Tin Việt Nam – 30/03/2019

Tin Việt Nam – 30/03/2019

Nhà cầm quyền CSVN tỉnh An Giang

đàn áp tín đồ trong Đại lễ của Phật giáo Hoà Hảo

Tin từ An Giang – Nhà cầm quyền CSVN tỉnh An Giang đã xua công an, dân phòng và mật vụ đàn áp tín đồ Phật giáo Hoà Hảo, ngăn chặn họ tụ tập để kỷ niệm Đại lễ ngày Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ vắng mặt (ngày 25/2 Âm lịch tức ngày 30/3 Dương lịch).
Theo ông Nguyễn Văn Cường, một chức sắc cao cấp của Ban Trị sự Trung ương của Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý (GHPGHHTT), từ ngày 28 tháng 3, mật vụ đã theo dõi nhà riêng của các chức sắc của tổ chức này trong khi công an và dân phòng được điều động đến đóng chốt chặn hai đầu đường dẫn đến điểm lễ chính tại xã Long Giang, huyện Chợ Mới. Công an kiểm soát chặt chẽ các bến phà gần đó và không cho người từ địa phương khác đến. Tại địa điểm hành lễ, chỉ người trong gia đình ông Tám Hiền là tự do đi lại, còn người khác, kể cả người dân địa phương, cũng bị ngăn không cho vào.
Trước đó, vào ngày 26/3/2019, công an ở nhiều địa phương đã gởi “Giấy mời” để triệu tập nhiều chức sắc cao cấp của Ban Trị sự Trung ương, như ông Lê Văn Sóc, Bùi Văn Luốt ở tỉnh Vĩnh Long, và ông Nguyễn Văn Thơ ở Đồng Tháp đến đồn công an trong ngày 27 tháng 3, thông báo rằng họ sẽ không được đi dự Đại lễ ở An Giang, và không được treo cờ Giáo hội cũng như băng- rôn nói về ngày Đại lễ.
Phật giáo Hoà Hảo có hai nhánh, một nhánh chính thống và Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo do nhà cầm quyền lập ra từ năm 1997 nhằm kiểm soát tín đồ của đạo này.  Trong khi hạch sách nhánh độc lập, nhà cầm quyền CSVN tạo nhiều điều kiện cho nhánh quốc doanh hoạt động và phát triển. Ở nhiều nơi, nhánh quốc doanh lấn chiếm cơ sở của nhánh độc lập và còn đánh đập tín đồ của nhánh này.
Hàng năm, tín đồ phật giáo hòa hảo truyền thống kỷ niệm ngày ra đi của người sáng lập đạo là ông Huỳnh Phú Sổ, người bị VC ám sát năm 1947, và năm nào cũng vậy, họ bị ngăn cấm, sách nhiễu bởi nhà cầm quyền CSVN địa phương.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-csvn-tinh-an-giang-dan-ap-tin-do-trong-dai-le-cua-phat-giao-hoa-hao/

Bộ Ngoại giao CSVN

lại yêu cầu Trung Cộng tôn trọng chủ quyền Việt Nam

Tin Việt Nam – Báo Tin Tức loan tin, chiều ngày 28 tháng 3, trong cuộc họp báo thường kỳ, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao CSVN đã nói rằng, CSVN yêu cầu phía Trung Cộng chấm dứt các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 22 đến 24 tháng 3 năm 2019. Ngoài ra, Trung Cộng còn có kế hoạch xây dựng các đảo Phú Lâm, đảo Cây, và đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trở thành thanh phố, căn cứ dịch vụ hậu cần chiến lược quan trọng của Trung Cộng.
Ngoài yêu cầu Trung Cộng chấm dứt bằng lời lẽ tuyên bố suông sau những hành động thực tế của nước này, bà Hằng còn nói rằng, Trung Cộng không nên để tái diễn các hoạt động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần dảo Hoàng Sa, và Trường Sa. Bà cũng nói rằng Trung Cộng cũng không nên có hoạt động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực.
Lần này, Bộ Ngoại giao CSVN cũng đã có thêm chút “dũng khí” là gặp và trao công hàm phản đối Trung Cộng về những sự việc trên, không chỉ phản ứng bằng lời lẽ qua loa về việc Trung Cộng xâm hại nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/bo-ngoai-giao-csvn-yeu-cau-trung-cong-ton-trong-chu-quyen-viet-nam-va-lo-ngai-vu-doi-golan-heigths/

Nhiệm vụ mới cho đảng viên bị kỷ luật Tất Thành Cang

Ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí Thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh đang bị kỷ luật, được chuyển sang làm Phó Trưởng Ban Thường trực Chỉ đạo công trình ‘Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh’.
Tin trong nước loan đi ngày 30 tháng 3 như vừa nêu và cho biết thêm đích thân Ông Tất Thành Cang xác nhận với báo giới. Ông này cũng thông báo rõ là không còn làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa Án Nhân Dân hai cấp Tp HCM.
Phát biểu của Ông Tất Thành Cang với truyền thông được đưa ra bên hành lang Hội nghị Lần thứ 26 Ban Chấp hành Đảng bộ Tp HCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020.
Vừa qua, Ông Tất Thành Cang bị Hội Nghị Trung ương 9, Khóa XII kỷ luật với hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Tp HCM vì có những khuyết điểm, vi phạm  được nói là rất ‘nghiêm trọng’.
Cụ thể Ủy ban Kiểm Tra Trung ương đảng cộng sản Việt Nam kết luận Ông Tất Thành Cang vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và qui chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, qui trình xử lý công việc; vi phạm qui định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tác các doanh nghiệp thuộc sở hữu của đảng bộ thành phố; và các qui định trong việc quyết định chủ trương hợp tác, kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy TpHCM…
Một số sai phạm của Ông Tất Thành Cang được nêu ra như đồng ý bán rẻ khu đất công 32 héc ta ở huyện Nhà Bà và 12 héc ta ở quận 7, Tp HCM, của Công ty Tân Thuận cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai mà không thông qua Thường vụ Thành ủy.
Những khoản tiền sai lệch được nêu ra như khu đất công 32 héc ta ở Nhà Bè có giá hơn 2 ngàn tỷ đồng; trong khi đó chỉ bán cho Cty Cp Quốc Cường Gia Lai với giá 1 triệu 290 ngàn đồng một mét vuông. Ngân sách thất thoát hơn 1500 tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ttc-mo-hi-ag-03302019081539.html

Đề xuất hạn chế/ cấm xe máy ‘bất khả thi’

Tại buổi họp báo quý I/2019 của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra hôm 28/3 tại Hà Nội, thứ tưởng Bộ Giao thông- Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, chính phủ giao Hà Nội và TpHCM xây dựng đề xuất hạn chế, cấm xe máy ở một số tuyến đường, khu vực trong đô thị và ông Đông khẳng định đây là điều cần thiết.
Theo Bộ Giao thông- Vận tải, việc hạn chế hay cấm phương tiện xe máy cá nhân trong đô thị là một trong những giải pháp chính nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đi đôi với việc này thì nhà nước phải đáp ứng tốt nhu cầu vận tải công cộng và các loại hình vận tải khác trong đô thị tạo thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân.
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng về việc đề xuất cấm xe máy, dư luận lập tức phản ứng cho rằng, xe máy không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng như hiện nay.
Anh Trần Bang, một kỹ sư về xây dựng cầu đường nói với chúng tôi rằng vấn đề kẹt xe là do quy hoạch đô thị không khoa học.
Vấn đề kẹt xe không phải do xe máy, xe máy nó chiếm ít diện tích đường mà còn kẹt như vậy. Người ta có nhu cầu đi lại thì người ta phải đi, việc quy hoạch đô thị không khoa học thì nó mới dẫn đến kẹt xe, không kỹ lưỡng trong vấn đề khảo sát bố trí các khu vực chức năng.”
Đồng quan điểm này, nhà báo Phạm Thành từ Hà Nội trao đổi với chúng tôi rằng, vấn đề là quỹ về giao thông đi lại của người dân quá ít không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài ra, việc quá nhiều nhà cao tầng tại các khu trung tâm dẫn đến mật độ dân cư quá đông nên đó mới là nguyên nhân chính dẫn đến kẹt xe.
“Đó mới là nguyên nhân chính và thành phố HCM cả Hà Nội cũng thế. Chứ việc họ muốn cấm thì họ đã nhấp nhứ từ lâu rồi nhưng khả năng cấm nó không được, bởi vì xe máy là một phương tiện đi lại làm ăn chứ nó không phải là phương tiện đi chơi đi du lịch đâu, anh cấm người ta đi xe máy ở một số tuyến cũng có nghĩa anh cấm người ta làm ăn, cho nên chính quyền nhấp nhứ từ nhiều năm nay rồi nhưng không bao giờ nhận được sự ủng hộ của nhân dân.”
Ngoài ra, nhà báo Phạm Thành còn cho biết việc cấm xe máy như vậy sẽ dẫn đến nhiều rối loạn xã hội, phát sinh nhiều vấn đề an ninh trật tự, do đó chính quyền đã muốn cấm từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn không thể cấm được.
Anh Lã Việt Dũng, một nhà hoạt động xã hội, thành viên nhóm No-U và cũng là một người dân sinh sống tại Hà Nội cho biết anh là một trong những người từng ủng hộ đề xuất cấm xe máy và một thời điểm nào đó việc hạn chế xe máy là điều tất nhiên phải làm. Tuy nhiên, hiện nay việc hạn chế hoặc cấm xe máy được cho là giải pháp chính như lời của Bộ Giao thông- Vận tải thì không ổn.
Thật ra với mật độ dân cư đông vậy thì nguyên nhân do nhiều phía, xe máy,  ô tô, xe buýt và tất cả, bản chất nếu chỉ giải quyết chỉ về xe máy thì cũng không thể giải quyết được vấn đề. Bởi vì xe máy là phương tiện thiết thực tối cần thiết của người dân nên nếu cấm xe máy thì họ đi bằng gì và sống bằng cái gì. Việc chỉ ra xe máy là nguyên nhân gây ra ách tắt giao thông thì mình nghĩ không đúng lắm.”
Các nhà quan sát mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng với mật độ dân số dân cư đông đúc tại các trung tâm như hiện nay mà các loại phương tiện công cộng lại đang còn yếu kém, không đáp ứng nổi nhu cầu đi lại của người dân, trong khi đó việc quy hoạch đô thị còn nhiều vướng mắt không khoa học. Do đó việc đề xuất cấm xe máy là điều bất khả thi.
Nhà báo Phạm Thành chia sẻ rằng:
“Hiện nay nó lại có sự mâu thuẫn lớn như thế này, tức là quỹ đường nó đã ít mà anh cấm xe máy để cho các phương tiện giao thông ô tô, xe buýt chạy thì nó không khả thi lắm, bởi vì đường nhỏ hẹp mà xe buýt nó chạy là tắt ngay, chứ xe máy nó nhỏ còn có thể luồn lách được giờ chỉ phương tiện xe buýt không để phục vụ người dân cũng không nổi, vẫn kẹt như thường và thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Kỹ sư Trần Bang thì đưa ra một ví dụ lý do vì sao việc quy hoạch không khoa học dẫn đến đất chật người đông và việc cấm xe máy tại trung tâm là điều rất khó thực hiện.
Theo tôi điều đầu tiên là quy hoạch đô thị, ví dụ như hệ thống đường ngầm hay đường xe buýt công cộng phục vụ phương tiện đi lại không đáp ứng như cầu đi lại. Sài Gòn chưa có đường tàu điện nào cả, Nhật nó tài trợ cho cai Sài Gòn –Cát Tiên đến nay vẫn chưa xong vẫn ngổn ngang, giả sử làm được cái đấy thì cũng chỉ giải quyết được hướng đó thôi còn nhiều hướng khác vẫn ở đó thì anh bỏ xe máy dân đi bằng gì, đi xe buýt hiện nay cũng không đảm bảo, không đủ và nó cũng chiếm rất là nhiều chỗ, cho nên hiện tại anh không thể bỏ xe máy được.”
Đồng ý với điều đó, anh Lã Việt Dũng cho rằng vì việc cấm sẽ đánh trực tiếp vào phương tiện thiết yếu của người dân trong khi chính quyền hiện nay không có một biện pháp hoàn thiện nào để thay thế xe máy cho người dân nên đề án nêu ra là không thể thực hiện được.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-it-possible-to-restrict-or-prohibit-motor-vehicles-from-the-ministry-of-transport-03292019143605.html

Công bố dịch lở mồm long móng trên lợn ở Dak Lak

Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Dak Lak vào ngày 29 tháng 3 cho công bố dịch lở mồm- long móng trên đàn lợn tại tỉnh Tây Nguyên này.
Mạng VnExpress loan tin ngày 30 tháng 3 nêu rõ Quyết định do chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak ký cho biết dịch lở mồm- long móng trên lợn có mặt tại thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, các huyện Cư Kuin, Krong Bong, Krong Năng, Krong Pak, Krong Buk, Ra Súp, Lak và Buôn Đôn.
Dịch lở mồm- long móng trên lợn ở Dak Lak xuất hiện đầu tiên tại địa bàn huyện Cư Kuin hôm 26 tháng 1.
Tổng cộng số lợn bị lở mồm- long móng chết và tiêu hủy tại Dak Lak đến nay được nói là hơn 1500 con heo.
Trong khi đó thì tin trong ngày 30 tháng 3 cho biết tại tỉnh Nghệ An vừa phát hiện thêm ổ dịch tả lợn Châu Phi. Ổ dịch mới được cho biết ở xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ.
Cơ quan chức năng Việt Nam chưa có thông báo gì mới sau khi cho biết dịch tả lợn Châu Phi đến nay xuất hiện tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Một Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, Chống Dịch tả Lợn Châu Phi được chính phủ Hà Nội công bố thành lập vào ngày 26 tháng 3 nhằm ứng phó với loại dịch bệnh này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/fo-mo-pig-03302019082039.html

Tiếng vọng Ba Vàng: “Gậy ông đập lưng ông!”

Chiến Thành
Cả xã hội Việt Nam đang “lên đồng tập thể”, nguyền rủa chùa Ba Vàng và những tội nhân liên quan. Điều này hẳn nhiên phải thế, dù đấy chỉ là phần nổi của tảng băng. “Quỷ lộng chùa hoang” ở Ba Vàng đúng là tội ác đáng phải vạch mặt.
Nhưng sự trừng phạt, nếu có, thì không phải chỉ một mình ngôi chùa này “trả nghiệp”. Tội lỗi và sự trừng phạt cần phải hướng đến những kẻ thủ ác duy nhất trong vụ xì-căng-đan này, đó chính là chế độ được mạo danh là cộng sản hiện nay ở trong nước.
Chùa Ba Vàng – một không gian uế tạp từ những bãi phân giữa thời kỳ mạt pháp (Tưởng Năng Tiến[1]) – chỉ là một trong muôn vàn sự khốn nạn đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên đất nước đau thương của chúng ta. Nhưng cần đính chính ngay, đúng là không nên nói “bãi phân giữa thời mạt pháp”!
Bởi vì, cho đến thời điểm này, làm gì có Phật pháp ở các chùa, các thầy với những mánh mung “dâng sao”, “giải hạn”, “đuổi vong”, “áp vong”, “ốp đồng”, “ngoại cảm”… Mà một khi những chùa ấy không chạm được Phật pháp thì làm gì có mạt pháp hay thịnh pháp?
Tất cả những việc làm lấp liếm ấy, đúng là lấy vải thưa che mắt thánh của những kẻ buôn bán tâm linh, những kẻ cố gieo rắc vào những đạo tràng còn mê muội một luận điệu cho rằng, Phật pháp vẫn đang phát triển bởi các chư tăng ở các chùa.
Chẳng qua chỉ có một vài tên phá đám (như Phạm Thị Yến), hay một vài kẻ đội lốt (như sư trụ trì – đại tá công an Thích Trúc Thái Minh) làm hôi hám chốn thiền môn (Thật tội nghiệp!) Thế là đại chúng tiếp tục mê lầm và xúm vào “đánh hội đồng” một số chùa bị các đồng tu “chơi đểu” (!)
Nhưng tất cả mọi điều trên chỉ là hiện tượng, chưa phải là bản chất của vấn đề! TS. Nguyễn Ngọc Chu đã đặt câu hỏi trên FB: “Có bao nhiêu chùa Ba Vàng?” Rồi ông tự trả lời: “Trên đất nước ta có hàng trăm chùa ‘Ba Vàng’ (Thật ra con số phải lên đến hàng ngàn). Có nhiều chùa ‘Ba Vàng mới’ còn khủng hơn cả chùa Ba Vàng Uông Bí. Đó là các chùa ở Bãi Đính, ở Tam Chúc…”[2]
Ấy vậy mà, từ ngày 12 đến 14/5/2019 tại chùa Tam Chúc, Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, sẽ có hơn 1.500 đại biểu quốc tế, cùng với hơn 4.000 đại biểu trong nước chính thức và dự kiến sẽ đón nhận sự tham dự của hàng chục ngàn phật tử tại đại lễ Vesak 2019. Đại lễ Vesak của LHQ (lần thứ 3 ở VN) diễn ra với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Tưởng không còn gì mỉa mai hơn! Khách thập phương về xứ này bàn thảo về một đề tài chưa ai biết đầu cua tai nheo là cái gì: “Trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” (!) Xem ra, Ba Vàng đâu phải là câu chuyện đặc thù, đó là hiện tượng phổ biến ở Việt Nam. Nhưng Ba Vàng vừa qua đã hoàn thành một “sứ mệnh lịch sử”: lột trần chân tướng của “Phật giáo quốc doanh” ở Việt Nam.
Hãy cùng đọc một trang nhật ký của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, ghi ngày 4/5/1979, để thấy dự báo: “Ngày Phật đản. Những người tu hành vẫn có nét mặt hệt như mặt người ngoài đời mà tôi vẫn gặp. Sao ở giữa cảnh đèn nhang nghi ngút của chùa Quán Sứ, giữa bao nhiêu cụ bà thành tâm cúng vái, lại thấy một vị sư tuổi còn thanh niên, có nét mặt trông như một trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng nào đó, mà tôi từng thấy ở các mặt trận”.
Chính vì nhà nước can dự trực tiếp vào sinh hoạt Phật giáo nên dù có dẹp được Ba Vàng này thì sẽ xuất hiện nhiều Ba Vàng khác. “Gậy ông đập lưng ông”, càng đề nén và phá hoại Phật pháp thì cái đòn boomerang càng khó lường. Đại chúng sẽ còn nhiều dịp mặc sức xả stress mỗi khi chứng kiến những màn “trấn lột lẫn nhau” giữa các phe phái trong trung ương và bộ chính trị.
Dễ nhận ra, kẻ gây nên thảm kịch hiện nay chính là thể chế này. Thuộc tính của nó là: độc quyền chân lý, dung dưỡng cái ác, tham sân si, lộng giả thành chân. Từ khi đảng cộng sản lãnh đạo “toàn diện và triệt để” Phật giáo thì pháp nạn lan truyền khắp cả nước.
Và những màn đấu đã lẫn nhau giữa các sư quốc doanh còn mua vui được vài trống canh, giống như tại câu chuyện “đứt ruột” của người con gái (trong đoạn trường tân thanh) bị dồn vào chốn lầu xanh để học nghề giường chiếu…
[1] Tưởng Năng Tiế́n – Những bãi phân giữa thời mạt pháp. Xem tại: https://www.danchimviet.info/s-t-t-d-tuo%CC%89ng-nang-tien-nhu%CC%83ng-ba%CC%83i-phan-giu%CC%83a-thoi-ma%CC%A3t-phap/03/2019/14335/
[2] https://baotiengdan.com/2019/03/22/co-bao-nhieu-chua-ba-vang/
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/ba-va-dht-03292019152628.html

Sân bay Sapa – Hội chứng sân bay tại Việt Nam lại tái phát

Trung Khang, RFA
Tỉnh Lào Cai đề nghị ngân sách chính phủ hỗ trợ hơn 3.000 tỷ xây sân bay Sapa.
Sapa có thật sự cần một sân bay?
Cụ thể Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai trong văn bản đề xuất Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận đầu tư sân bay Sapa cho biết, việc đầu tư xây dựng cảng hàng không Sapa là cần thiết và phù hợp các quy hoạch về phát triển vận tải hàng không hướng đến năm 2030 của chính phủ.
Tin cho biết, dự án xây dựng sân bay Sapa dự kiến có công suất từ 2,5 đến 3 triệu khách mỗi năm, đón được máy bay Airbus A320, A321 hoặc tương đương, tổng mức đầu tư lên tới hơn 5.900 tỷ đồng.
Trong đề án, dự kiến sân bay Sapa sẽ được xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Diện tích sử dụng đất là 371 ha.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 29/3, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định:
Tôi thấy xây sân bay Sapa là chưa cần thiết, bởi vì xây một sân bay như vậy thì thời gian hoàn vốn là bao nhiêu? Và số khách dự kiến đến đó là bao nhiêu?
-TS. Lê Đăng Doanh
“Tôi thấy xây sân bay Sapa là chưa cần thiết, bởi vì xây một sân bay như vậy thì thời gian hoàn vốn là bao nhiêu? Và số khách dự kiến đến đó là bao nhiêu? Tất cả những cái đó phải đưa vô một dự án tiền khả thi để tính toán. Hiện nay tình hình ngân sách đang căng thẳng, tôi không nghĩ là sân bay Sapa là một ưu tiên cấp bách đối với một nền kinh tế.”
Việt Nam hiện nay đã có khá nhiều sân bay, nhiều cái chưa sử dụng hết. Sau năm 1975, những sân bay mà người Mỹ đã xây và để lại hiện nay vẫn chưa sử dụng hết. Do đó Tiến sĩ
Lê Đăng Doanh cho rằng phải xem xét sân bay đó có thật sự cần thiết hay không, trong tình hình ngân sách vẫn đang eo hẹp và căng thẳng.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đỗ Nguyên Khoát, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học & Công nghệ Hàng không Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, khi trao đổi với chúng tôi hôi 29/3, đưa ra nhận định:
“Việc xây dựng sân bay thì phải có luận chứng, cũng như một công trình xây dựng bình thường, phải khảo sát, sự cần thiết, hiệu quả như thế nào? Ảnh hưởng của nó như thế nào đối với đời sống? Khi mình làm thì bao giờ người ta cũng đặt ra những câu hỏi như thế. Vấn đề là mình chứng minh được nó hiệu quả, nó có cần thiết, và nếu không làm cái đó thì nó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội thế nào? Cái gì cũng vậy thôi, khi mình muốn làm thì lập tức phải trả lời những câu hỏi đấy. Mình phải có số liệu và trả lời được những cái đó, thì người xem xét phê duyệt mới đồng ý được. Chứ còn ông cứ đề xướng ra mà ông không chứng minh được thì chắc là chả ai duyệt, chả ai người ta công nhận.”
Giáo sư Đỗ Nguyên Khoát cho rằng, việc này phải tính toán cho rõ ràng cụ thể, nếu không đi máy bay thì đi bằng đường bộ, do đó phải tính toán nếu từ khoảng cách như thế đi đường bộ lợi hơn thì không nên làm sân bay nữa. Còn nếu tính toán thấy đi máy bay lợi hơn thì cần một sân bay. Theo ông, việc này cũng không có một công thức đúng cho tất cả các nước, tất cả các vùng, mà phải rất cụ thể với hoàn cảnh kinh tế xã hội của đất nước.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, vốn đầu tư xây dựng sân bay Sapa sẽ do ngân sách Trung ương hỗ trợ 3.088 tỷ đồng để xây dựng khu bay như đường băng, sân đỗ và đường trục vào cảng hàng không. Vốn ngân sách tỉnh Lào Cai là 910,6 tỷ đồng trong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư và rà phá bom mìn.
Ngoài ra, vốn do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là 131 tỷ đồng và vốn kêu gọi nhà đầu tư là 1.772 tỷ đồng để xây dựng khu hàng không dân dụng và kho nhiên liệu hàng không.
Ở Việt Nam có một xu hướng là tỉnh nào cũng muốn có sân bay, địa phương nào có biển thì cũng muốn xây cảng. Tuy nhiên, luật đầu tư công có nêu rõ, nếu nguồn lực có hạn, thì vấn đề kêu gọi vốn xã hội hóa để đầu tư phải xem xét có hiệu quả và có cần thiết không? Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, trong bối cảnh hiện nay thì nguồn vốn ở đâu? Mà xã hội hóa thì ai sẽ đầu tư? Vấn đề đó cần xem xét một cách thận trọng.
Giáo sư Đỗ Nguyên Khoát nhận định:
Ông nào cũng muốn thời gian mình làm cán bộ mở mang việc này việc kia, nhưng vấn đề ai trả nợ công trình ấy, ai theo dõi từ đầu chí cuối mà thu, tính toán hiệu quả công trình ấy? Thì lại là nhân dân.
-GS. Đỗ Nguyên Khoát
“Thường các ông lãnh đạo tỉnh hay thích có sân bay, vì giao thông là mạch máu, mà mạch máu lưu thông tốt thì kinh tế ở đấy có thể phát triển. Cho nên ông nào cũng thích, nhưng các ông làm theo nhiệm kỳ, không phải làm suốt đời, ông không phải lo suốt đời, ông chỉ thích có sân bay để phục vụ nhiệm kỳ ông ấy tốt, thì ông có lợi. Còn sau này tính toán ra không hiệu quả thì ông về hưu rồi, là tâm lý nhiệm kỳ, ông nào cũng muốn thời gian mình làm cán bộ mở mang việc này việc kia, nhưng vấn đề ai trả nợ công trình ấy, ai theo dõi từ đầu chí cuối mà thu, tính toán hiệu quả công trình ấy? Thì lại là nhân dân. Chứ còn các ông ấy nhiều khi lãnh đạo chừng vài năm lại về hưu. Ngoài ra mình chưa nói đến khả năng tiêu cực, ông có nhiều công trình thì ông cũng có lợi. Ông có nhiều công trình thì có nhiều đầu tư vào, thì ông cũng có cái lợi nhất định, nhất là nếu tiêu cực thì càng có lợi cho ông ấy.”
Ngoài việc tỉnh nào của Việt Nam cũng muốn có sân bay, địa phương nào có biển thì cũng muốn xây cảng biển, thì các công ty hàng không tại Việt Nam cũng làm nhiều người đặt câu hỏi khi liên tục nhiều công ty hàng không ký hợp đồng hàng chục tỷ USD, để mua hàng chục thậm chí hàng trăm máy bay thương mại…
Cụ thể trong năm 2018, các hãng hàng không của Việt Nam đã ký các hợp đồng lên đến 18,3 tỉ USD mua máy bay của Mỹ. Vào tháng 2 năm 2019, Vietjet Air cũng đã ký hợp đồng mua 100 tàu bay 737 MAX trị giá 12,7 tỷ USD theo giá niêm yết của nhà sản xuất. Mới nhất là vào ngày 29/3/2019 một hãng hàng không khác của Việt Nam là Bamboo Airways đã chi 6,3 tỷ USD để mua 26 máy bay A321 Neo của Airbus…
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng tư duy của tất cả các tỉnh ở Việt Nam đều muốn có sân bay quốc tế và cảng nước sâu, là một biểu hiện không hay. Bởi vì hạ tầng kết nối đầu tư phải trong
phạm vi hợp lý, nhưng vẫn tạo ra kết nối trong phạm vi cả nước. Ông cho rằng phải xem xét thật kỹ trên nguyên tắc địa kinh tế để đưa ra quyết định cuối cùng.
Ngoài ra cũng cần phải xem xét việc xây dựng sân bay sẽ gây lãng phí về đất đai, lãng phí về địa lý, bởi vì theo Ông, đất đai đó dùng làm sân bay thì có thể dùng vào việc khác. Ví dụ như xây dựng một khu du lịch thì có thể đem lại hiệu quả nhiều hơn chẳng hạn.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-sapa-need-an-airport-03292019141652.html

Việt Nam tuyên bố nỗ lực hết sức

để Đoàn Thị Hương được tự do

Việt Nam đang tăng cường các nỗ lực để giúp trả tự do cho Đoàn Thị Hương, một trong hai phụ nữ bị nghi đã tham gia giết hại Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.
Bốn ngày trước phiên xử tiếp theo của Hương tại Malaysia, Bộ Ngoại giao Việt Nam (BNG) tuyên bố sẽ “tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo hộ ngoại giao, lãnh sự và pháp lý ở mức cao nhất để đảm bảo công dân Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng, khách quan và được trả tự do.”
Người phát ngôn BGN Lê Thị Thu Hằng nói như vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng Hương được trả tự do ở phiên tòa, dự kiến tổ chức vào ngày 1/4, trong một buổi họp báo thường kỳ tại Hà Nội hôm 28/3.
Hương bị cáo buộc giết hại Kim Jong Nam bằng chất độc thần kinh VX tại sân bay Kuala Lumpur năm 2017. Người cùng bị cáo buộc với nghi phạm Việt Nam – Siti Aisyah của Indonesia – bất ngờ được trả tự do hồi đầu tháng này sau khi các công tố viên rút lại cáo buộc sát hại sau khi chịu sức ép từ chính phủ Jakarta.
Sau đó, Hà Nội yêu cầu hủy bỏ cáo buộc đối với Hương nhưng bị phía Malaysia từ chối khiến Việt Nam giận giữ.
Theo luật sư của Hương, nghi phạm Việt Nam bị suy sụp tinh thần kể từ khi Aisyah được tha bổng cách đây 2 tuần.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin sức khỏe hiện nay của Hương, bà Hằng cho biết “Bộ Ngoại giao Việt Nam và các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao thường xuyên giữ liên hệ với Đại Sứ quán Việt Nam tại Malaysia.”
Người phát ngôn BNG nói Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã “ba lần thăm lãnh sự đối với công dân Đoàn Thị Hương kể từ ngày 11/3/2019 để động viên, thăm hỏi sức khỏe và giúp Hương ổn định tâm lý cho phiên tòa sắp tới.”
Theo bà Hằng, ĐSQ Việt Nam “cũng đang thu xếp lần thăm lãnh sự tiếp theo trước khi phiên tòa diễn ra vào ngày 1/4.”
Trả lời câu hỏi liệu có quan chức cấp cao nào của Việt Nam sẽ tham dự phiên tòa xét xử vào tuần sau, người phát ngôn BNG nói “trong hơn 20 phiên tòa xét xử công dân Đoàn Thị Hương đều có sự tham gia của đại diện Đại Sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia.”
Các luật sư của nghi phạm 30 tuổi đã hai lần đệ đơn lên tổng chưởng lý của Malaysia để tìm cách giúp Hương được trả tự do, và vào ngày 1/4 các công tố viên dự kiến sẽ công bố quyết định của tòa án.
Cả Hương và Aisyah đều phủ nhận tội giết người và khẳng định họ đã bị các điệp viên Bắc Triều Tiên lừa để ám sát ông Kim cũng như tin rằng đó là một trò diễn cho một chương trình truyền hình thực tế.
Nghi phạm Việt Nam giờ đây là người duy nhất bị xét xử vì tội giết người, và có thể phải đối mặt với án tử hình nếu bị kết án. Luật sư của cô nói rằng cô là một vật tế thần và những kẻ chủ mưu là bốn người Bắc Triều Tiên đã trốn khỏi Malaysia ngay sau vụ ám sát.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-tuyen-bo-no-luc-het-suc-de-doan-thi-huong-duoc-tu-do/4854014.html

Công khai: Thiếu công, thừa… khai!

Thiên Hạ Luận
Scandal liên quan đến gian lận ở Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2018 vừa được hâm nóng. Tuy cuộc điều tra kéo dài đã chín tháng nhưng giới hữu trách chỉ công bố một phần kết quả điều tra…
Dù vẫn khẳng định không có vùng cấm nhưng các viên chức hữu trách vừa tạo ra vùng… CÂM. Cam kết sẽ loan báo công khai kết quả điều tra hiện chỉ mới thấy nửa sau là… KHAI tới mức công chúng không chịu nổi!
***
Tháng 7 năm ngoái, sau khi Bộ Giáo dục – Đào tạo (Bộ GDĐT) công bố kết quả Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2018, công chúng phát giác điểm của nhiều thí sinh ở Hà Giang cao bất thường. Sau khi “rà soát”, Bộ GDĐT thừa nhận, có ít nhất 330 bài thi bị sửa để nâng điểm cho 114 thí sinh.
Người ta tin rằng, những thí sinh được sửa bài, nâng điểm nếu không phải là con, cháu giới “đầy tớ” ở Hà Giang thì cũng là con, cháu của những doanh nhân có máu mặt ở tỉnh này. Bước đầu, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, Bí thư tỉnh Hà Giang, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Giang, công khai than “buồn” khi cả con lẫn cháu của đồng chí nằm trong số 114 thí sinh mà đồng chí bảo là “bị” sửa điểm!
Chuyện chưa ngừng ở đó! Sau Hà Giang, công chúng và báo giới tiếp tục trưng ra những bằng chứng cho thấy, gian lận trong chấm thi Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2018 còn xảy ra ở Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn. Bộ GDĐT và Bộ Công an lại tất tả “rà soát”. Bước đầu, đã xác định được ở Sơn La có “sáu sai phạm lớn trong tổ chức thi”…
***
Kể từ tuần trước, Bộ Công an rồi Bộ GDĐT tuần tự công bố kết quả điều tra gian lận Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2018. Ở Sơn La đã xác định được có 97 bài thi được sửa đê nâng điểm cho 44 thí sinh. Có bài thi được nâng tới 9 điểm. Có thí sinh được cho thêm 26,55 điểm/30 điểm! Ở Hòa Bình đã xác định được có 140 bài thi bị sửa để nâng điểm cho 56 thí sinh. Có bài thi được nâng tới 9,25 điểm. Có thí sinh được cho tới 26,45 điểm/30 điểm!..
Chuyện lại cũng chưa ngừng ở đó! Trong khi đại diện Bộ Công an lấp la, lấp lửng đang tiếp tục làm rõ thì ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình, mở hàng cho ngành GDĐT bằng tuyên bố, cơ quan của ông chủ trương không tiết lộ danh tính của các thí sinh được nâng điểm, cũng như không loan báo danh sách các thí sinh ở tỉnh Hòa Bình trúng tuyển vào các trường của công an, quân đội trong đợt tuyển sinh năm ngoái.
Sau ông Đắc, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng của Bộ GDĐT, bảo rằng, việc công bố danh tính thí sinh được nâng điểm phải tuân thủ Hiến pháp, Luật Dân sự và có công bố hay không, công bố đến đâu, công bố vào thời điểm nào sẽ do Bộ Công an quyết định. Ông Trinh thề là Bộ GDĐT không dung túng, không bao che, rất quyết liệt nhưng thỏ thẻ với công chúng là công bố tên các thí sinh được nâng điểm có thể… tác động cực đoan!
Tâm tình của ông Trinh đã làm công chúng sôi sùng sục, chỉ trích không chỉ dậy lên trên mạng xã hội mà còn lan rộng ở các diễn đàn của hệ thống truyền thông chính thức. Quỳnh Nga, một độc giả của báo điện tử VietNamNet, cho rằng, đó là sự bao biện cho dối trá để tước đoạt cơ hội của những đứa trẻ khác. Hãy nghĩ đến tình trạng cực đoạn của triệu triệu công dân khi thấy Bộ GDĐT chăm chăm lo cho những cá nhân cố tình vi phạm pháp luật (1).
Theo hướng đó, độc giả Đỗ Quang nhận định, cần xem lại lối tư duy của Bộ GDĐT, tại sao chống cái xấu mà lại sợ… cực đoan. Tư duy nghẽn tắc như thế thì làm sao hành xử sáng láng, minh bạch được? Tương tự, độc giả Quang Vinh thắc mắc, danh tính những thí sinh được nâng điểm có thuộc phạm trù phải bảo mật theo qui định pháp luật không? Nếu không thì phải công khai bởi tất cả đều phải “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” mà!
Trên diễn đàn của báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, độc giả Nguyen Van Giang nhấn mạnh, bản chất sửa bài thi, nâng điểm là tham nhũng do đó phải công khai danh tính những người vi phạm. Không công khai là bao che cho vi phạm và là một dạng vi phạm pháp luật khác. Ỉm danh tính những thí sinh được nâng điểm là bất công với những thí sinh lương thiện mất cả tương lai vì gian lận. Độc giả Nguyễn Vinh cũng xem scandal sửa bài, nâng điểm là đưa – nhận nên phải công bố cả danh tính thí sinh lẫn phụ huynh.
Hoàng Sa, một độc giả khác của diễn đàn luận bàn về việc Bộ GDĐT muốn lờ đi trách nhiệm công bố danh tính những thí sinh đã được nâng điểm trên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, nửa đùa, nửa thật: Bộ GDĐT nhân văn quá, nhân văn đến… đến không thể chịu được! Hoàng Sa lưu ý: Công khai danh tính của các thí sinh được nâng điểm không những chỉ ảnh hưởng đến tương lai tiền đồ của các cháu mà còn ảnh hưởng đến cả… bố các cháu nữa ấy chứ (2)!
Trong nhận thức công chúng, bao gồm cả độc giả tham gia diễn đàn của hệ thống truyền thông chính thức lẩn người dùng mạng xã hôi Việt ngữ, “bố các cháu” mới là tác nhân chính khiến Bộ GDĐT, Bộ Công an ngần ngừ trong việc công bố danh sách thí sinh được nâng điểm và bất kể chín tháng đã qua, vẫn lấp la, lấp lửng trong việc bạch hóa quá trình tìm kiếm – xử lý những cá nhân đã tác động đến các viên chức hữu trách để những viên chức nào sắp đặt kế hoạch, tổ chức sửa bài, nâng điểm cho thí sinh.
Sau khi Lệ Cam Trần bỡn cợt trên trang facebook của cô rằng, nếu sợ những thí sinh được nâng điểm bị tổn thương, sao không công bố danh sách phụ huynh (?), vài chục thân hữu của cô đã xúm vào can vì đó là… xúi bậy! Vũ Long giải thích, công bố danh sách phụ huynh mua điểm cho con có thể khiến các vị đó cảm thấy quê với đồng bào, rồi họ xin… từ chức thì lấy ai… phục vụ nhân dân. Quang Tran nhìn thấy một khía cạnh… bậy bạ khác của đề nghị công bố danh sách phụ huynh những thí sinh được nâng điểm: Phụ huynh các em đều là “thú dữ”, có cả quyền lẫn tiền! Tỉnh nào công khai, tỉnh đó sẽ loạn vì… đánh nhau (3)!
Chú thích
(1) https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/bo-giao-duc-co-cong-bo-danh-sach-thi-sinh-lien-quan-gian-lan-diem-thi-thpt-quoc-gia-516172.html
(2) http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Khong-cong-khai-danh-tinh-thi-sinh-duoc-nang-diem-Bo-Giao-duc-noi-gi-post196870.gd
(3) https://www.facebook.com/lecam.tran.3/posts/1243219089175750
https://www.voatiengviet.com/a/diem-thi-ha-giang-thua-cong-thieu-khai/4853552.html

‘Đối tác chiến lược Việt – Đức’ lại sụp đổ?

Phạm Chí Dũng
Thậm chí báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam – còn không thèm đưa một mẩu tin nào ngay sau khi diễn ra sau cuộc gặp giữa thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier vào chiều ngày 25 tháng 3 năm 2019 tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội, trong lúc vẫn đưa bản tin “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc” mà về mặt ngoại giao và chính trị là không thể quan trọng bằng cuộc gặp Phúc – Altmaier.
Trước đó ít ngày, hệ thống tuyên giáo và báo chí nhà nước đã mở một đợt tuyên truyền khấp khởi hy vọng về ‘làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược Việt – Đức’, hay chân thật hơn thì hé môi về ‘phục hồi quan hệ đối tác chiến lược Việt – Đức’, đồng thời ra sức cổ vũ cho tín hiệu bật đèn xanh của Bộ trưởng Đức Peter Altmaier về ‘Đức thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam).
‘Ăn không được thì đạp đổ’
Chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier vào tháng Ba năm 2019 được phía Việt Nam kỳ vọng là một dấu mốc về sự khởi về ‘phục hồi quan hệ ngoại giao và kinh tế’ giữa Berlin và Hà Nội, kể từ khi bùng nổ vụ Nhà nước tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng 7 năm 2017 và kéo theo phản ứng phẫn nộ và mạnh mẽ hiếm thấy: Đức thẳng tay tạm ngừng Quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 9 cùng năm đó, tiếp đến đình chỉ hiệp định miễn visa cho cán bộ ngoại giao Việt Nam đi công tác ở Đức, đồng thời hoãn hoặc hủy bỏ hàng loạt chương trình viện trợ kinh tế cho chính thể độc đảng ở Việt Nam.
Nhưng bây giờ thì chẳng còn gì trên mặt báo đảng và mặt mũi giới chóp bu Việt Nam. Tất cả vụt biến mất như một thế giới ảo ảnh được dựng nên bởi những động cơ băng hoại.
Sự im lặng tàn nhẫn và quay quắt của những tờ báo đảng Việt Nam sau cuộc gặp Nguyễn Xuân Phúc – Peter Altmaier càng làm lộ ra bằng chứng về não trạng và thói hành xử ‘ăn không được thì đạp đổ’ của giới quan chức cao cấp và thực dụng đến mức quắt quay ở Việt Nam.
Điều gì đã xảy ra?
Trịnh Xuân Thanh và nhân quyền!
Trang Thoibao.de cho biết Bastian Hartig – phóng viên của đài Deutsche Welle tháp tùng phái đoàn Bộ trưởng Altmaier – đã viết trên Twitter: “Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nói, Chính phủ Đức hy vọng rằng các sự cố đã làm xấu đi mối quan hệ sẽ không lặp lại, đó là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”.
Ngoài ra trong một bài tường thuật, phóng viên David Zajonz của đài phát thanh Đức MDR đưa tin, ngoài vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Bộ trưởng Altmaier còn đề cập đến vấn đề nhân quyền trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Trích dịch bài tường thuật (từ phút thứ 1:43):
“Tham nhũng cũng là một đề tài lớn. Vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ giữa hai nước không phải là kinh tế, mà là vụ bắt cóc ngoạn mục Trịnh Xuân Thanh trên nước Đức bởi mật vụ Việt Nam ở giữa đường phố Berlin. Trịnh Xuân Thanh ngồi tù ở Việt Nam gần 2 năm nay. Hậu quả là một thời kỳ băng giá trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tình hình nhân quyền ở Việt Nam nói chung là xấu”.
Trước chuyến đi Việt Nam của Bộ trưởng Altmaier, các Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức thuộc Đảng Xanh đã yêu cầu Bộ trưởng Altmaier nỗ lực cho nhân quyền. Tại Việt Nam ông Altmaier đã đề cập đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nói về một giai đoạn khó khăn trong quan hệ giữa hai nước. “Dĩ nhiên tôi cũng đã nói chuyện về những vấn đề giữa hai nước. Nhân quyền đóng một vai trò quyết định trong chính sách của nước Đức, bất kể là nhân quyền ở nước nào. Tôi đã nêu rõ điều đó với đối tác hội đàm“, Bộ trưởng Altmaier nói”…
Lại sụp đổ ‘Đối tác chiến lược Việt – Đức’
Trịnh Xuân Thanh và nhân quyền lại là những khúc xương mà chính thể độc đảng ở Việt Nam hoàn toàn không muốn phải nuốt, ít ra cho tới thời điểm này.
Điều trơ trẽn đến sống sượng là trong khi Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phải đi điều đình ở Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh vào tháng 2 năm 2019 và đoàn Việt Nam im như thóc tại cuộc đối thoại nhân quyền với EU (Liên minh châu Âu) vào tháng 3 năm 2019, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp những tiếng nói bất đồng, đàn áp người dân.
Còn việc chính quyền Việt Nam và dàn dồng ca báo đảng gần như im bặt sau cuộc gặp Nguyễn Xuân Phúc – Peter Altmaier đã cho thấy những hứa hẹn (nếu có) của Phạm Bình Minh khi sang Đức về ‘sẽ trả Trịnh Xuân Thanh’ vẫn chỉ là một thủ thuật ‘hứa cuội’ nhằm câu giờ – mục tiêu khiến cho người Đức mệt mỏi mà phải ‘buông’ vấn đề Trịnh Xuân Thanh và phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Thêm một lần nữa Phạm Bình Minh bị mất mặt với Đức, sau khi Bộ Ngoại giao của ông ta đã ‘hứa cuội’ nhiều lần suốt từ những tháng cuối năm 2017 cho đến nay.
Việc Bộ trưởng Altmaier đề cập một cách thẳng thừng đến vấn đề Trịnh Xuân Thanh với Thủ tướng Phúc cũng cho thấy phía Đức vẫn kiên định và quyết liệt bảo lưu quan điểm đòi hỏi những kẻ bị tố cáo gây ra vụ bắt cóc Thanh phải tôn trọng tinh thần nhà nước pháp quyền của Đức, chứ không phải Đức tìm cách ‘bảo kê’; cho một quan chức đầy rẫy tì vết tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh.
Nhưng đã thêm một lần nữa người Đức bị ‘lừa’ bởi những lời ngon ngọt nhưng chẳng có gì bảo chứng, và đã cử Bộ trưởng Altmaier đến Việt Nam, với kết quả không phải để bàn luận về ‘quan hệ hợp tác song phương’ mà chỉ thuần túy là người truyền đạt thông điệp của phía Đức mà chẳng nhận được phản hồi đáng tích cực nào từ phía Nguyễn Phú Trọng – nhân vật được xem là ‘tác giả’ vụ Trịnh Xuân Thanh.
Hẳn đó là lý do mà ngoài chương trình tham dự lễ khánh thành Ngôi nhà Đức ở Sài Gòn – một công trình mang tính biểu tượng ‘quan hệ hữu nghị Đức- Việt’, Bộ trưởng Altmaier đã không hề đả động gì đến tương lai phục hồi Quan hệ đối tác chiến lược Đức- Việt, phục hồi các chương trình viện trợ kinh tế cho Việt Nam, cũng không hứa hẹn một từ ngữ nào về ‘sẽ hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy nhanh tiến độ EVFTA’. Thái độ im lặng đầy chủ ý có qua có lại ấy đã một lần nữa mang đến nỗi thất vọng ngập ngụa cho Nguyễn Xuân Phúc nói riêng và Bộ Chính trị của ông ta nói chung.
‘Ăn không được thì đạp đổ’ – việc báo Nhân Dân không thèm đăng mẩu tin nào về cuộc gặp Phúc – Altmaier, cái thói xấu xa và sẵn sàng chơi bẩn ấy của quan chức Việt lại rất đồng điệu với sự ‘mất tích’ của Phạm Bình Minh tại lễ khánh thành Ngôi nhà Đức, dù thư mời được gửi từ vài tuần trước đã ghi rõ lễ khánh thành này sẽ diễn ra với sự hiện diện của Bộ trưởng Kinh tế Altmaier và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Mịt mù EVFTA
Không chịu trả Trịnh Xuân Thanh, không chịu cam kết về cải thiện nhân quyền và không nhận được sự ủng hộ của Đức – quốc gia không chỉ là đầu tàu về chính trị và kinh tế của khối Liên minh châu Âu (EU) mà Chính phủ và Quốc hội Đức còn chiếm vai trò quyết định trong khối này khi xem xét quyết định có cho chính thể Việt Nam được hưởng EVFTA hay là không, chính thể độc đảng ở Việt Nam thực sự đang rơi vào tình thế cực kỳ bế tắc đối với bản hiệp định tưởng đâu thuộc loại ‘ăn sẵn’ này, mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng để cứu vãn nền kinh tế và ngân sách đang lao xuống đáy vực thâm thủng ngoại tệ trong khi vẫn phải trả nợ từ 10 – 12 tỷ USD nợ nước ngoài hàng năm.
Trong dĩ vãng rất gần, não trạng chủ quan duy ý chí và coi thường tinh thần nhà nước pháp quyền châu Âu của giới chóp bu Việt Nam đã bị giáng một đòn choáng váng đến không thốt nên lời: sau khi đã tưởng nuốt trôi Hiệp định EVFTA và chỉ còn xoa tay chờ ngày ký kết và phê chuẩn chính thức, một cơn cay cú đến lồng lộn không thể diễn tả bằng những văn từ bình thường đã ập đến với Trọng và bộ sậu của ông ta, khi vào tháng 2 năm 2019 Hội đồng châu Âu đã tuyên bố hoãn vô thời hạn việc ký kết và phê chuẩn EVFTA, với nguồn cơn thực chất được hiểu là vô số vi phạm nhân quyền trầm trọng của Việt Nam mà cho tới thời điểm đó, và cả tới lúc này, vẫn chưa có được bất kỳ một cải thiện nào có thể nhìn thấy, sờ thấy và chứng minh được.
https://www.voatiengviet.com/a/trinh-xuan-thanh-quan-he-viet-duc/4853546.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?