Đọc báo Pháp – 27/04/2020

Đọc báo Pháp – 27/04/2020

Hậu Covid-19, hậu Kim Jong Un – Tú Anh

Chưa diệt được Covid-19, con người đành tính chuyện tạm chung sống ; Lãnh đạo Bắc Triều Tiên mất dạng hay mất mạng? Đó là hai chủ đề chính và có cùng mẫu số chung trên báo Pháp ngày 27/04/2020 : Mọi người đều mù mờ.
Sau 2 tháng hạn chế đi lại, đóng cửa trường học, hàng quán, hãng xưởng để  ngăn dịch Covid-19, sẽ phải làm cách nào để bảo đảm an toàn cho người dân đi làm, đi học trở lại trong khi tang tóc vẫn xảy ra hàng ngày ?
Chính phủ chuẩn bị, dân chúng người mong kẻ sợ
Theo chân các nước châu Âu, Pháp chuẩn bị các biện pháp tái lập sinh hoạt bình thường vào ngày 11/05/2020 trước khi kinh tế suy thoái nghiêm trọng. Nhật báo kinh tế Les Echos đề tựa lớn trên trang nhất : « Kế hoạch chiến đấu cho ngày 11/05 ». Đó là kế hoạch chính phủ Pháp sẽ công bố vào trưa thứ Ba 28/04. Nhưng nói là một chuyện, áp dụng mới là chuyện khó.
Cụ thể, để bảo đảm an toàn cho học sinh, Hội Đồng Khoa Học Gia đưa ra 10 khuyến cáo về vệ sinh trường lớp : lau chùi tẩy trùng lớp học, lối đi, phòng vệ sinh nhiều lần trong ngày, tôn trọng khoảng cách một thước giữa hai học sinh, các em đeo khẩu trang, ăn trưa ngay tại bàn học, trường quản lý giờ ra chơi không để các em đến gần nhau … Phản ứng chung của giới hiệu trưởng, theo Les Echos : Đây là « nhiệm vụ bất khả thi ».
Lạc quan hơn đồng nghiệp, La Croix giới thiệu ba vị hiệu trưởng đang năng nổ chuẩn bị ngày N : trang bị khẩu trang cho học sinh, tập trung dạy thêm và giúp con em gia đình nghèo không có máy vi tính học từ xa trong thời gian cách ly … cùng các biện pháp khác để bảo đảm an toàn y tế cho học sinh, giáo viên và nhân viên.
Cũng trong hồ sơ y tế, Libération khá bi quan với một loạt tựa cảnh báo : Tái lập giao thông công cộng là du hành vào nơi vô định ; Mở cửa trường trong lúc còn dịch là nhiệm vụ bất khả. Để chứng minh, nhật báo cánh tả nhắc lại là bốn  khuyến cáo của Hội Đồng Khoa Học Gia - “làm việc từ xa, đeo khẩu trang, xét nghiệm và theo dõi đường lây nhiễm, truy tìm ổ dịch “ - phải được áp dụng sau ngày 11/05 để chặn trước đợt dịch thứ hai.
Le Figaro loan báo thủ tướng Anh trở lại làm việc sau khi thắng được siêu vi corona. Chính phủ Pháp cũng tăng tốc ra khỏi thời kỳ cách ly vào ngày 11/05. Tuy nhiên, ở trang trong, nhật báo thiên hữu cho biết nhiều giáo chức và học sinh (đúng hơn là phụ huynh các em) báo trước là sẽ chưa quay lại trường ngay vì họ không tin là sẽ được an toàn.
Về kinh tế, Les Echos phân tích chiến lược cải cách của Air France-KLM sau khi tập đoàn được nhà nước Pháp và Hà Lan thông báo giúp 10 tỷ euro để tránh bị phá sản. Điều chắc chắn là sẽ có kế hoạch giảm biên chế theo hướng tự nguyện ra đi và có đền bù.
La Croix nêu lên một thắc mắc và tìm hiểu : Tỷ phú, đại gia làm gì để tỏ tình liên đới trong hoàn cảnh đại dịch nhiễu nhương? Nhật báo Công giáo cho biết thành phần giàu có ở Pháp không vị kỷ. Họ giúp một cách gián tiếp qua công ty, hãng xưởng mà họ làm chủ: cụ thể là sản xuất khẩu trang, cồn sát trùng miễn phí. Tỷ phú Mỹ Bill Gate nhận định chí lý : « Đại dịch giúp chúng ta nhớ rằng giúp đồng loại không những là hành động thiện nguyện mà còn là một hành động thông minh ».
Một nhận xét khác cũng rất đáng để suy ngẫm và đã được Libération tóm lại thành tựa của bài phỏng vấn chủ tịch Quốc Hội Pháp Richard Ferrand. Người đứng đầu bộ máy lập pháp khen ngợi cơ quan hành pháp hết lòng đối phó với một đại dịch xuất hiện đột ngột và hung hiểm. Thế mà chính phủ lại bị đả kích không nương tay. Chủ tịch Quốc Hội Pháp kêu gọi mọi tác nhân trong xã hội biết khiêm tốn, đừng cho mình là người nắm chân lý bởi vì trước con siêu vi khủng khiếp này, phải nhìn nhận kiến thức của chúng ta còn kém và phải dò dẫm tìm hiểu.
Chủ tịch Bắc Triều Tiên mất dạng một cách bí ẩn từ ba tuần nay
Le Figaro có vẻ xem nghi vấn Kim Jong Un đã chết hay còn sống không phải là chuyện trọng đại. Nhật báo thiên hữu chỉ khen là trong bối cảnh cả thế giới bận tâm chống dịch, việc « lãnh tụ tối cao » của chế độ Bình Nhưỡng giành được ngôi truyền thông của siêu vi corona phải nói là tuyệt.
Còn Les Echos thắc mắc không hiểu vì sao chính quyền các nước lớn trên thế giới, với nhiều phương tiện tình báo, lại không rõ tại sao lãnh đạo Bắc Triều Tiên mất dạng quá lâu. Một số chuyên gia nghĩ rằng ông ấy đã chết. Tuy nhiên, theo nhật báo kinh tế, ông anh độc tài mà chết thì có cô em Kim Jo Yong lên thay. Chuyện gia đình mà !
Libération cũng do dự không tin vào giả thuyết nào : « Mất dạng trên màn ảnh ra-đa hay mất mạng ? ». Tờ báo thiên tả sau khi nhắc qua một số « giả thuyết, chuyên gia và những nguồn thân cận » đã đi đến kết luận : Khi Kim Jong Il qua đời, phải 2 ngày sau, báo chí Nhà nước mới công bố. Thế mà, trong hai ngày đó, không một cơ quan tình báo quốc tế nào biết ông ấy đã chết.
Donald Trump lọt bẫy Covid-19, Joe Biden tận dụng thời cơ
Cũng về thời sự quốc tế, La Croix thẩm định cơ may tái đắc cử của tổng thống Mỹ Donald Trump bị giảm sút : Chủ nhân Nhà Trắng rơi vào bẫy của siêu vi corona. Cách chỉ đạo theo ngẫu hứng cộng thêm kinh tế suy thoái làm cho khả năng chiến thắng của chủ nhân Nhà Trắng bị đe dọa. Joe Biden không ngày nào là không tìm cách chinh phục cử tri đang bị thất nghiệp hay sắp bị mất việc ủng hộ kế hoạch chấn hưng kinh tế « cấp tiến », theo nghĩa huy động sự hỗ trợ của Nhà nước Liên bang.
Le Monde, số phát hành cho Chủ Nhật và thứ Hai, đưa độc giả vào « Khu rừng hoang các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán ». Đó là tựa của một bài điều tra dài hai trang về bà Thạch Chính Lệ, nhà nghiên cứu siêu vi số một của Trung Quốc, được đào tạo tận tình suốt 5 năm tại Pháp nhưng không bao giờ chia sẻ thông tin với đồng nghiệp Pháp khi nước Pháp bị chính siêu vi từ Vũ Hán gây khốn đốn. Một chuyên gia Croatia đựợc đào tạo chung với bà Thạch tỏ ra thông cảm : «  Ngoài một email chúc can đảm, Thạch Chính Lệ không viết gì thêm. Lỗi không phải tại bà ấy ».
Năm 2016, đại sứ Pháp tại Trung Quốc còn gắn huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh cho bà Thạch Chính Lệ và ca ngợi tinh thần hợp tác song phương. Bộ Ngoại Giao Pháp nghi ngờ Trung Quốc âm thầm nghiên cứu vũ khí sinh học, nhưng mãi đến khi Jean Yves Le Drian lên nắm bộ Ngoại giao và yêu cầu đại sứ quán Pháp báo cáo về phòng thí nghiệm P4, thì ngoại trưởng Pháp mới phát hiện nhiều chuyện rất bất bình vì Trung Quốc hành động đơn phương.
Theo Le Monde, kể cả nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng tự hỏi phải chăng siêu vi đã thoát ra từ một trong các phòng thí nghiệm của họ ở Vũ Hán.
Covid-19 cũng bất lợi cho Putin nhưng có thể trợ lực cho Erdogan
Đại dịch Covid-19 cũng làm hỏng kế hoạch tính đời đời trường trị của tổng thống Nga. Dự án trưng cầu dân ý về các điều khoản tu chính trong Hiến Pháp hồi tuần trước đã phải đình hoãn. Dân Nga còn biểu tình trên mạng phản đối chính sách chống dịch của Putin. Nạn thất nghiệp, xí nghiệp phá sản vì Covid-19 có thể càng làm cho uy tín của tổng thống Putin ngày càng yếu đi. Các biện pháp cứu trợ khẩn cấp của điện Kremlin cho doanh nghiệp không đủ để lãnh vực xí nghiệp cấp trung và nhỏ tránh phải sa thải nhân viên và cuối cùng là phá sản. Giới chủ nhân cho biết sẽ huy động nhau tranh đấu. Tiền trợ cấp thất nghiệp hay phụ cấp cho gia đình có thu nhập thấp cũng không đủ cho họ sống. Không ít dân Nga đánh liều vay nợ.
Khai thác tình hình đại dịch để phục vụ tham vọng địa chiến lược cấp vùng đâu phải chỉ có Tập Cận Bình. Với nhận định này, Le Monde phân tích tham vọng của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ : Recep Erdogan tìm cách vực dậy huyền thoại đế quốc Thổ bách thắng trong khi chế độ Hồi giáo bảo thủ của ông đang trên đà suy thoái. Với 2.491 người chết và 101.710 ca nhiễm, (theo báo cáo ngày thứ Sáu tuần trước), cùng với nền kinh tế mất sinh lực, nhân quyền bị chà đạp và thái độ độc đoán tự tung tự tác của ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ không còn được Hoa Kỳ ưu tiên trong lĩnh vực tài chính.
Thế nhưng, theo Le Monde, trong cái họa của dịch Covid-19, Erdogan có thể trông cậy vào châu Âu. Vì trong xu hướng bỏ Trung Quốc, dời hãng xưởng sang một nước khác, doanh nghiệp châu Âu có thể sẽ chọn Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisiavà Maroc vốn được coi là ba vùng đất lành, theo nhận định của một nhà kinh tế.
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200427-h%E1%BA%ADu-covid-19-h%E1%BA%ADu-kim-jong-un

Tin tổng hợp
(RFI) – Cựu bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông Nguyễn Bắc Son bị y án chung thân
trong phiên xử phúc thẩm vụ Mobifone mua lại công ty nghe nhìn toàn cầu AVG. Theo báo chí trong nước, sau ba ngày xét xử, ngày 27/04/2020, Tòa Án Tối Cao tại Hà Nội đã quyết định giữ nguyên mức án tù chung thân đối với ông Nguyễn Bắc Son, với hai tội danh vi phạm quy định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ. 8 bị cáo khác được giảm nhẹ một phần án. 5 bị cáo khác trong vụ án không kháng án, trong đó có ông Trương Minh Tuấn, cựu bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông, bị tuyên án 14 năm tù trong phiên xử sơ thẩm ngày 28/12/2019.
(Reuters) – Hồng Kông : Cảnh sát giải tán một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.
Cuộc biểu tình diễn ra ngày 26/04/2020, quy tụ khoảng 300 người, bất chấp lệnh cấm tụ tập trên 4 người được ban hành để chống dịch Covid-19. Những người tham gia, phần đông là giới trẻ trùm kín mặt, đã chiếm đóng trung tâm thương mại Cityplaza và hô vang « Hãy giải phóng Hồng Kông ».
(AFP) – 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp bàn đối phó với đại dịch. 
Ngoại trưởng Nga ngày 27/04/2020 thông báo Anh, Pháp, Nga, Mỹ và Trung Quốc đồng ý về nguyên tắc một cuộc họp qua video. Ngày giờ cuộc họp sẽ được ấn định sau. Giữa tháng 4/2020, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi 5 thành viên thường trực bày tỏ đoàn kết trước dịch Covid-19. Cho tới nay, Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn bất đồng sâu rộng nguồn gốc virus corona.
(AFP) – Dầu lửa Mỹ lại rớt giá trên thị trường châu Á.
Giá dầu thô WTI của Mỹ ngày 27/04/2020 xuống đến hơn 9%. Nguyên nhân vẫn là do nỗi lo thiếu kho bãi trong khi dịch virus corona vẫn khiến nhu cầu tiêu thụ dầu thô giảm, cho dù các nhà sản xuất đã chấp nhận giảm sản lượng khai thác. Trong bối cảnh này, bộ trưởng Kinh Tế Mỹ cho biết có thể hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác dầu của Mỹ thông qua các khoản tín dụng.
(AFP) – Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, Nancy Pelosi, tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Joe Biden ra tranh cử tổng thống vào tháng 11/2020. 
Thông báo được đưa ra trong một thông điệp video công bố ngày 27/04. Cựu phó tổng thống Hoa Kỳ cho tới nay vẫn chưa được đảng Dân Chủ chính thức chỉ định đại diện cho đảng này đương đầu với ông Trump tranh cử tổng thống. Chiến dịch vận động tranh cử của ông Biden đang bị đình trệ vì dịch Covid-19.
(AFP) – Nga tạm ngưng xuất khẩu ngũ cốc đến ngày 01/07.
Sau dầu lửa, đến lượt thị trường ngũ cốc có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Bộ Nông Nghiệp Nga ngày 26/04/2020 thông báo tạm ngưng xuất khẩu ngũ cốc (lúa mì, lúa mạch đen, đại mạch và bắp). Đầu tháng 4/2020, Nga – quốc gia xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới – đã thông báo hạn chế lượng xuất khẩu ở mức 7 triệu tấn cho đến cuối tháng Sáu. Quyết định này của Nga đã làm dấy lên nhiều chỉ trích từ các tổ chức đa phương như Tổ chức Lương Nông Quốc Tế (FAO), Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) và Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO).
(AFP) – Covid-19 : Cuba gởi bác sĩ đến Nam Phi.
Phủ tổng thống Nam Phi ngày 27/04/2020 cho biết 200 bác sĩ Cuba đã đến Nam Phi để hỗ trợ nước này chống dịch virus corona. Theo số liệu thống kê, Nam Phi đã có hơn 4.500 người nhiễm Covid-19, trong đó có 87 ca tử vong.
(AFP) – Afghanistan : Đặc sứ Mỹ đề nghị một cuộc « hưu chiến nhân đạo » để chống virus corona.
Trên Twitter, ông Zalmay Khalilzad, đảm trách các cuộc thương thuyết giữa Mỹ và phe Taliban, ngày 26/04/2020 cho rằng đó là vì « lợi ích của người dân và đất nước Afghanistan ». Theo ông, mùa lễ « ramadan là dịp để phe Taliban chấp nhận một cuộc hưu chiến nhân đạo, giảm các hành động bạo lực và tạm ngưng các chiến dịch tấn công quân sự cho đến khi cuộc khủng hoảng dịch tễ chấm dứt ». Hiện tại, Afghanistan đã có 1.531 ca nhiễm virus corona, trong đó có 50 trường hợp tử vong, theo các số liệu thu thập được.
(AFP) – Syria kích hoạt hệ thống phòng không.
Hệ thống phòng không của Syria bắt đầu hoạt động ngày 27/04/2020 sau khi không quân Israel bắn tên lửa vào nhiều mục tiêu gần thủ đô Damas, theo như tường thuật của hãng tin Sana. Tuy nhiên, hãng thông tấn chính thức của Syria không nói rõ những mục tiêu nào. Đài Quan sát Nhân quyền Syria khẳng định đó là những mục tiêu quân sự. Cũng theo tổ chức này, vụ oanh kích của Israel đã giết chết 3 binh sĩ Syria và 6 người nước ngoài khác.
(AFP) – Công trình tái thiết Nhà Thờ Đức Bà Paris từng bước được khởi động lại. 
Trong cuộc họp sáng ngày 27/04/2020 kiến trúc sư trưởng, Philippe Villeneuve, cùng với khoảng một chục đối tác đã quyết định, kể từ tuần tới, công trình sẽ được khởi động lại theo ba giai đoạn. Nhà Thờ Đức Bà Paris bị hỏa hoạn cách nay đúng một năm, kế hoạch tái thiết đã phải tạm ngưng từ giữa tháng 3/2020 do lệnh phong tỏa chống virus corona.
(AFP) – Covid-19 phá hỏng lịch trình làng các bộ siêu tập của nhà thời trang Saint Laurent 2020. 
Giám đốc nghệ thuật của hãng Yves Saint Laurent, ông Anthony Vaccarello, ngày 27/04/020 thông báo là ý thức được virus corona đang tác động đến toàn thế giới, nhà thời trang hạng sang Saint Laurent đình chỉ kế hoạch trình diễn nhân tuần lễ Fashion Week dành cho nam giới và các buổi trình diễn vào trong hai tháng 6 và 7/2020.
(AFP) – Pháp : Sau Covid-19 lại đến cháy rừng ?
Lực lượng cứu hỏa tại vùng Bouches-du-Rhône (miền nam Pháp) ngày 27/04/2020 báo động mùa cháy rừng đang đến gần là một « thách thức lớn ». Số người tình nguyện có nguy cơ giảm do bị huy động tham gia chống Covid-19, trong khi người dân có thể bớt cảnh giác sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
(AFP) – Nam danh ca JoeyStarr chọn thể hiện nhạc phẩm Océan d’amour – Biển Yêu của cố ca sĩ Christophe để thay lời cảm ơn nhân viên y tế đang đương đầu với virus corona.
Như tất cả các sinh hoạt văn hóa trong thời Covid-19, nhạc phẩm này được phổ biến trên video, tiền quảng cáo được JoeyStarr dành trọn để hỗ trợ tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới.
(AFP) – Nhờ phong tỏa, cá heo tung tăng ở eo biển Bosphore.
Ít tầu bè qua lại, ít thuyền đánh cá, eo biển Bosphore chia cách châu Âu và châu Á, yên tĩnh đến lạ kỳ. Nhưng với đàn cá heo, đây là thời khắc sung sướng nhất. Lệnh phong tỏa do Thổ Nhĩ Kỳ ban hành khiến cho các hoạt động lưu thông trên biển giảm mạnh, cá biển dồi dào hơn và thu hút từng đàn cá heo đổ về kiếm mồi.
http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200427-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 27/4:

Triều Tiên đưa tin

Kim Jong Un khen người lao động

Lục Du
Sáng nay, thứ Hai (27/4), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả một số tin thế giới nổi bật đêm qua:
Triều Tiên đưa tin Kim Jong Un khen người lao động
Hôm Chủ nhật, truyền thông Triều Tiên đưa tin rằng lãnh đạo Kim Jong Un “đánh giá cao” những người lao động đang xây dựng các cơ sở hạ tầng ở một thành phố nằm gần biên giới phía Bắc, theo Yonhap.
“Đồng chí Kim Jong Un đánh giá cao những người lao động đang làm việc hết mình để xây dựng Samjiyon”, báo nhà nước Triều Tiên Rodong Sinmun tuyên bố. “Những công nhân ở đó đang hăng say đóng góp một cách hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng một cường quốc xã hội chủ nghĩa và không lúc nào quên sự kỳ vọng và tin tưởng của đảng đối với họ”.
Hãng tin CNN nói hiện chưa xác thực được bài báo của Rodong Sinmun, cũng chưa rõ có thật lời cảm ơn đến từ Kim hay không.
Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục giữ im lặng về tình trạng sức khỏe của ông Kim trong bối cảnh có nhiều tin đồn rằng lãnh đạo tối cao bị hôn mê hoặc thậm chí đã qua đời. Giới tình báo Mỹ, Hàn nghi ngờ thông tin rằng Kim gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Ả Rập Xê Út bỏ luật xử tử trẻ vị thành niên
Ả Rập Xê Út đã quyết định không áp dụng án tử hình đối với các cá nhân phạm tội khi còn ở tuổi vị thành niên, Ủy ban Nhân quyền (HRC) của nước này tuyên bố, sau khi trích dẫn một sắc lệnh hoàng gia của Vua Salman, theo Reuters.
Thay vì phải chịu án tử hình như trước kia, những trẻ vị thành niên phạm tội giết người chỉ bị bắt đi cải tạo không quá 10 năm trong các trại giam dành riêng cho đối tượng này. Tuy nhiên vẫn chưa rõ khi nào quy định mới sẽ được áp dụng.
Ả Rập Xê Út đã xử tử 184 tù nhân vào năm 2019, trong đó có ít nhất một tử tù là trẻ vị thành niên. Quy định xử tử đối với người ở tuổi vị thành niên trước đây ở Ả Rập Xê Út là trái với công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc mà nước này đã phê chuẩn.
Thủ tướng Anh đã trở lại nhà tại Phố Downing
Thủ tướng Anh, Boris Johnson, đã trở lại nhà của mình ở Phố Downing vào Chủ nhật sau khi điều trị thành công bệnh Covid-19. Ngoại trưởng Anh, ông Dominic Raab, cho biết ông Johnson có tinh thần tốt và sẽ bắt đầu làm việc “toàn thời gian” vào ngày thứ Hai, Reuters đưa tin.
Ông Johnson, 55 tuổi, đã phải điều trị tích cực trong 3 ngày ở phòng cấp cứu sau khi bệnh viêm phổi Vũ Hán của ông trở nặng. Khi được xuất viện, ông Johnson đã có hai tuần phục hồi tại Checkers, quê nhà của ông.
Ông Mnuchin: Kinh tế Mỹ sẽ hồi phục nhanh sau đại dịch
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin, hôm Chủ nhật, khẳng định nền kinh tế Mỹ sẽ sớm phát triển trở lại sau đại dịch, mặc dù có cảnh báo rằng Covid-19 sẽ còn tác động tiêu cực trong thời gian dài, theo AFP.
“Tôi nghĩ khi chúng ta bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế vào tháng 5 và tháng 6, bạn sẽ thấy nền kinh tế thực sự hồi phục vào tháng 7, tháng 8, và tháng 9”, ông Mnuchin nói với Fox News.
“Chúng tôi đang xúc tiến một khoản tài chính cứu trợ chưa từng có cho nền kinh tế. Bạn sẽ nhìn thấy hàng nghìn tỷ đô la được rót vào nền kinh tế, tôi nghĩ rằng điều này sẽ có tác dụng đáng kể”, ông Mnuchin cho biết thêm.
Nghị viện Mỹ tuần qua đã thông qua dự luật cứu trợ kinh tế trị giá 483 tỷ đô la bổ sung vào gói tài chính khẩn cấp trị giá 2,2 nghìn tỷ đô la được thông qua vào giữa tháng Ba.
Covid-19 tiến triển tốt, New York lên kế hoạch mở cửa trở lại
Số người chết vì virus Vũ Hán ở bang New York, Hoa Kỳ, đã giảm xuống 367 vào ngày Chủ nhật, đây là mức thấp nhất trong gần một tháng qua. Chính quyền New York đang lên kế hoạch mở cửa trở lại vào ngày 15/5, địa điểm đầu tiên được gỡ bỏ phong tỏa có thể là vùng ngoại ô thành phố New York, theo Bloomberg.
Ông Cuomo cho biết thêm, sẽ có khoảng dừng 2 tuần sau lần mở cửa đầu tiên để đánh giá tình hình. Căn cứ trên số ca nhiễm và bệnh nhân nhập viện sẽ quyết định việc mở cửa tiếp theo.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-27-4-trieu-tien-dua-tin-kim-jong-un-khen-nguoi-lao-dong.html

Điểm tin thế giới chiều 27/4

Hàn Quốc: ‘không dấu hiệu bất thường’

về sức khỏe Kim Jong Un;

Đại sứ Trung Quốc dọa tẩy chay Úc

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều Thứ Hai (27/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Hàn Quốc quả quyết ‘không dấu hiệu bất thường’ về sức khỏe Kim Jong Un
Các quan chức Hàn Quốc đang kêu gọi thận trọng khi nhiều báo cáo cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể bị đau ốm hoặc đang cách ly tránh dịch nCoV.
Hãng Reuters cho hay, tại một hội thảo kín hôm Chủ nhật (26/4), Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul quả quyết chính phủ Hàn Quốc có đủ các năng lực thông tin tình báo để có thể tự tin nói về việc này và không có gì bất thường xảy ra.
Bộ trưởng Yeon-chul hoài nghi về những tin tức nói rằng Kim Jong Un trải qua phẫu thuật. Ông cho rằng bệnh viện được đề cập đến không có khả năng thực hiện một ca mổ như vậy.
Đại sứ Trung Quốc tại Úc dọa tẩy chay Úc
Theo AFP ngày 27/4, ông Cheng Jingye, Đại sứ Trung Quốc tại Úc đã dọa Úc rằng, các yêu cầu về một cuộc điều tra sự lây lan virus corona có thể dẫn đến việc người tiêu dùng tẩy chay rượu vang Úc cũng như các chuyến du lịch Úc châu.
Úc đã cùng với Mỹ yêu cầu một cuộc điều tra kỹ lưỡng về cách thức virus đã biến đổi từ một dịch bệnh ở địa phương trở thành một đại dịch khiến hơn 200.000 người mất đi sinh mệnh, buộc hàng tỷ người bị cách ly và làm tổn thương nhiều nền kinh tế toàn cầu.
Hàn Quốc tổ chức kỷ niệm 2 năm Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều
Hàn Quốc đã tổ chức một buổi lễ tái khẳng định cam kết nối lại tuyến đường sắt liên Triều. Sự kiện nhằm đánh dấu 2 năm Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 27/4/2018.
Theo Yonhap, buổi lễ diễn ra hôm thứ Hai (27/4), tại nhà ga Jejin ở cực bắc Hàn Quốc tại bờ biển phía đông.
Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư 2,3 tỷ USD để xây dựng tuyến đường dài hơn 110 km từ thành phố ven biển phía đông Gangneung đến thị trấn Jejin, vốn ngừng hoạt động từ năm 1967.
Buổi lễ diễn ra trong bối cảnh ông Kim Jong Un vắng bóng trước công chúng.
Thủ tướng Anh quay trở lại làm việc
Hãng tin Reuters cho hay, vào hôm thứ Hai (27/4), khi quay trở lại làm việc, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cảm ơn người dân nước Anh vì đã tuân thủ lệnh phong tỏa.
Đầu tháng này, ông Boris đã được đưa vào bệnh viện St.Thomas ở trung tâm London sau khi nhiễm virus corona với các triệu chứng ho và sốt kéo dài. Sau vài ngày điều trị ở khu chăm sóc đặc biệt, Thủ tướng Anh đã dần hồi phục sức khoẻ và được xuất viện khi tái xét nghiệm với kết quả âm tính.
Thủ tướng Boris, 55 tuổi, sẽ giành lại quyền kiểm soát chính phủ.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-27-4-han-quoc-khong-dau-hieu-bat-thuong-ve-suc-khoe-kim-jong-un-dai-su-trung-quoc-doa-tay-chay-uc.html

Tạp chí Việt Nam

Đồng bằng sông Cửu Long chống chọi

với hạn, mặn và đập thủy điện Trung Quốc

Thu Hằng
Do dịch Covid-19, sự chú ý của công luận đối với tình trạng hạn hán và nước biển xâm lấn ở đồng bằng sông Cửu Long (Mêkông) đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Theo báo mạng Le Courrier du Vietnam (14/02), vào tháng 02/2020, khoảng 79.700 hộ trong khu vực không có nước sạch sử dụng hàng ngày. Nhiều xe bồn đã được huy động chở nước cung cấp cho khoảng 40.000 hộ dân ở những khu vực xa xôi nhất thuộc các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau và Trà Vinh.
Năm 2020, nước mặn xâm nhập không thua gì năm 2015-2016. Giai đoạn 08-13/04 là thời điểm nước biển xâm lấn đạt mức cao nhất, vẫn theo Le Courrier du Vietnam. Sau đó, tình trạng này giảm dần cho đến tháng Năm, nhưng vẫn ở mức cao. Năm 2019, hạ lưu sông Mêkông từng trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng do các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn đã cố tình giữ nước. Hiện tượng bất thường này được công ty nghiên cứu và tư vấn Mỹ Eyes on Earth Inc, do bộ Ngoại Giao Mỹ tài trợ, công bố ngày 12/04/2020.
Để hỗ trợ người dân tám tỉnh đang chịu thiên tai, ngày 10/04, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phê chuẩn chương trình trợ giúp 530 tỉ đồng (hơn 22,7 triệu đô la) : Năm tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang, mỗi tỉnh được nhận 70 tỉ đồng ; ba tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và Bạc Liêu, mỗi tỉnh được nhận 60 tỉ đồng.
Kinh phí trên được dành cho việc triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, như bơm nước ngọt, nạo kênh, xây kè giữ nước ngọt, đào ao và giếng, mở rộng mạng lưới dự trữ nước, mua trang thiết bị lọc và giữ nước, phân phối nước…
Những biện pháp trước mắt này là hữu hiệu, nhưng phải tính phương án xa hơn. Đây là nhận định với RFI Tiếng Việt của tiến sĩ Dương Văn Ni, chủ tịch Quỹ Nghiên cứu và Bảo tồn Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Quỹ Nghiên cứu và Bảo tồn Mekong, Mekong convervancy Foundation, MCF). Trách nhiệm nghiêm trọng của các đập thủy điện Trung Quốc trên thượng nguồn cũng được tiến sĩ Dương Văn Ni phân tích trong buổi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt.
*****
RFI : Thưa tiến sĩ, đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua một đợt hạn hán và nước biển xâm lấn nghiêm trọng. Xin ông cho biết nghiêm trọng đến mức nào ?
TS. Dương Văn Ni : Theo báo cáo của các địa phương, so với năm 2015-2016, chúng ta có 10 tỉnh tuyên bố thiên tai so với 12 tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay, đến giờ phút này (tháng 04/2020), có 7 tỉnh đã công bố thiên tai. Như vậy, so về mức độ ảnh hưởng, năm nay không bị ảnh hưởng nhiều như năm 2015-2016.
Tuy nhiên, đó là vấn đề mang tính hành chánh. Còn trong thực tế, năm 2020 này, nước mặn xâm nhập không thua gì năm 2015-2016. Dù nước mặn xâm nhập nhiều, nhưng dù sao bà con ở vùng duyên hải ít bị thiệt hại hơn 2015-2016 là bởi vì vào năm 2015-2016, bà con không có tư thế chuẩn bị, bởi vì cả mấy chục năm trước đó không có xuất hiện cái mặn gay gắt như vậy, thành thử ra người ta cũng chủ quan. Thứ hai là chính sách Nhà nước lúc đó vẫn giữ diện tích lúa vì sợ ảnh hưởng tới an ninh lương thực, thành thử ra không cho phép người dân chuyển đổi.
Sau 2015-2016, nhiều địa phương rút kinh nghiệm và người ta cũng chuyển đổi một số diện tích, không trồng lúa nữa. Thành thử ra năm 2020 này, mặc dầu mặn xâm nhập sâu cũng không thua gì năm 2015-2016 nhưng mức độ thiệt hại thấp hơn 2015-2016, bởi vì người dân đã được cảnh báo trước.
RFI : Đâu là những nguyên nhân giải thích hiện tượng này ?
TS. Dương Văn Ni : Nói về mặn của đồng bằng sông Cửu Long thì chắc chắn chúng ta biết rồi, bản chất của đồng bằng sông Cửu Long được hình thành trong hai môi trường nước : nguồn nước ngọt trong mùa mưa và nguồn nước mặn trong mùa khô.
Vào mùa mưa, nó hình thành được là do nguồn nước ngọt truyền tải phù sa từ phía thượng nguồn về bồi thêm cho đồng bằng. Nhưng trong mùa nắng, thì nó lại nhờ dòng nước biển xâm nhập vào và mang phù sa biển vào để bồi cho vùng duyên hải. Vậy thì tự nhiên đã như thế rồi ! Hàng năm nước biển xâm nhập vào, tùy lượng nước ngọt trên phía thượng nguồn đưa về. Năm nào nguồn nước ngọt phía thượng nguồn đưa về nhiều và kéo dài khi mùa mưa chấm dứt thì mùa khô năm đó, mặc dầu đã dứt mưa giống như những năm bình thường, nhưng mà do lượng nước ở trên còn dồi dào đổ về, thành thử nó đẩy nước mặn ra ngoài biển, năm đó cái mặn xâm nhập vào đồng bằng ít hơn.
Nói nôm na lại, ở đồng bằng sông Cửu Long, cái mặn ngọt của vùng duyên hải lệ thuộc vào mấy yếu tố. Yếu tố thứ nhất là nguồn nước mặn, dồi dào đến mức độ nào. Yếu tố thứ hai là kiểu sử dụng đất của người dân. Ví dụ người dân trên vùng thượng nguồn hoặc ở những tỉnh phía trên, họ sử dụng nước để tưới tiêu nhiều thì sẽ chặn nguồn nước ngọt lại, do đó không đủ nước ngọt về bên dưới và bên dưới bị ảnh hưởng mặn. Yếu tố thứ ba là do mưa. Có nhiều năm, vùng duyên hải của đồng bằng sông Cửu Long nhận được một lương mưa khá lớn, từ 1.800 đến 2.200 mm. Do đó, lượng mưa này đóng góp rất đáng kể cho chuyện làm bớt mặn vùng này.
Ba nguồn nước này, nguồn nước mặn, nước mặt (nước ngọt) và nước mưa cùng kiểu sử dụng đất quyết định vấn đề mặn ngọt của vùng duyên hải của đồng bằng sông Cửu Long.
Nhưng mà mấy năm gần đây, chúng ta biết là trên chuỗi sông Mêkông, từ phía Trung Quốc, qua tới Lào qua tới Thái Lan, Campuchia và xuống tới Việt Nam, thì trên dòng sông này, trong tự nhiên, nó có rất nhiều vùng chống ngập, những vùng chứa nước rất nhiều vào mùa mưa. Vào mùa khô, nó phóng thích từ từ ra dòng sông và chảy xuống dưới phía đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Điển hình nhất là Biển Hồ (Tonlé Sap) bên Campuchia, mỗi năm tích trữ một lượng nước khổng lồ. Khi mùa khô, hết mưa, nó cũng phóng thích từ từ ra dòng sông và do đó cũng góp phần đẩy mạnh, làm cho cái mặn của đồng bằng sông Cửu Long giảm đi.
RFI : Những công trình đập nước, nhà máy điện trên thượng nguồn sông Mêkông tác động như thế nào đến hiện tượng này ?
TS. Dương Văn Ni : Chúng ta có thể kết luận một cách chắc chắn mà không cần phải tranh cãi gì nữa, những đập thủy điện này tác động rất trầm trọng đến chế độ thủy văn của đồng bằng sông Cửu Long. Nói tác động trầm trọng, có nghĩa như thế nào ? Có nghĩa là có những năm bình thường, nói nôm na như người dân nói là « mưa thuận gió hòa », thì không có vấn đề gì xảy ra cả. Các đập thủy điện này ngăn nước để phát điện. Họ ngăn nhưng họ cũng phải xả nước. Vào những năm mưa thuận gió hòa, lượng nước về bình thường, nói chung không ảnh hưởng gì lớn.
Nhưng những năm thời tiết cực đoan, ví dụ hạn hán như năm nay, thì nguyên tắc của đập thủy điện là phải trữ nước, đủ nước mới phát điện được, thành thử ra, quá trình họ trữ nước, chắc chắn phía hạ du sẽ không thể nào nhận đủ nước. Nói tóm lại, những năm bị khô hạn thì những đập thủy điện này làm cho khô hạn thêm, như năm nay. Ngược lại, vào những năm mưa nhiều, khi đập thủy điện đã tích đầy, thì có ngưỡng an toàn, không thể nào tích cao hơn được nữa. Nếu tích cao hơn, trọng lượng của khối nước bên trên lớn hơn tính toán của đập, có thể làm vỡ đập và họ bắt buộc phải xả bỏ. Nói tóm lại, trong
những năm mưa nhiều, trong khi phía hạ du nước đã ngập rồi, thì các đập thủy điện lại xả nước, làm ngập thêm.
Do đó, các đập thủy điện có tác động, có thể nói, đối với nước, năm nào hạn thì sẽ trầm hạn, làm cho hạn hán trầm trọng thêm. Ngược lại, năm nào lũ thì sẽ chồng thêm lũ, làm trận lũ đó lớn thêm.
RFI : Vào đầu tháng 04/2020, thủ tướng Việt Nam đã thông qua kế hoạch hỗ trợ 530 tỉ đồng cho 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khoản kinh phí này có đủ giúp cải thiện tình hình, cũng như trợ giúp người nông dân trong vùng không ?
TS. Dương Văn Ni : Với số tiền đó, nếu tính đều ra cho 8 tỉnh duyên hải của đồng bằng sông Cửu Long thì không đáng là bao nhiêu cả. Nhưng số tiền đó tập trung vào giải quyết vấn đề nước sinh hoạt, thì có ý nghĩa tương đối tốt.
Tại vì nếu nói về nước, chúng ta chia làm mấy loại nước. Nước dùng để uống, để sinh hoạt hàng ngày tắm giặt và nước dùng để sản xuất. Với số tiền đó, nếu chính quyền địa phương từng nơi tập trung vào nguồn nước để người dân ăn uống, sinh hoạt, thì tôi cho rằng số tiền đó có ý nghĩa đáng kể.
Nhưng nếu số tiền đó để tập trung giải quyết nguồn nước sản xuất, thì chẳng thấm vào đâu bởi vì sản xuất cần nhiều nước lắm.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Dương Văn Ni, chủ tịch Quỹ Nghiên cứu và Bảo tồn Mekong.
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200427-%C4%91%E1%BB%93ng-b%E1%BA%B1ng-s%C3%B4ng-c%E1%BB%ADu-long-ch%E1%BB%91ng-ch%E1%BB%8Di-v%E1%BB%9Bi-h%E1%BA%A1n-m%E1%BA%B7n-v%C3%A0-%C4%91%E1%BA%ADp-th%E1%BB%A7y-%C4%91i%E1%BB%87n-trung-qu%E1%BB%91c

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?