Tin Việt Nam – 28/07/2018

Tin Việt Nam – 28/07/2018

Phải chăng chính người lớn VN

đã dạy trẻ em gian lận?

Hoàng Thương LễGửi cho BBC từ TP HCM
Thưa các bác Người lớn,
Trẻ con sinh ra không biết gian lận, chính người lớn dạy chúng cháu gian lận.
“Kinh khủng quá. Vụ này mà không bị phát hiện thì đẻ ra cả một thế hệ lừa lọc gian dối còn gì”.
Đấy là các bác Người lớn đang nói thế. Về vụ gian lận điểm ở Hà Giang.
Nhưng chúng cháu thưa, các bác lo như vậy là sai. Vì thực ra, “thế hệ” gian dối, lừa lọc đã tồn tại từ lâu.
Chính là các bác đấy thôi.
Gian lận điểm, nỗi xấu hổ giáo dục Việt Nam
Ưu tiên điểm thi đến mấy đời con cháu
Gian lận điểm thi ở Hà Giang: Khởi tố hình sự
Ai gian lận điểm thi lần này? Chính là các bác người lớn.
Mà vụ này cũng không phải vụ đầu tiên.
Cách đây 6 năm, vào năm 2012, từ khóa “Đồi Ngô, Bắc Giang” đã chiếm lĩnh thị trường thông tin thi cử, với những clip ghi cảnh giám thị ném phao thi, tiếp tay hoặc tận tay đưa đáp án vào phòng thi cho học sinh chép.
42 cán bộ, giáo viên, nhân viên bị xử lý kỷ luật. Chủ tịch Hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT ở điểm thi Đồi Ngô bị cách chức. Hiệu trưởng, hiệu phó trường Đồi Ngô bị giáng chức. 6 giáo viên, nhân viên bị sa thải.
Từ bảo vệ đến giám thị, thanh tra điểm thi đều có liên quan. Phó chủ tịch hội đồng thi là Phó hiệu trưởng Trường Đồi Ngô trực tiếp ném bài cho thí sinh. Thậm chí, trước ngày thi, chính nhà trường còn photo và bán “phao” cho thí sinh. Trong những kỳ thi trước, các phụ huynh đã bắc thang trèo tường để đưa đáp án vào phòng thi cho con, bất chấp giám thị và công an đứng bên ngoài.
Ngược lại tiếp 6 năm nữa, vào năm 2006, điểm thi Nam Đàn 2 (Nghệ An) được gọi là “Điểm loạn thi” do người dân ném phao thi vào cho con đến mức hỗn loạn.
Do họ bọc tờ giấy đáp án vào đá rồi ném nên có người đã bị thương. Thậm chí trước ngày thi nhà trường đã phải tháo cả mái tôn nhà để xe của học sinh xuống, “vì nếu không tháo thì dân (phụ huynh) sẽ nhảy vào giẫm nát mất” khi tìm cách ném phao thi cho con.
“Giám thị không dám làm căng vì sợ người nhà thí sinh hành hung. Các giáo viên đến đây phải ăn ở trong dân, từ trường muốn ra bên ngoài chỉ có hai con đường nhỏ. Nếu họ làm nghiêm túc rất dễ bị trả thù vì tại đây từng diễn ra việc người nhà thí sinh ném đá hành hung giám thị, thậm chí đánh cả công an bảo vệ”- ông Nguyễn Công Trị, chủ tịch hội đồng thi ở đây đã kể trong bản tường trình như vậy.
75 giáo viên coi thi ở đây thừa nhận họ chịu sức ép từ bên ngoài nên sợ, không dám bảo vệ phòng thi nghiêm ngặt.
Cũng trong năm 2006, tỉnh Hà Tây xử lý lại 8 lãnh đạo hội đồng “loạn thi”. Tại điểm thi Phú Xuyên A, Chủ tịch Hội đồng thi bị cách chức hiệu trưởng. Bảy cán bộ còn lại bị kỷ luật.
Đó chỉ là vài vụ điển hình và “kém công nghệ”. Công nghệ cao rồi thì 6 giây/bài, công khai ngay trong phòng hội đồng thi, trước mũi thanh tra.
Nhưng những việc đó đều là do Người lớn làm hết đấy chứ?
Xin hỏi Người lớn, các bác có gian lận trong thi cử không? Nếu không, sao lại có bằng giả, đến mức nó được gọi là vấn nạn?
Các bác có gian lận trong thể thao, như gian lận tuổi của vận động viên không, gian lận tỉ số trận đấu không?
Có gian lận khoa học không, khi cả nước biết có những “nhà khoa học tên tuổi” hóa ra lại chính là những kẻ ăn cắp trí tuệ của học trò mình, hay của những người khác?
Có gian lận trong việc khai báo thiệt hại khi địa phương bị thiên tai không?
Có gian lận trong việc cương quyết xin giữ “danh xưng” địa phương nghèo, để yên ổn nhận trợ cấp của chính phủ?
Có gian lận cây xăng, trốn thuế, làm hàng gian hàng giả không?
Có gian lận, chạy chức, để một người không đủ năng lực và điều kiện đảm nhiệm một chức vụ quan trọng nhưng vẫn được nhận?
Có gian lận trong quyết toán công trình xây dựng, trong bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội?
Thậm chí, trong các cơ quan mang tính cầm cân nảy mực như công an, viện kiểm soát, tòa án… cũng có những người gian lận pháp luật.
Nhỏ bé nhưng thường xuyên trông thấy nhất là những nhân viên Nhà nước gian lận thời gian làm việc, gian lận tài nguyên, điện nước của cơ quan.
Lái taxi thì gian lận tiền của khách, gian lận đường đi, thậm chí trả tiền âm phủ cho khách nước ngoài.
Các bác hãy trả lời chúng cháu, vì sao nhìn đâu cũng thấy gian lận như thế? Lĩnh vực nào cũng đầy gian lận như thế? Vì sao gian lận từ hàng chục năm rồi, gian lận từ năm này sang năm khác, mà mỗi năm mỗi phát triển bền vững và lên một tầm cao mới như thế?
Các bác Người lớn lo sẽ đào tạo ra một thế hệ gian lận, nhưng các bác quên rằng trẻ con sinh ra không biết gian lận.
Chính Người lớn dạy chúng cháu cách gian lận, khai sáng cho chúng cháu con đường gian lận, chỉ vẽ chúng cháu cách thức gian lận, kích thích chúng cháu gian lận bằng những lợi ích tiền tài vật chất, danh vọng, quyền lực.
Chính người lớn để đảm bảo cho hệ thống gian lận của mình được trôi chảy và vững chắc, lại tiếp tục cám dỗ và đe dọa những con người vừa mới bước vào đời phải ghi danh vào những hệ thống gian lận đó, nếu không sẽ bị văng ra ngoài, mất việc, mất chức, mất quyền, mất tiền để nuôi thân.
Nếu Người lớn không tự mình làm những tấm gương đục, chúng cháu làm sao có thể biến thành một “thế hệ gian dối và lừa lọc”, như các bác đang lo ngại?
Các bác có nghĩ điều này không: khi các bác đang lo lắng cho thế hệ sau là chúng cháu, thì thế hệ trước của các bác cũng đã nhiều năm lo lắng vì sự “gian dối, lừa lọc” của (không ít người) trong thế hệ các bác rồi.
Chúng cháu nói có sai điểm nào không, thưa các bác Người lớn?
Cho nên, lo ngại cho chúng cháu là thừa, và ít nhiều là oan uổng. Chúng cháu còn nhỏ, rất nhiều non nớt và vấp váp, rất nhiều điều cần bắt chước, rất nhiều điều chỉ nhìn vào hành xử xã hội để tạo thành quan điểm sống cho mình.
Nếu những Người lớn là thầy cô, cha mẹ, lãnh đạo… sống và làm việc lương thiện, công chính, chúng cháu sẽ nối bước công chính và lương thiện. Nếu các bác đã viết sẵn những dòng lệch lạc, làm sao chúng cháu có thể đi thẳng?
May mắn trong năm nay là nhờ có mạng xã hội rộng lớn giúp thổi bùng dư luận, lôi kéo sự quan tâm của xã hội, giám sát việc xử lý của các bác, buộc các bác phải nghiêm khắc để trong trường học sau này không còn cảnh láo nháo và châm biếm kiểu “học tài thi phận”.
Chúng cháu tin, với sự việc này, các bạn có tên trong cái danh sách xấu hổ kia đã học được một bài học đầu đời cay đắng nhưng cần thiết. Và các bạn ấy cần được tha thứ, cần được dạy dỗ đúng đắn từ các bác, từ xã hội, để bước được vào đời trên con đường ngay thẳng.
Và điều chúng cháu mong mỏi hơn nữa là các bác phải đưa được những kẻ gian lận lâu năm trong mọi lĩnh vực ra trừng phạt xứng đáng, để làm trong sạch xã hội, để chúng cháu lớn lên có một môi trường để an toàn làm người tử tế trong ấy.
Nếu không thì chúng cháu lo rằng trước sau gì lại đến một ngày lại tiếp tục chép miệng than vãn cho một thế hệ tiếp theo đầy giả dối, lọc lừa … như các bác đã than vãn bấy nay thôi.
Chúng cháu cảm ơn.
Cháu Việt Nam
*Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo sống tại TP HCM.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44991306

Vì sao phải xử kín Vũ “nhôm” ?

Theo thông báo phiên xử ông Phan Văn Anh Vũ, thường được biết đến với biệt danh ‘Vũ Nhôm’ với cáo buộc ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’ dự kiến diễn ra vào hai ngày 30 và 31 tháng 7 năm 2018 tại Hà Nội. Tuy nhiên theo tin cho biết tòa sẽ xử kín.
Dư luận và các nhà quan sát đặt vấn đề vì sao phải xử kín vụ án này.
Có tính toán
Trước khi Vũ nhôm bị bắt, hàng loạt các sự kiện dồn dập thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận và truyền thông trong và ngoài nước liên quan đến Vũ “nhôm” một doanh nhân bất động sản có tiếng tại Đà Nẵng.
Vào cuối năm 2017, ông đã bị cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khám xét nhà và quyết định khởi tố về tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước” theo điều 263 Bộ luật hình sự 1999.
Đến đầu tháng giêng năm 2018, Singapore xác nhận tạm giữ Vũ “nhôm” vì ông này vi phạm luật di trú của nước này. Ông được phía cơ quan chức năng Việt Nam dẫn độ về nước.
Dư luận lại càng quan tâm khi Bí thư Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa, trong cuộc nói chuyện với các cựu chiến binh, cán bộ quân đội nghỉ hưu của thành phố nhân dịp kỷ niệm ngày Quân đội Nhân dân 22/12 tiết lộ rằng ông Phan Văn Anh Vũ là sỹ quan tình báo cao cấp của Bộ Công an hàm thượng tá. Và cũng theo lời ông Trương Quang Nghĩa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý kiến chỉ đạo vụ này…
Điều này đã tạo ra sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng như giới truyền thông trong nước và quốc tế và một số đại biểu quốc hội yêu cầu công khai về vụ án này.
Tuy nhiên, vừa qua Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội công bố sẽ xét xử vụ án liên quan Vũ “nhôm” cùng với hai đồng phạm về tội “làm lộ bí mật nhà nước” vào cuối tháng 7 năm 2018 nhưng phiên tòa sẽ được xử kín.
Chúng tôi có liên lạc với các nhà quan sát chính trị, các luật sư và đại biểu quốc hội nhưng tất cả đều nói rằng “chúng tôi không có nhận định gì về vụ án này”.
 Phiên tòa đó Vũ nhôm sẽ khai ra những nhân vật, hoạt động ngầm của bộ công an cho nên bộ công an không muốn những thông tin đó bị công khai ra dư luận.
- Phạm Chí Dũng
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn chia sẻ với chúng tôi rằng liệu có phải xử kín vụ Vũ “nhôm” để làm khỏi mất mặt của ngành công an hay không, bởi vì trong thời gian qua ngành Công an đã có quá nhiều chuyện lùm xùm và tham nhũng.
Nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết thêm: “Tôi nghi rằng bộ công an sợ mất mặt và uy tín chứ không phải lý do nào khác và cho nên việc đưa ra xử kín để che chắn trong cái phiên tòa đó Vũ nhôm sẽ khai ra những nhân vật, hoạt động ngầm của bộ công an cho nên bộ công an không muốn những thông tin đó bị công khai ra dư luận.”
Trong một buổi tiếp xúc cử tri vào hôm 24/7, bí thư thành Ủy Đà Nẵng ông Trương Quang Nghĩa cho biết Vũ “nhôm” liên quan đến 3 vụ án: Làm lộ bí mật Nhà nước, Trốn thuế và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Nghĩa giải thích rằng “phiên tòa diễn ra vào cuối tháng 7 này liên quan đến làm lộ bí mật nhà nước nên phải xử kín và sẽ công khai phần tuyên án cho báo chí và truyền thông”
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho biết lệnh khởi tố đầu tiên của Vũ nhôm vào tháng 12 năm 2017 là làm lộ tài liệu bí mật của nhà nước chứ không phải tội danh về kinh tế. Sau này mới truy tố thêm các tội danh khác và như thế có một kế hoạch trước đối với vụ này:
“Vũ nhôm không chỉ đưa ra xử một lần mà có thể đưa ra vài ba lần nhưng mà nó cho thấy là ngay từ lúc khởi tố vũ nhôm nhường như cơ quan an ninh bộ công an đã có sự sắp xếp, tính toán sẵn là sau này sẽ đưa ra xử kín.”
“Sợ dư luận”
Theo điều 25 bộ luật hình sự 2015, khi tòa xét xử công khai mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Một vị luật sư xin được giấu tên tại Sài Gòn chia sẻ với chúng tôi qua email rằng quyết định xét xử kín vụ án Vũ “nhôm” là hoàn toàn phù hợp với điều 25 bộ luật hình sự 2015.
Dù xử kín nhưng luật cũng đã quy định tuyên án phải công khai, nên sau phần nghị án, HĐXX vào tuyên án thì mọi người có thể tham dự, ghi nhận và bản án cũng sẽ phát hành công khai  – Luật sư giấu tên
Vị luật sư nhấn mạnh “Dù xử kín nhưng luật cũng đã quy định tuyên án phải công khai, nên sau phần nghị án, HĐXX vào tuyên án thì mọi người có thể tham dự, ghi nhận và bản án cũng sẽ phát hành công khai nên sẽ không ảnh hưởng quyền tiếp cận thông tin của người dân hay các cơ quan truyền thông, báo chí.”
Luật sư Nguyễn Khả Thành thì cho rằng Việt Nam sợ ảnh hưởng đến dư luận nhiều nên bắt buộc phải xử kín, ông cho biết “Cái này tôi nghĩ họ đánh giá, đôi lúc họ xử công khai sẽ gây tiếng vang trong dư luận không tốt nên họ sẽ xử kín thôi. Nhưng Việt Nam thì thường thường quy định vậy chứ họ nghĩ vụ án ảnh hưởng đến dư luận nhiều thì họ sẽ bắt buộc xử kín hoặc là xử công khai nhưng mà rồi hạn chế báo đài, người tham dự cho nên nó gần như là công khai nhưng thật ra là xử kín”.
Khi chúng tôi đặt vấn đề liệu trong lịch sử tố tụng Việt Nam đã từng có vụ án nào được quyết định mang ra xử kín như vụ án của Vũ “Nhôm hay không, thì các luật sự cũng như những nhà quan sát chính trị mà chúng tôi tiếp xúc đều từ chối đưa ra câu trả lời.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-is-aluminium-vu-trial-closed-to-the-public-07272018155052.html

Giáng quân hàm Trung tướng Bùi Văn Thành

vụ Vũ ‘Nhôm’

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vừa quyết định kỷ luật Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an trong cuộc họp của Ban Bí thư hôm 28/7/2018.
Trong cuộc họp do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, Bộ Chính trị đã quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng và giáng cấp bậc hàm đối với ông Bùi Văn Thành.
Ông Thành hiện đang giữ các chức Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2016 – 2021; và Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật Bộ Công an nhiệm kỳ 2010 – 2015.
Đáng chú ý, trong những ‘vi phạm, khuyết điểm’ của ông Bùi Văn Thành có chuyện ông ‘tự ý ký quyết định cho Phan Văn Anh Vũ tham gia đoàn đi nước ngoài và đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao cho Phan Văn Anh Vũ không đúng đối tượng, không đúng tiêu chuẩn.”
Đề nghị kỷ luật tướng Công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân
Trương Minh Tuấn: ‘Ngã gục vẫn đứng dậy’
‘Khởi tố, bắt hàng chục người’ vụ đánh bạc ngàn tỷ
Quyết định kỷ luật cán bộ của Bộ Chính trị còn nêu ‘đồng chí Trung tướng Bùi Văn Thành’ đã:
vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và Quy chế làm việc của Bộ Công an;
vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật
ký văn bản của Bộ Công an đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng quy định pháp luật; ký một số văn bản không thuộc trách nhiệm được phân công

Hồi cuối tháng 12/2017, ông Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là Vũ ‘Nhôm’ bị Bộ Công an phát lệnh khởi tố tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước” và khám nhà.
Sau đó ông Vũ nhôm đã rời Việt Nam sang Singapore và bị Singapore trục xuất.
Dư luận Việt Nam và quốc tế khi đó được biết hóa ra ông Phan Văn Anh Vũ “có hàm thượng tá tình báo” của Bộ Công an Việt Nam.
Lúc đó, các trang mạng xã hội và một số cơ quan truyền thông ở nước ngoài đã đặt câu hỏi về công tác ‘xây dựng lực lượng’ trong ngành tình báo của bộ này ra sao để có một nhân vật như ông Phan Văn Anh Vũ ở Đà Nẵng.
Ông Phan Văn Anh Vũ, doanh nhân, trùm bất động sản ở Đà Nẵng, sẽ được đem ra xử kín tại tòa án Hà Nội vào ngày 30-31/7 về tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”.
Cũng theo quyết định thi hành kỷ luật cán bộ của Bộ Chính trị, Thượng tướng Trần Việt Tân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an bị Bộ Chính trị quyết định cách chức người Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011 – 2016 và giáng cấp bậc hàm.
Trong thời gian giữ chức Thứ trưởng Công An, Tướng Trần Việt Tân đã ‘thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, đã ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước’.
Thượng tướng Phương Minh Hoà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhận kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Ông Phương Minh Hoà đã không chấp hành nghiêm các quyết định của Bộ Quốc phòng “trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng và đất quy hoạch cho mục đích quốc phòng nhưng chưa sử dụng ngay”, theo quyết định của Bộ Chính trị.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung Ương đã họp và kết luận, trong giai đoạng Thượng tướng Phương Minh Hòa còn đương chức Bí thư Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không – Không quân (PK – KQ), đất quốc phòng của Quân chủng PK – KQ đã bị chiếm dụng.
Ở quận Thanh Xuân, Hà Nội và đất Sư đoàn 372 tại Đà Nẵng đều xảy ra “sai phạm đất” mà Thượng tướng Hoà bị cho là liên quan, theo truyền thông Việt Nam.
Mạng xã hội nói gì?
Facebooker TD Nguyen bình luận trên trang Facebook Thông tin chính phủ:
“Cán bộ hư hỏng khuyết điểm đề nghị nhà nước không để danh xưng là đồng chí , theo tôi để danh xưng như thế này không hay . Vì họ không phải là người đồng chí hướng với tất cả những người muốn dựng xây đất nước này!”
Độc giả Thanh Son Nguyen viết trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt:
“Đánh bùn sang ao chán chết đâu lại vào đó thôi VN là vậy mà.”
Bạn Yêm Đoàn thì đặt câu hỏi: “Rất nghiêm trọng” thì phải tước quân tịch , khởi tố chứ?.. lạ thật..”
Facebooker có nick Bui Trong Thuy bình luận: “Thì ra Vũ nhôm có người bao che kết hợp nâng đỡ nên mới hoành hành đến vậy.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44991308

Chính trị nội bộ đảng

qua trường hợp Trương Minh Tuấn

Nguyễn Anh Tuấn
Trong chế độ một đảng, không phải lá phiếu cử tri mà kỷ luật đảng mới là thứ quyết định sinh mệnh chính trị của chính khách.
Việt Nam là một trường hợp như thế, nơi mà đảng cộng sản cầm quyền trừng phạt đảng viên của họ theo 4 mức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.
Trong 4 bước này, từ mức cảnh cáo đến cách chức là một sự thay đổi quan trọng, vậy nên, thuộc thẩm quyền của các cấp ủy đảng khác nhau. Chẳng hạn, theo Điều lệ đảng cộng sản, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có quyền cảnh cáo Uỷ viên Trung ương Đảng nhưng cách chức trở lên thì cần sự chuẩn thuận của Ban Chấp hành Trung ương.
Đã từng có một thời gian dài hiếm khi đảng cộng sản dùng mức kỷ luật cách chức đối với cán bộ vi phạm của họ, nhất là với cán bộ cấp cao. Những trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng thường được cho nghỉ bằng hình thức ‘thôi giữ chức’.
Tuy nhiên, thực tiễn ‘giơ cao đánh khẽ’ này thường xuyên bị các cấp ủy đảng lạm dụng để bảo vệ cán bộ sai phạm, nên không khỏi gây hoài nghi trong dư luận về quyết tâm trừng trị sai phạm của đảng cầm quyền.
Tuy nhiên, thực tiễn ‘giơ cao đánh khẽ’ này thường xuyên bị các cấp ủy đảng lạm dụng để bảo vệ cán bộ sai phạm, nên không khỏi gây hoài nghi trong dư luận về quyết tâm trừng trị sai phạm của đảng cầm quyền.
Có lẽ bởi thế nên từ Quy định 181 năm 2013 đến Quy định 102 năm 2017 về xử lý kỷ luật đảng viên đều quy định rằng nếu đảng viên ‘vi phạm tới mức cách chức thì cần phải cách chức, không cho thôi giữ chức’.
Thế nhưng có vẻ như vẫn còn khoảng cách từ nghị quyết đảng đến thực tiễn cuộc sống, thể hiện qua trường hợp kỷ luật Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn mới đây.
Hình thức kỷ luật chính thức mà Trương Minh Tuấn phải chịu là cảnh cáo, cho thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng của Bộ. Chiếu theo Quy định 102 hiện hành có thể đặt ra câu hỏi là sai phạm của Trương Minh Tuấn đã tới mức cách chức chưa? Nếu chưa thì vì sao lại ‘cho thôi giữ chức’? Còn nếu đã tới mức đó thì sao không cách chức theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quy định 102?
Hay Bộ Chính trị lo lắng rằng lúc đưa ra Ban Chấp hành Trung ương sẽ không có đủ số phiếu kỷ luật cách chức đối với Trương Minh Tuấn như cái dớp đồng chí X năm nào? Và rồi số phận Trương Minh Tuấn liệu có giống Đinh La Thăng không khi mà Bộ Chính trị có thể đi đường vòng, không cần thông qua Ban Chấp hành Trung ương, mà dùng công cụ đình chỉ sinh hoạt đảng để khởi tố, kết án rồi dựa vào đó buộc Trung ương phải khai từ theo Điều lệ đảng? [Dù rằng việc Bộ Chính trị đình chỉ sinh hoạt đảng một Ủy viên Trung ương là trái thẩm quyền theo Quy định 30 năm 2016]
Với tầm quan trọng của kỷ luật đảng trong thể chế chính trị hiện hành, việc công cụ này đang được sử dụng như thế nào có thể thành thang đo đáng tin cậy đối với thời tiết chính trị Ba Đình. Theo đó, có thể nói từ sau Đại hội 12, Bộ Chính trị đang từng bước khuynh loát Ban Chấp hành Trung ương để có tiếng nói quyết định đối với sinh mệnh chính trị của cán bộ cấp cao, nhờ vào hàng loạt các quy chế được sửa đổi theo hướng tập trung quyền lực, kèm theo đó là việc Bộ Chính trị vận dụng linh hoạt  – đôi khi tới mức vi phạm – các quy chế mà họ chưa thể sửa được vì còn vướng khuôn khổ mà Điều lệ đảng đặt ra.
Tuy nhiên, chính việc buộc phải đi đường vòng không qua Ban Chấp hành Trung ương một khi muốn chấm dứt sinh mệnh chính trị của cán bộ cấp Ủy viên Trung ương trở lên, Bộ Chính trị cho thấy họ vẫn chưa tự tin hoàn toàn đã kiểm soát toàn diện Ban Chấp hành Trung ương theo kiểu cấp trên-cấp dưới. Nghĩa là, mặc dù xu hướng tập quyền đã tăng lên đáng kể từ sau Đại hội 12, mức độ tập quyền của chính trị nội bộ Việt Nam vẫn còn khoảng cách đáng kể so với Trung Quốc, và bởi thế, mối quan hệ Bộ Chính trị-Ban Chấp hành Trung ương vẫn là một trong những chủ đề phức tạp nhất của chính trị đương đại Việt Nam.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/party-infighting-in-truong-minh-tuan-case-07282018085508.html

Ông Trương Minh Tuấn: ‘Ngã gục tiếp tục đứng dậy’

Trở lại Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Trương Minh Tuấn, người bị kỷ luật và mất chức bộ trưởng nói ông có tinh thần ‘ngã gục ở đâu thì tiếp tục đứng dậy ở đó’.
Dù vụ việc được nói là gây ra thiệt hại lớn, ông Trương Minh Tuấn vẫn trở lại làm Phó Ban Tuyên giáo TW, cơ quan chuyên chấn chỉnh hệ thống truyền thông, văn hóa và giáo dục của Việt Nam.
Ý kiến: Thủ tướng Phúc có thể tạo nên khác biệt?
VN: Đề nghị ‘kỷ luật’ quan chức Bộ Thông tin, TT
Báo điện tử PetroTimes “tái xuất”
Vụ xử ông Thanh là ‘mũi tên bắn nhiều con chim’
Trưởng Ban Võ Văn Thưởng nói ông Trương Minh Tuấn “không có gì xa lạ với Ban Tuyên giáo Trung ương, nay được phân công về Ban cũng là trở về nhà”, theo báo Thanh Niên tường thuật hôm 27/07/2018.
Ông Võ Văn Thưởng cho hay tuần sau lãnh đạo Ban “sẽ họp để phân công mảng việc cụ thể đối với ông Tuấn”.
Trở lại Ban Tuyên giáo Trung ương sau hơn 4 năm rưỡi, ông Trương Minh Tuấn bày tỏ lời “cảm ơn tập thể lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã dang rộng vòng tay để đón ông trở về”.
Vốn từng là bộ đội, ông xin hứa thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao với ‘tinh thần của người lính”, và nói “dù có ngã gục ở đâu thì tiếp tục đứng dậy ở đó”.
Trong hệ thống chính trị Việt Nam, quyết định điều động, phân công các chức vụ cao nhất là do Đảng Cộng sản đưa ra.
Theo các báo Việt Nam, vào ngày 16/7, Bộ Chính trị bố trí lại công việc cho ông Trương Minh Tuấn, một ủy viên Trung ương Đảng.
Theo đó, ông Trương Minh Tuấn thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông để giữ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Người hiện được giao giữ chức quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông và nắm Ban Cán sự Đảng của bộ này là thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, CEO và chủ tịch tập đoàn Viettel.
Trước đó, hồi tháng 6/2018, Ủy ban Kiểm tra TW Đảng kết luận về thương vụ MobiFone của Bộ Thông tin Truyền thông mua AVG với giá gần 9.000 tỉ đồng, và cho rằng đây là vụ việc có “vi phạm rất nghiêm trọng”.
Cha đẻ bộ trưởng được giải thưởng Đào Tấn
Việt Nam thay chủ tịch MobiFone
Hủy thỏa thuận MobiFone – AVG: Bình luận trên Facebook
VN với tự do Internet và nhà báo ‘xung kích’
Cả hai người, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và đương kim Bộ trưởng khi đó là ông Trương Minh Tuấn phải chịu trách nhiệm và bị đề nghị kỷ luật.
Nhưng cuối cùng, hai người cấp thấp hơn, các ông Lê Nam Trà và Phạm Đình Trọng lại bị nặng hơn cả và vì khai trừ khỏi Đảng Cộng sản sau vụ MobiFone/AVG.
Hai ông Phạm Đình Trọng và Lê Nam Trà đều đã bị bắt.
Một người khác là Cao Duy Hải bị “cách hết mọi chức vụ trong Đảng CS”.
Chiến sỹ, tiến sỹ và nhà lý luận
Theo tiểu sử chính thức, ông Trương Minh Tuấn sinh năm 1960 ở Đồng Hới, từng đi bộ đội và học trường sỹ quan chính trị, rồi đi lên từ chức chính trị viên cấp đại đội.
Là giảng viên môn triết học Marx-Lenin trong quân đội, ông lên làm tuyên huấn ở tỉnh ủy Bình Trị Thiên (cũ), rồi Ban Tuyên giáo Quảng Bình.
Từ 1998 ông làm chuyên viên, rồi phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác Tư tưởng, Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương.
Ông lên làm Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương tại Thành phố Đà Nẵng, rồi làm việc tại Ban Tuyên giáo Trung ương .
Từ 2014 ông làm Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và từ 2016 làm Bộ trưởng Bộ này kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (từ tháng 7/2016).
Hồi cuối 2016, một Phó Ban Tuyên giáo Trung ương khác, ông Nguyễn Thế Kỷ đã trao giải thưởng Đào Tấn truy tặng cho cố nhạc sỹ, nhà viết kịch Trương Minh Phương, cha của ông Trương Minh Tuấn.
Sang tháng 7/2017, Bộ Chính trị đã quyết định, thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Điều này có nghĩa là ông Trương Minh Tuấn chắc chắn không thể giữ chức Bộ trưởng nữa.
Nhưng việc đưa một bộ trưởng bị luật về lại làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương hiện đang thu hút nhiều sự chú ý của dư luận.
Nhà báo Quốc Phương của BBC News Tiếng Việt bình luận:
Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức trong chính quyền ở trong tình trạng bị hay được điều chuyển sang vị trí khác của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Trương Tấn Sang từng phải rời Đảng bộ TPHCM ra làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương sau một số vấn đề xảy ra trên địa bàn thành phố.
Nhưng sau đó ông Sang đã ‘trở lại mạnh mẽ’ và lên tới chức Chủ tịch Nước.
Về các vụ việc có ‘vấn đề’ bị Đảng kỷ luật và được điều về một cơ quan Đảng thì gần đây được biết tới nhiều là ông Đinh La Thăng.
Sau khi từ chức Bí thư thành ủy TPHCM, ông được điều chuyển về làm Phó Ban Kinh tế Trung ương.
Nhưng sau đó ông Thăng đã bị tước hết mọi chức vụ và cả tấm thẻ Đảng, và phải ra tòa, trở thành bị cáo và bị kết những mức án ông cho là ‘nặng nề, không phục’, và kêu gọi Tòa án và Nhà nước nên đối xử với ông ‘như với một con người’.
Chính vì thế hiện chưa rõ ông Trương Minh Tuấn sau này sẽ thăng, hay giáng, hay đi ngang trong hệ thống cầm quyền tại Việt Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44985230

Đạo diễn phim tài liệu về blogger Mẹ Nấm

phải trốn khỏi quê

Trong khi cuốn phim tài liệu “Mẹ Vắng Nhà” nói về Blogger Mẹ Nấm được trình chiếu ở nhiều nơi trên thế giới, đạo diễn của phim này hiện đang phải sống xa quê để trốn tránh sự sách nhiễu của nhà cầm quyền CSVN.
BBC hôm Thứ Sáu 27/06dẫn lời đạo diễn Clay Phạm cho biết, gia đình ông liên tục bị an ninh CSVN quấy nhiễu để hòng biết được ông đang ở đâu. Do đó, để tránh sự sách nhiễu và giữ an toàn cho bản thân, ông không về nhà mà tạm lánh ở một địa phương khác.
Đây không phải là lần đầu đạo diễn Clay Phạm bị công an cộng sản truy bức. Theo lời kể của ông với BBC, cuối năm 2017, sau khi xong phần quay cho phim Mẹ Nấm, ông có việc phải đi nước ngoài. Khi ra tới phi trường, ông bị an ninh CSVN giam lỏng, thu giữ không biên bản toàn bộ tài sản cá nhân, bao gồm sổ thông hành, máy điện toán xách tay, các thiết bị chuyên dụng dành cho quay phim và giấy tờ tuỳ thân. Sau đó ông bị cấm xuất cảnh vô thời hạn. Trước đó, trong khi làm phim, ông cũng luôn phải đối phó sự theo dõi của an ninh địa phương cùng hệ thống máy quay phim do nhà cầm quyền lắp đặt quanh nhà nữ blogger nổi tiếng.
Hiện nay, cuốn phim “Mẹ Vắng Nhà” được đạo diễn Clay Phạm ủy quyền sử dụng cho tổ chức VOICE. Một đại diện của VOICE là luật sư Trịnh Hội cho biết, cuốn phim đã, đang và sẽ được chiếu ở nhiều nước trên thế giới.
Tưởng cũng nên nhắc lại, sau một lần chiếu cho báo giới tại Thái Lan, cuốn phim bị cảnh sát Bangkok cấm chiếu do áp lực của Hà Nội. Nhưng luật sư Trịnh Hội tin rằng, nhà cầm quyền CSVN càng cấm thì cuốn phim càng nổi tiếng, khán giả càng muốn xem.
Còn theo đạo diễn Clay Phạm, mục đích làm phim của ông chỉ đơn thuần về hoàn cảnh của một gia đình tù nhân lương tâm. Ông không hề có dự định tuyên truyền cho Mẹ Nấm, cũng không áp đặt bất cứ khuynh hướng chính trị nào trong phim.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/dao-dien-phim-tai-lieu-ve-blogger-me-nam-phai-tron-khoi-que/

Thêm tâm thư yêu cầu lãnh đạo đảng cộng sản thay đổi

Sau một thời gian tương đối dài dường như giới nhân sĩ – trí thức tại Việt Nam không còn mặn mà lắm với biện pháp gửi những kiến nghị, tâm thư đến lãnh đạo cao nhất Đảng và nhà nước Việt Nam, từ trung tuần đến cuối tháng 7 vừa qua lại xuất hiện thư ngỏ gửi ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Tiếng nói trọng lượng
Chỉ 10 ngày sau khi giám mục Micae Hoàng Đức Oanh viết thư ngỏ gửi chủ tịch nước, vào ngày 24 tháng 7 vừa qua, nhà báo Kha Lương Ngãi, Nguyên Phó tổng biên tập Sài Gòn Giải Phóng, thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đã có bức thư ngỏ gửi đến ông Nguyễn Phú Trọng. Nội dung thư cũng nêu ra những quyết định sai lầm của chính ông Trọng và những người lãnh đạo đất nước khiến quốc gia rơi vào tình trạng hiện nay.
Đúng là nhân dân rất ủng hộ việc chống tham nhũng, tôi cũng rất ủng hộ chống tham nhũng, phải kiên quyết trừng trị bọn tham nhũng, nhưng không thể mang danh đi bắt tham nhũng mà vi phạm luật nước khác và luật quốc tế.
- TS. Nguyễn Quang A

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội hiện sống ở Hà Nội, cho rằng người có nhân thân như ông Kha Lương Ngãi khi viết thư ngỏ cho vị lãnh đạo đảng cầm quyền tại Việt Nam hiện nay sẽ có phần tác dụng:
“Ông Kha Lương Ngãi, Nguyên Phó tổng biên tập Sài Gòn Giải Phóng, tờ báo của Thành Ủy Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Là một người tuyên giáo, ông hiểu rất kỹ những chuyện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bản thân bộ phận Tuyên giáo rất quan trọng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tư cách như thế, ông ấy chất vấn ông Nguyễn Phú Trọng những điểm mà tôi thấy rất đáng lưu ý. Thực ra cũng có nhiều người đặt vấn đề như vậy. Nhưng bản thân anh Kha Lương Ngãi, với lai lịch như  thế thì nó có trọng lượng hơn.”
Nội dung thư ngỏ
Trở lại với bức thư ngỏ gửi ông Tổng Trọng của nhà báo Kha Lương Ngãi, đầu tiên là nhắc đến vụ việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại trung tâm thủ đô Berlin của Đức đưa về Việt Nam hồi cuối tháng 7 năm 2017.
Nhà báo Kha Lương Ngãi cho rằng đó là hành động bôi xấu hình ảnh Việt Nam với cộng đồng thế giới, đồng thời viết lên một sự dối trá đáng khinh bỉ khi tuyên truyền Trịnh Xuân Thanh tự trở về Việt Nam đầu thú, nhận tội tham nhũng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng đồng tình về điểm này của nhà báo Kha Lương Ngãi:
“Tôi nghĩ rằng đấy là một việc làm vi phạm trắng trợn Luật Cộng hòa Liên bang Đức và Luật Quốc tế. Rất đáng tiếc là bọn dùng luật rừng này kém cỏi đến mức không hiểu được chuyện này nghiêm trọng như thế nào. Và nó nghĩ việc bắt Trịnh Xuân Thanh về là được sự đồng lòng của nhân dân. Đúng là nhân dân rất ủng hộ việc chống tham nhũng, tôi cũng rất ủng hộ chống tham nhũng, phải kiên quyết trừng trị bọn tham nhũng, nhưng không thể mang danh đi bắt tham nhũng mà vi phạm luật nước khác và luật quốc tế.”
Bên cạnh đó, tình hình dân chủ nhân quyền trong nước gần đây cũng được ông Ngãi nhắc đến trong thư, như việc bắt bớ và bỏ tù các nhà yêu nước đấu tranh. Ngoài ra, những luật bảo vệ quyền cơ bản của nhân dân như luật lập hội, luật biểu tình không được chính phủ Hà Nội quan tâm đến, nhưng lại ban hành các dự luật Đặc khu và An ninh mạng dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân. Những cuộc biểu tình chống hai dự luật vừa nêu đã diễn ra trên khắp cả nước và được ví như cuộc biểu tình mạnh mẽ nhất từ sau năm 1975 đến nay. Nhà báo cho rằng đây là một ví dụ điển hình cho xu thế “diễn biến, chuyển hóa”.
Anh Dương Đại Triều Lâm, một nhà hoạt động dân sự trẻ tại Sài Gòn, người cũng xuống đường tham gia cuộc biểu tình ôn hòa vào ngày 10 tháng 6 cho rằng:
“Rõ ràng bất cứ một hành động xuống đường nào cũng càng góp phần thúc đẩy cho quá trình tự do dân chủ của đất nước. Người dân người ta đã xuống đường rất là nhiều lần rồi, chứ không phải bây giờ mới có, tức là quá trình chuyển hóa đã diễn ra từ lâu.Chỉ có khác là hôm rồi lượng người ta xuống đường đông hơn do Luật đặc khu. Vì vậy mình nghĩ là Đảng Cộng sản cần ra ngay Luật Biểu tình để mỗi lần người dân xuống đường không phải vì môi sinh, chủ quyền thì cứ cho rằng đây là chống đối.”
Trong thư, nhà báo Kha Lương Ngãi có nhắc đến Bắc Hàn và Cuba, và coi đây là hai nước dần thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản và từ từ diễn biến, chuyển hóa theo xu thế dân chủ.
Không hoàn toàn đồng ý về quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A giải thích:
Rõ ràng bất cứ một hành động xuống đường nào cũng càng góp phần thúc đẩy cho quá trình tự do dân chủ của đất nước. 
- Dương Đại Triều Lâm
“Cuba thực sự đã diễn biến sau cả Việt Nam. Việt Nam đã tự diễn biến từ lâu rồi, cho nên cái trớ trêu mà ông Trọng chủ trương, cũng như những lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Việt Nam chống tự diễn biến. Đấy là chuyện kì khôi vì bản chất Chủ nghĩa Mác mà họ tôn thờ nhấn mạnh sự thay đổi, mà diễn biến cũng là thay đổi mà thôi. Cho nên ở đây phải hiểu rằng họ chống cái gọi là tự diễn biến, mà diễn biến của họ ở đây phải hiểu là những cái đi ngược lại với họ suy nghĩ, làm thay đổi vị thế của Đảng Cộng sản. Xét theo khía cạnh như thế thì thực sự Cuba vẫn giống hệt như Việt Nam, nó vẫn giữ chuyện cộng sản.”
Tác động
Đây không phải là lần đầu tiên nhà báo Kha Lương Ngãi gửi thư cho các lãnh đạo chính phủ Hà Nội, trước đó ông cũng từng gửi thư đến các Đại biểu quốc hội khóa 12 với mong muốn Đảng tự diễn biến từ Đảng Cộng sản Việt Nam độc tài chuyển hóa dần sang Đảng Cộng sản Việt Nam dân chủ. Tuy nhiên, bức thư của ông đã không được hồi đáp.
Dù vậy, Nhà báo Kha Lương Ngãi vẫn tiếp tục viết thư ngỏ và gửi đến ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 24 tháng 7 vừa qua.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng nên có tiếp những bức thư như bức thư như của ông Kha Lương Ngãi. Dù rằng bức thư không thể giúp ông Trọng thay đổi nhưng nó rất cần thiết, bởi vì nó không nói cho ông Nguyễn Phú Trọng mà nói cho nhiều người nhìn thấy rõ chân tướng của ông Nguyễn Phú Trọng cũng như của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/letter-to-general-secretary-of-the-communist-party-of-vietnam-07272018153109.html

Mẹ của Trần Hoàng Phúc

“gia đình sẽ đồng hành đến cùng với Phúc”

Tuấn Khanh
Sau phiên tòa ngày 10/7 xử 3 nhân vật Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc, thì đến cuối tháng 7, nhân vật cuối cùng trong nhóm mới được thăm nuôi và gặp mặt thân nhân trước khi bị chuyển sang trại giam.
Ngày 19/7/2018, gia đình Phúc đã vào Trại tạm giam số 1 gặp mặt.
Phúc nói với mẹ mình, rằng: dù chế độ nhà tù có khắc nghiệt, dù ai đó muốn dùng những trò hèn kế bẩn với Phúc thì Phúc vẫn sẽ không bao giờ tuyệt thực. Phúc sẽ ăn để sinh tồn vì có sinh tồn thì Phúc mới có thể đấu tranh cho nhân quyền, cho công lý.
Dưới đây là cuộc trò chuyện, thăm hỏi nhanh với bà Huỳnh Thị Út, mẹ của Trần Hoàng Phúc
————–
Xin chị cho biết về tình hình sức khỏe của Phúc hiện nay, cũng như cho biết thêm những chi tiết mà chị nhận biết ở tại tòa phúc thẩm
- Nếu nói về sức khỏe của Phúc thì nước da của Phúc trắng bệch, người rất ốm. Nếu so với lúc ban đầu chưa bị bắt, thì Phúc bị ốm đi đến 12-13 kí lô.  Ở tòa phúc thẩm, các luật sư được vào trước. Sau khi khai mạc phiên tòa xong thi mình mới được cho vào. Và việc nhìn thấy nhau trong tòa chỉ là nhìn thấy thôi.  Chỉ đến khi giải lao, mấy anh an ninh còng tay 3 người là anh Thuận, anh Điển và Phúc đưa đi ra, dẫn đi đâu thì mình không biết. Đến lúc 2g chiều xử lại, mình được vào trước nên có được chút xíu thời gian nhìn thấy người ta đưa Phúc vào phòng xử bằng lối hành lang. Tôi chỉ kịp chạy ra, xin nắm tay Phúc một cái rồi thôi. Lúc nghị án, thì họ làm rất nhanh, còng tay đưa 3 người ra ngoài ở đâu đó. Khi tuyên án thì 3 người được dẫn vào nghe án, xong rồi lập tức đưa ra đi ngoài mang đi, đi thật nhanh. Mọi thứ diễn biến nhanh quá nên tôi không nói được lời nào với Phúc.
Vậy thì lúc tạm giam sau sơ thẩm cho đến lúc tòa phúc thẩm, có lúc nào chị được thăm nuôi Phúc không?
- Trong thời gian ở trong trại tạm giam số 1, tôi đã gửi đơn xin thăm gặp rất nhiều lần đến Tòa án, đến Viện kiểm sát, Công an thành phố, trại tạm giam… nhưng họ không giải quyết. Tôi chỉ được mua đồ ở căn-tin gửi vào cho Phúc thôi. Mà ngay cả số tiền gửi đồ cho Phúc cũng bị giới hạn. Sau đó khi tìm hiểu, thi tôi biết được thì các tù nhân khác không chịu mức giới hạn tiền gửi đồ như Phúc.
 Lúc nghị án, thì họ làm rất nhanh, còng tay đưa 3 người ra ngoài ở đâu đó. Khi tuyên án thì 3 người được dẫn vào nghe án, xong rồi lập tức đưa ra đi ngoài mang đi, đi thật nhanh. – Bà Huỳnh Thị Út
Họ nói chỉ cho mình gửi từ 1,2 đến 1,3 triệu một lần gửi đồ. Sau khi tìm hiểu đủ chứng cứ và làm mạnh lên thì họ mới nhượng bộ cho gửi 1,9 triệu / lần gửi.
Được biết 8 vị luật sư bào chữa cho Phúc đã gửi thư đến Tòa án và Viện Kiểm sát để yêu cầu việc (1) phải trình chiếu các tang vật rõ ràng để luận tội, (2) phải triệu tập các điều tra viên để đối chất, (3) phải cho thân nhân và tất cả những người quan tâm đến dự tòa, nhưng dường như tất cả yêu cầu này đều bị làm ngơ, điều này có đúng không?
- Phía luật sư cho biết rằng họ đã làm tất cả mọi thứ theo luật pháp nhưng không thấy phản hồi. Nhưng một vài các luật sư cho tôi biết rằng vì trong phiên tòa đã không trình chiếu các chứng cứ để xem xét luận tội, cũng như việc vắng mặt các điều tra viên… đó là cơ sở cho việc yêu cầu giám đôc thẩm. Về vấn đề này tôi phải thảo luận lại với gia đình để đi đến chuyện có giám đốc thẩm hay không.
Được biết là Trần Hoàng Phúc đã chọn thái độ im lặng trước tòa, phía các luật sư thì có ý kiến ra sao về điều này?
- Dạ, tôi được biết là các luật sư tôn trọng thái độ của Phúc và không có ý kiến gì. Còn theo luật sư Trần Vũ Hải nhận định thì phiên tòa này là phần chủ động đã không thuộc về tòa án, mà thuộc về Trần Hoàng Phúc và các luật sư. Nguyên văn, ông viết trên facebook là “trong phiên toà phúc thẩm Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc tuyền truyền chống Nhà nước.., cùng với 10 đồng nghiệp khác, bị cáo Phúc và các bị cáo khác phản đối chủ toạ và đại diện Viện Kiểm sát, vì cho rằng phiên toà được tiến hành không đúng thủ tục tố tụng, cụ thể phiên toà vẫn tiến hành khi các giám định viên và một số điều tra viên được triệu tập nhưng không đến phiên toà. Bị cáo Phúc tuyên bố không trả lời kiểm sát viên và Hội đồng xét xử, giữ quyền “im lặng”, chỉ trả lời luật sư”.
Việc bắt Phúc và xử trái pháp luật như vậy, gia đình không thể chấp nhận. Việc không chấp nhận sẽ không đơn thuần là một phản ứng, mà gia đình sẽ đồng hành cùng Phúc, quyết làm sáng tỏ vấn đề này, quyết đấu tranh cho Phúc đến cùng. – Bà Huỳnh Thị Út
Với tư cách là một người mẹ, có đứa con đang rơi vào vòng lao lý. Nhiều tháng nay phải ngược xuôi Sài Gòn – Hà Nội để lo mọi thứ cho Phúc, chị có nghĩ rằng việc làm của Phúc là bồng bột, gây vạ cho gia đình? Chị nghĩ sao về lý tưởng vào con đường đã chọn của Phúc?
- Phúc có lý tưởng của Phúc. Phúc có hoài bão của Phúc. Gia đình rất tôn trọng ý kiến, suy nghĩ của Phúc. Những việc của Phúc làm hôm nay, rõ ràng không hề vi phạm pháp luật, Những điều của Phúc làm chỉ giúp cho cộng đồng, cho xã hội, cho sự tiến bộ của nhân loại, cho nhân quyền và dân chủ. Chí vì vậy, gia đình không bao giờ phải đối những chuyện Phúc làm.
Việc bắt Phúc và xử trái pháp luật như vậy, gia đình không thể chấp nhận. Việc không chấp nhận sẽ không đơn thuần là một phản ứng, mà gia đình sẽ đồng hành cùng Phúc, quyết làm sáng tỏ vấn đề này, quyết đấu tranh cho Phúc đến cùng.
—————————
Trích ý kiến của luật sư Ngô Anh Tuấn, sau tòa phúc thẩm
Tôi hiểu cái khó của vị chủ toạ phiên toà này;
Tôi hiểu giới hạn quyền xét xử của vị chủ toạ phiên toà này;
Tôi hiểu và cảm thông với những điều khó nói của ông nhưng điều ấy không có nghĩa là ông có quyền trút mọi gánh nặng lên vai người khác và tước đoạt hết các quyền của họ, trong đó có quyền được nói. Hành vi của ông thẩm phán, chủ toạ phiên toà này là sự thể hiện của sự yếu kém về năng lực, hiểu biết pháp luật cũng như vi phạm tư cách, đạo đức của một người thẩm phán chân chính.
Trích ý kiến của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, sau tòa phúc phẩm
Để phán đối việc thân chủ của tôi là bị cáo Trần Hoàng Phúc bị chủ tọa phiên tòa tước đoạt quyền tự bào chữa một cách thiếu căn cứ và không chính đáng.
Tôi quyết định từ bỏ quyền bào chữa của mình để tỏ thái độ, qua đó ủng hộ và bảo vệ bị cáo Trần Hoàng Phúc.
Tôi chỉ muốn nói rằng: Chính quyền Batixta tại Cuba vào thập niên 50 của thế kỷ trước bị xem là độc tài, quân phiệt nhưng đã để cho Fidel Castro phát biểu tự bào chữa liên tục và kéo dài 4 tiếng đồng hồ trong vụ án hoạt động lật đổ chính quyền vào năm 1959 mà mọi người biết đến nội dung qua tác phẩm “Lịch xử sẽ xóa án cho tôi” do NXB Công an nhân dân xuất bản.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/tran-hoang-phuc-mother-vows-to-fight-with-her-son-07282018090533.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?