Syria : Duy trì Bachar Al Assad không còn là điều « kiêng kỵ » nữa

RFI

mediaTổng thống Syria Bachar Al-AssadAFP
Hai đồng minh trung thành của chế độ Damas là Nga và Iran, ngày 27/09/2015, đã thể hiện thế mạnh của mình để buộc phương Tây phải chấp nhận chiến lược coi cuộc chiến chống các lực lượng thánh chiến tại Syria là ưu tiên hàng đầu, đồng thời phải duy trì chế độ của Tổng thống Bachar Al Assad.
Ngay trước ngày đọc diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Iran Hassan Rohani đã trả lời các cuộc phỏng vấn, đưa ra các lá bài, nhằm áp đặt quan điểm của Matxcơva và Teheran trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria, trong lúc Hoa Kỳ và Châu Âu lúng túng đối phó với cuộc khủng hoảng tị nạn và mối đe dọa khủng bố.
Trên đài truyền hình Mỹ CBS, Tổng thống Putin đề cập đến một liên minh mới mà Matxcơva muốn thành lập để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Ông nói : « Chúng tôi đã đề nghị hợp tác với các nước trong vùng. Chúng tôi cố gắng thiết lập một dạng khuôn khổ phối hợp » các hoạt động và Matxcơva muốn có một cơ sở chung để « hành động tập thể chống lại khủng bố ».
Từ nhiều tuần qua, Nga ở thế tấn công trong hồ sơ Syria, qua việc tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện quân sự ngay tại thành trì của chế độ Damas, ở phía tây bắc Syria, đồng thời liên tiếp đưa ra nhiều sáng kiến : Ngày 27/09, chính quyền Bagdad thông báo là Irak, Nga, Iran và Syria đã quyết định thành lập một trung tâm tình báo ngay ở thủ đô Irak, để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo hiệu quả hơn.
Các sáng kiến của Nga làm cho Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Âu lo ngại vì dường như bị Matxcơva đặt trước một « việc đã rồi » trong lúc chiến lược quân sự của phương Tây chống khủng bố dường như không có hiệu quả.
Một quan chức xin ẩn danh, thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 27/09/2015, thừa nhận với AFP : « Chúng tôi mới chỉ đang bắt đầu cố gắng tìm hiểu các ý đồ của Nga tại Syria và Irak và đang cố gắng xem liệu có những phương tiện nào giúp tìm ra được một giải pháp có lợi ».
Từ một năm nay, liên minh quân sự bao gồm Hoa Kỳ và khoảng sáu chục nước Châu Âu, Ả Rập theo giáo phái Hồi giáo Sunite, tiến hành không kích các cứ địa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Irak. Nước Pháp, tham gia liên minh này, hôm 27/09, đã tiến hành đợt oanh kích đầu tiên nhắm vào một trại huấn luyện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Deir Ezzor, phía đông Syria, nhân danh quyền « phòng vệ chính đáng ». Tổng thống Pháp François Hollande đã trịnh trọng khẳng định vụ việc tại Liên Hiệp Quốc.
Thế nhưng, theo giới quan sát, tất cả các hoạt động quân sự nói trên của phương Tây không ngăn cản được lực lượng thánh chiến tiếp tục củng cố, phát triển và không làm mất đi « hấp lực » của tổ chức Nhà nước Hồi giáo : Theo giới tình báo Mỹ, được báo New York Times trích dẫn, từ năm 2011 đến nay, đã có gần 30 000 chiến binh thánh chiến nước ngoài tới Syria và Irak, tức là nhiều gấp đôi so với con số thẩm định được đưa ra cách nay một năm.
Trước sự bế tắc trên thực địa và sau bốn năm xung đột quân sự ở Syria làm hơn 240 000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải chạy lánh nạn, Matxcơva và Teheran đã nói thẳng rằng chỉ có chế độ của Tổng thống Bachar Al Assad là bức tường thành duy nhất chống khủng bố.
Khai thác các chần chừ, do dự của phương Tây về số phận của Bachar Al Assad – trong một thời gian dài, phương Tây đã đưa ra điều kiện tiên quyết là Tổng thống Syria phải ra đi ngay lập tức và vô điều kiện – Tổng thống Irak đã khẳng định rằng từ nay, đã có một sự đồng thuận lớn trên phạm vi quốc tế về việc duy trì Bachar Al Assad.
Trên đài truyền hình Mỹ CNN, ông Rohani tuyên bố : « Tôi nghĩ rằng hiện nay, tất cả mọi người đã chấp nhận là Tổng thống Assad phải tiếp tục nắm quyền, nhắm đấu tranh chống khủng bố » và « tại Syria, mục tiêu đầu tiên của chúng ta là đấu tranh chống khủng bố, làm cho chúng thất bại và chúng ta không có giải pháp nào khác là phải củng cố quyền lực trung ương và chính phủ cũng như các trung tâm quyền lực chính » tại Syria.
Từ vài tuần nay, thông điệp nói trên bắt đầu được lắng nghe. Washington, Luân Đôn, Berlin và ngay cả Paris đã không coi việc ra đi của Bachar Al Assad như là điều kiện tiên quyết để tiến hành các cuộc thương lượng nữa ; thậm chí, Thủ tướng Đức Angela Merkel còn cho rằng cần phải nói chuyện với Tổng thống Syria.
Ngay cả Hoa Kỳ cũng tỏ ra mềm dẻo hơn : Cách nay một tuần, Ngoại trưởng John Kerry chấp nhận là có thể thương lượng thời điểm ra đi của Bachar Al Assad. Trong khi đó, Paris và Luân Đôn nhắc lại rằng tương lai của Syria không thể có sự hiện của Bachar Al Assad, nhưng không nói rõ về thời điểm và thể thức ra đi của nhân vật này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?