PHÁT TRIỂN QUAN HỆ VIỆT – MỸ VÌ LỢI ÍCH CỦA DÂN TỘC


Posted by adminbasam on 29/06/2015
Về quan hệ Trung – Việt: Trước khi anh Trọng đi Mỹ, anh Trọng đã sang Tàu và đã làm nhiều điều rất bất lợi trước chuyến đi Mỹ của anh. Trước khi đi Mỹ anh cho Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao sang Tàu và cam kết những điều ngớ ngẩn nó phản dân tộc. Ví dụ nó bảo bây giờ phải ổn định hai bên về vấn đề biển Đông. Ổn định cái gì? Có nghĩa là Việt Nam đừng có làm cái gì hết. Còn phía Trung Quốc ổn định có nghĩa là nó tuyên bố nó đắp đảo xong rồi, nó đưa súng lớn ra đấy rồi. Bây giờ cái cách mình nói hai bên giữ gìn sự phát triển, sự ổn định, không làm gì gây rối, không làm gì nó phức tạp vấn đề… Đấy là một cách tuyên bố cực kỳ ngoan ngoãn theo chủ trương, âm mưu của Tàu và anh không dám làm gì hết.
Trần Quang Thành – Nguyễn Khắc Mai
29-06-2015
Thượng tuần tháng Bảy sắp tới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến công du Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên, một tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ. Trong cuộc viếng thăm này Tổng thống Mỹ Obama có cuộc hội đàm với Tổng bí thứ Nguyễn Phú Trọng. Hai nước sẽ ký Tuyên bố chung và môt số văn kiện hợp tác song phương trong đó có lĩnh vực thương mại, an ninh quốc phòng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai đã đưa ra một vài bình luận về chuyến đi thăm này qua cuộc phỏng vấn của phóng viên Trần Quang Thành.
Nội dung như sau, mời quí vị cùng nghe:

Trần Quang Thành: Xin chào nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai
Nguyến Khắc Mai: Xin chào anh Thành
TQT: Thưa ông, vào đầu tháng Bảy tới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ qua thăm nước Mỹ trong 2 ngày. Ông sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Obama. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai có bình luân gì về chuyến đi thăm này của Tổng bí thứ Nguyễn Phú Trọng ạ?
NKM: Cá nhân tôi đánh giá đây là một chuyến đi quan trọng, rất quan trọng. Nhưng quan trọng không có nghĩa là tích cực hay tiêu cực. Chưa biết kết quả của nó là tích cực hay tiêu cực. Chúng ta sẽ chờ đợi những điều ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm ở Mỹ, sẽ bày tỏ, sẽ nói năng ở Mỹ. Chúng ta phải chờ đợi đến lúc bấy giờ mới đánh giá được kết quả là tích cực hay chỉ là tiêu cực Nhưng mà phải khẳng định đây là một chuyến đi quan trọng. Chuyến đi này nó liên quan đến 3 mối quan hệ:
  • Trước hết là quan hệ Việt – Mỹ
  • Thứ hai là quan hệ Việt – Trung
  • Thứ ba là quan hệ Mỹ – Trung
Chuyến đi nó liên quan đến mối quan hệ quốc tế như vây nên có thể nói là nó quan trọng đấy. Vấn đề là ông Trọng làm vấn đề ấy quan trong như thế nào? Theo lập trường của ai? Theo tư duy như thế nào? Theo những chỉ đạo như thế nào để đạt được kết quả trong mối quan hệ nó phức tạp và cũng là quan trọng ấy?
Về mối quan hệ Viêt – Trung, phía Tung Quốc họ muốn chỉ đạo cái gì, họ muốn giật giây cái gì để kết quả chuyến đi của ông Trọng đạt kết quả như họ mong muốn?
Chuyến đi ấy nó có liên quan gì đến mối quan hệ Trung – Mỹ không?
Cho nên một chính khách nếu muốn đại diện cho dân tộc phải cư xử cho nó tốt 3 mối quan hệ này, trước hết là quan hệ Việt Mỹ.
Nếu đặt Việt Nam trong tình thế nó phức tạp như hiện tại thì mối quan hệ Việt – Mỹ là một mối quan hệ lón, nếu mình thực hiện tốt sẽ có nhiều lợi ích đối với dân tộc.
Mọi người đều khẳng định rằng, để hạn chế cái bá quyền của Trung Quốc hiện nay thì không ai hơn là Mỹ. Cho nên Việt Nam nếu vì lợi ích dân tộc của mình để bảo vệ an ninh trên biển, ngăn ngừa đến mức tối đa hành động Trung Quốc đã thực hiện như chiếm đảo của chúng ta. Chiếm đảo ngầm bây giờ xây dựng nó thành đảo nổi, đặt ra thành căn cứ hải quân, căn cứ không quân, uy hiếp chủ uyền an ninh và hòa bình của Việt Nam, uy hiếp an ninh, hòa bình, giao thương quốc tế trên vùng biển này. Điều đó Việt Nam phải thấy.
Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói nếu anh giữ được biển Đông và anh làm chủ được biển Đông thì vừa bảo vệ được chủ quyền, vừa tăng cường hoạt động kinh tế, tăng cường được năng lực khoa học về biển, tăng cường được văn hóa biển của người Việt Nam. Nó là một cơ hội lớn mà cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm nói là mười vạn năm cõi trời Việt Nam này, đất nước Việt Nam này sẽ vững vàng, thịnh trị, bình yên, hòa bình.
Tất nhiên anh làm chủ biển Đông không giống như bọn Tàu nó làm. Một mặt mình phải lớn lên bằng nội lực của mình: dân chủ phát triển, tri thức phát triển, khoa học, giáo dục lành mạnh, doanh nhân phát triển, nền kinh tế vững vàng, không còn gia công bị thiệt nữa. Đồng thời ta liên minh, liên kết với các nước như Mỹ chẳng hạn. Họ có quyền lợi của họ ở biển Đông. Lợi ích của họ trùng khớp với lợi ích của chúng ta trên biển Đông. Ta phải liên minh với họ. Đấy là quan hệ Việt – Mỹ. Nếu anh nhìn nhận tinh thần dân tộc, nếu anh nhìn nhận lập trường yêu nước, ngăn ngừa hành động khống chế hành động phi nhân, vô đạo của Trung Quốc ở biển Đông.
Hiện nay hàng ngày nó rượt đuổi, nó đánh đập, nó ăn cướp tài sản của ngư dân trên biển. Nó thu hết sản phẩm người ta đánh bắt được trên biển, nó thu hết lưới, ngư cụ, nó cướp hết dầu, đánh đập người ta dã man. Làm sao mình yên ổn được. Cho nên bảo vệ chủ quyền ở biển Đông trở thành một thách thức lớn mà Đảng cộng sản có còn vị trí lãnh đạo hay không là thuộc vấn đề này. Nếu ông không làm được thì ông đi đi để chúng tôi chọn người khác lãnh đạo nhân dân, thực hiện quyền lợi lâu dài của dân tộc.
Ta làm chủ biển Đông không phải là ta chiếm cứ nó theo kiểu của Tàu. Ta phải biết chủ quyền của mình khai thác nó một cách văn minh, đồng thời biết hài hòa lợi ích của các nước anh em. An ninh của tàu thuyền quốc tế, chủ quyền hợp pháp, hợp lý của các dân tộc, các nước anh em của mình như Philippines, Malaysia, Indonesia vv…
Vì lợi ích của dân tộc, ông Trọng phải biết xử sự mối quan hệ Việt – Mỹ. Lợi dụng tối đa mối quan hệ ấy để nâng tốc cho Việt Nam. Không phải như có người sợ là anh theo Mỹ anh bị lệ thuộc, rồi anh lại làm chư hầu. Không phải đâu. Chơi với Mỹ trong mối quan hệ bình đẳng, đàng hoàng. Mối tương quan với Mỹ là tiềm lực, là nội llực của Việt Nam có phát triển mạnh mẽ hay không? Tôi tin chắc là nếu chúng ta chơi với Mỹ, chơi với Tây Âu thì khả năng bù đắp, khả năng giải quyết vấn nạn nhập siêu kinh tế với Trung Quốc có thể giải quyết được.
Đấy là tôi nói về quan hệ Việt – Mỹ. Nếu Nguyễn Phú Trọng làm được những điều đó chúng ta hoan nghênh, nếu làm ngược lại thì đó là người phản bội lợi ích của dân tộc.
TQT: Ông vừa nói vấn đề là chúng ta phải có những liên minh để đảm bảo nền an ninh, quốc phòng của ta mạnh hơn; đất nước ta mạnh hơn, để bảo vệ được chủ quyền, lãnh thổ của đất nước. Nhưng có một lực cản mà người ta rất quan ngại là Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn thực hiện chính sách 3 không thì làm sao liên minh với các nước lớn để bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình được?
NKM: Tôi nhiều lần nói là cái 3 không đó là luận điểm của Tàu nó mớm cho các anh lãnh đạo Việt để thực hiện một cái phương châm không chính xác. Phương châm chính xác của Việt Nam hiện nay là độc lập, giữ chủ quyền, liên minh với tất cả thế lực dân chủ, nhân văn, tiến bộ trên thế giới để ngăn ngừa hành động xâm lược, hà hiếp của Trung Quốc đối với Việt Nam ta, đối với biển đảo, đối với công việc làm ăn bình thường của nhân dân ta ở biển Đông – vùng biển mà chúng ta có chủ quyền. Cho nên cái 3 không đó nó lợi cho Trung Quốc. Những người lãnh đạo Việt Nam không khôn ngoan, nếu không muốn nói là ngu đần, nó mớm cho như thế răm rắp nói theo 3 không. Những kẻ nào nó ăn hiếp Việt Nam thì mình phải đi tìm người hỗ trợ mình, người bênh vực mình chứ.
Về quan hệ Trung – Việt: Trước khi anh Trọng đi Mỹ, anh Trọng đã sang Tàu và đã làm nhiều điều rất bất lợi trước chuyến đi Mỹ của anh. Trước khi đi Mỹ anh cho Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao sang Tàu và cam kết những điều ngớ ngẩn nó phản dân tộc. Ví dụ nó bảo bây giờ phải ổn định hai bên về vấn đề biển Đông. Ổn định cái gì? Có nghĩa là Việt Nam đừng có làm cái gì hết. Còn phía Trung Quốc ổn định có nghĩa là nó tuyên bố nó đắp đảo xong rồi, nó đưa súng lớn ra đấy rồi. Bây giờ cái cách mình nói hai bên giữ gìn sự phát triển, sự ổn định, không làm gì gây rối, không làm gì nó phức tạp vấn đề… Đấy là một cách tuyên bố cực kỳ ngoan ngoãn theo chủ trương, âm mưu của Tàu và anh không dám làm gì hết. Còn Tàu nó đã làm, nó đang làm những cái gì mà nó cho là đất của nó, tổ tiên nhà nó. Nó cứ ngang ngược nó làm. Trong khi đó nó khóa chân, khóa tay anh lại, đừng có gây rối, đừng có làm phức tạp vấn đề.
Đó là vấn đề quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Đây là mối quan hệ có thể nói là rất thua thiệt, làm cho người ta thất vọng. Về vấn đề Hoàng Sa, đến bây giờ vẫn chưa có phát biểu nào có tính chất pháp lý. Những phát biểu ú ớ, kể cả những lúc mạnh mẽ như ông Dũng vẫn không mang tính cách phát ngôn có tính chất pháp lý để quốc tế dựa vào. Anh vẫn làm theo cái kiểu tiếp tục cho Người phát ngôn lâu lâu ra tuyên bố mấy câu. Tuyên bố ấy lần trước cũng như thế, lần sau cũng như thế, nó nhàm chán. Thế thì làm sao đòi được chủ quyền.
Quốc hội cũng im tiếng không ra đến nửa lời. Như thế là thái độ của ban lãnh đạo hết sức vô trách nhiệm. Vì vậy nếu lần này đi, anh Nguyễn Phú Trọng là người Việt Nam không bị Tàu mua chuộc, không bị chúng nó chắn giữ về ý thức tư tưởng, về lập trường, anh phải nói rất rõ ràng về vấn đề mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc. Sau diễn đàn ấy anh sẽ đi Liên Hợp quốc, nếu anh không nói được câu chữ nào cho nó đàng hoàng thì có thể nói anh là một tội đồ lớn của đất nước.
Lần này anh nói được đàng hoàng lập trường của Việt Nam một cách độc lập. Anh không khiêu khích ai, không huyênh hoang, anh không gây chiến nhưng rất đàng hoàng, nói rõ phải đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế để tố cáo hành vi tội ác của nó đối với Việt Nam. Quốc tế đã có điều luật cấm dùng biện pháp vũ lực để cướp đất đai. Trung Quốc ỷ mình là một nước lớn làm những điều ngang ngược. Liệu Nguyễn Phú Trọng có dám nói cái điều công lý bình thường ấy của nhân loại hay không, hay là im hơi, lặng tiếng?
Nếu mình không xử sự tốt cho mối quan hệ Trung – Việt này cho nó tử tế thì chỉ là người nói một đằng, làm một nẻo. Thực chất là rắp tâm phục vụ cho lợi quyền của Bắc Kinh.
TQT: Trong diễn văn kỷ niệm ngày 30/4 mới đây, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rất mạnh mẽ ca ngợi tình hữu nghị…
NKM: Cái ấy tôi đánh giá nhóm thân Tàu, lệ thuộc Tàu nó ép anh Dũng phải nói, phải đọc cái diễn văn ấy. Tôi thấy đó là điều bất hạnh hiện nay. Nhiều nguồn tin cho tôi biết ông Dũng không muốn xuất hiện quay ngược lại những tuyên bố hùng tráng ở Shangri-la, ở Quốc hội. Nhưng mà họ ép để làm hỏng hình ảnh rất là dũng cảm. Người ta đánh giá bài diễn văn ấy thực chất là do Tàu chỉ đạo và cái nhóm theo đuôi Tàu nó muốn như thế. Phía Mỹ họ không chấp cài này. Họ hiểu điều đó. Ông Phạm Quang Nghị đi Mỹ trương cái ảnh (bia kỷ niệm ông John McCain bị bắt ở hồ Trúc Bạch) phía Mỹ không chấp. Trung Quốc nước lớn mà tiểu nhân, Mỹ họ có văn hóa, biết cách đối xử cái gì phải tránh, cái gì phải gạt bỏ đi.
Còn một mối quan hệ nó đan xen. Trung Quốc có mối quan hệ lớn. Trung Quốc đang muốn vươn lên để làm vị trí siêu cường số 1, đại bá lãnh đạo thế giới. Họ đang có mưu đồ lớn nham hiểm. Mỹ không muốn có một Trung Quốc đại bá như thế, ngang ngược như thế. Và gần đây họ nói là hung đồ hung hăng. Đó là sự đánh giá của họ về Trung Quốc.
Nhân loại có lợi ích gì im hơi lặng tiếng để cho kẻ côn đồ hung hăng ăn hiếp dân lành. Việc mình liên minh được với Mỹ càng tốt. Gắn bó được mối quan hệ kinh tế, văn hóa với Mỹ cho tốt, Việt Nam rất có lợi. Tất nhiên không bao giờ được nghĩ rằng mình nên làm chư hầu cho Mỹ. Theo tôi nghĩ họ cũng không muốn như vậy. Việt Nam không muốn làm chư hầu của nước thứ hai thì phải lớn lên, phải phát triển khí phách của dân tộc, tài trí của dân tộc, năng lực của dân tộc. Cho nên phải cải tổ. Chính sách đối nội phải cải tổ. Phải thay đổi mình mới có sức mạnh, mới tiếp nhận được quan hệ quốc tế một cách hữu hiệu nhất.
TQT: Thưa nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, có người nói chuyến đi thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng vào giai đọan ông sắp kết thúc nhiệm kỳ của mình. Tổng thống Obama cũng sắp kết thúc nhiệm kỳ thứ hai. Vậy tương lai những điều họ cam kết với nhau có khả năng là một bước tiến mới không hay là nó bị chững lại?
NKM: Tất nhiên điều này nó có liên quan nhưng mà nó không lớn. Cái chính đó là ông ta đang còn làm việc, trách nhiệm của ông ta vẫn còn. Còn một ngày anh vẫn còn phải có trách nhiệm với dân. Anh là người lãnh dạo cao nhất của đất nước Việt Nam hiện nay. Nếu anh làm bất lương, anh làm hèn hạ, nhu nhược thì đấy là tội đồ của dân tộc. Nếu anh làm thông minh, khôn khéo, đàng hoàng, không khiêu khích ai, nói rõ lập trường của dân tộc thì đó là công của anh trong những ngày cuối cùng làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh Trọng đang đứng trước những thách thức lớn. Tôi hy vọng anh cố gắng vươn lên, thật sự để cho dân tộc lớn lên.
Cho nên ba mối quan hệ này là ba chính sách lớn về tài trí, về năng lực, về sự khôn khéo. Đặc biệt là dũng khí, là tinh thần dân tộc yêu nước của Nguyễn Phú Trọng.
TQT: 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ. Mấy năm gần đây bước tiến đó ngày càng tăng tốc, ngày càng ấm lên, nhất là về mặt ăn ninh, quốc phòng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nghĩ thế nào, đánh giá thế nào, chúng ta phải tận dụng thế nào thời cơ này để cho mạnh hơn, tốt hơn lên ạ?
NKM: Đây là một thử thách nặng nề đấy. Nếu Nguyễn Phú Trọng và ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vượt qua được thử thách này họ sẽ còn chỗ đứng trong lòng của dân tộc.
Chuyến đi này nó đan xen giữa 3 mối quan hệ Việt – Mỹ ; Việt – Trung ; Trung – Mỹ. Nếu vững vàng, đàng hoàng trong ba mối quan hệ này là thành công. Nhưng nếu mà hèn mọn nhu nhược thì sẽ là một lỗi lầm lớn đối với dân, với nước.
TQT: Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai.
NKM: Chào anh Thành – Cảm ơn anh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện