Điểm báo Pháp

Phật Giáo cực đoan tại Châu Á

Một cuộc biểu tình tại Rangoon phản đối tạp chí Time số ra đặc biệt nhan đề "The Face of Buddhist Terror" (Bộ mặt của sự tàn bạo ở Phật tử), nói về nhà sư Miến Điện U Wirathu,  lãnh đạo phong trào chống Hồi giáo, 30/06/2013.
Một cuộc biểu tình tại Rangoon phản đối tạp chí Time số ra đặc biệt nhan đề "The Face of Buddhist Terror" (Bộ mặt của sự tàn bạo ở Phật tử), nói về nhà sư Miến Điện U Wirathu, lãnh đạo phong trào chống Hồi giáo, 30/06/2013.
Reuters

Lê Phước
Từ hơn một năm nay, phong trào Phật Giáo cực đoan 969 tại Miến Điện bắt đầu thu hút dư luận thế giới qua việc các nhà sư cực đoan tấn công người Hồi Giáo. Tuy nhiên, tuần báo Courrier International số ra tuần này dành hồ sơ cho biết, Phật Giáo cực đoan không là chuyện riêng của Miến Điện mà còn hiện hữu ở nhiều nước trong khu vực. Hồ sơ mang dòng tựa : « Cội nguồn của Phật Giáo cực đoan ».


Nhìn về Miến Điện, Courrier International trích dịch bài của trang mạng của người Miến Điện tại Thái Lan, Irrawaddy với dòng tựa : «Nhà sư và quân nhân có cùng trận chiến ». Tờ báo đề cập đến phong trào Phật Giáo cực đoan 969. Phong trào này ra đời hồi năm 1997, với khẩu hiệu là « ba mối đoạn tuyệt » với người Hồi Giáo : Đoạn tuyệt quan hệ thương mại ; không kết hôn ; chấm dứt tất cả các mối quan hệ xã hội (ngay cả không được trò chuyện với người Hồi Giáo).
Từ tháng 6 năm 2012, phong trào 969 đã bắt đầu tấn công đánh đập người Hồi Giáo, đốt phá nhà cửa và đền thờ Hồi Giáo. Tờ báo còn dẫn lại một buổi giảng đạo của một chức sắc của 969 và nhận định rằng, với nhân vật này đã có lời lời lẽ kích động và đó rõ ràng không phải là buổi giảng đạo, mà là một cuộc mít tinh đậm màu chính trị.
Tờ báo nhấn mạnh, phong trào 969 tuy mới nổi lên gần đây, nhưng hiện tượng Phật Giáo cực đoan đã tồn tại từ lâu ở Miến Điện. Quân đội bắt đầu cầm quyền ở nước này từ năm 1962, và mấy chục năm qua, nhà cầm quyền luôn theo đuổi chính sách kích động mâu thuẫn tôn giáo gây mất ổn xã hội, để củng cố vai trò của quân đội. Bởi thế, các hành động cực đoan của người Phật Giáo đã luôn được dung dưỡng.
Đề cập đến Sri Lanka, Courrier International dẫn lại bài của nguyệt san The Caravan tại New Delhi cho biết, từ ba năm nay, làn sóng người Phật Giáo cực đoan tấn công tín đồ Hồi Giáo bắt đầu trở nên dữ dội. Ở nước này, có đến 74% dân số theo Phật Giáo và chỉ có 7,6% theo Hồi Giáo. Chính quyền thì công khai theo Phật Giáo. Bởi thế, có nhiều trường hợp người Phật Giáo cực đoan tấn công, bắt bớ và hành hạ người Hồi Giáo mà không hề bị luật pháp trừng phạt. Hồi tháng 7 năm ngoái, một nhóm Phật Giáo cực đoan đã ra đời với cái tên hết sức hiếu chiến « Quân đội của chính quyền Phật Giáo ». Nhóm này đã đe dọa dọa sử dụng vũ lực đối với người Hồi Giáo và kêu gọi tín đồ tẩy chay hàng hóa Hồi Giáo. Trong tình hình đó, người Hồi Giáo ở đây cũng bắt đầu phản khán tấn công lại người Phật Giáo. Và căng thẳng càng lên cao khi mà tình hình xung đột tôn giáo ở Miến Điện leo thang, bởi người Hồi Giáo tại Sri Lanka muốn trả thù cho người Hồi Giáo ở Miến Điện.
Liên quan đến Ấn Độ, Courrier International trích dẫn bài của tuần san Outlook tại New Delhi với dòng tựa có tính cảnh báo: ”Làn sóng bài Hồi Giáo dâng cao ». Tờ báo cho biết, Ấn Độ đang đối mặt với hồ sơ đau đầu về việc người Hồi Giáo tấn công vào lợi ích Phật Giáo ở nước này. Vụ việc gần nhất là vào ngày 07/07 vừa qua, một vụ nổ liên hoàn đã xảy ra tại một khu chùa Phật giáo Mahabodhi ở thành phố Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), bang miền đông Bihar. Đây là nơi được cho là đức Phật Thích Ca đã giác ngộ dưới cây bồ đề. Nguyên nhân vụ đánh bom được cho là do người Hồi Giáo ở đây muốn trả thù cho người Hồi Giáo đang bị người Phật Giáo hà hiếp tại Miến Điện.
Tờ báo còn cho biết thêm, Phật Giáo cực đoan không chỉ tồn tại ở Miến Điện. Tờ báo nhắc lại, Lãnh tụ Khơ Me Đỏ phạm tội ác diệt chủng tại Cam Bốt cũng từng là nhà sư thời trai trẻ, cũng là người sùng bái đức Phật.
Courrier International kết luận : Lòng từ bi của Đức Phật không chỉ dừng lại ở việc từ chối dùng bạo lực đối với người khác, mà còn được thể hiện ở chỗ chấp nhận quyền sinh tồn của người khác ; thế nhưng, hiện tại, có những người theo Phật Giáo đã quên mất điều đó.

Trung Quốc : Báo động tình trạng gạo nhiễm chất gây ung thư

Tại Trung Quốc, tỉ lệ nghịch với sự tăng trưởng thần tốc của nền kinh tế, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn trong tình trạng báo động. Courrier International quan tâm đến chủ đề này qua bài trích dẫn của tạp chí Tân Thế Kỷ tại Bắc Kinh với dòng tựa : «Gạo nhiễm độc đang đầu độc người Trung Quốc ».
Tờ báo nhắc lại sự kiện vào tháng Năm vừa qua, Cục giám sát thực dược phẩm thành phố Quảng Châu (Quảng Đông) đã công bố kết quả nghiên cứu theo đó, có đến 44,4% gạo và các thực phẩm chế biến từ gạo có chứa độc tố gây ung thư cadmium (Cd). Điều đáng chú ý là, gạo mà người Quảng Châu dùng chủ yếu đến từ tỉnh Hồ Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên lúa gạo Hồ Nam bị cảnh báo nhiễm độc. Năm 2003, chính quyền ở đây đã thông báo có đến 20% lúa gạo địa phương nhiễm kim loại nặng độc hại. Năm 2006, tại một địa phương tỉnh Hồ Nam, đã có hàng trăm người bị ngộ độc từ cơm. Rồi năm 2009, một nghiên cứu chuyên ngành đã cho biết, trên 100 mẫu gạo lấy ở Hồ Nam, chỉ có 15 mẫu là đạt chuẩn an toàn về hàm lượng kim loại nặng.
Nguyên nhân gạo nhiễm độc là do dâu ? Theo Tân Thế Kỷ, Hồ Nam, tỉnh này chiếm đến 11% sản lượng sản xuất lúa gạo trên toàn Trung Quốc. Thế nhưng, đây cũng là một địa bàn trọng điểm của ngành khai thác mỏ kim loại của Trung Quốc như vàng, đồng hay kẽm. Các nhà máy khai thác quặng đã thải ra môi trường quá nhiều kim loại nặng độc hại, trong khi công tác môi trường tại Trung Quốc vẫn luôn không hiệu quả. Kết quả là nguồn nước trong khu vực bị nhiễm độc nghiêm trọng, và lúa gạo cũng bị vạ lây khi được người dân tưới tiêu bằng loại nước này.

Bán đảo Triều Tiên kỷ niệm 60 năm đình chiến

Hôm qua, ngày 27/7/2013, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đồng loạt cử hành trọng thể lễ kỷ niệm 60 năm hiệp định đình chiến. Thế nhưng, đó chỉ là hiệp định đình chiến, tức là hai nước vẫn coi như đang trong tình trạng chiến tranh. Và trong thực tế, quan hệ hiện tại giữa hai nước vẫn đang ở thế đối đầu, hòa bình liên Triều thời gian gần đây có khi còn « căng hơn sợi dây đàn ». Phản ánh tình hình đó, nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng Tám dành trọn một trang lớn đăng bài : « Cải tạo tư bản chủ nghĩa ở Hàn Quốc ».
Bài viết đề cập đến thái độ vẫn còn mang tính thù địch của phía Hàn Quốc qua việc nước này sở hữu một trung tâm dùng để « cải tạo » người dân đến từ miền Bắc. Trung tâm đó mang tên Hanawon, nằm kế cận thủ đô Seoul. Tờ báo cho biết, trung tâm hoạt động đúng như một trại tù cải tạo, tức học viên phải mặc đồng phục cải tạo, không được ra khỏi trại, không được xài điện thoại di động, xung quanh trại có kẽm gai bao bọc để phòng học viên trốn trại…
Đây là nơi mà người đến từ miền Bắc muốn sống hợp pháp ở miền Nam bắt buộc phải trải qua trong thời gian 3 tháng. Nội dung đào tạo là nhằm xóa đi những gì học viên đã được biết đến ở miền Bắc, và dạy cho họ những cái gì thuộc về xã hội miền Nam, trong đó trọng tâm là những cái gì thuộc về kinh tế thị trường, về doanh nghiệp, về tài chính…Và như lời bà giám đốc trung tâm tóm lược, là « dạy cho họ chủ nghĩa tư bản ».
Thế nhưng, học xong ở đây rồi, khi bước chân vào xã hội Hàn Quốc, thì người đến từ miền Bắc vẫn bị phân biệt đối xử. Họ rất khó tìm được việc làm, và nếu có việc làm thì đó cũng là những công việc hạ đẳng trong xã hội, tức là những công việc mà người bản địa miền Nam không chịu làm, những công việc « dơ bẩn, nặng nhọc và nguy hiểm ». Mỗi khi quan hệ hai miền căng thẳng, thì những người miền Bắc sống tại miền Nam lại bị người bản địa « nghi ngờ, khinh bỉ ».
Người Bắc Triều Tiên muốn đến được Hàn Quốc phải đi đường vòng sang nước khác chứ không thể vượt vĩ tuyến 38 bởi nơi đó quân đội hai bên lúc nào cũng dày đặc và luôn lăm le nhau. Thế nhưng, khi đến được miền Nam thì người miền Bắc lại bị phân biệt đối xử như lời một người miền Bắc sống tại Seoul cho Le Monde Diplomatique biết : « Chúng tôi luôn là những kẻ sống nhờ ». Tờ báo kết luận : « Tinh thần đoàn kết ở bờ Nam vĩ tuyến 38 hoàn toàn vắng bóng ».
Về phần mình, tuần san Courrier International trích dẫn bài của nhật báo Hankyoreh tại Seoul với hàng tựa : « Chiến tranh chưa kết thúc ». Tờ báo Hàn Quốc nhận định, lần kỷ niệm đình chiến năm nay, nguy cơ xung đột liên Triều vẫn luôn hiện hữu. Hàn Quốc thì « căng thẳng » bởi quyết tâm phát triển hạt nhân của miền Bắc, còn Bắc Triều Tiên thì trách cứ miền Nam tập trận với Mỹ.
Courrier International cũng trích dẫn bài viết của tờ nhật báo Roding Simun tại Bình Nhưỡng với dòng tựa : « Miền Bắc luôn phòng thủ ». Tờ báo khẳng định quyết tâm của miền Bắc khi cho biết : « Quân đội và nhân dân chúng tôi đã đoàn kết muôn người như một xung quanh vị nguyên soái đáng kính Kim Jong-un…Áp lực càng lớn, thì chúng tôi càng buộc phải tăng cường phương tiện tự vệ ».

Cam Bốt : Bầu cử quốc hội

Hôm nay là ngày bầu cử quốc hội tại Cam Bốt. Nhìn về sự kiện này, tuần san Le Nouvel Obervateur đăng bài nhận định mang tên : « Cam Bốt : Hun Sen và các cuộc bầu cử ».
Tác giả bài viết chỉ trích gay gắt chính sách điều hành mà ông cho là độc tài của chính phủ Hun Sen. Tác giả cũng chỉ trích sự tham quyền cố vị của ông Hun Sen khi nhắc lại, ông này tham gia lãnh đạo đất nước từ năm 1985, hiện đã 61 tuổi, và đã tuyên bố sẳn sàng tại nhiệm đến năm 74 tuổi. Liên quan đến cuộc bầu cử hôm nay, tác giả bài viết mỉa mai : Câu hỏi không phải là đảng nào sẽ thắng, mà là Đảng Nhân Dân của thủ tướng Hun Sen sẽ chấp nhận « từ bỏ » bao nhiêu ghế cho các đảng khác mà thôi.
Cuba : Ai sẽ kế vị Raul ?
Ngày 26 vừa qua, La Habana kỷ niệm 60 năm cách mạng Cuba, 26/7/1953-26/7/2013, nhân dịp này, tuần san L’Express đặc biệt dành bài giải mã gia phả nhà Castro, một vấn đề bấy lâu nay vốn được xem là bí mật của nhà cầm quyền Cuba.
Bài viết chạy tựa “Cách mạng gia đình”, dài 8 trang, đăng cây phả hệ bốn đời bắt đầu từ thời cha của Fidel Castro. Tờ báo cho biết, ông Fidel Castro có khoảng 10 người con (chính thức và không chính thức), trong đó đến hiện tại đa phần không theo con đường chính trị, và chưa thấy ai có tiềm năng kế tục quyền lực từ chủ tịch Raul Castro.
Ông Raul Castro thì có 4 người con, trong đó có đến ba người đang có chức trọng quyền cao trong bộ máy chính quyền. Nhân vật sáng giá nhất có thể kế vị ông Raul là người con trai một của ông tên là Alenjandro Castro. Người này hiện mang quân hàm đại tá và đảm nhiệm hai chức vụ quan trọng: Giám đốc cơ quan tình báo Bộ Nội Vụ và Trưởng ban chỉ đạo chiến dịch chống tham nhũng, do ông Raul thành lập cách đây vài năm. L’Express đánh giá: Nhân vật này có đầy đủ phẩm chất để trở thành người lãnh đạo của chế độ độc tài, đó là “Quyết đoán và nham hiểm”.
Nhân vật sáng giá thế hệ sau Alenjandro có thể là chàng thanh niên 29 tuổi tên Raul Guillermo. Người này là con trai của con gái trưởng Deborah của chủ tịch Raul Castro. Anh ta hiện có biệt danh là “Raulito” tức “Raul Nhỏ”. Dường như lúc nào anh cũng ở cách ông ngoại Raul Castro của anh không quá 1m bởi vì anh là… cận vệ thường trực của chủ tịch Raul.

Pháp : Luật cấm đeo khăn trùm Hồi Giáo có khả thi ?

Liên quan đến nước Pháp, tuần san Le Nouvel Observateur có bài đáng chú ý : « Khăn trùm Hồi Giáo, một mồi lửa ở ngoại ô ». Tờ báo đề cập đến vụ rắc rối vừa xảy ra tại Trappes, cách trung tâm Paris chừng 30 km. Vụ việc bắt nguồn từ việc ba cảnh sát kiểm tra một phụ nữ Hồi Giáo đeo khăn trùm kín cả mặt mũi. Hai bên đã xảy ra ẩu đả. Người phụ nữ thì tố cáo cảnh sát bạo hành và phân biệt chủng tộc. Sau đó, trong khu phố cô ta sinh sống nhiều người Hồi Giáo đã xuống đường tấn công cả cảnh sát. Một tuần trước đó, cũng ở địa phương này, một phụ nữ Hồi Giáo đeo khăn trùm đã bị tấn công bởi hai người Pháp thuộc phe cực hữu. Đây là một khu phố nổi tiếng là nhạy cảm và mất an ninh.
Bàn thêm về chiếc khăn trùm, tờ báo nhắc lại, hồi tháng 10/2010, Pháp đã thông qua luật cấm đeo khăn trùm kín mặt ở nơi công cộng, vi phạm sẽ bị phạt từ 30 đến 150 euro, nếu nặng có thể bị buộc tham gia khóa học gọi là « giáo dục tư cách công dân ». Luật này có hiệu lực từ tháng Tư năm 2011. Từ đó đến nay, cảnh sát đã tiến hành đến 705 vụ kiểm tra vi phạm. Có những trường hợp vi phạm nhiều lần, có phụ nữ Hồi Giáo bị phạt đến 46 lần. Luật cấm này đã bị nhiều người Hồi Giáo tại Pháp phản đối kịch liệt. Ngay cả cảnh sát cũng than phiền là luật thiếu khả thi vì đó là « những vụ kiểm tra nhạy cảm ».
Trang mạng Elaph tại Luân Đôn cũng có bài quan tâm đến vụ việc này, được Courrier International trích dẫn với dòng tựa : « Sai lầm của người Hồi Giáo ở Trappes ». Bài viết cho rằng, không chỉ ở Trappes, mà ở bất cứ nơi nào tại Châu Âu, luật pháp phải được áp dụng cho tất cả mọi người, kể cả người Hồi Giáo. Elaph mỉa mai : Thế mà lại có một số người Hồi Giáo cố tình không chịu hiểu.

Phương Tây tìm về thảo dược

Trong mùa hè nóng bức tại Pháp, tuần san L’Express dành một hồ sơ về thảo dược để mọi người có thể tận dụng mọi lúc mọi nơi. Hồ sơ chạy tựa lớn trên trang nhất : « Những loài cây có thể giúp chúng ta chữa bệnh ».
Hồ sơ dài đến 15 trang, giới thiệu nhiều loài cây cỏ hiện diện xung quanh con người trong cuộc sống hàng ngày, có thể chữa được nhiều chứng bệnh khác nhau như : mất ngủ, táo bón, căng thẳng, bất lực, lo âu, dị ứng…Tờ báo cũng nhân đó, nhắc lại rằng, việc trị bệnh bằng cây cỏ đã có mặt ở Trung Quốc, Ấn Độ và Ai Cập từ rất xa xưa. Sau đó, loại hình trị bệnh này đã được truyền đến phương Tây từ thế kỷ thứ 7. Đến thế kỷ 19, kỹ thuật y học phương Tây phát triển mạnh và người ta dần quên tác dụng thần kỳ của thảo mộc xung quanh. Từ những năm 1970, phương Tây mới bắt đầu quan tâm trở lại hồ sơ thảo dược. Và hiện tại, ở các nhà thuốc phương Tây luôn có nhiều loại dược phẩm có nguồn gốc thảo dược.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện