Tin khắp nơi – 29/05/2020

Tin khắp nơi – 29/05/2020

Tổng thống Trump sắp họp báo về Trung Quốc – Hải Lam

Tổng thống Donald Trump trong buổi họp báo tại Phòng Bầu dục hôm 28/5 (ảnh: White House/Flickr).
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/5 (theo giờ Mỹ) cho biết ông sẽ tổ chức họp báo về Trung Quốc vào ngày 29/5.
“Ngày mai, chúng tôi sẽ thông báo những gì chúng tôi đang làm liên quan đến Trung Quốc”, hãng tin AFP trích lời ông Trump nói với các phóng viên trong một cuộc họp diễn ra tại Phòng Bầu dục hôm 28/5.
“Chúng tôi không hài lòng với Trung Quốc”, ông chủ Nhà Trắng nói thêm, song không tiết lộ về kế hoạch của Washington.
Cuộc họp báo trên diễn ra sau khi chính phủ Trung Quốc hôm 28/5 thông qua nghị quyết luật an ninh Hồng Kông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 27/5 xác nhận trước Nghị viện rằng, Hồng Kông không còn tự chủ để được hưởng ưu đãi thương mại của Mỹ.
Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Trump có thể áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, bao gồm áp thuế, hạn chế thị thực và các hạn chế kinh tế khác.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-sap-hop-bao-ve-trung-quoc.html

Mỹ điều 2 “chim sắt” B1-B

bay gần Đài Loan, Hong Kong, hướng tới Biển Đông

Mỹ đã điều 2 máy bay ném bom B1-B và một máy bay tiếp dầu KC-135 bay qua khu vực gần Đài Loan và Hong Kong rồi hướng tới Biển Đông.
Taiwan News đưa tin, hai “pháo đài bay” B1-B Lancer của Mỹ hôm nay, 26/5, đã bay qua khu vực gần phía nam Đài Loan và gần Hong Kong. Hai chiếc B1-B, cùng máy bay tiếp đầu KC-135R xuất phát từ căn cứ không quân Andersen ở Guam và hướng tới Biển Đông.
Động thái điều máy bay của Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực đang có đấu hiệu nóng lên. Trung Quốc ngày 22/5 đã bàn về dự luật an ninh mới liên quan tới đặc khu hành chính Hong Kong, trong đó cấm các hành vi ly khai, chống phá, khủng bố, can thiệp nước ngoài và tất cả các hoạt động nổi loạn nhằm lật đổ chính quyền.
Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 22/5 cho biết kế hoạch áp dụng luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh sẽ không ảnh hưởng tới tính độc lập pháp lý của đặc khu.
Tuy nhiên, ngày 24/5, nhiều người Hong Kong đã xuống đường biểu tình phản đối dự luật an ninh mới do Trung Quốc đại lục đề xuất. Các quan chức Mỹ cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái mới của
Trung Quốc với Hong Kong. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21/5 tuyên bố Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Trung Quốc thông qua dự luật.
Bên cạnh đó, Đài Loan được coi là một trong những vấn đề gai góc trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng Washington vẫn bán vũ khí cho hòn đảo này, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Vấn đề Đài Loan cũng được xem là đang tăng nhiệt. Ngày 22/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố Trung Quốc “kiên quyết phản đối và ngăn chặn bất kỳ hoạt động ly khai nào nhằm giành độc lập cho Đài Loan”.
Tuy nhiên theo Reuters, phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường không đề cập tới từ “hòa bình” trước từ “tái thống nhất”. Điều này khác với phát ngôn mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường sử dụng trong ít nhất 4 thập niên qua khi đề cập tới Đài Loan. Trung Quốc từng nhiều lần nêu quyết tâm thống nhất Đài Loan bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực.
Mặt khác, vài tuần trở lại đây, các tàu Hải quân Mỹ và máy bay ném bom B-1B của Không quân Mỹ thường thực hiện các sứ mệnh nhằm phát đi thông điệp rằng quân đội Mỹ tiếp tục duy trì hiện diện ở khu vực và khẳng định cam kết với các đồng minh, đối tác trong bối cảnh căng thẳng leo thang vì vấn đề Biển Đông và Washington cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng đại dịch Covid-19 để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
http://biendong.net/bi-n-nong/34972-my-dieu-2-chim-sat-b1-b-bay-gan-dai-loan-hong-kong-huong-toi-bien-dong.html

Trump: Mỹ sẽ hành động với TQ trong tuần này

Trump cảnh báo ông đang chuẩn bị hành động chống lại Trung Quốc tuần này vì dự luật an ninh Hong Kong, song không nêu chi tiết.
“Chúng tôi đang tiến hành một số thứ. Tôi nghĩ mọi người sẽ thấy nó rất hay ho, nhưng tôi sẽ không nói về điều đó hôm nay”, Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phóng viên tại Nhà Trắng khi được hỏi liệu ông có áp lệnh trừng phạt với Trung Quốc về hành động của họ với Hong Kong.
“Đó là việc mọi người sẽ nghe trước cuối tuần này. Tôi nghĩ nó rất mạnh mẽ”, Trump trả lời câu hỏi thứ hai. Tổng thống Mỹ tuần trước cảnh báo sẽ “phản ứng cứng rắn” nếu Trung Quốc ban hành luật an ninh Hong Kong.
Người phát ngôn Nhà Trắng Kayleigh McEnany trước đó cho biết Tổng thống không hài lòng về dự luật an ninh Hong Kong và cho rằng “thật khó để xem Hong Kong vẫn là một trung tâm tài chính nếu Trung Quốc tiếp quản thành phố này”.
Dự luật an ninh Hong Kong được đệ trình lên quốc hội Trung Quốc hôm 22/5, trong đó cấm các hoạt động ly khai, lật đổ, cũng như sự can thiệp của nước ngoài và khủng bố trong thành phố. Bắc Kinh khẳng định dự luật trên thực tế củng cố nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển. Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố dự luật an ninh không ảnh hưởng đến quyền, tự do, tính độc lập tư pháp của đặc khu và bà sẽ “hợp tác hoàn toàn” với quốc hội Trung Quốc để hoàn thành dự luật.
Tuy nhiên, quan chức Mỹ cho rằng luật an ninh khi được ban hành sẽ chấm dứt quyền tự trị của Hong Kong và gây hại cho cả nền kinh tế của Hong Kong và Trung Quốc đại lục. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cuối tuần trước cảnh báo Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt với cả Trung Quốc đại lục và Hong Kong nếu dự luật được ban hành.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó cáo buộc Mỹ đang tìm cách gây tổn hại tới an ninh quốc gia nước này trong vấn đề Hong Kong, tuyên bố nước này sẽ có biện pháp đáp trả.
Hàng nghìn người Hong Kong hôm 24/5 xuống đường biểu tình để phản đối dự luật. Cảnh sát sử dụng hơi cay, vòi rồng để giải tán đám đông. Cảnh sát Hong Kong hôm qua cảnh báo sẽ không dung thứ hoạt động gây gián đoạn trật tự công cộng sau khi các nhà hoạt động kêu gọi biểu tình vào hôm nay, ngày Hội đồng Lập pháp Hong Kong thảo luận về dự luật an ninh.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/34951-trump-my-se-hanh-dong-voi-tq-trong-tuan-nay.html

Vấn đề người Duy Ngô Nhĩ:

Mỹ tiếp tục trừng phạt các doanh nghiệp TQ

Bộ Thương mại Mỹ (22/5) thông báo sẽ bổ sung 33 công ty, tổ chức Trung Quốc vào “danh sách đen” trừng phạt kinh tế vì hỗ trợ Bắc Kinh thực hiện những hoạt động mà Washington lên án.
Động thái của Bộ Thương mại Mỹ đánh dấu nỗ lực mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc trừng phạt những công ty có thể hỗ trợ hoạt động quân sự của Trung Quốc và gây sức ép lên Bắc Kinh trong vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu sống ở khu tự trị Tân Cương. Theo đó, 7 công ty và 2 tổ chức bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” vì đã vi phạm nhân quyền, trực tiếp dính líu vào các vụ bắt giữ hàng loạt, cải tạo tập trung người Duy Ngô Nhĩ. Ngoài ra, Bộ Thương Mại Mỹ cũng liệt kê 24 công ty, tổ chức của chính phủ trong danh sách trừng phạt vì đã mua các trang thiết bị, vũ khí để quân đội Trung Quốc sử dụng vào các hoạt động trấn áp người Duy Ngô Nhĩ. Trong đó có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phần mềm nhận diện, vẫn phải mua các chi tiết công nghệ Mỹ. Lọt vào danh sách trừng phạt của Washington còn có CloudMinds, công ty được tập đoàn Softbank hậu thuẫn và đang triển khai một dịch vụ điện toán đám mây giúp vận hành các robot; công ty NetPosa, một trong những công ty về trí tuệ nhân tạo nổi tiếng nhất của Trung Quốc, được cho là có liên quan tới hoạt động giám sát người Hồi giáo tại Trung Quốc. Các đối tượng bị đưa vào danh sách đen sẽ bị hạn chế mua hàng của Mỹ hoặc các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài theo công nghệ Mỹ.
Được biết, vấn đề người Duy Ngô Nhĩ là một trong những điểm nóng trong quan hệ Mỹ – Trung, cũng như quan hệ phương Tây và Trung Quốc. Trong nhiều năm nay, Mỹ và các nước phương Tây liên tục chỉ trích, lên án và đưa ra các biện pháp trừng phạt Trung Quốc vì đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Ủy ban Chấp hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC, 8/1) đã công bố một báo cáo nghiên cứu thường niên trong đó kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump trừng phạt Trung Quốc về vi phạm nhân quyền, đồng thời thúc giục quan chức Mỹ lưu tâm đến vấn đề nhân quyền liên quan đến Tân Cương khi đàm phán với Bắc Kinh, bao gồm cả đàm phán thương mại. Theo báo cáo nghiên cứu thường niên của CECC cho biết các điều kiện về nhân quyền tại Trung Quốc trong thời gian nghiên cứu từ tháng 8/2018 – 8/2019 đã tồi tệ hơn trước. Báo cáo cũng nêu chi tiết về cách Trung Quốc đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số, các nhà hoạt động nhân quyền và báo chí, trong đó tập trung sâu rộng vào vấn đề tại Tân Cương, nơi được cho là khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang “cải tạo” tại các “trại giáo dục” mà Trung Quốc lập ra. Ủy ban tin rằng tại khu tự trị miền tây bắc Trung Quốc, các nhà chức trách Trung Quốc có thể đang vi phạm nhân quyền. Báo cáo cho rằng, chính quyền Mỹ nên phát triển các quan điểm cụ thể về vấn đề nhân quyền cho quan chức Mỹ tham gia các cuộc đàm phán thương mại, những người thường xuyên liên kết tự do báo chí, ngôn luận với các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời khẳng định, tại Tân Cương, chính quyền Bắc Kinh đã và đang sử dụng camera nhận diện khuôn mặt và các hệ thống giám sát điện thoại di động để kiểm soát chặt chẽ người dân, báo cáo cho biết và nhấn mạnh “chính sách ngoại giao Mỹ phải ưu tiên thúc đẩy nhân quyền và pháp quyền tại Trung Quốc, không chỉ tôn trọng và bảo vệ phẩm giá cơ bản của người dân Trung Quốc, mà còn thúc đẩy tốt hơn về an ninh và thịnh vượng cho toàn nhân loại”. Báo cáo của Ủy ban Chấp hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) cũng chỉ ra rằng, để giải quyết vấn đề nhân quyền, Washington nên đưa ra các chính sách thắt chặt tiếp cận thị trường Mỹ đối với các công ty Trung Quốc đã đang ủng hộ hoặc cung cấp khả năng công nghệ kiểm soát bao gồm các hệ thống nhận diện gương mặt, công nghệ máy học và sinh trắc học. Ngoài ra, báo cáo của CECC cũng khuyến nghị chính quyền Trump áp đặt trừng phạt lên các doanh nghiệp và quan chức Trung Quốc liên quan tới cách đối xử của họ với người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.
Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, với số phiếu ủng hộ áp đảo 407 và chỉ có 1 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật Duy Ngô Nhĩ 2019, cho phép chính quyền Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích và phản ứng cứng rắn hơn trước hành động của Trung Quốc với người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương. Dự luật trên đã nêu đích danh Bí thư Tỉnh ủy Tân Cương, ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) và quy trách nhiệm cho ông này trong việc tạo ra các trung tâm giam giữ người thiểu số Hồi giáo, đồng thời kêu gọi trừng phạt thêm các quan chức cấp cao của Trung Quốc chịu trách nhiệm về các hoạt động đối với người Hồi giáo ở Tân Cương. Đây được coi là phiên bản cứng rắn hơn một bản dự luật tương tự đã được Thượng viện Mỹ tán thành hồi tháng 9 năm 2019. Đây cũng là lần đầu tiên một dự luật liên quan đến vấn đề Tân Cương yêu cầu trừng phạt các quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Thượng viện Mỹ (11/9/2019) cũng đã thông qua một dự luật về các vấn đề nhân quyền tại Tân Cương. Dự luật nói trên được khởi xướng bởi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Dân
chủ Robert Menedez. Dự luật “Đạo luật Chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019”, yêu cầu chính phủ Mỹ tích cực gây áp lực lên Liên Hợp Quốc và các tòa án quốc tế khác phải hành động về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương và kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét trừng phạt các quan chức chính quyền và các cá nhân chịu trách nhiệm thành lập và duy trì các “trung tâm đào tạo” ở vùng lãnh thổ cực tây của Trung Quốc. Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ công bố đánh giá hằng năm về quy mô và điều kiện của các “trung tâm đào tạo” Tân Cương nhằm giúp các quan chức quyết định mức độ nghiêm trọng của việc thi hành các lệnh trừng phạt hoặc lên án Bắc Kinh. Dự luật được coi là sản phẩm thể hiện sự đồng thuận lưỡng đảng ngày càng tiến bộ tại Quốc hội Mỹ về việc phản đối Trung Quốc về vấn đề nhân nhân quyền.
Đáng chú ý, trong tháng 10/2019, nhóm các nước tại Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu đã lên án Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và những dân tộc Hồi giáo khác ở Tân Cương; kêu gọi Trung Quốc duy trì luật pháp quốc gia và các nghĩa vụ, cam kết quốc tế trong việc tôn trọng quyền con người, bao gồm tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ở Tân Cương và trên khắp Trung Quốc; khẩn trương thực hiện các khuyến nghị của các chuyên gia Liên hợp quốc về tình hình Tân Cương, gồm cả việc kiềm chế giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo khác. Động thái diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi chấm dứt đàn áp tự do tôn giáo trong một sự kiện khác bên lề cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa đưa ra tuyên bố kêu gọi các quốc gia Trung Á nên từ chối yêu cầu của Trung Quốc trong việc buộc hồi hương các sắc dân thiểu số về Trung Quốc; cho rằng việc Bắc Kinh giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở miền tây Trung Quốc không liên quan gì đến chống khủng bố, như Trung Quốc tuyên bố. Thay vào đó, Ngoại trưởng Mỹ coi đây một nỗ lực nhằm xóa bỏ các nền văn hóa và các tôn giáo của người thiểu số.
http://biendong.net/bien-dong/34938-van-de-nguoi-duy-ngo-nhi-my-tiep-tuc-trung-phat-cac-doanh-nghiep-tq.html

Dự luật trừng phạt Trung Cộng

về vấn đề nhân quyền được đưa đến bàn

Tổng Thống Trump chờ quyết định cuối cùng

Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ Tư (27/5), Hạ viện Hoa Kỳ ủng hộ một cách áp đảo  luật kêu gọi trừng phạt các viên chức Trung Cộng chịu trách nhiệm trong việc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, và đã gửi dự luật tới Tòa Bạch Ốc để Tổng thống Trump phủ quyết hoặc ký thành luật.
Kết quả kiểm phiếu là 413-1. Sự ủng hộ gần như thống nhất trong Quốc hội gây áp lực lên tổng thống Trump trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhân quyền đối với Trung Cộng. Mặc dù các đảng viên Cộng hòa của tổng thống Trump trong Quốc hội cho biết họ dự đoán ông sẽ ký dự luật, nhưng Tòa Bạch Ốc vẫn chưa cho biết liệu tổng thống có làm như vậy hay không.
Dự luật kêu gọi các biện pháp trừng phạt chống lại những người chịu trách nhiệm trong việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở tỉnh Tân Cương của Trung Cộng, nơi Liên Hiệp Quốc ước tính rằng hơn một triệu người Hồi giáo bị giam giữ trong các trại.
Luật này nêu rõ tên của một Bí thư Đảng ủy của Đảng Cộng sản Trung Cộng tại khu vực, Chen Quanguo, thành viên Bộ chính trị Trung Cộng, là người chịu trách nhiệm về “các hành vi vi phạm nhân quyền kinh hoàng” đối với họ.
Mối quan hệ giữa tổng thống Trump và chính quyền Trung Cộng trở nên ngày càng căng thẳng trong những tuần gần đây, khi tổng thống Trump đổ lỗi cho Bắc Kinh về việc làm trầm trọng hóa đại dịch coronavirus. (BBT)
https://www.sbtn.tv/du-luat-trung-phat-trung-cong-ve-van-de-nhan-quyen-duoc-dua-den-ban-tong-thong-trump-cho-quyet-dinh-cuoi-cung/

Mỹ truy tố hơn 30 người Bắc Triều Tiên

và Trung Quốc về tội vi phạm trừng phạt quốc tế

Mai Vân
Chính quyền Mỹ vào hôm qua, 28/05/2020, đã loan báo quyết định truy tố 28 người Bắc Triều Tiên và 5 người Trung Quốc. những người này bị tố cáo là đã vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng.
Theo hãng tin Pháp AFP, những người này đã lập một hệ thống công ty bình phong, chuyển ngân hơn 2,5 tỷ đô la, né tránh những biện pháp trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên. Mạng lưới này gồm khoảng 250 công ty được đặt tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Libya, Áo, Nga, Trung Quốc và Koweit, trục lợi những vụ giao dịch, trao đổi hàng hóa chuyển đến Bắc Triều Tiên.
Nhiều nhân vật bị truy tố có liên quan đến những chi nhánh “bí mật” của ngân hàng hối đoái chính của Bắc Triều Tiên, Ngân Hàng Ngoại Thương, nằm trong danh sách đen của bộ Tài Chính Mỹ. Hai cựu chủ tịch của ngân hàng này – Ko Chol Man và Kim Song Ui – nằm trong số bị cáo cùng với hai cựu phó chủ tịch.
Bản luận tội nói rõ là những người này bị tố cáo đã sử dụng những công ty bình phong từ năm 2013 đến nay, để giao dịch bằng đô la, điều cấm trong lệnh trừng phạt gắt gao của Mỹ nhắm vào Bắc Triều Tiên, và che giấu vai trò của Ngân Hàng Ngoại Thương Bắc Triều Tiên, để “các ngân hàng liên quan chấp nhận các khoản chi trả”.
Trong số hơn 2,5 tỷ đô la trung chuyển qua hệ thống tiền tệ quốc tế trong suốt 7 năm, chỉ có 63 triệu đô la là bị chận lại. Theo một viên chức Mỹ, những món hàng trao đổi rất đa dạng, từ sản phẩm xa xỉ đến thiết bị dùng cho chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Với số bị cáo lên đến 28 người, đây là lệnh truy tố quan trọng chưa từng có nhắm vào các lãnh đạo Bắc Triều Tiên, nhưng tư pháp Mỹ ít có hy vọng xét xử được những người này.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200529-m%E1%BB%B9-truy-t%E1%BB%91-h%C6%A1n-30-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-v%C3%A0-trung-qu%E1%BB%91c-v%C3%AA%CC%80-t%C3%B4%CC%A3i-vi-pha%CC%A3m-tr%C6%B0%CC%80ng-pha%CC%A3t-qu%C3%B4%CC%81c-t%C3%AA%CC%81

Twitter dán nhãn cảnh báo bài đăng

của quan chức Trung Quốc về COVID-19

Hải Lam
Twitter hôm nay đã dán nhãn cảnh báo và cung cấp đường link dẫn tới các nguồn thông tin khác dưới hai bài đăng của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 3 cáo buộc virus corona có nguồn gốc từ Mỹ.
Twitter đã thêm một dấu chấm than màu xanh nhạt dưới dòng tweet của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, cùng với thông điệp “Nhận thông tin về COVID-19 tại đây”.
“Bệnh nhân số 0 ở Mỹ xuất hiện khi nào? Có bao nhiêu người nhiễm bệnh? Tên của các bệnh viện là gì? Có thể quân đội Mỹ đã đưa đại dịch vào Vũ Hán. Hãy minh bạch! Hãy công khai dữ liệu! Mỹ nợ chúng ta một lời giải thích!”, ông Triệu đăng trên Twitter vào ngày 12/3.
Một bài đăng khác của Triệu hôm 13/3 cũng bị Twitter dán nhãn cảnh báo.
Ông Triệu đã viết: “Bài viết này rất quan trọng với tất cả chúng ta. Hãy đọc và chia sẻ nó. COVID-19: Thêm bằng chứng cho thấy virus có nguồn gốc ở Mỹ”, kèm theo đường link bài viết.
Động thái trên của Twitter diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào sáng 29/5 (theo giờ Việt Nam) đã ký sắc lệnh chỉnh đốn các mạng xã hội kiểm duyệt người dùng. “Twitter không còn là nền tảng trung lập của công chúng, mà đã trở thành bên biên tập với quan điểm riêng. Tôi nghĩ chúng ta có thể nói tương tự về Google, Facebook và một số công ty khác”, Tổng thống Trump nói.
Trước đó, vào hôm 26/5, Twitter đã dán nhãn cảnh báo các bài đăng của Tổng thống Trump về kế hoạch bầu cử ở California. Tuy nhiên, khi đó, Twitter không kiểm tra tính xác thực đối với các tài khoản của chính phủ Trung Quốc đăng tải thông tin về virus corona trên nền tảng xã hội này. Phản ứng trước động thái của Twitter, ông Trump cho rằng mạng xã hội này đã “dập tắt hoàn toàn quyền tự do ngôn luận” và ông sẽ không để điều này xảy ra.
https://www.dkn.tv/the-gioi/twitter-dan-nhan-canh-bao-bai-dang-cua-quan-chuc-trung-quoc-ve-covid-19.html

Trump ký sắc lệnh hành chính

nhằm vào mạng xã hội khổng lồ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành chính nhằm loại bỏ một số cơ chế bảo vệ pháp lý đối với các nền tảng truyền thông xã hội.
Sắc lệnh này trao cho cơ quan quản lý quyền thực hiện biện pháp pháp lý để chống lại các công ty như Facebook và Twitter liên quan đến cách họ kiểm soát nội dung trên các nền tảng của mình.
Twitter gắn cảnh báo cần xác minh thông tin dưới bài đăng của Trump
Khi ký sắc lệnh này, Tổng thống Trump cáo buộc các nền tảng truyền thông xã hội đang có “quyền lực nằm ngoài tầm kiểm soát”.
Sắc lệnh có thể phải đối mặt với những trở ngại về pháp lý.
Các chuyên gia pháp lý nói rằng Quốc hội Mỹ hoặc hệ thống tòa án cần phải can thiệp để thay đổi nhận thức pháp lý về các biện pháp bảo vệ cho những nền tảng này.
Ông Trump thường xuyên cáo buộc các mạng truyền thông xã hội bóp nghẹt hoặc kiểm duyệt những tiếng nói bảo thủ.
Hôm thứ Tư, ông Trump đã cáo buộc Twitter can thiệp bầu cử, sau khi Twitter thêm các liên kết kiểm chứng thông tin vào hai trong số các nội dung đăng tải của ông.
Hôm thứ Năm, Twitter cũng đã gắn các thẻ “đọc thông tin xác thực về Covid-19″ vào hai nội dung đăng tải của một phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc, người tuyên bố virus corona có nguồn gốc từ Mỹ.
Lệnh hành chính này nói gì?
Sắc lệnh đưa ra để làm rõ Đạo luật về Truyền thông công chính, một luật nhằm bảo vệ các nền tảng trực tuyến như Facebook, Twitter và YouTube về mặt pháp lý trong một số tình huống.
Theo Mục 230 của luật, các mạng xã hội không chịu trách nhiệm về nội dung được đăng bởi người dùng của họ, nhưng có thể thực hiện tác vụ “chặn vì mục đích tốt đẹp”, chẳng hạn như xóa nội dung tục tĩu, quấy rối hoặc bạo lực.
Sắc lệnh hành chính chỉ ra rằng quyền miễn trừ pháp lý không áp dụng nếu mạng xã hội chỉnh sửa nội dung được đăng bởi người dùng và kêu gọi Quốc hội “xóa hoặc thay đổi” mục 230 này. Ông Trump nói Bộ trưởng Tư pháp William Barr sẽ ngay lập tức “bắt tay” soạn thảo một luật cho Quốc hội để sau đó bỏ phiếu.
Lệnh cũng cho biết việc chặn bài viết có yếu tố “lừa đảo”, bao gồm việc xóa bài với những lý do nằm ngoài danh mục trong điều khoản dịch vụ của trang web, cũng không nên được miễn trừ.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio nằm trong số những người lập luận rằng các nền tảng mạng xã hội đảm nhận vai trò của một “nhà xuất bản” khi họ gắn nhãn kiểm chứng thông tin vào các bài đăng cụ thể.
“Luật vẫn bảo vệ các công ty truyền thông xã hội như Twitter vì họ được coi là diễn đàn chứ không phải là nhà xuất bản”, ông Rubio nói.
“Nhưng nếu bây giờ họ quyết định thực hiện vai trò biên tập như một nhà xuất bản, họ sẽ không còn được miễn trừ trách nhiệm pháp lý và được coi là nhà xuất bản đúng theo luật.”
Lệnh hành chính cũng kêu gọi:
Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) nêu rõ các hình thức chặn nội dung nào sẽ bị coi là lừa đảo, không có lý do hoặc không phù hợp với các điều khoản và điều kiện của nhà cung cấp dịch vụ
đánh giá các quảng cáo của chính phủ trên trang truyền thông xã hội và liệu các nền tảng này có hạn chế nội dung dựa trên quan điểm riêng của mình hay không
lập lại “công cụ báo cáo thiên vị” của Nhà Trắng, cho phép công dân báo cáo khi bị đối xử không công bằng bởi các mạng xã hội
Lệnh này có tác động gì?
Donald Trump đã hứa “hành động mạnh mẽ” để đáp lại quyết định của Twitter về việc gắn nhãn kiểm chứng thông tin vào hai bài đăng của ông. Trong khi thông báo của ông về một mệnh lệnh hành chính nặng tính hùng biện – cáo buộc các công ty truyền thông xã hội là độc quyền đe dọa tự do ngôn luận – sẽ còn lâu thì lời nói mới trở thành hành động thực sự, hay nói cách khác là hành động mạnh mẽ.
Các cơ quan độc lập trong chính phủ sẽ phải xem xét luật liên bang, ban hành các quy định mới, bỏ phiếu cho các luật này và sau đó – với tất cả khả năng – bảo vệ chúng tại tòa án. Khi xong hết những thứ này thì cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 có lẽ đã diễn ra và thậm chí đã kết thúc.
Điều đó giải thích tại sao ông Trump cũng đang thúc đẩy quốc hội ban luật mới – một cách đơn giản hơn để thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với các công ty truyền thông xã hội.
Tuy nhiên, mục đích thực sự của sắc lệnh mà Tổng thống có thể chỉ mang tính tượng trưng. Ít nhất, động thái này sẽ khiến Twitter phải suy nghĩ kỹ khi thực hiện kiểm duyệt hoặc kiểm chứng thông tin đối với các bài đăng của ông trên nền tảng này.
Tổng thống dựa vào Twitter để truyền thông điệp của mình ra ngoài mà không qua bộ lọc của báo chí chính thông. Nếu ngay cả Twitter cũng bóp chẹt công cụ truyền thông ưa thích của ông, thì có thể hiểu là ông đang truyền đi thông điệp sẽ trả đũa, và có thể ít nhất là khiến công ty này cảm thấy không thoải mái.
Các mạng xã hội đã phản ứng thế nào?
Twitter gọi lệnh hành chính của tổng thống là “cách tiếp cận phản động và chính trị hóa đối với một luật mang tính bước ngoặt”, và rằng Mục 230 “bảo vệ sự đổi mới và tự do ngôn luận của Mỹ, và nó được củng cố bởi các giá trị dân chủ”.
Google, công ty sở hữu YouTube, cho biết việc thay đổi Mục 230 sẽ “làm tổn thương nền kinh tế Mỹ và vai trò dẫn dắt toàn cầu về tự do internet”.
“Chúng tôi có chính sách nội dung rõ ràng và chúng tôi thi hành các chính sách này không liên quan đến quan điểm chính trị. Nền tảng của chúng tôi đã trao quyền cho nhiều người và tổ chức với quan điểm chính trị khác nhau, mang đến cho họ tiếng nói và cách thức mới để tiếp cận khán giả”, công ty cho biết trong một thông cáo gửi tới BBC.
Covid-19: Tổng thống Trump ra tối hậu thư cho WHO và Tedros
Virus corona: Trump nói ông ‘tìm thấy bằng chứng virus bắt nguồn từ phòng thí nghiệm TQ’
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm thứ Tư, tổng giám đốc điều hành của Facebook, Mark Zuckerberg, cho rằng việc kiểm duyệt một nền tảng truyền thông xã hội sẽ không phải là “ứng xử đúng” đối với một chính phủ liên quan đến kiểm duyệt.
“Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Facebook không nên làm người phán xét về mọi thứ mà mọi người phát “Nói chung tôi cho rằng các công ty tư nhân có lẽ không nên – đặc biệt là các công ty cung cấp các nền tảng như thế này – đặt mình vào vị trí phát xét như vậy.”
Một tổ chức tư vấn đã cảnh báo mệnh lệnh hành chính có thể dẫn tới những hậu quả không lường trước.
“Về lâu dài, nỗ lực bảo thủ chống lại các công ty truyền thông xã hội kiểu này có thể có tác động tàn phá đối với quyền tự do ngôn luận”, Matthew Feeney của Viện Cato nói.
Và thay đổi Đạo luật về Truyền thông công chính để “áp đặt tính trung lập chính trị đối với các công ty truyền thông xã hội” có thể dẫn tới việc các nền tảng này chứa đầy “nội dung pháp lý mà họ muốn xóa” như nội dung khiêu dâm, hình ảnh bạo lực và phân biệt chủng tộc.
“Hoặc họ sẽ sàng lọc nội dung tới một mức độ có thể làm nghẽn dòng chảy tự do của thông tin trên mạng xã hội mà chúng ta đang thấy hiện nay”, ông nói.
Ông Feeney nói rằng dự thảo của sắc lệnh hành chính là một “thứ hỗn độn” nhưng dễ hiểu về mặt chính trị trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.
Điều gì châm ngòi cho tranh cãi?
Cuộc tranh cãi kéo dài giữa ông Trump và các công ty mạng xã hội lại bùng lên một lần nữa vào thứ Ba, khi hai bài đăng của ông lần đầu tiên được Twitter gắn nhãn cảnh báo xác thực thông tin.
Ông Trump đã viết mà không cung cấp bằng chứng: “Gửi phiếu bầu qua thư là trò gian lận không hơn không kém.”
Twitter đã gắn nhãn cảnh báo vào bài đăng này và gắn liên kết đến một trang trong đó có nội dung khẳng định các phát biểu này là “không có căn cứ”.
Sau đó vào thứ Tư, ông Trump đe dọa sẽ “điều tiết mạnh mẽ” các nền tảng truyền thông xã hội.
Ông đã viết trên Twitter cá nhân, với hơn 80 triệu người theo dõi, rằng các viên Cộng hòa cảm thấy nền tảng này “hoàn toàn im lặng trong bảo thủ” và rằng ông sẽ không cho phép điều đó xảy ra.
Trong một nội dung đăng tải trước đó, ông nói rằng Twitter “hoàn toàn bóp nghẹt tự do ngôn luận”.
Giám đốc điều hành của Twitter, Jack Dorsey, đã đáp lại những lời chỉ trích về các chính sách kiểm chứng thông tin của nền tảng này trong một loạt nội dung đăng tải, trong đó khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ ra các thông tin không chính xác hoặc tranh cãi về các cuộc bầu cử trên toàn cầu.”
Ông Trump đã viết một bài tương tự về các lá phiếu gửi qua thư trên Facebook vào thứ ba và không có cảnh báo nào như vậy được áp dụng.
Twitter đã thắt chặt các chính sách của mình trong những năm gần đây, do phải đối mặt với những chỉ trích rằng nền tảng này cho phép các tài khoản giả và thông tin sai lệch phát triển mạnh.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52844774

Mỹ hủy visa của vài nghìn sinh viên TQ ‘

có liên hệ với quân đội’?

Hoa Kỳ đã lên kế hoạch hủy visa cho một số sinh viên Trung Quốc mà chính quyền Trump tin là “có quan hệ với giới quân sự Trung Quốc”, theo Reuters (28/05/2020).
‘Tôi không muốn mang bệnh dịch đến Châu Phi’
Covid-19: Lá thư nước Mỹ và Cô Vi xanh, Cô Vi đỏ
Trung Quốc: Khi Covid-19 không nghe lời Đảng Cộng sản
Tin này ban đầu do báo The New York Times đăng tải cho rằng lệnh hủy visa có thể đến ngay tuần này, và chừng 3000 đến 5000 sinh viên Trung Quốc bị ảnh hưởng.
Đây không phải là con số lớn, trên tổng số 300 nghìn sinh viên TQ du học ở Mỹ, nhưng phản ánh một cách nghĩ của chính quyền Hoa Kỳ hiện nay.
Tin này được loan ra trong tuần Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố vì Luật an ninh Bắc Kinh đưa ra về Hong Kong, đặc khu này không còn “tính tự trị”, một quy chế Mỹ trao cho Hong Kong, cho phép nền kinh tế đó hưởng nhiều ưu đãi xuất nhập khẩu với Hoa Kỳ.
Theo trang The New York Times, quan chức Hoa Kỳ, người cho tờ báo biết về tin liên quan đến việc hủy thị thực của sinh viên TQ, khẳng định điều này không có nghĩa là “các sinh viên đó làm gì sai trái”.
Tuy thế, mối nghi ngờ mà Hoa Kỳ nêu ra là về hoạt động của các viện nghiên cứu, đại học có liên hệ với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), lực lượng phục tùng đảng cộng sản.
Đây không phải là lần đầu tiên chính giới Hoa Kỳ nói công khai về điều họ cho là “mối đe dọa từ Trung Quốc” trong khoa học, công nghệ và giáo dục.
Brendan O’Malley trên trang World University News (02/05/2020) viết rằng nhà chức trách Hoa Kỳ nêu cảnh báo về “mối đe dọa từ hợp tác với các nhà nghiên cứu Trung Quốc”, và việc “sinh viên Trung Quốc đánh cắp công nghệ cao”.
Bài báo cho hay ông Christopher Wray, Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) hồi cuối tháng 4/2020 đã cảnh báo các đại học ở Mỹ “phải rất thận trọng về mối đe dọa mang tính thế hệ” từ Trung Quốc.
Theo ông, mối đe dọa này gồm cả nỗ lực “đánh cắp công nghệ cao, sáng tạo” của Mỹ bởi sinh viên và giới nghiên cứu Trung Quốc.
Ông cũng nói các nước khác, chứ không chỉ TQ “dùng giới nghiên cứu, khoa bảng để đánh cắp công nghệ cao”.
TQ và các đại học quốc tế trong và sau dịch Covid-19
Trong thời gian châu Âu và Hoa Kỳ bị virus corona gây thiệt hại khủng khiếp, một số đại học Trung Quốc mở chiến dịch quyên góp khẩu trang hoặc tiền giúp cho y tế các trường đối tác.
Một số trường ở Ireland và Anh nhận được quà tặng là hàng nghìn khẩu trang từ các viện, trường đối tác của họ ở Trung Quốc.
Thế nhưng, theo trang World University News thì “ngoại giao khẩu trang” cũng bị cho là cách TQ dùng “sức mạnh mềm” để xua đi chỉ trích về chuyện Trung Quốc đã không ứng phó kịp thời, khiến dịch Covid-19 lan ra khỏi Vũ Hán, ra nước ngoài.
Vào lúc này, khi Trung Quốc và châu Á đã bắt đầu trở lại sinh hoạt gần như bình thường sau nhiều tháng chống Covid-19, giới quan sát về giáo dục đại học nêu ra nhiều lo ngại trước dịp hè 2020.
Theo một số đánh giá, ngành đại học toàn cầu sẽ bị sụt giảm 15% tới 25% số sinh viên đăng ký nhập học năm tới (tính từ mùa thu năm nay).
Vẫn trang World University News cho rằng giáo dục đại học toàn cầu sẽ mất hai năm để phục hồi sau virus corona.
Trang báo này ước tính vai trò của Trung Quốc trong dịch vụ giáo dục quốc tế là rất lớn, và việc sinh viên Trung Quốc không du học nữa sẽ tác động mạnh đến thị trường đại học.
“Thị trường du học 64,6 tỷ USD của Trung Quốc có thể sẽ không bao giờ được như trước,” bài báo viết.
Căng thẳng về Hong Kong sẽ còn tác động thêm vào du học đại học của sinh viên Trung Quốc cũng như môi trường đại học ở Phương Tây.
Cuối năm 2019, tại Anh và Úc đã xảy ra va chạm tại một số trường đại học giữa sinh viên từ Trung Quốc và sinh viên Hong Kong.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52847962

« Sinh viên gián điệp » Trung Quốc,

mục tiêu mới của chính quyền Trump ?

Thanh Phương
Theo lời ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo về Trung Quốc hôm nay, 29/05/2020, tổng thống Donald Trump sẽ đề cập đến vấn đề các sinh viên Trung Quốc hoạt động gián điệp tại Hoa Kỳ. Theo tờ nhật báo New York Times, chính phủ Mỹ chuẩn bị trục xuất từ 3.000 đến 5.000 sinh viên Trung Quốc có liên hệ với các trường quân sự Trung Quốc.
Việc Trung Quốc huy động nhiều thành phần để tham gia vào hoạt động gián điệp ở nước ngoài, đặc biệt là tại các nước phương Tây, không có gì là mới mẻ. Điều 7 trong Luật tình báo quốc gia của Trung Quốc có ghi rõ : « Mọi tổ chức hay mọi công dân đều phải hỗ trợ hoạt động tình báo của Nhà nước, giúp Nhà nước và cộng tác với Nhà nước theo quy định của pháp luật »
Riêng Washington từ lâu vẫn cáo buộc Bắc Kinh có nhiều hoạt động gián điệp công nghiệp tại Hoa Kỳ, đồng thời chính quyền Donald Trump xem việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Trên đài truyền hình Fox News hôm qua, ngoại trưởng Pompeo đã tuyên bố : « Với tư cách cựu giám đốc CIA, tôi xem mối đe dọa của gián điệp Trung Quốc đối với nước chúng ta là rất nghiêm trọng ». Ông Pompeo cho rằng người dân Mỹ cần biết rằng « đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tạo dựng được một ảnh hưởng rất lớn tại Hoa Kỳ ».
Hoạt động của gián điệp Trung Quốc tại Mỹ dường như cũng đã được mở rộng sang lãnh vực y tế. Ngày 13/05 vừa qua, Hoa Kỳ chính thức cáo buộc Trung Quốc đã tìm cách đánh cắp các dữ liệu nghiên cứu của Mỹ về vac-xin ngừa virus corona chủng mới, về thuốc điều trị, cũng như về các xét nghiệm virus. Theo chính quyền Donald Trump, không chỉ có các tin tặc, mà cả các nhà nghiên cứu và sinh viên Trung Quốc cũng tham gia đánh cắp các thông tin trong các trường đại học và phòng thí nghiệm nơi họ đang làm việc.
Nếu đúng là cả sinh viên Trung Quốc cũng tham gia làm gián điệp thì quả thật đây là điều đáng lo ngại cho Hoa Kỳ. Theo thống kê của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), một hiệp hội lo về các trao đổi quốc tế của sinh viên, sinh viên Trung Quốc chiếm phần lớn nhất trong số các sinh viên ngoại quốc đang học tại Mỹ, với gần 370.000 trong niên khóa 2018-2019, tức là chiếm một phần ba tổng số sinh viên ngoại quốc.
Theo tờ New York Times, từ nhiều tháng qua, các quan chức của Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI đã đến các trường đại học lớn ở Hoa Kỳ để cảnh báo về nguy cơ gián điệp Trung Quốc trà trộn vào đây. Nhưng theo tờ Courrier International ngày 12/05, một số giáo sư đại học và tổ chức sinh viên đã bác bỏ những cáo buộc đó, so sánh cuộc « săn đuổi phù thủy » nhắm vào các nhà nghiên cứu, sinh viên Trung Quốc hiện nay giống như vào thời McCarthy nhìn đâu cũng thấy cộng sản.
Phản ứng nói trên cũng là dễ hiểu, bởi vì việc trục xuất hàng ngàn sinh viên Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nguồn tài chính của các trường đại học. Mỗi năm, con số gần 370.000 sinh viên Trung Quốc mang lại một khoản thu nhập lên tới 14 tỷ đôla cho các trường đại học Mỹ.
Cho dù có thiệt hại tài chính như vậy đối với các trường đại học, chính quyền Donald Trump dự kiến sẽ có biện pháp mạnh để ngăn chận tình trạng sinh viên Trung Quốc tham gia làm gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ. Cụ thể, theo hãng tin Reuters, trong số từ 3.000 đến 5.000 sinh viên Trung Quốc bị nghi làm gián điệp, những người nào đang ở trên đất Mỹ thì sẽ bị hủy visa và sẽ bị trục xuất, còn những người nào đang ở bên ngoài nước Mỹ thì sẽ không được phép quay trở lại.
Nếu tổng thống Trump ra quyết định như vậy, căng thẳng Mỹ-Trung chắc chắn sẽ tăng thêm một nấc. Nhưng theo Reuters, quyết định trục xuất sinh viên Trung Quốc đã được dự trù từ nhiều tháng qua, không có liên hệ trực tiếp với vấn đề Hồng Kông, mà là nằm trong khuôn khổ chiến dịch “gây áp lực toàn diện” đối với Trung Quốc.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200529-sinh-vi%C3%AAn-gi%C3%A1n-%C4%91i%E1%BB%87p-trung-qu%E1%BB%91c-m%E1%BB%A5c-ti%C3%AAu-m%E1%BB%9Bi-c%E1%BB%A7a-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-trump

Một người thiệt mạng

trong cuộc biểu tình tại Minneapolis

Tin Minneapolis, Minnesota – Cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của người đàn ông da đen tại Minneapolis đã trở thành bạo động vào tối thứ Tư, 27 tháng 5. Một người đã bị bắn chết trong lúc hỗn loạn, một số tòa nhà bị đốt phá, nhiều cửa hàng bị cướp bóc, và thành phố phải nhờ Vệ Binh Quốc Gia hỗ trợ. Các cuộc biểu tình diễn ra sau cái chết hôm thứ Hai của ông George Floyd, một người da đen.
Theo video quay lại sự việc, một cảnh sát đã quỳ gối lên cổ ông Floyd trong vài phút, dù người đàn ông này nói rằng ông không thở được. Ông Floyd sau đó chết tại bệnh viện.
Vào thứ Tư, cuộc tuần hành vốn khá ôn hòa lúc khởi đầu đã trở thành bạo động khi trời tối dần. Người biểu tình bao vây Sở cảnh sát Minneapolis và đập bể nhiều cửa sổ. Đến khoảng 6 giờ chiều, cảnh sát bắt đầu bắn hơn cay và đạn cao su để trấn áp đám đông. Hơi cay và khói lửa lan rộng khắp các con đường bao quanh tòa nhà.
Cảnh sát cho biết họ nhận được tin báo về một vụ đâm dao lúc 9 giờ 12 phút tối. Khi đến hiện trường, cảnh sát phát hiện một người đàn ông bị bắn và người này đã chết sau đó tại bệnh viện. Nghi can gây án đã bị bắt giữ. Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn đến vụ nổ súng.
Lúc 7 giờ tối, hàng chục người bắt đầu xông vào cướp bóc cửa hàng Target gần sở cảnh sát. Một tiệm AutoZone bị phóng hỏa.
Sở cảnh sát thành phố St. Paul đã gởi khoảng 40 cảnh sát đến bảo vệ lực lượng cứu hỏa Minneapolis trong lúc họ chữa cháy. Nhiều địa điểm khác cũng bị cướp phá và đốt nhà. Văn phòng Thị Trưởng Jacob Frey cho biết đã đề nghị lực lượng Vệ Binh Quốc Gia hỗ trợ giữ an ninh. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/mot-nguoi-thiet-mang-trong-cuoc-bieu-tinh-tai-minneapolis/

American Airlines tuyên bố cắt giảm

30% nhân viên quản trị và nhân viên hỗ trợ

do đại dịch coronavirus

Trong một lá thư gửi nhân viên vào thứ tư (ngày 27 tháng 5), hãng hàng không American Airlines cho biết họ sẽ phải cắt giảm khoảng 30% nhân viên quản trị và nhân viên hỗ trợ, đồng thời có thể phải cắt giảm nhân viên tuyến đầu trong quá trình giảm nhân sự do đại dịch coronavirus.
Tất cả các hãng hàng không lớn của Hoa Kỳ đã nói rằng họ sẽ cần phải giảm nhân sự vào mùa thu, vì lúc cam kết không sa thải nhân viên mà họ ký kết với chính phủ Hoa Kỳ hết hạn vào ngày 30 tháng 9.
Đối thủ cạnh tranh của American Airlines là United Airlines cũng cho biết họ sẽ cần giảm khoảng 30% nhân viên quản trị và hành chính. American Airlines, với hơn 100,000 nhân viên, sẽ đưa ra các lựa chọn cho phép nhân viên tự nguyện nghỉ việc trước khi thực hiện sa thải nếu công ty vẫn chưa đạt chỉ tiêu. Sau khi sa thải các nhân viên quản trị, công ty sẽ chuyển sang các nhân viên tuyến đầu bao gồm tiếp viên và phi công.
Bên cạnh đó, American Airlines cho biết thêm rằng họ dự kiến sẽ giảm khoảng 100 máy bay vào mùa hè năm 2021, và có gần 40,000 nhân viên đã chọn nghỉ phép tự nguyện tạm thời hoặc nghỉ hưu sớm. (BBT)
https://www.sbtn.tv/american-airlines-tuyen-bo-cat-giam-30-nhan-vien-quan-tri-va-nhan-vien-ho-tro-do-dai-dich-coronavirus/

Trên 40 triệu người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp

vì COVID

Ken Bredemeier
Kể từ giữa tháng 3 đến nay, có tất cả 40,7 triệu người Mỹ đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp, tức là gần một phần tư trong lực lượng lao động Mỹ gồm hơn 164 triệu người.
Tuy nhiên, con số thực tế hiện nay về số người mất việc thì chưa biết rõ vì một số người xin tiền thất nghiệp trong những tuần trước hiện được chủ nhân gọi làm việc trở lại. Tất cả 50 thống đốc tiểu bang bắt đầu nới lỏng hạn chế đối với việc mở cửa doanh thương theo một loạt những chỉ dẫn khác nhau trên toàn nước Mỹ.
Tính tới 27/5, số người chết tại Mỹ vì COVID lên đến 100.000 và các chuyên gia y tế tiên đoán hàng chục ngàn người nữa sẽ thiệt mạng trong những tháng tới.
Tổng thống Donald Trump, chuẩn bị tái tranh cử trước đối thủ là cựu Phó Tổng thống Joe Biden, dự đoán nước Mỹ sẽ phục hồi kinh tế một cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên virus corona đã có ảnh hưởng lớn lên thương mại Mỹ với 27 công ty đã khai phá sản trong tháng 5 và một số công ty loan báo đóng cửa vĩnh viễn.
Ông Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Tòa Bạch Ốc, mới đây nói với Washington Post là có một số “tia hy vọng nhỏ” trong nền kinh tế. Tuy nhiên ông thừa nhận những khó khăn tiếp diễn mà đại dịch virus corona đề ra cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Jerome Powell cảnh báo là nền kinh tế Mỹ có thể phải chịu suy thoái trong nhiều năm nếu không trợ cấp thêm cho công nhân. Ông nói 40% những gia đình Mỹ có thu nhập dưới 40.000 đô la/năm bị mất việc làm vào tháng 3.
Tuy nhiên ông Trump và các nhà lập pháp Cộng hòa đang chần chừ không muốn chuẩn nhận thêm trợ cấp của chính phủ cho đến khi nào có thể xác quyết được các khoản tài trợ chấp thuận trước đây có hiệu quả ra sao trong việc giúp cho kinh tế vực dậy.
Công nhân Mỹ đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp thường được trả ít hơn một nửa mức lương bình thường của họ. Tuy nhiên số tiền trợ cấp trong đại dịch COVID được bổ sung với 600 đô la một tuần từ chính phủ liên bang trong bốn tháng, cho đến tháng 7.
Số đơn xin trợ cấp tăng cao nhất vào cuối tháng Ba với 6,9 triệu công nhân xin trợ cấp thất nghiệp.
Kể từ đó, nhịp độ xin trợ cấp hàng tuần giảm từng tuần trong 10 tuần qua, nhưng hàng triệu người xin trợ cấp thất nghiệp hiện nay vẫn là cao chưa từng thấy trong nhiều thập niên lịch sử kinh tế Mỹ, từ cuộc Đại Khủng hoảng trong những năm 1930. Con số xin trợ cấp đã vượt xa con số trong cuộc Đại Suy thoái 2008-2009.
https://www.voatiengviet.com/a/tr%C3%AAn-40-tri%E1%BB%87u-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-m%E1%BB%B9-xin-tr%E1%BB%A3-c%E1%BA%A5p-th%E1%BA%A5t-nghi%E1%BB%87p-v%C3%AC-covid/5440008.html

Covid-19: Hoa Kỳ vượt mốc 100.000 ca tử vong

Trọng Nghĩa
Trong bối cảnh châu Mỹ đang thay thế châu Âu trong vai trò tâm điểm của đại dịch Covid-19 trên thế giới, ngày 27/05/2020, Hoa Kỳ đã vượt mốc biểu tượng 100 ngàn người chết vì virus corona.
Theo số liệu của trường đại học Mỹ Johns Hopkins, số ca tử vong tính đến tối hôm qua đã lên đến 100.271 người, cao hơn rất nhiều so với các nước khác. Số ca nhiễm cũng rất cao: gần 1,7 triệu ca được xác nhận, trong đó khoảng 385.000 người đã được chữa khỏi.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng số ca nhiễm và tử vong tại Mỹ trong thực tế cao hơn nhiều số thống kê, và nhiều người tiếc rằng các biện pháp phong tỏa hay giãn cách xã hội đã được ban hành quá trễ.
Từ San Francisco, thông tín viên RFI Eric de Salve nhận định:
Khi các trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên xuất hiện ở Hoa Kỳ vào cuối tháng Giêng, tổng thống Mỹ Donald Trump đã bảo đảm rằng tình hình hoàn toàn được kiểm soát, và “mọi việc đều sẽ ổn”. Phó tổng thống Mike Pence cũng trấn an: “Nguy cơ (bị nhiễm Covid-19) rất thấp” đối với người Mỹ.
Trong thực tế, lúc đó dịch Covid-19 đã bắt đầu lây lan trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Đến cuối tháng Hai, nước này ghi nhận cái chết đầu tiên vì virus corona, và chỉ ba tháng sau, theo đại Học Johns Hopkins, mốc 100.000 ca tử vong vì dịch bệnh đã bị vượt qua.
Một mình nước Mỹ ngày nay đã chiếm gần 1/3 số ca tử vong vì đại dịch trên toàn thế giới. Đây là những số liệu gây ấn tượng mạnh, nhưng nếu so sánh với 330 triệu dân Mỹ, tỷ lệ tử vong theo dân số ở Hoa Kỳ vẫn thấp hơn ở châu Âu.
Trong thực tế, dịch Covid-19 đã tác hại nặng nề hơn đối với các thành phần nghèo và các cộng đồng thiểu số tại Mỹ. Chẳng hạn ở bang Michigan, trong cộng đồng người da đen chỉ chiếm 14% dân số, tỷ lệ tử vong lên đến 40%.
Thái độ chần chờ của Nhà Trắng vào lúc đại dịch bùng phát có lẽ là một trong những lý do khiến nước Mỹ hiện nay phải trả giá đắt. Theo một nghiên cứu của Đại Học Columbia, hơn 50% số ca tử vong lẽ ra có thể tránh được nếu các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa sớm được áp đặt tại Hoa Kỳ.
Tình hình rất xấu tại Brazil và Peru
Diễn biến của dịch Covid-19 tại các nước châu Mỹ Latinh đang càng lúc càng xấu.
Tại tâm dịch của vùng châu Mỹ Latinh là Brazil, hai ngưỡng biểu tượng là 25.000 người chết và 400.000 ca nhiễm được xác nhận cũng đã bị vượt qua vào hôm qua.
Tại Peru, nhiều kỷ lục đáng buồn cũng bị phá vào hôm qua: Thêm 6.154 ca nhiễm mới trong vỏn vẹn một ngày, đẩy tổng số người bị nhiễm lên thành 135.905, tăng 36% trong vòng một tuần. Số ca tử vong vì Covid-19 trong vòng 24 tiếng đồng hồ cũng đạt kỷ lục là 195, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh lên thành 3.983 người.
Chính quyền Peru vẫn cho rằng dịch Covid-19 đã bắt đầu đà thoái trào tại nước này, dù vẫn ở mức cao, phản bác đánh giá của Tổ Chức Y Tế Liên Mỹ (PAHO), theo đó dịch bệnh đang tăng tốc ở Peru.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200528-covid-19-hoa-k%E1%BB%B3-v%C6%B0%E1%BB%A3t-m%C3%B4%CC%81c-100-000-ca-t%C6%B0%CC%89-vong

Ông Trump: Trăm ngàn người Mỹ chết vì COVID

 là ‘cột mốc buồn thảm’

Tổng thống Donald Trump ngày 28/5 nói con số dẫn đầu thế giới với 100.000 người chết tại Mỹ vì COVID là “một cột mốc buồn thảm.”
Trước dây trong năm, ông Trump thường giảm nhẹ mối đe dọa của virus corona và cho rằng con số các ca tại Mỹ sẽ nhanh chóng giảm dần đến 0. Tuy nhiên, trong một bình luận đăng trên Twitter, ông Trump công nhận số tử vong 100.000, cao hơn số binh sĩ Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam và Triều Tiên cộng lại.
“Gởi đến các gia đình và bạn bè những ai đã qua đời,” ông nói, “Tôi muốn bày tỏ sự cảm thông và yêu thương tận đáy lòng về những gì mà những con người vĩ đại này đã tin tưởng và đại diện. Cầu xin Thượng đế ở cùng các bạn!”
Ngày 27/5, cựu Phó Tổng thống Joe Biden nói trong một thông điệp trên Twitter rằng “Có những thời điểm trong lịch sử chúng ta buồn thảm, đau đớn sâu sắc đến nỗi nó bám chặt trong tim mỗi chúng ta như nỗi đau chung. Ngày nay là một trong những thời điểm đó.” Ông Biden, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 tới đây, chấm dứt thông điệp này bằng câu “Với những người đang bị ảnh hưởng, tôi rất tiếc vì những mất mát của các bạn. Đất nước cùng đau với các bạn.”
Mỹ vượt qua cột mốc 100.000 người chết vì COVID trong vòng chưa đầy 4 tháng. Một nhóm thượng nghị sĩ của cả hai đảng nhắc lại lời kêu gọi dành phút mặc niệm vào ngày 1/6 để tưởng nhớ những người đã chết.
“Đất nước phải đánh dấu thời điểm đen tối này bằng sự đoàn kết và minh bạch,” Thượng nghị sĩ Dân chủ của bang Hawaii, Brian Schatz, nói. “Vào thời điểm đau buồn gần như ngoài sức tưởng tượng này, chúng ta rất cần phải vinh danh những người đã khuất và cùng chia sẻ đau buồn.”
“Đại dịch COVID-19 đã tàn phá đất nước chúng ta,” Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Alaska, Lisa Murkowski, nói. “Quá nhiều gia đình đã chứng kiến người thân chịu đau đớn. Do những biện pháp cách ly nghiêm ngặt, hầu hết những người mất người thân vì dịch bệnh không được tiễn đưa thân nhân lần cuối tại bệnh viện. Nhiều người không thể có được lễ tưởng niệm đúng mức để vinh danh những người đã mất.”
Một đề nghị riêng tại Hạ viện kêu gọi có một phút mặc niệm hàng ngày khi Hạ viện nhóm họp cũng như có một ngày quốc tang sau khi đại dịch chấm dứt và xây một đài tưởng niệm quốc gia cho các nạn nhân.
Hoa Kỳ chứng kiến một chút cải thiện về con số tử vong hàng ngày, nhưng tiến bộ này đã thụt lùi hôm 27/5, với 1.400 người chết được ghi nhận.
Trên toàn thế giới có hơn 356.000 người thiệt mạng vì COVID-19, theo thống kê của Trường đại học Johns Hopkins. Có khoảng 5,7 triệu ca nhiễm toàn cầu, gần 30% là tại Mỹ.
Ngày 28/5, Hàn Quốc loan báo có thêm 79 ca nhiễm vào lúc nước này tiếp tục nỗ lực ngăn virus tái xuất hiện. Với hầu hết các ca xảy ra tại khu đô thị Seoul, Bộ trưởng Y tế Park Neung-hoo thúc đẩy người dân tránh tụ tập không cần thiết và yêu cầu các công ty cho công nhân mắc bệnh ở nhà.
Cũng có quan ngại tại nhiều nước ở Châu Mỹ Latin, nơi Tổ chức Lương Thực Thế giới cảnh báo đại dịch có thể làm cho 14 triệu người bị đói.
Brazil là nước bị tác hại mạnh nhất trong vùng với 411.000 ca, chỉ sau nước Mỹ. Peru cũng chứng kiến các ca lây nhiễm tăng mạnh, với báo cáo số ca kỷ lục trong một ngày là 6.154 hôm 27/5.
Ngày 28/5, Ấn Độ ghi nhận số ca tăng vọt tương tự, với 6.566 ca mới, một kỷ lục đối với nước hiện đứng hàng thứ 10 thế giới về các ca được xác nhận.
https://www.voatiengviet.com/a/%C3%B4ng-trump-tr%C4%83m-ng%C3%A0n-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-m%E1%BB%B9-ch%E1%BA%BFt-v%C3%AC-covid-l%C3%A0-c%E1%BB%99t-m%E1%BB%91c-bu%E1%BB%93n-th%E1%BA%A3m-/5440472.html

Người Việt ở khu vực thủ đô Mỹ mong ngày mở cửa lại

Sau 2 tháng giãn cách xã hội và hạn chế ra đường, dự kiến thủ đô Washington và vùng phụ cận sẽ từng bước được mở cửa trở lại vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 tới đây. Đây là tin vui đối với một số gia đình địa phương, trong đó có các gia đình gốc Việt bởi họ đã phải chờ đợi quá lâu, tự giam mình trong nhà trong thời gian dài và hơn thế mùa hè luôn là mùa của những hoạt động ngoài trời hấp dẫn của cả trẻ con và người lớn. Việc mở cửa trở lại dù không có nghĩa là cuộc sống sẽ trở lại bình thường như trước đây nhưng đối với phần lớn các gia đình thì dù sao họ cũng có cơ hội được lựa chọn tham gia vào những sinh hoạt khác nhau để giải toả những tù túng về tinh thần trong suốt thời gian vừa qua.
Chị Phương Nguyễn, một cư dân sinh sống ở Germantown, một vùng ngoại ô cách trung tâm Washington DC trên 30 phút lái xe, chia sẻ: “ Thật ra gia đình tôi rất mong chờ đến ngày này, mong chờ từ lâu lắm rồi. Nhớ lại trước khi dịch bệnh, trong những ngày đi làm thì không nói, nhưng mỗi dịp cuối tuần được nghỉ là hai vợ chồng lại được đi uống cà phê, ăn nhà hàng, vui chơi cùng bạn bè, hay đi tham quan nông trại, hái dâu, hái đào, hái táo… Rất nhiều hoạt động khác nhau. Trong khi suốt 2 tháng qua, 2 vợ chồng cùng ở nhà, suốt ngày nhìn nhau nó cũng rất tù túng, mệt mỏi. Chuyện kinh tế – tiền bạc chỉ là một vấn đề thôi, chứ thật ra được quay trở lại với những sinh hoạt tinh thần vui vẻ, thoải mái mới là điều quan trọng. Chứ cứ kéo dài như thế này mãi thì thật sự cũng không thể chịu nổi.”
Đối với những gia đình có con nhỏ thì ngày dự kiến mở cửa trở lại ở khu vực thủ đô Washington còn được mong chờ nhiều hơn nữa, bởi trẻ con đã phải loanh quanh ở nhà quá lâu và dịp hè cũng là dịp có nhiều hoạt động nhất với các sinh hoạt thể thao như bơi lội, câu lạc bộ bóng đá, bóng rổ, võ thuật… hay các chương trình cắm trại hay thăm thú, đi biển cùng gia đình. Tất nhiên, không có gia đình nào dám mạo hiểm cho con tham gia nhiều hoạt động khác nhau khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, nhưng việc mở cửa trở lại dù sao cũng giúp lũ trẻ có điều kiện giao lưu một chút với bạn bè cùng trang lứa và tham gia vào những hoạt động nhất định.
Chị An Nguyễn, một bà mẹ 3 con hiện đang sinh sống ở thành phố Falls Church, ngoại ô thủ đô Washington, chia sẻ thêm: “Thật ra các cháu phải ở nhà quá lâu rồi. Các con tôi vẫn thường hay hỏi tôi ‘Mẹ ơi bao giờ con được đi học trở lại, được gặp lại bạn bè?’ Tôi nghe thế thì tôi rất thương các cháu. Việc giãn cách xã hội để phòng chống sự lây nhiễm trong cộng đồng là rất cần thiết. Người lớn chúng ta thì cảm thấy tù túng, mệt mỏi kiểu khác, còn trẻ con cũng phải chịu không ít thiệt thòi khi suốt ngày chỉ loanh quanh trong nhà, không được giao lưu với các bạn, không được tham gia các hoạt động tinh thần và thể thao khác nhau. Nên mở cửa trở lại thì dù sao, mình cũng tự tìm được cho các con của mình những hoạt động phù hợp mà vẫn phòng tránh được sự lây lan của dịch bệnh chứ không thể ở nhà mãi như thế này được.”
Tuy mong chờ ngày mở cửa trở lại để cuộc sống từng bước quay trở về với những sinh hoạt bình thường, nhưng phần lớn các gia đình đều có thái độ thận trọng đối với việc tham gia vào những hoạt động nơi công cộng. Theo đa phần mọi người thì do tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng chưa được kiểm soát, vac-xin hay thuốc đặc trị chưa có, nên chưa nơi nào dám tổ chức các sự kiện và sinh hoạt cộng đồng như trước đây.
Anh Long Hoàng, một cư dân sinh sống tại Silverspring, Maryland, người hàng chục năm nay thường xuyên tham gia và tổ chức các hoạt động của cộng đồng gốc Việt ở khu vực thủ đô Washington thận trọng cho biết: “Thực tế dịch bện này vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lắm nên ngay cả khi các địa phương mở cửa trở lại thì chúng tôi cũng như những tổ chức khác của cộng đồng gốc Việt cũng chưa dám tổ chức các sinh hoạt như trước đây đâu. Bởi thực tế tổ chức như vậy trong hoàn cảnh này là rất mạo hiểm, hơn thế thì các gia đình cũng sẽ không dám tham gia đâu. Họ sẽ chọn tham gia vào những hoạt động ít người, ở những nơi thoáng đãng, vắng vẻ để tránh nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh, chứ không dám tham gia vào những sinh hoạt bình thường vốn luôn đông người như trước kia.”
Theo thông báo của chính quyền thủ đô Washington DC và hai tiểu bang lân cận là Maryland và Virginia thì việc mở cửa trở lại đang được tiến hành thận trọng, từng bước, theo từng giai đoạn một.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-o-khu-vu-thu-do-my-mong-ngay-mo-cua-lai/5440490.html

Canada : Dịch Covid-19 làm tăng kỳ thị người Hoa

Thùy Dương
Cũng giống như nhiều nước khác, Canada không thoát khỏi làn sóng các hành vi bài Trung Quốc kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ.
Nhiều công trình ở Vancouver đã bị phá hoại. Đây là thành phố lớn thứ ba Canada, nơi cộng đồng người gốc Hoa và châu Á tập trung đông đúc. Theo cảnh sát, số vụ rắc rối liên quan đến các hành vi mang tính thù hận đã tăng vọt ở thành phố này bất chấp những nỗ lực đấu tranh chống kỳ thị của nhà chức trách địa phương và chính quyền trung ương.
Từ Canada, thông tín viên RFI Pascale Guéricolas cho biết thêm chi tiết :
« Nỗi lo sợ do đại dịch gây ra có thể đã hun đúc tư tưởng bài Hoa tiềm ẩn tại Canada. Thậm chí hiện giờ một số người còn rất muốn đuổi hậu duệ của những người Trung Quốc đã đến Canada để xây dựng đường sắt ở miền Tây nước này hồi cuối thế kỷ 19. Bị coi là những công dân hạng hai cho đến tận những năm 1940, người Canada gốc Hoa thường xuyên chịu những lời chửi rủa lăng mạ hoặc thậm chí là những vụ tấn công có liên quan đến gốc gác của họ.
Đại dịch bùng phát tại Trung Quốc đã dấy lên sự căng thẳng tiềm ẩn này. Ngay cả tiến sĩ Teresa Tam, cố vấn của thủ tướng Canada về xử lý dịch bệnh Covid-19, cũng trở thành nạn nhân. Một số dân biểu phe bảo thủ – đảng đối lập – một cách ẩn ý đã đặt câu hỏi về lòng trung thành của nữ giám đốc cơ quan Y Tế Canada, với cớ là bà Tam sinh ra tại Hồng Kông.
Đối mặt với tình trạng kỳ thị này, người đứng đầu bang British Columbia đã so sánh sự kỳ thị với virus. Còn thủ tướng Canada Justin Trudeau tố cáo các vụ tấn công nhắm vào người Canada gốc Hoa là không thể chấp nhận được ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200529-canada-d%E1%BB%8Bch-covid-19-l%C3%A0m-t%C4%83ng-k%E1%BB%B3-th%E1%BB%8B-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-hoa

Người dân Brazil sợ ‘chết đói hơn dịch bệnh’

Ngọc Lễ
Nhu cầu đi làm kiếm tiền của dân chúng cộng với thái độ coi thường dịch bệnh của Tổng thống Brazil khiến nhiều người dân nước này phớt lờ lệnh ở nhà dù virus corona đang lan tràn dữ dội, một Việt kiều đang sống ở Sao Paulo nói với VOA.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Brazil đã tăng tốc trở thành vùng dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, tính về số lượng người nhiễm bệnh, với hơn 420.000 ca nhiễm tính đến ngày 28/5.
Số lượng người chết ở quốc gia Nam Mỹ này cũng tăng vọt và hiện đã vượt qua 26.000 người, là ổ dịch chết chóc thứ 6 thế giới. Gần đây, có ngày Brazil ghi nhận hơn một ngàn người chết và có lúc số tử vong trong ngày của Brazil cao hơn Mỹ vốn là nước có số người chết vì COVID cao nhất hiện nay.
‘Bắt đầu thấy sợ’
VOA đã liên lạc với anh Võ Thiện Tài, 40 tuổi, hiện là chủ nhà hàng Việt Nam Miss Saigon ở Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, để tìm hiểu về tình hình chống dịch ở nước này. Anh Tài sinh ra và lớn lên ở Brazil sau khi cha mẹ anh vượt biên khỏi Việt Nam vào năm 1979 và được tàu của Brazil cứu đưa về định cư ở nước này cho tới nay.
Anh Tài cho biết với tình hình dịch đang diễn biến theo chiều hướng xấu ở Brazil thì ‘trong tuần này người dân đã bắt đầu sợ hơn’. “Người dân đã bắt đầu đeo khẩu trang rất nhiều, lúc trước chỉ có 5 trên 10 người xài, bây giờ thì khoảng 8 người xài,” anh nói.
“Trước đây, Chính phủ có đưa lệnh ra nếu mà không xài khẩu trang thì phải về nhà hay bị phạt nhưng mà người dân vẫn không sợ họ vẫn tiếp tục ra ngoài đường không xài khẩu trang,” anh Tài nói với VOA.
Theo lời chủ nhà hàng này thì đến giờ ‘chưa thấy có ai bị phạt vì không đeo khẩu trang’ mà ‘chỉ có cảnh sát thấy đám đông tụ tập thì đến giải tán thôi’.
Tuy nhiên, thị trường khẩu trang ở Brazil trong vòng một tháng rưỡi qua ‘rất khan hiếm’, anh Tài cho biết, và nhiều người phải lấy vải tự may khẩu trang cho mình và bán cho những người xung quanh.
Về tình hình giãn cách xã hội ở Brazil theo lệnh của chính quyền các bang, anh nói ‘người dân Brazil vẫn ra đường bình thường, chỉ có vắng hơn chút xíu thôi’.
“Hôm bữa chính phủ dồn mấy ngày nghỉ lễ tháng sau lên cho dân nghỉ trước nhưng mà dân họ đa phần đâu có ở nhà đâu,” anh cho biết. “Có nhiều người chạy xuống biển, đi về quê, hoặc là đi du lịch ở chỗ này chỗ kia trong nước.”
Anh dẫn ra số liệu thống kế trên báo chí Brazil cho biết ‘chỉ có 54% người dân Brazil chịu ở trong nhà trong kỳ nghỉ lễ trong khi chính phủ đặt mục tiêu là đạt đến tỷ lệ 70%’.
Anh cũng cho biết là việc xét nghiệm virus corona hiện đang rất thiếu thốn và đắt đỏ.
“Có ít chỗ để xét nghiệm, với lại bị tính tiền riêng, khoảng từ 300-600 real (55-110 đô la Mỹ) cho mỗi xét nghiệm,” anh nói. “Đa phần người dân không có tiền để trả tiền xét nghiệm.”
Do đó, theo lời anh thì ở Brazil hiện nay ‘có rất nhiều người bệnh mà không biết, vì không được xét nghiệm’.
Trong tình hình số bệnh nhân tăng vọt mỗi ngày như hiện nay, anh Tài cho biết các bệnh viện ở Sao Paulo vẫn còn thừa công suất trong khi một số địa phương khác đã gần như quá tải.
“Các phu đào mộ phải làm hết sức, làm cho lẹ để chôn xác vì xác đến rất nhiều,” anh nói.
Tổng thống ‘mờ mắt’
Về tinh thần chống dịch của chính phủ Tổng thống Jair Bolsonaro, anh Tài đánh giá là ‘không tốt’.
“Tổng thống Ba Tây đã nói là bệnh này chỉ giống như bệnh cảm cúm chút xíu thôi, thành ra không làm được tấm gương cho người dân ở nhà. Ông ấy cũng không nói người dân nên ở nhà nên người dân Ba Tây tưởng là bệnh bình thường thôi,” anh lý giải.
“Ông ấy (Bolsonaro) giống như đang bị mờ mắt vì không biết hướng nào phải đi,” anh nói và đưa ra dẫn chứng Tổng thống Bolsonaro liên tục sa thải các Bộ trưởng Y tế vì bất đồng quan điểm trong cách chống dịch.
“Tổng thống không cho phép phong tỏa theo đề nghị của các Bộ trưởng khi thấy số người chết tăng lên,” anh cho biết. “Các Bộ trưởng nói rằng người dân phải ở nhà đã bị Tổng thống đuổi.”
Ngoài ra, một điều bất đồng nữa giữa ông Bolsonaro với giới chức y tế Brazil là ông kêu gọi dùng thuốc chống sốt rét hydoxychloroquine để ngăn ngừa và chữa trị Covid-19 nhưng các quan chức y tế không đồng ý vì thuốc này vẫn đang được thử nghiệm chưa biết hiệu quả như thế nào, anh Tài nói thêm.
“Hiện giờ người dân có thể ra nhà thuốc hỏi mua hydoxychloroquine thoải mái,” anh cho biết và nói rằng điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm loại thuốc này khiến nhiều bệnh nhân mắc các chứng bệnh khác ‘mua không được’.
Theo lời anh, ông Bolsonaro ‘đang bận tâm lệnh ở nhà sẽ làm nền kinh tế Brazil ngưng trệ’ vì ông biết rằng ‘chính phủ không có tiền để giúp đỡ người dân lâu dài’.
“Chính phủ nói nếu ai cũng ở nhà hết thì làm ăn kinh tế bắt đầu ngưng lại, không có ai phát triển, không có thuế má,” anh nói.
‘Cuộc sống khó khăn’
Theo lời anh, dịch bệnh đã làm cho đời sống kinh tế của người dân Brazil ‘khó khăn nhất trong nhiều năm gần đây’ và thậm chí còn khổ hơn thời khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.
Anh cho biết hiện giờ ở Brazil người thất nghiệp rất nhiều do bị hãng xưởng sa thải vì chủ hãng xưởng không muốn phải trả lương cho công nhân để họ ở nhà tránh dịch theo yêu cầu của chính phủ mặc dù số tiền này sau này được chính phủ hứa sẽ hoàn lại.
“Rất nhiều công ty đuổi công nhân để họ lãnh tiền thất nghiệp,” anh dẫn số liệu của chính phủ cho biết tính đến ngày 30/4 tỷ lệ thất nghiệp của Brazil đã là 12% và sẽ còn tiếp tục tăng lên vì ‘các hãng vẫn đang tiếp tục đuổi người’ trong khi ‘không có ai thuê mướn gì cả’.
Hiện tại những người bị đuổi việc ngang sẽ được chủ sử dụng lao động bồi thường theo luật Brazil là 50% lương tháng, nhưng số tiền này khi chuyển khoản đến nhà băng thì nhà băng sẽ giữ lại 10% và đến tay người bị đuổi việc chỉ còn 40%, theo lời anh.
“Ai mà làm lâu năm như 5-6 năm thì khi bị đuổi sẽ nhận được tiền bồi thường cho 5-6 tháng lương thì họ vẫn còn có tiền để sống trong mùa dịch,” anh cho biết. Ngoài ra, những người thất nghiệp còn được hưởng tiền trợ cấp của chính phủ là 622 real (115 đô la) một tháng trả trong vòng 2-3 tháng.
“Số tiền này chỉ đủ để mua thức ăn và trả tiền mướn nhà thôi chứ không có tiền cho con đi học hay đi bệnh viện,” anh nói thêm.
“Mấy công nhân làm không lâu thì không lãnh được bao nhiêu từ công ty mà chỉ lãnh được tiền trợ cấp của chính phủ,” anh cho biết. “Nhưng số tiền đó sắp hết rồi sau 2 tháng. Tới giờ chính phủ đâu có nói sẽ giúp thêm nữa đâu.”
Hiện giờ, theo lời anh, ở Sao Paulo đã có một số tổ chức và cá nhân phát đồ tự thiện như thức ăn, quần áo để ‘người dân không chết đói’.
Các hãng xưởng nào không sa thải công nhân cũng phải cho công nhân nghỉ ở nhà tránh dịch trong 2-3 tháng và trả cho họ khoảng 70% lương. Số tiền này sẽ được nhà nước hoàn lại sau cho các doanh nghiệp.
Về sự trợ giúp cho các doanh nghiệp, anh nói: “Nếu anh muốn mượn tiền để bỏ vô làm ăn thì chính phủ nói là phải theo điều lệ, trong đó điều lệ thứ nhất là không được nợ thuế má. Nhưng ở Ba Tây thì hãng xưởng nào cũng đang nợ tiền thuế nhà nước.”
“Rốt cục sự giúp đỡ mà chính phủ nói thì các hãng xưởng không có hưởng được,” anh nói.
Anh cho biết trong tình hình khó khăn như vậy thì rất nhiều người đang làm việc cho các hãng xưởng như sản xuất xe cộ, ổ khóa, túi xách… – vốn thuộc dạng không thiết yếu nên bị buộc phải đóng cửa theo lệnh các tiểu bang – bắt buộc phải ở nhà trong khi họ ‘muốn làm việc để kiếm tiền’.
Anh nói trong một phóng sự phát trên truyền hình địa phương, có người còn nói rằng thà họ đi làm dù có dính virus corona ‘vẫn còn hơn chết đói ở nhà’.
‘Chỉ đủ sống’
Hiện tại, nhà hàng Miss Saigon của anh Tài đã đuổi toàn bộ 7 nhân công vì ‘trả lương không nổi’ và toàn bộ công việc nhà hàng do hai anh em của anh và cha mẹ anh xoay sở, anh cho biết.
Do nhà hàng thuộc lĩnh vực thiết yếu nên vẫn được phép mở cửa, theo lời anh, nhưng chỉ được phục vụ cho khách mua mang về mà thôi.
Lượng khách đến nhà hàng hiện đã giảm đi rất nhiều, nếu lúc trước 90% khách đến ăn tại chỗ, 10% mua mang về thì giờ đây ‘không còn khách ăn tại chỗ nữa trong khi lượng mua về chỉ được 20% thôi’.
“Thu nhập hiện cũng vừa đủ để không phải chết đói,” anh nói và cho biết gia đình anh không ai nhận trợ cấp của chính phủ vì vẫn còn đi làm được.
“Hiện tại tôi đang nợ tiền thuê nhà hàng hai tháng nhưng giờ cũng đâu làm gì được. Chủ đất cũng phải chờ mọi thứ trở lại bình thường mới đòi tiền thuê được.”
Anh nói ba mẹ anh dù đã lớn tuổi, thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao nếu mắc bệnh Covid-19, nhưng vẫn phải ra đường, đi chợ, mua hàng về nấu nướng.
“Tôi cũng sợ ba mẹ mắc bệnh nhưng cũng đâu có cách nào khác đâu. Nếu cả gia đình không làm việc thì làm sao mà kiếm sống được,” anh phân trần.
Theo lời anh thì người Việt ở Sao Paulo là một cộng đồng nhỏ chỉ với ‘khoảng 70-80 người thôi’.
Phần đông người Việt ở đây làm nghề buôn bán phải đóng cửa trong thời dịch bệnh nhưng ‘cũng không đến nỗi’ vì phần lớn các gia đình người Việt đều có ‘tiền dành dụm lúc trước khi buôn bán được’ giờ lấy ra tiêu xài cho việc ăn uống.
Người chủ nhà hàng này nói anh mong nền kinh tế mở cửa để cho người dân có đường mưu sinh nhưng với điều kiện ‘ai cũng phải xài khẩu trang hết’ và ‘đi làm xong thì phải về nhà chứ không được đi nhà bạn, đi chơi hay tụ tập đám đông nhiều người’ thì mới giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh.
“Mong muốn lớn nhất của tôi là sớm có vaccine để chống lại Covid để đời sống mình trở lại bình thường,” anh bày tỏ với VOA. “Lúc này rất là khó khăn cho tất cả mọi người.”
https://www.voatiengviet.com/a/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-d%C3%A2n-brazil-s%E1%BB%A3-ch%E1%BA%BFt-%C4%91%C3%B3i-h%C6%A1n-d%E1%BB%8Bch-b%E1%BB%87nh-/5440000.html

Covid-19: Mỹ và Brazil,

mỗi nước có hơn 1000 người chết trong 24 giờ qua

Thu Hằng
Châu Mỹ trở thành tâm dịch trong khi châu Âu thận trọng tăng tốc dỡ bỏ phong tỏa. Trong vòng một ngày, Mỹ và Brazil, mỗi nước ghi nhận có hơn 1000 ca tử vong, theo thống kê ngày 28/05/2020.
Với 1.297 người vừa qua đời, Hoa Kỳ ghi nhận 101.573 ca tử vong kể từ đầu mùa dịch và hơn 1,7 triệu người bị nhiễm virus corona. Ngày 28/05, tổng thống Mỹ đã gửi lời chia buồn đến gia đình những người quá cố vì Covid-19.
Vào lúc Mỹ đang từng bước dỡ bỏ phong tỏa, nhiều doanh nghiệp đã suy nghĩ đến cách hoạt động mới thời hậu Covid-19, trong đó biện pháp làm việc từ xa sẽ được khuyến khích duy trì. Theo thông tín viên RFI, tại New York, nơi giá thuê bất động sản đắt đỏ, nhiều doanh nghiệp tính đến việc giảm diện tích văn phòng nhờ phương pháp này.
Còn tại Nam Mỹ, Brazil ghi nhận ngày thứ sáu liên tiếp có trên 1.000 ca tử vong mỗi ngày. Ngày 28/05 cũng đánh dấu kỷ lục đáng buồn về tốc độ lây lan của virus corona, thêm 26.754 ca, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 440.000. Nhưng các nhà khoa học cho rằng con số thực tế có thể cao gấp 15 lần.
Theo AFP, Sao Paulo, lá phổi kinh tế của Brazil và cũng là bang bị tác động nghiêm trọng nhất, vẫn tiếp tục bị phong tỏa đến ngày 15/06. Tuy nhiên, thống đốc bang, Joao Doria, thông báo cho phép một số
lĩnh vực kinh tế được mở cửa trở lại từ thứ Hai 01/06, tùy theo tình hình dịch. Các bệnh viện tại bang Sao Paulo vẫn sát ngưỡng quá tải.
Peru, nước láng giềng của Brazil, trở thành một trong ba quốc gia nước bị dịch tác động nặng nhất tại Nam Mỹ (sau Brazil và Mêhicô), với hơn 4.000 người qua đời vì Covid-19 tính đến ngày 28/05.
Trong khi đó, từ thứ Hai 01/06, Bolivia sẽ dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế được áp dụng từ tháng Ba để chống dịch. Bộ trưởng Kinh Tế Oscar Ortiz thông báo một số lĩnh vực kinh tế sẽ hoạt động trở lại, người dân được phép ra ngoài vào một số giờ nhất định.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200529-covid-19-m%E1%BB%B9-v%C3%A0-brazil-m%E1%BB%97i-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-c%C3%B3-h%C6%A1n-1000-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%E1%BA%BFt-trong-24-gi%E1%BB%9D-qua

Liên hiệp quốc cảnh báo

nạn đói ở Châu Mỹ Latin giữa dịch COVID

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc (WFP) cảnh báo có ít nhất 14 triệu người có thể bị đói tại Châu Mỹ Latin, trong khi virus corona tiếp tục leo thang giữa lúc việc làm và kinh tế giảm sút dưới gánh nặng của đại dịch.
Giám đốc khu vực Châu Mỹ Latin của WFP Miguel Barreto gọi COVID-19 là “Đại dịch đói.” Ông nói các mạng lưới bảo vệ xã hội hiện rất cần thiết đối với những người thông thường không cần đến.
Nhiều chính phủ trên khắp Châu Mỹ Latin trợ cấp thực phẩm cho những nhóm người dễ bị ảnh hưởng nhất.
Trong khi kêu nài chính phủ làm nhiều hơn nữa, nhiều người tại những cộng đồng nghèo đang tổ chức các bếp ăn, chia sẻ những gì họ có để nỗ lực và tự túc.
Tổ chức Y tế liên Châu Mỹ nói tình trạng đói kém là một quan ngại lớn vào lúc Châu Mỹ Latin trở thành tâm điểm của đại dịch COVID-19.
Brazil dẫn đầu trong khu vực với hơn 400.000 ca nhiễm được xác nhận. Các nước Châu Mỹ Latin khác đang chật vật chế ngự virus bao gồm Mexico, Peru và Chilê.
https://www.voatiengviet.com/a/li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-n%E1%BA%A1n-%C4%91%C3%B3i-%E1%BB%9F-ch%C3%A2u-m%E1%BB%B9-latin-gi%E1%BB%AFa-d%E1%BB%8Bch-covid/5440057.html

EU kêu gọi Trung Quốc

tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông

Liên minh Châu Âu (EU) hôm thứ Sáu (22/5) đã kêu gọi Trung Quốc phải tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông. EU lên tiếng như vậy sau khi Bắc Kinh đề xuất luật an ninh quốc gia mới phiên bản Hồng Kông để ứng phó với phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ tại hòn đảo bán tự trị này.
Theo AFP, Bộ trưởng Ngoại giao EU Josep Borrell sau khi tham vấn các đồng nghiệp thành viên trong khối đã phát hành một tuyên bố kêu gọi “bảo vệ quyền tự trị cao độ của Hồng Kông”.
Ông Borrell cho hay: “Liên minh Châu Âu có liên quan rất lớn về sự ổn định và thịnh vượng liên tục của Hồng Kông theo nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’”.
“EU cho rằng một điều rất quan trọng là phải duy trì quyền tự trị cao độ của Hồng Kông, phù hợp với Luật Cơ bản và các cam kết quốc tế”, ông Borrell nói thêm.
Theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, Hồng Kông là một phần của nhà nước Trung Quốc đại lục nhưng được vận hành như một “Khu vực Hành chính Đặc biệt” (Đặc khu) theo Luật Cơ bản. Luật Cơ bản được coi là hiến pháp của Hồng Kông và được áp dụng tại hòn đảo bán tự trị này từ khi nó được Anh Quốc trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Trong tuyên bố hôm 22/5, ông Borrell cảnh báo rằng Liên minh Châu Âu cũng sẽ “tiếp tục theo dõi sát sao diễn tiến [về luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông]”.
“EU cho rằng thảo luận dân chủ, tham vấn các bên liên quan chính yếu, và tôn trọng các quyền và tự do được bảo vệ tại Hồng Kông sẽ là cách tốt nhất cho tiến trình thông qua luật an ninh quốc gia”, ông Borrell nói.
Trước đó vào hôm 21/5, cùng ngày khai mạc “Lưỡng hội” tại Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc cũng công bố nghị trình của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, trong đó bao gồm việc thảo luận về “Luật
An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” hoàn toàn mới. Thông tin vừa được công bố đã trở thành tiêu điểm chú ý của quốc tế.
Tờ HK01 đưa tin, tên đầy đủ của Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông là “Quyết định của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc về xây dựng kiện toàn chế độ luật pháp và cơ chế chấp hành nhằm duy hộ an ninh quốc gia khu hành chính đặc biệt Hồng Kông (Dự thảo)”. Dự luật này được ấp ủ từ thời kỳ đầu khi bùng nổ phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ tại Hồng Kông hồi năm ngoái. Sau này, cùng với việc phong trào đấu tranh phản đối lan rộng, khiến chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết định cần thiết phải nhanh chóng ra tay hơn.
Ngoài ra, việc Hồng Kông chậm trễ chưa thể thúc đẩy lập pháp Điều 23 Luật Cơ bản, thêm vào đó ngày càng có nhiều nhân sĩ phe dân chủ Hồng Kông ra nước ngoài vận động hành lang cộng đồng quốc tế chế tài, do đó ĐCSTQ cho rằng Hồng Kông đã trở thành chỗ hổng lớn trong an ninh quốc gia của ĐCSTQ, nên mới dùng phương thức trực tiếp can dự vào “vá lỗ hổng”.
“Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” chủ yếu nhắm vào 4 loại hình vi, bao gồm: lật đổ chính quyền quốc gia, chia rẽ quốc gia, hoạt động khủng bố và sự can thiệp của thế lực nước ngoài. Trong đó, hoạt động khủng bố không bao hàm trong Điều 23 Luật Cơ bản. Còn trong 7 điểm nội dung được liệt kê trong Điều 23 Luật Cơ bản, phản quốc, kích động phản loạn, đánh cắp bí mật quốc gia không có trong “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”.
Chính quyền Trung Quốc cho biết, “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” là luật mới và độc lập, liệt rõ hình phạt cụ thể, thông qua việc đưa vào Phụ lục III Luật Cơ bản để thực thi tại Hồng Kông, không qua quá trình lập pháp của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.
Các nhà vận động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đã đe dọa sẽ xuống đường để làm mới lại các cuộc biểu tình từng làm rung chuyển hòn đảo này trong khoảng bảy tháng năm ngoái, và đã khiến Bắc Kinh tức giận.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng lên án kế hoạch của Bắc Kinh muốn áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên Hồng Kông, gọi đây là “hồi chuông báo tử” đối với nền tự do vô cùng quan trọng của thành phố đặc biệt này.
“Hoa Kỳ lên án việc đề xuất của Quốc hội Trung Quốc nhằm đơn phương và tùy tiện áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông”, ông Pompeo nói hôm thứ Sáu (22/5).
“Quyết định bỏ qua các tiến trình lập pháp đã được thiết lập tỉ mỉ của Hồng Kông và bỏ qua ý chí của nhân dân Hồng Kông sẽ là một hồi chuông báo tử dành cho nền tự trị cao độ mà Bắc Kinh đã cam kết của Hồng Kông theo Tuyên bố chung Trung – Anh, một thỏa thuận được ghi nhận tại Liên Hiệp Quốc”.
“Hoa Kỳ mạnh mẽ thúc giục Bắc Kinh tái xét lại đề xuất thảm họa này, thực hiện theo trách nhiệm quốc tế và tôn trọng nền tự do dân sự, các thể chế dân chủ và nền tự trị cao độ của Hồng Kông. Đây là những tiêu chí quan trọng để duy trì quy chế đặc biệt của Hồng Kông theo luật Mỹ. Chúng tôi ủng hộ nhân dân Hồng Kông”.
“Bất Kỳ quyết định nào làm hại đến nền tự trị và tự do của Hồng Kông, như được đảm bảo trong Tuyên bố chung Trung-Anh và Luật Cơ bản chắc chắn sẽ tác động đến đánh giá của chúng tôi về nguyên tắc một quốc gia, hai chế độ và địa vị của Hồng Kông”.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/34949-eu-keu-goi-trung-quoc-ton-trong-quyen-tu-tri-cua-hong-kong.html

Anh xem xét cấp quốc tịch cho công dân Hong Kong

nếu TQ áp dụng luật an ninh

Vương quốc Anh có thể cấp cho người mang hộ chiếu Anh (ở nước ngoài – BNO) ở Hong Kong một con đường để có quốc tịch Anh nếu Trung Quốc không đình chỉ các kế hoạch thông qua luật an ninh quốc gia, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói.
Có 300.000 người mang hộ chiếu BNO ở Hong Kong.
Họ có quyền đến Vương quốc Anh trong vòng tối đa sáu tháng mà không cần thị thực.
TQ thông qua luật an ninh, Mỹ nói ‘Hong Kong không còn quyền tự trị’
Luật an ninh mới của Trung Quốc ‘có thể kết liễu Hong Kong’
Trung Quốc: ‘Bạo lực leo thang ở Hong Kong’
Tuyên bố của ông Raab được đưa ra sau khi Anh, Mỹ, Úc và Canada công bố lên án chung đối với luật an ninh của Bắc Kinh.
Luật an ninh – đã được quốc hội Trung Quốc thông qua – quy định hành động làm suy yếu chính quyền Bắc Kinh tại Hong Kong là tội hình sự.
Anh, Mỹ, Úc và Canada cho rằng áp đặt luật an ninh sẽ làm suy yếu nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” đã được thống nhất trước khi Hong Kong được Anh bàn giao cho Trung Quốc vào năm 1997.
Nguyên tắc được thỏa thuận này đảm bảo cho Hong Kong một số quyền tự do vốn không tồn tại ở Trung Quốc đại lục.
Ông Raab nói gì?
Hộ chiếu Anh (ở nước ngoài) được Anh cấp cho người dân ở Hong Kong trước khi chuyển giao Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997.
Thông báo về việc có thể có sự thay đổi trong chính sách, ông Raab cho biết giới hạn sáu tháng đối với các lần lưu trú tại Anh đối với những người có BNO sẽ bị hủy bỏ.
“Nếu Trung Quốc tiếp tục đi theo con đường này và thực thi luật an ninh quốc gia, chúng tôi sẽ xóa giới hạn sáu tháng đó và cho phép những người mang hộ chiếu BNO đến Vương quốc Anh và nộp đơn xin làm việc và học tập trong thời gian 12 tháng và chính điều này sẽ cung cấp một con đường để trở thành công dân tương lai,” ông nói.
Phóng viên ngoại giao của BBC James Landale nói rằng tại Bắc Kinh, lời đe dọa này sẽ được coi là một sự leo thang và có khả năng thúc đẩy một phản ứng mạnh mẽ.
Trung Quốc có thể không bận tâm nếu một số nhà vận động ủng hộ dân chủ trốn sang Anh nhưng sẽ lo ngại nếu để mất những người tài năng tạo ra sự giàu có, phóng viên BBC nói.
Một số nghị sĩ muốn Vương quốc Anh đi xa hơn và cung cấp quyền công dân tự động. Nghị sĩ bảo thủ Tom Tugendhat, chủ tịch ủy ban đối ngoại Hạ viện Anh, cho biết những người nắm giữ BNO nên có quyền tự động sống và làm việc tại Vương quốc Anh.
Chính phủ Anh trong quá khứ đã từ chối lời kêu gọi trao đầy đủ quyền công dân cho những người có BNO ở Hong Kong.
Năm ngoái, hơn 100.000 người ở Hong Kong đã ký một bản kiến nghị kêu gọi được hưởng toàn quyền. Chính phủ Anh đã trả lời bằng cách nói rằng chỉ có công dân Vương quốc Anh và một số công dân Khối thịnh vượng chung mới có quyền ở lại Anh và trích dẫn một bản đánh giá năm 2007 cho biết việc trao quyền công dân đầy đủ cho BNO sẽ vi phạm thỏa thuận thông qua đó Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc .
Tuy nhiên, vào năm 1972, Vương quốc Anh đã xin tị nạn cho khoảng 30.000 người gốc Ấn ở Uganda (Ugandan Asians) có hộ chiếu Anh sau khi nhà cầm quyền quân sự lúc đó là Idi Amin ra lệnh cho khoảng 60.000 người gốc Ấn rời đi. Vào thời điểm đó, một số nghị sĩ cho rằng Ấn Độ nên có trách nhiệm với người tị nạn, nhưng Thủ tướng Edward Heath nói rằng Vương quốc Anh có nghĩa vụ phải chấp nhận họ.
Những phản ứng khác?
Bà Lisa Nandy trước đó nói rằng Vương quốc Anh phải mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh.
Đề cập đến luật an ninh, bà nói với BBC: “Đây là lần gần đây nhất trong một loạt nỗ lực của Trung Quốc bắt đầu làm xói mòn tuyên bố chung mà Anh đã thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc khi chúng tôi bàn giao Hong Kong, và bảo vệ vị thế đặc biệt của Hong Kong.”
“Chúng tôi muốn thấy chính phủ Anh thực sự hành động ngay bây giờ,” bà nói.
Cựu Ngoại trưởng Jeremy Hunt cho biết Vương quốc Anh nên tập hợp một liên minh các quốc gia để tránh thảm kịch trên lãnh thổ Hong Kong
Ông nói với BBC: “Đây chắc chắn là giai đoạn nguy hiểm nhất từng có liên quan đến thỏa thuận này.
“Với tình trạng pháp lý đặc biệt của chúng tôi, Anh hiện có trách nhiệm phải kêu gọi liên kết liên minh quốc tế và làm những gì chúng ta có thể để bảo vệ người dân Hong Kong.”
Hôm thứ Năm, phát ngôn viên chính thức của Thủ tướng Boris Johnson nói trong một cuộc họp báo tại Westminster: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về bộ luật của Trung Quốc liên quan đến an ninh quốc gia ở Hong Kong.
“Chúng tôi ý thức rất rõ ràng rằng các rủi ro của luật an ninh sẽ làm suy yếu nguyên tắc một quốc gia, hai thể chế.
“Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với các đối tác quốc tế về vấn đề này và Ngoại trưởng Anh đã nói chuyện với Ngoại trưởng Hoa Kỳ [Mike] Pompeo đêm qua.”
Ông nói thêm: “Các bước đi của chính phủ Trung Quốc đặt Tuyên bố chung dưới mối đe dọa trực tiếp và làm suy yếu mức độ tự trị cao của Hong Kong.”
Hôm thứ Tư, ông Pompeo nói rằng luật an ninh được áp dụng ở Hong Kong có nghĩa Hong Kong không còn có thể được coi là có “mức độ tự trị cao” đối với Trung Quốc đại lục.
Điều này có thể dẫn đến việc Hong Kong bị đối xử giống như Trung Quốc đại lục theo luật của Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng lớn đối với vị thế là trung tâm thương mại quốc tế của Hong Kong.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52844964

Kênh truyền hình Trung Quốc có thể

bị thu hồi giấy phép phát sóng tại Anh

Băng Thanh
Mạng Truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CGTN), mạng lưới truyền hình thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với việc bị phạt tiền hoặc có thể bị thu hồi giấy phép phát sóng ở Vương quốc Anh khi luôn “cố ý” mô tả các cuộc biểu tình ở Hồng Kông là biểu tình bạo lực.
Theo tờ Breitbart hôm 28/5, Ofcom, cơ quan quản lý về phát thanh truyền hình và viễn thông của Anh phán quyết rằng, CGTN, một chi nhánh của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đã vi phạm các quy tắc “vô tư” trong việc đưa tin về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Hãng này chỉ cung cấp “quan điểm của Trung Quốc” khi nói về Hồng Kông.
Theo Ofcom, CGTN thường tập trung đưa tin về người biểu tình Hồng Kông dùng bạo lực chống lại cảnh sát, “và đã gây ấn tượng rằng những người biểu tình ở Hồng Kông nên chịu trách nhiệm về bạo lực và gây rối”, trong khi không hề đưa tin về các cuộc tấn công của cảnh sát Hồng Kông đối với người dân.
Tờ The Times cho biết, theo phán quyết, CGTN phải đối mặt với các khoản tiền phạt cũng như có thể bị thu hồi giấy phép phát sóng ở Anh, như đã xảy ra vào năm 2012 với Press TV, mạng tin tức thuộc sở hữu của chính phủ Iran.
Nói với tờ Breitbart, người sáng lập và chủ tịch của Hong Kong Watch, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Vương quốc Anh, ông Benedict Rogers cho biết: “Tôi hoan nghênh quyết định của Ofcom về việc quy định rằng, CGTN đã không thể hiện sự vô tư trong khi đưa tin về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông”.
Trước đó, vào tháng 3, chính quyền của Tổng thống Trump đã liệt CGTN cùng với bốn cơ quan truyền thông nhà nước khác của Trung Quốc – Tân Hoa Xã, China Daily, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc và Hai Tian Development USA vào dạng “các cơ quan ngoại giao”, đồng thời cắt giảm số lượng nhân viên người Trung Quốc của các hãng truyền thông này tại Mỹ.
“Những kẻ này trên thực tế là cánh tay của bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc)”, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
https://www.dkn.tv/the-gioi/kenh-truyen-hinh-trung-quoc-co-the-bi-thu-hoi-giay-phep-phat-song-tai-anh.html

Denis MacShane: Đã tới lúc nói thật về Trung Quốc

Triệu Hằng
Denis MacShane, Cựu Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Anh, nhận định: Từ khi toàn cầu hóa bắt đầu 40 năm trước, nhờ vào Trung Quốc mà nhiều người đã kiếm được bộn tiền đến nỗi họ quên rằng Trung Quốc vẫn là chế độ độc tài cộng sản tồi tệ như Liên Xô thời Stalin. Dưới đây là toàn văn bài viết của ông đăng trên báo Independent ngày 25/5.
Tập Cận Bình đang vội vã. Ông ta sẽ tròn 67 tuổi vào tháng tới và muốn di sản của ông ta, “Trung Quốc”, vượt Mỹ để trở thành cường quốc thống trị kinh tế và quân sự trên toàn thế giới.
Nhằm đạt được điều đó, Tập đã tích lũy khối quyền lực đủ để khiến một hoàng đế La Mã phải đỏ mặt vì thẹn.
Tập Cận Bình là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Tổng tư lệnh Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban quân sự Trung ương, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương ĐCSTQ, Chủ tịch Ủy ban cải cách toàn diện sâu
rộng, Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Internet Trung ương, và giám đốc Ủy ban Không gian mạng Trung ương.
Các cường quốc đang lên khác, Anh Quốc trong thế kỷ 19, Hoa Kỳ trong thế kỷ 20, đã sử dụng sức mạnh quân sự để có được sự thống trị về kinh tế và ngược lại. Nhưng vào mọi thời điểm, ở mức độ nào đó, họ đại diện cho các giá trị Khai sáng của Quyền lực phân lập, của tự do tư tưởng và bày tỏ ý kiến, cho phép và thực sự khuyến khích một môi trường tự do cho đời sống chính trị khiến cho các đảng đối lập có thể tồn tại và thách thức trật tự hiện hành.
Những giá trị này không là gì đối với Tập. Biểu hiện của sự khinh thường mới nhất mà ông ta dành cho một nền dân chủ nhỏ bé là cáo thị của Bắc Kinh, rằng bất kỳ cuộc biểu tình nào ở Hồng Kông sẽ bị coi là lật đổ hoặc khủng bố và sẽ bị đàn áp thẳng tay. Như thế chẳng khác nào xé nát bản “Hiệp ước Anh – Trung” ký năm 1984, trong đó người Anh trao lại chủ quyền của Hồng Kông cho Trung Quốc, và cho thấy sự coi thường của Tập đối với luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, có những thế lực ở London im lặng. Bởi vì rất nhiều tiền đã kiếm được từ Trung Quốc kể từ khi nó tham gia toàn cầu hóa cách đây 40 năm, nhiều người đã quên rằng Trung Quốc vẫn còn là một chế độ độc tài cộng sản tồi tệ y như ở Liên Xô thời Stalin. Trung Quốc có những trại cải tạo gulags của riêng nó, nơi mà người được trao giải Nobel vì Hòa bình Lưu Hiểu Ba bị tống giam cho đến chết dần chết mòn trong khi những người vì dân chủ trên toàn thế giới ngả mũ kính ngưỡng ông.
Nếu Stalin tìm cách nhổ tận gốc bản sắc Ukraine, Tập đang không kém phần trong việc xóa bỏ bản sắc người Duy Ngô Nhĩ ở Tây Bắc Trung Quốc, khi nhiều người bị giam giữ trong các trại tập trung.
Stalin đã sử dụng “những kẻ ngu ngốc hữu dụng” thuộc giới cánh tả toàn cầu để tô vẽ cho Liên Xô chuyên chế một vẻ ngoài sặc sỡ. Tập cũng có những “kẻ ngu ngốc hữu dụng” của riêng mình trong hàng ngũ các chính trị gia về hưu và các nhà quản lý các quỹ đầu tư hoặc các giám đốc điều hành kinh doanh được trả lương để làm thành viên hội đồng quản trị, chuyên gia tư vấn, hưởng những mức lương cao ngất từ các giao dịch với Trung Quốc, để phủ nhận quyền thành lập các công đoàn độc lập.
Lần đầu tiên khi tôi đến Trung Quốc vào năm 1982 để cố gắng tìm hiểu liệu có bất kỳ hy vọng nào để thành lập các công đoàn độc lập không. Đó là một nhiệm vụ không khả thi. Tất cả những gì tôi nhìn thấy ở tỉnh Quảng Đông, nay là vùng kinh tế năng động châu thổ sông Châu Giang, phía thượng lưu của Hồng Kông, là hàng triệu chiếc xe đạp, rất nhiều xe tải và một vài chiếc xe hơi lớn màu đen với rèm che chở quan chức cấp cao cộng sản.
Sau đó với vai trò Quốc vụ khanh Các vấn đề Đối ngoại và Thịnh vượng chung, tôi lãnh trách nhiệm giao thiệp với Trung Quốc và thường xuyên đi tới Trung Quốc, và tôi lấy làm ngạc nhiên về mức sống thay đổi hoàn toàn ở đó.
Quốc gia dưới thời Tập hiện là mối đe dọa đối với an ninh và ổn định toàn cầu, theo đuổi chủ nghĩa quốc gia như Vladimir Putin, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil.
Hiện đã rõ, Tập phạm phải sai lầm. Đầu tiên, ông ta tưởng rằng Trump sẽ dễ bảo như tất cả các cựu tổng thống Mỹ trước đây. Chính trị của Trump theo lối bình dân và thô mộc, nhưng ông giành được tình cảm từ những người lao động và tầng lớp trung lưu Mỹ. Họ cảm thấy chính quyền của các tổng thống trước bị Phố Wall chi phối, như Bill Clinton, George W Bush và Barack Obama, đã hy sinh những con đường và sự cần mẫn của nước Mỹ bằng cách cho phép giao dịch một chiều với Bắc Kinh. Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới mà không phải tuân thủ bất kỳ quy tắc nào.
Có những hy vọng rằng khi Trung Quốc ngày càng giàu hơn, nó sẽ trở nên tự do hơn, niềm tin rằng nền dân chủ sẽ đến cùng với chủ nghĩa tư bản, hóa ra không phải là sự thật. Giờ đây Đảng Dân chủ của Mỹ thậm chí còn cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Joe Biden đã gọi Tập là “ác nhân” và các chuyên gia chính sách đối ngoại thuộc phe Dân chủ nhất trí tuyên bố rằng Hoa Kỳ không thể tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước việc Bắc Kinh mưu toan thống trị toàn cầu mà không tôn trọng các quy tắc chung.
Đây là vấn đề cho Boris Johnson và Dominique Rab, những người lãnh đạo thuộc phe cánh ủng hộ Bắc Kinh trong nội các, hoặc những người ủng hộ Trung Quốc như Lord Jim O’Neill, Chủ tịch Viện quan hệ quốc tế Hoàng gia. Dù ông Trump tái đắc cử hay ông Biden trở thành tổng thống, thì với Trung Quốc, Washington sẽ không dễ đánh bại, trong khi đó tầng lớp lãnh đạo Anh vẫn sẽ khấu đầu trước Tập và cộng sản Bắc Kinh.
Thứ hai, Trung Quốc hiện hành xử như một đế quốc thực dân, gây sức ép một cách thô thiển lên các nước láng giềng, đòi hỏi họ phải chấp nhận Trung Quốc là chủ nhân các vùng biển, là một việc đi quá xa. Đến mức, New Zealand, một quốc gia nhỏ bé cũng đang ủng hộ Đài Loan tham gia Tổ chức Y tế Thế giới.
Thứ ba là việc Tập xử lý đại dịch virus corona, ông ta cho bắt giữ vị bác sĩ đã gióng lên hồi chuông báo động vào tháng 12, đe dọa Tổ chức Y tế Thế giới phải giữ bí mật dịch bệnh khi dịch khởi phát, và ông ta để cho hàng trăm ngàn người Trung Quốc bay tới châu Âu truyền bệnh vào tháng 1 và rồi lan rộng khắp toàn cầu, đây là tội ác chống lại loài người.
Trung Quốc chi hàng triệu USD cho các chiến dịch phát tán thông tin sai lệch. Thế giới dân chủ từng thách thức chiến dịch tuyên truyền dối trá của Stalin sau năm 1945 bằng các biện pháp đối phó hiệu quả nhưng nay họ đã ngủ quên.
Chúng ta cần một chiến dịch toàn cầu để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Đó cũng không hẳn là đứng về phía Tổng thống Trump hay tẩy chay kinh tế, ngừng giao thương, không đi du lịch hay không tôn trọng chất xám và nỗ lực của người dân Trung Quốc ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả hàng chục ngàn sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học ở Anh.
Đã đến lúc tỉnh giấc, cảnh báo công chúng và đầu tư tiền bạc một cách có định hướng vào các chiến dịch tuyên truyền, cho thế giới và cả 1,4 tỷ người Trung Quốc biết rằng dân chủ tự do, thông tin minh bạch và nền kinh tế mở sẽ không biến mất, trừ khi chúng ta ngừng chiến đấu vì những điều này.
Theo Independent
Triệu Hằng dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/denis-macshane-da-toi-luc-noi-that-ve-trung-quoc.html

Covid-19: Pháp tái lập tự do đi lại

 ngay từ giai đoạn 2 thời hậu phong tỏa

Mai Vân
Chính phủ Pháp vào hôm qua, 28/05/2020, loan báo các biện pháp được áp dụng kể từ ngày 02/06 trong khuôn khổ giai đoạn 2 của kế hoạch nới lỏng phong tỏa.
Do tình hình y tế khả quan hơn, nhiều hạn chế của thời kỳ phong tỏa chống dịch Covid-19 đã bị bãi bỏ hay giảm nhẹ. Được chú ý nhiều nhất là quyết định hủy bỏ lệnh cấm đi quá bán kính 100 km tính từ nơi cư ngụ, và cho phép mở lại các quán bar, cà phê, nhà hàng. Thủ tướng Edouard Philippe phát biểu trên truyền thông Pháp : “Việc bãi bỏ phong tỏa sẽ cho phép chúng ta sống một cuộc sống gần như bình thường”.
Một trong những quyết định rất được quan tâm là việc cấm di chuyển xa hơn 100 cây số quanh nơi cư ngụ sẽ được bãi bỏ hoàn toàn kể từ ngày 02/06. Với quyết định này, người dân Pháp đã lấy lại được quyền tự do đi lại, trước mắt là trong nước, trong khi chờ đợi các biên giới mở cửa hoàn toàn.
Bên cạnh đó, các trường cấp 2 và cấp 3 sẽ mở cửa lại, cũng như các quán cà phê, nhà hàng, công viên, bãi biển, viện bảo tàng …, nhưng với một số quy định như người dân bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang khi đi đến những chỗ tập hợp đông người …
Trên bản đồ dịch bệnh tại Pháp, hầu hết các vùng đều đã chuyển sang màu xanh, nghĩa là tương đối an toàn trước dịch Covid-19. Hiện chỉ còn vùng Paris và phụ cận là mang màu mới, mầu cam, có nghĩa là vẫn chưa hội đủ các điều kiện gọi là “hết dịch”, nhưng tình hình đã khả quan hơn.
Các số liệu về dịch bệnh tại Pháp được công bố hôm qua đã phản ánh thái độ lạc quan của chính quyền. Tính đến hết ngày 28/05, tổng số ca tử vong ở Pháp là 28.662, trong đó có 66 ca mới tử vong tại bệnh viện trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Cho dù vậy, trên mặt kinh tế, tình hình đáng ngại hơn với tỉ lệ thất nghiệp tăng 22% trong tháng Tư, và thêm 843.000 người xin việc làm. Hãng xe hơi Renault thông báo sa thải 15.000 người trên thế giới, riêng tại Pháp là 4.600 người.
Hậu phong tỏa tại Tây Ban Nha và Anh
Các quốc gia láng giềng Pháp như Tây Ban Nha và Anh cũng tiếp tục nới lỏng phong tỏa. Chính quyền Tây Ban Nha vào hôm qua, thông báo là thứ Hai tới sẽ mở rộng các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa, cho phép tới 70% dân chúng đến nhà hàng, hồ bơi.
Anh Quốc, kể từ thứ Hai, cũng sẽ nới lỏng một số biện pháp phong tỏa, do số ca tử vong và lây nhiễm giảm dần. Trong cuộc họp báo hôm qua, thủ tướng Boris Johnson cho biết một số học sinh mẫu giáo, tiểu học có thể trở lại trường, những cửa hàng quần áo, nhà sách sẽ mở lại vào trung tuần tháng 6. Một quyết định nổi bật : Giải vô địch bóng đá Anh sẽ diễn ra trở lại ngày 17/06.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200529-covid-19-ph%C3%A1p-ta%CC%81i-l%C3%A2%CC%A3p-t%C6%B0%CC%A3-do-%C4%91i-la%CC%A3i-ngay-t%C6%B0%CC%80-giai-%C4%91oa%CC%A3n-2-th%C6%A1%CC%80i-h%C3%A2%CC%A3u-phong-to%CC%89a

Covid-19 : Đà phát triển

phương thức làm việc từ xa tại Pháp

Thùy Dương
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại khủng khiếp về nhân mạng, sức khỏe con người và kinh tế. Đối với người lao động và các cơ quan, doanh nghiệp, dịch bệnh Covid-19 – kéo theo đó là các biện pháp phong tỏa đất nước, hạn chế đi lại – đã tạo ra điều mà nhiều doanh nghiệp Pháp gọi là « biến điều không thể trong suốt nhiều năm thành điều có thể » : Phương thức làm việc từ xa được triển khai rộng khắp trong thời gian qua.
Trước hết, nhìn lại lịch sử, theo trang Vie publique, ngày 24/03/2020, phương thức làm việc từ xa bắt nguồn từ các nước nói tiếng Anh. Tại Mỹ, các nghiên cứu về phương thức làm việc từ xa bắt đầu có từ những năm 1950. Còn tại Pháp, phải đợi đến năm 1978 thì khái niệm « télétravail »/« làm việc từ xa » lần đầu tiên mới xuất hiện trong một báo cáo về tin học hóa xã hội.
Làm việc từ xa để giảm chênh lệch vùng miền
Bình thường, khi nói về phương thức làm việc từ xa, người ta hay nói đến sự tự do thoải mái cho người lao động, sự cân đối hài hòa giữa công việc và đời sống cá nhân. Làm việc từ xa cũng được coi là giải pháp chống tắc nghẽn giao thông, giảm thời gian đi lại vất vả cho người lao động và giảm chi phí văn phòng cho doanh nghiệp … Trong thời Covid-19, trên hết, làm việc từ xa là biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.
Nhưng nhìn lại quá khứ, thực tế là ở Pháp, ban đầu làm việc từ xa chủ yếu liên quan đến các vấn đề địa lý, vùng miền. Việc phát triển phương thức làm việc từ xa là nhằm khắc phục sự chênh lệch phát triển giữa các vùng miền của Pháp. Nhà xã hội học Frédérique Letourneux gợi nhắc lại trên đài France Culture ngày 21/05 :
« Thời đó người ta chưa nói đến chuyển đổi năng lượng, nhưng họ đã bắt đầu hiểu rằng có một vấn đề về năng lượng, việc đi lại, di chuyển. Thế nên, ngay từ những năm 1980, khi mọi người còn nói đến thời của télématique, tức là các kỹ thuật và dịch vụ kết nối viễn thông và tin học thì họ đã manh nha có những ý tưởng về khả năng tạo ra sự cân bằng, bình đẳng giữa các vùng miền và có suy nghĩ là làm việc từ xa cũng có thể là một công cụ phát triển cho các vùng nông thôn.
Và điều thú vị là chúng tôi nhận thấy rằng những báo cáo đầu tiên trong những năm 80-90 của thế kỷ trước lại chủ yếu do DATAR, trước đây là phái đoàn liên bộ về quy hoạch lãnh thổ, thực hiện. Chỉ đến những năm 2000 thì những nghiên cứu, báo cáo này mới được giao cho bộ Lao Động, tức là cuối cùng thì người ta cũng chuyển cách thức tiếp cận phương thức làm việc từ xa dưới góc độ không gian, địa lý sang góc độ quan hệ công việc. Theo một cách nào đó, chúng ta đã chuyển mối quan tâm từ vấn đề tự chủ của các vùng miền sang sự tự chủ độc lập của người lao động, và những khái niệm về sư linh hoạt, công việc không chỗ ngồi cố định đã xuất hiện ».
Phương thức làm việc từ xa bắt đầu được triển khai từ những năm 1980 nhưng phải đợi đến năm 2012 thì mới được đưa vào Luật Lao Động và đến mùa thu năm 2017 thì tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron mới ra sắc lệnh về làm việc từ xa, theo đó người lao động có quyền được làm việc từ xa và chủ lao động phải giải thích rõ ràng lý do nếu họ từ chối yêu cầu của người lao động ; tai nạn xảy ra khi người lao động làm việc từ xa cũng được coi là tai nạn lao động …
Quyết định của tổng thống Macron được coi là vừa để bảo vệ người lao động, vừa để thúc đẩy phương thức làm việc từ xa tại Pháp, bởi vì ra đời muộn hơn so với ở các nước nói tiếng Anh, phương thức làm việc từ xa cũng bị đánh giá là phát triển ở Pháp chậm hơn so với các nước Bắc Mỹ và Bắc Âu.
Ưu điểm của phương thức làm việc từ xa được cho là có nhiều đến mức vào năm 2009 Trung tâm phân tích chiến lược của Pháp (CSA) dự báo chỉ cần đến năm 2015 số người làm việc từ xa sẽ lên đến gần 50% số người lao động. Thế nhưng, dường như CSA đã quá lạc quan, bởi theo trang mạng chuyên về làm việc từ xa tại Pháp (Le télétravail en France), dù số liệu có thể thay đổi theo cách tính, nhưng tỉ lệ người làm việc từ xa ở Pháp chỉ khoảng 8-18% so với tỉ lệ trung bình 20% tại châu Âu nói chung và 30-35% tại Bắc Âu.
Làm việc từ xa thời Covid-19 : Điều kiện lao động xuống cấp
Trở lại giai đoạn phong tỏa chống dịch Covid-19, đài France Info ngày 20/05 cho biết có 5 triệu lao động tại Pháp làm việc từ xa trong suốt 55 ngày phong tỏa, từ ngày 17/03 đến ngày 10/05/2020, tương đương khoảng 20% lực lượng lao động của Pháp. Mặc dù phương thức làm việc từ xa được triển khai gấp gáp và đầy bất ngờ do tình hình dịch bệnh, mặc dù nhiều người Pháp cảm thấy trong giai đoạn phong tỏa vừa phải chăm sóc con cái ở nhà, vừa phải làm việc từ xa gây cho họ nhiều áp lực, nhất là đối với người lao động là nữ giới, nhưng đài France Info ngày 20/05 cho biết theo nhiều cuộc khảo sát, có đến 3/4 số người được hỏi sau này muốn tiếp tục làm việc từ xa.
Về phía chủ lao động, sau khi lệnh phong tỏa chấm dứt, nhiều doanh nghiệp vẫn quyết định duy trì lâu dài phương thức làm việc từ xa, không chỉ là do tình hình dịch bệnh trước mắt vẫn còn nhiều điều khó đoán định. Nhà báo Philippe Duport giải thich trên đài France Info :
« Không dưới 2/3 ban nhân sự của các doanh nghiệp, khi được hiệp hội quốc gia về nhân sự hỏi, dự báo là phương thức làm việc từ xa sẽ phát triển lâu dài. Các doanh nghiệp (Pháp) như Safran, Véolia, Publicis, L’Oréal hay Orange sẽ duy trì phương thức làm việc từ xa ít nhất là đến tháng 09. Ngân hàng Société Générale thì nói là họ đã biến điều không thể thực hiện được trong suốt nhiều năm thành điều có thể. Còn tại doanh nghiệp Nespresso, phương thức làm việc từ xa cũng đã bám rễ đến mức một số nhân viên quay lại cơ quan không phải để làm gì khác ngoài việc mang chiếc ghế xoay trong văn phòng về nhà để ngồi làm việc ».
Điển hình nhất và được nhắc đến nhiều trong những ngày qua tại Pháp như « một cuộc cách mạng » là trường hợp của tập đoàn chế tạo xe hơi PSA Peugeot Citroen.Philippe Duport cho biết thêm : « PSA đã thông báo, qua ban nhân sự, là làm việc từ xa giờ đây sẽ trở thành nguyên tắc. Đương nhiên, không phải là dành cho những kỹ thuật viên lắp ráp xe hơi, mà là đối với tất cả những hoạt động không liên quan trực tiếp đến sản xuất, tức là những hoạt động về mảng dịch vụ, thương mại, nghiên cứu và phát triển. Đối với hàng ngàn, hàng chục ngàn nhân viên, từ giờ trở đi, họ chỉ được hiện diện ở văn phòng từ 1 ngày cho đến 1,5 ngày mỗi tuần.
Theo ban nhân sự của PSA, cuộc khủng hoảng đã cho phép « đẩy nhanh sự chuyển đổi phương thức vận hành của doanh nghiệp ». Có 3 lợi ích : đời sống cá nhân và công việc được cân bằng hơn, việc người làm công ăn lương phải đi lại di chuyển giảm rõ rệt và công ty tiết kiệm được chi phí. PSA sẽ chuyển sang phương thức tổ chức văn phòng kiểu « flex office » – chỗ ngồi làm việc linh hoạt, cho phép mỗi nhân viên khi đến cơ quan được ngồi làm việc chỗ nào họ muốn. Nghe có vẻ là một nghịch lý nhưng cách bố trí chỗ làm việc như vậy lại khiến việc lau chùi vệ sinh vào buổi sáng và buổi tối dễ hơn, nhờ thế mà tiết kiệm diện tích văn phòng và vấn đề mấu chốt là ngân sách thuê mặt bằng giảm ».
Một trong những doanh nghiệp Pháp đi đầu về tổ chức văn phòng kiểu « flex office » là hãng dược phẩm Sanofi. Ngay từ năm 2015, tập đoàn dược phẩm Pháp đã cho khai trương tòa nhà với diện tích 52.000m2 tại thành phố Gentilly, ngoại ô Paris, hoàn toàn theo phong cách « flex office ».
Tương lai nào cho phương thức làm việc từ xa tại Pháp ?
Với nhiều người lao động Pháp, khủng hoảng Covid-19 và biện pháp phong tỏa kéo dài gần 2 tháng đã giúp họ có cơ hội khám phá, thử nghiệm phương thức làm việc từ xa để so sánh với cách làm việc thông thường tại văn phòng. Tuy nhiên, theo một thăm dò mới đây của Opinion Way về làm việc từ xa trong giai đoạn phong tỏa, cũng có nhiều người coi là bị ép buộc làm từ xa, không theo kế hoạch trước và phải làm việc trong những điều kiện xuống cấp nghiêm trọng. 44% số người được hỏi cảm thấy căng thẳng về tâm lý, 18% thậm chí có các biểu hiện rối loạn tinh thần nghiêm trọng, lo sợ, trầm uất.
Tuần báo L’Obs ngày 20/05 trích dẫn ông François Hommeril, chủ tịch nghiệp đoàn CFE-CGC, theo đó trong thời gian phong tỏa, điều vẫn được gọi là làm việc từ xa không phải là phương thức làm việc từ xa đúng nghĩa thực sự, mà là « người lao động bị bắt buộc phải làm việc trong những điều kiện xuống cấp bất thường ». Vốn chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhiều nghiệp đoàn tại Pháp cũng như một số chuyên gia về luật lao động lưu ý nếu tiếp tục duy trì phương thức làm việc từ xa, giới chủ phải bảo đảm việc tổ chức được làm theo đúng luật lao động liên quan đến làm việc từ xa trong thời bình thường, chẳng hạn về thời gian, giờ giấc làm việc, trang thiết bị, bảo hiểm lao động, chi phí phát sinh điện thoại, internet tại gia … và phải có thỏa thuận rõ ràng giữa doanh nghiệp với người lao động.
Theo dự kiến, Medef, nghiệp đoàn của giới chủ và các đối tác xã hội, các nghiệp đoàn của người lao động sẽ sớm có các trao đổi bàn về tương lai của phương thức làm việc từ xa tại Pháp.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200529-covid-19-%C4%91%C3%A0-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-ph%C6%B0%C6%A1ng-th%E1%BB%A9c-l%C3%A0m-vi%E1%BB%87c-t%E1%BB%AB-xa-t%E1%BA%A1i-ph%C3%A1p

Basel, thành phố Thuỵ Sĩ giàu có và ‘quậy ngầm’

Robert LandonBBC Travel
Hàng ngày, cả thành phố Basel miệt mài, nghiêm túc chìm trong công việc từ sáng cho đến tận 6 giờ chiều.
Đây không phải là nơi mà bạn có thể đến họp muộn năm phút – sai giờ là điều cấm kỵ ở cái thành phố Thụy Sĩ này, nơi hiện diện các ngành công nghiệp, hóa chất và dược phẩm trọng yếu, tất cả đều yêu cầu chính xác và trong vòng kiểm soát.
Büsingen: nơi người Đức mang tâm hồn, trái tim Thụy Sĩ
Thụy Sỹ, nơi đúng giờ tuyệt đối
Thụy Sĩ: Đất nước đa ngôn ngữ
Nhưng khi ngày làm việc kết thúc, Basel nhanh chóng bộc lộ một sắc thái khác, vui vẻ đáng yêu.
Vào mùa hè, hàng trăm người làm các công việc đòi hỏi chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao đi xuống bờ sông Rhine rồi trút bỏ quần áo trên người.
Ở đó, họ gói ghém tất cả trang phục đi làm ban ngày của mình vào một chiếc ba lô chống thấm nước được gọi đùa là wickelfisch (“túi cá”), đeo lên người rồi khoan khoái nhảy xuống sông và xuôi theo dòng nước chảy mà về nhà.
Andreas Ruby, giám đốc Bảo tàng Kiến trúc Thụy Sĩ tại Basel, gọi đây là “hình thức lang thang làm quen theo dòng nước” của cư dân thành phố.
“Đôi khi bạn có thể thấy những nhóm người cùng nhau trò chuyện trên sông như những người bạn cũ. Trên thực tế, họ là những người không quen biết, chỉ tình cờ cùng chọn một khúc sông,” Ruby nói.
“Biết bao chuyện tình bắt đầu từ dòng sông Rhine này,” anh nói thêm, kèm theo một cái nháy mắt tinh nghịch.
Basel tọa lạc chính xác nơi biên giới Thụy Sĩ, Pháp và Đức gặp nhau, có dân số gần 200.000 người.
Thụy Sỹ: Từ lính đánh thuê trở thành nước trung lập
Bức tường cắt đôi ngôi làng ‘Tiểu Berlin’ của Đức
Vùng đất không tồn tại của nước Ý
Thành phố tựa như hình người đứng giang hai chân ngay đoạn uốn cong mềm mại của dòng sông Rhine. Từ các tòa tháp của nhà thờ theo kiến trúc Gothic, bạn có thể nhìn về phía bắc qua các trang trại và vườn nho màu xanh ngọc lục bảo thấy được cả dãy núi Vosges của Pháp và Rừng Đen của Đức.
Thoạt nhìn, Basel có vẻ là một nơi dễ chịu không vui nhộn lắm, phù hợp cho môi trường làm việc công sở.
Bạn thậm chí có thể bị cám dỗ ở lại vào cuối tuần yên tĩnh để khám phá khu phố cổ trung tâm Basel, một nơi ẩn náu nhỏ gọn của thời Trung Cổ và hiện đại.
Nhưng nếu bạn tìm hiểu kỹ những gì ẩn sâu bên trong nơi đây, bạn sẽ phát hiện ra nét trái ngược đầy hấp dẫn khiến một Basel nghiêm túc mà không kém vui nhộn.
Đúng chuẩn một thành phố có gốc rễ Calvin sâu sắc, rất nhiều điều thú vị theo nghĩa đen xảy ra dưới lòng đất. Trong các tầng hầm dọc theo các con hẻm của khu phố cổ trung tâm, các nhóm người vui chơi được gọi là Cliques tập trung hàng tháng trời để chuẩn bị cho lễ hội Basel náo nhiệt, một Carnival đường phố kéo dài 72 giờ.
Lễ hội hoá trang Carnival ở Basel, được biết đến với cái tên Fasnacht, là một sự pha trộn đặc biệt giữa tính kỷ luật và sự vui nhộn.
Năm 2017, Unesco đã công nhận Lễ hội Fasnacht vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể bởi vì nó gắn sâu vào văn hóa đương đại của thành phố trong khi vẫn bảo tồn truyền thống lâu đời hàng thế kỷ.
Thông thường thì lễ hội Carnival là sự kiện cuối cùng trước tuần chay Lent, là thời gian trong lịch Công giáo được dành cho việc hành xác để tự ăn năn hối lỗi và suy ngẫm. Nhưng ở Basel thì Fasnacht thực sự bắt đầu vào ngày thứ Hai đầu tiên sau ngày thứ Tư lễ Tro, tức là sau khi tuần chay Lent đã bắt đầu.
Lạ hơn nữa là chuyện Basel lại tổ chức lễ Fasnacht. Các thành phố Tân giáo khác đã bắt đầu cấm lễ hội này kể từ Thế kỷ 16 và coi đó là một thứ tà giáo đầy tội lỗi.
Các nhà lãnh đạo của Basel thực sự đã cố gắng làm điều tương tự, nhưng người dân Basel thì nói rằng họ có quyền tổ chức tiệc tùng. Ngày nay, Fasnacht là một trong những lễ hội Carnival Tân giáo duy nhất diễn ra trên thế giới.
Nhưng Fasnacht không hẳn là một dịp huyên náo ồn ào miễn phí cho tất cả mọi người như các lễ hội carnivals ở Ne Orleans hay ở Rio de Janeiro. “Lễ hội này có quy tắc riêng,” Judith Kakon, một nghệ sĩ và dân bản địa ở Basel, nói.
Chẳng hạn, chỉ những thành viên của Cliques mới được phép mặc trang phục truyền thống còn thường dân mặc quần áo bình thường khi ra ngoài. Lễ hội luôn bắt đầu với độ chính xác như đồng hồThụy Sĩ vào đúng 4 giờ sáng. Đó là khi công ty điện lực tắt tất cả các đèn đường và đột nhiên cả khu trung tâm sáng lung linh bởi hàng ngàn đèn lồng thủ công. Và dù trong lễ hội có rất nhiều đồ uống, người dân vẫn chủ động để ý phép lịch sự để tránh say xỉn.
Một phần là do mọi người còn giữ sức để có thể tiếp tục vui chơi liền tù tì suốt ba ngày đêm đầy các cuộc diễu hành theo truyền thống thường lệ, thưởng thức ban nhạc kèn đồng biểu diễn hòa tấu (Guggeskonzerten) và đi bar chơi. Nhưng chủ yếu là để họ có thể giữ được sự tỉnh táo mẫn của mình.
“Họ muốn có đủ khả năng bình phẩm tất cả các bài hát, bài thơ và trang phục trong Lễ hội,” Kakon giải thích.
Rốt cuộc, Fasnacht cũng tập trung vào những việc quan trọng chính yếu. Những nhân vật đeo mặt nạ xông vào quán cà phê và đọc những bài thơ, làm những trò hài hước và thường châm biếm đả kích chua cay đối với các chính trị gia quyền lực trên thế giới và ở địa phương.
Các đối tượng bị nhắm đến trong thời gian gần đây bao gồm các gương mặt từ Kim Jong-un và Angela Merkel cho đến quyết định của lực lượng cảnh sát Basel khi chơi trội mua một chiếc xe hơi điện Tesla.
Như Unesco nói, thì Fasnacht là một tạp chí châm biếm khổng lồ, nơi tất cả các phương tiện trực quan hoặc hùng biện được sử dụng để chỉ ra những trò đùa và sai lầm từ năm trước.
Trên hết, Fasnacht là một “công trình nghệ thuật tập thể vĩ đại”, ông Kakon nói – một lời khẳng định chung về sự cam kết của thành phố về thể hiện cái đẹp.
Không phải ngẫu nhiên mà Art Basel là triển lãm nghệ thuật quan trọng bậc nhất thế giới, theo Anita Haldemann, phó giám đốc Kunstmuseum Basel, vốn được nhiều người coi là bảo tàng nghệ thuật tuyệt nhất Thụy Sĩ. “Nghệ thuật chính là gene di truyền DNA, của thành phố này,” cô nói.
Sự tôn kính đối với nghệ thuật thuộc trường phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” quả là đáng ngạc nhiên. Rốt cuộc, tính thực tế của người theo đạo Tin lành và sự chăm chỉ đã ăn sâu bám rễ – và họ đã được đền đáp xứng đáng.
Với thu nhập trung bình là 185.826 franc Thụy Sĩ một năm (khoảng 154.000 bảng Anh), theo số liệu gần đây nhất của chính phủ, Basel là một trong những thành phố giàu nhất Thụy Sĩ về thu nhập tính trên đầu người.
Rất nhiều của cải của dân chúng được dùng để hỗ trợ nghệ thuật. Trên thực tế, Kunstmuseum Basel là bảo tàng công lâu đời nhất ở châu Âu. Bộ sưu tập chủ chốt của nó là do chính quyền thành phố mua lại vào năm 1661 và được trưng bày cho công chúng thưởng ngoạn ngay sau đó.
Và vẫn còn một số bộ sưu tập tư nhân lớn trong thành phố nữa.
Tuy nhiên, “đôi khi chúng tôi không biết hết những bộ sưu tập tư nhân này có những gì,” Haldemann nói.
Nhưng tầng lớp giàu có không hề bo bo tích trữ tài sản của họ. “Có một trào lưu xã hội là người giàu có thường hỗ trợ nghệ thuật,” Ruby cho biết thêm.
Nhưng với sự cân nhắc thấu đáo điển hình của người Thụy Sĩ, khách hàng hảo tâm thường âm thầm ủng hộ.
“Nhiều gia đình ủng hộ tiền nhưng ẩn danh,” ông Haldemann nói. “Đôi khi cho 10.000 đô la một năm, có lúc cho nhiều hơn.”
Kiến trúc đương đại là một trong những đam mê đầy thẩm mỹ của Basel. Trong thành phố và vùng lân cận, bạn có thể ghé thăm các tác phẩm của không dưới 12 người đoạt giải Pritzker, từ Frank Gehry và Zaha Hadid đến cửa hàng kiểu thôn quê của hãng kiến trúc Herzog + de Meuron.
Nhưng theo cách thức khiêm nhường “hữu xạ tự nhiên hương” của Basel, nơi đây không hình thành những tòa nhà đồ sộ, thu hút sự chú ý của công chúng như Bảo tàng Bilbao Luggenheim hay Seville Metropol Parasol. Các tác phẩm đương đại thường vui tươi và tinh tế, song cũng có xu hướng tiệm cận sự đơn giản theo phong cách tu viện.
Sự pha trộn giữa giản dị và xa hoa này đặc biệt rõ ràng trong khu mới nhất của Kunstmuseum, được khai trương vào năm 2016.
Do một hãng địa phương là Christ & Gantenbein thiết kế, nơi đây toàn bộ mang màu xám và kết cấu thô mộc, nhưng lối vào và phòng trưng bày tràn ngập ánh sáng thì đẹp lộng lẫy.
Khu vực mới thậm chí còn gợi lên những lời ngợi ca gần như tôn thờ từ giới phê bình, bao gồm cả cây bút Rowan Moore của báo The Guardian, người đã viết rằng nơi này “vượt qua các thể loại thông thường” để đạt đến cảnh giới “nhiệm màu”.
Tuy nhiên, nghệ thuật ở Basel không chỉ giới hạn trong các bảo tàng. Nghệ thuật hiện diện trên khắp không gian ngoài trời của thành phố và trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Ví dụ như ở quảng trường bên ngoài Nhà hát Basel, nơi có cả một tác phẩm điêu khắc đồ sộ của Richard Serra và một đài phun nước Dada-esque, tác phẩm được thiết kế với ứng dụng động lực mà tác giả Jean Tinguely lấy cảm hứng từ Lễ hội Fasnacht.
Bảo tàng Kiến trúc Thụy Sĩ thì nằm ở phía đông của quảng trường, và Ruby cho biết vào ban đêm, các sinh viên mang theo rượu bia biến không gian nơi đây thành một quán bar ngoài trời.
“Và thế là tác phẩm điêu khắc của Serra biến thành một Nhà vệ sinh công cộng khổng lồ,” anh nói thêm, với vẻ hài hước đáng ngạc nhiên ở một người làm công tác giám quản bảo tàng.
Khoảng hơn 300 đài phun nước công cộng trong thành phố là một hình thức khác, nơi mà nghệ thuật, niềm vui và lợi ích công cộng hợp nhất theo những cách không thể tuyệt hơn. Nhiều đài phun nước không chỉ đẹp đẽ đáng yêu, mà còn đủ lớn để tắm được. Và vào mùa hè, nhiều người Basel đến những nơi đó tắm.
Một chỗ được yêu thích là đài phun nước Pisoni-Brunnen, ngay dưới phố hướng đi từ Bảo tàng Kunstmuseum, nương trong bóng râm của ngôi giáo đường rộng lớn đã 1.000 năm tuổi của thành phố.
Giống như nhiều đài phun nước ở Basel, đây là một công trình được làm từ Thế kỷ 18 theo phong cách Baroque thanh nhã. Nó cũng đủ lớn để giúp cho cả gần chục người cảm thấy dịu mát trong những ngày nóng.
Ngay sau khi từ Berlin chuyển đến Basel, Ruby nói rằng anh đã rất ngạc nhiên khi vào một buổi chiều mùa hè anh nhìn thấy một người phụ nữ tầm 70 tuổi rất chỉn chu đang nằm thoải mái dưới một đài phun nước công cộng.
“Bà ấy đội một cái mũ rộng vành, đọc cuốn tạp chí và để cho dòng nước tưới đẫm làm mát thân mình,” anh nói.
Trong lúc anh đang ngắm nhìn đài phun nước, một cậu bé ghé đến và lấy đầy chai nhựa của mình. Rốt cuộc, nước trong các đài phun nước Basel không chỉ để làm mát – mà uống được luôn.
Đối với tất cả sự tinh tế của mình, những khoảnh khắc như thế này có thể khiến Basel chăm chỉ cần cù trông như thể một thị trấn tiệc tùng lười biếng. Và mô tương đối nhỏ của thành phố góp phần làm tăng thêm cảm giác thân thiện và gắn kết, Ruby nói.
Khi anh sống ở Berlin, anh giải thích, suốt ngày bộn bề công việc, phải thực hiện các kế hoạch liên quan đến nhiều cuộc đàm phán, vì mọi người ai cũng bận rộn, đi lại nhiều và sống cách xa nhau. Còn ở Basel, bạn không bao giờ phải đi quá 10 phút bằng xe đạp để đến điểm hẹn gặp gỡ ở trung tâm thành phố.
“Thành phố này làm cho mọi người xích lại gần nhau,” Ruby nói. “Đây là tài sản chung của cộng đồng dân cư, không phải của riêng một công ty. Nó giống như một không gian công cộng khổng lồ vậy.”
Vào ngày nắng, lối đi dạo dài hàng km ở bờ bắc sông Rhine là nơi lý tưởng để thưởng thức tâm thế thư thái này. Bờ sông cứ như là bãi biển trong thành phố vậy, và dĩ nhiên bạn có thể bơi trên sông. Chỉ cần nhớ cảnh báo rằng dòng sông có thể cuốn trôi các đồ vật giá trị của bạn, cho nên tốt hơn hết là quấn kín chúng trong wickelfisch, có bán đầy tại Văn phòng du lịch Basel với giá 30franc Thụy Sĩ (khoảng 25 bảng Anh).
Sau khi mặt trời lặn, hãy đi qua vài khối nhà về phía bắc để đến Hirscheneck, là quán bar kèm nhà hàng thuộc sở hữu tập thể, nơi duy trì tinh thần Fasnacht quanh năm.
Trên lầu có phục vụ các món ăn ngon nấu theo phong cách ẩm thực truyền thống của Pháp nhắm với bia địa phương theo tiêu chuẩn Thụy Sĩ với giá cả hợp lý. Còn tầng hầm thì vừa là câu lạc bộ khiêu vũ, vừa là nơi diễn ra những cuộc tranh luận chính trị và mỹ thuật sâu sắc.
Hirscheneck là một nơi tuyệt vời để kết thúc một ngày làm việc, giống như các đài phun nước, lễ hội Fasnacht và rất nhiều thứ khác ở Basel, thành phố vui tươi.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-tra-52796879

Các trường hợp nhiễm coronavirus của Nam Hàn

 tăng vọt lên mức cao nhất

kể từ đầu tháng 4 khi ổ dịch nhà kho lan truyền

Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Vào hôm thứ Năm (28/5), Nam Hàn báo cáo 79 trường hợp nhiễm coronavirus mới, con số lớn nhất kể từ ngày 5 tháng Tư và ngày gia tăng ca bệnh thứ ba liên tiếp, gây nguy cơ về làn sóng dịch bệnh thứ hai ở một quốc gia được ca ngợi rộng rãi vì khả năng khống chế đại dịch ban đầu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Park Neung-hoo cho biết ít nhất 69 trường hợp trong tuần này có liên quan đến một cụm dịch tại một cơ sở hậu cần được điều hành bởi Coupang Corp, một trong những công ty mua sắm trực tuyến lớn nhất ở Bucheon, phía tây Seoul.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Nam Hàn (KCDC), các trường hợp mới nâng tổng ca bệnh của đất nước tính đến nửa đêm hôm thứ Tư lên 11,344 với 269 người thiệt mạng. Chương trình thử nghiệm mạnh mẽ của Nam Hàn vào đầu năm nay được ca ngợi với việc giữ số người chết tương đối thấp trong một đại dịch toàn cầu hiện giết chết hơn 350,00 người.
KCDC cho biết cụm dịch ở kho hàng này có liên quan đến một ổ dịch xuất hiện ở một số hộp đêm và quán bar ở Seoul vào đầu tháng 5, và xuất hiện khi nước này tìm cách nới lỏng các quy tắc cách ly xã hội, mở lại trường học và kiểm soát các ca bệnh mới.
Khác với nhiều quốc gia, Nam Hàn không áp dụng một lệnh phong tỏa chặt chẽ để chống lại coronavirus, nhưng các viên chức cho biết nếu các trường hợp mới tiếp tục gia tăng, họ có thể xem xét ban hành các hướng dẫn mới (BBT)
https://www.sbtn.tv/cac-truong-hop-nhiem-coronavirus-cua-nam-han-tang-vot-len-muc-cao-nhat-ke-tu-dau-thang-4-khi-o-dich-nha-kho-lan-truyen/

Đài Loan đặt cược vào tên lửa để răn đe TQ

Đài Loan có thể nâng cấp và mua sắm nhiều tên lửa hiện đại với hy vọng cầm chân được quân đội Trung Quốc nếu xung đột nổ ra.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 20/5 nhậm chức nhiệm kỳ hai, tuyên bố muốn đối thoại với Bắc Kinh nhưng không theo nguyên tắc ‘Một Trung Quốc”. Tuy nhiên, bà cũng cam kết tăng cường năng lực phòng thủ Đài Loan, nhấn mạnh phát triển năng lực tác chiến phi đối xứng, dường như dự đoán rằng quan hệ với Trung Quốc đại lục sẽ thêm căng thẳng trong thời gian tới.
Giới phân tích quân sự cho rằng trọng tâm đầu tư nhằm phát triển năng lực tác chiến phi đối xứng của Đài Loan chính là chương trình tên lửa, vũ khí có thể giúp lực lượng phòng thủ hòn đảo cầm cự trước quân đội Trung Quốc khi xung đột vũ trang bùng phát, trong lúc chờ đợi Mỹ điều quân hỗ trợ.
“Học thuyết tác chiến phi đối xứng tập trung vào tên lửa, ngư lôi, máy bay và tàu xuồng không người lái, cũng như tác chiến mạng. Trong đó, tên lửa là vũ khí hiệu quả nhất để răn đe và tấn công đối phương”, Chieh Chung, nhà nghiên cứu tại Đài Bắc, nhận xét.
Ông cho rằng việc đẩy mạnh phát triển tên lửa của Đài Loan là lựa chọn hợp lý, trong bối cảnh quân đội Trung Quốc ngày càng phát triển về mọi mặt, còn Đài Loan không có khả năng chạy đua vũ trang vì ngân sách hạn chế.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tái khẳng định mục tiêu thống nhất Đài Loan khi phát biểu trong phiên họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hôm 22/5, nhưng không nhắc đến từ “hòa bình” trong cụm từ “thống nhất hòa bình” vốn luôn xuất hiện khi các lãnh đạo Trung Quốc đề cập tới vấn đề Đài Loan tại các kỳ họp quốc hội trong ít nhất 40 năm qua.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết, khiến eo biển Đài Loan có nguy cơ trở thành điểm nóng bùng phát xung đột quân sự. Bắc Kinh cũng ngăn cản các nước bán vũ khí cho Đài Loan, khiến lực lượng phòng vệ hòn đảo gặp khó khăn trong nỗ lực hiện đại hóa.
Để khắc phục điều này, Viện Khoa học và Công nghệ Chung-shan, nơi được coi là cái nôi của tên lửa Đài Loan, đã hợp tác với lực lượng phòng vệ hòn đảo từ thập niên 1970 để phát triển nhiều loại vũ khí tầm ngắn và trung.
Lãnh đạo Thái Anh Văn từng tới thăm cơ sở này hồi tháng 1, kêu gọi cơ quan phòng vệ Đài Loan và Viện Chung-shan đẩy nhanh các kế hoạch sản xuất hàng loạt tên lửa phòng không Thiên Cung 3 và tên lửa chống hạm siêu thanh Hùng Phong 3 nhằm nâng cao năng lực phòng thủ.
Viện Chung-shan hồi tháng 4 phóng thử hàng loạt tên lửa, trong đó có mẫu Thiên Cung 3 và tên lửa hành trình siêu thanh Vân Phong. Cơ sở này từ chối bình luận về đợt thử nghiệm, chỉ hé lộ thời điểm bắn thử khi phát cảnh báo nguy hiểm với tàu thuyền và máy bay hoạt động trong khu vực thử nghiệm.
Tên lửa Thiên Cung 3 được hé lộ lần đầu trong buổi đánh giá ngân sách phòng thủ hòn đảo năm 2014, nằm trong danh sách 10 loại vũ khí tự phát triển thuộc dự án hiện đại hóa lực lượng với tổng trị giá 233 triệu USD. Nó dự kiến được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 2021.
Chang Cheng, kỹ sư từng tham gia phát triển tên lửa Hùng Phong 3, cho biết biến thể Thiên Cung 3 có tầm bắn 70 km, tăng đáng kể so với tầm bắn 45 km của những phiên bản cũ, cho phép nó bắn hạ nhiều loại tên lửa dẫn đường của Trung Quốc. “Tuy nhiên, thật sai lầm nếu nghĩ rằng Thiên Cung 3 có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo Đông Phong của đại lục”, ông nói.
Trong khi đó, giới phân tích nhận định Vân Phong có tốc độ siêu thanh và tầm bắn khoảng 1.500 km, đủ sức tấn công mục tiêu trọng yếu ở sâu trong lãnh thổ Trung Quốc đại lục như thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thiên Tân, Nam Kinh, Thượng Hải và đập Tam Hiệp.
Tên lửa Vân Phong được trang bị động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) và đầu đạn bán xuyên giáp kết hợp nổ mảnh, phù hợp để tiến công nhiều loại mục tiêu khác nhau trên mặt đất và trong hầm ngầm. Loại vũ khí này dự kiến được chế tạo với số lượng lớn vào cuối năm nay.
Viện Chung-shan từ chối bình luận về Vân Phong, nó được hé lộ lần đầu vào tháng 12/2012 nhưng dường như quá trình phát triển đã khởi động từ sau khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, thời điểm Trung Quốc thử nghiệm tên lửa gần hòn đảo để cảnh báo lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy. Dự án này đã trải qua 4 đời lãnh đạo Đài Loan và được giữ bí mật vì Washington và Đài Bắc lo ngại phản ứng mạnh từ Bắc Kinh.
Su Tzu-yun, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu An ninh và Phòng thủ Đài Loan (INDSR), cho biết tên lửa Vân Phong có thể hạn chế đáng kể năng lực tác chiến của quân đội Trung Quốc. “Nó có thể tập kích những mục tiêu chiến lược như sân bay, cảng biển và căn cứ quân sự ở miền trung Trung Quốc. Đây là thành phần quan trọng trong học thuyết tác chiến phi đối xứng của Đài Loan”, ông nói.
Không quân Trung Quốc được coi là mối đe dọa lớn nhất với đảo Đài Loan, điều này khiến các sân bay quân sự ở đại lục sẽ là mục tiêu tấn công trọng điểm của tên lửa Đài Loan khi bùng phát xung đột.
Tung Li-wen, nhà nghiên cứu thuộc INDSR, khẳng định biến thể nâng cấp 2E của dòng tên lửa hành trình cận âm Hùng Phong có tầm bắn 1.000 km, đủ sức đe dọa vùng đồng bằng sông Dương Tử và Châu Giang. “Đó là hai vùng kinh tế lớn của Trung Quốc đại lục, mọi cuộc tấn công sẽ làm tê liệt hoạt động tại đây”, Tung nói.
Ngoài những dự án tên lửa tầm xa, Đài Loan cũng đang phát triển và nâng cấp nhiều vũ khí tầm trung và tầm ngắn như tên lửa không đối không Thiên Kiếm có tầm bắn 120 km, tên lửa chống hạm Hùng Phong và tên lửa hành trình không đối đất Vạn Kiếm có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 240 km.
Trung Quốc gần đây gia tăng áp lực với Đài Loan, đe dọa Đài Bắc sẽ phải “trả giá” nếu theo đuổi chủ nghĩa ly khai. Quân đội Trung Quốc cũng nhiều lần tiến hành các cuộc diễn tập quy mô lớn xung quanh đảo Đài Loan với sự tham gia của những khí tài hiện đại nhất trong biên chế.
Giới chức Đài Loan ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm “xóa nhòa ranh giới” với hòn đảo sau khi kiểm soát được Covid-19. Các hoạt động áp sát của không quân Trung Quốc sẽ dưới ngưỡng châm ngòi chiến tranh, nhưng sẽ giúp Bắc Kinh gia tăng kiểm soát ở khu vực về mặt quân sự, tương tự những gì nước này đã làm ở Biển Đông.
http://biendong.net/bi-n-nong/34950-dai-loan-dat-cuoc-vao-ten-lua-de-ran-de-tq.html

Hong Kong ‘xuống giá, bất ổn’ vì luật an ninh mới?

Một vòng xoáy mới bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội có thể đang chờ đón Hong Kong sau khi Quốc hội Trung Quốc hôm 28/5/2020 thông qua một nghị quyết về Luật an ninh mới cho đặc khu hành chính, theo báo chí quốc tế.
Quốc hội Trung Quốc hôm 28/5 đã biểu quyết thông qua “Quyết định Quốc hội về xây dựng, kiện toàn chế độ pháp luật và cơ chế thực thi về Đặc khu hành chính Hong Kong bảo vệ an ninh Quốc gia”.
Báo Trung Quốc: ‘Cần sẵn sàng bỏ Mỹ, xây dựng nội lực, chiến đấu lâu dài’
Bà Thái Anh Văn hứa giúp dân Hong Kong, ông Lý Gia Thành ủng hộ Bắc Kinh
BBC phát hiện các kênh thân Trung Quốc, nhắm vào Hong Kong trên mạng xã hội
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh quyết định này là để đảm bảo “Một nước hai chế độ” sẽ “đi vững, đi xa, bảo vệ sự phồn thịnh và ổn định lâu dài của Hong Kong”.
Giá nhà cửa, địa ốc trượt dốc trở lại và luật an ninh mới sẽ chặn đà tái phục hồi kinh tế của Hong Kong, báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 29/5 nhận định.
Kế hoạch cho dự luật an ninh quốc gia có thể làm hỏng các dấu hiệu háo hức làm ăn của thị trường sau khi càng khuyến khích thêm việc bán nhà đã diễn ra trong những tuần gần đây, tờ báo có trụ sở tại Hong Kong bình luận.
“Các vết rạn nứt trên thị trường nhà ở Hong Kong có thể mở rộng trong vài tuần tới sau khi Trung Quốc tán thành đạo luật được đề xuất mà đã làm rung chuyển thị trường bất động sản và chứng khoán thành phố,” Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng viết.
Vẫn theo quan sát của tờ báo này, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang chuẩn bị công bố các chính sách mới về Trung Quốc, sau khi chính quyền của ông trong tuần này xác định Hong Kong đã mất quyền tự trị từ Trung Quốc.
“Hiện tại là bất ổn,” Derek Chan, người đứng đầu nghiên cứu tại hãng Ricacorp Properties được SCMP dẫn lời đưa ra nhận định.
“Thị trường rất biến động… Nếu sức mua và niềm tin một lần nữa bị giảm sút do tác động vào nền kinh tế sau đạo luật về an ninh mới và hành động của Mỹ, giá nhà có thể chịu áp lực”.
Trong một thảo luận trực tuyến về thời sự thứ Năm tuần này, với BBC News Tiếng Việt hôm 28/5, một số nhà quan sát từ Việt Nam đã nêu quan điểm của mình về hệ quả của đạo luật mới nếu được thông qua cuối cùng với Hong Kong.
“Việc ra đạo luật này cũng gây ra những mâu thuẫn so với những cam kết trước đây của Trung Quốc với chính phủ Anh và có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng tại Hong Kong và gây ra những xáo trộn nhất định cho những thương gia người Mỹ hay người Anh hay một số thương gia nước ngoài tại Hong Kong,” Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng, nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói.
“Nhưng dư luận ở Trung Quốc cũng có những hy vọng là những tình hình căng thẳng như thế sẽ được sớm giải quyết và mặc dù có thông qua đạo luật, nhưng có vẻ dư luận cũng không muốn là có những động thái lớn ngay, mà họ vẫn áp dụng những chính sách là cương và nhu kết hợp để hòa hoãn tình hình.”
Mất đi vị trí châu Á?
Từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao bình luận:
“Đây là một phản ứng có tính chất đối phó một cách mạnh mẽ với phong trào dân chủ của Hong Kong đã thể hiện, liên quan đến luật dẫn độ trong năm vừa qua. Họ muốn dùng luật pháp của Trung Quốc để kiểm soát phong trào dân chủ đòi quyền tự trị của nhân dân Hong Kong.
“Thứ hai, bất chấp chuyện họ biết rằng họ vi phạm luật cơ bản của Hong Kong và áp đặt dự án luật này với Hong Kong là một sự vi phạm và điều đó đã gây ra phản ứng rất mạnh mẽ từ phía quốc tế.”
Còn từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), nhà nghiên cứu cao cấp khách mời, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp bình luận:
“Việc Trung Quốc đưa ra nghị quyết về Luật An ninh mới đối với Hong Kong, thì phía Mỹ đã nói trước khi có sự biểu quyết rằng nếu biểu quyết nghị quyết này thì thực chất là để cho Hong Kong không còn mang trạng thái tự trị nữa và điều đó có nghĩa rằng Trung Quốc đã từ bỏ chính sách “một nước, hai chế độ.
“Và hôm nay (28/5), khi mà thông qua nghị quyết này, thì Mỹ đã nhắc lại sẽ có những biện pháp để đáp ứng với nghị quyết này mà người ta nói sẽ là toàn diện, mà ở đây chúng ta thấy khá rõ đó là những biện pháp đối với chính phủ Trung Quốc, đối với Trung Quốc.
“Thứ hai là phải có những biện pháp thích hợp để coi Hong Kong không phải như một nơi tự trị nữa, mà đặc biệt xem xét lại dự luật năm 1992 của Mỹ coi Hong Kong như một trạng thái kinh tế đặc biệt, mà nếu bây giờ bỏ trạng thái này đi, thì đồng nghĩa với việc Hong Kong sẽ mất đi vị trí của một trung tâm tài chính lớn nhất của khu vực châu Á.”
Vốn và nhân tài bay biến?
Cũng hôm thứ Sáu, báo mạng Hong Kong Business có bài viết với tựa đề “Người giàu Trung Quốc trốn tránh Hong Kong để tìm kiếm sự an toàn tài sản ở nơi khác”, trong đó có đoạn viết:
“Một số người đang tìm cách chuyển cơ sở thịnh vượng kinh tài của họ ra nước ngoài đến Singapore và Thụy Sĩ.”
Trong khi đó, những người giàu có của Trung Quốc dự kiến sẽ đổ ít tiền hơn vào Hong Kong.
“Vì lo ngại rằng việc Bắc Kinh đề xuất luật an ninh quốc gia cho thành phố có thể cho phép chính quyền đại lục theo dõi và tịch thu tài sản của họ,” giới chủ ngân hàng và các nguồn tin trong ngành được Hong Kong Business dẫn lời cho biết.
“Hơn một nửa số người Hong Kong có khối tài sản tư nhân ước tính hơn 1 nghìn tỷ đô la Mỹ là từ các cá nhân từ Trung Quốc đại lục đã gửi tiền ở đó, vẫn theo các chủ ngân hàng.
“Thành phố đã được hưởng lợi từ sự gần gũi với Trung Quốc và một hệ thống pháp lý riêng biệt, cũng như đồng tiền được ‘chốt’ bằng đô-la, nhưng hiện đang lo lắng về việc mất đi vị thế là một trung tâm tài chính toàn cầu do vốn và tài năng bay biến,” Hong Kong Business quan ngại.
Trò chơi nguy hiểm?
Trước đó, hôm 27/5, tạp chí mạng Foreign Policy có bài viết cảnh báo và cho rằng Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đang chơi một “trò chơi nguy hiểm” gây tác hại chính với nước này.
Tạp chí này viết: “Với luật an ninh mới, Trung Quốc có nguy cơ chịu hậu quả lớn về kinh tế và chính trị. Việc khinh suất này của ông Tập có thể gây lo lắng các cho quốc gia dân chủ ở khắp mọi nơi.”
Ngay trước đó, hôm Chủ Nhật, 24/5, báo mạng The Diplomat cũng cảnh báo đạo luật an ninh mới cho Hong Kong sẽ gây ra rủi ro cho chính Trung Quốc:
“Đối với chính Trung Quốc, bước đi này cũng mang đến những rủi ro tài chính và kinh tế đáng kể. Hong Kong là huyết mạch tài chính của Trung Quốc, và hoạt động như một nguồn vốn nước ngoài quan trọng nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Mời quý vị bấm vào đường dẫn sau để theo dõi cuộc tọa đàm trực tuyến trên BBC News Tiếng Việt về chủ đề liên quan.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52852550

TQ mở rộng căn cứ quân sự

gần khu vực căng thẳng với Ấn Độ

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang có các hoạt động xây dựng quy mô lớn ở căn cứ nằm cách 200 km với khu vực từng xảy ra xô xát với Ấn Độ hồi đầu tháng.
Theo NDTV, các bức ảnh vệ tinh chụp sân bay Ngari Gunsa ở Tây Tạng hôm 6/4 và 21/5 cho thấy Trung Quốc dường như đang mở rộng diện tích của công trình này. Bắc Kinh được cho xây thêm một đường dẫn cho máy bay hoặc một đường băng mới tại căn cứ quân sự nằm cách 200km so với hồ Pangong, nơi xảy ra giao tranh giữa quân nhân Ấn Độ và Trung Quốc hôm 5/5 và 6/5.
Theo NDTV, bức ảnh vệ tinh thứ 3 cho thấy đường băng chính trong căn cứ Trung Quốc có 4 máy bay chiến đấu được cho là J-11 hoặc J-16.
Vị trí của căn cứ Ngari Gunsa được xem là rất quan trọng. Đây là một sân bay dân sự kiêm quân sự ở khu vực Shiquanhe, Ngari và là một trong những sân bay ở vị trí cao nhất thế giới hiện tại.
Tuy nhiên, dù có vị trí nằm gần Đường kiểm soát Ấn Độ – Trung Quốc (LAC), nhưng các tiêm kích được triển khai ở độ cao này chỉ có thể mang lượng nhiên liệu và vũ khí có hạn, theo NDTV.
Nếu hoạt động tại khu vực này, các tiêm kích như J-11 hay J-16 sẽ khó bay liên tục quá một giờ đồng hồ, theo cựu phi công lái máy bay chiến đấu Ấn Độ Sameer Joshi. Trong khi đó, các máy bay Ấn Độ triển khai từ các căn cứ không quân ở dưới khu vực đồng bằng có thể hoạt động trong khoảng 3-4 giờ nếu được tiếp dầu không đối không.
Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là máy bay của Ấn Độ triển khai ở khu vực này có thể bay lâu hơn máy bay của Trung Quốc triển khai ở căn cứ Ngari Gunsa. Mặt khác, Trung Quốc có thể triển khai máy bay chiến đấu từ Ngari xuống Ladakh, nơi diễn ra cuộc đối đầu giữa quân nhân Ấn – Trung.
NDTV dẫn nguồn tin nói rằng hàng nghìn quân nhân Trung Quốc được cho đã vượt qua hoặc ở rất gần đường LAC ở Ladakh.
http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/34971-tq-mo-rong-can-cu-quan-su-gan-khu-vuc-cang-thang-voi-an-do.html

Tín hiệu sắc lạnh phá cơn mơ TQ

Ngoại trưởng Trung Quốc đã sử dụng những từ ngữ như “mơ giữa ban ngày” hay “ảo tưởng” khi nói về mối quan hệ của nước này với Mỹ.
Phương Tây thêm tín hiệu cảnh giác với Trung Quốc
Báo chí Canada vừa tiết lộ, các quan chức và chuyên gia thuộc các nước trong liên minh tình báo Five Eyes, gồm Mỹ, Canada, Anh, Australia và New Zealand, đã lên tiếng kêu gọi giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng hàng hóa.
Trang Thư tín Hoàn cầu dẫn một nghiên cứu quốc tế về chuỗi cung ứng cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm nổi bật nhu cầu cấp bách đối với các đồng minh trong liên minh tình báo Five Eyes phải giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các mặt hàng quan trọng như dược phẩm và linh kiện điện tử. Các nước trong liên minh này đều “phụ thuộc chiến lược” vào Trung Quốc với 831 loại hàng hóa, trong đó có 260 loại thiết yếu cho các cơ sở hạ tầng quốc gia, từ truyền thông đến sản xuất, máy tính.
Các quan chức và chuyên gia Anh, Canada cảnh báo, sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các mặt hàng quan trọng là một rủi ro đối với an ninh phương Tây khi Bắc Kinh đẩy mạnh thực hiện các hành động để thống trị thương mại toàn cầu. Năm thành viên Five Eyes đã gặp phải những khó khăn trong việc đảm bảo số lượng trang thiết bị y tế cần thiết, một mặt vì Trung Quốc đã trưng dụng các sản phẩm đó cho các yêu cầu riêng, mặt khác vì 5 nước này đã buộc phải cạnh tranh do nguồn cung hạn chế.
Hiệp hội Henry Jackson, một nhóm chuyên gia nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Anh, khuyến nghị Five Eyes nên hạn chế các công ty Trung Quốc giành quyền kiểm soát hoặc bòn rút cạn kiệt tài sản về kỹ thuật và trí tuệ liên quan đến các ngành công nghiệp chiến lược. Báo cáo của hiệp hội này kêu gọi các thành viên Five Eyes hợp tác với nhau để ngăn chặn Trung Quốc thống trị 9 ngành công nghiệp “tương lai” như: trí tuệ nhân tạo và học máy, robot tự động, phần cứng máy tính, công nghệ mật mã, công nghệ nano, công nghệ lượng tử và sinh học tổng hợp.
Một trong những tác giả của báo cáo, chuyên gia Samuel Armstrong, cho biết điện thoại và máy tính đang phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất: 87% linh kiện trong máy tính xách tay và 78% linh kiện trong điện thoại di động được sản xuất tại Trung Quốc. Đối với Canada, “điều tồi tệ nhất” là phụ thuộc vào Trung Quốc về dược phẩm và vitamin. Ngoài ra, Canada phụ thuộc vào Trung Quốc đối với 367 loại hàng hóa như các chất phụ gia thực phẩm, 83 loại được sử dụng để cung cấp cho các cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng như: đất hiếm, các sản phẩm công nghiệp và điện tử.
Trung Quốc đang khiến hàng loạt ngành sản xuất phương Tây điêu đứng
Người đồng sáng lập hãng điện thoại BlackBerry Jim Balsillie khuyến nghị Canada cần suy nghĩ lại về cách tiếp cận Trung Quốc, đặc biệt là về lĩnh vực công nghệ và bằng sáng chế. Chính Balsillie hai năm trước từng cảnh báo Chính phủ Canada về việc tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã tài trợ nghiên cứu tại các trường đại học ở Canada và giữ bản quyền sáng chế.
Nghị sĩ đảng Tự do Canada John McKay thì nói thẳng Trung Quốc có thể “vũ khí hóa” bất cứ sự phụ thuộc nào. Báo cáo của Hiệp hội Henry Jackson cảnh báo rằng, Trung Quốc ngày càng tỏ ra sẵn sàng đe dọa và trừng phạt các quốc gia khác. Ví dụ trường hợp năm 2010, trong một tranh chấp giữa Bắc Kinh và Toyko trên Biển Hoa Đông, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm vận đối với việc xuất khẩu quặng đất hiếm sang Nhật Bản.
“Ảo tưởng” và “nằm mơ giữa ban ngày”
Sự phụ thuộc của phương Tây vào nguồn cung vào Trung Quốc đã bộc lộ rõ thời gian qua khi đại dịch COVID-19 lan rộng ra phạm vi toàn cầu. Điều này đã thúc đẩy Mỹ cùng các đồng minh đề cập tới việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc giữa lúc quan hệ với Bắc Kinh gặp sóng gió.
Hành động mới nhất từ phía Mỹ là ngày 22/5, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ cho biết Viện khoa học Pháp y của Bộ Công an Trung Quốc và 8 công ty của Trung Quốc sẽ bị đưa vào Danh sách các thực thể và phải đối mặt với các hạn chế thương mại.
Con đường của Trung Quốc nhằm tiếp cận các công nghệ cốt lõi ngày càng bị khóa chặt
Theo thông báo, các đối tượng trong danh sách đen kinh tế sẽ phải đối mặt với một số hạn chế đối với các mặt hàng của Mỹ theo Quy định quản lý xuất khẩu (EAR), bao gồm các yêu cầu giấy phép bổ sung, đối với các cá nhân hoặc tổ chức được cho là có liên quan đến “các hoạt động đi ngược lại với an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại” của Mỹ.
BIS cũng công bố bổ sung 24 tổ chức chính phủ và thương mại vào danh sách thực thể. Các tổ chức thương mại và chính phủ trên cũng sẽ bị yêu cầu phải nhận được sự cho phép của Bộ Thương Mại Mỹ để xuất khẩu, tái xuất hoặc chuyển các mặt hàng trong nước phải tuân theo EAR.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross cho biết việc bổ sung vào danh sách đen trên thể hiện cam kết của Mỹ nhằm ngăn chặn việc sử dụng chính hàng hóa và công nghệ của Mỹ vào các hoạt động làm suy yếu lợi ích của quốc gia này.
Phản ứng trước sức ép từ phương Tây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 24/5 cảnh báo rằng một số thế lực chính trị Mỹ đang lợi dụng mối quan hệ Trung – Mỹ như “con tin” và cố tình đẩy hai nước tới bờ vực “của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề kỳ họp thứ 3 Quốc hội Trung Quốc khóa XIII, ông Vương Nghị khẳng định âm mưu nguy hiểm nhằm “quay ngược bánh xe lịch sử” phải bị chặn đứng. Theo ông Vương Nghị, ý đồ này có thể phá hỏng thành quả hợp tác mà nhân dân hai nước đạt được trong nhiều năm qua, làm suy yếu sự phát triển tương lai của Mỹ cũng như gây nguy hiểm cho sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo ngày 24/5
Ông Vương Nghị nói: “Cả Trung Quốc và Mỹ đều có lợi từ sự hợp tác, ngược lại sẽ cùng thua thiệt từ sự đối đầu. Những thành quả tốt nhất có được hiện nay là những gì chúng ta đúc kết được từ nhiều thập kỷ qua. Cả hai nước nên nhận thức được điều này”.
Ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn cam kết cùng phát triển các mối quan hệ thông qua sự phối hợp, hợp tác và ổn định với Mỹ. Ông khẳng định Trung Quốc và Mỹ sẽ và phải tìm ra giải pháp hòa bình, hợp tác cùng tồn tại và cùng có lợi.
Cũng tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng các tiểu bang của Mỹ muốn kiện Trung Quốc “là những người phù phiếm” và là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Theo ông, “đó chỉ là nằm mơ giữa ban ngày”.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi Mỹ từ bỏ “ảo tưởng” và toan tính chính trị và không nên thách thức “giới hạn đỏ” của Bắc Kinh về vấn đề vùng lãnh thổ Đài Loan.
Ông Vương cũng đưa ra một con bài mặc cả khác là vấn đề Triều Tiên khi cho rằng việc trao đổi thông tin liên lạc và đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington là điều kiện tiên quyết quan trọng để giải quyết những bất đồng giữa hai nước cũng như thúc đẩy giải pháp cho vấn đề Bán đảo Triều Tiên.
Dù không đề cập trực tiếp, song hàm ý của ông Vương Nghị ở đây không gì khác là vai trò không thể thiếu của Trung Quốc trong giải quyết các điểm nóng quốc tế như vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, người Mỹ dường như đã không còn quan tâm tới những lời cảnh báo kiểu này. Điều này khiến lo ngại của Trung Quốc về một trật tự kinh tế không Trung Quốc đang dần trở thành hiện thực.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/34970-tin-hieu-sac-lanh-pha-con-mo-tq.html

Bộ trưởng Quốc phòng TQ cảnh báo ‘rủi ro cao’ với Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung tiềm ẩn rủi ro cao và Bắc Kinh cần thúc đẩy “tinh thần đấu tranh”.
“Mỹ đã tăng cường gây chèn ép và kiềm chế chúng ta từ khi Covid-19 bùng phát. Thế đối đầu chiến lược Trung – Mỹ đã bước vào giai đoạn rủi ro cao”, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm nay phát biểu trong cuộc thảo luận nhóm bên lề kỳ họp thường niên của quốc hội Trung Quốc.
Đây là một trong những lần hiếm hoi quan chức quân sự hàng đầu Trung Quốc nêu đích danh đối thủ trong tuyên bố của mình. Các tướng quân đội Trung Quốc (PLA) thường tránh đề cập một quốc gia hay khu vực cụ thể, nhưng điều này diễn ra thường xuyên hơn trong năm nay, khi căng thẳng Trung – Mỹ và hai bờ eo biển Đài Loan tăng lên.
“Chúng ta phải tăng cường tinh thần đấu tranh, dám đấu tranh và giỏi đấu tranh, sử dụng đấu tranh để thúc đẩy ổn định”, thượng tướng Ngụy nói thêm.
Cũng trong cuộc thảo luận nhóm, Zhu Chen, cục trưởng Cục Quân khí Không quân Trung Quốc, cho rằng cạnh tranh giữa Trung Quốc và phương Tây trong các lĩnh vực không gian mạng, vũ trụ, dưới lòng biển và sinh học đang gia tăng.
“Tôi đề nghị đẩy nhanh việc ứng dụng các cải tiến và công nghệ cách mạng trong nước”, ông nói. “Chúng ta cần tránh các điểm yếu chiến lược gây ra bởi khoảng cách thế hệ với Mỹ và phương Tây”.
Tuyên bố của các quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh quốc hội nước này tuần trước thông báo tăng chi tiêu quốc phòng 6,6% trong năm nay, dù kinh tế Trung Quốc trong quý I lần đầu tiên sụt giảm trong hơn 40 năm qua. Trung Quốc năm nay cũng không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm, đồng thời cắt giảm chi tiêu trong loạt lĩnh vực, gồm các vấn đề đối ngoại, giáo dục và khoa học, với các dịch vụ công chịu cắt giảm lớn nhất, lên tới 13,3%.
Trung Quốc cho biết việc tăng chi tiêu quốc phòng là cần thiết vì các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng, đặc biệt là từ Đài Loan. Cả Trung Quốc và Mỹ đều đã triển khai các tàu chiến và máy bay tới eo biển Đài Loan và Biển Đông. Hai bên cũng thường xuyên “khẩu chiến” về cách xử lý đại dịch Covid-19.
Miao Hua, cục trưởng Cục Công tác Chính trị của PLA, cũng nêu tên Mỹ trong phát biểu của mình, nói rằng căng thẳng giữa hai nước gia tăng từ khi Covid-19 bùng phát.
Khi quan hệ Mỹ – Trung giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, các quan chức và học giả Trung Quốc nhiều lần cảnh báo nguy cơ hai bên nổ ra xung đột bất ngờ. Cựu bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lou Jiwei tháng 11 năm ngoái nói rằng Trung Quốc “không tìm cách xuất khẩu cách mạng hay bắt đầu một cuộc chiến ủy nhiệm”, nhưng “sẵn sàng bảo vệ lằn ranh” trong các vấn đề như Biển Đông và Đài Loan.
Tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper mô tả Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng tăng đối với trật tự thế giới và kêu gọi các nước đứng về phía Mỹ để chuẩn bị cho cuộc xung đột cường độ cao chống lại Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc thảo luận nhóm yêu cầu PLA “tăng cường chuẩn bị cho xung đột vũ trang, tiến hành huấn luyện sát thực tế chiến đấu một cách linh hoạt” và tìm cách thức mới để huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu sau đại dịch. Phát biểu cứng rắn của lãnh đạo Mỹ – Trung càng khiến nhiều người lo ngại về căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/34969-bo-truong-quoc-phong-tq-canh-bao-rui-ro-cao-voi-my.html

Ông Tập Cận Bình yêu cầu

quân đội tăng cường chuẩn bị cho chiến tranh

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 26.5 yêu cầu quân đội nước này tăng cường huấn luyện, chuẩn bị cho chiến tranh và xử lý các tình huống phức tạp đúng lúc và hiệu quả.
Ông Tập Cận Bình đưa ra yêu cầu trên trong phiên họp với phái đoàn thuộc Quân giải phóng Nhân dân và Lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân tại kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) Trung Quốc đang diễn ra ở Bắc Kinh, theo Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN).
Ông Tập còn yêu cầu quân đội Trung Quốc bảo vệ cái gọi là chủ quyền quốc gia, an ninh và các lợi ích phát triển cũng như đảm bảo sự ổn định chiến lược tổng thể của nước này.
Ông Tập nhấn mạnh cần phải khám phá những cách huấn luyện theo tình hình kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, tăng cường chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh quân sự, thực hiện linh hoạt huấn luyện tác chiến và nâng cao một cách toàn diện khả năng thực hiện các sứ mệnh quân sự.
Ông Tập đánh giá cao nỗ lực cũng như đóng góp của quân đội Trung Quốc trong việc kiểm soát và phòng ngừa Covid-19. Ông nói rằng dịch bệnh có tác động sâu sắc tới sự phát triển và an ninh của Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được những mục tiêu và sứ mệnh tăng cường quốc phòng và lực lượng vũ trang cho năm 2020 trong lúc duy trì kiểm soát Covid-19 hiệu quả.
http://biendong.net/bi-n-nong/34940-ong-tap-can-binh-yeu-cau-quan-doi-tang-cuong-chuan-bi-cho-chien-tranh.html

‘Lưỡng hội’ phải chăng có biến?

“Lưỡng hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bị trì hoãn hơn hai tháng do dịch bệnh, hiện đã được khai mạc tại Bắc Kinh. Một video trực tuyến vào ngày 23/5 cho thấy trên chuyến tàu hỏa từ Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc chạy hướng về phía Bắc Kinh chở theo một lượng lớn xe tăng, đại bác và xe quân sự, khiến không ít người suy đoán rằng phải chăng Bắc Kinh sắp có đại biến, và liệu một cuộc đảo chính quân sự có diễn ra?
Theo đài NTD, vào ngày 23/5, tại một vùng ngoại ô của thị trấn Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc, người dân địa phương đã quay lại video ngay trước nhà của họ. Video cho thấy trên một chuyến tàu hỏa chạy hướng về phía Bắc Kinh chở theo một lượng lớn xe tăng, đại bác, súng trái phá, tên lửa, xe tiếp tế quân sự, xe cứu thương quân sự, và nhiều vật tư quân sự trên toa xe.
Một người phụ nữ trong video nói: “Xe quân sự. Thật không thể ngờ! Trời ạ, cảnh này lần đầu tiên mới được nhìn thấy, đây đều là xe quân sự, mới nãy đều là đại bác các loại. Nhìn vào đây, thật là ngoạn mục! Hết rồi, đây là xe cứu thương”.
Bắc Kinh cách Thừa Đức chỉ 220 km, và đoàn tàu có thể đến đó trong khoảng 3 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, đến sáng ngày 24/5, các quan chức Trung Quốc vẫn không công bố bất kỳ thông tin nào như điều động, thay đổi quân cảnh, hoặc có biến động đặc biệt.
Vì “Hai phiên họp” của ĐCSTQ đang được cử hành tại Bắc Kinh, nhiều người suy đoán: “Bắc Kinh lại xảy ra chuyện ư?”, “Chuẩn bị trước khi triển khai một cuộc đàn áp?”, “Đến Bắc Kinh hộ giá, có gì phải suy đoán chứ!”, “Điều động quân đội đến Bắc Kinh, lẽ nào sắp có động thái lớn? Ai lại tạo phản rồi? “, “Ngoài đấu đá nội bộ, hù dọa lẫn nhau ra còn có thể làm gì khác nữa!”.
Trước mắt ĐCSTQ đang ở trong thời khắc nhạy cảm khi bị vướng vào những khó khăn nghiêm trọng cả trong lẫn ngoài. Đối ngoại, ĐCSTQ phải đối mặt với truy cứu trách nhiệm và yêu cầu bồi thường từ nhiều quốc gia vì che giấu dịch bệnh. Đối nội, tình hình dịch bệnh không ngừng gia tăng, áp lực kinh tế đè nặng chưa từng có, các cuộc đấu đá quyền lực nội bộ liên tục được đăng tải trên Internet gieo rắc những lời đồn thổi.
Một trận chiến đang được âm thầm triển khai bên ngoài Trung Nam Hải. Nhìn từ việc “Hồng nhị đại” [1] Nhậm Chí Cường bị bắt sau khi đăng tải bài viết phê phán Tập Cận Bình, đến “Hồng nhị đại” Trần Bình đăng tải một bức thư ngỏ kêu gọi Tập từ chức, rồi sau đó lại xuất hiện một bức thư ngỏ ký tên “Đặng Phác Phương” chống lại Tập, thật thật giả giả, tất cả đều có liên quan vấn đề ông Tập có từ chức hay không?
Đặc biệt là trước thềm “Lưỡng hội”, ông Tôn Lực Quân, thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc ngã ngựa và ông Phó Chính Hoa – nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc đã bị cách chức, cùng với tin đồn ông Mạnh Kiến Trụ – cựu Bí thư Ủy ban Chính pháp ĐCSTQ đã bị bắt giữ. Lượng lớn các quan chức cấp cao trong quân đội ở Bắc Kinh và Thượng Hải bị đưa đi do chịu liên lụy…, tất cả những sự tình này đều được cho rằng có liên quan với âm mưu đảo chính lật đổ Tập của Tôn Lực Quân.
Đặc biệt, quan chức cao tầng trong quân đội quốc phòng Bắc Kinh cũng đã xuất hiện những thay đổi liên tục. Vương Xuân Ninh – Tư lệnh Cảnh vệ Bắc Kinh, đã bị cách chức chỉ sau 4 tháng bước chân vào Thường vụ Thành ủy Thành phố Bắc Kinh, có thể dính líu đến đấu đá quyền lực nội bộ cấp cao ĐCSTQ; chức vụ này do Trương Phàm Địch, Chính trị viên Cảnh vệ khu Bắc Kinh tiếp quản. Điều đáng chú ý là Trung tướng Vương Thành Nam, nguyên Bí thư Ủy ban Kỷ luật Không quân kiêm Giám đốc Ủy ban Giám sát, được xác nhận vào ngày 15/5 rằng ông đã nhậm chức phó Chính ủy Chiến khu Trung ương, kiêm Ủy viên Chính trị Không quân Chiến khu Trung ương. Chiến khu Trung ương có trách nhiệm bảo vệ Bắc Kinh, sự thay đổi này cũng đã thu hút sự chú ý của giới quan sát bên ngoài.
Cộng thêm vào trung tuần của tháng 5, ĐCSTQ đã tổ chức cuộc tập trận quân sự trên bộ, trên không và trên biển quy mô lớn trên biển Bột Hải. Ngay thời điểm dịch bệnh hoành hành, đang khiến kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề, lãnh đạo ĐCSTQ vì sao lại hao phí lượng lớn nhân lực, vật lực, tài lực, tinh lực để thực hiện các cuộc tập trận quân sự quy mô như vậy? Về điểm này, ông Trần Phá Không, một chuyên gia phân tích về các vấn đề thời sự chính trị của Trung Quốc, cho biết Tập Cận Bình huy động cuộc tập trận quân sự có bốn mục đích: đe dọa Đài Loan; khiêu khích Mỹ; phòng bị Nga, Triều Tiên và răn đe các đối thủ chính trị trong đảng. Ông Trần tin rằng Tập Cận Bình mượn dùng cuộc tập trận quân sự lần này, mục đích chính là răn đe và đối phó kẻ thù chính trị trong nội bộ đảng.
Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra “Hai phiên họp”, bầu không khí chính trị ở Trung Nam Hải ngày càng trở nên rất kỳ lạ. Bà Vương Thụy Cầm, cựu Ủy viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tỉnh Thanh Hải, đã gửi thư ngỏ công khai đến Lưỡng hội ĐCSTQ trên Internet, kêu gọi tất cả đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và ủy viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc cùng đứng lên bãi miễn Tập Cận Bình, ký tên buộc Tập Cận Bình phải từ chức.
Nguồn tin từ đài Á Châu Tự do cho biết, ông Thành Danh, phó giáo sư Khoa học Xã hội tại trường đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông cho rằng, việc kêu gọi ký tên phế truất Tập Cận Bình cơ bản là điều không thể. Điều này tương đương với việc thực hiện một cuộc cách mạng trong giai tầng lãnh đạo ĐCSTQ, nhưng sự việc này phản ánh thái độ bất mãn của các quan chức trong nội bộ đảng đối với ông Tập.
Ông Thành chia sẻ, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, một tay đã viện đến thủ đoạn đàn áp, một tay lấy phát triển kinh tế để trấn an lòng người, nhưng trong tình hình dịch bệnh, người dân thất nghiệp trầm trọng, dưới sự đàn áp chính trị và thiệt hại nặng về kinh tế, người dân tự nhiên sẽ đứng lên phản kháng. Nếu nền kinh tế không thực thi tốt, sự phẫn nộ của người dân sẽ ngày càng lớn hơn, điều này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/34945-luong-hoi-phai-chang-co-bien.html

‘Ván bài lật ngửa’ Mỹ – Trung đã bắt đầu

Vũ Dương
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phớt lờ hết thảy lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế và kháng nghị của người dân Hồng Kông, vào thứ Năm (ngày 28/5), tại phiên họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã thông qua “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, châm ngòi cho ngọn lửa chất chứa của những tiếng nói lương tri toàn thế giới, theo Epoch Times.
Một ngày trước khi Đại hội Đại biểu ĐCSTQ thông qua dự luật, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố rằng Hồng Kông nếu không còn được hưởng quyền tự chủ thì sẽ không còn được nhận đãi ngộ đặc biệt từ phía Hoa Kỳ.
Đạo luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông này được thế giới bên ngoài nhìn nhận là “hồi chuông báo tử” của quyền tự trị của Hồng Kông. Vào ngày Luật An ninh Quốc gia được thông qua, chứng khoán Hồng Kông đã dẫn đầu sự sụt giảm của thị trường chứng khoán châu Á với mức giảm hơn 2%. Được biết, Bắc Kinh sẽ xác định nội dung cụ thể của Đạo luật An ninh Quốc gia trong vài tuần tới và các quy tắc sẽ quyết định vận mệnh cuối cùng của Hồng Kông.
‘Ván bài lật ngửa Mỹ – Trung’
Ông Mike Pompeo hôm thứ Tư cho biết, Hồng Kông không còn phù hợp với vị trí đãi ngộ đặc biệt theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ, điều này có thể tạo thành đả kích nặng nề đối với vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông.
Ông Pompeo trong một bản tuyên bố đã lên án mạnh mẽ Đạo luật này và gọi đây là một “quyết định tai hại”, một “động thái mới nhất trong một loạt các hành động phá hoại quyền tự chủ và tự do của Hồng Kông từ căn bản”.
“Với tình hình thực tế này, bất kỳ ai còn lý trí đều chắc chắn một điều rằng Hồng Kông không còn được hưởng quyền tự trị cao đối với Trung Quốc”, ông Pompeo nói.
Bà Tara Joseph, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ, cho biết: “Thương mại quốc tế đã chịu áp lực ngày càng tăng kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bùng nổ, nhưng việc ban hành Luật An ninh của Trung Quốc tại Hồng Kông có thể đẩy căng thẳng lên một cấp độ hoàn toàn mới”. Bà cũng bình luận: “Hiện giờ là thời khắc lật bài ngửa giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa sẽ đưa ra hành động đối với Hồng Kông và đưa ra tuyên bố trong tuần này. Ông David Stilwell, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với các phóng viên rằng các đối sách của ông Trump có thể bao gồm các biện pháp chế tài đối với thị thực và kinh tế. Hiện tại Hoa Kỳ có hơn 1.300 công ty có văn phòng tại Hồng Kông, cung cấp khoảng hơn 100.000 việc làm.
Tiền vốn tháo chạy và làn sóng di dân của Hồng Kông
Theo nguồn tin từ phía ngân hàng Hồng Kông và nhân sĩ thạo tin khác, vì lo ngại Luật An ninh có thể giúp chính quyền ĐCSTQ cưỡng chế chiếm đoạt tài sản của mình, những người giàu Trung Quốc sẽ không gửi nhiều tiền ở Hồng Kông nữa.
Các chủ ngân hàng cho biết, hơn một nửa số tài sản cá nhân với tổng trị giá hơn 1 nghìn tỷ đô-la Mỹ của Hồng Kông là đến từ người Trung Quốc đại lục. Họ gửi tiền ở Hồng Kông vì Hồng Kông có một hệ thống pháp lý độc lập và tiền tệ móc nối với đồng đô-la Mỹ, nhưng bây giờ mọi người đang lo lắng, Hồng Kông sẽ mất đi lợi thế trung tâm tài chính toàn cầu.
Trang Reuters ngày 28/5 đưa tin rằng sáu chủ ngân hàng và công ty hàng đầu đều chỉ ra rằng một số khách hàng Trung Quốc đang tìm kiếm con đường khác để quản lý tài sản của họ ở nước ngoài, trong đó Thụy Sĩ và London đứng đầu danh sách được lựa chọn.
Một chuyên gia tư vấn của công ty quản lý tài sản châu Âu cho biết, một khách hàng Trung Quốc ban đầu đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Hồng Kông đã chuyển sang tìm kiếm cơ hội ở các nước khác trong
tuần này. Một người sáng lập một công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Hồng Kông cho biết ông đang giúp khách hàng Trung Quốc tiến hành đàm phán hợp tác với hai ngân hàng Dubai.
Một nhà tư vấn di cư tiết lộ rằng số người Hồng Kông tìm đến tư vấn di cư đã tăng vọt. Theo nguồn tin từ hãng truyền thông quốc tế của Đức Deutsche Welle, làn sóng “di dân” này đã xuất hiện từ sau thời điểm diễn ra phong trào phản đối “Luật dẫn độ” vào tháng 6 năm ngoái. Nó đã vượt quá 20.000 vào tháng 12/2019, tăng gần 60% so với cùng kỳ trước đây, trong đó bao gồm cả những người thuộc phe “đai xanh lam” (những người ủng hộ ĐCSTQ) và phe Kiến Chế thân Bắc Kinh, bởi bản thân họ cũng sợ bị “thanh toán”.
Theo Ye Ziwei, Epochtimes.com,
Vũ Dương dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-kinh-thong-qua-luat-an-ninh-hong-kong-van-bai-lat-ngua-my-trung-bat-dau.html

Trung Quốc thao túng

Tổ chức Y tế Thế giới như thế nào?

Hải Lam
Dịch viêm phổi Vũ Hán Covid-19 đã phơi bày mối quan hệ đáng ngờ giữa Bắc Kinh và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu kiểm soát cơ quan này từ hơn 10 năm trước. Chỉ đến khi Covid-19 bùng phát, sự thao túng này mới bộc lộ rõ những nguy hại của nó đối với toàn thế giới.
Đến tận giữa tháng 1, WHO vẫn lặp lại lời nói dối của Bắc Kinh rằng virus corona không lây từ người sang người và không phải là một mối đe dọa nghiêm trọng.
Một thông báo của WHO vào ngày 14/1/2020, trong đó lặp lại một lời nói dối của Bắc Kinh rằng không có bằng chứng rõ ràng cho thấy Covid-19 lây lan từ người sang người (ảnh chụp màn hình Twitter).
Trong thời gian WHO trì hoãn cảnh báo các nước về mối nguy hiểm của Covid-19, Bắc Kinh đã thu gom hàng tấn vật tư y tế từ thế giới, và để mặc cho virus Vũ Hán lây lan tới hơn 200 quốc gia.
Trung Quốc tích trữ khẩu trang như thế nào?
Vào ngày 12/5, tờ Newsweek trích báo cáo của CIA kết luận rằng vào tháng 1, Trung Quốc đã thuyết phục WHO trì hoãn việc cảnh báo về COVID-19 để Bắc Kinh có thời gian thu gom vật tư y tế trên toàn thế giới. Trước khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 30/1, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn hai tỷ khẩu trang, từ ngày 24 đến 29/1.
Con số này do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cung cấp. Sự chậm trễ của WHO đã cho phép chính quyền Trung Quốc có thể kiểm soát thị trường khẩu trang quốc tế, tự định giá, và thực hiện “chính sách ngoại giao khẩu trang”.
Nhưng tại sao WHO lại quỵ lụy trước Bắc Kinh đến vậy? Trong khi thế giới đang hướng sự chú ý vào tổng giám đốc hiện tại của WHO, cựu Bộ trưởng Ngoại giao người Ethiopia, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhưng trên thực tế, theo trang Bitter Winter, Trung Quốc đã bắt đầu kiểm soát tổ chức này ít nhất từ 10 năm, trước khi Tedros trở thành người đứng đầu WHO vào năm 2017.
SARS, thu hoạch nội tạng và Tổng giám đốc WHO Trung Quốc
Vào năm 2002, dịch SARS đã tấn công thế giới. ĐCSTQ đã bị buộc tội bưng bít thông tin, trì hoãn công tác ứng phó của thế giới đối với loại virus chết người. Lý do là vì Bắc Kinh không muốn thừa nhận virus SARS có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Năm 2006, truyền thông quốc tế đăng tải thông tin chính quyền Trung Quốc đang thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công. Cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas đã thành lập ủy ban đầu tiên điều tra vấn đề này. Trung Quốc lập tức trở nên tai tiếng khi đối mặt với hai cáo buộc liên quan đến hệ thống y tế của nước này: một là khiến thế giới gặp nguy hiểm khi bưng bít thông tin về dịch SARS, hai là thúc đẩy ngành cấy ghép bằng cách thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm. Trong cả hai vấn đề này, vai trò của WHO là rất quan trọng và có thể khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc rơi vào bế tắc.
Tuy nhiên, trang Bitter Winter cho biết, Trung Quốc đã kịp thời tập hợp một liên minh các quốc gia để bầu một quan chức Trung Quốc là bà Trần Phùng Phú Trân (Margaret Chan), làm Tổng giám đốc của WHO vào năm 2007. Bà tái đắc cử vị trí này vào năm 2012 cho nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai. Bà đã ngăn cản một cách thành công bất kỳ nỗ lực nào yêu cầu WHO điều tra vấn đề thu hoạch nội tạng, cũng như trách nhiệm của Trung Quốc trong đại dịch SARS.
Mối quan hệ giữa bà Trần và Đài Loan
Năm 2016, bà Thái Anh Văn, người có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, được bầu làm Tổng thống Đài Loan. Ngay sau đó, bà Trần đã loại Đài Loan khỏi vị trí quan sát viên trong Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết sách của WHO.
Trong những năm trước, bà Trần và Trung Quốc cũng đã thao túng để loại trừ Đài Loan khỏi các cuộc họp của WHA.
Đến thời Tedros Adhanom Ghebreyesus
Năm 2017, với sự chống lưng của Bắc Kinh, Tedros được bầu làm Tổng giám đốc WHO. Ông Tedros là Tổng giám đốc WHO đầu tiên không phải là bác sĩ y khoa.
Tedros thể hiện ngay bản chất của mình bằng cách phong cho nhà độc tài Zimbabwe, Robert Mugabe làm Đại sứ thiện chí của WHO hồi tháng 10/2017. Zimbabwe là một trong những quốc gia trên thế giới có mối quan hệ gần gũi nhất với Trung Quốc, nhưng nhiều người coi Mugabe là một tên tội phạm phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Trước sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế, cuối cùng Tedros đã buộc phải rút lại quyết định gây tranh cãi của mình.
Tedros còn liên tục dành những lời khen khó hiểu cho Trung Quốc và Tập Cận Bình. Vào ngày 28/1/2020, Tedros đã có cuộc gặp với Tập và ca ngợi Bắc Kinh chống dịch “hiệu quả”, “nhanh chóng” và có “sự minh bạch”.
Virus, WHO và Trung Quốc
Bitter Winter bình luận, thái độ ủng hộ Trung Quốc của WHO có thể đã gây bất bình nhưng không gây nguy hiểm ngay lập tức, cho đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Lập trường của WHO đối với Đài Loan đã trở thành vấn đề đáng chú ý. Vào ngày 31/12, Đài Loan đã gửi email thông báo với WHO rằng chứng viêm phổi lạ ở Vũ Hán khả năng là do một loại virus giống như SARS gây ra. Giới chức Đài Loan đã hành động ngay lập tức trước thông tin có được. Vào buổi tối ngày 31/12, họ bắt đầu kiểm tra sức khỏe của các du khách đến từ Vũ Hán. Đây là một trong những nguyên nhân giúp Đài Loan khống chế dịch thành công.
Tuy nhiên, WHO đã bỏ qua cảnh báo trên từ Đài Loan, chỉ vì lý do là thông tin này đến từ … Đài Loan. Sau đó, WHO lại tuyên bố rằng cũng vào ngày 31/12/2019, Trung Quốc đã thông báo cho WHO về bệnh viêm phổi lạ xuất hiện tại Vũ Hán nhưng không nguy hiểm, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy tình trạng lây lan giữa người và người. Có lẽ, email của phía Trung Quốc đã đến sau Đài Loan, nhưng điều căn bản là Trung Quốc coi dịch viêm phổi Vũ Hán chỉ là vấn đề nhỏ.
Vào tháng 1/2020, Tedros liên tục phản đối đề xuất tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Vào ngày 22/1, ông vẫn khăng khăng rằng điều này không có sai sót vì đây là vấn đề khẩn cấp ở Trung Quốc chứ không phải quốc tế, mặc dù dịch bệnh này có thể bùng phát trên toàn cầu trong tương lai. Mãi đến ngày 30/1, Tổng giám đốc WHO mới tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, nhưng ông Tedros nói rõ rằng: “WHO không có ý định thách thức Trung Quốc khi ban hành tuyên bố này. Ngược lại, WHO hoàn toàn tin tưởng Trung Quốc có thể ngăn chặn dịch bệnh”.
Quay trở lại với vấn đề Đài Loan. Bỏ qua các tuyên truyền từ WHO và Bắc Kinh, Đài Loan sớm đã có biện pháp ứng phó với dịch bệnh. Do đó, số ca nhiễm và tử vong vì viêm phổi Vũ Hán ở nơi đây nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc, dù hòn đảo nằm ngay sát nơi khởi phát đại dịch. Đài Loan được công nhận là một mẫu hình chống dịch thành công trên thế giới. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của hòn đảo và sự kêu gọi của các quốc gia trên thế giới, WHO đã không cho phép Đài Loan tham dự cuộc họp của WHA diễn ra vào ngày 18-19/5 vừa qua.
Đáp lại sự ủng hộ của WHO, Bắc Kinh cũng dành lời khen cho Tedros. Tờ Breitbart cho biết, hôm 24/5, ông Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã tuyên bố rằng vị quan chức người Ethiopia đã “hoàn thành tốt công việc” của mình và các quốc gia sẽ hỗ trợ ông Tedros cũng như WHO trong tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế, Tedros cũng như WHO đang phải hứng chỉ trích trên khắp thế giới vì những cách xử lý sai lầm trong dịch Covid-19, cũng như việc nghe theo tuyên bố của chính quyền Trung Quốc. Hơn 1 triệu cư dân mạng đã ký tên vào bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu Tedros từ chức, dù vậy ông này chưa có dấu hiệu muốn rời ghế.
Mới đây, viện nghiên cứu Civitas của Anh công bố một báo cáo với tiêu đề: “Year of the Bat: Globalisation, China and the Coronavirus” (Tạm dịch: Năm của Dơi: Toàn cầu hóa, Trung Quốc và virus corona). Báo cáo lập luận rằng khi virus bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc đã cố gắng bưng bít tình hình và không làm tròn trách nhiệm để ngăn dịch bệnh lan ra toàn thế giới. Các tổ chức quốc tế như WHO, thiếu trách nhiệm và không điều tra kỹ lưỡng, đã bị thao túng bởi các quốc gia độc tài. “Chịu ơn
Bắc Kinh, WHO đã đồng lõa không đưa ra cảnh báo đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của đại dịch”, báo cáo của Civitas có viết.
Các chuyên gia của Civitas kết luận: “Trung Quốc và WHO cần phải bị điều tra về cách ứng phó với dịch Covid-19, đặc biệt ở giai đoạn đầu” và “WHO cần phải chuộc lỗi bằng cách điều tra về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc và tuyên bố rõ ràng rằng những vi phạm nhân quyền như vậy không thể được dung thứ”.
Nhật báo Le Monde của Pháp lập luận, bằng mọi biện pháp, “Trung Quốc đã thiết lập giọng điệu và các mốc thời gian” trong phản ứng của WHO với dịch bệnh. Thật tệ khi WHO đóng vai trò là cơ quan ngôn luận cho một chế độ toàn trị. Trong cuộc khủng hoảng toàn cầu như vậy, sự đồng lõa của WHO với ĐCSTQ đã gây ra cái chết của rất nhiều người trên thế giới. Đối với cộng đồng quốc tế, việc xem xét vai trò của WHO và các mối quan hệ của tổ chức này với Bắc Kinh là điều không nên trì hoãn thêm nữa, tờ Bitter Winter kết luận.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-thao-tung-to-chuc-y-te-the-gioi-nhu-the-nao.html

Trung Quốc bức hại đức tin

hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới

Thái Học
Một thành viên Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là lực lượng đàn áp tín ngưỡng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
CNS News đưa tin, ông Gary Bauer, một trong chín ủy viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế, cho biết cơ quan này đã khuyến nghị chính quyền Tổng thống Donald Trump lập danh sách các cá nhân trong ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về tình trạng bức hại đức tin đối với người dân. Một vài biện pháp trừng phạt mà chính phủ Mỹ có thể đưa ra là đóng băng tài sản của những kẻ đàn áp và cấm họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Phát biểu trong báo cáo thường niên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế, ông Bauer cho biết Trung Quốc “đã thực sự tuyên chiến đối với tất cả các tín ngưỡng tôn giáo”, như người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Kitô giáo, Phật giáo Tây Tạng, các học viên Pháp Luân Công, v.v.
Pháp Luân Công, hay Pháp Luân Đại Pháp, là một môn khí công thuộc trường phái Phật gia, không phải tôn giáo, nhưng cũng bao hàm các đức tin về Thần, Phật, thiện ác hữu báo, v.v. và vì vậy cũng trở thành nạn nhân bị áp chế của chính quyền Trung Quốc.
Với quan điểm vô Thần, ĐCSTQ coi đức tin của người dân là một mối đe dọa đối với quyền lực tuyệt đối của họ tại quốc gia này.
“Chính phủ Trung Quốc thể hiện rõ rằng công dân Trung Quốc không thể hoặc không được có lòng trung thành cao hơn lòng trung thành của họ đối với ĐCSTQ – đó là lý do tại sao Trung Quốc đang trở thành một vấn đề toàn cầu như vậy”, ông Bauer bình luận.
“Đây là quốc gia đàn áp tín ngưỡng hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới”.
Ông Bauer cho biết Bắc Kinh còn đi xa hơn khi “cố gắng xuất khẩu mô hình của họ trên khắp thế giới”.
“Họ đã sử dụng ảnh hưởng của mình trong các cơ quan quốc tế để đe dọa các quốc gia khác không được lên tiếng về quyền tự do tín ngưỡng và vi phạm nhân quyền”, ông nói.
Báo cáo thường niên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ cũng cho biết “ĐCSTQ đã sử dụng ưu thế về kinh tế và ngoại giao của mình để ngăn cản một số chính phủ chỉ trích hồ sơ tự do tín ngưỡng của Trung Quốc”.
Báo cáo của Ủy ban cũng khuyến nghị chính phủ Hoa Kỳ xử phạt các quan chức Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng tự do tín ngưỡng, trong đó có Trần Toàn Quốc, bí thư ĐCSTQ ở Tân Cương và Chu Hải Luân, cựu Chủ tịch Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tân Cương.
Trung Quốc bị cáo buộc đang giam giữ hơn một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo ở tỉnh Tân Cương.
Trung Quốc là một trong 9 quốc gia được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào diện “các nước cần đặc biệt quan tâm” (CPCs) do vi phạm tự do tín ngưỡng một cách nghiêm trọng và có hệ thống. Tám nước còn lại là: Miến Điện, Eritrea, Iran, Triều Tiên, Pakistan, Ả Rập Saudi, Tajikistan và Turkmenistan.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-buc-hai-duc-tin-hon-bat-ky-quoc-gia-nao-tren-the-gioi.html

Ấn Độ ‘giam giữ’ một con chim bồ câu

do nghi ngờ làm gián điệp cho Pakistan

Băng Thanh
Vào hôm 26/5, cảnh sát Ấn Độ đã “giam giữ” một con chim bồ câu vì nghi ngờ làm gián điệp cho Pakistan sau khi phát hiện trên chân nó có đeo một chiếc nhẫn khắc các mã số.
Theo truyền thông Ấn Độ, con chim bồ câu, với một phần bộ lông được sơn màu hồng, đã bị dân làng ở Manyari bắt được tại khu vực biên giới Kashmir hôm 24/5.
“Con chim bồ câu, bị nghi ngờ đã được huấn luyện ở Pakistan để làm gián điệp, có một chiếc nhẫn với bảng chữ cái và những con số được viết trên đó”, một cảnh sát Ấn Độ nói với tờ The Times of India.
“Mặc dù chim không có ranh giới và nhiều con bay qua biên giới quốc tế trong quá trình di cư, một chiếc nhẫn được mã hóa gắn trên cơ thể chim bồ câu bị bắt là một nguyên nhân gây lo ngại vì những con chim di cư không có những chiếc nhẫn như vậy”, người cảnh sát cho biết.
Sau vụ việc, một người đàn ông ở Pakistan đã lên tiếng cho biết, ông là chủ nhân của con chim và mong muốn chính phủ của cả hai nước sẽ tạo điều kiện cho con chim được quay trở về. Người này nói rằng, nếu họ không làm như vậy, ông sẽ tổ chức một cuộc biểu tình ở biên giới Ấn Độ – Pakistan để thu hút sự chú ý của giới truyền thông.
“Con bồ câu mà vượt biên sang Ấn Độ là con bồ câu yêu quý của tôi nhưng tôi ngạc nhiên khi biết vào một ngày, con bồ câu của tôi được điều tra như một con chim bồ câu gián điệp do có một số mã khắc trên chiếc nhẫn gắn vào chân của nó”, người nhận là chủ của con chim nói với các phóng viên và giải thích rằng mã số được khắc trên chiếc nhẫn là số điện thoại di động của ông.
“Bây giờ tôi đang phản đối từ làng của tôi, nếu không trả lại cho tôi con chim bồ câu thì tôi sẽ phản đối ở biên giới Ấn Độ – Pakistan”, ông cho biết.
Theo tờ Dawn của Pakistan, người đàn ông này có tên là Habibullah và hiện đang sở hữu hàng chục con chim bồ câu. Habibullah chia sẻ với tờ Dawn rằng, chim bồ câu là biểu tượng của hòa bình và Ấn Độ nên ngưng trừng phạt con chim vô tội.
Đây không phải là lần đầu tiên những con chim được sử dụng cho mục đích gián điệp trong khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Trước đó, vào năm 2016, cảnh sát ở bang Punjab của Ấn Độ đã bắt được một con chim gần biên giới với Pakistan mang thông điệp chứa nội dung đe dọa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tương tự, vào năm 2015, một con chim cũng bị bắt ở biên giới hai nước sau khi phát hiện “thông điệp được đóng dấu” trên cơ thể của nó.
Theo tờ Breitbart, căng thẳng giữa hai nước Ấn Độ và Pakistan hiện đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, với việc Thủ tướng Pakistan, ông Imran Khan từng so sánh nhà lãnh đạo Ấn Độ Narendra Modi và Đảng Nhân dân Ấn Độ giống như “Đức Quốc xã”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/an-do-giam-giu-mot-con-chim-bo-cau-do-nghi-ngo-lam-gian-diep-cho-pakistan.html

Cuộc đối đầu nguy hiểm tại vùng biên giới trên bộ

giữa Ấn Độ và Trung Quốc

Trọng Nghĩa
Ngày 27/05/2020, Ấn Độ đã phái thêm 5.000 quân đến vùng Ladakh, trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo Đường Kiểm Soát Thực Tế (LAC) hiện được coi là biên giới với Trung Quốc. Đây là phản ứng mới nhất của New Delhi sau khi Bắc Kinh cũng cho triển khai một số quân tương tự bên phần đất Trung Quốc.
Hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân đang bị lôi cuốn vào một cuộc đọ sức căng thẳng ở vùng biên giới trên bộ, nơi bị cả hai bên tranh chấp, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xung đột quân sự bùng lên trở lại giữa hai bên.
Tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên quan đến nhiều khu vực trên một đường biên giới dài gần 3.500 cây số dọc theo dãy Hy Mã Lạp Sơn không có gì mới, mà đã xuất hiện từ cách nay 8 thập niên, từng làm dấy lên một cuộc chiến tranh giữa hai nước vào năm 1962. Từ đó đến nay, vấn đề phân định
biên giới trên bộ Ấn – Trung vẫn chưa được giải quyết dứt khoát, cho dù giữa hai bên đã có hơn 20 vòng đàm phán.
Tranh chấp biên giới là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai nước, và trong thời gian một chục năm gần đây, Bắc Kinh đã nhiều lần cho binh lính lấn sâu vào bên trong vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ, buộc New Delhi phải đưa viện quân lên biên giới để đẩy lùi. Theo New Delhi, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018, Bắc Kinh đã cho binh lính xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ hơn 1.000 lần. Tuy nhiên, đây chủ yếu là những sự cố nhỏ và hai bên chưa bao giờ nổ súng vào nhau, đúng theo thỏa thuận đã ký vào những năm 1990.
Vào năm 2014 chẳng hạn, hơn 200 lính Trung Quốc đã thâm nhập vào một khu vực phía tây dãy Hymalaya để xây một con đường trước khi bị lực lượng Ấn Độ đẩy lùi. Một sự cố khác diễn ra vào năm 2017, khi công binh Trung Quốc tiến vào xây một con đường trong một khu vực trên cao nguyên Doklam ở vùng Hy Mã Lạp Sơn mà cả Trung Quốc lẫn Bhutan đều đòi chủ quyền. Quân đội Ấn Độ đã can thiệp trực tiếp và lực lượng Trung Quốc đã phải rút về bên kia biên giới.
Tuy nhiên, tình hình đã bất ngờ trở nên rất căng thẳng từ đầu tháng Năm đến nay, với liên tiếp hai sự cố khiến cả trăm người bị thương ở khu vực thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ ở vùng biên giới trên cao nguyên Ladakh, phia tây dãy Himalaya. Theo trang mạng Mỹ Vox ngày 28/05, hiện nay chưa rõ là nguyên nhân thổi bùng căng thẳng đến từ đâu, nhưng chính phủ Ấn Độ đã lên tiếng tố cáo việc lính Trung Quốc hồi đầu tháng Năm này, đã vô cớ ném đá vào binh sĩ Ấn Độ. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã phản pháo, cáo buộc ngược lại rằng chính lực lượng Ấn Độ đã xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc bất hợp pháp.
Ai đúng, ai sai chưa rõ, nhưng điều chắc chắn là đã có khoảng 100 lính ở cả hai phía bị thương trong hai vụ xô xát ngày 5 và 9 tháng Năm. Không có ai thiệt mạng, không có một tiếng súng nào, tuy nhiên các sự cố nói triên đã thúc đẩy hai bên leo thang tranh chấp và cấp tốc phái lực lượng tăng viện đến khu vực.
Vào thời điểm hiện nay, hàng ngàn binh sĩ đang cắm trại ở hai bên thung lũng Galwan, một vùng lãnh thổ tranh chấp trên cao nguyên Ladakh. Quân đội hai nước đã đào những công sự phòng thủ mới, thiết bị quân sự và vũ khí đã được vận chuyển thêm đến các tiền đồn ở cả hai bên biên giới. Tình trạng tăng cường võ trang vào lúc mùa đông giá lạnh bắt đầu nhường chỗ cho mùa xuân đã khiến các chuyên gia lo ngại rằng lực lượng hai bên có thể bám trụ lâu dài trong vùng, và nguy cơ một cuộc chiến tranh biên giới trên quy mô lớn như vào năm 1962 không thể loại trừ.
Trả lời trang tin Vox, ông Sumit Ganguly, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Ấn Độ tại đại học Bloomington ở Indiana, lo ngại : “Một sĩ quan chỉ huy quá nhiệt tình ở phía Trung Quốc hoặc Ấn Độ có thể ban hành một lệnh hung hăng, kéo theo một hành động đáp trả và dẫn đến một vòng xoáy bạo lực khủng khiếp”. Đối với đa số các chuyên gia phân tích, tình hình căng thẳng Ấn-Trung hiện nay không đơn thuần là hệ quả của tranh chấp biên giới đã kéo dài hàng thập kỷ, mà còn bắt nguồn từ sự cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc hạt nhân châu Á.
Trung Quốc, đặc biệt là dưới thời của chủ tịch Tập Cận Bình, thường xuyên sử dụng sức mạnh quân sự để bắt nạt các nước láng giềng và đòi thêm lãnh thổ, kể cả những vùng đồi núi dọc theo biên giới với Ấn Độ. Về phần mình, Ấn Độ đã và đang xây dựng những con đường và phi đạo dọc theo biên giới với Trung Quốc trong nỗ lực kiểm soát chặt chẽ hơn các khu vực có giá trị chiến lược này. Các hành động của New Delhi đã khiến Bắc Kinh hết sức bất bình.
Theo ông Michael Kugelman, chuyên gia về Nam Á tại trung tâm tham vấn Wilson Center ở Washington (Hoa Kỳ), chừng nào cuộc cạnh tranh trong khu vực còn tiếp diễn và các vấn đề biên giới vẫn chưa được giải quyết, các vụ đối đầu, chạm trán hoàn toàn có thể tiếp tục xẩy ra. Theo chuyên gia này, đó sẽ là “một điều bình thường mới” trong những tháng, thậm chí những năm tới đây.
Về tình hình căng thẳng đang diễn ra, chuyên gia Adam Ni, một giám đốc điều hành tại Trung Tâm Về Chính Sách Trung Quốc tại Úc cho rằng: “Cả hai phía đều nghĩ rằng bên kia là kẻ xâm lược”. Riêng ông Ashok K. Kantha, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, trả lời báo Anh The Guardian ngày 27/05, đã cho rằng cuộc đối đầu đang diễn ra không chỉ mang tính chất giới hạn ở địa phương. Theo ông: “Lần này, Trung Quốc có hành vi hung hăng hơn, huy động một số lượng quân đội khá lớn, điều ít thấy tại vùng biên giới này”.
Đối với cựu đại sứ Ấn Độ, hành động của Trung Quốc có thể là một “thông điệp có ý nghĩa bao quát hơn vấn đề yêu sách lãnh thổ, nhằm cảnh cáo Ấn Độ rằng nên quan tâm hơn đến lợi ích của Trung Quốc trên những vấn đề địa chính trị nhạy cảm”.
Cho dù tình hình căng thẳng, nhưng nhiều nhà phân tích vẫn tương đối lạc quan, ghi nhận những nỗ lực ngoại giao đang diễn ra giữa New Delhi và Bắc Kinh để giải quyết vụ đối đầu ở vùng Ladakh. Theo các chuyên gia này, vào lúc phải đau đầu với dịch Covid-19, không bên nào thực sự muốn có chiến tranh.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200529-cu%C3%B4%CC%A3c-%C4%91%C3%B4%CC%81i-%C4%91%C3%A2%CC%80u-nguy-hi%C3%AA%CC%89m-ta%CC%A3i-vu%CC%80ng-bi%C3%AAn-gi%C6%A1%CC%81i-tr%C3%AAn-b%C3%B4%CC%A3-gi%C6%B0%CC%83a-%C3%A2%CC%81n-%C4%91%C3%B4%CC%A3-va%CC%80-trung-qu%E1%BB%91c

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?