Nhật Bản tặng tàu tuần tra hỗ trợ Indonesia tăng cường năng lực chấp pháp trên Biển


Nhật Bản (14/2) đã tặng tàu tuần tra biển Hakurei Maru cùng quỹ bảo trì và các thiết bị trị giá 2,2 tỷ yen cho phía Indonesia nhằm cải thiện khả năng của cơ quan có thẩm quyền trong việc tiến hành tuần tra các hoạt động đánh bắt trên biển.

Theo thông tin trên, Vụ trưởng châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Santo Darmosumarto và Đại sứ Nhật Bản tại Indonesia Masafumi Ishii đã ký kết biên bản giao nhận tàu tuần tra biển Hakurei Maru. Tàu tuần tra Hakurei Maru được đóng vào năm 1993. Nó có chiều dài 63,37m, trọng tải theo tiêu chuẩn quốc tế là 741 tấn và có thể chở tối đa 29 người.
Phát biểu tại buổi lễ, Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Nhật Bản tại Jakarta Shimizu Kazuhiko nhấn mạnh Indonesia bị thiệt hại do nạn đánh bắt cá bất hợp pháp song Bộ Biển và Nghề cá của nước này lại không có tàu nào có khả năng tuần tra trên biển. Chính vì vậy, Nhật Bản quyết định trao tặng tàu tuần tra cho phía Indonesia nhằm cải thiện khả năng của cơ quan có thẩm quyền trong việc tiến hành tuần tra các hoạt động đánh bắt trên vùng biển của mình, góp phần duy trì ổn định kinh tế-xã hội và tăng phúc lợi cho người dân. Theo ông Kazuhiko, sau tháng Ba tới, phía Nhật Bản sẽ đào tạo về sửa chữa, sử dụng và điều khiển tàu cho thủy thủ đoàn Indonesia. Tàu sẽ chính thức được bàn giao cho Bộ Biển và Nghề cá Indonesia vào năm 2021. Ông Kazuhiko cũng cho biết đây là lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản bàn giao tàu tuần tra cho một quốc gia khác. Sự hợp tác này nằm trong khuôn khổ các nỗ lực của Tokyo nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật trong vùng biển Indonesia, đồng thời góp phần hiện thực hóa chiến lược “Ấn Độ Dương tự do và cởi mở”.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp can dự vào vấn đề Biển Đông nhằm thực hiện được mục tiêu của mình đối với khu vực Biển Đông. Các mục tiêu đó là đảm bảo sự ổn định, hòa bình, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế. Trong đó, Indonesia là một trong những nước được Nhật Bản hỗ trợ về tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển. Theo đó, Nhật Bản và Indonesia (12/2016) đã thoả thuận thành lập Diễn đàn Biển Nhật Bản - Indonesia. Theo đó, hai bên sẽ củng cố hợp tác hải quân hai nước và Nhật Bản sẽ giúp Indonesia phát triển các đảo xa bờ nhằm củng cố năng lực bảo vệ vùng biển cho Indonesia. Tháng 9/2017, sau cuộc gặp của cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Abe với Bộ trưởng Nghề cá Indonesia, hai bên đã thảo luận cụ thể 6 khu vực hợp tác biển trong đó bao gồm quần đảo Natuna chồng lấn với “đường lưỡi bò”. Các lĩnh vực Nhật Bản đồng ý trợ giúp cho Indonesia bao gồm xây dựng các cảng cá, đóng các tàu tuần tra biển, tàu đa chức năng và xây dựng hệ thống rada và vệ tinh biển nhằm phát hiện các tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển của Indonesia. Hai nước cũng đã ký hiệp định triển khai các hoạt động hỗ trợ của Nhật Bản đối với Indonesia.
Ngoài Indonesia, Nhật Bản còn hỗ trợ cho một số nước trong khu vực. Với Việt Nam, khi chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản (3/2014), hai nước đã ký Hiệp định Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, trong đó có điều khoản Nhật Bản sẽ tăng cường hỗ trợ năng lực cho các cơ quan chấp pháp trên biển của Việt Nam. Kể từ đó cho đến nay đã có nhiều hoạt động triển khai hỗ trợ năng lực trên biển của Nhật Bản cho Việt Nam. Ngay sau đó, trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida, Nhật Bản đã tuyên bố sẽ hỗ trợ ODA không hoàn lại 6 tàu tuần tra biển cho Việt Nam. Các tàu tuần tra này có trọng tải từ 600-800 tấn và sẽ được Việt Nam sử dụng cho mục đích tuần tra trên biển. Nhật Bản thậm chí cũng đề nghị hỗ trợ thêm các tàu tuần tra mới cho Việt Nam. Ngoài ra, Nhật Bản thực hiện nhiều hoạt động trao đổi hỗ trợ đào tạo cho cán bộ quốc phòng Việt Nam. Với Philippines, từ năm 2011 dưới thời cầm quyền của Tổng thống Aquino, Nhật Bản và Philippines đã có các thoả thuận về hợp tác an ninh bảo vệ đường biển, trong đó có đường biển tại Biển Đông. Theo đó, hai bên tăng cường hợp tác về hải quân và cảnh sát biển. Năm 2013, trong chuyến thăm Philippines của Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng Kishida đã nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược với Philippines và cam kết hỗ trợ Philippines trong việc đối phó với các tranh chấp ngày càng tăng lên với Trung Quốc ở Biển Đông xoay quanh sự kiện Trung Quốc chiếm bãi Scarborough năm 2012. Tháng 7/2013, trong chuyến thăm Philippines, Thủ tướng Nhật Abe đã cam kết hỗ trợ Philippines 10 tàu tuần tra thông qua hình thức hỗ trợ ODA nhằm củng cố năng lực cho lực lượng cảnh sát biển của Philíppin. Theo nguồn tin công khai, Philippines đã nhận được chiếc tàu tuần tra đầu tiên trong 10 chiếc tàu này vào tháng 8/2016. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đồng ý viện trợ cho Philippines hai tàu tuần tra cỡ lớn dài 90m. Trước đó, Nhật Bản (6/2016) cũng đã ký hiệp định chuyển giao cho Philippines 05 máy bay tuần tra TC-90 đã hết hạn sử dụng ở Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực tuần tra trên biển cho Manila.
Nhìn chung, Nhật Bản hỗ trợ Indonesia cũng như các nước trong khu vực nâng cao năng lực thực thi trên biển tập trung vào hai mảng chính là hỗ trợ trang thiết bị phần cứng như tàu tuần tra, máy bay tuần tra và hỗ trợ phần mềm như đào tạo, huấn luyện kỹ năng cho cán bộ chấp pháp biển. Việc hỗ trợ trên xuất phát từ các nước trong khu vực đang còn thiếu kể cả về số lượng cũng như chất lượng các trang thiết bị phục vụ cho tuần tra bảo vệ an ninh biển, nhất là do nhu cầu nâng cao năng lực chấp pháp biển càng tăng lên do nhu cầu phát triển kinh tế biển và quản lý các hoạt động trên biển của các nước. Bên cạnh đó, xu thế số lượng tàu cá nước ngoài hoạt động đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của các nước ngày càng tăng lên; Trung Quốc tiếp tục áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đơn phươngtrên Biển Đông…
Trong xu thế vừa hợp tác vừa cạnh tranh và vừa kiềm chế lẫn nhau, việc Nhật Bản hỗ trợ năng lực thực thi hàng hải cho các nước trong khu vực sẽ có những tác động nhất định đối với Trung Quốc trên nhiều góc độ khác nhau. Theo đó, vấn đề Biển Đông là một trong những yếu tố tác động đến lòng tin chính trị giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN. Việc giải quyết vấn đề Biển Đông một cách công bằng, hợp lý sẽ trở thành mắt xích quan trọng để hai bên tăng cường lòng tin chính trị và triển khai quan hệ hợp tác an ninh trong khuôn khổ Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc - ASEAN. Để giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, Trung Quốc đã đưa ra tư tưởng tiếp cận kép với nội dung: Tranh chấp cụ thể do các nước trực tiếp liên quan giải quyết hòa bình thông qua đàm phán, hiệp thương dựa trên cơ sở tôn trọng sự thực lịch sử và luật pháp quốc tế; ổn định, hòa bình Biển Đông do Trung Quốc và các nước ASEAN cùng chung sức bảo vệ. Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng đàm phán song phương. Chính sách của Nhật Bản đã tạo ra sự tương phản với chính sách của Trung Quốc. Theo nhận xét của nhiều giới quan sát, Nhật Bản đã sử dụng thành công Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc, làm nổi bật bản chất chính sách “kẻ thắng người thua” với chiêu bài “cùng thắng” của Trung Quốc. Hiểu theo nghĩa đó, Nhật Bản đã thách thức Trung Quốc về mặt ngoại giao trên vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, là một cường quốc về công nghệ trên thế giới và là cường quốc biển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự giúp đỡ của Nhật Bản về trang bị và kỹ thuật quân sự cho các nước như Indonesia, Philippines, Việt Nam cũng như việc huấn luyện, tiến hành diễn tập quân sự chung sẽ tăng cường khả năng quân sự của các nước này, qua đó gia tăng áp lực quân sự đối với Trung Quốc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?