Thấy gì từ bảng xếp hạng đại học QS 2015?


Posted by adminbasam on 27/09/2015
27-9-2015
H1
Biểu đồ 1: Số đại học có tên trong bảng xếp hạng “Top 100” của QS University Ranking 2015/2016. Chỉ có 17 nước có tên trong bảng Top 100, đứng đầu là Mĩ, kế đến là UK, và Úc. Còn lại là các nước khác ở Âu châu và Á châu.
Sáng nay tôi đọc bảng xếp hạng đại học của QS mới công bố (1), và có hứng làm một bài tập về phân tích bằng biểu đồ (cũng là học R luôn). Vì tôi có dữ liệu của năm 2011, nên có một kết quả thú vị. Câu hỏi tôi đặt ra là các đại học đã biến chuyển ra sao trong bảng xếp hạng “Top 100” trong thời gian 5 năm qua. Kết quả sẽ làm các bạn sẽ ngạc nhiên một cách thích thú …
Phân bố theo vùng
Trong số 100 đại học hàng đầu năm nay, bảng phân bố vùng vẫn không khác mấy so với năm trước. Đứng đầu là Âu châu, với 37 trường, kế đến là bắc Mĩ (36), Á châu (19), Úc và Tân Tây Lan (8). So với bảng xếp hạng 2011 thì phân bố vùng năm 2015 này gần như không thay đổi.
Phân bố theo nước
Tính ra, chỉ có 17 nước là có tên trong bảng xếp hạng “Top 100”. Biểu đồ dưới đây cho thấy nước nào, và có bao nhiêu đại học cho mỗi nước. Đứng đầu vẫn là Mĩ (26 trường), kế đến là Anh (16), và Úc (7). Nhật có 5 trường; Hồng Kong, Hà Lan, Canada, mỗi nước “góp” 4 trường. Riêng Hàn Quốc và Tàu năm nay có đến 3 trường lọt vào top 100.
Phân bố theo trường
Về phân bố theo trường, thì “top 10” vẫn bị “thống trị” bởi các trường bên Mĩ và Âu châu (theo thứ tự): MIT, Harvard, Cambridge, Stanford, Caltech, Oxford, UCL, Imperial College, ETH, và Chicago.
Nhưng đáng chú ý là các trường Á châu đứng cao hơn các trường Úc. Chẳng hạn như NUS (Singapore) đứng hạng 12, Nanyang (13), Thanh Hoa (25), Hong Kong (30) SNU (Hàn Quốc) còn cao hơn cả các trường G8 của Úc như ANU (hạng 20), Melbourne (42), Sydney (45), UNSW (46), Queensland (47).
Biến chuyển giữa 2015 và 2011
Biểu đồ 2: Mối tương quan giữa hạng năm 2011 và năm 2015 của 100 trường đại học trong bảng xếp hạng QS University Ranking. Những trường nằm dưới lằn màu đỏ có nghĩa là tăng hạng; những trường nằm trên đường màu đỏ có nghĩa là tụt hạng.
Biểu đồ 2: Mối tương quan giữa hạng năm 2011 và năm 2015 của 100 trường đại học trong bảng xếp hạng QS University Ranking. Những trường nằm dưới lằn màu đỏ có nghĩa là tăng hạng; những trường nằm trên đường màu đỏ có nghĩa là tụt hạng.
Biểu đồ kèm theo đây thể hiện mối tương quan giữa hạng năm 2011 (trục hoành) và hạng năm 2015 (trục tung). Những trường nào không thay đổi nằm trên đường tham chiếu màu đỏ. Những trường nào nằm dưới đường màu đỏ có nghĩa là tăng hạng. Ngược lại, những trường nào nằm trên đường tham chiếu là giảm hạng. Như có thể thấy, có khá nhiều trường đại học Á châu tăng hạng so với năm 2011. Một vài trường hợp tiêu biểu là như sau:
NUS: năm 2015 hạng 12 (năm 2011 hạng 26)
Nanyang: 13 (58) 
Tsinghua: 25 (47) 
HKUST: 28 (40)
SNU: 36 (42) 
Peking: 41 (46)
KAIST: 43 (90) *** 
NTU: 72 (87)
Shanghai Jiao Tong: 73 (năm 2011 không có trong top 100). 
POSTECH: 88 (98)
Ở Úc, trường ANU và UNSW tăng hạng, nhưng Melbourne và Sydney bị giảm; hai trường này năm nay khó có lí do để ăn mừng! Riêng trường Tây Úc bị rớt hạng thê thảm, từ 73 năm 2011 xuống còn 98 năm 2015.
ANU: 20 (26)
Sydney: 45 (38)
UNSW: 46 (49)
Melbourne: 42 (31) 
Queensland: 47 (48) 
Monash: 67 (60) 
Western Australia: 98 (73)
Biểu đồ 3: So sánh hạng (rank) năm 2015 và 2011, và tính cho từng nước. Những nước nằm phía bên trái của trục 0 là tăng hạng; còn nằm bên phải của trục 0 là tụt hạng.
Biểu đồ 3: So sánh hạng (rank) năm 2015 và 2011, và tính cho từng nước. Những nước nằm phía bên trái của trục 0 là tăng hạng; còn nằm bên phải của trục 0 là tụt hạng.
Một số trường có mặt trong bảng xếp hạng top 100 năm 2011 đã biến mất trong năm 2015 là St Andrews, Dartmouth, Alberta, Adelaide. Thay vào đó là các trường mới như ĐH Giao Thông Thượng Hải lần đầu tiên xuất hiện với hạng 73.
Như vậy, rõ ràng là các nước châu Á mới nổi đã tăng số đại học trong bảng xếp hạng “Top 100”. Biểu đồ dưới đây cho thấy các nước Á châu tăng hạng là Singapore, Korea, China, Hàn Quốc. Trong khi đó, Nhật bị tụt hạng.
Nói tóm lại, bảng xếp hạng đại học năm 2015 (của QS) cho thấy các đại học Âu châu và Mĩ bị giảm tụt hạng, và thay vào đó là các đại học Á châu lại được nâng cao hạng, đặc biệt là các đại học của Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kong, và Tàu.
Sự thay đổi thứ hạng của các đại học cho thấy rõ ràng rằng thế giới đang biến chuyển rất nhanh, chứ không phải “status quo” như nhiều người ở Việt Nam tưởng. Nó (xu hướng thay đổi) cũng nói lên rằng tuổi của đại học không phải là yếu tố cản trở phát triển; ngược lại, những trường trẻ ở Á châu (như HKUST, Postech, SNU, hay Nanyang) đều có thể trở thành “sao” chỉ trong vòng 30 năm. Đây là bài học cho Việt Nam, nơi mà có người muốn kiềm cương không cho đại học tự chủ và phát triển.
Nhìn vào bảng xếp hạng và cái “dynamic” này, có lẽ các bạn sẽ hỏi Việt Nam chúng ta đứng ở đâu, và làm gì để đại học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng này? Chỉ có nghiên cứu khoa học mới nâng được tầm của các đại học Việt Nam. Nhưng hiện nay, các đại học hàng đầu của VN còn quá kém về lĩnh vực này, nên khó có thể nói chuyện hội nhập quốc tế được. Rất đau lòng để mà nói rằng một nước không chịu phát triển (2) thì, mượn cách nói của một bài báo (3), đừng có mơ được nằm trong danh sách này. Một cải cách nhỏ về chức danh giáo sư mà còn làm không được thì nói gì đến chuyện lớn hơn là cải cách nghiên cứu khoa học.
___

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện