Cơ cấu lại nợ Hy Lạp, một chủ đề kiêng kỵ trong các cuộc đàm phán

Theo RFI
Đức Tâm 
ngày 26-06-2015 13:59 
                            
mediaGiấm đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế Christine Lagarde (trái) và Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, Yanis Varoufakis, tại Bruxelles ngày 25/06/2015.REUTERS/Philippe Wojazer
Trong các cuộc đàm phán đầy khó khăn hiện nay giữa Hy Lạp và các chủ nợ tại Bruxelles, có một chủ đề được coi là « kiêng kỵ » : Cơ cấu lại nợ của Hy Lạp. Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh : Cho dù trước mắt, sự « sống còn » của Hy Lạp không phụ thuộc vào vấn đề này, nhưng về lâu dài, đây là hồ sơ không thể tránh né.
Từ nhiều tuần qua, vấn đề nợ của Hy Lạp bị gạt xuống hàng thứ yếu trong các cuộc thương lượng giữa Athens và các đối tác như Ủy ban Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE), các nước thành viên khu vực đồng Euro và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF). Bởi vì tình hình khẩn cấp hiện nay là Hy Lạp, đến cuối tháng Sáu này, phải thanh toán hơn 1,5 tỷ euro cho IMF và đến 20/07/2015, sẽ phải trả một khoản nợ lớn cho BCE. Nếu các bên liên quan không đạt được đồng thuận về kế hoạch cải cách của Athens – điều kiện tiên quyết để tháo khoán nốt hơn 1,5 tỷ euro ngay lập tức, thì Hy Lạp sẽ bị mất khả năng thanh toán.
Thế nhưng, ngoài hai thời điểm cận kề này, đối với chính phủ của Thủ tướng cánh tả cấp tiến Alexis Tsipras, về lâu dài, không một kế hoạch cứu trợ Hy Lạp nào trở nên bền vững và hoàn chỉnh nếu không đề cập đến việc xem xét lại khoản nợ công, tương đương 180% tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Trong các cuộc đàm phán, nếu như IMF gần như bất đồng với tất cả các đề nghị cải cách của Thủ tướng Tsipras, thì lại có cùng quan điểm với Athens, muốn mở hồ sơ nợ công của Hy Lạp.
Đức và một số đối tác khác không hề muốn, vì năm 2012, Hy Lạp đã được tái cơ cấu nợ, xóa bỏ nhiều khoản tín dụng của các chủ nợ tư nhân, vốn chiếm từ 15% đến 20% trong tổng nợ của Hy Lạp và có thời hạn thanh toán kéo dài trong nhiều thập niên. Nước Pháp thì có lập trường « trung dung » hơn, muốn mang lại một chút ánh sáng hy vọng cho hồ sơ nợ, chủ đề chính trong chiến dịch vận động tranh cử của Thủ tướng Tsipras. Nếu không, Paris lo ngại khu vực đồng euro, bị chao đảo từ 5 năm qua, không thể thoát ra khỏi khủng hoảng.
Ý thức được vấn đề, các đối tác của Hy Lạp, ngay từ năm 2012, đã tính tới việc « tái cơ cấu nhẹ » khoản nợ của Athens. Đây là thuật ngữ của chuyên gia Frederik Ducrozet, thuộc ngân hàng Crédit Agricole CIB : Không xóa nợ mà chỉ giảm lãi suất và kéo dài thời hạn thanh toán. Ông Ducrozet giải thích, triển vọng này là « cần thiết về mặt chính trị để ông Tsipras có được sự ủng hộ của phe đa số tại Quốc hội », cũng như để cho IMF giải được bài toán của họ.
Nếu triển hạn được nợ, Hy Lạp sẽ « dễ thở » hơn một chút về ngân sách và IMF sẽ không mất mặt khi các đòi hỏi về thắt lưng buộc bụng được đáp ứng, cho dù, theo chuyên gia Ducrozet, có thể coi đây như một bài toán « giả tưởng » và không có liên quan gì đến gánh nặng nợ của Hy Lạp. Về phần mình, ông Christopher Dembik, kinh tế gia thuộc Saxo Banque, nói rằng, việc cơ cấu lại nợ « trong ngắn hạn, là một thách thức chính trị và về lâu dài, là một thách thức kinh tế », chứ không phải là một vấn đề tài chính khẩn cấp.
Lịch trả nợ và lãi của Hy Lạp, sau năm 2020, đã được kéo dài, đặc biệt là đối với các khoản vay song phương. Nhưng từ nay đến đó, Athens có nhiều khoản phải thanh toán cho IMF, BCE, nhất là vào mùa hè năm nay. Theo chuyên gia Dembik, vào lúc này, phải giúp Hy Lạp, trước mắt là tháo khoán hơn 7 tỷ euro, vốn bị ngưng lại từ mùa hè năm ngoái, sau đó, cần đưa ra một kế hoạch hỗ trợ tài chính mới cho Hy Lạp (đó sẽ là kế hoạch thứ ba kể từ năm 2010), đẩy lùi các cuộc thảo luận về nợ. Bởi vì cần nhiều năm lạm pháp thì Hy Lạp mới có thể đương đầu với khoản nợ công, nhưng hiện nay, nước này lại trong tình trạng thoái lạm (lạm phát giảm, hoặc rất thấp).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?