt căn cứ quân sự của Mỹ ở Ý. Liên Xô cũng bị tan rã. Tất cả luồng tài chính đến từ phía Mỹ và Liên Xô một sớm một chiều tự nhiên cạn kiệt.
Tiền rừng bạc biển bỗng nhiên biến mất. Thế là nền kinh tế của Ý đâm ra chao đảo, giới lãnh đạo chính trị Ý lúc ấy mới lộ ra cái nhược điểm quen “ngồi mát ăn bát vàng” hoàn toàn không có khả năng “lao động“.
Tình hình đó trong suốt mấy thập niên đã đưa đẩy nền kinh tế tài chính của Ý vào những khó khăn, người dân lúc ấy mới ngộ ra rằng cái cơ chế Nhà nước đã “bố thí” rộng rãi cho họ trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh chỉ là một cái vỏ rỗng.
Không tả không hữu
Tất cả những thất bại liên tục về đường lối và chính sách của các đảng phái chính trị truyền thống, tả cũng như hữu, cộng thêm những vụ xì-căng-đan về tham nhũng hối lộ to tát, to đến độ mà hồi đầu thập niên 90 đã nổ ra “chiến dịch bày tay sạch” (mani pulite) của tòa án ở Milano, hàng loạt nhân vật chính trị chóp bu, tả có hữu có, bị phanh phui và ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của các đảng phái thời đó. Đến độ làm triệt tiêu cả nền Đệ I Cộng hòa của Ý, và mở màn cho bước đầu của quá trình “thăng tiến” của các lực lượng chính trị dân túy. Điểm khởi đầu là sự xuất hiện đầy ấn tượng và thành công, của một “đại gia tỉ phú” mang tên Silvio Berlusconi.
Tự sự suy yếu và tai tiếng của các đảng phái chính trị truyền thống khiến đại bộ phận dân Ý có quan điểm rằng tả cũng như hữu, tất cả đều chỉ lo “chè chén” và quyền lợi đẳng cấp, bỏ mặc người dân. Từ đó người dân Ý cũng chẳng còn tha thiết gì đến các luồng tư tưởng chính trị. Người dân chỉ còn biết lo cho chính bản thân của mỗi người, chờ đợi thành quả của những hứa hẹn của các lực lượng dân túy.
Có thể nói là ở Ý các lực lượng dân túy thành công không phải nhờ vào các ưu điểm (vốn không có) của chính mình mà là nhờ vào các nhược điểm của các lực lượng chính trị đảng phái truyền thống đã từng thay phiên nhau cầm quyền.
Sự thất bại chính trị của các đảng phái chính trị truyền thống, tả cũng như hữu, đã xói mòn tất cả các uy tín của họ, và lôi kéo cả cơ chế Nhà nước xuống vực thẳm, dẫn đến hàng loạt các vấn đề khó khăn và bức xúc cho cử tri ở mọi tầng lớp.
Sự thiếu đầu tư xây dựng cơ chế Nhà nước Ý tân tiến, minh bạch, nhất là trong lãnh vực hành chính, tài chính, và lao động đã khiến cho phần lớn người dân Ý xem các tiêu chuẩn kinh tế tài chính của Liên Hiệp Châu Âu như một kiểu “xen vào nội bộ Nhà nước Ý“, hay tệ hơn nữa là một thứ “gông cùm trói buộc nước Ý“.
Tất cả những lý do để trên được trộn lẫn với nhau để các lực lượng dân túy lợi dụng như một thứ thuốc nổ làm vỡ tung cơ chế Nhà nước.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180731-cac-nguyen-nhan-cua-su-phat-trien-dan-tuy-o-y

Syria triển khai quân đội

dọc giới tuyến với Israel ở cao nguyên Golan

Quân đội syria, ngày hôm qua, 30/07/2018, thông báo triển khai quân áp dọc theo giới tuyến với Israel trên cao nguyên Golan. Như vậy, từ nay, chính quyền Damas kiểm soát được toàn bộ phía tây nam Syria.
Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh cho biết thêm thông tin :
« Quân đội Syria được tái triển khai trên toàn bộ đường ranh giới tại cao nguyên Golan, nơi mà Israel đã chiếm giữ từ năm 1967. Giới tuyến này chạy từ khu vực biên giới Liban ở phía tây, tới tận Jordani, ở phía nam và từ năm 2012, nằm trong sự kiểm soát của các nhóm nổi dậy và tổ chức Quân Đội Khalid Ibn Al Walid. Đội quân này đã tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Ban đầu, quân đội Syria chiếm lại tất cả các khu vực nằm trong tay quân nổi dây, tại các tỉnh Daraa, ở biên giới chung với Jordani, và tỉnh Quneitra, phía bắc Golan. Sau đó, quân đội chính phủ tấn công vào một ốc đảo rộng khoảng 250 cây số vuông, trong vùng lòng chảo Yarmouk, sát gần Golan và do lực lượng thánh chiến kiểm soát.
Hôm qua, quân đội Syria đã chiếm lại các vị trí cuối cùng do đội quân trung thành với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nắm giữ, nhờ vậy, quân đội của chính phủ đã tiến sát hàng rào an ninh do quân đội Israel dựng lên trên cao nguyên chiến lược Golan.
Với thắng lợi này, từ nay, quân đội Syria kiểm soát được toàn bộ vùng phía tây nam. Chỉ có tỉnh Idleb, ở phía tây bắc, và một phần tỉnh Alep lân cận, cũng như phía đông của Syria, hiện do lực lượng Kurdistan chiếm giữ, vẫn còn chưa rơi vào tay quân đội chính phủ ».
Nga tuyên bố không thể buộc Iran rời khỏi Syria
Nga bác bỏ đề nghị của Israel muốn Matxcơva gây sức ép buộc Iran phải rời khỏi Syria.
Theo Reuters, hôm qua, đại sứ Nga tại Israel, Anatoly Viktorv đã nói rõ rằng Matxcơva không thể ép buộc các lực lượng Iran, ủng hộ chính quyền Damas, phải rời khỏi Syria, cũng tương tự như Nga không thể ngăn cản Israel oanh kích các mục tiêu được cho là của Iran trên lãnh thổ Syria.
Đã từ lâu, Israel tìm mọi cách ngăn chặn sự hiện diện thường trực lực lượng quân sự Iran trên lãnh thổ Syria. Tuần trước, Nga đề xuất là lực lượng Iran rút sâu vào trong lãnh thổ Syria, cách giới tuyến an ninh trên Golan khoảng 100 cây số. Nhưng đề nghị này đã bị Israel bác bỏ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180731-syria-trien-khai-quan-doi-doc-gioi-tuyen-voi-israel-o-cao-nguyen-golan

Bốn lá bài chủ của TQ

trong cuộc chiến thương mại

“Chiến tranh thương mại tốt, và dễ dàng để thắng,” Donald Trump từng tuyên bố. Dư luận vì thế rất ̀thú vị khi thấy Tập Cận Bình đang chứng minh cả hai điều Trump nói đều sai.
Ngay chính người cùng đảng Cộng Hoà, Thượng nghị sĩ Ben Sasse, chẳng hạn, cũng cảnh báo rằng trò chơi bảo hộ của Trump “sẽ làm cho nó trở thành năm 1929 một lần nữa.” Có thật là chiến tranh thương mại dễ không khi Tổng thống Mỹ phải bỏ ra 12 tỷ đôla để bảo vệ nông dân Hoa Kỳ?
Chứng cớ ông Trump nhận định sai đến ngay từ đất nước mà ông Trump nghĩ mình có thể hạ được bằng vài lần áp thuế.
‘Chiến tranh thương mại từng dẫn đến Thế chiến’
Trump ‘sẵn sàng’ leo thang cuộc chiến TM với TQ
VN: Nguy cơ thiệt hại vì chiến tranh thương mại
Đã đành là việc áp thuế của Hoa Kỳ đang khiến ngành xuất khẩu của Trung Quốc cảm thấy đau đớn.
Nhưng tác gỉa William Pesek của Nikkei Asian Review phân tích: “Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là những nước hàng xóm giao thương với Trung Quốc nhiều hơn bất cứ ai khác. Thị trường được báo động khi Trump than phiền người Mỹ đang bị “bất lợi” bởi vì đô la của họ mạnh. Ông Trump thậm chí còn khen ngợi Chủ tịch Fed Jerome Powellm là đã làm tốt công việc khi tăng lãi suất.”
Theo William Pesek, có rất nhiều cách để Trung Quốc trả đòn. Tập Cận Bình có thể hạ giá nhân dân tệ để thúc đẩy lợi thế toàn cầu của China Inc.
Ông Tập có thể tạo ra nhiều thủ tục rườm rà cho các công ty sản xuất tại Trung Quốc, bao gồm cả Apple. Giấy phép có thể sẽ phải xin khó khăn hơn, và các nhà máy sẽ bị thanh tra đến kiểm soát thường xuyên hơn. Bắc Kinh có thể cho châu Á và châu Âu tiếp cận thị trường khổng lồ của họ một cách ưu đãi hơn. Và tại sao không khuyến khích tẩy chay rộng rãi hàng hóa Hoa Kỳ?
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: ai được lợi?
Bốn con bài chủ của Trung Quốc là gì? a) Giảm bớt đặc ân cho các công ty khổng lồ của Mỹ; b) Cấm cửa Facebook; c) Chơi lá bài Đài Loan, bắt các công ty Mỹ phải liệt kê Đài Loan như một phần lãnh thổ của Trung Quốc; và d) Đòi Washington phải trả nợ.
Thật dễ để thấy con bài chủ nào đã được Tập Cận Bình sử dụng.
Không riêng William Pesek, David Fickling của tờ Bloomberg cũng cho rằng chính những công ty Hoa Kỳ sẽ cảm thấy đau đớn nhất. Nếu được ban hành đầy đủ, mức áp thuế Trump đề nghị sẽ xóa khoảng một phần tư lợi ích của việc cắt giảm thuế của các công ty này.
Trước đó kinh tế gia Mark Joseph Carney, của Bank of England cũng cảnh báo là leo thang chiến tranh thương mại sẽ tạo ra những hậu quả nghiêm trọng đối với GDP toàn cầu, trong đó, sự tăng trưởng của Mỹ có thể bị ảnh hưởng tới 5%, so với sự suy giảm chỉ khoảng 2,5% đối với phần còn lại của thế giới.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45015903

Tổng thống Đài Loan sắp thăm

2 nước đồng minh Paraguay và Belize, quá cảnh ở Mỹ

Đài Bắc, Đài Loan – Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ quá cảnh ở Hoa Kỳ khi đi thăm các nước đồng minh Paraguay và Belize vào tháng tới, theo viên chức nước này cho biết hôm Thứ Hai, 30 tháng 7.
Hành động này nhiều khả năng sẽ khiến Trung Cộng tức giận, trong bối cảnh Bắc Kinh luôn nghi ngờ mối quan hệ giữa Washington và Đài Bắc. Theo viên chức Đài Loan, nữ Tổng Thống Thái Anh Văn sẽ quá cảnh ở Los Angeles, California và Houston, Texas, tuy nhiên, hiện chưa rõ bà Thái có kế hoạch gặp mặt viên chức Hoa Kỳ nào hay không.
Đài Loan thường không công bố chi tiết các chuyến công du nước ngoài của các viên chức chính phủ, vì e ngại sự quấy rối từ Trung Cộng. Trong chuyến thăm 3 nước đồng minh ở Thái Bình Dương vào năm ngoái, bà Thái Anh Văn đã quá cảnh ở Hawaii và đảo Guam của Hoa Kỳ, gây ra nhiều phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh.
Chuyến đi của bà Thái diễn ra giữa lúc Đài Loan đang nỗ lực củng cố quan hệ với số đồng minh nước ngoài ít ỏi còn lại, sau khi nhiều nước đã bị chiêu dụ bởi điều mà bà Thái gọi là chính sách ngoại giao bằng tiền của Trung Cộng. Burkina Faso và Cộng Hòa Dominican đã đổi sang thiết lập quan hệ với Bắc Kinh vào tháng 5, khiến Đài Bắc chỉ còn 18 đồng minh ngoại giao trên toàn thế giới.
Trung Cộng coi Đài Loan là một phần lãnh thổ, và đe dọa sẽ thu hồi bằng vũ lực nếu cần. Bắc Kinh đã gia tăng áp lực quân sự và ngoại giao lên Đài Bắc, sau khi Tổng Thống Thái Anh Văn, một người ủng hộ độc lập, lên nắm quyền vào năm 2016. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-dai-loan-sap-tham-2-nuoc-dong-minh-paraguay-va-belize-qua-canh-o-my/

Trung Quốc đề nghị Mỹ

không cho Tổng thống Đài Loan quá cảnh

Trung Quốc hôm 31/7 lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ không cho Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn quá cảnh khi bà trên đường tới hai nước Paraguay và Belize.
Tại buổi họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Trung Quốc luôn chống lại bất cứ hình thức quá cảnh nào như vậy dù là ở Mỹ hay ở bất cứ nước nào có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Bà Thái Anh Văn theo dự kiến sẽ đi qua Los Angeles và Houston trong chuyến đi đến Paraguay và Belize từ ngày 12 đến 20/8 tới. Đây là hai quốc gia vẫn còn quan hệ ngoại giao với Đài Loan trong tổng số 18 nước trên cả thế giới có quan hệ ngoại giao với đảo quốc này.
Trung Quốc từ trước đến nay vẫn coi Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời và chỉ chờ ngày được thống nhất.
Hoa Kỳ từ năm 1979 đã thừa nhận chính sách một Trung Hoa của Trung Quốc nhưng vẫn là một đồng minh quân sự của Đài Loan.
Trong chuyến thăm ba đồng minh của Đài Loan ở Thái Bình dương hồi năm ngoái, bà Thái Anh Văn cũng đã đi qua lãnh thổ của Mỹ là Hawaii và Guam. Điều này đã làm Bắc Kinh tức giận.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-urges-us-to-block-taiwan-s-tsai-s-travel-07312018090911.html

Trung Quốc nổi giận

vì Công ty Đài Loan treo cờ tại Việt Nam

Trung Quốc đang gây áp lực Việt Nam buộc phải thực hiện việc mà Bắc Kinh gọi là ‘sửa lỗi’ khi cho phép một công ty Đài Loan treo cờ đảo quốc này tại xưởng sản xuất của họ ở Khu Công Nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương.
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin này vào tối ngày 31 tháng 7. Theo đó đây là biện pháp mới nhất của Trung Quốc trong việc giới hạn hình ảnh của đảo quốc Đài Loan trên trường quốc tế.
Áp lực của Bắc Kinh đối với Hà Nội trong vụ việc vừa nêu được đưa ra sau khi Nhà máy Sản Xuất Đồ Gỗ Kaiser bắt đầu treo cờ Đài Loan nhằm phòng trường hợp bị biểu tình chống Trung Quốc.
Thực tế này từng xảy ra một số lần và gần nhất là vào những ngày 9, 10 và 11 tháng 6 vừa qua khi nổ ra đợt biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng. Đợt biểu tình được cho là lớn nhất ở Việt Nam kể từ sau năm 1975.
Vào ngày thứ bảy 28 tháng 7 vừa qua, chủ tịch Kaiser tại Khu Công nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương, ông La Tử Văn, phát biểu với hãng tin CNA của Đài Loan rằng chính phủ Việt Nam cho phép Nhà máy Kaiser treo cờ Đài Loan nhằm phân biệt với những công ty Trung Quốc.
Ông La còn cho CNA biết thêm trong đợt biểu tình chống Trung Quốc hồi năm 2014, Công ty Kaiser bị thiệt hại chừng 1 triệu đô la Mỹ. Đợt biểu tình lúc đó nhằm phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Khu Đặc Quyền Kinh Tế và Thềm Lục Địa của Việt Nam. Đợt biểu tình năm 2014 còn khiến hơn 20 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Sau khi xảy ra đợt biểu tình, cơ quan chức năng Việt Nam phải bồi thường bằng cách miễn thuế cho những công ty Đài Loan chịu thiệt hại như Kaiser. Cơ quan chức năng Việt Nam cũng đưa ra giải thích là người dân không phân biệt được đâu là công ty Đài Loan và đâu là công ty Trung Quốc.
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn phát biểu của Phát Ngôn Nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, vào ngày 30 tháng 7 lặp lại rằng trên thế giới chỉ có một nước Trung Quốc và Đài Loan là một bộ phận của Hoa Lục. Bắc Kinh quyết liệt phản đối bất cứ hình thức hoạt động ly khai đòi độc lập nào cho Đài Loan.
Ông Cảnh Sảng nói Trung Quốc đã nêu vấn đề ra với phía Việt Nam và Hà Nội có chỉ thị sửa đổi đối với những công ty liên quan.
Phía Đài Bắc thì lên án biện pháp Bắc Kinh cô lập Đài Loan trên thế giới.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/beij-angry-tai-flag-vn-07312018102652.html

Có hoạt động tại nhà máy Triều Tiên

chế tạo tên lửa đạn đạo

Vệ tinh tình báo Mỹ đã phát hiện hoạt động mới tại nhà máy của Triều Tiên từng sản xuất phi đạn đạn đạo liên lục địa đầu tiên có khả năng phóng tới Hoa Kỳ, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết hôm 30/7 giữa lúc đang diễn ra các cuộc thảo luận để tăng sức ép, buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Hình ảnh và ảnh hồng ngoại cho thấy các phương tiện di chuyển ra vào cơ sở hạt nhân ở Sanumdong, tuy nhiên ảnh không cho thấy công trình xây dựng tên lửa đã tiến tới đâu, một quan chức nói với Reuters với điều kiện danh tính được giữ kín vì thông tin này còn được giữ mật.
Báo The Washington Post trích dẫn các giới chức giấu tên quen thuộc với báo cáo tình báo Mỹ, hôm thứ Hai đưa tin rằng Triều Tiên dường như đang chế tạo một hoặc hai tên lửa đạn đạo liên lục địa mới (ICBM) – sử dụng nhiên liệu lỏng, tại một cơ sở nghiên cứu lớn ở ngoại ô Bình Nhưỡng.
Trao đổi với Reuters, giới chức này nói có bức ảnh chụp một xe tải lôi theo một xe kéo được phủ kín, tương tự như loại xe mà miền Bắc đã từng sử dụng để di chuyển ICBM. Vì xe kéo được trùm kín, nên người xem không biết dược chiếc xe chở cái gì, nếu có.
Toà Bạch Ốc nói họ không bình luận về tin tình báo. Một quan chức cấp cao tại văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang theo sát những sự di chuyển của Bắc Triều Tiên, và từ chối bình luận thêm.
Chứng cứ thu thập được trong tháng này là thông tin mới nhất cho thấy là bất chấp cuộc gặp gỡ giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh tháng 6, hoạt động vẫn tiếp diễn tại các cơ sở hạt nhân và tên lửa Triều Tiên,
Tổng thống Trump ngay sau đó đã tuyên bố rằng Bắc Triều Tiên không còn đặt ra một mối đe dọa hạt nhân. Ông Kim cam kết trong một tuyên bố chung chung ở hội nghị thượng đỉnh, rằng ông sẽ làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa, tuy nhiên Bình Nhưỡng không cho biết chi tiết cụ thể nào và liệu các cuộc đàm phán tiếp theo đó có diễn ra suôn sẻ hay không.
Đây không phải là lần đầu tiên thông tin tình báo Mỹ đi ngược với sự lạc quan của Tổng thống Trump.
Vào cuối tháng 6, các quan chức Mỹ nói với truyền thông trong nước rằng các cơ quan tình báo tin rằng Triều Tiên đã gia tăng sản xuất nhiên liệu để dùng cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân, và Bình Nhưỡng không có ý định sẽ hoàn toàn từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ.
Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói Triều Tiên vẫn tiếp tục sản xuất nhiên liệu cho bom hạt nhân, dù họ đã cam kết sẽ phi hạt nhân hóa. Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Pompeo vẫn nhấn mạnh rằng chính quyền TT Trump vẫn đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng.
Joel Wit, cựu thương thuyết gia của Bộ Ngoại giao và cũng là người sáng lập ra 38 North, một tổ chức theo dõi các vấn đề Triều Tiên, cho rằng kỳ vọng rằng Bình Nhưỡng sẽ đình chỉ các chương trình hạt nhân của họ là “thiếu thực tế”, cho đến khi mực đã ráo trên thỏa thuận.
Đó cũng là điều đã từng xảy ra với các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Liên bang Xô-viết cũ trong thời Chiến tranh Lạnh, và gần đây hơn, với Iran.
https://www.voatiengviet.com/a/co-hoat-%C4%91ong-tai-nha-may-che-tao-icbm/4507287.html

Indonesia mời Kim Jong Un dự Á vận hội

Indonesia mời lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un tới dự lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Á tại Jakarta vào tháng 8, tương tự như lời mời họ gửi tới Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trước đó.
Nam và Bắc Triều Tiên dường như sẽ là điểm chú ý của Á vận hội (ASIAD 2018), đặc biệt trong bối cảnh gần đây nổi lên những nghi ngờ về cam kết của ông Kim sẽ phi hạt nhân hóa được đưa ra tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore vào tháng 6 vừa qua.
Các bộ trưởng của hai miền Triều Tiên đã nhất trí vào tháng 4 sẽ thúc đẩy để có một phái đoàn hợp nhất từ hai phía diễu hành cùng nhau tại lễ khai mạc Á vận hội.
Phái đoàn quan chức Indonesia do Bộ trưởng phụ trách các vấn đề nhân lực và văn hóa Puan Maharani dẫn đầu đến Bắc Hàn hồi đầu tuần đã gặp gỡ ông Kim Yong Nam, người đứng đầu nhà nước Triều Tiên trên danh nghĩa đồng thời là chủ tịch Quốc hội Triều Tiên.
“Mục đích chính của chúng tôi đến Bình Nhưỡng là để chuyển tới Chủ tịch Triều Tiên lời mời chính thức tham dự Lễ Khai mạc Đại hội thể thao châu Á vào ngày 18/8,” Bộ trưởng Maharani nói trong một thông cáo do cơ quan Cảnh sát Quốc gia đưa ra.
Bà Maharani cũng thảo luận về mối quan hệ giữa Nam và Bắc Triều Tiên trong chuyến thăm cũng như các vấn đề khu vực và khả năng đảm bảo an ninh của cảnh sát Indonesia.
Chuyến thăm Bình Nhưỡng của Bộ trưởng Maharani diễn ra sau khi Indonesia gửi lời mời tương tự tới Seoul vào tuần trước. Tổng thống Moon “sẽ xem xét việc tham dự với các sự kiện trong lịch trình tương lai,” người phát ngôn Nhà Xanh của Phủ tổng thống Hàn Quốc, Kim Eui-Kyeom, nói trong một thông cáo gửi tới Reuters bằng email.
Tổng thống Joko Widodo hồi tháng 4 đã đưa ra đề nghị rằng Indonesia sẽ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh cho Nam và Bắc Triều Tiên sau khi ông gặp gỡ đại sứ của cả hai miền.
Nam-Bắc Triều Tiên đã cùng diễu hành dưới một ngọn cờ hợp nhất tại lễ khai mạc và bế mạc của Thế vận hội mùa Đông ở Pyeongchang vào tháng 2 vừa qua. Á vận hội, được thủ đô Jakarka và thành phố Palembang đồng tổ chức, mong đợi sẽ chứng kiến mối quan hệ của hai miền Triều Tiên củng cố thêm.
Chánh văn phòng Cảnh sát Quốc gia Syafruddin, một thành viên trong đoàn Indonesia tới Bình Nhưỡng cùng Bộ trưởng Maharani, nói Indonesia đảm bảo an ninh cho tất cả các quốc gia và các đoàn tham dự ASIAD, trong đó có chính phủ Bắc Hàn.
Ông Syafruddin nói: “An ninh của Indonesia rất ổn định. Đừng lo lắng hay do dự.”
https://www.voatiengviet.com/a/indonesia-moi-kim-jong-un-du-a-van-hoi/4507385.html

Thái Lan yêu cầu

Anh dẫn độ cựu Thủ tướng Yingluck

Thái Lan yêu cầu Anh dẫn độ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, người đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2014 và bị kết án tù vắng mặt về tội sao nhãng, Reuters dẫn lời Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết tin này hôm 31/7.
Bà Yingluck đã trốn khỏi Thái Lan hồi tháng 8 năm ngoái để tránh bị bỏ tù vì bị cáo buộc trong thời gian đương nhiệm đã thực hiện một chương trình trợ cấp giá gạo gây tổn thất hàng tỉ đôla. Bà Yingluck phủ nhận mọi sai trai và nói rằng phiên tòa mang động cơ chính trị.
Tháng 9 năm ngoái, tòa án tối cao đã kết án bà vắng mặt 5 năm tù giam.
Theo lời của Thủ tướng Prayuth, yêu cầu dẫn độ bà Yingluck là một thủ tục cần thiết giữa hai nước có chung hiệp ước dẫn độ.
“Chúng tôi không thể đi và bắt người ở nước ngoài nên tùy thuộc vào quốc gia đó trong việc bắt giữ và gửi trả bà ấy cho chúng tôi”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Prayuth nói.
Bà Yingluck và anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, từng là trung tâm của một cuộc đấu đá quyền lực bao trùm nền chính trị Thái Lan trong hơn một thập niên, trong đó giới tinh hoa quân đội và trung thành với hoàng gia chống lại gia đình Shinawatra và những người ủng hộ họ ở khu vực nông thôn miền Bắc và đông bắc Thái Lan.
https://www.voatiengviet.com/a/thai-lan-yeu-cau-anh-dan-do-cuu-thu-tuong-yingluck/4507266.html

MH- 370: TGĐ Cơ quan Hàng không dân dụng Malaysia

 từ chức

Người đứng đầu Cơ quan Hàng không dân dụng Malaysia hôm 31/7 cho biết ông đã từ chức để nhận trách nhiệm sau khi một cuộc điều tra độc lập công bố phúc trình, nêu bật những sự thiếu sót tại trung tâm điều khiển không lưu liên quan tới vụ mất tích máy bay của Hãng Hàng Không Malaysia cách đây bốn năm.
Theo AP, phúc trình công bố ngày hôm trước (30/7) nêu lên khả năng chiếc máy bay có thể bị không tặc mặc dù không có bằng chứng chắc chắn về lý do tại sao máy bay lại chệch hướng và tiếp tục bay trong hơn 7 tiếng đồng hồ sau khi mọi liên lạc đã bị cắt đứt.
Tôi lấy làm hối tiếc nhưng sau khi suy nghĩ thật lung, tôi đã quyết định từ chức khỏi chức vụ Chủ tịch/TGĐ Cơ quan Hàng không dân dụng Malaysia.”
TGĐ Cơ quan Hàng không Dân dụng Malaysia, Azharuddin Abdul Rahman
Ông Azharuddin Abdul Rahman nói trong khi phúc trình không đổ lỗi cho Cơ quan Hàng không dân dụng về sự mất tích của chiếc MH370, nhưng kết luận rằng trung tâm kiểm soát không lưu ở Kuala Lumpur đã không tuân thủ các quy trình vận hành.
Lên tiếng trong một tuyên bố, ông Rahman nói: “Vì thế, tôi lấy làm hối tiếc nhưng sau khi suy nghĩ thật lung, tôi đã quyết định từ chức khỏi chức vụ Chủ tịch Cơ quan Hàng không dân dụng Malaysia.”
Ông cho biết ông đã đệ đơn từ chức và sẽ chính thức từ bỏ chức vụ trong hai tuần nữa.
Theo đài CNN, các nhà điều tra cho biết họ không thể loại trừ khả năng có ai đó đã tự tay chuyển hướng chiếc Boeing 777, đồng thời cố ý tắt các hệ thống trên máy bay. Các nhà điều tra cũng không loại trừ khả năng có “sự can thiệp bất hợp pháp” của một bên thứ ba.
Chiếc máy bay chở 239 người đang trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh thì biến mất vào ngày 8 tháng 3 năm 2014. Máy bay được cho là đã rơi ở phía nam Ấn Độ Dương.
Được soạn bởi một nhóm điều tra quốc tế gồm 19 thành viên, phúc trình nói không thể xác định rõ rệt nguyên nhân của vụ mất tích cho tới khi nào tìm được xác máy bay và các hộp đen ghi dữ liệu phi hành.
Tuy nhiên cuộc điều tra phơi bày những sự sai sót trong khâu kiểm soát không lưu, kể cả việc không nhanh chóng khởi động những thủ tục ứng phó khẩn cấp và liên tục theo dõi radar, lệ thuộc quá nhiều vào thông tin từ Malaysia Airlines, và không liên lạc với quân đội để xin hỗ trợ.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Anthony Loke hôm thứ Hai cho biết chính phủ đã thành lập một ủy ban điều tra, và sẽ đề ra những bước hành động để xử lý bất cứ hành vi sai trái nào dựa trên những kết luận của báo cáo.
Chính phủ Malaysia cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm nếu có bằng chứng đáng tin cậy về vị trí của máy bay.
https://www.voatiengviet.com/a/mh370-tgd-co-quan-hang-khong-dan-dung-malaysia-tu-chuc/4507447.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?