Tin tổng hợp– 31/05/2020

Tin tổng hợp– 31/05/2020

(AFP) – Ấn Độ muốn giải quyết xung đột biên giới với Trung Quốc qua thương lượng. 
Trả lời phỏng vấn truyền hình vào tối hôm qua 30/05/2020, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ, Rajnath Singh, cho biết New Delhi đã từ chối đề nghị của tổng thống Mỹ trong việc làm trung gian hòa giải, vì không muốn lòng tự hào của Ấn Độ bị tổn thương. Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ đã điện đàm với đồng nhiệm Mỹ, để Washinngton biết là Ấn – Trung có thể giải quyết vấn đề qua đàm phán về ngoại giao và quân sự.
(RFI) – Trung Quốc mở cửa biên giới cho người Châu Âu trở lại làm việc
Vì dịch Covid-19, từ cuối tháng 3, Trung Quốc đã đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài, kể cả những người đã có visa nhập cảnh. Hôm 29/05/2020, một chiếc máy bay đầu tiên chở người châu Âu, đã đáp xuống Thiên Tân, gần Bắc Kinh. Phần đông trong số 200 hành khách là người Đức. Paris cho biết đang thương lượng với Trung Quốc. Đầu tháng Sáu đến lượt kiều dân Singapore trở lại Trung Quốc.
(Reuters) – Trung Quốc có thể đưa ra thị trường vác-xin phòng virus corona vào cuối năm 2020. 
Theo thông tin Ủy ban Quản lý và Kiểm tra Tài sản Nhà nước Trung Quốc (SASAC), ngày 29/05/2020, vác-xin đã được Viện chế phẩm sinh học Bắc Kinh và Viện virus học Vũ Hán thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên hơn 2.000 người. Cả hai Viện nói trên đều thuộc tập đoàn dược phẩm nhà nước Sinopharm. Theo SASAC, Trung Quốc có thể sản xuất 100-120 triệu liều vác-xin/năm. Hiện có 5 loại vác-xin ngừa virus corona đang được thử nghiệm lâm sàng trên người tại Trung Quốc.
(RFI)- Covid-19 : Ấn Độ nới lỏng phong tỏa kể từ 08/06/2020. 
Theo bộ Nội Vụ Ấn Độ vào hôm qua, 30/06/2020, việc nới lỏng được áp dụng trên toàn quốc, ngoại trừ những vùng mà lây nhiễm vẫn còn cao. Việc mở cửa trở lại các nơi thờ phụng, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại sẽ được phép, sau khi xin ý kiến chính quyền. Hiện nay, virus tiếp tục lây lan mạnh ở Ấn Độ, với 85.000 ca nhiễm và khoảng 5.000 ca tử vong.
(AFP) – Anh và Tây Ban Nha khởi động thi đấu thể thao. 
Luân Đôn vào hôm qua 30/05/2020 đã bật đèn xanh trở lại cho những cuộc so tài thể thao, nhưng không có khán giả kể từ ngày mai 01/06. Còn tại Tây Ban Nha, các câu lạc bộ tranh giải vô địch bóng đá quốc gia cũng đã được phép luyện tập trở lại với đầy đủ đội hình kể từ ngày 01/06, giai đoạn cuối trước khi trở lại thi đấu ngày 11/06.
(AFP) – Paris: Biểu tình ủng hộ người không giấy tờ bị cảnh sát giải tán
Hơn 5.500 người đã biểu tình vào hôm qua, 30/06/2020, bất chấp lệnh cấm của sở cảnh sát, ủng hộ người không giấy tờ mà tình trạng rất bi đát do các biện pháp chống Covid-19. Cuộc biểu tình theo lời kêu gọi của 109 tổ chức, yêu cầu « hợp thức hóa cho những người chịu hậu quả nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng y tế ». Cảnh sát đã sử dụng lựu đạn cay để giải tán, vì theo quy định, chỉ được phép tập hợp không quá 10 người.
(Les Echos) – Twitter lại gắn chú thích cảnh báo “bạo lực” trên một tin nhắn của tổng thống Mỹ. 
Chú thích được gắn hôm 29/05/2020 trên một tin nhắn của ông Trump gởi đi vào ngày hôm trước về tình hình bạo động tại Minneapolis, sau cái chết một người da đen bị cảnh sát bắt giữ. Chú thích lưu ý về sự « ca ngợi bạo lực » trong tin nhắn của ông Trump, theo đó tổng thống cho biết đã nói chuyện với thống đốc Tim Walz, hứa rằng quân đội sẽ hỗ trợ ông « khi bắt đầu có cướp bóc thì bắt đầu bắn ». Những lời lẽ này có thể cho hiểu là sự khuyến khích lực lượng an ninh sử dụng vũ khí.
(AFP) – Venezuela thông báo tăng giá xăng trong lúc loại nhiên liệu này hầu như miễn phí tại đây
Chính tổng thống Nicolas Maduro, thông báo vào hôm qua, 30/05/2020, việc tăng giá nói trên, kể từ ngày mai, 01/06. Dù Venezuela có những trữ lượng dầu hỏa to lớn, nhưng sản xuất đã hầu như đình trệ do tác động của dịch Covid-19. Thông báo trên được đưa ra sau khi tàu chở dầu Iran, cung cấp dầu cho chính phủ Maduro, cập bến.

Điểm tin thế giới sáng 31/5 – Ấn Độ:

72 giờ tiếp theo sẽ rất quan trọng

khi Trung Quốc triển khai pháo binh ở biên giới

Băng Thanh
Mục Điểm tin thế giới sáng Chủ Nhật (31/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Ấn Độ: 72 giờ tiếp theo sẽ rất quan trọng khi Trung Quốc triển khai pháo binh ở biên giới
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc gần đây đã triển khai một lượng lớn pháo binh và cơ giới về phía biên giới chung với Ấn Độ ở Ladakh, bang cực bắc Ấn Độ, các nguồn tin thuộc chính phủ Ấn Độ nói với tờ Indian Express hôm 28/5 cho biết.
Hành vi leo thang của Trung Quốc đã khiến một quan chức Ấn Độ lên tiếng cảnh báo hôm 28/5 rằng ba ngày tiếp theo là rất quan trọng trong việc theo dõi các hoạt động của Trung Quốc dọc biên giới.
Theo các nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ, hình ảnh vệ tinh cho thấy sự hiện diện của ít nhất 16 xe tăng cùng với tổ hợp xe chiến đấu bộ binh trên biên giới.
“Các hầm… và các ụ súng máy cũng có thể được nhìn thấy, điều này cũng có thể cho thấy Trung Quốc đã lường trước một cuộc tấn công và cũng đã thực hiện các vị trí phòng thủ”, một nguồn tin cho biết.
Vào hôm 29/5, tờ the Epoch Times dẫn tin từ truyền thông Ấn Độ cho biết, Trung Quốc gần đây đã triển khai ít nhất 5.000 quân đến biên giới Trung – Ấn.
Các doanh nghiệp bắt đầu lên kế hoạch rời Hồng Kông
Theo Breitbart hôm 29/5, trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tự tin rằng luật an ninh chuẩn bị được áp cho Hồng Kông sẽ ổn định thành phố thì một số tập đoàn đang lên kế hoạch bỏ chạy trước khi sự tự trị cuối cùng của Hồng Kông sụp đổ.
“Các doanh nghiệp ở Hồng Kông đang bị siết chặt bởi chi phí gia tăng và sự không chắc chắn sau các cuộc đụng độ kéo dài, đôi khi dữ dội giữa cảnh sát và những người biểu tình ủng hộ dân chủ”, tờ RTHK cho biết hôm 29/5.
“Khi chúng tôi nói rằng chúng tôi là một công ty có trụ sở tại Hồng Kông khi nói chuyện với các nhà đầu tư, nó không còn hấp dẫn như một năm trước”, Salandy-Defour, người có công ty tại Hồng Kông cho biết.
Theo Breitbart, một vấn đề khác mà các công ty ở Hồng Kông phải đối mặt khi Bắc Kinh áp luật an ninh mới đối với thành phố là, các chính phủ trên thế giới sẽ bắt đầu điều chỉnh các chính sách thương mại và tài chính của họ đối với Hồng Kông do thành phố này không còn có sự tự trị như trước đây nữa.
NASA tiếp tục đưa người vào vũ trụ với vụ phóng phi thuyền SpaceX lịch sử
Theo VOA, SpaceX, công ty tên lửa tư nhân của doanh nhân tỉ phú Elon Musk, đã đưa hai người Mỹ bay vào quỹ đạo từ Florida vào ngày 30/5 trong một chuyến du hành đánh dấu chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên của các phi hành gia NASA từ lãnh thổ của Mỹ trong 9 năm qua.
Một tên lửa Falcon 9 của SpaceX rời mặt đất từ Trung tâm Không gian Kennedy lúc 3 giờ 22 phút chiều giờ miền đông của Mỹ (19 giờ 22 phút giờ GMT), đưa hai phi hành gia Doug Hurley và Bob Behnken lên chuyến đi kéo dài 19 giờ trên phi thuyền Crew Dragon mới thiết kế của công ty bay tới Trạm Không gian Quốc tế.
“Quả là một cảnh tượng tuyệt đẹp”, Tổng thống Mỹ Donald Trump, có mặt ở Trung tâm Không gian Kennedy ở Cape Canaveral để theo dõi vụ phóng cho biết.
Pháp buộc tội 13 nghi phạm vụ 39 người Việt chết trong container
Theo AFP, công tố viên Pháp đã buộc tội 13 nghi phạm tội buôn người do liên quan đến vụ 39 người Việt chết trong xe container ở Anh vào tháng 10/2019.
Ngoài cáo buộc buôn người và hoạt động tội phạm có tổ chức, 6 trong 13 nghi phạm cũng bị buộc tội giết người sau khi một kẻ chủ chốt trong đường dây vận chuyển bị bắt ở Đức.
“Nghi phạm bị bắt ở Đức là người đàn ông 29 tuổi có biệt danh là ‘Công tước đầu trọc’. Hắn có thể là kẻ đứng đầu mạng lưới ở phía Pháp”, một nguồn tin cho biết nhưng không hé lộ quốc tịch của người này.
Mỹ nói Nga chuyển hơn một tỷ USD tiền giả đến Libya
Mỹ cho biết Malta thu được lượng tiền Libya giả trị giá hơn một tỷ USD do công ty nhà nước Nga Goznak chế tạo.
“Mỹ hoan nghênh chính quyền Cộng hòa Malta đã bắt được lô tiền Libya giả trị giá 1,1 tỷ USD hôm 26/5. Đây là số tiền được in bởi công ty cổ phần Goznak do chính phủ Nga sở hữu, theo đơn đặt hàng của một chính thể song song phi pháp”, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 30/5 ra thông cáo cho biết.
Washington cho rằng các vấn đề kinh tế Libya đang ngày càng trầm trọng vì sự xuất hiện của lượng lớn tiền giả có nguồn gốc từ Nga.
Chính quyền Mỹ cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Liên Hợp Quốc và các đối tác quốc tế nhằm “ngăn chặn hành động bất chính có thể đe dọa chủ quyền và ổn định của Libya”. “Những hành động đó không phù hợp với lệnh cấm vận được quốc tế áp dụng. Sự việc này cho thấy Nga cần chấm dứt các động thái gây bất ổn tại Libya”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Điểm tin thế giới chiều 31/5:

Anh sẽ có trách nhiệm với Hồng Kông

Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới chiều Chủ nhật (31/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Anh sẽ có trách nhiệm với Hồng Kông
Anh – một bên trong tuyên bố chung Trung-Anh – cho biết nước này sẽ giữ vững trách nhiệm đối với Hồng Kông, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết hôm Chủ nhật (31/5), khi nhắc lại đề nghị của London về việc mở rộng quyền thị thực cho người dân Hồng Kông trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh việc áp dụng luật an ninh mới tại thuộc địa cũ, theo Reuters.
“Nếu Trung Quốc kiên quyết áp dụng luật an ninh quốc gia mới này … chúng tôi sẽ trao cho những người giữ hộ chiếu BNO (hộ chiếu hải ngoại Anh) quyền đến Vương quốc Anh”, ông Raab nói với tờ BBC.
“Chúng tôi sẽ không nhắm mắt làm ngơ, chúng tôi sẽ không rời mắt khỏi trách nhiệm của mình đối với người dân Hồng Kông”.
Úc áp sát việc không ghi nhận ca nhiễm mới COVID-19
Victoria là bang duy nhất ở Úc ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 mới vào cuối tuần, tiến gần hơn đến trạng thái không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào trên toàn nước Úc, theo AAP.
11 ca mới được ghi nhận tại Victoria hôm thứ Bảy (30/5) đưa tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên tới 7.185.
Con số ca nhiễm ở mức thấp dẫn tới hiện tượng tại một số thành phố thủ phủ, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình và tuyên bố rằng đại dịch Covid-19 là một “trò lừa đảo”.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc vẫn khá chậm chạp khi virus tấn công lĩnh vực xuất khẩu
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã mở rộng vào tháng 5 nhưng với tốc độ khá chậm chạp trong tháng thứ hai liên tiếp khi đại dịch Covid-19 đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu, theo AP.
Chỉ số sức mua nhà quản lý hàng tháng công bố hôm Chủ nhật (31/5) đã trượt xuống mức 50,6, giảm từ 50,8 trong tháng Tư. Chỉ số trên 50 có nghĩa là sản xuất đang có tiến triển.
Chỉ số chỉ ra rằng sức sản xuất đã có dấu hiệu phục hồi trong tháng Năm, tuy chậm hơn so với tháng trước, theo Zhao Qinghe, một chuyên viên thống kê cao cấp tại Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết. Chỉ số này đã ở mức thấp kỷ lục 35,7 hồi tháng 2, khi nhiều nhà máy đóng cửa vào lúc đỉnh điểm giai đoạn dịch bùng phát ở Trung Quốc.
Anh muốn ủng hộ Đài Loan chống lại sự xâm lược của Bắc Kinh
Tờ Sunday Express được biết bộ trưởng các ban ngành ở Anh đang tìm cách hỗ trợ Đài Loan nhiều hơn, thậm chí có thể thách thức Bắc Kinh và chính thức công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập trong vòng 5 năm tới. Khi trách nhiệm của Trung Quốc trong dịch Covid-19 ngày càng được phanh phui, sự bất bình ngày càng gia tăng hơn đối với cách chính quyền này đối xử với Hồng Kông và hiện đang đe dọa Đài Loan. Một nguồn tin nói với tờ Sunday Express rằng “đừng ngạc nhiên nếu rốt cục chúng tôi sẽ công nhận Đài Loan và tham gia cùng những nước khác bảo vệ hòn đảo này bằng biện pháp quân sự”.
Hiện tại, do vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc, Đài Loan không được chính thức công nhận và chỉ có một đại sứ quán không chính thức ở Anh.
Nhưng một nguồn tin cho biết: “Tình trạng này có thể thay đổi nếu Trung Quốc tiếp tục với quỹ đạo hiện tại”.
Khám nghiệm tử thi: George Floyd đã không chết do chấn thương hoặc do bị siết cổ
Kết quả khám nghiệm tử thi sơ bộ của Cơ quan kiểm tra y tế quận Hennepin cho thấy George Floyd, nạn nhân da đen tử vong hôm thứ hai (25/5) tại thành phố Minneapolis sau khi bị một sĩ quan cảnh sát trên Chauvin quỳ đè lên cổ trong gần chín phút, không phải chết vì bị siết cổ hoặc thiếu oxy, theo nội dung đơn khiếu nại sĩ quan Chauvin của Tòa án Quận Hennepin, bang Minnesota.
Báo cáo khám nghiệm tử thi được trích dẫn trong đơn khiếu nại cho thấy Floyd đã chết do sự kết hợp của bệnh tim và “chất gây say tiềm năng trong cơ thể anh [VD: thuốc phiện]”, đã bị làm trầm trọng thêm bởi hành vi khống chế mạnh tay của các sĩ quan cảnh sát, bao gồm việc sĩ quan Chauvin áp đầu gối vào vùng cổ và vùng đầu của Floyd trong một khoảng thời gian dài.

Việt Nam, Đài Loan, Hồng Kông

trong tâm bão cuộc đọ sức Mỹ – Trung

Minh Anh
Liệu Hoa Kỳ có quay trở lại cảng Cam Ranh của Việt Nam hay không ? Trung Quốc và Mỹ đọ sức ở đại hội đồng Y tế Thế Giới, ai thắng ai thua ? Tương lai nào cho quan hệ Trung Quốc – Đài Loan ? Tăng ngân sách quốc phòng, phải chăng Trung Quốc muốn tiếp tục khẳng định thế siêu cường ? Và Hồng Kông, thời kỳ tự do sắp chấm dứt ? Trên đây là những câu hỏi lớn trong tháng Năm này.
Việt Nam khó có thể để Mỹ trở lại vịnh Cam Ranh
Tháng Năm chập chờn bóng đen một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong cuộc khẩu chiến giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới liên quan đến nguồn gốc dịch bệnh virus corona chủng mới, tổng thống Mỹ Donald Trump dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Lời đồn thổi rộ lên từ cuối tháng 4 đầu tháng 5/2020 cho rằng Mỹ muốn quay trở lại vịnh Cam Ranh của Việt Nam chẳng khác gì như châm thêm dầu vào lửa.
Theo phân tích của chuyên gia người Úc, Carl Thayer, giáo sư danh dự Học Viện Quốc Phòng Úc với ban tiếng Anh đài RFI, điều này khó thể xảy ra do chính sách « Ba Không » của Việt Nam. Ông cũng ghi nhận là số lần tầu chiến Mỹ cập cảng Việt Nam ngày một nhiều : « Về vịnh Cam Ranh, vài năm gần đây, Hoa Kỳ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa tại Việt Nam ».
Dù vậy, giáo sư Carl Thayer thận trọng cảnh báo : « Bất chấp chuyến thăm cảng Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, ba chuyến thăm khác của tầu chiến Mỹ và cuộc thăm chính thức Việt Nam của tổng thống Obama, Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ. Kinh nghiệm lâu nay của tôi về Việt Nam cho thấy Hà Nội chẳng được lợi gì khi xem Trung Quốc là kẻ thù vĩnh viễn của họ ».
WHO : Trung Quốc ghi một điểm trước Mỹ ?
Ngày 19/05/2020, Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) kết thúc cuộc họp đại hội đồng trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc đối chọi nhau gay gắt về nguồn gốc dịch bệnh Covid-19 và cách xử lý cuộc khủng hoảng của WHO, bị Mỹ tố cáo là « theo đuôi » Trung Quốc.
Trước sức ép của Mỹ, WHO thông qua một nghị quyết yêu cầu « đánh giá độc lập và khách quan » hoạt động của cơ quan này trong công cuộc đối phó với dịch Covid-19. Nhưng nghị quyết này không tháo gỡ được áp lực đe dọa của Mỹ. Tổng thống Donald Trump kỳ hạn cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới trong vòng một tháng để cải cách cụ thể, nếu không, Hoa Kỳ sẽ rút ra khỏi Tổ Chức.
Về điểm này, chuyên gia địa chính trị Pascal Boniface, Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược IRIS đánh giá như sau :
« Trên bình diện ngoại giao, đương nhiên Trung Quốc đã thắng. Một phần là vì cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình. Nếu Trung Quốc tìm ra được vác-xin, đây sẽ được xem như là tài sản chung của thế giới, và như vậy sẽ được đưa ra sử dụng đại trà. Cam kết này còn nhằm chống lại những tuyên bố của lãnh đạo người Anh hãng dược Sanofi, cho rằng vác-xin tìm được trước hết sẽ dành cho thị trường Mỹ. Tiếp đến là do sự vắng bóng của Trump đã nhường chỗ cho Trung Quốc.
Chúng ta có thể nghĩ rằng Liên Hiệp Châu Âu cũng là bên thắng cuộc trong lần họp này. Cuộc họp gây quỹ mà Liên Hiệp Châu Âu tổ chức hôm 08/5 để tìm nguồn tài trợ cho việc nghiên cứu một vác-xin đã thành công, quyên góp được 8 tỷ euro. Và châu Âu đã đưa ra được một hình ảnh đa phương, không bị nghi ngờ giấu giếm như Trung Quốc, hay có sự thèm muốn trá hình. Do Hoa Kỳ thoái lui, sự có mặt của Liên Hiệp Châu Âu khẳng định sự hiện diện của phương Tây, và như vậy cũng nhằm không để Trung Quốc là cường quốc duy nhất độc chiếm địa bàn. »
Chuyên gia Anh : « Bắc Kinh không tha thứ cho tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn »
Ngày 20/05/2020, trong bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ hai tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn khẳng định người dân Đài Loan sẽ không chấp nhận đánh đổi « Hòa bình, Bình đẳng, Dân chủ và Đối thoại » cho nguyên tắc « Một quốc gia, hai chế độ » mà Bắc Kinh đang sử dụng để thâu tóm Đài Loan và làm thay đổi nguyên trạng giữa đôi bờ eo biển.
Ông Steve Tsang, chuyên gia ngành Nghiên Cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS) trường Đại học Luân Đôn, trả lời câu hỏi đài RFI nhận định về tương lai quan hệ hai bên bờ eo biển trong bốn năm tới sẽ không mấy gì sáng sủa hơn so với bốn năm vừa qua.
« Trong bốn năm tới chúng ta sẽ chứng kiến một sự tiếp nối nếu không muốn nói là xuống cấp trong mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc, vốn dĩ đã rất căng thẳng. Đài Loan là một ví dụ điển hình cho thấy làm thế nào một đất nước dân chủ, về văn hóa và chủ yếu là người Hoa, đã xử lý tốt cuộc khủng hoảng Covid-19.
Đây chính là một sự tương phản rõ nét trước sự bất lực của Trung Quốc hồi đầu mùa dịch. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, rõ ràng tỏ ra khó chịu và tức giận, chắc chắn sẽ không tha thứ cho Thái Anh Văn về việc đã chống dịch thành công và tái đắc cử trên cơ sở một cương lĩnh không chấp nhận quan điểm của Trung Quốc về Đài Loan ».
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc : Vẫn tăng cho dù khủng hoảng kinh tế.
Khóa họp Quốc Hội thường niên của Trung Quốc ngày 22/05/2020, sau hơn hai tháng rưỡi bị trễ vì dịch bệnh Covid-19 đã tập trung mọi sự chú ý của giới quan sát. Lần đầu tiên Trung Quốc không thông báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế như thông lệ. Ngược lại, Bắc Kinh cho biết duy trì mức tăng ngân sách quốc phòng ở mức 6,6%.
Theo nhận định của ông Mathieu Duchâtel, giám đốc chương trình châu Á, Viện Montaigne với đài RFI, bất chấp bối cảnh kinh tế khó khăn, công cuộc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc vẫn được tiếp tục.
« Những năm gần đây, mối tương quan giữa ngân sách quốc phòng và tăng trưởng kinh tế là khá mạnh. Thường thì tăng trưởng kinh tế thấp hơn mức tăng quốc phòng một điểm. Ví dụ như trong năm 2019, mức tăng chính thức cho quốc phòng là 7,5%, trong khi tăng trưởng kinh tế là 6,5%.
Năm nay, chúng tôi vẫn chưa có số liệu về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng có thể dự đoán bởi vì Ngân hàng Thế giới đưa ra con số là -3%, nhưng con số này có thể còn tệ hơn nữa. Tín hiệu mà Trung Quốc muốn đưa ra là quốc phòng vẫn là yếu tố được bảo đảm, tránh không bị tác động của khủng hoảng kinh tế, tiếp tục được tăng cường, đồng thời gởi đến quốc tế một tín hiệu về sức mạnh và ổn định. »
Hồng Kông : Quy chế « Một quốc gia, Hai chế độ » đã chấm dứt ?
Đỉnh điểm thời sự tháng Năm là cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông lại trỗi dậy, với việc Trung Quốc thông qua Luật An ninh Quốc gia mới. Đạo luật nghiêm cấm và trừng phạt mọi hành vi « phản bội, ly khai, phản loạn, và lật đổ » chế độ sẽ được áp đặt với Hồng Kông. Người dân đặc khu hành chính lên án đây là một biện pháp bóp nghẹt « các quyền tự do ». Hoa Kỳ lập tức phản ứng dọa rút « quy chế ưu đãi thương mại » đối với Hồng Kông.
Trên đài RFI, ông Jean-Philippe Béja, giám đốc nghiên cứu thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia Pháp, chuyên gia về chính trị Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đã « thất hứa » với chính những cam kết của mình đưa ra vào thời điểm Anh Quốc nhượng địa.
« Đây là một sự thay đổi sâu rộng đến mức người ta không khỏi nghi ngờ việc gìn giữ công thức “Một nhà nước, Hai chế độ”. Luật Cơ Bản – một dạng Hiến pháp của Hồng Kông ghi rất rõ là Luật quốc gia, tức là luật của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không thể áp dụng ở Hồng Kông ngoại trừ các lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng. Luật an ninh vùa được thông qua chẳng liên quan gì đến ngoại giao cũng như quốc phòng cả. Hơn nữa, lúc đầu, chính quyền Hồng Kông từng nói là không thể sửa đổi Luật Cơ Bản Hồng Kông trong một sớm một chiều, thế rồi chỉ trong một đợt nghỉ cuối tuần, họ đã thay đổi ý kiến.
Việc thông qua dự luật về an ninh cho thấy là Bắc Kinh hoàn toàn coi thường những cam kết mà họ đã đưa ra vào năm 1984 và năm 1990 khi thiết lập Luật Cơ Bản và muốn áp đặt đạo luật này ở Hồng Kông vì Trung Quốc hiểu rõ là người dân Hồng Kông đang đứng dậy chống lại mọi hành động can thiệp của Bắc Kinh. Và nhất là chính quyền Hồng Kông hiện nay tuân theo lệnh của Bắc Kinh, đã hoàn toàn bất lực không làm được bất kể điều gì để có được ảnh hưởng đối với xã hội Hồng Kông. »

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?