Tin Việt Nam – 25/02/2020

Tin Việt Nam – 25/02/2020

Xây thêm trạm thu phí BOT trên tuyến tránh Cai Lậy

Bộ GTVT thống nhất chọn phương án xây thêm trạm thu phí trên tuyến tránh BOT Cai Lậy và cùng tiến hành thu với trạm BOT hiện có. Báo trong nước đưa tin hôm 25 tháng 2.
Như vậy, dự án BOT Cai Lậy sẽ có hai trạm thu phí, gồm trạm thu phí hiện hữu và trạm thu phí mới sẽ được xây dựng trên tuyến tránh. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nói với truyền thông trong nước rằng trạm thu phí hiện hữu sẽ thực hiện hoàn vốn cho phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Tiền Giang), còn trạm thu phí sắp xây trên tuyến tránh sẽ hoàn vốn cho phần đầu tư, xây dựng tuyến tránh Cai Lậy. Trạm thu phí nào hoàn vốn xong sẽ dỡ bỏ.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang được khởi công vào năm 2014 và hoàn tất năm 2017. Tuy nhiên, sau khi đi vào thu phí, trạm này đã vấp phải những cuộc phản đối gay gắt vì người dân cho rằng trạm bị đặt sai chỗ. Những phản đối liên tục của các tài xế và người dân đã khiến trạm này phải ngừng thu phí từ tháng 12/2017 đến nay.
Tháng 10 năm 2019, UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất Bộ GTVT phương án xây dựng trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy. Trước đó, Bộ GTVT đưa ra 2 phương án: Thứ nhất, thu như cũ và miễn giảm giá vé cho người dân của 41 xã, phường, thị trấn quanh trạm. Thứ hai, xây dựng thêm trạm thu phí mới và thực hiện thu phí đồng thời cả hai trạm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/building-more-bot-in-tiengiang-02252020080434.html

Lo ngại chính quyền

chỉ định luật sư bào chữa trong vụ Đồng Tâm

Tính đến ngày 24/2/2020, chỉ có Luật sư Ngô Anh Tuấn, thuộc công ty luật ATN, được cơ quan an ninh cảnh sát điều tra chấp thuận là luật sư bào chữa cho ông Lê Đình Quang, một trong những người dân Đồng Tâm bị công an bắt giữ sau cuộc đụng độ giữa công an với người dân xã này hôm 9/1/2020 liên quan đến tranh chấp đất đai.
Trả lời RFA hôm 24/2, Luật sư Ngô Anh Tuấn, nói:
“Tôi gặp ông Quang tại trại tạm giam, ban đầu cơ quan điều tra thông báo với tôi là ông Quang từ chối luật sư, nhưng sau đó họ lại nói ông Quang không từ chối. Mới đây tôi vào gặp ông Quang là vào dự cung, nghe điều tra viên hỏi cung, chứ trao đổi với tôi thì rất ngắn.”
Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, rất nhiều người Đồng Tâm bị bắt có mời luật sư, và các luật sư có đăng ký thủ tục luật sư, nhưng chưa luật sư nào được cấp quyền bào chữa như ông. Ông nói tiếp:
Chúng tôi cũng nghe thông tin, họ yêu cầu Liên đoàn luật sư hoặc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cử nhiều luật sư chỉ định, trong khi luật sư gia đình mời thì lại không được. Điều này là trái quy định của luật.
-LS Ngô Anh Tuấn

“Sắp tới chúng tôi phải kiến nghị việc họ không cấp thủ tục luật sư cho các luật sư khác trong vụ Đồng Tâm. Ngoài ra, chúng tôi cũng nghe thông tin, họ yêu cầu Liên đoàn luật sư hoặc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cử nhiều luật sư chỉ định, trong khi luật sư gia đình mời thì lại không được. Điều này là trái quy định của luật, vì vậy chúng tôi sẽ có những văn bản kiến nghị tiếp với bên cơ quan an ninh điều tra công an thành phố Hà Nội.”
Vào sáng sớm ngày 9/1/2020, chính quyền Hà Nội đã huy động hàng ngàn cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trấn áp, bắt giữ một số người dân bị cơ quan chức năng cho là chống đối việc giao đất quốc phòng cho chính quyền. Ông Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất Đồng Tâm, đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ này.
Sau vụ tấn công, Bộ Công an cho truyền thông trong nước biết, đã có 22 người bị bắt giữ ở Đồng Tâm với các cáo buộc “giết người”, “chống người thi hành công vụ”, “sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép”… Tuy nhiên, theo người dân Đông Tâm, chính quyền hiện vẫn giam giữ 27 người từ hôm 9/1 đến nay và gia đình họ không nhận được bất cứ thông tin nào từ người thân của mình.
Vì quá lo lắng cho thân nhân bị bắt giữ không tung tích, người dân Đồng Tâm phải tự tìm đến trại giam để gởi đồ thăm nuôi mặc dù cũng không chắc người thân mình có thể nhận.
Một người dân Đồng Tâm có thân nhân đang bị công an bắt giam, không muốn nêu tên vì lý do an ninh, nói với RFA hôm 24/2:
“Chính thức thì bên chính quyền không có bất kỳ một thông báo gì đối với gia đình những ngưới bị bắt, mà đây là các gia đình tự đi tìm địa chỉ các trại giam, tự đến gởi quà thôi, mình hỏi có người nhà mình ở đấy không thì họ nhận là có, và họ cho gởi quà 1 bộ quần áo mùa đông, 1 bộ mùa hè, mỗi một tháng được gởi tối đa là 1,5 triệu, còn người nhà mình có được nhận hay không thì cũng không biết. Khi mình gửi thì mình có ký vào một giấy xác nhận, nhưng trại giam họ giữ chứ họ không cho mình một cái giấy gì cả.”
Còn chị Bùi Hồng Minh, con gái cụ Bùi Viết Hiểu, người cũng đang bị công an bắt giam không rõ tung tích từ hôm 9/1, khi nói RFA hôm 24/2, cho biết chị nghi ngờ cách trả lời của trại giam khi đến gởi quà cho bố:
“Có thể là ở C16, trại giam số 2 Thường Tín, chắc là những người ở Đồng Tâm bị bắt hôm 9/1 giam ở đấy, hoặc không phải tất cả ở đấy. Nhưng theo tôi, nếu không có ở đấy thì người ta vẫn nhận quà, nhận tiền và nhận quần áo, vì để yên lòng dân thì họ sẽ nhận thôi. Ví dụ như Bố tôi không ở đó, mà họ nói có, mình không gặp thì biết làm sao. Hôm 25 Tết, gia đình thăm trộm thì biết họ chuyển ông từ viện 103 đi thì nghe nói ông yếu, ngồi xe lăn rồi họ đưa lên cáng chở đi… Đến hôm nay thì không biết có chuyện gì không vì Bố tôi cũng đã 78 tuổi rồi, vừa vết thương chiến tranh… vừa bị đánh, bị bắn thì không biết thế nào. Không biết có ở đấy hay không nhưng tâm lý người con vẫn gởi quà thăm nuôi, người ta nhận thì mình vẫn gửi.”
Theo tôi, nếu không có ở đấy thì người ta vẫn nhận quà, nhận tiền và nhận quần áo, vì để yên lòng dân thì họ sẽ nhận thôi. Ví dụ như Bố tôi không ở đó, mà họ nói có, mình không gặp thì biết làm sao.
-Bùi Hồng Minh

Hôm 23/2/2020, nhiều cá nhân, tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước và quốc tế một lần nữa đã lên tiếng về việc chính quyền Việt Nam cho công an tấn công vào làng Đồng Tâm, đồng thời yêu cầu quốc tế điều tra về hành động mà họ gọi là tội ác này.
Tuyên bố nêu rõ, với lương tâm con người và trách nhiệm công dân Việt Nam, cực lực lên án việc tấn công, tàn sát, khủng bố người dân lương thiện xã Đồng Tâm. Mọi hành vi xâm hại, chà đạp thô bạo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia, phải bị trừng trị đích đáng.
Bản tuyên bố cũng yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, khởi tố và điều tra vụ án giết người, hành hung, bắt người, cướp đoạt tài sản,phải bị xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Những cá nhân và các tổ chức xã hội dân sự độc lập ký tên trong tuyên bố cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc, Chính phủ các nước lên tiếng, chủ động cử các phái đoàn chính thức đến Việt Nam điều tra tội ác chống con người của một nhà nước.
Trả lời RFA hôm 24/2, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người đại diện ‘Diễn đàn Xã hội dân sự’ ký tên trong tuyên bố, nói:
“Ngay sau khi vụ Đồng Tâm xảy ra đã có một tuyên bố rồi, bây giờ là tuyên bố thứ hai. Nó nhắc lại, nhấn mạnh, cập nhật những sự kiện, sự thật… mà chúng ta ngày càng rõ ra, và nó kêu gọi mọi người lên tiếng và phản đối cuộc tàn sát này, nhằm mục đích thức tỉnh người dân biết cái quyền của mình, cũng như bản thân của sự lên tiếng của mình có một sự đóng góp nào đấy cho sự phát triển đất nước, và để cho những tai họa như thế không lập lại nữa.”
Trước đó vào ngày 13 tháng 1 năm 2020, ngay sau khi xảy ra vụ tấn công Đồng Tâm hôm 9/1, nhiều cá nhân, tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước và quốc tế lên tiếng về việc lực lượng chức năng Nhà nước Việt Nam được trang bị vũ khí tấn công vào làng Đồng Tâm giết chết cụ Lê Đình Kình, bắt đi nhiều người chỉ vì khu đất tranh chấp.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/concerned-authorities-appoint-defense-lawyers-in-dong-tam-case-02242020130507.html

Du khách Canada tử vong trên vỉa hè ở phố cổ Hà Nội

Tin từ Hà Nội: Sáng ngày 24/2, người dân phát hiện một một người đàn ông ngoại quốc nằm bất động trên vỉa hè phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và báo nhà chức trách.
Tại thời điểm phát hiện, người đàn ông này cởi trần và có hình xăm trên cơ thể.  Công an phường Hàng Bạc và y tế quận Ba Đình đã kiểm tra và xác định người đàn ông này đã tử vong trước đó. Theo sổ thông hành và giấy tờ của du khách mang theo, công an xác định nạn nhân là ông Joshep Turry, 39 tuổi, quốc tịch Canada, hiện đang lưu trú tại phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm).  Sau khi kiểm tra các camera ở khu vực xung quanh, công an phường Hàng Bạc cho biết nạn nhân tự ngã gục xuống vỉa hè và tử vong ngay sau đó, chứ không hề có tác động bên ngoài.
Một công an phường nhận định có thể nam du khách bị trúng gió dẫn đến đột tử.  Nhiều báo nhà nước cộng sản cho biết đại diện cơ quan y tế quận Hoàn Kiếm đã loại trừ khả năng nạn nhân bị tử vong do coronavirus.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/du-khach-canada-tu-vong-tren-via-he-o-pho-co-ha-noi/

Luật sư đề nghị hoãn phiên tòa xử Trương Duy Nhất

 vào ngày 28-2 do dịch COVID-19

Luật sư đại diện cho blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do vừa có đơn đề nghị hoãn phiên tòa vì lý do một luật sư đại diện khác chưa nhận được thông báo về phiên tòa và vì lo ngại dịch bệnh COVID – 19 lây lan.
Theo dự kiến, blogger Trương Duy Nhất sẽ bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử vào ngày 28 tháng 2 năm 2020 với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ” trong thời gian ông này còn làm ở báo Đại Đoàn Kết hồi năm 2004.
Hôm 20 tháng 2, luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Nhất có đơn xin hoãn phiên tòa. Lý do là một luật sư khác là ông Ngô Anh Tuấn cũng nhận bào chữa cho blogger này chưa nhận được thông báo đưa vụ án ra xét xử và nhất là trong giai đoạn có dịch COVID-19.
Luật sư Đặng Đình Mạnh chiều 25 tháng 2 cho biết, có Thư ký phiên tòa gọi cho ông vào ngày 23-2 và truyền đạt lời của Thẩm phán đề nghị ông phải có mặt ở phiên tòa ở Hà Nội 3 ngày nữa. Ông Mạnh cho biết điều này là vô lý:
Cái điểm này nó hơi vô lý vì nếu xem xét đồng ý hay không đồng ý thì phải bằng văn bản.
Còn nếu trong trường hợp mà họ nói rằng là để họ xem xét thì thì mình có mặt ở đó rồi thì vô hình trung tất cả những lý do do mình nêu ra để hoãn phiên tòa không còn nữa.
Trong trường hợp đó thì tòa án sẽ họ sẽ xét xử luôn rồi, cho nên anh chỉ có yêu cầu rằng là nếu trong trường hợp Tòa án có ý kiến về cái đơn của anh thì làm bằng văn bản trả lời đàng hoàng, còn không thể nào ứng xử với nhau qua điện thoại như vậy được.”
Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất được cho là bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Thái Lan vào ngày 26 tháng 1 năm 2019, một ngày sau khi ông đến Văn phòng Cao ủy về người tị nạn của Liên hiệp quốc ở Bangkok để xin quy chế tị nạn.
Mãi 2 tháng sau, vợ ông mới được phép tiếp tế cho chồng tại trại giam T16, Thanh Oai, Hà Nội và theo sổ tiếp tế thì ông bị bắt ngày 28-1-2019.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, trong một lần gặp thân chủ của ông ở trại tạm giam thì ông Nhất cũng xác nhận việc mình bị hai viên Cảnh sát hoàng gia Thái Lan bắt giữ và giao cho một nhóm an ninh Việt Nam để áp tải đưa về Hà Nội.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/lawyer-wants-to-postpone-trial-of-truong-duy-nhat-02252020082227.html

Việt Nam sẽ bỏ hộ khẩu, thay bằng mã số định danh

Diễm Thi, RFA
Bộ Công an đề xuất sửa đổi Luật cư trú theo hướng bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú để quản lý dân cư thông qua hình thức mã số định danh cá nhân qua Dự thảo lần 2 Luật Cư trú (sửa đổi). Dự thảo bắt đầu lấy ý kiến người dân từ ngày 19 tháng 2 đến ngày 19 tháng 4 năm 2020.
Việc thay đổi này được Bộ Công an cho là sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.
Quản lý người dân bằng hộ khẩu được Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp dụng ở miền Bắc từ thập niên 1950. Đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cách quản lý này được áp dụng trên toàn cõi Việt Nam. Cuốn sổ hộ khẩu do cơ quan công an cấp và liên quan đến hầu như mọi lĩnh vực cuộc sống của người dân. Mấy chục năm qua, hộ khẩu vẫn là cái “vòng kim cô” trên đầu người dân như nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân từ Hà Nội từng nhận xét:
“Sổ hộ khẩu thì luôn như một cái vòng kim cô treo lên đầu mỗi người dân Việt Nam. Bản thân tôi là một người học về luật nhưng cũng không hiểu ý nghĩa tích cực của hộ khẩu nằm ở chỗ nào, ngoài việc ràng buộc con người trong việc di chuyển không gian hay lãnh thổ thì đều phải báo cáo. Người công an luôn tự cho mình cái quyền rất lớn trong việc xâm nhập vào tư gia của người dân cũng như các công ty, xí nghiệp để kiểm tra xem có ai ở đó.”
Vị luật sư nói thêm rằng, về ý nghĩa nhân văn, khi con người bị ràng buộc vào những thủ tục vô giá trị như vậy thì sự tự do và nhân phẩm của con người bị hạ xuống rất nhiều.
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung coi chính sách quản lý công dân bằng hộ khẩu là vi phạm quyền an cư, hạn chế quyền đi lại tự do, quyền không bị phân biệt đối xử và quyền được hưởng an sinh xã hội của người dân. Anh nói thêm:
“Tôi thấy chế độ hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng rất lớn về cơ hội đối với người dân. Hầu hết các quốc gia trên thế giới không ai quản lý bằng hộ khẩu cả, cần phải bãi bỏ!”
Đây không phải lần đầu cơ quan chức năng Việt Nam đề cập đến việc bãi bỏ cuốn sổ hộ khẩu.
Trong Nghị quyết 112/NĐ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 30 tháng 10 năm 2017 có điều khoản bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu”.
Một tuần sau đó, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phát biểu tại cuộc họp báo của Bộ Công An rằng không có chuyện bỏ sổ hộ khẩu. Theo ông Vệ, các cơ quan chức năng sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu giấy với Bộ Công An chỉ khi nào thu thập xong cơ sở dữ liệu dân cư. Ông
khẳng định rằng chắc chắn đến năm 2020 sẽ làm xong cơ sở dữ liệu này. Lúc đó, Bộ Công an sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu. Cuối cùng việc đó cũng đến. Tiến sĩ Xã hội học Phạm Quỳnh Hương nói với RFA:
“Việc quản lý dân cư để điều tra, thống kê dân số, giữ an ninh trật tự xã hội thì chúng tôi ủng hộ, nhưng dùng hộ khẩu để làm khó dân, để kiểm soát mọi sinh hoạt, đời sống người dân thì cần bãi bỏ vì nó không thể hiện nếp sống văn minh, vi phạm quyền của người dân.”
Muốn hội nhập thì phải thay đổi
Chuyện cái hộ khẩu không còn là ‘chuyện nội bộ’ khi Việt Nam muốn hội nhập.
Giữa năm 2016, trong buổi hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội, ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định hệ thống hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng cho người dân.
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cũng có cùng nhận định.
“Việc bỏ hộ khẩu đã được các nhà nghiên cứu khoa học xã hội kiến nghị nhiều lần và rất là lâu rồi. Hai mươi năm trở lại đây có nhiều nghiên cứu kiến nghị là bỏ hộ khẩu, thế nhưng vẫn chưa được.
Việc quản lý dân cư là cần thiết, nhưng với chính sách tất cả mọi thứ đều dựa vào hộ khẩu như thời bao cấp là một điều bất cập. Có một sự bất bình đẳng giữa người có hộ khẩu và người không có hộ khẩu. Người không có hộ khẩu rất khó khăn và thiệt thòi khi tiếp cận những dịch vụ công cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh trong đời sống.”
Cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang, người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành công an và am hiểu về các thủ tục hành chính ngành này cho rằng việc bãi bỏ hộ khẩu là việc đáng lẽ phải làm từ lâu chứ không phải đến bây giờ mới chỉ đề xuất, bởi còn duy trì sổ hộ khẩu thì các cán bộ công quyền còn lợi dụng việc này để hành dân. Điều đó chỉ có hại cho xã hội và đất nước:
“Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay luôn quản lý xã hội theo mô hình quản lý hộ khẩu. Đây là cách thức quản lý mà có lẽ chỉ một vài nước lạc hậu trên thế giới đeo đuổi thôi. Nhiều nước không lạc hậu nhưng người ta theo thể chế toàn trị, quản lý từng con người đến tận thôn xóm. Họ muốn duy trì điều đó bất kể sự phiền hà hay khổ sở của người dân.”
Cho đến bây giờ, chỉ còn ba nước trên thế giới duy trì chế độ hộ khẩu là Việt Nam, Bắc Hàn và Trung Quốc. Trong đó Trung Quốc cũng có nhiều lần cải cách với mục đích quản lý người dân thành phố chặt chẽ khi mật độ người dân từ thôn quê đổ về thành thị quá đông kể từ khi mở cửa kinh tế vào năm 1978, lộ rõ những bất cập.
Từ giữa năm 2001, Trung Quốc bắt đầu thực hiện vài cuộc cải cách hộ khẩu nhỏ. Đến năm 2005 cải cách được nhân rộng tại một số thành phố lớn, trong đó có Bắc Kinh, Trùng Khánh và Thượng Hải.
Cho đến năm 2014, chính phủ Trung Quốc lên kế hoạch đến năm 2020 sẽ cấp mới 100 triệu “hộ khẩu thành thị” cho người dân.
Việt Nam là một nước có cùng thể chế chính trị, nên nhiều người cho rằng, việc cải cách hộ khẩu ở Việt Nam cũng là học theo Trung Quốc. Nhà báo Võ Văn Tạo lập luận:
“Theo tôi biết thì Trung Quốc đã làm trước rồi, mà Việt Nam hay học Trung Quốc vì cùng một thể chế chính trị. Các thể chế nhà nước cộng sản độc tài lúc nào cũng muốn kiểm soát người dân thật lỹ lưỡng, quá mức cần thiết. Bây giờ muốn hòa hợp với quốc tế thì phải thay đổi sao cho văn minh hơn.”
Theo những gì mà Bộ Công An nêu ra trong dự thảo đang lấy ý kiến người dân, thì sau khi chuyển sang quản lý hộ khẩu điện tử, công dân có quyền được bảo đảm bí mật thông tin.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-will-remove-the-household-registration-replacing-it-with-an-id-code-dt-02242020134153.html

Cảnh sát Anh tới Việt Nam điều tra

vụ 39 người chết trên xe container

Cảnh sát hạt Essex, Anh Quốc đã tới Việt Nam để điều tra các vấn đề liên quan vụ 39 người Việt chết trên xe container vào Anh hồi tháng tháng 10 năm 2019.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 25/2 và cho biết trong hai tuần làm việc tại Việt Nam vừa qua, đại diện của Cảnh sát hạt Essex đã gặp được tất cả gia đình ở Việt Nam có người thân thiệt mạng tại Grays, Essex hôm 23-10-2019.
Nhóm này đã làm việc ở các địa phương Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Hải Phòng và Hải Dương với sự hỗ trợ của cơ quan tố tụng địa phương, Bộ Công an và đại diện từ Đại sứ quán Anh tại Việt Nam.
Trả lời báo chí trong nước, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết, trong chuyến thăm của ông tới hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vào tháng 1 vừa qua, ông đã gặp gỡ thành viên gia đình của một số nạn nhân và cam kết với họ rằng Vương quốc Anh sẽ làm hết sức để hỗ trợ cuộc điều tra về sự ra đi của những người thân của họ.
Ông Gareth Ward cũng cho biết, Cảnh sát Essex và Bộ Công an Việt Nam đã hợp tác rất hiệu quả, giúp đẩy nhanh quá trình điều tra ở Anh cũng như ở Việt Nam.
Công an Hà Tĩnh mới đây cho biết đã khởi tố 8 người liên quan đến đường dây đưa lậu người vào Châu Âu.
Cảnh sát Anh cũng đã bắt giữ 9 người có liên quan đến việc đưa lậu 39 người Việt vào Anh, bao gồm tài xế chiếc xe tải chở các nạn nhân.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/british-police-to-vietnam-to-investigate-39-deaths-02252020075252.html

Quốc hội ra Nghị quyết sáp nhập

huyện, xã tại 6 tỉnh, thành phố

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV vừa công bố 6 Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại 6 tỉnh và thành phố.
Truyền thông trong nước, vào ngày 25/2 cho biết Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc có thông báo với nội dung vừa nêu.
Cụ thể các tỉnh bao gồm: Thái Bình, Khánh Hòa, Lào Cai, Cao Bằng cùng hai thành phố Cần Thơ và Hà Nội sẽ được tiến hành sáp nhập huyện, xã và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3/2020.
Điển hình như tại thành phố Hà Nội, theo Nghị quyết số 895, sẽ có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã) và 579 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn).
Trước đó hồi cuối tháng 11 năm 2019, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội không còn hội đồng nhân dân phường, kể từ ngày 01/07/2021.
Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ không tổ chức hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 tại 177 phường, thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/wards-n-districts-6-provinces-ncities-merged-under-congress-resolution-02252020074658.html

Thái Lan áp thuế bán phá giá

hơn 50% đối với thép Việt Nam

Ủy ban về phá giá và trợ cấp Thái Lan đã quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 6,97% lên 51,61% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam bị điều tra với cáo buộc đe dọa thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.
Đó là thông tin trích từ kết luận của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) Thái Lan được truyền thông trong nước loan đi hôm 25/2.
Tuy nhiên theo kết luận của phía Thái Lan, thuế chống bán phá giá nói trên sẽ được miễn áp dụng đối với nhập khẩu hàng hóa liên quan nhằm sản xuất phục vụ xuất khẩu, nhập khẩu với mục đích sử dụng đặc biệt, hoặc được xếp vào loại đặc biệt.
Mức thuế chống bán phá giá đối của Thái Lan đối với sản phẩm thép của Việt Nam được cho biết sẽ áp dụng tối đa trong năm năm, và sẽ được rà soát hàng năm nếu có yêu cầu chính thức từ phía các bên liên quan hoặc nếu cơ quan điều tra thấy cần thiết.
Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp tục xem xét tham gia các đợt rà soát để đảm bảo quyền và lợi ích.
Vào tháng 2/2020, Thái Lan cũng đã áp thuế chống bán phá giá 14,35% đối với một số sản phẩm thép carbon nguội hoặc không nguội xuất khẩu từ Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thailand-imposes-more-than-50percent-anti-dumping-tax-on-vietnamese-steel-02252020111153.html

Việt – Ấn: Gia hạn hợp đồng chia lô

sản phẩm dầu khí ở Biển Đông

Trong chuyến thăm Ấn Độ của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Việt Nam và Ấn Độ đã ký gia hạn thêm 2 năm nữa cho hợp đồng chia lô sản phẩm dầu khí tại Lô 128 trên Biển Đông.
Trong cuộc gặp giữa Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind, hai bênnhất trí duy trì tần suất trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao hàng năm, cũng như các cơ chế hợp tác sẵn có giữa hai nước; tiếp tục thực hiện tốt các thoả thuận và cam kết đã ký, nhất là Chương trình Hành động 2017-2020; khuyến khích doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, làm ăn, mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực mới mà Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như khoa học, công nghệ, năng lượng, năng lượng tái tạo, lọc hóa dầu; đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói viện trợ không hoàn lại và tín dụng ưu đãi dành cho Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không hai nước kinh doanh, khai thác và mở mới các đường bay thẳng giữa các thành phố lớn của hai nước trong thời gian tới. Tổng thống Ấn Độ bày tỏ khâm phục những thành tựu phát triển của Việt Nam, tiếp tục khẳng định Việt Nam là trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông và trong quan hệ với ASEAN, đặc biệt là trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Uỷ viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; bày tỏ hài lòng về việc gia hạn thêm 2 năm nữa cho hợp đồng chia lô sản phẩm dầu khí tại Lô 128 và cho rằng đây là lập trường rõ nét nhất về lập trường của Ấn Độ tại Biển Đông.
Hai bên cũng nhất trí giao cho các bộ, ngành hai nước tiếp tục trao đổi tháo gỡ những tồn tại và vướng mắc trong thương mại và đầu tư nhằm sớm đạt mục tiêu 15 tỷ USD thương mại hai chiều trong năm nay; tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông khách quan, toàn diện, đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Lô 128 nằm ngoài khơi Phan Thiết, thuộc vùng gọi là bồn trũng Phú Khánh, ở độ sâu từ 200 đến 2000 mét, đã được Việt Nam trao quyền thăm dò khai thác cho công ty dầu khí Nhà nước Ấn Độ ONGC Videsh (OVL) từ năm 2006. OVL nắm 100% quyền điều hành tại lô này.
Được biết, ngay từ những năm 1980, Ấn Độ đã tiến hành các dự án khai thác năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam. OVL vào Việt Nam từ năm 1988 và đã có được giấy phép khai thác Lô 6.1. Vào đầu những năm 2000, Trung Quốc đã phản đối vai trò của Ấn Độ trong liên doanh này. Tuy nhiên, Ấn Độ đã khẳng định quyền của công ty quốc doanh của nước này trong việc thực hiện dự án như một phần lợi ích kinh tế hợp pháp của Ấn Độ. Ấn Độ cũng bán tàu tuần duyên cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tuần tra ven biển của Việt Nam. Các tàu chiến của Ấn Độ nhiều lần cập cảng Việt Nam và sẽ sử dụng hải quân để bảo vệ các cơ sở dự án liên doanh trên trong trường hợp bị đe dọa. Vào tháng 10/2014, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ký Thỏa thuận Hợp tác giữa OVL và PetroVietnam về các dự án thăm dò dầu khí mới tại Việt Nam. OVL đã quyết định lần thứ 3 gia hạn giấy phép thăm dò tại Lô số 128, khu vực mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền, nhằm duy trì lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại Biển Đông. Việt Nam khẳng định Lô 128 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo UNCLOS.
OVL từng tiết lộ dù bị Trung Quốc gây sức ép, song vẫn tiếp tục tiến hành thăm dò dầu khí trong vùng thềm lục địa của Việt Nam là do không có tàu lớn ra vào lô 127 và 128 mà Ấn Độ đang khai thác trong một thời gian dài; Tòa quốc tế ra phán quyết Trung Quốc vi phạm luật quốc tế. Nếu xảy ra đụng độ trong khu vực, cộng đồng quốc tế sẽ xem xét việc này một cách nghiêm túc. Hiện OVL đang giữ 45% cổ phần trong Lô 6.1, cách bờ biển Việt Nam 375km. Rosneft Vietnam BV nắm 35% và Petro Vietnam nắm giữ 20% còn lại. OVL đã hoàn thành khảo sát giai đoạn 1 tại Lô 128. Trong khi đó, Việt Nam tiêu thụ gần ¼ sản lượng dầu khí của OVL, bao gồm 5,5 triệu tấn dầu và 3,3 tỷ mét khối khí trong giai đoạn 2014 – 2015.
Để ngăn chặn (phi pháp) Ấn Độ hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông, Trung Quốc đã nhiều lần ngang ngược đưa ra các tuyên bố “phản đối”, đồng thời tìm cách “đe dọa” Ấn Độ phải chấm dứt ngay các hoạt động hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (11/1/2018) cho rằng Bắc Kinh không phản đối việc phát triển quan hệ song phương bình thường giữa các nước láng giềng của Trung Quốc, nhưng “cực lực phản đối các bên liên quan dùng điều đó làm cớ để xâm phạm quyền lợi chính đáng của Trung Quốc tại Biển Đông và tác hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực”. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng phản đối Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực dầu khí tại khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong những năm qua, Bắc Kinh luôn phản đối hoạt động thăm dò của Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (ONGC) tại những lô thuộc Việt Nam tại Biển Đông. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du
(15/9/2011) từng tuyên bố rằng “Trung Quốc được hưởng chủ quyền không thể tranh cãi trên Biển Đông và các hải đảo. Vị trí của Trung Quốc là dựa trên những sự kiện lịch sử và luật pháp quốc tế. Chúng tôi phản đối bất kỳ quốc gia nào tham gia vào các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc”. Hay ), Tổng Vụ phó Vụ Châu Á, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoàng Lệ Nhàn (04/06/2015) cũng từng “nhắc” Ấn Độ  không thể tiến hành thăm dò dầu khí tại những nơi có tranh chấp ở Biển Đông.
Tuy nhiên, bất chấp những lời đe dọa vô lý của Bắc Kinh, Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam. Hoạt động hợp tác giữa hai nước là phù hợp với lợi ích chung giữa hai nước, tuân thủ đẩy đủ các quy định, luật pháp quốc tế. Do đó, việc gia hạn thêm 2 năm nữa cho hợp đồng chia lô sản phẩm dầu khí tại Lô 128 cho thấy quyết tâm của hai nước trong hợp tác khai thác dầu khí trên Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/33177-viet-an-gia-han-hop-dong-chia-lo-san-pham-dau-khi-o-bien-dong.html


Việt Nam tuyên bố

đã kiểm soát được dịch bệnh COVID – 19

Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam hôm 25/2 tuyên bố tất cả 16 bệnh nhân nhiễm virus viêm phổi cấp COVID – 19 đã được chữa khỏi và Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh.
Người đứng đầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra phát biểu điều này tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với 700 điểm cầu toan quốc về phòng chống dịch bệnh COVID – 19.
Truyền thông trong nước trích lời ông Vũ Đức Đam phát biểu: “Với sự khiêm tốn của người Việt, chúng tôi ít nói đến điều này, nhưng đến nay có thể đánh giá Việt Nam đã kiểm soát được dịch”.
Dịch bệnh COVID – 19 phát xuất từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ giữa tháng 12 năm ngoái và hiện đã lan ran hàng chục quốc gia với số ca nhiễm lên đến hơn 80.000 người và số ca tử vong là hơn 2.700 người, phần đông là tại Trung Quốc.
Việt Nam cho đến giờ mới báo cáo phát hiện được 16 ca dương tính với virus COVID – 19 và theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tất cả các ca bệnh này đều đã được chữa khỏi. Tuy nhiên, hiện không rõ ca thứ 16 được xuất viện khi nào.
Việt Nam hiện đang áp dụng một số các biện pháp phòng chống dịch bao gồm, cách ly những người về từ vùng dịch bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc, ngừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Việc kiểm soát hàng hóa và người qua lại ở cửa khẩu biên giới với Trung Quốc cũng được tăng cường. Tuy nhiên, một số địa phương cho biết họ đang trong tình trạng quá tải vì số người từ Trung Quốc về phải cách ly quá đông.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-deputy-pm-said-vn-succeeds-in-controlling-covid-19-after-16-patients-dismissed-02252020081304.html

Việt Nam bố trí máy bayđưa

20 khách Hàn Quốc về nước, cách ly 20 người khác

Giới chức Việt Nam đang cân nhắc bố trí máy bay đưa 20 khách Hàn Quốc từ Đà Nẵng đang bị cách ly về nước sau khi những hành khách này phản đối việc bị cách ly 14 ngày ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng từ ngày 24/2 vừa qua. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 25/2.
20 hành khách này nằm trong số 22 khách nước ngoài trên chuyến bay từ thành phố Daegu của Hàn Quốc vào Đà nẵng. Daegu là tâm dịch COVID – 19 của Hàn Quốc.
Bộ Y tế Việt Nam trước đó ra quy định tất cả những người đến Việt Nam từ tâm dịch đều phải kiểm tra sức khỏe, người nào có biểu hiện bệnh giống như nhiễm COVID – 19 sẽ phải được cách ly theo dõi 14 ngày.
Trong số 80 hành khách trên chuyến bay từ Daegu đến Đà Nẵng, 55 khách là người Việt Nam đều đã được cách ly tại Trung tâm huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ, huyện Hòa Vang. 22 khách nước ngoài bao gồm 20 khách Hàn Quốc phải bị cách ly tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Tuy nhiên các khách Hàn Quốc phản đối.
Giới chức Đà Nẵng đã họp khẩn vào ngày 25 tháng 2 về số du khách này và đưa ra phương án tốt nhất là bố trí máy bay cho các khách Hàn Quốc về nước. Nếu những khách này muốn ở lại Việt Nam, họ phải chấp nhận cách ly.
Cũng trong chiều ngày 25/2, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi đã tiếp nhận 20 người mang quốc tịch Hàn Quốc bao gồm 14 trẻ em. Bệnh viện cũng tiếp nhận 3 người có quốc tịch Trung Quốc.
Truyền thông trong nước trích lời giới chức y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết đại diện lãnh sự quán Hàn Quốc đã đến bệnh viện dã chiến ở Củ Chi tìm hiểu khu vực cách ly và hài lòng về cách tổ chức, chăm sóc người bệnh tại đây.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-to-fly-20-skorean-home-quarantine-20-others-02252020081821.html

Virus corona:

 Cha mẹ VN băn khoăn việc con nghỉ học hay đến trường

Bùi ThưBBC News Tiếng Việt
Trước diễn biến phức tạp của dịch virus corona, học sinh cả nước được nghỉ học ở nhà khiến sinh hoạt của nhiều gia đình bị đảo lộn. Nhiều phụ huynh cho rằng con em nên tiếp tục đến trường nhưng có người lại lo sợ dịch có thể bùng phát như ở Hàn Quốc và các nước khác.
Ngày 20/2, UBND TP HCM kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên đến hết tháng 3, và điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020.
Đến 24/02, Bộ GD&ĐT lại kiến nghị các địa phương cho học sinh đi học lại từ ngày 02/03/2020. Vì vậy, việc cho học sinh tiếp tục nghỉ hay đi học lại là đề tài vẫn đang gây tranh cãi. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng diễn biến dịch phức tạp nên chưa chốt thời điểm cho học sinh đi học lại.
BBC News Tiếng Việt tiếp xúc với các phụ huynh Trần Nguyễn Lam Đa, Lê Thị Ngọc Linh, Nguyễn Ngọc Minh, Khưu Chung Chánh, Hồ Hữu Hoành để tìm hiểu tâm trạng và phản ứng của họ trước việc con em bất thình lình được nghỉ học trong thời gian chưa biết bao lâu.
Xáo trộn cuộc sống
Trước đây, chị Trần Nguyễn Lam Đa, làm việc ở công ty quảng cáo TP HCM thường dậy lúc 6 giờ để đưa con đi học rồi đến chỗ làm. Từ ngày con chị được nghỉ ở nhà vì dịch bệnh, bé ngủ dậy trễ hơn. Chị phải lo bữa sáng cho con, đợi con sắp xếp tập vở rồi đưa con cùng đến công ty. Tới tận 9 giờ 30, chị mới bắt đầu công việc.
Cho tới chiều, chị Lam Đa cũng phải tranh thủ đưa con về sớm để bé được đá bóng với bạn bè trong xóm. Sau đó, chị phải trở thành gia sư “bất đắc dĩ” của con mình:
“Mỗi ngày tôi cho bé làm bài tập nhà trường gửi. Điều tốt là mình không phải nghĩ thứ cho con làm, nhưng hạn chế là phải đưa con vào khuôn phép nhưng không thể giám sát 100% vì tôi còn phải làm việc. Vì không phải làm bài với tâm thế bắt buộc nên có khi bé không tuân theo thời khóa biểu, nên tôi phát cáu” – chị Lam Đa chia sẻ.
Chị Lê Thị Ngọc Linh, nhân viên truyền thông của công ty điện tử ở quận 9, TP HCM nói rằng vì hoàn cảnh, chị phải chấp nhận việc tạm xa con, gửi con về cho ông bà nội chăm sóc:
“Thời điểm đầu khi dịch bùng phát, tôi cũng phải xoay sở khá vất vả vì tôi là mẹ đơn thân đã 5 năm nay. Tôi để con ở nhà với bà ngoại nhưng bà ngoại cũng có việc riêng nên thằng nhỏ chơi ipad và coi ti vi khá nhiều. Tới đầu tháng 2, tôi quyết định gửi về cho ông bà nội chăm cùng với mấy đứa nhỏ khác trong dòng họ, tổng cộng có 6 đứa chơi với nhau”.
Nhà ông bà nội cách nhà chị Linh khoảng 25 cây số và không thể sắp xếp công việc nên chị phải chấp nhận xa con.
Dịch kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của người làm mẹ về sức khỏe con mình, mà còn khiến chị lo lắng mối quan hệ mẹ con sẽ trở nên xa cách:
“Từ nhỏ đến giờ, ngay cả khi vợ chồng tôi ly hôn, bé chưa xa mẹ quá ba ngày. Đây là lần đầu tiên hai mẹ con xa nhau dài ngày nên ảnh hưởng tinh thần của cá nhân tôi. Hằng đêm, tôi đều gọi video cho con
nói chuyện, hỏi thăm con về sức khoẻ và việc học. Cuối tuần tôi đón con về nhà cũng chỉ dám cho con ở trong xóm, không dám dẫn đến những nơi vui chơi đông người như trước”.
Anh Nguyễn Ngọc Minh, quản lý truyền thông của công ty bảo hiểm ở quận 7 tâm sự:
“Từ khi dịch bùng phát, tôi và vợ phải chia nhau trông con. Cũng may công ty hai vợ chồng đềy có chính sách linh hoạt cho nhân viên làm việc tại nhà nên tôi trông con 3 buổi/tuần, vợ tôi 2 buổi/tuần. Dù có chút xáo trộn nhưng sức khỏe con cái là trên hết nên cả hai vợ chồng đều cố gắng”.
Ảnh hưởng tâm lý trẻ?
Chị Khưu Chung Chánh, thông dịch viên tiếng Hàn, nói rằng ia đình không gặp nhiều khó khăn, chỉ có hai đứa trẻ là mong muốn đi học lại:
“Tâm lý của hai bé nhà tôi là đang rất mong đến trường vì tuổi của các bé là đến trường chứ không thể ở nhà hoài như vậy”.
Luật sư Hồ Hữu Hoành, làm việc tại TP HCM, cho biết anh lo việc nghỉ học lâu sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập của con khi các trung tâm ngoại khóa cũng phải đóng cửa. Bên cạnh đó, anh cũng lo tâm lý của bé:
“Ban đầu con tôi rất hào hứng vì được nghỉ dài ngày, tuy nhiên giờ thì bé muốn đi học. Có thể không phải vì siêng năng, mà vì nhớ bạn bè. Dù sao với trẻ thơ, việc tiếp xúc, gặp gỡ bạn bè đồng lứa là một phần quan trọng trong cuộc sống của bé trong giai đoạn này”.
Chị Lam Đa cho rằng việc cha mẹ phải xoay sở ứng phó với dịch bệnh là một, nhưng quan trọng hơn là tâm lý con trẻ:
“Kỳ nghỉ Tết bản chất đã dài nên bé háo hức đi học trở lại nên bây giờ tiếp tục nghỉ khiến bé bí bách. Điều đau khổ với các bé là không được hoạt động để giải toả năng lượng. Bé nhà tôi thích vận động như bơi lội, đá bóng nhưng vì dịch nên các hoạt động ngoại khoá đều ngừng lại nên thực sự tội tụi nhỏ”.
“Nhiều người nói đây như nghỉ hè, theo tôi hoàn toàn sai. Vì nghỉ hè con cái được đi chơi thoả thích, được tung tăng khắp nơi còn bây giờ tụi nhỏ phải ‘cách ly’ ở nhà. Đây như án treo cho cả phụ huynh, giáo viên và đặc biệt là học sinh” – chị than.
Bác sĩ Jonathan Halevy, giám đốc khoa nhi tại một phòng khám quốc tế ở Sài Gòn, người sống và làm việc tại TP HCM từ năm 2005 chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng, điều ông lo lắng là tâm lý của trẻ khi phải nghỉ học dài hạn như vậy:
“Điều tôi lo hơn là quá trình học tập và quan trọng hơn là sự cách ly xã hội mà con gái tôi đang trải qua. Vợ tôi rất tuyệt vời với vai trò của một người mẹ nhưng đứa trẻ ở tuổi này cần bạn bè để phát triển về cảm xúc và mọi mặt”.
“Việc đóng cửa trường học là phương án cần được cân nhắc thiệt – hơn thật kỹ lưỡng. Quyết định này ảnh hưởng rất lớn không chỉ đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của những đứa trẻ khi phải nghỉ học mà cả cha mẹ chúng, đối mặt với vấn đề kinh tế, xã hội”.
Một quyết định không dễ
Ông Jonathan Halevy chia sẻ rằng, nếu chính quyền TPHCM cho học sinh đi học trở lại, ông sẽ đưa con gái mình đến trường. Vì theo ông, với những thông tin đáng tin cậy về y tế và tình trạng hiện tại, việc tiếp tục đóng cửa trường học chỉ gây thêm lo lắng.
“Ngay từ đầu, tôi không hiểu vì sao ở Việt Nam học sinh lại được nghỉ, trong khi các quốc gia lân cận như Singapore, Thái Lan hay Nhật Bản có số ca nhiễm virut cao hơn, học sinh vẫn đến trường. Nếu mối đe doạ thật sự cao và cần có biện pháp quyết liệt như vậy để ngăn sự lây lan của dịch thì nên đóng cửa mọi thứ: giao thông công cộng, trung tâm thương mại, sân bay hay cả nơi làm việc. Phương án như hiện tại chỉ gây thêm nỗi lo sợ trong cộng đồng” – ông nói với BBC News Tiếng Việt.
Nêu ý kiến về vấn đề này, chị Lam Đa cho rằng truyền thông nhà nước đang không nhất quán:
“Báo chí đưa tin có vẻ tình hình đã được kiểm soát nhưng việc kiến nghị của UBND lại khiến tôi cần tiếp tục cảnh giác. Tôi không biết tiêu chí nào để biết tình trạng đang ở mức báo động nào”.
“Phòng chống dịch nên đề cao ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế để đưa ra quyết định vì tôi tin họ đang làm tốt như các đợt dịch trước đây. Nếu có thang đo mức độ rủi ro và an toàn của mỗi khu vực, chúng ta sẽ ý thức hơn hành động cũng như cách phòng tránh. Bây giờ, Bộ Y tế nói đã an toàn nên tôi đã cho con mình tham gia những hoạt động ngoại khoá ở phạm vi nhỏ như học đàn, học vẽ” – chị nói.
Còn anh Hồ Hữu Hoành cho rằng, với tình hình hiện tại, việc đi học tốt hơn là tiếp tục nghỉ:
“Nếu nói về nguyên tắc, thì nhà trường là nơi đào tạo, nơi hướng dẫn và theo dõi các bé sẽ tốt hơn. Nếu bé đi học, nhà trường thường xuyên giải thích về dịch bệnh, hướng dẫn bé vệ sinh, đeo khẩu trang, cách phòng tránh bệnh sẽ tốt hơn là bé ở nhà xem tivi, chơi ipad. Tuy nhiên, có thể chính quyền mong muốn sự an toàn tốt nhất cho người dân, nên chọn phương án an toàn nhất, đảm bảo về các yếu tố chính trị, dân sinh, xã hội”.
Chị Ngọc Linh chia sẻ rằng, với tình hình dịch ngày càng phức tạp, đặc biệt là ở Hàn Quốc, chị thấy lo lắng hơn:
“Việc học con cái gián đoạn tôi cũng lo nhưng sức khoẻ quan trọng hơn nên tôi nghĩ cho nghỉ tiếp thì yên tâm hơn. Thời điểm này mà cho đi học thì tôi đi làm cũng như ngồi trên đống lửa nên tôi ủng hộ cho trẻ nghỉ đến hết tháng 3. Tuy nhiên, tôi sẽ vẫn cho con đi học lại vào 2/3 này theo quyết định của các cơ quan chức năng và tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh”.
Cùng chung ý nghĩ với chị Linh, anh Ngọc Minh cho rằng không thể mang tính mạng con cái ra thử được, nhất là bệnh dịch này hoàn toàn mới và quá phức tạp:
“Nếu chính quyền địa phương cho đi học lại vào ngày 2/3 như dự kiến, tôi cũng sẽ cân nhắc cho con nghỉ tiếp một tuần để xem tình hình. Trong lớp chỉ cần 1-2 đứa nhỏ có biểu hiện, có thể là cảm thông thường thì mình cũng chột dạ. Nhìn những gì diễn ra ở Hàn Quốc tôi nghĩ không nên chủ quan” – anh Minh kết luận.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51609734

Việt Nam ngừng nhập cảnh

khách đến từ các quốc gia có dịch COVID – 19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 25/2 vừa có chỉ thị tạm dừng nhập cảnh đối với các khách đến từ các vùng dịch COVID – 19. Truyền thông trong nước loan tin này vào chiều cùng ngày.
Theo chỉ thị mới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao thông báo cho phía Hàn Quốc và các nước, vùng lãnh thổ có dịch COVID – 19 về các biện pháp phòng, chống dịch mà Việt Nam áp dụng trong đó có việc tạm dừng nhập cảnh Việt Nam đối với người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch. Đối với các đối tượng nhập cảnh vì mục đích công vụ trong trường hợp đặc biệt phải khai báo y tế, cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo chuyển hướng các chuyến bay từ vùng dịch của Hàn Quốc hạ cánh tại các sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), Phù Cát (Bình Định) và Cần Thơ.
Bộ Công an được giao nhiệm vụ chuyển các thông tin về hành khách từ Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 11/2 cho các địa phương để thực hiện giám sát, theo dõi y tế.
Đối với người Việt về từ các địa phương có dịch ở Trung Quốc, Thủ tướng chỉ thị chỉ được nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-bans-arrivals-from-covid-19-affected-areas-02252020083926.html

Covid-19 là cơ hội

cho Việt Nam cải cách bền vững, giảm lệ thuộc TQ

PGS. TS. Phạm Quý ThọGửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Nạn dịch virus corona hay Covid-19, tên gọi do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt, khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Sau đó do chính quyền che giấu thông tin mà lan nhanh ra toàn tỉnh Hồ Bắc và nhiều vùng lãnh thổ khác.
Việt Nam đang đánh giá tác động về kinh tế, xã hội. Ngoài việc phải chi phí phòng, chống dịch lây lan, tăng trưởng kinh tế năm 2020 được dự báo giảm sút. Covid-19 bộc lộ rõ hơn sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.
Đây là cơ hội hay thách thức còn tuỳ thuộc vào Việt Nam có thể ‘biến nguy thành cơ’ hay cố níu kéo thể chế lạc hậu vì ý thức hệ giáo điều.
Virus corona: Số ca tăng toàn cầu, ‘tái nhiễm’ có thật không?
Người Việt ở Daegu: “Tôi lo đến run cả người”
Đảng Cộng sản Việt Nam và ‘Trò chơi Vương quyền’
VN: Đừng coi lợi ích nhóm trong làm luật ‘là xấu’
Sự ‘phản cảm’ về mô hình chuyên chế
Mấy thập kỷ gần đây Trung Quốc bị coi là trung tâm bùng phát của một số dịch bệnh nguy hiểm: SARS năm 2003, tả lợn châu Phi năm 2017 và nay là Covid-19.
Cho tới thời điểm viết bài, diễn biến dịch ở hơn 30 quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Iran, Ý…bị lây lan hết sức phức tạp, trong đó Hàn Quốc đã nâng cảnh báo dịch lên mức cao nhất.
Hơn thế, việc chưa có vaccine điều trị khiến thế giới lo ngại nguy cơ mất kiểm soát và những tác hại mà nạn dịch Covid-19 có thể gây ra.
Bên cạnh những nỗ lực chung phòng, chống, nghiên cứu vaccine… nhiều chỉ trích hướng đến chính phủ Trung Quốc che giấu thông tin, nên chậm trễ công bố tình trạng khẩn cấp khiến dịch bùng phát trên diện rộng. Bệnh thành tích, tính công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình… của cơ chế tập trung quan liêu lại được ‘mổ xẻ’ để phân tích căn nguyên.
Những động thái kiểu thời chiến thời chiến, những kỷ lục xây cất bệnh viện ‘dã chiến’, cách chức lãnh đạo đảng ở địa phương và huy động nhân lực y tế quân đội… đã được vận dụng để dập dịch.
Tuy nhiên, những nỗ lực này không những không làm người dân bớt ‘phẫn nộ’, mà còn tạo ra ‘sự phản cảm’ về mô hình chuyên chế.
Chế độ đảng toàn trị đã vì cố giữ ‘hình ảnh’ của mình mà thời gian đầu đã che giấu nạn dịch, kiểm soát truyền thông, đàn áp những ai nói lên sự thật, kể cả việc đưa ra cảnh báo bệnh dịch… bị giới quan sát lên án. Các nhà phân tích thậm chí đặt vấn đề liệu mô hình Trung Quốc đã ‘tới hạn’.
Ứng phó ‘linh hoạt’
Chính phủ Việt Nam có được tin tức và đánh giá chính thức từ Trung Quốc về dịch Covid-19, vì vậy cũng đã phản ứng muộn, nhưng tương đối linh hoạt. Công tác tổ chức phòng, chống dịch, chữa những ca dương tính với virus và việc cách ly địa phương, những người có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng được thực hiện có kết quả.
Mặc dù việc đưa tin và dư luận vẫn bị kiểm soát chặt, nhưng bớt cực đoan, hoặc ‘túng túng’ trước một số quyết định như việc tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, thời điểm mở trường học… nhưng ‘năng lực ứng phó’ của Việt Nam trước dịch Covid-19, như Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, bước đầu là tích cực.
Về chính sách ngoại giao về ‘Covid-19′, Chính phủ Việt Nam ứng xử ‘mềm dẻo’ với các nước có liên quan.
Với Trung Quốc, tránh đưa tin ‘đa chiều’ về dịch, ‘hỗ trợ’ thiết bị y tế và khẩu trang, chở đến Vũ Hán và đón lưu học sinh và người lao động ‘bị kẹt’ ở đó về nước, hạn chế công dân hai nước đi lại qua các cửa khẩu khi hiện hữu hiệp định ‘ngầm’ Việt -Trung về việc đóng cửa biên giới.
Ngoài ra, trước tình hình dịch Covid-19 lan rộng ở một số thành phố Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi có hàng ngàn công dân Việt đang làm việc, Chính phủ cũng đã nêu vấn đề và chuẩn bị phương án ứng phó.
Lời cảnh báo ‘không chủ quan’ được đưa ra vì dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang lan rộng ở nhiều nước và chưa thể đoán định khi nào sẽ đạt đỉnh.
Kịch bản giảm tăng trưởng
Đồng thời với nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam thận trọng đánh giá tác động và tìm kiếm các giải pháp duy trì tăng trưởng kinh tế.
Một số tổ chức quốc tế cho rằng Covid-19 có thể làm giảm GDP của Trung Quốc từ 1 đến 2% trong năm 2020.
Trong khi IMF dự đoán GDP Trung Quốc giảm còn 5,6% thì Goldman Sachs ‘lạc quan’ hơn về mức giảm, chỉ khoảng 0,4%, và có tác động với các mức khác nhau đối với các nước. Theo đó, nếu GDP của Trung Quốc giảm 1% thì GDP của Việt Nam giảm 0,2%, tương đương như với Nhật Bản.
Virus corona: Những triệu chứng và cách phòng tránh cần biết
VN: Đừng coi lợi ích nhóm trong làm luật ‘là xấu’
Tuy nhiên, các nhà phân tích xác định sự tác động này là đa diện và mạnh mẽ tới nền kinh tế Việt Nam – quốc gia láng giềng có mối quan hệ chính trị truyền thống và kinh tế sâu rộng.
Thời điểm đưa ra hai kịch bản muộn hơn, ngày 12/2/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá tác động của Covid-19 có vẻ ‘bi quan’ hơn, rằng tuỳ thời gian khống chế dịch là quý I hay quý II/2020 mà mức giảm GDP của Việt Nam năm 2020 khoảng từ 0,55% đến 0,9%.
Đúng vậy, Việt Nam đang chứng kiến sự tác động này đến kinh tế ngày càng lan rộng. Trước hết, là lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống, bán lẻ, hàng không dự tính ban đầu thiệt hại hàng tỷ đô la.
Xuất khẩu nông sản tươi qua biên giới phía bắc bị ùn ứ, và ở các thành phố lớn các điểm giải cứu, sáng kiến ‘bánh mỳ thanh long’ được cổ vũ.
Nay, chuỗi cung ứng đang đình trệ, việc cung ứng các linh kiện ô tô, điện tử, nguyên liệu dệt may… và các chuyên gia Trung Quốc chưa quay lại làm việc cũng khiến cho hàng trăm nhà máy cầm chừng hoặc ngừng hoạt động.
Nếu ngành sản xuất có biến chuyển xấu, nó sẽ ảnh hưởng đến ngành năng lượng và nguyên vật liệu đầu vào, châm ngòi cho sự sụt giảm thị trường lớn hơn. Theo phản ứng dây chuyền, ngoài công việc làm thu hẹp, bảo hiểm, ngân hàng, đầu tư sẽ gặp khó thì các vấn đề xã hội, như giáo dục, cũng đang bị xáo trộn.
Hà Nội lo phải ‘đón người từ vùng dịch Hàn Quốc’
2019-nCov: VN cần cách ly tốt để y tế không sụp đổ
Giá vàng cao nhất từ 2013 nhưng Covid-19 ‘chưa là đại dịch toàn cầu’
Dịch Covid-19: ‘Việt Nam đang chịu tổn thất về kinh tế’
Chính sách ngắn hạn
Tuỳ thuộc vào việc khống chế dịch Covid-19, các thị trường vẫn có thể chịu đựng được một thời gian nữa. Đây là lúc phát huy những ưu điểm cơ bản của mô hình quản lý tập trung, một trong số đó là quá trình ra quyết định. Người ta hay nói ‘trong nguy bao giờ cũng có cơ’.
Các chính sách nới lỏng tiền tệ và mở rộng tài khoá đang được tiến hành, cũng như kiến nghị giảm, giãn thuế, ra hạn nợ để ‘cứu’ doanh nghiêp và nông dân; lựa chọn kịch bản phù hợp để kích cầu du lịch trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, các biện pháp mang ‘tính giải cứu’ đang được thực thi. Chẳng hạn, nới hạn chế biên mậu, trang bị đồ hộ y tế cho các lái xe containers chở hàng để đẩy mạnh thông quan tại các cửa khẩu, cho phép lao động Trung Quốc nhập cảnh trở lại làm việc trong các khu chế xuất với điều kiện phải cách ly theo dõi 14 ngày…
Chính phủ cảnh báo đối với “virus trì trệ” của bộ máy, các công chức, viên chức ‘lấy lý do dịch bệnh nên không hành động’, ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội của đất nước và cho rằng đây là cơ hội để cắt bỏ các điều kiện cản trở kinh doanh; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội 13 thì thành tích tăng trưởng có thể là một ưu tiên của lãnh đạo đảng các cấp và dễ bị lạm dụng, bởi vậy các chuyên gia lưu ý rằng các chính sách mang tính đối phó có thể để lại hậu quả tiêu cực.
Chẳng hạn, nếu tăng tỷ lệ tín dụng và cung tiền quá lớn sẽ dẫn đến lạm phát, từ đó niềm tin người tiêu dùng sụt giảm và ‘dư địa chính sách bị thu hẹp’.
Cơ hội hay thách thức?
Trên các diễn đàn xuất hiện một số kiến nghị về chính sách trung và dài hạn, đây là thời điểm để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn, ‘tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc’ từ nguyên liệu đầu vào, các dự án đầu tư đến thị trường hàng hoá đầu ra.
Từ nhiều năm, Việt Nam cố tìm kiếm mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững, nhưng một chương trình tái cơ cấu nền kinh tế là vốn là công việc phức tạp đòi hỏi một tầm nhìn và năng lực thực thi, từ nguồn lực đến kỹ năng. Qua những tác động mạnh và hiện hữu từ dịch Covid-19 cho thấy một chiến lược ‘thoát Trung’ về kinh tế có thể trở nên khó khăn.
Thực tế cho thấy, sự giảm tốc kinh tế toàn cầu hiện nay do Trung Quốc chứ không phải Mỹ gây ra như trước kia.
Vị thế của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu nói chung và đối với Việt Nam nói riêng đã tăng một cách mạnh mẽ thời gian qua. Trung Quốc ngày nay đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng chung toàn cầu, và ở Việt Nam chiếm vị trí hàng đầu về kim ngạch thương mại, khoảng 130 tỷ đô la năm 2019.
Sẽ là cơ hội nếu Việt Nam quyết tâm tái cơ cấu kinh tế bằng những chính sách phát triển bền vững, dài hạn.
Trước hết, cải cách thể chế mạnh mẽ và nâng cao năng lực để tham gia tích cực các Hiệp định Tự do Thương mại và đầu tư Liên Âu – Việt Nam, chuyển hướng chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường châu Âu hay các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Sẽ là thách thức khi quá trình cải cách thể chế có thể bị chậm lại bởi khả năng đặt ưu tiên cho các chính sách đối phó ngắn hạn để có được thành tích kinh tế, một cách hình thức, trước thềm Đại hội 13. Bởi vì trong cơ chế hiện hành các chức vụ lãnh đạo thường được tưởng thưởng bằng thành tích.
Ngoài ra, trong điều kiện cải cách khó khăn, khi quyền lực chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu và đặc biệt ‘thoát Trung’ vẫn là vấn đề rất nhạy cảm, thì mỗi kỳ đại hội đảng cộng sản có thể là cơ hội cho những kẻ ‘giấu mình chờ thời’, ‘một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái’ chưa bị lộ và những kẻ bảo thủ nhân danh bảo vệ ý thức hệ.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Việt Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51618938

Tin tổng hợp 25/2: Đoàn khách Hàn Quốc từ chối cách ly;

Chưa chốt thời gian học sinh đi học trở lại

Trúc Bạch
Kính chào quý vị đến với bản tin trong nước tổng hợp ngày 25/2 của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin hôm nay có những nội dung sau:
22 du khách Hàn Quốc từ chối vào khu cách ly
Báo Zing cho biết, đoàn khách du lịch Hàn Quốc gồm có 22 người đi trên chuyến bay xuất phát từ TP Daegu lúc 6h52 sáng 24/2 và đến Đà Nẵng khoảng 11h cùng ngày.
Tuy đoàn khách này không có biểu hiện ho, sốt và nghi nhiễm nCoV nhưng họ đến từ vùng có dịch nên thuộc diện phải cách ly, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.
Tại sân bay Đà Nẵng trưa 24/2, Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan dùng ôtô chở 22 hành khách về Bệnh viện Phổi để thăm khám sức khỏe, làm thủ tục cách ly.
Tuy nhiên, khi về đến bệnh viện, nhiều du khách Hàn Quốc cho rằng họ đến Đà Nẵng để tham quan du lịch và không chịu vào khu cách ly.
“Chúng tôi đã thuyết phục nhưng những vị khách này vẫn không chịu cách ly tại bệnh viện. Họ yêu cầu TP phải bố trí khách sạn cho họ ở và thực hiện cách ly tại đây”, bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho hay.
Theo bác sĩ Phúc, nhóm du khách Hàn Quốc sau đó lại không muốn đến khách sạn khi biết có một người Việt bị sốt trên cùng chuyến bay. Họ lo ngại không được chăm sóc y tế cũng như phát sinh tiền ăn uống.
Sau nhiều giải thích của lãnh đạo Sở Y tế, nhân viên Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam, đoàn khách Hàn Quốc mới vào khu cách ly.
Đến 22h cùng ngày, TP. Đà Nẵng vẫn chưa chuẩn bị khách sạn xong do một khách sạn không nhận khách Hàn Quốc, nên tối 24/2, 22 vị khách Hàn Quốc vẫn phải ở lại Bệnh viện Phổi.
Cũng trong ngày 24/2, ông Phạm Văn Dịu – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết tỉnh này đang cách ly 11 người trở về từ Hàn Quốc tại trường Quân sự tỉnh. Những trường hợp này đều tự nguyện cách ly, sức khỏe ổn định.
Chưa thể chốt thời gian học sinh quay trở lại trường
Theo VnExpress, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 24/2, Văn phòng Chính phủ đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ thêm hai tuần, học sinh THPT đi học từ đầu tháng 3.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học sẽ “làm ảnh hưởng đến các gia đình, bố mẹ phải trông con, trường tư và trường quốc tế vẫn phải chi trả lương cho giáo viên”.
Ngoài ra, học sinh từ THCS trở lên có thể không được kiểm soát và ra ngoài tiếp xúc với nguồn dịch bệnh. “Việc tiếp tục cho học sinh cả nước nghỉ học sẽ gây nghi ngờ về tuyến bố Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội”, ông Dũng nói.
Ông Dũng kiến nghị học sinh THPT trở lên có thể đi học từ đầu tháng 3 vì sức đề kháng tốt và bảo vệ bản thân tốt hơn, đảm bảo thời gian thi chuyển cấp, tuyển sinh vào đại học và du học nước ngoài. Học sinh mầm non, tiểu học, THCS do chưa có ý thức bảo vệ bản thân, sĩ số lớp học đông, có thể nghỉ thêm 2 tuần tùy diễn biến dịch, sau đó sẽ quyết định.
Còn ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá nguy cơ lây nhiễm trong học sinh, sinh viên không cao và không cần dùng khẩu trang y tế. “Chúng ta có 22 triệu học sinh mà năng lực sản xuất của cả nước chỉ 3 triệu mỗi ngày. Nếu học sinh đồng loạt đeo khẩu trang thì chỉ vài ngày là hết”, ông Tuyên nói.
Kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chính phủ chưa chốt thời điểm cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 3 mà sẽ xem xét diễn biến dịch bệnh trên thế giới đến cuối tuần này để cân nhắc, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Đại học Bách khoa Hà Nội chi 435 triệu đồng mua khẩu trang cho sinh viên
Trao đổi với Dân Trí, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, dự định các sinh viên sẽ đi học lại từ 2/3. Để chuẩn bị đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra, trước mắt, nhà trường mua khẩu trang vải kháng khuẩn, giặt và dùng được 30 lần để tặng sinh viên khi các em trở lại trường.
Số tiền trường ĐH Bách khoa Hà Nội chi cho mua khẩu trang là 435 triệu đồng. Hiện toàn trường có 35.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và 1.800 giảng viên.
Trước đó, ĐH Bách khoa Hà Nội đã tặng người dân vùng dịch xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) 500 lít dung dịch khử khuẩn. Đây là sản phẩm do nhà trường sản xuất theo công thức chuẩn WHO, đã qua kiểm định chất lượng của Bộ Y tế.
Du khách Canada tử vong trên vỉa hè phố cổ Hà Nội
Theo báo Dân Sinh, khoảng 7h15 sáng 24/2, anh Joshep Turry (sinh năm 1981, quốc tịch Canada) bất ngờ tử vong ở trước cửa số nhà 67 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm.
Anh Turry lưu trú tại phường Hàng Trống. Khi phát hiện tử vong, anh này đang cởi trần, trên người có nhiều hình xăm. Nguyên nhân tử vong đang được làm rõ.
Ô nhiễm không khí lan rộng ở miền Bắc
Những ngày gần đây, không riêng Hà Nội và TP.HCM, chất lượng không khí tại các đô thị ở miền Bắc chuyển biến xấu.
Theo tổng hợp của Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội, trong khoảng thời gian từ ngày 14/2 đến 21/2, kết quả quan trắc cho thấy, giá trị thông số PM2.5 có xu hướng liên tục tăng, đặc biệt trong ngày 20/2 và 21/2 giá trị PM2.5 rất cao. Giá trị trung bình 24h thông số PM2.5 ngày 20/2 vượt quá gần 3 lần giới hạn cho phép tại QCVN (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh).
Tại một số đô thị khu vực miền Bắc như Việt Trì, Hà Nội, Hạ Long, giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 cao hơn các khu vực khác, trong đó Hà Nội có giá trị cao nhất. Tại TP. Hạ Long, giá trị quan trắc trung bình 24 giờ thông số PM2.5 tại trạm quan trắc thành phố Hạ Long trong thời gian 2 tháng đầu năm 2020 cho thấy, có 4 ngày vượt quá giới hạn cho phép tại QCVN.
Ở các đô thị miền Trung như Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, tình hình có khả quan hơn khi giá trị quan trắc trung bình 24 giờ thông số PM2.5 về cơ bản đạt QCVN cho phép. Tại TP.HCM, kết quả quan trắc ghi nhận một số ngày có giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 vượt giới hạn cho phép tại QCVN.
https://www.dkn.tv/thoi-su/tin-tong-hop-25-2-doan-khach-han-quoc-tu-choi-cach-ly-chua-chot-thoi-gian-hoc-sinh-di-hoc-tro-lai.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện