Tin khắp nơi – 24/02/2020

Tin khắp nơi – 24/02/2020

Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders giành chiến thắng

trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Nevada

Vào hôm thứ bảy (22 tháng 2), Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders giành chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử sơ bộ ở Nevada, củng cố vị thế của ông với tư cách là ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Trong khi ông Sanders giành được một chiến thắng mạnh mẽ, các ứng cử viên còn lại, gồm Joe Biden, Pete Buttigieg và Elizabeth Warren, vẫn đang tranh giành vị trí thứ hai để có thêm động lực trong cuộc bầu cử sơ bộ ở South Carolina và vào ngày Super Tuesday tới đây (3 tháng 3) – là ngày có số lượng tiểu bang tại Hoa Kỳ tổ chức tranh luận và bầu cử sơ bộ nhiều nhất trong mùa tranh cử.
Ông Sanders, 78 tuổi, đã thành công trong việc tập hợp những cử tri trung thành và giành được sự ủng hộ từ cộng đồng người gốc Latin đông đảo ở Nevada. Chiến thắng này tiếp tục chuỗi thành công mà ông Sanders giành được vào đầu tháng này tại tiểu bang New Hampshire. Trước đó, ông cũng suýt soát đoạt được vị trí cao nhất trong cuộc bầu cử sơ bộ Iowa, chỉ đứng sau Buttigieg, cựu thị trưởng của thành phố South Bend, Indiana. Tuy nhiên, chiến thắng của ông Sanders tại Nevada làm tăng thêm mối lo ngại của các nhà lãnh đạo Dân chủ về việc ông Sanders là người quá cực đoan để có thể đánh bại Tổng Thống Trump.
Ông Sanders trong nhiều thập niên đã kêu gọi cải cách chính sách để giải quyết sự bất bình đẳng trong chính trị và nền kinh tế, đặc biệt là chương trình y tế “Medicare for All”, thay thế hệ thống bảo hiểm tư nhân bằng một hệ thống đại chúng do chính phủ điều hành, và tiền học miễn phí cho bậc đại học. (BBT)
https://www.sbtn.tv/thuong-nghi-si-bernie-sanders-gianh-chien-thang-trong-cuoc-bau-cu-so-bo-o-nevada/

TT Mỹ Donald Trump đi Ấn Độ

nhằm tăng cường hợp tác quân sự song phương

Thụy My
Ngày 24/02/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump khởi đầu chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, kéo dài hai ngày. Ông Trump và phu nhân Melania được tưng bừng đón tiếp tại Ahmedabad, quê nhà của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với cuộc mít-tinh trên 100.000 người, và hàng ngàn người đón chào trong suốt lộ trình.
Sự kiện mang tên « Namaste Trump » (Xin chào ông Trump) nhằm đáp lễ cuộc mít-tinh lớn « Howdy Modi » tổ chức tại Houston, Texas nhân dịp thủ tướng Ấn đến Hoa Kỳ tháng Chín năm 2019.
Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis gởi về bài tường trình :
« Thành phố Ahmedabad đón tiếp tổng thống Mỹ như một hoàng đế : một loạt 28 tấm biển khổng lồ được triển khai trên nhiều kilomet dọc theo lộ trình của ông Donald Trump, trước khi 3.000 nghệ sĩ biểu diễn tại một sân vận động 110.000 người.
Thủ tướng Narendra Modi áp dụng chính sách ngoại giao nặng phần trình diễn mà ông đã nhiều lần dùng đến khi công du phương Tây, với mục đích kích thích tinh thần dân tộc của cử tri. Việc đón tiếp này còn nhằm hâm nóng quan hệ kinh tế giữa hai nước : Washington chỉ trích nhiều hàng rào thuế quan của Ấn Độ, và Mỹ đánh thuế vào nhôm thép nhập khẩu từ Ấn.
Ngược lại, hợp tác quân sự giữa hai bên tăng tiến : Hoa Kỳ trở thành nhà cung cấp vũ khí thứ nhì của Ấn Độ, và ngày mai (25/02) ông Donald Trump tại New Delhi sẽ ký hợp đồng bán 24 chiếc trực thăng tác chiến trị giá hơn 2 tỉ euro. Rõ ràng Ấn Độ là một đồng minh chiến lược của Mỹ, vốn đang tìm cách ngăn chận ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu Á. »
AFP cho biết thêm, dọc theo lộ trình ở Ahmedabad, có những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống ; bò, khỉ và chó hoang đều bị quét sạch trên các con đường trước khi ông Trump đến. Còn chính quyền thành phố Agra, nơi có ngôi đền Taj Mahal nổi tiếng, nơi Donald Trump đi thăm vào buổi chiều, đã cho đổ một lượng nước lớn xuống sông Yamuna chảy quanh đền này để làm bớt mùi khó chịu, do dòng sông bị ô nhiễm nặng.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200224-tt-my-donald-trump-duoc-nong-nhiet-don-tiep-tai-an-do

Yếu tố Trung Quốc

trong chuyến thăm của ông Trump tới Ấn Độ

Vineet KhareBBC Hindi
Ấn Độ chuẩn bị đón chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới nền dân chủ đông dân nhất thế giới vào hai ngày 24 và 25/2.
Hàng chục ngàn người dự kiến ​​sẽ xếp hàng trên đường phố để chào đón ông Trump tại thành phố Ahmedabad, bang Gujarat – bang nhà của Thủ tướng đương nhiệm nước chủ nhà, ông Narendra Modi.
Ấn Độ đẩy chuyện Kashmir đến chỗ không thể vãn hồi?
TQ sẽ ‘né’ các tranh chấp trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Tập?
Ấn Độ xóa bỏ quy chế đặc biệt của Kashmir
Ông Trump sẽ dự lễ khánh thành sân vận động cricket lớn nhất thế giới ở bang này, với sự tham gia của hơn 100 ngàn người. Sân vận động này dự kiến được đầu tư hơn 13 triệu đô la Mỹ.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ đang gặp nhiều khó khăn, với tỉ lệ thất nghiệp cao.
Ông Modi cũng đang đối mặt với những chỉ trích, ở cả trong và ngoài nước, về Quyết định xóa bỏ quy chế đặc biệt của khu vực Jammu và Kashmir, và đạo luật công dân gây tranh cãi mà theo đó nhanh chóng cấp quyền công dân cho người dân thuộc các cộng đồng tôn giáo thiểu số không theo đạo Hồi từ ba quốc gia láng giềng.
“Chuyến thăm này sẽ là một tin tức tốt lành cho ông ấy”, Tanvi Madan, giám đốc dự án nghiên cứu về Ấn Độ tại Viện nghiên cứu chính sách Brookings ở Washington, Hoa Kỳ, nhận định. “Ông ấy sẽ xuất hiện trong tấm ảnh chụp chung với một nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, có thể nói là vậy.”
Nhưng Ấn Độ vốn không được đề cập đến nhiều trong chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Vậy ông Trump, người vốn được cho là không thích thú gì lắm với các chuyến công du dài ngày, muốn đạt được những gì trong chuyến công du này?
1. Nhằm thu hút cử tri Mỹ gốc Ấn?
Chuyến thăm Ấn Độ được nhiều người xem là một chuyến công du thú vị, đến một đất nước nơi ông Trump dự kiến ​​sẽ không phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa, nhưng lại dễ dàng cho ông để giành được một số điểm cộng về chính trị trong nước.
Một trong những mục tiêu của chuyến đi là vẽ ra trước cử tri Mỹ một hình ảnh tốt đẹp về ông Trump khi ông tìm cách tái cử. “Các hình ảnh sẽ được sử dụng trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, để tạo ấn tượng rằng, vị Tổng thống này đang được hoan nghênh trên toàn thế giới”, bà Madan phân tích.
“Rằng ông ấy đã làm cho nước Mỹ vĩ đại và được tôn trọng, nhất là khi một số cuộc thăm dò cho thấy rằng, trên trường quốc tế, mức độ tôn trọng đối với Hoa Kỳ đã giảm xuống.”
Cử tri người Mỹ gốc Ấn có thể là nhóm được đặc biệt chú ý. Hiện có khoảng 4,5 triệu người gốc Ấn sống ở Mỹ, số lượng như vậy là tương đối nhỏ, nhưng họ lại là một lực lượng chính trị đang lên ở quốc gia này.
Cử tri người Mỹ gốc Ấn thường bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân chủ. Chẳng hạn, trong cuộc bầu cử vào năm 2016, chỉ có 16% người Mỹ gốc Ấn bỏ phiếu cho ông Trump, theo cuộc khảo sát quốc gia về những người Mỹ gốc Á.
“Người Mỹ gốc Ấn không tin vào chính sách cắt giảm thuế và thu hẹp vai trò của chính phủ. Họ ủng hộ việc thúc đẩy chi tiêu cho các phúc lợi xã hội”, Karthick Ramakrishnan, Giáo sư về chính sách công tại Đại học California, Riverside, người điều hành cuộc khảo sát nói trên, cho hay.
Ông Trump đã tìm cách kiếm cảm tình của người Mỹ gốc Ấn trong cuộc bầu cử sắp tới, vào năm 2020 này. Hồi tháng 9 năm ngoái, ông đã xuất hiện cạnh ông Modi trong một sự kiện lớn ở Houston, Texas, có tên “Howdy Modi” và đưa ra tuyên bố: “Quý vị chưa bao giờ có một người bạn tốt nào làm Tổng thống tốt hơn Tổng thống Donald Trump”.
Theo ông Ramakrishnan, những nỗ lực của ông Trump trong việc tiến đến gần Ấn Độ có thể giúp làm tăng số lượng ủng hộ ông trong những nhóm cử tri hãy còn lưỡng lự.
“Tôi nghĩ rằng, sự ủng hộ sẽ có thể tăng lên trong ngắn hạn, nhưng có lẽ không đến mức như nhiều đảng viên Cộng hòa hy vọng,” ông nhận định.
2. Thảo thuận mậu dịch
Một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ sau nhiều tháng đàm phán dự kiến ​​sẽ là tâm điểm trong chuyến thăm lần này của ông Trump và đây sẽ là một chiến thắng chính trị lớn với ông nếu thỏa thuận này thành hiện thực.
Thương mại song phương Mỹ-Ấn Độ hiện dừng ở con số 160 tỷ Mỹ kim. Nhưng hy vọng về một thỏa thuận như vậy đã chòm xuống trong nhiều tuần qua, khi Mỹ bày tỏ quan ngại về các vấn đề như tăng thuế, kiểm soát giá cả và chênh lệch trong thương mại điện tử. Nhập cư lao động lành nghề và chế độ thị thực cũng là những vấn đề được quan tâm khác.
Ấn Độ muốn Mỹ khôi phục lại hệ thống Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP), vốn hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua việc tạo thuận lợi cho các nước này xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Năm 2019, ông Trump đã chấm dứt các ưu đãi kiểu này với Ấn Độ.
“Ngay cả một thỏa thuận thương mại với quy mô hạn chế cũng sẽ là một tín hiệu quan trọng với ngành công nghiệp ở cả hai quốc gia, rằng Hoa Kỳ và Ấn Độ nghiêm túc trong mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương và họ có thể vượt qua các vấn đề [khác biệt]“, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Ấn Độ (USIBC), bà Nisha Biswal nói.
Tuy nhiên, bà cũng nói thêm rằng: “Từ những gì tôi đã nghe được từ cả hai chính phủ, tôi không mấy lạc quan.”
3. Yếu tố Trung Quốc
Trung Quốc đã trở thành một phần trung tâm tạo nên ‘thương hiệu chính trị’ của ông Donald Trump. Và nhiều quan ngại của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc như với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, cách Trung Quốc hành xử ở Biển Đông và sự không đáng tin cậy của các đối tác Trung Quốc cũng được Ấn Độ chia sẻ.
“Tôi không nghĩ chuyến thăm này có thể diễn ra nếu giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ không có sự tương đồng chiến lược về Trung Quốc, nhất là những quan ngại của họ trước các hành động và ý định của Trung Quốc trong khu vực”, bà Madan bình luận.
Cam kết đền bù vì hổ: Từ lời hứa đến thực tế
Lụt lội ở châu Á cũng có yếu tố chính trị
Hoa Kỳ lên án mối đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông
Một cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Trung Quốc – Hoa Kỳ hẳn sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Ấn Độ, nhưng mối quan hệ quá gần gũi giữa hai gã khổng lồ này cũng có thể làm Ấn Độ bị cho ra rìa trong cuộc chơi.
Ngược lại, phía Mỹ đặt câu hỏi, liệu mục tiêu tự chủ chiến lược của Ấn Độ có thành một trở ngại cho mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự với Hoa Kỳ.
Các câu hỏi cũng xoay quanh việc, liệu Ấn Độ có thể trở thành một đối trọng với Trung Quốc ở châu Á, hay sẽ bị hút sâu hơn vào các vấn đề chính trị trong nước và tiểu khu vực. Và với sự thù nghịch gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Trump cũng có thể tìm thấy một người bạn ở ông Modi, người được coi là sẵn lòng chỉ trích Trung Quốc.
4. Thỏa thuận quốc phòng
Truyền thông loan tin cho thấy, các thỏa thuận quốc phòng trị giá hàng tỷ đô la sẽ được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Trump.
Điều này có thể gồm việc bán máy bay trực thăng cho hải quân. Trước chuyến đi, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chấp thuận việc bán Hệ thống Vũ khí Phòng không tích hợp với trị giá 1,8 tỷ đô la.
Khi Ấn Độ cố gắng đa dạng hóa các đối tác bán vũ khí cho mình, nước này nhận ra rằng, Mỹ vẫn chưa phải là đối tác cung cấp vũ khí lớn như Nga và Pháp, một nhà phân tích cho biết
“Ấn Độ và Mỹ đã trở nên rất gần gũi với nhau do những lý do chiến lược. Ngay trong những năm ông Trump cầm quyền, đã diễn ra nhiều đối thoại quốc phòng và ngoại giao”, bà Madan nói.
Còn với ông Trump, bất kỳ cơ hội nào, dù nhỏ, để bán các sản phẩm của Mỹ cũng là dịp để ông khẳng định với những người ủng hộ rằng, ông đang thúc đẩy việc làm và các sản phẩm ‘Made in America’.
5. Quan hệ Trump-Modi
Ông Trump được nhiều người coi là nhà lãnh đạo “biết thương thảo”, người luôn coi trọng các mối quan hệ cá nhân hơn so với địa chính trị. Bản thân ông tin rằng, khả năng tiếp cận với các nhà lãnh đạo nước ngoài đã giúp ông có được khả năng như vậy.
Và chuyến thăm lần này sẽ là cuộc gặp thứ năm giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi trong vòng có 8 tháng.
Họ gọi nhau là ‘bạn’. Hình ảnh họ ôm nhau xuất hiện trên truyền thông. “Tuy chúng ta chưa được Ấn Độ đối xử tốt nhưng tôi lại rất thích Thủ tướng Modi”, ông Trump nói với các phóng viên vài ngày ngay trước chuyến đi.
Đối với ông Trump – và cả ông Modi nữa – thể hiện tính cách thân thiện và nồng nhiệt ở một mức độ nào đó có thể giúp họ giải quyết những khác biệt khi các cuộc đàm phán gặp khó khăn.
Cuối cùng, đó có thể không phải là một chuyến đi được thực hiện với một mục tiêu rõ ràng, ông Joshua White thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins nói.
Đối với ông White, nhiều khả năng tính cách bốc đồng đã khiến ông Trump quyết định thực hiện chuyến đi, để bắt tay và tạo dáng chụp ảnh, còn “bộ máy quan liêu sẽ tìm xem những gì có thể đạt được trong chính sách”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51609680

Lý giải về cuộc chạy đua vũ khí siêu vượt âm

của các cường quốc trên thế giới

Giới quân sự đang chinh phục lĩnh vực siêu vượt âm khi có cùng lúc mấy hướng nghiên cứu vũ khí tiến công ứng dụng dịch chuyển có điều khiển ở tốc độ cao. Khí cụ bay siêu vượt âm có khả năng trở thành các phương tiện chiến đấu hiệu quả trong chiến tranh hạt nhân, lẫn chiến tranh thông thường.
Tốc độ di chuyển nhanh hơn 5 lần chỉ số Mach (tốc độ âm thanh) được gọi là siêu vượt âm. Nếu loại bỏ cách diễn dịch kinh viện thuần túy khí cụ bay siêu vượt âm, theo đó thì cần liệt tất cả các khí cụ bay cũ trụ, kể cả tàu vũ trụ có thể quay trở về, cũng như các đầu đạn tên lửa đường đạn xuyên lục địa ở giai đoạn bay cuối, các chương trình ứng dụng quân sự còn lại có thể tạm chia thành 2 loại. Một là trang bị chiến đấu (đầu đạn) siêu vượt âm của tên lửa đường đạn có quỹ đạo bay phức tạp và tạo ra cơ hội mới tức góc độ đột phá lá chắn phòng thủ tên lửa, cũng như để chế tạo các hệ thống phi hạt nhân chính xác cao. Hai là các tên lửa hành trình cao tốc phóng từ trên không và từ biển. Dĩ nhiên đây chưa phải là tất cả các loại hình ứng dụng chiến đấu có thể của khí cụ bay siêu vượt âm. Tuy nhiên, ngành này đang ở đầu con đường và các loại hệ thống siêu vượt âm có thể thì hiện nay mới chỉ đang được nghiên cứu, tìm hiểu song song cùng với những đánh giá những ưu thế mà công nghệ mới mang lại trên chiến trường. Hai hướng này đã tiến xa hơn những hướng khác và chắc chắn ở đó, chúng ta sẽ thấy những mẫu sản xuất loạt đầu tiên của khí cụ bay siêu vượt âm được nhận vào trang bị.
Loại khí cụ bay siêu vượt âm thú vị nhất là phương tiện mang được phóng đi bằng tên lửa đường đạn và có khả năng cơ động trong khí quyển ở tốc độ cao. Có lẽ không cần giải thích những ưu điểm của sơ đồ nguyên lý này, đó là đầu đạn tên lửa đường đạn xuyên lục địa tương lai có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa. Hoặc cùng với sự phát triển của công nghệ, phương tiện mang có điều khiển với mấy đầu đạn thực tế là một máy bay ném bom hạt nhân cận quỹ đạo, thế hệ mới của các tầng tách đầu đạn. Đồng thời, sự điều khiển có hàm ý cả việc tăng độ chính xác, qua đó mà lập tức chuyển khí cụ
bay siêu vượt âm này từ loại phương tiện sát thương hạt nhân thuần túy thành vũ khí tiến công chớp nhoáng toàn cầu phi hạt nhân. Những khả năng của phương tiện này là rất hứa hẹn nên sẽ thật lạ nếu không thử thách nó.
Hiện tại, Mỹ đang phát triển hai giải pháp kiểu này – một là theo kênh của Cục Các dự án nghiên cứu và phát triển quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Bộ Quốc phòng và  của Không quân (chương trình FALCON) và hai là chương trình do Lục quân tài trợ (chương trình AHW). Ở dự án FALCON, người ta xem xét một tổ hợp các giải pháp mà cuối cùng sẽ nhận được công nghệ chế tạo khí cụ bay cận quỹ đạo, cơ động với tải trọng hữu ích đến nửa tấn. Mẫu chế thử HTV-2 của dự án FALCON đã được thử nghiệm 2 lần, vào tháng 4 và 8/2010 từ tên lửa đẩy Minotaur IV. Cả 2 lần đều bị mất liên lạc với khí cụ bay đã phóng đi: trong vụ thử thứ nhất, ở phút bay thứ 9 (trong 30 phút của chương trình bay), trong vụ thử thứ hai, ở phút bay thứ 26. Trong khi đó, AHW là khí cụ bay siêu vượt âm đơn giản hơn mà Lầu Năm góc có hướng coi là một bom liệng siêu vượt âm. AHW đã được thử nghiệm 2 lần – vào năm 2011 và 2014. Lần đầu tiên, AHW đã bay được 3.700 km ở tốc độ đến 8М ở độ cao đến 100 km. Lần thứ hai, nó bị nổ tung ở giây thứ 4 sau khi tách khỏi tên lửa mang. Theo thông tin mới nhất, Mỹ đang phát triển mẫu chế thử X-51 Waverider. Đây là tên lửa hành trình phóng từ máy bay, có chiều dài 7,6 m, tốc độ “trên 5M” (theo đánh giá là đến 6-7) và tầm bắn đến 740 km. Năm 2010-2013, đã tiến hành 4 lần thử nghiệm X-51, chỉ có lần cuối cùng trong số đó là thành công hoàn toàn (lần thứ nhất chỉ thành công một phần, lần thứ hai và thứ ba thất bại). Hiện nay, dự án này có dấu hiệu dừng lại, kết quả nghiên cứu X-51 dự định sử dụng để phát triển vũ khí tiến công cao tốc HSSW (High Speed Strike Weapon). Đây là dự án mới chế tạo tên lửa hành trình siêu vượt âm có tốc độ đến 6M và tầm bắn 900-1.100 km, lắp trong khoang vũ khí bên trong máy bay ném bom chiến lược B-2 hay treo bên ngoài tiêm kích F-35. Dự kiến sẽ hoàn thành mẫu hoàn chỉnh vào đầu những năm 2020.
Nga tiến hành công tác nghiên cứu trong lĩnh vực này từ khá lâu. Vào cuối thập kỷ 1980, Liên hiệp NPO Mashinostroenia ở Reutov đã phát triển hệ thống tên lửa Albatros mà một phần của nó là đầu đạn liệng có cánh, có khả năng cơ động tránh đạn để đột phá hệ thống phòng thủ tên lửa. Hiện tại, NPO Mashinostroenia đang thực hiện “Đề tài 4202” mà ta có thể thận trọng (do thông tin quá ít ỏi, đi cùng với nhiều thông tin giả) coi là một nghiên cứu thế hệ đầu đạn có điều khiển mới. Dự kiến, đầu đạn này sẽ được lắp cho các tên lửa xuyên lục địa nhiên liệu lỏng hạng nặng Sarmat đang được phát triển. Vũ khí đang được phát triển có tên gọi là “thiết bị chiến đấu (đầu đạn) đường đạn có cánh siêu vượt âm” (AGBO) được thử nghiệm từ năm 2011 bằng các tên lửa cải hoán UR-100N UTTKh phóng từ trận địa phóng Dombarovsky, tỉnh Orenburg. Các lần phóng đầu tiên có thể đã được thực hiện từ sân bay vũ trụ Baikonur. Hiện chưa có thông tin chính xác về số lượng vụ thử, nhưng ít nhất đã có 3 lần trong năm 2015-2016. Đặc điểm của thiết bị này, theo các nhà phân tích Mỹ, là ở chỗ nó có thể lắp lên không chỉ tên lửa đường đạn xuyên lục địa mà cả tên lửa tầm trung. Kết hợp với việc nâng cao độ chính xác nhờ cơ động, điều đó cho phép sử dụng chúng làm phần chiến đấu của vũ khí đặc sản Trung Quốc là tên lửa đường đạn chống hạm chuyên dùng để tấn công các cụm tàu sân bay chiến đấu của Hải quân Mỹ. Bên cạnh đó, ý tưởng tăng tốc độ hành trình của tên lửa hành trình là hướng phát triển tất yếu của các hệ thống vũ khí này mà hàm ý bao gồm cả khả năng đột phá hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa. Ngay khi tốc độ giả thiết của các mẫu vượt qua 5M, đã lập tức xuất hiện phương tiện chiến đấu mới cũng ăn nhập vào khái niệm “tấn công chớp nhoáng toàn cầu”, kể cả bằng vũ khí phi hạt nhân.
Tuy nhiên, dự án phát triển tên lửa hành trình siêu vượt âm của Nga đang ở tình trạng chưa hoàn toàn rõ ràng. Một mặt, người ta tiếp tục khẳng định về việc nghiên cứu chế tạo vũ khí này, nhưng thời hạn đưa vào trang bị dự định vào giữa những năm 2020. Ví dụ, các nguồn tin công khai công bố các sáng chế trực tiếp liên quan đến chủ đề này. Mặt khác, dự án tên lửa Zirccon-S vốn được đề cập lần đầu tiên gần năm 2011 (rõ ràng là được phát triển từ trước đó nữa), theo nhiều nguồn tin đã vấp phải những khó khăn kỹ thuật mặc dù vẫn đang được tiếp tục. Theo các kế hoạch hiện tại, các tên lửa này sẽ được trang bị Hải quân Nga vào cuối những năm 2010, trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa các tuần dương hạm tên lửa nguyên tử hạng nặng lớp Projekt 1144. Hệ thống tên lửa này được công bố là vũ khí đa quân chủng, nên có thể hàm ý trang bị cho cả tàu chiến và máy bay. Mẫu chế thử tên lửa này được thử nghiệm ít nhất từ năm 2012.
Đối thủ cuối cùng nhảy vào cuộc chạy đua là Trung Quốc. Năm 2014-2016, tình báo Mỹ đã ghi nhận 7 lần phóng thử đầu đạn mà ban đầu gọi là WU-14, sau này gọi là DF-ZF trong khuôn khổ chương trình phát triển đầu đạn siêu vượt âm có điều khiển. Cũng có những thông tin lẻ tẻ về việc Trung Quốc cũng phát triển tên lửa hành trình siêu vượt âm, nhưng thông tin chi tiết về vấn đề này cực kỳ hiếm hoi.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí siêu vượt âm của các nước đang gặp nhiều khó khăn, chưa có bước đột phá chiến lược để sở hữu loại vũ khí này. Theo đó, khó khăn chính của tốc độ siêu vượt âm là tải đối với các vật liệu kết cấu. Việc chế tạo khí cụ bay siêu vượt âm đòi hỏi phải phát triển cả một tổ hợp các giải pháp, bao gồm sử dụng các vật liệu chịu nhiệt (hợp kim và gốm). Một phần quan trọng của nhiệm vụ này là tìm kiếm các vật liệu mới cho các động cơ dòng thẳng. Khí cụ bay siêu vượt âm chuyển động trong đám mây plasma, nên ngoài môi trường khắc nghiệt đối với các vật liệu kết cấu, nó còn gây khó khăn về máy móc điều khiển và cụ thể là thực hiện việc tự dẫn (nếu đòi hỏi điều này). Ngoài ra, còn có những khó khăn thứ yếu liên quan chẳng hạn đến việc các động cơ hành trình dòng thẳng của các tên lửa hành trình siêu vượt âm ít thích nghi với hoạt động ở tốc độ và độ cao nhỏ hơn. Những trở ngại trong thiết kế và thử nghiệm tên lửa hành trình siêu vượt âm xuất hiện cả ở Mỹ và Nga cho thấy rằng, các vấn đề này hiện còn lâu mới khắc phục được. Tuy nhiên, nhịp độ phát triển đầu đạn siêu vượt âm cho tên lửa đang được đánh giá là cao hơn, từ đó có thể kết luận thận trọng rằng, dù sao các đầu đạn cơ động vẫn sẽ là vũ khí siêu vượt âm sản xuất loạt đầu tiên.
http://biendong.net/bien-dong/33153-ly-giai-ve-cuoc-chay-dua-vu-khi-sieu-vuot-am-cua-cac-cuong-quoc-tren-the-gioi.html

Mỹ – Trung cạnh tranh ảnh hưởng

trong khu vực Đông Nam Á: “Kẻ tám lạng, người nửa cân”

Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) đã thực hiện các cuộc khảo sát với giới chuyên gia và học giả về mức độ ảnh hưởng của hai cường quốc thế giới là Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á.
Trung Quốc vượt Mỹ
Theo kết quả của cuộc khảo sát năm 2020, Trung Quốc đã vượt trên Mỹ để trở thành bên tham gia chính trị và chiến lược có ảnh hưởng nhất ở khu vực Đông Nam Á, mặc dù kết quả khảo sát năm 2019 cho thấy Mỹ chi phối lĩnh vực chính trị-an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế có thể chưa hoàn toàn tán thành điều này, vì nhận định này được cho là không khớp với dữ liệu kinh tế khách quan. Chẳng hạn, số liệu thống kê chính thức của ASEAN năm 2018 cho thấy Trung Quốc đứng sau Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản về dòng vốn đầu tư bên ngoài vào khu vực Đông Nam Á; sự hiện diện của công ty Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ so với các công ty từ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu; Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước ASEAN, song Bắc Kinh chỉ đóng góp 18% tổng thương mại của khu vực…
Trên thực tế, trong giai đoạn hiện nay, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á diễn ra gay gắt trên tất cả các lĩnh vực, tập trung trên một số nội dung chính sau: Đầu tiên, cạnh tranh về quyền lực. Đó là cạnh tranh giữa một siêu cường đang tại vị (Mỹ) với một cường quốc đang lên (Trung Quốc) có nguy cơ làm thay đổi cấu trúc quyền lực tại khu vực mà Mỹ đang chiếm ưu thế. Mặc dù về công khai, cả hai bên đều không muốn điều này xảy ra, nhưng trên thực tế, lo ngại xung đột quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một hiện hữu. Thứ hai, cạnh tranh vị thế địa – chính trị. Với việc nhấn mạnh khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” thay cho “châu Á – Thái Bình Dương” trong công bố của Tổng thống Mỹ Donld Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 đã hé lộ phần nào chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Đông Nam Á theo hướng “cân bằng cứng”. Mặt khác, điều đó còn thể hiện cam kết về sự hiện diện của Mỹ – cả trên bình diện ngoại giao và quân sự ở khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến “Vành đai, Con đường” nhằm đối trọng lại Mỹ. Sáng kiến này do Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng, được coi là một kế hoạch dài hơi để ứng phó với chiến lược “xoay trục” và chính sách “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ. Sáng kiến “Vành đai, Con đường” ra đời đã đẩy cạnh tranh Trung Quốc – Mỹ lên một nấc thang mới và nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực thì sẽ là một bước chuyển tiếp mềm cho quá trình chuyển giao quyền lực để sắp xếp lại bàn cờ chính trị thế giới. Để triển khai sáng kiến này, thời gian qua Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển ở các nước Đông Nam Á, đến Trung Á, Nam Á và châu Phi để mở rộng ảnh hưởng của mình. Trước nguy cơ lợi ích địa – chính trị, kinh tế và các lợi ích của mình trong khu vực có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Mỹ đã tập hợp các cường quốc có liên quan trong chính sách Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương để làm đối trọng với Trung Quốc. Thứ ba, cạnh tranh trong kinh tế – thương mại. Từ đầu năm 2018, những động thái cạnh tranh trên lĩnh vực thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng nhanh và làm nóng bầu không khí quan hệ giữa hai nước vốn đang tốt đẹp hồi cuối năm 2017. Hiện nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ phần lớn là hàng hóa tiêu dùng, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chủ yếu là vốn và công nghệ. Không dễ dàng cho Trung Quốc và Mỹ để chiến thắng bằng một cuộc chiến tranh thương mại mà không làm tổn thương đến lợi ích quốc gia và cũng không thực tế khi tin rằng sự mất cân bằng thương mại song phương có thể bị loại trừ bằng một cuộc chiến tranh thương mại. Trên thực tế, những mâu thuẫn căn bản tiềm tàng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục diễn ra và ngày càng nổi trội. Thặng dư thương mại của Trung Quốc và Mỹ không chỉ tồn tại trong thị trường sản phẩm cần nhiều lao động, mà còn cả về thị trường sản phẩm có vốn và công nghệ cao. Với sự khởi đầu của một cuộc chạy đua công nghệ cao, sự va chạm thương mại trong các ngành công nghiệp cần vốn và công nghệ cao sẽ trở nên phổ biến. Sự leo thang trong cạnh tranh thương mại Trung Quốc – Mỹ sẽ làm cho hợp tác giữa hai cường quốc này ở vào tình trạng khó khăn chưa từng có. Kinh tế và quan hệ thương mại Trung Quốc – Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới và sẽ phát triển theo hướng cạnh tranh ngày càng nhiều. Điều nguy hiểm hơn là việc “trả đũa” về kinh tế giữa hai nước nếu cứ tiếp diễn sẽ kéo toàn bộ hệ thống thương mại của thế giới đi xuống, trong khi nền kinh tế toàn cầu hiện nay vốn đã không khỏe mạnh.
Vấn đề Biển Đông trong quan hệ Mỹ – Trung – ASEAN
Hành động cứng rắn, trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông đã khiến các nước ASEAN liên quan đến tranh chấp lo ngại về an ninh của họ cũng như sự ổn định ở khu vực. Nhìn chung, Trung Quốc càng quyết đoán ở Biển Đông thì sức mạnh mềm của Trung Quốc tại Đông Nam Á càng giảm sút. Chính sách “tấn công hấp dẫn” do Trung Quốc tiến hành hơn mười năm về trước tại Đông Nam Á đã không còn phát huy hiệu quả. Mặc dù hầu hết các nước ASEAN đều có lợi ích trong quan hệ kinh tế-thương mại với Trung Quốc, các nước này ngày càng cảnh giác trước ý đồ của Bắc Kinh. Một mặt, các nước ASEAN phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc; mặt khác, họ tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ và hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực. Một vài quốc gia ASEAN cũng đã tiến hành các động thái nhằm hiện đại hóa quân sự, tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ để cân bằng lại quyền lực ở khu vực này. Do đó, Mỹ càng có nhiều lý do để can dự vào Đông Nam Á và tạo ảnh hưởng đối với vấn đề Biển Đông.
Với Mỹ, một mặt cạnh tranh với Trung Quốc để việc duy trì vị thế lãnh đạo tại châu Á – Thái Bình Dương, mặt khác Mỹ cũng cần hợp tác với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Trong bối cảnh đó, vấn đề Biển Đông giúp Mỹ có cớ để duy trì can dự tại khu vực và tập hợp lực lượng để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Trung Quốc càng hùng mạnh bao nhiêu thì lợi ích của Mỹ tại châu Á cũng sẽ lớn lên bấy nhiêu. Vì thế, Mỹ tái khẳng định lợi ích và lập trường của nước này về vấn đề Biển Đông. Ở khía cạnh khác, chính sách và lập trường của của Mỹ ảnh hưởng lên cả lập trường của những nước khác, đặc biệt là những nước có mối quan hệ gần gũi với Washington. Tiếp sau Mỹ, các quốc gia có lợi ích tại Biển Đông như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và ngay cả một số quốc gia EU khác cũng bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây tại Biển Đông. Tranh chấp Biển Đông đã trở thành vấn đề quốc tế và được các bên có liên quan đề cập tại nhiều diễn đàn đa phương khác nhau (như ARF, EAS, ASEM…).
Ngoài ra, việc Trung Quốc đe dọa các công ty dầu mỏ và khí đốt quốc tế trong làm ăn với các nước ASEAN đã không ngăn cản được các công ty này nhưng lại tạo cớ cho Mỹ bày tỏ quan điểm của mình về “hoạt động thương mại không bị cản trở” và khiến Mỹ quyết tâm hơn trong việc bảo vệ lợi ích của các tập đoàn Mỹ. Một hậu quả nữa của hành động này đó là nó đã khiến các nước nhỏ hơn tại Đông Nam Á tìm cách hợp tác với các công ty dầu mỏ và khí đốt của các nước lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ- những nước mà Trung Quốc không thể đe dọa. Kết quả là Biển Đông đã trở thành vấn đề có sự đan xen lợi ích của các cường quốc và đang ngày càng được quốc tế hóa.
Quan trọng hơn, Biển Đông đã trở thành một trong những vấn đề chính yếu trong quan hệ Mỹ-Trung. Trong những năm trước đây, khi vấn đề Biển Đông luôn là một trong các ưu tiên chính sách đối ngoại của các nước có tranh chấp trong ASEAN thì vấn đề này chỉ là ưu tiên hạng hai trong chính sách của Trung Quốc, ít nhất là so với chính sách của Trung Quốc trong mối quan hệ với các nước lớn. Hiện nay, khi vấn đề Biển Đông trở thành một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của Trung Quốc thì cách tiếp cận của Trung Quốc sẽ trở nên đồng bộ và thống nhất hơn. Do đó, chính sách Biển Đông của Trung Quốc có thể được điều chỉnh một cách linh hoạt khi mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy cần thiết. Diễn biến này có cả tác động tích cực và tiêu cực cho ASEAN, phụ thuộc vào việc liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định điều chỉnh chính sách mềm mỏng hay cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông.
Thời gian gần đây, Trung Quốc tỏ ra mềm mỏng trong chính sách Biển Đông. Khi lãnh đạo Trung Quốc nhận ra hậu quả tiêu cực do sự quyết đoán ngày càng tăng gần đây trển Biển Đông, họ đã điều chỉnh chính sách mang tính toàn diện hơn: từ khởi động “cuộc tấn công quyến rũ” tới các nước ASEAN thông qua các biện pháp kinh tế và tài chính cho đến kiềm chế không sử dụng thêm các hành động đe dọa trên biển. Giai đoạn sau đó, không có thêm thông tin nào về việc bắt giữ các ngư dân Việt Nam hoặc tịch thu các tàu cá của Việt Nam như những năm trước cho dù Trung Quốc vẫn tiếp tục tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trong khu vực ở phía bắc của vĩ tuyến 12 tại Biển Đông trong khoảng thời gian từ tháng 5 cho đến cuối tháng 8 hàng năm. Trung Quốc cũng đang tích cực thúc đẩy đàm phán, ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với ASEAN để chứng minh với cộng đồng quốc tế rằng ASEAN và Trung Quốc có thể hợp tác cùng nhau trong việc quản lý tranh chấp và không cần thiết có sự can dự từ bên ngoài vào vấn đề Biển Đông. Kết quả của việc áp dụng một cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ và tập trung, chính sách Biển Đông của Trung Quốc là nhằm hướng tới “tranh chấp mở rộng với cường độ thấp”. Chính sách này là sự kết hợp giữa: tăng cường sự hiện diện, kiểm soát của lực lượng dân sự và bán quân sự ở tất cả các khu vực bên trong đường lưỡi bò; kiềm chế sử dụng các lực lượng quân sự; hứa hẹn đầu tư mạnh mẽ về kinh tế đối với các quốc gia ASEAN, đặc biệt là các nước không tranh chấp; và tích cực tăng cường áp lực ngoại giao để ngăn cản ASEAN hình thành một lập trường chung về Biển Đông. Với cách thức này, Trung Quốc tăng khả năng hạn chế Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông.
Mỹ hiện tại đang ở trong một tình thế khó xử. Việc chưa gia nhập Công ước Luật Biển đã làm hạn chế tính chính danh của Mỹ khi chỉ trích các quốc gia khác không tôn trọng luật biển. Sự hiện diện ngày càng tăng của lực lượng hải quân Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc tranh giành quyền kiểm soát tài nguyên ở Biển Đông – chủ yếu diễn ra giữa tàu chấp pháp của các nước ven biển. Việc Trung Quốc thành công khi đẩy lùi Philippines và thiết lập sự hiện diện của nước này ở Bãi cạn Scarborough bất chấp các nỗ lực của Mỹ nhằm giảm bớt căng thẳng cho thấy những giới hạn trong sự can dự của Mỹ. Trên khía cạnh chính trị khu vực, các quốc gia ASEAN hiện lưu tâm nhiều đến mối quan ngại của Trung Quốc hơn là của Mỹ. Về ngoại giao đa phương, tác động từ “tuyên bố của Clinton tại ARF-17” không còn mạnh mẽ như trước, nhất là khi Mỹ không đưa ra bất kỳ quan điểm nào trong những bài phát biểu gần đây tại các diễn đàn khu vực.
Trong khi đó, ASEAN đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Vai trò của ASEAN trong việc quản lý các tranh chấp ở Biển Đông có thể bị hạn chế bởi sự chia rẽ trong nội khối và những tác động từ bên ngoài.
Tác động với Việt Nam
Việt Nam có một vị trí địa – chính trị rất quan trọng trong cạnh tranh chiến lược Trung Quốc – Mỹ tại khu vực, nên chính sách mới của Mỹ và Trung Quốc về châu Á bao hàm sự ghi nhận tầm quan trọng của Việt Nam cùng khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi và thách thức không nhỏ. Về thuận lợi, đó là khả năng hợp tác giữa chính quyền của Tổng thống Donld Trump với Việt Nam theo tinh thần hợp tác cùng có lợi là rất lớn. Triển vọng hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng với Mỹ sẽ tiếp tục phát triển, thậm chí Việt Nam có thể sẽ là một “tiêu điểm” trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực, đặc biệt là trong các chính sách của Mỹ ở Biển Đông. Về khó khăn, trong quan hệ thương mại Việt Nam – Mỹ, Việt Nam trong những năm qua đã xuất khẩu nhiều qua Mỹ, vì vậy Việt Nam cũng phải chuẩn bị trước khả năng Mỹ sẽ áp đặt các chính sách bảo hộ, đặt ra các rào cản thương mại đối với Việt Nam để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng Mỹ.
Nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, củng cố và tăng cường tốt nhất các lợi ích cho mình ở khu vực và thế giới, Việt Nam cần: Thực hiện cân bằng về lợi ích trong quan hệ với các nước lớn; cần tạo ra nhiều sự hợp tác, đan xen, ràng buộc lợi ích với các cường quốc này để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời tránh trở thành “con bài” để các nước lớn mặc cả lợi ích với nhau. Tiếp tục chú trọng duy trì đường lối đối ngoại đa phương hiện nay. Tích cực thúc đẩy quá trình hội nhập, xây dựng và phát huy vai trò Cộng đồng ASEAN hơn nữa. Tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã thỏa thuận; nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đi đôi với chủ động, tích cực tham gia xây dựng và tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng khu vực và quốc tế; chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi; củng cố và nâng cao vai trò trong cộng đồng khu vực và quốc tế. Tiếp tục thực hiện chính sách nhất quán hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, nhất là về kinh tế, tôn trọng và ổn định về chính trị và hợp tác về an ninh, đôi bên cùng có lợi.
http://biendong.net/bien-dong/33149-my-trung-canh-tranh-anh-huong-trong-khu-vuc-dong-nam-a-ke-tam-lang-nguoi-nua-can.html

Liao Lyuyou thừa nhận

tội chụp ảnh Căn Cứ Hải quân Hoa Kỳ

Một người đàn ông quốc tịch Trung Cộng đã nhận tội chụp ảnh Căn Cứ Hải quân Hoa Kỳ tại Florida Keys.
Theo tờ Miami Herald đưa tin, Liao Lyuyou, 27 tuổi, đã trình diện tại Tòa án quận Hoa Kỳ ở Key West hai tháng sau khi anh ta bị bắt khi đang sử dụng điện thoại di động để chụp ảnh trong khu vực cấm được gọi là Truman Annex căn cứ Hải Quân.
Liao bị bắt và bị buộc tội xâm nhập căn cứ Hải quân với mục đích chụp ảnh các căn cứ quốc phòng.
Vào hôm thứ sáu (21 tháng 2), Liao thừa nhận một tội danh chụp ảnh, hoặc phác thảo các căn cứ quốc phòng của Hoa Kỳ và đối mặt với án phạt một năm tù. Theo bản ghi lời khai của nghi can, Liao cho biết lúc đó anh ta đang “chụp ảnh cảnh mặt trời mọc”, nhưng một cảnh sát liên bang đã phát hiện những bức ảnh chụp Truman Annex trong điện thoại của nghi can.
Vụ bắt giữ Liao vào ngày 26 tháng 12 tương tự như trường hợp của ba người quốc tịch Trung Cộng khác cũng bị bắt sau khi chụp ảnh tại căn cứ này. Bên cạnh đó, hai công dân Trung Cộng đã bị bắt vào đầu tháng 1 sau khi cố gắng chụp ảnh căn cứ Hải Quân, mặc dù đã được khuyến cáo bởi nhân viên an ninh rằng việc này là bất hợp pháp nếu không có giấy chứng nhận của quân đội.
Một người đàn ông Trung Cộng khác, Zhao Qianli, 20 tuổi, đã nhận tội chụp ảnh bất hợp pháp tại Truman Annex và bị kết án một năm tù giam liên bang. (BBT)
https://www.sbtn.tv/liao-lyuyou-thua-nhan-toi-chup-anh-can-cu-hai-quan-hoa-ky/

Costa Mesa phản đối việc chuyển

bệnh nhân nhiễm coronavirus đến thành phố này

Vào hôm thứ bảy (22 tháng 2), các nhà lãnh đạo ở thành phố Costa Mesa, California cho biết họ không hề biết đến những kế hoạch của cơ quan y tế liên bang nhằm di chuyển hàng chục bệnh nhân nhiễm coronavirus đến một tòa nhà trống trong thành phố này.
Theo NBC News, vào tối thứ sáu (ngày 21 tháng 2), một thẩm phán liên bang đã đồng ý cho  phép thành phố Costa Mesa ngăn chận tạm thời việc di chuyển 50 bệnh nhân từ căn cứ không quân Travis ở Bắc California đến Fairview Development Center. Trong đơn xin phép ngăn chận gởi lên tòa án liên bang, thành phố Costa Mesa, viện dẫn lo ngại rằng tòa nhà Fairview Development Center nằm trong khu vực đông dân cư được bao quanh bởi các trường học, sân golf và nhà ở.
Thị trưởng Costa Mesa, Katrina Foley, cho biết mọi người trong thành phố đều đồng ý rằng việc di chuyển nói trên sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Trong một cuộc họp báo vào hôm thứ Bảy, các viên chức dân cử tại địa phương đã chỉ trích chính phủ liên bang vì sự thiếu minh bạch về cách lựa chọn địa điểm này, cũng như việc họ đã không tiết lộ số lượng bệnh nhân sẽ được di chuyển, và cơ quan liên bang nào đã đưa ra quyết định này.
Bà Foley cáo buộc các cơ quan y tế liên bang đã hành động quá hấp tấp và không phối hợp với các viên chức địa phương, đồng thời cho biết vẫn chưa rõ liệu các bệnh viện địa phương có được gọi đến để giúp đỡ, hay có bao nhiêu bệnh nhân sẽ được chuyển đến Costa Mesa. (BBT)
https://www.sbtn.tv/costa-mesa-phan-doi-viec-chuyen-benh-nhan-nhiem-coronavirus-den-thanh-pho-nay/

Virus corona: Sao có chuyện

xét nghiệm dương tính sau khi ‘đã khỏi’?

Lo sợ dâng cao về việc virus corona có thể trở thành đại dịch toàn cầu, trong lúc đang ngày càng có nhiều ca nhiễm bệnh mới được báo cáo trên toàn cầu.
Hầu hết các ca là ở Trung Quốc, nhưng nhiều nước khác cũng đang phải vật lộn đối phó, trong đó có Hàn Quốc, Ý và Iran.
Ý hiện có 165 ca nhiễm virus corona, cao nhất châu Âu.
Tại hai vùng Lombardy và Veneto, chính quyền ra lệnh cách ly với một số thị trấn, khiến 50 nghìn dân không thể ra ngoài nếu không có giấy phép.
Chính phủ Áo, nước láng giềng của Ý, họp báo khẩn trong ngày thứ Hai để trấn an dư luận.
Dòng người qua lại Ý sang Áo, Slovenia, Albania…trở nên đối tượng của giám sát y tế tuy không rõ các biện pháp cụ thể ra sao.
Liên hệ buôn bán với Ý khiến doanh nghiệp VN nhập hàng Ý vào Ba Lan lo ngại bị mắc virus (xem phần dưới).
Tại Nga, thị trưởng Moscow, Sergei Sobyanin xác nhận trên trang web của ông rằng cảnh sát Nga được quyền đột nhập vào “nhà hàng, khách sạn, nhà trọ” để tìm công dân Trung Quốc.
Moscow bắt chừng 2500 người Trung Quốc phải “tự cách ly” sau khi đáp máy bay tới thủ đô Nga, và dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt để giám sát họ.
Ông Sergei Sobyanin thừa nhận các biện pháp đó là “không dễ chịu gì” nhưng “cần thiết”.
Dù vậy, Nga vẫn giữ các chuyến bay đến và đi khỏi TQ.
Bị phong tỏa, cuộc sống người dân vùng tâm dịch Sơn Lôi ra sao?
Virus corona: Những triệu chứng và cách phòng tránh cần biết
Đeo khẩu trang có chống được virus corona không?
Chính quyền Hàn Quốc ‘hơi chủ quan’?
Tin về các vụ lây nhiễm mới nhất ở Hàn Quốc đang gây xôn xao dư luận tại Việt Nam.
Có ý kiến trong người Việt sống tại đó và một số người đã làm việc từ Hàn Quốc về Việt Nam năm qua, cho rằng chính quyền Hàn đã “hơi chủ quan”.
Một cựu phiên dịch, hiện đã sống ở Việt Nam, chia sẻ với điều kiện ẩn danh:
“Hàn Quốc kiểm soát dịch rất kém. Số thông báo người nhiễm tăng là do bị nhiễm trước rồi. Giờ chỉ kiểm tra và công bố thôi. Vừa không kinh nghiệm xử lý dịch vừa vì thể chế mang danh dân chủ và có các đảng đối lập… nên công tác kiểm soát dịch càng khó khăn vì thái độ bất hợp tác và chống đối…”
Ý kiến này nói “Dịch này tuy thế không quá nguy hiểm vì tỉ lệ tử vong thấp nhưng thiệt hại về kinh tế rất lớn cho Hàn Quốc.”
Có thể, vì có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Hàn Quốc, nên Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, theo nhiều nhà quan sát.
Dù vậy, có ý kiến đánh giá tốt nỗ lực của chính phủ Việt Nam cho tới nay.
Viết cho BBC News Tiếng Việt hôm 24/02, TS Phạm Quý Thọ, nhà bình luận từ Hà Nội nói:
“Năng lực ứng phó của Việt Nam trước dịch Covid-19, như Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, bước đầu là tích cực. Về chính sách ngoại giao về ‘Covid-19′, Chính phủ Việt Nam ứng xử ‘mềm dẻo’ với các nước có liên quan.”
Người Việt ở Ba Lan lo lắng
Tình hình dịch bệnh ở Ý, nơi đến nay đã có năm người tử vong, cũng khiến cộng đồng người Việt ở thủ đô Warsaw của Ba Lan lo lắng.
Khả năng lây nhiễm từ Ý tới khu chợ Wolka của người Việt ở ngoại ô Warsaw là khá cao.
“Người Trung Quốc bên Ý thường xuyên qua lại trung tâm buôn bán bên này, vì lý do làm ăn,” nhà báo tự do Mạc Việt Hồng từ Warsaw nói với BBC News Tiếng Việt.
“Người Việt cũng thường qua các xưởng sản xuất do người Trung Quốc làm chủ ở bên Ý để đặt hàng.”
“Thông thường, người Việt đi Ý như đi buôn chuyến, họ sang các nhà máy, xưởng may do người Trung Quốc làm để xem các mẫu hàng mới, rồi đặt hàng về Wolka bán.”
Tin cho hay ban hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Ba Lan trong các ngày 23 và 24/02 đã “kêu gọi cộng đồng doanh nhân Việt Nam, Trung Quốc, Ba Lan, và các nước khác không đi Italy giao dịch, đặt hàng, mua hàng trong thời gian này cho tới khi Dịch Covid-19 được kiểm soát”.
Những người mới từ vùng dịch Covid-19 tới Ba Lan được kêu gọi cách ly tại gia ít nhất 14 ngày, còn những ai có biểu hiện bất thường về sức khỏe được khuyến nghị đi khám bác sỹ ngay,
Doanh nhân Trần Quốc Quân, một trong các chủ đầu tư của Trung tâm Thương mại Á-Âu (EACC) thuộc khu chợ Wolka tỏ ý quan ngại.
“Khả năng nếu có ca dương tính thì khu Trung tâm Thương mại vùng Wólka Kosowska bị chính quyền phong tỏa ổ dịch là rất cao,” ông Quân nói với BBC News Tiếng Việt.
Nhà báo Mạc Việt Hồng nhận xét rằng bởi Wolka là khu tập trung gần như toàn người nước ngoài, cho nên “nếu dịch bùng phát ở đây là sẽ ‘toang’ luôn”.
Được biết, các doanh nhân người Việt Nam ở các Trung tâm Thương mại vùng Wólka Kosowska vừa nhóm họp đã ủng hộ lời kêu gọi của Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan về việc không đi Italy đặt hàng, mua hàng trong thời gian này cho đến khi hết dịch.
Sắp tới ra sao?
Câu hỏi tới là liệu sẽ có đại dịch toàn cầu hay không
Ngoài ra là các thông tin trái ngược nhau về nguy cơ ‘tái nhiễm’.
Đến 24/02, có tin nói về chuyện quốc tế đang tiến lại gần hơn việc có nên coi đây là một đại dịch.
Tuy thế, một dịch bệnh sẽ được tuyên bố là đại dịch khi nó cùng lúc đe dọa nhiều vùng khác nhau trên toàn thế giới.
WHO hôm 24/02 trong cuộc họp báo đã nói chưa gọi đây là “đại dịch toàn cầu” (global pandemic).
Cho đến nay vẫn chưa có vaccine phòng chống được loại virus corona mới này.
Khoảng 77.000 người ở Trung Quốc, khởi nguồn phát bệnh, đã bị mắc virus corona, trong đó gần 2.600 người đã thiệt mạng.
Hơn 1.200 trường hợp được xác nhận tại 26 quốc gia, với tám ca tử vong, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói.
Hôm thứ Hai, Afghanistan, Kuwait và Bahrain báo cáo có các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên, toàn bộ đều là những người vừa từ Iran trở về.
Chính quyền Iran hôm 24/02 bác bỏ tin nói có 50 ca tử vong vì virus corona ở Qom, thánh địa của Hồi giáo Shia.
Dương tính rồi có mắc virus lại?
Một số thông tin nói có bệnh nhân ‘âm tính’ với virus corona rồi sau lại bị dương tính, nhưng giới khoa học cho rằng đó chỉ là chưa xét nghiệm có lỗi hoặc chưa phát bệnh.
Trang Beijing News (18/02) trích lời một bác sĩ ở Hồ Bắc nói có các trường hợp bệnh nhân virus corona đã được cho ra viện, nhưng sau “lại có xét nghiệm dương tính”.
Vì sao một y tá bầu 9 tháng khiến dân TQ tức giận?
Virus corona: Ý hủy bỏ Lễ hội Venice Carnival vì dịch bùng phát
Dịch Covid-19: ‘Việt Nam đang chịu tổn thất về kinh tế’
Câu chuyện này đã và đang tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.
Ngoài ra là các trường hợp bị chẩn đoán là “có virus corona” nhưng sau lại không có, rồi mắc lại.
Theo James Gallagher, phóng viên y tế và khoa học của BBC News thì có một khả năng là các xét nghiệm chính xác, cho thấy đúng là bệnh nhân không có virus corona vào thời điểm làm xét nghiệm.
Triệu chứng gây nhầm lẫn
Trong bài ‘Are coronavirus tests flawed?‘ (Có phải xét nghiệm virus corona có lỗi?), James Gallagher viết:
“Vì cũng là mùa cúm tại Trung Quốc nên ho, bị sốt đều có thể tạo ra cảm giác nhầm lẫn với bệnh do virus corona gây ra.”
Các xét nghiệm ‘RT-PCR tests’ trong y tế đang dùng rất phổ biến thường cũng có độ chính xác cao, chuyên để tìm virus HIV và cúm.
Bác sĩ Nathalie McDermott, Đại học King’s College London, nói:
“Các xét nghiệm này nói chung là chính xác, với tỷ lệ sai số thấp.”
“Nhưng các dấu hiệu ban đầu của virus corona rất giống các loại bệnh đường hô hấp do virus khác gây ra.”
“Và có thể bệnh nhân không hề mắc nhiễm virus corona trong lần xét nghiệm đầu tiên.”
“Một thời gian sau họ mới lây nhiễm và khi đó thì phát hiện ra là dương tính với virus corona.”
Hà Nội lo phải ‘đón người từ vùng dịch Hàn Quốc’
Covid-19: Thêm người chết, Hàn Quốc căng thẳng đối phó
Theo bà, đó chính là một khả năng của việc xét nghiệm lần đầu ‘không sao’ mà lần sau thì lại coi là dương tính.
Bệnh chưa phát
Một khả năng nữa là bệnh nhân đã có virus corona trong người nhưng bệnh chỉ ở thời kỳ ban đầu, không đủ để bị phát hiện.
Dù RT-PCR test đã đọc được dữ liệu di truyền nhiều hơn trước, máy móc cũng cần phải có chất liệu gì cụ thể từ bệnh nhân thì mới tìm ra bệnh.
Tuy vậy, việc làm cả sáu đợt test vẫn không tìm ra virus thì là chuyện khó tin, theo bà MacDermott.
Trong trường hợp virus Ebola, người ta cần đợi 72 giờ sau xét nghiệm âm tính để chờ xem virus có hoạt động không mới làm test sau.
Xét nghiệm thiếu chuẩn xác
Thêm một khả năng nữa là cách làm xét nghiệm có lỗi.
Ví dụ mẫu lấy từ cổ họng không chuẩn, không thu hết dịch.
Chưa kể nếu mẫu vật từ cơ thể bệnh nhân không được bảo quản, xử lý chuẩn xác thì kết quả cũng bị ảnh hưởng.
Đã có ý kiến nói đến chuyện bác sĩ khi lấy mẫu sinh thiết từ phần cuống họng của bệnh nhân lại nhìn vào chỗ khác.
Chọn Primer sai
Cuối cùng là khả năng RT-PCR test chọn sai điểm có mẫu di truyền của virus corona.
Gọi là ‘primer’, phần này cho người làm xét nghiệm tìm ra mã di truyền của virus.
Nếu virus từ primer và virus từ cơ thể bệnh nhân không tương đồng thì bệnh nhân bị cho là dù đã mắc virus vẫn có ‘xét nghiệm có kết quả âm tính’.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51587600

Vàng lên giá cao nhất từ 7 năm,

chứng khoán Á, Âu sụt vì lo dịch Covid-19

Giá vàng thế giới lên cao nhất từ 7 năm qua, và chứng khoán sụt mạnh vì các nhà đầu tư lo ngại ảnh hưởng xấu của dịch virus corona.
Tuy thế, chiều 24/02/2020 giờ GMT, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ôngTedros Adhanom Ghebreyesus nói tại họp báo quốc tế rằng Covid-19 “chưa là đại dịch toàn cầu”.
Đầu ngày, chứng khoán nhất của các hãng hàng không và lữ hành sụt mạng vì giao thông đã ngưng trệ ở nhiều nơi do tình trạng ngăn cấm nhập cảnh, xuất cảnh vì virus.
Giá dầu trong ngày 24/02/2020 cũng sụt 2% vì lo ngại đình trệ kinh tế và nhà máy đóng cửa.
Chỉ số thị trường chứng khoán Anh FTSE 100 sụt hơn 3% còn thị trường Milan, Ý sụt 4,5%.
Giá vàng cùng ngày tăng hơn 2% vì các nhà đầu tư tìm nơi đặt tiền an toàn.
Vàng lên 1 nghìn 680 bảng Anh một ounce, cao nhất từ tháng 2/2013.
Giới phân tích cho rằng giá vàng đã tăng hơn 10% từ đầu năm sẽ có thể vượt ngưỡng 1 nghìn 700 USD/ounce.
Tại thị trường Anh, cổ phiếu của hãng hàng không EasyJet giảm 14%, còn Tui và IAG (sở hữu British Airways) giảm 8,5%.
Dịch Covid-19: ‘Việt Nam đang chịu tổn thất về kinh tế’
Virus corona: Số ca tăng toàn cầu, ‘tái nhiễm’ có thật không?
Virus corona: Những triệu chứng và cách phòng tránh cần biết
Hà Nội lo phải ‘đón người từ vùng dịch Hàn Quốc’
Người Việt ở Daegu: “Tôi lo đến run cả người”
Hôm 22/02, một phân tích của BBC News trích nguồn từ Trung Quốc cho hay “hàng triệu công ty vừa và nhỏ” ở nước này đang mắc nợ vì đình đốn sản xuất, kinh doanh do virus corona.
Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của TQ (Chinese Association of Small and Medium Enterprises) nói 60% các công ty thành viên của họ chỉ có thể “chịu được” 1-2 tháng là hết tiền thanh toán.
Chỉ có 10% nói họ đủ vốn “cầm cự trên sáu tháng”.
Việc tạm ngưng nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc đã gây tác động đến chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Primark ở Anh vừa nói họ sẽ khó có thể tránh quyết định tạm đóng m̀ột số tiệm quần áo nếu nhà máy tại Trung Quốc không quay trở lại sản xuất.
Ở Việt Nam, chủ tịch thành phố Hà Nội đã chủ trì phiên họp đột xuất hôm 23/2 để đánh giá diễn biến của dịch Covid-19 toàn cầu, đặc biệt là tại Hàn Quốc.
Lý do là Hà Nội có nhiều doanh nghiệp và công dân Hàn làm ăn, sinh sống và người Việt có mặt nhiều ở Hàn Quốc, gồm cả số vài nghìn tại các tâm dịch như Daegu.
Hiện chưa rõ tác động của dịch ở Hàn Quốc sẽ tác động đến kinh tế VN ra sao, nhưng chỉ riêng việc vắng khách TQ từ sau Tết Nguyên đán đã khiến du lịch Việt Nam thiệt hại nặng.
Một bài mới đây trên báo Hong Kong đánh giá rằng đường sắt Việt Nam trong 19 ngày đầu tháng 2 đã bị giảm doanh thu khoảng 2,8 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, một phần là do phải trả tiền hoàn lại cho gần 40.000 vé tàu chưa sử dụng.
Joe Buckley, một chuyên gia về lao động ở Đại học SOAS London cho biết nhiều công ty may mặc và giày dép Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, theo trang South China Morning Post.
Trong tháng 2, dự báo kinh tế của ngành ô tô Trung Quốc (CPCA) nói số xe bán ra của họ ở Trung Quốc tính chỉ hết hai tuần đầu tháng, đã giảm 90%.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-51618838

Chuyên gia cảnh báo giai đoạn mới của Covid-19,

kịch bản Italy, Hàn Quốc có thể lặp lại ở bất cứ đâu

Sự bùng phát mạnh mẽ của Covid-19 ở ngoài Trung Quốc khiến các chuyên gia lo ngại, kêu gọi các chính phủ cảnh giác cao hơn để tránh những kịch bản như ở Italy, Hàn Quốc hay Iran.
“Đã có một sự thay đổi sâu sắc theo hướng mà Covid-19 đang diễn biến trong 48 giờ qua”, Giáo sư Devi Sridhar, Giám đốc Chương trình Quản trị Y tế Toàn cầu tại Đại học Y khoa Edinburgh, cho biết.
“WHO và các chính phủ thành viên cần phải suy nghĩ về việc chuyển từ ngăn chặn sang giảm thiểu, tức là giảm các tác động tiêu cực của sự lây truyền đang tiếp tục diễn ra”, ông Sridhar cảnh báo.
Hôm 21/2, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesu đưa ra hồi chuông cảnh báo, nhấn mạnh cơ hội để ngăn Covid-19 lây lan đang thu hẹp lại.
“Chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn có thể ngăn chặn được dịch. Nhưng cửa sổ cơ hội của chúng ta đang bị thu hẹp”, ông Tedros nói, khẳng định nếu các quốc gia không nhanh chóng chống lại sự lây lan của Covid-19, vấn đề sẽ trở nên lộn xộn và khó kiểm soát.
Nhiều quan chức của WHO và các chuyên gia y tế cũng bày tỏ mối quan ngại về các trường hợp nhiễm bệnh không có mối liên hệ dịch tễ rõ ràng với Trung Quốc.
“Đó là những gì mà chúng tôi gọi là sự lây truyền cộng đồng. Điều đó cho thấy việc kiểm soát nó khó khăn hơn nhiều và báo trước nguy cơ nó lan rộng ra ngoài Trung Quốc”, Giáo sư Arnaud Fontanet, chuyên gia dịch tễ học về các bệnh mới nổi tại Viện Pasteur của Pháp cho hay.
Các trường hợp mới đây ở Lebanon và Canada dường như bắt nguồn từ Iran trong khi ở Italy, các nhà khoa học nói rằng không thể xác nhận được mối liên hệ giữa một số trường hợp bệnh nhân với các ca nhiễm trước.
“Những gì đang xảy ra ở Italy và Hàn Quốc hay Iran có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới”, ông Sridhar cảnh báo.
Nathalie MacDermott, giảng viên tại King College London nói rằng “tình hình phát triển dịch ở Hàn Quốc, Iran và Italy rất đáng quan tâm”.
“Đã có những dự đoán rằng một số quốc gia sẽ phát triển dạng lây truyền từ người sang người sau khi bị nhiễm bệnh từ một quốc gia bị ảnh hưởng”, ông MacDermott cho hay, kêu gọi các quốc gia kịp thời kiểm soát các trường giợ như vậy trước khi nó lan rộng hơn.
“Tôi nghĩ rằng đây là giai đoạn mới của sự lan truyền virus”, Eric D’Ortenzio, nhà dịch tễ học tại Viện nghiên cứu y học Inserm của Pháp nhấn mạnh.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33141-chuyen-gia-canh-bao-giai-doan-moi-cua-covid-19-kich-ban-italy-han-quoc-co-the-lap-lai-o-bat-cu-dau.html

15 quốc gia

thắt chặt hạn chế đi lại với công dân Hàn Quốc

Băng Thanh
Ít nhất 6 quốc gia đã cấm du khách đến từ Hàn Quốc nhập cảnh, và 9 quốc gia khác áp hạn chế đi lại đối với công dân xứ sở kim chi, sau khi Seoul báo cáo sự gia tăng đột biến các ca nhiễm COVID-19.
Hàn Quốc hiện đang gia tăng đột biến số ca nhiễm COVID-19, từ 30 bệnh nhân vào ngày 17/2 đã lên tới 763 người nhiễm virus và 7 người tử vong vào sáng ngày 24/2.
Israel là một trong những quốc gia đầu tiên cấm du khách đến từ Hàn Quốc. Năm quốc gia khác – Bahrain, Jordan, Kiribati, Samoa và Samoa thuộc Mỹ (American Samoa) – cũng đã áp lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Hàn Quốc.
Israel cho biết bắt đầu từ ngày 24/2, nước này sẽ cấm công dân Hàn Quốc và khách du lịch đã ở nước này trong hai tuần vào lãnh thổ.
Vương quốc Bahrain ở khu vực Trung Đông, cũng đã cấm người Hàn Quốc nhập cảnh. Công dân Hàn Quốc có giấy phép cư trú ở Bahrain vẫn được phép nhập cảnh, nhưng họ cần phải trải qua kiểm tra y tế và cách ly.
Sa-moa, quốc gia ở Châu Đại Dương, yêu cầu những người đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore gửi hồ sơ chứng minh họ đã tự cách ly trong ít nhất hai tuần. Samoa thuộc Mỹ cũng yêu cầu du khách đến từ những quốc gia này cách ly ở Hawaii trong 14 ngày.
Brunei, Anh, Turkmenistan, Kazakhstan, Ethiopia và Uganda đã thắt chặt việc giám sát du khách đến từ Hàn Quốc và các quốc gia có người nhiễm virus, đồng thời yêu cầu du khách phải tự nguyện thông báo cho cơ quan y tế nếu họ có bất kỳ triệu chứng nhiễm bệnh nào. Du khách từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran và Singapore đến Oman phải bị cách ly trong 14 ngày.
Ma Cao đã xếp Hàn Quốc là quốc gia có nguy cơ cao về virus corona và đang kiểm tra y tế đối với du khách đến từ Hàn Quốc tại một cơ sở được chỉ định. Qatar cũng yêu cầu du khách đến từ Hàn Quốc phải tự cách ly hoặc cách ly tại một cơ sở chỉ định trong 14 ngày.
Mauritius, một quốc đảo ở Đông Phi, vẫn chưa chính thức công bố lệnh cấm nhập cảnh đối với người Hàn Quốc, nhưng nước này đã đình chỉ việc nhập cảnh của một số người Hàn Quốc bị sốt và chuyển họ đến bệnh viện vào ngày 23/2, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết.
Đài Loan cũng đã đưa ra cảnh báo đối với du lịch Hàn Quốc. Anh và Singapore khuyến cáo công dân của họ tránh đi du lịch đến thành phố Daegu và tỉnh Gyeongsangbuk của Hàn Quốc, khu vực có nhiều ca nhiễm COVID-19 ở nước này.
https://www.dkn.tv/the-gioi/15-quoc-gia-that-chat-han-che-di-lai-voi-cong-dan-han-quoc.html

Virus corona lan rộng bên ngoài Trung Quốc

Ý, Hàn Quốc và Iran vừa báo cáo số người nhiễm virus corona tăng mạnh vào ngày 24/2, trong khi Trung Quốc nới lỏng hạn chế đi lại khi tỷ lệ ca nhiễm mới tại đây giảm đi và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là có sự giảm mạnh về số lượt đến các phòng khám tại đây, theo Reuters.
Dịch Covid-19 đã khiến nhiều thành phố của Trung Quốc bị cách ly trong những tuần gần đây, làm gián đoạn từ dịch vụ hàng không cho đến công xưởng sản xuất của thế giới và gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cho tất cả mọi thứ, từ xe hơi, phụ tùng xe hơi cho đến điện thoại thông minh.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu phái đoàn WHO ở Trung Quốc, ông Bruce Aylward, thì hành động của Trung Quốc, đặc biệt là ở thành phố Vũ Hán – vùng tâm dịch, có lẽ đã ngăn chặn được hàng trăm ngàn trường hợp lây nhiễm, và chuyên gia này thúc giục thế giới nên học bài học phản ứng nhanh này.
Tình trạng gia tăng ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đã khiến cho thị trường tài chánh Phố Wall sụt giảm mạnh khi các nhà đầu tư tìm cách rút lui để an toàn. Thị trường cổ phiếu châu Âu cũng bị chịu sự sụt giảm mạnh nhất kể từ giữa năm 2016, giá vàng tăng vọt lên mức cao nhất trong 7 năm, trong khi giá dầu giảm gần 4% và đồng won Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cảnh báo không nên đưa ra kết luận về tác động đối với nền kinh tế toàn cầu hoặc chuỗi cung ứng. Theo ông, đơn giản là còn quá sớm để biết điều này.
Theo chuyên gia Aylward của WHO, nhiều nguồn dữ liệu cho thấy xu hướng giảm các ca lây nhiễm bệnh, nhưng một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, Liang Wannian, cho biết có hơn 3.000 nhân viên y tế đã bị nhiễm virus, hầu hết trong số họ là ở Hồ Bắc, và nhiều khả năng là do thiếu thiết bị bảo hộ và do quá mệt mỏi.
Ngoại trừ Hồ Bắc, Trung Quốc báo cáo chỉ có 11 ca nhiễm mới, mức thấp nhất kể từ khi cơ quan y tế quốc gia bắt đầu công bố số liệu hàng ngày trên toàn quốc vào ngày 20 tháng 1.
Đến nay, virus corona đã lây nhiễm gần 77.000 người và giết chết hơn 2.500 ở Trung Quốc, hầu hết là ở Hồ Bắc.
Vào ngày 23/2, Trung Quốc báo cáo có 409 ca mới, giảm từ 648 ca vào một ngày trước đó, đưa tổng số ca nhiễm bệnh lên 77.150. Số người chết tăng 150, nâng tổng số lên 2.592 người.
Bên ngoài Trung Quốc, dịch Covid-19 đã lan rộng ra khoảng 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, với số người chết lên đến khoảng hai chục người, theo một thống kê của Reuters.
Hàn Quốc đã báo cáo 231 trường hợp nhiễm bệnh mới, nâng tổng số lên tới 833. Nhiều người ở thành phố lớn thứ tư Hàn Quốc, Daegu, đang bị cô lập khi các hãng hàng không Asiana Airlines và Korean Air tạm dừng các chuyến bay tại đây cho đến tháng tới .
Iran, công bố hai trường hợp đầu tiên vào thứ Tư tuần trước và cho biết hiện có 61 trường hợp nhiễm bệnh và 12 trường hợp tử vong. Hầu hết các ca nhiễm đều ở thánh địa Qom của người Hồi giáo Shia.
Ở những nơi khác tại Trung Đông, Bahrain và Iraq cũng đã báo cáo những ca nhiễm đầu tiên, và Kuwait báo cáo có 3 trường hợp liên quan đến những người đã ở Iran.
Ả Rập Xê Út, Kuwait, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Afghanistan đã áp đặt các hạn chế đi lại và nhập cảnh từ Iran. Afghanistan cũng báo cáo trường hợp nhiễm dịch đầu tiên, theo các quan chức nước này.
Tại châu Âu, dịch bùng phát lớn nhất là ở Ý, với khoảng 150 ca bệnh nhiễm so với chỉ 3 ca trước thứ Sáu và một trường hợp tử vong trong ngày thứ Sáu.
https://www.voatiengviet.com/a/virus-corona-lan-r%E1%BB%99ng-b%C3%AAn-ngo%C3%A0i-trung-qu%E1%BB%91c/5301409.html

Trung Quốc có thêm 409 ca nhiễm COVID-19,

số người tử vong trên thế giới vượt quá 2.600

Hải Lam
Trung Quốc hôm nay ghi nhận thêm 409 ca nhiễm COVID-19 mới và 150 trường hợp tử vong tính đến ngày 23/2. Bên ngoài Trung Quốc có thêm 7 ca tử vong, nâng số người chết trên thế giới lên 2.619.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) sáng nay thông báo số người tử vong vì virus corona trên toàn Trung Quốc tăng 150 ca lên 2.592. Trong số 150 ca tử vong này có tới 149 ca tại tâm dịch Hồ Bắc. Thêm 409 người nhiễm bệnh, nâng tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc lên 77.150. Số người bình phục được ra viện hôm 23/2 ở Trung Quốc là 1.846, và tổng cộng có 24.734 bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 được xuất viện tính đến cuối ngày 23/2.
Tập Cận Bình thừa nhận COVID-19 là cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất
Ông Tập thừa nhận dịch COVID-19 là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng lớn nhất” trong lịch sử Trung Quốc kể từ năm 1949 khi hơn 2.400 người đã chết vì virus SARS-CoV-2 (tên chính thức của virus corona mới).
Đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra “có tốc độ lây lan nhanh nhất, phạm vi lây nhiễm rộng nhất, khó ngăn chặn và kiểm soát nhất”, đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời ông Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp ứng phó dịch COVID-19 ở Bắc Kinh hôm 23/2.
Cũng trong hôm 23/2, giới chức Trung Quốc xác nhận hai bác sĩ ở Hồ Bắc đã qua đời vì dịch bệnh.
COVID-19 bên ngoài Trung Quốc
Dịch COVID-19 đã lan ra 31 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc sau khi khởi phát tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào tháng 12/2019.
Bên ngoài Trung Quốc, thế giới hiện ghi nhận 27 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Philippines, Đài Loan, Hồng Kông, Iran và Italy.
Sáng 24/2, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo nước này ghi nhận thêm 161 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số người nhiễm lên 763, trong đó 7 người đã tử vong. Với những con số này, Hàn Quốc đã trở thành ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới.
Ở Italy, chính quyền ra lệnh phong tỏa những thị trấn bị ảnh hưởng nặng và cấm tụ họp nơi công cộng ở hầu hết các khu vực phía Bắc nhằm ngăn virus SARS-CoV-2 lây lan. Chính quyền vùng Lombardy và Veneto, nơi dịch COVID-19 bùng phát và đang có dấu hiệu lây lan mạnh mẽ ở Italy, đã yêu cầu các trường học ngừng hoạt động trong ít nhất một tuần, đóng cửa bảo tàng, rạp chiếu phim, đồng thời hủy hai ngày cuối của Carnival Venice.
Nhật Bản ngày 23/2 ghi nhận người thứ 3 tử vong sau khi nhiễm COVID-19 trên du thuyền Diamond Princess.
Quốc gia/Vùng lãnh thổ: Số ca nhiễm / Số ca tử vong
Nhật Bản: 838 / 4
Hàn Quốc: 763 / 7
Italy: 152 / 3
Singapore: 89 / 0
Hồng Kông: 74 / 2
Iran: 43 / 8
Thái Lan: 35 /0
Mỹ: 35 /0
Đài Loan: 28 / 1
Úc: 23 / 0
Malaysia: 22 / 0
Đức: 16 / 0
Việt Nam: 16 / 0
Pháp: 12 / 1
Ma Cao: 10 / 0
Canada: 9 / 0
Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất: 11 / 0
Anh Quốc: 9 / 0
Philippines: 3 / 1
Ấn Độ: 3 / 0
Nga: 2 / 0
Tây Ban Nha: 2 / 0
Bỉ: 1 / 0
Campuchia: 1 / 0
Ai Cập: 1 / 0
Phần Lan: 1/ 0
Israel: 1 / 0
Lebanon: 1 / 0
Nepal: 1/ 0
Sri Lanka:1 / 0
Thụy Điển: 1 / 0
Video: Hàng triệu doanh nghiệp Trung Quốc có nguy cơ phá sản vì dịch cúm COVID-19

https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-co-them-409-ca-nhiem-covid-19-so-nguoi-tu-vong-tren-the-gioi-vuot-qua-2-600-tinh-den-23-2.html

Virus corona: Dược phẩm Pháp lệ thuộc vào Trung Quốc

Minh Anh
Sau ngành công nghiệp ô tô, điện tử, may mặc… liệu ngành dược phẩm của Pháp có bị liên lụy bởi dịch virus corona mới hay không ? Nỗi lo khan hiếm thuốc men và dược phẩm đang trỗi dậy tại nhiều nước phương Tây, và nhất là tại Pháp.
Nỗi lo sợ này là chính đáng, bởi vì Trung Quốc là một trong số các quốc gia cung cấp nguyên liệu hàng đầu để bào chế nhiều loại thuốc điều trị hay phòng bệnh cho nhiều hãng dược lớn của Pháp. Ngay khi dịch bệnh bùng phát, Học Viện Dược Pháp đã gióng chuông báo động : 80% các chất hoạt tính dược sử dụng tại Pháp và châu Âu đều được sản xuất ngoài khu vực kinh tế châu Âu, mà một phần lớn là tại châu Á, so với tỷ lệ 20% cách nay 30 năm.
Trang mạng Slate cho biết đây cũng không phải lần đầu tiên cơ quan y tế Pháp báo động về nguy cơ khan hiếm thuốc men, và các trang thiết bị y tế. Theo Học Viện Dược Pháp, từ mười năm gần đây, hiện tượng khan hiếm thuốc liên tục gia tăng. Năm 2018, cơ quan y tế này ghi nhận 868 báo động căng thẳng hay gián đoạn nguồn cung thuốc, tăng gấp 20 lần so với năm 2008, liên quan đến các loại thuốc điều trị ung thư, kháng sinh, vắc-xin, các loại thuốc trị cao huyết áp, bệnh tim hay thần kinh…
Vẫn theo Học Viện Dược Pháp, nguyên nhân chính của nguy cơ khan hiếm thuốc men và trang thiết bị y khoa là do hiện tượng toàn cầu hóa. Năm 2018, một báo cáo của học viện cho rằng « toàn cầu hóa ngành công nghiệp dược đã làm xáo trộn chu trình sản xuất thuốc ».
Theo lô gích lợi nhuận, nếu như tiến trình toàn cầu hóa cho phép ngành công nghiệp dược phẩm di dời nhà xưởng sang các nước châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á) để giảm chi phí sản xuất, tránh được một số ràng buộc về môi trường đắt đỏ, đẩy sang nước nghèo các hoạt động sản xuất giản đơn như khai thác, chế biến nguyên liệu, bào chế các loại dược phẩm hết hạn bảo hộ phát minh… thì tính chất phức tạp trong chuỗi cung ứng (cung cấp, sản xuất, dán nhãn nước sản xuất, rồi phân phối…), đợt dịch bệnh virus corona mới đang hoành hành tại Trung Quốc lần này và các hoạt động sản xuất bị trì trệ đã phơi bầy ra ánh sáng sự lệ thuộc nặng nề vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc và nhiều nước châu Á, có thể gây nguy hại cho vấn đề an ninh y tế công cộng của quốc gia.
Theo ước tính, Trung Quốc không chỉ cung cấp các loại nguyên liệu cần thiết cho bào chế thuốc, mà quốc gia này còn sản xuất đến 60% thuốc paracetamol, 90% thuốc penicilline và hơn 50% thuốc chống viêm ibuprofen cho thế giới. Le Figaro trích dẫn lưu ý của bà Catherine Simonin, tổng thư ký Liên đoàn chống Ung thư khẳng định : « 35 phân tử cơ bản để điều trị ung thư đều được sản xuất tại phương Đông, chủ yếu là Trung Quốc, do ba nhà sản xuất đảm trách ». Tình hình còn đáng quan ngại cho hoạt động bào chế các loại thuốc generic (thuốc mang tên gốc), bị các hãng dược di dời ồ ạt sang châu Á.
Trong bối cảnh này, thứ Sáu 21/02, bộ trưởng Kinh Tế, Bruno Le Maire thừa nhận « rõ ràng là tình trạng này có thể đặt ra vấn đề về độc lập y tế trong trung và dài hạn. Nước Pháp cần phải đối phó với thách thức và rủi ro này ».
Theo quan điểm của Học Viện Dược Pháp, đã đến lúc Paris nên « khẩn cấp giảm bớt sự phụ thuộc vào những nước khác và tái lập quyền tự chủ y tế, đặc biệt đối với những loại thuốc thiết yếu như kháng sinh hay chống ung thư. Cần phải thiết lập các khuôn khổ để tái dịch chuyển sản xuất tại châu Âu ».
Câu hỏi đặt ra : Liệu Pháp có thể tái dịch chuyển sản xuất thuốc như một số ngành công nghiệp khác hay không ? Đây không phải là một bài toán dễ giải. Cũng như nhiều ngành công nghiệp khác, Pháp cũng như châu Âu bị lệ thuộc nhiều vào một số loại nguyên liệu hiếm. Năm 2016, tại Pháp chỉ còn có hơn 92 nhà xưởng bào chế hoạt chất so với con số hàng nghìn tại Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu như các nước Đông và Bắc Âu có thể có cơ hội để tận dụng tái dịch chuyển sản xuất, thì nước Pháp lại bị các loại thuế sản xuất gây trở ngại.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200224-virus-corona-lam-lo-ro-su-le-thuoc-cua-bao-che-duo-pham-phap-vao-trung-quoc

Virus corona: Ý hủy lễ hội Venice Carnival,

ban hành lệnh phong tỏa

Giới chức Ý rút ngắn lễ hội Venice Carnival trong nỗ lực kiểm soát tình hình dịch bệnh đang bùng phát ở châu Âu.
Các nhà chức trách ở khu vực Veneto cho biết lễ hội sẽ kết thúc vào Chủ nhật, sớm hơn dự trù hai ngày.
Cho đến nay, số ca nhiễm virus corona ở Ý cao nhất châu Âu với 152 trường hợp, trong đó, có ba tử vong.
Ý ban hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt với hai khu vực được xem là “điểm nóng” phía bắc gần Milan và Venice.
Trong hai tuần tới, trừ khi có phép đặc biệt, khoảng 50.000 người sẽ phải ở trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” tại một số thị trấn ở Veneto và Lombardy. Ngay cả bên ngoài khu vực này, nhiều doanh nghiệp và trường học cũng tạm ngưng mọi hoạt động. Các sự kiện thể thao đã bị hủy bỏ, kể cả một số trận bóng đá quan trọng.
Mark Lowen của BBC mô tả tình hình ngay bên ngoài khu vực phong tỏa.
Ở nước láng giềng Áo, một chuyến tàu từ Venice bị chặn ở biên giới Áo sau khi hai hành khách có triệu chứng sốt. Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer sau đó xác nhận với BBC rằng, hai hành khách trên xét nghiệm âm tính với virus corona.
“Nhà chức trách đã hành động hết sức thận trọng và nhanh chóng trong trường hợp này”, ông Nehammer nói trong một tuyên bố. “Các báo cáo liên tục và không chậm trễ”.
Dịch Covid-19: ‘Việt Nam đang chịu tổn thất về kinh tế’
Người Việt ở Daegu: “Tôi lo đến run cả người”
Hà Nội lo phải ‘đón người từ vùng dịch Hàn Quốc’
Ở những nơi khác, giới chức Hàn Quốc và Iran đang chật vật với việc kiểm soát số ca nhiễm gia tăng đột biến. Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo virus corona lên “mức cao nhất”.
Tại Anh, bốn hành khách vừa trở về sau khi cách ly trên tàu du lịch Diamond Princess ở Nhật Bản, bị xác nhận dương tính với virus corona.
Chủng mới của virus corona xuất phát từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào năm ngoái, gây bệnh về đường hô hấp được đặt tên là Covid-19. Trung Quốc đã có hơn 76.000 ca nhiễm và 2.442 trường hợp tử vong.
Chuyện gì đang xảy ra ở Ý?
Hôm thứ Bảy, Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố rằng “các biện pháp bất thường” sẽ được áp dụng để ngăn chặn số ca nhiễm virus corona đang gia tăng.
Ông nói lệnh phong tỏa có thể sẽ kéo dài nhiều tuần.
Cảnh sát và các lực lượng vũ trang (nếu cần) sẽ có thẩm quyền thực thi các quy định.
Angelo Borrelli, người đứng đầu Cục Bảo vệ Dân sự của Ý, nói với báo giới rằng 110 trong số các trường hợp được xác nhận là ở Bologna, với 21 ca ở Veneto và những người khác ở Emilia-Romagna và Lazio.
Các quan chức cho hay đã có ca tử vong thứ ba hôm Chủ nhật. Đó là một phụ nữ lớn tuổi bị ung thư ở thị trấn Crema.
Giới chức Ý cho biết họ đang truy tìm nguồn gốc của sự bùng phát dịch.
Lễ hội Venice Carnival dự kiến bế mạc vào thứ Ba nhưng chủ tịch địa phương Luca Zaia nói với đài truyền hình Sky TG24 hôm Chủ nhật rằng lễ hội sẽ bị hủy bỏ, cùng với các sự kiện khác, trong nỗ lực khống chế sự lây lan của virus.
“Kể từ tối nay, chúng tôi có kế hoạch ngừng lễ hội và tất cả các hoạt động thể thao cho đến ngày 1/3,” ông nói.
Các trường đại học ở Milan cũng bị đóng cửa. Thị trưởng thành phố, Giuseppe Sala, cho biết các trường học khác cũng sẽ đóng cửa khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
“Để phòng ngừa, tôi nghĩ rằng các trường học ở Milan phải đóng cửa. Tôi sẽ đề xuất với chủ tịch trong vùng mở rộng biện pháp phòng ngừa cho toàn bộ khu vực. Đây chỉ là một biện pháp phòng tránh, chúng tôi không muốn tạo ra sự hoảng loạn, ” ông nói.
Colette Walsh, một giáo viên tiếng Anh sống ở thị trấn Lissone, nói với BBC rằng các kệ hàng ở siêu thị trống rỗng vì mọi người đang hoảng hốt đi mua và tích trữ hàng hóa.
“Thật không tưởng tượng được, tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như vậy”, bà nói.
Trong khi đó, show thời trang của Giorgio Arman, dự kiến ​​sẽ được tổ chức tại Milan hôm Chủ nhật, vẫn diễn ra, nhưng không có mặt giới truyền thông hay người tham dự. Chương trình được phát trực tiếp trên trang web, trang Instagram và Facebook của hãng.
Tuy nhiên, buổi trình diễn tuần lễ thời trang của Dolce & Gabbana vẫn diễn ra như bình thường, với một số khách đeo khẩu trang y tế.
Chuyện gì đang xảy ra ở Hàn Quốc?
Hôm Chủ nhật, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết nước này đang phải đối mặt với “bước ngoặt quan trọng”, và vài ngày tới là thời kỳ rất quan trọng trận chiến ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.
Hàn Quốc thông báo sáu trường hợp tử vong và hơn 600 ca nhiễm được xác nhận – trở thành quốc gia có số người nhiễm cao nhất bên ngoài Trung Quốc. Dù trong đợt bùng phát virus corona trên tàu du lịch Diamond Princess cập cảng ở Yokohama, Nhật Bản, cũng đã ghi nhận hơn 600 trường hợp.
“Chính phủ sẽ nâng mức cảnh báo lên cao nhất theo khuyến nghị của các chuyên gia”, ông Moon nói.
Các quan chức y tế tiết lộ sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm virus corona có liên quan đến bệnh viện và một nhóm tôn giáo gần thành phố phía đông nam của thành phố Daegu.
Hy vọng và nỗi sợ ở Daegu
Phân tích của Laura Bicker, phóng viên tại Seoul
Điện thoại tôi cứ kêu liên hồi khi tôi đến gần Daegu. Một số tin nhắn cảnh báo khẩn cấp xuất hiện trên màn hình. Đó là một âm thanh khó chịu và đáng báo động, nhưng có thể hữu ích.
Tin nhắn cho bạn biết bệnh nhân được xác nhận nhiễm virus gần đó ở đâu và vào thời gian nào, cực kỳ chi tiết bao gồm thời gian, ngày tháng và địa điểm chính xác. Chẳng hạn, một bệnh nhân đã ở trong một bể bơi ở Hàn Quốc cho đến 1.30 sáng!
Chúng tôi thông báo về một bệnh viện mới được chỉ định điều trị virus corona. Hàng chục xe cứu thương xếp hàng dài bên ngoài đều được phun thuốc khử trùng. Trong mỗi xe là một bệnh nhân nhiễm virus corona đang chờ được nhập viện.
Họ được đặt trong một ống nhựa và được chuyển đi bởi những nhân viên mặc đồ bảo hộ toàn thân. Các y sĩ và nhân viên y tế tất bật ra vào trung tâm cấp cứu, ưu tiên cho những bệnh nhân cần được chăm sóc nhiều nhất. Phần lớn bệnh nhân trong bệnh viện đều có triệu chứng nhẹ.
Chi-Heum Cho, giám đốc của Bệnh viện Dongsan thuộc Đại học Keimyung, nói với tôi rằng ông hy vọng có thể kiểm soát được ổ dịch này trong tuần tới. Nhưng ông ấy biết điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ lan rộng của dịch.
Ra ngoài đường bạn sẽ thấy, thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc gần như bị bỏ hoang. Chỉ có một hoặc hai người, cúi đầu và đeo khẩu trang, đi bộ đi qua các cửa hàng đóng cửa. Hầu hết mọi người đều ở trong nhà.
Một trong những cửa hàng trang sức hàng đầu của khu vực vẫn có 50 nhân viên ngồi ở quầy trông đầy hy vọng. Một vài nhân viên chia sẻ với tôi nỗi lo của họ, chủ yếu là lo cho cha mẹ già hoặc con cái. Họ không có sự lạc quan như giám đốc bệnh viện rằng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát.
Trong số 169 trường hợp mới được công bố tại Hàn Quốc vào Chủ nhật, 95 liên quan với một giáo phái Kitô giáo ở Daegu, được gọi là Nhà thờ Shincheonji của Chúa Jesus.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, tổng số trường hợp có sự liên quan với nhà thờ trên là 329.
​​Iran có tin gì mới?
Iran cho biết hôm Chủ nhật, đã có 43 trường hợp xác nhận bị nhiễm virus. Hầu hết là ở thánh địa Qom. Tám trong số những người nhiễm bệnh ở Iran đã tử vong, Iran trở thành quốc gia có số người chết cao nhất ngoài Trung Quốc.
Iraq, Pakistan, Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa biên giới với Iran. Afghanistan đã phong tỏa việc đi lại bằng đường hàng không và đường bộ với Iran.
Trung Quốc, nơi dịch bùng phát thì sao?
Hôm Chủ nhật, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả vụ dịch là “trường hợp khẩn cấp về y tế cộng đồng lớn nhất” trong lịch sử gần đây của nước này.
Ông thừa nhận “những thiếu sót” trong phản ứng của Trung Quốc và cho biết bài học phải được rút kinh nghiệm.
Hôm thứ Bảy, nhà chức trách Trung Quốc báo cáo là tỷ lệ tử vong và các số ca mới nhiễm virus corona đã giảm.
Nhưng bên ngoài Trung Quốc, các trường hợp không mối liên hệ rõ ràng với quốc gia này hoặc các trường hợp khác được xác nhận dương tính với virus corona gia tăng khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51609720

Ý trở thành tâm dịch COVID-19 ở châu Âu với 6 ca tử vong

Hải Lam
Ý đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống sự lây lan của dịch COVID-19, trong bối cảnh nước này có số ca nhiễm bệnh tăng nhanh chóng và 6 người đã tử vong.
Reuters cho hay, Ý ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong trong hôm nay (24/2), nâng tổng số ca thiệt mạng vì dịch COVID-19 lên 6. Truyền thông nước này cho biết nạn nhân thứ 5 là một người 88 tuổi và đến từ vùng Lombardy. Ca tử vong thứ 6 là một trường hợp mắc bệnh ung thư và ở thị trấn phía Bắc Brescia. Hơn 200 trường hợp nhiễm COVID-19 đã được báo cáo ở khu vực phía Bắc nước Ý.
AP đưa tin, trước tình hình dịch bệnh, giới chức Ý đã ra lệnh hủy nhiều sự kiện nhằm ngăn virus SARS-CoV-2 lây lan, trong đó có lễ hội Venice Carnival thường thu hút hàng ngàn người, các buổi biểu diễn âm nhạc tại nhà hát, cũng như các trận bóng đá.
Quyết định hủy bỏ lễ hội Venice Carnival được Thống đốc khu vực Veneto, Luca Zaia công bố sau khi số ca nhiễm virus ở Ý tăng vọt lên 152, con số lớn nhất ngoài châu Á. Thống đốc Luca Zaia cho biết, xe buýt, xe lửa và các loại giao thông công cộng khác – bao gồm cả thuyền ở Venice – đã được khử trùng. Bảo tàng ở Venice cũng được lệnh đóng cửa sau ngày 23/2.
Hai trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 của Ý là một cặp đôi du khách Trung Quốc, được chẩn đoán nhiễm bệnh hồi đầu tháng 2 và đã hồi phục trong một bệnh viện ở Rome. Người thứ 4 qua đời do nhiễm COVID-19 ở nước này là một cụ ông khoảng 80 tuổi và trước đó đã vào viện để điều trị một căn bệnh không liên quan cho tới khi ông cụ suy kiệt vì virus corona.
Ở Lombardy, tâm chấn dịch COVID-19 ở Ý, một khu vực đông dân bao gồm cả thủ đô tài chính Milan, nơi có ít nhất 110 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19, chủ yếu ở Codogno và 9 thị trấn lân cận. Ở những thị trấn đó, chỉ có các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc được phép mở cửa.
Angelo Borrelli, người đứng đầu cơ quan Bảo vệ Dân sự Quốc gia Ý cho biết: “Các quan chức y tế vẫn chưa thể khoanh vùng dịch bệnh”.
Ban đầu, người ta cho rằng một người đàn ông ở Codogno bị nhiễm COVID-19 là do bị lây nhiễm từ một người bạn vừa có chuyến công tác tại Thượng Hải mà anh ta đã ăn tối cùng. Nhưng khi người bạn này có kết quả âm tính thì sự chú ý chuyển sang một số cư dân Trung Quốc thường xuyên đến quán cà phê mà người đàn ông này ghé thăm. Nhưng Thống đốc vùng Lombardy, Attilio Fontana nói với các phóng viên rằng tất cả cư dân Trung Quốc đó đều có kết quả âm tính với virus.
Vì vậy, Borrelli nói rằng, biện pháp để ngăn chặn sự lây lan ở Ý, là nên tập trung vào việc hạn chế đám đông. Một số biện pháp đã được thực hiện như cấm các chuyến bay trực tiếp từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Macao. Ý cũng đã kiểm tra hàng triệu hành khách tới nước này có dấu hiệu sốt.
Sau khi số người nhiễm COVID-19 ở Ý tăng lên, tại Áo, ông Franz Lang, quan chức an ninh cho biết nước này đang xem xét việc kiểm soát biên giới với Ý. Cả hai quốc gia đều là một phần của khu vực miễn thị thực của Liên minh Châu Âu, nhưng trong một số trường hợp, các quốc gia có thể thực hiện các biện pháp kiểm soát của riêng mình. Ông Lang cho biết tình hình sẽ được thảo luận trong các cuộc họp vào ngày 24/2.
Cũng giống như Áo, tại Thụy Sĩ giáp với Ý, các quan chức đã lên tiếng trấn an người dân. “Tin tức từ Ý là rất đáng lo ngại … nhưng còn quá sớm để cho rằng dịch bệnh không kiểm soát được”, Daniel Koch, người đứng đầu bộ phận về các bệnh truyền nhiễm tại văn phòng y tế Thụy Sĩ, nói với đài truyền hình công cộng SRF.
Tại Đức, Bộ Y tế cho biết họ đã khởi xướng một cuộc hội thảo qua điện thoại với các cơ quan y tế công cộng của Liên minh châu Âu về dịch bệnh ở miền Bắc nước Ý vào hôm 24/2.
https://www.dkn.tv/the-gioi/y-tro-thanh-tam-dich-covid-19-o-chau-au.html

Nga đưa tin giả về việc Hoa Kỳ tận dụng sự bùng phát

dịch coronavirus để tiến hành chiến tranh kinh tế

với Trung Cộng

Theo bản tin của AFP, các viên chức Hoa Kỳ cho biết hàng ngàn tài khoản mạng xã hội có liên kết với Nga đã nỗ lực hợp tác truyền bá những khuyến cáo thất thiệt về coronavirus, gây ảnh hưởng các nỗ lực chống dịch bệnh trên toàn cầu.
Chiến dịch truyền bá tin giả đã thúc đẩy các thuyết âm mưu vô căn cứ rằng Hoa Kỳ đứng sau dịch Covid-19. Các viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ chống các tin thất thiệt từ Nga nói rằng, các tài khoản giả được sử dụng trên Twitter, Facebook và Instagram để lan truyền tin giả của người Nga bằng nhiều ngôn ngữ khác.
Những tin tức đó bao gồm cáo buộc rằng virus là một sản phẩm để tiến hành chiến tranh chiến kinh tế với Trung Cộng, rằng đó là vũ khí sinh học do CIA sản xuất hoặc là một phần trong nỗ lực truyền tải thông điệp chống Trung Cộng. Ngoài ra ông Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft và một nhà từ thiện tỷ phú người Hoa Kỳ đã chi hàng tỷ Mỹ kim cho các chương trình y tế toàn cầu, cũng nhận cáo buộc sai sự thật rằng ông có liên quan đến virus.
Các tài khoản đăng tin vào các khoảng thời gian gần nhau bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Đức và tiếng Pháp đều có liên kết với các proxy của Nga, hoặc mang thông điệp tương tự đến các hãng truyền thông do Nga hậu thuẫn như RT và Sputnik. (BBT)
https://www.sbtn.tv/nga-dua-tin-gia-ve-viec-hoa-ky-tan-dung-su-bung-phat-dich-coronavirus-de-tien-hanh-chien-tranh-kinh-te-voi-trung-cong/

Lo ngại Corona, Israel cách ly

200 người Hàn Quốc tại căn cứ quân sự

Lo ngại virus Corona mới (COVID-19), Israel đã cách ly khoảng 200 du khách Hàn Quốc tại một căn cứ quân sự nằm trong khu định cư của người Do Thái ở khu vực chiếm đóng thuộc Bờ Tây, Reuters đưa tin, dẫn lại trang tin Ynet của Israel.
Khi được hỏi về tin tức này, một quan chức Israel chỉ nói rằng cơ sở an ninh trên “đang xem xét các chọn lựa nhằm đáp ứng một đoàn du khách từ Hàn Quốc theo các chỉ thị của Bộ Y tế về vấn đề này”.
Theo Reuters, Bộ Y tế không có bình luận ngay. Trong khi đó, một nhà ngoại giao tại đại sứ quán Hàn Quốc trả lời qua điện thoại rằng ông không có thông tin gì liên quan tới bản tin của Ynet.
XEM THÊM:
Việt Nam xác nhận hơn 8 nghìn người Việt trong tâm dịch Corona ở Hàn Quốc
Trong một phát biểu riêng rẽ hôm 23/2, Bộ trưởng Nội vụ Israel Aryeh Deri nói ông đã ra lệnh đưa Hàn Quốc và Nhật Bản vào danh sách các nước châu Á bị cấm tới cũng như xuất phát Israel.
Theo Reuters, ông Deri nói rằng các nước khác trong danh sách gồm Trung Quốc và Thái Lan.
Ông Deri nói với Israel Radio rằng chính phủ Israel đang tìm kiếm các tuyến bay khác cho một nhóm du khách Hàn Quốc bị kẹt ở Israel vì chuyến bay về nước theo kế hoạch ban đầu của họ đã bị hủy.
Theo Ynet, căn cứ đã được cân nhắc làm nơi cách ly nằm ở Har Gilo, một khu định cư ở phía nam Jerusalem.
Reuters đưa tin, cư dân Har Gilo đã thực hiện một cuộc tuần hành quy mô nhỏ để phản đối động thái trên.
https://www.voatiengviet.com/a/d%E1%BB%8Bch-corona-israel-c%C3%A1ch-ly-200-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%A1i-c%C4%83n-c%E1%BB%A9-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1/5300389.html

Virus corona: Dịch lây lan nhanh tại Iran

làm dân chúng hoang mang

Anh Vũ
Trong cuộc họp báo hôm 24/02/2020, ở Teheran, thứ trưởng Y Tế Iraj Harirchi cho biết tại Iran đã có 12 người chết và 61 trường hợp nhiễm Covid-19. Đa số các trường hợp bệnh phát hiện tại Qom, thành phố cách thủ đô Teheran 120 km về phía nam.
Một loạt các nước láng giềng đóng cửa biên giới, hạn chế giao thương với Iran. Những thông tin dịch bệnh lây lan nhanh chóng khiến người dân trong nước rất hoang mang. Cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Thông tín viên Siavosh Ghazi ghi nhận tại Teheran :
« Từ hai ngày nay, chính phủ liên tục bổ sung các biện pháp. Tại 12 tỉnh, trường phổ thông, đại học và các rạp chiếu bóng bị đóng cửa. Đồng thời tất cả các buổi biểu diễn ca nhạc, các cuộc thi đấu thể thao trong cả nước bị hoãn lại trong vòng 10 ngày.
Những thông tin như vậy, cũng như việc bị các nước láng giềng đóng cửa biên giới, khiến người dân Iran lo lắng. Người dân đổ xô đến các nhà thuốc để mua khẩu trang, găng tay hay thuốc tẩy trùng.
Song song với việc đề cao cảnh giác, chính quyền cố gắng trấn an dân chúng bằng cách thông tin cho mọi người biết các biện pháp áp dụng.
Tình hình đang tác động trực tiếp đến công việc làm ăn của các tiểu thương, như trường hợp của Ali, 35 tuổi chủ một cửa hiệu bán quần áo. Anh cho biết : Việc buôn bán coi như chết. Khách không còn nữa, chính phủ thì mỗi ngày lại đưa ra thêm quyết định. Bộ Y Tế từ ngày mai sẽ phát miễn phí khẩu trang. Tôi không biết họ sẽ còn ra thêm quyết định nào nữa. Chúng tôi chưa bao giờ trải qua như thế này.
Maryam, một phụ nữ khoảng ba chục tuổi, mặt đeo khẩu trang vừa tới mua đồ. Chị không giấu được lo lắng : Chúng tôi sợ phải ra khỏi nhà. Chúng tôi không thể làm các việc hàng ngày, không biết việc gì sẽ xảy đến. Tất cả các tin tức như này càng làm cho chúng tôi khó chịu. Người ta được biết có thêm ca nhiễm ở nơi này nơi kia, biên giới bị đóng cửa, số người nhiễm tăng. Sức ép tinh thần còn khổ hơn.
Để tránh virus lây lan rộng, bộ Y Tế đề nghị người Iran không nên đi lại trong nước lúc này ».
Ngày 24/02, một số nước trong khu vực Tây Á thông báo phát hiện những ca nhiễm đầu tiên : Afghanistan, Koweit và Bahraïn.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200224-iran-dich-virus-corona-lay-lan-nhanh-dan-chung-hoang-mang

Kuwait, Bahrain và Afghanistan

phát hiện người nhiễm COVID-19

Hải Lam
Kuwait, Bahrain và Afghanistan là 3 quốc gia mới nhất phát hiện người nhiễm COVID-19.
Arab News cho biết, hãng thông tấn quốc gia Kuwait KUNA hôm nay đưa tin 3 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 (tên chính thức của virus corona chủng mới) được ghi nhận tại Kuwait, trong đó có một công dân Ả-rập Xê-út. Cả 3 ca bệnh đều nằm trong số 700 người được nước này sơ tán khỏi thành phố Mashhad, Đông Bắc Iran hồi tuần trước.
Bộ Y tế Ả-rập Xê-út xác nhận đang phối hợp với cơ quan y tế của Kuwaiti để điều trị cho công dân nước họ, đồng thời cho biết bệnh nhân sẽ ở lại Kuwait cho đến khi khỏi bệnh.
Giới chức Y tế Bahrain hôm nay cũng xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Kênh truyền thông Bahrain News Agency cho hay bệnh nhân đã được chuyển đến Trung tâm y tế Ebrahim Khalil Kanoo để xét nghiệm, điều trị và cách ly ngay lập tức dưới sự giám sát của một đội ngũ y bác sĩ.
Bộ Y tế Bahrain cho biết họ đang đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19, bao gồm theo dõi sức khỏe của những người đến từ các quốc gia đã xuất hiện dịch bệnh trong thời gian 14 ngày theo tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới quy định. Đồng thời, Bộ khuyến cáo người dân có những triệu chứng nhiễm COVID-19 hoặc những ai đã đi tới các quốc gia đã xuất hiện dịch bệnh tự cách ly và gọi điện thoại đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ.
Reuters đưa tin, Bộ trưởng Y tế Afghanistan Ferozuddin Feroz hôm nay thông báo nước này ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, là một trong 3 trường hợp nghi nhiễm tại tỉnh phía Tây Herat. Ông cũng ban bố tình trạng khẩn cấp tại Herat, nơi giáp biên giới với Iran.
Các trường hợp mới được ghi nhận tại Kuwait, Bahrain và Afghanistan đã nâng tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc xuất hiện dịch COVID-19 lên 34.
https://www.dkn.tv/the-gioi/kuwait-bahrain-va-afghnistan-phat-hien-nguoi-nhiem-covid-19.html

Hội thảo quốc tế tại Nhật Bản: Các chuyên gia

cho rằng các nước cần hợp tác, chia sẻ thông tin

trong lĩnh vực hàng hải

Ngày 20/2, tại Tokyo (Nhật Bản) đã diễn ra Hội thảo hợp tác quốc tế lần thứ hai về nhận thức trong lĩnh vực hàng hải ở thủ đô theo khuôn khổ của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các nước thành viên ARF và quan chức Nhật Bản.
Buổi hội thảo với chủ đề “Nhận thức trong lĩnh vực Hàng hải”, do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì, đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia đến từ các nước thành viên ARF cùng các quan chức thuộc các bộ, ngành và cơ quan liên quan của Nhật Bản, như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) và Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF)…
Nội dung đáng chú ý
Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cần xây dựng một hệ thống chia sẻ thông tin quốc tế để ứng phó các sự cố trên biển. Các đại biểu đã nghe các báo cáo chuyên đề về các vấn đề như việc sử dụng năng lực nhận thức trong lĩnh vực hàng hải, các cơ chế liên ngành và hợp tác quốc tế để đối phó với các thách thức trong lĩnh vực hàng hải, trong đó có vấn nạn cướp biển, khủng bố trên biển và các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, để đối phó với thách thức trên, việc thu thập thông tin chính xác và kịp thời về các sự cố xảy ra trên một khu vực rộng lớn và chia sẻ thông tin đó với các bên liên quan là rất quan trọng để cho phép các nước ứng phó với những sự cố này một cách kịp thời.
Bên cạnh đó, do một quốc gia đơn lẻ không thể thu thập thông tin một cách đầy đủ và toàn diện về các sự cố trên biển nên cần phải xây dựng một hệ thống chia sẻ thông tin quốc tế. Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện JCG giới thiệu về kinh nghiệm sử dụng vệ tinh để theo dõi hàng hải. Các đại biểu cũng nhất trí về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác nhằm nâng cao nhận thức trong lĩnh vực hàng hải.
http://biendong.net/bien-dong/33151-hoi-thao-quoc-te-tai-nhat-ban-cac-chuyen-gia-cho-rang-cac-nuoc-can-hop-tac-chia-se-thong-tin-trong-linh-vuc-hang-hai.html

Hàn Quốc ‘cảnh báo đỏ’ về dịch Covid-19

Hàn Quốc đã nâng cảnh báo lên mức cao nhất và sẽ tiến hành các biện pháp chưa từng có để đối phó dịch Covid-19 sau khi số người tử vong và nhiễm bệnh gia tăng.
Hãng Yonhap hôm qua 23.2 dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành các “biện pháp chưa từng có” để đối phó dịch Covid-19 và không cần bị ràng buộc bởi các quy định.
“Tình hình Covid-19 đang đối diện thời khắc chuyển biến nghiêm trọng. Những ngày tiếp theo sẽ vô cùng quan trọng”, ông phát biểu tại cuộc họp liên ngành để đối phó dịch bệnh, đồng thời cho biết chính phủ sẽ tăng cường hệ thống đối phó toàn diện bằng cách nâng cảnh báo lên mức cao nhất là mức đỏ, sau khuyến cáo của các chuyên gia.
Số ca nhiễm tăng nhanh
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hôm qua thông báo tổng số ca nhiễm vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch Covid-19 tại nước này là 602, tăng 169 ca so với ngày hôm trước. Trong cuộc họp báo đầu ngày, KCDC thông báo có thêm 123 ca nhiễm mới nhưng đến chiều qua lại có thêm 46 ca.
Tính đến cuối ngày hôm qua, Hàn Quốc đã có 6 ca tử vong vì bệnh Covid-19, trong đó bệnh nhân mới nhất tử vong tại Bệnh viện Daenam ở huyện Cheongdo, tỉnh Bắc Gyeongsang. Đây là ca tử vong thứ 4 vì Covid-19 tại bệnh viện này, nơi có hơn 110 người bị nhiễm, trong đó có 9 nhân viên y tế. Hai trường hợp tử vong khác gồm một phụ nữ 56 tuổi được điều trị tại Bệnh viện Đại học quốc gia Kyungpook, và một bệnh nhân nam hơn 50 tuổi đang bị viêm phổi nặng khi nhiễm SARS-CoV-2.
Theo KCDC, khoảng 54,7% các ca nhiễm trên toàn quốc có liên quan đến cụ bà 61 tuổi, thành viên giáo phái Shincheonji tại thành phố Daegu (tỉnh Bắc Gyeongsang), được gọi là “bệnh nhân số 31”. Bệnh nhân này bị sốt hôm 10.2 nhưng hai lần từ chối xét nghiệm và còn dự ít nhất 4 lễ cầu nguyện tại nhà thờ của Shincheonji, trước khi được chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2. Trước đó, KCDC cho biết hơn 9.334 tín đồ của Shincheonji bị cách ly, trong đó có 1.248 người có triệu chứng. Giáo phái này ra thông cáo cho biết đang hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng và đã đóng cửa 1.100 nhà thờ, hủy tất cả lễ, hội họp và sự kiện nhằm đề phòng dịch bệnh lây lan.
Nhiều bên lo ngại
Theo Reuters, Bộ Y tế Singapore hôm qua khuyến cáo người dân tránh những chuyến đi không cần thiết đến 2 địa phương Daegu và Cheongdo ở Hàn Quốc do lo ngại dịch Covid-19. Bộ Ngoại giao Mỹ nâng mức cảnh báo đi lại từ 1 lên 2 đối với công dân Mỹ đến Hàn Quốc. Thang cảnh báo gồm 4 mức, tương ứng với “khuyến cáo thông thường”, “cảnh báo gia tăng”, “cân nhắc đi lại” và “không đi lại”.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/33133-han-quoc-canh-bao-do-ve-dich-covid-19.html

Dịch COVID-19 tại Hàn Quốc sáng 24/2:

7 người đã tử vong, gần 8.000 binh sĩ bị cách ly

Hải Lam
Giới chức y tế Hàn Quốc xác nhận thêm một trường hợp tử vong vì COVID-19, khiến số người chết ở quốc gia này tăng lên thành 7.
Yohap đưa tin, một người đàn ông 62 tuổi nhiễm COVID-19 đã qua đời hôm 23/2 tại một bệnh viện ở quận Cheongdo.
Theo Reuters, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc sáng nay (24/2) cho biết nước này có thêm 161 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 763 và trở thành ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới. Hầu hết các ca nhiễm mới xuất hiện ở thành phố Daegu.
Cũng trong sáng nay, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận 11 binh sĩ nhiễm COVID-19 trong lục quân, tăng 4 ca so với những ngày trước. Trong 11 ca nhiễm này có 8 binh sĩ bộ binh, 1 sĩ quan hải quân, 1 sĩ quan không quân và 1 sĩ quan thủy quân lục chiến. 4 binh sĩ mới được xác nhận bị nghi ngờ đã nhiễm virus sau khi tiếp xúc với bệnh nhân trong doanh trại. Khoảng 7.700 binh sĩ bị cách ly nhằm ngăn dịch lây lan tại các doanh trại quân đội.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 23/2 thông báo nước này đã nâng cảnh báo COVID-19 lên mức cao nhất trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh đang tăng nhanh, đồng thời thúc giục các quan chức chính quyền không do dự trong việc sử dụng “các biện pháp quyết liệt chưa từng có tiền lệ” nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan.
https://www.dkn.tv/the-gioi/dich-covid-19-tai-han-quoc-sang-24-2-7-nguoi-da-tu-vong-gan-8-000-binh-si-bi-cach-ly.html

Hàn Quốc nâng mức cảnh báo dịch COVID-19 lên cao nhất

khi có 602 trường hợp bị nhiễm và 6 người chết

Theo Yonhap News ngày 23/2, bất chấp những nỗ lực kiểm dịch tăng cường, các cơ quan y tế Hàn Quốc đã thông báo thêm 3 trường hợp tử vong và 169 ca nhiễm bổ sung vào thống kê hàng ngày, làm tăng thêm nỗi sợ lây nhiễm trên khắp đất nước và dẫn đến sự chậm trễ nhập học mới được thiết lập vào đầu tháng tới.
Nạn nhân thứ 6 của virus mới là một bệnh nhân tại Bệnh viện Daenam ở phía Đông Nam của thành phố Cheongdo, nơi xảy ra ca tử vong COVID-19 đầu tiên của Hàn Quốc và hơn 110 người, bao gồm 9 nhân viên y tế đã bị phát hiện nhiễm bệnh.
Trong bối cảnh số lượng người chết và nhiễm bệnh gia tăng, Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo vi rút lên mức “đỏ”, cao nhất trong hệ thống 4 cấp của mình, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ.
“Sự cố COVID-19 mà chúng ta đang đối mặt là nghiêm trọng”, Tổng thống Moon Jae-in nói. “Những ngày tới là hết sức quan trọng”.
Để tăng cường nỗ lực ngăn chặn, chính phủ có kế hoạch thiết lập một trụ sở phòng chống thiên tai mới. Thủ tướng Chung Sye-kyun sẽ lãnh đạo nó với các Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Nội vụ làm phó cho ông.
Phân bổ số người bị nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc (nguồn: twitter.com/MG44Graf).
Cho đến nay, phần lớn các ca nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc đều có liên quan đến tổ chức tôn giáo Shincheonji tại thành phố Daegu và Bệnh viện Daenam, ở Cheongdo.
Hôm thứ Sáu (21/2) Hàn Quốc đã tuyên bố Daegu và quận Cheongdo liền kề là “các khu vực chăm sóc đặc biệt”.
Phân bổ số ca nhiễm COVID-19 bên trong Hàn Quốc (nguồn: twitter.com/MG44Graf).
https://www.dkn.tv/the-gioi/han-quoc-nang-muc-canh-bao-dich-covid-19-len-cao-nhat-khi-co-602-truong-hop-bi-nhiem-va-6-nguoi-chet.html

Virus corona: Y tá Vũ Hán bầu 9 tháng

vẫn làm việc khiến dư luận tức giận

Đoạn phim quay cảnh một y tá đang mang thai điều trị cho bệnh nhân trong một bệnh viện ở Vũ Hán đã gây ra phản ứng dữ dội trên khắp Trung Quốc.
Đoạn video do hãng truyền thông nhà nước CCTV đưa ra nhằm miêu tả Zhao Yu, nữ y tá đang mang thai 9 tháng như một anh hùng.
Nhưng người dùng trên mạng xã hội chỉ trích bệnh viện vì đã cho phép một y tá mang thai lớn như thế làm việc trong một môi trường nguy hiểm.
Một người còn bình luận rằng người phụ nữ này đang bị sử dụng như một “công cụ tuyên truyền”.
Bác sĩ Trung Quốc đầu tiên cảnh báo về virus corona qua đời
Bác sĩ TQ tìm cách cảnh báo về virus bị cảnh sát đe dọa
Giận dữ bùng phát sau tin bác sĩ TQ cảnh báo virus corona qua đời
Hơn 2.200 người đã chết vì virus corona ở Trung Quốc, với phần lớn các trường hợp tử vong ở Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc.
Chỉ riêng tại Trung Quốc, đã có hơn 75.000 trường hợp nhiễm bệnh. Virus này cũng đã lan rộng trên toàn cầu với hơn 1.000 trường hợp và một số trường hợp tử vong trên toàn thế giới.
Chiêu trò ‘tuyên truyền’
Cơ quan truyền thông nhà nước CCTV tuần trước đăng một đoạn video có cảnh Zhao Yu, một nữ y tá làm việc trong phòng cấp cứu tại một bệnh viện quân đội ở Vũ Hán.
Đoạn video cho thấy cô đi dạo quanh bệnh viện trong bộ đồ bảo hộ khi đã mang thai khá lớn. Cô được trông thấy đi theo dõi và kiểm tra một bệnh nhân, người này sau đó được chuyển đến khu vực người bị sốt. Người bệnh nhân được nghe thấy nói với cô ấy rằng cô không nên làm việc vì nó “nguy hiểm”.
Trong video, Zhao Yu thừa nhận rằng gia đình cô phản đối việc cô tiếp tục làm việc, nhưng cô nói rằng cô hy vọng mình sẽ có thể góp phần vào việc chống lại virus corona.
Nhưng video này, vốn có mục đích là lời cảm tạ cho sự hy sinh quên mình của bản thân cô, đã khiến nhiều người tức giận, cố cáo đài truyền hình đã sử dụng câu chuyện của cô như một hình thức “tuyên truyền”.
“Chúng ta có thể dừng tất cả những chiêu trò tuyên truyền này được không? Ai đã ra quyết định rằng video này ổn vậy? Phụ nữ mang thai thì không nên [ở tiền tuyến], chấm hết”, một người khác nói.
“Đây là gì, một chương trình cho mục đích chính trị à? Đừng đưa một người phụ nữ đang mang thai chín tháng ra để làm điều này,” một người khác bình luận.
“Tôi thực sự nghĩ rằng thông điệp là … khuyến khích phụ nữ một cách mù quáng rằng họ nên chiến đấu ở tiền tuyến bất kể tình trạng sức khỏe của họ … thực sự kinh tởm,” một người nói.
Và đó không phải là video duy nhất khiến cư dân mạng Trung Quốc tức giận.
Một video khác được đăng tải trong tuần này bởi kênh truyền thông địa phương ở Cam Túc cho thấy một số nữ y tá khóc khi họ cạo đầu.
Đoạn video giải thích rằng việc cạo đầu sẽ khiến phụ nữ dễ dàng mặc đồ bảo vệ đầu trong khi điều trị cho bệnh nhân.
Nhưng nhiều người nghi ngờ tính logic của điều này, đặt câu hỏi là họ đơn giản có thể để một mái tóc ngắn thay vì cạo đầu hoàn toàn. Những người khác hỏi tại sao lại không có video cảnh những người đàn ông cạo đầu.
Hashtag #SeeingFemaleWorkers kêu gọi mọi người ghi nhận rađóng góp của những phụ nữ ở tiền tuyến cũng bắt đầu lan truyền trên Weibo.
Virus corona: Vì sao hai phóng viên ở Vũ Hán mất tích?
Virus corona: Chính phủ Trung Quốc có lỗi hay không?
“Sự Chuyên nghiệp. Niềm tin. Lòng trung thành. Sức mạnh. Đây là tất cả những phẩm chất đáng để tự hào. Phụ nữ không chỉ tài năng và tuyệt vời chỉ vì họ cạo đi mái tóc dài của họ,” một bình luận viết.
“Tại sao truyền thông luôn sử dụng sự hy sinh của phụ nữ như một công cụ để tuyên truyền? Chẳng lẽ nếu họ ra tiền tuyến với mái tóc dài của họ thì không đủ ngưỡng mộ hay sao? Và những phụ nữ không mang thai mà vẫn ra chiến đấu thì sao?” một bình luận viết trên WeChat.
“Họ phải đẹp, phải là một người mẹ, phải là một người bạn đời, và sau đó phải hy sinh. Chỉ khi đó, họ mới được coi là vĩ đại à.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51610240

Một số hệ thống tên lửa phòng không của TQ

sao chép theo mẫu của Nga

Hệ thống tên lửa phòng không của Trung Quốc chủ yếu được nghiên cứu, chế tạo và phát triển dựa trên các hệ thống vũ khí của Nga. Tuy nhiên, với việc sở hữu lượng lớn tên lửa và bệ phóng phòng không đã góp phần nâng cao năng lực phòng không của Bắc Kinh, đồng thời nó cũng tạo ra những tác động nhất định đối với diễn biến tình hình khu vực, nhất là trong bối cảnh căng thẳng tại các khu vực biên giới của Trung Quốc với các nước láng giềng ngàng càng gia tăng.
Bắc Kinh đã bắt đầu đàm phán với Moskva để mua các hệ thống tên lửa phòng không từ năm 1991. Năm 1993, Nga đã bắt đầu cung cấp các hệ thống S-300P cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đặt mua 4 tiểu đoàn S-300PMU trị giá 220 triệu USD. Năm 1994, Nga đã chuyển giao thêm 120 tên lửa để tiến hành bắn tập, huấn luyện. Hệ thống có thể tiêu diệt đồng thời 6 mục tiêu bay ở cự ly đến 75 km với khả năng dẫn 2 tên lửa đến mỗi mục tiêu. Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU bằng các tính năng của mình để gây ấn tượng mạnh đối với các chuyên gia Trung Quốc vì đến lúc đó Trung Quốc chưa từng có hệ thống nào như vậy. Các tiểu đoàn phòng không đã được triển khai để bảo vệ các mục tiêu hành chính-công nghiệp và quân sự lớn.
Năm 1994, Trung Quốc ký tiếp hợp đồng mua 8 tiểu đoàn tên lửa phòng không cải tiến S-300PMU1 trị giá 400 triệu USD. Hợp đồng bao gồm cung cấp 32 bệ phóng 5P85SE/DЕ sử dụng khung gầm 4 trục MAZ-543М và 196 tên lửa 48N6Е đi kèm. Các tên lửa cải tiến được trang bị hệ dẫn radar bán chủ động kiểu “bám qua tên lửa” với tầm bắn tăng lên đến 150 km. Một nửa giá trị hợp đồng được thanh toán bằng các hợp đồng đổi hàng tiêu dùng của Trung Quố, nửa còn lại trả bằng ngoại tệ. Hợp đồng bổ sung ký năm 2001 trị giá 400 triệu USD với nội dung mua thêm 8 tiểu đoàn S-300PMU-1 với 32 bệ phóng và 198 tên lửa 48N6Е. Các hệ thống mua trong lô này đã được triển khai ở khu vực eo biển Đài Loan và xung quanh Bắc Kinh.
Năm 2003, Trung Quốc đã nêu ý định đặt mua các hệ thống tên lửa phòng không cải tiến S-300PMU2 Favorit mà Nga lần đầu tiên chào bán trên thị trường vũ khí thế giới vào năm 2001. Đơn đặt hàng bao gồm 64 bệ phóng 5P85SЕ2/DЕ2 và 256 tên lửa phòng không có điều khiển 48N6Е2. Các tiểu đoàn đầu tiên đã được bàn giao cho khách hàng vào năm 2007. Hệ thống cải tiến này có thể bắn đồng thời 6 mục tiêu bay ở cự ly đến 200 km và độ cao đến 27 km. Với việc trang bị các hệ thống S-300PMU2, Trung Quốc đã lần đầu tiên có được khả năng hạn chế trong đánh chặn tên lửa đường đạn ở cự ly đến 40 km. Theo báo chí Nga, Trung Quốc đã nhận tổng cộng 4 tiểu đoàn S-300PMU, 8 tiểu đoàn S-300PMU1 và 12 tiểu đoàn S-300PMU2. Mỗi bộ trang bị cấp tiểu đoàn bao gồm 6 bệ phóng. Kết quả là Trung Quốc đã mua 24 tiểu đoàn S-300PMU/PMU1/PMU2 với 144 bệ phóng.
Sau khi có kinh nghiệm khai thác các hệ thống tên lửa phòng không S-300P, Trung Quốc đã muốn triển khai sản xuất theo giấy phép các hệ thống này ở trong nước. Ở hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc vẫn bộc lộ rõ nét các đường nét của S-300P. Hàng loạt các đặc điểm cấu trúc và giải pháp kỹ thuật của S-300P phần nhiều được các kỹ sư Trung Quốc sao chép khi thiết kế HQ-9. Tuy vậy, coi HQ-9 là bản sao chép S-300P của Nga cũng không đúng. Bệ phóng của HQ-9 sử dụng một loại tên lửa khác có kích thước khác, radar anten mạng pha CJ-202 được sử dụng để điều khiển hỏa lực. Bệ phóng được lắp trên khung gầm xe việt dã 4 trục do Trung Quốc sản xuất. HQ-9 có tầm bắn tối đa gần 125 km, trần bắn tối đa 18.000 m, trần bắn tối thiểu 25 m, tầm tiêu diệt mục tiêu đường đạn 7-25 km ở độ cao 2.000-15.000 m. Một lữ đoàn HQ-9 gồm 6 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn được trang bị một xe chỉ huy và radar điều khiển hỏa lực riêng. Một tiểu đoàn được biên chế 8 bệ phóng, số lượng tên lửa sẵn sàng phóng là 32 quả đạn. Biến thể xuất khẩu của HQ-9 là FD-2000 đã thắng thầu trong cuộc đấu thầu của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi đánh bại các hệ thống Patriot của Mỹ, S-400 của Nga và Aster của châu Âu. Nhưng dưới áp lực của Mỹ, kết quả đấu thầu đã bị hủy bỏ. Hiện nay, Trung Quốc đang sản xuất biến thể hiện đại hóa là HQ-9A. HQ-9A có hiệu suất bắn và hiệu quả cao hơn, nhất là về khả năng chống tên lửa, đạt được nhờ nâng cấp thiết bị điện tử và phần mềm.
Từ năm 1991, Trung Quốc đã lần đầu tiên trưng bày hệ thống tên lửa phòng không tầm trung HQ-12 ở triển lãm Le Bourget, Pháp. Hệ thống này được bắt đầu phát triển từ đầu những năm 1980 để thay thế hệ thống tên lửa phòng không lạc hậu HQ-2. Tuy nhiên, việc hoàn thiện hệ thống bị chậm trễ nhiều. Mãi đến năm 2009, hệ thống mới được công khai, mấy đại đội HQ-12 đã tham gia cuộc duyệt binh kỷ niệm 60 năm ngày quốc khánh Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc đã triển khai gần 10 tiểu đoàn HQ-12. Dường như tỏ ra thành công hơn là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung mới HQ-16 của Trung Quốc. Đây là sự kết hợp những giải pháp kỹ thuật tiên tiến sao chép từ các hệ thống S-300P và Buk-M2 của Nga. Khác với Buk, HQ-16 sử dụng chế độ “phóng nóng thẳng đứng”. HQ-16 được trang bị các tên lửa phòng không có trọng lượng 328 kg, tầm bắn 40 km. Bệ phóng tự hành được trang bị 4-6 tên lửa để trong các ống phóng kín. Radar của hệ thống có khả năng phát hiện mục tiêu bay ở cự ly 150 km. Các thành phần của HQ-16 được bố trí trên các ô tô việt dãn 6 trục. Hiện nay, một số tiểu đoàn HQ-16 đang được triển khai tại các trận địa ở Tây Nam Trung Quốc. Hệ thống có khả năng tiêu diệt các máy bay của không quân lục quân, không quân chiến thuật và chiến lược, trực thăng chi viện hỏa lực, tên lửa hành trình và máy bay không người lái. HQ-16 cho phép đối phó hiệu quả các cuộc tập kích ồ ạt của các phương tiện tiến công đường không trong điều kiện có chế áp điện tử cường độ cao. Hệ thống có khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong các điều kiện thời tiết khác nhau. HQ-16 là hệ thống đa kênh. Các phương tiện hỏa lực của nó có thể bắn đồng thời đến 6 mục tiêu, dẫn đến 4 tên lửa từ một bệ phóng vào mỗi mục tiêu trong số đó. Khu vực tác xạ là 360 độ theo phương vị.
Trong biên chế lực lượng tên lửa phòng không quân đội Trung Quốc có 110-120 hệ thống (tiểu đoàn) tên lửa phòng không với tổng cộng gần 700 bệ phóng. Xét về chỉ số này, Trung Quốc chỉ thua kém Nga (gần 1.500 bệ phóng). Hơn nữa, tỷ lệ các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại trong quân đội Trung Quốc liên tục tăng lên. Đa số các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung của Trung Quốc được triển khai dọc theo bờ biển nước này. Chính ở khu vực này có đại bộ phận các doanh nghiệp mang lại 70% GDP cho Trung Quốc.
Trung Quốc cũng rất chú ý phát triển và hoàn thiện các phương tiện kiểm soát tình hình trên không. Các trạm radar lạc hậu sao chép các radar Liên Xô thời những năm 1950 đang được thay thế nhanh chóng bằng các radar mới. Có lẽ lớn nhất trong các trạm radar sóng mét là radar hai tọa độ phát hiện tầm xa băng rộng JY-27. Theo hãng thiết kế, radar này có khả năng phát hiện máy bay tàng hình ở cự ly xa (cự ly phát hiện mục tiêu bay là 500 km). Radar Type 120 phát hiện mục tiêu bay thấp là sự phát triển tiếp theo của radar JY-29/LSS-1 2D, có khả năng đồng thời theo dõi 72 mục tiêu ở cự ly 200 km. Trung Quốc đã triển khai 120 radar này, kể cả trong thành phần các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, HQ-12 và HQ-16.
Ngoài các radar mặt đất, Trung Quốc cũng đang ráo riết nghiên cứu chế tạo các máy bay báo động sớm. Đó là vì đa số các tiêm kích hiện đại của Trung Quốc được triển khai tại các căn cứ dọc bờ biển. Chiều sâu bảo vệ bằng tiêm kích từ trạng thái “trực tại sân bay” là khoảng 150-250 km với điều kiện phát hiện mục tiêu bay ở cự ly đến 500 km. Xét tới yếu tố, radar phòng không trong đa số các trường hợp cho phép phát hiện mục tiêu ở cự ly đến 250-300 km và khi so chỉ số này với chiều sâu tấn công của các phương tiện tiến công đường không thì rõ ràng là không quân tiêm kích của hải quân Trung Quốc không có khả năng bảo đảm phòng không hiệu quả từ trạng thái “trực tại sân bay”.
Theo các tài liệu do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, hiện nay, Trung Quốc đang nghiên cứu xây dựng hệ thống phòng không tích hợp, vạn năng quốc gia và dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2020.  Một thành tựu lớn của công nghiệp vô tuyến điện tử Trung Quốc là khả năng tự lực phát triển và sản xuất hầu như tất cả các loại radar, phương tiện chỉ huy/điều khiển và dẫn đường. Các hệ thống xử lý dữ liệu trên khoang của các hệ thống phòng không này và các tiêm kích nội địa hiện sử dụng các máy tính và phần mềm do Trung Quốc phát triển và sản xuất nên tăng cường được an toàn thông tin và bảo đảm khả năng hoạt động của máy móc trong thời kỳ đặc biệt.
http://biendong.net/bien-dong/33152-mot-so-he-thong-ten-lua-phong-khong-cua-tq-sao-chep-theo-mau-cua-nga.html

Hàng triệu doanh nghiệp Trung Quốc

 có nguy cơ phá sản vì dịch cúm COVID-19

Khảo sát nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc được thực hiện trong tháng này cho thấy  khoảng 1/3 số doanh nghiệp trả lời chỉ có đủ tiền để chi trả trong vòng 1 tháng.
Theo tin từ hãng Bloomberg ngày 23/02, Brigita, giám đốc tại một trong những công ty kinh doanh xe ô tô lớn nhất Trung Quốc cho biết, 100 đại lý kinh doanh xe thuộc hệ thống của công ty cô đã đóng cửa hơn 1 tháng do dịch cúm COVID-19, dự trữ tiền mặt của công ty đang cạn kiệt, nhiều ngân hàng không muốn kéo dài thời hạn trả nợ với các khoản nợ trị giá hàng tỷ nhân dân tệ dự kiến sẽ đáo hạn trong vài tháng tới. Ngoài ra còn rất nhiều các chủ nợ khác đang phải nghĩ tới.
Cô Brigita nói: “Nếu chúng tôi không trả được nợ trái phiếu, mọi chuyện sẽ rất rất tệ”. Công ty của cô Brigita có khoảng 10.000 nhân viên, công ty bán nhiều dòng xe từ trung cấp cho đến  cao cấp như BMW. Khi mà phần lớn hoạt động kinh tế Trung Quốc đang “bất động”, giới chức Trung Quốc cố gắng kiềm chế dịch bệnh đã lây nhiễm sang hơn 76.000 người, hàng triệu công ty trên khắp Trung Quốc đang trong cuộc chiến sinh tồn.
Một cuộc khảo sát thực hiện với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc thực hiện trong tháng này cho thấy khoảng 1/3 số doanh nghiệp trả lời có đủ tiền để chi trả trong vòng 1 tháng, 1/3 nữa có đủ tiền cầm cự trong vòng 2 tháng.
Mặc dù chính quyền Quốc đã hạ lãi suất, yêu cầu các ngân hàng tăng cường cho vay và nới lỏng bớt các tiêu chí để doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp tư nhân cho biết họ vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn họ cần để có thể trả được nợ và lương nhân viên đúng hạn. Nếu không có thêm hỗ trợ tài chính hoặc nền kinh tế Trung Quốc phục hồi bất ngờ, nhiều công ty có thể phải đóng cửa vĩnh viễn.
Chiến đấu để sinh tồn: Phần trăm số doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ tiền chi trả trong 1 tháng nữa là 33,7%, 2 tháng là 32,8%, 3 tháng là 19,7%, … (Nguồn: Bloomberg).
Mặc dù chiếm 60% nền kinh tế và 80% việc làm ở Trung Quốc, doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc nhiều năm nay vẫn chật vật tiếp cận với vốn vay để mở rộng kinh doanh và tồn tại qua những thời kỳ khủng hoảng.
Hỗ trợ từ phía các ngân hàng hàng đầu Trung Quốc trong ứng phó với dịch bệnh cho đến nay khá hạn chế, chủ yếu tập trung trực tiếp vào ngăn chặn dịch bệnh. Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc, ngân hàng cho vay lớn nhất của nước này, cho đến nay đã đưa ra chương trình hỗ trợ vốn vay cho khoảng 5% khách hàng doanh nghiệp nhỏ
Nếu tính chung toàn ngành, các ngân hàng Trung Quốc đã cấp khoảng 254 tỷ nhân dân tệ các khoản vay dành cho các nỗ lực ngăn dịch cúm COVID19 lan rộng, nhiều ngân hàng nước ngoài như Citigroup tại Trung Quốc cũng giảm lãi suất. Ở góc nhìn khác các doanh nghiệp vừa và nhỏ trung Quốc phải trả lãi cho các tổng khoản vay ước 36,9 nghìn tỷ nhân dân tệ mỗi quý.
Các yêu cầu hà khắc đã hạn chế những doanh nghiệp có thể tiếp cận đến khoản cho vay đặc biệt của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc  dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ virus COVID-19, trong khi các chính quyền địa phương và các ngân hàng áp đặt giới hạn cho vay
Rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thực ra đã khó khăn từ trước khi dịch cúm COVID-19 xảy ra, họ gặp khó bởi chiến tranh thương mại và hoạt động tín dụng bị hạn chế. Năm 2019, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất 3 thập kỷ.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/33142-hang-trieu-doanh-nghiep-trung-quoc-co-nguy-co-pha-san-vi-dich-cum-covid-19.html

Điểm danh tên lửa chống hạm của TQ:

Số lượng lớn, tạo ra mối de dọa an ninh khu vực

Từ những năm 1960, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu, chế tạo tên lửa chống hạm trên nền tảng tên lửa chống hạm P-15 của Liên xô. Đến những năm 1970, Trung Quốc đã chế tạo thành công tên lửa chống hạm đầu tiên. Việc chế tạo thành công tên lửa chống hạm đã đặt nền móng cho quá trình nghiên cứu, phát triển vũ khí chống hạm của Trung Quốc sau nay.
Tên lửa chống hạm SY-1 có một động cơ hành trình phản lực, nhiên liệu lỏng, hai thành phần. Trong đó sử dụng nhiên liệu TG-02 (Tonka-250) tự bốc cháy khi tiếp xúc với chất ô xy hóa và chất ô xy hóa АK-20K (chất ô xy hóa nitrat). Động cơ hoạt động ở 2 chế độ: khởi tốc và hành trình. Ở giai đoạn bay hành trình, tên lửa bay với tốc độ 320 m/s. Các biến thể đầu tiên của SY-1 có tầm bắn đạt 40 km. Trên tên lửa SY-1 lắp hệ dẫn tự hoạt, gồm đầu tự dẫn radar hay đầu tự dẫn hồng ngoại, máy lái tự động (autopilot) và máy đo cao khí áp hay radar đo cao dùng để duy trì độ cao bay trong khoảng 100-200 m trên mặt biển. Phần chiến đấu xuyên lõm-nổ phá có trọng lượng 480 kg được tính toán để tiêu diệt được tàu chiến có lượng giãn nước hơn 3.000 tấn. Tại Trung Quốc, SY-1 được trang bị cho các frigate lớp Type 053 (Giang Hồ) và cho các đơn vị tên lửa bờ biển. Cuối thập niên 1970, Trung Quốc đã chế tạo được biến thể cải tiến là tên lửa chống hạm SY-1А. Những khác biệt chủ yếu so với biến thể ban đầu là việc sử dụng đầu tự dẫn xung chống nhiễu mới và radar đo cao. Các thành tựu trong lĩnh vực nâng cao độ tin cậy và an toàn cất giữ, vận chuyển và sử dụng tên lửa SY-1А đã cho phép chế tạo trên cơ sở tên lửa này biến thể tên lửa chống hạm phóng từ máy bay YJ-6 mà phương tiện mang là máy bay ném bom tầm xa Н-6. Biến thể tên lửa chống hạm này đã có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm đến 100 km.
Tên lửa chống hạm SY-2         được trang bị động cơ nhiên liệu rắn. Tuy nhiên, tầm bắn của SY-2 không vượt quá 50 km, do đó, trong thập niên 1980, Trung Quốc đã tìm cách chế tạo tên lửa chống hạm SY-2A với động cơ turbine phản lực. Tuy nhiên, độ chính xác của SY-2 còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển và sản xuất các biến thể tên lửa mới với động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng đơn giản và rẻ tiền.
Tên lửa chống hạm HY-1 được trang bị cho các tàu khu trục Trung Quốc lớp Type 051. Các biến thể cải tiến với đầu tự dẫn radar mới có ký hiệu HY-1J và HY-1JА. Các tên lửa này mang phần chiến đấu xuyên lõm, trọng lượng hơn 500 kg. Tên lửa được phóng đi từ tàu mang hay bệ phóng mặt đất nhờ một động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn, còn động cơ hành trình tên lửa nhiên liệu lỏng bắt đầu hoạt động ngay ở trên không khi đã bay xa ở cự ly an toàn cho tàu mang và bệ phóng. Điều này đã nâng cao đáng kể sự an toàn trong sử dụng tên lửa vì đã xảy ra nhiều trường hợp động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng nổ ngay khi
bắt đầu hoạt động. Việc hiện đại hóa hệ dẫn của HY-1 và tăng kích thước đã dẫn đến sự ra đời của tên lửa chống hạm HY-2. Nhờ các thùng nhiên liệu dung tích lớn hơn mà tầm bay của tên lửa đã tăng lên đến 100 km. Nhưng đồng thời, việc tăng dung tích các thùng nhiên liệu cũng làm tăng kích thước tên lửa, khiến cho việc bố trí chúng trên các bệ phóng trên tàu là không thể. Vì thế, tên lửa chống hạm họ HY-2 chỉ được sử dụng cho các hệ thống tên lửa bờ biển. Biến thể HY-2А được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại, còn HY-2B và HY-2G lắp đầu tự dẫn radar đơn xung, HY-2С dùng hệ dẫn truyền hình.
Việc sử dụng trên biến thể HY-2G radar đo cao cải tiến và thiết bị kiểm soát có lập trình đã cho phép tên lửa sử dụng biên dạng bay thay đổi. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc chế tạo được động cơ turbine phản lực cỡ nhỏ WS-11 đã cho phép trang bị chúng cho các tên lửa chống hạm mới HY-4 có tầm bắn đến 150 km, được nhận vào trang bị vào năm 1983, là sự kết hợp các hệ dẫn và điều khiển của tên lửa chống hạm HY-2G với động cơ turbine phản lực WS-11. Động cơ này cũng được sử dụng trên một số máy bay không người lái Trung Quốc. Bề ngoài, tên lửa chống hạm HY-4 khác với HY-2G ở chỗ có thiết bị hút khí ở bên dưới. Biến thể HY-4 dùng để xuất khẩu có ký hiệu С-201W. Biến thể cải tiến có tên HY-41. Theo báo chí Trung Quốc, tiểu đoàn tên lửa bờ biển HY-41 có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 250-300 km tùy thuộc vào biên dạng bay, cho phép bao quát một vùng biển diện tích 14.000 km2.
Tên lửa chống hạm YJ-61 được sản xuất thành công vào giữa thập niên 1980, chế tạo dựa trên cơ sở HY-2. YJ-61 có trọng lượng nhỏ hơn và không có các động cơ khởi tốc. So với các mẫu tên lửa chống hạm nhiên liệu lỏng trước đó của Trung Quốc được trang bị cho máy bay ném bom tầm xa Н-6, YJ-61 đơn giản hơn trong sử dụng và an toàn hơn trong khai thác. Tầm bắn và xác suất diệt mục tiêu được nâng lên. Một phương án phát triển khác của HY-4 là YJ-63 phóng từ máy bay, được đưa vào trang bị vào năm 2002. Đây là tên lửa hàng không lớp không đối diện đầu tiên của Trung Quốc được trang bị động cơ turbine phản lực. YJ-63 có khả năng tiêu diệt với xác suất cao các mục tiêu mặt đất và mặt nước.  Bề ngoài, nó vẫn giữ lại nhiều nét của các mẫu tên lửa chống hạm trước đó, nhưng có cấu trúc phần đuôi khác. Tên lửa chống hạm YJ-63 ở giai đoạn bay đầu được điều khiển bằng hệ dẫn quán tính, ở giai đoạn bay giữa được hiệu chỉnh nhờ các tín hiệu của hệ thống vệ tinh định vị, còn ở giai đoạn cuối do hệ dẫn truyền hình điều khiển. Năm 2005, Trung Quốc đã giới thiệu biến thể lắp chụp rẽ dòng trong suốt vô tuyến cho phần đầu tên lửa và bên dưới chụp rẽ dòng nhiều khả năng là đầu tự dẫn radar. YJ-63 có tầm bắn trong giới hạn 180 km, nhưng ở tốc độ bay dưới âm, tên lửa khá đồ sộ này sẽ dễ bị tổn thương trước vũ khí phòng không hạm tàu.
Tên lửa tên lửa bờ biển chống hạm siêu âm HY-3 (C-301). Tên lửa HY-3 sử dụng phần chiến đấu và đầu tự dẫn của HY-2G. Tên lửa được phóng bằng 4 động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn. Hai động cơ hành trình phản lực-không khí dòng thẳng  chạy kêrôxin được khởi động sau khi tên lửa đạt tốc độ 1,8М và đưa tên lửa đạt đế tốc độ hơn 2,5М. HY-3 có tầm bắn trong khoảng 150-180 km, nghĩa là tầm bắn ngắn so với một tên lửa kích thước như thế. Tuy nhiên, do HY-3 nặng 3.500kg, dài 10m nên nó không được phổ dụng và việc sản xuất chỉ dừng ở lô thử nghiệm.
Tên lửa chống hạm FL-7 được sản xuất đầu thập niên 1990. Đây là tên lửa tương đối nhỏ, với động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng được chế tạo với tính toán nhằm đạt tốc độ siêu âm. FL-7 dùng để trang bị cho trực thăng Z-8 và tiêm kích-bom JH-7. Nhưng tầm bắn ngắn xét theo các chuẩn mực hiện đại chỉ không quá 35 km, và việc sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng nguy hiểm trong khai thác là nguyên nhân khiến hải quân Trung Quốc không quan tâm đến tên lửa này.
Tên lửa chống hạm YJ-8 (C-801) bắt đầu sản xuất từ năm 1987. YJ-8 đã bắt đầu được trang bị cho các frigate hiện đại hóa lớp Type 053H2. Tên lửa này có hình dáng rất khác với các tên lửa chống hạm trước đó của Trung Quốc vốn giống với máy bay hơn cả về kích thước và tính năng chiến đấu. YJ-8 rất giống tên lửa chống hạm Exocet của Pháp. Ở tên lửa Trung Quốc cũng sử dụng động cơ nhiên liệu rắn. YJ-8 có tầm bắn hơn 40 km. Biến thể phóng từ máy bay dùng để trang bị cho JH-7 và Н-6 có ký hiệu là YJ-8K. Vài năm sau khi nhận vào trang bị các tên lửa chống hạm bố trí trong các ống phóng trên mặt boong, Trung Quốc đã thử nghiệm và nhận vào trang bị tên lửa lắp cánh gấp YJ-8Q, có thể phóng từ ống phóng lôi trê tàu ngầm đang lặn. Tất cả các biến thể của YJ-8 đều sử dụng đầu tự dẫn radar đơn xung chủ động. Ở giai đoạn bay hành trình, tên lửa bay ở độ cao 20-30 m, khi tiếp cận mục tiêu, tên lửa hạ xuống độ cao 5-7 m. Tên lửa tấn công tiêu diệt tàu mục tiêu ở độ cao sát mặt biển. Ngoài biến thể sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động, Trung Quốc còn chế tạo trên cơ sở YJ-8 các biến thể lắp đầu tự dẫn hồng ngoại, radar bán chủ động hay hệ dẫn truyền hình để tiêu diệt các loại mục tiêu khác nhau. Biến thể phóng từ máy bay lắp hệ dẫn kết hợp truyền hình và tự dẫn hồng ngoại có tên gọi KD-88. Sau đó, thiết kế YJ-8 là cơ sở để chế tạo các tên lửa hiện đại hơn của Trung Quốc. Biến thể cải tiến dùng nhiên liệu rắn YJ-81 có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly hơn 60 km. Tuy vậy, động cơ phản lực nhiên liệu rắn với vô số
những ưu điểm của mình vẫn không thể bảo đảm tầm bay xa cho tên lửa. Bởi vậy, Trung Quốc đã phát triển tên lửa chống hạm YJ-82 (С-802) lắp động cơ turbine phản lực. Trọng lượng tên lửa đã tăng lên một chút, đường kính thân cũng tăng. YJ-82 phóng đi nhờ động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn kiểu tách. YJ-82 có tầm bắn xa gấp 2 lần YJ-81. Tên lửa được lắp hệ thống điều khiển cải tiến. Độ cao bay ở giai đoạn bay hành trình tùy theo trạng thái mặt biển giảm xuống còn 10-20 m. Khi cách mục tiêu mấy ki-lô-mét, độ cao bay giảm xuống còn 3-5 m. Khi gần sát mục tiêu, tên lửa bay vọt lên và bổ nhào xuống tấn công mục tiêu vào dưới đường mớn nước. Phần chiến đấu nổ phá-xuyên giáp có trọng lượng 165 kg được kích nổ chậm, có khả năng gây tổn hại nặng nề cho tàu cỡ khu trục hạm.
Tên lửa chống hạm YJ-83(C-803), lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng vào năm 1999. Việc sử dụng trên tên lửa này động cơ turbine phản lực kinh tế hơn đã cho phép tăng tầm bắn lên đến 180 km, đối với biến thể phóng từ máy bay KD-88 thì tầm bắn đạt 250 km. Phần chiến đấu của tên lửa tăng lên đến 185 kg. Theo các nguồn tin Trung Quốc, trên tên lửa chống hạm YJ-83 sử dụng đầu tự dẫn radar chống nhiễu có trường quét rộng để nâng cao khả năng chống nhiễu tích cực và tiêu cực, và tăng xác suất trúng đích. Ở giai đoạn bay hành trình, cùng với hệ dẫn quán tính có sử dụng hệ thống vệ tinh định vị, còn độ cao bay được kiểm soát nhờ thiết bị laser đo cao. Các tên lửa của họ YJ-8 được trang bị rất rộng rãi. Trong hải quân Trung Quốc, các tên lửa này được trang bị cho các tàu ngầm, tàu khu trục, frigate, tàu tên lửa nhỏ, máy bay ném bom JH-7 và Н-6, tiêm kích J-15, J-10 và JF-17, cũng như các máy bay tuần thám Y-8J.
Tên lửa chống hạm YJ-7 (C-701) là loại tên lửa chống hạm hạng nhẹ sao chép tên lửa hàng không AGM-65 Maverick của Mỹ dùng để phóng từ máy bay chiến thuật và máy bay trên hạm tiêu diệt mục tiêu mặt đất. Nhưng khác với tên lửa Mỹ, YJ-7 ngoài trực thăng và máy bay còn có thể phóng từ bệ phóng mang vác lắp trên tàu xuồng và khung gầm ô tô. Biến thể đầu tiên YJ-7 sử dụng đầu tự dẫn hồng ngoại, có trọng lượng phóng 117 kg và tầm bắn 25 km, mang phần chiến đấu 29 kg, tốc độ bay 0,8М. Năm 2008, tại triển lãm hàng không Chu Hải lần thứ 7 đã lần đầu tiên trưng bày tên lửa YJ-73 (С-703) lắp đầu tự dẫn radar sóng milimet. Tiếp sau đó xuất hiện các tên lửa YJ-74 (С-704) và YJ-75 (С-705) lắp đầu tự dẫn truyền hình và radar sóng xăng-ti-met và có tầm bắn tăng lên đến 35 km. Tên lửa chống hạm YJ-75KD được trang bị động cơ turbine phản lực tiểu hình, cho phép tăng tầm bắn lên đến 110 km. Việc hiệu chỉnh đường bay tên lửa trước khi bắt mục tiêu bằng hệ dẫn được thực hiện qua tín hiệu của hệ thống vệ tinh định vị. Ngoài tác chiến chống tàu nổi, YJ-75KD có thể dùng để tiêu diệt mục tiêu mặt đất.
Tên lửa chống hạm TL-6dùng để trang bị cho các xuồng tuần tra nhỏ và trực thăng. TL-6 là tên lửa nhiên liệu rắn có tầm bắn 35 km, mang phần chiến đấu xuyên giáp-nổ phá nặng 30 kg. TL-6 được trang bị đầu tự dẫn radar chủ động. Theo giới quân sự Trung Quốc, các tên lửa khá nhỏ gọn và rẻ tiền này thích hợp hơn để tiêu diệt tàu có lượng giãn nước đến 1.000 tấn và đối phó với các chiến dịch đổ bộ ở vùng ven bờ. Ngoài ra, còn có biến thể TL-10 dùng đầu tự dẫn truyền hình hoặc hồng ngoại. Đây là tên lửa nhỏ gọn, nhưng có cấu tạo giống với TL-6, dùng để tác chiến chống tàu xuồng nhỏ.
Tên lửa chống hạm YJ-91có trọng lượng gần 600 kg, có 2 biến thể: chống hạm và chống ngầm. Hai biến thể này khác nhau ở hệ dẫn, tầm bắn và trọng lượng phần chiến đấu. Xét về tính năng, YJ-91 gần với tên lửa Kh-31 của Nga, nhưng tầm bắn của biến thể chống hạm không quá 50 km. Theo các nguồn tin Trung Quốc, phương tiện mang YJ-91 là các tiêm kích-bom hiện đại nhất Trung Quốc JH-7А và tiêm kích J-15, J-16. Có tin họ đang nghiên cứu chế tạo biến thể YJ-91 phóng từ tàu ngầm. Năm 2015, xuất hiện các bức ảnh chụp YJ-12 treo trên máy bay ném bom Н-6D. Bề ngoài, tên lửa này giống như tên lửa hàng không Kh-31 của Nga, nhưng có kích thước lớn hơn. YJ-12 có chiều dài khoảng 7 m, đường kính 600 mm, trọng lượng 2.500 kg. Hiện chưa có thông tin về hệ dẫn của YJ-12, nhưng chắc chắn tên lửa sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động. Theo tạp chí United States Naval War College Review (Mỹ), YJ-12 có khả năng tiêu diệt mục tiêu mặt nước ở cự ly hơn 300 km. Tên lửa được trang bị đầu đạn gần 300 kg. Người ta cho rằng, với tốc độ gần 2,5М, các tên lửa này khi được sử dụng ồ ạt sẽ là mối đe dọa chết người đối với các chiến hạm Mỹ. Ngoài máy bay ném bom tầm xa, YJ-12 được cho là còn nằm trong danh mục vũ khí của các tiêm kích J-15 và J-16.
Tên lửa chống hạm YJ-62 (C-602)lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 2005. Đây là tên lửa dưới âm khá lớn, dùng để lắp trên tàu khu trục và bệ phóng bánh lốp của các hệ thống tên lửa bờ biển, cũng như máy bay ném bom tầm xa Н-6. YJ-62 được trang bị kênh truyền dữ liệu và có khả năng trong khi bay nhận thông tin chỉ thị mục tiêu từ các máy bay trinh sát và khi cần có thể thực hiện lọc mục tiêu và phân phối lại mục tiêu khi bắn hàng loạt. Đầu tự dẫn radar chủ động được sử dụng để dẫn tên lửa đến mục tiêu. Với mục đích nâng cao khả năng chống nhiễu trong điều kiện có đối phó điện tử, đầu tự dẫn có khả
năng thay đổi nhanh tần số bức xạ theo quy luật ngẫu nhiên. Các tên lửa YJ-62 có thể được trang bị các loại phần chiến đấu khác nhau, kể cả hạt nhân. Phổ biến nhất là biến thể lắp phần chiến đấu kiểu xuyên nặng 300 kg.
Tên lửa chống hạm YJ-18là tên lửa chống hạm hiện đại nhất mà hải quân Trung Quốc được trang bị. Theo các nhà phân tích hải quân Mỹ, trong quá trình phát triển tên lửa chống hạm YJ-18, Trung Quốc có sử dụng các giải pháp thiết kế-kỹ thuật của tên lửa Nga 3М-54 Klub và có khả năng tiêu diệt tàu mặt nước tất cả các lớp trong điều kiện có đối kháng hỏa lực mạnh và bị gây nhiễu mạnh. Ngoài mục tiêu mặt nước, tên lửa này còn có thể tiêu diệt mục tiêu mặt đất tương phản radar. Tên lửa chống hạm YJ-18А tầm bắn đến 500 km, mang phần chiến đấu 300 kg là vũ khí chủ lực của các tàu khu trục kiểu Aegis lớp Type 052D của Trung Quốc. Các tên lửa này cũng sẽ được trang bị cho các chiến hạm tương lai lớp Type 055. Hiện nay, Trung Quốc đang thử nghiệm tên lửa chống hạm YJ-18В dùng để phóng từ tàu ngầm đang lặn. Sau khi phóng và cắt bỏ động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn, tên lửa chuyển sang bay bằng. Động cơ turbine phản lực duy trì tốc độ bay hành trình của tên lửa gần 0,8М. Chắc chắn, khi bắn ở tầm tối đa, tên lửa sử dụng tín hiệu của hệ thống vệ tinh định vị hay dẫn bằng lệnh vô tuyến để hiệu chỉnh đường bay. Khi cách mục tiêu 40 km, động cơ chuyển sang chế độ tăng lực và tên lửa tăng tốc lên 2,5-3М. Đánh chặn tên lửa chống hạm bay ở độ cao vài mét trên mặt biển, với tốc độ bay siêu âm là việc rất khó.
Tên lửa chống hạm CX-1         lần đầu được giới thiệu tại triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014. Nhiều khả năng hiện nay đang tiến hành thử nghiệm CX-1 vốn dùng cho các hệ thống tên lửa bờ biển. Bệ phóng cơ động lắp trên khung gầm việt dã cao được lắp 2 tên lửa. Trong tương lai, CX-1 có thể được trang bị cho các các chiến hạm nổi cỡ lớn. Theo thông tin của kênh truyền hình Trung Quốc CCTV, tên lửa chống hạm siêu âm CX-1 có tốc độ trên 3.600 km/h, có thể dùng để tấn công mục tiêu mặt nước và mặt đất ở cự ly từ 40-280 km. Song có lẽ, Trung Quốc đã cố tình giới thiệu tầm bắn tối đa nhỏ hơn thực tế vì các tham số này thấp hơn giới hạn của Chế độ kiểm soát phổ biến công nghệ tên lửa quốc tế (MTCR). Phần chiến đấu nặng 260 kg dùng để tiêu diệt mục tiêu mặt nước, có thể là loại nổ phá-xuyên giáp hay phá-mảnh để tiêu diệt mục tiêu mặt đất. Các chuyên gia chú ý đến những nét giống nhau giữa CX-1 với tên lửa Nga P-800 (Oniks) và tên lửa Nga-Ấn Độ BrahMos.
Nhìn chung, Trung Quốc đang tiến hành phát triển nhiều loại tên lửa chống hạm và nhiều mẫu đang ở giai đoạn thiết kế hay thử nghiệm. Quá trình nghiên cứu, chế tạo và phát triển tên lửa chống hạm của Trung Quốc đã tạo ra những ưu thế quan trọng cho Bắc Kinh trong việc tăng cường năng lực tác chiến cho hải quân. Tuy nhiên, việc này cũng tác động lớn đối với hòa bình, ổn định trong khu vực, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm mọi cách để “độc chiếm” Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/33150-diem-danh-ten-lua-chong-ham-cua-tq-so-luong-lon-tao-ra-moi-de-doa-an-ninh-khu-vuc.html

2 bác sĩ ở Hồ Bắc tử vong

vì COVID-19 trong cùng một ngày

Hải Lam
Ông Huang Wenjun, 42 tuổi, là bác sĩ thứ hai tử vong vì COVID-19 trong vòng 24 giờ tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 23/2.
Giới chức y tế Trung Quốc xác nhận ông Huang Wenjun, bác sĩ chuyên về hô hấp, đã bị viêm phổi khi đang làm việc tại Bệnh viện Trung tâm Xiaogan tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Bác sĩ Huang qua đời vào lúc 7h30 tối ngày 23/2 (giờ địa phương).
Tin tức này được công bố chưa đầy 24 giờ sau khi bác sĩ Xia Sisi tử vong cũng vì COVID-19. Bác sĩ Xia bị lây nhiễm từ các bệnh nhân tại bệnh viện Union Jiangbei ở Vũ Hán, trung tâm tỉnh Hồ Bắc.
Nữ bác sĩ Xia, 29 tuổi, nhập viện vào ngày 19/1 và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán khi tình trạng của cô xấu đi vào ngày 7/2. Cô qua đời vào sáng ngày 23/2.
https://www.dkn.tv/the-gioi/2-bac-si-o-ho-bac-tu-vong-vi-covid-19-trong-cung-mot-ngay.html

Hàng triệu doanh nghiệp Trung Quốc

 có nguy cơ phá sản vì dịch cúm COVID-19

Tuệ Minh
Khảo sát nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc được thực hiện trong tháng này cho thấy  khoảng 1/3 số doanh nghiệp trả lời chỉ có đủ tiền để chi trả trong vòng 1 tháng.
Theo tin từ hãng Bloomberg ngày 23/02, Brigita, giám đốc tại một trong những công ty kinh doanh xe ô tô lớn nhất Trung Quốc cho biết, 100 đại lý kinh doanh xe thuộc hệ thống của công ty cô đã đóng cửa hơn 1 tháng do dịch cúm COVID-19, dự trữ tiền mặt của công ty đang cạn kiệt, nhiều ngân hàng không muốn kéo dài thời hạn trả nợ với các khoản nợ trị giá hàng tỷ nhân dân tệ dự kiến sẽ đáo hạn trong vài tháng tới. Ngoài ra còn rất nhiều các chủ nợ khác đang phải nghĩ tới.
Cô Brigita nói: “Nếu chúng tôi không trả được nợ trái phiếu, mọi chuyện sẽ rất rất tệ”. Công ty của cô Brigita có khoảng 10.000 nhân viên, công ty bán nhiều dòng xe từ trung cấp cho đến  cao cấp như BMW. Khi mà phần lớn hoạt động kinh tế Trung Quốc đang “bất động”, giới chức Trung Quốc cố gắng kiềm chế dịch bệnh đã lây nhiễm sang hơn 76.000 người, hàng triệu công ty trên khắp Trung Quốc đang trong cuộc chiến sinh tồn.
Một cuộc khảo sát thực hiện với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc thực hiện trong tháng này cho thấy khoảng 1/3 số doanh nghiệp trả lời có đủ tiền để chi trả trong vòng 1 tháng, 1/3 nữa có đủ tiền cầm cự trong vòng 2 tháng.
Mặc dù chính quyền Quốc đã hạ lãi suất, yêu cầu các ngân hàng tăng cường cho vay và nới lỏng bớt các tiêu chí để doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp tư nhân cho biết họ vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn họ cần để có thể trả được nợ và lương nhân viên đúng hạn. Nếu không có thêm hỗ trợ tài chính hoặc nền kinh tế Trung Quốc phục hồi bất ngờ, nhiều công ty có thể phải đóng cửa vĩnh viễn.
Chiến đấu để sinh tồn: Phần trăm số doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ tiền chi trả trong 1 tháng nữa là 33,7%, 2 tháng là 32,8%, 3 tháng là 19,7%, … (Nguồn: Bloomberg).
Mặc dù chiếm 60% nền kinh tế và 80% việc làm ở Trung Quốc, doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc nhiều năm nay vẫn chật vật tiếp cận với vốn vay để mở rộng kinh doanh và tồn tại qua những thời kỳ khủng hoảng.
Hỗ trợ từ phía các ngân hàng hàng đầu Trung Quốc trong ứng phó với dịch bệnh cho đến nay khá hạn chế, chủ yếu tập trung trực tiếp vào ngăn chặn dịch bệnh. Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc, ngân hàng cho vay lớn nhất của nước này, cho đến nay đã đưa ra chương trình hỗ trợ vốn vay cho khoảng 5% khách hàng doanh nghiệp nhỏ
Nếu tính chung toàn ngành, các ngân hàng Trung Quốc đã cấp khoảng 254 tỷ nhân dân tệ các khoản vay dành cho các nỗ lực ngăn dịch cúm COVID19 lan rộng, nhiều ngân hàng nước ngoài như Citigroup tại Trung Quốc cũng giảm lãi suất. Ở góc nhìn khác các doanh nghiệp vừa và nhỏ trung Quốc phải trả lãi cho các tổng khoản vay ước 36,9 nghìn tỷ nhân dân tệ mỗi quý.
Các yêu cầu hà khắc đã hạn chế những doanh nghiệp có thể tiếp cận đến khoản cho vay đặc biệt của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc  dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ virus COVID-19, trong khi các chính quyền địa phương và các ngân hàng áp đặt giới hạn cho vay
Rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thực ra đã khó khăn từ trước khi dịch cúm COVID-19 xảy ra, họ gặp khó bởi chiến tranh thương mại và hoạt động tín dụng bị hạn chế. Năm 2019, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất 3 thập kỷ.
Cạn kiệt thanh toán (nguồn Bloomberg).
Ngành chịu rủi ro nhiều nhất là ngành  công nghiệp thâm dụng lao động như  kinh doanh dịch vụ nhà hàng, du lịch, hàng không, khách sạn và trung tâm mua sắm, theo nhận định của tổ chức Lianhe Rating.
Các ngân hàng hầu như cũng không khá hơn. Nhiều ngân hàng bị thiếu vốn và rơi vào tình trạng nguy cấp sau hai năm vỡ nợ kỷ lục tại Trung Quốc. Công ty xếp hạng tín nhiệm S&P Global ước tính rằng tình trạng khẩn cấp kéo dài có thể đẩy tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cao hơn gấp ba lên khoảng 6,3%, tức tăng thêm 5,6 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Wu Hai, chủ sở hữu của Mei KTV – một chuỗi 100 quán Karaoke trên khắp Trung Quốc, đã lên mạng xã hội WeChat để bày tỏ sự bất mãn, và tuyệt vọng của bản thân.
Những quán karaoke của Mei KTV đã bị Chính phủ yêu cầu phải đóng cửa vì virus COVID-19, dẫn đến bóp nghẹt dòng tiền mặt. Các khoản cho vay đặc biệt từ các cơ quan chức trách chỉ giúp ích đôi chút và không ngân hàng nào muốn cho vay nếu không có tài sản thế chấp và dòng tiền mặt đủ lớn, ông nói trên mạng xã hội WeChat.
https://www.dkn.tv/the-gioi/hang-trieu-doanh-nghiep-trung-quoc-co-nguy-co-pha-san-vi-dich-cum-covid-19.html

Covid-19: Trung Quốc

trắc nghiệm quyền lực mềm với ASEAN

Thu Hằng
“Virus corona Covid-19 là thách thức y tế lớn nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc từ năm 1949” và việc xử lý dịch còn “nhiều thiếu sót”. Như vậy, ít nhất hai lần chủ tịch Tập Cận Bình lên tiếng cảnh báo. Thậm chí, phát biểu ngày 23/02/2020 trong cuộc họp với đội ngũ lãnh đạo cao cấp, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến “một cuộc khủng hoảng”, “một thách thức lớn”, “rất khó để dự đoán và kiểm soát”.
“Trung Quốc không chỉ bảo vệ người dân nước mình mà còn bảo vệ cả phần còn lại của thế giới”. Trong buổi họp với 10 đồng nhiệm ASEAN ở Vientian (Lào), ngoại trưởng Trung Quốc Vương đã khẳng định như trên để trấn an các nước láng giềng. Cuộc họp đặc biệt được Lào đứng ra nhận tổ chức ngày 20/02/2020 là dịp để Bắc Kinh “trắc nghiệm quyền lực mềm” đối với các nước ASEAN, theo nhận định của Reuters.
Đi tìm “đồng minh” khi bị thế giới chỉ trích
Dường như Trung Quốc không muốn đơn độc mà muốn kéo cả ASEAN cùng “chống sóng gió, sát cánh bên nhau để vượt quả thứ thách”, mà theo ông Vương Nghị, “sự sợ hãi còn đáng lo hơn là virus và niềm tin còn quý hơn vàng”. Một chiếc lược được giáo sư Alfred M. Wu, trường Chính sách Công Lee Kuan Yew, đại học Singapore, đánh giá là “để phản công những chỉ trích của phương Tây về cách Trung Quốc xử lý dịch”.
Về hình thức, Trung Quốc đã đạt được mong muốn khi ngoại trưởng Vương Nghị và đồng nhiệm 10 nước ASEAN đồng thanh hô trước ống kính của báo giới : “Hãy kiên cường, Vũ Hán ! Hãy vững vàng, Trung Quốc ! Hãy mạnh mẽ, ASEAN !”.
Ngoài ra, trong “Tuyên bố của Hội nghị đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc về dịch bệnh virus corona 2019 (COVID-19)”, khối ASEAN bày tỏ “tin tưởng hoàn toàn vào khả năng của Trung Quốc để thành công khắc phục dịch bệnh, Trung Quốc đánh giá cao sự thông cảm, sự ủng hộ và hỗ trợ của các quốc gia thành viên ASEAN đối với các nỗ lực ứng phó của Trung Quốc”.
Tại hội nghị, ngoại trưởng Vương Nghị đã nhắc đến số lượng ca nhiễm Covid-19 đã giảm dần ở Trung Quốc và hối thúc các nước ASEAN nới lỏng các lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc và các hạn chế du lịch khác nhằm kiềm chế sự lây lan của virus.
Yêu cầu này cũng được ông Vương Nghị đề xuất với phái đoàn của Việt Nam trong cuộc họp song phương ngày 19/02, một ngày trước hội nghị đặc biệt về hợp tác ứng phó Covid-19. Và khi trao đổi với đồng nhiệm Singapore Vivian Balakrishnan, ông Vương Nghị còn bày tỏ “quan ngại về những biện pháp chặt chẽ” của Singapore, đồng thời hy vọng “những trao đổi bình thường giữa hai nước có thể được nối lại ngay khi có thể”.
Trả lời Reuters, ông Tom Baxter, nhà nghiên cứu độc lập về sáng kiến Một vành đai Một con đường (BRI) của Trung Quốc, nhận định : “Câu trả lời của mỗi nước về dịch Covid-19 trở thành một bài trắc nghiệm mang tính quyết định về tình hữu nghị” của mỗi thành viên ASEAN đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, dường như nội bộ khối các nước Đông Nam Á bị chia rẽ về vấn đề này.
Hiện tại, sáu nước ASEAN có người nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, chỉ có Cam Bốt không áp dụng bất kỳ hạn chế nào. Philippines cấm du khách đến từ Trung Quốc, Hồng Kông và Macao. Malaysia chỉ cấm du khách đến từ những tỉnh Trung Quốc bị đặt trong tầm kiểm soát. Cùng ngày diễn ra hội nghị đặc biệt, Thái Lan đăng khuyến cáo công dân nước này tránh đến Trung Quốc nếu không cần thiết và khuyên những người đang có mặt ở Trung Quốc nên rời khỏi đó. Bangkok có thể sẽ hạn chế thêm các chuyến bay đến Trung Quốc.
Trấn an đối tác thương mại
Trung Quốc là đối tác thương mại chính của 10 nước Đông Nam Á và toàn khối ASEAN là đối tác thương mại thứ hai của Bắc Kinh. Tăng trưởng của Trung Quốc giảm trong năm 2020 sẽ ảnh hưởng đến các nước ASEAN. Báo cáo ngày 12/02/2020 của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (The ASEAN+3 Macroeconomic Research Office, ARMO), thẩm định, trong năm 2020, GDP của Trung Quốc có thể mất 0,5%, còn các nước thuộc ASEAN sẽ mất khoảng 0,2%. Tuy nhiên, một nghiên cứu được Viện Montaigne (Pháp) công bố ngày 21/02 cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chỉ ở mức 4%.
Các nước Đông Nam Á sẽ chịu tác động nặng nhất từ dịch Covid-19 tại Trung Quốc do gần gũi về mặt địa lý và sự gắn kết quan hệ kinh tế. Vẫn theo báo cáo của AMRO, “dịch Covid-19 tác động trong thời gian ngắn nhưng đáng kể đối với Trung Quốc” cũng như với Đông Nam Á.
Du lịch là lĩnh vực bị tác động trực tiếp nhất và nghiêm trọng nhất. Nhiều nước ASEAN phụ thuộc vào nguồn thu từ du khách Trung Quốc, với hơn 65 triệu lượt khách mỗi năm đến Đông Nam Á. Việc hạn chế, cấm khách Trung Quốc tác động đến lĩnh vực hàng không, cũng như ngành du lịch của cả hai bên. Lượng du khách Trung Quốc đến Thái Lan giảm tới 90% trong tháng 02/2020 và ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, vốn chiếm đến 20% tổng sản phẩm nội địa của nước này. Singapore có thể sẽ mất khoảng 30% du khách. Ngành hàng không và vận tải đường sắt cũng bị vạ lây do việc dừng các chuyến vận chuyển đến vùng dịch.
Ngành du lịch Miến Điện cũng sẽ bị tác động nặng, trong khi đó, theo một số cơ quan truyền thông Miến Điến, hoạt động thương mại sát biên giới với Trung Quốc cũng “gần như ở điểm chết”, ảnh hưởng đến các mặt hàng thủy sản, ngô gạo, rau củ quả. Trang Global New Light of Myanmar, ngày 14/02, cho biết “khoảng 50.000 người làm việc trong ngành đánh bắt cá bị mất việc do thông thương ở thành phố Muse (bang Kachin) biên giới với Trung Quốc bị tạm ngừng”.
Báo Le Monde (20/02) trích đánh giá của Quỹ Carnegie, theo đó “rất nhiều nước láng giềng của Trung Quốc trông cậy quá nhiều vào Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế của họ”. Việt Nam là một ví dụ điển hình, lĩnh vực sản xuất của nước này, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và là một trong những yếu tố giúp Việt Nam có sức tăng trưởng mạnh, hiện giờ trở thành một trong những nước bị tác động trực tiếp nhất. Do thông thương ở một số cửa khẩu bị tạm ngừng, nhiều chiến dịch “giải cứu” nông phẩm tươi xuất sang Trung Quốc, từ hoa quả, tôm hùm… được người dân Việt Nam hưởng ứng.
Ngành công nghiệp chế biến là lĩnh vực tiếp theo bị tác động ngay trước mắt. Các nước ASEAN và Trung Quốc gắn chặt với nhau về nguồn cung cấp nhiên liệu, nhân công. Những biện pháp cách ly, hạn chế đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng, trong đó có việc xuất nhập khẩu vật liệu được sử dụng trong những vùng công nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 ở Trung Quốc. Tiếp theo, do hoạt động sản xuất bị tạm ngừng hoặc do thiếu nguyên vật liệu sản xuất nên sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp tạm thời.
Một phần dự án Con đường tơ lụa mới của chủ tịch Tập Cận Bình đi qua Đông Nam Á với những dự án đường bộ và đường sắt cao tốc ở Lào, Thái Lan, Malaysia và Miến Điện. Cuộc khủng hoảng Covid-19 chắc chắn sẽ tác động đến tăng trưởng của Trung Quốc và như vậy ảnh hưởng đến những dự án tại Đông Nam Á.
Tại hội nghị, ông Vương Nghị trấn an “dịch Covid-19 có thể sẽ ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, nhưng có thể vượt qua được và bù đắp được tác động đó” vì theo ông, “nền kinh tế Trung Quốc có động lực mạnh, rất bền vững và lộ trình về dài hạn sẽ không bị lay chuyển”.
Trước mắt, để đối phó với khủng hoảng dịch Covid-19, các nước ASEAN và Trung Quốc nhất trí chia sẻ thông tin và công nghệ, nghiên cứu văc-xin phòng dịch. Ngoại trưởng Vương Nghị đề xuất tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh về vấn đề này, nhưng chưa được hưởng ứng, theo phát biểu của hai nhà ngoại giao ẩn danh của ASEAN với hãng tin AP.
(Tổng hợp Reuters, AP, AFP, Mizzima)
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200224-giua-dich-covid-19-trung-quoc-trac-nghiem-quyen-luc-mem-voi-asean

Covid-19 : Thành phố Vũ Hán

hủy thông báo nới lỏng cách ly

Anh Vũ
Ngày 24/02/2020, chỉ vài giờ sau khi thông báo giảm nhẹ quy định cách ly, thành phố Vũ Hán, tâm dịch virus corona (Covid-19), đã ra thông cáo giữ nguyên trạng các biện pháp cách ly đã duy trì từ một tháng nay.
Sáng 24/02, một quan chức thành phố thông báo trên mạng xã hội WeChat rằng những người khỏe mạnh có thể được phép rời Vũ Hán nếu có có việc thật cần thiết. Tuy nhiên, thị trưởng thành phố ngay sau đó ít giờ đã ra thông cáo hủy bỏ thông báo trên.
Từ ngày 23/01, toàn bộ hơn 11 triệu dân trong thành phố Vũ Hán bị cách ly, cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Đến nay mới chỉ có vài trăm người nước ngoài được các nước liên quan sơ tán ra khỏi thành phố.
Theo thống kê của chính quyền Trung Quốc, trong những ngày qua, số người nhiễm mới đã giảm liên tục tại nhiều tỉnh, trừ tâm dịch Hồ Bắc. Ngày 24/02, Ủy Ban Y Tế Quốc Gia cho biết 24 trên 31 tỉnh thành đã không có trường hợp nhiễm virus corona được ghi nhận trong ngày Chủ Nhật 23/02
Nhưng, vẫn theo cơ quan trên, toàn quốc tiếp tục có thêm 150 người chết, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 lên 2.592 người. Số ca nhiễm mới là 409, tổng số bệnh nhân nhiễm hiện là 77.150 người. Hầu hết các trường hợp tử vong thống kê được là ở tỉnh Hồ Bắc.
Tại Bắc Kinh, sau hai ngày liên tiếp không phát hiện thêm ca nhiễm mới, nhưng chính quyền thành phố vẫn giữ nguyên các quy định phòng dịch, như giới hạn người qua lại các khu cao ốc, bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Từ đầu trận dịch, Trung Quốc đã chi ra hơn 14 tỷ đô la cho cuộc chiến với virus corona, theo phát biểu của một quan chức Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 24/02 tại Bắc Kinh.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200224-covid-19-vu-han-huy-thong-bao-noi-long-cach-ly

Mahathir Mohamad:

Thủ tướng Malaysia đột ngột đệ đơn xin từ chức

Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad, 94 tuổi, vừa đệ đơn lên nhà vua xin từ chức.
Đơn xin từ chức gây sốc của ông Mahathir xuất hiện trong bối cảnh có tin đồn rằng ông có thể thành lập một liên minh mới, trong đó không có người kế nhiệm được chỉ định, Anwar Ibrahim.
Thủ tướng lâu đời nhất thế giới lên nắm quyền vào năm 2018.
Trong một chiến thắng gây sốc, Mahathir Mohamad đã lật đổ thủ tướng Najib Razak lúc bấy giờ, người có liên quan đến vụ bê bối trị giá hàng tỷ đôla liên quan đến quỹ chính phủ.
Văn phòng Thủ tướng cho biết thư từ chức đã được gửi vào lúc 13:00 giờ địa phương (05:00 GMT). Không có chi tiết khác nào được nêu trong tuyên bố.
Vẫn chưa rõ ai sẽ là thủ tướng kế tiếp của Malaysia hay một cuộc bầu cử mới sẽ được triệu tập.
Phóng viên châu Á Jonathan Head của BBC cho biết sự từ chức của ông Mahathir theo sau một thời gian “điều động chính trị mạnh mẽ”.
Nhiều người chỉ trích việc Thủ tướng Malaysia đề nghị ông Trump từ chức
Malaysia nói Carrie Lam ‘nên từ chức’
Cựu Thủ tướng Malaysia Najib ra hầu tòa
Ông Mahathir thống trị chính trị Malaysia trong nhiều thập niên – trước đây ông là thủ tướng từ năm 1981 đến 2003, và là thành viên của đảng cầm quyền lâu đời Barisan Nasional (BN).
Ông Anwar là phó của ông Mahathir nhưng mối quan hệ hai bên trở nên tồi tệ khi ông Anwar bị cách chức năm 1998 sau một cuộc tranh chấp lãnh đạo.
Sau đó, ông đã bị bỏ tù về tội tham nhũng, việc được cho là có động cơ chính trị.
Nhưng vào năm 2018, ông Mahathir gây sốc cho Malaysia khi tuyên bố rằng ông sẽ hợp tác với ông Anwar và gia nhập liên minh đối lập – Pakatan Harapan.
Ông nói rằng làm như vậy để lật đổ chính phủ của ông Najib, người đã bị lôi kéo vào vụ bê bối tham nhũng 1MDB.
Liên minh của ông Mahathir và ông Anwar thắng – và ông Mahathir đồng ý dần dà sẽ trao quyền lực cho Anwar.
Nhưng ông Mahathir liên tục từ chối cho biết khi nào ông sẽ chuyển giao quyền lực – gây căng thẳng trong liên minh đối lập.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51612100

Ấn Độ tổ chức mít tinh khổng lồ

chào đón Tổng thống Trump

Được hơn 100.000 người nhiệt liệt chào đón tại lễ khai mạc sân vận động cricket lớn nhất thế giới ở Ấn Ðộ hôm 24/2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hứa hẹn “một thỏa thuận thương mại phi thường” và một hợp đồng bán “thiết bị quân sự đáng gờm nhất hành tinh” tại cuộc mít tinh lớn nhất mà ông có ở nước ngoài, theo Reuters.
Người dân Ấn Độ đã đeo mặt nạ và đội nón có chữ “Namaste Trump” (“Chào ông Trump”) để chào đón tổng thống Mỹ tại sân vận động khổng lồ Motera mới ây tại thủ phủ chính trị của Thủ tướng Narendra Modi, thành phố Ahmedabad ở miền tây của Ấn Độ.
Ông Modi là một người theo chủ nghĩa dân tộc đã tái đắc cử vào năm ngoái và đã chuyển đất nước sang cánh hữu bằng các chính sách mà các nhà chỉ trích cho là độc đoán và gây chia rẽ dân tộc. Thủ tướng Modi đã ca ngợi mối quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ như là bằng chứng cho vị thế toàn cầu của bản thân.
Trong khi đó, các quan chức Hoa Kỳ mô tả chuyến thăm của Trump là một cách để đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một siêu cường.
“Các bạn đã tạo một vinh dự lớn lao cho đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhớ các bạn mãi mãi. Kể từ ngày này trở đi, Ấn Độ sẽ luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của chúng tôi”, Reuters dẫn lời ông Trump nói trong những tràng pháo tay vang dội.
Ấn Độ là một trong số ít các quốc gia lớn trên thế giới có tỷ lệ ủng hộ cá nhân dành cho ông Trump trên 50%. Quốc gia này đã xây dựng mối quan hệ với Hoa Kỳ trong những năm gần đây khi mối quan hệ của Washington trở nên căng thẳng với Pakistan – kẻ thù của Ấn Độ.
“Trong lúc chúng ta tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng, Hoa Kỳ mong muốn cung cấp cho Ấn Độ một số thiết bị quân sự tốt nhất và đáng gờm nhất trên hành tinh”, Tổng thống Trump nói thêm.
Ông Trump cho biết hai nước sẽ ký các thỏa thuận mua bán trực thăng quân sự trị giá 3 tỷ USD và Mỹ sẽ trở thành đối tác quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ, vốn lâu nay vẫn dựa vào thiết bị của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Trước đó, Reuters đưa tin rằng Ấn Độ đã thông qua việc mua 24 trực thăng của công ty Lockheed Martin của Mỹ trị giá 2,6 tỷ USD.
Vẫn theo tường thuật của Reuters, Thủ tướng Modi đã ôm chầm ông Trump khi ông rời khỏi chiếc Air Force One cùng với Đệ nhất phu nhân Melania.
Trong chuyến thăm Ấn Độ, ông Trump sẽ đi thăm đền Taj Mahal ở Agra và có các cuộc họp chính thức ở Delhi.
Các vũ công dân gian Ấn Độ với những chiếc ô đầy màu sắc đã nhảy múa dọc theo thảm đỏ trong khi các tay trống, kèn và các nghệ sĩ khác biểu diễn ngay tại phi trường để chào đón ông Trump và phái đoàn Hoa Kỳ.
Đám đông xếp hàng dọc theo lộ trình đoàn xe của ông Trump và nhiều người tranh thủ dùng điện thoại để chụp ảnh.
Trước chuyến thăm, hai bên đã không giải quyết một số khác biệt còn lại về nông nghiệp, thiết bị y tế, thương mại kỹ thuật số và đề xuất thuế quan mới. Ông Trump nói ông sẽ thảo luận về mối quan hệ kinh tế với ông Modi, và mô tả thủ tướng Ấn Độ là một nhà đàm phán cứng rắn.
“Chúng tôi sẽ thực hiện các thoả thuận thương mại lớn chưa từng có. Hiện chúng tôi đang trong giai đoạn đầu của việc thảo luận về một thỏa thuận thương mại phi thường nhằm giảm bớt rào cản đầu tư giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ”, Reuters dẫn lời ông Trump nói.
“Tôi lạc quan về khả năng hợp tác với nhau. Thủ tướng và tôi có thể đạt được một thỏa thuận tuyệt vời, tốt đẹp cho cả hai nước chúng ta – cho dù ông ấy là một nhà đàm phán rất cứng rắn”.
Hai bên đã tranh cãi về yêu cầu của Hoa Kỳ trong việc tiếp cận thị trường gia cầm và sữa của Ấn Độ, việc kiểm soát giá của Ấn Độ trên các thiết bị y tế như ống đỡ động mạch, và các quy tắc lưu trữ dữ liệu địa phương nghiêm ngặt mà các công ty công nghệ Mỹ nói là sẽ làm tăng chi phí kinh doanh.
Chính phủ của ông Modi đã tìm cách khôi phục các nhượng bộ thương mại mà ông Trump đã rút vào năm 2019 và tiếp cận nhiều hơn tới các thị trường Hoa Kỳ cho dược phẩm và nông sản Ấn Độ.
Ông Modi đã xây dựng mối quan hệ cá nhân với ông Trump và đang dồn hết sức lực cho chuyến thăm của tổng thống Mỹ, mặc dù triển vọng cho một thỏa thuận thương mại được xem là khá mong manh.
Trong khi đó, ông Trump – người đang trong chiến dịch tái tranh cử năm nay – thường xuyên ca ngợi ông Modi về sức thu hút đám đông của thủ tướng Ấn.
Năm ngoái, ông Trump đã tổ chức một cuộc tuần hành mang tên “Howdy Modi” (“Ông khoẻ không, Modi?”) ở Houston, thu hút khoảng 50.000 người, chủ yếu là người Mỹ gốc Ấn. Vào thời điểm đó, ông Trump đã ví ông Modi với Elvis Presley vì sức hút đối với đám đông.
Đoàn tùy tùng của ông Trump bao gồm con gái Ivanka và con rể Jared Kushner cũng như các thành viên trong nội các của ông, bao gồm Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.
https://www.voatiengviet.com/a/%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-t%C3%B4%CC%89-ch%C6%B0%CC%81c-m%C3%ADt-tinh-kh%E1%BB%95ng-l%E1%BB%93-ch%C3%A0o-%C4%91%C3%B3n-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-trump/5301325.html

Úc mở cửa tiếp nhận một số học sinh Trung Cộng

sau lệnh cấm vì coronavirus

Tin từ Melbourne, Úc – Hôm thứ Bảy (22 tháng 02), chính phủ Úc tuyên bố sẽ cho phép một số học sinh trung học người Trung Cộng quay trở lại nước này, vì trước đó đã chặn vào Úc do lệnh giới hạn dịch coronavirus.
Tuyên bố của Úc đã mở lại cánh cửa đến một thị trường quan trọng đối với nền kinh tế Úc. Khi chính phủ Úc áp đặt lệnh cấm du lịch đối với hầu hết những người đến từ Trung Cộng, hàng ngàn học sinh Trung Cộng đã bị chặn lại sau kỳ nghỉ hè dài, trước khi học kỳ mới ở các trường học bắt đầu từ tháng này.
Các viên chức Úc cho hay việc nới lỏng lệnh cấm sẽ cho phép khoảng 760 học sinh trung học không đến từ tỉnh Hồ Bắc Trung Cộng nộp đơn xin học trở lại. Theo các viên chức Úc, các học sinh sẽ được xem xét theo từng trường hợp, và những ai vượt qua đợt kiểm tra sẽ phải tự cách ly trong vòng 14 ngày, ngay sau khi đến Úc.
Theo ông Dan Tehan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Úc, vào tuần sau chính phủ Úc sẽ xem xét việc cho phép sinh viên bậc đại học có quay trở lại hay không. Theo dữ kiện chính thức gần đây nhất, sinh viên Trung Cộng chiếm gần 40% tổng số sinh viên quốc tế bậc cao học đến Úc trong năm 2018. Số lượng này đã tăng hơn 10% trong vòng ba năm qua, đóng góp hơn 30 tỷ Úc kim cho nền kinh tế  Úc.
Nhằm đối phó với sự bùng phát dịch coronavirus, Úc đã đưa ra các hạn chế nhập cảnh đối với tất cả công dân ngoại quốc từng đến Trung Cộng trong vòng hai tuần, trước khi du nhập vào Úc. Công dân Úc và cư dân thường trú được miễn trừ lệnh cấm này. (BBT)
https://www.sbtn.tv/uc-mo-cua-tiep-nhan-mot-so-hoc-sinh-trung-cong-sau-lenh-cam-vi-coronavirus/

Nhà báo nổi tiếng nói chính phủ Úc

đang ‘cúi đầu’ trước Trung Quốc

Lục Du
Neil Mitchell, người dẫn chương trình nổi tiếng trên đài phát thanh Melbourne, đã thẳng thắn chỉ trích cách người Úc phản ứng với dịch COVID-19, nói rằng từ chính phủ, các trường đại học Úc và một trường học hàng đầu ở Melbourne đã chấp nhận “cúi đầu” trước Trung Quốc.
“Chúng ta nói chúng ta có một đất nước tự hào. Chúng ta nói chúng ta đứng bằng đôi chân của chính mình, không cúi đầu trước ai, nhưng … trừ Trung Quốc ra”, ông Neil nói trên chương trình phát thanh 3AW Mornings của mình.
“Hiện tại, Úc đã hoàn toàn sống trong thứ văn hóa sợ sệt, lạy lục Trung Quốc”.
“Thứ văn hóa này được sản sinh dựa trên tiền và virus corona. Chúng ta không muốn làm mất lòng Trung Quốc và đối mặt nguy cơ đánh mất sinh viên, thị trường và sức mua của họ”.
Neil cho biết chính phủ liên bang, chính quyền tiểu bang, các trường đại học và trường Caulfield Grammar ở Úc đã đứng về phía Trung Quốc thay vì bảo vệ quyền lợi cho đất nước trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.
“Chúng ta cần việc giao thương với Trung Quốc, nhưng tại thời điểm này chúng ta đang bán hết phẩm giá quốc gia, chúng ta phá vỡ các nguyên tắc của mình. Không hề có niềm tự hào dân tộc”, ông Neil nói.
“Chúng ta phải lựa chọn giữa những gì đúng đắn và những gì tạo ra một đồng đô la, và tại thời điểm này đồng đô la đang chiến thắng”.
“Có khả năng, điều đó sẽ đe dọa sức khỏe của chúng ta”.
Những chỉ trích thẳng thắn của người phụ trách chương trình 3AW Mornings đưa ra sau khi trường Caulfield Grammar từ bỏ kế hoạch đặt tên cho khu phức hợp bơi lội của mình theo tên của cựu học sinh
và cũng là một vận động viên bơi lội ưu tú, ngôi sao Mack Horton, chỉ vì Mack đã chỉ trích vận động viên bơi lội Trung Quốc Sun Yang về vụ bê bối doping.
“Mack Horton, nhà vô địch Olympic vĩ đại, một quý ông đáng yêu, phong nhã, một cựu học sinh của trường, một người ủng hộ thể thao lành mạnh, người chiến đấu chống lại các trò gian lận trong thể thao, nhưng [trớ trêu thay] đó lại là vấn đề!”, ông Neil nói.
“Caulfield Grammar chấp nhận các trò ma mãnh đó, tất cả chỉ vì tiền! Họ có chi nhánh ở Trung Quốc và các sinh viên Trung Quốc, vì thế sự tử tế phải xếp phía sau”.
Ông Neil cũng lên án chính phủ liên bang vì không thắt chặt lệnh cấm du lịch để ngăn du khách Trung Quốc vào Úc và cho phép các trường đại học đón sinh viên tới từ Đại lục trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.
“Chúng ta đã cho phép 1100 sinh viên [Trung Quốc] lách lệnh cấm nhập cảnh và đến đây bất chấp lệnh cấm này”, ông Neil nói.
“Đại học Western Sydney thậm chí còn hỗ trợ những sinh viên đó 1500 USD mỗi người để họ có lộ phí quá cảnh ở nước thứ ba nhằm lách lệnh cấm [tức về danh nghĩa họ nhập cảnh từ một nước không phải Trung Quốc]”.
Trong khi đó, chính quyền tiểu bang Victoria đã thắp sáng các địa danh trên khắp thành phố bằng màu cờ của Trung Quốc vào thứ Sáu (21/2), trong một chiến dịch thể hiện tình đoàn kết với Trung Quốc.
“Vinh danh sự tàn bạo của họ, đó là những gì chúng ta đang làm. [Điều đó đồng nghĩa với việc kêu gọi] hãy vinh danh việc họ lạm dụng nhân quyền”, ông Neil nói.
“Những lời này không nhắm vào người dân Trung Quốc. Tôi đang chỉ trích chính phủ của họ, tôi đang chỉ trích chính phủ của chúng tôi, tôi chắc chắn đang chỉ trích quyết định liên quan tới Mack Horton”.
“Hai trong số ba chỉ trích này có thể khiến tôi gặp phiền toái ở Trung Quốc và [khiến bạn] không bao giờ còn nghe thấy [những điều này] nữa”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nha-bao-noi-tieng-noi-chinh-phu-uc-dang-cui-dau-truoc-trung-quoc.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?