Tin Việt Nam – 26/02/2017


Tin Việt Nam – 26/02/2017

Chuẩn bị xét xử ‘đại án’ Hà Văn Thắm

Thông tin từ báo chí trong nước cho biết phiên sơ thẩm vụ ‘đại án’ kinh tế Hà Văn Thắm sẽ được Tòa án TP. Hà Nội xét xử từ ngày thứ Hai 27/2 và dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 21/3.
Theo cáo trạng, khi còn giữ cương vị Chủ tịch của Oceanbank, ông Hà Văn Thắm, 45 tuổi, đã để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, gây thiệt hại nặng nề cho Oceanbank và các cổ đông, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước Việt Nam.
Đây là một vụ được cho là khá nghiêm trọng và có nhiều mối liên hệ, ràng buộc khác nhau, không chỉ kinh tế, mà còn rất nhiều vấn đề khác liên quan thể chế kinh tế hiện nayPGS. TS. Phạm Quý Thọ
Bình luận với BBC, hôm 26/2 từ Hà Nội, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, chuyên gia về chính sách công từ Học viện Chính sách & Phát triển, nói:
“Đây là một vụ được cho là khá nghiêm trọng và có nhiều mối liên hệ, ràng buộc khác nhau, không chỉ kinh tế, mà còn rất nhiều vấn đề khác liên quan thể chế kinh tế hiện nay.
“Thực ra đây là hậu quả tất yếu của một thời kỳ bùng nổ tín dụng, cũng như khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam trong nhiệm kỳ trước do quản lý yếu kém của nhà nước, cũng như tầm nhìn về kinh tế, mà nó dẫn tới gần như hệ thống tín dụng, ngân hàng của nhà nước lâm vào tình trạng cho đến nay vẫn chưa giải quyết hết hậu quả,” nhà phân tích từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói với chuyên mục Trao đổi cuối tuần này của BBC Việt ngữ.
Ba tội danh
Từ Sài Gòn, Tiến sỹ Kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nói:
“Ông Hà Văn Thắm bị bắt vào tháng 10/2014, trước một kỳ họp Quốc hội, và ba tháng sau diễn ra một cuộc lấy phiếu tín nhiệm thăm dò nhân vật nào có uy tín nhất trong Bộ Chính trị… Ông Hà Văn Thắm bị bắt ba tháng sau cuộc khủng hoảng Ngân hàng Xây dựng ở chỗ ông Phạm Công Danh và vụ án Phạm Công Danh đã vừa xử rồi, thất thoát khoảng 9 ngàn tỷ đồng.
“Trường hợp Ngân hàng Đại Dương, con số thất thoát hiện nay theo tôi biết ‘có thể lớn hơn’ cáo trạng,” ông Phạm Chí Dũng nói với BBC hôm Chủ nhật.
Theo truyền thông Việt Nam, cùng bị xét xử với nguyên Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm còn có 47 bị cáo khác, cùng với ba tội danh: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trường hợp Ngân hàng Đại Dương, con số thất thoát hiện nay theo tôi biết ‘có thể lớn hơn’ cáo trạng
Thông tin cũng nói phiên xét xử sơ thẩm sẽ do thẩm phán Trần Nam Hà làm Chủ tọa phiên tòa và có hơn 30 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo cũng như những người liên quan. Dự kiến sẽ có gần 600 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập tới tòa.
Bên cạnh đó, cáo trạng cũng nói rõ Hà Văn Thắm trong một vụ việc khác, đã chỉ đạo cấp dưới giải quyết cho Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng) vay tiền thông qua Công ty Trung Dung, trái với qui định về điều kiện vay vốn, tài sản đảm bảo và sử dụng vốn vay không đúng mục đích, đã gây thiệt hại cho Oceanbank gần 350 tỉ đồng.
Cáo trạng còn nói ông Thắm đã bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank) đề ra chủ trương, thực hiện thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức ký hợp đồng dịch vụ “thu phí” của khách hàng.
Cáo trạng cho biết, tính từ năm 2010 đến 2014, là thời điểm bị khởi tố và bắt tạm giam, Hà Văn Thắm cùng hàng chục bị cáo trong vụ án đã gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền gần 2.000 tỷ VNĐ.
Mời quý vịbấm vào đường dẫn này để theo dõi Trao đổi Cuối tuần hôm 26/2 với khách mời của BBC Việt ngữ là PGS. TS Phạm Quý Thọ, chuyên gia Chính sách công từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Tiến sỹ Kinh tế từ Sài Gòn, về vụ xử liên quan ông Hà Văn Thắm; và sự kiện riêng rẽ – chấm dứt vai trò quản trị của cha con ông Trầm Bê tại Ngân hàng Sacombank.

Trưng bày tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm

Một chiếc tàu đánh cá ở Đà Nẵng từng bị tàu Trung quốc đâm chìm ở Hoàng Sa sẽ được đem ra trưng bày cho công chúng xem.
Chiếc tàu này mang số hiệu ĐNa 90152TS, của bà Huỳnh Thị Như Hoa, ngụ tại Đà Nẵng. Ngày 26 tháng 5 năm 2014 khi đang đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa, chiếc tàu này bị tàu Trung quốc đâm chìm. Sau đó tàu được cơ quan kiểm ngư của Việt Nam kéo vào bờ.
Bà Hoa đã tặng chiếc tàu này cho nhà nước để nó được xem là một chứng cớ lịch sử.
Chính quyền thành phố Đà Nẵng cho biết là chiếc tàu đánh cá bị tấn công này sẽ được trưng bày tại một vị trí kề bên với Nhà trưng bày Hoàng Sa hiện đang được xây dựng.
Xin được nhắc lại là Việt Nam tuyên bố chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông. Vào năm 1974, Trung quốc đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay hải quân miền Nam Việt Nam, và kiểm soát quần đảo từ đó đến nay.
Phía Việt Nam cũng không hề từ bỏ chủ quyền của mình, liên tục tuyên bố Hoàng Sa là của Việt Nam, và về mặt hành chính, Hoàng sa là một huyện trực thuộc thành phố Đà Nẵng.

Vệt nước màu đỏ ở ngoài khởi biển Đà Nẵng là trứng ruốc?

Giám đốc sở tài nguyên và môi trường thành phố Đà Nãng là ông Lê Quang Nam nói với báo chí rằng vệt nước màu đỏ ở ngoài khơi biển Đà Nẵng không phải là hóa chất độc hại mà là trứng ruốc, một loài tôm nhỏ.
Ông nói thêm là hiện tượng xuất hiện nước biển màu đỏ của trứng ruốc là một hện tượng bình thường sau Tết Nguyên đán.
Hình ảnh vệt nước màu đỏ này đã xuất hiện trên mạng xã hội facebook từ ngày 24 tháng 2, gây nên những lo ngại về ô nhiễm môi trường. Theo ông Nam thì sở tài nguyên môi trường đã cho lấy mẩu nước biển để xét nghiệm và đã có kết luận như vừa nêu.
Xin nhắc lại là từ khi xảy ra thảm họa môi trường biển Formosa Vũng Áng từ tháng tư năm ngoái làm hàng ngàn tấn cá bị chết, người dân rất lo ngại về những hiện tượng không bình thường ngoài biển.
Trước khi có hình ảnh về vệt nước màu đỏ tại Đà Nẵng, tại biển Hà Tĩnh người ta cũng thấy có một vệt nước màu đỏ. Chính quyền Hà Tĩnh cho hay là cũng đang lấy mẩu để xét nghiệm xem là nước biển có bị nhiễm độc hay không.

Động đất ở Quảng Nam

Hai trận động đất xảy ra liên tiếp tại Huyện Nam Trà My, miền Tây tỉnh Quảng Nam trong ngày hôm nay 26 tháng hai.
Theo Viện vật lý địa cầu của Việt Nam thì trận thứ nhất xảy ra lúc 11h20 giờ Việt Nam, có cường độ đo theo thang địa chấn Richter là 3,9 độ.
Trận thứ hai xảy ra lúc 1 giờ chiều, có cường độ 3,2 theo thang đo địa chấn Richter.
Cả hai trận động đất có tâm chấn ở độ sâu 10km.
Theo thông tin từ báo chí trong nước thì hiện nay chưa có thiệt hại nào được ghi nhận. Khu vực xảy ra động đất nằm gần đập thủy điện Sông Tranh của tỉnh Quảng Nam. Hiện cũng chưa có thông tin nào về việc liệu hai trận động đất có gây thiệt hại gì cho đập thủy điện hay không.
Thang đo địa chấn Richter không có giới hạn cao nhất. Trận động đất lớn nhất trên thế giới được ghi nhận là ở Chile vào năm 1960 với 9,5 độ Richter, còn trận động đất ở Đường Sơn, Trung quốc hồi năm 1976 có độ lớn là 7,5 độ Richter làm chết đến hàng trăm ngàn người.

Pháp: Phá đường dây buôn lậu tân dược về Việt Nam

Hai tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines và hai công dân Pháp gốc Việt bị bắt trong cuộc điều tra chống gian lận tiền bảo hiểm y tế. Tất cả sẽ ra tòa vào thứ Ba 28/02/2017, theo nguồn tin tư pháp của Pháp.
Hãng tin AFP cho biết vụ việc được phát hiện từ khi quỹ bảo hiểm an sinh xã hội vùng Seine-et-Marne, ngoại ô Paris, nghi ngờ bị lừa đảo. Sau một năm điều tra, cảnh sát đã bắt quả tang một cặp công dân Pháp gốc Việt và hai nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines tại một khách sạn gần phi trường Charles de Gaulle khi họ đang « bàn giao phi vụ ».
Theo một kịch bản quen thuộc, người phụ nữ nguyên là dược tá cầm toa bác sĩ thật đã được ngụy tạo đi mua thuốc tây. Sau đó đương sự cùng với người bạn trai, thất nghiệp, giao « hàng » cho một đường dây buôn lậu tân dược, chuyển về Việt Nam.
Theo tòa án, vụ lừa đảo này gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm an sinh xã hội vùng Seine-Saint-Denis và Seine-et-Marne ít nhất 150.000 euro. Trong phòng khách sạn của hai tiếp viên hàng không, cảnh sát tịch thu được thuốc men, 15.000 euro tiền mặt và nhiều mặt hàng trang sức đắt tiền (đồng hồ, thắt lưng, túi xách, giầy da… trị giá ít nhất 10.000 euro).
Cảnh sát Pháp nghi ngờ có nhiều nhân viên phi hành của Vietnam Airlines tham gia vào đường dây buôn lậu này. Bốn nghi phạm bị bắt giam từ đầu tuần và sẽ ra tòa ngày thứ Ba 28/02/2017.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện