'Nhật đã trao búa lịch sử cho láng giềng'

Nguyễn Hoàng

Cập nhật: 15:21 GMT - thứ năm, 26 tháng 12, 2013

Thủ tướng Nhật Abe thăm Đền Yasukuni hôm 26/12 ở Tokyo.
Trung Quốc và Nam Hàn đã lên án việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 26/12/2013 đến thăm đền Yasukuni, nơi thờ phụng chiến binh Nhật bao gồm cả tội phạm chiến tranh.
Láng giềng của Nhật Bản xem đền Yasukuni là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt của Nhật trong và trước Thế chiến Hai và giới chức Hoa Kỳ nói chuyến thăm sẽ làm tăng căng thẳng tại khu vực nơi đang có tranh chấp lãnh thổ.
BBC tiếng Việt đã phỏng vấn giáo sư Jeff Kingston, giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Lịch sử và Châu Á Học, Temple University (cơ sở tại Tokyo).
Giáo sư Jeff Kingston: Về cơ bản, các chuyến viếng thăm đền Yasukuni là việc thăm viếng thể hiện lập trường chính trị của Nhật về lịch sử của Nhật đối với một số nước láng giềng châu Á. Do đó tôi nghĩ là có l‎‎ý do chính đáng để chính phủ Trung Quốc và Nam Hàn chỉ trích.
Cũng đừng quên rằng có nhiều người Nhật cũng chỉ trích việc thăm đền Yasukuni. Đó là vì từ năm 1978 có 14 tội phạm chiến tranh loại A được thờ tại đây và vì vậy Thiên hoàng Hirohito đã không thăm đền và con trai là Nhật hoàng Akihito cũng từ chối thăm đền. Do đó không chỉ láng giềng của Nhật bất bình mà nhiều người tại Nhật cũng phản đối các thông điệp mà những chính khách Nhật đưa ra khi thăm đền Yasukuni.
BBC: Ông nói tới 14 tội phạm chiến tranh loại A, nhưng ngoài ra có khoảng 2.5 triệu người chết, đa số là binh lính Nhật chết trận, vậy người dân thường không được tới đây viếng những người ngã xuống vì đất nước của họ hay sao?
"Tôi nghĩ rằng lịch sử đã và đang bị khai quật và chúng ta thấy thiếu ‎ý chí chính trị để vượt qua lịch sử thời chiến"
Giáo sư Jeff Kingston
Người dân thường tới đây không đưa ra thông điệp chính trị gây xúc phạm các nước láng giềng. Khi các chính khách tới thăm thì rất khác. Bởi vì họ ủng hộ quan điểm tôn vinh Đế Quốc Nhật Bản. Dó đó việc người dân tới đây để tưởng niệm người thân hy sinh trong các cuộc chiến khác nhau thì không có vấn đề gì cả. Nhưng chính khách thì khác vì họ ở vị trí khác và họ phải có trách nhiệm không xúc phạm tới láng giềng. Việc thăm viếng đền là điều gì đó có thể xem là vi hiến theo Tòa Tối cao Nhật Bản vì điều 20 của Hiến Pháp Nhật phân tách rõ giữa tôn giáo và nhà nước.
BBC: Chúng ta thấy có tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc tại Senkaku/Điếu Ngư. Có thể là những người thăm đền Yasukuni muốn thể hiện lập trường của họ, nhưng tại Trung Quốc rõ ràng là chính phủ không cản trở, nếu không muốn nói là làm ngơ, những cuộc biểu tình qui mô bài Nhật nhằm ghi điểm trong tranh chấp lãnh thổ?
Ông nói điểm đó là rất chính xác. Nhật đã trao chiếc búa lịch sử cho láng giềng của họ. Những bất bình không thể giải quyết được đối với lịch sử thời chiến vẫn đang có sức cộng hưởng cho thời điểm hiện tại. Và đây là chủ đề lớn. Và l‎ý do láng giềng của Nhật đã và đang tiếp tục dùng chiếc búa lịch sử này là vì như ông nói là họ củng cố tính chính danh.
Đặc biệt là sau sự kiện 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn, Đảng Cộng Sản Trung Quốc tìm kiếm cách tăng cường sự ủng hộ và tái tạo tính chính danh mới vì ‎ý thức hệ Chủ nghĩa Cộng sản đã chết và bị phá sản. Do đó họ đã triển khai các chiến dịch giáo dục lòng yêu nước từ đầu thập niên 1990 và thế hệ trẻ hơn tại Trung Quốc biết nhiều hơn và quan tâm nhiều hơn về lịch sử thời chiến và giới trẻ tại Trung Quốc cảm thấy tức giận vì lịch sử thời chiến. Do đó tranh chấp Senkaku là nơi để xả, là mục tiêu được chấp thuận để xả bức xúc.
Tại Trung Quốc từng có làn sóng biểu tình tại nhiều thành phố bài Nhật.
Tuy nhiên có nhiều người xuống đường biểu tình tại một loạt thành phố ở Trung Quốc chẳng liên quan gì tới Senkaku cả mà người ta bất bình vì những gì xảy ra ở Trung Quốc như thực trạng quan chức đưa người thân quen vào chỗ làm, lạm phát cao, mất tiền từ bất động sản, phân cách giàu nghèo, giới trẻ không tìm được việc làm ổn định…tức là tất cả những cảnh ngộ, bất công xã hội được dồn nén và có chỗ để thể hiện trong bối cảnh biểu tình bài Nhật. Do đó vấn đề của quá khứ và vấn đề của hiện tại được dồn nén vào một khuôn.
BBC: Có một khảo sát nói đa số người dân tại Trung Quốc chẳng ưa người Nhật và tương tự từ phía Nhật. Vậy các láng giềng có thể và không thể làm gì khi nhìn tới tương lai?
Khi 90% dân nước này ghét nước kia, chúng ta có thể làm gì? Đối với tôi đó là hồi chuông cảnh tỉnh và báo hiệu sự phá sản về lập trường của chính phủ cả hai nước. Nhật rõ ràng là chưa làm đủ khắc phục những vấn đề của quá khứ, nhưng Trung Quốc cũng chưa có động thái sẵn sàng nhảy tango. Do đó các bên phải sẵn sàng hiểu và thông cảm với nhau. Hòa giải là phải hai chiều và Nhật cũng đã từng có sáng kiến hòa giải và thử hòa giải.
Không chỉ Trung Quốc mà cả Nam Hàn phải có chỉ dấu rằng họ sẵn sàng hướng về tương lai thì Nhật sẽ có một số lý do để triển khai các sáng kiến hòa giải khác. Nhưng tôi không lạc quan lắm rằng lịch sử bỗng dưng sẽ được giải quyết êm thấm. Tôi nghĩ rằng lịch sử đã và đang bị khai quật và sẽ vẫn còn đậm nét về chính trị, nó cho thấy một biểu tượng về những gì sai trái tại khu vực và chúng ta thấy thiếu ‎ý chí chính trị để vượt qua lịch sử thời chiến.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?