Đọc báo Pháp - 29/11/2017


Macron muốn đổi mới quan hệ Pháp-Phi



mediaTổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chuyện với sinh viên ở đại học Ouagadougou, Burkina Faso, ngày 28/11/2017REUTERS/Philippe Wojazer
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công du châu Phi và dự thượng đỉnh Âu-Phi lần thứ 5. Đây là chủ đề chính được nhiều báo Pháp đưa lên trang nhất.
La Croix chạy tựa : « Macron tại châu Phi, đánh cược vào giới trẻ ». Trong khi đó, trang nhất của Liberation đề cập đến « Màn trình diễn của Macron tại châu Phi » và nêu ra « Sáu chủ đề ưu tiên đối với điện Elysée » nhân chuyến công du châu Phi của tổng thống Macron.
Trước hết là vấn đề giáo dục. Tổng thống Macron cho rằng nước Pháp chưa có một chính sách thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết với châu Phi trong lĩnh vực giáo dục. Do vậy, ông đề nghị gia tăng quan hệ đối tác giữa các trường đại học Pháp và châu Phi, lập một dạng thị thực nhập cảnh dành cho các tài năng châu Phi, cho phép hàng ngàn sinh viên châu Phi tới Pháp theo học.
Ưu tiên thứ hai là vấn đề dân số. Không ngần ngại đụng chạm đến chủ đề nhậy cảm, tổng thống Pháp khẳng định lại rằng không thể phát triển nếu tỷ lệ tăng dân số cao hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế.
Vấn đề thứ ba là đấu tranh chống tệ nạn buôn người. Nhân hội nghị thượng đỉnh Âu-Phi, nguyên thủ Pháp sẽ đưa ra sáng kiến chống lại chiến lược của những kẻ buôn người và tấn công vào các tổ chức tội phạm.
Ưu tiên thứ tư là chống khủng bố. Tuy vậy, trong bài diễn văn tại đại học Ouagadougou, tổng thống Pháp lại tập trung nói đến cuộc đấu tranh chống « chính sách ngu dân » mà ông cho là còn đáng gờm hơn là khủng bố. Đồng thời, ông cũng khẳng định lại sự ủng hộ đối với quân đội Pháp hiện diện tại châu Phi trong cuộc chiến chống khủng bố.
Chủ đề thứ năm liên quan đến kinh tế, đặc biệt là đồng CFA (Cộng đồng tài chính châu Phi), một trong những đồng tiền cuối cùng còn sót lại từ thời thực dân vẫn lưu hành và liên quan đến cuộc sống của 155 triệu người dân châu Phi. Chưa bao giờ, một nguyên thủ Pháp lại bày tỏ thái độ rõ ràng như vậy về tương lai đồng tiền CFA : đây không phải là chủ đề thời sự tại Pháp, thậm chí, ông ủng hộ việc đổi tên đồng tiền này và mọi cải cách tùy thuộc vào quyết tâm chính trị của giới lãnh đạo khu vực đồng CFA.
Sau cùng, nguyên thủ Pháp thông báo 2020 là năm của « mùa văn hóa châu Phi » tại Pháp. Đồng thời, ông cũng mong muốn là trong vòng 5 năm tới, sẽ hội tụ đầy đủ các điều kiện cho phép hoàn trả tạm thời hoặc trao trả hẳn các di sản văn hóa của châu Phi hiện nằm trong các bảo tàng của châu Âu.
Trang nhất của Le Figaro đưa tin : « Macron muốn châu Âu dấn thân nhiều hơn tại châu Phi ». Trong buổi nói chuyện với sinh viên đại học Ouagadougou, Burkina Faso, hôm qua, nguyên thủ Pháp đề xuất một tầm nhìn đổi mới về quan hệ giữa Pháp và châu Phi, quan hệ đối tác mới cởi mở với châu Âu, chú trọng tới giới trẻ.
Trong bài xã luận « Âu-Phi », Le Figaro cho rằng tại đại học Ouagadougou, ông Macron đã có một bài phát biểu thành công, thẳng thắn và đổi mới, đồng thời, nguyên thủ Pháp cũng nói rõ : ông tới đây không phải để đưa ra hay nhận các bài học, thời kỳ thực dân gây ra các tội ác nhưng cũng làm được nhiều việc lớn. Truyền thống văn hóa của châu Phi là tôn trọng các thế hệ tiền bối nhưng giới lãnh đạo trẻ cũng phải được lắng nghe, cần phải nói chuyện với giới trẻ. Ông khẳng định với các sinh viên châu Phi : Các bạn và tôi, chúng ta hiểu nhau.
Theo Le Figaro, tổng thống Pháp chỉ trích những ai muốn tiếp tục làm chính trị như trước. Phải đẩy lùi quá khứ và chính sách Pháp-Phi theo kiểu thực dân, coi châu lục này là sân sau của Pháp không tồn tại nữa và người châu Phi phải tự nắm vận mệnh của mình.
Đối với Macron, châu Phi là nơi va chạm tất cả các thách thức đương đại, đặc biệt là khủng bố và nạn di dân và thách thức này liên quan đến tất cả mọi người. Dường như nguyên thủ Pháp tỏ ra khó chịu về sự nhút nhát, ngần ngại của châu Âu tại châu Phi. Nước Pháp không muốn một mình đi tiên phong, đương đầu với các thách thức ở châu Phi nữa. Ông Macron muốn nước Pháp dấn thân, đảm trách vai trò phối hợp, làm trung gian giữa hai châu lục. Phải chấm dứt chính sách Pháp-Phi cổ hủ, đã đến lúc phát huy quan hệ Âu-Phi.
Thế nhưng theo Le Figaro, ông Macron sẽ phải rất nỗ lực thì mới có thể lay chuyển được các thói quen. Đó là thói quen của châu Âu vốn luôn luôn ẩn nấp sau Pháp trong các vấn đề châu Phi. Mặt khác, có hai lĩnh vực vẫn ngự trị trong quan hệ Pháp-Phi là kinh tế và quân sự. Về kinh tế, khó có thể xóa bỏ một số lô-gích và mạng lưới lợi ích. Về quân sự, thì các quyết định tùy thuộc vào thực tế tình hình.
Nepal và Pakistan không muốn Con đường tơ lụa mới
Nhìn sang khu vực châu Á, Le Monde có bài nói về « Những thất bại của Bắc Kinh trong dự án Con đường tơ lụa ».
Con đường tơ lụa mới, sáng kiến ngoại giao của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không thuận buồn xuôi gió như Bắc Kinh mong muốn. Trong bài « Những thất bại của Bắc Kinh trong dự án Con đường tơ lụa », Le Monde cho biết, trong những tuần qua, Nepal và Pakistan đã hủy bỏ các dự án của Trung Quốc xây đập thủy điện tại 2 quốc gia này.
Hai thất bại này cho thấy các phương pháp của Bắc Kinh làm dấy lên nhiều chống đối. Trên mạng xã hội Twitter, phó thủ tướng Nepal, ngày 13/11 thông báo, là chính phủ nước này từ bỏ dự án đập thủy điện 2,5 tỷ đô la mà một tập đoàn Trung Quốc lẽ ra sẽ tiến hành. Quan chức này cho biết là cuộc họp của chính phủ Nepal kết luận rằng thỏa thuận được ký kết với tập đoàn Trung Quốc Cát Châu Bá (Gezhouba Group) liên quan đến dự án thủy điện Budhi Gandaki đã được thông qua mà không có suy nghĩ kỹ càng, có nhiều điểm bất thường. Trong khi đó, một ủy ban của nghị viện Nepal chỉ trích sự thiếu minh bạch trong việc tổ chức đấu thầu.
Trường hợp của Pakistan thì không triệt để như vậy. Islamabad quyết định tiếp tục thực hiện dự án đập thủy điện Diamer-Bhasha. Tuy một tập đoàn Trung Quốc sẽ thực hiện, nhưng Pakistan sẽ tự huy động 14 tỷ đô la mà không cần đến tài trợ của Trung Quốc. Đồng thời, Pakistan cũng đề nghị Trung Quốc gạt bỏ dự án này ra khỏi khuôn khổ chương trình lập « vành đai kinh tế Trung Quốc-Pakistan », tên gọi của dự án Các con đường tơ lụa mới tại Pakistan. Sở dĩ Pakistan khước từ tài trợ của Trung Quốc vì Bắc Kinh đòi làm chủ sở hữu đập thủy điện này, làm chủ việc bảo trì đập và có quyền đối một dự án đập thủy điện khác trong trường hợp Islamabad không đủ khả năng trả nợ.
Đây không phải là lời cảnh báo đầu tiên đối với Bắc Kinh. Ngày càng có nhiều dự án, như xây đập thủy điện, tàu cao tốc bị người dân ở địa phương phản đối. Trước đây tại Miến Điện, dự án đập thủy điện Myitsone mà lẽ ra, một tập đoàn Trung Quốc khởi công từ năm 2011, cũng đã bị đình chỉ do người dân ở đây phản đối mạnh mẽ. Dự án đã bị hoãn lại nhiều lần và tương lai không sáng sủa.
Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng chính thức về quyết định của Nepal và Pakistan. Theo Le Monde, đây là chủ đề nhậy cảm. Báo Le Monde đã liên lạc với 5 nhà nghiên cứu Trung Quốc để hỏi về chủ đề này nhưng tất cả đều từ chối trả lời. Một người trong số này còn lấy làm tiếc là đã nói về vấn đề này và nhấn mạnh, ông không thể nói gì chừng nào chưa có phản ứng chính thức và công khai của Bắc Kinh.
Tại Miến Điện, giáo hoàng kêu gọi tôn trọng mọi sắc tộc
Các báo Pháp cũng chú ý đến chuyến tông du Miến Điện của đức giáo hoàng Phanxicô. La Croix đưa tin : « Tại Miến Điện, đức giáo hoàng ủng hộ mạnh mẽ Aung San Suu Kyi ». Chấp nhận không nhắc đến từ Rohingya, một chủ đề nhậy cảm ở nước này, giáo hoàng Phanxicô bày tỏ thái độ ủng hộ tiến trình hòa giải đang diễn ra ở Miến Điện và ngài nhấn mạnh đến sự « tôn trọng mọi sắc tộc, bản sắc của họ, tôn trọng Nhà nước pháp quyền và trật tự dân chủ ».
Theo nhận định của Nicolas Senèze, đặc phái viên báo La Croix tại Miến Điện thì câu hỏi đặt ra là liệu những lời kêu gọi của giáo hoàng có được giới lãnh đạo quân sự Miến Điện lắng nghe hay không ?
Theo cùng hướng này, Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : « Tại Miến Điện, François kêu gọi tôn trọng tất cả các nhóm sắc tộc ».
Trị ung thư phổi, Pháp cho dùng Keytruda
Les Echos đưa tin : « Chữa trị ung thư phổi, giải pháp thay thế hóa trị đổ bộ vào Pháp ».
Sau nhiều tháng đàm phán, tập đoàn dược phẩm Mỹ Merck, thông qua chi nhánh MSD tại Pháp, đã đạt được thỏa thuận về chi phí thanh toán thuốc chữa trị ung thư phổi Keytruda. Cơ quan chịu trách nhiệm định giá các sản phẩm y tế đã chấp nhận Keytruda là thuốc ưu tiên sử dụng trong việc chữa trị ung thư phổi bị di căn. Chi phí sẽ là 6000 euro mỗi tháng, cho mỗi bệnh nhân.
Keytruda là một trong những loại thuốc đáng chú ý hiện nay trong liệu pháp miễn dịch, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của bệnh nhân. Tại Pháp, có từ 6000 đến 8000 bệnh nhân sẽ được hưởng phương pháp chữa trị này và mỗi năm, cơ quan bảo hiểm y tế Pháp sẽ phải chi ra 432 triệu euro.
Theo một chuyên gia về ung thư ngực thuộc bệnh viên Créteil, thì ung thư phổi là một trong những loại bệnh nghiêm trọng, xẩy ra thường xuyên, nhưng từ 30 năm nay, lại có ít tiến triển về giải pháp chữa trị. Bình thường ra, phải mất đến 10 năm thì mới cải thiện được một loại thuốc kéo dài sự sống thêm 6 tháng cho bệnh nhân. Trong khi đó, nếu dùng Keytruda thì có thể kéo dài thêm 16 tháng.

TIN ĐỌC NHANH 

(AFP & Reuters) –Hoàng tử Ả Rập Xê Út chấp nhận nộp 1 tỉ đô la để được tự do. Theo các nguồn tin Ả Rập Xê Út hôm nay 29/11/2017, hoàng tử Miteb, con của cố quốc vương Abdallah, đã chấp nhận nộp hơn 1 tỉ đô la để được trả tự do sau ba tuần lễ bị giam giữ. Ông đã bị bắt vào đầu tháng 11 cùng với vài chục thành viên khác của hoàng gia, bộ trưởng, doanh nhân, trong chiến dịch chống tham nhũng chưa từng thấy tại Ả Rập Xê Út. 
( AFP ) - Bangladesh : Một linh mục mất tích trước ngày Đức Giáo Hoàng thăm viếng.  Cha Walter William Rosario, một linh mục Công giáo 40 tuổi, đột nhiên biến mất trong bối cảnh quốc gia Hồi giáo Bangladesh tăng cường an ninh trước chuyến tông du của lãnh đạo Toà thánh. Theo cảnh sát, linh mục hiệu trưởng một trường Công giáo mất tích từ ngày 27/11/2017, trong khi đi thăm một ngôi làng ở phía bắc Bangladesh, nơi mà năm ngoái, một nhóm Hồi giáo cực đoan đã giết chết một nhà buôn theo đạo Thiên Chúa và một tổ chức xã hội đen đã bắt cóc một linh mục để tống tiền.
(AFP) – Thái Lan: « Khoe mông » trước chùa, hai du khách Mỹ bị bắt. Hai người đàn ông Mỹ khoảng 30 tuổi tối qua 28/11/2017 đã bị bắt giữ tại sân bay Bangkok, do đăng lên mạng Instagram hình chụp trước ngôi chùa Wat Arun nổi tiếng với bộ mông trần. Hai du khách này đã nhận tội và chấp nhận nộp 5.000 baht tiền phạt (gần 130 euro), vì có « thái độ bất xứng »nơi công cộng, tuy nhiên họ vẫn bị giam giữ trong khi chờ đợi quyết định của tư pháp. Nếu bị coi là vi phạm bộ luật nghiêm khắc về « tội phạm tin học », họ có thể bị lãnh án nhiều năm tù.
(AFP) –Trung Quốc : Cô mẫu giáo dùng kim hành hạ trẻ em. Một cô giáo làm việc tại một trường mẫu giáo tư nhân ở Bắc Kinh đã dùng kim may để phạt các em bé không chịu ngủ trưa. Công an quận Triều Dương (Chaoyang) tối qua 28/11/2017 cho biết cô giáo 22 tuổi của trường mẫu giáo song ngữ RYB Education New World đã bị bắt giữ, sau khi phụ huynh nộp đơn kiện.
(AFP & Reuters) –Phi trường quốc tế Bali mở cửa trở lại. Chính quyền Indonesia hôm nay 29/11/2017 loan báo đã mở cửa lại sân bay quốc tế Bali, sau ba ngày đóng cửa vì tro núi lửa Agung. Có khoảng 120.000 du khách đang bị kẹt lại ở Bali, do những cụm khói đen lớn phun ra từ núi lửa Agung đe dọa an toàn bay, gây lo sợ núi lửa sẽ hoạt động bất kỳ lúc nào. Khoảng 440 chuyến bay đã bị hủy, 100.000 người dân địa phương phải sơ tán.
(AFP & Reuters) –Anh và EU sắp thỏa thuận được chi phí « ly dị ». Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm qua 28/11/2017 cho biết, Luân Đôn sẵn sàng chi trả phần lớn số tiền mà EU đòi hỏi để ra khỏi Liên hiệp, vấn đề vẫn là vướng mắc chính trong thương lượng Brexit. Theo báo chí Anh quốc, số tiền này khoảng 50 tỉ euro, tương đương với cam kết đóng góp cho đến ngày 29/03/2019, thời điểm Anh chính thức rút khỏi EU, trong khi EU đòi 60 tỉ euro. Tuy nhiên, hôm nay ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán EU về Brexit, từ chối cho biết cụ thể, chỉ nói rằng hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong những ngày tới.
(AFP) –Đức :Cựu phát-xít96 tuổi vẫn phải vào tù. Oskar Gröning, cựu kế toán trại tập trung Auschwitz, năm nay 96 tuổi, rốt cuộc sẽ phải vào trại giam thi hành bản án bốn năm tù, được tuyên cách đây hai năm. Tòa án Celle ở miền trung nước Đức hôm nay 29/11/2017, sau khi tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, nhận định rằng bị cáo vẫn phải thụ án dù tuổi cao.
( AFP ) - Thổ Nhĩ Kỳ : Chính quyền Erdogan tiếp tục trả thù đảo chính. Ngày 29/11/2017, toà án Istanbul tung lệnh truy bắt 333 quân nhân bị tình nghi có liên hệ với vụ đảo chính hụt vào tháng 7/2016. Trong danh sách truy bắt thêm này còn có 27 « giáo sĩ bí mật » trong phong trào Hồi giáo của giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen, đồng minh trước khi trở thành khắc tinh của tổng thống Erdogan. Từ sau cuộc binh biến, hơn 50 ngàn người trong mọi ngành nghề, từ quân nhân, cảnh sát cho đến giáo chức, phóng viên, đã bị bắt giam. Hơn 140.000 người đã bị sa thải.
(AFP) – Mỹ mở điều tra hàng nhôm lá Trung Quốc, Bắc Kinh dọa trả đũa. Hôm qua, 28/11/2017, bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thông báo cho mở các cuộc điều tra để xác định xem mặt hàng « nhôm tấm thông thường » nhập khẩu từ Trung Quốc có được trợ giá, cạnh tranh không lành mạnh, gây hại cho công nghiệp Hoa Kỳ hay không. Ngay lập tức, hôm nay Bắc Kinh đã tỏ phẫn nộ với chính sách « bảo hộ mậu dịch » của Hoa Kỳ, đồng thời dọa sẽ có biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của các công ty Trung Quốc. Lần này, điều tra chống phá giá Mỹ không được khởi sự theo đề nghị của một công ty hay một tổ chức chuyên nghiệp như thường lệ, mà là do đề xuất của bộ Thương Mại Mỹ. 
( AFP ) – Tổng thống Venezuela sẵn sàng ngừng bán dầu cho Mỹ. Mặc dù đất nước Venezuela đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng toàn diện, hôm qua tổng Nicolas Maduro cho biết sẵn sàng ngừng bán dầu cho Mỹ. Trong lúc kinh tế đang khốn quẫn, Caracas tố cáo Washington tiến hành chính sách « bức hại tài chính » đối với Venezuela. Tháng 8 vừa qua qua, tổng thống Donald Trump đã ban hành trừng phạt kinh tế với Caracas, cấm các ngân hàng và công dân Mỹ mua các trái phiếu hoặc làm ăn với chính phủ Venezuela. Trong khi đó, Venezuela cũng như tập đoàn dầu mỏ nhà nước đang rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán một phần, theo các cơ quan thẩm định tài chính.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?