'Tổng thống lâm thời' 35 tuổi của Venezuela là ai?

Tác giả: Phúc Long Nguồn: Tuổi Trẻ Online Ngày đăng: 2019-01-27
Cho đến gần đây, chính trị gia 35 tuổi Juan Guaidó thuộc phe đối lập Venezuela là một nhân vật chưa được biết đến trên chính trường quốc tế.


Ông Juan Guaidó tự tuyên thệ nhậm chức "tổng thống lâm thời" Venezuela trong cuộc biểu tình ngày 23-1 - Ảnh: AFP
Nhưng điều đó đã thay đổi vào ngày 23-1, khi chính trị gia trẻ Guaidó đứng trước hàng ngàn người biểu tình ở thủ đô Caracas của Venezuela tự tuyên thệ trở thành "Tổng thống lâm thời" - động thái ngay lập tức được Mỹ và Canada công nhận.
Ông Guaidó lần đầu đánh tín hiệu "thách thức" tổng thống Venezuela vào đầu tháng 1-2019, khi ông Nicolas Maduro nhậm chức nhiệm kỳ 2 dựa trên kết quả cuộc bầu cử gây tranh cãi mùa hè năm ngoái. Lễ tuyên thệ này nhận được một tràng phản đối từ nhiều nước.
Và ông Juan Guaidó, chỉ 6 ngày sau khi nhậm chức Chủ tịch Quốc hội Venezuela, tuyên bố với thế giới rằng ông sẵn sàng giữ chức Tổng thống cho đến khi một cuộc bầu cử tự do và công bằng được tổ chức - nếu có được sự ủng hộ cần thiết của quân đội.
Tuyên bố trên là một thách thức công khai hiếm hoi trên chính trường Venezuela chống lại ông Maduro, tuy nó được Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) ủng hộ, người ta lại sợ một đợt bắt bớ phe đối lập mới sẽ xảy ra ở Venezuela.


Nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Maduro gây nhiều tranh cãi do kết quả bầu cử năm ngoái không được nhiều nước công nhận - Ảnh: AFP
Tuy nhiên, giữa bức tranh kinh tế và chính trị ảm đạm, nhà lãnh đạo Maduro đã chọn "coi nhẹ" đối thủ. "Nhiều người dân Venezuela sẽ hỏi anh chàng Guaidó này là ai?" - ông Maduro còn đùa trong một bài diễn văn tối thứ Sáu tuần trước trên truyền hình.
Vài ngày sau, ông Guaidó bị mật vụ Venezuela bắt giữ một chốc rồi thả ra - chuyện này ông Maduro đổ cho một vài nhân viên "tự ý làm".
"Nhìn xem họ làm gì kìa. Họ đang tuyệt vọng trong (Dinh tổng thống) Miraflores..." - ông Guaidó nói trước đám đông ủng hộ sau khi được thả.
Lớn lên ở La Guaira, một thành phố cảng nằm cách Caracas 20 dặm, ông Guaidó bắt đầu hoạt động chính trị nhân phong trào biểu tình sinh viên phản đối Tổng thống Hugo Chavez - người tiền nhiệm của ông Maduro, hồi năm 2007.
Ông Chavez khi đó đang tìm cách sửa Hiến pháp theo hướng tăng quyền lực cho mình: Bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống, quyền đơn phương ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia... Tuy nhiên, kết quả cuộc trưng cầu dân ý không chiều theo ý ông.
Thất bại trong bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp của Tổng thống Chavez càng làm tăng sức mạnh cho phong trào đối lập non trẻ của Venezuela, trong đó bao gồm Đảng Ý Chí Nhân Dân của chính trị gia đối lập Leopoldo López - người đỡ đầu cho chàng trai Juan Guaidó.
Chính ông López là người đẩy Guaidó - "người học trò" trẻ hơn ông 12 tuổi - lên dẫn dắt liên minh Đảng Ý Chí Nhân Dân trong quốc hội Venezuela khi nhiệm kỳ của họ bắt đầu vào ngày 5-1 vừa qua.
Ông Guaidó chỉ vừa hoàn thành một nhiệm kỳ nghị sĩ từ khi được bầu hồi năm 2015.
Ngoài đặc điểm nổi bật chống lại Tổng thống Maduro, chính trị gia Guaidó nhìn chung ủng hộ nền kinh tế thị trường và trao quyền tự chủ tài chính lớn hơn cho chính quyền các khu vực - đồng quan điểm với đảng của ông.
-----------
Quân đội Venezuela không chấp nhận 'tổng thống tự phong' Juan Guaido
Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez tuyên bố những người lính của Venezuela không chấp nhận một người đứng trên pháp luật khi tự tuyên bố là tổng thống và nhận được sự công nhận của nước ngoài.


Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez (trái) và Tổng thống Nicolas Maduro - Ảnh: AFP
"Những thất vọng và sự không khoan dung đang đe dọa hòa bình tổ quốc. Những người lính của đất mẹ Venezuela sẽ không chấp nhận một tổng thống được dựng lên một cách mơ hồ, hay tự xưng là tổng thống một cách trái luật. Quân đội sẽ bảo vệ Hiến pháp và chủ quyền của Venezuela" - ông Lopez viết trên Twitter cá nhân sáng 24-1 (giờ Việt Nam).
Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời Venezuela, nhận được sự công nhận ngay lập tức của Mỹ và một số quốc gia Mỹ Latin.
Tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Lopez là chỉ dấu quan trọng cho thấy ông Maduro vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của quân đội, sau một số vụ đảo chính 'hụt' của các tướng lĩnh cấp thấp và trung.
Vai trò của quân đội Venezuela đã được nhắc đến trong các tuyên bố gần đây của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi quân đội Venezuela hỗ trợ "các nỗ lực khôi phục nền dân chủ" cũng như bảo vệ sự an nguy của phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Venezuela.
Trước đó, đáp trả việc Mỹ công nhận ông Guaido, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, và buộc các nhà ngoại giao Mỹ rời khỏi nước này trong vòng 72 tiếng. Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối điều này, cho rằng ông Maduro đã là "cựu tổng thống" nên không có quyềnlàm điều đó.
Giới quan sát nhận định với việc ông Guaido tự tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời có thể dẫn tới chuyện xuất hiện tình trạng hai chính phủ song song cùng tồn tại ở Venezuela.
Chính quyền do ông Maduro lãnh đạo kiểm soát các cơ quan chính phủ, bao gồm cả Bộ quốc phòng, nhưng không được Mỹ và một số nước công nhận.
Cuba và chính phủ mới ở Mexico vẫn công nhận ông Maduro là đại diện hợp pháp của Venezuela. Ngược lại, chính phủ chuyển tiếp của tổng thống tự phong Guaido được Washington công nhận, nhưng "có tiếng mà không có miếng" ở Venezuela.
Với tên gọi chính thức Lực lượng vũ trang Bolivaria quốc gia của Venezuela, quân đội Venezuela nằm dưới sự kiểm soát tối cao của Tổng tư lệnh là tổng thống. Trước khi trở thành Bộ trưởng quốc phòng năm 2014 theo sự chỉ định của ông Maduro, ông Padrino là Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Venezuela.
-----------
Mỹ phớt lờ đe dọa trục xuất nhà ngoại giao của Venezuela
Đáp trả tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gọi ông là "cựu tổng thống" và khẳng định ông Maduro không có quyền cắt đứt quan hệ với Washington.


Tổng thống Maduro vẫy cờ trước những người ủng hộ ông ngày 23-1 ở thủ đô Caracas - Ảnh: REUTERS
"Mỹ không công nhận chế độ Maduro là đại diện cho chính phủ Venezuela. Do đó, Mỹ cho rằng cựu tổng thống Nicolas Maduro không có quyền cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Venezuela, hay tuyên bố các nhà ngoại giao của Mỹ là persona non grata (các nhân vật không được hoan nghênh - PV)" - Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong tuyên bố phát đi sáng 24-1 (giờ VN).
Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Venezuela nhanh chóng leo thang trong vòng 24 giờ qua. Ngày 23-1, ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido tự tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời Venezuela, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức lên tiếng công nhận ông Guaido và kêu gọi các nước khác làm theo.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro - người vừa tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 6 năm hôm 10-1, đáp trả bằng tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và yêu cầu các nhà ngoại giao Washington rời khỏi nước này trong vòng 72 tiếng.
Trong tuyên bố sáng 24-1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chính thức gọi ông Guaido là "quyền tổng thống Venezuela" và hoan nghênh quyết định duy trì quan hệ ngoại giao của Venezuela với tất cả các nước của "nhà lãnh đạo mới", theo hãng thông tấn AFP.
"Mỹ sẽ tiến hành các biện pháp thích hợp để buộc bất kỳ kẻ nào đe dọa đến an nguy của phái đoàn ngoại giao Mỹ cùng các thành viên của phái đoàn phải chịu trách nhiệm cho hành động đó" - tuyên bố cảnh báo.


Cờ Mỹ xuất hiện trong cuộc biểu tình chống ông Maduro của phe đối lập Venezuela ở thủ đô Caracas ngày 23-1 - Ảnh: REUTERS
"Mỹ sẽ sát cánh cùng Tổng thống lâm thời Juan Guaido, Quốc hội được bầu cử dân chủ và nhân dân Venezuela trong lúc họ khôi phục ôn hòa trật tự hiến pháp cho đất nước Venezuela.
Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Tổng thống lâm thời Guaido khi ông thành lập một chính phủ chuyển tiếp và thực hiện các nghĩa vụ hiến pháp của mình với tư cách là Tổng thống lâm thời, bao gồm cả việc định đoạt số phận của các đại diện ngoại giao Venezuela tại Mỹ và các quốc gia khác" - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn nhấn mạnh.
Tuyên bố của Mỹ kết thúc bằng việc kêu gọi quân đội Venezuela "tiếp tục bảo vệ phúc lợi và quyền lợi của tất cả công dân Venezuela, cũng như công dân Mỹ và công dân các nước khác ở Venezuela".
Ngay sau động thái của chính quyền Washington, một số các quốc gia Mỹ Latin đã lên tiếng công nhận ông Guaido. Mỹ và phần lớn các nước Nam Mỹ không công nhận cuộc bầu cử với chiến thắng thuộc về ông Maduro hồi năm ngoái.
"Tiếng nói của nhân dân Venezuela là không thể bị phớt lờ. Chúng tôi kêu gọi một tiến trình chính trị ngay lập tức cho một cuộc bầu cử tự do, đáng tin cậy dựa trên hiến pháp" - đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về đối ngoại Federica Mogherini ra tuyên bố tối 23-1.
Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cảnh báo ông Maduro và những người trung thành với ông, rằng Washington sẵn sàng tăng cường các biện pháp trừng phạt dầu, vàng và các hành động không xác định "nếu họ làm hại bất kỳ thành viên Quốc hội nào, hoặc bất kỳ quan chức hợp pháp nào của chính phủ Venezuela".


Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido đã tự tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời Venezuela ngày 23-1 - Ảnh: REUTERS
Đất nước Venezuela phụ thuộc vào dầu mỏ đã tê liệt bởi cuộc suy thoái kéo dài 4 năm kể từ khi ông Maduro lên cầm quyền. Tình trạng nghèo đói tăng cao trong khi phần lớn dân số bị thiếu hụt các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm và thuốc men.
Lạm phát đã tăng vọt với dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế rằng lên tới 10 triệu phần trăm trong năm 2019, theo hãng thông tấn AFP.
Sự thất bại của các dịch vụ công như nước, điện và giao thông, đã dẫn tới một cuộc di cư hàng loạt của người Venezuela. Theo Liên Hiệp Quốc, kể từ năm 2015 đã có 2,3 triệu người Venezuela bỏ ra nước ngoài.
--------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?