13 Dân biểu Mỹ đệ trình nghị quyết ghi nhận 45 năm Tháng Tư Đen

BBC
29 tháng 4 2020

Vietnam, US Bản quyền hình ảnh NICHOLAS KAMM/Getty Images
Image caption Dân biểu Alan Lowenthal (thứ hai, trái sang) phát biểu tại một cuộc họp báo về vi phạm nhân quyền tại VN, tại Washington 24/5/2016. Cuộc họp báo diễn ra khi Tổng thống Barack Obama đang có mặt tại Việt Nam trong chuyến thăm chính thức ba ngày.
Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal hôm 29/4 đệ trình Nghị quyết Hạ viện ghi nhận biến cố lịch sử 30/4/1975, tưởng niệm 45 năm ngày Sài Gòn thất thủ và sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
Mỗi năm, biến cố 30/4 lại được các cộng đồng người Mỹ gốc Việt khắp Hoa Kỳ tổ chức tưởng niệm.
Trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt qua email, dân biểu Alan Lowenthal bày tỏ:
"Nghị quyết Tháng Tư Đen của tôi nhằm tưởng nhớ những người đã phục vụ, những người đã sống sót, và những người xây dựng lại. Nghị quyết này đại diện cho những gì mà người Mỹ gốc Việt đang hướng về trong thời điểm ảm đạm này. Nó tôn vinh những người đã chiến đấu để bảo vệ VNCH. Đó là sự tưởng nhớ tới những người đã bỏ mạng trong cộng đồng người di cư, nhắc nhớ những người sống sót. Và, nghị quyết này cũng để ca ngợi những người xây dựng lại cuộc đời ở nơi xa quê hương và trở thành thành viên hưng thịnh của xã hội Mỹ, tham gia vào mọi khía cạnh của cuộc sống Mỹ. Chính vì họ mà tôi trình lên nghị quyết này."
"Tuy nhiên, đó cũng là thông điệp gửi tới chính phủ Việt Nam về mục tiêu hòa giải. Tôi hy vọng rằng chính phủ Việt Nam sẽ tận dụng một cơ hội như thế này để tiến tới việc chữa lành vết thương do biến cố 30/4 để lại. Ngay cả sau 45 năm, những vết thương này vẫn hằn sâu trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Nhưng đã đến lúc chính phủ Việt Nam bắt đầu thực hiện những bước đi để dẫn đến một sự hòa giải vĩnh viễn với cộng đồng người di cư."
"Những bước như thả tù nhân lương tâm ở Việt Nam; trùng tu, bảo tồn Nghĩa trang Biên Hòa; thừa nhận tự do tôn giáo và tự do báo chí; và, duy trì các quyền và tự do cơ bản của công dân Việt Nam được bảo đảm trong Hiến pháp Việt Nam, bao gồm quyền tự do ngôn luận, biểu đạt, hội họp và lập hội."
"Quan trọng hơn nữa, tôi tin rằng tưởng nhớ thảm kịch Tháng Tư Đen là một phần của hành trình tiến tới một Việt Nam hi vọng hơn, và khởi đầu mối quan hệ mới giữa chính phủ Việt Nam và cộng đồng người Việt di cư khắp thế giới."
Thông cáo báo chí từ văn phòng dân biểu Alan Lowenthal cho biết nghị quyết Hạ viện nói trên vinh danh Quân lực Hoa Kỳ và Quân lực VNCH đã cùng chiến đấu và hy sinh trong chiến tranh Việt Nam, vinh danh hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng trong hành trình vượt biên chạy khỏi Việt Nam, vinh danh hàng triệu người Việt đã đến được các quốc gia trên thế giới an toàn, và vinh danh thành quả, cống hiến của người Mỹ gốc Việt cho Hoa Kỳ trong hơn 45 năm qua.
"Những vết thương từ sự sụp đổ của thủ đô Sài Gòn vẫn còn in sâu trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Sau 45 năm, nỗi đau thương này tiếp tục được ghi nhớ bởi những người đã vượt thoát từ cái chết, những người đã sống sót sau cơn kinh hoàng, và những người đã phải gầy dựng lại cuộc sống tha hương," dân biểu Lowenthal phát biểu.
"Cộng đồng người Mỹ gốc Việt với dân số trên 2 triệu người đang tiếp tục vươn lên và đang cống hiến vào giấc mơ Hoa Kỳ cũng như cho xã hội đa văn hóa của nước Mỹ," ông Lowenthal cho biết thêm.
Ông Nguyễn Từ Huấn trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên được thăng phó đề đốc Hải Quân Hoa Kỳ Bản quyền hình ảnh Nguyen Viet Linh
Image caption Ông Nguyễn Từ Huấn trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên được thăng phó đề đốc Hải Quân Hoa Kỳ
Nghị quyết này được đồng bảo trợ bởi 12 dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ khác gồm ông Cisneros, Gerald Connolly, Lou Correa, Jim Costa, Susan Davis, Ro Khanna, Sheila Jackson Lee, Barbara Lee, Zoe Lofgren, Scott Peters, Harley Rouda, và Jan Schakowsky.
Tổng thống Ngô Đình Diệm trong một hình tư liệu. Bên phải là cố vấn Ngô Đình Nhu, em trai ông Bản quyền hình ảnh JOHN DOMINIS
Image caption Tổng thống Ngô Đình Diệm trong một hình tư liệu. Bên phải là cố vấn Ngô Đình Nhu, em trai ông

Chủ đề liên quan


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?