Tin khắp nơi – 26/02/2017

Tin khắp nơi – 26/02/2017

Cựu bộ trưởng Perez trở thành chủ tịch Đảng Dân chủ Mỹ

Hôm thứ Bảy, cựu Bộ trưởng Lao động Hoa Kỳ Tom Perez đã được bầu làm người đứng đầu Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC). Ông sẽ gánh trách nhiệm to lớn là xây dựng đảng bị rạn vỡ sau khi ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa thắng cử tổng thống.
Ông Perez, người đã phục vụ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, và Dân biểu Keith Ellison của bang Minnesota là 2 ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua.
Ông Perez, người gốc La tinh đầu tiên giữ chức vụ này, đã giành thắng lợi trong vòng bỏ phiếu thứ hai, với kết quả là 235-200.
Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu, ông Perez tiến cử ông Ellison làm phó chủ tịch đảng, và các thành viên DNC đã phê chuẩn.
Ông Perez, được coi là người được giới quyền thế lựa chọn và là một người ôn hòa về chính trị. Ông là con trai trong một gia đình Dominica nhập cư. Ông Ellison, một người theo đường lối tiến bộ, là người Hồi giáo đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ.
Ông Perez phát biểu rằng “Tất cả chúng ta đều tham gia cùng nhau” và ông kêu gọi đảng Dân chủ chiến đấu chống người mà ông gọi là “vị tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”.

Các thống đốc bang Mỹ căng thẳng về luật chăm sóc y tế

Các thống đốc bang Mỹ là người của đảng Cộng hòa đã nêu đề xuất cải tổ Medicaid, là chương trình liên bang cung cấp bảo hiểm cho hơn 70 triệu người Mỹ có thu nhập thấp.
Đề xuất của họ đã gây ra căng thẳng tại phiên họp hôm thứ Bảy trong khuôn khổ hội nghị mùa đông thường niên của các thống đốc bang ở Washington.
Hãng tin AP đã nhận được một bản thảo của đề xuất về Medicaid của các thống đốc đảng Cộng hòa. Đề xuất này thúc giục Quốc hội để thay đổi Medicaid từ một chương trình liên bang về quyền lợi có tính chất mở thành một chương trình do các tiểu bang tự xây dựng để đảm bảo nằm trong giới hạn tài chính.
Medicaid cung cấp bảo hiểm cho hơn 70 triệu người Mỹ có thu nhập thấp. Theo những cải cách dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, các bang có thể chọn lựa cung cấp nó cho nhiều người hơn.
Đảng Cộng hòa nói rằng kế hoạch của họ sẽ mang lại cho các bang sự linh hoạt hơn để họ quản lý bảo hiểm y tế dành cho người dân nghèo hơn trong khi cũng bảo vệ họ khỏi gánh chịu các chi phí của việc bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, đã được ông Obama ký thành luật.
Các thống đốc đảng Dân chủ hôm thứ Bảy cáo buộc những người đồng nhiệm đảng Cộng hòa là không trung thực về những tác động từ kế hoạch của họ.
Những người đảng Dân chủ nói sẽ kế hoạch này sẽ tước đi bảo hiểm chăm sóc y tế của nhân dân để tài trợ cho việc cắt giảm thuế cho người giàu.
Cũng hôm thứ Bảy, các thống đốc gặp Bộ trưởng Y tế mới được phê chuẩn, ông Tom Price.
Khi còn là thượng nghị sĩ, ông Price đã lớn tiếng phê phán Đạo luật Chăm sóc Giá cả Phải chăng và đã đi đầu trong nỗ lực bãi bỏ luật này để thay bằng luật khác.
Một số thống đốc cho biết họ được nghe rằng chính quyền ông Trump muốn hợp tác với các bang để cải cách chương trình chăm sóc y tế, nhưng chưa rõ các chi tiết cụ thể.
Tờ Washington Post đưa tin rằng ông Price nói với các thống đốc là phía chính quyền sẽ sớm công bố kế hoạch của họ.

Chính quyền ông Trump sắp thay đổi các luật môi trường

Hôm thứ Bảy, tại hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ ở Washington, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường EPA cho biết chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ bắt đầu bãi bỏ các quy định về môi trường của thời ông Obama “một cách mạnh mẽ” ngay trong tuần tới.
Giám đốc EPA Scott Pruitt nói thêm là ông hiểu lý do tại sao một số người Mỹ muốn thấy cơ quan của ông bị loại bỏ hoàn toàn.
Ông Pruitt nêu ra ba quy định do Tổng thống Obama ban hành có thể sẽ bị bãi bỏ. Đó là Quy định về nước của Mỹ nói về các tuyến đường thủy được liên bang bảo vệ; Kế hoạch Năng lượng Sạch yêu cầu các bang phải cắt giảm lượng khí thải carbon; và Quy định về Methane của Mỹ hạn chế phát thải từ các cơ sở dầu khí trên đất liên bang.
Một quan chức thuộc chính quyền ông Trump nói với Reuters vào tối thứ Sáu, 24/2, rằng tổng thống dự kiến sẽ ký một văn bản sớm nhất là vào thứ Ba tới nhằm bãi bỏ Quy định về nước của Mỹ.

Ông Ahmadinejad viết thư ngỏ gửi ông Trump

Cựu tổng thống cứng rắn của Iran Mahmud Ahmadinejad đã công bố bức thư ngỏ bằng cả tiếng Anh và tiếng Farsi gửi đến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, khen ngợi nhà lãnh đạo Mỹ về điều mà gọi ông gọi là “mô tả trung thực rằng hệ thống chính trị và cơ cấu bầu cử của Hoa Kỳ thật tha hóa”.
Bức thư dài được công bố hôm Chủ nhật cũng chỉ trích ông Trump về lệnh cấm visa dự kiến của ông đối với bảy quốc gia, trong đó có Iran, thư viết rằng “nước Mỹ đương đại thuộc về tất cả các quốc gia”. Tuy nhiên, ông ghi nhận việc có khoảng 1 triệu người gốc Iran di trú đến Hoa Kỳ.
Ông Ahmadinejad chỉ trích điều mà ông gọi là “sự thống trị” của Washington ở Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ can thiệp trên thế giới, cựu tổng thống Iran nói điều này đã đưa đến “bất an, chiến tranh, ly khai, giết chóc và các quốc gia bị tan rã”.
Trong quá khứ, ông Ahmadinejad đã viết thư cho các cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và George W. Bush.
Khi ông Trump được bầu hồi cuối tháng 11/2016, nhiều người Iran cho rằng hai ông khá giống nhau khi họ thăng tiến nhanh một cách đáng ngạc nhiên với sự chống lưng là ngôn từ cứng rắn và chính sách dân túy.

Iraq chiếm một khu phố ở tây Mosul

Một tư lệnh cấp cao cho biết cảnh sát quân sự Iraq đã chiếm giữ một khu phố ở phía tây thành phố Mosul giữa lúc có các cuộc đụng độ ác liệt với các phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
Các lực lượng Iraq, được yểm trợ đường không bởi liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, trước đó đã kiểm soát phía đông Mosul.
Thiếu Tướng Haider al-Maturi thuộc Sư đoàn Biệt kích Cảnh sát Liên bang cho biết quân Iraq đã tiến vào khu phố Tayaran sáng Chủ Nhật và hiện nay khu phố này “hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của họ”.
Ông Maturi cho biết các phiến quân Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện ít nhất 10 vụ tấn công bằng bom xe tự sát, trong đó 9 vụ đã nổ trước khi tới mục tiêu. Vụ thứ 10 đã giết chết 2 cảnh sát và làm bị thương 5 người.
Trung tá Abdulamir al-Mohammadawi cho biết một số đơn vị tinh nhuệ trước đây đã chiếm lại sân bay Mosul hiện đang di chuyển về phía bắc, hướng đến trung tâm thành phố, nơi họ dự định chiếm lại lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ và các tòa nhà chính phủ khác.
Ông al-Mohammadawi cho biết các binh sĩ đang gặp sự kháng cự ngày càng tăng khi di chuyển sâu hơn vào thành phố, nơi bị lực lượng IS chiếm giữ và đang sử dụng các ngôi nhà đông đúc dân cư làm lá chắn sống.
Đợt tiến công này được thực hiện sau khi quân chống khủng bố đã tái kiểm soát sân bay Mosul, khu vực từng bị IS kiểm soát kể từ năm 2014.

Sân bay Kuala Lumpur vẫn an toàn sau vụ Kim Jong Nam

Malaysia tuyên bố hôm Chủ nhật rằng sân bay quốc tế Kuala Lumpur là “vùng an toàn” sau khi hoàn tất cuộc kiểm tra nhà ga nơi người anh của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã bị tấn công bằng hóa chất gây chết người hồi tuần trước.
Ông Kim Jong Nam đã qua đời hôm 13/2 sau khi dính chất độc thần kinh VX tại nhà ga hàng không giá rẻ của sân bay.
Đội pháp y cảnh sát, sở cứu hỏa, và Ban Cấp phép Năng lượng Nguyên tử đã rà soát nhà ga hàng không giá rẻ của Sân bay quốc tế Kuala Lumpur (gọi tắt là KLIA2) lúc tại 1h sáng ngày 26/2, giờ địa phương.
Cảnh sát trưởng bang Selangor, ông Abdul Samat Mat, nói với các phóng viên rằng không tìm thấy chất độc hại nào ở KLIA2 và nơi này là khu vực an toàn.
Cảnh sát đã bắt 3 nghi phạm liên quan đến vụ việc, gồm hai phụ nữ – một người Việt Nam còn người kia là Indonesia – và một người đàn ông Bắc Triều Tiên.
Người phụ nữ Việt Nam có tên là Đoàn Thị Hương, 29 tuổi, quê ở Nam Định.
Có tin nữ nghi pham Indonesia, Siti Aishah, không được khỏe, có thể do tiếp xúc với chất độc dùng trong vụ tấn công.
Bộ trưởng Y tế Malaysia Subramaniam Sathasivam cho biết nhà chức trách đã xét nghiệm để xác định liệu Siti có bị ảnh hưởng bởi hóa chất độc không.

Đức: Tấn công bằng xe, 1 người chết, 3 người bị thương

Cảnh sát ở Heidelberg, Đức, đã bắn trọng thương một người đàn ông hôm thứ Bảy sau khi ông ta đâm xe vào 3 người, làm một người chết.
Cảnh sát cho biết họ không nghĩ rằng vụ tấn công này có liên quan đến khủng bố, và chưa biết động cơ của vụ này. Một cuộc điều tra đang được tiến hành.
Người đàn ông Đức 35 tuổi đã đâm xe vào nhóm người ở một quảng trường trung tâm trong khi họ đang đứng ở khu vực dành cho người đi bộ. Cảnh sát nói người đàn ông có mang theo một con dao, đã bị cảnh sát truy đuổi một quãng ngắn và sau đó bị bắn.
Nạn nhân bị xe đâm chết là một người đàn ông Đức,73 tuổi. Một người đàn ông Áo, 32 tuổi và một phụ nữ đến từ Bosnia-Herzegovina, 29 tuổi, bị thương nhẹ và đã xuất viện.
Truyền thông Đức cho biết nghi phạm đã dừng lại ở nút một giao thông khi đèn đỏ, và khi đèn chuyển sang xanh, hắn điều khiển xe với tốc độ cao đâm vào nhóm người trên và lao vào một chiếc cột.
Một cuộc tấn công tương tự đã diễn ra ở Đức vào tháng 12 vừa qua, khi một tên khủng bố lái một xe tải lao vào khu chợ Giáng sinh đông đúc ở Berlin, làm chết 12 người và làm bị thương hơn 50 người.

Doanh nghiệp Hoa Kỳ ‘sẽ tăng trưởng’

Tỉ phú Warren Buffet cho rằng các doanh nghiệp của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ăn nên làm ra với khối tài sản ‘không tưởng’.
Bậc thầy về đầu tư, được biết đến với biệt danh ‘Huyền thoại của Omaha’, nói ‘có thể nhìn thấy được’ cổ phiếu của Hoa Kỳ ‘chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều trong những năm tới’.
Ông Buffett cũng tránh nhắc đến Tổng thống Trump trong lá thư gửi đến cổ đông trong công ty đầu tư của mình.
Nhưng ông có khen ngợi ‘một làn sóng người nhập cư tài năng và nhiều khát vọng’ đã giúp cho kinh tế của Hoa Kỳ trở nên phồn thịnh.
Ông Buffett, là ngưởi ủng hộ ứng viên Dân Chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu của Tổng thống Hoa Kỳ, cũng không nhắc đến chính sách của ông Donald Trump.
Nhưng ông lại tỏ ra lạc quan về kinh tế Hoa Kỳ, nhắc lại tuyên bố của mình rằng ‘trẻ em sinh ra tại Hoa Kỳ vào thời đại này là lứa trẻ em may mắn nhất trong lịch sử’.
Lời nhận định trên được ông Buffett đưa ra trong bối cảnh công ty Berkshire Hathaway của ông, sở hữu một lượng lớn cổ phiếu tại các công ty lớn, trong đó có Apple, Coca-Cola và bốn hãng hàng không khổng lồ của Hoa Kỳ, thông báo lợi nhuận của quí tư tăng 15%, đạt 6,3 tỉ usd.
Thành công trong đầu tư
Mặc dù vậy, tính toàn năm, lần thứ tư liên tiếp, chỉ số S&P 500 Share Index của công ty của ông Buffett vẫn thấp hơn tiềm năng, tính trong vòng năm năm gần đây.
Sự tăng trưởng của công ty, tính theo sổ sách- được tính bằng cách lấy tổng tài sản trừ đi tổng số nợ, cũng là cách ông Buffett thường dùng để đo lường kết quả hoạt động của Berkshire- là 10,7% trong năm 2016, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 12%.
Ông Buffett nói người đầu tư ‘chắc chắn sẽ ăn nên làm ra’ do tiếp tục đầu tư vào ‘những doanh nghiệp lớn, có nguồn tài chính vững vàng của Hoa Kỳ’.
Nhà đầu tư cổ phiếu rất nhạy bén và có tài năng thiên bẩm, cũng là người thắng cược trong năm 2008 khi cho rằng một vụ đầu tư trong S&P 500 sẽ vượt qua năm quĩ đầu tư thanh khoản trong vòng 10 năm, đã đánh bại những nhà quản lý quĩ đầu tư đang tại chức và có mức lương rất cao.
Ông nói ’1000 con khỉ cũng có thể trở thành những nhà tiên tri khôn ngoan’ như 1000 nhân viên đầu tư có mức thu nhập khủng này.
‘Dấu ấn’
Tuy nhiên, một nhà quản lý quĩ đầu tư cảm nhận rằng ông Buffett đã dành quá nhiều thời gian cho việc viết thư ca ngợi về hiệu quả của Berkshire mà không nhắc đến chuyện gì đã xảy ra đối với Kraft Heinz khi thất bại trong việc mua lại tập đoàn thực phẩm khổng lồ Unilever của Anh quốc.
Lá thư gần như chỉ nói về ‘dấu ấn của ông Buffett, còn hơn cả những bức thư trước’, theo lời Cole Smead từ Quĩ đầu tư Smead.
Vào tuần trước, Kraft, là hãng mà Berkshire là nhà đầu tư chính, đã quyết định ngưng thương vụ mua lại Unilever với giá 143 tỉ usd, do phản đối từ ban quản trị của Unilever.
Trước đây, ông Buffett đã từng chống lại việc sát nhập công ty khi mà hội đồng quản trị của công ty bị mua không ủng hộ.

Đối lập Nga tưởng niệm

hai năm nhà đối lập Nemtsov bị ám sát

Là một trong những nhà đối lập đương đầu với tổng thống Nga, ông Boris Nemtsov, 55 tuổi, bị ám sát cách nay 2 năm. Ngày 26/02/2017, 15.000 người tại thủ đô Matxcơva và gần 2.000 ở thành phố Saint-Petersbourg tuần hành để tưởng nhớ một chính khách « lương thiện và can đảm ».
Cách nay đúng hai năm, ngày 27/02/2015 cựu phó thủ tướng dưới thời tổng thống Boris Eltsine, ông Nemtsov, bị trúng bốn viên đạn trên đường phố Matxcơva, cách không xa điện Kremlin. Người phụ nữ đi cùng thì bình yên vô sự.
Một người trong đoàn tuần hành ngày 26/02 nói với hãng tin Pháp AFP, họ tưởng nhớ ông Nemtsov và cũng là để nói với chính quyền Nga rằng họ không quên người đã nằm xuống. Boris Nemtsov từng kịch liệt chống đối chính sách can thiệp của Nga tại miền đông Ukraina.
Theo ban tổ chức, có khoảng 15.000 người tuần hành tại thủ đô Matxcơva. Lực lượng cảnh sát được huy động đông đảo để ngăn cản đoàn người biểu tình đến trước địa điểm ông Nemtsov bị ám sát cách nay hai năm.
Cựu thủ tướng Mikhaïl Kasyanov, một gương mặt đối lập của chính quyền Nga, tham gia tuần hành đã bị một kẻ lạ mặt xịt một bình nước màu xanh vào mặt, nhưng điều đó không cấm cản chủ tịch đảng đối lập Parnas vẫn dẫn đầu đoàn tuần hành.
Còn tại thành phố Saint-Petersbourg, cũng có khoảng 1.800 người xuống đường với biểu ngữ : « Ai là kẻ ra tay giết Nemtsov ? »
Hãng tin Pháp nhắc lại, tới nay 5 người Tchetchenia đang bị truy tố về vụ án nhắm vào nhà đối lập Nemtsov, và theo giới điều tra Nga, mỗi người đã được trả 15 triệu rúp để thanh toán cựu phó thủ tướng Nemtsov. Tuy nhiên, kẻ đầu não – dường như là một người Tchetchenia được biết dưới tên gọi Rouslan Moukhoudinov – vẫn ở ngoài vòng kiểm soát của cảnh sát Nga.
Theo các nguồn tin thân cận với ông Nemtsov, vụ án mạng nói trên có liên quan đến tổng thống Tchetchenia, Ramzan Kadyrov, một người trung thành với tổng thống Vladimir Putin.

Syria: Tư lệnh Mỹ vùng Trung Đông bí mật thị sát chiến trường

Tướng Joseph Votel, tư lệnh hành quân của quân đội Mỹ tại Trung Đông, đã đến thăm ban lãnh đạo Lực Lượng Dân Chủ Syria (FDS) 24 giờ trước. Theo thông tin được tiết lộ ngày 26/02/2017, phe nổi dậy gồm người Ả Rập và Kurdistan-Syria được Washington hứa cấp thêm vũ khí nặng và rất có thể, Hoa Kỳ sẽ đưa thêm biệt kích vào chiến trường Syria.
Đây là lần đầu tiên từ khi Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, tư lệnh bộ chỉ huy chiến trường Trung Đông (Centcom) bí mật thị sát khu vực miền bắc Syria. Trong bốn giờ đồng hồ, tướng Joseph Votel đã thảo luận với ban lãnh đạo lực lượng võ trang Kurdistan-Syria và các cố vấn quân sự Mỹ.
Sự kiện này được tổ chức đối lập võ trang chống Daech lẫn chế độ Damas xem là tín hiệu tiếp tục được tân chính phủ Mỹ ủng hộ. Lực lượng FDS đang gặp khó khăn trong chiến dịch đánh chiếm Raqa, thủ phủ tự phong của Daech, vì thiếu vũ khí và vì có sự nghi kỵ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối tháng Giêng, FDS nhận được xe bọc thép của Mỹ và lời cam kết của chính quyền Donald Trump ủng hộ cuộc chiến chống tổ chức thánh chiến Daech. Lược thuật về cuộc gặp gỡ với tướng Joseph Votel, phát ngôn viên của FSD, Talal Sello, cho biết nhận được lời hứa cung cấp thêm đại pháo trong tương lai.
Trong khi đó, trung tá John Thomas, một sĩ quan trong đoàn của tướng Votel cho biết ông không đề cập đến các loại vũ khí sẽ cung cấp mà chỉ tuyên bố thông hiểu « nhu cầu » của lực lượng võ trang Kurdistan-Syria (FSD).
Theo AFP, hai ngày trước khi bí mật sang Syria, tướng Votel có chia sẻ với một số phóng viên về nhu cầu gửi thêm quân Mỹ đến Syria cho dù vẫn đặt trọng tâm vào lực lượng của dân địa phương.
Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh trọng yếu của Mỹ tại Trung Đông, không mấy thiện cảm với FDS và tuyên bố bằng mọi cách không cho sắc dân Kurdistan lợi dụng cuộc chiến chống thánh chiến để thành lập quốc gia.
Damas trả thù vụ khủng bố sát hại hàng loạt sĩ quan an ninh
Mặt Trận Fateh Ql Cham, hậu thân của Al Qaida ở Syria, tự nhận là tác giả loạt khủng bố tự sát, tấn công thẳng vào cơ quan an ninh tình báo tại Homs ngày 25/02/2017, giết chết 40 người, trong đó có hai tướng lãnh. Để trả thù, Damas cho máy bay oanh kích sát hại ít nhất 13 thường dân.
Từ Beyrouth, thông tín viên trong khu vực Paul Khalifeh cho biết chi tiết :
« Chỉ huy trưởng an ninh quân đội Syria tại tỉnh Homs là một trong những nạn nhân của vụ khủng bố tự sát. Tướng Hassan Daaboul, một sĩ quan thân cận của tổng thống Bachar Al Assad, bị tử thương, vào lúc đang thanh tra những vụ khủng bố xảy ra vài phút trước đó. Một trong các tay thánh chiến có nhiệm vụ đặc biệt hạ sát viên tướng này.
Trích dẫn một nguồn tin an ninh Syria, cơ quan truyền thông Nga Sputnik cho biết nhiều sĩ quan cao cấp khác trong đó có tướng Ibrahim Darwich, chỉ huy trưởng công an tỉnh Homs, cũng bị giết trong vụ khủng bố này.
Đây là loạt khủng bố đẫm máu nhất tấn công vào bộ máy an ninh Syria từ sau vụ ám sát bộ trưởng Quốc Phòng Daoud Rajiha cùng với ba tướng lãnh trong đó có Assef Chaoukat, người anh rể của tổng thống Syria, hồi tháng 7 năm 2012.
Để trả thù thiệt hại nặng nề hôm thứ Bảy 25/02, không quân Syria oanh kích vào khu phố Waer, một vùng ngoại ô của Homs, nơi cư trú của khoảng 100.000 dân còn nằm ngoài bàn tay kiểm soát của chính phủ Damas. Một phát ngôn viên quân đội Syria khẳng định máy bay nhắm vào vị trí của thánh chiến. Ba người chết và khoảng 50 người bị thương.
Khoảng một chục thường dân bị tử thương trong các đợt oanh kích vùng phụ cận thủ đô Damas và ở tỉnh Idleb ».

Thổ Nhĩ Kỳ

trưng cầu dân ý về trao thêm quyền cho tổng thống

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan muốn thay đổi hệ thống chính trị và chuyển sang chế độ tổng thống, được cho là nhằm trao thêm quyền lực cho người đứng đầu Nhà nước. Ngày 16/04/2017, cử tri sẽ đi bỏ phiếu cho biết ý kiến của mình.
Ngay từ ngày 25/02, cuộc vận động trưng cầu dân ý đã được phát động tại Thổ Nhĩ Kỳ. Phe ủng hộ thay đổi, do thủ tướng Binali Yildrim đứng đầu, đã bắt đầu chiến dịch trước vài nghìn người tại Ankara. Dù phe « Thuận » nhận được sự ủng hộ từ bộ máy chính quyền và phần lớn các hãng truyền thông, nhưng cho đến nay, kết quả có vẻ sát sao hơn dự tính.
Thông tín viên RFI Alexandre Billette tường trình từ Istanbul :
« Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp, nhiều nghị sĩ đối lập bị cầm tù vì ủng hộ khủng bố, vài nghìn người bị sa thải hay bị bắt giữ. Chiến dịch kiểm soát đất nước của tổng thống Recep Tayyip Erdogan chưa bao giờ mạnh đến như vậy. 
Tuy nhiên, ở Istanbul, ngay cả tại những khu phố được cho là ủng hộ ông Erdogan nhất như Esenyurt, có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau về mong muốn thay đổi hệ thống chính trị của tổng thống, như giải thích một cử tri thuộc phe nói « Chống » : 
« Hãy nhìn vào khu vực Trung Đông, nhìn vào những gì đang diễn ra trong các chế độ độc tài : chỉ có sự chia rẽ. Thổ Nhĩ Kỳ là đất nước của mọi người, của tất cả chúng ta. Hệ thống nghị viện phục vụ mọi người. Tôi nói « Không » với hệ thống chỉ có một người đứng đầu ! »
Bên phe « Thuận » thì dựa vào lá bài ổn định dưới thời tổng thống Recep Tayyip Erdogan, lý do được nêu lên từ nhiều tháng nay sau cú đảo chính hụt hồi tháng 07/2016. Một người ủng hộ thay đổi hệ thống chính trị cho biết :
« Tôi sẽ nói « Có » vì Thổ Nhĩ Kỳ ! Không thống nhất với nhau, chúng tôi sẽ không vượt qua được giai đoạn rối loạn này. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ nguy hiểm, vì vậy tôi sẽ bỏ phiếu « Thuận ». Cầu Đấng tối cao tới giúp chúng con và cứu rỗi linh hồn chúng con ! »
Tuy vậy, theo những kết quả thăm dò đầu tiên, phe « Chống » có thể sẽ giành chiến thắng. Bên phe « Thuận », họ hy vọng với chiến dịch vận động vừa bắt đầu sẽ bảo vệ được số phận của hệ thống tổng thống ».
136 cựu quan chức Thổ Nhĩ Kỳ xin tị nạn tại Đức
Từ sau cuộc đảo chính hụt tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 07/2016, 136 công dân nước này mang hộ chiếu ngoại giao đã nộp đơn xin tị nạn tại Đức. Tuy nhiên, trong thông báo ngày 24/02, bộ trưởng Nội Vụ Đức không nêu cụ thể về số quân nhân, công chức, nhà ngoại giao và thành viên gia đình.
Là nước có cộng đồng người Thổ đông nhất nhất thế giới, Berlin lo ngại các cuộc xung đột trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lan sang cả Đức. Mối quan hệ Đức-Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã rất căng thẳng, hiện trở nên nhạy cảm hơn với vấn đề người xin tị nạn chính trị.

Úc và Indonesia nối lại hợp tác quân sự

Úc và Indonesia tuyên bố nối lại toàn bộ việc hợp tác quân sự giữa hai quốc gia.
Đó là tuyên bố chung của Tổng thống Indonesia, Joko Widodo và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull vào ngày hôm nay tại Úc nhân chuyến thăm chính thức nước Úc của Tổng thống Indonesia.
Việc hợp tác quân sự giữa hai bên đã bị Indonesia đơn phương dừng lại sau khi có những lời cáo buộc rằng quân đội Úc đã dùng những lời lẽ xúc phạm đến Indonesia trong những lớp huấn luyện. Những lời lẽ này liên quan đến những học thuyết lập quốc của Indonesia cũng như việc Jakarta chiếm đóng Đông Timor.
Việc hợp tác quân sự giữa Úc và Indonesia bao gồm nhiều lĩnh vực rộng lớn, từ việc bảo vệ biên giới cho đến hợp tác chống khủng bố. Ngoài ra trong tuần vừa rồi, ông Widodo cũng nói là ông mong muốn có sự hợp tác giữa hải quân hai bên để tuần tra biển Đông.
Ngoài lĩnh vực quân sự hai nhà lãnh đạo còn tuyên bố rằng sẽ xây dựng hợp tác kinh tế toàn diện vào cuối năm nay.
Tuy không nói nhiều chi tiết về việc hợp tác quân sự, nhưng Thủ tướng Úc có nói rằng Úc và Indonesia đều là hai quốc gia thương mại và đại dương, do đó hai bên là những đồng minh tự nhiên của nhau.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?