Những vấn đề ẩn chứa sau phát biểu của Tướng Vịnh

Nhất Nguyên
2020-04-28


Hình minh hoạ. Tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại  Đối thoại an ninh Shangri-La, Singapore hôm 5/6/2016
Hình minh hoạ. Tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại Đối thoại an ninh Shangri-La, Singapore hôm 5/6/2016
Reuters

Biển Đông vẫn tiếp tục “nổi sóng”. Theo dõi các hành động nối tiếp nhau từ 2007 đến nay cho thấy, Trung Quốc không dễ buông xuôi ý đồ độc chiếm biển Đông. Tuy nhiên, thủ đoạn hành động của Trung Quốc lại thiên biến vạn hoá, và Trung Quốc cũng tỏ ra hết sức kiên nhẫn để đạt được mục đích.
Chính vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc cùng với các hành động hung hăng, khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông đã khiến Việt Nam đang nhích lại gần phía Hoa Kỳ. So với 10 năm trước, thái độ cũng như mối quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ đã khác trước rất nhiều.
Việt Nam nhích lại gần phía Hoa Kỳ, tức là đồng thời bước xa hơn khỏi vòng kềm toả của Bắc Kinh. Có phải điều này đang thực sự xảy ra?
Một trong những dấu hiệu quan trọng thể hiện thái độ của Việt Nam là thông qua các phát biểu của các lãnh đạo cao cấp. Tuy nhiên, năm 2014 là năm các lãnh đạo Việt Nam thể hiện những thông điệp rất kiên quyết, nhưng từ sự kiện căng thẳng ở khu vực Bãi Tư Chính hồi năm 2019 tới nay, các lãnh đạo Việt Nam rất ít thể hiện thái độ công khai trên truyền thông về vấn đề biển Đông.
Mới đây, trong lần trả lời chương trình truyền hình quân đội, khi phóng viên hỏi về dịch COVID - 19 cũng như tình hình căng thẳng trên biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã có phát biểu: “Những thách thức ở an ninh khu vực thì nói dù có dịch hay không, thì nó đều tồn tại, nó là thách thức, nhưng nó chưa phải là nguy cơ.
Điều đáng lên án là những quốc gia nhân cái dịp này đẩy mạnh những hoạt động phi pháp và tham vọng của họ và cái đó tôi cho là không có lợi cho quốc gia đó. Quốc gia nào làm điều đó không có lợi.”
Mặc dù tướng Vịnh chỉ là Thứ trưởng, nhưng ông ta đang là Thành viên Thường trực của Quân Uỷ Trung Ương - Cơ quan nắm giữ sức mạnh quốc phòng của Việt Nam. Tướng Vịnh là người hiếm hoi trong giới quân đội đóng vai trò như người phát ngôn những vấn đề quan trọng của Bộ Quốc Phòng và thực hiện chính sách đối ngoại quốc phòng. Trong lần ra Sách Trắng Quốc Phòng mới đây hồi cuối năm 2019, tướng Vịnh cũng đóng vai trò là người chủ trì giới thiệu về Sách Trắng như một thông điệp của giới chính sách Việt Nam đối với thế giới. Chính vì vậy, phát biểu của Tướng Vịnh vào thời điểm này cũng là một thông điệp để xem xét và phân tích cho thấy phần nào thái độ của lãnh đạo Việt Nam trước vấn đề này.
Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và sách trắng quốc phòng Việt Nam công bố năm 2009
Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và sách trắng quốc phòng Việt Nam công bố năm 2009 Reuters
Qua phát biểu này của tướng Vịnh, nổi lên ba vấn đề:
1. Thứ nhất, mặc dù câu hỏi của phóng viên trực tiếp về vấn đề biển Đông, nhưng tướng Vịnh không đề cập trực tiếp đến biển Đông, thay vào đó, tướng Vịnh chỉ đề cập về “an ninh khu vực”. Thêm nữa, tướng Vịnh có nói về quốc gia nào đó nhân dịp dịch đẩy mạnh những hoạt động phi pháp, điều này hàm ý ám chỉ Trung Quốc. Tuy nhiên, tướng Vịnh không chỉ đích danh Trung Quốc. Điều này cho thấy sự e dè của các lãnh đạo Việt Nam khi chỉ trích Trung Quốc.
2. Thứ hai, tướng Vịnh cho rằng vấn đề an ninh khu vực mới chỉ là thách thức, chưa phải là nguy cơ. Thực sự thì điểm nóng nhất của an ninh khu vực hiện nay chính là biển Đông. Và vấn đề gây căng thẳng nhất trong quan hệ Việt - Trung cũng là vấn đề biển Đông. Việc Trung Quốc không từ bỏ tham vọng độc chiếm biển Đông, cùng với việc gia tăng các hành động hung hăng, hiếu chiến ngay tại vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ASEAN khác, trong đó có Việt Nam đã dấn đến việc các quốc gia khu vực này liên tiếp phải tăng cường sức mạnh quân sự, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực. Từ đó, đưa đến nguy cơ khu vực này như một thùng thuốc súng. Đặc biệt đối với Việt Nam là quốc gia luôn nằm trong sự đe doạ của Trung Quốc. Chính vì vậy, việc tướng Vịnh đề cập an ninh khu vực mới chỉ là thách thức mà chưa phải là nguy cơ, cho thấy mức độ quan tâm của lãnh đạo Việt Nam đối với vấn đề này. Từ đó dẫn tới các kế hoạch phản ứng của Việt Nam đối với vấn đề biển Đông sẽ không tương xứng. Điều đó cũng giải thích vì sao giới chuyên gia Việt Nam cho rằng Việt Nam chưa thực sự có một chiến lược đối phó với Trung Quốc về biển Đông một cách hiệu quả và lâu dài.
3. Điều thứ ba cũng phải đề cập, nhưng nằm ngoài tuyên bố của tướng Vịnh, cho dù cũng có sự liên quan. Tướng Vịnh cũng có những phát ngôn khá mạnh mẽ về Trung Quốc và biển Đông từ những năm 2011, thế nhưng, một số người Việt Nam vẫn biết rằng, vào thời gian quan hệ Việt - Trung căng thẳng năm 2011 với sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 thì con gái của tướng Vịnh đang theo học tại Trung Quốc, được Trung Quốc chăm sóc rất chu đáo, với tiêu chuẩn như của một thứ trưởng. Ngoài ra, Hãng Hàng không Vietjetair mà chị ruột của tướng Vịnh là Chủ tịch Hội đồng quản trị, là công ty đang nhận sự giúp đỡ tài chính từ Trung Quốc. Chưa kể việc mới đây nhất, một số người thạo tin ở Hà Nội cho biết đã có một đoàn bác sĩ Trung Quốc sang giúp đỡ điều trị căn bệnh về huyết áp cho Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, vốn mới trải qua một tai biến nhẹ cách đây không lâu. Chuyện này có lẽ cũng đã xảy ra nhiều lần với nhiều lãnh đạo cao cấp Việt Nam khi có các bệnh về tim mạch thường được các bác sĩ Trung Quốc chữa trị với thuốc An Cung Ngưu Hoàng Hoàn loại đặc biệt.
Hình minh hoạ. Tàu hải cảnh của Trung Quốc đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam gần giàn khoan HD981 hôm 15/7/2014
Hình minh hoạ. Tàu hải cảnh của Trung Quốc đuổi tàu cảnh sát biển Việt Nam gần giàn khoan HD981 hôm 15/7/2014 AFP
Ngay cả Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được coi là người có phát ngôn mạnh mẽ nhất về Trung Quốc “chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.” Nhưng ông cũng là người kiên quyết thực hiện dự án khai thác Bô xít ở khu vực Tây nguyên để cung cấp cho phía Trung Quốc.
Người ta còn nhớ năm 2011, sau sự kiện cắt cáp tàu Bình Minh 02, Tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm đó có sang Trung Quốc để chứng kiến quan chức hai bên ký kết Thoả thuận chung về nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển. Tuy nhiên, một số người cho biết, văn bản này là do bên Trung Quốc đã soạn sẵn. Một số chuyên gia luật quốc tế của Bộ Ngoại giao đi theo để kiểm tra văn bản thì bị phía Trung Quốc mời ra với lý do đây là chuyện nội bộ giữa hai đảng. Và kết quả là văn bản tiếng Trung thì nhắc tới chủ trương “Gác tranh chấp cùng khai thác” giữa hai nước tại khu vực biển tranh chấp. Trong khi bản tiếng Việt thì đã được cố gắng đổi thành “Hợp tác cùng phát triển”.
Những quan hệ lợi ích cá nhân chằng chịt như vậy, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới các vấn đề chính trị giữa hai quốc gia, đặc biệt với Trung Quốc là một dân tộc rất giỏi trong việc can thiệp chính trị và có truyền thống can thiệp và chi phối chính trị từ xa xưa như trường hợp Lã Bất Vi.
Vì vậy, việc nhìn nhận chính sách của Việt Nam đang rời xa Trung Quốc và xích lại gần Hoa Kỳ vẫn phải tiếp tục theo dõi để có những kết luận chính xác.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện