Tin Biển Đông – 31/05/2020

Tin Biển Đông – 31/05/2020

Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn trên Biển Đông

Căng thẳng trên Biển Đông gia tăng trong thời gian gần đây. Mỹ có những bước đi thể hiện sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn trên Biển Đông, còn Trung Quốc sẽ tiếp tục né nguy cơ xung đột quân sự với Mỹ để đạt được những mục tiêu của mình.
Đó là nhận định mà bà Bonnie Glaser, một chuyên gia Mỹ chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc, đưa ra trong cuộc trao đổi trực tuyến với các phóng viên Việt Nam ngày 27/5.
Theo bà Glaser, ý định của Trung Quốc ở khu vực là giảm ảnh hưởng và sức ép của Mỹ; làm suy yếu hoặc loại bỏ các liên minh của Mỹ; ép các nước láng giềng chấp nhận hoặc ưu tiên các lợi ích của Trung Quốc; thống nhất Đài Loan; giải quyết tất cả tranh chấp lãnh thổ theo các điều khoản của Trung Quốc…
Bà Glaser, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, DC, cho rằng, triển vọng đạt được những mục tiêu nêu trên của Trung Quốc sẽ bị suy yếu nghiêm trọng nếu nước này có chiến tranh với Mỹ. Vì thế, Trung Quốc đang dùng chiến thuật vùng xám, dùng đội tàu vỏ trắng và dân quân biển để thực hiện các hoạt động dưới ngưỡng chiến tranh để không kích động Mỹ đáp trả.
“Tôi cho rằng, tình hình Đài Loan dễ leo thang hơn ở Biển Đông. Nhưng tôi không nghĩ một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan sắp xảy ra”, bà Glaser nói. Bà cho rằng, Trung Quốc có rất nhiều công cụ để gây sức ép và trừng phạt việc Đài Loan theo đuổi độc lập.
Khó đoán hơn
Về câu hỏi Mỹ sẵn sàng đi xa đến đâu, có sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn với Trung Quốc trên Biển Đông, bà Glaser cho rằng, không có tiêu chuẩn nào cho hành động của Mỹ và không có khả năng nào bị loại trừ. Bà đánh giá chính quyền Mỹ hiện nay sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn chính quyền trước.
Một ví dụ là việc Mỹ gần đây điều tàu đổ bộ tấn công USS America hiện diện gần tàu khoan dầu khí West Capella của Malaysia nhằm gửi tín hiệu đến Bắc Kinh rằng Mỹ không muốn thấy những hành vi hăm dọa và bắt nạt của Trung Quốc và Mỹ có lợi ích ở khu vực đó. Bà Glaser nhấn mạnh sự thay đổi này so với năm 2014, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng không có tàu nào của hải quân Mỹ hiện diện gần đó. “Thay đổi này cho thấy cam kết mới của Mỹ về sự sẵn sàng gửi tín hiệu đến Trung Quốc và chấp nhận rủi ro”, bà Glaser nói.
Chuyên gia này cho rằng, nếu Trung Quốc dùng vũ lực với bất kỳ nước liên quan nào trong tranh chấp Biển Đông, Mỹ sẽ phải cân nhắc chuyện can dự. Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực hoặc ngăn cản tự do
hàng hải, Mỹ phải tính cách đáp trả để gửi tín hiệu rằng họ coi những hành động như vậy là không thể chấp nhận được.
Đánh giá về các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ trên Biển Đông, bà Glaser nói rằng, FONOP là cần thiết nhưng không đủ. Mỹ cần làm điều đó để bảo đảm Trung Quốc không thực thi các yêu sách chủ quyền thái quá. FONOP không thể ngăn Trung Quốc dùng lực lượng hải cảnh hay dân quân biển để bắt nạt các nước khác.
Bà Glaser nói Mỹ đang cố gắng trở nên khó đoán hơn, như thực hiện chiến dịch trở đi trở lại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cách đây vài tuần, điều các máy bay ném bom đến Biển Đông, có những hoạt động rất đáng kể như triển khai đợt diễn tập 32 giờ. Bà Glaser đánh giá FONOP đang được tiến hành thường xuyên hơn, hiệu quả hơn và gửi đi những tín hiệu mà Mỹ mong muốn.
Về câu hỏi cuộc bầu cử Mỹ năm nay sẽ ảnh hưởng như thế nào lên tính toán của Trung Quốc với Biển Đông, bà Glaser cho rằng, bản thân cuộc bầu cử sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng kết quả cuộc bầu cử sẽ có ảnh hưởng, tùy thuộc vào cách đánh giá của Trung Quốc. Nếu nhận định tân tổng thống Mỹ sẽ chú trọng hợp tác với Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ tăng cường hoạt động trên Biển Đông.
Trung Quốc  thường thử thách các tổng thống Mỹ mới lên nắm quyền theo một số cách, trong đó có cách gia tăng hành động ở Biển Đông. Ngay cả khi chính quyền Donald Trump tiếp tục cầm quyền, Trung Quốc vẫn có thể tận dụng các lợi thế có được khi ông Trump bước vào nhiệm kỳ 2 để tiến tới các mục tiêu của họ trên Biển Đông, bà Glaser nói.

Biển Đông: Nguy cơ đối đầu quân sự

có thể tăng đáng kể trong thời gian tới

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), một tổ chức nghiên cứu độc lập ở Mỹ chuyên về chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế, vừa xuất bản một phân tích sâu về khả năng đối đầu quân sự trên biển Đông.
Theo phân tích của CFR, nguy cơ đối đầu quân sự ở biển Đông liên quan đến Mỹ và Trung Quốc có thể tăng lên đáng kể trong thời gian tới, đặc biệt nếu mối quan hệ của họ tiếp tục xấu đi do những xung đột thương mại và chỉ trích liên tục về đại dịch coronavirus. Từ năm 2009, Trung Quốc đã nâng cao yêu sách lãnh thổ ở khu vực này thông qua nhiều chiến thuật khác nhau như cải tạo đảo, quân sự hóa các đảo mà họ chiếm đóng và sử dụng các lập luận pháp lý và ảnh hưởng ngoại giao mà không gây ra một cuộc đối đầu nghiêm trọng với Mỹ.
Gần đây nhất, Trung Quốc tuyên bố thành lập hai quận mới hòng cai quản quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, một nỗ lực tăng cường yêu sách ở biển Đông bằng cách thể hiện kiểm soát hành chính.
Sẽ là sai lầm khi cho rằng Trung Quốc hài lòng với những lợi ích mà họ đã đạt được hoặc họ sẽ hạn chế sử dụng các chiến thuật táo tợn hơn trong tương lai. Những thay đổi tình hình trong nước hay trong môi trường quốc tế có thể tạo động lực cho lãnh đạo Trung Quốc sử dụng chiến lược khiêu khích hơn ở biển Đông, điều này sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự.
Mỹ có mối quan tâm lớn trong việc ngăn chặn Trung Quốc khẳng định quyền kiểm soát biển Đông. Duy trì tình trạng đi lại tự do cho tuyến đường thủy này không chỉ quan trọng vì lý do kinh tế, mà còn là duy trì chuẩn mực tự do hàng hải toàn cầu. Mỹ cũng có nguy cơ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc ở khu vực này do nghĩa vụ của hiệp ước quốc phòng của Mỹ đối với ít nhất một trong những bên yêu sách chủ quyền là Philippines.
Khả năng kiểm soát tuyến đường thủy biển Đông của Trung Quốc sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc ép Mỹ rời khỏi khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, mở rộng ảnh hưởng kinh tế và nói chung là sắp xếp lại khu vực theo hướng có lợi. Ngăn chặn Trung Quốc làm như vậy là mục tiêu trọng tâm của Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ và lý do Ấn Độ-Thái Bình Dương là không gian hoạt động chính của quân đội Mỹ.
“Vì những lý do này, Mỹ nên tìm cách ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, lý tưởng nhất là tránh đối đầu nguy hiểm và sẵn sàng quản lý khéo léo mọi khủng hoảng nếu chúng phát sinh”, CFR nhận định.Trung Quốc coi phần lớn biển Đông thuộc chủ quyền của họ. Thực thi chủ quyền hoàn toàn đối với khu vực này là một trong những mục tiêu cốt lõi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trung Quốc không chấp nhận hoặc tôn trọng các yêu sách chủ quyền của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan hoặc Việt Nam ở khu vực này. Mặc dù Trung Quốc đã thận trọng trong việc thúc đẩy các yêu sách của mình cho đến nay, ba diễn tiến có thể thuyết phục lãnh đạo Trung Quốc rằng họ nên quyết đoán hơn.
Theo CFR, ông Tập có thể cảm thấy buộc phải tăng tốc các mốc thời gian ông ta đặt ra ở biển Đông để duy trì vị thế của mình trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là nếu tình hình chính trị ở Hong Kong xấu đi, việc thống nhất hòa bình với Đài Loan trở nên ít khả năng hơn, hoặc chỉ trích trong nước về việc xử lý đại dịch coronavirus.
Với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2020 dự kiến chỉ đạt 1,2%, mức thấp nhất kể từ giữa những năm 1970, ông Tập Cận Bình có thể thấy cần phải chứng minh sức mạnh trong khi Bắc Kinh đối phó với sự sụp đổ nội bộ từ đại dịch. Trung Quốc đã tuyên bố hai khu hành chính mới ở biển Đông vào tháng 4/2020 và tăng cường chỉ trích hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ trong khu vực.
Hơn nữa, với kỳ vọng rằng giai đoạn đầu hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc sẽ hoàn thành vào năm 2020, ông Tập có thể tin tưởng hơn rằng Trung Quốc sẽ thành công trong việc thúc đẩy các yêu sách của mình bằng sức mạnh quân sự, đặc biệt là nếu Mỹ bị phân tâm trong việc xử lý đại dịch coronavirus hoặc hậu quả của nó.
Cơ hội tuyên bố các yêu sách mà không dùng đến vũ lực cũng có thể giảm đi trong tương lai nếu các quốc gia Đông Nam Á trở nên ít thỏa hiệp hơn trước quan điểm của Trung Quốc…
Tư thế thân thiện của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đối với Trung Quốc có thể trở nên không bền vững về mặt chính trị trong trường hợp xảy ra sự cố trên biển dẫn đến thương tích hoặc khiến công dân Philippines tử vong. Indonesia cũng đã duy trì vị thế trung lập trong các tranh chấp, nhưng điều này có thể thay đổi nếu Bắc Kinh tiếp tục xâm phạm quyền đánh bắt cá của Jakarta ở biển Natuna (Và thực tế là Indonesia đã không còn trung lập khi chính thức gửi công hàm lên LHQ phản đối “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc-PV). Trung Quốc có thể coi hành động quân sự là cách duy nhất nếu mất đi lựa chọn ngoại giao để khẳng định yêu sách chủ quyền.
Vòng xoáy tiếp tục đi xuống trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc cũng có thể khuyến khích ông Tập áp dụng cách tiếp cận “bây giờ hoặc không bao giờ” ở biển Đông. Dưới thời chính quyền Donald Trump, Mỹ đã tăng tần suất FONOP, thách thức các yêu sách quá đáng của Trung Quốc trong khu vực.
Chỉ riêng trong năm 2018 và 2019, các tàu hải quân Mỹ đã đi lại trong vòng 12 hải lý của các đảo và rạn san hô mà Trung Quốc tuyên bố hoặc chiếm đóng ít nhất một chục lần, tăng đáng kể so với tần suất dưới thời chính quyền Barack Obama. Quân đội Mỹ tiếp tục hoạt động tại các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc, theo luật pháp quốc tế, mặc dù Trung Quốc cố gắng kiểm soát tất cả các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trao đổi quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã giảm từ 30 năm 2016 xuống còn 12 vào năm 2019, và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công khai tuyên bố rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines nếu có bất kỳ hình thức vũ trang nào của Trung Quốc chống lại Manila.
Nếu cuộc chiến thương mại và công nghệ đang diễn ra, trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19, và cạnh tranh chiến lược, căng thẳng quân sự gia tăng ở Đông Á tiếp tục, và nếu Mỹ xuất hiện các sáng kiến để ngăn chặn những lợi ích của Trung Quốc, Trung Quốc có thể hành động ở biển Đông theo những cách có thể dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự.

Tàu chiến Mỹ, Singapore tập trận 2 ngày

trên Biển Đông

Hai tàu chiến của Mỹ và Singapore tham gia tập trận 2 ngày trên Biển Đông trong các hoạt động duy trì Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM) thuộc Hải quân Mỹ ngày 28.5 cho hay các tàu chiến của lực lượng này và Hải quân Singapore vừa tập trận song phương trên Biển Đông từ ngày 24-25.5.
Cuộc tập trận có sự tham gia của tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (lớp Independence) của Mỹ và tàu hộ vệ tàng hình đa năng RSS Steadfast (lớp Formidable) của Hải quân Singapore.
Cuộc tập trận của tàu USS Gabrielle Giffords (trước) và tàu Steadfast kéo dài trong 2 ngày
Theo INDOPACOM, cuộc tập trận là cơ hội để 2 tàu thực hành và tăng cường khả năng phối hợp giữa hải quân 2 nước, tập trung vào tầm quan trọng của việc liên lạc và phối hợp khi hoạt động cùng nhau trên biển.
“Gặp gỡ các đối tác trên biển đem đến cho hải quân 2 bên cơ hội thực hành kỹ năng hàng hải thành thạo cũng như tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa 2 nước. Việc tham gia cùng mạng lưới các đối tác trong khu vực là yếu tố cơ bản để duy trì Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, theo đại úy Ann McCann chỉ huy đội tàu khu trục số 7.
Hoạt động tập trận trước đó được lên kế hoạch qua mạng để phòng chống Covid-19
Hai bên tham gia nhiều hoạt động tập trận, trong đó có phần bắn đạn cỡ nhỏ và lớn, tất cả đều được tổ chức với các biện pháp giãn cách xã hội đề phòng Covid-19.
“Do Covid-19, chúng tôi phải lên kế hoạch tập trận qua mạng. Chúng tôi làm được và triển khai suôn sẻ nhờ sự hiểu biết lẫn nhau được xây dựng qua nhiều năm”, theo trung tá Carlin Song chỉ huy tàu RSS Steadfast.
Lần gần đây nhất hai nước cùng tập trận trên biển là tại cuộc tập trận Pacific Griffin gần đảo Guam vào tháng 10.2019.

Ý kiến chuyên gia:

TQ đang tìm cách gây xung đột trên Biển Đông

Trung Quốc đang cố tình tạo cơ sở pháp lý bằng việc ban bố các quyết định hành chính, nhằm chống lưng cho những hành động phạm pháp của họ trên thực tế, như: ngăn cấm, cản trở, bắt bớ, gây tổn hại về tài sản, tính mạng… đối với mọi hoạt động hợp pháp của cộng đồng khu vực và quốc tế trong Biển Đông.
Đảo Phú Lâm của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép
Theo Tiến sĩ Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Ban Biên giới Chính phủ, Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch COVID-19 để tiến hành một loạt động thái gây căng thẳng trong khu vực Biển Đông, khiến dư luận hết sức quan ngại và phẫn nộ lên án. Theo nhận xét, đánh giá của nhiều học giả, chính trị gia, chuyên gia quân sự, pháp lý… thì những động thái này đều đã được Trung Quốc trù tính từ trước, vi phạm chủ quyền của Việt Nam và rất nguy hiểm. Vào thời điểm hiện tại, chỉ riêng việc Trung Quốc công bố quyết định nâng cấp đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” cũng cho thấy các “lớp lang” được Trung Quốc dàn dựng một cách chủ động, bài bản mà mục đích của họ là nhằm để: (i) Bổ sung vào hồ sơ pháp lý có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng pháp lý nào để chứng minh Nhà nước Trung Quốc đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền lịch sử của mình ở đây như thế nào, ngoại trừ những ghi chép khiên cưỡng, vô căn cứ trong các sử sách, bản đồ lịch sử do họ công khai trích dẫn. Trung Quốc thiếu bằng chứng chứng minh, nên giờ họ đang bổ sung khoảng trống, điểm đen trong hồ sơ pháp lý, tiếp tục củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của họ. (ii) Cố tình tạo cơ sở pháp lý bằng việc ban bố các quyết định hành chính, nhằm chống lưng cho những hành động phạm pháp của họ trên thực tế, như: ngăn cấm, cản trở, bắt bớ, gây tổn hại về tài sản, tính mạng… đối với mọi hoạt động hợp pháp của cộng đồng khu vực và quốc tế trong Biển Đông. (iii) Bằng những quyết định hành chính này, cùng với việc họ đã đầu tư cải tạo các thực thể địa lý ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thành những đảo nhân tạo rất lớn, Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng các thể địa lý ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn không phải là những đảo thích hợp cho con người ở và có đời sống kinh tế riêng, trở thành những thực thể địa lý có đủ điều kiện để mở rộng các vùng biển phụ cận và liền kề có chiều rộng tối thiểu là 200 hải lý (tính từ hệ thống đường cơ sở của 2 quần đảo này) theo cách “giải thích và áp dụng” của Trung Quốc sai với quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Việc Trung Quốc ra quyết định thành lập trái phép các đơn vị hành chính đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam là mưu đồ họ theo đuổi từ lâu, được họ đẩy mạnh ngay sau khi dùng vũ  lực chiếm quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974  và chiếm các đảo thuộc Trường Sa năm 1988. Họ muốn hợp thức hóa những hành động vũ lực đó bằng các biện pháp hành chính, dân sự, pháp lý. Thực tế, họ đã thành lập các đơn vị hành chính ở đây từ những năm 1990 của thế kỷ trước, sau khi hoàn thành chiếm đóng bằng quân sự ở hai quần đảo này. Năm 2012, sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển, thì Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý quần đảo Nam Sa (Trường Sa
của Việt Nam), Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) và  Trung Sa (bãi Macclesfield) như một hành động trả đũa. Tháng 9-2017, họ đưa ra chiến thuật mới mang tên “Tứ Sa”, cho rằng Trung Quốc có chủ quyền với 4 nhóm đảo gồm 3 nhóm trên và thêm Đông Sa (quần đảo Pratas hiện do Đài Loan quản lý), để đòi hỏi quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế xung quanh 4 nhóm này. Đó là một vài mốc trong chuỗi hành động của họ. Mỗi lần như vậy, Việt Nam đều có công hàm phản đối mạnh mẽ. Lần này, họ tiếp tục vi phạm chủ quyền của Việt Nam, công bố phê duyệt thành lập đơn vị hành chính cấp quận, nâng cấp đơn vị hành chính để thay mặt nhà nước Trung Quốc quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Về biện pháp bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, Tiến sỹ Trần Công Trục cho rằng trước tiên là xây dựng các lực lượng về hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư, để làm nhiệm vụ thực thi chủ quyền, bảo vệ các quyền hợp pháp ở các vùng biển, đảo, trong Biển Đông. Việt Nam đã xây dựng các khu dân cư, trường học, trạm nghiên cứu trên các đảo và bảo vệ các đảo đó một cách vững chắc. Việt Nam cũng đã sưu tầm nhiều tư liệu lịch sử có giá trị pháp lý để hoàn thiện hồ sơ pháp lý nhằm phục vụ cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trên lĩnh vực truyền thông, Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn, tuyên truyền về biển, đảo, mang lại hiệu quả tích cực. Có thể nói, thời gian gần đây, tôi đánh giá nhận thức, ý thức của người dân đã tiến một bước rất xa. Trước đây, phản ứng của người dân có tính chất tự phát, nhưng theo tôi, bây giờ họ đã chuyển sang tự giác hơn. Và nhân dân Trung Quốc, bạn bè quốc tế đã hiểu rõ hơn lập trường nhất quán và rõ ràng của Việt Nam. Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình một cách cương quyết, nhưng cũng rất kiên trì, mềm mỏng, không để Trung Quốc lợi dụng, kiếm cớ gây xung đột, chiến tranh. Việt Nam thực hiện phương châm “vừa đấu tranh vừa hợp tác”, kiên quyết nhưng phải kiên trì.
Bên cạnh đó, rất nhiều người khi nhắc đến Biển Đông đều thể hiện nguyện vọng làm sao cản trở, kiềm chế được tham vọng độc chiếm của Trung Quốc. Đó là tham vọng bất hợp pháp, trái với nguyên tắc của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, trái với mối quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và các nước ASEAN cũng như giữa Trung Quốc với Việt Nam. Chúng ta phải có trách nhiệm không để tình trạng sai trái đó tiếp tục gây nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, hòa bình khu vực, thậm chí ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hiện giờ, để ngăn cản điều nguy hiểm có thể xảy ra đó, trước hết chúng ta phải đoàn kết. Muốn đoàn kết thì phải trên cơ sở tư duy thống nhất, hiểu rõ các quyền hợp pháp của chúng ta đối với các vùng biển, đảo đến đâu, quy chế pháp lý như thế nào… Về pháp lý, chúng ta phải chuẩn bị các phương án đấu tranh ngoại giao cao hơn, kể cả việc kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế. Vì đó là biện pháp giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, văn minh. Anh em trong nhà mà xảy ra chuyện với nhau, có thể đưa ra tòa, nhưng vẫn là anh em, đó là một cách ứng xử sòng phẳng, văn minh và hiện đại…
Theo Tiến sỹ Trần Công Trục, Việt Nam không phải là không tính đến phương án đưa Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế. Nhưng kiện cái gì, thủ tục kiện như thế nào cho phù hợp với thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế, hiệu quả đến đâu… là những điều cần cân nhắc, tính toán thấu đáo. Mặt khác, chúng ta đã chuẩn bị về lực lượng tại chỗ như cảnh sát biển, kiểm ngư và các lực lượng khác, nhưng nên nhớ rằng phải hiểu rõ thủ tục pháp lý trong xử lý các hành vi sai phạm trên Biển Đông, chứ không phải lúc nào cũng dùng đến lực lượng quân sự được. Nếu không xử lý khéo, chúng ta đang ở thế thượng tôn pháp luật chính nghĩa, cuối cùng lại trở thành nạn nhân. Trung Quốc đang tính toán những bước đi ngang ngược, nếu chúng ta không biết kiềm chế thì rất có thể mắc vào bẫy và lợi bất cập hại. Không thể để Trung Quốc lợi dụng gây ra xung đột quân sự, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến an ninh khu vực mà còn ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội. Thời kỳ hậu Covid-19 này, thế giới lao đao và suy thoái kinh tế, thế nên chúng ta càng cần phải lưu ý và cảnh giác.
Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế (CSSD) nhận định việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố như vậy trong thời điểm này có nhiều lý do, xuất phát từ những khó khăn trong nước, buộc Trung Quốc phải đẩy mâu thuẫn ra bên ngoài để hướng lái sự chú ý của dư luận. Ông Nguyễn Ngọc Trường cho rằng tuyên bố của Trung Quốc khi thành lập đơn vị hành chính ở Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam là phi lý, bất chấp dư luận quốc tế và đi ngược lại với các nguyên tắc và luật lệ quốc tế. Trước tình hình này, chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nâng cao cảnh giác, không để sơ sẩy ở những địa điểm, khu vực mình đã kiểm soát trên thực địa. Mặt khác, chúng ta cần sử dụng tổng hợp các biện pháp, kết hợp đấu tranh dư luận từ bên ngoài, tăng cường hợp tác quốc tế, cũng như sử dụng kênh ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc để hóa giải căng thẳng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Mỹ (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, trong lúc dịch COVID-19 tác động đến nhiều nước trong khu vực và thế giới, Trung Quốc lợi dụng thời điểm này liên tục thực hiện các bước trong ý đồ tranh giành chủ quyền trên Biển Đông. Theo chuyên gia, việc Trung Quốc thành lập trái phép cơ quan hành chính tại những nơi thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành vi ngang ngược, ngạo mạn. Điều này đi ngược lại với các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế cũng như bất chấp, coi thường các nguyên tắc, luật lệ quốc tế.
Chuyên gia Cù Chí Lợi cho rằng, khác với những hành vi trước đây ở Biển Đông, hành động trái luật pháp mới đây của Bắc Kinh là vấn đề hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh tại khu vực. Thứ nhất, một khi thành lập cơ quan hành chính, Trung Quốc sẽ có nhiều hành vi tiếp theo như thành lập đơn vị cơ sở, cơ quan theo chức năng, phân cấp, phân quyền trong hệ thống hành chính của Trung Quốc. Thứ hai, Trung Quốc sẽ gia tăng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng ở những nơi mà họ tuyên bố phi pháp thành lập đơn vị hành chính. Chiến thuật của Trung Quốc là từ việc xây dựng những ngôi nhà, trụ sở làm việc với mục đích dân sinh, dần dần Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc phát triển thành những tòa nhà, thành phố trên biển, không khác gì trên đất liền. Thứ ba, sau việc tuyên bố thành lập phi pháp đơn vị hành chính, Trung Quốc có thể triển khai, điều động quân đội ra canh giữ, bảo vệ chủ quyền phi pháp ở các khu vực mà nước này đã bất chấp đạo lý để tuyên bố chủ quyền. Thứ tư, một khi đã đặt được đơn vị hành chính ở những nơi mà nước này tuyên bố chủ quyền phi pháp, Trung Quốc sẽ mở rộng việc xâm lấn các đảo đá khác ở Biển Đông, gia tăng hiện diện về quân sự của nước này trên biển. Sau động thái này, chắc chắn Trung Quốc sẽ có nhiều hoạt động tiếp theo ở 2 khu vực đã tuyên bố chủ quyền phi pháp. Do đó, Việt Nam phải sẵn sàng các biện pháp để phản ứng một cách kịp thời, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Vì rõ ràng những động thái này của Trung Quốc là phi pháp, chắc chắn dư luận quốc tế sẽ lên án.
Trước những hành vi gây hấn của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc đưa vào sử dụng các trạm quan trắc trên các cấu trúc xây dựng, cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động nói trên, tuân thủ nghiêm “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?