Đọc báo Pháp – 29/04/2020

Đọc báo Pháp – 29/04/2020

Chấm dứt phong tỏa: «Gáo nước lạnh» từ chính phủ Pháp – Thùy Dương

Báo chí Pháp hôm nay đa phần dành trang nhất và các hồ sơ lớn cho kế hoạch chấm dứt phong tỏa kể từ ngày 11/05 mà thủ tướng Pháp Edouard Philippe trình bày trước Hạ Viện chiều hôm qua 28/04/2020. Một nhận định chung là chính phủ Pháp « rất thận trọng » vì sợ dịch bệnh tái phát.
Báo La Croix chạy tựa trang nhất : « Nỗi ám ảnh về việc tái phong tỏa ». Báo kinh tế Les Echos để lửng câu viết « Ngưng phong tỏa nếu như … », ý nói đến việc các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa đều kèm theo những điều kiện nghiêm ngặt. Báo Libération vốn thường sử dụng hình ảnh đầy ẩn ý với lối chơi chữ trên trang nhất thì đăng hình hai ô đèn hiệu giao thông xanh và đỏ đặt cạnh nhau. Hình người đứng yên màu đỏ được chú thích bằng từ « Tiu nghỉu » và hình người đang bước đi màu xanh lá cây là dấu hiệu « Đã thoát khỏi lệnh phong tỏa ». Theo tờ báo thiên tả, biện pháp chấm dứt phong tỏa chỉ mang tính bán phần và có nguy cơ gây chia rẽ nước Pháp.
Khi thông báo 11/05/2020 là ngày chấm dứt phong tỏa, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tạo ra niềm hy vọng cho người dân. Thế nhưng, bài phát biểu của thủ tướng Edouard Philippe trước Hạ Viện cho thấy một thực tế là trong giai đoạn ngưng phong tỏa, các biện pháp phong tỏa vẫn được duy trì. Le Figaro nói một cách hình ảnh là thủ tướng đã dội « một gáo nước lạnh » vào dân Pháp.
Tờ báo thiên hữu ví chiến lược của chính phủ như « trò chơi ghép hình puzzle », theo đó nền kinh tế vắng bóng, đời sống giáo dục, thương mại và xã hội chỉ được khởi động lại từng chút một như từng miếng hình puzzle được ghép lại dần, với những điều kiện nghiêm ngặt. Tùy theo mức độ lây nhiễm, các tỉnh được phân loại theo các màu từ đỏ đến xanh lá cây, trên cơ sở đó chính quyền điều chỉnh quyền tự do, nhất là quyền di chuyển của người dân các nơi. Theo Le Figaro, mọi chuyện sẽ không đơn giản chút nào. Rõ ràng virus corona đã khiến nguyên tắc bình đẳng, vốn rất gắn bó với người Pháp, bị đảo lộn.
Không ai có thể phủ nhận việc điều hành đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Mọi chuyện thay đổi từng ngày. Vì thế, thủ tướng Edouard Philippe buộc phải « chơi trò thăng bằng » : « Hơi vô lo quá thì dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại. Còn thận trọng hơi quá một chút là cả nước sẽ bị nhấn chìm ». Tuy nhiên, tờ báo thiên hữu vẫn nhấn mạnh nước Pháp đang phải trả giá vì sự chậm trễ, thiếu thống nhất và bất cẩn khi virus mới xuất hiện. Những sai lầm của ngày hôm qua báo hiệu ngày mai sẽ xảy ra thảm họa kinh tế.
Tinh thần phòng ngừa
Đối với báo Công Giáo La Croix, nét chính khái quát kế hoạch hậu 11/05 của thủ tướng Pháp Edouard Philippe là « Tinh thần phòng ngừa ». Những biện pháp mà thủ tướng giới thiệu trước Hạ Viện chiều hôm qua mang tính hạn chế chặt chẽ hơn rất nhiều so với những gì công chúng có thể hình dung, nhất là việc cấm các hoạt động tụ tập trên 10 người.
La Croix nhấn mạnh cho dù một số biện pháp giảm phong tỏa được triển khai, nhưng chỉ là nhằm tránh để « đất nước bị nhấn chìm ». Trên thực tế, các trường học và lĩnh vực kinh tế vẫn còn bị phong tỏa : các trường học chỉ được mở cửa trở lại một cách thận trọng, các doanh nghiệp được đề nghị tiếp tục để nhân viên làm việc từ xa và bố trí để những người đến công sở làm việc lệch giờ nhau, tránh tình trạng có quá đông người trong các phương tiện giao thông công cộng. Các cửa hàng phải tôn trọng các quy định chặt chẽ khi đón tiếp khách hàng. Các trung tâm thương mại vẫn phải đóng cửa.
Còn các lĩnh vực khác của đời sống xã hội vẫn bị giới hạn. Người dân không được di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Người cao tuổi được khuyến cáo hạn chế chuyện đi ra ngoài và các chuyến thăm nom. Các quán cà phê, nhà hàng, rạp phim, nhà hát chưa được mở cửa trở lại. Các hoạt động thể thao tập thể vẫn bị cấm. Trong bối cảnh đó, theo báo Công Giáo La Croix, việc chính phủ chưa muốn các buổi cầu nguyện tôn giáo được khôi phục lại ngay cũng không phải một điều đáng ngạc nhiên.
Một cách khách quan, La Croix kết luận, ưu tiên hàng đầu của chính phủ vẫn là tránh nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát để rồi lại phải phong tỏa đất nước một lần nữa. Nếu điều này xảy ra, thiệt hại từ cuộc khủng hoảng sẽ càng thêm nghiêm trọng và người dân sẽ còn phải chờ đợi lâu hơn nữa để có thể quay trở lại cuộc sống tự do.
Covid-19: Hy Lạp – Tấm gương cho các nước châu Âu
Suốt một thời gian dài bị chỉ trích không quản lý tốt ngân sách, Hy Lạp không còn khiến Liên Âu đau đầu. Trái lại, Hy Lạp còn được coi là tấm gương điển hình cho các nước Liên Âu trong cuộc chiến chống Covid-19, cho dù ở Hy Lạp có nhiều yếu tố có nguy cơ đẩy đất nước vào thảm kịch : Dân số già tương tự như nước Ý và 10 năm khủng hoảng kinh tế 2008-2018 đã khiến nước này mất tới 25% GDP. Việc cắt giảm chi tiêu mà các chủ nợ công như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Liên Hiệp Châu Âu và Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu áp đặt cho Athens đã đẩy các bệnh viện công vào tình trạng bấp bênh, thiếu cả trang thiết bị và nhân viên chăm sóc y tế, 2.000 giường bệnh bị cắt giảm và 11 bệnh viện phải đóng cửa.
Thế nhưng, Hy Lạp đã tạo nên một điều bất ngờ : Với dân số 10,5 triệu người, cho đến nay Hy Lạp chỉ có dưới 140 ca tử vong. Le Figaro đặt câu hỏi : Làm thế nào mà Hy Lạp, đất nước vốn bị coi là « cừu đen » (bị Liên Hiệp Châu Âu ghét bỏ) lại trở thành một « học sinh giỏi » trong khối ? Câu trả lời : Tính kỷ luật và ý thức công dân đã được phát huy. Người Hy Lạp, nhận thức được tình trạng y tế, đã tuân thủ các quy định phong tỏa từ rất sớm. Biên giới, trường học, cửa hàng, tất cả đều nhanh chóng đóng cửa.
Theo các cuộc khảo sát gần đây, lần đầu tiên người ta thấy những người được hỏi không tỏ ra lo lắng về tương lai và họ đánh giá là đất nước đã có được hình ảnh đẹp trong mắt quốc tế. Tuy nhiên, chính phủ Hy Lạp vẫn cảnh giác và tin rằng những khó khăn chỉ mới bắt đầu và tất cả những nỗ lực nhằm khống chế dịch bệnh đều có một cái giá. Bộ Tài Chính Hy Lạp dự báo cuộc chiến chống Covid-19 sẽ tiêu tốn 10-15% GDP. Bóng ma của cuộc khủng hoảng vẫn còn lảng vảng đâu đó.
”Những mối liên kết nguy hiểm” giữa Tổ chức Y Tế Thế Giới và Trung Quốc
Báo Le Monde phát hành từ đầu giờ chiều hôm qua, trước khi thủ tướng Pháp công bố kế hoạch hậu phong tỏa 11/05, nên nội dung của báo Le Monde dàn trải trên nhiều vấn đề dù vẫn xoay quanh đại dịch Covid-19.
Về thời sự nước Pháp, Le Monde quan tâm đến mức tăng kỷ lục của tỉ lệ thất nghiệp, trong khi ứng dụng định vị tracking StopCovid vẫn đang gây nhiều tranh cãi vì liên quan đến các quyền tự do cá nhân, còn hiệu trưởng các trường học đang chịu nhiều áp lực để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường và bảo đảm an toàn cho cả học sinh, giáo viên và đội ngũ nhân viên.
Nhìn ra châu Âu, Le Monde nói tới nhịp độ mở cửa trường học dàn trải ở các nước. Còn về châu Á, Le Monde cho biết tại Nhật Bản, người dân thủ đô Tokyo và các thành phố lớn từng bước tự nguyện phong tỏa. Liên quan đến lĩnh vực tài chính tiền tệ, Le Monde có bài nói về « Các ngân hàng trung ương, thành trì cuối cùng của nền kinh tế thế giới » và đặc biệt lưu ý đến vấn đề nợ công : Đối phó với cú sốc dịch bệnh Covid-19, chính quyền các nước buộc phải chi rất nhiều tiền và những khoản chi này sẽ để lại hệ quả đối với chính sách về lâu dài của các quốc gia.
Tuy nhiên, hồ sơ lớn của Le Monde liên quan đến « Tổ chức Y Tế Thế Giới – Trung Quốc : những mối liên kết nguy hiểm ». Về các điểm yếu, vết nạn nứt trong nội bộ các định chế quốc tế lớn do đại dịch Covid-19, Le Monde dành số đầu, với hai trang báo, của chuỗi bài điều tra (3 số báo) cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). Các phóng viên của Le Monde tập trung vào diễn biến giai đoạn từ ngày 31/12/2019, mốc thời gian Trung Quốc báo tin cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới là có một nhóm người mắc chứng viêm phổi lạ tại thành phố Vũ Hán, khi đó WHO vẫn chưa biết họ sắp phải đối phó với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi được thành lập vào năm 1948. Đây là cuộc khủng hoảng không chỉ về y tế, mà cả về kinh tế, địa chiến lược và vượt quá khả năng quản lý của định chế y tế của Liên Hiệp Quốc.
Nhưng liệu có đúng Trung Quốc là nước đầu tiên báo động WHO về dịch bệnh hay không ? Le Monde không tin vào khả năng này, bởi vì vào tối 30/12, phó giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đài Loan đã biết tình hình ở Vũ Hán và đến trưa thì Đài Loan yêu cầu Trung Quốc giải thích, cùng lúc thông báo tin tức cho WHO. Cho đến nay, Tổ Chức Y Tế thế Giới vẫn không công bố thời điểm nhận được 2 email thông báo, từ cơ quan y tế Đài Loan và Trung Quốc trong cùng ngày 31/12, nên theo Le Monde, nhiều khả năng chính Đài Bắc đã báo động.
Le Monde lần ngược lại dòng thời gian, tường thuật cặn kẽ từng sự kiện, từng quyết định, hành động của WHO có liên quan đến Trung Quốc và tổng kết hàng loạt chứng cớ cho thấy WHO ngả về Bắc Kinh, làm theo những gì Trung Quốc muốn, tuyên truyền cho Trung Quốc, chậm trễ trong việc đưa ra các quyết định khiến thế giới mất quá nhiều thời gian quý báu để chống dịch lây lan. Chẳng hạn, theo nhiều nguồn tin ngoại giao của Le Monde, Bắc Kinh đã gây nhiều sức ép để Ủy ban khẩn cấp của WHO không ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh trên toàn cầu vào hồi cuối tháng Giêng.
Về việc đặt tên cho dịch bệnh, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng lấy tên « Covid-19 », theo tổng giám đốc WHO, tên gọi này không liên quan đến một địa danh, loài vật hay nhóm dân đặc biệt nào, cho dù Ủy ban quốc tế về phân loại virus, cơ quan chịu trách nhiệm đặt tên các loại virus, đã chọn tên « SARS-CoV-2 » để gọi chủng virus corona mới lần này. Tuy nhiên, Trung Quốc không thích tên gọi này vì nó gợi nhớ đến dịch bệnh SARS xuất phát từ Trung Quốc hồi năm 2003.
Tất cả những điều Le Monde nêu lên đều củng cố giả thuyết WHO chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh. Phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso thậm chí còn gợi ý gọi định chế y tế của Liên Hiệp Quốc là « tổ chức Y Tế của Trung Quốc ». Le Monde còn nhận định « WHO đang ở tâm điểm các trò chơi ảnh hưởng ». Chính Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã tạo cơ hội cho Trung Quốc chơi trò « cứu thế giới ». Tuy nhiên, một cách khách quan, Le Monde cũng nhấn mạnh Trung Quốc không phải nước duy nhất gây chơi trò ảnh hưởng với WHO khi xảy ra khủng hoảng y tế. Mỹ cũng từng làm chuyện tương tự với Tổ Chức Y Tế Thế Giới, chẳng hạn khi xảy ra khủng hoảng do cơn bão Katrina.

Tin tổng hợp
(AP) – Tổng thư ký LHQ: Đoàn kết để « tái thiết thế giới tốt đẹp hơn » sau dịch bệnh. 
Ngày 28/04/2020, trong cuộc mít-tinh quốc tế trực tuyến về biến đổi khí hậu kéo dài hai ngày, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước hợp sức chống dịch Covid-19 và những mối đe dọa khác, như biến đổi khí hậu. Theo ông, dịch bệnh « đã cho thấy tình trạng thiếu bền vững của các xã hội, của các nền kinh tế trước các cú sốc » và « chỉ có sự lãnh đạo can đảm, có tầm nhìn và tập thể » mới có thể đối phó được. Ông Guterres kêu gọi « sử dụng nỗ lực phục hồi sau dịch bệnh để xây dựng nền tảng cho một thế giới vững chắc, lành mạnh và bền vững hơn » cho mọi người.
(Global Times) – Covid-19 ảnh hưởng đến ngân sách quân sự 2020 của Trung Quốc. 
Theo giới phân tích Trung Quốc được Hoàn Cầu Thời Báo trích dẫn ngày 28/04/2020, ngân sách quân sự 2020 sẽ bị giảm nhẹ, theo dự kiến ban đầu là 1,27 nghìn tỉ nhân dân tệ (179 tỉ đô la), có thể giảm xuống còn 1 nghìn tỉ nhân dân tệ. Ngân sách chính thức sẽ được công bố trong kỳ họp Quốc Hội sẽ diễn ra vào tháng 05/2020, sau khi bị hoãn vì dịch Covid-19. Năm 2019, Trung Quốc đã dành gần 1,2 nghìn tỉ nhân dân tệ cho quốc phòng, tăng 7,5% so với năm 2018.
(China Daily) – Hoa Kỳ thắt chặt xuất khẩu linh kiện bán dẫn và phụ tùng máy bay sang Trung Quốc. 
Theo quy định mới được đăng trên trang web của bộ Thương Mại Hoa Kỳ ngày 27/04/2020, các công ty Mỹ cần có giấy phép để được quyền cung cấp hàng cho các công ty ở Trung Quốc, có liên quan đến quân đội, kể cả những sản phẩm dùng trong dân sự. Mỹ cũng bỏ các trường hợp ngoại lệ cho phép một số công nghệ Mỹ được xuất sang Trung Quốc mà không cần giấy phép.
(AFP) – Bỉ thu giữ gần 800 tấn thuốc trừ sâu « không phù hợp » nhập từ Trung Quốc. 
Trong thông cáo ngày 28/04/2020, Cơ quan Bỉ phụ trách an toàn thực phẩm (Afsca) cho biết đây là kết quả điều tra chung giữa tư pháp và cơ quan hành chính Bỉ. Số hàng được tịch thu ở cảng Anvers, do một công ty có trụ sở ở Bỉ nhập và dành cho các nhà trồng rau, hoa quả châu Âu.
(AFP) – Trung Quốc cung cấp 10 triệu bộ xét nghiệm virus corona cho Úc. 
Theo thông báo ngày 29/04/2020 của tập đoàn khai thác mỏ Fortescue của Úc, nhờ các mối quan hệ riêng, thỏa thuận đã được tập đoàn này ký với đối tác Trung Quốc BGI, có giá thấp hơn so với thị trường. Quan hệ giữa Trung Quốc và Úc trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây, sau khi chính quyền Canberra yêu cầu điều tra độc lập về cách xử lý dịch của Bắc Kinh. Đại sứ Trung Quốc tại Úc đe dọa tẩy chay một số mặt hàng của Úc.
(Reuters) – Ít nhất 40 dân thường, trong đó có 11 trẻ em, bị thiệt mạng trong một vụ nổ ở phía bắc Syria. 
Trên Twitter ngày 28/04/2020, bộ Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc lực lượng Kurdistan YPG ở Syria là chủ mưu vụ tấn công, xảy ra ở trung tâm thị xã Afrin. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất trong khu vực từ khi các lực lượng địa phương được Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ kiểm soát khu vực này.
(Reuters) – Máy bay 737 MAX tiếp tục « đắp chiếu » đến tháng 08/2020. 
Một số nguồn tin nắm rõ hồ sơ cho Reuters biết ngày 28/04/2020. Máy bay Boeing 737 MAX bị cấm bay từ năm 2019 sau hai tai nạn thảm khốc.
(AFP) – Giấy bạc euro ít có nguy cơ làm lây nhiễm virus corona. 
Một quan chức cấp cao của Ngân hàng Trung ương châu Âu trấn an như trên ngày 28/04/2020 do « virus corona có thể tồn tại lâu hơn từ 10 đến 100 lần trên bề mặt thép không gỉ, so với trên bề mặt giấy bạc (đồng euro) làm từ sợi bông ».
(AFP) – Diễn đàn Hòa Bình vẫn được duy trì vào tháng 11/2020. 
Diễn đàn lần thứ ba, quy tụ nhiều nhà lãnh đạo quốc tế và xã hội dân sự, sẽ vẫn diễn ra như kiến từ ngày 11 đến 13/11 vì theo ban tổ chức ngày 28/04/2020, khủng hoảng Covid-19 là cơ hội để các nước nhận thấy cần phải hành động tập thể.

Điểm tin thế giới sáng 29/4:

Bắc Kinh nói

đã trục xuất tàu Mỹ khỏi vùng biển Hoàng Sa

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Tư (29/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Bắc Kinh nói đã trục xuất tàu Mỹ khỏi vùng biển Hoàng Sa
Chính quyền Trung Quốc nói rằng hôm thứ Ba họ đã bố trí tàu và máy bay để “theo dõi, xác minh, xác định và trục xuất” một tàu chiến của Hoa Kỳ hoạt động ở khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, USNI News đưa tin.
“Những hành động khiêu khích của phía Hoa Kỳ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, cố tình gia tăng rủi ro cho an ninh khu vực và có thể dễ dàng gây ra sự cố bất ngờ”, theo một tuyên bố của quân đội Trung Quốc được SCMP dẫn lại.
Trong khi đó, các quan chức hải quân Hoa Kỳ đã xác nhận với News rằng tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG-52) đã tiến hành một hoạt động tự do hàng hải trong vùng biển ngoài khơi Việt Nam.
Mỹ thắt chặt xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc
Hoa Kỳ đã đưa ra quy định mới, thắt chặt kiểm soát xuất khẩu để ngăn chặn các công ty Mỹ bán các sản phẩm và công nghệ có thể giúp Bắc Kinh gia tăng sức mạnh quân sự, theo SCMP.
Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, hôm thứ Ba, đã đưa ra các quy tắc mới mở rộng phạm vi của các sản phẩm phải được xem xét bởi các cơ quan quản lý an ninh quốc gia trước khi được xuất ra nước ngoài.
Quy định mới chỉ rõ, bất kỳ sản phẩm nào có thể được sử dụng để hỗ trợ hoặc đóng góp cho các hoạt động quân sự và giúp thiết lập, bảo trì, sửa chữa, đại tu, tân trang, phát triển hoặc sản xuất các mặt hàng quân sự sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu với sự đồng ý của cơ quan quản lý an ninh. Ngoài Trung Quốc, quy định này sẽ được áp dụng cho Venezuela và Nga.
Người Triều Tiên không nói hoặc không biết chuyện Kim mất tích
Những người đào thoát khỏi Triều Tiên cho biết khi họ bí mật liên lạc với những người thân và bạn bè ở Bắc Hàn thì những người này hoặc là không hay biết những đồn đoán quốc tế về sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, hoặc không muốn nói về chuyện này, theo bản tin hôm thứ Ba của Reuters.
Hai người đào thoát nói với Reuters rằng một số người thân của họ ở Triều Tiên không biết rằng Kim đã mất tích trong gần hai tuần qua, một số khác thì cho biết họ không muốn thảo luận về vấn đề này, số còn lại đột ngột cúp máy khi nghe đề cập tới sức khỏe của lãnh đạo tối cao ở Bắc Hàn.
Một người đào thoát khác nói rằng bạn bè của họ ở Bắc Hàn vẫn thảo luận kín với nhau về việc ông Kim mất tích khỏi các sự kiện lớn của đất nước thời gian qua, nhưng không biết nhiều sự tình về việc này.
Syria: Đánh bom xe, ít nhất 46 người chết
Hôm thứ Ba, một vụ đánh bom xảy ra tại một thành phố ở phía bắc Syria đã giết chết ít nhất 46 người, trong đó có 6 tay súng của lực lượng quân sự được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, theo SBS News.
Vụ đánh bom nhắm vào một xe tải chở nhiên liệu xảy ra ở một ngôi chợ thuộc thành phố Afrin đã giết chết “ít nhất 46 người, bao gồm cả dân thường và làm bị thương 50 người khác”, theo ông Rami Abdul Rahman, người đứng đầu Tổ chức theo dõi Nhân quyền Syria có trụ sở hoạt động ở Anh.
Ông Rahman cho biết thêm, con số thương vong có thể sẽ còn cao hơn nữa vì nhiều người bị thương sau vụ đánh bom đang ở tình trạng nguy kịch.
Hiện chưa rõ thủ phạm vụ đánh bom. SBS News cho hay, đây là một trong những vụ đánh bom lớn nhất xảy ra ở Afrin kể từ khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng được Ankara hỗ trợ giành quyền kiểm soát vùng đất từ tay của lực lượng người Kurd vào tháng 3/2018.
Lebanon: Người biểu tình và an ninh đụng độ trong đại dịch
Vào đêm thứ Ba, bất chấp lệnh phong tỏa vì dịch viêm phổi Vũ Hán, người Lebanon vẫn tiếp tục xuống đường để bày tỏ sự bất mãn với khủng hoảng kinh tế kéo dài và đã đối đầu với lực lượng an ninh trong ngày biểu tình thứ hai của họ, theo AFP.
Tại thành phố Scuffles, phía bắc Lebanon, người biểu tình đã ném đá vào lực lượng an ninh, sau khi lực lượng này bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán họ. Có khoảng 60 người bị thương trong cuộc đụng độ này, trong đó có 40 người thuộc lực lượng an ninh.
Hành động chống lại lực lượng an ninh ở thành phố Scuffles xảy ra sau khi một người biểu tình ở thủ đô Tripoli bị cảnh sát bắn chết.

Điểm tin thế giới chiều 29/4:

Mỹ bác tin

Trung Quốc ‘trục xuất’ tàu khu trục ở Hoàng Sa

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (29/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Mỹ bác tin Trung Quốc ‘trục xuất’ tàu khu trục ở Hoàng Sa
Tàu khu trục USS Barry (DDG-52) đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trong vùng lân cận chuỗi đảo ngoài khơi Việt Nam. Bắc Kinh hôm 28/4 tuyên bố đã bố trí tàu và máy bay để “theo dõi, xác minh, xác định và trục xuất” con tàu này. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ xác nhận với USNI News, trang tin của Học viện Hải quân Mỹ, rằng tàu khu trục USS Barry đã thực hiện nhiệm vụ đảm bảo tự do hàng
hải gần quần đảo Hoàng Sa theo đúng kế hoạch, mà không gặp bất kỳ sự cố nào thiếu an toàn hoặc thiếu chuyên nghiệp từ máy bay hoặc tàu chiến Trung Quốc.
Úc quyết điều tra Covid-19
The Guardian đưa tin, Thủ tướng Scott Morrison hôm nay phát biểu Úc sẽ tiếp tục theo đuổi điều tra về nguồn gốc virus corona, bất chấp đe dọa tẩy chay kinh tế của Trung Quốc.
“Úc tất nhiên sẽ tiếp tục theo đuổi hành động hợp lý và đúng đắn. Đây là loại virus đã cướp đi hơn 200.000 sinh mạng trên thế giới”, ông nói với các phóng viên ở Canberra.
“Bây giờ có vẻ như hoàn toàn hợp lý và đúng đắn khi thế giới muốn có một đánh giá độc lập về dịch bệnh đã xảy ra như thế nào, để chúng ta có thể rút bài học và ngăn chặn nó xảy ra lần nữa”, Thủ tướng Úc nói thêm.
Gần đây, Úc liên tiếp khẳng định lập trường của mình, bất chấp áp lực từ phía Bắc Kinh. Trước đó, Bộ trưởng thương mại Simon Birmingham và Ngoại trưởng Marise Payne cũng bảo vệ đề xuất của Úc là cần tổ chức một cuộc điều tra quốc tế độc lập về Covid-19.
Hôn thê của Thủ tướng Anh sinh con trai
Theo tờ Mirror, bà Carrie Symonds, vị hôn thê của Thủ tướng Anh Boris Johnson, đã sinh “một bé trai” khỏe mạnh tại Bệnh viện London sáng nay.
“Cả mẹ và em bé đều rất khỏe mạnh”, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson và bà Carrie Symonds cho biết.

Vì vị hôn thê sinh con, nên ông Johnson sẽ không chủ trì cuộc họp báo về Covid-19 hôm nay và người thay thế ông là Ngoại trưởng Dominic Raab.
Cháy công trường xây dựng ở Hàn Quốc, 25 người thiệt mạng
Theo hãng tin Yonhap, 25 công nhân đã thiệt mạng, ít nhất 7 người bị thương trong vụ cháy công trường xây dựng ở thành phố Icheon, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) vào khoảng 11h32 (giờ Hà Nội) hôm nay.
Icheon là nơi đặt trụ sở của SK hynix Inc, công ty sản xuất chip DRAM lớn thứ hai thế giới, cùng lượng lớn các nhà kho của các doanh nghiệp bán lẻ.
Nhà chức trách nghi ngờ nguyên nhân vụ cháy là do tai nạn nổ bất ngờ khi sử dụng urethane, một hóa chất dễ cháy nổ, trong quá trình thi công tại khu vực ngầm.
“Lửa dường như đã lan rất nhanh nên các nạn nhân đã không kịp chạy thoát”, một lính cứu hỏa nói.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?