Đọc báo Pháp – 28/05/2020

Đọc báo Pháp – 28/05/2020

Virus corona làm đối đầu Mỹ -Trung Quốc kịch phát – Anh Vũ

Thời sự được các báo Pháp ra hôm nay chú ý đặc biệt là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Layen, hôm qua, thông báo kế hoạch “lịch sử” 750 tỷ euro để phục hồi kinh tế Liên Hiệp Châu Âu sau khủng hoảng dịch Covid-19. Đó là số tiền mà Liên Âu dự trù đi vay trên thị trường tài chính. Kế hoạch còn phải được các nước thành viên nhất trí hoàn toàn mới có thể thực thi được.
Le Figaro nhận định với hàng tựa trang nhất : « Châu Âu chuẩn bị cho các cuộc thương lượng khó khăn về kế hoạch phục hồi kinh tế ». Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Liên Âu có khối nợ chung lớn như vậy để chia trợ cấp cho các thành viên (500 tỷ trợ cấp và 250 tỷ cho vay).
Nhưng nhận định của các báo Pháp đều có điểm chung: sẽ khó có được sự nhất trí hoàn toàn giữa các thành viên về dự án này. Ngay từ giờ, nhiều nước như Hà Lan, Áo, Thụy Điển hay Phần Lan đã tỏ ý phản đối. Thương lượng khó khăn, nhưng các  thủ tục cũng phức tạp : Kế hoạch phải được Hội Đồng Châu Âu nhất trí tán thành, rồi được Nghị Viện Châu Âu thông qua, cuối cùng là được nghị viện từng nước phê chuẩn.
Nhìn chung các báo không hy vọng kế hoạch được triển khai vào đầu năm 2021. Nhưng dù sao đây cũng là một thông tin tốt lành giữa lo lắng về đại dịch và cũng là bước thử thách về mối liên kết của Liên Hiệp, Libération ghi nhận.
Đối đầu từ thương mại sang chính trị, ngoại giao
Bên cạnh sự kiện nổi bật của châu Âu, Trung Quốc, Hồng Kông và Mỹ vẫn là chủ đề quan tâm của nhiều báo. La Croix đặc biệt chú ý tới quan hệ Trung-Mỹ. Tựa trang nhất của tờ báo :  « Trung Quốc – Hoa Kỳ, cạnh tranh kịch phát ».
Khủng hoảng virus corona làm gia tăng căng thẳng gữa 2 cường quốc. Cuộc tranh giành ảnh hưởng này có thể làm phân cực thế giới. La Croix nhận thấy quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang làm tê liệt các định chế quốc tế như vào thời chiến tranh lạnh. Tiếp sau cuộc chiến thương mại, cuộc tranh đua giữa hai cường quốc đang chuyển sang địa hạt ngoại giao và ý thức hệ, với cái đích là vị trí đứng đầu thế giới.
Tờ báo ghi nhận, « gần đây tại Bắc Kinh, người ta thóa mạ ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người ta bêu riếu các nền dân chủ phương Tây. Tại Washington, người ta hừng hực tấn công liên tục vào những điều « dối trá » của Trung Quốc. Ở Liên Hiệp Quốc, nhiều nghị quyết bị bế tắc vì đối đầu ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ ».
Đúng là từ khi Mỹ và Liên Xô hòa hoãn với nhau, chưa từng có một cuộc đấu dữ dội giữa các cường quốc như thế này, La Croix bình luận.
Từ vài tháng qua, cuộc xung đột thương mại giữa hai đại cường đã chuyển sang địa hạt chính trị và y thức hệ, người Trung Quốc thẳng thừng tán dương tính vượt trội của mô hình của họ trong xử lý dịch virus corona.
Leo thang khẩu chiến che đậy thách thức chính trị trong nước, như ghi nhận của Antoine Bondaz, nhà nghiên cứu Quỹ nghiên cứu chiến lược : « Chính quyền Trung Quốc sử dụng căng thẳng hiện nay để nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc, củng cố mối gắn kết, khẳng định tính chính đáng của đảng Cộng Sản trong lúc đất nước đang khủng hoảng kinh tế và gặp nhiều căng thẳng ».
Còn ở Mỹ, lá bài mối đe dọa Trung Quốc giúp Donald Trump làm dư luận quên đi cách xử lý lộn xộn trong cuộc khủng hoảng y tế. Nhất là chỉ còn vài tháng nữa đến kỳ bầu cử tổng thống, lá bài đó còn giúp Trump huy động hàng ngũ cử tri của ông, vốn rất nhạy cảm với những phát ngôn hùng hồn mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa của chủ nhân Nhà Trắng.
Một hình thái chiến tranh lạnh mới
La Croix nhận thấy : Khi Donald Trump lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ 2017 thì cũng là lúc Tập Cận Bình công khai tỏ ý muốn tái lập trật tự thế giới đã hình thành từ sau Thế chiến thứ hai.
« Chính quyền Trung Quốc củng cố ảnh hưởng trong các định chế đã tồn tại, nhất là trong hệ thống Liên Hiệp Quốc, hoặc tạo ra các định chế mới như  Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở châu Á, tự cho mình vai trò đề xuất những thay đổi luật lệ trong định chế đã có, mà Bắc Kinh vẫn cho là bị các cường quốc phương Tây thống trị một cách bất công », Alice Ekman, chuyên gia về châu Á thuộc Viện nghiên cứu an ninh của Liên Hiệp Châu Âu nhận định.
Khác với thời chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây trước kia, Trung Quốc không tìm cách ký các hiệp ước đồng minh quân sự để tranh đua với Mỹ, mà tìm cách liên kết các nước « bạn bè », để có được ủng hộ trong các tổ chức quốc tế.
Họ làm việc này bằng cách dựa vào mạng lưới ngoại giao, nguồn dự trữ tài chính không ai bằng. Đến khi châu Âu, Bắc Mỹ rơi vào khủng hoảng, tham vọng của Trung Quốc càng lớn. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã cho thấy sơ bộ kịch bản đó qua các chiến dịch thôn tính doanh nghiệp châu Âu và dự án con đường tơ lụa mới. Giờ đây đến khủng hoảng Covid-19, cuộc cạnh tranh chiến lược lại tiếp tục diễn ra dữ dội.
Căng thẳng Mỹ- Trung còn gây hậu quả gián tiếp đến cộng đồng người Hoa và châu Á ở Mỹ. Các phát biểu chống Trung Quốc gay gắt của tổng thống Doanald Trump đang khiến cộng đồng châu Á của Mỹ lo sợ. Từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng virus corona, họ nhận thấy những hành vi kỳ thị gia tăng mạnh. Đó là ghi nhận trong phóng sự do thông tín viên của La Croix thực hiện trong khu châu Á ở Manhattan, New York, với tựa đề : Tại Chinatown, virus kỳ thị chủng tộc gây sợ hãi
Tương lai Hồng Kông khiến doanh nghiệp lo lắng
Những rối ren chính trị hồi năm ngoái ở Hồng Kông  vì luật dẫn độ của Trung Quốc tưởng đã chìm xuống. Tình hình tại đặc khu hành chính này lại bùng lên căng thẳng những ngày qua vì một đạo luật khác.
Nhật báo kinh tế Les Echos trong bài « Tương lai Hồng Kông khiến cộng đồng doanh nghiệp lo lắng » nhận định, các điều kiện Bắc Kinh mới áp đặt ở Hồng Kông qua dự luật an ninh quốc gia đang khiến các nhà đầu tư đa quốc gia hiện diện ở vùng đất này lo ngại thực sự, nhất là vào lúc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19  kéo theo đang làm suy yếu môi trường làm ăn ở vùng lãnh thổ tự trị này.
Hôm qua, Washington, qua lời ngoại trưởng Mike Pompeo, khẳng định thành phố này đã mất quyền tự trị với Bắc Kinh. Luật an ninh quốc gia chỉ là một động thái mới nhất « phá hoại cơ bản quyền tự trị và tự do của Hồng Kông cùng những hứa hẹn của chính Trung Quốc với người dân Hồng Kông ».
Hoa Kỳ dọa sẽ xóa bỏ quy chế ưu đãi thương mại với Hồng Kông. Thế nhưng, theo Les Echos, ở Hồng Kông cũng có hơn 1300 công ty Mỹ đang hoạt động và các công ty này lại có mối liên hệ làm ăn chặt chẽ với hàng loạt các công ty đa quốc gia khác. Như vậy không chỉ có chế độ « chuyên chế của Bắc Kinh », mà cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang làm các nhà đầu tư ở Hồng Kông thêm lo lắng.
Để cung cấp thêm thông tin xung quanh sự kiện Hồng Kông, Les Echos có bài phỏng vấn chuyên gia Jean – Pierre Cabestan, Giáo sư  khoa học chính trị, Đại học Baptiste Hồng Kông. Theo chuyên gia Cabestan, thì từ năm 2003, chính quyền Hồng Kông đã muốn thông qua dự luật an ninh quốc gia, nhưng không thành, vì vấp phải làn sóng chống đối quá lớn. Sau thất bại trong vụ dự luật dẫn độ năm ngoái, giờ đây Bắc Kinh thấy có cơ hội, phải trực tiếp nhúng tay làm, bỏ qua Nghị Viện Hồng Kông.
Chuyên gia về Hồng Kông này phân tích thêm, dự luật an ninh quốc gia không xóa sổ quy chế « một quốc gia hai chế độ »  ở Hồng Kông. Vùng đất này vẫn còn ít nhiều tự do, tư pháp vẫn độc lập hơn nhiều so với Hoa Lục. Trung Quốc chỉ nhằm loại bỏ phong trào dân chủ, cai trị một Hồng Kông ổn định để làm vai trò « con gà đẻ trứng vàng » của Hoa Lục. Tuy nhiên đây là mục tiêu không dễ gì mà Bắc Kinh đạt được.
Mỹ gây sức ép để đồng minh rời xa Trung Quốc
Vẫn liên quan đến căng thẳng Trung –Mỹ, trang kinh tế của Le Figaro có bài : « Dưới sức ép của Mỹ, Israel  loại Trung Quốc khỏi hợp đồng 2 tỷ đô la ».
Tờ báo cho biết, cuối cùng thì Trung Quốc sẽ không xây dựng nhà máy khử muối nước biển lớn nhất thế giới đặt tại phía nam Tel Aviv, bên bờ Địa Trung Hải. Công ty Trung Quốc Hutchison được cho là có khả năng thắng thầu dự án xây nhà máy Sorek 2 đó, nhưng cuối cùng hôm thứ Ba vừa qua, hợp đồng trị giá 2 tỷ đô la đã được giao cho một tập đoàn của Israel.
Le Figaro cho rằng sự lựa chọn này của chính phủ Israel có tác động của Hoa Kỳ. Cách đây 2 tuần giữa lúc đại dịch Covid-19 đang căng thẳng ở Mỹ, ngoại trưởng Mike Pompeo vẫn công du Israel. Về mặt chính thức chuyến đi này là để giàn xếp vấn đề tranh chấp vùng đất Cisjordanie, mà  Israel đang chiếm giữ. Nhưng bên cạnh đó, ông Pompeo cũng muốn nhắc nhở đồng minh trung thành của Mỹ về « mối đe dọa » của Trung Quốc.
Trên đài truyền hình Israel, ngoại tưởng Mỹ tuyên bố : «  Chúng tôi không muốn đảng Cộng Sản Trung Quốc được tiếp cận các cơ sở hạ tầng Israel, hệ thống thông tin và tất cả những gì gây nguy hiểm cho các công dân Israel, mà thực tế đó là gây nguy hiểm đến năng lực của Hoa Kỳ ».
Theo báo chí Israel, trong những tuần gần đây, qua nhiều kênh khác nhau, Washington đã gây áp lực để Tel Aviv cắt đứt hoặc rời xa Trung Quốc, hiện đang là đối tác làm ăn lớn thứ 3 của Israel. Trong những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư vào đất nước nhỏ bé này 25 tỷ đô la và cũng đã giành được nhiều hợp đồng quản lý cảng biển chiến lược ở Israel, theo Le Figaro.
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200528-virus-corona-l%C3%A0m-%C4%91%E1%BB%91i-%C4%91%E1%BA%A7u-m%E1%BB%B9-trung-qu%E1%BB%91c-k%E1%BB%8Bch-ph%C3%A1t

Tin tổng hợp
(AFP) Pháp –Bỉ bắt giữ 26 nghi can trong vụ xe tải với 39 xác người Việt Nam nhập cư vào Anh.
Tư pháp Bỉ và Pháp ngày 27/05/2020 cho biết đã bắt giữ 26 nghi can trong vụ điều tra về chiếc xe tải được phát hiện tại Anh Quốc hồi tháng 10/2019 với 39 xác người ở bên trong, tất cả các nạn nhân đều là người Việt. Trong số những người bị bắt tại Bỉ, có 11 người Việt và 2 người Maroc. Về phía Pháp, cũng có 13 người bị câu lưu, chủ yếu sống tại vùng Paris.
(Reuters) – Anh Quốc tạm đóng cửa tòa đại sứ tại Bình Nhưỡng.
Nhân viên ngoại giao Anh đã rời khỏi Bắc Triều Tiên ngày 27/05/2020. Đại sứ Anh tại Bắc Triều Tiên Colin Crooks cho biết như trên. Từ tháng 3/2020, nhiều nước phương Tây, trong đó có Pháp và Đức, đã tạm đóng cửa văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng. Hiện tại đại sứ Thụy Điển Joachim Bergstrom là một trong những nhà ngoại giao phương Tây hiếm hoi vẫn công tác tại Bắc Triều Tiên.
(AFP) – Tổng thống Trump kiểm duyệt các mạng xã hội ?
Theo phát ngôn viên Nhà Trắng, tổng thống Hoa Kỳ chuẩn bị ban hành sắc lệnh nhắm vào các mạng xã hội trong ngày hôm nay 28/05/2020. Quyết định này được đưa ra một ngày sau khi ông Trump dọa “treo giò” một số mạng xã hội, sau khi ông bị Twitter chỉ trích đưa tin “không có căn cứ” về khả năng gian lận khi tổ chức bầu cử qua thư.
(AFP) –  Mỹ chuẩn bị trừng phạt Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Sau Thượng Viện, ngày 27/05/2020 đến lượt Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật cho phép Washington trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc “bắt giam hàng loạt” người Duy Ngô Nhĩ. Văn bản này nếu được tổng thống Donald Trump phê chuẩn sẽ trở thành một mặt trận mới trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung.
(AFP) – Covid-19: Phủ tổng thống Nga ngày 28/05/2020 thông báo dời lại hai cuộc họp quốc tế.
Thượng đỉnh của nhóm BRICS, gồm 5 nền kinh tế đang trỗi dậy và của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải được dự trù diễn ra tại thành phố Saint Petersbourg vào tháng 7 tới đây. Cả hai sự kiện này sẽ được tổ chức vào thời điểm “thích hợp” và ngày giờ sẽ “được thông báo sau”. Dịch Covid-19 làm hơn 4.000 người thiệt mạng tại Nga. Matxcơva chuẩn bị dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 20/06/2020.
( AFP )  – Hàn Quốc : Nguy cơ dịch Covid-19 tái phát tăng cao.
Ngày 28/05/2020, Seoul thông báo ghi nhận thêm 79 ca dương tính với virus corona tại Hàn Quốc. Đây là số ca nhiễm trong một ngày cao nhất kể từ gần hai tháng qua, gây lo ngại dịch bệnh tái phát. Phần lớn 79 ca nhiễm mới được phát hiện tại một khu nhà kho của tập đoàn mua bán trên mạng Coupang, gần thủ đô Seoul. Đây là nơi có hơn 4.000 nhân viên làm việc. Toàn bộ số này đã bị cách ly và 80 % đã được xét nghiệm. Chính phủ vừa ban hành trở lại quy định giãn cách xã hội sau một tuần dỡ bỏ. Tính đến hôm nay, Hàn Quốc có tổng cộng 11.344 ca nhiễm.
( AFP ) – Hoa Kỳ: Chuyến bay có người lái đầu tiên của SpaceX bị hoãn do thời tiết xấu.
Lẽ ra ngày 27/05/2020, tàu con thoi Crew Dragon của tập đoàn SpaceX với hai phi hành gia thuộc cơ quan NASA của Mỹ đã cất cánh hôm thứ Tư từ Mũi Canaveral, Florida, để bay lên Trạm Không gian Quốc tế ISS. Một chuyến bay mới đã được dự trù vào Thứ Bảy 30/05 lúc 19g22, giờ GMT, nếu điều kiện thời tiết cho phép. Nếu thành công, chuyến bay của tập đoàn Space X là chuyến bay đầu tiên sau 9 năm của các phi hành gia Mỹ lên ISS bằng chính phương tiện của mình, chứ không đi nhờ tàu con thoi Soyouz của Nga như từ năm 2011 đến nay.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200528-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 28/5: Ngoại trưởng Mỹ nói

 Hồng Kông không còn tự chủ

Lục Du
Sáng nay, thứ Năm (28/5), mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin sau:
Ngoại trưởng Mỹ nói Hồng Kông không còn tự chủ
Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng Hồng Kông không còn được hưởng quyền tự chủ để hưởng quy chế ưu đãi thương mại của chính quyền Washington.
“Không ai suy nghĩ hợp lý có thể nói rằng Hồng Kông duy trì mức độ tự chủ cao với Trung Quốc đại lục, khi nhìn vào tình hình thực tế hiện nay”, AFP trích lời ông Pompeo phát biểu trước Nghị viện Mỹ ngày 27/5.
“Tôi đã xác nhận trước Nghị viện rằng Hồng Kông không còn đủ điều kiện được đối xử theo cách luật Mỹ đã áp dụng cho Hồng Kông trước tháng 7/1997”, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Pompeo không đề cập tới các biện pháp trừng phạt cụ thể. Những người am hiểu về vấn đề này cho biết chính quyền Trump đang xem xét đình chỉ thuế suất ưu đãi đối với hàng hóa của Hồng Kông xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump cũng có thể lựa chọn các biện pháp trừng phạt nhắm đến các quan chức, tổ chức chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến việc thực thi luật mới của Bắc Kinh, một nguồn tin nói với Reuters.
CFO Huawei Mạnh Vãn Châu không được trả tự do
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu hôm thứ Tư đã không được trả tự do sau một phiên tòa quan trọng ở Canada hôm 27/5, khiến bà có thể bị dẫn độ sang Mỹ để đối mặt với các cáo buộc gian lận, theo Reuters.
Bà Châu bị Canada bắt giữ vào tháng 12/2018 theo đề nghị của phía Hoa Kỳ. Chính quyền Trump cáo buộc bà Châu có hành vi gian lận vì lừa dối ngân hàng HSBC về mối quan hệ giữa Huawei với một công ty hoạt động tại Iran, khiến HSBC có nguy cơ bị trừng phạt theo lệnh cấm giao dịch với Tehran của chính phủ Mỹ.
Các luật sư của bà Châu lập luận rằng vụ việc này không nên truy cứu vì Canada không có lệnh trừng phạt đối với Iran. Nhưng Phó Chánh án Tòa án Tối cao British Columbia, Heather Holmes, không đồng ý vì cho rằng bà Châu đã cản trở Canada thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.
WHO tìm tài trợ trước nguy cơ bị Mỹ cắt ngân sách
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Tư đã ra mắt một kênh mới, gọi là quỹ WHO, để kêu gọi các khoản tiền tài trợ từ cá nhân trong bối cảnh tổ chức này có nguy cơ mất đi nguồn ngân sách lớn từ Hoa Kỳ, theo SBS News.
Quỹ WHO kỳ vọng sẽ tìm được các nguồn tiền quyên góp từ các tổ chức và cá nhân để dùng cho các vấn đề cấp bách như trường hợp khủng hoảng viêm phổi Vũ Hán đang diễn ra.
Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích sự yếu kém của WHO cũng như việc tổ chức này đồng lõa với Bắc Kinh trong cách phản ứng với đại dịch Covid-19. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18/5 cảnh báo sẽ ngừng tài trợ vĩnh viễn cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nếu cơ quan này không cam kết cải thiện trong vòng 30 ngày.
Ông Trump cảnh báo đóng cửa các công ty truyền thông xã hội
Reuters đưa tin, Tổng thống Trump vào sáng thứ Tư cảnh báo áp chế tài mới hoặc thậm chí đóng cửa các công ty truyền thông xã hội, sau khi Twitter dán nhãn cảnh báo các bài đăng của ông.
Ông Trump chỉ trích những công ty công nghệ này đã tìm nhiều cách để “bịt miệng những người bảo vệ văn hóa truyền thống” và cảnh báo “Chúng tôi sẽ chỉnh đốn mạnh mẽ hoặc đóng chúng, trước khi chúng tôi để chuyện này xảy ra”.
Sau đó ông Trump viết trên Twitter: “Twitter hiện đã cho thấy rằng tất cả những gì chúng ta đã nói về họ (và những đồng đảng của họ) là chính xác. Hành động lớn sẽ đến với họ!”.
Reuters: Mỹ sắp buộc tội vợ của Maduro
Hoa Kỳ đang chuẩn bị buộc tội vợ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, bà Cilia Flores, trong thời gian tới với nhiều tội danh, trong đó có tội buôn bán ma túy và tham nhũng, bốn nguồn thạo tin nói với Reuters.
Tuy nhiên, Nicole Navas, phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã từ chối bình luận về thông tin này. Bà Flores và văn phòng của bà tại Quốc hội Venezuela không trả lời các câu hỏi về vấn đề này của Reuters.
Bộ trưởng Thông tin của chính phủ Maduro, ông Jorge Rodriguez, nói với Reuters rằng các câu hỏi về bản cáo trạng có thể có của Hoa Kỳ về bà Flores là “vu khống và xúc phạm”, nhưng lại không giải thích quan điểm của mình.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-28-5-ngoai-truong-my-noi-hong-kong-khong-con-tu-chu.html

Điểm tin thế giới chiều 28/5:

Đài Loan hứa hỗ trợ người dân Hồng Kông

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (28/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Đài Loan hứa hỗ trợ người dân Hồng Kông
Chính quyền Đài Loan hôm nay cam kết hỗ trợ người dân Hồng Kông rời khỏi thành phố vì luật an ninh của Bắc Kinh.
Ông Trần Minh Thông (Chen Ming-tong), người đứng đầu Hội đồng phụ trách các vấn đề đại lục của Đài Loan nói rằng chính phủ sẽ thành lập một tổ chức “viện trợ nhân đạo”, bao gồm hỗ trợ định cư, tư vấn, giải quyết việc làm.
“Nhiều người Hồng Kông muốn đến Đài Loan. Mục tiêu của chúng tôi là giúp họ định cư và bảo vệ họ”, ông Trần nói, đồng thời kêu gọi công chúng không sử dụng từ “người tị nạn” vì điều này có thể làm tổn thương người dân Hồng Kông.
Tuy nhiên, ông Trần không nêu chi tiết kế hoạch như quy mô và thời gian của chương trình viện trợ, song cho biết chính phủ vẫn đang bàn bạc chi tiết.
Trung Quốc thông qua nghị quyết luật an ninh Hồng Kông
Theo The Guardian, Quốc Hội Trung Quốc chiều nay đã thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh Hồng Kông, với 2.878 phiếu thuận, một phiếu chống và 6 phiếu trắng. Ủy ban Thường vụ NPC hiện được ủy quyền soạn thảo điều luật chi tiết. Dự luật có thể được ban hành trong vài tuần tới mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp của Hồng Kông. (Chi tiết).
Đài Loan tính mua tên lửa chống hạm tối tân của Mỹ
Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm nay cho biết hòn đảo đang lên kế hoạch mua tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ do hãng Boeing chế tạo. Đây là loại tên lửa hành trình hiện đại mà Đài Loan có thể sử dụng để bảo vệ bờ biển.
Ông Chang nói thêm rằng nếu Mỹ đồng ý bán tên lửa Harpoon, Đài Loan sẽ nhận được loại vũ khí tối tân này vào năm 2023.
Hàn Quốc tái áp đặt giãn cách xã hội
Theo AFP, chính quyền Hàn Quốc hôm nay thông báo tái áp đặt hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ hồi đầu tháng khi số ca nhiễm nCoV mới tăng kỷ lục.
Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung-hoo cho biết bảo tàng, công viên và các triển lãm nghệ thuật sẽ phải đóng cửa trở lại từ ngày mai. Các công ty bố trí cho các nhân viên làm việc từ xa.
“Chúng tôi quyết định tăng cường tất cả các biện pháp giãn cách ở khu vực đô thị trong vòng hai tuần kể từ ngày mai đến 14/6”, ông nói.
Người dân được khuyến cáo tránh tụ họp hay đến chỗ đông người. Các cơ sở tôn giáo cũng được yêu cầu tăng cường biện pháp kiểm dịch. Tuy nhiên, kế hoạch tái mở cửa trường học đang diễn ra sẽ không bị trì hoãn.
Hàn Quốc hôm nay ghi nhận thêm 79 ca nhiễm mới Covid-19, nâng tổng số lên 11.344.
Mỹ yêu cầu Liên Hợp Quốc họp khẩn về Hồng Kông
AFP đưa tin, Washington hôm 27/5 yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn về dự luật an ninh Hồng Kông, nhưng Bắc Kinh từ chối.
Phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về động thái của Bắc Kinh.
“Dự luật sẽ làm suy yếu cơ bản mức độ tự trị cao và tự do của Hồng Kông được đảm bảo theo Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984, đã được đệ trình Liên Hợp Quốc như một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý”, phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết trong một tuyên bố. “Đây là một mối quan tâm toàn cầu cấp bách liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế”.
Tuy nhiên, tuyên bố cho biết Trung Quốc đã “từ chối để cuộc họp trực tuyến này được diễn ra”.
“Đây là một minh chứng khác về nỗi sợ minh bạch và trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc đối với các hành động của họ”, tuyên bố của phái đoàn Mỹ nhấn mạnh.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-28-5-dai-loan-hua-ho-tro-nguoi-dan-hong-kong.html

Tạp chí tiêu điểm

Vác-xin chống Covid-19 :

« Một vũ khí giành ảnh hưởng không gì sánh bằng »

Minh Anh
« Ai đến trước, được phục vụ trước ». Cuộc chiến chống virus corona chủng mới giờ không chỉ đơn giản là một cuộc chạy đua với thời gian vì sức khỏe cộng đồng, mà còn là một cuộc tranh giành mang tính địa chính trị.
Nhật báo Công giáo La Croix ngày 15/05/2020, nhắc lại câu nói của Louis Pasteur, một nhà khoa học Pháp thế kỷ XIX: « Khoa học không có biên giới ». Trong cơn đại dịch hiện nay, câu nói này ít nhiều có ý nghĩa, khi hầu hết các nhà khoa học đều kêu gọi hợp tác chống virus corona chủng mới.
Theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Nathalie Coutinet, Trung Tâm Kinh Tế đại học Paris – Nord trên đài phát thanh France Culture, hiện tại trên thế giới đã có khoảng 100 vác-xin đang được nghiên cứu. Trong số này có khoảng từ 70 – 75 loại  vác-xin dường như có công hiệu. Nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng cũng đã được tiến hành tại Mỹ và Trung Quốc.
Vác-xin : Vũ khí gây ảnh hưởng hiệu quả ?
Tuy phải còn mất từ một đến hai năm nữa mới có thể phát hành rộng rãi vác-xin chống virus corona chủng mới, theo như ước tính của giới chuyên môn, một số lãnh đạo quốc gia cũng nhận thấy những thách thức địa chính trị quan trọng trong cuộc đua tìm thuốc điều trị và vác-xin. Cuộc đua này hiện do hai ông khổng lồ nhất hành tinh là Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu, và theo sau là Liên Hiệp Châu Âu.
Cuộc cạnh tranh đã trở nên căng thẳng khi vào ngày 13/05/2020, FBI cáo buộc Trung Quốc âm mưu đánh cắp các dữ liệu nghiên cứu vác-xin và thuốc điều trị Covid-19. Bởi vì với Trung Quốc, cuộc chiến chống đại dịch còn là cách để quảng bá mô hình quản lý của Trung Quốc, biến cuộc đua chế tạo và sản xuất vác-xin chống Covid-19 thành một thách thức ưu tiên. Một vũ khí gây ảnh hưởng hiệu quả như nhận xét của nhà nghiên cứu kinh tế học Carine Milcent, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia Pháp (CNRS) trên đài France Culture.
« Cuộc đua vác-xin đang trở thành một công cụ địa chính trị để thể hiện sức mạnh. Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc tìm cách trở thành nước đầu tiên được hưởng hay chí ít là sở hữu vác-xin, bởi vì hiện nay chúng được xem như là một vũ khí, một vũ khí dịch tễ, một loại vũ khí bất đắc dĩ. Do vậy, vác-xin là một nguồn gây ảnh hưởng không gì sánh bằng.
Ở đây cũng nên xem xét đến một lập trường trung dung: đâu là đường hướng do Tổ chức Y Tế Thế Giới chọn và đường hướng của Mỹ. WHO chủ trương vác-xin có được phải dành cho tất cả mọi người ở mức giá ai cũng có thể mua được. Thế nên ẩn sau tất cả những điều đó còn có một câu hỏi : Cái gì là vác-xin ? Cái gì là tài sản y tế ? »
Nhưng Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Liên Hiệp Châu Âu và một số cường quốc khác như Mỹ và Trung Quốc không có cùng cách nhìn về khái niệm « tài sản y tế » chung này. Nhà nghiên cứu Carine Milcent giải thích tiếp :
« Điều này khá phức tạp. Sức khỏe cũng có thể được ví như là một tài sản cá nhân, như một đôi giày thể thao chẳng hạn, mà trường hợp của Mỹ là một ví dụ, hay như sức khỏe là một tài sản xã hội chung, thuộc tất cả mọi người.
Khái niệm ʺTất cảʺ, theo nhãn quan của Trung Quốc còn có thể mang một ý nghĩa khác. ʺTất cảʺ ở cấp độ của Trung Quốc hay ʺTất cảʺ ở những nước liên minh với Trung Quốc và đi theo lập trường của Trung Quốc.
Như vậy, đó sẽ không còn là một loại vác-xin có sẵn dành cho ʺTất cảʺ mà không có điều kiện nữa, mà đó là một nước trong vị thế thống trị và đang sử dụng các khả năng của mình để chiếm giữ một loại vác-xin như là một năng lực gây ảnh hưởng đối với những nước khác.
Rõ ràng là chúng ta đang đối mặt với một lập trường khác biệt, mỗi nước xem việc sản xuất vác-xin như là một loại vũ khí như bao thứ vũ khí khác. Đây thật sự là rất ấn tượng ! »
Tuy nhiên, Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS), trên báo La Croix, nhấn mạnh nghiên cứu tìm vác-xin còn là một cuộc chạy đua công nghệ khoa học toàn diện. « Trở thành nước đầu tiên phát triển thành công một vác-xin nhờ vào các nhà khoa học của mình, đó còn là một thách thức quan trọng cho Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ngày nay, nếu có một lĩnh vực nào mà Trung Quốc có thể qua mặt được Mỹ, đó chính là các ngành khoa học mũi nhọn và công nghệ. Thậm chí đây đã là một thách thức quan trọng hàng đầu của Bắc Kinh từ nhiều năm qua. »
Vẫn theo Antoine Bondaz, nếu cường quốc hàng đầu châu Á này phát triển được một loại vác-xin, Trung Quốc sẽ có được một uy tín đáng kể trên trường quốc tế. « Trung Quốc sẽ tạo ra được điều mà người ta có thể gọi là một tác động Spoutnik. Trong những năm 1950, Liên Xô từng đứng sau Hoa Kỳ về công nghệ không gian. Nhưng khi đưa người đầu tiên lên không gian, Liên Xô đã thành công trong việc gieo rắc mối ngờ vực trong tâm trí công luận và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ. Đồng thời gieo rắc dần ý nghĩ là Liên Xô đã ʺqua mặtʺ Hoa Kỳ. Điều này rất có thể xảy ra tương tự với vác-xin và Trung Quốc hiện nay ».
Liên Hiệp Châu Âu : Chú lùn giữa hai người khổng lồ ?
Trong cuộc đua công nghệ tân tiến này, nước Mỹ của Donald Trump cũng bị nghi ngờ muốn áp dụng học thuyết « American First » cho vác-xin chống Covid 19. Nếu như CureVac của Đức tránh được sức cám dỗ một tỷ đô la của chủ nhân Nhà Trắng muốn chiếm hữu bản quyền chế tạo vác-xin ngừa Covid-19, thì hãng Sanofi của Pháp đã bị đồng đô la Mỹ « đánh gục ».
Ông Paul Hudson, tổng giám đốc người Anh của hãng dược phẩm Sanofi, đứng hàng thứ 4 trong nhóm 40 doanh nghiệp hàng đầu của Pháp (CAC40) có niêm yết trên sàn chứng khoán, ngày 13/05/2020, trả lời hãng tin Bloomberg, đã tuyên bố : « Người dân Mỹ sẽ được ưu tiên đặt hàng trước, bởi vì họ đã mạo hiểm tài trợ cho những nghiên cứu này trước những nước khác ngay từ tháng Hai ».
Phát biểu này của ông Hudson đã bị chính phủ Pháp phản đối gay gắt, cho rằng sức khỏe là « tài sản chung », đồng thời nhắc lại  nguyên tắc « quyền được tiếp cận vác-xin công bằng cho tất cả và nằm ngoài quy luật thị trường ».
Về điểm này, nhà kinh tế học El Mouhoub Mouhoud, trường đại học Paris – Dauphine, trước tiên giải thích:: « Đúng là trong lĩnh vực này, phương thức cạnh tranh có tính chất quyết định giữa các hãng dược chính là cuộc đua công nghệ và đưa vào thị trường các dòng sản phẩm mới, bất kể là thuốc men hay vác-xin. Đương nhiên, chi phí cho nghiên cứu và phát triển là rất tốn kém. »
Chuyên gia kinh tế này nhìn nhận là Hoa Kỳ cũng có trong tay một công cụ hỗ trợ đắc lực : Cơ quan Barda (Cơ quan dành cho Nghiên cứu và Phát triển y sinh cấp tiến), được thành lập năm 2006 để hỗ trợ các hãng dược, các phòng nghiên cứu tư nhân trong công cuộc chống dịch bệnh. Chính Barda thông báo đầu tư một tỷ đô la trong chương trình hợp tác công – tư để tìm vác-xin ngừa Covid-19.
Thế nên, theo nhà kinh tế học El Mouhoub Mouhoud, cuộc tranh cãi Sanofi còn làm lộ rõ những yếu kém của Liên Hiệp Châu Âu, một “chú lùn” trong cuộc đua giữa hai ông khổng lồ, bất chấp nguồn quyên góp được trị giá đến 7,4 tỷ euro.
« Cơ chế tài trợ của Mỹ nhanh hơn và dồi dào hơn rất nhiều. Đây chính là lợi thế của Mỹ trên phương diện tài trợ cho các chương trình Nghiên cứu và Phát triển (R&D) có rủi ro. Còn tại châu Âu, chúng ta nhìn thấy có một sự chia rẽ giữa các nước. Do vậy, đấy cũng có thể là chiến lược của Sanofi nhằm thúc đẩy các nước thành viên phối hợp huy động nhiều hơn các nguồn lực để có thể đối phó với hình thức tài trợ to lớn này, bởi vì khoảng cách là quá lớn. (…)
Có một câu hỏi đang được đặt ra : châu Âu đã làm được những gì để có được một nền tảng tài chính vững chắc. Nhưng cần phải thoát ra khỏi tình trạng thiếu thống nhất, điều phối công nghiệp thực sự tại châu Âu. Đây là một khuyết điểm của khu vực, bởi vì châu Âu có những chính sách mang tính cạnh tranh, gây cản trở và nghiêm cấm một số cách thức hoạt động, trong khi mà sự thống nhất, điều phối về Nghiên cứu và Phát triển ở cấp độ châu Âu lại còn quá hạn chế. Chính từ quan điểm này mà Sanofi có một chiến lược tìm cách đổ lỗi về phía Liên Hiệp Châu Âu. »
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200528-tap-chi-trung-quoc-hoa-ky-vacxin-covid-19

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?