Cơn lốc chứng khoán đã cuốn sạch tài sản của nửa triệu người Trung Quốc như thế nào?


Posted by adminbasam on 31/07/2015
Đại Kỷ Nguyên
Tác giả: Zhou Yuanzheng
Dịch giả: Hannah
31-07-2015
(GREG BAKER/AFP/Getty Images)
(GREG BAKER/AFP/Getty Images)
Vài lời từ biên tập viên: Từ năm 2014, các nhà đầu tư trên khắp Trung Quốc không ngừng đổ tiền  vào thị trường chứng khoán Trung Quốc đa phần vì tin tưởng vào những lời hứa hẹn từ các phương tiện truyền thông nhà nước. Nhật báo Nhân dân và các tờ báo khác đều đưa tin rằng thị trường chứng khoán tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giúp hồi sinh đất nước Trung Hoa, cùng với khẩu hiệu thường được ca xướng “Giấc mơ Trung Hoa”. Đầu tháng 12 năm 2014, tác giả của bài viết này, Zhou Yuanzheng, một nhà báo cấp cao của China Business News, tham gia vào một forum QQ của các nhà đầu cơ chứng khoán cấp cao. Nhiều người trong nhóm này vay lên đến 10 triệu nhân dân tệ (1,62 triệu đô la Mỹ) – gấp nhiều lần số tài sản họ hiện có – để đầu cơ vào chứng khoán. Đây là câu chuyện về những người đã đánh mất tất cả tài sản như thế nào sau cơn cuồng phong chứng khoán. Đây là một bản dịch tóm tắt ý kiến quan điểm của Zhou đăng hôm 18 tháng 7, được chia sẻ rộng rãi trên mạng Internet Trung Quốc.
“Đây là một cuộc thảm sát tầng lớp trung lưu”, ông Hào, một cố vấn đầu tư tài chính ở Thành Đô phát biểu vào ngày 15 tháng 7. “Trong số các bạn bè của tôi, ngay cả những người đã vay số tiền tương đương với tài sản của họ, tức là tỷ lệ vay/vốn 1:1, đã nhận được nhiều cuộc gọi bổ sung tài sản ký quỹ (margin call) từ các công ty tài chính. Họ đã mất trắng toàn bộ tài sản tích lũy được trong 10 năm qua. Chúng tôi ước tính rằng ít nhất 500.000 đến 600.000 nhà đầu tư trung lưu phải rời khỏi cuộc chơi trong đợt sụt giảm này! “
Thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu lao dốc từ giữa tháng 6 đã quét sạch tài sản của các nhà đầu tư, những người sử dụng tài khoản ký quỹ, vay mượn tiền bằng cách thế chấp chứng khoán, để đầu tư vào thị trường chứng khoán. Trong hơn 6 tháng trước đó, họ đã ở trong trạng thái siêu phấn khích khi chỉ số Shanghai Composite tăng hơn gấp đôi từ 1 Tháng 8 năm 2014 đến 12 tháng 6 năm 2015, trong khi chỉ số Thâm Quyến tăng gần gấp ba lần.
Tuy nhiên, hiện tại thiệt hại của họ còn nhiều hơn tổng số vốn liếng và số tiền vay mượn. Thị trường đã dọn sạch nhóm nhà đầu tư này một cách thô bạo nhất.
Quảng cáo

Tôi là một nhân chứng cho thảm cảnh này. Vào tháng 12 năm 2014, tôi tham gia vào một nhóm diễn đàn đầu tư trên QQ, một diễn đàn Internet phổ biến, được gọi là High-End Dragon Margin Group (chúng ta sẽ chỉ gọi nó là Dragon Group). Hai người đứng đầu thành lập nhóm này ở trung tâm tỉnh Hồ Nam với biệt danh “Dragon” và “Gone-with-the-Wind”. Nhóm cũng có một người nổi tiếng trên thị trường chứng khoán, “Dao”, hiện sống ở Đông Nam Á. Ba người này là các thành viên chủ chốt của Dragon Group, và họ đã thu hút một lượng lớn tầng lớp trung lưu tham gia.

Đây là một cuộc thảm sát tầng lớp trung lưu.

– Ông Hào, cố vấn tài chính
“Gone-with-the-Wind” đã nói với tôi rằng Dragon Group được thành lập vào năm 2014, là một công ty cho vay cỡ nhỏ và trung bình với 150 triệu nhân dân tệ (23,3 tỷ đô la Mỹ) vốn đầu tư. Vào thời điểm đó, các cổ phiếu A – cổ phiếu nội địa Trung Quốc – đang đi lên, và mỗi ngày càng có nhiều người tham gia vào nhóm. Hầu hết trong số đó đã vay hơn 500.000 nhân dân tệ (81.000 đô la Mỹ). Một số khách hàng lớn vay 5 triệu đến 10 triệu nhân dân tệ (810.000 đô la Mỹ – 1,62 triệu đô la Mỹ). Tỷ lệ vốn và vay của họ thường là 1:4.

Thiệt hại lớn vào đầu tháng 7

Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 6, nhóm nhà đầu cơ chịu nhiều tổn thất. Tổn thất lớn phát sinh vào ngày 2 và 3 tháng 7, theo “Gone-with-the-Wind.” Tuy nhiên, nhiều khách hàng đã từng lạc quan về các gói giải cứu mà Bắc Kinh công bố và nghĩ rằng thị trường sẽ khởi sắc trở lại.
Vào tối ngày 1 tháng 7, Ủy ban Điều hành Chứng khoán Trung Quốc phát hành ba thông báo trấn an rằng thị trường sẽ khởi sắc trở lại. Nhưng thị trường đã không tuân theo. Ngày 2 tháng 7 chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 3,48% và ngày 3 tháng 7 giảm 5,77%.
Chứng khoán sụt giảm liên tục gây thiệt hại rất lớn cho Dragon Group. Ngày 3 tháng 7, gần 20 tài khoản trong nhóm Dragon đang ngấp nghé hoặc đã ở mức margin call – có nghĩa là được lệnh yêu cầu bán cổ phiếu hoặc bổ sung tài sản ký quỹ vì cổ phiếu đang rớt giá.
Hầu hết mọi người trong nhóm rơi vào im lặng trong vài ngày sau khi thị trường lao dốc.

Thị trường tụt dốc ngày 9 tháng 7

Cổ phiếu A giảm mạnh sau khi mở cửa vào sáng ngày 9 tháng 7. Một lần nữa, các nhà đầu tư lại bị thiệt hại nghiêm trọng. “Steel” khuyên mọi người nên để mắt đến tài khoản của họ vì các thông tin thay đổi quá nhanh chóng.
Thị trường sụt giảm mạnh vào ngày 9 tháng 7 kết thúc hy vọng cuối cùng của nhiều nhà đầu tư. Rất nhiều khách hàng trong Dragon Group buộc phải bán ra.
Bạn bè của ông Hào, những người vay theo tỷ lệ 1:1, buộc phải bán tháo khi thị trường lao dốc vào ngày 9 tháng 7. Ông cho biết, hầu hết các nhà đầu tư không thể huy động được nhiều tiền hơn, và hàng chục năm tiết kiệm của họ cũng cuốn theo cơn bão chứng khoán.

Hàng tỷ NDT đã bốc hơi

Kể từ khi thị trường lao dốc vào tháng Sáu, việc sử dụng tài khoản ký quỹ để chơi chứng khoán đã khiến hàng nghìn tỷ nhân dân tệ (NDT) bốc hơi, nghĩa là hàng trăm ngàn nhân dân tệ trên mỗi đầu người. Những người vay ký quỹ từ công ty môi giới chứng khoán hoặc đặc biệt là từ các công ty cho vay ngầm đều chịu rất nhiều tổn thất.
Forbes đã từng ước tính rằng số nhà đầu tư trung lưu Trung Quốc, được định nghĩa là những người có tiền đầu tư từ $96.480 đến $964.000, sẽ lên đến 14 triệu người vào cuối năm 2014. Nếu 500.000 đến 600.000 người trong số họ trắng tay, thì vụ sụp đổ đã xóa sổ 3% nhóm này.
Thúc đẩy bởi lòng tham, các doanh nghiệp cho vay cầm cố chứng khoán hoạt động mạnh ở những đợt tăng mạnh cuối cùng của thị trường. Theo “Gone-with-the-Wind” loại hình kinh doanh này bắt đầu vào năm 2007, mặc dù vào thời điểm đó nó chỉ cho phép các tài khoản cá nhân. Nó không giống như các hệ thống mới có thể tự động quản lý hàng ngàn tài khoản.
Với sự sụp đổ của cổ phiếu A trong năm 2007, loại hình cho vay cầm cố chứng khoán biến mất. Nhưng vào đầu năm 2014, loại hình doanh nghiệp này hưng thịnh trở lại. Hệ thống HOMS tiện lợi ra đời để quản lý số lượng lớn tài khoản ký quỹ tốt hơn. Công ty ký quỹ cho phép khách hàng trực tiếp thực hiện các giao dịch rủi ro cao thông qua tài khoản của họ. Cuối năm 2014, nhiều công ty cho phép các nhà đầu cơ vay gấp năm lần tài sản của họ.
Công ty cầm cố mà “Gone-with-the-Wind” tham gia vào, thu hút được càng nhiều khách hàng hơn trong năm 2014. Theo phân tích của ông, vốn vay lên đến khoảng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (162 tỷ đô la Mỹ) vào khoảng tháng 5 năm 2015, cao hơn nhiều so với con số 500 tỷ nhân dân tệ (81 tỷ đô la Mỹ) theo tuyên bố của một số công ty chứng khoán.
Tôi liên lạc với nhiều công ty cho vay ký quỹ và biết được rằng trong vụ sụp đổ thị trường chứng khoán, 80% đến 90% khách hàng ở hầu hết các công ty, và thậm chí cả 100% trong một số công ty, mất hết vốn đầu tư của họ.
Hơn 50% khách hàng tại Dragon Group mất trắng vốn liếng của mình dưới sự kiểm soát chặt chẽ rủi ro của Dragon Group. Ông Xia, một nhân vật nổi tiếng của Shanghai Investment, cho biết, vòng tăng cuối cùng của thị trường đã thu hút nhiều nhà đầu tư cũ. Tất cả họ đều thua lỗ; một số trong đó thậm chí còn bị mất hơn 1 tỷ nhân dân tệ (162 triệu đô la Mỹ).
Những người đi vay đã buộc phải bán tháo một phần hoặc toàn bộ cổ phiếu. Họ cũng bị cáo buộc là nguyên nhân chính cho vụ tụt dốc không phanh này. Trước đây, có một số thông tin cho rằng nguyên nhân chính của vụ sụp đổ vừa qua xuất phát từ hệ thống HOMS do Hundsun Technologies điều hành, có thể kiểm soát việc giao dịch của hàng ngàn tài khoản. Một số thậm chí còn cho rằng Hàng Châu, một thành phố trên bờ biển phía đông của Trung Quốc và trụ sở Hundsun, là nơi khởi nguồn của thảm họa này. Những người khác thì bác bỏ quan điểm này.
Theo “Gone-with-the-Wind”, kiểu kết tội này chỉ là thoái thác trách nhiệm. Khi thị trường đang tăng trưởng mạnh, những đợt điều chỉnh là không thể tránh khỏi. Nhưng sự thiếu phối hợp kiểm soát thiệt hại của chính phủ đã làm tăng thêm tổn thất cho những người dân vay tiền chơi chứng khoán, ông nói.
Zhou Yuanzheng là một nhà báo cấp cao của Trung Quốc Business Times và một nhà chuyên trang có tiếng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện