Vì sao người dân Sài Gòn kêu gọi tẩy chay vải thiều Bắc Giang?

RFA 

Bài bình luận của Hoàng Mai

2021-06-21

Vì sao người dân Sài Gòn kêu gọi tẩy chay vải thiều Bắc Giang?
 Photo: RFA















Ngay sau khi những comments được đăng group chat như dưới đây, đã xuất hiện các phản ứng của người dân Sài Gòn.

vai1.jpeg

Liên tiếp vài ngày nay, trên các nhóm Facebook, người dân Sài Gòn chuyền tay ảnh chụp trên cùng với ảnh chụp bài báo, trong đó Ủy ban tỉnh Bắc Giang yêu cầu không dùng từ giải cứu với vải thiều.

Yêu cầu này là về truyền thông và marketing, vì khi trên báo chí và truyền thông xã hội từ giải cứu thì giá cả của nông sản bị kéo tụt, thương lái tranh thủ ép giá nông dân ở vườn nhưng bán ra giá cao-lợi dụng tấm lòng giúp đỡ của đồng bào. Đồng thời, một số thương lái cấu kết với một số nông dân tuồn ra thị trường sản phẩm non kém chất lượng, khiến người tiêu dùng tham gia “giải cứu” cảm thấy bị lừa. Cảm giác này ảnh hưởng đến tất cả các nông sản bị “giải cứu” khác, khiến việc tiêu thụ nông sản trở nên khó khăn.

vai 3.jpg

Đây là yêu cầu rất bản lĩnh và đúng đắn.

Tuy nhiên, bình luận xấu xa kể trên đã khiến chương trình hỗ trợ tiêu thụ vải thiều bị xoay chiều một cách tức tưởi.

Suốt mấy hôm nay, ảnh chụp bình luận trên được mang đi khắp các nhóm hội lớn trên mạng Facebook và chưa có dấu hiệu dừng. Mỗi một lần post, nó nhận được vài trăm bình luận, cả ngàn lượt icon phẫn nộ và hàng chục lượt share. Tuyệt đại đa số bình luận đều giống nhau: cho biết bản thân và gia đình đã nhanh chóng mua vải ủng hộ người dân Bắc Giang như thế nào, kêu gọi bạn bè ủng hộ ra sao dù trái vải không phải sở thích hàng đầu, tự trách mình ngu ngốc, lên án người dân Bắc Giang vô ơn, vô văn hóa, thề không mua vải Bắc Giang hay tất cả trái cây miền Bắc nữa, quay về miền Nam mua sầu riêng, chôm chôm, nhãn… cho nông dân miền Nam.

Số bình luận còn lại trách người chủ bán hàng sao lại đi bán mặt hàng nhạy cảm như vậy vào thời điểm này. Số khác khuyên nên bán nông sản của miền Nam, họ sẽ ủng hộ.
Trong cả ngàn bình luận, lác đác khoảng bốn năm người mua hàng. Tình hình hoàn toàn trái ngược với khoảng một tuần trước đây, khi các trang thương mại điện tử và KOKs mở ra chương trình bán vải ủng hộ người dân Bắc Giang đều bán sạch hàng trong thời gian rất ngắn. Ở đây chỉ xin nói đến số vải chở vào Sài Gòn, từ đó phân chia đi các nơi vì phía Bắc vốn đã có thói quen ăn vải trong mùa này.
Sự tẩy chay căng thẳng đến nỗi người bán hàng phải nhiều lần thanh minh rằng họ chỉ là người mua bán (tức không liên quan đến nội dung bình luận kể trên, thậm chí phải nói mình không phải người Bắc Giang), hàng của mình ngon và giá nới. Cao điểm, họ phải nói rằng bán hết đợt này thì không bán vải tươi nữa.
Thật khổ sở cho một người tiểu thương, chỉ buôn bán vô tư mà cuối cùng “nằm không cũng dính đạn”.

Và thật oan ức cho người nông dân Bắc Giang. Cứ cho rằng bình luận nói trên xuất phát từ một người trồng vải thực thụ sống ở vùng vải Lục Ngạn Bắc Giang thì sự ngu xuẩn đó cũng không hề đại diện cho suy nghĩ, tâm tư của số đông chủ vườn vải. Hơn thế, ý nghĩa thực sự của yêu cầu không dùng từ giải cứu vốn nhằm mục đích giữ giá trị thật của nông sản, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nông dân… đã bị hiểu quá sức sai lệch bóp méo.

Trái vải thiều Bắc Giang, cũng như chôm chôm, nhãn, như sầu riêng Chuồng Bò, sầu riêng Ri6, măng cụt Lái Thiêu, khoai lang mật Đà Lạt, bưởi Diễn, cam Bố Hạ… đều là những đặc sản nức tiếng không chỉ của một vùng. Sầu riêng bán qua Úc, vải thiều bán sang Nhật giá đều lên chót vót. Giá trị của chúng được khẳng định qua nhiều năm, là điều không thể bàn cãi.
Người nông dân một nắng hai sương chăm sóc vườn cây, mong bán được giá, đủ tiền yên tâm sinh sống và tái đầu tư, mong muốn cuộc sống ngày càng tốt hơn, là mong muốn không thể chính đáng hơn, bất kể họ trồng ra cây gì, sinh sống ở địa phương nào.

Người tiêu thụ thích thưởng thức mọi thứ đặc sản cả phương gần lẫn phương xa, sẵn sàng trả tiền cho nhu cầu của mình, cũng sẵn sàng móc ví ủng hộ đồng bào đang gặp khó khăn, dù bản thân không thật cần thiết. Nhu cầu là sòng phẳng nhưng tình nghĩa cũng nặng sâu không thể diễn tả bằng lời.

vai 2.jpg

Hàng chục năm qua, người dân cả nước đã chan hòa với nhau như vậy. Đất Sài Gòn, cái túi dung chứa tất cả, gánh gồng nặng nhất nước lại càng nặng tình hơn hết thảy, hào hiệp hơn hết thảy. Dân Sài Gòn có đủ cả người Bắc Giang, địa phương đang bị lôi vào cuộc giận dữ tẩy chay. Chắc chắn trong số những người đang bị tẩy chay (lây và oan ức) ấy, không ít người đã từng và sẽ tiếp tục giang tay giúp đỡ người dân những địa phương khác đang gặp khó khăn. Vì khi đã hòa nhập vào Sài Gòn, người ta dễ dàng trở thành hào hiệp; cái khí chất đặc biệt của vùng đất nó biến đổi con người lạ lùng như vậy. Sài Gòn không chỉ là một địa danh mà là ngôi nhà chung. Hơn thế, nó là cách gọi một lối sống đáng tự hào. Cho dù sinh sống nhiều năm ở hải ngoại, người Sài Gòn vẫn là người Sài Gòn; vẫn hào sảng đến nỗi lắm khi thành dễ dãi.

Cho nên nhìn những chửi rủa qua lại, những giận dữ dằn dỗi ngày càng lan rộng, tôi vừa buồn vừa giận. Nhất là khi tham gia vào đó có khá nhiều nhà báo, người hoạt động xã hội, người làm doanh nghiệp, KOLs… Thậm chí là bà Vũ Kim Hạnh- người thực hiện chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao với tiêu chí cốt lõi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tiêu chí của chương trình toàn quốc này có khác gì việc Bắc Giang yêu cầu không dùng từ giải cứu để hạ giá nông sản của họ? Khác gì việc Chính phủ kêu gọi người dân tiêu thụ vải Bắc Giang giúp nông dân Bắc Giang vượt qua mùa dịch? Vậy tại sao lại đem điều ấy ra mà dỗi hờn, tẩy chay?
Cùng với tình nghĩa, rõ ràng người tiêu thụ không thể bỏ qua chất lượng: mùa vải này vô cùng ngon; nếu chất lượng quả vải tồi tệ thì đã không thể đạt được sự ủng hộ nhanh và mạnh đến như vậy ở phía Nam như vừa rồi.
Một kg vải bán đi xa, hàng chục người có công ăn việc làm, giúp nhau sống qua mùa dịch.

Vậy tại sao chỉ vì một mẩu rác bị vứt vào sân mà chúng ta đã vội hùa nhau đá phản lưới nhà?

Nếu cứ giữ tâm thế không tìm hiểu cho đến ngọn nguồn này, tâm trí dễ bị dẫn dắt này, sự tự ái khá vô lý và dễ bị kích động này, tất cả chúng ta được lợi ích gì? Nếu người trong một nước mà đã để bình luận ngu xuẩn của cá nhân vô danh nào đó có thể dễ dàng khơi lên cơn sốt tẩy chay hàng hóa của những người vô tội khác, liệu nó có lặp lại với hàng hóa Việt Nam khi lưu thông trên thế giới? Nếu người các nước khác cũng cư xử như chúng ta, thì có thể một bình luận ngu xuẩn nào đó của cá nhân nói tiếng Việt nào đó về Nhật, Úc, Mỹ, Anh… sẽ dấy lên cơn sốt tẩy chay gạo, cà phê, hồ tiêu, cá basa… hay không?
Sự hiểu biết của chúng ta đâu rồi?

Sài Gòn của tôi ơi, bình tĩnh lại đi, mau tỉnh lại!

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?