30/4: Đi tới tương lai từ quá khứ 45 năm trước thế nào?


  • 6 giờ trước



30/4: Đi tới tương lai từ quá khứ 45 năm trước thế nào?

Hình ảnh trung tâm Hà Nội 1976 và 2020 Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Hình ảnh trung tâm Hà Nội 1976 và 2020
Nhân đánh dấu 45 năm sự kiện 30/4/1975, một số học giả, nhà nghiên cứu, luật gia cùng nhìn lại công cuộc hòa giải, hòa hợp hậu chiến giữa ở Việt Nam và bàn về nhận thức, thái độ, cũng như hành động cần thiết cho tương lai phát triển đất nước.
Trước hết, trong phần một bài này, các ý kiến chia sẻ quan sát, nhận định của mình về hòa giải, hòa hợp ở Việt Nam sau 45 năm:
30/4: Phụ nữ ở Sài Gòn qua ảnh
Ba tôi, Bùi Văn Tùng: Chuyện chưa kể sau ngày 30/4/1975
30/4: VNCH để lại gì cho đất nước hôm nay?
30/4: Góc nhìn về ngày chấm dứt Chiến tranh
Luật sư Lê Công Định, Sài Gòn: Nhà nước Việt Nam và đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện tại luôn nói về hoà hợp và hoà giải dân tộc từ 45 năm nay, nhưng trên thực tế chưa bao giờ họ thực hiện dù chỉ một phần nhỏ.
Thái độ thù địch đối với nhà nước Việt Nam Cộng Hoà, từ cách gọi tên cho đến cách đối xử với bất kỳ ai có liên quan đến Việt Nam Cộng Hòa cho thấy hoàn toàn không có sự hoà hợp và hoà giải đó.
Giáo sư Vladimir Kolotov: (Đại học Tổng hợp St.Petersburg, Nga): 45 năm sau giải phóng miền Nam Việt Nam và thống nhất đất nước, Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khan thời hậu chiến và đang phát triển năng động.
Chính sách hòa giải cho phép thống nhất đất nước, tạo điều kiện cho nhân dân hai miền đoàn tụ, chung sống hòa bình.
Đồng thời là cơ sở để Việt Nam phát triển.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng (Đại học George Mason, Hoa Kỳ): Theo nhận xét của riêng tôi, chứ không qua một cuôc nghiên cứu kinh điển và có hệ thống, thì hòa giải và hòa hợp cá nhân phần lớn đã có khá lâu giữa những người cùng một gia đình, cùng một giòng họ, cùng trường thời thơ ấu, giữa môt số văn nghệ sĩ, một số những người cầm súng thuộc hai bên chiến tuyến, và những người sau này gặp nhau thấy đồng cảm và tương kính.
Nhưng chưa có hòa giải hòa hợp dân tộc thực sự giữa chính quyền bên thắng cuộc với người của bên thua cuộc.
Giáo sư Vũ Tường (Đại học Oregon, Mỹ): Hòa giải hòa hợp theo cách hiểu thông thường là việc bỏ qua quá khứ và quan hệ bình thường giữa "bên thắng cuộc"/cộng sản/miền Bắc và bên thua cuộc/cộng hoà/miền Nam, và giữa chính quyền cộng sản và cộng đồng người Việt tự do ở nước ngoài. Theo cách hiểu này, đã có nhiều cố gắng của nhiều cá nhân ở cả hai bên để hoà giải hoà hợp. Về phía chính quyền Việt nam, có một số biểu hiện như bỏ phần nào việc kỳ thị lý lịch, cho phép bốc mộ cựu tù nhân cải tạo, hay cấp visa dài hạn cho người có gốc gác Việt nam ở nước ngoài.
Quan chức Việt Nam hay đổ lỗi cộng đồng người Việt tự do ở nước ngoài thiếu hiểu biết về những thay đổi ở Việt Nam nên khó hoà giải. Nhưng sự thực không phải hoàn toàn như vậy. Phần lớn cộng đồng này (có cả nhiều người từ miền Bắc) bỏ nước ra đi trong những năm 1978-1995—họ đã sống trong ruột chế độ và hiểu rất rõ cách thức chính quyền cộng sản tổ chức xã hội, quản lý kinh tế văn hoá, và vận hành bộ máy nhào nặn con người.
Từ khi có chính sách đổi mới tình hình đã khác nhiều nhưng cái lõi của hệ thống đó vẫn còn nguyên. Cách tư duy của những người lãnh đạo coi thường người Việt tự do ở nước ngoài vẫn thỉnh thoảng bất chợt bộc lộ, như câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong dịp đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 2 năm ngoái.
Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng (Đại học Quốc gia Hà Nội): Sau 45 năm, hai miền Nam Bắc đã cơ bản thống nhất về địa lý và thể chế, nhưng trong hoà giải, hoà hợp dân tộc vẫn còn có những vấn đề cần được tiếp tục giải quyết.
Theo quan sát của tôi, vết thương chiến tranh vẫn chưa thực sự lành, mỗi khi đến dịp 30-4 vẫn còn những tiếng nói cất lên ai oán, nhức nhối, đau xót về dĩ vãng gia đình, phàn nàn về hiện thực, cũng may những tiếng nói kiểu này không còn là dòng chủ lưu nữa mà chỉ lẻ tẻ ở trong nước.
Những vấn đề lớn của đất nước như phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ quyền biển đảo dường như đã khiến cho những người Việt ở cả hai bên xích lại gần nhau hơn.
Sự định kiến về "chủ nghĩa lý lịch" chưa hoàn toàn được xoá bỏ, nhưng không còn nổi cộm trong xã hội hiện nay nữa.
Một xu thế nữa cần chú ý là những tiếng nói từ hải ngoại phần nhiều vẫn thể hiện sự khác biệt trong quan niệm giá trị, quan niệm về ý thức hệ, thiên về lấy các tiêu chí phương Tây để làm thước đo đánh giá các hiện tượng văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị trong nước, đòi hỏi trong nước cải cách dân chủ theo thể chế phương Tây.
Xu thế này có mặt tích cực là thúc đẩy các thay đổi về nhận thức, góp phần tích cực vào tiến bộ xã hội, nhưng có mặt tiêu cực là góc nhìn và tiêu chí đánh giá không phù hợp, gây cản trở, bùng nhùng, phản cảm, làm chậm đáng kể các bước tiến tự nhiên của đời sống chính trị, kinh tế văn hóa trong nước.
Đôi khi, các suy nghĩ theo xu hướng cấp tiến quá lại được một số người Việt trong nước quy về động thái "cố tình quấy rối", "phá hoại".
Thành phố Sài Gòn có nhiều thay đổi từ sau 1975 Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Thành phố Sài Gòn có nhiều thay đổi từ sau 1975

Tiến bộ, trở ngại chính?

BBC:Có tiến bộ đạt được hay trở ngại chính gì đối với việc hòa giải, hòa hợp này?
Luật sư Lê Công Định: Hoàn toàn không có sự tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, có một giai đoạn khi cần Việt kiều gửi tiền về Việt Nam giúp tăng dự trữ ngoại tệ của quốc gia, thì Nhà nước Việt Nam ban hành chính sách khuyến khích Việt kiều về nước làm ăn và mua nhà.
Tức là nếu có lợi cho chính mình thì nhà nước này mới ra vẻ hoà giải với người Việt ở hải ngoại. Sự hoà giải như vậy không thật lòng, và cũng hoàn toàn không có cái gọi là hoà hợp, vì Việt kiều chỉ được làm ăn và gửi tiền về thôi, chứ họ không được cho phép can dự vào chính trị hoặc góp ý những quốc sách quan trọng của quốc gia. Trở ngại chính đó là não trạng độc tài và hẹp hòi vốn có của người cộng sản.
Giáo sư Vladimir Kolotov: Giai đoạn hòa giải đã qua và cuộc sống của người dân hai miền rất ổn định, mức sống cao hơn. Ngay cả những Việt kiều từ các nước tư bản cũng quay về và đóng góp công sức của họ để phát triển đất nước phồn thịnh.
Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn: Thế hệ tiêu biểu của Chiến tranh Việt Nam đã qua đời Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn: Thế hệ tiêu biểu của Chiến tranh Việt Nam đã qua đời
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Có hai trở ngại chính. Về phương thức, nó vẫn theo hình thức "cho-xin', chính quyền bên thắng cuộc muốn thu phục, chiêu dụ theo điều kiện của họ hơn là hòa giải môt cách công bằng, tôn trọng lẫn nhau. Về thưc chất, chính quyền bên thắng khó có thễ hòa giải với những người có tư cách bên thua cuộc và con cái của họ, nên sự thật lịch sử tiếp tục bị xuyên tạc để nói xấu bên thua cuộc một cách bất công. Một dân tộc gắn bó với nhau phải gồm những người cùng chia sẻ một lịch sử (hay có đồng thuận căn bản, tối thiểu về lịch sử), có ý định chung sống trong hiện tại, và hướng tới cùng một tương lai. Điều kiên này chưa có ở Việt Nam, nhất là điều kiên lịch sử chung.
Tuy nhiên, thời gian môt phần nào đã có ảnh hưởng tích cực. Gần nửa thế kỷ đã qua, nhiều nạn nhân của cuộc chiến và bị đối xử nghiệt ngã không còn nữa, số người không có kinh nghiệm hận thù trực tiếp vì cuộc chiến, được tiếp cận với những nguồn tin mới, không bị giáo dục một chiều, và hiểu biết sự thật lịch sử càng ngày càng nhiều hơn. Đó là một yếu tố thuận lợi cho việc xét lại lịch sử tạo căn bản cho hòa hơp và hòa giải dân tộc lâu dài.
Thành phố Hồ Chí Minh năm 1985 Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Thành phố Hồ Chí Minh năm 1985
Giáo sư Vũ Tường: Tại Việt Nam, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, thương nhân và trí thức được hấp thụ nền giáo dục tự do tiến bộ của miền Nam có thể hãnh diện về những đóng góp trí thức, kinh nghiệm và kỹ thuật sau khi Việt nam bắt đầu mở cửa. Cộng đồng người Việt tự do ở nước ngoài có thể hãnh diện với số tiền kiều hối nhiều tỉ đô la hàng năm trong suốt nhiều thập niên (nhiều hơn viện trợ quốc tế) giúp cho Việt nam thoát khỏi nghèo đói. Đây là những xu hướng tích cực làm cho hai bên xích lại gần nhau mặc dù không nhất thiết nhìn nhận nhau.
Ngoài cách hiểu thông thường nêu trên, nếu coi gốc gác cuộc xung đột giữa hai miền là xung đột ý thức hệ giữa tư tưởng cộng sản và cộng hoà đã có từ thập niên 1920, thì sự hoà giải hoà hợp đích thực là việc hiện hữu của một thể chế đa nguyên đa đảng ở Việt nam. Khi nào hai từ "đa nguyên, đa đảng" còn là cấm kỵ ở Việt nam, khi nào chưa có một thể chế chính trị văn hoá như vậy, thì chưa có hoà giải và hoà hợp—đây là chỉ nói người trong nước với nhau vì tinh thần cộng hoà thực sự không mất đi ở Việt nam mà vẫn tiếp tục phát triển ở cả hai miền Nam Bắc dù bị kềm hãm dưới sự cai trị độc đoán của một đảng mang danh chủ nghĩa cộng sản.
Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng: Tôi nghĩ là đã có nhiều tiến bộ đạt được, qua thời gian các vết thương đã và đang lành dần.
Các thế hệ lãnh đạo thực sự gây nên những "vết thương" ở cả hai phía đều đã qua đời, còn sống chỉ còn những người thừa hành hay những thế hệ như chúng tôi, còn rất bé khi chiến tranh giữa hai miền nổ ra, chưa cảm nhận hết được nỗi đau chiến tranh.
Nếu các thế hệ người Việt sau này vẫn trút những nỗi căm hận, ghét bỏ, hận thù vào nhau thì thực sự vô lý.
Trở ngại lớn nhất đối với việc hòa giải, hòa hợp là vấn đề "thành tâm", vấn đề "thể chế", "ý thức hệ", lựa chọn "mô hình phát triển", "chiến lược phát triển".
Xuất phát điểm của bi kịch dân tộc chính là vấn đề "chiến tranh ủy nhiệm". Chiến tranh Việt Nam vốn dĩ không xuất phát từ xung đột vùng miền, mà từ sự đối đầu về "ý thức hệ", về mô hình thể chế.
Chính vì vậy, nếu muốn giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc từ gốc rễ thì không thể chỉ đơn thuần làm bài toán cơ học trên bề nổi, tổ chức một "hội nghị hiệp thương", bổ nhiệm một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt, phân bổ lãnh đạo theo "cơ cấu vùng miền" như xưa nay chúng ta vẫn làm.
Muốn thực sự hòa hợp, hòa giải dân tộc cần xây dựng được một mô hình nhà nước thực sự "của dân, do dân, vì dân", có cơ chế tuyển chọn nhân tài trực tiếp do dân bầu để họ thực sự nói lên tiếng nói chủ lưu của quần chúng nhân dân, chọn ra những nhân tài đích thực, những nhà chính trị chuyên nghiệp và đúng nghĩa, thực hiện "dân chủ cơ sở", "phổ thông đầu phiếu", nghiên cứu từng bước bỏ cơ chế "đảng cử dân bầu' mang tính hình thức, thực hiện "tứ trụ"', "tam quyền phân lập" về thực chất, xây dựng một mô hình thể chế phù hợp với điều kiện cụ thể và đặc thù của Việt Nam.
Muốn hòa giải dân tộc cũng cần tôn trọng sự thực lịch sử, có thái đội thực sự cầu thị, tôn trọng nguyên tắc "cầu đồng tồn dị", thành tâm và văn minh trong ứng xử, tôn trọng tự do tư tưởng, tự do biểu đạt.
Làm được điều này, các vết thương thể chất và tinh thần nếu có sẽ được thoải mái bộc lộ để đến được với các thầy thuốc giỏi, vết thương sẽ sớm được chữa lành.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay

Điều kiện, đòi hỏi?

BBC:Vấn đề này ngày nay nếu tiếp tục đặt ra, cần điều kiện, đòi hỏi gì và triển vọng hiện thực hóa có thể ra sao?
Luật sư Lê Công Định: Tôi không thấy triển vọng đó. Nhiều người cho rằng đó là sự kiêu ngạo của kẻ chiến thắng mà người cộng sản không vượt qua được. Tôi không nghĩ vậy. Theo tôi đó là sự mặc cảm do thấp kém hơn về nền tảng văn hoá và văn minh. Chúng ta biết xuất thân của người cộng sản ở Việt Nam đa phần từ thành phần bần cùng và thất học, đã vậy còn được tôi luyện và tẩy não trong quá trình tranh đấu bằng bạo lực một mất một còn. Họ hầu như đánh mất sự nhân bản và chính trực, nên không thể chấp nhận mọi sự hoà hợp và hoà giải trong vị thế bình đẳng.
Giáo sư Vladimir Kolotov: Cuộc chiến tranh đã kết thúc, tình hình thay đổi. Bây giờ Mỹ là đối tác chiến lược của Việt Nam. Thậm chí là cựu chiến binh John McCain khi còn sống cũng ra sức để bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt. Vậy việc gì người Việt phải tiếp tục phức tạp hóa chuyện quá khứ. Tôi nghĩ là họ cần phải nhìn vào tương lai, nên đoàn kết để tạo điều kiện chữa lành vết thương lịch sử và đưa đất nước được phát triển vượt bậc.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Điều kiện quan trong nhất là phải trả lại công lý cho con người, trả lại công bằng cho lịch sử. Điều này tôi đã nói trong môt cuộc phỏng vấn cách đây 13 năm. Lịch sử bao giờ cũng do người thắng viết. Tôi nhớ Douglas Pike có lần nhận xét môt cách chua chát rằng lịch sử là môt cuộc nói dối tập thể (history is a lie agreed upon). Trong trường hợp Việt Nam, tiếp tục xuyên tạc lịch sử để biện minh cho một số nhỏ cầm quyền không phải là giải pháp lâu dài cho Việt Nam.
Hòa giải và hòa hơp dân tôc phải bắt nguồn từ sáng kiến hay cách đối xử của bên thắng cuộc, đặc biệt là ngay sau khi chiến tranh chấm dứt. Ở Mỹ, tiến trình hòa giải bắt đầu bằng cách hành xử mã thượng của tướng Ulysses S. Grant đối với hàng tuớng Robert E. Lee và binh sĩ của ông. Tổng Thống Lincohn và việc giành môt khu trong nghĩa trang quốc gia Arlington cho các tử sĩ miền Nam cũng đóng góp nhiều vào tiến trình đó. Đó là hành đông của những nhân vật lịch sử muốn làm lịch sử. Cho tới nay, Việt Nam thiếu một nhân vật có quyền lực và có tầm cỡ ấy.
Ngày 30/4/1975 Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Ngày 30/4/1975
Giáo sư Vũ Tường: Vấn đề hoà giải hoà hợp vẫn còn nguyên tính thiết thực vì hai lý do. Thứ nhất, nếu Việt nam muốn phát triển nhanh chóng và bền vững để đuổi kịp Thái lan hay Trung quốc, Việt nam cần sự đóng góp trí tuệ, tài năng và vốn liếng của mọi người Việt nam không phân biệt thành phần xuất thân hay quê quán, đặc biệt là cộng đồng người Việt tự do ở nước ngoài. Hiện nay cơ hội vươn lên ở Việt nam không bình đẳng với thành phần cán bộ đảng viên và gia đình được hưởng nhiều hơn hẳn bất chấp khả năng hay tâm huyết đóng góp cho quốc gia của họ.
Thứ hai, trong quá trình phát triển Việt nam đã đang tiếp nhận những tư tưởng mới như tự do tư tưởng, chính trị dân chủ, bình đằng giới tính, bảo vệ môi trường, và tự do mậu dịch. Phát triển cũng dẫn đến những xung đột quyền lợi mới giữa tư bản và công nhân, giữa các cộng đồng dân cư, giữa nông thôn và thành thị -- thực ra đây là hình thức mới của những xung đột cũ giữa cộng sản và cộng hoà.
Hoà giải hoà hợp thực sự và bền vững là việc từ bỏ sử dụng bạo lực trong xung đột về ý thức hệ và quyền lợi, và thể chế đa nguyên đa đảng tạo điều kiện cho sự từ bỏ đó. Thể chế đó không những sẽ giúp hoà giải những xung đột ý thức hệ cũ giữa cộng sản và cộng hoà trong lịch sử, mà còn giúp giải quyết những mâu thuẫn quan điểm và quyền lợi chính trị hiện nay và tương lai.
Tổng thống Donald Trump và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội tháng 2/2019 Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Tổng thống Donald Trump và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội tháng 2/2019
Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng: Ở đây không có chữ "nếu", theo tôi, đây chính là vấn đề bức thiết nhất, là bài toán khó đã và đang đặt ra cho các thế hệ lãnh đạo và cho cả dân tộc.
Việc giải cho được bài toán này sẽ liên quan mật thiết đến vận mệnh dân tộc.
Việt Nam với tư cách cường quốc bậc trung có thể bảo vệ được giá trị "độc lập, tự chủ" , toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải" của tiền nhân hay không, có thoát được tình trạng "bắt nạt" ,"kìm hãm", "chia để trị", "đe nẹt bao vây kinh tế" của siêu cường Trung Quốc hay không , có nguy cơ gặp các vấn đề tương tự như Nam Bắc Triều Tiên, Hong Kong, Đài Loan đang đối mặt hay không phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc giải bài toán này. Việc giải bài toán này cũng sẽ quyết định câu chuyện Việt Nam có cơ hội xây dựng một đất nước "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh" hay không.
Khi và chỉ khi thống nhất được ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc, có những chiến lược chính sách phù hợp, thỏa mãn được những mong muốn và tiêu chí của cả hai loại hình ý thức hệ Phương Đông và Phương Tây, truyền thống và hiện đại đang tồn tại khách quan trong lòng xã hội Việt Nam thì Việt Nam mới thống nhất được lòng người, thực sự hòa hợp được dân tộc.
Đây là bài toán cực kỳ khó cho riêng Việt Nam mà năm xưa lãnh đạo Mỹ và một số quốc gia khác đã gài lại như một quả bom định giờ trong lòng chế độ.
Tuy nhiên , tôi nghĩ Việt Nam vẫn có nhiều hy vọng để giải bài toán này.
Cứ đi rồi sẽ có đường, đi mãi rồi sẽ thành đường thôi, thế hệ này ngã xuống sẽ có thế hệ khác tiếp nối. Chính quyền thực sự tử tế vì dân thì lòng dân tự khắc sẽ thống nhất, dân tộc tự khắc sẽ hòa hợp. Không ai đánh thuế hy vọng của cả một dân tộc anh hùng.
Mời quý vị đón theo dõi phần hai giới thiệu ý kiến của các nhà nghiên cứu, quan sát trên cùng với các bài vở khác trong loạt bài đánh dấu 45 năm ngày 30/4/1975 của BBC News Tiếng Việt.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?